Register
Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 10 of 13
  1. #1
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    ____ Episodic Memory


    Hôm nay, Xxg mở ra góc nhỏ này để ghi lại những kỷ niệm vui buồn, những sự việc khó quên đã một lần đi qua đời mình... Những gì "đã một lần" và sẽ mãi mãi nằm trong hộc tủ ký ức của cuộc đời.

    __o0o__

    1 ."Những Hạt Mưa Đời” ...

    (Đăng lại và viết tiếp, theo lời yêu cầu từ nhỏ em gái BK9Nut, một hậu duệ của QLVNCH và cũng là một hội viên rất hiền, rất dễ thương của diễn đàn Đặc Trưng).

    8-9 tuổi...

    __ Nhà Chú, Thím ở đường Lê Thánh Tôn, cũng không xa nhà mình là bao. Có một khoảng thời gian dài, vì công ăn việc làm, hai ông bà phải đi xa nhiều nên gửi 3 tên quý tử “mái hiên” của ông bà (sinh năm một, ba thằng đứng gần nhau trông như cái mái hiên vậy) qua sống bên nhà mình. Mỗi sáng, khi bọn tiểu yêu xách cặp-táp dắt nhau đi học, Mẹ không bao giờ cho tiền chúng ăn quà vặt. Thế, nhưng đứa nào, kể cả mấy tên con trai của Chú & Cậu cũng đều có một chàng heo ống rủng rỉnh tiền trong đó vì mỗi tháng hễ tên nào mang bảng danh dự về để Mẹ bỏ vô album hình của gia đình thì sẽ được Mẹ đổi cho một "tờ" - tuỳ theo hạng nhất, nhì, ba. Trự nào học giỏi, nộp bảng danh dự hạng nhất, sẽ được Mẹ thưởng cho tờ màu xanh có hình Đức Thánh Trần ($500) để ăn quà vặt & mua đồ chơi suốt tháng.

    Nếu tính theo đám con trai trong nhà thì mình là đứa lớn nhất, lại có nhiều tiền nhất, nên chiều Thứ Sáu nào mình cũng canh giờ sách vừa in xong (giao đến tiệm) là mình chạy một mạch ra Khai Trí để mua tiếp số tới của những quyển truyện hình Lữ Hân-Phi Lục, Xì-Trum, Tin-Tin, T & K ... do tủ Sách Vàng (có logo con mèo) xuất bản - mang về cho anh em trong nhà cùng đọc.

    Một lần, vừa ôm chồng truyện hình mới tinh (còn thơm mùi mực) bước vào cổng thì mấy thằng em con Cậu, con Chú phóng ra giành giựt nhau đòi xem trước, rách mất đi vài trang của 2 quyển truyện hình. Mình giận ghê lắm, muốn thọi cho mỗi thằng một loi bõ ghét nhưng không dám vì Mẹ cấm đánh em...

    Tịch thu lại hết mớ truyện hình vừa mua về, cúi xuống lượm lên những trang bị rách đang nằm rải rác, mình làm thinh ôm tất cả lên phòng. Chả cho thằng khỉ nào xem nữa... Ghét! Không biết vì "mặc cảm tội lỗi" hay còn muốn "vớt vát" để coi truyện ké, tên Kiệt (con trai trưởng của Cậu) lon ton chạy lên cầu thang theo mình, cười mơn.

    Lấy cuộn băng keo ra, mình ngồi bệt dưới sàn gạch bông, lọ mọ xếp theo thứ tự từng trang để dán lại. Khi thấy những trang sách mới tinh bị nhăn nheo, rách tả tơi, mình tức quá, đưa tay quẹt mũi... "khịt, khịt." Cậu đang trong thời gian về phép, bước ngang phòng thấy 2 thằng nhỏ lọ mọ dưới sàn - thằng lớn thì "hic hic" mũi. Cậu hỏi: "Vinh, sao khóc vậy con?" Nghe Cậu hỏi, dằn hết được, mình khóc ra tiếng. Vừa khóc vừa méc Cậu: "Con mới mua về, tụi nó giành nhau, rách hết truyện của con rồi... Con muốn đánh tụi nó mà sợ bị Mẹ phạt đòn.. Hu,hu..." Cậu xoa đầu, bảo: "Con nghe Cậu này: là con trai, đừng bao giờ khóc. Con gọi tụi nó lên đây, bắt tụi nó phải dán lại cho con. Nhớ, từ rày về sau, đừng bao giờ khóc nghe chưa." Tên Kiệt nghe Bố nói thế, còn cả gan thò tay qua vỗ vỗ vai mình (cứ làm như là hắn vô tội vậy).

    Từ đó về sau, cho dù có bị đòn oan vì mấy thằng trời đánh làm bể bình bông đồ sứ của Mẹ; đá/chọi banh bể kính cửa; phá hư TV; phá hư dàn máy Akai.... hay có tức đám tiểu yêu đến thế nào thì mình cũng không bao giờ khóc nữa.

    Cho đến một ngày ...
    __o0o__

    11 tuổi...

    Chiều hôm đó, bầu trời cũng u ám như những bước đường tương lai trước mặt của anh em nhà mình...

    Ngồi theo đoàn xe lam, cùng người lớn ra nghĩa trang mà đầu óc mình trống rỗng... Hình như bộ óc non nớt của một đứa con nít không thể nào chấp nhận được những biến chuyển quá đột ngột của cuộc đời và nỗi mất mát to lớn này. Was my mind still in a "state of denial?" Yes, it was... Definitely was...

    Nhìn thằng em trong bộ tang phục đang ôm chặt di ảnh của cha trước ngực khóc nức nở, mình đứng kế bên cũng muốn khóc theo lắm nhưng vẫn cắn môi, cố không để rơi xuống một giọt nước mắt nào... Lúc người lớn chuẩn bị làm lễ hạ huyệt, thấy mẹ (mang bụng bầu) đầu quấn khăn tang đang vật vã bên hòm cha, nó càng khóc lớn hơn. Bước sát vào choàng vai em, mình nói với nó: "Kiệt, đừng khóc nữa em. Bố dạy, là con trai mình không được khóc..."

    ...... Trời bỗng đổ mưa ....

    Những hạt mưa trái mùa như đồng loã với nỗi đau đang cố dằn nén từ mấy ngày nay của một đứa con nít...

    Ngước lên nhìn trời, rồi nhìn xuống huyệt Cậu, mặc cho hai hàng nước mắt đang tuôn, hoà lẫn với nước mưa, mình nói nhỏ "Cậu ơi, con không có khóc đâu nha... Tại trời mưa đó...."

    .... Mưa...

    __o0o__
    Last edited by XXG; 02-07-2019 at 01:35 PM.

  2. #2
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    _ Hôm nọ, khi mở lại “Những Hạt Mưa Đời” để viết tiếp, mình có bảo rằng:

    Quote Originally Posted by Xxg
    Đăng lại và viết tiếp, theo lời yêu cầu từ nhỏ em gái BK9Nut, một hậu duệ của QLVNCH và cũng là một hội viên rất hiền, rất dễ thương của diễn đàn Đặc Trưng.
    Sự thật là nếu nhỏ em hiền khô & Sáo Em (HX) không nhắc về “Những Hạt Mưa Đời” thì mình cũng chẳng nhớ là cách đây 2 năm mình đã từng đăng qua 2 đoản văn bên trên (nhưng chưa đăng thêm những bài kế tiếp). Hôm nay, cũng chỉ còn hơn một tháng nữa là lại đến ngày “30/4,” mình mang “Những Tờ Thư Cũ” về đây để giới thiệu đến ACE giọng đọc hiền khô của nhỏ em gái BK mà mình đã nhắc đến bên trên.


    _ Nhân tiện, Xxg cũng muốn nói lời cảm ơn đến một người bạn/người anh. Clip thâu âm này (đã đóng góp trong “chương trình Tưởng Niệm 30/4/2017”) sẽ không thể nào hiện hữu và âm thanh cũng sẽ không được hay, được rõ ràng như vậy nếu không nhờ công sức của anh ấy đã hy sinh rất nhiều thời gian & sức khoẻ vì việc chung cho gia đình Cờ Vàng.

    Hôm nào rảnh rỗi, Xxg sẽ (từ từ) kể lại “đoạn đường chiến binh” về Chương Trình này và đặc biệt là clip thâu âm [“trầy vi tróc vảy” bị ngắt nhéo tưng bừng] dưới đây...





    Âm Thanh & Poster: Triển
    Tác Giả: Mẹ & Kim
    Trình Bày: Kim & Xxg

    ______Mời ACE bấm vào đây để nghe.
    Last edited by XXG; 02-18-2019 at 07:36 AM. Reason: Typo

  3. #3
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    Vài năm trước, trong một lần ghé vào trang nhà của những Chú, Bác Cựu Quân Nhân thuộc binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến QL/VNCH, tôi đã tình cờ đọc được truyện ngắn “MXTĐ Torkham” của chú Minh Đạo & Nguyễn Thạch Hãn. Đã gần đến ngày sinh nhật của thằng em, và cũng đang còn trong không khí Tết, tôi xin được đăng lại truyện ngắn này, như một món quà nhỏ để thân tặng hai người em trai Kiệt & Luân...

    __ Being a Marine is a lifestyle - a mindset. And, for that reason "Once a Marine, always a Marine."

    “Semper Fi" (Semper fidelis) to my 2 homies!!!

    ______o0o______



    MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH TORKHAM

    (Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn)


    Tôi ngồi trong vọng gác của đài quan sát trên đỉnh Torkham, đưa viễn vọng kính từ trái qua phải nhìn xuống vùng đồi núi thấp phía trước. Trong tầm mắt, dưới chân những rặng núi trùng điệp là vùng thung lũng Jalalabad, con sông Kameh chảy ngang qua êm đềm. Mùa xuân trời còn hơi lạnh, nắng vàng trải đều trên toàn vùng thung lũng. Thấp thoáng những mái nhà ẩn hiện hai bên bờ sông; vài đàn thú gặm cỏ thong thả trên cánh đồng xanh mướt. Thật là một khung cảnh bình yên và đẹp mắt. Xa xa, phía bên kia dãy núi trùng điệp là biên giới Pakistan. Từ đài quan sát, ta có thể nhìn rõ và kiểm soát được quốc lộ số 1, con đường nối liền hai quốc gia đã có từ hàng ngàn năm trước, với bao nhiêu diễn biến lịch sử tranh chấp. Từ con đường đó, hướng về phía Tây sẽ đến Kabul thủ đô của Afghanistan; về phía Đông, sẽ đến cửa ải Khyber Pass biên giới Pakistan; nối liền với quốc lộ số 5 sẽ dẫn đến Peshawar rồi thẳng mãi đến Islamabad thủ đô của Pakistan. Peshawar là một tỉnh phía tây của Pakistan. Nơi, đã một thời bị quân Taliban chiếm giữ. Vùng núi này phiến quân hoạt động rất mạnh, chúng thường tấn công chớp nhoáng rồi rút về phía bên kia biên giới hoặc ẩn nấp trong các hang động chằng chịt của dãy núi đá trước mặt. Những bộ lạc người Pakistan hầu hết đều ủng hộ đám phiến quân, cho nên chính phủ Pakistan cũng khó mà tiêu diệt được chúng.

    Lữ Đoàn 5 TQLC Hoa Kỳ có nhiệm vụ làm nút chặn để bảo vệ quốc lộ 1, tìm kiếm và tiêu diệt đám phiến quân Taliban xâm nhập từ bên kia biên giới. Đài quan sát này là một trong nhiều đài quan sát mà Lữ Đoàn thiết lập, do bộ chỉ huy tiểu đoàn 3 trấn giữ, được vây quanh bởi một bức tường bao cát với mấy lớp kẽm gai, hầm hố tương đối chắc chắn. Ngoài ra, còn có một pháo đội yểm trợ cho tiểu đoàn. Tuy vùng đồi núi bề ngoài rất yên bình nhưng có thể nổi lên những cơn bão táp vào bất cứ lúc nào.

    Căn cứ được tiếp tế thực phẩm và đạn dược bằng trực thăng kể cả nước uống. Đám TQLC ở đây cũng chẳng khác những đội kỵ binh theo bảo vệ tuyến đường rầy xe lửa miền Viễn Tây trong những năm 1800’s của Mỹ thời lập quốc, khi mà chiến quân Da Đỏ luôn lẩn quẩn chung quanh, chờ cơ hội để tấn công với một quân số đông gấp bội.

    Giữa hai ngọn núi bên kia là vùng đất của lãnh chúa Haqqani, ông ấy đã từng nhận vũ khí của CIA để đánh đuổi người Nga trước kia. Các con của Haqqani bây giờ ngã về phía phiến quân để chống lại quân đội Mỹ. Họ có những bộ lạc vùng biên giới theo ủng hộ và làm đủ thứ tội ác, từ trồng & buôn bán á phiện đến bắt cóc tống tiền, đặt bom khủng bố, hủy hoại đường xá, bắn giết người tùy tiện. Ngoài phiến quân Taliban ra, họ còn mướn thêm các tay súng đánh thuê từ Phi Châu, Pakistan và các nước Ả Rập, trả lương rất hậu hĩ. Đã nhiều lần đám phiến quân kéo về, pháo kích và tấn công vào căn cứ đài quan sát nhưng kế hoạch của chúng đều thất bại và bị thiệt hại nặng nề. Vũ khí và kỹ thuật chiến đấu đã khác rất xa thời chiến tranh VN, du kích chiến đã không còn hiệu nghiệm nữa. Ngược lại, tuy rằng TQLC Mỹ biết Haqqani và các con của ông đang làm gì và ở đâu, phía bên kia biên giới nhưng vì luật pháp quốc tế, TQLC không thể trực diện tấn công ông ta. Họ có căn cứ huấn luyện tân binh, làm bom và tàng trữ vũ khí, có cả những nông trại trồng trọt và nuôi gia súc, hệt như đám Cộng Sản bên kia biên giới Lào Việt hay Miên Việt trong thời chiến tranh Việt Nam.

    Nhiệm vụ của TQLC là bằng mọi giá phải ngăn chặn đám phiến quân, không để chúng xâm nhập vào vùng thung lũng và tìm cách tiêu diệt chúng cho đến khi nào chúng chịu từ bỏ võ khí để sống hòa bình dưới sự kiểm soát của chính phủ hợp pháp Afghanistan. Nhiệm vụ thật khó khăn, trừ khi Pakistan chịu hợp tác càn quét đám phiến quân bên kia biên giới. Đôi khi máy bay không người lái "Predator Drone" cũng lén vượt không phận, tấn công căn cứ của chúng, và chính phủ Pakistan cũng chỉ phản đối lấy lệ để tiếp tục nhận viện trợ của Mỹ.

    Mỗi ngày, hai đại đội của tiểu đoàn 3 chia nhau đi hành quân lục soát và phục kích, còn hai đại đội và trung đội súng cối ở lại bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Đôi khi, cả tiểu đoàn được trực thăng vận hành quân lục soát sát vùng biên giới.

    Hôm nay đại đôi “Kilo” được lệnh di hành về bên trái của căn cứ, lục soát hai bên con đường mòn dẫn lên ngọn đồi trọc, vì từ con đường đó, phiến quân có thể leo lên tấn công đài quan sát. Đại đội tập họp chuẩn bị di hành. Tôi đến bên Tom, thằng bạn nối khố từ thời trung học, vỗ vai dặn dò bạn:

    - Mày nhớ giữ liên lạc đều với tao nhé, tao sẽ trực trong phòng hành quân đêm nay để theo dõi đại đội của mày. “Big Boy” cũng có vẻ quan tâm buổi di hành hôm nay lắm đó.

    “Big Boy” là biệt danh của vị Tiểu Đoàn Trưởng do các anh em TQLC đặt cho ông. Tôi là hiệu thính viên của Tiểu Đoàn, thằng Tom là hiệu thính viên của đại đội. Hai đứa chúng tôi có nhiệm vụ giữ hệ thống liên lạc giữa Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và Đại Đội “Kilo”. Hắn nhăn mặt:

    - Mày làm gì mà rối lên thế, đêm nay thì cũng như bao đêm khác thôi, mất một đêm không ngủ, mai ngủ bù chứ có gì phải lo.

    Tôi nghiêm mặt:

    - Tao thấy “Big Boy” có vẻ đăm chiêu từ sáng tới giờ, chắc ông ấy nhận được tin tình báo gì đó mà chúng ta không biết.

    Đại Úy Lê , Đại Đội Trưởng đại đội “Kilo” nhìn vào bản đồ hành quân, rồi chỉ về phía con đường đất dốc bên trái dẫn ra khu rừng thưa, nói với đám sĩ quan đại đội:

    - Robert, anh dẫn "gia đình" anh xuống làm ăn ở con đường mòn “Goat Trail”, con đường nhỏ xíu đâm nghiêng về bên trái khu đồi trọc đó, anh thấy không?

    Robert trả lời khẳng định:

    - Tôi thấy rõ, Đại Úy.

    - Reggy, anh dẫn mấy thằng nhỏ phục kích xa về phía phải sườn đồi. Paul, anh và mấy đứa em của anh nằm sát hai bên con đường mòn dẫn lên đồi. Robert và Reggy sẽ bảo vệ cạnh sườn trái và phải cho anh. Tony, anh và mấy thằng em của anh theo tôi canh chừng mặt sau và làm trừ bị cho đại đội. Lữ Đoàn được mật báo rằng một nhóm đông phiến quân đã vượt qua biên giới, đang lẩn quất đâu đây. Nội ngày mai sẽ có cuộc lục soát lớn của Lữ Đoàn. Tôi có linh tính là tối nay chúng sẽ về khu rừng thưa và theo con đường mòn leo lên đây. Nếu 1 trong 3 toán có đụng độ nặng, tùy theo tình hình, tôi sẽ ra lệnh tăng cường hoặc thu gọn lại tuyến phòng thủ để có hỏa lực hùng hậu hơn. Các cậu hiểu rõ chưa? Nhớ dặn mấy mấy đứa nhỏ chỉ khi nào thấy rõ mới nổ súng, đừng bắn bậy bạ khi không cần thiết. Phải tuyệt đối giữ yên lặng.

    Tất cả đều đồng ý, Đại Úy Lê nói tiếp:

    - Tiểu đoàn sẽ yểm trợ chúng ta nếu cần. Toạ độ tác xạ tiên liệu cũng như vị trí đóng quân, tôi sẽ chuyển về tiểu đoàn để thông báo cho căn cứ hỏa lực và Lữ Đoàn. Như thường lệ chúng ta sẽ có 3 phi vụ "Apache helicopters" sẵn sàng can thiệp, nếu được yêu cầu. Nhớ dặn con cái mặc áo giáp và mang kính hồng ngoại tuyến đàng hoàng, đó là lợi điểm duy nhất của chúng ta khi chiến đấu trong đêm tối. Các cậu có điều gì thắc mắc không?

    Đại Úy Lê ngừng lại một chút, nhìn một vòng đám sĩ quan dưới quyền, không thấy ai lên tiếng, anh ra lệnh:

    - Thôi, chúng ta chuẩn bị đi cho sớm để đến kịp điểm hẹn tối nay, lục soát kỹ càng và cho anh em đào hầm hố cẩn thận.

    Đại Úy Lê là một vị chỉ huy can đảm, thông minh và giàu kinh nghiệm, cho nên rất được lòng vị Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT). Mỗi khi có nhiệm vụ khó khăn, "Big Boy" đều giao cho ông ta, và hôm nay cũng không ngoại lệ. Từ sáng sớm, TĐT nhận được tin tình báo của Lữ Đoàn đưa xuống, nên vội vã họp các Đại Đội Trưởng dưới quyền để tìm phương pháp đối phó.

    Căn cứ nằm trên một đỉnh cao, phía sau là sườn núi dốc thẳng đứng cũng đỡ một mặt phòng thủ. Hai đại đội ra phục kích bên trái và phải vừa làm tiền đồn cho căn cứ, phần còn lại sẽ tập trung hỏa lực phía chính diện. Nếu phiến quân lọt vào một trong hai ổ phục kích, căn cứ sẽ không bị áp lực và có thể yểm trợ tối đa để tiêu diệt địch quân. Pháo đội chia làm hai, hướng súng về phía điểm phục kích để sẵn sàng yểm trợ khi được yêu cầu trong vòng 2 hay 3 phút. Những viên đạn đại bác đầu tiên sẽ là yếu tố quyết định cho trận đánh đêm nay, nếu xảy ra. Đoàn quân ra đi trong im lặng. Tôi nhìn theo cho đến khi tất cả đều khuất hẳn sau những lùm cây rậm rạp.

    ***

    Bỗng nhiên, tôi chợt thấy buồn buồn và hoang mang trong lòng, điềm gì đây? Thêm một mùa xuân nữa xa gia đình, bây giờ tôi mới hiểu được vì sao Ba đã khóc mỗi khi nghe bản nhạc “Xuân Này Con Không Về."

    Những năm tháng của thời thơ ấu trên đất Mỹ trôi qua êm đềm. Năm nào, cả gia đình tôi cũng đi lễ Phật ở hầu hết các chùa trong thành phố Houston vào dịp đầu năm, kể cả những Chùa của người Hoa như chùa Ông Bổn, Chùa Bà, Chùa Quan Thánh, Chùa Ngọc Thạch vv…."Phải đi đủ 10 chùa" Mẹ tôi nói thế. Đó là thông lệ hằng năm truyền lại từ Bà Ngoại. Tôi và thằng Tom luôn nôn nao chờ đến dịp Tết để dẫn Linda, bạn học cùng lớp của hai đứa, đi hội chợ Tết ở các chùa và nhà thờ Việt Nam cho đến tận khuya, trong mấy ngày cuối tuần (hai tuần lễ liên tiếp). Đó là những ngày vui chơi hồn nhiên và thoải mái của tuổi trẻ chúng tôi.

    Thằng Tom và con Linda có đầy nhóc tiền lì xì từ Ba Mẹ, Cậu Mợ, Chú Thím, cho nên mỗi khi gặp người lớn, chúng đều cố gắng nói “Cúc mùn nam mái” nghĩa là "Happy New Year." Chúng chả cần biết là mình phát âm có đúng tiếng Việt không, miễn có tiền lì xì nhiều là tụi nó thích chí tử thôi. Hai đứa Mỹ Con này mê Tết Nguyên Đán của Việt Nam hơn New Year Mỹ nhiều, vì vừa được đi chơi mà lại có tiền lì xì. “Mỹ chẳng có tập tục hay như thế!” hai đứa nó thủ thỉ với tôi và cười khúc khích, tôi cũng đồng ý. Chúng rất thích đi coi đốt pháo và múa Lân ở mấy "shopping malls" của người Việt và người Hoa trong thành phố Houston. Đêm giao thừa, thằng Tom và tôi theo Ba cúng bàn thờ Tổ Tiên. Sau nửa đêm, tụi tôi mở cửa trước đi về hướng Nam một đỗi rồi mới trở về "xông đất" vì Mẹ tin là mạng của tôi "xông đất" rất hên. Hai đứa mừng tuổi Ba Mẹ, rồi cả nhà lên xe đi lễ Giao Thừa ở Chùa Việt Nam, ngôi chùa lớn nhất Houston.

    Thằng Tom mê ngôi chùa này lắm. Nó cũng bắt chước tôi thắp nhang lạy Phật và cầu nguyện như một Phật Tử thuần hành. Nó thích nhất là tượng Đức Phật Di Lặc được tạc theo hình ảnh của Bố Đại Hòa Thượng với nụ cười tươi và cái bụng phệ nhìn vô chỉ muốn xoa một phát. "Nụ cười cởi mở xuề xòa đó mang lại hạnh phúc và may mắn cho chúng sanh. Cái bụng phệ bao dung của Ngài biểu hiện cho lòng nhân ái từ bi vô lượng" thầy Trụ Trì bảo thế. Ba tôi nói ngày đầu năm Âm Lịch cũng là ngày vía của Ngài, cho nên, khi ta cầu xin Ngài những điều tốt lành, Ngài sẽ ban cho. Thằng Tom tin lắm, nên nó đảnh lễ và cầu nguyện rất trang nghiêm, thành khẩn.

    Theo tôi biết, thì tên của Đức Phật Di Lặc (Maitreya) xuất xứ từ Phạn ngữ “Maitri” có nghĩa là “Từ Bi." Khi Đức Thích Ca đã thành đạo không còn ở dương gian nữa, Chúng Sinh bơ vơ khổ ải, nên Ngài Di Lặc động lòng từ bi, hóa thân thành Bố Đại Hòa Thượng để dạy Chúng Sinh thực hành hạnh nhân ái, cứu nạn cứu khổ, mang hạnh phúc hoan lạc đến nhân gian.

    ***

    Mặt trời chiều vừa khuất sau rặng núi, đại đội "Kilo" cũng tới điểm hẹn. Các trung đội lục soát vùng trách nhiệm của mình, đào hầm hố xong xuôi, họ mang lương khô ra ăn. Màn đêm phủ xuống, che hẳn đám lính cọp TQLC đang núp trong các lùm cây rậm rạp, dưới hố cá nhân, rình mồi. Cảnh vật thật yên tĩnh, cả tiếng kêu của côn trùng cũng không có.

    Gần nửa khuya, giữa lúc đàn cọp biển ăn đêm tưởng rằng sẽ chẳng có gì xảy ra; bỗng đâu, cuối đường mòn hiện ra đám tiền thám của phiến quân đang chậm chạp đi vào ổ phục kích, cả thảy có 7 tên. Mọi người đều nhìn thấy qua kính hồng ngoại tuyến. Tay họ đặt trên cò súng, nín thở và chờ tiếng súng lệnh của Paul. Những giây phút chờ đợi căng thẳng như sợi dây cung kéo hết mức. Chỉ trong vài giây, cả 7 tên phiến quân đã bị hạ bởi những khẩu súng có gắn ống hãm thanh. Paul báo cho Đại Úy Lê mọi diễn tiến và chờ đợi. Khoảng 20 phút sau, một hàng dài địch quân tiến vào điểm phục kích. Những tên đi đầu bị hạ tại chỗ, phần còn lại phân tán mỏng thành hàng ngang và bắt đầu phản công. Chúng kéo đến càng lúc càng đông; đồng loạt xung phong tới. Chúng muốn dùng chiến thuật "biển người" nhất định tràn lên phòng tuyến của Paul, hết đợt này đến đợt khác, hàng hàng lớp lớp ngã xuống chúng vẫn la hét tiến lên, mặc cho tiếng đại bác yểm trợ từ căn cứ vẫn nổ đều trên trận tuyến địch quân. Để tránh bị tiêu diệt bởi pháo binh, chúng liều mạng bám sát vào phòng tuyến TQLC. Xác địch quân nằm la liệt trên chiến trường, có những xác chỉ cách hố cá nhân của TQLC vài bước. Mìn chống "biển người", súng cối, đại bác, phóng lựu, đại liên, M4, "Rapid-Fire SAW" nổ vang rền bên sườn đồi. Đại Úy Lê ra lệnh hai cánh quân của Robert và Reggy rút lại gần về phía Paul. Những cây đại liên và súng phóng lựu từ 2 bên cánh trái và phải bắn đan xéo vào nhau về phía địch quân. Bộ chỉ huy đại đội và Trung đội của Tony bò lên tiếp ứng.

    Tôi ngồi theo dõi trận chiến trong Trung Tâm Hành Quân của tiểu đoàn cùng với “Big Boy” và toàn ban tham mưu tiểu đoàn, trong lòng hồi hộp vô cùng. Tôi liên lạc thường xuyên với Tom để nhận báo cáo tình hình chiến trường cho Tiểu Đoàn Trưởng. Những tiếng súng nổ xen lẫn tiếng la hét của địch quân nghe rõ mồn một.

    Tom nói như hét trong máy:

    - ”Tụi nó tràn lên đông quá mày ơi!”

    Bỗng tôi nghe một tiếng nổ chát chúa vang lên trong máy. Tôi cố gọi cho Tom nhưng không nghe tiếng trả lời .... Được khoảng vài phút sau, một giọng lạ báo cáo rằng Tom đã bị thương nặng, đang được băng bó và chuyển lui về phía sau chờ trực thăng tải thương.

    Tiếng súng của địch quân bớt dần rồi im hẳn khi 3 phi tuần "Apache" xung trận, bắn những tràng "rocket" liên tục vào đầu địch. Phiến quân đã rút lui, mấy chiếc "Apache helicopters" tiếp tục săn đuổi hơn một tiếng đồng hồ sau mới trở về căn cứ. Tiếp đó là những phi tuần phản lực thả bom liên tục, nhất định tiêu diệt cho bằng hết đám phiến quân. Chiếc "Predator Drone" cũng được đưa lên vùng, tìm kiếm tàn quân địch để tiêu diệt. Những TQLC bị thương đều được trực thăng chở về bệnh viện dã chiến ở thủ đô Kabul. Riêng Tom, vì bị thương nặng nên được bốc về Quân Y Viện bên Germany.

    ***
    (còn tiếp)

  4. #4
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    (tiếp theo)

    Gia đình Tom và tôi ở Huntsville, một thành phố nhỏ nằm về phía Bắc của Houston với những rừng thông ngút ngàn. Đa số dân chúng sống trong các nông trại bao quanh thành phố. Ở đây, chẳng có một cơ sở kỹ nghệ gì quan trọng ngoại trừ một nhà tù vĩ đại và một trường Đại Học của Tiểu Bang (Trường Sam Houston University). Dân sống ở đó thường nói đùa với đám con nít rằng: "Chỉ có hai con đường đi, một là trường Đại Học, hai là nhà tù, tùy bạn lựa chọn!”

    Tom là một thằng bé nhà quê, mạnh khỏe, to lớn, chất phác. Nó chưa hề biết Mẹ nó là ai. Mỗi khi có ai hỏi về Mẹ, nó tìm cách nói vòng quanh. Nó nghi ngờ là Mẹ nó chán cảnh nhà quê nên đã bỏ ra đi từ khi nó còn rất nhỏ. Ngoài giờ học, thằng nhóc giúp Cha săn sóc đàn bò và mấy con ngựa. Hắn cỡi ngựa thật tài tình chẳng khác gì mấy tay chăn bò trong các phim "Cowboy" miền Viễn Tây. Hai cha con sống cũng tạm đủ. Ông già chỉ có thằng Tom và con chó đen, loại chó săn "retriever" tên là Honey Bear, lúc nào cũng quanh quẩn bên ông. Nhóc không muốn đi xe đưa đón của trường, nên được cha mua cho một chiếc "truck" cũ. Tuy vậy, nhóc vẫn thích cưỡi ngựa hơn cưỡi xe hơi! Hắn mặc cảm mình là dân nhà quê, cho nên hay bị lũ học trò nghịch ngợm chọc phá chế diễu là “Thằng-nhỏ-hôi-mùi-cứt-bò”.

    Mùa hè nghỉ học, tôi và thằng Tom thường đi vào rừng thông, cưa những cây thông chết nằm la liệt trên đất thành từng khúc nhỏ, rồi bổ ra làm củi, chất lên xe "truck" mang về nông trại. Khi mùa Đông đến, chúng tôi chở đầy xe "truck" mang đi bán. Dân nhà quê thích đốt củi trong lò sưởi, vừa thơm mùi gỗ lại vừa rẻ hơn là đốt lò "gas." Mỗi mùa như vậy, chúng tôi kiếm đủ tiền mua quà Giáng Sinh cho Ba Mẹ; còn dư thì bao Linda đi ăn nhà hàng. Mặc dầu là hai đứa con nhà nghèo, nhưng chúng tôi luôn có tiền bạc rủng rỉnh trong túi. Sau này khi ra đời, cảm giác ngồi bên đống lửa sưởi ấm, co ro trong gió lạnh mùa đông, ăn bắp nướng, ngửi mùi thơm của gỗ trong lúc bán củi vẫn còn đọng mãi trong tôi. Đó là những ngày vui vẻ nhất trong đời hai đứa chúng tôi.

    Ba tôi là cựu TQLC Việt Nam. Ông làm thợ sửa xe cho một "dealer" xe gần nhà. Tôi lớn lên bên Mỹ, nên vóc dáng chẳng thua gì mấy thằng Mỹ con. Đánh lộn thì hơn hẳn chúng nó vì tôi có học võ VOVINAM ở Chùa Linh Sơn mỗi cuối tuần. Mẹ nói tính tình tôi ngang tàng chẳng biết sợ ai, giống tính Ba, cho nên mặc dù học cùng lớp với Tom (một thằng nhóc luôn bị học sinh khác phá phách) nhưng lại không có đứa nào dám trêu chọc tôi. Vì trường ở gần nhà nên tôi hay thả bộ đến trường thay vì đi theo xe đưa đón. Một hôm, trên đường về, tôi chợt thấy thằng Tom đang loay hoay với chiếc xe cũ, không cách nào làm cho con ngựa sắt già tiếp tục chạy nữa. Tôi đến giúp hắn một tay nhưng cũng không khá gì hơn, bèn về nhà nhờ Ba đến coi giúp; hóa ra xe chỉ bị nghẹt ống dẫn xăng thôi. Từ đó, ngày nào Tom cũng ghé nhà đón tôi đi học. Cuối tuần, tôi đến nông trại của ba thằng Tom chơi và tập cưỡi ngựa, rồi tôi cũng bắt đầu mê cưỡi ngựa giống nó. Ông già của Tom là dân "country" hiếu khách, hiền lành, ít nói, đối đãi tôi như một đứa con của ông vậy. Thỉnh thoảng, ông lại dẫn hai chúng tôi và con Honey Bear đi săn bắn cuối tuần hay đi cắm trại qua đêm bên bờ hồ Conroe để câu cá. Ông thường đốt củi, nấu ăn ngay trên bờ hồ. Nào là thịt, cá nướng, xúc xích, "hamburger"... Nhưng tôi mê nhất là món “Ham Hock” của ông: đó là món "soup" nhà quê, gồm cẳng heo thui nấu thật nhừ với "bean." Con Honey Bear bao giờ cũng được một bụng no kềnh và chạy nhảy lung tung. Nó thích nhất là được ném cho trái banh "tennis" để chạy đuổi theo, cắn vào miệng và trả lại dưới chân chúng tôi.

    Hai đứa tôi thân thiết nhau không khác gì anh em ruột. Thằng Tom đến chơi nhà tôi cuối tuần cũng được Mẹ đãi những món ăn Việt Nam. Nó mê nhất là món PHỞ và bún thịt nướng, chả giò. Hắn ăn ngấu nghiến chẳng chừa lại chút gì. Mẹ nhìn hai đứa tôi mỗi ngày mỗi lớn bên nhau với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc, cứ như là cả hai đứa tôi đều là con của Bà.

    Lên lớp 11, chúng tôi cùng chơi cho đội "Football" của trường, Tom làm "Quarterback" còn tôi được chỉ định làm "Wide Receiver." Chúng tôi chơi rất ăn ý nhau. Dừng như tôi có thể đọc được ý nghĩ của thằng Tom; nhiều lúc, chỉ cần nhìn ánh mắt của hắn tôi cũng biết là Tom muốn tôi chạy hướng nào để bắt banh; đúng như câu nói “Friendship is one mind in two bodies” (tình bạn như một tâm hồn trong hai thể xác?).

    Tụi tôi rất nổi tiếng trong trường. Được nhiều nữ sinh ngưỡng mộ, trong đó có Linda, người bạn gái học cùng lớp. Linda là "Homecoming Queen" cuả đám diễn hành năm chúng tôi học lớp 12. Trong các cuộc diễn hành, thằng Tom và tôi bao giờ cũng dẫn hàng đầu đội banh, chỉ sau ban nhạc. Nó luôn cười toe toét, rất hãnh diện, và tôi cũng thế.

    Giữa năm lớp 12, đội banh được vào vòng chung kết vùng Đông Nam Texas. Mấy tuần lễ liên tục, toàn đội phải tập tành rất vất vả. Cả thành phố hầu như lên cơn sốt, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán và ủng cho hộ đội banh của trường trong giải vô địch sắp tới. Mọi người đều háo hức. Tờ báo “The Hunsville Item” luôn đăng hình hai chúng tôi trên trang nhất với bao hy vọng là sẽ mang danh dự về cho tỉnh nhà. Nếu thắng trận này, chúng tôi có thể được "lọt vào mắt xanh" của một huấn luyện viên "Football" từ một trường Đại Học nào đó, và món học bổng toàn phần sẽ chắc ăn như bắp!

    Trận đấu "football" sôi nổi ngay từ những phút mở màn. Hai bên thay nhau dẫn đầu, chỉ cách nhau 3 hoặc 4 điểm. Linda ngồi ngay hàng ghế sát sân chơi, đang la ó và dơ hai nắm tay lên trời cổ võ cho đội nhà. Tôi nhìn nàng và nhủ thầm là sẽ cố làm cái "touch down" cuối cùng để có cơ hội tặng trái banh cho nàng. Cuối hiệp thứ tư, chúng tôi có banh trong tay ở "yard" thứ 8 cuối sân đối thủ, và đang bị dẫn trước 4 điểm, còn hơn 1 phút với hai "downs", dư sức để "touch down" và thắng trận đấu. Cả hội trường như lên cơn sốt, những tiếng la cổ võ vang dội. Tôi vừa nghe thằng Tom dứt tiếng la: “hut, hut, hike” là đã chạy thục mạng ngay về cánh trái rồi phóng thẳng xuống cuối sân như tên bắn, một mình một ngựa (wide open). Lúc đó, thằng Tom chỉ việc ném nhẹ banh cho tôi là xong. Vinh quang tột đỉnh đang trong tầm tay. Tôi vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn lại để chờ chụp banh. Tim đập mạnh như trống trận đang xua đoàn kỵ binh lao vào trận địa, rung chuyển mặt đất. Chờ, chờ, ... chờ mãi mà chả thấy banh đâu. Chỉ mấy giây chờ đợi nhưng xem chừng như dài hơn một thế kỷ. Bỗng nhiên, tôi nghe những tiếng gào rung động hội trường của mấy chục ngàn khán giả; quay nhìn lại, tôi thấy thằng Tom trợt chân té xuống đất, trái banh còn lơ lửng trên không đã bị đối thủ bắt được đang chạy ngược về sân nhà.

    ....Thôi, thế là hết! Tiêu tan bao nhiêu hy vọng. Người tính không qua Trời tính, tôi nhủ thầm như vậy....

    Tôi cởi nón an toàn, chạy lại với thằng Tom; hai đứa khóc mùi mẫn, cả đội banh cũng thế. Linda bước tới, dụi mặt vào ngực tôi, vai rung lên từng hồi. Nàng ngước nhìn tôi, mắt đỏ hoe. Đôi môi nàng hé mở và chúng tôi hôn nhau lúc nào không biết, mà cũng chẳng ai quan tâm. Trên đường về, cả đội banh lúc ra đi thì vui như tết, bây giờ lại hoàn toàn im lặng.

    Những ngày sau đó là một chuỗi ngày buồn, dài lê thê. Thằng Tom luôn tự trách mình, rằng nó đã làm mọi người thất vọng vì nó bất tài. Tôi khuyên nhủ hết lời, viện cớ là đâu phải lỗi tại nó, chỉ vì sân cỏ trơn trợt thôi. Đám học trò ngày thường ca tụng chúng tôi hết lời, giờ đây đều xa lánh nó, chỉ còn có hai đứa tôi. Tôi tự nhủ lòng là phải làm một điều gì đó để giúp nó vượt qua cơn mưa lũ. Nó đã mất đi lòng tự tin khi trước và rút dần vào chiếc vỏ sò cô đơn. Tôi cố tìm cách giúp nó đập bể chiếc vỏ sò đó và lấy lại niềm tin. Cuối tuần ấy, Linda rủ hai đứa tôi đi câu bên Lake Livingston. Tôi hy vọng rằng với sự nhí nhảnh và nghịch ngợm của nàng, may ra sẽ giúp được Tom quên đi những muộn phiền trong lòng nó. Và mặc dầu tôi đã cố tránh những cái nhìn tha thiết của người con gái mới lớn nhưng lạ thay, nàng như thỏi sắt nam châm, càng muốn dang xa thì càng bị hút gần lại.

    ***
    Một hôm đi học về, thấy Ba đang cặm cụi sửa xe, chiếc đầu bù xù vất vả của ông đã làm tôi suy nghĩ không ít. Cả đời người cực khổ, một thời vào sinh ra tử ở chiến trường VN. Qua Mỹ, bắt tay vào làm việc nặng nhọc từ những ngày đầu tiên nhưng ông không bao giờ than thở, cũng chưa hề to tiếng với Mẹ hoặc la mắng tôi một lần nào.
    Luôn luôn tặng quà sinh nhật cho tôi và Mẹ; ông là một mẫu người cha lý tưởng trong trái tim bé nhỏ của tôi. Đôi khi, tôi bắt gặp Ba ngồi một mình hút thuốc bên ly cà phê; đôi mắt mơ màng xa xăm như không hề thấy ai đi ngang. Mẹ bảo, đó là lúc ông đang nghĩ về các chiến hữu đã bỏ ông ra đi vĩnh viễn.

    Tôi đã lớn rồi, muốn ghé vai chia bớt gánh nặng với Ba nhưng chẳng biết làm sao. Đồng lương eo hẹp của Ba chỉ tạm đủ để trang trải chi tiêu trong nhà vì Mẹ không đi làm. Nhiều lúc, tôi tự hỏi "Tiền đâu để tôi trả chi phí cho 4 năm Đại Học trước mặt đây?"

    Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi và Tom quyết định đầu quân vào TQLC Hoa Kỳ. Hắn muốn thỏa mộng giang hồ, còn tôi thì chỉ muốn có học bổng để tiếp tục vào Đại Học sau khi giải ngũ.

    Dĩ nhiên là Ba Mẹ tôi phản đối dữ lắm. Tôi thuyết phục Ba Mẹ bằng câu: "Sống chết có số" như Ba tôi vẫn thường nói. Nếu số tôi phải chết sớm thì lái xe trên xa lộ đụng nhau cũng chết vậy. Ngày xưa, Ba đi đánh giặc liên miên nhưng có chết đâu? Còn bây giờ, khi tôi ra trận được mọi người hổ trợ với kỹ thuật và vũ khí tối tân, thì còn lo gì sẽ đánh không thắng. Cuối cùng rồi Ba Mẹ tôi cũng đồng ý. Mẹ cầu nguyện rằng sẽ ăn chay trường cho tới khi tôi giải ngũ về với Mẹ. Tôi thật sự cảm động và hứa với Mẹ là sẽ trở về nguyên vẹn.

    Ngày ra đi, gia đình tôi và Ông Già thằng Tom tiễn chúng tôi ra đến tận phi trường. Mẹ đứng nhìn theo cho tới khi tôi khuất bóng. Chợt nghĩ, rồi đây, sẽ có những đêm Mẹ mất ngủ, tôi bỗng thấy có chút gì hối hận trong lòng.

    Vào đến quân trường, tôi chẳng còn thời gian đâu để suy nghĩ vớ vẩn nữa. Quá trình huấn luyện vất vả hơn tôi tưởng rất nhiều. Ngày ra trường, tôi và thằng Tom được đưa về cùng đơn vị. Thế là chúng tôi lại được ở bên nhau. Ban đầu, lữ đoàn đóng quân bên Đức, thỉnh thoảng tập trận hay theo học các khóa chuyên môn. Thời gian 2 năm tòng quân của tôi sắp sửa trôi qua, chỉ còn vài tháng nữa là xong nhiệm kỳ.... Thế rồi "Biến Cố 9/11" xảy đến. Chúng tôi phải theo Lữ Đoàn nhảy vào tham chiến ở mặt trận Afghanistan từ đó.

    ***


  5. #5
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    (tiếp theo & hết)

    Mãn nhiệm kỳ 2 năm, được nghỉ phép, tôi về nhà thăm Ba Mẹ. Hôm đó, tôi rủ Linda và Mẹ đi thăm Tom. Hắn đã được chuyển về bệnh viện quân đội Brook Army Medical Center ở San Antonio.


    Tôi không ngờ thằng Tom to lớn trước kia bây giờ lại ốm yếu đến nỗi phải nằm bẹp một chỗ như vầy. Nước da nó trắng xanh, nhợt nhạt như một xác chết đang chờ Tử Thần đến rướt đi. Tôi đứng nhìn nó chìm trong giấc ngủ, hơi thở phều phào mà không cầm nổi nước mắt; như chính một phần thân thể của tôi đang chết. Chúng tôi đứng nhìn nó một lúc trong im lặng .... Như có linh tính, nó lim dim mở mắt ra, con ngươi di động nhìn từng người một. Khi đưa mắt tới Linda, nó mỉm cười, tôi đọc được niềm hân hoan trong đó.

    Bất chợt, Tom tìm tay Mẹ tôi, nắm lấy, rồi thốt lên:

    - “Mom, I love you!”


    Có lẽ đó là điều đã muốn nói từ lâu nhưng nó vẫn cất kỹ trong lòng cho đến hôm nay mới nói ra, vì sợ rằng mình sẽ không còn cơ hội nữa. Mẹ như bị sét đánh đúng tim, người bà rũ ra, không đứng nổi, tôi phải đưa tay cho Mẹ vịn. Mẹ cúi xuống, hôn lên trán Tom, nghẹn ngào nói qua ngấn lệ:

    - "I love you too, my son."

    Nó thều thào:

    - Mai mốt con về nhà, Mẹ nhớ nấu “Pho" cho con ăn nha, con thích món đó lắm.

    - Con muốn ăn gì Mẹ cũng nấu cho con.

    Tôi thấy đôi mắt nó nhấp nháy và đục hẳn đi. Mẹ lấy khăn giấy lau mắt cho nó rồi bước ra khỏi phòng. Tôi nghe tiếng Mẹ nấc lên theo từng nhịp chân. Tội nghiệp Mẹ, ngày xưa chắc cũng đã bao lần Mẹ đã khóc như vậy khi Ba bị thương rồi. Con Linda chẳng nói được lời nào nhưng mắt đỏ hoe, đuổi theo Mẹ ra ngoài.

    Có lẽ đây là lần đầu thằng Tom được gọi một người đàn bà là "MẸ." Tiếng Mẹ trìu mến, thiêng liêng mà nó luôn ấp ủ trong tim nhưng chưa bao giờ được thốt lên ngọt ngào như vậy với ai.

    Tôi siết tay thằng Tom như những lần thắng "football", như cố chuyền cho nó một chút sinh khí và nỗi cảm thông. Nó ra dấu muốn nói chuyện riêng với tôi. Tôi bước đến ngồi vào chiếc ghế cạnh giường và ghé sát tai, nghe hắn thì thào:

    - Mày nhớ giữ mạng, trở về đầy đủ nhé.

    Tôi mỉm cười, cố nói một câu đùa cho không khí bớt căng thẳng:

    - Yến chí đi, tao cao số lắm!

    - Mày đừng ỷ y, phải cẩn thận. Mai này giải ngũ, nhớ chăm sóc Linda cho đàng hoàng, nó thương mày lắm...

    - Không được đâu, Mẹ chỉ muốn có con dâu Việt Nam thôi.

    - Tao thấy Mẹ và con Linda thân thiện lắm mà.

    - Nói vậy chứ Ba tao khó tính lắm. Hai người đã hy sinh cho tao nhiều rồi, tao không muốn làm Ba Mẹ buồn, mày hiểu không?

    - Tao hiểu...

    Nó chỉ chịu đựng được đến đó là mệt lắm rồi, chẳng bao lâu lại chìm vào giấc ngủ.

    Trên đường về, mỗi người chúng tôi đều theo đuổi một ý nghĩ riêng, chẳng ai nói ra một lời. Tôi biết từ lâu Tom cũng thương con Linda như tôi. Có điều, hai đứa tôi cùng hiểu nhưng chẳng ai nói ra. Đúng như Elbert Hubard đã từng nói:"Your friend is the man who knows all about you, and still likes you.”

    ***

    Tôi xin tái ngũ thêm một nhiệm kỳ hai năm nữa; lần này xin được thuyên chuyển về Marine Heavy Helicopter Squadron (thuộc Phi Đoàn Tìm Kiếm Và Giải Cứu). Sau thời gian huấn luyện, tôi trở lại chiến trường Afghanistan trong toán "CH-53D Sea Stallion Helicopter" và được thăng cấp Trung Sĩ. Ngoài đám Sĩ Quan ra, tôi là người thâm niên và nhiều kinh nghiệm chiến trường nhất. Nhìn mấy tân binh dưới quyền mình lớ ngớ, tôi thấy thương họ, và cảm nhận được trách nhiệm đang đè nặng trên vai mình. Tôi nhủ lòng, là sẽ cố làm sao cho tất cả đều trở về đầy đủ sau mỗi phi vụ.

    Tôi cũng chẳng còn bạn bè thân nào nữa để vui chơi và tâm sự. Những tuần đầu tái ngũ, tôi nhận được thư của Linda rất thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng, tôi mới trả lời một cách nhạt nhẽo, viện cớ là bận hành quân. Tôi cất những lá thơ của nàng chung với thư của Ba Mẹ, thỉnh thoảng mới lấy ra đọc từng chữ một, lòng nao nao đầy ắp yêu thương. Tôi muốn nói thật với nàng bằng trái tim tan vỡ của tôi là một nửa lòng tôi đang chết, một nửa đang quằn quại vì thương nhớ nàng. Nhưng tôi biết Tom đang cần nàng hơn tôi.

    Thư Linda viết cho tôi thưa thớt dần cho đến cuối năm đầu của nhiệm kỳ tái ngũ thì ngưng hẳn.

    Tom đã được xuất viện và giải ngũ với “Chiến Thương Bội Tinh”. Hắn trở về sống với cha. Mỗi lần về phép, tôi đều ở lại nông trại chơi với Tom, cỡi ngựa và tập chăn bò. Hắn có thể đi lại chút đỉnh với đôi nạng gỗ rồi. Và mỗi tuần đều phải đến "clinic" để tập đi như trẻ con mới lớn. Mặc dầu còn yếu ớt lắm, nhưng ít ra thì Tom đã thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần. Linda đang học ở xa, theo đuổi văn bằng Bác Sĩ Thú Y. Nàng có về thăm Tom thường xuyên, thỉnh thoảng cũng ghé thăm Mẹ và hỏi về tôi.

    ***
    Cuối cùng, thì tôi cũng được giải ngũ, lành lặn trở về với Ba Mẹ và ghi danh học tại UT (University of Texas at Austin) rồi UTMB (University of Texas Medical Branch at Galveston). Tôi muốn trở thành một Physical Therapist để mai sau làm trong các bệnh viện quân đội hay mở phòng mạch tư giúp đỡ cho các thương phế binh. Tôi biếu Mẹ tất cả số tiền dành dụm được trong 4 năm quân ngũ để Mẹ làm tiền đặt cọc mua căn nhà đầu tiên của gia đình.

    ***
    Kể từ ngày Tom bị thương trên đỉnh Torkham đến nay đã qua hơn 10 mùa xuân. Thằng Tom ốm yếu, nay đã khỏe mạnh lại nhiều rồi. Hắn giúp cha mở mang thêm nông trại. Đất đai và đàn bò của gia đình nó cũng to lớn ra gấp bội. Con Honey Bear quá già nên đã ra đi vĩnh viễn. Lần đó, tôi giúp thằng Tom bọc nó trong một tấm vải mới và chôn gần chiếc hồ trong nông trại. Thằng Tom khóc hết mấy ngày, còn tôi thì đọc kinh, niệm Phật cầu xin cho nó mau siêu thoát; cho kiếp sau nó sẽ được đầu thai vào chốn an nhàn.

    Lúc này, tôi đã ra trường với mảnh bằng Doctor Of Physical Therapy và mở phòng mạch ngay trong thành phố mà tôi đã trải qua thời niên thiếu với Tom. Nó tới thăm tôi mỗi ngày để được tôi hướng dẫn, tập tành.

    Một lần nữa, mùa xuân ấm áp lại trở về trên thành phố nhỏ bé thân yêu của chúng tôi. Mấy cây đào nở rộn ràng sau vườn. Có đủ cả bích đào, hồng đào, bạch đào, anh đào. Mấy cây tuyết lê, mận, cũng không chịu kém, khoe hoa trắng tinh giỡn cợt với gió xuân. Ba tôi không còn đi làm nữa, mỗi ngày ông thơ thẩn ngoài vườn với mấy chậu lan và hàng chục cây sơn trà đủ màu sắc. Năm nay thời tiết không lạnh nên sơn trà nở đúng vào dịp xuân sang.

    ***
    Sáng mùng một Tết, như thường lệ mỗi năm, tôi đang lui cui sửa sang lại mấy chậu cúc Mẹ mới mua hôm qua và sắp lại hoa quả, bánh chưng trên bàn thờ để chuẩn bị đưa Ba Mẹ đi lễ Chùa thì có tiếng chuông cửa reo lên inh ỏi. Thằng Tom với khuôn mặt rạng rỡ như ngày nào đang đứng bên cạnh Linda. Cô ta hôm nay mặc một chiếc áo dài VN màu mỡ gà vàng tươi. Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng, hắn trịnh trọng trao cho tôi một tấm thiệp.

    Tôi la lên:

    - Ba Mẹ ơi, ra đây mà xem ai đến nhà mình nè!

    Tôi mở tấm thiệp ra đọc và reo lên cùng với Mẹ:

    - Bác Sĩ Thú Y kết duyên với ông chủ trại. Thật là trên cả tuyệt vời!

    Tôi quay qua, chọc Mẹ:

    - Mẹ nhìn kỹ xem, có phải con dâu ViệtNam của Mẹ không?

    ..........
    _____o0o_____
    (Nguyễn Thạch-Hãn)

    Lời cảm ơn của tác giả: Cám ơn anh "Mũ Xanh Nguyễn Viết Bích", đã chuyển cho tôi câu nói cuối cùng của em tôi: “Tụi nó tràn lên đông quá mày ơi!” lời nói đó vang mãi trong tim tôi. Truyện ngắn này tôi xin tặng anh. __(Nguyễn Thạch-Hãn)

  6. #6
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    ___ Mới đó mà đã là ngày đầu tiên của Tháng Ba dương lịch. Lại thêm một tờ lịch tháng được gỡ xuống... Và “Tháng” cũng là đơn vị đo thời gian dài nhất trên cuốn lịch.


    Một đời người sẽ có được bao nhiêu tờ lịch cho dù đã được gỡ xuống rồi nhưng vẫn mãi mãi nằm trong tiềm thức của mình như một tờ lịch mới...

    ........ Mới, cho đến khi mình đang đưa tay gỡ đi những tờ lịch cuối cùng của cuộc đời - Mới, cho đến khi tờ lịch cuối cùng được gỡ xuống...



    “ĐỔI”

    Đổi áo cho tim, đổi được không?
    Đổi vùng kỷ niệm lấy hư không?
    Đổi bao nhung nhớ thành vô vọng
    Đổi vết thời gian có dễ không?

    __o0o__

    "THAY" & "XOÁ"

    Thay áo cho tim có khác không?
    Xoá vùng kỷ niệm có quên không?
    ....................... Thay bao lưu luyến
    .................... rồi vẫn nhớ
    Xoá vết thời gian.............
    ............. Sống mãi không?

    ___o0o___
    (Xxg__11.13)


    Last edited by XXG; 03-01-2019 at 03:16 PM.

  7. #7
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    Tháng Ba, rồi lại Tháng Tư

    Mỗi năm
    ............. vẫn thế
    .................... “mới như hôm nào”


    Tôi, đứa con Người Tù “Học tập cải tạo”
    (Tác Giả: Lê Xuân Mỹ)


    Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn đắm chìm trong cơn hỗn loạn. Tin tức về một cuộc chiến kết thúc bi thảm được truyền đi kéo theo một dòng người tìm mọi cách vượt thoát khỏi Quê hương. Không nhận được tin người đến đưa toàn bộ gia đình ra đi như đã hứa, tôi cùng ba và gia đình người em gái trên chiếc xe Jeep hối hả đi về Bến Bạch Đằng nơi con tàu VNTT đang ngập tràn những dòng người từ khắp nơi đổ về. Hai vợ chồng em gái lên tàu trước. Tôi và ba chần chờ sửa soạn lên sau.

    Trong dòng người hoảng loạn, trong âm thanh cuồng nộ những ngày cuối cùng của tháng Tư, hai cha con vẫn còn nhìn về hướng Lăng Ông Bà Chiểu, nơi nhà tôi ở đó. Vẫn còn hy vọng mẹ và các em đến kịp để cùng đi. Phép lạ đã không xảy ra. Tàu sắp nhổ neo, mẹ và các em tôi vẫn biệt tăm. Ba bảo thôi con lên trước đi, ba đợi thêm một tí nữa, mình gặp nhau trên tàu. Trong mắt ba vẫn còn ánh lên một tia hy vọng. Nhưng tôi biết là đã hết. Thời gian không còn kịp nữa. Ba hối thúc tôi lên tàu, riêng ba không đành bỏ vợ và 8 đứa con con nhỏ dại, quyết định quay lại. Với tôi, ra đi hay ở phải là một quyết định trong chớp mắt. Nhưng sao đành bỏ lại ba một mình với khuôn mặt và cặp mắt thất thần như vậy. Tôi lắc đầu. Thế là tôi và ba quay ngược lại dòng người vẫn cuống cuồng chạy về phía bờ sông, dù con tàu đã từ từ rời bến. Cùng với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, tôi và gia đình bắt đầu sống những tháng ngày đen tối nhất.


    Đêm đầu tiên, khi nghe tin ĐT Dương Văn Minh đầu hàng trên đài phát thanh, ngoài đường những nhóm người đội mũ cối cầm súng đi qua đi lại, cả gia đình tôi chui dưới chân cầu thang, tắt đèn tối thui, ẩn trốn, và ba đã khóc. Thế là chấm dứt một quảng đời, lịch sử đã sang trang và chúng tôi đã cảm thấy một tương lai mịt mù sắp tới.


    Trong những ngày sau đó, ba tôi sống trong hoang mang, lo sợ, không dám bước ra khỏi nhà. Mặt ba lúc nào cũng căng thẳng. Riêng tôi mỗi ngày vẫn lên trình diện cơ quan rồi về. Lên để biết thì ra có những bạn bè cùng sở làm ngày xưa, từng cùng vui chơi sinh hoạt với mình bây giờ đội mũ cối, cầm súng lầm lì đi ra đi vào. Có người còn chào hỏi tử tế nhưng có đứa mặt mày vênh váo, kênh kiệu, những nhân viên còn lại, không phải dân Cộng sản nằm vùng tụm lại một phòng trên lầu, co cụm đến tội nghiệp.


    Trong những ngày đầu mất nước tháng 5 năm 1975, tôi biết ba vẫn còn hy vọng về một người, người em út đi “tập kết” từ những năm 1954, nghe đâu đang làm lớn và hình như đang có mặt tại Sài Gòn. Chính ủy chính iết gì đó. Ba kể hồi nhỏ ba và chú rất thương yêu nhau, ngày chú đi vào rừng theo kháng chiến, ba là người cuối cùng gặp và đưa chú vào chiến khu. Ba vẫn nghĩ nếu có chú chắc ba sẽ không sao.


    Như một người sắp sửa bị chìm tàu, cố bám víu một chút hy vọng nào đó để sống, dù rất mỏng manh. Với riêng tôi, hình ảnh về chú không hiền lành như ba tưởng tượng mà là những con người tôi đã từng xem qua cuốn phim “Chúng tôi muốn sống”, lạnh lùng và tàn ác. Tôi nghĩ ba quá ngây thơ, nhưng biết làm sao được, một người lính thất trận, một vợ và 9 đứa con nheo nhóc trong một Thành phố đã không còn thuộc về mình, chung quanh đầy rẫy những bóng đen rình rập. Có thể ba đang cố quên nhưng với tôi, ký ức về một Mậu Thân khủng khiếp ở Huế vẫn còn đó, không thể nào không nhớ. Những cuộc trả thù tàn khốc chắc chắn sẽ xảy ra. Không ảo tưởng như ba, tôi chờ đợi và biết rằng ngày đó sẽ đến, không xa.


    Một ngày đầu tháng Sáu, giống như ba đang mong đợi, chú tôi đi cùng một vài Bộ đội cầm súng ghé nhà thăm gia đình chúng tôi. Một Trung tá Chính ủy thuộc đơn vị Phòng không Không quân CS Hà Nội, ghé thăm cựu Trung tá Cảnh sát chế độ cũ. Hai anh em thuộc hai chiến tuyến gặp nhau tại Sài Gòn sau 20 năm xa cách. Hai người đi hai con đường khác nhau, cuối cùng hội tụ tại một điểm. Cũng chào hỏi, cũng mừng mừng tủi tủi, cũng nhắc lại chuyện xưa, nhưng tôi biết quan hệ đã không còn như trước nữa, ngượng ngùng, khách sáo. Nói thật lòng, chú tôi nhìn bề ngoài gầy gò khắc khổ, ít nói và trông có vẻ hiền lành chứ không đến nỗi dữ dằn như trong tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi vẫn không thể chuyện trò thân mật với chú được. Một bức tường vô hình đã chắn ngang trong quan hệ của chúng tôi.


    Sau ngày đó thỉnh thoảng chú đến thăm ba tôi, và cũng kể từ ngày đó những đồ đạc quí giá còn sót lại trong gia đình cũng dần dần ra đi. Khi thì cái tủ lạnh, khi thì cái truyền hình trắng đen hiệu Denon 4 cửa xếp. Mẹ nói riêng với tôi:


    - Cho chú, thôi kệ của đi thay người, hy vọng sau này có gì nhờ chú giúp ba con cũng đỡ khổ phần nào.


    Mẹ nghĩ vậy thì hay vậy, chứ trong thâm tâm tôi mẹ đã không biết gì về Cộng sản rồi. Xin tiền thì có thể chú sẽ cho nhưng để bảo lãnh cho một Sĩ quan Cảnh sát như ba tôi chắc chắn là không. Biết vậy, nhưng thôi cứ để mẹ bám víu một chút hy vọng dù rất mong manh. Nói một cách trung thực, từ ngày có chú đến thăm gia đình, thái độ của các Công an CS, Cán bộ Phường đối với gia đình tôi cũng có chút thay đổi, không giống như những ngày đầu mất nước.


    Nhớ lại ngay ngày mồng 2 tháng Năm, vừa mới sáng sớm một đoàn người đông đảo, “Cán bộ” có Công an có ghé vào nhà, kêu ba tôi ra trình diện, ra lệnh ba tôi trong thời gian này phải ở nhà, không được đi đâu cả cho đến khi có lệnh mới. Sau đó đi một vòng quanh nhà tôi, ngang phòng khách, giật đứt chiếc điện thoại để bàn, xem giấy tờ từng người và trước khi ra về, lấy luôn chiếc đồng hồ đeo tay của ba trên đầu tủ thờ. Chiếc đồng hồ kỷ niệm của ông nội mà ba rất quý. Mẹ chắc lưỡi - thôi kệ, của đi thay người.


    Một ngày cuối tháng Sáu, cái ngày tôi biết chắc chắn phải đến, cuối cùng đã đến. Ba tôi nhận giấy đi “trình diện học tập cải tạo” dành cho đối tượng Sĩ quan “Nguỵ quân, Nguỵ quyển”. Địa điểm tập trung: trường Trung Học Chu Văn An. Trong giấy ghi rõ “đem theo dồ dùng cá nhân để sử dụng trong 30 ngày”. Nhận được giấy báo, ba mừng như thoát được gánh nặng canh cánh bao lâu nay. Ba bảo:


    - Tôi nói có sai đâu bà, bây giờ hoà bình rồi họ không trả thù như hồi Mậu Thân đâu. Kỳ này tôi chỉ đi học có 30 ngày mà ngay tại Sài Gòn này thôi. Xong kỳ học tập này rồi mình sẽ được đối xử như những người dân bình thường. Tôi tính gia đình mình sẽ về lại Đà Nẵng sinh sống. Có mắm ăn mắm có rau ăn rau. Khoẻ rồi, hoà bình rồi, hết chiến tranh rồi bà ơi.


    Mẹ tôi, với linh cảm và yếu đuối của đàn bà, lên tận sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp chú nhờ chú giúp đỡ. Liếc sơ qua giấy báo “trình diện học tập” chú nói:


    - Chị đừng lo, Cách mạng khoan hồng, anh cứ đi, học tập khoảng một tháng là xong. Cứ học tập thật tốt, về sớm đúng ngày, không sao đâu.


    Mẹ tôi an lòng chuẩn bị mền, mùng, thức ăn khô cho ba. Riêng tôi, qua trực giác và qua sách báo đã đọc, tôi nghi ngờ về chữ “học tập tốt” mà chú đã nhấn mạnh. Tôi biết là mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Để xóa đi ký ức của một Sĩ quan Cảnh sát 51 tuổi đời, 25 năm quân ngũ, và để đào tạo thành một người “công dân chế độ Xã hội Chủ nghĩa”, chắc chắn không thể là 30 ngày ngắn ngủi như thế. Tôi biết là chú đã không nói thật, và ba thì ảo tưởng hoặc có thể đã biết nhưng muốn che giấu mẹ, cố gượng vui chờ ngày lên đường trình diện. Có những đêm thức giấc giữa đêm khuya tôi thấy ba ngồi lặng lẽ và hút thuốc liên tục ngoài hiên. Đôi vai như quằn xuống, tôi chua xót nhận ra chỉ trong một thời gian quá ngắn ba đã già đi rất nhiều. Trong cái bóng tối mênh mông, tôi cảm thấy mình nhỏ bé và vô dụng vô cùng.


    Một ngày trước khi đi, ba dặn riêng tôi không cho mẹ biết, hai cha con ra chợ Bến Thành. Ba nói ba còn để dành 2 lượng vàng, bán xong con nhớ đem về cất riêng, khi nào mẹ và các em cần tiền thì con đưa cho mẹ. Ba không biết khi nào về, con nhớ phụ mẹ lo cho các em. Thì ra ba không ngây thơ như tôi tưởng, tất cả nụ cười trên khuôn mặt ba thường ngày chỉ là giả tạo. Không có mẹ bên cạnh, ánh mắt ba bây giờ mới là thực. Nhìn khuôn mặt hoang mang đến tội nghiệp của ba, tôi thấy mắt mình cay cay. Thương ba vô cùng.


    Cuộc mua bán 2 lượng vàng diễn ra nhanh chóng và lén lút. Tôi ngồi canh chừng Công an, ba đưa vàng, người bán đếm tiền gói lại đưa cho ba, ba đưa tôi. Liếc ngang liếc dọc, bỏ vô túi xách, ôm kè kè bên mình, về nhà cất kỹ trong két khoá lại, phòng khi bất trắc.


    Sáng sớm hôm sau, không nhớ ngày, tháng 8 năm 1975, Ba từ giã gia đình đi “trình diện”. Ba ôm mẹ, hôn các em. Mẹ, các em đều khóc. Bé út khóc to nhất. Tôi ráng cắn chặt răng, mắt cay xè, hối hả đạp xe chở ba đến trường Chu Văn An. Không ai nghĩ rằng, đó là lần cuối cùng mẹ và các em gặp ba. Trước cổng trường, đông nghẹt những người đi trình diện và những thân nhân lóng ngóng bên ngoài. Tay xách ba lô, ba lủi thủi đi vào, trước khi bước qua cánh cửa sắt có mấy tên Công an đứng gác, ba quay lại nhìn tôi như nhắc nhở con nhớ thay ba lo cho mẹ và các em. Khi bóng ba mờ khuất sau dãy lớp, nỗi đớn đau kềm hãm bấy lâu vỡ oà, tôi khóc ngon lành như một đúa trẻ. Tôi biết rằng ngày ba trở về còn xa lắc xa lơ.


    Từ khi ba đi, căn nhà trở nên vắng vẻ vô cùng. Mẹ phần lo chạy gạo hằng ngày, phần lo lắng nhớ ba, gầy đi trông thấy. Tuy nhiên mẹ vẫn hy vọng 1 tháng sẽ trôi qua nhanh chóng, ba trở về và mọi chuyện sẽ trở lại như xưa. 30 ngày rồi 45 ngày trôi qua, tôi và mẹ bắt đầu sốt ruột lo lắng. Mẹ cứ mỗi ngày hết đi ra lại đi vào, hết lên Phường hỏi thăm rồi lại lên Tân Sơn Nhất tìm gặp chú. Vẫn là 1 câu trả lời:


    - Chắc sắp được về thôi. Anh học tập tốt thì cách mạng sẽ cho về, chị đừng lo.


    Câu chị đừng lo càng lúc càng trở thành vô dụng khi bao tháng trôi qua, vẫn không một tin tức gì về ba. Vừa phải lo cuộc sống vừa phải chạy đôn chạy đáo hỏi thăm đầu này đầu nọ, mẹ già hẳn đi. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn cho một gia đình 11 miệng ăn. Đồng lương ít ỏi của tôi không đủ nuôi sống cả gia đình, mẹ bắt đầu đem đồ đạc trong nhà ra chợ bán. Chú thì thỉnh thoảng vẫn ghé thăm nhưng thưa thớt hơn nhiều. Có lẽ vì bận rộn nhưng cũng có lẽ sợ không biết phải trả lời sao với mẹ. Không lẽ đợi anh “học tập tốt, Cách mạng khoan hồng”, hay là chắc mai về khi mà ngày mai của chú có thể là một ngày không bao giờ đến.


    Thấm thoát rồi cũng qua một năm. Mẹ vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng, ba vẫn biền biệt phương nào. Không một tin tức, không một dấu vết, dù nhỏ nhoi. Những đồ vật có giá cuối cùng trong nhà cũng đã bán hết. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến số tiền bán 2 cây vàng giấu trên gác. Một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Ai ngờ khi mở gói tiền tôi sững sờ nhìn thấy nguyên bó tiền chỉ có hai tờ đầu là tiền thật, ở giữa toàn là giấy báo. Thì ra lợi dụng việc mua bán chui lén lút, vừa bán vừa canh chừng công an, khi đưa tiền, người bán đã tráo đổi gói tiền đang đếm bằng gói tiền gói sẵn. Cho đến khi chết chắc ba cũng không thể ngờ những đồng tiền cuối cùng ba để dành cho mẹ là con số không to tướng.


    Trong những tháng năm sau đó, cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Không còn cách nào khác, mẹ vẫn mỗi ngày tiếp tục ra bán chui trước chợ Tân Định. Sạp hàng là một tấm vải ni lông, cột dây bốn góc để dễ túm lại khi có công an đến. Thời đó buôn bán trên vĩa hè là phạm pháp. Vừa mua bán vừa láo liên canh chừng công an. Nếu công an tới thì túm tấm nilông bỏ chạy vào nhà lồng chợ. Công an đi khỏi, đem hàng ra bày bán tiếp. Đồ bán khi thì một đôi giày, một chiếc áo cũ hay có khi chỉ là lớp vải lông thú tách ra từ những chiếc áo lính ngày xưa.


    Có gì bán nấy. Khởi đầu là đồ đạc trong nhà, sau đó là đồ mua lại từ những người có cùng hoàn cảnh đem bán. Cũng có khi là đồ chôm đồ chỉa, cũng lây lất qua ngày. Các em còn quá nhỏ, chỉ mình tôi với mẹ, sĩ diện, lòng tự trọng của một kỹ sư cũng đem chôn chặt trong lòng. Tôi mỗi ngày, sau giờ làm việc cũng ra phụ mẹ, cũng chạy ra chạy vào, cũng cặp mắt nhìn trước, ngó sau, vừa bán vừa mua, vừa canh chừng Công an. Trong những ngày vô cùng khốn khó đó, thỉnh thoảng chợt nhớ về thời thơ ấu cũ lòng thật buồn. Những ngày tươi đẹp ấy đã quá xa. Những lo lắng về cuộc sống và một tương lai mù mịt, làm tôi trở nên lạnh lùng chai đá. Dù rằng cũng có đôi khi, tôi một mình khóc thầm trong đêm.


    Như một định mệnh, trong những ngày cùng cực khốn khó đó tôi gặp C. vợ tôi bây giờ. Người ta hay nói vợ chồng là duyên là nợ. Điều này rất đúng với chúng tôi. Trước 1975 tôi và C. cùng làm chung tại Trung Tâm Bưu Chính Viễn Thông thuộc Bưu Điện thành phố Sài Gòn. Gặp nhau thường xuyên nhưng ít khi nói chuyện.


    Nàng làm thư ký cho Desai, giám đốc chương trình đào tạo của Liên Hiệp Quốc. Hồi đó C. là một người đẹp, nhiều người theo đuổi.


    Tôi là Kỹ sư mới ra trường. Tốt nghiệp Bách Khoa Phú Thọ, tôi chọn vào Trung Tâm vì tại đó có học bổng đi học cao học về Viễn thông. Tôi ghét cái kênh kiệu và lạnh lùng của nàng. Nàng thì ghét cái giọng Huế nặng trịch của tôi. Tôi càng ghét nàng khi bài thi xếp hạng để đi du học của tôi bị cộng sai điểm. Tôi khiếu nại không được. Và vì vậy tôi bị sắp đi đợt 2 vào tháng 12 thay vì đợt đầu vào tháng giêng năm 1975.


    Chuyến đi du học tháng 12 bị bãi bỏ do biến cố 1975. Tự an ủi xem như chưa có số xuất ngoại dù trong lòng tôi buồn và tưng tức. Có lẽ, do nợ tôi một món ân tình quá lớn nên sau này nàng đã phải trả lại tôi gấp nhiều lần hơn. Cùng hoàn cảnh, cùng thuộc gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, cùng ghét Việt Cộng như nhau, chúng tôi gặp nhau thường xuyên trong những lần đi nghe các buổi nói chuyện về chính trị, về “chủ nghĩa Mac Lenin”. Chúng tôi thường chọn ngồi dưới hàng ghế cuối cùng. Để ngáp, và để ngủ không bị để ý. Những hàng ghế cuối cùng trở thành nơi chúng tôi chia sẻ những đắng cay, những mất mát và những yêu thương. Cuối cùng chúng tôi quyết định nên vợ nên chồng. Dám yêu đứa con Cảnh sát chế độ cũ, tương lai mờ mờ mịt mịt, chắc chắn chỉ có thể nàng đã quá yêu tôi.


    Đám cưới được tổ chức đơn giản. Không rễ phụ không dâu phụ, không rước dâu. Lạy cha mẹ, lạy bàn thờ gia tộc hai bên, đơn giản chỉ như vậy. Chỉ một số ít bạn bè thân thiết và bà con gần. Không có gì phải phô trương khi ba tôi vẫn mịt mù đâu đó trong “trại cải tạo”, không biết sống chết ra sao. Em yêu tôi và tôi cũng rất yêu em. Thế là đủ.


    Một ngày trước đám cưới chúng tôi nhận được giấy báo từ Phường, yêu cầu gia đình ra khỏi nhà trong vòng 48 giờ. Lý do gia đình thuộc diện 28, Sĩ quan Cảnh sát làm việc cho “chế độ Mỹ Ngụỵ”. Giấy báo còn cho biết Phường sẳn sàng “giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để gia đình có thể lập nghiệp trên vùng kinh tế mới”.


    Kết thúc vội vàng buổi tiệc mừng đám cưới, hai vợ chồng đạp xe lên sân bay Tân Sơn Nhất xin chú can thiệp giúp đỡ. Chú nói:


    - Theo chú thấy đi Kinh tế mới dầu sao cũng tốt cho mẹ và các cháu. Cực khổ lúc ban đầu nhưng sau này sẽ khá hơn. Hồi chú ở ngoài Bắc cực khổ hơn gấp trăm lần, có sao đâu. Sau này ba con về còn có chỗ sinh sống.


    Trả lời như chú vậy thì chẳng thà nói với đầu gối sướng hơn. Hai đứa chỉ biết nhìn nhau, thầm nghĩ với tình thế này chắc cũng phải lên đường đi lập nghiệp trên vùng đất mới mà thôi. Trong lúc cùng đường, vợ tôi chợt nhớ đến ông xếp cũ từ thời trước 1975, một kỹ sư tốt nghiệp từ Pháp, cựu Giám đốc Bưu điện nay là Cán bộ cao cấp làm việc trong “Thành ủy”. Nghe trình bày hoàn cảnh, nghĩ đến mối giao tình thầy trò ngày xưa, ông nói để ông xuống phường xem thử. Không hiểu ông can thiệp như thế nào, hai ngày sau Phường gửi giấy quyết định cho gia đình tạm thời ở lại cho đến khi chồng đi “cải tạo” trở về. Nói theo ngôn ngữ bóng đá bây giờ, vợ tôi đã cứu gia đình tôi một bàn thua trông thấy vào phút 90.


    Từ khi lập gia đình, tuy có thêm đồng lương của vợ tôi, nhưng vẫn không thể nào đủ cho một gia đình 11 miệng ăn. Bán chợ chạy của mẹ thì vất vả mà thu nhập quá kém cỏi. Hai đứa bắt đầu làm thêm đủ thứ ngành nghề.


    Khởi đầu là nuôi heo. Nhờ giấy giới thiệu của cơ quan, mỗi tháng vợ tôi được mua một cặp heo con với giá rẻ. Chiếc cầu tiêu duy nhất tuy nhỏ cũng được ngăn ra dành chỗ để nuôi 2 con heo mọi mới đẻ. Mỗi ngày đi tiêu đi tiểu trong tiếng kêu ủn ỉn của chúng, mới đầu rất khó chịu, nhưng rồi nghe riết cũng quen, cũng ghiền. Nuôi 1, 2 tháng, đem ra chợ bán. Lại lên trại mua 2 con khác nuôi tiếp.


    Chỉ nuôi heo không cũng chưa ăn thua. Bắt đầu nuôi thêm gà công nghiệp. Cũng xin giấy giới thiệu lên trại gà mua vài chục gà con, nuôi vài tháng hơi lớn lớn rồi đem bán. Được vài tháng xuông sẻ, gặp mùa toi dịch, gà heo chết hàng loạt, cụt vốn, hai vợ chồng nhảy qua làm bánh đậu xanh, khô, ướt. Mẹ ngâm, đãi đậu, tôi cắt giấy, vợ tôi gói. Mỗi chiều đi làm về, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỷ đi giao bánh cho mấy tiệm ăn quanh xóm. Không phải bán đứt, ký gửi thì đúng hơn. Giao bánh, vài ngày sau quay lại. Bán hết thì lấy tiền, giao bánh mới. Gặp lúc bán không hết, bị mốc, đem về không biết làm gì cho hết, trộn vô cám cho heo gà ăn.


    Cứ vậy, những tháng ngày tiếp tục trôi. Vợ chồng ốm tong ốm teo như ma đói, nhưng cũng phải ráng chịu cực mong đợi ngày ba về.


    Đến một ngày đầu tháng 2 năm 1978, bỗng nhiên chúng tôi nhận được thư ba, lần đầu tiên. Góc thư tôi còn nhớ rõ địa chỉ Trại K2 Tân Lập, Vĩnh Phú. Trong thơ ba hỏi thăm mẹ và các em. Ba kể ba đang học tập cải tạo tốt. Thư ngắn chưa đầy một trang giấy. Ba nhắc tôi ráng chăm sóc mẹ và các em. Đợi ngày ba về. Miền bắc lúc đó đối với tôi vô cùng xa lạ. Nếu có biết cũng chỉ biết qua sách vở. Vĩnh Phú ở đâu, ra sao, xa xôi như thế nào, không quan trọng, ít nhất là ba vẫn còn sống.

    (còn tiếp)

  8. #8
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    Tháng Ba, rồi lại Tháng Tư

    ..... Mỗi năm
    ............. vẫn thế
    .................... “mới như hôm nào”

    _o0o_

    2.
    Thế là đủ. Quá mừng rỡ mẹ bảo tôi viết thư thăm ba và mỗi đứa em viết một câu cho ba. Mẹ nói tôi kể cho ba về cuộc sống ngoài này. Tôi ầm ừ cho qua chuyện, trong thư chỉ viết là nhớ ba, mong ba học tập tiến bộ để sớm về với gia đình. Tôi không kể về cuộc sống gia đình từ ngày ba đi. Không lẽ cho ba hay rằng căn nhà đã bị tịch thu, gia đình suýt nữa bị đi “kinh tế mới”, hay lại kể với ba rằng mẹ mỗi ngày đang bán từng chiếc áo cũ của ba ngoài lề đường. Hoặc kể cho ba chuyện 2 cây vàng. Thôi thì cứ để ba vui khi nghĩ rằng vợ và các con của ba dù là con của Sĩ quan “chế độ Mỹ ngụỵ, vẫn được Cách mạng CS đùm bọc thương yêu”. Thôi thì cứ như vậy cho ba yên lòng và ít nhất thư cũng đến được với ba. Kể từ hôm đó khoảng hơn mỗi tháng một lần gia đình tiếp tục nhận được thư ba. Mỗi lần chỉ hơn một trang giấy, nhưng cũng mang đến cho chúng tôi một niềm vui và hy vọng. Sẽ có ngày ba trở về.

    Cho đến một ngày, Cũng từ K2 trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú. Cũng nội dung “ba đang học tập tốt, Cán bộ đố xử với ba rất tốt”, cũng khuyên “các con cố gắng học tập trở thành cháu ngoan của “Bác”, nhưng nét chữ run run, nguệch ngoạc, khó đọc và ngắn hơn rất nhiều so với các thư trước. Mẹ và các em vẫn mừng rỡ như mọi lần, nhưng riêng tôi linh cảm một điều gì đó không hay đang xảy ra. Hai vợ chồng đem thư ba lên phòng đọc đi đọc lại nhiều lần. Hình như chữ “tốt” (Học tập tốt, sức khoẻ ba vẫn rất tốt được viết đậm hơn, to hơn các chữ khác). Chữ ba viết quá xấu so với bình thường. Rất bất thường. Không tốt nghĩa là xấu. Không khoẻ nghĩa là bịnh.


    Quá lo lắng, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện đi thăm ba. Lên Phường xin giấy phép đi ra Bắc, bị từ chối. Phải có giấy phép thăm nuôi từ trại gửi về. Hồi đó muốn đi Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, người dân bình thường như tôi phải làm đơn xin phép, phải có lý do chính đáng và phải có người bảo lãnh. Thời gian được cấp giấy phép thường rất lâu nhất là đối với những gia đình thuộc diện Nguỵ quân Nguỵ quyền như chúng tôi. Lên gặp chú nhờ chú can thiệp giúp đỡ, chú nói cũng y hệt như mấy “ông cán bộ” Phường:


    - Khi nào họ cho phép thăm nuôi thì ba con sẽ gửi giấy tờ về.


    Chú trả lời như vậy thì kể như không nói. Thật lo lắng cho ba, nhưng không biết làm sao, đêm đêm tôi chỉ biết cầu nguyện cho ba sức khoẻ, và mong chờ một phép lạ. Và phép lạ cuối cùng cũng đã xảy ra.


    Ở hiền gặp lành. Tháng 8 Hiệu trưởng loan báo có đợt cho “Nhân viên và giáo viên trường Bưu Điện đi tham quan miền Bắc, Xã hội chủ nghĩa và du ngoạn tại bãi biển Đồ Sơn 1 tuần”. Tôi và vợ tôi có tên trong danh sách được đi. Lúc đó vợ tôi đang mang thai đứa con đầu được 5 tháng. Phần làm việc vất vả, phần thể trạng yếu đuối, khộng dám đi xa, vợ tôi đành ở nhà. Tôi đi ra miền Bắc một mình. Không phải vì yêu “Hà Nội, Xã hội chủ nghĩa” cũng không phải để tắm biển Đồ Sơn, mà trong lòng tôi đang hình thành một kế hoạch đi tìm ba.


    Cả đoàn đi ra Hà Nội bằng xe lửa. Chuyến đi gồm hai phần. Phần đầu là phần nghe giảng về “Chính trị, về Chủ nghĩa Mac Lenin, về miền Bắc, Xã hội chủ nghĩa” 4 ngày tại Hà Nội. (Phần này bắt buộc không ai được vắng mặt). Phần sau 3 ngày là về nghỉ ngơi vui chơi tại bãi biển Đồ Sơn. Phần này kỹ luật tương đối lỏng lẻo hơn. Đa số các “cán bộ” quê miền Bắc nhân thời gian này “tranh thủ” về thăm gia đình, chỉ có những người miền Nam lần đầu tiên ra Bắc là theo đoàn về Đồ Sơn. Tôi thì đã có kế hoạch từ trước xin trưởng đoàn ở lại Hà Nội với lý do thăm gia đình ông chú ruột là “Trung tá Chính ủy” đơn vị Phòng không Không quân Cộng sản. Cũng phải viện một lý do gì đó để đơn xin có “trọng lượng”. Cũng phải cho trưởng đoàn biết là “con nguỵ nhưng cũng có bà con là cán bộ cộng sản” dù trong thâm tâm tôi biết ông chú đi “cách mạng” có cũng như không, khó nhờ vả sơ múi gì đuợc. Hồn ai người nấy giữ.


    Thế là những ngày đầu tháng 9 năm 1978, tôi bắt đầu chuyến hành trình tìm cha. Chưa một lần ra miền Bắc. Với tôi tất cả điều xa lạ. Manh mối duy nhất là địa chỉ trên thư: K2 Trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú. Phương tiện di chuyển: chiếc xe đạp Phượng Hoàng mượn của ông chú.


    Sáng mồng 3 tôi bắt đầu ra đi từ nhà chú: khu Tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Trạm đầu tiên: Ga xe lửa Hàng Cỏ. Hỏi thăm các người bán hàng rong ở ga. Vĩnh Phú thì nhiều người biết nhưng trại Tân Lập ở đâu thì không ai hay. Thôi thì cứ lên tàu đi về hướng Vĩnh Phú trước đã.


    Đúng là tàu chợ, xe lửa thì củ kỹ, hôi hám, trên các toa đông nghịt người, đa số là người lao động và người bán hàng rong. Vì vướng chiếc xe đạp, chật vật lắm tôi mới leo được lên toa cuối cùng khi tàu bắt đầu chuyển bánh. Vì lên sau cùng, tàu đông kịt người, chỗ đứng chổ ngồi hầu như không còn, tôi ngồi xuống một khoảng trống sát vách cầu tiêu. Lần đầu tiên tôi cảm thấy nỗi cô đơn giữa một rừng người cùng tiếng nói, cùng một màu da.


    Mỗi một trạm tàu dừng, tôi đều hỏi thăm những người khách và những em bé bán chè xanh nhảy lên từ mỗi trạm. Cuối cùng cũng có được một tin tức mơ hồ từ một em bé:


    - Có lần đi bán nước chè, em có gặp một đoàn người hình như ở trong Nam ra vì không giống người ngoài này, đi lao động, hình như ở gần ga Ấm Thượng, Vĩnh Phú. Em bé nói thêm hình như có trại giam giữ những người miền Nam gần đó.


    Tôi bám tàu đi tiếp. Tàu lắc lư đi về hướng Cao Bằng, Lạng Sơn. Mùi hôi thúi bốc lên từ cái cầu tiêu công cộng cộng hoà quyện vào cái mùi mô hôi của hàng trăm người đứng ngồi lóc nhóc không làm tôi bận tâm. Tôi mãi suy nghĩ khi nào thì đến ga Ấm Thượng? Vì không nhìn được qua cửa sổ, tôi đành nhờ một bà lão ngồi sát cửa sổ nhắc giùm khi đến ga.


    Xuống được ga Ấm Thượng thì cũng đã giữa trưa. Phải nói là trạm thì đúng hơn. Nhà ga là một căn nhà nhỏ, vách lá, trống huơ trống hoác. Vùng đất thật hoang vu, dân di lại thưa thớt. Ra khỏi ga là một con đường đất đỏ duy nhất về một làng nào đó ở xa xa. Tôi vừa đi, vừa hỏi đường. Hỏi xem có ai biết về trại Tân Lập không? Không ai biết. Phải đến lần thứ 9 hay thứ 10 gì đó, khi tôi đã vào sâu khoảng 5, 7 cây số, mới có được câu trả lời tương đối rõ ràng:


    - Phải đi thêm 20 đến 25 Km về phía dãy núi, bên này là Trại Tân lập, bên kia là biên giới Trung Quốc.


    Đoạn đường đi xa diệu vợi, chân tay rã rời, đôi khi tôi kiệt sức muốn bỏ cuộc quay về. Nhưng nghĩ đến ba, tôi gắng gượng tiếp tục lên đường. Con đường càng vào sâu càng lúc càng khó đi. Khi thì ngoằn ngoèo, khi thì lồi lõm. Có những đoạn không đạp xe được vì mưa trơn trợt, tôi xuống xe dắt bộ. Nhà cửa càng lúc càng thưa thớt, càng ít người qua lại. Tôi vừa mệt, vừa sợ, vừa đi vừa nhìn chung quanh, dáo da, dáo dác. Nói thật lúc đó có ai nhảy ra, phang cho mình một gậy, cướp xe đạp, vất xác xuống ven đường, chắc cũng không ai hay.


    Từ cha sinh mẹ đẻ đến nay có bao giờ tôi đi đâu một mình như thế này đâu. Hồi nhỏ thì có cha có mẹ, vào trường thì có bạn có bè. Đi đâu cũng đi với người này hay người khác. Ngay cả khi đi trồng cây si, cũng rủ thêm Trường Thọ hay Quốc Chính (đã mất) cùng đi. Đi đâu cũng xe đạp hay xe Jeep của Ba. Đi bộ thì nhiều nhất là một cây số. Chạy thì nhiều nhất một vòng sân trường là thở dốc. Vừa mệt vừa sợ cướp, vừa sợ ma, tôi vừa đạp xe vừa lẩm bẩm cầu nguyện, nhiều lúc nản quá muốn quay về. Rồi lại nhớ đến ba, nhớ đến khuôn mặt buồn thê thảm của ba trước cổng trường Chu Văn An ngày nào, tôi lại lê lết lên đường đi tiếp.


    Đúng là lê là lết. Đường càng lúc càng khó đi. Mưa phùn, đường hẹp, đất bùn quyện nước mưa nhão nhoẹt bám vào bánh xe càng làm nặng nề. Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Một cái lạnh cắt da cắt thịt. Nhưng nỗi khổ chưa dừng ở đó. Trên con đường độc đạo duy nhất về trại “Cải tạo” Tân Lập, tôi phải vượt qua hai con sông.


    Quen với cái hiền hòa của giòng sông Hương thuở nhỏ, chưa bao giờ tôi thấy con sông nước chảy dữ dằn như vậy. Dòng nước đục ngầu và đỏ như máu chảy cuồn cuộn. Đứng bên này nhìn thấy bờ bên kia nhưng không biết cách nào qua. Không cầu không cống. Không một bóng người. Men theo bờ sông, tôi đi về hướng ánh đèn leo lét xa xa. Hỏi thăm, thì ra muốn qua sông thì đi một đoạn nơi có bờ đá dô ra ở mé sông, chụm hai tay gọi lớn sang bên bờ bên kia “ Đò ơi… ơi” Thế là từ bên kia bờ, chênh chếch phía trên có một thuyền nhỏ một người chèo qua. Nói thì rất dễ dàng nhưng để băng qua được bên này không dễ chút nào. Khoảng cách hai bên bờ không lớn lắm, nhưng do nước chảy xiết, từ bên kia muốn qua bên này, người lái đò phải khéo léo dựa theo dòng nước chảy, từ trên xa trôi xuống, tắp đúng vào kè đá nơi tôi đứng. Điều khiển không khéo thì thuyền lật như chơi, còn nếu không thì thuyền tắp xuống quá kè đá, không đúng chỗ đón khách.


    Bác lái đò giúp tôi đưa xe đạp và tôi xuống thuyền. Nhìn người lái đò, nhìn dòng nước sông đục ngầu cuồn cuộn chảy, tôi nhớ các đoạn văn của Nhất Linh, của Khái Hưng thời Tự Lực Văn Đoàn kể về các tỉnh miền Bắc xa xôi này. Hình như nơi đây, bánh xe thời gian đã ngừng lại. Giống y chang như trong các bài văn ngày nào. Vẫn như xưa, nếu không nói là cũ kỹ hơn, nghèo khổ hơn. Và có lẽ vì vậy người dân ở miền đất sát biên giới Việt Trung này hiền lành và chơn chất gấp vạn lần những con người tôi gặp ở Hà Nội. Vì vậy, may mắn tôi vẫn còn cái mạng quay về.


    Đi thêm một đoạn dài, vượt qua thêm một nhánh sông tương tự thì trời đã tối đen. Lúc này tôi không còn đạp xe được nữa. Tôi dắt xe, vừa đi vừa run cầm cập. Dân thành thị như tôi, lần đầu tiên mới cảm thấy nỗi sợ hãi cùng cực khi một mình giữa đồng không mông quạnh, âm thanh là tiếng côn trùng ếch nhái, thỉnh thoảng là những ánh đom đóm lập loè. Lại thêm cái lạnh cắt da của ban đêm và mưa phùn miền Bắc. Khổ không thể cực khổ hơn. Sợ không thể nào sợ hơn. Nếu không vì ba tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng gặp được một căn chòi trống ven đường. Đây có thể là nơi tạm trú của những nông dân hay của những em bé chăn trâu nào đó.


    Căn nhà (cái chòi thì đúng hơn) nhỏ xíu, trống không, có một cửa bằng tre nhỏ xíu. Đặt chiếc xe đạp sát vách, tôi ngồi xuống tựa lưng nghỉ mệt. Có thể nói trong đời đây là căn nhà ấm áp nhất mà tôi từng ở dù rằng những giọt mưa vẫn từ các khe hở nhỏ xuống lạnh buốt. Bây giờ mới cảm thấy đói. Bữa ăn tối đầu tiên trên miền đất tận cùng biên giới của người con đi tìm cha đang “học tập cải tạo” là một cái bánh bao không nhân mua vội trên tàu. Cái gọi là bánh bao thật ra chỉ là một cục bột hôi mốc nhờ mưa ẩm ướt làm mềm đi nếu không chắc sẽ cứng như đá. Nhưng không sao, khi đói thì đất cát vẫn thấy ngon như thường. Vừa ăn tôi vừa cố nuốt đi những giọt nước mắt. Cùng với cơn lạnh ban đêm, dù trải qua một ngày không ngủ, mệt lã, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi ngồi bó gối co ro ở một góc nhà. Lần đầu tiên tôi thấy cái vô tận của đêm dài.

    ***

    Trời vừa hơi sáng là tôi lên đường ngay. Đi thêm một chặng đường đất khá dài, khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đến được trại Tân Lập. Thật ra cái tôi gặp đầu tiên ở giữa cái đồng không cô quạnh này là một ngôi nhà tranh, tương đối lớn, phía trước có treo một tấm bảng nhỏ “K10 Tân Lập”. Bên trong là một cái bàn dài có hai dãy ghế bằng tre. Không thấy có ai canh gác. Tôi nghĩ đây là nhà khách. Đợi một lúc quả nhiên tôi thấy một công an đi ra. Tôi trình giấy tờ, ghi rõ là “cán bộ Bưu Điện” ra Hà Nội công tác luôn tiện thăm cha đang học tập tại K2 Tân Lập.

    Mừng hụt. Trại “cải tạo” Tân Lập thì đúng rồi nhưng đây là nhà khách thuộc K10. Toàn trại gồm có 10 khu vực. Nếu tính từ ngoài vào trong thì bắt đầu từ khu K10, K9… cuối cùng sát biên giới là khu K1. K10 là khu vực đầu tiên của trại Tân Lập. Từ đây sẽ không có nhà dân mà chỉ có những trại giam, “cán bộ” và tù nhân. Sau này tôi mới biết khu trại Tân Lập không chỉ giam giữ các tù nhân từ trong Nam mà còn là nơi giam giử các thành phần bất hảo ăn cắp ăn trộm ngoài Bắc. Thành phần này được giam ở các khu K10, K9 gần phía nhà dân.

    Các tù nhân Sĩ quan từ miền Nam được phân loại và giam giử theo thứ tự, chức vụ càng cao, càng "ác ôn" thì được đưa về các khu số nhỏ K1, K2 sát núi gần biên giới, khí hậu khắc nghiệt và rất khó trốn thoát. Nếu có vượt thoát được Công an ở các khu vực K1, K2, K3… thì chắc không qua được các thành phần bất hảo của K9, K10. Ai nói Việt Cộng ngu. Có đào thoát khỏi trại, mặc áo tù đi lang thang 30 km, ra khỏi đây không bị bắt trở lại mới lạ.

    Lại tiếp tục lên đường. Hai bên đường là nhũng cánh đồng khoai mì, những cánh đồng trà cằn cỗi. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp từng toán người mặc áo tù đang cuốc đất. Từng nhóm làm việc lặng lẽ. Lúc này đường đất tương đối dễ đi hơn. Tôi cúi thấp người cố gắng đạp thật nhanh. Đi riết rồi cũng đi qua hết khu K3 và bắt đầu vào địa phận K2. Có lẽ khoảng 10 giờ sáng, mưa phùn vẫn còn rơi. Tính ra từ sáng tới giờ tôi đã đi một lèo gần 4 tiếng đồng hồ. Không ăn uống gì nhưng tôi vẫn không cảm thấy đói. Tôi đang náo nức với cái cảm giác sắp được gặp lại ba. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ những chuyện sẽ hỏi ba, chuyện gì sẽ kể cho ba. Tự nhủ phải thật bình tĩnh, phải không được xúc động, phải không được khóc. Nghĩ tới lúc sắp gặp ba, quên cả mệt nhọc, tôi ráng sức đạp thật nhanh.


    Qua khỏi khúc quanh cuối K3 để vào K2, tôi thấy cách đường đất đỏ khoảng 5 đến 10 mét một nhóm khoảng mươi người áo quần lam lũ, người đang cuốc đất, người đang vác những bó củi khô, cạnh đó mấy tay mặc áo vàng đội mũ cối, cầm súng đi qua đi lại. Tôi biết chắc chắn đó là những tù nhân đang lao động cải tạo. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đạp xe chậm lại, đưa mắt nhìn quanh. Cùng lúc một tù nhân đang đội nón lá lui cui gần vệ đường ngước mắt nhìn về phía tôi. Dù đã bao năm qua không gặp, dù bây giờ đã quá khác xưa, gầy gò, mặt mày đen thui, râu tóc dài bạc phơ, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là Ba. Nhảy ra khỏi xe, tôi thảng thốt kêu lên một tiếng Ba thật to. Tiếng kêu làm nhiều người quay lại hướng về phía tôi trong đó có mấy tên công an cầm súng đứng ven đường. Trong khoảnh khắc, tôi bắt gặp đôi mắt hoảng hốt của ba, cặp mắt ngây dại và đầy vẻ lo sợ, ba vừa chớp mắt vừa lấy tay xua lia lịa như muốn tôi đứng lại và chỉ về phía căn nhà xa xa. Tôi khựng lại, tôi biết tôi không được quyền đứng lại hay trò chuyện với ba. Nuốt giọt nước mắt đang chực chờ chảy, tôi lên xe phóng nhanh về căn nhà khách, không quên nhìn lại ba. Vẫn kịp thấy ba đang cúi xuống, tấm lưng gầy gò yếu đuối run run ngã quị bên đường!


    Tiếp tôi trong căn nhà khách K2 là một công an mặt áo vàng, gương mặt gầy nhọn, non choẹt và giọng nói rặt Bắc Nghệ An. Tôi đưa giấy tờ chứng nhận là “cán bộ giáo viên trong nam ra công tác Hà Nội tranh thủ thăm cha đang học tập cải tạo” ngoài này. Sau khi xem giấy tờ, tên cán bộ hỏi tại sao tôi biết nơi này. Không lẽ nói do tự tìm kiếm, tôi nói do chú là Trung tá chính ủy chỉ đường. Thái độ có vẻ nhã nhặn hơn nhưng gã ta cho biết là tôi không thể thăm được ba tôi lần này được với lý do: “Ông nhà đang trong thời kỳ bị kỷ luật do vi phạm nội quy của trại, đang bị biệt giam”.


    Thú thật nếu không gặp mặt ba ngoài kia, chắc chắn tôi đã phải tin lời quay về. Tôi biết hắn đang làm khó dễ. Tôi nắm chặt bàn tay dằn cơn giận dữ. Xuống nước:

    - Nhưng thưa Cán bộ tôi mới gặp ba tôi ở ngoài kia.


    Tên cán bộ gằn giọng:


    - Anh có chắc không? Ông đang bị biệt giam, ai cho ra ngoài, chắc anh nhìn lầm.

    Sao có thể lầm ba với ai được. Dù có bị đày đọa cỡ nào, dù ba có thay đổi bao nhiêu, thì tôi vẫn không bao giờ lầm ba với ai khác. Cặp mắt ấy, con người ấy với tôi là duy nhất. Đuối lý nhưng tay công an vẫn khăng giữ vững ý định không cho tôi gặp ba. Nhiều lý do được đưa ra: Thứ nhất đây không phải là mùa thăm nuôi, thứ hai tôi cũng không có giấy phép (Hèn chi các nhà khách tôi đi qua vắng như chùa bà đanh).


    Tôi cố gắng trình bày là đi công tác đột xuất, hơn nữa đường đi xa xôi, đã lỡ đến đây rồi, xin Cán bộ thông cảm. Làm ra vẻ tử tế, lão cán bộ chép miệng:


    - Thật ra tôi cũng muốn thông cảm cho anh, không phải tôi làm khó dễ nhưng thú thật không thể cho anh gặp được.


    Tôi càng năn nỉ, tên cán bộ càng cứng rắn. Lão nỗi nóng:


    - Nhưng tôi nói không gặp được là không gặp được, anh về khi nào có giấy tờ thăm nuôi thì chúng tôi sẽ giải quyết.

    (còn tiếp)

  9. #9
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    “Vật Đổi, Sao Dời" một Thứ Tư
    Ân tình, nợ nước thiếu hay dư
    Bao năm xương máu, mà nay đã
    bỗng chốc thành tro cuối Tháng Tư

    Tủi nhục, gông cùm suốt Thứ Năm
    Hùm thiêng gạt lệ với thăng trầm
    (dương oai, diệu võ, bầy chồn cáo)
    ...........................Ta đếm ngày qua,
    ................ nén chữ CĂM”


    _o0o_


    Nhìn khuôn mặt tên “Cán bộ” mặt mày lấc cấc, máu tôi sôi lên, tôi muốn đấm cho nó một cái, ra sao thì ra. Nhớ đến ánh mắt của ba ngoài kia, cặp mắt ngây dại của ba đang co cụm dẫy chết. Nhớ đến đôi vai gầy gò run rẫy trong gió lạnh ngoài kia, lòng tôi dịu lại, tự nhiên tôi bật khóc, khóc ngon khóc lành. Vừa khóc tôi vừa năn nỉ tên cán bộ đáng tuổi em mình. Tiếng khóc động đến lòng trời, đúng lúc một tay cán bộ nữ bước vào. Có lẽ khuôn mặt một người đàn ông đang khóc nhìn thê thảm, xấu xí và cảm động quá, sau khi bàn bạc, cán bộ nữ đồng ý cho tôi được gặp ba nhưng chỉ được gặp đúng 15 phút mà thôi. Dù sao đàn bà vẫn là đàn bà, vẫn tình cảm hơn.

    Chờ khoảng một tiếng, một tên Công an đi vào, theo sau là ba tôi. Lúc này tôi mới có cơ hội nhìn rõ ba. So với hồi ở nhà, hoàn toàn khác hẳn. Khuôn mặt đen sạm, tóc tai bạc trắng, râu dài tới ngực, mặc bộ đồ tù cũ kỹ, tay cầm chiếc nón lá rách tả tơi. Không kềm được tôi phóng người về phía ba, hai tay dang rộng. Ba giật mình bước tránh qua một bên miệng lắp bắp “Dạ thưa Cán bộ, tại con tôi không biết”. Nói xong ba lầm lủi theo tên Công an đến chiếc bàn tre chính giữa phòng. Đợi tên công an ngồi xuống chiếc ghế ở giữa hất đầu ra lệnh, ba ngồi xuống ở chiếc ghế đầu kia đối diện với tôi. Tên CA hất hàm:

    - Anh có 15 phút để nói chuyện với ông.

    Dù tự nhủ phải cố gắng bình tĩnh nhưng vẫn không thể được, tôi oà khóc như một đứa bé. Trong khi đó ngoài trừ cặp mắt ánh lên một nỗi niềm khổ đau vô hạn, ba bình tĩnh hơn tôi nhiều. Ba nói trước, ba hỏi thăm về mẹ, về các em. Cũng vẫn là lời lẽ như trong các thư ba gửi về. Thỉnh thoảng dù rất cố gắng kìm lại nhưng ba vẫn húng hắng ho. Tiếng ho vẫn đục như có đàm chận trong cổ. Vừa khóc, vừa trả lời tôi mãi nhìn ba, muốn nhảy đến ôm ba vào lòng. Nhưng khoảng cách hai đầu chiếc bàn quá xa và tên công an ngồi chính giữa như một bức tượng lạnh lùng, đe doạ. Tôi để cho ba hỏi ba nói và tôi trả lời. Có nhiều điều muốn hỏi, muốn kể với ba nhưng nỗi xúc động làm tôi không nói được nên lời.

    Thật ra nếu nhớ ra, có hỏi, chắc chắn cũng là câu “Cách mạng khoan hồng, ba học tập tốt sẽ được cho về”. Nhìn ánh mắt ba, tôi biết sẽ không bao giờ ba “học tập tố” được, ngày về sẽ còn xa lắc xa lơ. Tôi lấy từ trong túi xách, mấy gói thực phẩm khô, chuối khô do mẹ làm, một ít bánh đậu xanh, mấy hộp diêm một tút thuốc lá đen đẩy về giữa bàn về phía Ba. Ba đẩy tất cả về phía tên CA, miệng nói: “nhờ cán bộ giữ giùm”. Cặp mắt sáng lên, mặt bớt lạnh lùng, tên CA đem các món đồ vào chiếc tủ nhỏ ở góc phòng. Không biết ba sẽ nhận được lại các món này hay không, tôi không có tâm trí để nghĩ đến.

    Tôi cứ mãi nhìn người đàn ông gầy gò tội nghiệp và yếu ớt đang ngồi trước mặt mình không nói được lời nào. Nước mắt cứ không ngừng tuôn. Nói chuyện được khoảng 15 phút tên công an lạnh lùng đứng dậy tuyên bố hết giờ. Ba chậm chạp đứng lên, cặp mắt nửa như ngây dại, nửa thảng thốt, nửa tiếc nuối nhìn tôi, bước theo tên công an ra khỏi nhà khách. Không kìm được, tôi vùng chạy tới, ôm choàng lấy ba khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi thấy mặt gã công an như dịu lại, quay mặt ra nơi khác. Bây giờ thì ba cũng khóc. Không biết chúng tôi đứng bên nhau được bao lâu cho đến khi tên CA kéo tay Ba tôi đi. Ba lủi thủi đi không quay lại. Cái dáng đi khòm khòm, nhẫn nhục đến tội nghiệp. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp ba, còn sống.

    Sau chuyến đi gặp ba trở về, biết được địa điểm, lo lắng về tình trạng sức khoẻ của ba, mẹ suốt ngày hối thúc tôi đưa mẹ đi thăm ba. Thời đó người dân bình thường nếu muốn ra Bắc phải làm đơn ra phường xin phép. Với gia đình “nguỵ quân nguỵ quyền” như gia đình tôi, xin giấy phép càng khó khăn hơn, thời gian chờ đợi lâu hơn. Phường thì bảo phải có giấy phép thăm nuôi từ trại gửi về mới cấp. Đợi giấy phép thì không biết đến khi nào. Lên gặp chú thì chú chỉ ngược về phường. Cũng như không. Mẹ thì cứ sốt ruột, đi ra đi vào. Suốt ngày mẹ như lửa đốt, bỏ ăn bỏ làm. Các em thì còn nhỏ dại, cũng chỉ hai vợ chồng chúng tôi trăm phương nghìn kế,tính đủ mọi cách cũng chưa biết phải làm thế nào.

    Tình cờ (đến lúc này thì tôi tin có những sự tình cờ do ơn trên sắp đặt), tôi được “lệnh ra Hà Nội tham gia lớp tập huấn dành cho Giáo viên môn mạch điện tử”. Lấy lý do là lần trước vợ tôi chưa đi Hà nội, tôi xin phép Hiệu trưởng cho vợ tôi được nghỉ phép cùng đi. Do “quan hệ tốt” và có lý do chính đáng, hiệu trưởng đồng ý ký giấy phép dù bây giờ vợ tôi mới sinh con đầu lòng, sức khoẻ còn yếu lắm. Thật ra chúng tôi đã có kế hoạch từ trước. Giấy phép đi Hà Nội có ghi rõ tên tôi và vợ tôi NGUYEN THI CUC, “cán bộ Trường Bưu Điện Thành phố ra Hà Nội công tác”. Chữ trên giấy phép do chúng tôi điền và đưa Hiệu trưởng ký. Chữ CUC sau này được sửa thành chữ LOC, tên của mẹ tôi. Thế là tôi và mẹ có giấy phép ra Hà Nội “công tác”, dĩ nhiên chính là để thăm cha.

    Lần trước, khi thăm ba, do không biết đường đi cũng như không hy vọng gặp được ba tôi chỉ đem một ít đồ dùng. Kỳ này mẹ chuẩn bị chu đáo hơn. Bao nhiêu tiền dành dụm, mẹ đem ra mua hết. Sửa đặc, cơm khô, thịt chấy, bánh đậu xanh, áo quần, thuốc lá (nên nhớ hồi đó mọi nhu yếu phẩm, gạo cơm, thức ăn đồ dùng đều được cung cấp theo chế độ tem phiếu, có tiền cũng rất khó mua). Chúng tôi phải dùng mọi cách, từ vay mượn đến năn nỉ xin xỏ gom góp cũng được khoảng hai bao tải gần 60 kg.

    Hai mẹ con ra Hà Nội bằng xe lửa. Sau khi xong công việc thanh thủ cuối tuần hai mẹ con cùng người gánh hàng thuê lên tàu chợ hướng Cao Bằng Lạng Sơn về ga Ấm Thượng. Do đã biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi này diễn ra suông sẻ nhanh chóng hơn lần trước. Vượt 30 km đường bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà khách K2 vào lúc nửa đêm. Mẹ chịu đựng gian khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc gặp lại ba vào ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được.

    Tiếp chúng tôi là một tay Công an khá lớn tuổi với khuôn mặt rất hình sự. Tôi trình bày lý do, giấy tờ và xin phép được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói: “Rất tiếc không thể để hai người gặp tù nhân này được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức ăn và đồ dùng lại chúng tôi sẽ chuyển cho ông”. Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ. Gã một mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.


    Càng bị từ chối, nỗi uất ức càng lớn, bà càng lớn tiếng. Không có nỗi đau nào bằng nỗi thất vọng lúc này của chúng tôi. Khóc hết nước mắt vẫn không lay chuyển, mẹ tôi càng la càng hét. Gã công an lúng túng không biết xử như thế nào với tình thế phát sinh lúc này. Mẹ tôi lúc này như một người mất trí, khuôn mặt nhuể nhoại mồ hôi. Cặp mắt đỏ ngầu. Những người đến thăm nuôi và cả những “Cán bộ” của các bàn bên cạnh đều hướng về phía bàn chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến nỗi đến tai cấp chỉ huy trại. Một Sĩ quan Công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối cùng viên Sĩ quan đến gặp chúng tôi, dịu giọng:


    - “Thật ra chúng tôi rất muốn giúp bà nhưng quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỷ luật bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa. Thôi bà về đi. Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ để thức ăn và đồ dùng chúng tôi hứa sẽ đưa tận tay ông nhà, không thiếu một thứ gì”.

    (còn tiếp)


  10. #10
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    Chủ Nhật Đời Ta, sẽ tặng con
    Phận trai, con phải sống cho tròn
    Tròn niềm kiêu hãnh làm Dân Việt
    Tròn chữ Ân Tình với nước non

    Để có một ngày ta bước đi
    Xin đừng rơi lệ phút phân ly
    Thâm Tình Phụ Tử con mang nặng
    ...... Tâm huyết lời cha
    .............. hãy khắc ghi...

    _o0o_


    Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng không lay chuyển tên “cán bộ quản giáo”, tôi nghĩ chắc là hết cách. Chắc phải ở lại Hà Nội thêm một tuần. Nhìn khuôn mặt hiền lành của viên Sĩ quan Công an, tôi nghĩ gã đã rất thiệt tình. Tôi nói nhỏ với mẹ, mình về thôi. Tuần sau lên lại hy vọng họ giữ lời hứa cho gặp được Ba lâu hơn.

    Trong khi quay lại bàn tiếp tân để làm thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè xanh cho những người đến thăm nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi chầm chậm về phía chòi vệ sinh sau khi ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt nhấp nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã Cán bộ Công an đi vệ sinh.


    Bước vội nhanh vào phía trong vừa kịp thấy dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào, nhìn quanh chòi vệ sinh được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh cửa nửa kín nửa hở. Tôi ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có linh cảm hình như người tù nhân muốn cho tôi biết một điều gì đó. Tôi nhìn quanh, quả đúng như linh cảm, trên góc đòn tre phía trái, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nguệch ngoạc một dòng chữ: “Ông D. bệnh nặng”.


    Hoảng hốt tôi vội chạy ngược vào phòng tiếp tân. Dù rất xúc động nhưng tôi vẫn còn giữ chút bình tĩnh kéo mẹ ra góc phòng báo tin. Mẹ vững vàng và khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại bàn tiếp tân và nói:

    - Xin Cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng mất hai ngày. Gã Cán bộ nói láo trơn tru:


    - Ông bị biệt giam, không được phải cả tuần chúng tôi mới đưa ông nhà ra gặp bà được.


    Đến lúc này nỗi uất ức trong lòng mẹ tôi bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn:


    - Mấy ông nói láo, tôi biết chồng tôi đau nặng, đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp. Các ông có còn là con người không?


    Đến lúc này thì mẹ tôi không còn biết sợ là gì nữa, tất cả những oán hận chất chứa trong lòng bao lâu này được dịp thoát ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào. Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắc. Gã Cán bộ chạy vào trong và đi ra cùng với viên Sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói với chúng tôi:


    - Xin bà bình tĩnh, mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết.


    Nói xong gã ra lệnh cho hai Công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phía trong. Có lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện. Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài nhiều. Viên Sĩ quan Công an nói:


    - Bây giờ tôi xin nói thật về tình trạng của ông nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà đã biết, tôi sẽ thu xếp cho bà vào gặp ông. Ông nhà đang nằm ở Bệnh xá, tôi sẽ cho người dẫn ông bà đi. Xin ông bà đợi một lát.


    Nói xong gã bước ra, nói nhỏ gì đó với tay Công an trực. Tay Công an bước đi thật nhanh. Khoảng 40 hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp. Lại thì thầm to nhỏ với viên chỉ huy.


    Linh cảm không hay đến với tôi. Lần này viên Sĩ quan trầm giọng:


    “Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị, nhưng vì sức yếu, ông nhà vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với bà. Chúng tôi sẽ lo chôn cất ông nhà đàng hoàng tử tế”.

    Nghe tin dữ, mẹ tôi như điên cuồng. Bà nằm lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không đem ra. Không nhân vật nào bà không đem ra chửi. Vừa chửi vừa khóc, khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại. Tôi ôm mẹ không nói được nên lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt. Ôm mẹ với trái tim nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi!

    Chúng tôi được dẫn đi gặp ba lần cuối. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là Bệnh xá nằm sâu trong K2 cách nhà khách khoảng 30 phút đi bộ. Ba nằm trên một giường tre, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương khô. Hàm râu lổm chổm có lẽ được cắt ngắn một cách vội vàng không dài thòn như lần đầu tôi gặp. Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc yên lặng ngồi xuống đất vói tay ôm lấy ba. Tôi ngồi xuống phiá bên kia. Hai mẹ con ôm chầm lấy ba.


    Vẫn còn hơi ấm của một cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt mắt ba. Mắt trừng trừng nhìn ba. Hình như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu. Sẽ không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh của ba mẹ tôi trong bệnh xá trại K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi kéo mẹ đứng lên.


    Sau này qua một người bạn tù của ba, lúc mẹ con tôi đến thăm trại, đang hấp hối nhưng ba tôi biết. Lúc đó ba rất yếu. Ba nói ba sẽ cố gắng sống để găp mẹ một lần và ba cố gắng húp được một muỗng cháo trắng. Muỗng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Giá mà tay Cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp ba một lần sau chót. Chỉ cần một lần mà thôi, của một cuộc tình ba mươi mấy năm. Tôi biết ba đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc, chỉ còn cách một bước chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời yêu thương sau chót, để được nghe một lời trăn trối sau cùng. Tức tưởi và uất hận lắm ba. Mà thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ ba và chúng con sẽ lại gặp nhau một nơi nào đó, trên Thiên Đàng. Chúng ta sẽ lại có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau như thuở nào.


    Để xoa dịu mẹ con chúng tôi, lần đầu tiên K2 có tổ chức một đám ma tù nhân tương đối đàng hoàng. Có rất nhiều tù nhân chết ở đây. Toàn bộ được bó vào các manh chiếu mây tre rách rưới và được vùi sơ sài trong các khuôn đất trống bên trong trại. Ba có lẽ là người đầu tiên đưọc ưu tiên có hòm làm bằng gỗ ván thông mỏng dính. Chôn theo với ba là mấy bộ đồ rách bươm. Cũng có 4 người tù khiêng quan tài. Phía trước và phía sau có 4 Công an đi cùng. Cũng có ly hương là cái chén ăn cơm cũ kỹ. Tôi cầm bài vị là một bức ảnh căn cước nhỏ xíu của ba còn sót lại trong trại. Mẹ đi sau quan tài. Đoàn đưa tang gồm 10 người lặng lẽ đi về phía 1 đồi trọc xa xa, phiá ngoài hàng rào trại K2. Trên đường đi, tôi để ý thấy có những gò đất với rất nhiều ngôi mộ vô danh. Nơi chôn ba là một ngọn đồi, chỉ có một cây đa thật to. Những người tù đào vội 1 lớp đất không sâu lắm, hòm được đặt xuống và lấp lại. Thế là xong. Ba tôi, một Sĩ quan Cảnh sát miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa “thua cuộc”, cuối đời nằm ở đây, một vùng đất gần tận cùng biên giới Việt Trung. Một mình, lạnh lẽo. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Suốt buổi nhìn trừng trừng. Một khuôn mặt tưởng như vô hồn, nhưng tràn đầy oán hận. Một nỗi hận đến vô cùng. Tôi cắn chặt môi đến tươm máu. Thôi ba ơi, hãy yên nghỉ tạm nơi đây, con sẽ quay trở lại một ngày không xa.


    Trước khi trở về, tôi cẩn thận ghi dấu vị trí ngôi mộ với một chữ thập ghép bằng hai nhánh tre và khắc tên ba trên gốc cây to trước mộ.

    (còn tiếp)

 

 

Similar Threads

  1. Episodic memory
    By The Monk of Canterbury in forum Không Gian Riêng
    Replies: 0
    Last Post: 01-18-2017, 12:55 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:01 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh