Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    350

    Ngày Sẽ Qua Thôi Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung

    Ngày Sẽ Qua Thôi


    Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
    Trước 1975, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc tại Saigon, và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ vài ba năm trước đây, Thu Dung đã vui vẻ trở lại trường học (hình tác giả kèm theo). Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2013, cô đã nhận giải đặc biệt với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ". Bài mới của tác giả kể về công việc cô làm tại Mỹ sau khi đi học.
    * * *




    Như tất cả những di dân hợp pháp, cần cù và lương thiện khác, tôi chầm chậm đi từ A đến A Phẩy (A) không hề mang chút tham vọng nào đi từ A đến Z như nhiều người khác. Cho đến khi có một số bằng cấp kha khá, tôi lò dò đi xin việc.

    Chỗ làm đầu tiên (vô cùng sang trọng): Thư viện.

    Công việc đầu tiên (vô cùng ấn tượng): Quét bụi cho sách.

    Không phải đơn giản để có thể kiếm được một việc nhàn hạ, nhẹ nhàng như vậy và cách nhà chỉ 10 tà tà đi bộ... Hay không bằng hên (Ai là người đã nói câu này với tôi nhỉ?)

    Cũng nộp đơn, cũng hồi hộp đợi chờ ngày phỏng vấn như cả chục người khác. Một ngày kia tôi được gọi đi phỏng vấn. Cả nhà xúm lại... trang trí tôi thành một Lady sang trọng, lịch lãm (chứ để tôi tự thân vận động thì chỉ là một áo chemise trắng, một quần jean đen là cảm thấy đủ tự tin để lên đường rồi...) Không ai biết trong máu tôi luôn có thêm cái máu thuyết khách... tôi len lén mang theo trong hành trang là mấy quyển Tương Tri và Tuyển tập Thơ và Truyện chúng tôi vừa xuất bản.

    Người phỏng vấn tôi chính là Quản thủ thư viện này. Tôi trả lời những câu hỏi của Sir với một vẻ rất khiêm nhường lễ độ cộng với một niềm tự tin hiếm thấy... Những ngày còn học ở Mt. SAC College, cứ mỗi tuần tôi đều có mặt ở đây để đọc những cuốn sách cần thiết mà không muốn tốn tiền để mua. Có thể coi tôi hầu như là khách hàng quen thuộc của thư viện này rồi còn gì! Tôi còn biết rõ một điều bí mật là trước đây thư viện có một tủ sách Việt Nam nhưng sau không có ai đọc nên đã trả lại cho Center (vì thành phố này cư dân Việt Nam chỉ đếm được trên những đầu ngón tay... nay thì đếm thêm trên các đầu ngón chân và các đốt xương sống!)

    Sau những câu hỏi dò xét, tìm hiểu, quan tâm lẫn tò mò, Sir trông có vẻ khá hài lòng, Sir hạ con chốt thí:

    - Any questions, Lady?

    Lady đang ấm ức nhiều questions nhưng chưa tiện hỏi nên chỉ mỉm cười rất hiền lành và chơi đòn quyết định:

    - No questions, Sir, but I have the small gift to your library.

    Tôi mở Sac, lấy ra trước quyển Thơ và Truyện, chỉ cho Sir thấy tên tác giả và lật trang 79, chỉ cái tựa SAN DIMAS MÙA THU. Sau đó đặt tất cả những Small Gifts đó trước mặt Sir... Sir ngạc nhiên khó tả nổi, đôi mắt vốn đã xanh lè như mắt con mèo hoang trong đêm lại càng xanh hơn nữa:

    - Whats this?

    - This is a story about our city: Autumn at San Dimas.

    Tôi trả lời với một nỗi hân hoan cũng khó tả. Sir nhìn cái tên tôi, miệng không ngớt Oh My God, Oh My God đầy thán phục. Tôi biết cá đã cắn câu và mình chắn chắn sẽ thắng cuộc một cách vẻ vang dù cái bằng cấp của mình bèo nhèo vô kể so với mớ bằng cấp nặng ký của 11 ứng viên kia... Để coi. Dù bạn đã từng học và từng đọc thiên kinh vạn quyển nhưng nếu bạn không thể viết một cái gì đó cho ai đọc (không kể thư tình) thì sao bạn có thể được nhận vào thư viện tầm cỡ này với chức danh quét bụi? Và cũng rất có thể bạn sẽ được nhận vào những chỗ khác với chức vụ cao hơn như giám đốc, giám sát, quản lý, bảo vệ v.v... chẳng hạn. Đó là những ý kiến mà Sir đã chia sẻ cùng tôi (với một nụ cười hóm hỉnh) sau nhiều tháng cộng sự vô cùng tâm đắc.

    Sir hài lòng vô cùng khi có dưới tay một nhân viên- không cần biết đã học và đọc được bao nhiêu- nhưng đã từng viết được “thất kinh tứ quyển” như tôi (đúng là thất kinh hồn vía luôn!)

    Nhưng cuộc đời đâu dễ êm trôi... nhất là khi tử vi của tôi đã định vị thân cư thiên di! Một tai nạn bất ngờ đã làm tôi phải nghỉ việc 3 tháng. Nghĩ coi, 3 tháng không ai quét bụi thì thư viện sẽ ra sao? Tôi mất việc, dù Sir cứ luôn miệng phàn nàn: OMG, OMG...

    Tôi trấn an mình: Whatever will be...will be... Mất việc thì đã sao chứ? Mất mạng thì mới thật là đáng sợ (mà đã mất mạng thì còn quái gì để sợ nữa chứ?) Nói tóm lại, cứ yên tâm đi, Thượng đế sẽ sắp xếp mọi chuyện cho mình đâu vào đó, ai biểu ổng đã tạo ra mình?

    Một trường mẫu giáo gần nhà hân hoan nhận tôi làm TA vì tôi đã có một thời gian làm Volunteer ở đó một năm từ hồi chưa có cái bằng cấp nào lận lưng làm vốn ! Bọn con nít rất khoái tôi, chúng cho rằng tôi nice hơn teacher của chúng. Teacher của chúng còn nhỏ xíu, khi vui cười như nắc nẻ, khi buồn giận ở đâu đâu thì tới lớp với một vẻ mặt vô cùng phù thủy làm bọn nhóc khiếp hồn... Tôi kể cho bọn nhóc nghe những chuyện cổ tích tôi say mê đắm đuối ngày còn nhỏ... Bọn nhóc kể cho tôi nghe những chuyện cổ tích bọn chúng say mê đắm đuối bây giờ... (nói chung những câu chuyện cũng tương tự nhau thôi... khi tôi kể nửa câu, bọn chúng giành nhau giơ tay xin kể tiếp... làm đôi lúc tôi cảm thấy hơi mất mặt bầu cua!). Tôi dạy chúng hát Lets it go. Chúng dạy tôi chơi game Angry Bird... Ôi những ngày hạnh phúc ngắn ngủi hiếm hoi...

    Một ngày nọ trường hết kinh phí, phải sát nhập mấy trường lại với nhau. Lớp mẫu giáo của tôi được dời đến một địa điểm gần đó, nhưng chỉ dời học trò mà không dời cô giáo. Cô ở nhà tạm thời lãnh tiền thất nghiệp. Còn bé Teacher kia xin được một chỗ bán hàng trong Kohls!

    Ông xã tôi châm chọc: "Đã nói từ lâu rồi ma. Bạn hiền đi đến đâu, nơi ấy sẽ close door!"

    Tôi đâu thèm chấp nhất và sẵn lòng tha thứ cho cái người đã từng chịu đựng nỗi khổ mang tên tôi suốt mấy chục năm... cái người cũng suốt mấy chục năm đi đâu về chưa tới cửa đã réo Na ơi, Na à nghe sốt ruột!

    Đôi khi làm việc quá mệt mỏi tôi lại có một ao ước cháy bỏng là được ở nhà chơi có ai nuôi... Nhưng ở nhà chơi có ai nuôi một thời gian tôi cảm thấy mình thật bất tài vô dụng. Tôi hằn học, bực bội với mọi người, nhất là với cái người đang nuôi tôi đến độ không ai chịu nổi! Bạn tôi nghe cả nhà than thở, động lòng trắc ẩn, tìm tôi, khích tướng:

    - Có một việc này, nếu bạn chịu làm, bạn sẽ có rất nhiều tiền.

    Chuyển tiền lậu? Buôn vũ khí? Bán cocaine? Trồng thuốc phiện?

    Bạn cười:

    - Trời ơi, Bạn đâu đủ bản lĩnh làm mấy việc đó! Nghe tui nói nè, Bạn phải kiên nhẫn chút, Bạn đi học nail đi, Bạn là người rất khéo tay và luôn có tinh thần cầu tiến mà!

    (Tôi cười thầm: Chơi với tôi riết Bạn cũng nhiễm tính thuyết khách trong máu mất rồi!)

    Học nail? Ờ hay đó. Hồi mới qua Mỹ, tui chuyên môn được thuê làm người mẫu cho thiên hạ thi nail, nhiều khi bị họ cắt đứt tay chảy máu mà hổng dám nhúc nhích, sợ giám khảo đánh rớt họ tội nghiệp... Nhưng tui sợ máu lắm, chắc hổng làm được đâu!

    Bạn cười, la:

    - Gì mà máu với me? Lâu lâu mới bị tai nạn nghề nhiệp chút xíu vậy mà... Nhưng lỡ bị thì xịt chút thuốc cầm máu là OK... mà bây giờ thi cũng dễ hơn nhiều, trên mấy bàn tay giả... Ai thi cũng đậu... Xui thiệt xui mới rớt (cũng may bạn là người uốn lưỡi bảy lần mới giữ lại được câu: Ngu thiệt ngu mới rớt, chứ không thì tình bạn trước sau cũng tan tành theo mây khói!)

    Chờ tôi thấm những lời đường mật vào đầu xong, bạn dụ dỗ tiếp:

    - Tui nghĩ thông minh đỉnh ngộ như bạn thì đậu là cái chắc, bạn lấy bằng xong về làm tiệm tui không ai dám ăn hiếp hết... tiệm tui thợ dễ thương, lịch sự, khách mỹ trắng sạch sẽ, típ nhiều tiền...

    Nghe bạn xúi và vẻ ra một tương lai sáng lạn có nhiều tiền, tôi hoan hỉ gật đầu và ghi tên đi học. Mà kể cũng kỳ lạ thật, số tôi sao lận đận và khác người... Cái gì mọi người cho là khá khó tôi thấy dễ ợt. Cái gì mọi người cho là dễ ợt tôi lại nuốt hoài không trôi...

    Ngày tôi đi thi nail là một ngày đất trời phẫn nộ điều gì không biết mà mưa như trút nước... sấm chớp rầm rầm, khói sương mờ mịt, gió cuồng loạn đuổi nhau để các thứ xe trên freeway nhích từng bước một. Tôi đi lạc 3 lần mới tìm đúng chỗ thi. Cũng may nhiều người cùng cảnh ngộ nên giờ thi được du di cho từng người!

    Bạn trấn an:

    - Không sao, ra khỏi nhà mà mưa to là điềm đại cát!

    Đại cát đâu chưa thấy, tôi đã bị sổ mũi và ho khúc khắc như con gà nuốt nhằm sợi dây thun rồi!

    Dĩ nhiên tôi rớt, tôi biết trước điều đó vào lúc 1 giờ trưa trước khi kết quả được thông báo vào lúc 4 giờ chiều...

    Tôi nghĩ:" Mình muôn đời không có duyên với những nghề nghiệp RẤT NHIỀU TIỀN như bạn. "

    Bạn hỏi, hơi tức giận:

    - Lý thuyết rớt tui còn chấp nhận được vì cái bản dịch của bài thi trắc nghiệm rất điên khùng mà những người trí thức cỡ như bạn (tôi liếc chừng coi thử bạn có mỉa mai xách mé gì tôi không, nhưng bạn rất thản nhiên bình phẩm tiếp với một niềm thất vọng khôn nguôi) càng suy nghĩ, càng hỏi tại sao tại sao thì lại càng không hiểu nó muốn cái gì... Nhưng còn thực hành thì quá là đơn giản, một con người tài hoa như bạn (tôi lại lén nhìn coi thử bạn có ý gì dè bỉu hay chê bai gì không, nhưng bạn vẫn buông giọng đều đều với nhiều buồn thương tội nghiệp làm tôi muốn khóc.) tui đã nghĩ rằng bạn qua truông dễ ợt thôi mà... Sao kỳ lạ vậy chứ?

    Tôi không dám kể cho bạn (và mọi người) là: Tôi cho một cô bé Colorado mượn hầu như gần hết đồ nghề khi cô bé khóc hu hu vì đã để quên một mớ trên taxis mà lúc vào phòng thi mới nhớ vì tìm không thấy! Chữ Colorado làm tôi nhớ anh Đoàn Dũng, anh đã dẫn tôi đi vượt biển nhiều lần mà không lọt, anh cũng là người giúp tôi vươt qua những khó khăn của tuổi ấu thời... Bởi vậy tôi động lòng trắc ẩn. thấy con bé sao giống mình quá, cũng hời hợt, cũng vô tâm, cũng lơ đãng quên trước quên sau... Tôi và nó cùng hồi hộp chờ kết quả, nó đậu, tôi rớt (mà tôi còn mừng hơn tôi đậu, nói không ai tin, nhưng sự thật là như vậy.)

    Đâu có sao, tôi là dân CALI, tôi có thể đi thi 2,3 lần mà chẳng hề hấn gì, còn nó phải đi từ xa xôi muôn dặm tới đây...

    Nhưng dù sao tôi cũng cũng canh cánh bên lòng một mặc cảm tội lỗi và cũng hơi quê khi có ai quan tâm hỏi kết quả thi cử ra sao! (may thay, ai cũng sợ tôi buồn nên nháy nhó dặn nhau đừng hỏi!)

    Rồi việc gì đến sẽ đến... Tôi cũng kiếm được cái bằng nail sau vài lần ứng thí. Bạn là người vui nhất, rốt cuộc bạn cũng nói sự thật của lòng mình: "A ha, kể từ hôm nay, bạn chính thức làm manager cho tui, tui có quyền tự do bay nhảy... hai chục năm nay tui chưa hề biết thế nào là chiều thứ bảy!"

    Tôi cũng là một người biết điều hiếm có, tôi giúp bạn hết lòng, hết sức... chỉ có điều tôi không rành rẽ gì để nói chuyện với khách về những kiến thức chuyên môn mà một manager cần phải biết... Lại học, học tiếp...tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Mễ, tiếng Nhật... mỗi ngôn ngữ độ 10 câu làm vốn... Ai nói câu: Học, Học nữa, Học mãi... đúng là người ấy đã từng ở trong hoàn cảnh bi đát như tôi.

    Bạn nói, làm cho bạn không ai dám ăn hiếp, nhất là khi bạn đã giao cho tôi chức vụ quan trọng thứ nhì chỉ sau bạn mà thôi... nhưng thật ra đâu phải vậy. Mấy nhóc thợ ăn hiếp tôi kinh khủng... Khách đông, bọn nó làm xong quăng qua bắt tôi sơn và vẽ... Chúa ơi, bọn nó lẫn khách hàng nghe bạn tôi ca tôi là một ĐẠI (HỌA) SĨ nên hoàn toàn tin tưởng ở tài nghệ còn tiềm ẩn của tôi!

    Có khách khó tính, thắc mắc:

    - What s this?

    Tôi giải thích càng bí ẩn, càng khó hiểu chừng nào, khách hàng càng khoái chí. (Cũng có khi tổ trác, tôi phải chùi đi để vẽ lại những bông những hoa, những da báo, chấm bi tùy theo yêu cầu quê mùa lúa lác của khách! những lúc vậy, bọn nhóc thợ phá lên cười...)

    Tôi nghĩ: "Số phận đã an bài để mình tuy không có nhiều tiền lắm như lời bạn nói nhưng an phận, và vui... "

    Cho tới một ngày, khi vừa đứng dậy mở tủ mỹ phẩm để tư vấn và dụ dỗ một ông khách sộp đến mua một gift card tặng vợ thì tôi thấy choáng váng và ngã chúi vào tay ông ta... Bọn nhóc thợ sau đó cứ chọc: "Cô khéo lựa chỗ êm ái để xỉu!"

    Không, tôi đâu có lựa chọn gì, tôi ngã xuống, và ông khách đứng trước mặt lật đật đỡ lấy tôi thôi! Chỉ có điều ổng độ 300 pounds nên bọn nhóc thấy êm chớ tôi thì lúc đó chẳng biết gì nữa... Xe 911 hú còi ầm ỉ còn hơn hộ tống các VIP trực chỉ LAC USC

    Vậy là một quá trình xét nghiệm máu dài dài không dứt, bạn sốt ruột khi thấy chẳng ai nói tôi bị cái quái gì mà cứ nằm dài hết thử máu lại chuyền máu. Ban đầu bạn còn đùa: "chừa lại để tui còn làm được vài dĩa tiết canh"... sau rò rỉ thông tin, bạn khóc: "Tui hại bạn rồi. bịnh của bạn tránh tiếp xúc các hóa chất mà tui lại xúi bạn theo ngành nail."

    Tôi bị một dạng ung thư vì tiểu cầu quá nhiều trong máu. Bác sĩ nghiêm trọng phán: "H. 562. Trên 500 đã là rất nguy hiểm rồi"... Đáng lẽ phải đi đếm tiểu cầu sớm, nhưng xét nghiệm này rất đắt, một thường dân như tôi không bảo hiểm nào chịu chi... (nhưng từ khi vào Kaiser Center thì tôi chẳng quan tâm ai phải trả tiền nữa.)

    Các cô thợ tới thăm, khóc: "Bọn con nhớ cô, nhất là những khi lấy đất trong khóe của khách, không dám bỏ lên chân của họ nữa, cô la !"

    Ban đầu tôi shock dữ lắm, nhưng dần dà bình tâm. Tử vi nói tôi sống tới 70 tuổi lận mà. Sống chi dai dữ vậy trời? Tôi đâu muốn già, tóc bạc, da nhăn nheo, xấu ình xấu ỉnh... Tôi đã chẳng muốn chết cách đây mấy chục năm rồi đó sao? Sinh, lão, bệnh tử ai chẳng phải trải qua việc gì đâu phải sợ?

    Ông xã tôi, trước là Kỹ Sư, nay là Cư Sĩ, rất thiền: “Đúng là mẹ con Tu Hú. Có số hưởng... không cần làm gì cũng có người nuôi!" Tội, ổng lại nai lưng ra nuôi tôi mà không hề hé môi nói một lời than vãn!

    Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Tôi không thể chôn chân trong 4 bức tường dù nhà mình hay bệnh viện. Tôi không cam tâm bỏ hết những công lao dùi mài đèn sách vào xó bếp. Bịnh của tôi chỉ tránh tiếp xúc với hóa chất chứ đâu cấm tránh tiếp xúc với con người. (mặc dù những lúc vào bệnh viện, tôi phải ở một nơi đặc biệt vô trùng qua 2 lần kính.)

    Tôi đôi khi thật là dễ vỡ.

    Tôi nói với bác sĩ: "I want to work continue."

    Bác sĩ cười: "Of course... without over work!"

    Việc, có sẵn, chẳng ai muốn làm... TA cho nhóm trẻ khuyết tật của bệnh viện... Bạn nhăn nhó: "có gì để nhập viện cho nhanh... đỡ kêu xe cấp cứu " và những người thân thì ngao ngán: "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường / chỉ tìm những chốn đoạn trường mà đi..."

    Không ai thấy gì trong các đôi mắt vô hồn mà đầy buồn thương vô hạn ấy sao?

    Không ai thấy gì trong các nụ cười lệch lạc mà ấm áp vô cùng ấy sao?

    Không ai thấy gì trong các tâm hồn sâu thẳm mà cô đơn cùng tận ấy sao?

    Hay có thấy, chỉ để buông một tiếng thở dài: Tội. Rồi quên?

    Đêm đêm, tôi đi qua những giường ngủ của các bé con... Senata ôm chặt vào lòng gấu Misa xám nhạt, Sophia co người như con tôm hai tay ôm lấy chân mình, May nằm sấp úp mặt vào chiếc gối, May là con bé hay cắn tôi nhiều nhất, bé thường choàng tay qua lưng tôi, dụi mặt vào vai tôi và nhay nhay như chú chó con ngứa răng... Nếu tôi hất ra, dõng dạc: "Don t touch me ", bé sẽ giật mình hốt hoảng, đưa ngón tay vào miệng, tự gặm nhấm ngón tay mình và chìm vào cơn trầm cảm đến mấy ngày... vì thế tôi để cho bé cắn.

    Tôi xoa lên những vết cắn trên tay, trên vai mình, những vết cắn vì yêu thương nhưng đôi khi đau điếng cần phải đi chích thuốc. Tôi luôn mặc áo dài tay che dấu những vết tích ấy để những người thân khỏi bận tâm.

    Có cô bạn uyên thâm kiến thức tình cờ thấy vết cắn, nghe kể xong, hoài nghi lễ độ nhìn tôi, phán:

    - Quá bịnh!

    Tôi cười (đôi khi tôi khá hiền lành):

    - Bịnh gì vậy bạn?

    - Sadique, tìm hạnh phúc trong đau đớn!

    Thôi mà bạn, tôi đã nếm dư thừa những trần gian lộn xộn rồi, đừng có ném thêm những hiện sinh, hiện đại, phân tâm học vân vân các thứ vào cuộc đời tôi nữa.

    Đơn giản một chút đi, nếu bạn trông thấy một bé thơ đang buồn đau tuyệt vọng, lẽ nào bạn không xót xa ôm bé vào lòng để dỗ dành, an ủi?

    Tôn Nữ Thu Dung

    -------------------------------------------------------


    Chuyện Đời Thụy Duy Trần

    Tôn Nữ Thu Dung

    Có thể nàng yêu tôi vì tôi trót mang tên một bài hát mà nàng vô cùng yêu thích: “Khúc Thụy Du”, thơ Du Tử Lê do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc.

    Cái tâm cảm buồn mênh mang đó trôi dài suốt thời gian yêu nhau.

    Nàng đã là một bé con xinh xắn, một yểu điệu thục nữ, một mẹ hiền vợ ngoan đúng nghĩa…

    Nói về một điều gì đã mất đi lúc nào cũng đầy bâng khuâng tiếc nuối và long lanh hoài niệm… luôn luôn là vậy. Tôi phải bắt đầu từ đâu trong quãng đời dài nhưng quá mơ hồ như thế?

    Nàng đang ràn rụa nước mắt vẫn có thể bật cười giòn tan khi có ai trêu chọc. Mẹ tôi nhiều lần nhìn thấy cảnh đó, không bằng lòng ra mặt: “Giòn cười tươi khóc, con người cạn cợt vô tâm vô tánh”. Mẹ tôi không thích nàng ngay từ đầu nhưng tôi thì yêu nàng đến chết được. Nàng không quan tâm ai nghĩ gì về mình, chỉ rộng lượng giành cho mọi người chung quanh những tình cảm chân thực nhất, không màu mè giả dối… Lâu dần, mẹ tôi thương nàng còn hơn thương tôi và các cô con gái ruột… “Con bé thật giỏi, thật ngoan”. Từ đó, trong mắt mẹ tôi nàng lúc nào cũng là con bé thật giỏi, thật ngoan…

    Thói quen yêu thích nhất của nàng trong những giờ rãnh rỗi là chống cằm nhìn qua cửa sổ. Đôi khi cả nhà đứng sau lưng để nhìn theo mà cũng chẳng thấy có gì hay, lạ, đẹp để một người bình thường có thể bỏ suốt cả mấy giờ mà nhìn như thế. Mẹ tôi nói: “Việc gì qua tay con bé cũng nhanh chóng, gọn gàng không như những mợ khác…” Những mợ khác lại âm thầm ganh tị: “Nhanh chóng gọn gàng thế để còn thì giờ …nhìn qua cửa sổ. Nàng nghe, chỉ cười, nụ cười vô cùng trẻ thơ với hai lúm đồng tiền sâu xoáy. Nghe mấy cô em xui giục, một lần tôi hỏi:

    - Nhìn cái gì ngoài đấy thế em?

    Nàng ngơ ngác:

    - Có gì đâu anh. Chỉ là gió.

    - Gió thì không thể thấy.

    - Bởi thế em mới tìm hoài…

    Câu nói hình như mang nhiều ẩn ý. Tôi tìm đến ông bạn thân ngày xưa hiện là bác sĩ tâm lý khá nổi tiếng ở Los, nơi có nhiều bệnh nhân cần điều trị vấn đề thần kinh. Khách hàng phải xếp lịch trước cả tuần, nhưng tôi thì không cần… Nhỏ to tâm sự, lắng tai nghe, gật gù tâm đắc, bác sĩ phán:

    - Ông là người đánh cắp giấc mơ của cô ấy.

    Đánh cắp giấc mơ? Đúng là đao to búa lớn. Tay bác sĩ này rất biết cách nâng cao văn hóa bệnh nhân và người nhà để thứ nhất tốn thời gian vàng ngọc (phải trả bằng đô la) thứ hai là nói cho hết những cái hắn đã học ở các Đại Học Đường Y Khoa nơi các vị phân tâm học đã dày công nghiên cứu rồi truyền đạt cho hắn để làm mồi kiếm cơm… Hắn mơ mơ màng màng sau làn kính trắng thấy vô cùng trí thức:

    - Cô ấy từng mơ tưởng mình là một nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… đùng một cái bị ông rước về, đi bán hamburger nuôi ông đi học. Cô ấy vẫn hoài nhớ giấc mộng xưa. Không sao đâu, ông đã làm ra nhiều tiền, hãy để cô ấy nghỉ việc, cô ấy sẽ làm được những điều ấp ủ … Biết đâu cô ấy sẽ là một nhà văn nổi tiếng.

    Đang lo sợ mà tôi cũng bật cười muốn sặc:

    - Nghĩa là khuyến khích nàng viết văn? Truyện kinh dị, truyện thần thoại, truyện tình ái sex xiếc?

    Tôi hơi khựng lại ở mấy tiếng cuối cùng… lắc đầu thất vọng:

    _ Nàng không hề đọc một quyển sách nào ngoài Kinh Thánh. Nàng không thích văn, thơ, nhạc, họa…

    Tay bác sĩ này đã tốt nghiệp hạng giỏi ở UC San Francisco, thuộc top 5 các trường Y Khoa tại Mỹ, chuyên trị liệu cho các ngôi sao Hollywood lẽ nào lại chịu thua tôi, hắn dò hỏi:

    - Thế cô ấy thường giải trí bằng gì?

    Tôi cáu, cộc cằn:

    - Nói nãy rồi, nhìn qua cửa sổ…

    Hắn tò mò đến nỗi, một ngày kia, lái xe 150 dặm đến nhà tôi để quan sát cái kiểu nàng nhìn qua cửa sổ… Hắn thản nhiên tuyên án:

    - Một dạng bệnh hoang tưởng nhẹ, không sao đâu.

    Rồi ganh tị:

    - Cô ấy quý trọng bạn chồng ghê nhỉ. Chẳng bù với vợ tôi. Vườn nhà ông thật đẹp. Nếu ở đây, tôi cũng mắc bệnh nhìn qua cửa sổ!

    Rồi an ủi:

    - Cô ấy bình thường, nếu có thể ông đưa cô ấy đến bệnh viện, tôi tư vấn là khỏi thôi.

    - Thì tôi đã nói rồi, ngoài chuyện nhìn qua cửa sổ thì nàng hoàn toàn bình thường mà…

    - Vậy thì việc gì ông lo lắng cho mệt xác. Tôi chỉ mong một điều vợ tôi cũng thích suốt ngày ngồi nhìn qua cửa sổ đừng nói năng chi!

    Tôi im lặng, việc tôi lo lắng tôi không thể nói với tay này được dù hắn sẵn sàng cho toa trị bệnh miễn phí đủ thứ khi tôi dại dột than van…

    Một bác sĩ chuyên khoa khác, kín đáo hơn, khá thân thiết để không nỡ biến bệnh tình của nàng trở thành một Scandale hũy hoại đời sống tinh thần và xã hội đang lên như diều gặp gió của tôi. Không hiểu sao tôi có duyên làm bạn với mấy tên bác sĩ sau khi tư vấn họ mua nhà và sửa sang chút đỉnh … dù tôi chẳng cầu cạnh gì nếu không vì nàng.

    - Có thể cô ấy thiếu chất kích thích nữ. Sau 30 tuổi, mỗi 6 tháng phải chích một lần. Và uống thường xuyên mỗi ngày một viên thuốc này. Ông đưa cô ấy đến khám nhé.

    Tôi nhìn lọ thuốc xanh xanh:

    - Viagra?

    Vị bác sĩ khả kính nhìn tôi khinh bỉ ra mặt( tôi nghĩ vậy ):

    - Đừng chết vì thiếu hiểu biết.

    Câu này tôi nghe quen, nhưng không nhớ hoàn cảnh xuất xứ đành bấm bụng ra về.

    Những viên thuốc hóc môn nữ, những mũi thuốc chích định kỳ làm nàng luôn trẻ đẹp xinh tươi, tóc dài da mượt nhưng vẫn chẳng cải thiện được điều gì … Lúc nào nàng cũng co như con tôm trong giường ngủ. Co như con tôm từ đêm tân hôn, ai cũng nói chuyện đó bình thường, nhưng co như con tôm nhiều năm sau này nữa thì ai cũng nói là chuyện bất bình thường… Những đứa con xinh xắn khỏe mạnh ra đời mà nàng vẫn luôn co như con tôm trong giường ngủ mỗi đêm với những áo ngủ, khăn choàng, mền len … đủ thứ. Tôi gây gổ với ông bác sĩ thứ hai biết bao nhiêu lần:

    - Ông là bác sĩ chuyên gia cái quái gì kỳ vậy? Hai mươi năm ông chữa trị thế nào mà nàng vẫn co quắp sợ hãi chuyện ấy?

    Bình thường hắn luôn nhìn tôi với cái nhìn thương cảm xót xa, nhưng đôi khi sức chịu đựng của con người có giới hạn, hắn cũng gào lên to không kém:

    - Nhìn cái bộ dạng ông mà người ta không co rúm mới lạ!

    Tôi nhìn lại cái bộ dạng của mình, thầm nghĩ: Nghề nghiệp đã làm mình phong trần quá đáng, nhưng nàng thường thỏ thẻ: nàng chỉ yêu Từ Hải, không thèm liếc mắt cái bọn Kim Trọng, Thúc Sinh… Nhưng tôi không thể dìm đời mình vào hỏa ngục.

    Một ngày, tôi giả vờ lơ đãng hỏi, khi chúng tôi đang uống cà phê ngoài vườn, ngắm những bông hoa súng vừa hé nở trong hồ cá vào một sáng thứ bảy mùa thu trời đẹp ơi là đẹp.

    - Sao em cứ thích ngồi nhìn ra cửa sổ hoài vậy?

    Nàng mở to mắt nhìn tôi, đôi mắt trong veo có cái đuôi dài nghịch ngợm:

    - Em nhìn về hướng ấy vào buổi sáng khi anh và các con đi học, đi làm, vào buổi chiều để chờ anh và các con về… Em đọc kinh cầu nguyện để cả nhà mình bình an. Ban đêm khi đi làm em rất sợ đậu xe ở Parking tối tăm, em muốn mình cũng được cùng anh và các con đi về hướng ấy vào mỗi sáng… và cả nhà lại về cùng nhau mỗi chiều.

    Tôi chưng hửng với câu trả lời vô cùng đơn giản ấy… Thừa thắng xông lên, tôi hỏi tiếp:

    - Còn tại sao tối nào em cũng nằm co như con tôm trong mấy lớp mền không cho anh đụng tới?

    Miệng nàng mở hé, như vừa có những tiếng cười loáng thoáng bay ra, chưa ai có nụ cười làm tôi mềm lòng đến vây:

    - Em sợ làm mất giấc ngủ của anh, anh đi làm mệt mỏi…

    Lạy Chúa, xin Ngài hãy tha tội cho hai ông bạn bác sĩ đã hành hạ tôi suốt mấy chục năm nay bằng những kiến thức y khoa hiện đại nhất của Hoa Kỳ…

    Tôn Nữ Thu Dung

    --------------------------------------------------------------
    Người Bạn Lớn


    03/01/2015 TÔN NỮ THU DUNG



    Chuyện kể về người bạn cựu chiến Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Tác giả là cư dân San Dimas, California. Trước tháng Tư 1975, tại Sài Gòn, cô từng cộng tác với tần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ", tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt, Viết Về Nước Mỹ 2013.
    * * *


    Lần chia tay nào David cũng nói:

    - Có thể đây là lần cuối cùng chúng ta ngồi bên nhau... Cheers up!

    Ông làm một động tác cụng ly dù trên tay ông chẳng có cái ly nào!

    Mỗi năm David một yếu đi, Ông gầy gò với râu tóc bạc phơ như ông già Noel hiền lành, đôn hậu. Tôi nói:

    - Không đâu David, khi ông không thể đến cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ đến với ông. Chúng ta là chiến hữu mà! Tôi hứa.

    David là một cựu chiến binh thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, ông rất tự hào với đoạn đời ông đã trãi qua... Mỗi năm, như thường lệ, David đi từ Minnesota đến California để cùng chúng tôi đón một mùa lễ hội từ Thanksgiving- Giáng Sinh cho đến Năm Mới.

    Ông trang hoàng nhà cửa, sân vườn như một designer chuyên nghiệp vì biết rằng chúng tôi rất bận rộn vào những ngày lễ cuối năm... Chỉ cần con gái tôi reo lên: So nice! Bravo tonton... là đủ để ông rơi nước mắt... Từ chiến trường trở về, ông bị hội chứng cô độc và chán ghét con người...Đó là nguyên nhân để ông không có một gia đình riêng đầm ấm.

    Khi tôi 10 tuổi, NhaTrang còn là một thị xã bé nhỏ, xinh đẹp, hiền hòa và yên bình nhất nước... Chiến tranh chỉ lãng vãng qua thị xã thơ mộng này gói gọn trong những quán Bar mọc lên ven bờ biển ngập tràn những người lính viễn chinh đủ các màu da.

    Ngôi nhà tôi ở trên con đường chạy thẳng ra biển, nơi chúng tôi vẫn lang thang nhặt vỏ sò vỏ ốc trong những buổi trưa trốn ngủ... đột nhiên bị rào lại cuối đường và xây dựng một căn cứ không quân và những pháo đài che mất tầm nhìn bao la tới biển...Hai hàng dương liễu chạy dài ven đường bị đốn đi, những ổ chim sẻ, chim dòng dọc rơi tan tác... và con đường cát ấy được trải nhựa thẳng tắp, những đám cỏ Chong Chong, hoa Mắc Cở lần lượt rụi tàn để những ngôi nhà lầu cho thuê mọc lên đầy khu vực đó !

    Chỉ có ngôi biệt thự của nhà tôi là không hề biến dạng, nằm im lắng giữa khoảng sân vườn hơn 2000 mét vuông, với hai hàng Trúc Đào trồng ven lối đi, rực hồng xinh đẹp. Cạnh nhà tôi, căn lầu mà một nhà thơ nổi tiếng thời ấy đã mê say đắm đuối một cô Tiếp Viên Hàng Không xinh đẹp não nùng đã viết những câu thơ mà con nhóc con 10 tuổi như tôi khi được đọc cũng biết bâng khuâng:

    "Em đến cùng ta trăng hồ thủy
    Sớm mai lầu hẹn cũng nghiêng buồn
    Long lanh bóng xế tà dương cũ
    Mộng vỡ mà sao chưa bay hương..." (PKV)

    Căn lầu ấy đã vắng đi cô chủ đài các tuyệt sắc giai nhân, nàng thơ thuở ấy mà thay thế bằng mấy ông lính thủy Mỹ đẹp như tài tử ci né.

    Những buổi chiều, tôi thường đánh vũ cầu với Thư trên sân, lúc ấy chúng tôi chỉ là 2 nhóc con tí xíu.

    Từ trên sân thượng, mấy chú lính nhìn xuống, vỗ tay và bravo ỏm tỏi khi tôi hoặc Thư có một pha cầu tuyệt vời, một cú direct dẫn trước 11 điểm... hay ngặt nghẽo cười những lúc tôi thua và KiKi bênh vực tôi, cắn áo Thư kéo rị lại không cho Thư đánh tiếp. Ki Ki rất dễ thương nhưng không fair play chút nào... Nó che chở và bênh vực tôi bất kể đúng sai !

    Ki Ki là đứa bạn chó yêu quý nhất suốt tuổi thơ tôi, nó lớn lên cùng tôi, ngủ chung phòng và ăn cùng giờ giấc...Thuở nhỏ, tôi làm biếng ăn, ngậm miếng cơm trong miệng nhơi nhơi hoài không chịu nuốt. bà vú dỗ bằng cách đưa Ki Ki ra làm gương cho tôi thấy...cái miệng Ki Ki không nhai mà nuốt rất nhanh để tôi bắt chước... Những khi tôi ra sân, Ki Ki ngồi ve vẩy tai trên thềm cao và khi tôi nhảy lên, la hét vui mừng vì dẫn điểm trước thì nó cũng nhảy theo, cũng hò reo vui mừng bằng tiếng chó chỉ mình tôi hiểu...

    Cả ngày hôm đó, Ki Ki cáu giận chuyện gì không biết, nó bỏ ăn buồn bã nằm ở góc phòng, nó cũng không thèm liếm mặt tôi khi tôi úp mặt vào cổ nó dỗ dành... Nó rên ư ử như một đứa bé bị đòn oan ức...Buổi chiều, khi thấy tôi xách vợt ra sân, nó mới lững thững uể oải đi theo, hững hờ ngồi trên bậc thềm cao nhất, lơ đãng khép mắt không thèm để ý đến những rộn ràng trên sân.

    Khi cú direct của David chấm dứt trận cầu, David cầm chiếc vợt gõ nhè nhẹ phần lưới cước trên đầu tôi chưa kịp nói lời từ giả thông thường: See you tomorrow, baby... thì Ki Ki nhanh như một tia chớp, phóng từ trên cao xuống, cắn vào cánh tay đang cầm vợt của David...Tôi chỉ kịp hét lên, ôm choàng lấy Ki Ki: Đừng, Ki ơi, đừng như vậy! rồi ngất xỉu.

    Mẹ kể: Xe Quân Cảnh đến, xe cấp cứu đến...phải bắn vào Ki Ki mấy mũi thuốc mê mới trói được Ki Ki đưa lên xe vì nó cứ quanh quẩn bên tôi mà thét gào làm ai cũng sợ !

    Trên giường cấp cứu, mấy chú quân cảnh Việt Mỹ phối hợp hỏi tôi:
    - Ki Ki bỏ ăn 2 ngày ?

    Tôi gật: - Dạ

    - Ki Ki có tâm trạng buồn bã mấy hôm ?

    Tôi gật: - Dạ

    - Ki Ki có triệu chứng sợ ánh sáng và nước ?

    Tôi lắc:
    - Dạ không.Em với Ki Ki mới đi tắm biển sáng qua. Mấy chú đem Ki Ki của em đi đâu vậy ?

    - Chỉ để kiểm tra xem Ki Ki có bị dại không đó mà. Nhưng ba em đã đưa giấy chích ngừa của KI Ki rồi! Em yên tâm đi.

    - Họ sẽ giữ Ki Ki của em bao lâu ?

    - Độ 1 tuần thôi

    - Còn chú David ?

    - Dữ không, bây giờ cô chủ nhỏ mới hỏi tới nạn nhân. thật sự David không sao cả, ông ấy đạn bắn cũng chỉ sợt qua da, con Ác Thú của em mà ăn thua gì! Ông ấy đang chờ vào thăm em đó.

    David vuốt má tôi:
    - How are you, Baby ?

    Tôi nhìn vết băng trên tay David, gây gỗ:
    - Chỉ có một vết trầy nhỏ xíu mà mọi người nỡ bắt Ki Ki !

    - Tại tôi gồng nên Ki Ki cắn trượt chứ người khác thì tiêu cánh tay với con Ác Thú của em rồi !

    Tôi giận David từ đó, nhất định không ra sân chơi vũ cầu dù mỗi chiều vẫn ôm cổ Ki Ki ngồi trên bậc thềm cao nhất, ngắm nắng rơi dần về cuối chân trời.

    Tôi và Thư đã có một thú vui mới từ khi hai đứa được ba mua cho một chiếc xe đạp nhỏ, hai đứa long nhong đạp xe từ nhà ra biển, ghé đường Nguyễn Hoàng mua bắp nướng, những trái bắp mềm ngọt thơm tho của ấu thời thơ dại còn nhớ đến suốt đời... ( Để sau này, tôi yêu một người không đáng để yêu, chỉ vì mỗi đêm bạn ấy lặn lội gió mưa mang đến cho tôi những trái bắp còn nóng hỗi, thơm mùi mỡ hành ngào ngạt...)

    Sau chiến tranh, David trở về chiến trường xưa, ngơ ngác tìm lại ngôi biệt thự xinh xắn ngày nào nằm yên tĩnh giữa một vườn Trúc Đào bốn mùa nở hoa hồng thắm... Nhưng hồi ức đã phản bội David, Ông không bao giờ còn nhận ra chốn cũ, khu vườn yên tĩnh với 2 cô bé con thấp thoáng chiều nào cũng tranh tài cao thấp... Không bao giờ còn thấy con Ác Thú gãy 2 cái răng cửa vì bênh vực cô chủ đã cắn ông ngày ấy !Ông chỉ còn thấy ngôi biệt thự khuất lấp, lọt thỏm giữa bao nhiêu nhà cửa lô nhô, chỉ còn một dấu ấn nhạt nhòa là một cây phượng đỏ, và dưới bóng mát của nó là những dãy bàn quán nhậu !!!

    Một vài thông tin mơ hồ cho biết gia đình này đã đi xa rồi...

    Một vài lần David cố trở về để tìm lại những ký ức buồn vui, Tuổi trẻ của David cũng đã trôi qua nhiều năm ở đây, cái thời bồng bột và cô đơn xa vắng nhất, David đã tìm thấy ở 2 cô hàng xóm bé nhỏ hình ảnh cô em gái yêu quý ở quê nhà.

    Một vài lần David bâng khuâng tự hỏi: chiến tranh và cả hoà bình nữa đã xô đẩy những người thân quen cũ của David về đâu? Câu hỏi của David đã được trả lời: Họ đã về đây sau bao nhiêu ác mộng...miền Nam California ngập tràn nắng ấm như Nha Trang ngày ấy !

    Như một thói quen cuối tuần, David dò tìm bất cứ một đài TV Việt Nam nào có thể để lim dim nghe những âm điệu quen thuộc ríu rít ngày xưa... Để đến một ngày David nhìn thấy trên màn hình một cô MC Việt Nam bé nhỏ đang tường thuật lại Lễ Hội Diều trên bãi biển SEAL BEACH, CA... Cô nhỏ này giống đến 90% cô nhỏ có con Ác Thú năm xưa! Bàng hoàng, David không tin vào mắt mình, nhưng ông đã dần dà tìm ra manh mối.

    Vẫn khu vườn xanh mượt cỏ nhưng bé nhỏ và không đẹp bằng khu vườn thuở xưa, vẫn thấp thoáng những hàng Tử Vi Hồng thay thế hàng Trúc Đào ngày ấy, vẫn những tiếng cười trong veo rộn rã, vẫn một quả cầu lượn qua lượn lại mỗi chiều... David lại được đắm chìm vào hồi ức cũ với những tình cảm ấm áp mà cô nhỏ ngày xưa và cả gia đình cô giành cho người cựu chiến binh cô độc...

    Đôi khi ông quên rằng đây là Cali, cách xa NhaTrang đến nửa vòng quả đất, đôi khi ông quên rằng cả nửa đời người đã qua, như một chớp mắt... Đôi khi ông quên ông chỉ là một cố nhân...nhưng cô nhỏ ấy đã ôm ông khi thấy ông tuyệt vọng: David, chúng tôi là gia đình của ông mà...Đôi khi, ông quên, đã buột miệng gọi cô: Baby... để thoáng thấy cô cười thật tươi mà nước mắt rưng rưng !!!

    Mỗi năm, David lại về thăm chúng tôi...Và đôi khi, trong lưng chừng câu chuyện, tôi lại đau buồn thấy chiến tranh đã cướp đi tinh thần và sức khỏe của David quá nhiều... Còn mãi đó những hồi ức âm thầm buồn bã, Dáng David cao lớn khỏe manh đẹp như tài tử ci né... Dáng Ki Ki mềm mại uyển chuyển luôn cận kề bên cạnh, sẵn sàng che chở và bênh vực tôi bất kể tôi đúng hay sai... Và David cũng vậy, David luôn muốn bênh vực và tự hào vì cô bạn bé nhỏ ngày nào xa xưa... David đã vỗ tay to hơn cả những người ruột thịt của cô, khi cô dõng dạc tuyên bố lúc nhận giải Công Dân Danh Dự của thành phố núi xinh đẹp mà cô đến định cư.

    "Tôi chưa phải là một công dân gương mẫu lắm của thành phố, nhưng tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm đều tốt nhất so với các điều kiện và khả năng tôi đã có đối với tổ quốc này. Vậy thì nước Mỹ còn đòi hỏi gì hơn ở tôi và những người di dân khác ?"

    Tôi thấy David rất muốn quẹt ngón tay lên má tôi để lau hai hàng nước mắt đang lăn xuống, nhưng có người đã làm việc đó nên David chỉ lấy tay để chặn những giọt nước mắt đang định rơi trên mắt ông.

    Tôi lại tự hỏi: Tôi đâu có làm được gì để mọi người yêu thương tôi đến vậy!

    Và tôi cũng tự trả lời: Tôi suốt đời chỉ muốn được nắm chặt những bàn tay lạnh lẽo, yếu đuối, cô độc...

    Và David, chiến tranh của chúng tôi đã đem đến cho ông nhiều bất hạnh, những huân chương, huy chương của ông xếp đầy trên bàn viết của tôi: khi tôi chết, cô hãy giữ làm kỷ niệm...

    Tôi không nói được lời nào trước niềm cô đơn khủng khiếp đó ngoài một nỗi buồn ray rứt không nguôi

    David, hãy nhớ rằng chúng tôi là gia đình của ông.

    Tôn Nữ Thu Dung


    Last edited by SP500 SPY; 02-24-2019 at 11:41 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Thôi
    By thuyền nhân in forum Thơ
    Replies: 0
    Last Post: 04-22-2018, 11:21 PM
  2. Thôi Hạ Cờ Tây hay Hạ Cầy Tơ Thôi.
    By phamthangvu in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 12-15-2014, 08:44 AM
  3. Thôi rồi! truyện Kiều
    By tư mã tai trâu in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 4
    Last Post: 05-20-2014, 05:56 PM
  4. Dung nhi ở đâu ?
    By July in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 7
    Last Post: 10-11-2011, 05:22 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:24 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh