Con vẹt xanh



Lưu Tư Kinh là một nhân vật nổi danh ở Hà Thành. Anh ta tung hoành ngang dọc trên đảo Quỳnh, đã ba năm rồi mà chưa trở về nhà. Mẹ Lưu nhớ con da diết, nhiều lần nhờ người viết hộ thư gọi con về nhà xem sao.

Cuối cùng Lưu Tư Kinh cũng thu xếp được thời gian về thăm mẹ. Mẹ Lưu trông thấy con trai trên ba mươi tuổi, hơi beo béo, mừng rơi nước mắt, ôm vai con trai nói:

“Con ơi! Con quên nhà rồi sao? Quên luôn cả mẹ rồi sao?”.

Khóe mắt của Lưu Tư Kinh cũng rơm rớm ướt, anh vội nói:

“Mẹ ơi! Mẹ nói vậy, chứ con quên mẹ sao nổi!?”

Anh đưa quà tặng mẹ – một chiếc lồng chim xinh xắn, bên trong nuôi một con vẹt xanh. Con chim ấy đầu tròn, mỏ trên to trông như cái móc câu, mỏ dưới ngắn nhỏ, lông vũ rất đẹp, toàn thân như khoác ngọc phỉ thúy. Con vẹt này Lưu Tư Kinh đã mua được mấy tháng, luôn mang theo bên mình và dày công dạy nó nói.

Mẹ Lưu nghe con trai nói mua con vẹt mất chín ngàn đồng (tương đương 18 triệu đồng tiền Việt Nam – ND), bèn mắng con không biết quý trọng đồng tiền: “Con ơi là con! Kiếm được đồng tiền có dễ đâu, chi một khoản hoang phí thế này, thật là không thỏa đáng”. Mẹ Lưu vừa thương lại vừa giận, cằn nhằn mãi.
Lưu Tư Kinh giãi bày: “Mẹ ơi! Con nghĩ thế này ạ! Con đang mở công ty, rất bận, không có nhiều thời gian về nhà thăm nom mẹ được. Nên để con vẹt này hầu chuyện mẹ già, mẹ có thể thường xuyên chuyện trò tâm tình với nó đấy!”.
Mẹ Lưu nói: “Nó làm sao mà có thể nói chuyện với mẹ, thay được con chứ! Bố con mất sớm, nay mẹ cũng gần bảy mươi rồi!…”.
Anh con trai không biết làm thế nào để an ủi mẹ, bèn bảo con vẹt nói. Con vẹt xanh nhại theo giọng của Lưu Tư Kinh: “Chào mẹ! Chào mẹ! Con là Lưu Tư Kinh, con là Lưu Tư Kinh!” Mẹ Lưu nghe, hởi lòng hởi dạ, cười: “Con vẹt xanh này ngoan quá!”.
Ở nhà một vài ngày, Lưu Tư Kinh lên đường về nơi làm việc.
Mẹ Lưu lại một mình một bóng. May mà có con vẹt xanh làm bạn.

Sáng sớm, bà cho vẹt ăn, nó bèn nói: “Mẹ ơi! Con chào mẹ! Con là Lưu Tư Kinh!”.

Buổi trưa, bà cho nó ăn, nó nói:”Mẹ ơi! Con chào mẹ! Con là Lưu Tư Kinh!”.

Lúc sẩm tối bà cho vẹt ăn, nó nói: “Mẹ ơi! Mẹ vất vả quá, nghỉ ngơi một chút đi!…”.

Mẹ Lưu cảm thấy vô cùng sung sướng, trong cuộc sống cô độc mà như có con trai ở bên mình. Bà càng yêu con vẹt hơn, lấy nước chải lông cho nó, vừa sợ nó lạnh, lại sợ nó nóng. Lúc rỗi rãi, bà đem nó ra công viên dạo chơi, để nó được hít thở không khí trong lành, gặp gỡ đồng loại của nó.
Một năm trôi qua, mẹ Lưu bị bệnh, đột ngột từ trần vào một buổi sáng sớm. Cách xa hàng ngàn dặm, Lưu Tư Kinh vội vàng trở về, đến nhà thì chỉ thấy lọ tro của mẹ hiền, còn con vẹt xanh anh mua tặng mẹ không biết biến đâu, chỉ còn lại chiếc lồng trống không treo lơ lửng ở ban công.
Lưu Tư Kinh quyết định ở lại nhà cũ thêm vài ngày nữa, để tưởng nhớ ơn dưỡng dục của mẹ hiền, cũng là bày tỏ nỗi ân hận không thể đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng.


Lưu Tư Kinh vào trong phòng ngủ nhỏ của ngôi nhà cũ. Tấm ảnh mẹ hiền đặt trên tủ lớn kê ngay trước giường, đang mỉm cười với con trai. Lưu Tư Kinh cởi áo lên giường nằm, mấy ngày đi đường vất vả, khiến mắt anh như sụp xuống.
Cơn buồn ngủ ập đến khiến anh dần dần chìm vào giấc mơ. Trong chiêm bao, anh thấy mẹ già hiền từ đang khâu mấy chiếc cúc áo vét của anh bị đứt, dưới ngọn đèn mờ. Anh vô cùng sung sướng chạy đến bên mẹ, nhưng bà đã biến mất, bên tai vẫn văng vẳng tiếng nói: “Con ơi! Mẹ rất nhớ con!”.
Anh bừng tỉnh, bên tai vẫn vang lên lời hỏi ân cần: “Con ơi! Con có khỏe không?”

Anh bật đèn, nhìn quanh, không nhìn thấy bóng người nào cả. Anh nghĩ, chắc trong lòng nhớ mẹ da diết quá, mà sinh ra ảo giác chăng. Anh đi nằm lại, và chìm trong giấc mộng.
Trong mơ, anh trông thấy mẹ cười, nhưng vừa chạy tới gần thì mẹ biến mất. Anh lại tỉnh giấc. Vẫn có tiếng vọng đến: “Con ơi! Mẹ nhớ con lắm!”

Anh ngồi dậy mặc áo, sang phòng khách, tiếng gọi bên tai anh càng rõ hơn, trong hơn.
“Con ơi! Mẹ nhớ con lắm!”. Âm thanh đó phát ra từ phía ban công. Lòng anh bỗng bồn chồn, rón rén bước tới. Dưới ánh trăng tỏ, anh nhìn thấy một con chim – con vẹt xanh đang đậu trên ban công. Nó nói: “Con ơi! Mẹ rất nhớ con!”.


Quầng mắt thâm của Lưu Tư Kinh ướt đẫm. Con vẹt này không sợ người. Rõ ràng nó gầy đi rất nhiều, lông cũng bù xù tơi tả. Nó lại kêu: “Con ơi! Con phải thường xuyên về thăm nhà, mẹ rất nhớ con!…”.
Lưu Tư Kinh gào lên, nước mắt tuôn trào như mưa.
Thì ra trước khi chết, mẹ anh đã thả con vẹt. Bà không ngờ được rằng, con vẹt xanh thông minh tình nghĩa ấy đêm đêm vẫn bay về nhà họ Lưu, truyền đạt nỗi nhớ niềm mong của người mẹ với con trai, khi bà còn sống.

Tác giả: Thiệu Bảo Kiện /Vũ Phong Tạo dịch .

**********************************
YÊU ĐIÊN CUỒNG
Lỗ Tây Tây

Rất nhiều năm trước, lần đầu tiên Mễ Lạp đọc truyện của Triều Huy trên tạp chí, đã mê mẩn bởi những câu chữ vừa hóm hỉnh vừa sắc sảo, Mễ Lạp đã yêu ngay con người xa lạ làm rung động linh hồn cô. Từ đó cô tìm kiếm khắp nơi và cứ đọc đi đọc lại từng tác phẩm của Triều Huy như không sao cưỡng nổi.

Sau đó cô đã viết cho anh hết lá thư này đến lá thư khác.
Nhưng chưa bao giờ cô được hồi âm.
Một hôm cô được biết trên mạng, Triều Huy sẽ kí tên bán sách trong siêu thị, trái tim son trẻ của cô bỗng chốc háo hức vô cùng.
Hôm đi tham dự ngày hội kí tên bán sách của Triều Huy, Mễ Lạp ăn diện hết sức nổi bật.
Triều Huy là một người đứng tuổi bề ngoài rất bình thường. Vừa nhác trông Mễ Lạp đã thầm thất vọng. Nhưng nỗi thất vọng ấy đã tan biến ngay. Xét đến cùng thì cô khác với những kẻ theo đuổi ngôi sao, chạy theo thần tượng nông cạn, cô yêu tư tưởng của anh, tài hoa của anh.
Khi đến lượt Mễ Lạp, cô len lén dúi cho anh một mẩu giấy ghi số điện thoại của mình, Triều Huy chợt ngần người nhìn Mể Lạp, lẳng lặng nhận mẩu giấy.

Ngay tối hôm ấy Mễ Lạp nhận được điện thoại của Triều Huy. Giọng người đàn ông đứng tuổi thấp trầm.
-Xin chào Mễ Lạp, tôi là Triều Huy.
Mễ Lạp bỗng chốc giống như con chim nhỏ sung sướng lích cha lích chích dốc hết nỗi lòng hâm mộ của mình:
-Anh có biết không, em đã đọc tất cả tác phẩm của anh, trước kia em còn viết cho anh nhiều thư…
Triều Huy nói:
- Thế ư? Tôi không nhớ lắm.
Mễ Lạp nghĩ, anh ấy là một nhà văn, biết bao nhiêu người viết thư cho anh ấy, đương nhiên không nhớ được mình.
Buổi tối đó Mễ Lạp và Triều Huy nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ, nói tới khi máy điện thoại di động nóng bỏng, mới lưu luyến tắt máy.
Hôm sau,Mễ Lap và thần tượng của mình cùng ăn một bữa cơm tây. Khi đi ra khỏi nhà ăn, Mễ Lạp và Triều Huy tay dắt tay, đã bắt đầu yêu.
Có lần Mễ Lạp hỏi Triều Huy một cách ngây thơ, liệu em có xuất hiện trong tác phẩm của anh?
Triều Huy đáp: “Có chứ, em là vai chính tốt nhất của anh.”

Nhưng Triều Huy đăng rất nhiều tác phẩm mới, Mễ Lạp không khi nào xuất hiện trong đó.Triều Huy cũng chưa bao giờ nhắc đến chuyện kết hôn với Mễ Lạp.
Mễ Lạp cứ suy nghĩ mãi, cuối cùng cô đã ngửa bài nói thẳng với Triều Huy:
Anh phải lấy em.

Triều Huy im lặng lâu lắm rồi nói một cách rất khó nhọc: Anh đã có vợ. Anh quyết không thể cắt đứt vợ, nếu em không muốn có thể sẵn sàng xa anh.


Lẽ ra Mể Lạp nên nghĩ, Triều Huy đã có tuổi, lại tài hoa tràn trề như thế làm sao có thể sống đơn thân. Nhưng nghe Triều Huy trả lời, cô cảm thấy hẫng hụt như trời sập đất lở.
Trong đau khổ, Mễ Lạp dần dần bình tĩnh, lại nêu ra với Triều Huy đòi hỏi khác. Cô muốn gặp vợ anh, người đàn bà không động đến một quân một tốt mà đánh bại Mễ Lạp một cách thảm hại.
Suy đi nghĩ lại mãi, Triều Huy đã nhận lời.

Bước vào cửa nhà Triều Huy, một mùi khai khai nồng nồng phả vào mặt.

Trong nhà tối tăm và ẩm thấp, một người đàn bà đang nằm liệt trên giường.Triều Huy vội vàng bế đỡ thân thể vợ để thay chiếc ga trải giường bị nước đái ướt sũng. Đầy vẻ thuần thục và âu yếm, anh lau chùi thân thể cho vợ. Bận mải tíu tít một hồi toát hết mồ hôi,anh mới giới thiệu với Mễ Lạp, đây là vợ mình, đồng thời cũng giới thiệu Mễ Lạp với vợ, một đọc giả đến nhà thăm em.

Người đàn bà kia, kẻ thù giả tưởng trong trái tim Mễ Lạp xem ra không kham nổi một quả đấm, chị nhìn Mễ Lạp gật đầu một cách yếu ớt.
Khi Triều huy tiễn Mễ Lạp ra khỏi nhà, Mễ Lạp nói một cách đau khổ:
- Tại sao anh không nói sớm với em?
Triều Huy thở dài nói:
- Vợ anh không thể dời khỏi anh, xuất phát từ đạo nghĩa, anh không thể bỏ vợ, nói ra hỏi có tác dụng gì?
Mễ Lạp nói:
Anh có thể lấy một người vợ cùng trông nom chị ấy.
Triều Huy đáp:
Không được, như thế là một đòn chí mạng đánh vào tinh thần cô ấy.
Từ sau ngày đó, Mễ Lạp không dời Triều Huy, cô càng yêu Triều Huy.

Một người đàn ông tốt như thế, Mễ Lạp cảm thấy ông Trời không công bằng. Anh ấy nên là của mình, chứ không phải thuộc về người đàn bà vừa già vừa bệnh hoạn. Chị ấy không có quyền dùng bất hạnh của mình khoá chặt Triều Huy, cướp đoạt hạnh phúc suốt đời của Triều Huy.
Nhưng từ sau hôm ấy, thời gian hẹn gặp nhau của Triều Huy và Mễ Lạp ít hơn nhiều so với trước. Lần nào cũng vậy, hễ trời vừa tối là Triều Huy đã nôn nóng đòi về:
- Không hiểu sao từ hôm gặp em, vợ anh bắt đầu nghi ngờ giữa anh và em có vấn đề. Hiện nay hễ anh ra khỏi nhà là cô ấy cứ văn hỏi.
Mễ Lạp càng bắt đầu giận dữ bất bình:
-Rõ ràng là chị ta mắc nợ anh, chị ta không thể đem lại hạnh phúc cho anh, dựa vào đâu chị ta đòi hởi ở anh nhiều thế?
Triều Huy đáp:
Không, đúng là anh không thể phản bội cô ấy.
Triều Huy càng yêu vợ thắm thiết, Mễ Lạp hận vợ anh càng sâu. Cô bắt đầu tin người đàn bà kia là con ma ngăn trở tình yêu của hai người.


Hôm mồng bảy tháng bảy âm lịch, Mễ Lạp và Triều Huy đã hẹn sẵn cùng đón tết người tình của Trung Quốc. Ngay từ sáng sớm Mễ Lạp đã mua rất nhiều thức ăn, lại còn thắp nến trong nhà. Kết quả Triều Huy đến chưa ngồi nóng chỗ đã bị người đàn bà kia gọi điện thoại bảo về. Mễ Lạp tức giận gạt một phát đổ hết mọi thức ăn bày trên mâm chưa hề động tới rơi xuống đất. Cô không hiểu, một bậc đại tài trai, một nhà văn lớn như anh tại sao lại để một mụ đàn bà đau yếu nằm trên giường sai khiến như vậy. Nếu đây là tình yêu, thì tình yêu ấy cũng quá ư dị dạng. Đây là ý nghĩ đầu tiên Mễ Lạp muốn giúp Triều Huy giải thoát. Cô không muốn anh ngày ngày đêm đêm bị người ta hô gọi mất hết tự do. Cô không muốn yêu thầm trộm nhớ, mò trong bóng tối, bằng sự điên cuồng của mình, cô phải cứu người yêu khỏi cuộc đời tuyệt vọng.


Buổi trưa hôm ấy, Mễ Lạp dùng chiếc chìa khoá trong tay Triều Huy mà mình đã len lén phục chế đến mở cửa nhà anh. Cô đi vào buồng ngủ, người đàn bà kia dùng chiếc gối đỡ nửa người, đang vụng về sử dụng máy vi tính xách tay.
Nghe thấy có người đi vào, người đàn bà ngẩng lên hỏi một cách lo lắng và căm ghét “Cô đấy ư, Mễ Lạp?”

Mễ Lạp im lặng, cầm chiếc gối… Người đàn bà ấy đúng là rất yếu đuối, sau hai phút, tất cả đã kết thúc.
Khi Mễ Lạp quay người đi ra, cô tuỳ tiện liếc nhìn chiếc láp tốp đổ nghiêng sang một bên, cô đã trông thấy tác phẩm người đàn bà đang viết dở.

Đó là thứ văn phong Mễ Lạp quen thuộc nhất, viết về một người đàn bà sau khi bị liệt nặng bắt đầu thưởng thức sáng tác trên máy tính điện tử, kết quả đã giành được thành công bất ngờ. Để tránh phiền hà đi lĩnh tiền nhuận bút, tất cả các tác phầm của mình, chị đều luôn lấy tên chồng, về sau cũng tiện thể chị bảo chồng lấy danh nghĩa của mình đi dự trại viết, nhận giải và kí tên bán sách, có một bạn đọc tên là Mễ Lạp đã từng hiểu nhầm chị là đàn ông, luôn luôn viết thư tình cho chị. Bởi đây là một sự hiểu lầm đẹp, chị không viết thư trả lời và cũng chưa từng giải thích.

Nhưng rất nhiều năm sau, chồng chị đã dẫn một cô gái tên là Mễ Lạp về nhà…
Trong giờ phút này,Mễ Lạp tuyệt vọng không hiểu cô đã giết chết tình địch hay thần tượng của mình.
Vũ Công Hoan dịch

(Theo “cố sự gia ” bán nguyệt san tháng 4 năm 2009)


*************************
Khóa nhà là một cái cúc áo

Chị là một người đàn bà hiền thục, tuy công ti rất bận, nhưng hễ về đến nhà, bao giờ chị cũng thu dọn lau chùi bếp nồi xoong chảo sạch tinh không dính một hạt bụi, ngay đến mỗi ngóc ngách to nhỏ ở góc tường cũng không bỏ qua.

Một buổi sáng sớm, chị đột nhiên nói. “Em muốn đi du lịch quá.”
Chồng chị tán thành ngay. Lấy nhau mười mấy năm nay họ chưa bao giờ tách xa nhau. Anh luôn luôn muốn mình có một không gian đơn độc. Mỗi sáng hễ mở mắt ra là trông thấy cái lưng sạch bóng của vợ, bông hoa hướng dương cắm trong lọ hoa, và cái rèm cửa sổ y như thế, anh cảm thấy buồn chán.


Chị sẽ đi đến một khu du lịch ngoài hai ngàn dặm. Trước khi chị đi, anh nói một cách vờ vĩnh, “đến nơi, em gọi điện lưu cho anh địa chỉ, để khi nhớ em dễ nói chuyện”.

Nhưng anh thầm nghĩ, “anh chả thiết gọi điện cho em, ở một mình thanh tịnh biết chừng nào!”
Chị gật đầu. “Em có thể lưu địa chỉ cho anh với điều kiện, trừ khi có chuyện lớn xảy ra trong nhà, còn không thì đừng gọi điện.” Anh nhất trí.

Đến khu du lịch, quả nhiên chị lưu cho anh một mã số điện thoại, nhưng anh nghĩ sẽ chẳng bao giờ gọi đến số đấy. Anh mở bia uống một cách khoan khoái, lại còn nghĩ những ngày không có vợ bên cạnh khoan khoái biết chừng nào, khỏi phải nghe vợ làu bàu lải nhải, khỏi phải nghe vợ nói mì ăn liền không có chất dinh dưỡng, khỏi cần làm bất cứ việc gì. Anh không hiểu tại sao vợ ngày nào cũng có việc làm không hết, nhất định phải gấp khăn trải giường thành đường nét, nhất định phải lau nền nhà sạch bóng, nhất định ngày nào anh cũng phải thay quần áo, nhất định ngày nào cũng phải cắm hoa tươi lọ hoa buồng ngủ.

Cuộc diễm tình xảy ra vào một buổi tối. Công ti anh có một nữ đồng nghiệp xinh đẹp, hoạt bát, cởi mở hào phóng. Khi đến giờ làm việc, hai người cùng bước vào một cầu thang điện.

Cô nhìn thấy anh đột nhiên nói. “Em đoán vợ anh không ở nhà?”Anh ngạc nhiên hỏi sao cô biết?
Cô đồng nghiệp cười trả lời. “Em trông thấy áo sơ mi của anh bị rơi một chiếc cúc”.
Sau đó cô đồng sự liếc anh bằng ánh mắt ỡm ờ khó hiểu. “Tối nay em đến nhà anh ăn cơm được không?”

Anh vốn định trả lời để còn xem, nhưng đã không kịp, cô xuống trước anh một tầng.

Tối hôm ấy quả nhiên cô bạn đồng nghiệp đã gõ cửa nhà anh, vẫn xinh đẹp, toàn thân cô toát lên sự cám dỗ không thể ngăn cản. Khi vào cửa, cô lại ôm chầm lấy anh, anh không kịp đề phòng, liền cố ý giữ cự li với cô. Nhưng nhìn ánh mắt nóng bỏng của cô, anh hiểu, hiển nhiên cô muốn cùng anh xảy ra một chút chuyện ấy.

Nữ đồng nghiệp chủ động tiến công. Cô không ngừng xích lại gần, cánh tay gần như áp sát cánh tay anh. Anh căng chặt cơ thịt toàn thân, vừa định nói “không”, tay cô đã đột nhiên đặt lên tay anh, hoảng quá anh đã để rượu đổ lên người cô. Cô cảm thấy có phần ngượng ngập mất tự nhiên, liền bảo vào phòng bếp rửa.

Trong buồng bếp nhìn thấy nền mới sáng bóng, cô hỏi anh: “Anh tự quét dọn buồng bếp phải không?” Anh đáp không phải, vợ anh mới quét dọn hôm kia, sau đó còn lấy tay lau cạo tường không để bám một hạt bụi cùng xoong nồi gầu chậu. Lúc sau cô đồng sự đột nhiên kêu thé lên một tiếng, trên sô pha còn có một bộ kim chỉ. Đó là đêm hôm trước khi đi vợ anh đơm cúc áo sơ mi cho anh đã để rơi, khi đi vội quá không kịp thu nhặt.

Thần tính của cô đồng nghiệp càng khác thường, cô hỏi anh: “Vợ anh yêu anh lắm phải không?” Anh lắc đầu đáp: “Không biết, hình như vợ anh hứng thú đối với việc nhà lớn hơn anh. Ngày nào cũng luôn luôn lau nền nhà, giặt quần áo, đơm lại các khuy cúc áo bị sứt. Việc nấu cơm, vợ anh cũng hứng thú hơn anh, cô ấy thường không biết mệt mỏi chế biến các món, kiên quyết không cho anh ăn các loại thức ăn nhanh.”

Ngồi chơi một lúc, cô đồng nghiệp lễ phép cáo từ. Anh thở phào một cái, một cuộc diễm tình đáng sợ cuối cùng đã kết thúc. Nhưng anh không hiểu cô đồng nghiệp mục đích đến chơi rõ ràng như thế tại sao đã bỏ về giữa chừng?

Buổi tối anh nhận được email của cô bạn đồng nghiệp: “Em vốn cho rằng vợ anh không ở nhà, là một cơ hội Thượng Đế dành cho chúng ta gặp nhau, nhưng nhìn buồng bếp nhà anh sạch sẽ ngay ngắn, dụng cụ ăn không dính một hạt bụi, cả những bộ quần áo gọn gàng trên sô pha, những chiếc cúc áo được đơm tử tế, em bỗng chột dạ. Đằng sau anh có một người vợ thân thiết, chị ấy đã bảo vệ sự hoàn chỉnh của gia đình, bảo vệ sự tôn nghiêm của tình yêu, nên ai hòng thừa cơ chui lỗ hổng mò vào đều bị không đánh mà tan…”

Đêm hôm ấy, anh thao thức lâu lắm không ngủ được. Lúc ba giờ sáng, anh đột nhiên gọi điện thoại cho vợ, chị lo lắng hỏi anh, “Anh ơi ở nhà có chuyện gì xảy ra phải không?”
Anh nói. “Em ơi, cúc áo sơ mi của anh lại rơi rồi, về sơm sớm nghe em!”

Bỗng vợ anh chuyển từ lo sang mừng.

“Anh ngố ạ, em cứ tưởng có chuyện gì lớn xảy ra, thì ra là một cái cúc áo?”

Lâu lắm anh không nói gì. Đúng, có lẽ trong mắt vợ, một cái cúc áo đúng là không có gì lớn, nhưng trong lòng anh lúc này, chiếc cúc áo lại là một chiếc khoá cửa ngọt ngào ấm cúng, đã khoá chặt gia đình này một cách trọn vẹn.
Thi Tú
Vũ Công Hoan dịch


Đầu gối tay ấp - Trang Hạ



Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.

1. Cảnh nghèo.

Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật. Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn. Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.
Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi. Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.
Vì thế bà mối đến, réo rắt:
“Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha, còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà”.
Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin:
“Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!”.

Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị. Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư! Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài. Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.
Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri

2. Cười xót xa.

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng. Anh vâng lời mẹ gọi chị là Chị gái. Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.
Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.
Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v…
Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình:
“Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?”
Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to:
“Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường…”
Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:
“Chị ơi, em yêu chị!”
Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.

3. An ủi nhỏ nhoi.

Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay. Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.

Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua. Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.
Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hoá bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.
Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:
“Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành”.

Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.
Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh? Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học. Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.
Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường. Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.
Nhưng anh vẫn nói: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”
Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khoé miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khoé cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.

4. Kiếp này.

Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.
Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc. Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa. Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.

Lúc đó chị đã 29 tuổi.
Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát li đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa. Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!
Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”;
hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.
Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.
Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về. Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết. Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.
Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu. Chị không dám ngờ anh đã nói với chị:
“Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!”
Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?
Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

5. Xin lỗi.

Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng. Họ có với nhau một con trai một con gái. Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình. Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng. Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.
Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà. Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:
“Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?”
Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị. Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi. Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:
“Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi.”
Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa

Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.
Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.
Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:
“Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy.”

Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.

Truyện dịch của Trang Hạ