(Tiếp theo kỳ trước)

Phía sau nhà bà Năm Vang là lò heo tức là chỗ để giết bò giết heo cung cấp thịt thà cho chợ Thủ Thiêm và chợ nhỏ ở xóm Cây Bàng. Tại lò nầy, con heo bị cột bốn cẳng chụm vào nhau rồi khiên đật nằm nghiên trên mộc cái bệ cao ngang tầm bụng của đồ tể, đồ tể cầm một lưỡi dao dài nhọn thọc huyết con heo từ lớp nọng dầy dưới cổ thấu đến tim; con heo rống lên thảm thiết, máu phun có vòi và được một người khác cầm sẵn thau, chậu hứng lấy, bỏ thêm muối vào chậu huyết heo để khi huyết đông đặt thì không bị cứng quá. Người ta khiên con heo nhún vào một chảo đụn nước sôi rồi cạo lông, mổ bụng, xả thịt, lấy đồ lòng ....

Cạnh nhà bà Năm Vang là dinh thự nhỏ của cậu Chín Ngọt, chủ nhân của dãy phố 18 căn dưới xóm Cây Bàng. Cậu Chín Ngọt là người có đạo gia tô và là một trong những ông trùm xướng lễ đọc kinh của nhà thờ Thủ Thiêm. Mấy người con gái của cậu Chín là những giọng ca nhạc lễ nổi tiếng ở Thủ Thiêm. Cậu Chín là vai em bạn dì với mẹ cho nên người viêt gọi là cậu. Sở dĩ gọi căn nhà ở của cậu Chín là dinh thự vì nó lớn, đồ sộ và uy nghi nhất nhì vùng Thủ Thiêm. Dinh thự được cất theo kiểu 3 căn mặt tiền và một chái phía sau. Ba căn mặt tiền, tường gạch, máy ngói, nền lát gạch bông, cột dinh bằng gỏ mun, đồ đạt chưng dọn đều bằng loại gỗ quý hồng cẩm. Căn bên mặt đặt một bộ đi văn gỏ đỏ ngang 1m80 mét, dài 2m, dày 20cm, bằng cây gỏ đánh vẹt ni lán bóng. Phía cuối đi văn (divan) là một tủ kiến cẩn óc xà cừ bên trong chưng bày nhiều loại bình, chén, đĩa hiếm quý. Căn giữa là một bộ bàn ghế cũng cẩn óc xà cừ, mặt bàn tròn làm bằng đá cẩm thạch với những lằng gân xám chia nhánh bò ngang bò dọc giống như các mạch máu trong cơ thể con người. Cách một khoảng tróng ở phía đầu bàn là một tủ thờ cẩn xà cừ theo kiểu mai, lan, trúc, cúc và trên đầu tủ là một khung thờ lọng kiến, bên trong đặt tượng ảnh của Giê Su Ki Tô; hai bên tượng ảnh là 2 chân đèn bằng bạc chạm trỗ tinh vi. Phía sau tủ thờ được ngăn cách bằng một tấm vách ván đánh vẹt ni là phòng riêng của cậu, mợ Chín. Căn bên mặt cũng có một tủ thờ cẩn xà cừ khác nhưng nhỏ hơn dùng để đặt tượng ảnh của bà Maria và ông Giu Se, phía trước tủ thờ là khoảng tróng nhưng trên vách của căn nầy thì treo nhiều hình ảnh thiên đàng, địa ngục, thiên thần, quỷ sa tan, Phê Rô, Phao Lồ, Tê Rê Xa (còn gọi là Tê Rê Xa Hài Đồng, khác với nữ tu Tê Rê Xa bác ái ở Ấn Độ) và hình của giáo hoàng Piô X. Không có ảnh của tổ tiên ông bà được treo chung tại căn nầy. Phía sau tủ thờ là phòng nghỉ ngơi của khách khứa tới viếng thăm và ngủ lại.

Cái chái được xây cất chạy theo chiều ngang của ba căn mặt tiền, cũng lợp ngói, cột cũng bằng gỏ mun nhưng nền thì lót gạch miếng màu đỏ da cam (ngày trước thường được gọi là gạch Tàu) loại mắc tiền. Căn chái nầy là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt thường nhật của mọi người trong gia đình và cũng là nơi để tiếp đón các họ hàng thân thích tới thăm.

Nhà cậu Chín kín cổng cao tường, bất cứ ai tới đều phải giựt chuông đứng đợi ngoài cổng để chờ có người ra tiếp đón. Căn cơ cùng nếp sống của gia đình cậu Chín Ngọt có thể được coi như là hình ảnh mẫu mực của giới địa chủ giàu tiền lắm của trong thời Pháp thuộc.

Cạnh nhà cậu Chín Ngọt là một khoảng đất trống rồi đến nhà bà Năm Linh với vòng hàng rào bằng những dàn cây bông giấy gai gốc nhọn bén và những cụm hoa màu đỏ nở rộ phủ che lên tới nóc nhà. Người viết ít có dịp vào dòm ngó bên trong căn nhà nầy. Phía sau nhà bà Năm Linh là nhà cậu Tư Dần và dì Hai Của. Hai người nầy là chị em và cũng là em bạn dì của me. Cậu Tư Dần đi làm ở Sài Gòn nhưng chiều nào cũng say mèm khi quay về Thủ Thiêm. Dì Hai Của thì lãng tai cho nên khi nói chuyện với dì thì phải nói thật lớn dì mới hiểu ý để trả lời. Cậu Tư và dì Hai rất nghèo nhưng ăn ở rất hiền lành và được lòng với làng xóm

Nơi cư trú của gia đình chúng tôi lúc đó là một căn phố cuối ở xóm trên, gần mé sông Sài Gòn, đối diện chếch xéo với nhà thờ Thủ Thiêm. Phía sau dãy phố nầy là một con đường đất đỏ chạy dài từ đầu cầu Ông Cậy, đánh vòng ngang xưởng tàu CARIC rồi nối đầu với con hương lộ phía trước mặt dãy phố. Phía đối diện với chúng tôi cũng là một dãy phố chạy song song với con hương lộ, và được tiếp nối bởi một kiến trúc 2 tầng dùng làm nhà xứ của linh mục họ đạo Thủ Thiêm. Lui về phía trong là nhà thờ Thủ Thiêm, cột tròn bằng cây gỏ mun đen, nóc lợp ngói đỏ, nền lót gạch tàu. Phần chu vi cung hành lễ được lát gạch bông. Hai bên là hai dãy ghế dài bằng cây có bệ quỳ cho tín đồ. Sát cung hành lễ có trải chiếu lác trên nền gạch cho học trò ngồi, quỳ trong những giờ đọc kinh hay hành lễ. Trước nhà thờ, phía tay mặt là lầu chuông và nhà bếp nấu ăn cho linh mục chính xứ.

(Còn tiếp)