Register
Page 10 of 19 FirstFirst ... 89101112 ... LastLast
Results 91 to 100 of 189
  1. #91
    (Tiếp theo kỳ trước)

    2. Ghe và máy sẽ dùng cho chuyến vượt biên

    2.1 Tình trạng của chiếc ghe



    Hình dáng giống như chiếc ghe trong hình nhưng bệ rạc và nứt nẻ nhiều chổ ở cả hai bên lường ghe khiến cho nước sông bên ngoài sẻ ngấm thấu tnhanh chóng tràn ngập lòng ghe .

    Buồng máy và tay lái giống như trong hình tức là mui ghe để trần không có mái che nắng mưa cho tài công lái ghe.

    Chiềi dài ghe 12.00 m, chiều ngang 2.50 m, chiều sâu đo từ đáy ghe 1.60 m.
    Trọng tãi: 5 tấn (5,000 Kg hàng hóa). Hay nói khác đi thì nếu ghe được dùng để chuyên chở hành khách thì sẽ có thể chở tối đa: 70 người x 70kg/mỗi người = 4,900 Kg.


    2.2 Máy ghe
    Loại máy cũ do Ấn Độ sản xuất, chạy bầng dầu diesel, 02 blocks, cần sang số tay, làm nguội máy bằng nước từ bên ngoài bơm vào và thoát ra bộ phận làm nguội nước rồi lại bôm trở lại làm mát máy.Động cơ được thiết kế để khởi động bằng tay. Máy nầy quá cũ nhưng sau khi TL tân trang thì (Nguồn: http://www.ninhkieuhotel.com/ghe-xuong-o-nam-bo)

    Tốc độ của nó có thể từ 20km-30km/Giờ với trọng lượng chở hành khách từ 40-60 ngưởi, mỗi người cân nặng 70kg. Có thể dùng hệ thống khởi động bằng bình điện ắc-cu. Hoặc nguồn điện tiêu chuẩn khởi động cất cánh bầng bánh tay quay lấy đà cho máy bắt đầu chạy.

    Ở thành phố Sài Gòn có làng đóng ghe cầu Rạch Ong nằm hai bên bờ rạch Ong, gần ngã ba của con rạch này và kinh Tẻ, thuộc địa bàn phường Tân Hưng (quận 7) và phường 1 (quận 8). Làng này hình thành khoảng năm 1962, do những người thợ từ Cần Đước, Cần Giuộc (Long An) đến. Trọng tải của loại ghe Cần Đước đóng tại đây có nhiều cỡ, khoảng từ 30-200 tấn. Gần đây, sau khi Sài Gòn mất tên, làng nghề chủ yếu đóng các loại tàu kéo, tàu ủi và xuồng thông với sức chở từ 500kg đến 3 tấn, và sửa chữa các loại ghe thuyền khác nhau. Nguồn: (http://www.gangadhar.net/diesel_engines7.html)

    TL nhận tân trang, thay heo dầu, gắng hộp số, trục chân vịt, chân vịt mới và thiết đặt tay láy vòng tròn giống như loại tay lái cho các loại xe hơi vận tãi hạng nặng. Chiếc ghe cũ với máy Ấn Độ được kéo về một bãi sửa chữa, tân trang và đóng ghe, tàu bên một bờ của rạch Ong nằm trên địa bàn quận 8 ngày nay. Mỗi ngày TL được trả thù lao 8 Giờ/ ngày công đi sang bên quận 8 dưới gầm cầu Rạch Ong để quan sát tiến trình tân trang chiếc ghe cũ, chỉ dẫn sự thiết đặt phòng lái của tài công và kể từ lúc nầy gần như là TL vắng mặt thường xuyên nơi cơ quan làm việc của chính quyền ở đường Cống Quỳnh cũng như ở quán cà phê Cây Si số 113 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự).

    *Rạch Ong

    Vào những năm đầu thế kỷ 20, khu vực rạch Ong Lớn và rạch Ong Nhỏ là nơi ong thường về làm tổ, người dân vùng này đến đây lấy mật nên đã đặt cho nó tên rạch Ong Lớn và rạch Ong Nhỏ, sau khi lấy các mật ong ở rạch này, đem qua 1 vùng cạnh đó bán, nên có một chiếc cầu ở đây mang tên cầu Mật. (Trong Đại Nam quốc âm tự vị ghi rạch Ong Lớn, rạch Ong Nhỏ). Các địa phương chí xưa dịch hai địa danh này ra chữ Hán: Đại Phong Giang và Tiểu Phong Giang. (Phong: con ong). Người Khơ-me gọi rạch Ong Lớn là Prê KimPon Khmum Thom, trong địa danh này có từ Khmum nghĩ là “con ong”.
    Ngày nay, nhiều người gọi lầm viết sai thành rạch Ong Lớn, rạch Ong Nhỏ. Sau đó, người địa phương tạo hai địa danh mới và cũng đã viết sai: Cầu Rạch Ông, Chợ Rạch Ông thay vì cầu Rạch Ong (P1), chợ Rạch Ong (P2).

    Nguồn
    http://www.quan8.hochiminhcity.gov.vn/gioithieu/lists/posts/post.aspx?Source=/gioithieu&Category=Di+t%C3%ADch+l%E1%BB%8Bch+s%E1% BB%AD+Qu%E1%BA%ADn+8&ItemID=16&Mode=1)


    3. Bị khuyến dụ nhập cuộc vượt biên

    3.1 Những đề nghị chủ chốt tổ chức:

    Trong thời gian giám sát có trả thù lao trên những công đoạn sửa chữa và tân trang chiếc ghe vượt biên thì bất ngờ TL được chủ chốt khuyến dụ vượt biên như sau:

    i/ Làm thợ máy thường xuyên toàn thời gian, giữ gìn cũng như ở luôn trên ghe không tới lui về nhà của TL.

    ii/ Tìm một người trong số các cựu sĩ quan hải quân trong QLVNCH trước 30/04/1975 - đã được chính quyền hiện hữu tha về sau khi học tập cãi tạo - để làm tài công lái chiếc ghe vượt biên kiêm thông dịch viên/Anh và Pháp để biết cách ăn nói khi gặp tàu ngoại quốc trong vùng lãnh hải quốc tế.

    iii/ Bù lại TL và sĩ quan tài công sẽ được miễn không phải trả phí tổn vượt biên.

    iv/ TL sẽ không còn được tiếp tục trả thù lao công tác giám sát sửa chữa, tân trang và gìn giữ chiếc ghe kể từ khi chấp thuận những đề nghị “bất thần và quá táo bạo” của kẻ chủ chốt người Việt gốc Hoa/Chợ Lớn nham hiểm.

    v- Thời hạn đáp ứng những đề nghị của kẻ chủ chốt đặt ra cho TL là một tháng.

    3.2 Đáp ứng của TL

    i/ Không làm thợ máy thường xuyên, không ở luôn trên ghe cho đến khi chiếc ghe lên đường ra khơi. TL sẽ không ăn ở luôn trên ghe cả ngày lẫn đêm.

    ii/ Người tài công theo đòi hỏi của chủ chốt tổ chức thì TL đã có sẵn: Anh nầy là một trung úy hải quân lái tàu tuần sát duyên hải của QLVNC. Sau khi Học tập cãi tạo được tha về phải làm phu xe xích lô đạp để kiếm sống. Hầu như mỗi ngày anh phu xe xích lô nầy đều có ghé ngang qua quán cà phê Cây Si để uống cà phê đá vào xế trưa để nghĩ xả hơi. Anh nầy biết được TL cũng là dân học tập cại tạo cho nên lân la làm quen và trò chuyện, lần lần thànbạn hàn huyên tâm đắc. Tuy nhiên TL đã trả lòi với kẻ chủ chốt tổ chức rằng “sẽ tìm sau” nếu TL đồng ý vượt biên.

    iii/ Với đề nghị nầy TL sẽ thương lượng sau khi TL đã tìm được một tài công và sau khi người tài công nầy cũng đồng ý vượt biên cùng chung với TL

    iv/ Hiện giờ việc sửa chữa và tân trang không ai coi sóc ngoại trừ TL. TL sẽ ngưng ngay công tác nầy nếu không còn được trả thù lao.

    v/ TL không cần phải đợi thời hạn một tháng để trả lời những đề nghị của chủ chốt tổ chức mà nhìn thẳng mặt hắn để trả lời ngay rồi tức khắc rời ụ sửa ghe bỏ đi về nhà mặc cho hắn đứng trơ ra ở đó với chiếc ghe đang nằm trên cạn để sửa chữa.

    Vậy là có chuyện xích mích và tên chủ chốt nham hiểm bắt đầu hết ưa, mất cảm tình với TL: hắn liền đi tìm gặp để chiêu dụ một người đàn ông trung niên, gốc gác là con cháu Bắc di cư 1945, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí trường Kỹ thuật Phú Thọ/SÀI gòn trước 1975 để rà soát lại máy ghe Ấn Độ và sẻ là thợ máy chính thức thay thế TL trong chuyến vượt biển sắp tới. Hắn muốn loại bỏ TL nhưng hắn lại sợ TL sẽ tố giác ncho nên sau đó một tuần, hắn lại tìm gặp TL để thương lượng lại.

    3.3 Cuộc thỏa thuận cuối cùng giữa tên chủ chốt và TL

    i/ TL sẽ là thông dịch viên khi gặp tàu ngoại quốc ngoài khơi lãnh hải quốc tế đồng thời cũng là thợ máy phụ theo sự yêu cầu của kỹ sư thợ máy chính.

    ii/ TL sẽ tìm một tài công cựu trung úy hải quân QLVNCH chịu đồng hành với TL nhưng phải úng trước cho người trung úy tài công nầy 2 cây vàng để lại cho vợ con của người nầy còn ở lai Việt Nam sinh sống.

    iii/ Con trai TL cũng sẽ đi theo trong chuyến nầy nhưng miễn trả tiền chi phí cho chủ chốt. Tên chủ chốt giận dữ lớn tiếng hỏi tại sao? TL trả lời tỉnh queo: “Đó là tiền công làm thông dịch viên khi gặp tàu ngoại quốc ngoài lãnh hải quốc tế và làm thợ máy phụ, giống như chi phí 02 cây vàng phải
    trả cho viên trung úy tài công
    ... Còn rẻ lắm đó !... Không chịu thì thôi... Không sao cả ...

    Hắn yên lặng không nói gì thêm. TL lại gằng giọng: “Mấy anh nhớ đón con trai của tui đó nghe...

    iv/Hai ngày trước giờ chiếc ghe ra khơi, tài công, kỷ sư thợ máy chánh và TL sẽ thử lái ghe dọc theo rạch Ong, tìm hướng xuống cửa biển Vàm Láng/ Gò Công theo chỉ iễn trên bản đồ và la bàn do chủ chốt cung cấp. Sau ki dọ đường , tài công, thợ máy và TL sẽ quy định giờ giấc, địa điểm nơi ghe lớn chờ đón khách.

    v/Sau đó TL và kỷ sư thợ máy chánh sẽ ở lại trên ghe và sẽ đón tài công vào buổi sáng hôm sau tại Rạch Ong để cùng lái ghe tới điểm hẹn đón khách vào xế tối cùng ngày dọc theo một bên bờ sông Soài Rạp, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè gần với cửa biển Vàm Láng/ Gò Công Đông.

    Đoạn cuối sông Soài Rạp hướng ra biển Đông https://www.youtube.com/watch?v=MJh8pFy7BWA
    Vàm Láng ngày xưa từ thời vua Gia Long (1802) là đất hoang vu, rừng rậm, đầy thú dữ. Vàm Láng ở phía Bắc của thôn Kiểng Phước có cái vàm của con rạch Cần Lộc chảy ra sông Soài Rạp và chảy ra biển cách vài ngàn thước.
    https://vanhoavaphattrien.vn/tien-gi...nay-a3152.html

    (Còn tiếp )

    3.4 Khởi phát
    Last edited by nguyễn công tánh; 08-18-2021 at 04:48 AM.

  2. #92
    (Tiếp theo kỳ trước)

    3.4 Khởi phát

    Ghe lớn tới địa điểm hẹn vào khoản 7Giờ 30 tối và cho mày ghe nổ thật nhỏ đủ để giữ cho chiếc ghe đứng yên trên dòng nước chảy ngược của con sông. Những chiếc ghe nhỏ đầy khách từ các buội rậm trên bờ sông lướt nhanh và cập sát hai bên hong ghe lớn. TL đứng trên bệ ghe lớn miệng thì thào hỏi liên hồi con trai TL ở đâu và thở phào nhẹ nhõm khi đứa con trai từ ghe nhỏ bước lên ghe lớn và TL nhanh chóng đưa đứa con trai xuống ở chung với mình dưới hầm máy.

    Tên chủ chốt không lên ghe lớn nhưng theo đoàn ghe nhỏ quay vào bờ sông Soài Rạp. Hóa ra hắn chỉ là kẻ làm tà lọt làm công cho một tên chủ chốt chính hiệu là em trai của hắn. Khi chạm mặt TL trên ghe, tên chủ chốt chính hiệu nầy tỏ thái độ khinh khỉnh và nói năng coi TL như là một tên đầy tớ hạng bét của hắn: hắn chỉ nói chuyện với tài công và kỷ sư thợ máy chính.

    Tài công bắt đầu khởi động cho máy nổ lớn lướt nhanh đẻ rẽ về hướng cửa Vàm Láng. Hành khách không nhiều lắm, phỏng chừng 40-60 người nhưng tốc độ lướt sóng của chiếc ghe 2 blocs chi đạt tới hơn hai mươi cây số/ Giờ. Mọi việc suông sẻ trong vòng 30 phút và nếu tiếp tục được như thế thì trong hơn 30 phút nữa ghe sẽ ra tới ngoài biển khơi về hướng Nam biển Nam Hải. Mọi người ngồi sát lòng ghe, lặng yên, không chen lấn, đẩy xô nhưng tất cả hình như đều nôn nóng mong chóng được ra tới biển càng nhanh càng tốt. Đêm trên dòng nước sông xung quanh tối tăm mù mịt, bầu trời trời không trăng sao. Cả ghe nín thở chờ đợi.

    Bổng đâu từ xa phía trước đầu ghe, một lọn ánh sáng đền pha rọi thẳng tới buồng lái của chiếc ghe vượt biên đang lướt sóng nơi đầu ngõ cửa sông Vàm Láng kèm theo một loạn đạn súng đại liên bắn lủm bũm khá sát hai bên lường ghe . Ngay sau đó, một giọng loa lớn vang lên trong đêm tối : “Tắt mãy ghe, mọi người ngồi yên trong ghe không được đứng lên , không được manh động...Bất tuân lệnh, ghe sẽ bị bắn chìm ngay...”

    Con trai nấm chặt tay TL , miệng hổn hễn lặp cặp: “Bị gạt rồi ba ơi...Mình nhảy xuống sông trốn thoát lội vào bờ đi ba ơi...”. TL ôm chặt đứa con trai, lắc đầu: “Không được, sóng nước mênh mong tối tâm mù mịt ...Không đủ sức vượt qua đâu!...Ba ân hận đã dẫn dụ con đi theo...Ba xin lỗi con ...”

    4. Tù Vượt biên gia trọng: Điều tra chấp pháp

    Chiếc ghe vượt biên bị ghe lớn của công an VC kéo về đồn biên phòng Vàm Láng. Những người bị bắt được tách rời thành hai hàng nam, nữ ngồi riêng chòm hõm trước sân tra đồn gần cột cờ với một công an mang súng tiểu liên Ak đứng canh giữ. Nhóm đàn bà, phụ nữ lần lược được lùa vào bên trong trước để điền khai lý lịch theo mẫu in sẵn, rồi sau đó hơn một giờ mới tới phiên nhóm đàn ông, thanh niên, từng nhóm nhỏ 4 người, vào bên trong để làm thủ tục khai lý lịch và thẩm vấn sơ khởi.

    TL vào bên trong đồn cùng một nhóm 4 người với kẻ chủ chốt đầu sỏ tổ chức. Tên chủ chốt sợ bị ăn đòn nên tự khai ra rằng kẻ chủ mưu tổ chức là một người Hoa bá vơ nào đó ở Chợ Lớn nhưng tên đó không có mặt trong chuyến đi nầy nhưng lại khai thêm TL là một đồng bọn với nhóm tổ chức. Rồi khi đến lượt được hỏi cung, TL một mực khai rằng mình chỉ là khách đi có trả tiền, tên chủ chốt nhìn TL rồi tự động xía miệng vào nói những lời khuyên “rất dễ thương” rằng: “Thôi mà anh Bảy, nói thệt hết đi để được nhà nước khoan hồng!...”. TL căm hận nhìn hắn và chưa kịp nói một lời “cám ơn” lời khuyên nhủ của tên chủ tàu người Việt gốc Hoa nham hiểm nầy thì một bán súng AK từ đàng sau nện vào gò má TL một cú rờ ve (revers/ Rờ-ve – Spinning Back Fist) như trời đánh kèm theo lời mắng nhiếc thô tục nặng nề, gịong Bắc Kỳ/1975:


    Tiên sư bố nhà mày, đồ phản động, vào đây rồi mà mày vẫn còn khai láo lếu à?...”

    Hậu quả của ngón òn bán súng AK là mặt của TL bị sưng tím bầm, hơn một nửa hàm răng trên bị vỡ vụng, miệng ngậm đầy máu : Trong bản điều tra lý lịch của TL có ghi thêm “thợ máy, đồng bọn với chủ mưu tổ chức, ngoan cố, cựu tù phạm học tập cãi tạo mới được tha...

    Những ngày đầu TL bị giam riêng trong một conex sắt (dùng để đựng hàng hóa chuyên chở trên các chuyến tàu biển) đặt nằm giữa sân ngoài trời nắng nóng hừng hực, trong người chỉ còn có chiếc áo thung mỏng và chiếc quần lót nhơ nhớp dính đầy bùn đất máu me, chỉ có thể ngồi co không thể đứng thẳng người vì conex quá thấp, thân xác rã rời, miệng khô ứ máu và khát nước.


    Conex sắt giam nhốt tù phạm trọng tội vủ VNCS

    Vài ngày sau, TL được chuyển vê cơ quan chấp pháp của VC ở Mỹ Tho và bị giam nhốt riêng biệt chung với 6 tù nhân hình sự trọng tội khác trong vòng 2 tháng và trong thời gian nầy, gia đình được phép gửi một ít thực phẩm thâm nuôi và báo tin vắng tắt là ba thân sinh của TL đã qua đời “không nhấm mắt” vì không được thấy mặt TL trong khi hấp hối.

    Một tháng sau, TL bị đưa đi trại tù hình sự khổ sai Mỹ Phước Tây, đồng không mông hoạnh xa cách loài người văn minh để thi hành bản án vượt biên không có xét xử trước tòa án. Đứa con trai của TL cũng bị đày ra trại nầy cùng một lúc với TL.

    5. Cảnh tù đày của TL ở trại tù Mỹ Phước Tây

    Suốt thời gian tù đày khổ sai nầy TL đã tóm gọn trong một truyện ngắn có tựa đề là “AO TÙ-AO TÌNH” trong đó TL chính là Anh Bảy. Truyện như sau:

    AO TÙ-AO TÌNH

    (còn tiếp)

    Last edited by nguyễn công tánh; 08-21-2021 at 04:04 AM.

  3. #93
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    AO TÙ-AO TÌNH

    Tâm lý chung của đọc giả khi đọc những mẫu chuyện ngắn đều muốn có được những câu chuyện có thật ngoài xã hội, nơi gia đình hay ở từng mỗi một môi trường đặc biệt nào đó. Chuyện ngắn có thật mà quý đọc giả sắp đọc sau đây được viết trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, trong một môi trường xa cách với xã hội của loài người văn minh: đó là nhà tù. Khi nói tới nhà tù thông thường người ta thường nghĩ tới những sự tra tấn, hành hạ, đánh đập, bỏ đói, đày đọa, phòng tối, chuồng cọp v.v. . . . nhưng ít khi nghe nói về những câu chuyện tình trong tù.
    Truyện tình trong tù sau đây là chuyện có thật một trăm phần trăm. Tất cả những nhân vật trong truyện giờ đây vẫn còn sống và mặc dù mỗi người ở mỗi nơi nhưng nếu họ đọc được truyện nầy có lẽ họ sẽ phải suy tư rất nhiều.
    Câu chuyện bắt đầu như thế nầy:

    Anh Bảy đi vượt biên nhưng bị bắt và vì là thợ máy trên chiếc tàu vượt biển cho nên anh Bảy bị xem như là thuộc nhóm đầu nậu tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài nhưng họ đâu có biết rằng anh Bảy chỉ tự khoác cho mình cái nghề thợ máy để xí gạt tên chủ tàu người Hoa cho cha con anh Bảy khỏi phải trả mỗi người 10 cây vàng, để được có mặt trên chiếc ghe vượt biên của hắn.

    Muốn chắc ăn, tên chủ tàu còn kéo thêm một người kỷ sư máy tàu thứ thiệt đi theo và anh Bảy chỉ còn là kẻ phụ hụ hợ cho người kỷ sư trẻ. Người kỷ sư nầy thương anh Bảy nghèo khó cho nên bao che cho anh Bảy và nhờ vậy anh Bảy qua mặt được tên chủ tàu (vì TL không tốt nghiệp chính thức về ngành cơ khí /máy ghe tàu).

    Súng AK 54 của VNCS/VC

    Khi bị bắt ở ngả Ba Vàm Láng và dự cuộc đối chất khai cung, tên chủ tàu người Hoa hèn hạ, muốn được chính quyền khoan hồng cho nên hắn đã khai ra hết mọi người có dính liếu trong cuộc tổ chức. Khi công an gọi anh Bảy lên hỏi cung, anh Bảy chỉ nhận mình là hành khách trả tiền để được đi: kết quả của sự dối trá không thành thật khai báo là một cái tạt ngang bá súng AK54 nặng nề vuốt ve vào mặt anh Bảy khiến nguyên hàm răng trên bị nát vụng ra. Sau đó anh Bảy được gửi sang chấp pháp, cơ quan công tố của chế độ mới, được nhốt riêng một mình trong một conex không thể đứng thẳng lưng, không có cầu vệ sinh, mỗi ngày chỉ ra ngoài 5 phút để đổ và rửa lon đựng phân và dội vài gáo nước lên mình: kết quả là mình mẩy anh Bẩy bị lở lói khắp nơi, trở thành một con vật trần truồng nhơ nhớp trong ngục tối hơn ba tháng.

    Rồi anh Bảy được đưa đi trại tù Mỹ Phước Tây ở sâu trong bưng ruộng không có người lai vãng tới. Ở nơi đó mở ra chuyện tình của anh Bảy.

    Tiếng xì xào hớt hãi bỗng nổi lên trong căn trại của đột tù thứ 12: " Ông Sáu...Ông Sáu tới."

    Khi đi ngang qua một góc cột treo chiếc đèn dầu, Sáu Mộng ngừng lại cầm lấy cây chổi tào cao dựng tựa cột đưa lên khỏi đầu rồi hét lớn:

    Tất cả tù nhân đều nhốn nháo chạy nhanh về chỗ nằm của mình hồi hộp đợi chờ tai họa giáng xuống.

    Sáu Mộng khệnh khạng đi vào từ phía cửa trại ăn thông qua đội tù 13. Mùi rượu từ miệng của anh ta xông lên nực nồng. Tiếng chửi thề vang vọng như tiếng tru hú của loài chó sói trong rừng sâu vào những đêm trăng tròn thanh vắng.

    "Ðụ mẹ tụi bây làm bộ làm tịch hay quá há! Thấy tao tới mặt mũi thằng nào thằng nấy lấm la lấm lét nhưng tao quay đi thì tụi bây chửi tao sau lưng. . ."

    Tên Năm Long, một tên hiếp dâm bị tù đưa vào đây cho làm thư ký chỉ huy đội tù 12, đon đả chạy tới khúm núm đón tiếp:

    "Dạ thưa ông Sáu xuống chơi. . ."

    Tiếng nói của Năm Long vừa dứt thì Sáu Mộng đã đá vỡ tung một chiếc giỏ đựng đồ ăn thăm nuôi của một tù nhân. Mắm muối, gạo bánh đổ văng tứ phía. Sáu Mộng rống lên:

    "Ðụ Mẹ tụi bây, cái nầy của thằng nào đây hả? Tụi bây ăn ở bừa bãi như heo, dơ dái hôi tanh như cái quần của đàn bà có tháng; vậy mà ngày trước tụi bây ở trong nầy cũng gọi là sĩ quan, là ông nầy ông nọ. Nhốt chung tụi bây với đám lưu manh, trộm cướp, hiếp dâm thì cũng hạp quá mức . . . Ðụ mẹ, tao đá chết cha tụi bây hết bây giờ, có muốn không? . . ."

    Tay chân anh ta quơ tứ tung để đập phá, miệng, không dứt tuôn ra những lời chửi rủa thô bỉ nặng nề. Cả đội tù yêm phăng phắc. Hơn tám mươi tù nhân của đội tù 12 ngồi êm rơ chẳng ai dám hó hé cựa quậy.

    Có tiếng ho phát lên từ một góc xó tối, tròng mắt của Sáu Mộng long lên sòng sọc như mắt con chó điên:

    "Ðụ Mẹ thằng nào cả gan dám ho khọt khẹt khi tao đang nói chuyện, thằng nào ? Ra đây tao biểu coi?. . . Không dám chường mặt ra sao, mấy thằng chó đẻ ? Tao mà tóm được thì tao bẻ vặn cổ quay ra sau lưng, đồ quân súc sinh."

    "Mả cha tụi bây, thằng nào dựng cây chổi ở đây? Thằng nào."

    Giọng của tên Năm Long ấp úng:

    "Dạ thưa ông Sáu, cây chổi của trực sinh . . ."

    "Trực sinh là thằng nào? Ra đây tao biểu coi. Ðụ Mẹ, không có thằng nào nhận là trực sinh hả? Tao đá chết cha từng đứa một coi tụi bây ngoan cố tới mức nào?. . ."

    Có một giọng nói yếu ớt từ phía sau lưng Sáu Mộng:

    "Báo cáo cán bộ quản trại, tôi là trực sinh của đội 12."

    Cả đội tù sửng sốt ngạc nhiên. Mọi người nín thở trước cảnh tượng một cậu bé Ða Vít ốm yếu gầy còm đang mặt đối mặt với một tên Gôliath khổng lồ hung bạo, cuồng sát. Sáu Mộng quay người lại nhanh như cọp đói vồ mồi:

    "Ðụ mẹ, là mầy hả thằng chó đẻ? Sao không chờ cho thằng tía của mầy chết rồi mới ra trình diện với tao?"

    Sáu Mộng chụp nắm lấy cái cổ áo rách tươm của người tù trực sinh lôi đi như lôi một con chó ngang qua mặt đám tù nhân bất lực, anh ta đá vào người tù trực sinh giống như những buổi chiều đá bóng tròn ở giữa sân của trại tù Mỹ Phước Tây. Khi đấm đá đã thỏa lòng, Sáu Mộng buông cổ áo của người trực sinh ra nhưng tay kia đã chộp lấy mớ tóc rối bù của nạn nhân rồi kéo gật ngữa ra phía sau. Anh ta kê sát cái miệng đỏ ối khạc nước giải, nuớc đờm hôi tanh vào mặt nạn nhân vừa la hét chửi bới điên loạn:

    "Ðụ Mẹ mầy, mầy làm ăn bê bối như vậy hả? "

    Tay kia anh ta đấm bom bóp vào mặt người tù khốn khổ. Rồi thụi, rồi thoi, rồi đá, quần thảo con mồi nhừ tử như tên võ sĩ đang tập luyện thoi, đấm, đá vào cái bị đựng cát.

    Người tù trực sinh đứng thẳng để nhận lãnh những trái đấm trời giáng, không né tránh, không than van nài xin. Máu từ trong miệng của người tù ứa ra hai bên mép, mặt bên phải sưng phù lên. Trong vũng sáng leo lét của ngọn đèn dầu mù u, các tù nhân vẫn có thể nhìn thấy được đôi mắt sưng húp của người tù trực sinh đang nhìn Sáu Mộng, không câm hận nhưng có vẻ khinh bỉ và thương hại cho kẻ đang hành hạ thân xác mình.

    (Còn tiếp)

  4. #94
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    "Ðụ mẹ, chắc thằng nây câm rồi phải không? Nói đi mầy, nếu không tao sẽ móc họng mầy cho coi. . ."

    Sáu Mộng bắt đầu chồn tay. Cái lì lợm của mảnh da trơ xương kia, cái hình ma đứng thẳng dưới trận đòn thù kia làm cho Sáu Mộng nhớ lại những lúc anh ta chạy trối chết, chạy tuông bờ, tuông bụi, giẫm lên xác chết của đồng đội mà chạy khi những tên lính ngụy xuất hiện. Hình dáng của bọn ngụy quân lầm lì gan dạ lúc xong pha trước lằn tên mũi đạn cũng giống như tên trực sinh cứng đầu cứng cổ đang đứng kia. Anh ta tưởng mình là kẻ đã thắng trận không còn cái cảm giác sợ hãi đó nữa nhưng sao đêm nay anh ta vẫn còn gặp lại cảnh cũ. Anh ta chửi bới, đánh đập, hành hạ để trả thù, muốn được nhìn thấy kẻ thù trước kia phải gục quỳ xuống kêu la vang xin nhưng anh ta đã vỡ mộng và tự cảm thấy mình thật là hèn hạ. Kể từ lúc đó, tự nhiên anh ta tỉnh rượu, muốn thoát thật nhanh ra khỏi căn trại u ám nầy. Giọng la hét của anh ta bắt đầu chống chế gượng ép để gỡ gạc với đám tù nhân:

    "Hừ, thằng nầy lì thiệt. Muốn chống lại cán bộ quản giáo phải không? Ðụ mẹ, ở tù rục xương đó con!"

    Sáu Mộng thôi đấm đá, buông người trực sinh ra rồi khệnh khạng đi về phía cửa trại ăn thông qua đội tù 13.

    Khi tiếng chửi bới lầm rầm của Sáu Mộng khuất lấp ở cuối đầu ngõ, người trực sinh ngã khuỵu xuống miệng hộc ra máu tươi.

    (Còn tiếp)

  5. #95
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    Món ngon vật lạ, thuốc lá, cà phê, tiền bạc của Năm Phước đã mua chuộc được tên thư ký đội trưởng Năm Long và mua được từ tên dâm tội nầy chức trực sinh nhàn hạ bên trong phòng trại của đội tù 12.

    Người tù bị "ông Sáu" đá lăn lóc là người trực sinh vòng ngoài, người tự nguyện thế mạng cho Năm phước và những tù phạm khác.

    Tù nhân đội 12 gọi người trực sinh vòng ngoài nầy là chú Bảy. Ngày mới nhập trại Mỹ Phước Tây, chú Bảy nằm liệt trên sàn đất hơn cả tháng vì lở lói, đau yếu, rách rưới, bệ rạc và nhất là những cơn trụy tim bộc phát vô chừng khiến chú Bảy tưởng mình đã bỏ xác ở nơi đồng chua nước mặn nầy rồi! Vậy mà chẳng ai thèm để ý, ngó ngàng hỏi thăm chú Bảy được một câu.

    Không ai biết ngày trước chú Bảy làm nghề ngỗng gì, chỉ biết được một cách chính thức rằng chú bị bắt vào đây vì tội vượt biên. Chân trực sinh của chú đáng lý phải dành cho những tên tù hình sự giàu tiền, lắm thăm nuôi giống như trường hợp của Năm Phước. Chú Bảy chỉ có cái quần xà lỏn và chiếc áo thợ máy trá hình đầy mùi dầu Gasoil khi nhập trại. Ngày leo lên tàu, chú Bảy mặc một chiếc quần ka ki màu vàng mua ở khu Dân Sinh gần chợ cầu ông Lãnh và chiếc áo ngắn tay Montagu đã sờn vai do một người bạn giàu có bố thí cho ngày chú Bảy sắp lên đường chạy trốn ra nước ngoài.

    Khi bị bắt vào ty công an Vàm Láng ở Mỹ Tho, một thượng úy công an đã ra lệnh cho chú Bảy phải giao nạp bộ quần áo cũ kỷ đang mặc để cấp trên khám xét tài liệu, vàng bạc, quý kim hoặc đô la Mỹ nhét dấu bên trong. Chú Bảy làm sao mà có được những thứ đó để họ lục với xét !

    Ngày thẩm vấn lấy khẩu cung sơ khởi chính "ông" thượng úy đó đã tặng nhẹ cho chú Bảy hai bá súng Ak vào mặt, đánh vỡ vụng nguyên hàm răng trên của chú Bảy khiến cho chú đau đớn suốt mấy tháng liền, không ăn uống được một cách bình thường mà chỉ trợn trạo nuốt cho trôi qua cuống họng những nấm cơm tù hẩm mốc.

    Ngày giải giao tội phạm vượt biên đến trại tù Mỹ Phước Tây, chú Bảy để ý thấy "ông" thượng úy công an mặc bộ đồ của chú để chỉ huy đoàn xe chở tù phạm.

    Khi vừa mới ngoắc ngoải ngồi dậy chưa kịp lấy lại sức, tên đội trưởng Năm Long đã bắt chú Bảy ra ngay hiện trường lao động để lặn hụp móc đất đấp nền nhà để nới rộng thêm vòng đai của trại tù. Ba tháng tiếp theo, chú Bảy phải lặn hụp từ sáng sớm lạnh buốt trong các đồng ruộng ngập nước phèn sâu khỏi đầu để dọn cỏ ruộng thuộc quyền khai thác trồng khóm của những cán bộ trông coi trại Mỹ Phước Tây. Rồi bệnh tình của chú Bảy lại tái phát, lần nầy kèm thêm chứng sốt rét rừng vì bị muỗi mòng châm đốt.

    Ngày chuyển đội, chú Bảy nằm đó thoi thóp như người sắp chết để được bó bằng lá chuối rồi đem đi vùi vập ngoài đám đồng hoang ngoài kia. Chôn cất xác chết tù phạm kiểu nầy thì chú Bảy đã được chứng kiến hằng ngày: người chết không có hòm, xác chỉ được cột bó bằng dây lát rồi bộc lại bằng lá chuối, đầu được trùm bằng một bao giấy nhật trình, hai chân để lòi ra ngoài và được 6 tội phạm khiêng đi chôn phía ngoài vòng rao kẽm gai và chong nhọn của trại tù. Sau khi chôn, phần mộ được phủ đất và sang bằng, không có mộ bia, không còn dấu tích: phía trên những phần mộ vô danh nầy sẽ được dùng để trồng khóm, khỏi cần bón phân. Kẻ tù đày khi chết được chôn cất như thế đã là có phước lắm rồi, của đâu có dư để mà hòm với mộ bia cho những kẻ gọi là cặn bã của xã hội trong chế độ mới!

    Nhưng thật là kỳ lạ, chú Bảy không chết! Chú Bảy vẫn sống để rồi được một ân huệ do tên thư ký đội tù 12 ban cho: trực sinh gánh nước và vệ sinh vòng ngoài phòng trại của đội.

    (Còn tiếp)

  6. #96
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    Ðội tù 12 có hai người trực sinh, một người coi sóc dọn dẹp bên trong còn người kia có nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh quanh lều trại và gánh nước tiêu dùng hằng ngày cho hơn 80 nhân khẩu của đội.

    Trách nhiệm bên trong là của Năm Phước, một tù nhân vượt biên, hồng hào như tên lại cái nhờ được gia đình giàu có thăm nuôi tiếp tế dồi dào và thường xuyên.

    Không thấy có thân nhân nào xuống đây thăm nuôi Chú Bảy. Trong tù thì kẻ ghét người thương. Kẻ thương vì thấy chú Bảy thiếu thốn, khốn khó, cơ cực, lạc loài và bị đám tù trẻ kéo bè kéo phe theo tên thư ký Năm Long để ăn hiếp, đăm thọt, cho rằng chú Bảy sung sướng hơn bọn họ vì chú Bảy khỏi ra hiện trường lao động sản xuất, rằng chú Bảy không tốn đồng xu cắt bạc nào mà được chân trực sinh, không còn phải phơi sương, tắm nắng cắt lạc, đào kinh.

    Chỉ có một người thương chú Bảy thật tình. Người đó là Tư Vinh, cũng là dân vượt biên bị lừa bẫy cho vào tù. Tư Vinh là hạng tù sang, tù nhà giàu và nhờ vậy mà Tư Vinh được "cấp trên" tuyển chọn đứng bán hàng ở căn tin cho hơn 3,000 tù nhân trong trại Mỹ Phước Tây. Vốn mua hàng cho căn tin thì Tư Vinh phải bỏ ra và tất cả cán bộ, nhân viên của trại tù khi cần mua sấm gì ở căn tin thì chỉ cần vào lựa chọn rồi đi ra khỏi quày hàng không cần đợi Tư Vinh tính tiền.

    Vợ Tư Vinh từ Sàigòn xuống thăm chồng từng ngày một mà còn được phép ở lại qua đêm với Tư Vinh tại khu nhà "hạnh phúc", nơi dành cho những tên tù hạng gộc dùng làm nơi giải quyết sinh lý; tù cắc ké vì ăn uống chỉ có món cơm với rau muống suốt năm cho nên không có đủ sinh khí để mơ tưởng đến việc ăn nằm với vợ hay người thương trong khu nhà hạnh phúc đó.

    *

    Ngoài giờ quét dọn, gánh nước cho đội tù, chú Bảy lo việc bếp núc, nấu nướng riêng cho Tư Vinh. Tiền bạc của Tư Vinh đã mua được đủ thứ, mua cả những "ông" cán bộ cấp cao của trại tù. Tư Vinh ở trong tù hơi lâu không phải vì Tư vinh bị khép tội quá nặng nhưng vì Tư Vinh là con bò sửa của các ông gộc coi trại tù cho nên con bò sửa nầy không thể được thả cho ra khỏi chuồng quá dễ dàng và quá sớm.

    Tuy là tù phạm nhưng Tư Vinh được hầu hết cán bộ ở đây nịnh bợ, ve vảng để liếm láp, xin xỏ đủ thứ. Có lần trước mắt chú Bảy, Tư Vinh đã lột chiếc đồng hồ Omega đang đeo trên tay để cho "ông Sáu" khi vừa nghe "ông Sáu" tỏ ý ước ao một chiếc đồng hồ có cửa sổ không người lái (loại đồng hồ tự động và có cửa sổ chỉ ngày tháng). Không có người tù nào được lẩn quấc bên ngoài phòng trại sau giờ giới nghiêm. Sau giờ đó, các sinh hoạt của đám tù nhân đều bị cấm chỉ. Mọi người đều phải chui vào mùng nằm thẳng và không được phép ngồi dậy nếu không có lý do khẩn thiết: tiểu tiện hoặc đại tiện. Trên đầu nằm của mình, mỗi tù nhân đều có một lọ keo hay một bình bằng nhựa loại 5 lít để tiểu tiện và một lon loại đựng sửa Guigoz cho con nít dùng để "đi đồng" ngay trong mùng.

    Tư Vinh không cần các loại bình mủ hoặc lon Gugoz kiểu đó. Lúc cần, Tư Vinh cứ nhỏm dậy, không cần phải la lớn báo cáo với người tù trực phiên ban đêm "báo cáo trực phiên, số 10 đang đại tiện trong mùng", rồi xách đèn rọi đi về phía cầu vệ sinh dành riêng cho cán bộ; đó là một luật lệ quy định của nhà giam: đang đêm ai tự động ngồi dậy mà không báo cáo thì sẽ bị quy vào tội có ý định vượt trại và sẽ bị cùm chân tay giam vào ngục tối không được ăn uống.

    (Còn tiếp)

  7. #97
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    Tên thư ký đội Năm Long sợ Tư Vinh một phép. Chỗ nằm của Tư Vinh được trang hoàng như một phòng trà thu nhỏ. Tối đến, Tư Vinh từ căn tin trở về đội, tụ tập, ăn uống đờn ca tưng bừng. Ðối với Tư Vinh thì không có giờ giới nghiêm nằm êm re trong mùng. Tù nhân trong trại không được phép mua và uống rượu nhưng cán bộ vẫn lén lút mang rượu tới cho Tư Vinh để bán mà được lời gắp 3, gắp 5 giá mua. Khi có rượu vào, Tư Vinh nói năng huyên thiên xích đế và có khi quấy phá náo loạn cả đội.


    Tư Vinh kể chuyện tam quốc không bỏ sót một chữ, có lớp lang mạch lạc giống như chính mình là tác giả của cuốn sách. Thỉnh thoảng, cán bộ lượm được cầy tơ mang về xẻ thịt bán cho tù nhân để lấy tiền cải thiện thì Tư Vinh lại có dịp trổ tài nấu món thịt cầy ướp chao rồi bắt ép chú Bảy phải ăn cho bằng được.


    Chú Bảy ăn chung với Tư Vinh. Thức ăn thăm nuôi của vợ Tư Vinh mang từ Sàigòn xuống đều giao hết cho chú Bảy giữ gìn và sắp xếp việc nấu nướng. Trong tù Tư Vinh càng ngày càng mập ú ra nhờ thịt cá, bánh trái lúc nào cũng ê hề đầy giỏ.


    Tư Vinh có cái thú uống cà phê sau buổi ăn chiều nhưng không bao giờ chịu ngồi uống một mình. Vì thế, cứ tối đến thì "phóng trà" của Tư Vinh lại tấp nập khách khứa tù nhân tới thăm để đấu láo và nhất là để được uống cà phê miển phí. Thường xuyên thì phòng trà cũng đón tiếp cả các "vị "cán bộ trẻ tình cờ đi ngang qua phòng trại và những lúc như thế thì phòng trà miển phí của Tư Vinh mở cửa thâu đêm suốt sáng.

    ́
    Một người bạn khác của chú Bảy là Tư Thành. Tư Thành là một cựu đảng viên của chế độ mới. Sau ngày "giải phóng", không hiểu vì lý do gì mà Tư Thành lại bắn chết một bí thư huyện ủy để rồi vào nằm đây nhận lãnh bản án 8 năm dài lê thê. Tư Thành đã lớn tuổi, lớn tuổi hơn chú Bảy và đã lụm khụm như ông lão 90, hậu quả của những năm tháng "kháng chiến" trốn chui, trốn nhủi. Nước cờ tướng của Tư Thành ngang ngửa với chú Bảy. Mỗi khi hai người nhập cuộc đấu thì cả đội tù 12 bu quanh để xem và cổ xúy. Phần thưởng cho người thắng trận đấu cờ là người thua phải thưa "dạ có em đây" 20 lần khi người thắng cuộc gọi tên kẻ bại trận. Hai chân của Tư Thành rất yếu lại đi hàng hai theo kiểu chữ bát cho nên khi Tư thành di chuyển thì chẳng khác gì như một kép hát bội đang diễn trò cỡi ngựa trên sân khấu.


    *


    Trại tù Mỹ Phước Tây có một khu riêng giam nhốt tù nữ. Tù nam hạng cắc ké không có "chức phận" không được phép la cà bén mảng đến gần khu tù nữ. Những cảnh chớp mắt đưa tình lén lút có thể khám phá được vào những buổi chiếu phim lộ thiên ngoài sân chào cờ của trại. Những lúc đã ngấm hơi men, "ông Sáu" lại có dịp xâm nhập vào khu tù nữ để lột áo, xé quần khám xét, đánh đập, hành hạ, chửi bới.. Lâu lâu lại nghe có tù nữ bị cùm tay cùm chân nhốt vào phòng giam kỹ luật bỏ đói vì đã thư từ lén lút với tù nam.


    Cứ mỗi buổi chiều vào lúc mãn giờ đi lao động, đám tù nam của đội 12 và 13 thường ra đứng dọc theo vách trại của mình chờ đón giờ "rửa mắt khi toán lao động tù nữ trở về đi thướt tha trên bờ rưộng ở phía ngoài vòng kẽm gai của trại với quần áo lam lũ ướt đẫm bó sát lồ lộ vào da thịt. Cũng có lúc, một vài chị em táo bạo, khi đi ngang qua những cặp mắt cú vọ, háo đói, thèm thuồng của đám tù nhân nam, đã vạch thẳng chiếc áo ướt lên thật nhanh để trưng bày bộ ngực nõn nà của mình với những tiếng la hét vỗ tay cổ xúy của đám "khán giả" bên trong khuôn rào kẽm gai.


    Từ đại đội của mình, chú Bảy phải trải qua một chặn đường dài gần 3 cây số để tới ao nước lợ. Những ngày đầu tập gánh nước, chú Bảy phải nghỉ từng chặn một, ba bốn lần nghỉ cho một đôi nước. Ðến đôi thứ 30, đôi nước cuối cùng theo ấn định của tên Năm Long cho buổi sáng thì chú Bảy hầu như kiệt lực. Chú Bảy không còn đủ thời giang để nhởn nha nhìn ngắm chung quanh. Chỉ tiêu của chú Bảy là 30 đôi nước nặng 20 kí lô phải gánh gồng trên một chặn đuờng tới lui tổng cộng 60 lần, tương đương gần 60 cây số. Kế đến là dọn dẹp bếp núc củi lửa do các tù lao động nấu ăn buổi sáng để lại bên sân trái của trại.


    Tối đến thì phải lo dọn dẹp chỗ nấu nướng của đám tù nhân đi lao động về rồi mới trở vào bên trong lo việc châm dầu đốt đèn cho buổi tối. Trực sinh vòng ngoài khỏi đi lao động nhưng công tác ở nhà lại càng cực khổ hơn. Năm Long tặng cho chú Bảy vai trực sinh nầy không phải là vì hắn thương chú Bảy nhưng là vì đám tù nhân trẻ chẳng ai thèm mua chức vụ trực sinh nầy và hơn nữa, dưới con mắt nhận xét của tên chúa ngục Năm Long thì chú Bảy sẽ tìm đường trốn trại nếu hắn để chú Bảy đi lao động bên ngoài.
    *
    ́
    Nàng cũng gánh nước trực sinh như chú Bảy. Dáng người của nàng thon cao, điệu gánh nước của nàng đong đưa khoan thai và trông thạt thiện nghệ. Nàng lãnh nhiệm vụ trực sinh cho hơn 600 tù nữ, một công tác lao động ngang với một bản án khổ sai. Chú Bảy là người Rạch Giá. Nàng là người Hố Nai-Tam Hiệp, nước da nàng sạm đen vì cái nắng đồng khô cỏ cháy của miền đất phèn Ðồng Tháp. Nét đẹp của nàng không phải gương mặt trái xoan với đôi mắt bồ câu của hạng người đài các thường được mô tả trong tiểu thuyết nhưng nét đẹp của nàng ở đôi vú tròn cứng không có áo độn nâng bên trong và đôi mông tròn lẳng không quần lót phô bày dưói lần vãi màu đen bạc thếch dính sát da thịt vì sũng nước.



    (Còn tiếp)

  8. #98
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    Từ tờ mờ sáng tinh sương, khi ngoài trời vẫn còn lạnh cóng, các trực sinh tới lui ao nước lợ giống như lớp người nông phu gánh mạ ra đồng để cấy. Nam nữ gánh nước phải cúi đầu gầm mặt, yêm hơi lặng tiếng, lầm lũi mà đi, cấm không được chào hỏi tiếp xúc với nhau. Họ đi tới đi lui như những cái máy được vặn dây cót. Họ giống như những con bò, con ngựa kéo lê những cổ xe nặng kịt và đó là chính sách cai quản trại tù của chế độ VNCS/VC

    Thân xác chú Bảy bị đày đọa nhưng tâm trí chú Bảy vẫn được thong dong tự do tưởng tượng và thưởng ngoạn những đường nét khêu gợi mời mọc của cô gái mộc mạc kia. Chú Bảy mỉm cười đắc ý khi biết rằng hằng tá cặp mát cú vọ của họ đang rình rập theo dõi từng cử chỉ hành vi của chú Bảy. Cứ cho họ theo dõi, chú Bảy tự nói thầm: thử xem họ có kiểm soát nổi phần tâm trí hồn phách của ta không!

    Khởi đầu chỉ có chú Bảy len lén nhìn nàng rồi cũng có khi nàng nhìn lại chú Bảy thật nhanh rồi gật nhẹ đầu tỏ dấu chào thăm. Rồi thêm một nụ cười khi gặp nhau, rồi thêm một cái liếc mắt đẩy đưa, rồi trù trừ chưa chịu múc nước ngay để về trại cho kịp giờ, rồi bên nầy đợi gặp bên kia. Lúc đầu còn phải chờ đến phiên người nầy múc nước lên xong rồi mới tới người kia bước xuống. Nhưng rồi, bổng một hôm, người ta nếu khéo để ý thì sẽ thấy một tù nam và một tù nữ đứng sóng đôi dưới bờ ao để múc nước một lượt: chắc là luật trại tù đã quên đi việc cấm kỵ việc hai người khác phái xuống ao múc nước cùng một lúc. Họ tưởng họ khôn, nhưng họ vẫn còn ngu! Cái ngu của họ chỉ có chú Bảy và nàng biết được và như thế là đã bắt đầu được gần gũi nhau rồi. Nhưng vẫn câm lặng, vẫn vội vã, vẫn hồi họp xen lẫn với nôn nao và hậm hực. Vẫn chỉ được nói với nhau bằng ánh mắt, chỉ nhớ nhau bằng những nụ cười vội vàng thầm kín. Có khi đôi thùng nước chạm nhau dưới đáy nước sâu nhưng cũng có những ngón tay của ai đó hối hả đan vào nhau thật tình, thật ấm.
    Rồi một hôm nàng mở lời đầu tiên:

    "Sao hôm nay, ra trễ vậy?"

    "Nhuốm bệnh, dậy không nổi!"

    "Có thuốc uống không?"

    "Suỵt . . .Coi chừng. . . Có ăng ten đang dòm ngó...!"

    (Còn tiếp)

  9. #99
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    Buổi sáng hôm sau:
    "Hết bệnh chưa?"
    "Hơi đở. Thức ăn bên ấy còn không?"
    "Gần cạn rồi!"
    "Làm sao đưa qua được!"
    "Thôi, không cần....nguy hiểm lắm!"
    Buổi tối chú Bảy xin Tư Vinh:
    "Anh Tư nè, anh cho tôi mượn đở hai chục đồng, được không?"
    Tư Vinh hơi chưng hửng hỏi lại:
    "Chi vậy?"
    "Cần xài lắc nhắc...Với lại để có tiền dằn túi đôi chút đó mà..."
    "Muốn gì thì cứ nói để tui lấy từ căn tin đem về cho, đâu cần phải mua sắm? Chỉ có hai chục đồng mà dằn túi cái giống gì?"
    Nói xong Tư Vinh móc ví trao cho chú Bảy một tờ bạc năm mươi đồng. Tối đó chú Bảy không uống cà phê với Tư Vinh nhưng chui vào mùng đi ngủ sớm. Trong giấc mơ chú Bảy thấy mình đang đi tìm nhà ai đó ở Hố Nai.

    *

    Gặp nàng ở ao nước, chú Bảy ra hiệu:
    "Gói giấy nhỏ dưới chân đó, lượm lẹ lên đi... '
    "Cái gì vậy?"
    "Thì cứ lượm đi. . .Về trại rồi mới mở ra. . . Coi chừng tụi nó thấy... Cẩn thận kẻo chết chùm cả hai đứa. . . ."
    *

    Gặp lại sáng hôm sau nàng thì thào:
    "Cho chi nhiều vậy? . . . Ðể dành mà hộ thân . . ."
    "An nhằm gì. . . Còn mà! . . . Ðể đó mà mua thức ăn . . ."
    "Thương anh đâu phải vậy!"
    "Nói vậy là không thương rồi! . . ."
    "Có thấy ai thăm nuôi đâu? Sao có tiền? . . ."
    "Bạn cho. . ."
    "Vợ con đâu?"
    "Vì tự ý làm liều, không nghe lời can ngăn cho nên vợ con giận hờn
    ghét bỏ. .."
    "Sao vô đây ở tù nữa?"
    "Vượt biên. . . Còn em?"
    "Cũng vượt biên."
    "Thôi nghe, có người tới . . ."
    *
    (Còn tiếp)

  10. #100
    (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

    Một buổi sáng trời lạnh, mưa lất phất, đất bùn trơn trợt nhầy nhụa. chú Bảy lạnh tê cóng khi nhún chân xuống thềm ao nước.
    "Áo lạnh anh đâu sau không mặc?"
    "Không có."
    "Hứng mưa coi chứng đau trở lại nguy lắm..."
    "Chết là cùng, có gì gọi là nguy?"
    "Ðừng nói gỡ."
    "Thiệt đó chớ! . . ."
    'Bộ không thương em sao mà nói vậy?"
    "Có! "
    "Vậy sao lại muốn chết bỏ em?"
    "Nói vậy chứ không bỏ đâu . . ."
    Ðợt gánh nước thứ nhì:
    "Ðược tha về trước chờ em nghe. . ."
    "Em cũng vậy?"
    "Em chờ. . . mà còn xuống đây nuôi anh. . . "
    "Ðợt tha kỳ nầy có hy vọng không?"
    "Hy vọng lắm, còn anh?"
    "Chắc là mút mùa . . . Chờ để đóng cửa trại một thể! . . ."
    "Chi mà thối chí dữ? . .. Cứ hy vọng đã sao? "
    Ðợt gánh nước lần thứ 3:
    "Lở ngu khai toẹt ra hết . . ."
    "Khai cái gì? "
    "Ðại . . ."
    "Trời ơi! Sao không chịu dấu? Khai chi vậy?"
    "Vậy mới ngu. . . Về trước nhớ xuống thăm nghe. . . Ðừng bỏ đi trước. . .Chờ về đi một lượt sống chết cùng nhau . . ."
    ". . . Em hứa ..."

    Ðợt tha tù kỳ đó chú Bảy và Tư Vinh được trả tự do. Lãnh giấy xuất trại đi ngang qua đội tù nữ, chú Bảy thấy nàng đứng nhìn chú mắt đỏ hoe. Ít lâu sau Tư Vinh bị tử nạn xe cộ sau một vài lần nhậu chung với chú Bảy ở Sàigòn. Một tháng sau, chú Bảy tới Mả Lai rồi sang Úc.
    *
    Chú Bảy không chờ nàng! Chú Bảy bỏ đi trước! Với con tim, chú Bảy thật đáng trách nhưng xin hãy tha thứ và cảm thông cho chú Bảy: ngày 28 tháng 4 năm 1975, chú Bảy cũng trù trừ vợ con, đã bước xuống xà lan nhưng lại bước trở lên bờ để rồi phải trả một giá thật đắt với 4 năm tội tù đày đọa trong trại cải tạo và ngày bước ra khỏi cửa trại giam địa ngục mang cái kiếp thân bại danh liệt của mình về nhà ăn bám vào vợ với con.

    Lần vượt biên bị bắt cũng vì trù trừ không nở bỏ lại không rướt lên ghe lớn vợ con của tên chủ tàu quỷ quyệt trên đường trốn chạy né tránh công an biên phòng Vàm Láng.

    Xa mà không thể nào quên nhưng tên của nàng chú Bảy không biết !


    *

    Sau gần 3 năm lao tù tại trại tù Mỹ Phước Tây vì tội vượt biên TL và đứa con trai được VNCS/VC tha vào đầu tháng 01/1983.


    (Còn tiếp)


 

 

Similar Threads

  1. Cho Đến Cuối Cuộc Đời
    By MưaPhốNúi_ in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 09-30-2017, 06:39 PM
  2. Cuối ...
    By dulan in forum Thơ
    Replies: 75
    Last Post: 01-17-2013, 03:35 PM
  3. Lạc Bước Rừng Thiền
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 2
    Last Post: 10-20-2012, 08:20 PM
  4. Bước không qua số phận
    By ngocdam66 in forum Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật
    Replies: 1
    Last Post: 03-22-2012, 09:54 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 08:09 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:08 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh