(Hồi Ký... tiếp theo)


Nơi căn nhà ở Gia Định nầy có hai chuyện tình- không phải chuyện tình của TL – nhưng rất khó phai mờ trong tâm khảm của TL.
Chuyện tình thứ nhất: đó là mối tình thầm kính của một người bạn đồng nghiệp của vợ chồng chị Ba Thơ ở Tổng Nha Ngân Khố. Người nầy tên là Lợi, một thư ký công nhật “muôn năm”vì không thể vượt qua được vô số kỳ thi vào ngạch “thông phán kho bạc (thư ký chánh ngạch). Anh ta yêu thầm chị Ba Thơ mặc dù chị Ba là gái đã có chồng và anh ta là đàn ông có vợ. Có người sẽ hỏi lúc đó thằng nhỏ TL còn bơ bơ ngơ ngáo thì làm sao mà biết được Lợi yêu thầm chị Ba Thơ? Còn chị Ba Thơ thì sao? Có một điều rất đặc biệt đối với những đứa con trai nhỏ bé là khi được một người thân trong gia đình hay bất cứ một người phụ nữ hay một người đàn bà ruột thịt cưng yêu chiều chuộng thì những cậu con trai trong trắng nầy rất hay ganh tị và khó chịu đối với bất cứ người đàn ông ngoại lai nàao có vẽ có nhiều cảm tình thân thiện muốn cướp đi người thân nữ giới của mình. Và thằng nhỏ TL học lớp nhì trường tiểu học sơ cấp Gia Định cũng y chang như thế khi thấy Lợi nói năng dịu ngọt, liếc mắt đưa tình với chị Ba Thơ mỗi khi không có sự hiện diện của chồng chị ấy. Đúng đó, đây chỉ là sự ganh tị, ít kỷ thông thường của những đứa trẻ không muốn người thân của mình chia xẻ tình thương cho người khác. Tuy nhiên, sau nầy khi bắt đầu biết suy xét thì TL mới biết được hai người nầy đã có tình ý với nhau. Lợi rất chung tình. Căn nhà ở Gia Đinh có một căn chái lợp lá sát vách nhà và được bao quanh bằng những hàng tre xanh kiên cố. Chồng chị Ba Thơ đã lập ra một hội bóng bàn mà gần hơn chục hội viên là các bạn đồng nghiệp thân thích ở Kho Bạc. Mỗi cuối tuần cho đến hết chiều chúa nhật, các người bạn nầy đều vào nhà vợ chồng chị Ba Thơ để đánh bóng bàn nơi căn chái lợp lá, cá độ, ăn uống vui nhậu rất thân thiết và Lợi là một trong số những đấu thủ bóng bàn có hạng trong nhóm người nầy. Cứ mỗi lần đấu bóng cặp đôi với vợ chồng chị Ba Thơ thì Lợi thường “thả”” giả thua để chịu thiệt mua sắm thức ăn, rượu bia đãi đằng cả nhóm mặc dù Lợi là kẻ nghèo nhất đám. Chị Ba Thơ có lẽ cảm động vì cách đối xử “hy sinh âm thầm”cho nên chắc là cũng “Bằng lòng nhưng không bằng mặt.” Mối tình nầy không biết có đi quá giới hạng đạo đức hay không thì chỉ có Chị Ba Thơ và Lợi biết nhưng nhất định là không thể che được mắt của TL. Sau 30/04/1975, Lợi vẫn còn tiếp tục qua lại với gia đình chị Ba Thơ nhưng tiếp theo sau đó cả gia đình chị Ba Thơ di cư sang Hoa Kỳ còn Lợi thì không bao giờ còn nghe chị Ba Thơ nhắc nhở tới.

(Còn tiếp)