Register
Page 1 of 29 12311 ... LastLast
Results 1 to 10 of 281
  1. #1
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636

    Nghìn Lẻ Tám

    Mục Lục

    Trang 1-5: Đột Kích Trại Tù Sơn Tây
    Trang 2: Phim hoạt họa Mười Hai Nàng Công Chúa
    Trang 6: Giờ Thứ Hai Mươi Lăm (tám)
    Last edited by PhPhuongVy; 01-07-2012 at 09:11 AM.

  2. #2
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Đột Kích Trại Tù Sơn Tây - 1970

    Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc,tôi lại bắt đầu chạy vắt giò lên cổ, rượt theo những tờ lịch ghi ngày giờ đáo hạn ở sở. Những ngày đáo hạn mỗi mùa thu cứ xếp chồng lên nhau như ngói, nhưng cuối cùng tôi cũng đã oanh liệt dứt điểm hết tất cả, mỗi lần một cú đẹp.

    Trở về cái quán nhỏ Nghìn Lẻ Tám chỉ thấy trống trơn.
    Tôi đã bỏ lại bên phố cũ những người tù binh Mỹ trong trại tù Sơn Tây. Những người tù binh này, tháng 5 năm 1970, khi được đi vào rừng làm lao động đã để lại một chữ K to tướng bằng bùn trên một bờ sông. Chữ K này có nghĩa là "come get us" (hãy đến cứu chúng tôi). Những người tù còn dùng quần áo ghép lại thành chữ SAR (Search and Rescue, nghĩa là Lùng và Cứu), chữ SAR này lọt vào những tấm không ảnh. Những không ảnh khác lại cho thấy một mũi tên bên cạnh số 8, là dấu hiệu nói rằng cách trại khoảng 8 miles là chỗ họ có thể ra làm lao động và có thể dùng làm điểm hẹn. Tín hiệu gửi ra còn nói rằng số tù binh bị giữ ở đây gồm khoảng 70 người.

    Từ tháng 5 đến đầu tháng 11, tất cả mọi nỗ lực đã được anh em bên ngoài tập trung để giải cứu số tù binh này. Đại tá nhảy dù Arthur Simons, tướng Leroy J. Manor và tướng Donald Blackburn đã đồng tâm góp sức để vận động, điều hành, phối hợp, tuyển người và luyện tập chờ ngày. Khi tổng thống Nixon chấp thuận, 100 người của toán đặc kích đã sẵn sàng. Họ đã được di chuyển từ trung tâm huấn luyện sang Thái Lan chờ từ ngày 8 tháng 11. Mười giờ đêm thứ bảy, 20 tháng 11, toán đặc kích từ phi trường Udorn, Thái Lan, lên máy bay lúc 10 giờ đêm để bay sang ngang qua Lào và vào Sơn Tây. Cuộc đột kích đã diễn ra tại Sơn Tây vào những giờ đầu tiên của ngày 21 tháng 11, năm 1970.

    (còn tiếp)

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,993


    Berry nice to see chị PhPhuongVy trở lại với 1008.
    Có khi trời nắng, có khi trời mưa.

  4. #4
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Cảm ơn Nhã Uyên, xinh quá.

    * * * * *
    Viết dựa theo SPEC OPS: Case Studies in Special Operations by William H. McRaven

    Đêm ấy, như đã hẹn với đất trời, mây trên không phận Bắc Việt phải giăng thật dầy để che đỡ cho máy bay Mỹ xâm nhập vào, nhưng giăng làm sao cho khéo để ánh trăng còn đủ cho toán đáp xuống Sơn Tây nhờ, để đột kích được đúng mục tiêu. Thêm vào đó, ngoài hải phận, thời tiết và đường duyên hải cũng phải quang, để gần hơn một trăm máy bay khác cũng có thể cất cánh tham dự từ 7 căn cứ và 3 chiến hạm. Đa số các máy bay này lo phận sự oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng để dụ khị lực lượng phòng không của Charlie (Bắc Việt) chĩa hết dàn pháo về phía Đông, bỏ trống phía Tây cho máy bay Mỹ lọt vào. Tướng Leroy J. Manor đã thiết lập căn cứ chỉ huy và truyền tin ở vùng Núi Khỉ gần Đà Nẵng, để theo dõi và điều động mọi lực lượng.

    Từ phi trường Udorn, Thái Lan, một chiếc HC-130 dẫn 6 chiếc trực thăng bay theo đội hình, đến biên giới Lào và Bắc Việt, yên lặng tiếp tế nhiên liệu cho 6 chiếc trực thăng, gửi một tín hiệu chót và duy nhất về căn cứ chỉ huy, rồi bay ngược trở về. Một chiếc MC-130 Chiến Đấu thay vào, hướng dẫn 6 chiếc trực thăng bay tiếp, và thấp, vào không phận Bắc Việt. Chiếc HC-130 trở về Thái Lan lấy thêm nhiên liệu và sẽ sang Lào đợi ở điểm hẹn để tiếp tế, tiếp cứu nếu cần và đón tù binh được giải thoát.

    Mười chiếc F-4 cũng cất cánh để phòng khi phải đối đầu với phi cơ chiến đấu MIG của Bắc Việt. Năm chiếc F-5 cũng đã bay lên, sẵn sàng đối phó với hỏa tiễn SAM, hễ SAM bắn lên, lộ cứ điểm, những chiếc F-5 sẽ đến tìm các dàn phóng SAM mà vô hiệu hóa chúng. Toán F-4 và F-5 bay cao, quan sát khu vực cần thiết, nhưng tuyệt nhiên không trực tiếp tham dự vào các hoạt động của 6 chiếc trực thăng đi đột kích trại tù. Để bảo vệ 6 chiếc trực thăng đã có 5 chiếc A-1E skyriders bay thấp.

    Ngay khi các máy bay Mỹ sắp vượt qua biên giới Lào để tiến vào không phận Bắc Việt, ngoài khơi, hàng đoàn chiến đấu cơ của Hải Quân Mỹ phóng lên, bắt đầu oanh tạc Hải Phòng và Hà Nội

  5. #5
    Biệt Thự Lan Huệ's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    822




    Mừng PhPhuongVy trở lại với Nghìn Lẻ Tám.
    LH chúc Phương Vy việc sở, việc nhà, việc Đặc Trưng luôn luôn hài hòa, hanh thông để có nhiều thì giờ dành cho Nghìn Lẻ Tám.

  6. #6
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Cảm ơn mầu hoa thắm thiết của Lan Huệ. PV cũng đang thu xếp. Hy vọng...Hy vọng...

    * * * * *

    Sáu chiếc trực thăng, mỗi chiếc lãnh một nhiệm vụ nhắm trại tù Sơn Tây mà bay đến. Tự tay lái chiếc trực thăng Apple 1 là trung tá Warner Britton, ngồi bên cạnh là đại tá Simons, lo phần đánh yểm trợ. Chỉ huy lực lượng đặc kích dưới đất là trung tá Sydnor, bay chiếc Apple 2. Ba chiếc Apple 3, Apple 4 và Apple 5 có nhiệm vụ thanh toán tất cả các vọng gác của trại tù binh. Chiếc thứ sáu, tên hiệu là Banana, làm lực lượng tấn công chính, với 13 xạ thủ.

    Để mở đầu, đúng 2 giờ 18 phút sáng, chiếc HC-130 dẫn đường, thả trái sáng xuống một địa điểm hẹn trước để chấm tọa độ cho toán máy bay A-1E và cũng để đánh lừa sự chú ý của địch. Hai chiếc Apple 4 và Apple 5 bay đến đúng y như dự định. Chiếc Apple 3 cũng vậy, phải quành lại một chút xíu, nhưng cũng đến được mục tiêu. Apple 3 bắt đầu xả súng máy, bắn hạ những người bộ đội gác vọng. Ngay tiếp đó, Banana đáp xuống được bên trong vòng tường của trại giam. Chỗ đáp nhỏ hẹp. Từ tháng sáu, lúc hình chụp được gửi về và nghiên cứu, cây cối nơi đây đã khác nhiều. Cánh quạt của chiếc trực thăng vạt đứt ngọn và một số cành cây. Chiếc Banana dội xuống mạnh, người xạ thủ ngồi ngay cửa máy bay văng luôn xuống đất, may mà không bị thương. Nhưng bên trong máy bay, sức dội làm văng một chiếc bình chữa lửa vào mắt cá chân của xạ thủ LeRoy Wright, gây nứt xương nhẹ. Nhưng không có giờ để thấm cơn đau, người xạ thủ vẫn nhanh nhẹn ôm súng theo đồng đội nhảy xuống. Mọi người đều biết chiếc Banana cũng được dùng để tải chất nổ phá tường và sẽ được tiêu hủy trước khi mọi người rút lui, theo kế hoạch.

    Lúc này bộ đội Bắc Việt đã ôm súng túa ra, nhiều người vẫn còn mặc quần đùi ngủ, và nổ súng bắn trả. Đã được huấn luyện trước, toán đặc kích không bỏ lỡ một giây phút, vừa bắn tấn công, vừa núp tránh đạn, vừa phải tìm đường lọt vào bên trong chỗ giam tù. Chỉ qua vài phút ngắn, chất nổ đem theo đã được dùng để làm khoét thủng một lỗ hổng lớn, mỗi bề hơn một mét, ở góc tường phía tây nam của nhà giam. Lỗ hổng này sẽ là đường thoát của toán đặc kích và tất cả những người tù binh được cứu thoát.

    Các vọng gác đã được thanh toán gọn. Loa phóng thanh cầm tay vang lên, toán đặc kích loan báo cho những người tù binh bên trong biết họ đang được anh em tìm đến để giải cứu. Một người đặc kích khác lập tức dùng radio liên lạc với Tư Lệnh Sydnor và các nhóm khác đang đợi ở bên ngoài. Nhóm đặc nhiệm đã lọt vào bên trong chia ra làm năm toán nhỏ. Toán 1 di chuyển lẹ làng về phía trại 5A, nơi mọi người tin tưởng rằng tù binh bị giam giữ. Tất cả các phòng đều được lục soát kỹ, mỗi toán hai người lục, những người khác lo bảo vệ. Họ lục soát xong các phòng phía tường tây, rồi các phòng phía tường bắc. Xong, họ tiếp tục chia nhau lục các phòng giam ở trại 5C và trại 5D, tên các trại đã được đặt trước trong khi huấn luyện. Tại trại 5D, bốn năm người bộ đội chạy ra, bị Toán 2 và Toán 3 bắn ngã. Bên ngoài vòng tường, một số bộ đội đã đem được súng máy đến và bắt đầu cho nổ dòn dã những tràng dài. Toán 2 lần lượt lọt vào được trại 5E, thêm hai người bộ đội nữa ra đi. Toán đặc kích cắt khóa các phòng giam trong nháy mắt. Toán 3 nhảy vào, chắn giữ được cổng và lấy được trại 5B.

    Sau 10 phút lục soát, những người đặc kích bên trong báo cáo với trưởng toán là đã làm chủ được tình hình, nhưng đồng thời cũng báo cáo không tìm thấy được một tù binh nào. Năm phút sau, những người đặc kích lục soát được toán trưởng ra lệnh cho tất cả rút ra khỏi vòng tường, gặp nhau ở bãi lau sậy như đã hẹn trước. Người toán trưởng cùng những anh em ở lại nổi lửa tiêu hủy chiếc Banana xong cũng vượt ra khỏi bức tường phía tây nam để hẹn gặp Tư Lệnh Sydnor.

  7. #7
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Khu trại giam thật ra không lớn bao nhiêu, chiều rộng hơn 40 mét, xây dài từ hướng bắc tới hướng nam là chừng hơn 60 mét, gồm năm trại mà người Mỹ đã đặt tên 5A, 5B, 5C, 5D và 5E, nơi Bắc Việt nhốt tù binh tùy theo mức độ nghiêm trọng, có chỗ để ban điều tra và bộ đội trực gác làm việc và nghỉ ngơi. Bên ngoài khu 5 trại giam này có nhiều cơ sở để lực lượng canh gác cư ngụ, có chỗ làm khu hành chánh, ban tiếp liệu, bếp, nhà ăn. Cách khu trại giam chừng 400 mét về phía nam là một trường học cũ, sau được biến thành kho chứa hỏa tiễn, đạn pháo. Chỗ này cũng có tường bao quanh, trên thành tường rào kẽm gai, tương tự như khu trại giam.

    Khu trại giam có sông Côn chảy dọc từ bắc xuống nam, về mé tây. Khúc sông chỗ này hẹp, chừng hơn 10 mét bề ngang, mùa khô bộ đội có thể lội qua dễ dàng. Phía bắc của khúc sông này có một chiếc cầu nhỏ, ba nhịp, nối hai bên sông một con đường trải đá. Con đường này có cột điện giăng dây điện chạy dọc và rẽ về phía đông của khu trại giam. Khu kho đạn cách đó 400 mét cũng có một con lạch nhỏ chạy kề. Thế là trong lúc Banana, Apple 3, Apple 4 và Apple 5 tấn công khu trại giam, chiếc trực thăng Apple 1 chở đại tá Simons đã lẻ loi đáp lầm xuống khu kho đạn, thay vì bên ngoài khu trại giam. Đại tá Simons và toán đặc kích của Apple 1 nhảy xuống, bắt đầu đột nhập vào bên trong từ phía nam. Chiếc Aple 1 vẫn không biết, thả quân xuống xong là bay lên cho đúng với kế hoạch.

    Bộ đội từ bên trong phản ứng ngay lập tức. Giao tranh chừng vài phút, toán đặc kích bắn hạ chừng 10 người bộ đội. Đại tá Simons đã nhận ra đây không phải là khu trại giam, lập tức ra lệnh rút lui toàn bộ. Bãi đáp cho trực thăng đến đón phải được chuẩn bị dưới những loạt đạn súng máy của bộ đội Bắc Việt từ trên lầu bắn xuống. Súng máy của Mỹ bắn trả, đạn 40 ly bắn vào các cửa sổ và cửa lớn của khu lầu, ba phút sau nơi này im tiếng súng. Đặc kích Mỹ lọt vào được bên trong. Bốn người bộ đội Bắc Việt cố tiến vào, nhưng cũng bị im bặt. Những nơi khác trong khu kho đạn vẫn còn nghe tiếng súng giao tranh lẻ tẻ của hai bên. Nhưng chỉ một hai phút sau tất cả đặc kích của Apple 1 đều nhận lệnh sẵn sàng rút lui. Phi công của Apple, trung tá Britton, đã ý thức được tình hình, quay trở lại, vừa lúc bãi đáp đã khá sạch. Vừa bắn, vừa lùi, toán đặc kích an toàn nhảy lên Apple 1 đầy đủ và lần này đổ xuống ngay chóc khu trại giam. Tất cả xảy ra trong vòng 9 phút.

  8. #8
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Quote Originally Posted by PhPhuongVy View Post
    Khu trại giam có sông Côn chảy dọc từ bắc xuống nam, về mé tây. Khúc sông chỗ này hẹp, chừng hơn 10 mét bề ngang, mùa khô bộ đội có thể lội qua dễ dàng. Phía bắc của khúc sông này có một chiếc cầu nhỏ, ba nhịp, nối hai bên sông một con đường trải đá. Con đường này có cột điện giăng dây điện chạy dọc và rẽ về phía đông của khu trại giam.
    Xin sửa lại là sông Con, chứ không phải là sông Côn. Sông Con là tên gọi nôm na của sông Tích, phát nguyên từ núi Ba Vì, chảy qua vùng cổ thành Sơn Tây, cuối cùng đổ vào sông Đáy, một phụ lưu của sông Hồng. Người dân ở đây gọi sông Tích là sông Con để phân biệt với sông Cái là sông Hồng. Trong quyển SPEC OPS: Case Studies in Special Operations viết bởi William H. McRaven, tên sông Tích được tác giả viết là "the Con river", tôi đọc vội không kiểm chứng lại, dịch sai là sông Côn. Sông Côn, sông Côn, hai tiếng này âm ba trong đầu một lúc thì tôi nhận ra chính mình cũng đã đáp trực thăng xuống chỗ kho đạn chứ không phải khu trại giam. Lục lọi một hồi thì sông Côn là tên con sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, phát xuất từ cao nguyên Gia Lai, Kontum, chảy qua đất Tây Sơn rồi ra biển Quy Nhơn - khúc này cũng gọi là sông Cái (sông Côn ở Tây Sơn, sông Con ở Sơn Tây). Xin đính chính.

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    569
    (*)(*)(*)

    :-bd

  10. #10
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Cảm ơn Camel.

    * * * * *

    Trong 9 phút ngắn ngủi đó, phi công của Apple 2 đã thấy được rằng Apple 1 đáp lộn bãi, thông báo ngay cho trung tá Sydnor nắm quyền chỉ huy cuộc đột kích, đang có mặt trên chiếc Apple 2. Sydnor liền đổi ngay chiến thuật, như đã phòng trước trong trường hợp phải bắt buộc mất một toán trực thăng. Sydnor báo cho các toán đặc kích của Banana, Apple 3, Apple 4 và Apple 5 biết tất cả đang chuyển sang chiến thuật có mật hiệu là Chiến Thuật Xanh. Theo đó, trung tá Sydnor liên lạc với đoàn máy bay A-1E. Chiến đấu cơ A-1E theo lệnh, bay đến, thả 4 trái bom mỗi trái một trăm tấn để phá hủy chiếc cầu, nhằm chặn đường tiếp viện bằng đường bộ của quân Bắc Việt. A-1E cũng bắn thêm 6 mũi đại pháo xuống con lộ phía tây nam của trại tù Sơn Tây. Khi chiếc Apple 1 trở lại đón toán quân của đại tá Simons và đưa đến khu trại giam xong, Sydnor lại đổi từ Chiến Thuật Xanh sang kế hoạch ban đầu. Nhưng khi sự việc đã rõ ràng là không tìm thấy tù binh Mỹ nào ở đây, vị trung tá chỉ huy ra lệnh cho tất cả rút lui không chần chờ.

    Vào phút thứ 23, các trực thăng đáp xuống. Vào phút thứ 27, các trực thăng cõng được hết mấy chục người đặc kích, không sót một người, bốc lên an toàn và thẳng đường bay qua biên giới Lào.

    Trong khi lực lượng đặc kích đánh chớp nhoáng dưới đất, những chiếc F-4 và F-5 cũng bận rộn ở trên không. Tuy những chiếc MIG không bay lên ứng chiến (sau này Mỹ chê Bắc Việt không có khả năng không chiến ban đêm), nhưng có khoảng 16 hỏa tiễn SAM đã được Bắc Việt bắn lên. Vào thời điểm đó, loại SAM mà Bắc Việt dùng chưa có khả năng bắn vào phi cơ bay thấp dưới ba ngàn bộ Anh, như trực thăng. Mãi về sau, Bắc Việt mua loại SAM của Ấn Độ mới có khả năng này. Những hỏa tiễn SAM được bắn lên cứ thế mà đi tìm F-4 và F-5. Những chiếc F-5 trả đũa, bắn lại. Một chiếc F-5 bay ở 13 ngàn bộ Anh bị hai hỏa tiễn SAM rượt. Khi hai chiếc SAM còn cách F-5 chừng một dặm Anh, phi công ráng cho máy bay lộn nhào để có thể bay rơi xuống dưới 5 ngàn bộ, nhưng không kịp. Chiếc SAM thứ nhất xí hụt, nổ một mình ở xa, sau đuôi chiếc F-5. Chiếc hỏa tiễn SAM thứ hai nổ ngay dưới cánh trái chiếc F-5, trúng bình xăng, phi hành đoàn phải nhảy dù xuống Xiêng Khoảng, gần biên giới Lào-Việt và được hai chiếc Apple 4 và Apple 5 đến tiếp cứu, bốc đi. Một chiếc F-5 khác cũng bị trúng SAM và bắt buộc phải lăn cù xuống đất Thái Lan.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:42 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh