Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    350

    NHỮNG NGÀY CỦA THÁNG TƯ - tác giả Tôn Nữ Thu Dung

    NHỮNG NGÀY CỦA THÁNG TƯ.


    ( Tặng Ba, người đã dạy con chữ nhân và Mẹ, người đã tập con chữ nhẫn.)

    Ngày 2 tháng 4, tôi mất Nha Trang.
    Đêm trước, ba tôi không về nhà, ông ở lại nhiệm sở để đốt hồ sơ nhân viên. Mẹ bảo tôi mang Coramine và các loại thuốc Tension lên cho ông. Tôi với chiếc cady nhỏ xíu đi trong một thành phố hoảng loạn…Trước đó anh rể tôi đã giữ chỗ cho cả nhà trên một chiếc tàu hải quân neo ở Cảng Cầu Đá trước mặt Đội phòng thủ hải cảng. Nhưng ba tôi nói : “ba chưa đi được đâu. Ba còn nhiều việc.Con cứ lo cho Nga và bé Nai. Ba sẽ đi cùng bác P.”

    Sau đó nhiều năm anh kể: anh đã khóc như con nít , uất ức như năm 74 khi tàu anh ra gần tới Hoàng Sa thì nhận lệnh quay về… Nếu gia đình mình cùng đi thì ba đâu có chết.

    Nếu có ai hỏi về những ngày tháng tư năm ấy, tôi chỉ biết nói : hoảng loạn , điên rồ…

    Tôi không biết nhiều về chiến tranh trước đó, Nha Trang của tôi là một thành phố bình yên nhất nước. Khái niệm chiến tranh đối với tôi chỉ là những anh chàng không quân, hải quân đẹp trai bảnh bao chiều thứ bảy đi nườm nượp phố phường. Có thể lúc đó tôi còn nhỏ và được bảo bọc bằng một lớp kính vạn hoa chăng nên tôi chỉ biết chiến tranh qua sách vở…

    Cho đến ngày 2 tháng 4.
    Tôi đứng bên cửa sổ phòng làm việc của ba trong Tòa hành chánh nhìn ra biển. Biển dậy sóng. Không biết anh Tuấn, chị Nga và bé Nai đi đến đâu rồi. Nước mắt tôi rơi tự lúc nào… Ba và chú Chương đang vội vàng đốt, điên cuồng đốt, khói mịt mù ngạt thở. “Hay mình đốt cả tòa hành chánh luôn “. Chú Chương nói. Ba không trả lời gì. Nước mắt của hai người đàn ông thần tượng của đời tôi cùng rơi… Có ai chứng kiến điều đó ngoài tôi… Mấy người cận vệ gõ cửa : ” Thầy ơi, về thôi thầy”. Cánh cửa sập lại sau lưng mọi người. Ba tôi lên tiếng : “Tôi chỉ có thể làm đến vậy cho các vị…”. Nếu tôi nhớ không lầm thì những loạt đạn đã được bắn lên trời và những cây súng đã bị quăng xuống đất. Họ chào nhau, có cả những cái nhìn vĩnh biệt…
    Chúng tôi mất Nhatrang thật rồi.

    Đất trời mù mịt mưa ngày đó, chưa bao giờ Nha Trang có một cơn mưa lớn đến vậy – Biển dậy sóng –

    Sao không là một trận đại hồng thủy để cuốn mọi điều tan tác theo mưa ?…

    Tôn Nữ Thu Dung



    https://tuongtri.com/

    Gió Tháng Ba, Bão Tháng Tư


    Bài viết là hồi ức của một cô học trò viết văn tại miền Nam tự đào hố chôn những bài viết, những cuốn sách, ước mơ và hoài bão của mình. Trước tháng Tư 1975, tại Sài Gòn, cô từng cộng tác với tần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Sau 35 năm ở lại trong nước, mãi tới đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tác giả mới sang định cư tại Hoa Kỳ và hiện là cư dân San Dimas, California.
    * * *
    Tôi viết câu chuyện này (không phải truyện ngắn) để tặng Phạm thị Thìn (đã mất tích), Lý Bá Hoài Khanh (Lyon) và Đặng Anh Tuấn (California)

    Như tiếng roi quất vào đêm hun hút.
    Như tiếng vó ngựa phi qua thảo nguyên mênh mông.
    Như tiếng chó sói tru dưới trăng man dại.
    Như tiếng vượn hú giữa rừng thẳm hoang vu.
    Như tiếng hồn tử sĩ oán than bên trời huyền hoặc…
    Gió…
    Tôi ôm trái tim mình đau buốt.
    Ai đang gọi tôi trở về trong mịt mù ký ức ?
    Ký ức từ một ngày thơ dại xa xăm…
    Một ngày của tháng Ba.

    Khanh là người đầu tiên chia tay với thành phố biển. Khanh nói:
    - Sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó phải không Di ?

    - Chắc chắn là như vậy.

    Gia đình Khanh đi Pháp, chỉ có ba Khanh ở lại cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến và mất tích đâu đó trong cuộc hành trình tuyệt vọng đi tìm tự do: trốn trại !

    Tôi nhớ ngày Khanh đi trời đầy gió:
    Mù sương phi cảng não nề
    Thôi em ở lại buồn về anh mang (thơ Cao thị Vạn Giả)

    Khanh đọc khi hai đứa ngồi đong đưa trên thanh sắt chắn ngang cổng VIP chờ làm thủ tục nhận diện. Tôi đã nghĩ rằng: Đây không phải là một cuộc chia ly !

    Chú tài xế chở ba Khanh và tôi về trên chiếc xe Jeep lùn mở mui, chạy bạt mạng trên đường phố đã khá đông người di tản… tháng Ba mà mây xám đầy trời và gió xoáy từng cơn… bọt biển bay trắng xóa suốt con đường Duy Tân… Ba Khanh không nói gì cho đến tận cổng nhà tôi, ông vói tay choàng chiếc áo bay rộng thùng thình của ông qua vai tôi:

    -Bác quên, hôm nay trời rất lạnh, con mặc chiếc áo này cho ấm.

    Chiếc áo bay của ông tôi đã mang theo trong suốt những cuộc hành trình nhưng chưa một lần đến được bến bờ.

    Đó là lần cuối cùng tôi ngồi cạnh ông, co ro lạnh lẽo, khác những lần trước trong phòng khách ấm áp hay trên giảng đường của trường sĩ quan không quân khi tôi được tham dự những khóa học tiếng Anh ở đó. Trong đám bạn Khanh, tôi là đứa được ông thương hơn cả… bởi vì tôi là đứa duy nhất dám phê phán ông: Bác có nét mặt lạnh lùng của Charles Bronson nhưng trái tim thì vô cùng ấm áp… Ông nói với Khanh: Con bé thật láu lĩnh, khôn ngoan. Sau Khanh kể: Papa bắt Khanh phải đi tìm cái chân dung lạnh nhất của Charles Bronson, thuê người vẽ lại, treo trong phòng ngủ… ngắm hoài không chán!!!

    Nhiều năm sau gặp lại nhau trên đất khách, hai đứa ngồi trước mặt nhau, ly cà phê tan lạt thếch… không hề hỏi thăm nhau một điều gì mà vẫn thấy cả một khoảng thời gian dài đăng đẳng đã qua đang chầm chậm trôi về…

    Tôi không muốn nhớ đến ngày mà một nhà ngoại cảm đã nhìn vào quả cầu thủy tinh sau khi soi nó kỹ càng trên tấm hình ba Khanh với khuôn mặt Charles Bronson sắc cạnh, lạnh lùng ( mà có ai biết là trái tim ông ấm áp nhường nào!) và buông từng tiếng:

    - Người này không còn thân xác mà hồn thì cứ lơ lửng nơi rừng thẳm non cao…

    Tôi không biết đích xác ngày ông mất, nhưng từ Pháp, Khanh đã gọi tôi nửa khuya ( dù chưa tới kỳ đi thăm nuôi ông):

    - Di ơi, tối qua Khanh nằm mơ thấy papa đứng bên một bờ hồ tuyết rơi trắng xóa, Khanh gọi thất thanh mà papa không quay lại.

    Tháng Ba,

    Mẹ tôi rải theo chiếc xe Dauphine màu xanh nhạt đưa gia đình chị tôi xuống Cảng một dĩa gạo, muối và hạt nổ. Ba nói:
    - Em làm gì lạ vậy, giống như là tiễn con vào cõi chết !

    Nhưng gia đình chị tôi đã đến bến bờ an toàn, chỉ có ba mới đi vào cõi chết… ( Đêm ba mất, chị tôi cũng nằm mơ thấy ba đứng bên một bờ hồ tuyết rơi lạnh lẽo dù ở miền Nam CaLi hiếm khi có tuyết… Tôi không hiểu tại sao ba tôi, ba Khanh khi chết đều đến bên một bờ hồ để nói lời vĩnh biệt những đứa con xa xôi thất lạc.)

    Tháng Ba,

    Bài thơ cuối cùng rất ngắn của tôi đăng trên một bán nguyệt san:
    Cho em hoa hồng bạch
    Cắm gai vào tim anh
    Cho em hồn ngọc thạch
    Chìm giữa đại dương xanh…

    mà lúc ấy tôi chưa hề biết rằng đại dương xanh sẽ là nơi chôn vùi nhiều người thân yêu của tôi trên đường vượt biển…

    Thìn ơi, con bé mắt nai hiền lành xinh đẹp ngồi cạnh tôi suốt 2 năm cao đẳng… Tôi nhớ đôi mắt Thìn trong veo nhìn tôi hồn nhiên trêu chọc khi biết tôi bị đày ra cái nhiệm sở khỉ ho cò gáy ở tuốt tận cùng biên giới tỉnh:

    - Di ơi,
    Ai đưa Di đến chốn này
    Bên kia là núi, bên này là sông…
    Suốt đời tôi nhớ mãi

    Suốt đời tôi nhớ mãi chiếc áo laine 2 màu trắng đỏ chị tôi gởi về chưa kịp mặc vì trời Nha Trang không đủ lạnh, có mũ trùm đầu và chiếc túi lớn trước ngực, tôi mang đến cho nó và đùa:

    - Mặc đi trượt tuyết nha Thìn!

    Kể từ đêm nó lên đường, Tôi cứ ngong ngóng chờ tin một chiếc ghe trôi giạt hoài trên biển từ 30 năm trước.

    Thìn, thật sự mày đang ở đâu?

    Tháng Tư,

    Những hoa gạo đỏ tươi màu máu
    Nhàu nát như người lính tử thương… (thơ Nguyễn Bính)

    Vâng, những cái chết nhàu nát Vũ chứng kiến trên con đường di tản từ Thanh An (Pleiku) về Tuy Hòa để đến một ngày Vũ phải quên nó đi bằng cách rẻ theo một đức tin mãnh liệt khác, một thiên hướng khác… Và tôi, tôi phải xua mình ra khỏi những ám ảnh nặng nề bởi tôi đã có quá nhiều khổ nạn phải cưu mang khi vừa rơi khỏi thiên đường …

    Tháng Tư,

    Ba ở lại với các cộng sự để đốt những hồ sơ mật và không kịp lên chuyến bay cuối cùng dành cho cả nhà di tản của tòa tổng lãnh sự Mỹ…

    Tôi đã chứng kiến những loạt đạn tuyệt vọng bắn lên trời và những khẩu súng ném đớn đau xuống đất.

    Tôi đã chứng kiến những ánh nhìn vĩnh biệt của những con người chính trực trao nhau như một lời cam kết thà chết vinh còn hơn sống nhục.

    Tháng Tư,

    Tôi chở ba tôi bằng chiếc Honda Dame đi trình diện để mất ba vĩnh viễn… Một cậu bạn hàng xóm dễ thương của tôi mang băng đỏ trên cánh tay đứng nơi chốt gác sau những hàng rào kẽm gai đã mở hàng rào cho ba tôi lách qua với cái nhìn xót xa thương cảm…

    Tháng Tư,

    Ngôi biệt thự nhà Tuấn tan hoang…

    Tôi nhặt những lá thư rơi vương vãi lẫn quyển truyện tranh Pinocchio, nhớ Tuấn hay kéo mũi tôi, dặn dò: Không được nói xạo, cái mũi nhọn hoắt, xấu xí lắm…

    Tôi khóc nức nở suốt đường về… Nhớ những đêm sau các buổi dạy kèm, Tuấn ghé nhà chở tôi cùng đi… công chuyện. Hai đứa đến trước cổng nhà chị Lan Anh. Tuấn đếm hai, ba… và hai đứa cùng la lớn: Lan…Anh… mẹ chị trên lầu 2, mở cửa sổ, nhìn xuống, mắng: Con cái nhà ai mà hư thế !

    Tôi đau cùng Tuấn về mối tình thơ nhỏ bé, nhiều lần tôi dỗ dành khi thấy Tuấn buồn vì mọi người đều phản đối, nhiều lần tôi giận hờn tự nhủ không thèm quan tâm đến nữa mặc kệ Tuấn với những khoảng trời riêng… Nhiều lần tôi hét lên với Tuấn: Di chán chơi cái trò này lắm rồi. Tuấn hãy quên đi, quên đi, quên đi…

    Tôi không biết Tuấn có quên được không, nhưng khi gặp lại tôi, khi mà Tuấn đã kịp có thêm nhiều và nhiều mối tình khác lẫn một mái ấm hạnh phúc thì Tuấn lại vớ vẩn nói rằng: “Chỉ có Di mới là mối tình thơ của Tuấn, còn tất cả chỉ là …buồn quá nên yêu…” lúc nào Tuấn cũng chỉ muốn chọc cho tôi cười như những ngày xưa… Ngày ấy Tuấn cứ nghĩ rằng tôi ngây thơ vô tội chứ đâu ngờ rằng tôi biết rõ điều ấy hơn ai hết nhưng tôi đã rất sợ một ngày tàn phai.

    Tháng Tư,

    Tôi giấu quyển sổ bìa da tuyệt đẹp cắt dán hơn 100 bài đăng trên các báo của tôi dưới ngăn tủ đựng áo quần. tôi mân mê hoài từng quyển sách mà ngày mai phải giao nộp cho phường… tủ sách quý giá nuôi dưỡng hồn tôi từ những ngày nhỏ xíu. Tôi điên cuồng đào chiếc hố sâu mà tôi có thể bằng chiếc cuốc mini dưới gốc cây chùm ruột trong đêm và chôn những quyển sách mình yêu thương nhất… để hôm sau cả hai bàn tay phồng dộp rướm máu mà không hề thấy đau đớn chút nào... Nỗi đau, một lúc nào đó sẽ tan loãng vào máu và nước mắt, thế thôi...

    Chôn cả tuổi thơ
    Chôn cả ước mơ
    Chôn cả hoài bão
    Chôn cả đam mê
    Tôi chôn tôi tuyệt vọng...

    Tháng Tư những phiến tình thơ dại
    Gởi tặng người đau một vết thương…

    Không chỉ một vết thương mà là một cái chết oan khiên tức tưởi… Vĩnh viễn không bao giờ tôi được trở lại ngày xưa… Ai có thể:

    Trả lại tôi những mộng đời đã mất
    Những bóng hình biệt dạng tự năm xưa
    Những con thuyền khuất lấp ở trong mưa
    Tôi nhắm mắt đi vào cơn ác mộng…
    Cơn ác mộng?

    Vâng, những cơn ác mộng đuổi theo tôi từ tháng Ba, tháng Tư năm ấy… để suốt đời tôi mãi thao thức cùng bóng đêm và tiếng gió.

    Từng đêm, như đêm nay, tiếng gió từ Big Bear vọng về, như tiếng roi quất ngang trái tim tàn bạo.

    Tôi ôm trái tim mình…

    Gió ơi,
    Xin nhẹ tay...

    Tháng Ba, 2015

    Tôn Nữ Thu Dung


    --------------------------------------------------------

    Tím Một Màu Iris

    1.
    Trong giấc mơ, Thùy Mị choàng chiếc khăn lụa màu tím sẫm, gió lồng lộng muôn phía như cuốn Mị và chiếc khăn bay cuồng loạn về phía chân trời, tóc Mị trôi dài vương mắc như dãi lụa đen mềm trong chiều dần tối.Đôi mắt Mị chới với gởi đi một cái nhìn hoảng loạn. Tôi gọi Mị ơi, Mị ơi thảng thốt và thức giấc với những giọt mồ hôi đẫm áo.

    Khung cửa sổ mở ra một khoảng trời cao xanh trong và dập dờn những đóa Iris như sóng lượn.

    Có lẽ giấc mơ của tôi đã nhuộm tím sẫm màu Iris tự bao giờ...

    Đôi mắt Mị luôn rủ xuống như một bóng tối thầm với hàng mi chấp chới. Đôi mắt của một con sóc buồn lẻ bạn. Khi nhìn thấy tôi, Mị ra dấu cho tôi ngồi cạnh... Quyển Kinh Thánh bằng cổ ngữ với chiếc bìa da thú lạ mắt của một Mục Sư tặng Mị ở đảo Pattaya nằm ngay ngắn trên bàn viết đang mở ra ở một trang bất chợt... Như một ngày nào trước đó ở quê nhà... chiếc bàn viết rộng chưng đầy thú bông và sách vở luôn có một quyển đang mở nửa chừng để lúc nào gặp tôi, đôi mắt Mị cũng rực sáng hồn nhiên

    - Mị đang đọc Anh Chi Yêu Dấu... dễ thương ghê vậy đó.

    - Mị đang đọc Lá Tương Tư... trời ơi là lãng mạn.

    - Mị đang đọc Alexis Zorba... hay khủng khiếp.

    - Mị đang đọc Cuốn Theo Chiều Gió...

    - Mị đang đọc Ngày Thơ Tình Thơ...

    Tóc Mị cột túm như một cái đuôi sóc xòe ra với những chiếc kẹp xướt giữ lại không cho rơi xuống mắt...đôi mắt mí rưỡi cứ nheo nheo như ẩn chứa một nụ cười nghịch ngợm mà cái miệng giòn tan không giữ được... Chúng tôi đã có chung những ngày tươi đẹp ở quê nhà.

    Những ngày cuối tuần nghỉ học, tôi hay ra phụ ba mẹ bán hàng. Nhà tôi có một cửa hàng giày dép thời trang ở đường Độc Lập. Tôi chẳng giúp được gì nhiều, chỉ bắt ghế ngồi nhìn các cô nương xinh đẹp bát phố hay qua rạp ciné Tân Tân vẽ Pano phụ với chú Ân... Có một ngày tình cờ Mị và vài cô bạn đến mua giày dép. Hình như thời trang của năm đó là giày ống, nhũng đôi bốt cổ cao, cổ vừa, cổ thấp, cột dây, gài khuy, kéo Fermeture đủ màu, đủ kiểu... Chúa ơi, tôi hoa cả mắt khi mấy cô ùa vào chọn lựa. Thấy mấy chị bán hàng bận rộn, tôi đứng lên phụ. Mị nhìn tôi rồi chỉ vào một đôi màu xám:

    - Bạn lấy dùm mình đôi bốt cao cổ cột dây.

    Tôi hỏi:
    - Bạn muốn số mấy?

    Mị cười:
    - Không nhớ, gì cũng được.

    Tôi xếp một hàng 3 đôi dưới chân Mị. Cô ngồi trên một chiếc ghế cao nên không thể cúi xuống để mang, cô nheo nheo mắt:
    - Bạn có thể mang dùm mình được không? Mình muốn thử đôi màu nâu nhạt.

    Tháo 24 nấc dây, mang vào chân cô, cột lại 24 nấc dây... cô đứng lên, điệu đàng đi tới đi lui... cô lại nheo mắt:
    - Mình thấy hơi rộng, chắc phải lấy đôi nhỏ hơn.

    Cô lại ngồi lên ghế, tôi lại tháo 24 nấc dây, thay đôi nhỏ hơn, lại cột 24 nấc dây... cô đứng lên, yểu điệu thử đi vài bước:
    - Được rồi bạn, nhưng mình nghĩ, có lẽ mình thích đôi đen kéo Fermeture hơn...

    Cô lại ngồi xuống ghế, đường bệ còn hơn Nữ Hoàng Cleopatre trên ngai vàng, và tôi, tên nô lệ đáng thương lại cần mẫn tháo đôi cột dây, thay cho cô đôi kéo fermeture...

    Bỗng tất cả đều im lặng đến đáng sợ, tiếng cười im, tiếng nói im...tôi ngẩng lên thấy cô đang tái xanh, tái mét... trước mặt cô, sau lưng tôi là một Ma Soeur áo xám... Soeur nhìn cô, nghiêm khắc mắng:

    - Sao nghịch vậy Thùy Mị ? Sao con không qua tiệm sách với các bạn ?

    Đám bạn cô đã biến mất tự lúc nào...chỉ còn lại mình cô hiện giờ, hết cả vẻ nghiêm trang đường bệ như bà hoàng mà chỉ còn hiện thân một con mèo ướt nước mắt lưng tròng

    - Xin lỗi bạn đi.

    Soeur nói, cô đứng lên, một chân mang chiếc bốt màu xám cột dây, một chân mang chiếc bốt đen với chiếc fermeture đang kéo nửa chừng trông cô dễ thương như chú ngựa vằn nghịch ngợm trong phim hoạt họa...

    Mẹ tôi cười:
    - Không sao cả, thưa Soeur, để cháu tập chìu khách cho quen, con nhà buôn bán...

    Thùy Mị long lanh nước mắt:
    - Mị xin lỗi, Mị đùa thôi chứ chẳng định mua gì...

    Không, Thùy Mị không mua gì tôi cũng không trách, tôi chỉ muốn cô ngồi đó, như cô công chúa để tôi thử cho vừa chân cô một chiếc giày thủy tinh mà cô lỡ làm rơi trong đêm vũ hội.

    Mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi biết nhớ thương một người mới gặp.

    Mẹ nói: Thùy Mị là con ông tướng vùng hèn chi cốt cách công nương.

    Không biết mẹ chê hay khen nhưng kể từ khi bị cô trêu chọc, lòng tôi cứ bâng khuâng chờ đợi. Cô ở nội trú, cái biệt thự góc Lê văn Duyệt, Lê Thánh Tôn nằm giữa một rừng khuynh diệp thơm ấm áp để những tối tôi đứng bên này nhìn qua lòng rưng rưng thương nhớ... Chưa một lần thấy thấp thoáng dáng cô dù biệt thự thường có những buổi party vui nhộn.

    Có vài lần tôi được mời đến cùng ban nhạc La San nhân sinh nhật của Hạnh Nga, Hạnh Thảo trước khi được dạy Piano cho Thùy Mị vào những chiều chủ nhật hàng tuần...

    Tôi ước chi cuộc đời mãi mãi êm trôi.

    2.
    Ngôi nhà xinh như trong cổ tích biệt lập trên đồi cao quanh năm thông reo vi vút...Hạnh Nga gọi Đỉnh Gió Hú, tên một cuốn sách chúng tôi say mê thuở nhỏ... Hạnh Nga đã là một mệnh phụ phu nhân sang trọng như mẹ cô ngày trước. Cô đã là một luật sư lẫy lừng trong giới Tòa Án của L.A

    Bất ngờ Hạnh Nga gặp tôi trong Sở Xã Hội khi cô tìm đến nhờ lục hồ sơ của vài thân chủ... Cô ôm tôi nghẹn ngào kể về Thùy Mị, về một đêm trong tháng Tư, Bố cô đưa cả nhà lên bà nội để an toàn chờ chuyến bay hôm sau rồi về nhà khóa cửa tự sát vì quá tuyệt vọng đau buồn mà không ngờ Thùy Mị trốn theo về để lấy vài thứ đã bỏ quên...

    Chú Hoài tài xế tìm thấy Thùy Mị ngất xỉu bên xác bố với những quyển sách vương đầy máu...

    Kể từ lúc ấy, Thùy Mị mãi mãi sống với tuổi mười bảy và mất luôn tiếng nói.

    Ngôi biệt thự xinh đẹp trên đồi L.A lồng lộng gió có bao giờ gợi lại cho cô ngôi biệt thự cổ kính bên bờ biển Nha Trang đầy nắng vàng như lụa ngày nào...nơi tuổi thơ đi qua và nỗi buồn ở lại.

    3.
    Đứng ngược sáng, khuôn mặt cô trong bóng mờ không rõ nét, nhưng ánh sáng muộn của buổi chiều vàng rực lên như một vầng hào quang quanh mặt cô, hệt như một thiên thần trong những giấc mơ êm ả nhất...

    Cô cúi xuống dỗ dành một bé thơ đang khóc.
    Cô tắm rửa, làm vệ sinh cho các bé bằng một cung cách an nhiên tự tại, đơn giản khéo léo như cô được sinh ra để làm việc đó.

    Cô nhìn quanh rồi ẳm một bé ra khỏi nôi nựng nịu...cô vi phạm nội quy rồi...
    Không được đặc biệt yêu thương bé nào trong mười bé được giao...
    Cô nâng bé ngang tầm khuôn mặt mình, áp mặt vào má bé và thì thầm điều gì đó...
    Rồi cả hai nụ cười cùng rạng rỡ như nhau.

    Bắt gặp cái nhìn của tôi, cô nheo mắt vờ làm ra vẻ sợ hãi, cô so hai vai như một bé con co ro vì lạnh, nhưng đôi mắt cô nhìn tôi lấp lánh một niềm thấu cảm...Tôi lắc đầu ra dấu không hài lòng. Cô trả bé lại vào nôi và bé òa lên khóc, những tiếng khóc không có thanh âm nhưng nỗi buồn và niềm vui thì có thật...Ai đã dạy tôi điều đó ?

    Mẹ. Mẹ của những ngày xa rất xa.

    Nước mắt của mẹ rơi tràn ướt gối những khuya tôi thức giấc vô tình quơ tay tìm mẹ...những tiếng khóc thầm không có thanh âm...Tôi lớn khôn bằng những dòng nước mắt...tôi lớn khôn bằng đôi tay gầy yếu của mẹ, mẹ dẫn tôi đi muôn nẻo đường đời...Từ cánh cửa của các trường khuyết tật, tôi được đặc cách vào một trường thực nghiệm...Mẹ đã học cùng tôi từng con chữ một, từng động tác hình thể để giúp tôi có một niềm tin vững chắc hơn trong cuộc đời bất hạnh...mà trong cuộc đời thì nỗi bất hạnh nào có dành riêng cho ai!

    Tôi không thể hỏi: Mây bay về đâu ?

    Tôi không thể hỏi: Gió có khi nào ngưng thổi ?

    Tôi không thể hỏi: Nước mắt có làm tan biến nỗi buồn ?

    Tôi không thể hỏi: Tại sao tình yêu đối với tôi luôn là điều bất khả ?

    Tôi không thể hỏi nhiều điều,và tự thâm tâm, tôi biết tôi đau đớn. Mẹ cũng không thể giúp tôi được gì ngoài những lúc ôm tôi vào lòng dỗ dành khi thấy tôi tận cùng tuyệt vọng...

    Cũng những lời dỗ vô thanh...Cũng những tiếng nói vô ngôn...

    4.
    Chúng tôi cùng làm việc trong một ngôi trường khuyết tật của Unicef

    Cô đến từ một đất nước nhỏ bé ảnh hưởng nhiều bi kịch chiến tranh...mà bản thân cô cũng là một nạn nhân của một bi kịch lịch sử lớn lao.

    Tôi sinh ra ở đây, một đất nước giàu có ảnh hưởng nhiều bi kịch xã hội

    Hai đất nước bên này và bên kia đại dương sao tôi thấy dường như cùng chung một bất hạnh, một nỗi buồn, một niềm tuyệt vọng.

    Tôi cào cấu hồn mình để giải bày niềm đau trên trang giấy

    Cô rạng rỡ yêu thương bằng những nụ hôn, những ôm ấp dịu dàng với các bé thơ bất hạnh

    Như một thiên thần không mang đôi cánh...hay có ai đã giấu của cô đôi cánh để bây giờ cô ở lại trần gian?

    5.
    Đôi mắt Thùy Mị cũng có màu tím thẫm...như màu hoa Iris của một hoàng hôn muộn.

    Chân cô bước xuống thềm nhẹ như dẵm trên mây...Như một bé con...Cô không nhìn thấy ánh mắt chàng trưởng phòng nhân sự nhìn cô đầy u uẩn...cô chỉ thấy tôi với những kỷ niệm thơ dại ấu thời... cô không nhớ gì về một ký ức buồn đau. Cô nghiêng đầu cho mớ tóc mây bay phủ mặt tôi thay một lời chào nghịch ngợm...


    Muôn đời tôi cảm tạ Đấng Thiêng Liêng nào đó đã ban cho Thùy Mị phép lạ để lãng quên... để cô sống với trái tim yêu của trẻ thơ và gặt hái những mùa hạnh phúc.


    Chiếc thánh giá cô mang đã quá nặng đối với một kiếp người...

    Tôn Nữ Thu Dung


    -----------------------------------------------


    Mùa Tam Diệp Thảo


    (Tặng Lưu thị Hồng Loan, cô bạn bé nhỏ ngày nào nay đã là một Mẹ Bề Trên đáng kính.)

    Cả ngày hôm ấy, Hoài không chịu ăn bất cứ một thứ gì Melisa đút cho cô. Cô ngậm và phun ra hoặc cô mím môi câm lặng.

    Melisa tìm tôi than thở: Em chán lắm, thương thì thương nhưng đành chịu.Tôi đang vội dọn dẹp để về, xe hư, tôi sợ nhất bị chờ ở trạm xe bus ban đêm, lạnh, buồn và nguy hiểm. Tôi nói: để mai đi.

    Vậy mà về nhà vẫn nghĩ hoài để thao thức cả đêm. Tôi có cái tật cứ ôm tất cả những bất hạnh của người khác để đầu độc tâm hồn mình khi thấy mình không làm gì được trước các nỗi đau. Cả nhà không ai muốn cho tôi làm việc trong nursing home, nhưng hơn ai hết, tôi biết rất rõ Chúa đã cho tôi đôi tay biết cách xoa dịu vết thương, vì thế tôi chọn công việc này giữa vài công việc khác mà tôi có thể. Tôi không muốn nói với ai về những điều mình nghĩ, sẽ gây nhiều hiểu lầm, tôi biết, tôi đang ở trong vài tầm ngắm… khi lỡ lời nói một điều gì đó, sẽ có những viên đá ném tới không chút đắn đo và không cần suy nghĩ từ vài người tôi đã từng cho rằng họ là bạn… bởi thế tôi lặng lẽ làm trước khi có ai lên tiếng hỏi.

    Công việc hơi nhọc nhằn, đôi khi dơ bẩn nhưng đem lại cho tôi số tiền (đủ sống) và niềm vui (to lớn) lẫn nhiều nỗi buồn (khó cưỡng). Tôi luôn nhớ lời Soeur Hiệu Trưởng: Làm được điều gì cho ai là phải làm ngay đừng chần chừ ngần ngại…

    Giờ ăn trưa tôi tới cạnh bàn ăn của Hoài. Cô vẫn ngậm miệng và phun cho kỳ hết khi Melisa lừa lừa đút được chút gì. Melisa chán nản lau miệng cho cô và dọa: Nếu cô không chịu ăn, bác sĩ sẽ chuyền thức ăn bằng ống, rất đau! Hoài òa lên khóc.

    Tôi biết, Hoài không hiểu, không nhớ gì cả nhưng cái giọng dọa nạt của Melisa làm cô tủi thân.

    Không trách được Melisa, cô còn quá trẻ và thiếu kiên nhẫn để làm những công việc như thế này…
    Cô có quá nhiều nỗi lo khi phải một thân một mình trên đất Mỹ…
    Cô đang lo sợ đủ thứ: Sợ chiều nay kẹt xe lại đi học trễ, sợ thẻ xanh hết hạn trước khi tốt nghiệp nếu không qua nỗi các đợt thực tập, kể cả cô cần phải về để tắm táp trước khi đến lớp chiều nay để tránh cái ý nghĩ bọn bạn học con nhà giàu khịt khịt mũi khi cô đi ngang, cô đã làm thêm việc vào ban đêm và tới giờ này thì cô vô cùng mỏi mệt, nhiều lần tôi nghe cô khóc nức nở trong phòng tắm…

    Bởi thế, tôi vừa dỗ Hoài vừa phải trấn an cô… tôi vỗ nhè nhẹ lên tay Hoài và nói với Melisa:

    Thôi về đi, để đó!


    Hoài nhìn tôi bằng đôi mắt bé thơ buồn rầu, sao lòng tôi cứ đau đớn bởi những điều người khác rất thản nhiên?

    *
    Nếu Hoài là một bệnh nhân không chịu ăn thì Thomas là một bệnh nhân không chịu ngủ. Thomas là một họa sĩ. Cậu ấy bị một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khi: Em đang nhìn những đốm nắng chấp chới trên cánh một con bướm xanh khi nó bay rất chậm qua một thung lũng vàng rợp Tam Diệp Thảo… và cậu đã bị tổn thương cột sống, từ đó cậu vẽ tranh bằng cách ngậm chiếc cọ trong miệng… Không biết cậu ấy có thi vị hóa nguyên nhân tai nạn của mình hay không, nhưng nếu thật vậy thì quả là hạnh phúc. Trong những câu chuyện cổ tích tôi đọc hồi nhỏ có một truyền thuyết như sau: Ai được nhìn thấy một cánh bướm xanh chập chờn lượn qua một cánh đồng Tam Diệp Thảo thì linh hồn người đó sẽ trở thành bất tử…
    Nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi trong những lúc chăm sóc cậu: Linh hồn bất tử để làm gì khi thân xác em bị giam cầm trên một chiếc xe lăn?


    Màu Tam Diệp Thảo cứ rực rỡ và nao nức đến đau lòng khi tôi nhìn thấy nó rợp trong vườn xanh cỏ. Tôi hái một bó và cặm vào chiếc ly thủy tinh bé nhỏ cho Thomas vào mỗi sáng… nó rực rỡ lung linh trong vài giờ rồi rũ xuống héo tàn buồn thảm… Tôi vỗ nhẹ vào vai Thomas khi thấy đôi mắt cậu cứ đọng hoài trên bàn ngủ: sáng mai chị sẽ hái nữa cho em. Thomas cười, nụ cười của một bé thơ vừa nghe lời hứa về một món quà yêu thích. Tôi nói: Giờ thì em ngủ đi, chị sẽ kể cho em nghe câu chuyện về Tam Diệp Thảo…

    ...Cỏ ba lá chính là cây me đất, thỉnh thoảng có người vẫn tìm được trong đám cỏ ba lá đó, có một cây bốn lá. Vì nó rất hiếm nên người ta thường quan niệm rằng ai tìm được cây cỏ bốn lá đó là sẽ có được Hạnh Phúc hoặc May Mắn.

    Câu chuyện kể rằng nếu đứa bé trên thế gian can đảm bước vào rừng sâu, đi mãi đi mãi qua bao thác ghềnh với một trái tim dũng cảm sẽ tìm được loại cỏ bốn lá (four-leaf clover) - loại cỏ sẽ mang lại nụ cười hạnh phúc mãi mãi - nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ. Khi tìm được ngọn cỏ bốn lá, đứa trẻ sẽ đứng trong gió, đặt ngọn cỏ vào trái tim nồng ấm và hát khúc ca đồng dao. Mỗi lá trên ngọn cỏ tượng trưng cho một thứ quý giá nhất của cuộc sống.

    Lá thứ nhất đứa bé thì thầm: đó là hy vọng

    Lá thứ hai đứa bé mỉm cười: là niềm tin

    Lá thứ ba: là tình yêu

    Và lá cuối cùng: là sự may mắn

    Bốn món quà thượng đế ban tặng cho mỗi đứa trẻ khi chúng mới ra đời nhưng để tìm được chúng đứa trẻ ấy phải mãi đi tìm, tìm trong rừng sâu của cuộc đời với trái tim dũng cảm... Truyền thuyết vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay, và truyền thuyết mãi là truyền thuyết vì mỗi đứa trẻ sinh ra lớn lên mãi đi tìm công danh và sự nghiệp nên chúng lãng quên con đường tìm đến với ngọn cỏ bốn lá mà thượng đế trao cho. Đến khi chúng vấp ngã, chúng mới nhớ đến khúc đồng dao của ngày xưa. Chúng thẫn thờ và than thở.

    Nhưng đứa trẻ đâu biết thượng đế trên cao đang mỉm cười:

    Khi đứa trẻ đau vì vấp ngã, đó là tình yêu
    Khi đứa trẻ tin rằng mình không cô độc khi vấp ngã, đó là niềm tin
    Khi đứa trẻ nhìn thấy những đứa trẻ khác còn đau khổ hơn mình, đó là sự may mắn
    Và khi đứa trẻ nghĩ rằng mình phải đứng dậy là đi tiếp, đó là niềm hi vọng..


    Câu chuyện tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại giúp ta hiểu được một chân lí:

    Có những điều thật giản đơn nhưng đủ làm ta mỉm cười và có những con người dù lặng lẽ - nhưng lại khiến trái tim ta bừng lên hạnh phúc…

    Chiếc giường ngủ đầy những thiết bị y khoa của Thomas như cầm tù thân xác cậu mà linh hồn cậu thì đang lững thững ở một chốn hoang vu nào đó, giấc ngủ đến với cậu thật thanh thản bình yên... Và tôi đau đáu với nỗi niềm: đêm mai, tôi sẽ có câu chuyện nào tuyệt vời hơn truyền thuyết Tam Diệp Thảo để dỗ cậu vào giấc ngủ?

    *
    Nếu với Thomas, tôi chỉ biết về cậu qua những câu chuyện kể thì với Hoài, cô là một phần tuổi trẻ của tôi. Khi tôi nhận việc, anh Lâm, người hướng dẫn đã nói: Dân Nha Trang ha? Bàn giao cho cô case này... đồng hương!

    Tôi không còn nhận ra Hoài nữa... Đầu tháng Ba năm 1975. Hoài 16 tuổi, thị trấn thất thủ, Hoài theo các chị chạy loạn... Từ trại mồ côi, Soeur Bernard cho mỗi đứa một tay nãi gồm gạo sấy, mì gói, đường, kim chỉ may, vài bộ áo quần và một ít tiền. Soeur căn dặn không được rời nhau và làm dấu thánh cho từng đứa. Soeur ở lại vì còn một số bé bại liệt không di chuyển được. Cả bọn vừa đi vừa lẫn chuỗi đọc kinh.

    Hoài được gởi vào trường mồ côi của các Soeurs từ năm 3 tuổi, mẹ cô không một lần trở lại thăm chắc vì áp lực gia đình hoặc xã hội khi sinh một đứa con khuyết tật... Cô lớn lên nơi đây, đơn giản, xinh đẹp, thánh thiện như một thiên thần câm lặng, chỉ có nụ cười sáng rực là làm ấm áp hồn người.

    Trên con đường chạy loạn dần dần thất lạc lẫn nhau, chỉ có bé Lim là Hoài khư khư ôm chặt, cô cột nó bằng chiếc võng mây riết sát quanh mình, con bé độ chừng vài tuổi... Về tới Suối Dầu, Soeur Bề Trên bật khóc khi thấy hai chị em tơi tả và những vòng dây siết bầm tím quanh thân... Hoài sợ con bé rơi mất trong biển người hỗn loạn. Không còn nỗi sợ hãi nào nữa khi được về cạnh các Soeurs, nép mình vào những đôi tay từ ái... Tình yêu thương của các soeurs xóa dần những nỗi đau thương ám ảnh... chỉ có Lim, nó cứ hét gào khi không thấy mặt Hoài và quanh quẩn theo cô như một chiếc đuôi!

    Hoài trở lại với công việc của mình, chăm sóc các bé mồ côi và khuyết tật cùng các soeurs. Cô không biết hát, không biết kể chuyện, không biết vỗ về... nhưng cô biết nựng ru bằng những tiếng âm ư và đôi tay ấm áp... khi cô ôm một bé thơ đang la khóc, đôi mắt và vòng tay cô làm bé dịu đi và lim dim ngủ...

    Những ngày ấy, tôi vẫn thường mang đến Dòng những thuốc men, quần áo mà bạn bè và người thân ở nước ngoài gởi về tiếp tế để Soeur lo cho các bé. Tôi gặp Hoài thường xuyên, cô bày tôi nói chuyện bằng ngôn ngữ thể hình, cô luôn dễ thương, duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh khiết như một thiên thần... chỉ có bọn chúng tôi lăn sớm ra đời kiếm sống là bị nhiễm độc trần gian để tập khôn ngoan, tập lọc lừa, tập gian trá, thật sự chúng tôi tập hoài không được vì lúc nào cũng sợ những cái nhìn nghiêm khắc của các soeurs. Mỗi lần đến gặp Hoài, ngồi nói chuyện vớ vẩn với cô hay cả khi chẳng nói gì chỉ gặp nhau cười và ra dấu từ xa, lúc ra về tôi như có thêm chút năng lượng sống và cảm thấy mình được rửa sạch chút bụi bặm phố phường.

    Thuở ấy, thỉnh thoảng các tổ chức từ thiện quốc tế đến thăm Dòng, phát thuốc, khám bệnh, nhổ răng, tặng quà... những em bé cứ khóc thét lên nếu không có Hoài bên cạnh mặc cho tôi có mỏi miệng ru hời ru hỡi... Vẻ xinh đẹp đằm thắm dịu dàng của Hoài đã lọt vào mắt xanh một chàng bác sĩ. Tình yêu không biết có tác động thế nào đến Hoài không, chúng tôi, bọn nhóc tuổi tác tương đương đương nhau, chưa đứa nào biết tình yêu là gì có hơi ganh tị dù rất mừng cho Hoài.

    Tôi hỏi soeur: Hoài có yêu Mike không?

    Soeur nghiêm trang: Hoài ngoan, con bé làm mọi điều theo ý Chúa!

    Tôi vờ than vãn: Sao Soeur không giới thiệu Mike cho con. Con cũng rất ngoan mà. Mike vừa đẹp trai, vừa giàu có, vừa mang quốc tịch Mỹ, đỡ tốn công tốn của con đi vượt biển hoài không lọt.

    Soeur cốc đâu tôi bằng chiếc nhẫn sắt như ngày tôi còn nhỏ: Hòai được yêu vì nó mang cái đẹp của sự yên lặng, tĩnh tại. Con không có được điều đó, con lách chách cả ngày như một con khướu... làm người ta vừa yêu vừa ái ngại... Con thông minh nhưng thiếu sự khôn ngoan!

    Chưa có nhận định nào chính xác làm tôi vui dường ấy... Tôi tò mò lắm...vẫn là những buổi trưa trong giờ các bé ngủ, Hoài ngồi yên lặng trên hiên nhà nhìn ra những vạt Tam Diệp Thảo đong đưa hoa vàng, nhiều khi tôi và nó cùng ngớ ngẩn đi tìm cho bằng được những cọng cỏ bốn lá dù biết rằng hiếm hoi không tưởng. Tôi hỏi nó: Nếu tìm thấy một ngọn cỏ bốn lá Hoài sẽ mơ được điều gì?

    Mẹ, nó trả lời bằng hai bàn tay chéo nhau trên ngực. Tôi lặng người đau nhói. hỏi tiếp: Yêu Mike không? Hoài cười, mắt nó hiền như mắt bò với hai hàng mi rợp bóng, dịu dàng xinh đẹp.

    Bằng cách nào đó, họ cưới nhau và đem cả Lim ra đi. Lim vẫn luôn là một cái đuôi quấn quýt với Hoài từ nhỏ. Nghe Soeur nói họ làm việc ở Ethiopie, ở Sudan... những nước Châu Phi nghèo khổ... Hoài vẫn luôn là một cô bé ngoan, tìm cách giúp đỡ cho nhà Dòng bằng mọi cách.

    Rồi Soeur Bề Trên mất, rồi tôi đi xa, rồi Dòng bị giải tán dời đi nơi khác.

    Thỉnh thoảng mới có một vài Email liên lạc rủ nhau quyên góp cho Dòng.
    Rồi thất lạc nhau trong đời, dù vẫn biết khi cần, chỉ lên tiếng thôi thì cạnh mình sẽ vẫn đông đủ bạn bè.

    Tôi không biết gì về cuộc sống tiếp theo của Hoài... chắc rằng nó luôn vui vẻ, an phận, hạnh phúc vì được dấn thân và cống hiến như lời răn dạy của Soeur bên cạnh những người mình yêu thương.

    Tôi luôn nghĩ vậy về nó khi nhớ lại một cô thiên thần bé nhỏ của ngày nào xa xưa...

    Cho đến khi tôi nhận việc nơi này - Forest Park Care Center - thì Hoài đã ở đây 14 năm, trước đó nó ở đâu đó mà trong hồ sơ không ghi nhận... Thời gian làm tôi bật khóc, Hoài đã cô đơn bất hạnh trong bao nhiêu năm kể từ khi nó lên đường? Nó nhảy lầu tự tử vì trầm cảm. Trong hồ sơ là địa chỉ liên lạc và số điện thoại của vợ chồng người em gái: Mike và Lim! Tôi mương tượng điều đã xảy ra, anh Lâm nói: Lâu lắm rồi Mike và Lim không tới, mỗi lần họ tới Hoài lại bị những cơn động kinh khủng khiếp!

    Tôi không nói với anh Lâm những gì mình biết. Những trưa ngồi im lặng bên nhau... không biết Hoài nghĩ gì mà cứ chảy nước mắt, tôi ôm đầu nó tựa vào vai mình, đong đưa đong đưa... ngoài cửa sổ cũng là một vườn Tam Diệp Thảo xanh mượt mà với những hoa vàng lay lay trong gió...Tôi ước gì được trở lại những ngày cũ của ký ức êm ả xưa kia...

    Tôi không giận Mike và Lim... Tôi nhắn tụi nó số điện thoại mình.

    Qua thời gian, tôi hiểu Tình Yêu đôi khi còn là khổ nạn!
    Một đêm, tôi nghe giọng Mike nghẹn ngào gọi đến từ một vùng băng giá xa xôi:
    Dee, tôi không phải là một người độc ác... nhưng Tình Yêu đâu phải đơn thuần là một lễ vật chỉ để hiến dâng!
    Tình Yêu là một sự tương tác, Bạn có hiểu...


    Tôi hiểu, dù đã quá muộn màng.

    Sống, phải luôn mở lòng yêu thương khi có thể... và cũng không nên oán trách cuộc đời khi bất hạnh như một chiếc thánh giá mà ta phải tự mang vác đến hết phận người!


    Tôn Nữ Thu Dung



    Chuyện Cổ Tích Không Dành Cho Bé Thơ

    Đúng 40 năm trước, 29 tháng Ba 1973, là ngày toàn bộ quân Mỹ rút khỏi Việt Nam theo hiệp định đình chiến Paris.
    Nhân dịp này, bài viết về nước Mỹ hôm nay là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ còn nặng lòng với mảnh đất từng là chiến trường xưa. Tác giả bài viết, trước Tháng Tư 1975, còn là học trò, từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc.
    Mong Tôn-Nữ Thu Dung sẽ tiếp tục viết thêm.


    Một ngày vài lần tôi rẽ ngang exit đó, người đàn ông râu tóc bạc phơ với tấm bảng nguệch ngoạc: "Dave, Vietnam veteran, I want $5.00." đập vào mắt những khi tôi dừng đèn đỏ.

    Không thấy ai cho tiền ngoài tôi, có lẽ bởi chỗ đứng của ông ta không thuận tiện. Tự nhiên tôi thấy như mình mắc nợ Dave, tôi đã chiếm một chỗ làm việc của ông trên đất nước ông… Có một lần khi dừng lại, tôi ra dấu cho ông đến cạnh xe, hỏi:

    - Only $2.00. Do you want?

    - Oh my God, never say no, Lady.

    Hình như ông ta châm chọc tôi với cái nhún vai khinh khỉnh và một nụ cười tôi không thể nào diễn tả được, cái vẻ kẻ cả ban ơn… nhưng nếu tôi không lầm thì tôi mới chính là người ban ơn chứ! Buổi sáng cuối tuần rảnh rỗi, ôm một thắc mắc lớn lao, tôi chạy bộ ra nơi ấy – cũng khá gần nhà – để hỏi cho ra lẽ…

    Ông đang ngồi trên ghế đá, gần chiếc xe ngựa cổ biểu tượng của thành phố San Dimas… Ly cà phê McDonald bên cạnh bốc khói thơm lừng, dáng ung dung, thanh nhã, sạch sẽ, thơm tho chẳng khác chi những công dân đáng quý của thành phố này mỗi buổi sáng vẫn chạy bộ ven những con đường xinh đẹp nên thơ hay thong dong cỡi ngựa dạo chơi trên những đường mòn ven rừng thơm ngát mùi thảo mộc.

    - Xin chào, lady.

    Ông ta chào tôi thân ái như thể một người quen, ông không biết “lady” đang kinh ngạc đến sững sờ vì cái giọng Mỹ rất Việt Nam.

    - Bà là người Việt Nam, tôi biết, tôi thấy từ trong xe mắt bà cứ chăm chăm nhìn chữ "Vietnam Veteran."

    Phát âm chuẩn đến không ngờ với cái giọng khan khan ngắt quãng… Ông đưa tay chạm vào dưới cằm, nơi mớ râu bạc hiền hòa như ông già Noel bước ra từ chiếc xe tuần lộc bên cạnh:

    - Một viên đạn còn nằm ở đây, lady, trận Khe Sanh.

    Dave cứ dẫn câu chuyện của mình như tìm thấy tri âm và tôi ngơ ngác ngồi nghe như chiến tranh đâu đó vẫn rất gần trong trí nhớ… Dave mở ba lô, đưa tấm bảng cho tôi coi, cười:

    - Cái này là để cho Sơn Mỹ, không phải cho tôi.

    Sơn Mỹ, một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi xảy ra trận thảm sát Mỹ Lai kinh hoàng. Ngày ấy… Dave ở đâu, làm gì, tôi không dám hỏi.

    Mọi người đều cho là tôi rất khinh suất khi mướn Dave làm vườn, cắt cỏ… Một cựu chiến binh tinh thần hơi hoảng loạn… nhưng tôi quý mến con người ấy, khẳng khái, điềm đạm và thích độc thoại, tôi chỉ việc ngồi im nghe ông nói và học được bao điều bổ ích.

    Thật sự Dave không cần ra ngã tư đứng để xin tiền, ông có tiền hưu, tiền thương tật, có một Mobile home nhỏ bé ấm cúng, một xe Volkswagen hai chỗ xinh xắn… nhưng như ông nói: dành cho Sơn Mỹ… và những ngày khỏe mạnh ông vẫn ra đứng đó, như một chứng nhân với dòng chữ Vietnam Veteran trên ngực.

    Dave bắc thang trèo lên cây phượng tím làm cho lũ sóc những mái nhà ấm áp trong mùa đông, Dave rải lên cỏ những thức ăn ưa thích để bầy Smocking birds về lang thang trong vườn cho con gái tôi chụp ảnh. Dave gắn những hình tượng Halloween, Thanksgiving, Merry Christmas, New Year… thật đặc sắc mỗi lần lễ hội để mọi người trằm trồ chiêm ngưỡng.

    Một lần thấy tôi ngồi viết say mê suốt buổi chiều thứ bảy đẹp trời mà không ra vườn ngắm nắng. Dave lặng lẽ đi mua cho tôi ly cà phê Starbucks.

    - Lady viết sách cho con nít vậy có biết chuyện ông thần đèn không?

    - Biết chứ Dave. Lúc nào tôi cũng muốn có 3 điều ước.

    - Đừng nói 3 hạt dẻ của cô Lọ Lem… nhưng tôi sẽ kể cho lady câu chuyện này, một chuyện cổ tích không dành cho bé thơ.

    Không biết Dave có gởi gắm gì, ẩn ý gì trong đó… nhưng khi kể Dave chìm vào ký ức, đôi mắt mơ màng như kể cho đứa con trai mà Dave đã không gặp từ lâu lắm, cậu đang thất lạc ở một chiến trường nào đó…

    Những chiến binh vì một lý tưởng hòa bình đã dấn thân đến một đất nước hoàn toàn xa lạ để chết hoặc để trở về với một xác thân tàn phế. Dave nói khi thấy tôi buồn thương cho những người lính ấy: “Có gì đâu, lady, được chết cho một lý tưởng chẳng cao cả sao?"

    Câu chuyện Dave kể bắt đầu từ đây, tôi có biên tập chút đỉnh cho thích hợp.


    Người đàn ông Homeless nhặt được trong thùng rác một chiếc đèn cũ kỹ, ông ta rao bán với giá $5.00, người mua hỏi:

    - Chiếc đèn rất cũ, sao ông muốn tới $5.00?

    - Đó là giá tối thiểu để tôi có một bữa ăn trưa gồm một phần hamburger và một coke.

    - Thôi được, nhưng ông hãy lau chùi cho sạch.

    Người Homeless ngồi dưới bóng mát của cây phượng tím bắt đầu chăm chú lau chùi… Rồi như trong cổ tích thứ thiệt, một làn khói trắng mù mịt bay ra, ông thần đèn hiện lên cho người Homeless được ước ba điều .

    - Tôi muốn một bữa ăn no như vẫn thường mơ.

    Một đĩa thức ăn với chiếc bánh Hamburger đầy ắp thịt dọn kèm khoai tây rán… Người Homeless ăn ngấu nghiến.

    - Tôi muốn một ly coke lớn, thật lạnh.

    Một ly coke nhìn mát rượi với những hạt sương lạnh lấm tấm bên ngoài. Người Homeless thở phào sảng khoái.

    - Bây giờ ông chỉ còn một điều ước nữa thôi, hãy ước điều gì cho xứng đáng.

    Đúng với tính cách trung thực và nhân hậu của các vị thần, ông thần đèn nhiệt tình khuyên nhủ:

    - Ông nên ước trở thành một người nổi tiếng hơn cả Bill Gate, ông sẽ là founder của đại công ty HomelessSoft, ông sẽ tạo ra một hệ điều hành mới có tên là Doors. Doors của ông sẽ thống lĩnh thị trường thế giới, sẽ đè bẹp Windows của Bill Gate.

    Thấy người Homeless im lặng không trả lời, ông thần đèn khuyên tiếp:

    - Nếu ông không thích làm giàu, thì ông nên ước 4 năm sau sẽ trở hành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông sẽ là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ xuất thân từ homeless. Sao? Ông ước muốn điều nào?

    Người Homeless cười, một nụ cười vô nhiễm với trần gian:

    - Vâng, tôi muốn ông biến đi, tôi cần ngủ, tôi muốn ngủ…

    Vị thần biến mất.

    Chiếc đèn cũ kỹ nằm lăn lóc trên sân cỏ.

    Và người Homeless chìm vào giấc ngủ thần tiên dưới vòm phượng tím…



    • TÔN-NỮ THU-DUNG


    Last edited by SP500 SPY; 06-02-2019 at 02:37 AM.

 

 

Similar Threads

  1. MƯA THÁNG NĂM - Hàng Bè
    By aovang in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 12-04-2018, 05:10 AM
  2. Replies: 0
    Last Post: 05-13-2013, 09:54 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 04-18-2013, 08:41 PM
  4. NHỮNG VỠ TAN NGÀY NÀO thái san
    By ttv2007 in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 10-15-2011, 05:43 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:38 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh