Register
Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 16 of 16
  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Cơn Mộng


    Nguyễn Đình Phùng

    Những tia nắng đầu tiên trong ngày len lỏi qua mành của sổ dọi vào mặt An và chàng bừng tỉnh dậy. An đưa tay dụi mắt và khám phá ra mặt chàng đầy vã mồ hôi. Những hình ảnh của giấc mơ hiển hiện mồn một trong ý thức An và chàng bỗng rùng mình. Đây là lần thứ ba như hai đêm trước đó An đã mơ thấy người con gái, trở lại trong giấc mơ của chàng, những hình ảnh, âm thanh và hành động nối tiếp nhau như một cuốn phim chiếu mỗi đêm, đứt đoạn với mỗi lần tỉnh giấc và nối tiếp khi chàng vừa thiếp đi.



    An xuống giường vào phòng rửa mặt, đánh răng, đầu óc chàng vẫn đầy hình ảnh của giấc mơ đêm vừa qua. Hình ảnh người con gái hiện rõ hơn trong ký ức và sự quen thuộc bắt đầu thành hình. Từ vùng sâu thẳm của trí nhớ những kỷ niệm cũ chợt trở về và An biết người con gái là ai.

    ** *

    Hai mươi năm trước, An là giáo sự dậy toán trẻ tuổi nhất của trường Chí Thiện, một trường tư thục nằm trong Chợ Lớn, do một linh mục Công giáo làm hiệu trưởng. Chàng được một người bạn lớn tuổi hơn dạy ở đây đã nhiều năm giới thiệu với vị linh mục và sau khi biết chàng là con của người bạn hoạt động trong hướng đạo, cha Hòa đã sắp xếp để chàng dạy toán cho lớp Đệ Nhị A, một lớp học với đa số là nữ sinh. An không biết điều gì đã xảy ra, nhưng mỗi lần vào lớp dạy, chàng thường hơi mất bình tĩnh và phải đến vài phút sau khi cất tiếng, chàng mới tự trấn an và giảng bài được.

    Hôm đó, An ra một số đề toán trên bảng và gọi một vài nữ sinh lên bục để giải toán. Chàng chọn đại một ít tên trong danh sách và gọi từng người. Người cuối cùng là Phan Thị Hà Liên và An không thấy ai trả lời. Chàng gọi tên một lần nữa và một lúc sau từ hàng ghế dưới cùng mới thấy một nữ sinh khó khăn đứng dậy. An lần đầu tiên mới để ý đến nàng và chàng sửng sốt nhìn. Hà Liên có khuôn mặt tuyệt đẹp và thân hình trên nẩy nở của một thiếu nữ mới lớn đầy nhựa sống nhưng nàng bị tật nguyền một bên chân. Một chiếc nạng gỗ được nàng dùng để thay cho chân trái, khẳng khiu, co quắt do bệnh tê liệt từ hồi nhỏ.

    Hà Liên chậm chạp đi lên và An bỗng cảm thấy đau lòng. Một thiếu nữ đẹp, quyến rũ như người nữ sinh đang tiến về phía chàng bị một căn bệnh quái ác tàn phá một phần cơ thể. Đôi mắt đẹp kỳ lạ, đầy buồn thảm của nàng là bí mật của sự hồi hộp mỗi khi chàng vào lớp. Đôi mắt nàng đã theo dõi chàng, nhìn chàng đăm đăm, xoáy vào tâm hồn chàng và mặc dù không để ý đến trước kia, đã là nguồn giao động cho chàng phải phân tâm, một sức mạnh kỳ bí phủ vây lấy chàng làm chàng khó thở.

    An dạy học và tận tâm với nghề của mình, chàng không hề để ý đến các nữ sinh trong lớp dù đẹp đến đâu chăng nữa. Nhưng Hà Liên là một trường hợp ngoại lệ. Có lẽ vì vẻ đẹp khác thường của nàng hoặc vì sự tật nguyền của nàng, An chú ý đến nàng nhiều hơn mỗi khi vào lớp dạy và sau vài tháng, chàng bắt đầu nhận ra sự sai lầm của mình. Niềm hồi hộp và phân tâm của chàng chỉ có tăng mà không giảm.

    An cảm nhận sự say mê của người con gái đối với chàng và tình yêu mãnh liệt qua cặp mắt của Hà Liên mỗi lần nhìn chàng làm An choáng váng và sợ hãi. An không muốn có những xúc động mạnh, chàng là một người chừng mực, nhất là trong vấn đề tình cảm. An ngại những cuộc phiêu lưu, những đam mê của người khác làm chàng bối rối và khó hiểu. Chàng muốn sống một cuộc đời bình thản, êm ả dù rằng cuộc sống đó có thể buồn nản thế nào đi chăng nữa.
    Hà Liên quả tình làm chàng khó xử. Chàng thương hại nàng vì sự tật nguyền của nàng và vẻ đẹp của nàng làm chàng bị lôi cuốn. Nhưng sự kỳ lạ trong cặp mắt của nàng và nỗi niềm đam mê như một cơn lốc cuồng phong diễn tả trong những bức thư kẹp trong bài nộp của nàng làm An e ngại.

    Tình yêu một chiều của nàng càng ngày càng lớn mạnh và An bắt đầu cảm thấy sợ những giờ toán chàng phải giảng dạy tại trường Chí Thiện. Chàng sợ đôi mắt của nàng, sợ ngọn lửa cuồng nhiệt trong luồng mắt theo dõi từng cử động của chàng, sợ sự say đắm của người con gái nghe từng tiếng giảng bài của chàng như lời Thánh Kinh. Và chàng nhận thấy tình trạng không thể kéo dài, chàng cảm nhận một sự nguy hiểm, đe dọa nào đó cho cuộc đời bình yên của chàng và điều tốt nhất với An theo chàng nghĩ là sự trốn tránh. Sau kỳ nghỉ Tết năm đó An viện cớ sức khỏe thông báo cho linh mục hiệu trưởng kiếm giáo sư khác thay chàng.

    An vẫn thường nghĩ về người thiếu nữ tật nguyền những năm sau đó. Đôi lúc chàng cảm thấy mình tàn ác. Chàng thắc mắt không hiểu Hà Liên sẽ ra sao sau khi chàng đột ngột nghỉ dạy nhưng chàng hy vọng nàng sẽ quên. Các cô gái mới lớn có lẽ cũng đều như vậy cả. Yêu say đắm một lúc một thời rồi cũng sẽ phôi pha, nhạt nhòa và sẽ lấy chồng, đẻ con và an phận với cuộc sống. An nghĩ thế nhưng trong thâm tâm có một điều gì đó nơi Hà Liên làm chàng không tin như vậy. Và chàng thấy ngăn ở nơi ngực mỗi lần nghĩ đến mối tình đơn phương của người nữ sinh tật nguyền đối với chàng, một tình yêu chàng không thể đáp lại.

    Lần cuối An gặp Hà Liên là những ngày cuối tháng tư 1975 tại đảo Guam. An rời khỏi Việt Nam tương đối sớm sủa và tới Guam được đưa về một building ở tạm vài ngày trước khi sang Mỹ. Một buổi tối trong khi ngồi ăn tại phòng ăn rộng mênh mông của building tạm trú, An nghe vợ chàng nói nhỏ:

    - Anh xem có cô nào đang nhìn mình ghê quá!

    An quay đầu lại để vừa lúc thấy người thiếu nữ tật nguyền với chiếc nạng gỗ đang tiến về phía chàng.
    Nàng nói giọng nhỏ ấp úng:

    - Thưa thầy, em trước học trường Chí Thiện. Thầy có nhớ em không ạ?

    An buột miệng đáp ngay:

    - Cô Hà Liên. Tôi nhớ chứ!

    An thấy hối hận, chàng tự trách mình đáng lẽ không nên nhận nàng. An vừa thấy được niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt nàng và ánh mắt của nàng chàng lại thấy loé lên ngọn lửa si mê của ba năm trước. Nàng cười nói huyên thuyên, giọng ríu rít như chim hỏi thăm An, hỏi thăm người vợ mới cưới của chàng. An nói chuyện nhưng chàng tránh nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng, sự cuồng nhiệt trong luồng mắt chàng thấy vẫn còn đó, và đằng sau tiếng cười, tiếng nói của Hà Liên, chàng cảm nhận niềm đau khổ và tuyệt vọng nơi nàng.

    Sự thương hại pha lẫn một chút sợ hãi bắt đầu xâm chiếm lấy An. Tình yêu mạnh mẽ của người con gái tật nguyền này hầu như không giảm đi chút nào với thời gian. An cảm thấy bối rối, cảm giác mình là nguyên cớ cho sự đau đớn của người khác, một điều chàng không bao giờ muốn nhưng không biết cách nào giải quyết.

    An thấy may mắn khi sáng hôm sau hai vợ chồng chàng được gọi tên để lên phi cơ sang Hoa Kỳ và chàng không hề gặp lại Hà Liên sau buổi đó. Một đời sống mới đang chờ đón chàng và An thấy không có lý do gì để chàng phải vướng mắc, bận tâm về Hà Liên. Xứ sở này quá rộng lớn, cuộc đời quá nhiêu khê, An nghĩ rằng chàng sẽ chẳng còn dịp nào để nghĩ đến Hà Liên, đừng nói đến chuyện gặp lại người con gái tật nguyền đã một thời hệ lụy trong tình yêu một chiều đối với người thầy giáo.

    * * *

    An nghĩ về những giấc mộng trong ba đêm vừa rồi. Chàng không thể tưởng tượng sau hai mươi năm, hình ảnh Hà Liên lại hiện về trong những cơn mơ vật vã như thế. Những cơn mơ như một đời sống thực sự với đầy đủ cảm xúc, âm thanh và hình ảnh của một cuộc sống thật. An ngẫm nghĩ và chàng chợt rùng mình.

    Tại sao những giấc mơ có thể nối tiếp nhau, như một cuộn phim tạm ngưng vào lúc chàng tỉnh dậy và quay tiếp vào đêm sau, vào đúng chỗ đứt đoạn của đêm hôm trước?

    Những giấc mơ bình thường không thể có sự liên tục như vậy. Như một cuộc đời thứ nhì cho chàng trở thành sự thực trong cơn mơ với chàng và Hà Liên là vai chính. Và tại sao lại là Hà Liên, một kỷ niệm nhạt nhòa của hai mươi năm trước? Đời chàng đã có biết bao biến động, chàng đã có biết bao vết hằn lên tâm hồn và quá nhiều cảm xúc mãnh liệt để lại những ký ức khó phai mờ. Tại sao một dấu vết nhỏ nhoi trong những nếp nhăn sâu thẳm của trí nhớ lại có thể chiếm ngự hoàn toàn những cơn mơ từ đêm này qua đêm khác và liên tục như thể muốn tạo ra một đời sống riêng trong tâm thức chàng?

    An nhận thấy một điều khác lạ khi chàng tỉnh giấc về hình ảnh của Hà Liên. Chàng nhớ Hà Liên là một cô gái tật nguyền với cả một bên chân trái bị hỏng vì bệnh tê liệt, nhưng trong giấc mơ, Hà Liên trở thành một người đi đứng bình thường và đẹp tuyệt vời. Như tất cả những khuyết điểm nơi nàng đều đã bỗng dưng biến mất và những ưu điểm của nàng được trau chuốt để sáng chói hơn trước. Và những giấc mơ có cốt chuyện như một cuộc đời dành riêng cho Hà Liên và chàng, trong đó Hà Liên và chàng là đôi tình nhân với những gì đẹp đẽ nhất có thể xảy ra cho một đôi tình nhân.

    Hạnh phúc là chủ đề cho những giấc mơ của chàng với Hà Liên. Như những cơn mộng liên tục của chàng đã là những gì mơ ước của Hà Liên, biến thành một đời sống thực trong những giấc mộng của An, một điều hoàn toàn ở ngoài ý muốn của chàng. Và không để cho chàng có thể thay đổi, biến cải được!

    * * *

    An là một người giản dị, bình thường và chàng suốt đời ao ước được sống một cuộc đời bình thường, giản dị, không làm phiền ai và cũng không muốn ai làm phiền mình. Tuy nhiên có lẽ như tất cả những ước muốn về đời sống, những gì trái ngược là điều người ước muốn thường được nhận lãnh, An nhận thấy đời mình không thể gọi là bình thường và chàng đành chấp nhận.

    Những giấc mơ kỳ lạ đến từ khi chàng rời khỏi bệnh viện về nhà, sự việc chàng sống sót sau lần giải phẫu, tất cả là những điều không bình thường xảy đến trong cuộc đời đầy bất trắc của chàng. Và An không còn ngạc nhiên khi mở đống thư từ tích tụ hơn một tháng trời từ ngày chàng vào bệnh viện, An thấy một gói lớn gửi cho chàng, người gửi đề tên Phan Thị Hà Liên.

    Cuốn nhật ký Hà Liên gởi cho chàng khá dầy và An đọc một mạch. Đến đoạn chót, chàng phải đọc lại vài lần để hiểu sự gì đã xảy ra.

    Ngày... tháng... năm...

    Tại sao định mệnh có thể sắp đặt như vậy? Sau cùng mình cũng gặp lại được chàng. Đã mười chín năm từ ngày cuối thấy chàng lần chót ở đảo Guam, mình sung sướng biết bao khi trông thấy chàng, nhưng cũng đau đớn biết bao khi thấy chàng với người vợ mới cưới. Nhưng mình biết mình đau khổ là vô lý, có bao giờ chàng biết mình yêu chàng đến mực nào và có bao giờ chàng để ý để kẻ tật nguyền là mình. Bao nhiêu năm mình đã đi tìm chàng trên khắp đất Mỹ mà không hề bao giờ gặp. Mình cũng không hiểu tiếp tục đi tìm chàng làm chi. Gặp lại để làm gì? Chàng cũng sẽ không bao giờ để ý đến mình và mình vẫn mãi mãi mang sự đau khổ. Nhưng dù biết như vậy, có bao giờ mình nguôi ý nghĩ về chàng và có bao giờ mình ngưng đi dò hỏi, tìm chàng mỗi khi có cơ hội?

    Nhưng gặp lại chàng trong tình cảnh này có lẽ không hề gặp lại là điều hay hơn. Hoặc nếu chàng được đưa vào khu bệnh lý khác, không phải khu mình làm hồ sơ cho bệnh nhân thì có lẽ mình cũng không bao giờ biết chàng ở ngay trong bệnh viện này. Carol đưa cho mình hồ sơ đề tên Đặng Hoàng An để làm giấy tờ và mình giật nẩy người. Có lẽ một người trùng tên chàng. Nhưng không! Linh tính báo cho mình biết, bệnh nhân tên Đặng Hoàng An, 45 tuổi này chỉ có thể là chàng, và mình không nhầm.

    Mình chạy vội lên phòng hồi sinh cấp cứu và nhìn qua khung cửa kính, quả đúng là chàng. Và chàng đã hôn mê rồi! Chao ôi! Tại sao định mệnh có thể khắt khe như vậy. Mình đã đi tìm chàng khắp nơi trong 19 năm, có lúc nào mình ngưng ý nghĩ về chàng và giờ đây chàng nằm đó, sát với ngưỡng cửa của tử thần. Tại sao chàng có thể bị một thứ bênh tim gì độc hại như vậy được. Mình hỏi bác sĩ Gilbert, ông nói bệnh tim loại này không chữa được và ông nói chàng chỉ còn được vài ngày là nhiều.

    Mình đứng lặng người. Chàng chỉ còn sống được vài ngày nữa và không có cách nào cứu chàng thoát chết. Mình gặp lại chàng để nhìn chàng chết. Tại sao có thể như vậy được? Tại sao những bất hạnh tiếp tục đến với mình như vậy? Mười chín năm nay mình chỉ nghĩ đến lúc gặp lại chàng và mình sống cho giây phút đó. Giờ đây gặp lại chàng, chàng không thể nhận ra mình và cũng chỉ còn vài ngày.

    Định mệnh ơi, ta oán thù mi! Nhưng không được, ta không thể cho phép định mệnh dày vò ta như thế được. Ta phải thách đố định mệnh, ta phải cứu chàng. Nhưng ta làm được gì đây? Những bác sĩ giỏi nhất ở đây cũng phải bó tay rồi, một người làm giấy tờ, hồ sơ quèn như ta có thể làm gì được?

    Ngày... tháng.. năm..

    Mình đọc hồ sơ chàng mỗi ngày. Bệnh chàng càng lúc càng nguy kịch hơn. Hôm nay có một bác sĩ mới đến thăm bệnh. Ông này có ghi câu: “Chỉ có cách ghép tim, thay hẳn trái tim mới có thể cứu được”. Nhưng ông viết tiếp: “Người bệnh này không có ưu tiên và tình trạng nguy kịch hiện tại cũng không thể kéo dài cho đến lúc có thể tìm người chết thích hợp để ghép tim”.

    Mình suy nghĩ mãi về câu viết trong hồ sơ của bác sĩ Stevenson. Như vậy có cách cứu chàng. Nhưng thay quả tim bằng tim người mới chết là chuyện hãn hữu. Bệnh viện này có làm được chuyện ghép tim nhưng hiếm khi có được tim người mới chết thích hợp để ghép. Mình hỏi bác sĩ Stevenson, ông nói có đến hơn mười người đang chờ để ghép tim có ưu tiên. Ông nói phần lớn chết trước khi tìm được tim thích hợp để ghép. Như vậy chàng cũng không có hy vọng gì. Chàng chỉ còn vài ngày, làm sao có thể chờ đợi lâu hơn được?

    Ngày... tháng ... năm...

    Một ý nghĩ kỳ lạ vừa đến trong óc mình. Tại sao mình không nghĩ ra ngay. Mọi ý tưởng chợt đến cùng một lúc như một cơn chớp loé sáng. Mình biết mình sẽ phải làm gì. Và chàng sẽ sống. Chàng không thể chết được, chàng sẽ bắt buộc phải sống. Định mệnh ơi, ta sẽ đánh bại mi. Và ta sẽ sống mãi. Với chàng. Mãi mãi. Không bao giờ ngừng....

    * * *

    An ngồi đối diện với bác sĩ Stevenson, trước bàn làm việc của người bác sĩ giải phẫu tim nổi tiếng. Ông nhìn chàng chăm chú và nói:

    - Chúng tôi có thông lệ giữ kín danh tánh của người chết cho tim để ghép thay tim cho người khác nhưng trường hợp của ông là trường hợp đặc biệt. Vâng! Ông đoán đúng! Quả tim của người chết dùng cho ông là của cô Phan Thị Hà Liên. Ông là người may mắn lạ thường. Ông không có ưu tiên nào so với hơn mười người đang đợi để được ghép tim, tuy nhiên rất nhiều điều may mắn đã xảy ra cho ông.

    Cô Phan Thị Hà Liên là một nhân viên làm trong phòng hồ sơ ngay tại bệnh viện này. Trên đường lái xe đến bệnh viện làm việc, không hiểu lý do gì làm cô lạc tay lái đụng xe vào một cây cột đèn lớn cách đây hơn nửa dặm. Chỗ này cũng hay xẩy ra tai nạn nhưng trước giờ không có ai bị nặng như cô Hà Liên. Cô bị chấn thương nặng ở đầu và được đưa ngay vào bệnh viện này. Cô ngừng thở khi vừa đến phòng cấp cứu. Tuy nhiên vì trên bằng lái xe cô Hà Liên đã ưng thuận cho phép lấy các cơ quan của cơ thể cho người khác nếu bị tai nạn chết nên chúng tôi đã giữ cho quả tim của cô vẫn sống dù cô đã chết với óc hoàn toàn ngưng hoạt động.

    Chúng tôi đã bàn luận gay go về việc dùng quả tim của cô Hà Liên cho người bệnh cần thay tim. Tuy ông không có ưu tiên, nhưng trường hợp ông may mắn là loại máu và mô tế bào của ông phù hợp với các đặc tính của cô Hà Liên trong khi những người khác không thích hợp nên chúng tôi đã dùng quả tim của cô ta để thay cho tim ông. Cũng đúng lúc vì tình trạng của ông lúc đó không thể kéo dài hơn nữa. Chỉ cần chậm nửa ngày là chúng tôi cũng đành bó tay.

    Một điều khác nữa tôi chỉ nói riêng cho mình ông. Cô Hà Liên hỏi tôi nhiều lần về tình trạng bệnh lý của ông. Tôi không hiểu liên hệ giữa cô ta và ông như thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng mặc dù tai nạn xảy ra bất ngờ cô ta chắc hẳn muốn người được quả tim của cô là ông chứ không phải một người bệnh khác. Toi không biết rõ nữa, nhưng lúc bàn cãi về vấn đề này với các bác sĩ khác, tôi có cảm giác rất mạnh về ước muốn của cô ta dù cô Hà Liên đã chết. Một điều gì đó đã thôi thúc tôi phải quyết định như vậy. Và sự thích hợp về loại máu của ông là cái cớ để tôi thuyết phục các bác sĩ khác để bằng lòng việc thay tim cho ông.


    An thấy nhói ở ngực. Tim chàng, không, quả tim của Hà Liên, đã mường tượng ra sự thể nhưng nghe chính bác sĩ Stevenson, người bác sĩ mổ thay tim cho chàng, chàng mới biết đích xác hẳn.

    An nghĩ đến những giấc mơ của chàng và chàng bàng hoàng. Hà Liên đã trở thành một phần của thân thể chàng, sống với chàng từng giây từng phút và cho chàng sự sống, giật chàng khỏi tay tử thần đã đứng đợi trước ngưỡng cửa. Nàng đã cho chàng tặng phẩm của tình yêu đích thực. Cho chàng tình yêu kỳ diệu và lạ thường của nàng, chất chứa trong quả tim nàng, để biến thành chính quả tim chàng và tiếp nối sự sống cho cả hai người.

    An lặng người trước sự rộng lớn, bao la và sâu thẳm của tình yêu của người nữ sinh tật nguyền hơn 20 năm trước. Chàng cảm thấy mình không xứng đáng với một tặng phẩm như thế. Hà Liên đã cho chàng sự sống của nàng, cho chàng tình yêu của nàng để tiếp tục sự sống cho chàng và chàng đã không hề hay biết.

    An hít một hơi dài. Tim chàng, tim Hà Liên, trở lại nhịp đập bình thường. Ánh sáng từ khung của hắt vào căn phòng như bừng lên dọi vào mặt chàng. An bỗng dưng thấy cảm giác bình yên lạ lùng. Chàng chợt nhớ đến những giấc mơ của chàng mỗi đêm. Hà Liên đã cho chàng tình yêu kỳ diệu của cả cuộc đời nàng và tiềm thức chàng đã đáp ứng, để chàng sống với nàng mỗi đêm trong những cơn mơ, để dâng hiến lại tình yêu cho nàng, cho một đời sống mới giữa chàng và nàng.

    An chợt thấy tâm hồn phủ đầy. Những giấc mơ không còn là một đe dọa hay ám ảnh nữa. Và từ quả tim, những cảm xúc dâng lên ào ạt như một luồng sóng đổ, những hình ảnh của giấc mơ trở lại trong ý thức chàng, rõ rệt, sáng ngời. An biết rằng từ đây mỗi đêm chàng sẽ đi vào trong giấc ngủ yên lành để tiếp tục đời sống của Hà Liên và chàng, hòa hợp làm một như quả tim của chàng, của Hà Liên, mãi mãi sống trong một tình yêu bất diệt.


    Nguyễn Đình Phùng

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Lời cuối


    Nguyễn Đình Phùng




    Văn biết chàng sẽ gặp lại Loan. Đã từ hàng mấy chục năm nay. Chàng chắc chắn sẽ có ngày gặp Loan ở đâu đó. Không gian nào, thời điểm nào, chàng không quan tâm đến. Văn biết rõ ràng là chàng sẽ thấy lại Loan, nghe tiếng nàng cười, ngửi thấy mùi hương thoang thoảng bay, để thấy nhịp tim chàng rộn ràng trở lại. Như những ngày xa xưa cũ.

    Không phải là Văn tin tưởng chàng sẽ gặp lại Loan. Vì từ lâu lắm rồi, chàng không còn tin vào bất cứ điều gì. Tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ, tương quan giữa người với người, cuộc sống hiện tại, cuộc đời về sau, nếu có. Và ngay cả tình yêu. Chàng không còn tin tưởng gì. Và cũng chẳng đoái hoài đến. Sự gì đến, sẽ đến. Thế thôi! Nhưng chỉ một điều duy nhất làm chàng bận tâm. Là chàng biêt sẽ gặp lại Loan một lần cuối cùng, lúc nào đó, ở đâu đó. Trước khi chàng không còn trên cõi đời này nữa.


    Văn không đi tìm, không dò hỏi gì về Loan. Từ khi còn ở Việt Nam. Và sau khi sang đến bên này, phải đến hơn ba mươi năm rồi. Có thể Loan ở ngay góc phố bên cạnh khu chàng ở. Hay ở một quốc gia nào xa tít mù. Văn không cần biết. Vì một ngày nào đó, có thể chàng sẽ thấy Loan trong một thương xá, trong tiệm ăn. Hay đứng cạnh nhau trong siêu thị đông người. Hay ngồi cạnh nhau trong một chuyến bay băng ngang Đại Tây Dương. Hoàn cảnh nào cũng được. Thời gian nào cũng thế thôi. Chàng biết sẽ gặp Loan trước khi chàng thở làn hơi cuối cùng của cuộc đời chàng!


    * * *


    Văn nhảy từng ba bậc một của cầu thang vòng lên lầu hai của nhà hàng Kim Sơn. Đã hơn 7.30 tối. Chàng hy vọng đám cưới này cũng bắt đầu trễ như thói quen thông thường của người Việt. Giấy mời để 6 giờ, nhưng phải trễ ít nhất một hay hai tiếng mới là phải phép! Chuyến bay từ Orange County sang Houston của chàng để tham dự đám cưới con trai một người bạn thân, đã chậm lại gần 2 tiếng đồng hồ. Rồi thuê xe của hãng Hertz để lái từ phi trường đến tiệm ăn, Văn cũng phải xếp hàng đợi hơn nửa tiếng! Văn không ngờ ngày Christmas' Eve mọi việc đều trễ nải đến mức đó. Ai cũng vội đáp chuyến máy bay cuối hay thuê xe vội để kịp về dự lễ Christmas với gia đình.


    Đám cưới con người bạn tổ chức vào đúng ngày thứ bảy Christmas' Eve của năm nay. Người bạn chàng nói chỉ còn ngày này để tổ chức, nếu muốn ngày thứ bảy khác phải đợi cả ba tháng nữa mới có chỗ! Và Văn phải thu vếp công việc để bay sang vào giờ cuối, theo lời khẩn nài của người bạn chàng, mong có mặt chàng cho đám cưới người con trai duy nhất.



    Văn kéo ghế ngồi vào chỗ chàng trong bàn ăn. Đám cưới này bắt đầu hơi sớm đối với người Việt. Bồi đã mang ra món ăn đầu tiên và Văn thoáng thấy từ đàng xa, cô dâu, chú rể và hai họ đã bắt đầu đi chào bàn. Chàng đã thiếu phần đầu tiên của giới thiệu hai bên của đám cưới. Các cặp trong bàn bắt đầu mang ra phong bì tiền mừng và mọi người ép Văn để đại diện bàn đứng lên chúc tụng và trao tiền mừng. Lý do là chàng nhiều tuổi nhất! Văn mỉm cười. Chàng không ngờ bây giờ mình đã già đến mức đó. Để bàn đám cưới đồng lòng kính lão đắc thọ, bầu cho chàng đại diện!


    Phái đoàn của đám cưới đã đến bàn chàng. Cô dâu và chú rể đến trước, cha mẹ hai bên còn lẩn quẩn ở bàn bên cạnh chụp hình và cười nói huyên thuyên với bạn bè chúc tụng. Văn ngẩng đầu nhìn lên. Chàng sững sờ. Loan! Loan đây rồi! Nhưng không thể được! Cô dâu không thể là Loan, trẻ đến mức đó. Văn dụi mắt. Loan đang đứng trước mặt chàng, đẹp tuyệt vời như ngày chàng gặp nàng lần đầu tiên. Nhưng chàng hiểu ngay. Mẹ của cô dâu vừa đến bàn chàng. Và hai mẹ con giống nhau như hệt!


    Văn đứng lên. Giọng chàng lạc hẳn: "Em! Loan!". Người đàn bà chợt khuỵu xuống. Cặp mắt thất thần, nhìn Văn như hồn ma từ cõi chết trở về. Loan nói nhỏ, lắp bắp như người hụt hơi: "Anh Văn! Anh Văn!". Và nàng nhắm nghiền đôi mắt, bấu lấy vai người chồng bên cạnh nh
    ư sắp ngã quỵ.


    * * *


    Văn biết đến Loan ngày chàng ghé tỉnh lỵ Tây Ninh để thăm Kính, người bạn cũ từ thời thơ ấu. Kính là dược sĩ tại Quân Y Viện Tây Ninh. Đơn vị của Văn mới được điều động về yểm trợ cho Trung Đoàn 42 đóng căn cứ tại Trảng Lớn. Văn đi hành quân liên miên suốt mấy tháng trời và khi có mấy ngày phép, chàng mới có dịp để ghé thăm người bạn thân đã mấy năm không gặp.


    Trong bữa ăn tối, Kính nói huyên thuyên. Chàng kể cho Văn nghe chuyện sau khi ra trường, làm việc như thế nào, tình hình chiến trường chung quanh Tây Ninh, chuyện Quân Y Viện bị pháo kích từ đỉnh núi Bà Đen làm ông bác sĩ trưởng khu giải phẫu bị miềng ghim trúng tim chết ngay khi đang khám bệnh. Văn nghe lơ đãng, phụ họa qua loa. Chàng cũng kể cho Kính nghe những cuộc hành quân chàng đã trải qua ở Quân Khu 2 trước khi về đây. Nhưng điều chính là chàng thấy cảm thấy lòng thanh thản khi ngồi gần người bạn thân, nghe những câu bông đùa và nhắc lại những kỷ niệm cũ. Chỉ cần thế thôi. Để quên đi những ám ảnh và những hình ảnh của chết chóc, thê thảm hằng vây quanh chàng. Văn gần như không nghe câu Kính hỏi:


    - Mày về đây đã tới quán cà phê Loan chưa?


    Văn lắc đầu. Kính nói tiếp:


    - Quán này mới mở mà đông vô chừng. Tao và cả bọn Quân Y Viện đêm nào cũng kéo ra ngồi ngắm cô chủ quán. Ăn xong tao dẫn mày ra xem mặt em. Đẹp lạ lùng. Chắc mày cũng phải mê.


    Thây Văn chỉ mỉm cười. Kính kể tiếp:


    - Nhà em không phải thường đâu. Cũng là gia thế tại Tây Ninh này đây. Có điều lụn bại nên em mới mở quán cà phê. Chị của cô nàng cũng đẹp lắm, nghe đồn là vợ bé của Trung Đoàn Trưởng 42 ở đây. Nên quán của em nổi tiếng, lại yên nữa. Ăn nhanh lên, mình đi sớm, không hết chỗ ngồi!


    Khi Văn và Kính đến quán cà phê trời đã bắt đầu tối. Quán trông đặc biệt vì là một gian trong ngôi nhà bề thế ngay trong tỉnh lỵ, được sửa lại làm quán cà phê. Sân ngoài lát gạch với những chậu cây lớn trông có vẻ cổ kính. Ngôi nhà trên tối om, hoang vắng, tương phản kỳ lạ với gian nhà ngang mang bảng hiệu "Cà Phê Loan", đầy người và khói thuốc lá mù mịt. Khách hàng phần lớn là sĩ quan của tiểu khu, quân y viện, một số binh chủng của các đơn vị đóng vòng ngoài tỉnh lỵ Tây Ninh và sĩ quan của Trung Đoàn 42 Văn thường gặp.


    Văn và Kính kiếm mãi mới được một bàn trống. Kính đảo mắt nhìn khắp nơi rồi mới chiu ngồi xuống, giọng đầy thất vọng:


    - Mày xui! Chắc em về Sài Gòn nên không thấy đâu cả!


    Văn lắc đầu cười. Chàng gọi cà phê và để ý đến tiếng nhạc. Tây Ninh cũng bắt đầu giống như Sài Gòn. Quán cà phê mọc lên như nấm để cho những quân nhân như chàng hay những thanh niên chờ ngày nhập ngũ đến để thả hồn theo tiếng nhạc và khói thuốc. Nhạc ở đây tương đối chọn lọc, có nhiều bài hát chàng ưa thích và ít nghe. Văn chắc cô chủ quán biết thưởng thức âm nhạc và chàng nảy ra ý tò mò muốn biết mặt người con gái bạn chàng ca tụng không tiếc lời.


    Văn châm điếu thuốc và lắng nghe tiếng nhạc êm dịu từ cuối phòng. "Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi". Bản Cung Đàn Xưa của Văn Cao, bản nhạc hay chàng ít khi có dịp được nghe. Kính nói nhỏ với Văn:


    - Loan kìa!


    Văn quay đầu nhìn. Chàng sững sờ. Đứng gần quày phía trong là một thiếu nữ đẹp lạ thường. Nàng mặc chiếc áo dài xanh ôm sát, dáng cao, vẻ quí phái tự nhiên. Khuôn mặt trái soan trắng hồng, mũi cao thanh tú và đôi mắt to đen mê hoặc. Nàng toát ra một sức hấp dẫn mạnh mẽ, lôi cuốn kỳ lạ. Những người trong quán đều chăm chú nhìn nàng, như những kẻ lên đồng, mất hết tự chủ, sẵn sàng trở thành những tên nô lệ trung thành cho nàng sai khiến.


    Quán bỗng trở nên im lặng. Những tiếng nói chuyện rào rào lúc trước biến mất nhường chỗ cho tiếng nhạc êm dịu vang lên rõ ràng, thánh thót. Văn mỉm cười khi nghe tiếng thở nặng nhọc của Kính. Chàng lắc đầu:


    - Mày mê em đến thế cơ à!


    Kính cười gượng gạo không nói. Chàng lại quày nói nhỏ với Loan và trở lại bàn. Một lúc sau Loan đến gần chỗ hai người ngồi. Kính đứng lên giới thiệu. Văn có dịp nhìn kỹ hơn sau khi nói mấy câu khách sáo. Càng nhìn gần, Văn càng thấy Loan đẹp và hấp dẫn. Nàng nói chuyện với Kính nhưng chốc chốc nàng liếc mắt nhìn Văn, đôi mắt dò hỏi như chứa đựng ngạc nhiên và kích thích. Văn trả lời sơ sài vài câu hỏi của Loan về chàng và càng lúc càng thấy ngột ngạt với ánh mắt của Loan. Văn cảm nhận ngay sự hấp dẫn giữa chàng và Loan. Không khí chung quanh như chợt thành nặng nề, đè nén, dày dặc như có thể dùng dao cắt ra từng phần nhỏ! Kính càng nói càng mất tự nhiên và sau cùng cả ba người cùng im lặng.


    Văn lặng lẽ nhìn Loan không chớp mắt. Chàng ngạc nhiên thấy Loan càng lúc càng đẹp hơn như một người con gái đẹp nhấp chút rượu mạnh. Mắt nàng long lanh. Gò má ửng hồng. Người nàng tỏa ra mùi hương đầy nồng nàn. Loan như thay đổi hẳn trong vòng thời gian nàng ngồi xuống nói chuyện với Kính và Văn. Đẹp hơn, yêu kiều hơn và càng lúc càng quyến rũ.


    Văn lên tiếng để đánh tan bầu không khí nặng nề:


    - Loan có bài nhạc Les feuilles mortes không?


    Nàng gật đầu và đứng lên để kiếm băng nhạc. Văn đứng dậy kéo ghế cho nàng và tay chàng chạm phải mái tóc dài của Loan. Nỗi êm dịu nhẹ nhàng chợt ùa đến xâm chiếm lấy hồn Văn. Tóc Loan sao mềm mại quá. Mùi hương từ mái tóc nàng làm chàng ngây ngất. Văn chợt thấy mình thay đổi. Niềm êm dịu như dần dần lớn dậy, bó chặt lấy trái tim làm chàng nghẹt thở. Và chàng bàng hoàng, rùng mình khi chợt nghe tiếng hát từ cuối phòng vọng đến:


    Mais la vie sépare
    Ceux qui s'aiment
    Tout doucement
    Sans faire de bruit.


    * * *


    Văn trở lại quán của Loan ngày hôm sau. Sáng sớm chưa có một ai. Loan mời chàng lên căn nhà trên, nơi có sàn sân gạch cổ xưa phủ rêu xanh và những chậu cây lớn xếp hàng lối đi. Nàng không ngạc nhiên như biết Văn sẽ trở lại gặp nàng sau buổi tối hôm trước. Nàng nắm lấy tay chàng dắt vào trong nhà và nói nhẹ nhàng:


    - Anh ngồi đợi em pha cà phê và làm trứng để anh dùng ăn sáng.


    Văn nhìn Loan. Tim chàng đập nhanh. Lòng rộn ràng. Mùi hương từ nàng tỏa ra bao phủ, tràn ngập lấy chàng, quấn quít không rời. Chàng không muốn nàng rời xa, dù chỉ để sửa soạn bữa điểm tâm cho chàng. Như một cặp tình nhân đã lâu ngày, biết ý nhau từng điểm nhỏ, biết sở thích của nhau từng tí chút. Như đôi vợ chồng thắm thiết, lo lắng cho nhau. Loan pha ly cà phê cho chàng, một chút sữa để thơm ngát và chút bơ để óng ánh vàng ngậy. Làm trứng và bánh mì cho chàng như sở thích của Văn nàng đã biết hết. Tự nhiên và trực giác như hai người đã là đôi tình nhân của bao kiếp trước, trải qua biết bao thế kỷ và những thăng trầm của ngàn năm qua. Họ không cần phải nói điều gì thừa thãi. Chỉ cần ánh mắt nhìn nhau và nụ cười trên môi cho nhau. Đã đủ để thấy lòng trầm lắng và nỗi êm dịu thấm tràn.


    Chàng nói với Loan khi ăn sáng xong:


    - Em sửa soạn để mình về Sài Gòn!


    Nàng mỉm cười, dặn lại người giúp việc trông coi quán và theo Văn ra xe, giản dị và không cần hỏi lại như đã hẹn để cùng nhau về Sài Gòn chơi đã từ lâu lắm.


    ***


    Văn dắt Loan đi khắp phố phường của Sài Gòn, thành phố bình yên như không hề biết đến cuộc chiến khốc liệt đang bao trùm đất nước. Chàng mặc đồ chiến của binh chủng chàng, Loan mặc chiếc áo dài màu xanh như đêm chàng gặp nàng trong quán cà phê. Họ đi suốt con đường Lê Lợi, ra đường Nguyễn Huệ, bọc lên đường Tự Do, rồi trở lại chợ Bến Thành. Buổi trưa Văn đưa Loan đến quán bà Ba Bủng để ăn món bún ốc, món ăn Loan chưa bao giờ thử. Rồi ghé tiệm Prince để ăn kem ba màu với Chantilly. Văn muốn thấy mình là người bình thường như những ngày chàng chưa nhập ngũ, chưa tham dự những cuộc hành quân đẫm máu và tàn khốc. Chàng muốn cả cuộc đời chàng thu gọn lại trong một ngày chàng dạo phố mùa xuân với người yêu. Trên những con đường thân ái, an bình. Nơi chốn có những cửa hàng sang trọng trong thương xá, có những chỗ ăn vặt với bò khô, bò bía, nước mía Viễn Đông. Và có rạp xi nê Rex sau khi chàng và Loan đã mỏi chân đi lên đi xuống suốt các con đường của trung tâm thành phố.


    Nếu cuộc đời chỉ ngắn như một ngày Văn và Loan dạo phố. Không! Chàng còn hai ngày phép trước khi trở lại chiến trường. Và sự gì sẽ xảy ra sau hai ngày này, làm sao chàng biết được! Văn nói với Loan, giản dị:


    - Mình đi mua ít đồ tắm rồi ra Cấp tắm biển!


    * * *

    Loan từ dưới nước bước lên bờ và Văn chợt rùng mình. Sao thân hình nàng có thể tuyệt mỹ đến thế. Chàng nhớ đến bức tượng Venus de Milo, biểu tượng cho nét đẹp của Tây Phương. Và chàng tưởng tượng một tiền kiếp nào xa xưa lắm, có phải Loan đã là mỹ nhân của hòn đảo Milo của Hy Lạp, cho điêu khắc gia của tiền sử, tạc tượng lưu truyền đến bây giờ.


    Văn đã sống với nàng hai đêm tại thành phố bờ biển này. Tình yêu tuyệt vời của chàng với Loan đã trở thành trọn vẹn. Khi thời gian đã được cô đọng lại để biến thành đam mê đến cùng cực. Để chất ngất của tuyệt vọng hóa thân thành nỗi chết gần kề. Và níu kéo của tình yêu trong môi hôn đớn đau đã đưa nhau trở lại sự sống. Văn không biết nữa. Ý thức của không gian và thời gian đã tan biến. Khi chàng và Loan ngụp lặn trong sóng biển của Bãi Sau. Và khi đêm khuya, trăng sao vằng vặc trên nền trời, chàng và Loan đã cùng nhau sánh bước trên những sóng con tắp vào bờ của Bãi Dứa. Văn không biết rõ chàng có ngủ giấc nào không. Vì chàng hoàn toàn bị Loan chiếm ngự. Văn không muốn lúc nào chàng rời mắt khỏi Loan, nụ cười của nàng tràn ngập hồn chàng, Văn không muốn mất đi một khoảnh khắc nào dù ngắn ngủi đến đâu đi nữa. Và mùi hương của nàng lúc nào cũng bao phủ chàng, chỉ cần rời xa nàng một nửa bước, Văn đã thấy tất cả là vô tri vô giác, mọi sự đều thành bất động. Và trống rỗng, không một chút mùi vị nào cho sự sống đã trở thành vô hồn.


    Văn dắt nàng vào những quán ăn của thành phố. Để nhìn nàng thích thú thưởng thức những món ăn đặc biệt của vùng biển. Nhưng chàng nào thiết gì đến chuyện ăn uống. Vì chàng đã thấy đầy đủ, no say. Chỉ với Loan bên cạnh chàng. Cuộc đời chàng bỗng trở thành thần tiên, hư ảo. Như tất cả những thực tại của đời sống bỗng biến mất. Chiến tranh cũng đã lùi xa trong trí tưởng. Những tiếng bom đạn, những tiếng gào thét, những rên rỉ và những cặp mắt vô hồn của những xác chết. Tất cả đều tan biến. Như không còn nữa. Như chỉ là những giấc mơ xấu xa, quái ác, không thực. Và bây giờ mới là thực tại. Mới là cuộc đời. Mới là sự sống, triền miên và mãnh liệt. Của Loan và chàng, không bao giờ chấm dứt. Và không bao giờ ngơi nghỉ.


    Nhưng buổi sáng của ngày về và ra tắm biển lần cuối, Văn chợt bàng hoàng ý thức. Hai ngày đã qua là cả cuộc đời chàng, được thu gọn lại. Và chàng đã sống cả cuộc đời mình với Loan trong hai ngày đó. Vì sau đó, chỉ là trống rỗng và vô nghĩa. Hoàn toàn không còn gì nữa cả. Cho chàng.


    Văn dắt Loan đi dọc bờ biển. Và ngồi trên bờ để nhìn thủy triều dần lên. Xóa những vết chân. Của chàng và Loan. Đến khi không còn chút vết tích.



    * * *


    Văn không gặp lại Loan sau khi ở Cấp về. Đơn vị chàng được gửi đi ngay đến Phước Long để đối đầu với Việt Cộng đang dồn quân đến thành phố này. Chiến thuật "diện và điểm" đã được thực hiện đến giai đoạn chót. Bộ Tổng Tham Mưu của Việt Nam Cộng Hòa đã tưởng mặt trận chính là Tây Ninh và tăng cường lực lượng chung quanh thành phố để giữ Tây Ninh. Nhưng Phước Long mới chính là mục tiêu. Và khi đơn vị của Văn được gửi đến giải cứu cho Phước Long, tình hình đã quá muộn.


    Phước Long thất thủ vào tháng 1 năm 1975. Gần như toàn bộ đơn vị của Văn đã bị tiêu tan. Chàng bị thương không chết nhưng bị bắt làm tù binh cùng tất cả các sĩ quan của tiểu khu và bị giải ra Bắc, giam giữ ở Yên Báy.


    Văn bị giam cầm suốt 7 năm dài tại đây. Nhưng chàng vẫn bình thản chịu đựng. Cuộc đời chàng đã thu gọn trong hai ngày với Loan. Chàng cần gì hơn nữa. Sống hay chết, bị giam giữ hay tự do, cũng thế thôi! Văn được thả về và chỉ khi đó chàng mới biết tin tức về Loan. Một người quen ở Tây Ninh đã tình cờ gặp Văn tại Sài Gòn và cho chàng biết. Loan tưởng chàng đã chết khi Phước Long thất thủ nên sau mấy tháng đã nhận lời lấy Kính. Hai người rời khỏi Tây Ninh và đi thoát ngay trong ngày 30 tháng 4..


    Văn tìm cách vượt biên ngay sau khi được thả về. Chàng đi tất cả 5 lần nhưng đều bị bắt lại. Mỗi lần đều bị giam tại Chí Hòa. Nhưng được thả, Văn lại tổ chức để vượt biên tiếp. Lần thứ sáu chàng mới thành công. Ở bên đảo hơn ba năm, sau cùng chàng cũng vào được đến Hoa Kỳ. Nhưng Văn không đi tìm Loan. Chuyện gì đến, sẽ đến.


    * **


    Văn ngồi xuống bàn khi đoàn cô dâu chú rể đi sang bàn khác. Chàng đã cầm lấy tay Loan để trao những phong bì mừng đám cưới. Chàng đã nhìn vào đáy mắt nàng để biết rằng tình yêu vẫn còn đó. Và chàng đã được thở hít mùi hương từ mái tóc nàng, da thịt nàng. Sau 42 năm dài xa cách. Người bạn cha của chú rể chưa chịu đi ngay. Nói huyên thuyên đủ chuyện, vui mừng khi thấy Văn bay sang tham dự đám cưới. Nhưng Văn nào có nghe gì. Chàng chỉ để ý khi bạn chàng nói về Loan, có một đời chồng trước nhưng đã mất mấy năm rồi. Văn gật đầu Chàng còn mải để tâm hồn trở về dĩ vãng. Nơi chàng đã sống hai ngày, của cả một đời chàng.


    Văn giật mình khi nghe người giới thiệu chương trình tuyên bố mẹ của cô dâu sẽ lên micro mở đầu cho chương trình văn nghệ. Và chàng nghe tiếng hát của Loan. Les feuilles mortes. Bài hát của chàng và Loan, 42 năm trước.

    Mais la vie sépare
    Ceux qui s'aiment
    Tout doucement
    Sans faire de bruit

    Et la mer efface
    Sur le sable
    Les pas des amants
    Désunis.

    * * *


    Văn ngồi trên chuyến bay từ Houston trở về Orange County ngay trong đêm đó. Chàng rời khỏi bàn tiệc ăn lúc Loan vừa chấm dứt bài hát, không để Loan có thời giờ đến gặp chàng. Văn thấy đã quá đủ. Hai ngày. Mấy chục năm. Cũng thế thôi. Chàng đã gặp lại Loan. Và nàng đã nói lời cuối với chàng. Bằng bài hát của hai người. Trong đêm gặp nhau lần đầu. Của cả một thời xa xưa cũ.


    Và chàng nghe lại lời của bác sĩ Olsen, của đại học y khoa Irvine, đã nói với chàng trước ngày chàng sang Houston: "Ung thư của ông đã chạy khắp cơ thể. Ông không muốn chữa chạy gì nên thời gian không còn bao lâu. Có thể một tháng, hay chỉ một hai tuần. Ông đi xa lần này sẽ là lần cuối. Và cần trở lại ngay để vào hospice. Những vết đen trong não bộ sẽ lớn lên rất nhanh và gây ra hôn mê rất sớm."


    Văn mỉm cười. Chàng đã sống đủ rồi. Trong hai ngày với Loan. Và nàng đã từ giã chàng bằng lời cuối của bài hát đó. Không còn gì để tiếc nuối nữa. Và Văn cảm nhận sự an bình, từ mấy chục năm qua, như một giải thoát, sau cùng đã đến với chàng.


    Nguyễn Đình Phùng

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851

    Đám cưới đêm ba mươi


    Nguyễn Đình Phùng




    Tùng lấy chiếc phong bì chứa tấm ngân phiếu mừng đám cưới đưa cho Thăng và quay sang nói với Cường:

    - Mày đưa tiền mừng cho thằng Thăng. Để nó đại diện bàn. Họ sắp đến rồi kìa!

    Chàng nhìn về phía đám hai họ đang đi chào bàn và thu tiền mừng. Chú rể có dáng dấp quen thuộc nào đó chàng vẫn chưa nghĩ ra giống ai. Ba người bạn thân được đàng gái mời dự đám cưới đúng đêm ba mươi tết. Ông Hoành, ba của cô dâu là bạn mạt chược của ba người, nói giọng như xin lỗi khi mời:

    - Hai đứa chúng nó muốn làm đám cưới sớm mà mấy nhà hàng Việt Nam bắt phải đợi đến hơn 6 tháng mới có chỗ. Chỉ có mỗi thứ bẩy ba mươi tết này là trống. Tôi muốn kiêng mà chúng nó nằng nặc đòi làm mình đành phải chịu.

    Ông lắc đầu:

    - Chúng nó là Mỹ rồi mấy cậu ơi! Con cái đặt đâu mình ngồi đó vậy thôi!

    Tùng nhìn lên. Ông bà Hoành và cô dâu đang tiến lại bàn, đi cùng với chú rể và bà mẹ. Không thấy bố chú rể đâu. Ông Hoành nói mấy câu giới thiệu như người trả bài, những câu nói giống hệt nhau đã lập đi lập lại hàng mấy chục lần suốt bao nhiêu bàn. Thăng cũng đứng lên chúc tụng vài câu và đưa đống phong bì mừng tiền cho chú rể. Tùng thấy Thăng cũng ngẩn người nhìn kỹ chàng thanh niên đứng trưóc mặt. Chàng đoán Thăng cũng như chàng, đang thắc mắc chú rể giống một người quen nào đó mà chưa nghĩ ra.

    Ông Hoành rót chút rượu ra ly nhỏ đặt trên chiếc khay phủ khăn đỏ được người nhà mang theo đến mỗi bàn. Ông đưa ly cho chú rể và nói:

    - Mời mấy chú mấy bác uống chút rượu cùng mừng cho hai cháu.

    Chú rể ngửa cổ nốc cạn ly rượu. Tùng liếc mắt nhìn Cường và Thăng. Hai người đang nhìn lại chàng. Phong cách uống rượu của chàng trẻ tuổi này làm chàng sực nhớ đến một người. Và hai người bạn chàng cũng cùng một ý tưởng.

    Đột nhiên chú rể cất tiếng cười ha hả. Mọi người ngạc nhiên nhìn. Chú rể như người lên đồng, lắc đầu mấy cái, đưa tay vò mái tóc và rút trong túi ra cặp kính trắng đeo lên mắt. Miệng nở nụ cười tươi tắn, chàng thanh niên ôm lấy vai Cường:

    - Mày lại hài đàm rồi Cường ơi!

    Quay sang Thăng, chú rể nói giọng ngạo:

    - Thăng! Mày chỉ hòa với chúng nó nhưng không đồng được đâu!

    Và đưa tay ra bắt tay Tùng:

    - Tùng! Cậu đừng có sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc như vậy chứ!

    Ba người bạn cùng đứng lên kinh ngạc. Thăng và Tùng không nói nên lời. Cường như người mắc nghẹn, mắt trợn trừng nhìn chú rể và nuốt nước bọt mấy lần mới cất được giọng, run run:

    - Mày! Trụ! Có phải mày đấy không?



    * * *



    Cường là người bạn đầu tiên với Trụ. Từ những ngày đầu quen nhau ở trường Luật, Trụ đã là mẫu người Cường thán phục. Thông minh, sắc sảo, với tiếng cười ha hả và những lời châm chọc nhẹ nhàng cho bạn bè nhưng đau đớn cho người không ưa, Trụ có nhiều người muốn làm thân cũng như đầy kẻ thù, nhưng chàng cũng chỉ thân thiết với mình Cường. Hai người cùng học Luật nhưng hầu như không bao giờ đến trường, chỉ lấy những tập cua ronéo dầy cộm mang về, để chất đống một xó và cuối năm học gạo, đến trường thi và lên lớp đều đều. Cả năm học, hai người chỉ cần để ra một tháng cuối năm để học, thời gian còn lại là giang hồ khắp nơi khắp chỗ. Kỷ niệm sâu đậm nhất giữa Cường và Trụ là khi hai người ra Cam Ranh, nơi ông bố ghẻ của Trụ là Trưởng Ty cảnh sát tại đậy

    Khoảng thời gian đó Cam Ranh là nơi chốn xao động nhất nước. Tình hình chiến sự ngày một gay cấn và Hoa Kỳ đổ quân đổ tiền như nuớc lũ buông tràn vào Cam Ranh. Những bar rượu mọc lên như nấm và những cô gái điếm Việt Nam cũng theo nhau kéo đến đầy ngập Cam Ranh. Trụ và Cường dựa hơi ông bố ghẻ của Trụ, hưởng đủ mùi đời. Nhưng những trụy lạc của thành phố cũng không giữ hai chàng được lâu.

    Từ Cam Ranh, hai người đi về miền Trung và tại đây, Trụ đã gặp mối tình đầu tiên của chàng. Trụ yêu một cô gái, hơn chàng mấy tuổi, giữ chức vụ quan trọng trong đảng Đại Việt tại miền Trung. Và như một câu chuyện tình bi thảm trong tiểu thuyết, người yêu của Trụ bị bắn chết, vì một lý do mơ hồ về chính trị nào đó. Trụ trở về Nha Trang, uống rượu say khướt hàng mấy ngày liền. Và một buổi sáng tỉnh rượu, chàng khám phá ra mình đã làm đám cưới đêm trước với một cô gái nào đó, cùng tên với người yêu cũ của mình!

    Thăng quen Trụ qua Cường. Chàng thân với Cường những ngày Cường học Luật, qua một người bạn khác. Và khi Thăng vào làm thiếu úy cảnh sát ở quận ba, Trụ đã trở thành thân thiết với Thăng cũng như Cường, ba người ngao du khắp phố phường Sài Gòn trên chiếc xe Jeep cảnh sát của Thăng. Nhưng Thăng thân với Trụ nhất khi chàng đi học khoá đại úy cảnh sát và được thuyên chuyển lên giữ chức vụ trưởng ban Phượng Hoàng trên Đà Lạt. Trụ cũng vừa được về dạy ở Võ Bị Đà Lạt và Đại Học Chính Trị Kinh Doanh. Hai người cùng ở một thành phố và cũng cùng túng thiếu như nhau. Thú giải trí duy nhất chỉ là ngồi quán cà phê và đánh bi da qua ngày. Chỉ khi nào Tùng lên chơi Đà Lạt, mang tiền bố mẹ cho lên tiêu xài, hai người mới sống huy hoàng được dăm ngày.

    Tùng thân với Trụ qua Thăng. Chàng là bạn học từ nhỏ với Thăng. Thuộc loại con nhà giàu, chân chỉ hạt bột, Tùng chỉ biết học và không hề biết những thú vui giang hồ nào. Cho đến khi bắt đầu chơi thân với Cường và Trụ. Và những ngày Thăng làm thiếu uý cảnh sát tại quận ba, những cuộc vui ban đêm với ba người bạn đã mở mắt cho Tùng thấy cuộc đời còn nhiều chuyện vui khác ngoài chuyện học giỏi, lên lớp đều đều mỗi năm!

    Kỷ niệm giữa Tùng với Trụ sâu đậm nhất là khi Tùng biết Trụ đang đói rách, chờ đến ngày nhập ngũ vào Thủ Đức, đã lặn lội đi tìm việc cho bạn. Bà dì của Tùng vừa được cơ quan Ford Foundation thuê để dịch các bài báo Việt Nam viết về chiến dịch khai quang rắc chất hoá học Agent Orange của quân đội Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu về phản ứng của dư luận báo chí Việt Nam thời đó trước chiến dịch khai quang này. Bà dì của Tùng cần những sinh viên giỏi Anh ngữ để vào thư viện quốc gia dịch tất cả các bài báo viết trong khoảng thời gian đó. Và Trụ là người đầu tiên Tùng nghĩ đến để giúp khi biết có công việc thích hợp cho Trụ, lại ngắn hạn trong mấy tháng trước ngày Trụ nhập ngũ cộng với tiền thù lao béo bở.

    Khoảng thời gian làm việc tại thư viện quốc gia này có lẽ là lúc hạnh phúc nhất cho cuộc đời Trụ. Công việc nhàn nhã, thảnh thơi, lại có tiền đủ để Trụ hút thuốc, uống rượu. Chàng lại đem lòng mê say cô sinh viên Luật cùng làm một chỗ với chàng. Mối đam mê đến với chàng như những ngày của mối tình đầu với người yêu bị giết chết tại miền Trung. Nhưng Trụ chỉ dám say đắm một chiều, dù chàng biết nàng cũng có cảm tình và để ý đến chàng.

    Vì Trụ đã có vợ. Và một đứa con trai mới sinh! Trụ không hề để ý đến người vợ chàng cưới trong cơn say ngày nào tại Nha Trang. Nhưng đứa con trai, Khuất Nguyên, là một ràng buộc mới cho chàng. Và mối tình đẹp một chiều, cũng chỉ như thế, không thể trở thành gì khác, chỉ còn lại một kỷ niệm êm đềm cho chàng những ngày trong quân trường.

    Trụ vào Thủ Đức, sau khi xong Cao Học Luật. Chàng không còn lý do nào khác để được hoãn dịch. Dù gia đình Trụ thế lực và có thể chạy chọt để chàng được miễn dịch vĩnh viễn. Trụ không thể chấp nhận điều đó. Bản tính chàng không bao giờ muốn luồn lọt để được an thân. Và dù quan niệm của chàng vẫn không thay đổi về sự phi lý của cuộc chiến, Trụ bình thản lên đường vào Thủ Đức để nhập khoá sĩ quan.

    Điều Trụ không ngờ đến là cá tính của chàng ra ngoài khuôn khổ để theo kỷ luật và sự huấn luyện của quân trường. Chàng không chịu nổi sự chỉ huy và áp chế của người khác. Trụ luôn luôn nhìn thấy những yếu điểm và những giả tạo của cấp trên. Và chàng không bao giờ im lặng để giữ những nhận xét đó cho riêng mình. Những chỉ trích của chàng đưọc coi là sự nhạo báng cấp trên và những lý luận của Trụ bị coi là sự chống đối không thể chấp nhận được cho kỷ luật của quân trường. Và kết quả là ngày tốt nghiệp khoá sĩ quan, Trụ bị đánh rớt. Và bị tống ra ngoài Đồng Đế để đi học tiếp khoá hạ sĩ quan!

    Chứng nào tật ấy! Ngay cả khi bị hành tại Đồng Đế, Trụ vẫn không thể im lặng và không thể ngưng những câu chỉ trích, chế nhạo những kẻ có quyền hành, có đủ phương cách để làm đời chàng khốn khổ. Trụ sau đó bị đuổi khỏi trường huấn luyện hạ sĩ quan để ra làm binh nhì, tống lên một khu tiền đồn lẻ loi trên Ban Mê Thuột! Trong mấy tháng này, cuộc đời Trụ có lẽ đã xuống đến tận cùng. Chàng viết thư cho Tùng, tả những ngày làm bạn cùng khỉ vượn trong rừng sâu của vùng cao nguyên, giờ đây chỉ biết "sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc".

    Đến giai đoạn này, gia đình của Trụ thấy không có cách nào khác hơn là nhúng tay vào can thiệp. Dù Trụ không nói và không yêu cầu, ông bố ghẻ của chàng đã dùng những đường dây quen thuộc trong Tổng Tham Mưu để đưa Trụ ra khỏi tiền đồn hẻo lánh trên Ban Mê Thuột và bốc chàng trực tiếp về trường Võ Bị Đà Lạt để dạy về Chính Trị Học tại đây!

    Trụ là một sinh viên sáng chói tại trường luật. Chàng là người trẻ tuổi nhất đậu Cao Học Luật và những cuộc tranh luận của chàng tại trường đã được các giáo sư Luật nể vì. Một người tài giỏi như Trụ không thể vì những thù hằn cá nhân của một số huấn luyện viên tại Thủ Đức và Đồng Đế dìm đến mức đánh rớt trở thành binh nhì và đầy ra một tiền đồn hoang vu. Bộ Tổng Tham Mưu sau khi xem xét hồ sơ của Trụ và được các vận động và khuyến cáo của các giáo sư Đại Học Luật Khoa, đã quyết định đưa chàng về trường Võ Bị Đà Lạt để dùng tài năng cuả chàng cho đúng mức.

    Đời Trụ đã tươi sáng trở lại ngày chàng lên Đà Lạt. Trụ cũng được mời để dạy thêm tại trường Chính Trị Kinh Doanh của Đại Học Đà Lạt. Chàng gặp lại Thăng nay đã là Đại Úy cảnh sát của chương trình Phượng Hoàng. Hai người bạn thân tương đối đã tạm ổn cuộc sống, thường xuyên mỗi đêm ra quán cà phê để đấu láo và bàn chuyện thế sự, chuyện những cấp trên tham nhũng, hách dịch và dốt nát.

    Trụ vẫn không thể bỏ được thói quen phê bình và chế nhạo những cấp chỉ huy của chàng. Những buổi nói chuyện tán gẫu này được Trụ gọi là "hài đàm", danh từ chế riêng của chàng. Và cuộc đời tuy yên ổn nhưng vẫn nhiều xung khắc của Trụ với những sĩ quan khác trong ban giảng dạy của trường Võ Bị, đã được Trụ mệnh danh là "hòa nhưng không đồng". Trụ đành chịu yên hòa với những người chàng coi thường và không ưa của ban giáo sư trường Võ Bị, nhưng chàng vẫn khinh bỉ và cương quyết không bao giờ trở thành "đồng", giống như họ và theo những đường lối chàng không chấp nhận được của họ.

    Tuy Trụ và Thăng yên ổn trên Đà Lạt nhưng cả hai người đều túng thiếu. Không thể làm được những chuyện bẩn để kiếm ra tiền, hai người chỉ sống vào đồng lương, không bao giờ đủ tiêu. Thăng gửi thư cho Tùng rủ bạn lên Đà Lạt chơi và nhân chuyện "tả oán". Tùng đã ra trường và làm việc ở Tây Ninh. Nhận được thư, chàng ra ngay bưu điện để gửi mandat tiền nguyên tháng lương vừa lãnh cho hai bạn. Vốn con nhà giàu, Tùng không bao giờ thiếu thốn. Ngay cả lương của chàng cũng chỉ vừa đủ để đổ xăng cho chàng chạy xe!

    Nhận được tiền của Tùng gửi lên, Thăng gọi ngay Trụ để ra tiệm ăn sang nhất trên Đà Lạt ăn uống một bữa no say. Hai người ngồi uống rượu thả tràn để say khướt đến hơn nửa đêm mới về. Thăng cũng đưa tiền cho Trụ để mua đủ thuốc lá Pall Mall hút cho cả tháng! Trụ thiếu gì cũng được nhưng thuốc lá Pall Mall và rượu Johnny Walker, chàng không thể thiếu. Đã có lúc Trụ đem đồng hồ đi cầm để có ít tiền mua thuốc, mua rượu. Nhà chàng không có đồ gì không cầm cố ít ra hai ba lần những lúc thiếu tiền cho hai thứ ghiền này.

    Ngày cả bốn người bạn gặp lại nhau là lúc Đà Lạt di tản chiến thuật và Trụ và Thăng đều chạy về được Sài Gòn. Cường và Tùng cũng đã có mặt tại Sài Gòn những tuần lễ cuối. Họ hẹn gặp nhau tại một quán cà phê và nói chuyện tìm đường để đi. Tùng được một người quen hứa đưa vào Tân Sơn Nhất để nằm chờ được phi cơ Mỹ bốc. Thăng và Cường bàn tính để ra Nhà Bè tìm đường biển để chạy. Riêng Trụ nhất định không đi. Chàng nói muốn ở lại để đối đầu trực tiếp với cộng sản khi chúng vào Sài Gòn. Chàng tiên đoán sẽ bị giết chết. Và chàng nói với ba người bạn thân: "Nếu chúng đem tao ra xử bắn, tao sẽ đòi một ân huệ cuối cùng. Là chúng đưa một tên lý thuyết gia giỏi nhất về chủ nghĩa cộng sản gặp tao để tranh luận tay đôi với tao về chủ nghĩa này!".

    Họ không gặp lại nhau sau đêm ngồi quán cà phê đó. Cả ba người Tùng, Thăng và Cường đi thoát ngày 30 tháng 4. Và Trụ ở lại, bị bắt đưa đi học tập. Đúng như Trụ đã tiên đoán, chàng đã bị cộng sản đem ra xử bắn ngay trong trại học tập chỉ ít tháng sau đó. Vì chúng đã không thể đàn áp được chàng. Những nhạo báng và chống đối của chàng đã làm chúng điên đầu. Và cách xử lý dễ dàng nhất của cộng sản với những người bất khuất như Trụ là đem ra giết ngay.

    Ba người bạn sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ được tin Trụ bị giết chết trong trại học tập. Họ không biết Trụ có được thoả nguyện cuối cùng là một cuộc tranh luận với một tên lý thuyết gia của cộng sản trước khi bị bắn hay không. Chắc chắn là không, vì đời nào cộng sản chịu sự nguy hiểm và nhục nhã là một lý thuyết gia có hạng của chúng, cãi không lại với Trụ!




    * * *



    Chú rể tiếp tục cất tiếng cười ha hả. Ba người bạn nhìn nhau. Tiếng cười này họ khi nào quên được. Biết bao lần họ đã nghe Trụ cả cười như thế. Tiếng cười hào sảng, ngạo nghễ nhưng vẫn nồng ấm khi chung quanh là bạn bè. Và khinh bạc khi có mặt những kẻ Trụ coi thường. Giọng cười xoáy vào tim ba người bạn. Vì chàng thanh niên trước mặt, với mái tóc bồng và cặp kính trắng, là Trụ, là bạn thân của ba người, của những ngày hơn ba mươi năm trước đây.

    Chú rể bỗng lắc mạnh người và mắt trợn lên, ngồi phịch xuống ghế. Hai tay và chân bắt đầu co giật mạnh. Tùng định tiến người lên để đỡ nhưng nhanh hơn, bà mẹ chú rể đã nhào lại, tay móc trong túi áo ra một viên thuốc nhỏ và banh miệnh chú rể nhét thuốc vào. Bà quay lại nhìn Tùng nói:

    - Cháu nó bị kinh giật, phải uống thuốc Tegretol này. Đã lâu lắm không bị, không ngờ hôm nay lại lên cơn như vậy.

    Chú rể gục đầu xuống chừng hơn nửa phút và bắt đầu mở mắt ngơ ngác nhìn quanh.

    Bà mẹ nói:

    - Con uống chút nước! Khổ quá, không chịu uống thuốc đều. May mẹ mang sẵn thuốc đi cho con.

    Ba người bạn nhìn nhau. Dù Trụ là bạn thân, họ chưa bao giờ gặp vợ con Trụ. Và thiệp cưới chỉ đề tên bà mẹ và tên người chồng chắc hẳn là chồng sau. Tùng xem lại thiệp mời. Chàng bây giờ mới để ý tên chú rể là Khuất Nguyên, tên đứa con Trụ đã hãnh diện đặt tên theo một nhân vật Tàu thời cổ và đã kể cho Tùng nghe sự tích tên đứa con của mình.

    Chú rể đứng dậy, xin lỗi mọi người và sau vài phút, tiếp tục cùng đoàn quan viên hai họ đi sang bàn khác chào bàn, như không có chuyện gì xảy ra. Tùng nhìn Thăng và Cường. Hai người chưa hoàn hồn, tiếp tục đứng yên như trời trồng, chỉ biết đưa mắt nhìn Tùng. Chàng lắc đầu:

    - Đừng hỏi tao! Tao không thể giải thích được. Khuất Nguyên này đúng là con của Trụ rồi. Tao đoán là nó bị động kinh thuộc loại do thùy thái dương ở trên não bộ. Những ngưòi bị động kinh loại này hay có những ảo giác rất lạ trước khi lên cơn giật. Nhưng ảo giác biến thành lời nói và cử chỉ của thằng Trụ như thế thì tao cũng chịu, không hiểu ra sao nữa.

    Thăng và Cường lắc đầu, không nói. Tùng là người của khoa học. Chàng chỉ tin vào những gì có thể chứng minh được. Nhưng Tùng biết, Thăng, Cường đều như chàng, đã nhìn thấy những gì xảy ra khi chú rể ngưng cơn kinh giật. Họ đã thấy một bóng mờ, thoát ra từ hai bên thái dương của chú rể. Và bóng mờ đứng đó, trong khoảnh khắc, dơ tay chào ba người, miệng mỉm cười, trước khi tan biến như làn khói vào thinh không.


    Nguyễn Đình Phùng
    Last edited by frankie; 03-27-2020 at 03:22 AM.

  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851

    Tội Ác



    Đôi mắt người đàn ông lạ mặt ngồi ngay bìa ngoài của hàng ghế đầu tiên làm linh mục Hoán chia trí trong buổi thánh lễ. Cái nhìn như gắn chặt vào khuôn mặt của người linh mục trẻ tuổi, soi mói, dò hỏi, phân tích, mổ xẻ từng ly từng tí làm cha Hoán cảm nhận được và thực sự khó chịu. Người đàn ông này đến đây không phải để dự lễ. Cha Hoán chưa bao giờ thấy người này trong số con chiên đi lễ hàng ngày. Vẻ ngồi cứng ngắc, thẳng đơ, ngang nhiên chiếm hàng ghế đầu tiên vốn được dành cho các vị chức sắc làm việc trong họ đạo và hoàn toàn chỉ ngồi yên trong suốt buổi lễ làm cha Hoán ngạc nhiên và bối rối. Người này là ai? Không phải đi dự lễ đến đây có mục đích gì? Và vẻ nhìn kỳ lạ có ý nghĩa gì?

    Sự khó chịu mỗi lúc một gia tăng khi cha Hoán biết mình đang bị chia trí và không cử hành thánh lễ một cách nghiêm trọng như mọi khi được. Nhưng sự tò mò dần dần lấn lướt. Cha Hoán liếc nhìn vài lần xuống người đàn ông lạ mặt. Ngoài cặp mắt dữ dội, mang một vẻ bệnh hoạn khác thường nhìn chăm bẳm, cha Hoán thoáng có một cảm giác quen thuộc với dáng dấp của người đàn ông đứng tuổi này.


    Khuôn mặt vuông, chiếc cằm bạnh ra hai bên với hàm răng chừng như lúc nào cũng nghiến chặt, đôi lông mày rậm như một con sâu róm nằm trên đôi mắt tạo một vẻ nguy hiểm và ngầm chứa sự ác ẩn hiện đâu đó. Thân hình của người đàn ông tuy ngồi nhưng vẫn cho cảm giác của một người to lớn với đôi vai rộng và ngang. Thánh lễ đã gần xong. Mọi người đứng dậy, cha Hoán liếc nhìn xuống người đàn ông và chợt rùng mình. Cảm giác bất an hiện đến, vu vơ nhưng mạnh mẽ, xâm chiếm như không thể rời bỏ được. Cha Hoán giơ tay ban phép lành chấm dứt buổi lễ và đi vào phòng trong thay áo.

    Người đàn ông đã đợi sẵn ngoài cửa khi cha Hoán ra khỏi phòng. Ông ta nói, giọng khàn, đục nhưng tiếng mạnh và rõ ràng:

    - Nếu cha không phiền tôi muốn được xưng tội.

    Cha Hoán liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Nửa tiếng nữa là giờ họp với linh mục chính xứ. Vị linh mục Hoa Kỳ già, khó khăn, chỉ chờ dịp để bắt bẻ những lỗi lầm cỏn con nhất. Và lúc này không phải là giờ giải tội thường lệ cho bổn đạo. Nhưng một điều gì đó khiến cha Hoán không thể chối từ được. Có phải vì giọng nói. Hay vì đôi mắt nhìn. Cha Hoán không cắt nghĩa được, chỉ biết gật đầu và chỉ tay về phía tòa giải tội, nói giản dị:

    - Ông đi theo tôi!

    Một khung gỗ nhỏ hình vuông với chấn song và một bức màn vải thưa phân cách hai người. Cha Hoán quàng dây khăn thánh qua cổ và ngồi xuống ghế chờ. Người đàn ông quỳ xuống bục gỗ ghé sát vào màn vải thưa và nói nhỏ:

    - Tôi chưa xưng tội đã gần 40 năm nay!

    Cha Hoán bên kia màn vải gật đầu. Không có gì đáng ngạc nhiên. Có lẽ 40 năm nay người này chưa đi nhà thờ, đừng nói đến việc xưng tội. Cha tự hỏi không biết ông ta còn nhớ đến làm dấu thánh giá không?

    Người đàn ông nói:

    - Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Nhưng tôi là kẻ có tội. Những tội của tôi làm không ai có thể tha thứ được.

    Cha Hoán nói:

    - Tội lỗi nào cũng có thể được Chúa tha thứ nếu ông có lòng hối cải.

    Người đàn ông lắc đầu:

    - Tôi không muốn xin được sự tha thứ. Tôi cũng không có lòng tin để được Thượng Đế tha thứ. Tôi chỉ muốn xưng tội của tôi. Chỉ thế thôi!

    Cha Hoán ngồi lặng yên không nói. Hai năm sau ngày đưọc phong chức linh mục, cha chưa bao giờ gặp một người như vậy trong tòa giải tội. Một điều gì đó nơi giọng nói của người đàn ông lạ làm cha Hoán sợ hãi, như linh cảm một chuyện bất tường. Người đàn ông bắt đầu xưng tội:

    - Tôi đã giết người và tôi đã hãm hiếp một người tôi thương yêu nhất trên cõi đời này!

    Cha Hoán giật nẩy mình. Chưa bao giờ cha được nghe một lời xưng tội giản dị và ghê gớm đến thế. Người đàn ông ngừng nói. Sự im lặng nặng nề và ngột ngạt làm cha Hoán cảm thấy buồn ói. Người đàn ông lạ cất tiếng, giọng thản nhiên và lạnh lùng:

    - Cha có cần biết thêm chi tiết không?

    Cha Hoán nuốt nước bọt nhiều lần mới có thể nói ra thành lời:

    - Có!

    Người đàn ông trầm ngâm một lúc, như thoáng có chút ngần ngại. Điều không thể nói ra đưọc, chưa bao giờ nói ra và bây giờ một thúc giục nào đó bắt buộc ông ta phải nói. Sau cùng ông ta lên tiếng:

    - Tôi hãm hiếp người em gái ruột của tôi. Tôi giết chết người yêu của nó. Còn tội ác nào kinh khủng hơn thế không?

    Cha Hoán không thể trả lời. Cổ họng cha đắng nghét. Tòa giải tội là nơi chốn để biết những sự xấu xa, khốn nạn nhất của con người, nhưng cha chưa bao giờ nghe một lời xưng tội như ngày hôm nay. Cha bất chợt làm dấu thánh giá. Sự ác như một làn sương khói tỏa ra từ phía bên kia màn vải ngăn cách làm cha rùng mình. Có lẽ có những tội không thể tha thứ được. Điều gì cũng có giới hạn của nó chứ! Cha Hoán làm dấu thánh giá một lần nữa. Không được! Nhiệm vụ của cha trong tòa giải tội này là tha thứ. Và cha Hoán làm bổn phận của mình:

    - Sự việc xảy ra bao lâu rồi?

    Người đàn ông trả lời:

    - Cũng gần ba mươi năm.

    Ông ta lẩm bẩm nói nhỏ như cho chính mình nghe: "Ba mươi năm! Ừ ba mươi năm rồi! Nhanh thật!"

    Cha Hoán hỏi tiếp. Sự khích động lúc đầu đã qua đi. Cha cần biết thêm để xác định tội của người đàn ông này:

    - Sự việc xảy ra ở đâu?

    - Ở Việt Nam, dĩ nhiên. Đúng hơn, ở Bảo Lộc, chỗ chúng tôi ở.

    Cha Hoán gật đầu. Bảo Lộc là nơi cha Hoán sinh đẻ. Người này cũng là người đồng hương! Cha Hoán bỗng có cảm giác thân cận hơn. Nhưng tội ác ghê sợ quá! Những năm dài ở chủng viện và hai năm ra xứ đạo chưa sửa soạn đủ cho cha Hoán để nhận lãnh lời xưng tội của người này. Sự ác có thể ẩn hiện trong muôn hình vạn trạng, nhưng ở điểm cao độ nhất và thuần túy nhất, vẫn là điều người linh mục trẻ tuổi chưa cảm nhận và thấu hiểu được.

    Người đàn ông nói tiếp:


    - Cha có biết thế nào là tình yêu không?

    Người đàn ông chợt cất tiếng cười. Giọng cười ngạo, khinh mạn. Như một người đã sống nhiều, đau khổ nhiều, đã ở dưới tận cùng của địa ngục và vượt thoát trở lại với cuộc đời, nhìn một kẻ trẻ tuổi hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng, không một chút ý niệm nào của cuộc sống thực sự. Người đàn ông lẩm bẩm, như tự nói cho mình nghe:

    - Ừ! Cha còn trẻ quá! Và chỉ biết tình yêu với Thiên Chúa! Làm sao cha có thể hiểu được!

    Cha Hoán hơi nhăn mặt. Giọng trịch thượng của người đi xưng tội này làm cha khó chịu. Cha trả lời:

    - Tôi có thể không biết tình yêu như ông nói nhưng tôi hiểu được sức mạnh và hậu quả của nó!

    Người linh mục trẻ tuổi nói bằng giọng quả quyết như một kẻ bị chạm tự ái. Nhưng trong thâm tâm, cha Hoán không chắc chắn hẳn. Người đàn ông xưng tội bên kia bức màn vải thưa phải là một thứ ác quỷ để phạm những tội lỗi ghê sợ đến thế. Và cha Hoán không tin cha có thể hiểu được loại tình yêu nào có thể là động cơ cho tội ác của người đàn ông này.

    Ông ta bắt đầu kể. Giọng nhỏ, thì thầm. Như nói với chính mình:

    - Tôi biết tình yêu của tôi với người em gái kế tôi không phải chỉ là tình ruột thịt thông thường ngày em tôi làm lễ hứa hôn với người yêu của nó. Tại sao có sự thay đổi lạ thường như thế xảy đến trong tôi, tôi không hề hiểu được. Và đột nhiên sự ghen tức, thù hằn người hôn phu của em gái tôi lên đến mức độ khủng khiếp, thúc giục tôi phải tìm cách giết hắn. Và tôi đã tìm cách thực hiện điều đó ngay trong mấy ngày sau.

    Người đàn ông chợt ngưng tiếng. Như bàng hoàng. Tội ác chợt hiển hiện trước mặt người đàn ông như lần đầu tiên ý thức được điều đó.

    Cha Hoán hỏi:


    - Ông giết người đó bằng cách nào?

    Người đàn ông như bừng tỉnh. Ông ta trả lời, giọng trở lại bình thường, thản nhiên:

    - Trong một cuộc hành quân. Tôi là đại đội trưởng. Hắn là đại đội phó. Tôi đổ cho là Việt Cộng giết hắn.

    Cha Hoán rùng mình. Những cái chết đến dễ dàng tại mảnh đất quê hương nơi cha đã rời bỏ để đến Hoa Kỳ khi mới chỉ là một đứa nhỏ. Tội ác được phạm đến mỗi giây, mỗi phút của thời kỳ chiến tranh cha Hoán không hề được biết đó. Và thêm một cái chết trong muôn ngàn cái chết của chiến tranh hẳn không nghĩa lý gì, dù là do tội ác của một người!

    Người đàn ông tiếp tục xưng tội:

    - Tôi hãm hiếp người em gái ruột của tôi khi báo tin người hôn phu của nó bị Việt Cộng giết chết. Ngay trong ngày hôm đó.

    Giọng ông ta chợt run rẩy. Bên kia bức màn vải thưa, cha Hoán có thể nghe thấy tiếng rung động của toàn thể châu thân của người đàn ông. Có lẽ lần đầu tiên người đàn ông nghe và hiểu rõ tội ác ghê gớm của mình. Bằng tiếng nói của chính ông ta.

    Cha Hoán làm dấu thánh giá. Sự dữ của con người có thể đến những mức độ như thế sao? Cuộc đời không lẽ đầy dẫy những bí mật kinh khủng chỉ biết được trong tòa giải tội như vậy. Cha Hoán thoáng có cảm giác nghi ngờ tính bản thiện của con người. Phải chăng sự ác cũng là một bản tính tự nhiên?

    Người đàn ông tiếp tục:

    - Tôi không gặp lại em gái tôi sau đó. Nó bỏ về Sài Gòn và tôi không gặp lại. Rồi sau 75 tôi bị vào tù cải tạo mười mấy năm. Ở trong tù tôi có nghe nói em gái tôi có thai và trở lại Bảo Lộc sống một thời gian trước khi đi vượt biên sang Hoa Kỳ.

    Người đàn ông ngưng không nói tiếp. Cha Hoán cũng im lặng. Một lúc người linh mục trẻ tuổi mới nói:

    - Thiên Chúa sẽ tha thứ cho ông nếu ông thực lòng hối lỗi. Nhưng trước đó ông phải xin được sự tha thứ của người em gái ông. Và đứa con của ông nữa!

    Người đàn ông trả lời:

    - Em tôi đã bị bệnh chết tại xứ này. Việc tôi làm đầu tiên khi được sang đây là kiếm tung tích em gái tôi. Tôi mới từ Cali sang đây hôm qua và biết được em tôi đã chết mấy tháng trước.

    Cha Hoán nói:

    - Việc đền tội của ông phải có sự tha thứ của những người ông đã gây ra đau khổ. Còn người con của ông?

    Người đàn ông hỏi lại:

    - Cha có tha thứ cho tôi không?

    Cha Hoán trả lời:

    - Tôi thay mặt Thiên Chúa tha thứ cho ông.

    Người đàn ông và cha Hoán cùng đứng dậy bước ra khỏi phòng giải tội. Họ đứng sững nhìn nhau. Trong bóng tối đang kéo đến của ngôi thánh đường, những ngọn nến lung linh của bàn thờ bên cạnh hắt ánh sáng lên khuôn mặt của người đàn ông lớn tuổi và cha Hoán. Người linh mục biết tại sao có cảm giác quen thuộc với người đàn ông này. Họ có cùng một nét mặt, một dáng người. Và nếu cùng một tuổi tác, người ta sẽ nói họ là anh em sinh đôi. Nhưng họ cách nhau đến ba mươi năm. Và giống nhau từng nét, từng điểm một của người cha đã truyền hết tất cả những đặc tính di truyền xuống người con. Chỉ trừ sự khác nhau trong tận cùng của đáy mắt. Nơi đó có sự khác biệt của tội ác và sự tốt lành.

    Người đàn ông quay lưng đi ra khỏi nhà thờ. Bóng tối đã chụp hẳn xuống bao phủ lấy bóng hình khuất dần trong màn đêm. Như sự ác đã xa rời. Và đã được chính hạt giống của mình nhân danh sự tốt tha thứ cho tất cả.


    Nguyễn Đình Phùng
    Last edited by frankie; 04-02-2020 at 03:20 AM.

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851


    Bàn tay sáu ngón




    Mới nhận được cú điện thoại của anh bạn. Giọng anh hào hứng, vui vẻ lạ thường:

    "Tao gốc Ý mày ơi! Italian hẳn hòi! Tao mới nhận được kết quả thử DNA sáng nay. Tao có 20% DNA Âu Châu, loại Mediterranean gốc Italian. Không sai vào đâu được!"

    Anh bạn tôi là dân Việt chính cống, Bắc Kỳ di cư, đạo Công Giáo đặc sệt từ thời mấy ông cố Tây sang đây truyền đạo. Nhưng anh có một vẻ gì khác lạ, không giống ai! Trông hơi có vẻ lai lai, không nhiều lắm. Anh có mũi khá cao, đôi mắt hơi gần nhau, mang một sắc thái hơi Tây Phương! Anh bạn kể lại có người bà, em của ông nội anh, là một nữ tu đứng đầu một giòng tu, trông như một bà soeur Tây, ai nhìn cũng tưởng là bà sơ từ bên Pháp được cử sang để cai quản tu viện. Nhưng người bà của anh là Việt Nam thuần túy, hồi nhỏ đã theo phong tục sơn đen hàm răng. Nên ai nhìn cũng lạ! Bà sơ người cao lớn, mũi cao thẳng, đẹp thanh tú, trông uy quyền như một bà sơ Tây cai quản tu viện. Nhưng lúc cười lại để lộ hàm răng đen tuyền của người Việt cổ xưa!

    Lý do anh bạn đi thử DNA để tìm hiểu về tông tích của mình, vì một câu chuyện tình cờ lạ lùng, anh bạn đã kể cho tôi nghe một tháng trước đây:

    Tao mới đi du lịch bên Spain về! Có câu chuyện này hay lắm, kể cho mày nghe chơi! Đoàn du lịch của tao có hơn ba chục người. Tao đi một mình, nên để ý xem có cô nào đẹp, ngon lành mà available, tao tìm cách tán cho đời thêm hương! Trong đoàn chỉ có tao là Á Châu, còn lại đa số là Mỹ trắng. Tao để ý ngay hai cô gái khá đẹp đi với một bà già, chắc là bà cháu dắt nhau đi du lịch, thưởng ngoạn. Tao tìm cách làm quen ngay. Cô chị đẹp hơn, đang học về Fine Arts ở New York University, thích nói chuyện nghệ thuật, đúng sở trường của tao. Thế là tao thao thao giảng về hội họa, kiến trúc, âm nhạc cho ba bà cháu nghe. Tới Alhambra, tao nhờ đọc sách trước nên chỉ dạy mọi chuyện về văn minh Hồi Giáo hồi chiếm cứ Spain thuở xưa. Hai cô nàng trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhất là cô chị, có vẻ chịu đèn lắm rồi!

    Nhưng bà già có vẻ gì rất lạ. Bà cụ không nói gì, lặnh thinh nghe tao ba hoa. Nhưng cứ chăm chú nhìn vào ngón tay dư thứ sáu của bàn tay trái của tao. Mày chơi với tao từ nhỏ mày biết rồi đấy. Tao có bàn tay 6 ngón, bị tụi chúng mày chọc ghẹo suốt cả thời niên thiếu. Nhưng tao đâu care chuyện chúng mày chọc đâu! Vì tao thương ngón thứ sáu này vô cùng! Tao không bao giờ chịu đi cắt, nó sinh ra với tao, nó sẽ ở với tao đến lúc chết!

    Hồi đó là mùa hè, bên Spain nóng chảy mỡ, tao có lần mặc chiếc áo mỏng, cởi khuy phía trên cho mát. Tao đang đi với ba bà cháu, chợt thấy bà cụ như khụyu xuống, miệng lắp bắp nói không nên lời, mắt dán chặt vào cái bớt trên ngực của tao, vì áo cởi khuy trên nên lộ rõ ra. Bà dơ tay chỉ vào cái bớt đỏ thẫm, có hình 5 cạnh như ngôi sao, nằm ở ngực trên phía trái của tao. Bà cố gắng lắm mới nói ra lời, hỏi tao có chiếc bớt đỏ này có phải từ lúc mới sinh ra không? Tao gật đầu. Bà cụ nắm chặt lấy bàn tay trái của tao, mân mê ngón thứ sáu nhỏ xíu, lỏng lẻo, nâng niu như một thứ báu vật lạ thường. Rồi bà nói nho nhỏ:

    "We are related!"

    Tao ngẩn người, không hiểu gì cả. Làm sao related được. Tao dân Việt, ba bà cháu Mỷ trắng ở New York, hoàn toàn không dính líu gì. Làm sao có họ hàng với nhau được!

    Bà cụ giải thích:

    Tôi có người em trai, cậu ruột của hai cô này đây. Ông trông giống em tôi lắm, dù là chủng tộc khác nhau. Cũng một kiểu khuôn mặt, dáng dấp giống nhau. Nhưng điêu làm tôi chú ý đến ông ngay ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau là bàn tay trái 6 ngón của ông. Em tôi cũng có bàn tay trái 6 ngón như thế. Nhưng nhiều người cũng có tật này, dù bây giờ hầu hết ai cũng đi cắt ngón dư này từ thuở còn nhỏ. Em tôi không chịu đi cắt, như ông giữ ngón tay dư này.

    Nhưng đến hôm nay khi thấy vết bớt đỏ hình ngôi sao trên ngực trái của ông, tôi mới chắc chắn hẳn. Vì em tôi cũng có vết bớt đỏ y hệt như của ông. Và trong gia phả họ hàng của tôi có ghi lại, đã từ nhiều đời hàng mấy trăm năm nay, một số người đàn ông trong họ của tôi có đặc điểm này. Là có bàn tay trái 6 ngón và vết bớt đỏ hình ngôi sao trên ngực trái! Em trai tôi có đi hỏi một số nhà chuyên môn về di truyền học trên New York về hiện tượng này. Họ giải thích đây là một đặc điểm di truyền theo nhiễm thể X do người mẹ truyền xuống cho con trai. Tính cách di truyền này giống như bệnh hemophilia.

    Đặc điểm này nhảy một đời vì người đàn bà không có bệnh hay không phát hiện ra dù mang nhiễm thể X có gene này. Chỉ khi nào có con trai với nhiễm thể X này do người mẹ truyền xuống mới sinh ra bệnh. Hay như đặc điểm di truyền của giòng họ tôi. Là có bàn tay 6 ngón và vết bớt đỏ hình sao trên ngực phía trái, chỉ do người mẹ truyền đặc tính di truyền này xuống cho người con trai mà thôi.

    Ông là người Việt Nam phải không? Tôi có nghe nói lại, hồi thế kỷ 18, trong giòng họ nhà tôi có người đi tu và sang truyền giáo ở Indochina. Không biết chúng ta có dính líu liên hệ họ hàng với nhau do vị tu sĩ truyền giáo này hay không, tôi không hiểu. Nhưng tôi chắc chắn là bàn tay trái 6 ngón và bớt đỏ hình sao của ông phải là do đặc tính di truyền như trong giòng họ tôi!

    Anh bạn kể đến đây ngậm ngùi:

    Mày biết không? Tao nghe bà cụ nói, tao lạ lùng quá đỗi! Đủ mọi cảm xúc đến với tao. Chuyện đầu tiên là chuyện cô gái đẹp tao đang tán lại có họ với mình. Phiền phức quá! Nhất là lại có chuyện di truyền quái đản này. Làm tao nguội luôn chuyện tán tỉnh! Rồi nếu đúng là tao có đặc tính di truyền của giòng họ bà cụ già. Đây là do ông tu sĩ truyền giáo kia làm bậy với một nữ tín đồ là bà cố tổ của tao mấy trăm năm trước! Có thể đúng lắm! Ông tu sĩ truyền giáo này chắc là dân gốc Ý vì ba bà cháu đi du lịch với tao ở New York trong khu Little Italy ngay ttrong Manhattan, tổ tiên đến từ Ý. Dân Ý tóc đen, nếu pha với máu dân Việt mình, đẻ con chắc cũng nhập nhằng không thấy lai nhiều lắm! Cùng quá, bà cố tổ nhà tao chắc lấp liếm là vì nhìn tượng Chúa, tượng thánh đúc hình theo người Tây Phương nhiều quá nên nhập tâm, đẻ con trông cũng hơi lai lai! Tóc vẫn đen mà!

    Tao về đến Mỹ, đi theo ngay ba bà cháu tới New York để gặp ông cậu của hai cô gái. Tao với ông này trông giống nhau thật! Nhất là với bàn tay 6 ngón và vết bớt đỏ hình sao. Không thể tưởng tượng là sau vài trăm năm, cách xa mấy lục địa, mà đặc tính di truyền truyền xuống tao và ông cậu kia làm như hai người sinh đôi như vậy! Dù tuổi tác cách nhau một chút, nhưng chúng tao thành bạn chí thiềt ngay! Một giọt máu đào hơn ao nước lã mà! Dù là giọt máu này chảy từ bin Địa Trung Hải, truyền sang tới Thái Bình Dương! Kể cũng lạ thật!

    Tao vẫn đi thử DNA như thường! Dù tao tin tới 99% là chuyện đúng như vậy thật! Tao tính ra là 5 đời. Từ thời ông tu sĩ truyền giáo gốc Ý làm bậy bà cụ tổ của tao đến nay, đến bây giờ phải qua 5 thế hệ rồi. Và DNA của tao phải có 20% gốc Ý. Tao sẽ gọi cho mày biết ngay khi nhận được kết quả.

    Và sẽ bao mày một chầu du lịch nước Ý, gọi là để tao đi về nguồn! Cũng chẳng sao! Mình là dân chơi, giang hồ bốn bể, tứ xứ là nhà. Đâu cũng là quê hương! Việt Nam hay Italy cũng vậy mà thôi!

    Ciao nghe mày!



    Nguyễn Đình Phùng

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851


    M
    ỵ Viên



    Người thiếu nữ đứng sau lưng Tụy nhìn chàng vẽ đã lâu lắm và Tụy bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sự hiện diện của người thiếu nữ này.

    Chàng ra Nha Trang nghỉ hè được hơn một tuần và không cảm thấy hào hứng gì với chuyện ngày hai buổi ra biển tắm và phơi nắng. Tụy xách giá vẽ ra biển tìm chỗ vắng người với phong cảnh thích hợp để hết tâm hồn vào việc ghi lại trên khung vải những cảm xúc, rung động của chàng. Hình ảnh của biển xanh bát ngát, tiếng sóng, những uyển chuyển của cánh chim hải âu bay lượn, những cố gắng của người thuyền chài da ngăm đen, bóng nhẫy kéo lưới, tất cả được chàng say sưa ghi nhận và diễn tả với cọ, sơn và khung vải.

    Tụy đôi khi bị một vài người qua lại đứng dòm ngó, nhưng hầu hết đều không hiểu gì cả và ít quấy rầy chàng lâu. Nhưng lần này khác hẳn, thoáng thấy bóng người thiếu nữ từ đằng xa tiến lại phía chàng và dừng lại, Tụy cũng không để ý gì lắm và tiếp tục vẽ. Nhưng đã lâu lắm, Tụy không thấy người thiếu nữ bỏ đi như những người khác và chàng cảm thấy sự hiện diện của nàng sau lưng chàng, bất động như pho tượng, hoàn toàn không hề xáo trộn cả đến khoảng không gian chung quanh chàng, như một người không bóng, không hơi thở. Sau một lúc, Tụy không để ý gì đến người thiếu nữ nữa và chàng để hết tâm trí vào việc hoàn thành bức họa.

    Khi trời đã gần về chiều và gió biển bắt đầu thổi mạnh, Tụy dừng tay đứng ngắm bức tranh gần hoàn tất. Chàng thoáng nghe trong gió tiếng nói của người thiếu nữ. Giọng nói ngọt ngào, mê hoặc: "Tranh ông vẽ còn thiếu!". Và nàng đột nhiên băng mình chạy trên bãi cát, ra tận mỏm ghềnh đá nhô ra biển. Nàng lao đao chao người như sắp rơi xuống biển. Nhưng gượng lại được nàng đứng yên, chênh vênh trên ghềnh đá, bất động. Toàn thân nàng như pho tượng, tóc bay dài trong gió biển thổi càng lúc càng mạnh.

    Tụy như lên cơn sốt, chàng cầm lại cọ sơn vẽ vội vàng hình ảnh của người thiếu nữ vào bức tranh dang dở. Như sợ những giây phút rung động kỳ lạ sẽ vụt biến đi mất, không bao giờ còn nữa. Thời gian như ngừng lại. Và sau cùng chàng sung sướng chấm phá lần cuối cho bức tranh, vẹn toàn với hình ảnh người thiếu nữ tóc dài lộng gió biển trên ghềnh đá.

    Tụy được biết tên nàng là Mỵ Viên, tình cờ thấy chàng đang vẽ, nàng xin lỗi vì đường đột làm phiền nhiễu. Tụy đứng mê mẩn nghe nàng nói, giọng nói trong, ấm, nhẹ như làn gió. Và vẻ lạnh lùng đầu tiên chàng thoáng thấy nơi nàng đã đột nhiên tan biến, thay thế bằng những nóng bỏng, như ngọn lửa bắt đầu bùng cháy.

    Tụy mời Mỵ Viên đi ăn cơm tối và trong bữa ăn chàng cảm thấy bị quyến rũ nhiều hơn nữa với giọng nói đặc biệt của nàng. Mắt nàng long lanh nhìn chàng. Tụy bỗng có cảm giác rờn rợn, nhưng như chiếc kim nhỏ đặt gần thỏi nam châm lớn, chàng thấy không chống cự nổi với sức thu hút của Mỵ Viên. Nàng không nói gì nhiều về nàng, mỗi khi Tụy hỏi nàng lảng sang chuyện về hội họa, nghệ thuật. Tụy ngạc nhiên với tầm hiểu biết sâu rộng của nàng. Mỵ Viên bàn luận tinh tường về các trường phái hội họa, các họa sư danh tiếng, phân tích về đương lối dùng mầu sắc. Tụy nghe nàng phê bình bức tranh chàng vừa vẽ và chàng thấy ngay mình đã gặp được người tri kỷ, dù chỉ biết nhau mới chốc lát!

    Ngoài trời bắt đầu đổ mưa lớn. Quán ăn vắng chỉ còn Tụy và Mỵ Viên. Tụy cảm ơn cơ hội để ngồi lại với Mỵ Viên lâu hơn. Nàng bắt đầu nói chuyện âm nhạc và Tụy ngạc nhiên và thích thú hơn nữa khi biết nàng ưa chuộng nhạc cổ điển. Tụy cho nàng biết chàng học Tây Ban Cầm cổ điển tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Mỵ Viên mắt ngời sáng. Nàng nhất quyết đòi Tụy cho nghe tiếng đàn của chàng. Ngay trong đêm nay!

    Khi Tụy đưa Mỵ Viên về đến nhà trọ, trời cũng vừa tạnh mưa và bắt đầu sẩm tối. Mỵ Viên tự nhiên như chính nàng là chủ nhân căn nhà, lấy khăn lau khô mái tóc và pha trà cho chính nàng và Tụy uống. Tụy hơi ngạc nhiên nhưng cảm giác đó biến mất ngay. Chàng thấy thoải mái lạ thường, dường như đã biết nàng từ lâu lắm và những hành động của nàng như xảy ra mỗi ngày, không phải lần đầu nàng đến nhà Tụy.

    Mỵ Viên lần nữa đòi nghe chàng chơi đàn và Tụy thấy khó lòng từ chối. Chàng cẩn trọng nhấc cây đàn ra khỏi hộp đựng và bắt đầu bằng những bài cổ điển. Tụy càng chơi càng mải mê với âm nhạc như quên hẳn người thiếu nữ trước mặt đang chăm chú nghe tiếng đàn và nhìn chàng không rời mắt. Mỵ Viên như bị thôi miên và khi Tụy chuyển sang bài nhạc Adelita của Tarrega, nàng bỗng rùng mình thu người lại như một cơn sợ hãi nào vừa ùa đến tràn ngập và lôi cuốn nàng theo. Mỵ Viên nghe nốt nhạc cuối cùng, đứng dậy gỡ đàn ra khỏi tay Tụy và ôm lấy chàng. Giọng nàng ngọt, mềm, bao phủ và Tụy nghe nàng nói như cơn mê đắm: "Em yêu anh".


    ***


    Tháng hè đó đối với Tụy là cả đời chàng thu gọn. Nỗi hạnh phúc ùa đến như một cơn lốc. Ban ngày Mỵ Viên là người mẫu cho chàng vẽ. Nàng ngồi trên ghế đọc sách, đứng dưới gốc cây trước nhà hay trên bãi cát vắng người. Tụy mê mải ghi nhận vẻ đẹp tuyệt vời của nàng trên khung vải và chàng dùng những mầu sắc lộng lẫy, sống động nhất để diễn tả hạnh phúc và tình yêu của chàng. Tuy ao ước được vẽ nụ cười của Mỵ Viên nhưng chưa bao giờ chàng thấy nàng cười. Khuôn mặt của Mỵ Viên , kỳ bí và buồn bã, chàng vẽ tương phản với mầu sắc vui tươi và rực rỡ chung quanh nàng, như những luồng ành sáng chan hòa tìm cách xâm nhập vào sâu thẳm của tâm hồn nàng, nhưng không bao giờ thành tựu.

    Ban đêm Tụy đàn cho nàng nghe và khi giấc ngủ gần đến, Tụy bao giờ cũng chấm dứt với bài Adelita, buồn bã và êm ái đưa nàng vào giấc. Đôi khi chàng chưa kịp đàn bài nhạc và Mỵ Viên trách móc ngay: "Anh đừng bao giờ quên. Ngày em chết, em muốn anh bên cạnh đàn cho em nghe bài này".

    Cuối tháng đó, Tụy có chuyện cần phải về Sài Gòn vài ngày. Mỵ Viên đưa chàng ra phi trường và Tụy hẹn sẽ trở lại ngay. Mỵ Viên gật đầu nhưng nhìn cặp mắt nàng, Tụy có cản giác nàng tin tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau nữa. Mụ hôn từ giã của Mỵ Viên làm chàng rùng mình. Lạnh và buốt giá như nụ hôn từ biệt cuối cùng!


    Tụy băn khoăn và lo âu suốt mấy ngày ở Sài Gòn. Chàng vội vã giải quyết cho xong công việc và lấy vé trở lại Nha Trang ngay. Không thấy bóng Mỵ Viên đến đón chàng ở phi trường. Về nhà trọ Tụy cũng không thấy Mỵ Viên đâu.Vật dụng của nàng trong nhà vẫn còn nguyên vẹn và Tụy đoán nàng đi công tác như những lần trước. Mỵ Viên đã có lần giải thích mơ hồ cho chàng là nàng tham dự vào một đảng chính trị ở miền Trung. Nàng không nói nhiều và Tụy cũng không hỏi thêm.

    Đêm đó và cả đêm sau Tụy không thấy Mỵ Viên về. Chàng bắt đầu sợ hãi cho chuyện không may xảy đến. Tối đó một người đàn ông Tụy thoàng thấy nói chuyện với Mỵ Viên một hai lần trước đây, đến gặp chàng tại nhà và báo tin sét đánh. Mỵ Viên bị kẻ thù bắn tối hôm trước ở một làng nhỏ cách Nha Trang khá xa. Nàng tắt thở khi vừa đưa đến nhà thương thành phố. Người đàn ông kể lại nàng gọi tên Tụy trên suốt con đường đến nhà thương, cho đến lúc nàng hôn mê vì máu ra nhiều quá.

    Tụy thấy trời đất như sụp đổ. Như trong cơn mê, chàng theo người đảng viên của Mỵ Viên đến nhà thương để nhìn mặt nàng lần cuối. Tụy như người mất hồn và hoàn toàn trông nhờ vào người đàn ông lạ để lo liệu chuyện chôn cất cho Mỵ Viên.


    * * *


    Tụy trở về Sài Gòn sau khi mọi sự xong xuôi. Trước khi về Tụy ra mộ thăm nàng lần cuối. Cảm hứng của chàng về hội họa đã tiêu tan với cái chết của Mỵ Viên. Tụy đem hết cọ sơn ra đốt trước mộ nàng, nguyện suốt đời chàng sẽ không bao giờ vẽ tranh nữa.

    Cuộc sống ở Sài Gòn xô bồ với ồn ào, phù phiếm không làm cho Tụy quên được Mỵ Viên. Hạnh phúc của đời chàng, tình yêu, nghệ thuật đều đã không còn nữa. Tụy cảm thấy cuộc sống trở thành thừa thãi, vô ý nghĩa. Và cuối năm đó chàng nhận lời dạy văn khoa trên đại học Đà Lạt. Tụy hy vọng với yên tĩnh và cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng sẽ làm chàng nguôi ngoai phần nào nỗi buồn phiền. Hành lý của chàng chỉ gồm những bức tranh vẽ Mỵ Viên, cây đàn và mấy cuốn sách.

    Phòng trọ của Tụy ở trên đồi sát với viện đại học. Tụy cảm thấy hài lòng với quyết định của mình. Mỗi sáng chàng dậy sớm, nhìn mặt trời mọc trên đỉnh rừng thông, uống cà phê trong sương mù và đi bộ vào dạy học. Ngày tháng qua dần và Tụy tạm thấy an ủi phần nào trong nỗi buồn về Mỵ Viên. Cảnh đẹp của Đà Lạt, êm ả và trong sáng, đám sinh viên hiền lành quý mến chàng, tất cả giúp cho Tụy tìm lại niềm vui sống phần nào.

    Mỗi tối thứ bảy, Tụy đi uống cà phê và nghe nhạc tại một quán nhỏ gần viện đại học. Bạn chàng làm chủ quán, đã yêu cầu chàng trình tấu Tây Ban Cầm cổ điển cho cuối tuần. Nể bạn chàng nhận lời dù đã lâu lắm từ ngày Mỵ Viên mất chàng không hề sờ đến cây đàn. Tụy vẫn ân hận chàng đã không có mặt lúc nàng nhắm mắt để đàn bản nhạc Adelita như Mỵ Viên đã hằng ước nguyện. Chàng chơi đàn trong quán nhưng không bao giờ chơi bản Adelita. Cũng như sẽ không bao giờ vẽ lại. Tụy biết, hội họa và Adelita, chàng đã đồng hóa với Mỵ Viên. Không bao giờ còn nữa với chàng.

    Mỗi lần khi chơi đàn, Tụy để ý đến một nữ sinh viên trong lớp chàng. Bao giờ cũng có mặt. Người thiếu nữ tóc dài, trắng muốt khác thường và cặp mắt làm chàng nhớ đến Mỵ Viên. Lần nào nàng cũng đến để nghe Tụy đàn và về ngay khi Tụy chấm dứt. Tụy cũng không để ý gì nhiều hơn nữa.

    Tết năm đó, Tụy nghỉ hai tuần về Sài Gòn, sau ngày lễ chàng trở lại Đà Lạt. Điều đầu tiên Tụy chú ý là sự vắng mặt trong lớp của người nữ sinh viên mê say tiếng đàn của chàng. Tụy hơi thắc mắc nhưng cũng không để tâm đến nhiều. Cuối tuần chàng đến chơi nhạc tại quán của người bạn cũng không thấy người thiếu nữ tóc dài đâu.

    Sau phần trình tấu, một thanh niên tự xưng là anh của người thiếu nữ gặp Tụy cho chàng biết nàng bị ốm nặng và muốn được gặp Tụy. Gạn hỏi Tụy được biết nàng bị ung thư máu, hai tuần lễ vừa qua bệnh càng ngày càng trầm trọng và không hy vọng gì cứu chữa. Điều ước nguyện cuối cùng của nàng là được nghe tiếng đàn của Tụy và anh của nàng tha thiết xin Tụy chiều nàng lần cuối.

    Tụy xách đàn đi ngay đến nhà người thiếu nữ. Ngôi biệt thự đầy vẻ vắng lạnh trên đường Lữ Gia nằm cô lập trong khu rừng thông khá xa trung tâm thành phố. Chìm trong mầu tối đen của trời đất, những đám sương mù bắt đầu rơi xuống dầy dặc bao phủ căn nhà mang một vẻ huyền hoặc. Tụy chợt thấy ớn lạnh. Chàng nghĩ đến Mỵ Viên và ước nguyện được nghe chàng đàn bài Adelita trước khi chết. Tụy lắc đầu xua đuổi ý nghĩ và theo người thanh niên vào nhà.

    Anh nàng mời chàng lên phòng trên lầu. Tụy xách đàn mở cửa bước vào. Luồng khí lạnh làm chàng rùng mình. Chiếc giường treo lớp màn voan trắng toát, người thiếu nữ tóc dài đen nhánh phủ xõa trên gối. Khuôn mặt trắng bệch, nàng nằm yên không cử động. Tụy không thấy làn ngực thở và chàng cảm giác người thiếu nữ đã chết hay hơi thở chỉ còn quá nhẹ, chàng không biết nữa. Căn phòng không một chút sinh khí và ngọn nến chập chờn đầu giường làm Tụy đột nhiên sợ hãi.

    Chàng định quay ra khỏi phòng, nhưng vừa bước ra gần cửa, một giọng nói mơ hồ làm chàng đứng sững: "Anh Tụy". Giọng nói này chàng không thể nào nhầm lẫn. Giọng nói đã đưa chàng vào tình yêu, cho chàng những ngày hạnh phúc, vội vã, cô đọng, của cả một đời người. Giọng nói chàng biết sẽ không bao giờ còn có thể nghe lại được.

    Tụy quay người. Chàng gọi: "Mỵ Viên". Không! Không phải Mỵ Viên, người thiếu nữ trước mặt là cô nữ sinh viên đáng thương của chàng. Chàng biết mình đang có ảo giác với giọng nói của Mỵ Viên. Tụy lại gần. Người thiếu nữ từ từ mở mắt. Đôi mắt trên khuôn mặt nàng là đôi mắt của Mỵ Viên. Đôi mắt chàng đã bao lần ghi lại trên những bức tranh của những ngày hạnh phúc đã mất. Đôi mắt chàng không bao giờ quên, ám ảnh chàng từng giấc ngủ, suốt đời chàng. Mãi mãi.

    Người thiếu nữ mấp máy môi. Và lần này Tụy nghe rõ ràng tiếng nói của Mỵ Viên, vang vang trong căn phòng, dâng trào như từ đáy mồ vọng lên: "Em yêu anh". Đôi mắt người thiếu nữ ngước nhìn chàng. Tình yêu tỏa ra từ trong đáy mắt, bao phủ chàng, ngập tràn. Nàng nói: "Anh yêu, cho em nghe bản đàn của em".

    Tụy như bị thôi miên. Chàng mở hộp lấy đàn và ngồi xuống ghế sát cạnh giường nàng như những ngày hạnh phúc thuở trước. Và chàng đàn cho nàng nghe bài nhạc Adelita, bản đàn cuối cùng của nàng. Chàng đàn với tình yêu tràn ngập, với nghệ thuật đã trở lại. Để dàn một lần cuối. Để ước nguyện của nàng được trọn vẹn. Để giải thoát đến với nàng. Và đến với chàng.

    Khi những âm điêu cuối cùng của bản đàn chấm dứt, chỉ còn tiếng vang nhẹ ngân dài trong không gian, Tụy nhìn lên. Nàng mỉm cười, từ từ nhắm mắt. Những giòng máu đỏ từ vết thương đạn bắn trên ngực nàng bắt đầu chảy ra chầm chậm, đẫm ướt cả một mầu hồng trên chiếc áo ngủ lụa trắng. Cơn gió lạnh từ ngoài chợt thổi mạnh, mở tung cánh cửa sổ, ùa vào thổi tắt ngọn nến đầu giường. Và khi giọt sáng cuối cùng biến mất, nhường chỗ cho bóng đêm dầy đặc, Tụy biết chàng đã xa rời Mỵ Viên mãi mãi, nhường lại nàng cho nơi chốn của vô cùng và miên viễn.



    Nguyễn Đình Phùng



 

 

Similar Threads

  1. màu thiên thanh
    By bonita in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 374
    Last Post: 02-21-2015, 12:48 AM
  2. Thiếu nữ Việt thiên tài Violon
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 3
    Last Post: 01-27-2015, 04:37 AM
  3. Phạm thiên thư - người tu sĩ lãng mạn
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 14
    Last Post: 12-10-2013, 08:10 PM
  4. Lạc lối ... đến thiên đàng - Yellowstone Park
    By nguyenductrong in forum Du Lịch
    Replies: 0
    Last Post: 06-15-2012, 06:51 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:01 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh