Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    350

    THÔI THƯƠNG, THÔI NHỚ- Truyện ngắn

    Thôi thương thôi nhớ


    Tôi sinh ra dưới một mái chùa.

    Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?”

    Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại”.
    Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.

    Lớn lên, tôi giống cha tôi như đúc và rất được mẹ yêu chiều. Cha tôi mắt sáng, mũi cao, tiếng nói trầm ấm, tính tình hiền hoà trung thực. Khi còn là một chú tiểu đầu để chỏm, người đã nổi tiếng thông minh, mười lăm tuổi chép rành kinh chữ Hán. Rồi vì học giỏi, được cử làm giáo sư ở trường Trung học Bồ Đề, một trường phổ thông tư thục của Giáo hội.
    Lúc người sắp được phong Đại Đức thì gặp cô bé nữ sinh tinh nghịch, có đôi mắt hút hồn, đôi môi đầy đam mê và cái tính thích gì thì làm cho bằng được. Ban đầu, cô bé chỉ định quấy phá chơi để thử bản lĩnh của thầy. Nhưng rồi tình yêu là lửa, chính người muốn đốt lại cháy.

    Cả chùa ngẩn ngơ khi người thanh niên đạo hạnh vòng tay trước sư cụ trụ trì: “Yến bệnh nặng đã bốn tháng rồi, sợ rằng cô ấy chết. Thầy dạy con tu hành để cứu chúng sinh. Nay con có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ?”

    Cha tôi rời chùa, cô Yến khỏi bệnh rồi hai người thành vợ thành chồng. Ông bà tôi để lại một ngôi nhà, cha tôi cho dỡ đi, xây vào chỗ đó một ngôi chùa tư. Đã không bỏ đời theo đạo được, thì ông đem đạo về giữa đời.

    Sau khi đã có con, ông vẫn ăn chay, mặc áo nâu và tụng kinh sớm chiều. Có lần mẹ tôi đi chợ mua một xâu ếch, những con ếch theo phản xạ cứ chắp hai chân trước vái lia lịa.

    Một bà đi ngang bảo mẹ tôi: “Mấy con ếch lạy khéo không thưa thầy M.H”
    Rồi bà cười ha hả: “Đi tu mà chẳng chót đời, làm thân con ếch cho người lột da”.

    Tính mẹ tôi mau nước mắt, cứ vừa đi vừa khóc thút thít cho đến lúc tới nhà.

    Tối đó bà kèo nhèo mãi, năn nỉ mãi cha tôi tội gì không để tóc, ngả mặn, làm người trần cho sướng cái thân. Tu kiểu này, người ta nói không chịu nổi. Cha tôi chỉ cười, dường như chẳng để tâm. Cả đời người không tranh giành với ai mà như có phép thần thông, chạm vao đâu thì phất lên đến đó. Cơ sở làm hương trầm của người càng phát triển, mẹ tôi càng béo đẹp ra thì lời đàm tiếu của thiên hạ càng rần rần.

    Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao, mẹ bỗng đột ngột bỏ đi mất tăm…

    Cô ruột tôi giận lắm, bảo: “Mẹ mi là con yêu tinh, khi trước đã phá đời tu của cha mi, chừ lại phá luôn đời tục của ổng.”

    Ai cũng khuyên đăng báo tìm, nhưng cha tôi chỉ nói “Đừng”.

    Ông không trách móc gì, nhưng có lẽ ông buồn, tiếng tụng kinh đêm khuya nghe chừng khắc khoải. Chao ôi, với những con thuyền khắc khoải ấy, kiếp nào cha mới đến Tây Phương?

    Cơ sở làm hương từ đó phó mặc cho cô tôi. Cô tôi cho chặt cây, nhổ cỏ, sửa sang lại khu vườn sáng sủa. “Thiệt là hư sự, ai đời lập chùa mà lại trồng hoàng lan trong sân. Mùi hoàng lan là mùi ma, hèn chi ma chướng nó phá cho như thế ni.”

    Tôi dân dấn nước mắt nhìn người ta chặt cây hoàng lan, cành lá vứt bừa bãi trên mặt đất. Ngày xưa, gội đầu xong mẹ tôi thường hái hoa giấu vào búi tóc cho thơm. Bây giờ người đã đi, hoa cũng không còn…

    ***
    Năm tôi mười tuổi, có vị Đại Đức trên núi về thuyết pháp ở chùa Diệu Đế. Tôi đi theo cô tôi đến nghe. Khi trở về tôi xin xuất gia.
    Cha tôi bảo: “Kinh sách ở đây, chuông mõ ở đây, con còn đi đâu?”
    Tôi chỉ lắc đầu…

    Nơi thầy tôi ẩn tu là Bích Vân am – am Mây Biếc. Mười năm khai sơn, thầy đã cùng đồ đệ trồng hơn hai chục mẫu bạch đàn và ba ngàn giò phong lan đủ loại. Các sư huynh dạy tôi chăm hoa, tưới cây mỗi sáng. Buổi chiều đi học ở trường Nam Giao.

    Năm mười lăm tuổi tôi bắt đầu chướng tính.

    Sư huynh hạch tôi: “Bạch thầy, Đăng Ninh trốn học, la cà ở quán cà phê Tím. Người quanh đó ai cũng chê cười, họ nói cô ruột Ninh làm hương giàu có, cúng dường nhiều tiền nên thầy thả cho Ninh tha hồ tự tung tự tác”.

    Tôi ức, lầm lì không nói, thầy cũng không quở. Tính thầy rất nghiêm, không mấy khi la rầy mà đồ đệ ai nấy tuân lời răm rắp.
    Chỉ riêng với tôi, không hiểu sao thầy đặc biệt khoan thứ.

    Sợ thầy phạt, đợi lúc sắp tụng kinh, tôi biện bạch: “Bạch thầy, ngày xưa cha con thường bảo: tu trên núi, tu giữa chợ mới là khó. Không ở giữa đời, làm sao hiểu đời đục mà tránh?”

    Thầy hỏi: “Ai bảo con là đời đục? Đời không đục, không trong.”

    Tôi hụt hẫng, không hiểu ý thầy định nói gì.

    Tu trên non bây giờ thật ra cũng không phải dễ. Thầy tôi tránh đời vào núi sâu nhưng rồi vườn lan Mây Biếc nổi tiếng quá nên người trần lại kéo lên thưởng ngoạn. Thứ bảy, chủ nhật, học trò đạp xe lác đác trắng trên con đường mòn tới thảo am. Mấy cô nữ sinh nhỏ tuổi mê hoa ngẩn ngơ ngắm bông súng tím trong hồ, chạy vào tới tận hiên, chỗ thầy ngồi viết sách.

    Thầy không quở, cũng không ngẩng lên nhìn.

    Một cô bé chạy đến gần tôi, nhìn những làn sương li ti mà tôi đang xịt lên những chồi đang đơm nụ. Cô hỏi tôi tên hoa, tôi giảng:
    “Đây là giống Tiểu Hồ điệp, nghĩa là bươm bướm nhỏ. Em thấy không, trông xa chấp chới như đàn bướm cải màu vàng”.

    Cô chìa tay với những ngón búp măng, hứng sương.
    Tôi cau mày: “Này, đừng nghịch”. Cô bé cứ đùa với những bụi nước, chẳng để ý lời tôi. “Anh cứ tưới đi, em cũng là Lan”.

    Tôi cáu, xịt cho nước rơi ướt cả tóc, cả áo cô bé. Mấy cô bạn cười rúc rích, khi về có cô còn nói vọng lại: “Con Lan hên quá, gặp chú tiểu vừa đẹp trai vừa quậy”. Tôi tủm tỉm cười.

    Sư huynh tôi cáu kỉnh: “Mấy con Thị Màu đời nay quá quắt lắm. Bay không biết quyến rũ sư tăng là tội đoạ địa ngục hử?”

    Tôi cự: “Người ta chỉ đùa thế, có gì mà gọi là quyến rũ”.

    Từ đó, vài hôm một lần, Lan lại đến giúp tôi tưới hoa. Tôi dạy cho cô biết về phong lan, đây là cả một thế giới còn đa dạng hơn thế giới người. Phượng Vĩ đỏ rực, Tuyết Điểm thì trắng, Vũ Nữ thì như đang múa trước giò.

    Lan phụng phịu: “Hoa nào cũng có tên riêng, chỉ em không có”.

    Tôi nhìn khuôn mặt cô, đôi mắt trong trẻo với cái miệng hồn nhiên như trẻ thơ. “Vậy tôi đặt cho cô một cái tên. Tên cô là Tinh Khôi”.

    Thầy biết tình thân giữa tôi và Lan. Sư huynh không vui lòng, thầy chỉ bảo: “Không can gì”.

    “Bạch thầy, người này có bạn thì người kia có bạn, rồi con gái kéo đến đầy thảo am, còn cái thể thống gì nữa?” Thầy gật đầu.

    Chiều lại, tôi mài mực hầu thầy, thầy đem cho tôi xem bộ tranh mười bức vẽ mục đồng chăn trâu. “Đây là thập mục ngưu đồ, cũng là quá trình tu học của một con người. Trâu không là trâu, mà chính là cái tâm ta đó”.

    Tôi động lòng, hỏi: “Bạch thầy, con xem bức vẽ cuối cùng, không còn trâu, chẳng còn người, chỉ còn trăng soi. Vậy cớ gì phải sống trong dây trói. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc ngộ đạo mà không kiêng rượu thịt, vì chay mặn chỉ là hình tướng bên ngoài, không can hệ đến sự giác ngộ bên trong”.

    Thầy cười: “Đúng, con ạ, với bậc đắc đạo là thế. Nhưng khi ta còn là một người phàm, thì cũng như con trâu kia, phải có sợi dây buộc, có người chăn dắt. Đến khi cái tâm vững rồi, sáng rồi mới có thể như trâu đen thành trâu trắng, không ràng không buộc, chẳng những nhởn nhơ trên cỏ xanh mà còn bay lên chín rầng mây”.

    Tôi vái thầy mà thưa: “Con hiểu rồi, nhưng nhà chùa chẳng thể xua đuổi ai. Từ mai con xin thôi không giữ vườn lan nữa.”

    Mấy hôm sau, Lan thấy sư huynh ra tưới vườn, còn tôi thì chẻ củi.

    “Anh không thích phong lan nữa sao?”. “Không. Muôn hồng nghìn tía, chẳng qua cũng chỉ để nhìn trong chốc lát. Một đời tôi chỉ riêng nhớ hoàng lan”.

    Tôi giảng cho cô bé biết hoa hoàng lan cánh mảnh mai, vàng như màu chim hoàng yến. Thuở trước, cứ rằm, mồng một, các bà hàng hoa lại đến mua, họ gói hoa trong lá chuối, từng gói nhỏ xinh xinh toả thơm ngây ngất.

    Lan bảo: “Thích ghê, em chưa thấy bao giờ”. Ừ, loài cây ấy có lẽ giờ đây đã tiệt giống rồi hay sao, nhiều lần theo sư huynh đi chợ mua bông chuối, tôi để ý tìm mà không thấy nữa. Tôi lớn lên, lòng bâng khuâng như thiếu vắng một thứ gì, cứ mơ hồ nhớ nhớ, thương thương…

    ***
    Cuối năm, anh em tôi kẻ kéo người đẩy, chở phong lan xuống phố đổi gạo. Ông chủ tịch hội hoa cảnh hài lòng lắm khi thấy những giò mũm mĩm với chồi xanh đầy nụ. Ba bao gạo lớn được bưng ra.

    “Cha ơi, con có làm một ít bánh trái cây để cúng dường”.Tôi nghe tiếng, quay lại, sững người vì thấy Lan.

    Ông chủ tịch âu yếm bảo: “Cúng dường thì phải cung kính. Con phải tự lên chùa lạy Phật mà dâng”.

    Tôi hãi hồn, vội nói: “Thôi thôi, khỏi phiền nữ thí chủ. Nhận ngay ở đây”. Lan bật cười, lại cái cười tinh khôi.

    Rồi Lan nhìn tôi buồn thiu: “Sao lâu nay anh không ra vườn? Em lên chùa, biết anh trong bếp mà mấy chú không cho vào. Riết rồi em buồn không muốn đến nữa”.

    Mấy buổi sau, tôi theo các bạn cùng lớp vào quán. Lan ngồi ở đó, sau chiếc bàn con bên cửa sổ. Các bạn tôi ai cũng nhìn về phía Lan, còn cô bé thì chẳng nhìn ai, cứ lặng lẽ một mình. Ngồi ở một bàn xa mà tôi như thấy cả bầu trời hoàng hôn tím, tím ngát ngoài kia đang in trong đôi mắt Lan. Mãi đến khi chúng tôi ra về, Lan mới ngoái nhìn, ánh mắt thơ ngây mà não nùng. Bỗng dưng đỏ mặt, rồi tôi thấy hoảng sợ vì mình đã đỏ mặt…

    Một người con gái chiều nào cũng ngồi ở quán Tím, chẳng bao lâu đã thành đề tài để bọn con trai bàn tán.

    “Con Lan sữa tươi trông xinh vậy chứ nó mắc bệnh sợ đàn ông. Đếch thằng nào đến gần được, nó tránh như tránh tà”.

    “Không phải đâu, nó giữ giá để chờ lấy Việt kiều, thằng Hùng ở Cali về ngày nào cũng trực ở nhà nó”.

    “Giữ giá cái gì, nó ưa thằng Quắn chạy bàn ở cà phê Tím. Tao thấy nó ngồi một bàn với thằng Quắn, khóc rưng rức”.

    Tôi im lặng, một lát sau mới bảo: “Khó tin”. “Ở đời chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra – bạn tôi nói, vẻ ông cụ non – Chiều qua chính mắt tao thấy nó chạy ra sau quầy đưa bức thư cho thằng Quắn”.

    Đạp xe về đã đến quá lăng Tự Đức, tự nhiên tôi bứt rứt không chịu được. Tôi quay xe, đạp về nhà Lan. Mưa phùn lướt thướt trên con đường về Bao Vinh xa tắp.

    Mẹ Lan hỏi: “Nhà chùa có việc gì mà nhắc cháu lên? Thấy Quắn về nhắn, tôi cho cháu đi ngay rồi”.

    Tôi tái mặt, không kịp chào, đạp xe đi như tên bắn. Tim tôi dội thình thịch vì âm vang những lời nói của sư huynh khi Lan mới lên thảo am lần đầu: “Cô gái này đẹp đẽ thanh tú nhưng đuôi mắt quá dài, môi mỏng, cổ cao, tai nhỏ. Đấy là tướng hồng nhan mệnh yểu.”…

    Trời chập choạng tối, tới Nam Giao. Nhìn dáo dác hai bên đường, tình cờ thấy Quắn và Lan cùng ngồi trong quán ốc. Quắn gọi rượu, đang ép Lan uống, Lan lắc đầu, Quắn cố nài.

    Tôi đi vào, đấm mạnh vào mũi Quắn: “Đồ lừa đảo. Từ nay chừa cái thói dỗ gái đi”.

    Quay sang Lan, tôi nạt: “Đi về!” Không biết Lan có bị một thứ thuốc mê gì không, mặt ngây ngây như bị bỏ bùa. Tôi chở Lan đi.

    Quắn biết tôi có võ Thiếu lâm nên đành chịu phép, hậm hực chùi máu mũi nhìn theo, cái nhìn của một con thú mất mồi…

    Trên đường về, Lan tỉnh lại, gục mặt vào lưng tôi, khóc: “Em nhờ Quắn chuyển đến anh nhiều thư, anh có nhận được không?”

    Tôi cau mặt: “Em khờ lắm, sao lại đi với thằng Quắn?”

    “Quắn bảo em uống vài chén cho ấm rồi lên đàn Nam Giao chờ Ninh đến”.

    “Em đừng quên, tên em là Tinh Khôi. Đừng dại dột để bọn lưu manh làm nhơ bẩn”.

    Nước mắt Lan chảy thấm qua chiếc áo lam của tôi, thấm vào đến da thịt. Dừng xe, tôi ngồi xuống vệ cỏ ven đường.

    Lan ngồi bên tôi. “Đêm nào nằm mơ cũng thấy anh dắt em đi thăm vườn phong lan. Mình về trồng lan trong sân nhà em đi, có thích hơn không?”

    Tôi không trả lời, ngắt những cọng cỏ, vò nát trong đôi tay run run. Trên kia, trăng sáng quá, tròn và rực rỡ như chiếc mâm vàng giữa trời. Bỗng nhiên lòng tôi miên man nhớ những câu chuyện cha tôi vẫn kể ngày xưa…

    “Em có thích nghe chuyện cổ tích không?”
    “Thích”.

    Tôi kể cho Lan nghe chuyện người tử tù đội chiếc mâm vàng đầy nước đi từ cổng hoàng cung vào trước ngai vua mà không sánh ra ngoài một giọt, Lan nghi ngờ: “Sao có người làm được như thế?”

    Tôi gật đầu: “Ngày ấy, nhà vua cũng đã hỏi như vầy.

    Vị thiền sư trả lời: “Bệ hạ hứa nếu y làm được thì sẽ tha tội chết. Vì lẽ sống chết của y, nên dù việc khó vô cùng mà y vẫn chăm chăm làm bằng được. Nay nếu bệ hạ cầu giải thoát cũng như người này cầu sống thì việc tu hành dù khó mấy cũng có thể vượt qua”.

    Lan ngước nhìn tôi, lần đầu tiên tôi nhận ra trong hai cái giếng êm như nhung của mắt cô bé những tia sáng ương ngạnh lạ lùng.

    “Em hiểu rồi. Anh xem tu hành là chuyện sinh tử của anh. Vậy nếu em lại xem anh là chuyện sinh tử của em thì sao? Anh và em, ai đi trọn đường, ai bỏ cuộc?”

    Tôi bảo: “Em nói gì thế? Chuyện sống chết mà nghe cứ như là trò chơi sấp ngửa của trẻ con”.

    Lan cười… Bàn tay nhỏ nắm lấy tay tôi, ngón thon vuôn vuốt như cánh hoa ngậm sữa.

    Vẻ đẹp này có phải phù du? Vẻ đẹp này là sắc hay không?

    Chỉ thấy ngợp vì trăng. Trăng sáng quá.

    “Thôi, về đi em”. Tôi đạp xe, trước mặt tôi chập chờn lấp loá những con đường. Những mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và Phật…

    Việc lộn xộn ở quán ốc chẳng mấy ngày đã đồn đến chùa. Cô tôi biết, tốc lên ngay.

    Tôi bảo: “Cô đừng lo. Chẳng có chuyện gì đâu”.

    “Không có lửa làm sao có khói. Ăn ốc, đánh lộn, dành gái. Thế còn gì là tu hành? Tau mà gặp con ma nữ đó, tau tước từ dưới tước lên”.

    Tôi ngẩn người một lúc rồi hiểu ra, không nín được cười.

    Cô bực tức: “Cháu tưởng chuyện gì cũng cười là xong sao?”
    Quả là chuyện không thể cười mà xong.

    Mấy hôm sau, gia đình Lan mời tôi về.
    “Con ma nữ” đã uống hai mươi viên Sedusen, may sao nhà biết được, chở đi cấp cứu. Mẹ Lan chắp tay lạy tôi như lạy Bồ Tát: “Bác biết tính con Lan lắm, từ nhỏ nó đã nói là làm, đã làm là làm tới cùng. Sợ e cứu thoát lần này, nó lại tự sát lần nữa. Con cứu nó cho bác đi con”.

    Tôi cuống quýt: “Bác bảo con làm sao được?”

    “Con cứ giả vờ ừ đi, bây giờ nó mới lớn, tính còn ngông cuồng, vài ba năm nữa chững chạc rồi tự nhiên nó hiểu ra”.

    Ông chủ tịch hội hoa cảnh mắt đỏ au, nhìn tôi chờ đợi một lúc rồi bảo vợ: “Nói như bà cũng khó. Chú Ninh đây tướng mạo khôi ngô, trước sau rồi sẽ có phước được che lọng vàng. Lẽ nào vì con mình mà để người ta mang tai mang tiếng”.

    Tôi thở dài: “Cháu đi tu không phải là mong lọng vàng che đầu. Chỉ vì nguyện giữ thân trong sạch để tụng cho mẹ cháu một nghìn lần kinh Thuỷ Sám”.

    Nhớ tới mẹ, tôi bất giác đau đớn trong lòng, đứng dậy đi…

    ***
    Tôi về chùa, từ ấy không đi đâu. Thầy bảo: “Sao con bỏ học?”
    Tôi nói: “Suối ở xa, con muốn ra triền núi đào giếng”.

    Tôi tự đày mình trong những nhát cuốc trên sỏi đá, đêm về tụng kinh, vẫn đôi khi chợt nghe tiếng mình khắc khoải. Có lúc nửa đêm chợt tỉnh, thấy thầy ngồi bên giường, lâm râm niệm chú.

    Tôi hốt hoảng vùng dậy: “Bạch thầy”.

    Thầy tôi bảo: “Con giật mình, nói mê luôn, hất tung cả chăn.”

    Tôi nói: “Con tỉnh rồi. Rước thầy đi nghỉ, con xin ra bệ Phật niệm Cầu An”.

    Thầy lặng lẽ một lúc rồi bảo tôi: “Tâm không an, có cầu cũng vô ích”.

    Tôi gật đầu thú nhận. Bao nhiêu đêm, cứ chợp mắt là thấy Lan hiện ra, mảnh dẻ, thanh thoát, đầu đội chiếc mâm vàng sóng sánh nước đi thẳng đến bờ vực. Tôi nghe tiếng thét của nàng vang động cả giấc mơ, nàng nhào xuống rơi thẳng vào không gian mênh mông như chiếc lá lìa cành trước gió.

    “Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không? Xin thầy cho con hay, trời đất nặng hơn hay chiếc lá nặng hơn?”

    Thầy nhìn vào mắt tôi: “Chỉ có con tự trả lời được thôi. Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết định lòng mình.”

    Tôi lắc đầu: “Thầy quên sao? Con đã thề khi nào đào xong giếng mới xuống núi”.

    Ra xuân, đường lên núi khô ráo. Hai tay tôi ướt bùn đỏ, những giọt nước đầu tiên đã úa ra từ lòng đất sâu. Tôi chạy về chùa, định vào trình thầy nhưng người đang làm lễ. Có người thí chủ dâng hương trong bệ Phật, mùi trầm mới thơm thơm trong không gian.

    Đang dội nước rửa tay, tôi nghe có người bước đến: “Chú Ninh!”

    Tôi ngẩng lên. Mẹ của Lan. “Bác lên chùa cầu cho em đi bình an…”

    Bà đưa cho tôi một cái túi nhỏ, rồi vừa quay đi vừa đưa khăn lau mắt.

    Những dòng chữ trong thư, mảnh mai và run run như những cánh lan:
    “Bốn trăm ngày chờ anh ở quán Tím, cuối cùng em cũng hiểu ra là mình thua cuộc. Đã đi mà chẳng tới, lẽ ra thì phải chết. Nhưng em chết thì anh làm sao yên lòng đi trọn con đường tu. Vì vậy, em đã quyết định lấy chồng xa xứ. Trong cái túi này là cây hoàng lan con, em nguyện tìm cho anh bằng được rồi mới ra đi. Em vẫn nhớ lời anh nói, một đời anh chỉ thích hoàng lan…

    Người ta cứ bảo em khôn, lấy ông Việt kiều đi Tây đi Mỹ cho sướng chứ theo chi chú tiểu trọc đầu. Nhưng đi Tây đi Mỹ không phải là chí nguyện của em. Lấy một người mình không thương, đến một nơi xa lạ với em còn khổ hơn là chết. Xin anh hãy tụng cho em một lần kinh cầu siêu thoát, một lần thôi…”

    Bất giác, tôi oà khóc. Nước mắt theo nhau lăn trên má tôi như ép cho hết những dòng tục luỵ cuối cùng.

    “Cứ khóc đi con” – Thầy vỗ về khi thấy tôi luống cuống che mặt –
    “Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ”.

    Tôi nức nở: “Bạch thầy, thầy có cho con trồng cây Hoàng Lan không?”
    Thầy bảo: “Cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao dung?” Rồi một tay dắt tôi, một tay cầm túi cây đến bên góc vườn, thầy tự mình trồng xuống.

    Tôi tưới cây bằng nước giếng chùa. Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian.

    Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ.

    source: truyenngan.com

    **********************


    Ngôn Sứ Ngẫu Hứng 25/08/2014 - Truyện ngắn

    Thuở còn nhỏ, mỗi lần đi mò cua bắt ốc, chị thường lên ngồi nghỉ tránh nắng ở cổng chùa, nhờ đó chị biết ngôi chùa này chỉ có một ni cô, quanh năm bận bộ đồ nâu sồng, trên đầu cũng chít khăn màu như vậy. Cảnh chùa rất hiu quạnh, bởi cây cối rậm rạp, lại ở giữa cánh đồng, mỗi khi mùa nước lũ tràn về, gò chùa nổi lên giữa làn nước mênh mông, trông như một hoang đảo. Những lần ghé qua chùa, chị thường thấy ni cô cặm cụi quét lá rụng, vun thành từng đống rồi đốt đi, nhiều khi lại ưu tư, lặng lẽ nhìn chị với ánh mắt buồn man mác.

    Một lần ni cô hỏi chị: “Cháu ở trong làng đi bắt ốc phải không?”

    Chị trả lời: “Vâng! cháu đi bắt ốc, nhưng cháu ở làng bên kia, nơi có tháp chuông nhà thờ cao vút, vượt lên trên lũy tre xanh đấy ạ!”

    Dần dần chị và ni cô thân nhau như một… đôi bạn.

    Có lần chị thủ thỉ hỏi: “Quê ni cô ở đâu ạ?”


    Ni cô bảo: “Ở xa lắm!” Rồi cất giọng trầm buồn: “Ta cũng như bao người con gái khác, lớn lên lấy chồng và sinh con, nhưng con gái ta mới hai tuổi thì lão ấy coi người khác hơn ta”.

    Chị càng tò mò: “Lão ấy là ai? còn… coi người khác hơn ni cô là sao ạ?”.

    Ni cô cốc nhẹ vào đầu chị: “Cái con bé này giống bà cụ non ra phết!”

    Rồi kể tiếp: “Lão ấy là chồng ta, còn coi người khác hơn ta là lão ấy… phải lòng một người đàn bà khác, lão bỏ nhà đi hú hí tối ngày, có lần lão về xin ta tha thứ, nhưng ta quyết không chấp nhận, một đêm mưa gió, bỏ lại đứa con thơ cho cha mẹ chồng, ta khăn gói ra đi. Ngày ấy xe cộ đâu thuận tiện như bây giờ, tiền thì không có và cũng chẳng biết phải đi đâu, ta chỉ biết cứ đi, đói thì xin ăn dọc đường, tối ngủ trọ ở hiên nhà hoặc lán chợ. Cứ như vậy, một ngày ta tới đây, sư thầy trụ trì đã cưu mang, sau đó ta xuống tóc đi tu, mấy năm sau sư thầy chuyển đi nơi khác, từ đó chỉ còn mình ta nương nhờ cửa phật đến nay đã mười năm có lẻ”.

    Nhìn xa xa về phía chân trời, ni cô thở dài:
    “Giờ đây chẳng biết nơi quê nhà con gái ta ra sao?”

    Chị thắc mắc: “Ni cô đã có chồng con rồi sao còn đi tu được?”

    Ni cô bảo: “Sao không? nhiều người thất tình, hận đời, làm ăn đổ bể… cũng vào chùa đi tu mà”.

    Chị lục lọi hết những gì biết được qua Cha xứ chia sẻ, qua thầy cô giáo lý viên và gia đình rồi nói: “Bên cháu” không như vậy, muốn đi tu là phải có ý hướng từ nhỏ, nam nữ đều vậy, vừa đi học phổ thông vừa tìm hiểu “ơn gọi”, vì muốn nên giống Chúa, làm chứng nhân cho Chúa, thì phải tìm hiểu về Chúa, sống Lời Chúa, bước đi theo Chúa và luôn tìm cách làm đẹp lòng Chúa, dâng cho Chúa trọn vẹn cả thể xác và tâm hồn. Còn những người đã kết hôn thì họ lo chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng của mình, đó cũng là một điều rất tốt đẹp mà Chúa đã chúc phúc, nhưng họ không được đi tu nữa”.


    Thấy ni cô trầm ngâm không nói gì, chị nhỏ nhẹ:
    “Chiều mai cháu mời ni cô đến dự lễ ở nhà thờ với cháu nhé!”

    Im lặng một một lát rồi ni cô gật đầu đồng ý, chị vừa chạy ra cổng vừa nói với lại: “Cháu sẽ đón ni cô ở cổng làng”.

    Đúng hẹn, chiều hôm sau ni cô đến với một dáng điệu khác xa ngày thường, chiếc quần lụa đen, áo bà ba màu ghi, trên đầu chít khăn trông chẳng khác gì các bà ở làng chị. Ni cô bảo: “Ta mặc như vậy cho hòa đồng với mọi người”.


    Bài Tin Mừng hôm đó thuật lại việc ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu:
    “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? có phải bảy lần không?”.
    Đức Giêsu nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22).


    Từ bài Tin Mừng đó, Cha xứ đã cắt nghĩa thật thấu đáo về sự tha thứ.
    Kết thúc thánh lễ, chị tiễn ni cô đến cổng làng, ni cô nắm chặt tay chị, rồi lầm lũi bước đi, bóng nhỏ dần trên cánh đồng rì rào sóng lúa.


    Hai tuần trôi qua chị không gặp lại ni cô vì đang vào mùa ôn thi, một buổi chiều chị ghé qua, cửa chùa đóng im ỉm, một tờ giấy gấp tư được cài nơi then cửa.

    Mở ra mới biết ni cô viết cho chị: “Ta cảm ơn cháu về buổi lễ, ông Giêsu đã dạy phải tha thứ mãi mãi, vì khi ta tha thứ là khi chính bản thân ta được thứ tha. Người chồng là một nửa thân thể của ta, mà ta cũng không tha thứ, còn bỏ cả đứa con thơ cho cha mẹ già, tu mà lòng còn đầy oán hận, còn vương nặng bụi trần thì tu nỗi gì. Bây giờ ta mới thấm thía câu nói của tiền nhân: Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Ta sẽ về tìm lại chồng để nói lời tha thứ, tìm lại con và cha mẹ để dưỡng nuôi và báo hiếu, ta sẽ không bao giờ quên cháu”.


    Bánh xe thời gian cứ lăn đi chẳng chờ đợi ai, đã mười tám năm nữa trôi qua, bóng áo nâu sồng quét rác sân chùa năm ấy cũng dần vào dĩ vãng, phai nhòa trong chị, thay vào đó là bao tất bật lo toan của cuộc sống gia đình, chồng con.

    Một chiều thu êm ả, lá vàng rơi xào xạc trong vườn, chị đang lúi húi tưới mấy chậu cây, thì có một phụ nữ hỏi thăm đến nhà. Qua trò chuyện, chị rất cảm động khi biết đó chính là con gái của ni cô ở ngôi chùa nhỏ năm nào.


    Người phụ nữ kể với chị:
    “Khi mẹ bỏ nhà ra đi, bố ngày đêm rượu chè say khướt, đập phá đồ đạc. Một hôm thấy nhà cửa yên tĩnh, không nghe tiếng chửi thề tục tĩu, ông bà nội tìm thì chẳng thấy bố đâu, mãi sau này mới biết, bố kéo theo một nhóm đầu gấu, bụi đời, lên một tỉnh phía bắc nơi có mỏ đá quý, chấn lột cướp bóc ở đó. Trong một lần tranh chấp với một băng đảng khác, bố gây ra án mạng, hậu quả là bố phải lãnh hai mươi năm tù giam. Vào tù rồi bố vẫn giữ thói giang hồ, đánh lộn với phạm nhân, chống lại ban quản giáo, bố bị liệt vào danh sách những phần tử nguy hiểm. Còn ông bà nội phần thì thương cháu côi cút, phần thì mất mặt với dân làng vì có một đứa con trai duy nhất lại là phường trộm cướp, giết người, thêm cô con dâu bỏ đi biệt xứ, ông bà cứ héo hon dần, nên lần lượt về với tổ tiên, bỏ lại chị bơ vơ giữa dòng đời đầy lường gạt, cạm bẫy. Tôi lang thang lúc thì đi nhặt ve chai, lúc lại rửa bát, bế con thuê, rồi cuộc đời đẩy đưa tôi rơi vào tay một mụ tú bà, mụ nhào nặn tôi trở thành một cái máy làm tiền nhơ bẩn, nhục nhã, cho đến ngày mẹ tôi trở về, kéo tôi ra khỏi cái hố bùn lầy tanh hôi ấy. Hai mẹ con tôi tìm đến trại giam thăm bố, ông cảm động không nói nên lời, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của một người đã từng là đại ca khét tiếng một thời. Từ đó bố thay đổi rất nhiều, mỗi lần đến thăm bố, mẹ và tôi đều được ban quản giáo cho biết những cố gắng và quyết tâm hoàn lương của bố, bố bảo:

    “Hai mẹ con là động lực thúc đẩy bố vượt qua”.


    Rồi niềm vui cũng đến với gia đình tôi, theo chính sách khoan hồng của nhà nước, bố tôi là một trong số những phạm nhân có tinh thần cải tạo tốt, nên đã được ra trại trước thời hạn. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi càng ngập tràn tiếng cười hạnh phúc, khi tôi có một người chồng biết yêu thương cảm thông với hoàn cảnh, niềm vui càng nhân lên khi những đứa con kháu khỉnh chào đời.

    Chị thu xếp công việc cùng người phụ nữ về Quảng Ninh thăm bà, ngồi trên xe nhìn những đợt sóng biển nhấp nhô, chị liên tưởng đến biển lúa quê mình.

    Chắc ngày ấy bà nhớ quê hương, nên mới dừng chân ở ngôi chùa giữa cánh đồng bát ngát, ngắm sóng lúa mà vợi bớt sóng biển. Xe dừng trước một căn nhà nhỏ, chị nôn nao như người đi xa nay trở về nhà, lòng trào dâng một cảm giác khó tả.



    Chị chạy ào vào nắm lấy tay bà, bà nói:

    “Cảm ơn ông Giêsu đã cho bà gặp cháu, để rồi chính cháu, một đệ tử nhỏ của ông ấy, đã gieo rắc lời của ông ấy nơi bà và lời ấy đã cho bà cuộc sống hôm nay. Chị đặt vào tay bà cuốn Kinh thánh Tân Ước:

    “Đây là tài sản quý nhất của người Công giáo, bà và gia đình hãy xem, trong này có nhiều lời kỳ diệu lắm ạ!”

    Chị ở chơi với bà và gia đình mấy hôm rồi về, phút chia tay thật bịn rịn.

    Tạ ơn Chúa, chỉ một lần con “ngẫu hứng gieo hạt” rồi quên đi, thế mà Chúa đã cho nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Xin cho con từ nay biết gieo hạt vào lòng đời, để gặt về những mùa vàng yêu thương nồng ấm.


    “Lời Người sáng ngời chiếu soi trần gian,
    dìu người lữ hành xuôi bến bình an,
    dù rằng đất trời lắm phen điêu tàn,
    ai giữ lời Cha sẽ mãi yên hàn.”

    Nguyễn Thị Minh


    ******************
    Chuyện Hai Người Quét Rác


    Đào Văn Bình

    • Vào sáng Chủ Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắm cận thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi.




    Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè. Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước?


    Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường.
    Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn.
    Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản.
    Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ.
    Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:

    “Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ.

    Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân.
    Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể.
    Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế.
    Thôi thì chúng tôi chia xẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình.
    Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó.
    Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”

    Chinh vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:
    - Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!

    Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:

    - Ông nói gì?
    - Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!

    Mặt chàng thanh niên đỏ gay:
    - Bộ đường phố này của ông hả?

    Người đàn ông trả lời ngay:
    - Không phải của tôi nhưng tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi. Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!

    Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:
    - Không nhặt thì sao?

    Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.
    ******

    Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”.


    Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước. Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào.


    Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên …đang ngạc nhiên đứng đó.

    ** *
    Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:
    -Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?
    Sư hiền từ đáp:
    -Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa.
    Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau.
    Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa.
    Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi.
    Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới.
    Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ.
    Muốn sạch sẽ thì phải quét rác.
    Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”.
    Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn.
    Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh.
    Từ thanh tịnh mà có thanh thản.
    Vì thanh thản cho nên không động tâm.
    Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.

    ** *
    Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư,
    “ Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”

    Lời người kể chuyện:
    Ngoài đức tính kham nhẫn, có thể sư đã đạt tới mức“vô phân biệt”.

    Sư cứ thấy rác thì quét mà không hề phân biệt rác từ cây đổ xuống, Phật tử xả ra, nam hay nữ, lạ hay quen cho nên rác của chàng thanh niên cũng thế thôi.
    Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm.
    Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”.
    Mà vô tâm thì an lành./.

    Đào Văn Bình (California 20 Tháng 9, 2013)



    ***********
    Ngợi Ca Thiện Nguyện



    • Đào Văn Bình

    Bạn ơi,
    Làm thiện nguyện đã có từ lâu đời trong tấm lòng của tổ tiên chúng ta:
    “Dù xây chín đợt phù đồ.
    Không bằng làm phúc cứu cho một người.”


    Nó khởi đi từ tấm lòng thiện luơng vốn có của con người.
    “Nhân chi sơ tính bản thiện”
    Giống như Phật tánh.


    Bạn ơi,
    Con người ta trông vậy mà yếu đuối.
    Rất cần chia xẻ, an ủi, cảm thông.
    Cuộc sống này trông vậy mà quá nhiều đau khổ:
    Người ăn không hết của,
    Kẻ sống nhờ cơm chay miễn phí.
    Kẻ ném tiền qua cửa sổ khoe giàu sang, phú quý,
    Người tối ngày chạy vạy bữa cơm.
    Kẻ con cái đầy đàn,
    Người neo đơn, cô độc.
    Kẻ sinh ra được chào đón như công nương, hoàng tử,
    Kẻ sinh ra bị vất bỏ cổng chùa,
    Cô nhi từ thuở mới chào đời.

    Kẻ được con cái quý trọng,
    Người bị cháu con ruồng bỏ.
    Kẻ nệm ấm chăn êm,
    Người ngủ đường ngủ chợ.

    Kẻ nhà lầu xe hơi,
    Người lấy mái rơm hay nghĩa trang làm tổ ấm.
    Kẻ chân tay lành lặn.
    Người tàn tật, lết lê.
    Kẻ kiêu hãnh vì mặt mày xinh đẹp,
    Kẻ tủi thân vì Trời bắt xấu.
    Kẻ ngồi mát ăn bát vàng,
    Kẻ kéo xe, gánh gồng ngòai đường phố.
    Kẻ trưng diện bạc vàng, kim cương, hàng hiệu, phấn son quá mức,
    Người chân lấm tay bùn, áo vá.
    Kẻ thông minh sáng sủa,
    Người tâm thần cuộc đời phế bỏ.
    Kẻ đau ốm thuốc men đầy đủ,
    Người dù đã vào bệnh viện, không tiền cũng nằm chờ chết.
    Nỗi buồn của đời kể sao cho xiết?


    Bạn ơi,
    Tôi chẳng bao giờ ngưỡng mộ hay thán phục,
    Khi bạn bỏ ra ngàn đô ăn chơi lấy tiếng.
    Nhưng tôi lại ngả mũ kính chào nếu bạn dùng tiền giúp đỡ…
    Học sinh nghèo, cô nhi, quả phụ...
    Tôi cũng chẳng bao giờ choáng ngợp hay thèm khát.
    Khi nhìn một cô gái phấn son,
    Quần hàng áo hiệu, xúng xính nữ trang.
    Nhưng tôi lại cảm phục khi cô ăn mặc đàng hoàng,
    Thăm viếng vùng nghèo, tặng áo ấm cho học sinh sắc tộc.


    Thế mới hay:
    Làm thiện nguyện nâng cao phẩm giá.
    Làm thiện nguyện khiến lòng ta cởi mở.
    Làm thiện nguyện khiến anh chị lớn lên.
    Làm thiện nguyên giống như chăm lo “ruộng phúc”.
    Sau này cháu con hái quả.
    Giúp đỡ người đời là chia xẻ.
    Là niềm vui là lý lẽ con người.


    Bạn ơi,
    Không một chính quyền nào có thể…
    Giải quyết hết chuyện khổ của đời.
    Dù biết rằng con người có số.
    Do đuờng tu tích tụ,
    Mà giàu-nghèo, sướng-khổ khác nhau.
    Chỉ có chúng ta chung lưng góp sức.
    Với tấm lòng hay trái tim “bồ tát”.
    Trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
    Trong tình thương “chị ngã em nâng”.
    Mà giúp nhau chuyển nghiệp trong tinh thần cứu độ.
    Một đất nước chẳng mấy chốc huy hoàng,
    Nếu tòan dân biết yêu thương, chia xẻ.
    Một siêu cường hay đế quốc,
    Cũng xụp đổ nếu con người sống bằng ích kỷ.


    Nhưng này bạn ơi,
    Hãy làm thiện nguyện với tấm lòng trong sáng.
    Không mưu toan,
    Dụ dỗ, lọc lừa.
    Bằng cả tấm lòng khiêm tốn.
    Của cho không bằng cách cho.
    Cổ nhân thường dạy thế.

    Bạn ơi,
    Hãy suy nghĩ cho kỹ khi ném tiển vào những tiệc tùng hoang phí.
    Nó không tăng thêm nhân cách hay phẩm giá cho mình,
    Mà chỉ là những lời mỉa mai, nguyền rủa.
    Chỉ có sự phục vụ tha nhân là quý giá.
    Hãy suy nghĩ cho kỹ khi dán lên mình những bộ quần áo diêm dúa, đắt tiền…
    Kim cương, ngọc ngà châu báu.
    Nó chăng tăng thêm vẻ sang quý cho mình.
    Công chúa mặc áo vá vẫn là công chúa.
    Bình dân khóac “áo trời” cũng là dân giả.
    Có một thứ nữ trang được người đời chiêm ngưỡng.
    Đó chính là đạo đức.
    Mà đạo đức tuyệt vời nhất chính là thiện nguyện.


    Đào Văn Bình

    (California Rằm Tháng Giêng 2014)

    Source: Vietbao.com







    Last edited by SP500 SPY; 06-02-2019 at 02:35 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 10-01-2018, 04:40 PM
  2. Truyện ngắn Mặc Bích
    By Frank in forum Truyện
    Replies: 10
    Last Post: 05-31-2014, 12:08 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 08-10-2013, 01:44 PM
  4. Truyện ngắn của Mưa PN
    By Mưa PN in forum Truyện
    Replies: 16
    Last Post: 11-02-2012, 09:30 PM
  5. Bán chữ - Truyện ngắn của Phan Trang Hy
    By huongcali in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 11-11-2011, 07:32 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:11 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh