Register
Results 1 to 10 of 17

Threaded View

  1. #11
    (Tiếp theo kỳ trước) Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây

    Chương 3


    Tối nay gia đình tôi đưa nhau đến nhà hàng Arc en Ciel ở Chợ Lớn. Đây là đề nghị của Hưng vì ngày mai tôi sẽ lên đường trở lại Paris. Dù không khí chiến tranh đang bao trùm khắp nước nhưng thiên hạ vẫn cứ tiếp tục thụ hưởng một nếp sống sung túc giàu sang. Các bàn ăn đông nghẹt thực khách. Ban nhạc sống hòa tấu những khúc nhạc khích động nhưng sàn nhảy thì nằm trơ ra đó chẳng có ai chiếu cố vì chính thể mới không cho phép dân chúng khiêu vũ . Việc cấm chỉ nầy nằm trong chủ trương lành mạnh hóa xã hội miền Nam. Phim ảnh đồi trụy, rượu chè, hút sách, du đảng, mãi dâm bị coi là tàn dư của xã hội thực dân, phong kiến ngày trước.
    Vừa ăn Hưng vừa nói với tôi:
    "Sài Gòn lúc nầy chỉ có vậy thôi, không còn những nơi ăn chơi du hí như thời trẻ của chúng ta nữa . Vào xem phim "ciné" thì phải đứng dậy chào cờ rồi suy tôn người lãnh đạo của miền Nam, đi chơi xa bằng đường bộ thì sợ bị phục kích đặt mìn giữa đường, vào tới sở làm thì học tập chính trị đấu tố nhiều hơn là làm việc để phục vụ dân chúng, ngoài đường thì các chú lính Mỹ "GI" bắt đầu ngổ ngáo phá phách; mãi dâm trá hình, "Sài Gòn Thé", phòng đấm bóp bán dâm "Massage" đâu đâu cũng có để cung ứng cho quân Mỹ và đồng minh hiện có mặt ở miền Nam. Đài phát thanh thì toàn là những bài vỡ, bài hát chống đối chính quyền miền Bắc".
    Tôi ngắt ngang lời Hưng:
    "Thời cuộc lúc nầy cần phải có những sự cấm đoán như thế . Mỗi người nên bớt đi một chút thói quen hưởng thụ của mình để góp phần xây dựng lại đất nước và đối đầu với hiểm họa mới . . ."
    Hưng uống một ngụm rượu vang rồi nhìn tôi:
    "Dân chúng miền Nam chưa thấy được hiểm họa đó nhưng trước mắt thì họ bị động viên quân dịch, trước mắt còn có những nơi tổ chức nhảy đầm lậu, những tổ chức khiêu vũ thoát y một trăm phần trăm tại những dinh thự của các ngài tai to mặt lớn, tại bản doanh của những ông tướng vùng, tại các tòa tỉnh trưởng. Dân chúng thì hình như càng ngày càng nghèo khó hơn trong khi đó thì các trương mục ngân hàng của các ông trưởng ty, giám đốc, tỉnh trưởng, tướng tá mỗi ngày mỗi đầy thêm! Em có biết giá cả cho một chức vụ cảnh sát trưởng của một quận trong vùng Chợ Lớn là bao nhiêu không?"
    Câu hỏi bất chợt của Hưng làm tôi sững sờ . Có những chuyện mua bán đổi chác quyền hành như thế hay sao ? Tôi nhíu mài nghi ngờ hỏi Hưng:
    "Có thật vậy không? Anh căn cứ vào đâu để nói như thế ?"
    Hưng cười khẩy:
    "Chỉ có em và ông D là không biết. Dân chúng ở đây, nhất là ở Sài Gòn ai ai cũng từng nghe đồn đại chuyện đó, không có lửa làm sao có khói ? Em thì ở mãi tận bên trời Tây, còn ông D thì quanh quẩn trong dinh bao quanh bởi những lời trình tấu tốt đẹp huy hoàng của những người được ông tin dùng. Chỉ có em là người Việt Nam từ ngoại quốc về với thông hành ngoại giao mà không mang về hột xoàn, đô la Mỹ, hàng lậu thuế và kể cả hàng thuộc loại quốc cấm. . .!"
    Tôi phản đối:
    "Chỉ có một thiểu số nào đó thôi, mình đâu có thể nào quơ đủa cả nấm được !"
    "Một con sâu làm rầu nồi canh ! Bất hạnh thay, không phải chỉ có một hay hai con sâu !"
    Hồng Ngọc ngơ ngác theo dõi cuộc đối thoại giữa tôi và Hưng. Con gái tôi còn ngây thơ quá, chưa hiểu được những rắc rối của cuộc sống phức tạp hiện tại . Tôi nhìn con, mỉm cười:
    "Việc học hành của con ra sao rồi ?"
    Giọng Hồng Ngọc lo âu"
    "Con nghe đồn hình như là trường Marie Curie con đang học sẽ giao lại cho chính phủ Việt Nam và sẽ do những thầy giáo, cô giáo Việt Nam giảng dạy, chương trình giáo dục của người Pháp sẽ bị bãi bỏ . . ."
    Tôi trấn an:
    "Có sao đâu . Con là người Việt Nam, nói tiếng Việt Nam mà !"
    "Nhưng từ lúc bắt đầu đi học tới bây giờ con đã theo chương trình giáo dục của người Pháp . . .Không lẽ bây giờ phải trở lại từ đầu ?"
    "Con đâu cần phải đi lại từ đầu vì con đâu phải là người Pháp theo học chương trình giáo dục giảng dạy bằng Việt ngữ . . .Con lại có lợi thế hơn những người khác vì đã có sẵn số vốn Pháp văn. Hơn nữa, con đọc và viết bằng việt ngữ có thua ai đâu ?"
    Hồng Ngọc phụng phịu:
    "Nhưng con muốn giống và được như mẹ để sau nầy con cũng được làm việc tại toà đaị sứ của ta ở bên Pháp !. . ."
    Tôi choàng tay vuốt nhẹ mặt con:
    "Con phải giỏi hơn mẹ chứ, giống như ba con kìa! Cứ cố gắng học hành rồi sẽ có tương lai, mọi chuyện khác đã có bố và mẹ lo . . ."
    Mắt Hồng Ngọc sụp xuống:
    "Mẹ đi xa hoài!. . .Còn bố thì có bao giờ rỗi rãi để lo cho con đâu !. . .Bè bạn đầm ấm, có cha, có mẹ, thấy mà thèm thuồng !. . ."
    Tôi bị nghẹn ngang ! Đĩa thức ăn còn hơn phân nửa như có ai vừa mới bỏ sạn đá vào! Tôi và Hưng nhìn nhau như hai kẻ có tội . Hồng Ngọc cần mẹ, cần bố nhiều hơn là cần tiền bạc vật chất. Tối nay đáng lý con tôi phải vui cười hớn hở khi được đưa tới những nơi náo nhộn như thế nầy mới phải chứ có đâu phải sầu muộn than thở như thế kia! Cả cuộc đời của tôi, cả cuộc đời của Hưng đã và đang dành trọn vẹn cho giọt máu đó vậy mà vẫn còn chưa đủ ! Tôi phải làm sao đây ? Và tôi lại chợt nghĩ tới Huyền Châu, đứa con mà tôi chưa từng được nhìn thấy dung nhan, chưa từng được tôi nâng niu bồng bế ôm ấp.
    Về nhà, tôi nằm chung với Hồng Ngọc. Tôi nghe được tiếng động trăn trở chờ đợi bên phòng của Hưng. Hồng Ngọc ôm cứng lấy tôi như hai gọng kềm. Tôi nằm yên không dám nhúc nhích vì sợ phá giấc ngủ của con mặc dù tôi đang thèm muốn sôi nổi được lên giường với Hưng. Tôi gở nhẹ tay Hồng Ngọc rồi rón rén bước ra khỏi phòng. Hưng đang ngồi ở phòng khách. Tôi sà nhanh đến Hưng như cơn gió lốc. Chúng tôi yêu nhau và làm tình như một cặp vợ chồng mới cưới . Men rượu của buổi ăn tối ở nhà hàng Arc En Ciel biến tôi trở thành con hổ cái háo đói và tôi là kẻ chủ động cho tới hừng sáng. Hưng mệt lã nằm thiếp trên nền thảm . Tôi đốt một điêu thuốc Gauloisẹ Bên ngoài trời màu xám bạc như sắp đổ mưa . Tôi nhìn về phía phòng của Hồng Ngọc: cửa phòng khép kín, con tôi vẫn còn cuộn mình trong chăn êm nệm ấm. Hưng trở mình thức giấc. Tôi vội vàng dụi tắt tàn thuốc lá rồi đến lôi chàng vào phòng tắm. Đáng lẽ Hưng phải khỏe trở lại sau khi tắm gội nhưng chàng lại rũ ra vì tôi lại bắt chàng phải yêu tôi ở trong đó .
    Sáng nay Hồng Ngọc không tới lớp học để đưa tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất. Hai phút trước khi rời phòng đợi để lên máy bay, tôi ôm cứng Hồng Ngọc và Hưng vào lòng. Rồi bổng dưng có một sự hối thúc tiềm ẩn nào đó bất chợt nổi dậy như cơn bảo ập đến trong tôi khiến nước mắt tôi trào ra nhoè nhoẹt hết phấn son. Tôi đã có một quyết định dứt khoát: trong tương lai sẽ không còn cảnh kẻ đi người ở như thế nầy nữa . Tôi sẽ trở về và ở lại Việt Nam sống chết với chồng con.
    *
    Vấn đề tìm kiếm Huyền Châu cho đến nay vẫn không có kết quả . Luật sư Huy đã vì tôi mà lặn lội khắp cùng. Với chức vụ cố vấn luật pháp của tòa đại sứ Việt Nam ở Paris, Huy không bị ràng buộc nhiều như tôi . Ngoài mặt, Huy chỉ là một luật sư tòa thượng thẫm, có văn phòng riêng tại thủ đô Paris; chức vụ của Huy là một chức vụ chìm, không ai biết là Huy làm việc cho tòa đại sứ Việt Nam.
    Một buổi tối mùa Đông năm 1955, tôi đang ngồi đọc thư của Hưng và Hồng Ngọc từ Việt Nam gửi sang thì Huy tới thăm. Trong lúc tôi pha rượu để mời thì Huy lên tiếng:
    "Chị Bích Ngọc này, tôi có một câu chuyện khá đặc biệt muốn nói với chi. . ."
    Tôi tưởng Huy đã tìm ra manh mối của Huyền Châu nên vội vàng hỏi:
    "Huyền Châu phải không?"
    "Không phải đâu !"
    Tôi thất vọng và lại bắt đầu lo: lần trước cũng là Huy đã "có một chuyện muốn nói cho tôi biết," khiến tôi đã phải xín vín bao nhiêu tháng ngày qua, bây giờ Huy lại có một chuyện khác muốn nói cho tôi biết. Tôi cầm ly rượu đưa cho Huy:
    "Chuyện quan trọng không?"
    "Khá quan trọng. . . ."
    Lại chuyện quan trọng nữa! Tôi nhíu mài:
    "Có dính líu gì đến chuyện riêng tư của tôi không?"
    ". . .Không, nhưng chị cần phải biết vì nó có dính líu đến chức vụ của chị hiện giờ".
    Tôi sốt ruột hối thúc:
    "Vậy thì anh nói ngay đi . . ."
    Huy nhấp một ngụm rượu rồi chẫm rãi móc bao thuốc chìa ra mời:
    "Chị hút một điếu cho ấm. . . Cách nay hơn tháng, khi chị còn đang nghỉ phép ở Việt Nam thì tôi trở xuống Marseille để dọ hỏi tin tức của Huyền Châu thì có một người lạ đến tìm tôi tại khách sạn. . . ."
    "Ai vậy ?. . ."
    "Người nầy tự giới thiệu là một sinh viên Việt Nam vừa mới tốt nghiệp ngành luật. Anh ta không cho biết tên, chỉ nói rằng mình sắp trở về Việt Nam. . . "
    "Người đó tìm anh để làm gỉ ?"
    "Để mời tôi gia nhập vào một mặt trận đối lập với chính quyền miền Nam Việt Nam hiện thời đang do ông D đứng đầu . . ."
    Tôi nhăn trán nhìn Huy:
    "Rồi anh trả lời thế nào ?"
    Huy nhún vai:
    "Tôi ngạc nhiên vì sự gan dạ và phong cách đường đột của anh ta nên mới hỏi lý do tại sao tôi phải đối lập với ông D thì anh ta bảo rằng ông D là tay sai của đế quốc cướp nước, rằng nhân dân miền Nam hiện giờ bị sống dưới ách kềm kẹp của một chế độ độc tài gia đình trị, rằng dân chúng miền Nam do mặt trận nầy lãnh đạo sẽ nổi dậy để đánh đuổi đế quốc, loại bỏ chế độ của ông D ở Sài Gòn. . . .và anh ta còn nói nhiều thứ chuyện khác nữa, tôi không thể nhớ hết . ."
    Tôi đứng lên đi lại quày rượu để pha thêm cho Huy một ly rồi hỏi:
    "Anh ta sẽ tặng cho anh chức gì trong mặt trận đó ?
    "Thứ trưởng bộ Tư Pháp . . ."
    "Và anh đã nhận lời rồi cho nên mới đến đây khuyến dụ tôi gia nhập phải không?"
    Huy xếch môi cười rồi gằn giọng:
    "Trời ơi, sao chị xem thường tôi quá vậy ? Cứ từ từ, đợi tôi nói hết cho chị nghe có được không? . . .Tôi hỏi người đó đã rời Việt Nam bao lâu rồi thì được trả lời rằng kể từ ngày ông M sang Fotainebleau để thương lượng với người Pháp. Tôi lại hỏi: từ đó đến nay có trở về Việt Nam mấy lần rồi thì được trả lời là chưa có dịp trở về lần nào . Tôi lại hỏi: vậy làm sao biết được rằng đế quốc cướp nước và nhân dân miền Nam hiện giờ bị sống dưới một chế độ kềm kẹp của chính quyền hiện hữu thì được trả lời rằng người ta đồn đại như thế. Hỏi ai đồn đại như thế thì lại được trả lời rằng chuyện đó ai ai cũng biết ! Tôi cười khì về lối trả lời cho xong chuyện của người lạ rồi cắt đứt ngang buổi nói chuyện với lý do là đã tới giờ tôi đi ra ngoài có việc cần. Tôi cũng lắc đầu lịch sự từ chối việc người nầy yêu cầu cho gặp lại ngày hôm sau . . . . ."
    Tôi bông đùa:
    "Chắc chờ anh suy nghĩ đã rồi mới trả lời đề nghị của người đó phải không ?"
    "Chị biết rõ quá mà, tôi đâu phải là một kẻ đi hàng hai đón gió ! Nếu đã ham thì tôi phải ham từ lâu rồi để làm việc cho người Pháp chứ đợi chi tới bây giờ ?. . ."
    Tôi xoa dịu:
    "Đùa với anh chút đó thôi, chứ tôi hiểu anh quá mà . Tôi với anh trong thâm tâm hiện giờ chưa phục ông D một trăm phần trăm nhưng chắc anh cũng đồng ý là trong hiện tại không có ai có thể làm được nhiều việc như ông D . Ít ra thì cho tới nay miền Nam vẫn chưa bị lấn chiếm . Tôi thì chồng con còn ở bên đó, anh thì cha mẹ, anh em còn đầy. Thử hỏi nếu miền Nam có mệnh hệ nào mà những người thân của mình lại bị kẹt ở lại bên đó trong khi tụi mình ở đây thì sẽ ra làm sao ? Mọi phong trào chống đối ông D hiện nay chi có lợi cho chính thể của ông M, nếu không nói là những phong trào chống đối đã bị giựt dây hoặc chính do chính quyền đối nghịch với ông D đã tổ chức để len lỏi vào chính trường miền Nam . . ."
    "Nhận định của chị cũng giống nhận định của tôi . . .Bây giờ chúng ta phải làm sao ?"
    Tôi không đáp lại câu hỏi của Huy nhưng lại nhấc cần điện thoại quay số gọi toà đại sứ Việt Nam:
    "Allo, cho tôi tiếp chuyện với chị Thanh, chánh văn phòng thư ký của ông đại sứ.."
    "Allo, tôi là Thanh đây, xin lỗi ai đang ở đầu dây ?"
    "Allo chị Thanh, Bích Ngọc đây. . . .Chưa nghỉ làm việc sao ?"
    "À, chị Bích Ngọc. . .Tôi vẫn còn ở đây, việc nhiều quá phải làm cho xong. . .Có chuyện gì vậy ?"
    "Ông đại sứ còn ở đó không ?"
    "Còn. . ."
    "Chị Thanh lấy giấy bút để tôi đọc cho chị viết rồi đem trình ngay cho ông đại sứ . Nội dung như sau: [Một mặt trận đối lập sẽ được tổ chức tại miền Nam gồm những thành phần trí thức từ ngoại quốc trở về, có thể gây ra tình trạng bất ổn cho chính thể của miền Nam do ông D đứng đầu hiện naỵ Cần chú trọng đến các thành phần trí thức tốt nghiệp từ Pháp quốc có thể tham gia vào mặt trận nầy] ."

    *
    Gia đình ông phán Quới có tất cả 5 người con. Hai người con gái lớn đã lập gia đình. Người con gái kế, theo lời bà phán nói lại, đã bỏ mình khi đi theo VM chống Pháp. Khi chôn cất người con gái nầy chỉ có bà phán tham dự đám tang tại một vùng bưng biền ở vùng Bến Lức-Cai Lậy . Trong nhà hiện giờ chỉ còn có hai người con trai sống chung với ông bà phán. Người anh là Nguyễn Tồn Tâm, 26 tuổi và người con trai út là Nguyễn Công Thiện, 19 tuổi, vừa đậu bằng trung học. Để tưởng thưởng, ông bà phán dù không giàu có gì cũng cố gắng chạy tiền mua cho Thiện một chiếc xe gắn máy hiệu Puch của nước Áo sản xuất, một kiểu xe gắn máy đẹp nhứt vào thời đó ở Sài Gòn.

    Thiện rất sợ anh Tâm vì Tâm hung bạo và khắc khe . Tâm không những chơi bời phóng túng, kết bè kết bạn, đờn ca nhậu nhẹt suốt tháng suốt năm, không chịu học hành mà lại còn bướng bỉnh cứng đầu với ông bà phán. Tâm thương em trai mình nhưng cách răn dạy của Tâm thì tàn bạo, dã man, đấm đá nhiều khi đi đến mức quá đà .Lúc còn nhỏ Thiện đã phải gánh chịu những trận đòn tra khảo của Tâm chẳng khác gì như một tên nô lệ bị án khổ sai . Tâm vừa lé lại vừa lùn còn Thiện tươi trẻ, cao ráo, ẩn hiện nhiều nét đẹp của người con trai nước Ý . Trong cư xá Ngân Khố Sài Gòn, các thiêu nữ cùng lứa tuổi hoặc lớn hơn đều để ý tới Thiện vì Thiện có một sức thu hút rất mãnh liệt. Tuổi của Thiện là tuổi Nhân Mã, tuổi con Cọp, hiện thân của những người hoạt bác, hoạt động và hào hoa hạng nhất. Từ lúc 15 tuổi Thiện đã biết khiêu vũ một cách sành sõi nhưng đồng thời cũng rất ham học. Thiện thi đậu bằng Brevet Pháp và bằng trung học đệ nhất cấp Việt Nam trong cùng một năm mặc dù lúc đó Thiện chỉ mới học tới lớp đệ ngũ ở trường Pétrus-Ký. Tiền quà bánh hằng ngày Thiện để dành để cuối tuần vào Chợ Lớn nhảy đầm với bạn bè và biệt tích cho đến quá nửa đêm chúa nhật mới lần mò về nhà để chuẩn bị đi học vào sáng thứ hai hôm sau .

    Sáu tháng sau khi Thiện có bằng trung học, ông phán đến tuổi về hưu vì thế gia đình không còn đủ điều kiện cho Thiện tiếp tục ăn học. Sau ngày hiệp định Genève ký kết, Thiện nghe lời một người bạn tên Toàn dắt nhau xuống bến tàu để di cư ra Bắc vì muốn phiêu lưu mạo hiểm nhưng rồi Thiện đổi ý và ở lại còn người bạn chí thân thì ra đi biệt tâm từ ngày đó .

    Tháng 6 năm 1957, Thiện được tuyển vào làm việc tại Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn với ngach thư ký phù động, lương hằng tháng khoản hơn một ngàn năm trăm đồng. Ban ngày Thiện đi làm, tối đi học lớp luyện thi tú tài của hội văn hóa bình dân. Thứ bảy, chúa nhật Thiện vắng nhà mất dạng. Tiền lương của Thiện tiêu pha riêng một mình. Ăn uống, quần áo thì ông bà phán vẫn cứ phải tiếp tục bao bọc cho Thiện.

    Tâm thì không còn hung tợn với Thiện như xưa nữa vì thân hình của Thiện to lớn gắp hai lần thân hình của Tâm. Thiện tập tạ và tập đánh sà ngang từ khi bắt đầu lên lớp đệ thất nhờ vậy hình dáng của Thiện vừa đẹp lại vừa khỏe giống như những lực sĩ thẩm mỹ .Có lần Tâm nóng giận bâng quơ cầm cọc chăn mùn đập Thiện, Thiện chụp được cây cọc bẻ gảy gọn làm hai quăng đi, đưa mắt nhìn người anh hung bạo rồi chỉ lắc đầu mà không nói gì . Kể từ ngày đó Tâm không còn dám đánh em mình nữa.

    Ngày Thiện chưa đi làm, cũng có những lúc bà phán nổi nóng cầm chổi lông gà quất túi bụi ; Thiện chỉ đứng yên chịu trận, không né tránh, không nài xin, thân mình quầng đỏ vì những lằn roi vọt đến độ làm cho bà phán phải tội nghiệp bật khóc rồi ngưng tay . Đến lúc đó Thiện mới quỳ xuống lại bà phán để xin lỗi rồi đứng lên đi rót nước mời mẹ và nhỏ nhẹ nói:" Mẹ đánh con làm gì cho mệt, cho đau tay; mẹ già rồi, nếu con có gì quấy, mẹ cứ gọi anh Tâm theo lệnh của mẹ đánh con cũng được mà, con sẽ đứng xui tay để cho anh ấy dạy dỗ theo ý mẹ".

    Thiện rất thương ông phán, bà phán. Ngày lãnh số lương đầu tiên, Thiện tự mình ra Chợ Cũ lựa mua trầu cao thật ngon và một kí lô thịt heo quay mang về cho cha mẹ. Thứ bảy cuôi tuần lại đưa cả nhà, có cả anh Tâm vào đường Lacaze ở Chợ Lớn ăn mì vịt rồi di xem cải lương ở rạp Nguyễn Văn Hảo . Tâm dù hung dữ nhưng thật lòng yêu thương đứa em út của mình.

    Giàu út ăn, khó út chịu, và Thiện là đứa con chịu thiệt thòi nhất nhà mặc dù ông bà phán xem Thiện như là một đứa con ngà ngọc. Cả cuộc đời ông phán luôn luôn phải truân chuyên lặng hụp để ngoi lên để rồi đến ngày đầu bạc cũng chỉ có được một số tiền hưư bổng ba cọc ba đồng. Có một thời ông phán mê sa cờ bạc, lương tiền hằng tháng nướng hết vào sòng bạc Kim Chung , Đại Thế Giới, gia đình nợ nầng túng thiếu tứ tung khiến cho Thiện và người chị thứ tư tên là Thi phải vào ăn nhờ ở đậu trong nhà vợ chồng người chị thứ ba và ở đó, trong thời thơ ấu, Thiện đã ngơ ngác chứng kiến chị Thi của mình bị một tên bà con của ông anh rể ở trong nhà xé quần xé áo ! Sau nầy chị Thi trốn nhà đi theo tên đó về Bến Lức, nhưng bà phán cứ phải dấu kín chuyện xấu hổ nầy bằng cách đặt chuyện chị Thi theo VM đánh Pháp rồi chết !

    Có một thời bà phán vì quá ưu phiền, cộng thêm bệnh đau khớp chân đầu gối, cho nên bà phán bắt đầu uống rượu để xoa diệu hai nổi đau thể xác và tinh thần. Ban đầu thì uống để quên rồi thì trở thành nghiện ngập không uống không được cho tới khi phải đưa vào nhà thương vì bị nám phổi, chai gan và mồm học máu tươi !

    (còn tiếp)
    Last edited by nguyễn công tánh; 05-20-2020 at 06:55 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 10
    Last Post: 01-04-2015, 09:39 PM
  2. Replies: 2
    Last Post: 03-05-2013, 07:44 AM
  3. Sự thật về phim "Như Hạt Mưa Sa"
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 05-04-2012, 09:08 PM
  4. Replies: 0
    Last Post: 11-21-2011, 09:05 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 11-21-2011, 09:05 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 07:09 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh