Register
Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 17 of 17
  1. #11
    (Tiếp theo kỳ trước) Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây

    Chương 3


    Tối nay gia đình tôi đưa nhau đến nhà hàng Arc en Ciel ở Chợ Lớn. Đây là đề nghị của Hưng vì ngày mai tôi sẽ lên đường trở lại Paris. Dù không khí chiến tranh đang bao trùm khắp nước nhưng thiên hạ vẫn cứ tiếp tục thụ hưởng một nếp sống sung túc giàu sang. Các bàn ăn đông nghẹt thực khách. Ban nhạc sống hòa tấu những khúc nhạc khích động nhưng sàn nhảy thì nằm trơ ra đó chẳng có ai chiếu cố vì chính thể mới không cho phép dân chúng khiêu vũ . Việc cấm chỉ nầy nằm trong chủ trương lành mạnh hóa xã hội miền Nam. Phim ảnh đồi trụy, rượu chè, hút sách, du đảng, mãi dâm bị coi là tàn dư của xã hội thực dân, phong kiến ngày trước.
    Vừa ăn Hưng vừa nói với tôi:
    "Sài Gòn lúc nầy chỉ có vậy thôi, không còn những nơi ăn chơi du hí như thời trẻ của chúng ta nữa . Vào xem phim "ciné" thì phải đứng dậy chào cờ rồi suy tôn người lãnh đạo của miền Nam, đi chơi xa bằng đường bộ thì sợ bị phục kích đặt mìn giữa đường, vào tới sở làm thì học tập chính trị đấu tố nhiều hơn là làm việc để phục vụ dân chúng, ngoài đường thì các chú lính Mỹ "GI" bắt đầu ngổ ngáo phá phách; mãi dâm trá hình, "Sài Gòn Thé", phòng đấm bóp bán dâm "Massage" đâu đâu cũng có để cung ứng cho quân Mỹ và đồng minh hiện có mặt ở miền Nam. Đài phát thanh thì toàn là những bài vỡ, bài hát chống đối chính quyền miền Bắc".
    Tôi ngắt ngang lời Hưng:
    "Thời cuộc lúc nầy cần phải có những sự cấm đoán như thế . Mỗi người nên bớt đi một chút thói quen hưởng thụ của mình để góp phần xây dựng lại đất nước và đối đầu với hiểm họa mới . . ."
    Hưng uống một ngụm rượu vang rồi nhìn tôi:
    "Dân chúng miền Nam chưa thấy được hiểm họa đó nhưng trước mắt thì họ bị động viên quân dịch, trước mắt còn có những nơi tổ chức nhảy đầm lậu, những tổ chức khiêu vũ thoát y một trăm phần trăm tại những dinh thự của các ngài tai to mặt lớn, tại bản doanh của những ông tướng vùng, tại các tòa tỉnh trưởng. Dân chúng thì hình như càng ngày càng nghèo khó hơn trong khi đó thì các trương mục ngân hàng của các ông trưởng ty, giám đốc, tỉnh trưởng, tướng tá mỗi ngày mỗi đầy thêm! Em có biết giá cả cho một chức vụ cảnh sát trưởng của một quận trong vùng Chợ Lớn là bao nhiêu không?"
    Câu hỏi bất chợt của Hưng làm tôi sững sờ . Có những chuyện mua bán đổi chác quyền hành như thế hay sao ? Tôi nhíu mài nghi ngờ hỏi Hưng:
    "Có thật vậy không? Anh căn cứ vào đâu để nói như thế ?"
    Hưng cười khẩy:
    "Chỉ có em và ông D là không biết. Dân chúng ở đây, nhất là ở Sài Gòn ai ai cũng từng nghe đồn đại chuyện đó, không có lửa làm sao có khói ? Em thì ở mãi tận bên trời Tây, còn ông D thì quanh quẩn trong dinh bao quanh bởi những lời trình tấu tốt đẹp huy hoàng của những người được ông tin dùng. Chỉ có em là người Việt Nam từ ngoại quốc về với thông hành ngoại giao mà không mang về hột xoàn, đô la Mỹ, hàng lậu thuế và kể cả hàng thuộc loại quốc cấm. . .!"
    Tôi phản đối:
    "Chỉ có một thiểu số nào đó thôi, mình đâu có thể nào quơ đủa cả nấm được !"
    "Một con sâu làm rầu nồi canh ! Bất hạnh thay, không phải chỉ có một hay hai con sâu !"
    Hồng Ngọc ngơ ngác theo dõi cuộc đối thoại giữa tôi và Hưng. Con gái tôi còn ngây thơ quá, chưa hiểu được những rắc rối của cuộc sống phức tạp hiện tại . Tôi nhìn con, mỉm cười:
    "Việc học hành của con ra sao rồi ?"
    Giọng Hồng Ngọc lo âu"
    "Con nghe đồn hình như là trường Marie Curie con đang học sẽ giao lại cho chính phủ Việt Nam và sẽ do những thầy giáo, cô giáo Việt Nam giảng dạy, chương trình giáo dục của người Pháp sẽ bị bãi bỏ . . ."
    Tôi trấn an:
    "Có sao đâu . Con là người Việt Nam, nói tiếng Việt Nam mà !"
    "Nhưng từ lúc bắt đầu đi học tới bây giờ con đã theo chương trình giáo dục của người Pháp . . .Không lẽ bây giờ phải trở lại từ đầu ?"
    "Con đâu cần phải đi lại từ đầu vì con đâu phải là người Pháp theo học chương trình giáo dục giảng dạy bằng Việt ngữ . . .Con lại có lợi thế hơn những người khác vì đã có sẵn số vốn Pháp văn. Hơn nữa, con đọc và viết bằng việt ngữ có thua ai đâu ?"
    Hồng Ngọc phụng phịu:
    "Nhưng con muốn giống và được như mẹ để sau nầy con cũng được làm việc tại toà đaị sứ của ta ở bên Pháp !. . ."
    Tôi choàng tay vuốt nhẹ mặt con:
    "Con phải giỏi hơn mẹ chứ, giống như ba con kìa! Cứ cố gắng học hành rồi sẽ có tương lai, mọi chuyện khác đã có bố và mẹ lo . . ."
    Mắt Hồng Ngọc sụp xuống:
    "Mẹ đi xa hoài!. . .Còn bố thì có bao giờ rỗi rãi để lo cho con đâu !. . .Bè bạn đầm ấm, có cha, có mẹ, thấy mà thèm thuồng !. . ."
    Tôi bị nghẹn ngang ! Đĩa thức ăn còn hơn phân nửa như có ai vừa mới bỏ sạn đá vào! Tôi và Hưng nhìn nhau như hai kẻ có tội . Hồng Ngọc cần mẹ, cần bố nhiều hơn là cần tiền bạc vật chất. Tối nay đáng lý con tôi phải vui cười hớn hở khi được đưa tới những nơi náo nhộn như thế nầy mới phải chứ có đâu phải sầu muộn than thở như thế kia! Cả cuộc đời của tôi, cả cuộc đời của Hưng đã và đang dành trọn vẹn cho giọt máu đó vậy mà vẫn còn chưa đủ ! Tôi phải làm sao đây ? Và tôi lại chợt nghĩ tới Huyền Châu, đứa con mà tôi chưa từng được nhìn thấy dung nhan, chưa từng được tôi nâng niu bồng bế ôm ấp.
    Về nhà, tôi nằm chung với Hồng Ngọc. Tôi nghe được tiếng động trăn trở chờ đợi bên phòng của Hưng. Hồng Ngọc ôm cứng lấy tôi như hai gọng kềm. Tôi nằm yên không dám nhúc nhích vì sợ phá giấc ngủ của con mặc dù tôi đang thèm muốn sôi nổi được lên giường với Hưng. Tôi gở nhẹ tay Hồng Ngọc rồi rón rén bước ra khỏi phòng. Hưng đang ngồi ở phòng khách. Tôi sà nhanh đến Hưng như cơn gió lốc. Chúng tôi yêu nhau và làm tình như một cặp vợ chồng mới cưới . Men rượu của buổi ăn tối ở nhà hàng Arc En Ciel biến tôi trở thành con hổ cái háo đói và tôi là kẻ chủ động cho tới hừng sáng. Hưng mệt lã nằm thiếp trên nền thảm . Tôi đốt một điêu thuốc Gauloisẹ Bên ngoài trời màu xám bạc như sắp đổ mưa . Tôi nhìn về phía phòng của Hồng Ngọc: cửa phòng khép kín, con tôi vẫn còn cuộn mình trong chăn êm nệm ấm. Hưng trở mình thức giấc. Tôi vội vàng dụi tắt tàn thuốc lá rồi đến lôi chàng vào phòng tắm. Đáng lẽ Hưng phải khỏe trở lại sau khi tắm gội nhưng chàng lại rũ ra vì tôi lại bắt chàng phải yêu tôi ở trong đó .
    Sáng nay Hồng Ngọc không tới lớp học để đưa tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất. Hai phút trước khi rời phòng đợi để lên máy bay, tôi ôm cứng Hồng Ngọc và Hưng vào lòng. Rồi bổng dưng có một sự hối thúc tiềm ẩn nào đó bất chợt nổi dậy như cơn bảo ập đến trong tôi khiến nước mắt tôi trào ra nhoè nhoẹt hết phấn son. Tôi đã có một quyết định dứt khoát: trong tương lai sẽ không còn cảnh kẻ đi người ở như thế nầy nữa . Tôi sẽ trở về và ở lại Việt Nam sống chết với chồng con.
    *
    Vấn đề tìm kiếm Huyền Châu cho đến nay vẫn không có kết quả . Luật sư Huy đã vì tôi mà lặn lội khắp cùng. Với chức vụ cố vấn luật pháp của tòa đại sứ Việt Nam ở Paris, Huy không bị ràng buộc nhiều như tôi . Ngoài mặt, Huy chỉ là một luật sư tòa thượng thẫm, có văn phòng riêng tại thủ đô Paris; chức vụ của Huy là một chức vụ chìm, không ai biết là Huy làm việc cho tòa đại sứ Việt Nam.
    Một buổi tối mùa Đông năm 1955, tôi đang ngồi đọc thư của Hưng và Hồng Ngọc từ Việt Nam gửi sang thì Huy tới thăm. Trong lúc tôi pha rượu để mời thì Huy lên tiếng:
    "Chị Bích Ngọc này, tôi có một câu chuyện khá đặc biệt muốn nói với chi. . ."
    Tôi tưởng Huy đã tìm ra manh mối của Huyền Châu nên vội vàng hỏi:
    "Huyền Châu phải không?"
    "Không phải đâu !"
    Tôi thất vọng và lại bắt đầu lo: lần trước cũng là Huy đã "có một chuyện muốn nói cho tôi biết," khiến tôi đã phải xín vín bao nhiêu tháng ngày qua, bây giờ Huy lại có một chuyện khác muốn nói cho tôi biết. Tôi cầm ly rượu đưa cho Huy:
    "Chuyện quan trọng không?"
    "Khá quan trọng. . . ."
    Lại chuyện quan trọng nữa! Tôi nhíu mài:
    "Có dính líu gì đến chuyện riêng tư của tôi không?"
    ". . .Không, nhưng chị cần phải biết vì nó có dính líu đến chức vụ của chị hiện giờ".
    Tôi sốt ruột hối thúc:
    "Vậy thì anh nói ngay đi . . ."
    Huy nhấp một ngụm rượu rồi chẫm rãi móc bao thuốc chìa ra mời:
    "Chị hút một điếu cho ấm. . . Cách nay hơn tháng, khi chị còn đang nghỉ phép ở Việt Nam thì tôi trở xuống Marseille để dọ hỏi tin tức của Huyền Châu thì có một người lạ đến tìm tôi tại khách sạn. . . ."
    "Ai vậy ?. . ."
    "Người nầy tự giới thiệu là một sinh viên Việt Nam vừa mới tốt nghiệp ngành luật. Anh ta không cho biết tên, chỉ nói rằng mình sắp trở về Việt Nam. . . "
    "Người đó tìm anh để làm gỉ ?"
    "Để mời tôi gia nhập vào một mặt trận đối lập với chính quyền miền Nam Việt Nam hiện thời đang do ông D đứng đầu . . ."
    Tôi nhăn trán nhìn Huy:
    "Rồi anh trả lời thế nào ?"
    Huy nhún vai:
    "Tôi ngạc nhiên vì sự gan dạ và phong cách đường đột của anh ta nên mới hỏi lý do tại sao tôi phải đối lập với ông D thì anh ta bảo rằng ông D là tay sai của đế quốc cướp nước, rằng nhân dân miền Nam hiện giờ bị sống dưới ách kềm kẹp của một chế độ độc tài gia đình trị, rằng dân chúng miền Nam do mặt trận nầy lãnh đạo sẽ nổi dậy để đánh đuổi đế quốc, loại bỏ chế độ của ông D ở Sài Gòn. . . .và anh ta còn nói nhiều thứ chuyện khác nữa, tôi không thể nhớ hết . ."
    Tôi đứng lên đi lại quày rượu để pha thêm cho Huy một ly rồi hỏi:
    "Anh ta sẽ tặng cho anh chức gì trong mặt trận đó ?
    "Thứ trưởng bộ Tư Pháp . . ."
    "Và anh đã nhận lời rồi cho nên mới đến đây khuyến dụ tôi gia nhập phải không?"
    Huy xếch môi cười rồi gằn giọng:
    "Trời ơi, sao chị xem thường tôi quá vậy ? Cứ từ từ, đợi tôi nói hết cho chị nghe có được không? . . .Tôi hỏi người đó đã rời Việt Nam bao lâu rồi thì được trả lời rằng kể từ ngày ông M sang Fotainebleau để thương lượng với người Pháp. Tôi lại hỏi: từ đó đến nay có trở về Việt Nam mấy lần rồi thì được trả lời là chưa có dịp trở về lần nào . Tôi lại hỏi: vậy làm sao biết được rằng đế quốc cướp nước và nhân dân miền Nam hiện giờ bị sống dưới một chế độ kềm kẹp của chính quyền hiện hữu thì được trả lời rằng người ta đồn đại như thế. Hỏi ai đồn đại như thế thì lại được trả lời rằng chuyện đó ai ai cũng biết ! Tôi cười khì về lối trả lời cho xong chuyện của người lạ rồi cắt đứt ngang buổi nói chuyện với lý do là đã tới giờ tôi đi ra ngoài có việc cần. Tôi cũng lắc đầu lịch sự từ chối việc người nầy yêu cầu cho gặp lại ngày hôm sau . . . . ."
    Tôi bông đùa:
    "Chắc chờ anh suy nghĩ đã rồi mới trả lời đề nghị của người đó phải không ?"
    "Chị biết rõ quá mà, tôi đâu phải là một kẻ đi hàng hai đón gió ! Nếu đã ham thì tôi phải ham từ lâu rồi để làm việc cho người Pháp chứ đợi chi tới bây giờ ?. . ."
    Tôi xoa dịu:
    "Đùa với anh chút đó thôi, chứ tôi hiểu anh quá mà . Tôi với anh trong thâm tâm hiện giờ chưa phục ông D một trăm phần trăm nhưng chắc anh cũng đồng ý là trong hiện tại không có ai có thể làm được nhiều việc như ông D . Ít ra thì cho tới nay miền Nam vẫn chưa bị lấn chiếm . Tôi thì chồng con còn ở bên đó, anh thì cha mẹ, anh em còn đầy. Thử hỏi nếu miền Nam có mệnh hệ nào mà những người thân của mình lại bị kẹt ở lại bên đó trong khi tụi mình ở đây thì sẽ ra làm sao ? Mọi phong trào chống đối ông D hiện nay chi có lợi cho chính thể của ông M, nếu không nói là những phong trào chống đối đã bị giựt dây hoặc chính do chính quyền đối nghịch với ông D đã tổ chức để len lỏi vào chính trường miền Nam . . ."
    "Nhận định của chị cũng giống nhận định của tôi . . .Bây giờ chúng ta phải làm sao ?"
    Tôi không đáp lại câu hỏi của Huy nhưng lại nhấc cần điện thoại quay số gọi toà đại sứ Việt Nam:
    "Allo, cho tôi tiếp chuyện với chị Thanh, chánh văn phòng thư ký của ông đại sứ.."
    "Allo, tôi là Thanh đây, xin lỗi ai đang ở đầu dây ?"
    "Allo chị Thanh, Bích Ngọc đây. . . .Chưa nghỉ làm việc sao ?"
    "À, chị Bích Ngọc. . .Tôi vẫn còn ở đây, việc nhiều quá phải làm cho xong. . .Có chuyện gì vậy ?"
    "Ông đại sứ còn ở đó không ?"
    "Còn. . ."
    "Chị Thanh lấy giấy bút để tôi đọc cho chị viết rồi đem trình ngay cho ông đại sứ . Nội dung như sau: [Một mặt trận đối lập sẽ được tổ chức tại miền Nam gồm những thành phần trí thức từ ngoại quốc trở về, có thể gây ra tình trạng bất ổn cho chính thể của miền Nam do ông D đứng đầu hiện naỵ Cần chú trọng đến các thành phần trí thức tốt nghiệp từ Pháp quốc có thể tham gia vào mặt trận nầy] ."

    *
    Gia đình ông phán Quới có tất cả 5 người con. Hai người con gái lớn đã lập gia đình. Người con gái kế, theo lời bà phán nói lại, đã bỏ mình khi đi theo VM chống Pháp. Khi chôn cất người con gái nầy chỉ có bà phán tham dự đám tang tại một vùng bưng biền ở vùng Bến Lức-Cai Lậy . Trong nhà hiện giờ chỉ còn có hai người con trai sống chung với ông bà phán. Người anh là Nguyễn Tồn Tâm, 26 tuổi và người con trai út là Nguyễn Công Thiện, 19 tuổi, vừa đậu bằng trung học. Để tưởng thưởng, ông bà phán dù không giàu có gì cũng cố gắng chạy tiền mua cho Thiện một chiếc xe gắn máy hiệu Puch của nước Áo sản xuất, một kiểu xe gắn máy đẹp nhứt vào thời đó ở Sài Gòn.

    Thiện rất sợ anh Tâm vì Tâm hung bạo và khắc khe . Tâm không những chơi bời phóng túng, kết bè kết bạn, đờn ca nhậu nhẹt suốt tháng suốt năm, không chịu học hành mà lại còn bướng bỉnh cứng đầu với ông bà phán. Tâm thương em trai mình nhưng cách răn dạy của Tâm thì tàn bạo, dã man, đấm đá nhiều khi đi đến mức quá đà .Lúc còn nhỏ Thiện đã phải gánh chịu những trận đòn tra khảo của Tâm chẳng khác gì như một tên nô lệ bị án khổ sai . Tâm vừa lé lại vừa lùn còn Thiện tươi trẻ, cao ráo, ẩn hiện nhiều nét đẹp của người con trai nước Ý . Trong cư xá Ngân Khố Sài Gòn, các thiêu nữ cùng lứa tuổi hoặc lớn hơn đều để ý tới Thiện vì Thiện có một sức thu hút rất mãnh liệt. Tuổi của Thiện là tuổi Nhân Mã, tuổi con Cọp, hiện thân của những người hoạt bác, hoạt động và hào hoa hạng nhất. Từ lúc 15 tuổi Thiện đã biết khiêu vũ một cách sành sõi nhưng đồng thời cũng rất ham học. Thiện thi đậu bằng Brevet Pháp và bằng trung học đệ nhất cấp Việt Nam trong cùng một năm mặc dù lúc đó Thiện chỉ mới học tới lớp đệ ngũ ở trường Pétrus-Ký. Tiền quà bánh hằng ngày Thiện để dành để cuối tuần vào Chợ Lớn nhảy đầm với bạn bè và biệt tích cho đến quá nửa đêm chúa nhật mới lần mò về nhà để chuẩn bị đi học vào sáng thứ hai hôm sau .

    Sáu tháng sau khi Thiện có bằng trung học, ông phán đến tuổi về hưu vì thế gia đình không còn đủ điều kiện cho Thiện tiếp tục ăn học. Sau ngày hiệp định Genève ký kết, Thiện nghe lời một người bạn tên Toàn dắt nhau xuống bến tàu để di cư ra Bắc vì muốn phiêu lưu mạo hiểm nhưng rồi Thiện đổi ý và ở lại còn người bạn chí thân thì ra đi biệt tâm từ ngày đó .

    Tháng 6 năm 1957, Thiện được tuyển vào làm việc tại Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn với ngach thư ký phù động, lương hằng tháng khoản hơn một ngàn năm trăm đồng. Ban ngày Thiện đi làm, tối đi học lớp luyện thi tú tài của hội văn hóa bình dân. Thứ bảy, chúa nhật Thiện vắng nhà mất dạng. Tiền lương của Thiện tiêu pha riêng một mình. Ăn uống, quần áo thì ông bà phán vẫn cứ phải tiếp tục bao bọc cho Thiện.

    Tâm thì không còn hung tợn với Thiện như xưa nữa vì thân hình của Thiện to lớn gắp hai lần thân hình của Tâm. Thiện tập tạ và tập đánh sà ngang từ khi bắt đầu lên lớp đệ thất nhờ vậy hình dáng của Thiện vừa đẹp lại vừa khỏe giống như những lực sĩ thẩm mỹ .Có lần Tâm nóng giận bâng quơ cầm cọc chăn mùn đập Thiện, Thiện chụp được cây cọc bẻ gảy gọn làm hai quăng đi, đưa mắt nhìn người anh hung bạo rồi chỉ lắc đầu mà không nói gì . Kể từ ngày đó Tâm không còn dám đánh em mình nữa.

    Ngày Thiện chưa đi làm, cũng có những lúc bà phán nổi nóng cầm chổi lông gà quất túi bụi ; Thiện chỉ đứng yên chịu trận, không né tránh, không nài xin, thân mình quầng đỏ vì những lằn roi vọt đến độ làm cho bà phán phải tội nghiệp bật khóc rồi ngưng tay . Đến lúc đó Thiện mới quỳ xuống lại bà phán để xin lỗi rồi đứng lên đi rót nước mời mẹ và nhỏ nhẹ nói:" Mẹ đánh con làm gì cho mệt, cho đau tay; mẹ già rồi, nếu con có gì quấy, mẹ cứ gọi anh Tâm theo lệnh của mẹ đánh con cũng được mà, con sẽ đứng xui tay để cho anh ấy dạy dỗ theo ý mẹ".

    Thiện rất thương ông phán, bà phán. Ngày lãnh số lương đầu tiên, Thiện tự mình ra Chợ Cũ lựa mua trầu cao thật ngon và một kí lô thịt heo quay mang về cho cha mẹ. Thứ bảy cuôi tuần lại đưa cả nhà, có cả anh Tâm vào đường Lacaze ở Chợ Lớn ăn mì vịt rồi di xem cải lương ở rạp Nguyễn Văn Hảo . Tâm dù hung dữ nhưng thật lòng yêu thương đứa em út của mình.

    Giàu út ăn, khó út chịu, và Thiện là đứa con chịu thiệt thòi nhất nhà mặc dù ông bà phán xem Thiện như là một đứa con ngà ngọc. Cả cuộc đời ông phán luôn luôn phải truân chuyên lặng hụp để ngoi lên để rồi đến ngày đầu bạc cũng chỉ có được một số tiền hưư bổng ba cọc ba đồng. Có một thời ông phán mê sa cờ bạc, lương tiền hằng tháng nướng hết vào sòng bạc Kim Chung , Đại Thế Giới, gia đình nợ nầng túng thiếu tứ tung khiến cho Thiện và người chị thứ tư tên là Thi phải vào ăn nhờ ở đậu trong nhà vợ chồng người chị thứ ba và ở đó, trong thời thơ ấu, Thiện đã ngơ ngác chứng kiến chị Thi của mình bị một tên bà con của ông anh rể ở trong nhà xé quần xé áo ! Sau nầy chị Thi trốn nhà đi theo tên đó về Bến Lức, nhưng bà phán cứ phải dấu kín chuyện xấu hổ nầy bằng cách đặt chuyện chị Thi theo VM đánh Pháp rồi chết !

    Có một thời bà phán vì quá ưu phiền, cộng thêm bệnh đau khớp chân đầu gối, cho nên bà phán bắt đầu uống rượu để xoa diệu hai nổi đau thể xác và tinh thần. Ban đầu thì uống để quên rồi thì trở thành nghiện ngập không uống không được cho tới khi phải đưa vào nhà thương vì bị nám phổi, chai gan và mồm học máu tươi !

    (còn tiếp)
    Last edited by nguyễn công tánh; 05-20-2020 at 06:55 AM.

  2. #12
    (Tiếp theo kỳ trước) Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây*

    Tháng 7 năm 195́́8, Thiện thi đỗ bằng tú tài phần nhất và trúng tuyển kỳ thi thư ký chánh ngạch Ngân Khố tập sự.

    Thiện quen với Hương ngày nàng từ Đà Lạt xuống Sài Gòn về ở chung với vợ chồng người chị trong cư xá Ngân Khố . Hương lớn hơn TL 2 tuổi. Anh rể của Hương là một tham sự giữ chức chánh sự vụ sở nhân viên Nha Tổng Ngân Khố . Thiện được vào làm việc ở đây một phần cũng là nhờ người anh rể của Hương ghé mắt nâng điểm trong kỳ thi tuyển vì gia đình Thiện và gia đình ông Tham ở cùng chung trong cư xá Ngân Khố . Hương cũng là một công chức hạng thấp giống như Thiện tại ngân hàng quốc gia. Thiện biết được Hương thương mình khi Hương xé nát một mãnh thư nhỏ và tấm hình của một người bạn gái mà Thiện cất giữ trong cái ví bằng da . Tình yêu giữa Thiện và Hương không được gia đình Hương chấp nhận vì vấn đề môn đăng hộ đối . Rồi họ chia cắt hai người bằng cách đưa Hương trở về Đà Lạt làm việc ở ty Ngân Khố trên đó và cứ đến mỗi trưa thứ sáu hằng tuần, Thiện lén bỏ việc về sớm để ù chạy ra bến xe đò Sài Gòn-Đà Lạt cho kịp chuyến xe cuối cùng lên Đà Lạt gặp Hương.


    Giáng sinh năm 1958, Hương đã ở suốt đêm với Thiện giữa trời lạnh giá buốt trên ngọn đồi kỵ mã gần hồ Xuân Hương và đó là mối tình đầu của TLkhi vừa mới bước vào trường đời để kiếm sống. Một tuần lễ sau, mẹ của Hương xuống Sài Gòn. Thiện năn nỉ bà phán qua nhà ông bà tham để gặp mẹ của Hương xin dạm hỏi nhưng người chị của Hương đã tiếp đón bà phán một cách hời hợt rồi thẳng thừng từ chối không cho bà phán gặp mẹ của Hương. Trở về nhà, bà phán buồn tũi vô hạn. Gặp Thiện, bà phán vừa giận vừa thương con khiến cho nước mắt bà tuông trào : chỉ vì mình nghèo mà con không cưới được vợ ! Thiện ôm bà vào lòng giọng khẩn thiết:

    "Con lại mẹ, xin đừng buồn giận con chi cho tổn sức. Con dại dột không biết tự lượng thân phận thấp kém của mình khiến cho mẹ phải liên lụy xấu hổ. Con thật là kẻ bất hiếu, mong mẹ thương mà bỏ qua cho . Mẹ buồn sầu con đau sót lắm . . ."

    Bà phán ghì cứng con mình vào lòng. Bà thấy thương con vô bờ bến . Bà biết Thiện đang đau, con tim của Thiện bị rướm máu nhưng Thjện đang cắn răng đè nén để cho mẹ khỏi sầu bi vì bị nhục nhã, khinh khi. Bà phán thổn thức:

    "Con còn trẻ, thiếu gì người khác đẹp hơn con em của ho. Họ chê con nghèo, họ trề môi vì con chưa có chức phận, họ bảo con đèo bồng muốn trèo cao . . .Nhưng mẹ biết chắc rằng con sẽ hơn họ gắp ngàn lần. Chỉ cần con có chí đừng thất vọng buông trôi . Thương mẹ, thương ba, con phải tiến và tiến xa hơn người ta mới được. Mẹ nhất định phải sống để nhìn thấy con thành đạt, để thấy người ta ân hận hối tiếc !"

    Thiện lại đi chơi nhiều hơn xưa.
    (còn tiếp)
    Last edited by nguyễn công tánh; 05-27-2020 at 10:54 AM.

  3. #13
    (Tiếp theo kỳ trước) Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây*

    *
    Buổi trưa thứ bảy, giờ tan sở, trên người vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục thanh niên Cộng Hòa, Thiện rão bước về phía đường Tự Do. Những anh lính Mỹ GI nhởn nha khắp nơi trên đường phố. Suốt dọc đường Tự Do, quán rượu, nhà tắm hơi, Snack Bar, đâu đâu cũng vang vội tiếng nhạc Rock rập rình kích động. Thiện ngắm nhìn những thiếu nữ trên hè phố: gái điếm, gái nhà lành, gái bán bar, nữ ca sĩ . . . Kiểu cách ăn mặc, chưng diện, đi đứng của họ không khác biệt với nhau nhiều lắm, đa số là váy ngắn và áo trên hở hang khiến cho Thiện không thể nào biết ai là ai, con nhà lành hay gái đứng đường. . .Nếp sống Sài Gòn giờ đây đã đổi sắc thái : hàng Mỹ thay thế cho hàng Pháp, nhạc Mỹ thay cho nhạc Pháp, me Mỹ thay cho me Tây, hàng lậu thuế, hàng ăn cắp, hàng từ PX Mỹ tràn ngập như cơn sóng lũ ập vào bờ làm chóa mắt người dân thành phố .


    Thiện bước vào nhà hàng La Pagode nằm trên đường Lê Thánh Tông đối diện với toà đô chính. Một ngườ bạn của Thiện đã ngồi sẵn trong đó chờ đợi .Thiện kéo ghế ngồi rồi hỏi:


    "Khoẻ không Hầu ? Tới lâu chưa ?"


    Hầu trả lời:


    "Bình thường thôi . . .Ngồi đây khoản hai mươi phút rồi. Uống gì ?. . . 33 nghe . . "


    "Được, nhưng phải cho "moi" (tôi, tao) ăn một chút gì cái đã, đói lắm! . . ."


    Hầu đưa tay ra hiệu cho người hầu bàn. Thiện đặt bao thuốc lá Pall Mall lên bàn:


    "Hút thuốc đi "toi" (anh, mầy)."


    "Vừa mới hút xong, bây giờ chỉ cần uống bia, ngắm thiên hạ . . ."


    Gần bàn của Thiện và Hầu, 2 người Mỹ đang bàn tán chuyện thời sự với nhau . Người Mỹ mặc quân phục với cấp bậc "con ó" (đại tá) đeo trên cổ áo đang đưa ý kiến. Thiện nheo mắt ra hiệu cho Hầu lắng nghe:


    "Đứng trên cương vị của một người quân nhân tác chiến như tôi để mà nhận định thì tôi thấy rằng dưới sự kiểm sóat của chính phủ do ông D đứng đầu, VC hầu như bị co cụm lại không còn có thể thao túng đánh phá theo ý muốn của họ".

    Ngườ Mỹ mặc thường phục dân sự lên tiếng:


    "Nhận định của đại tá chỉ nhắm vào khía cạnh quân sự. Bề ngoài thì ai cũng tưởng như vậy; ngay cả tổng thống Mỹ D.E cũng đã đón tiếp ông D một cách trọng thể khi ông D công du Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 5 năm 1957. Ông D được ca tụng như là người đã mang lại phép lạ ở vùng Á Châu và chính bản thân ông D cũng tin chắc mà tuyên bố rằng VC nằm vùng ở miền Nam đã bị bứng sâu đến tận gốc rễ . Tuy nhiên, nhiều dư luận ở miền Nam lại chỉ trích ông D cho rằng chính phủ của ông D là một triều đình phong kiến thu gọn gồm anh, em và thân thuộc của ông D. Giữa anh em ông D cũng có mầm móng tranh chấp quyền lực. Ông N thì tự quyền lập ra và đích thân điều khiển một tổ chức đảng CLNV riêng của mình, một tổ chức gồm đa số những thành phần công giáo và những chức quyền điều khiển cao cấp của ông D. Dưới quyền của ông N lại có một cơ quan mật vụ riêng do một ông bác sĩ điều khiển.

    Ở miền Trung thì em của ông D là ông C thì như là một lãnh chúa riêng một vùng. Tu sĩ Th. đương nhiên được xem như là người đứng đầu khối giáo dân của miền Nam mặc dù bề ngoài ông chỉ trông nôm có một giáo phận ở miền Tây . Có nhiều dấu hiệu cho thấy là vị tu sĩ nầy đang nổ lực thu hút nhiều con chiên mới để đủ chỉ số bổn đạo cần thiết cho toà thánh Rô-Ma tấn phong một vị Hồng y đầu tiên ở miền Nam Việt Nam
    ."


    "Chương trình Cải Cách Điền Địa của ông D cũng đạt được thành quả đáng khích lệ lắm phải không ?"


    "Đại tá dựa vào đâu mà nói như thế ? Chương trình nầy chỉ có lợi cho một thiểu số đại điền chủ ngày trước mà thôi . Ngoài miền Bắc cũng đã xảy ra cuộc cải cách ruộng đất, ông M tịch thu ruộng đất của những người chủ bị gọi là bọn ác ôn rồi phân phát cho nông dân nghèo nhưng lại có quá nhiều nạn nhân và chết chóc trong cuộc cải cách nầy!


    Ở trong Nam, Ông D không tịch thâu, không đấu tố các người làm chủ quá nhiều ruộng đất. Ông D mua lại ruộng đất bỏ hoang của họ để phân phát cho nông dân nghèo. Ruộng đất nầy trên thực tế thì các người làm chủ chỉ còn quyền sở hữu trên giây tờ và họ không còn có thể thu lợi gì đuợ nữ kể từ thời VM nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Những ruộng nầy đa số là những ruộng bỏ hoang, không ai thuê mướn để khai thác vì tình trạng chiến tranh, đó là những mãnh đất bị ê ẩm, không ai thèm ngó tới, dù có muốn cho không thì cũng chưa chắc có người dám nhận. Ông D mua lại những khoảnh đất nầy khiến những đám đại điền chủ có đất, có ruộng cò bay thẳng cánh reo mừng như bắt được của từ trên trời rơi xuống !

    Rồi thì cũng có phân phối thực sự cho nông dân, nhưng không bao lâu thì ruộng đất của người nông dân làm chủ trong các vùng mất an ninh lại bị bỏ phế hay bị bom đạn tàn phá ! Việc làm của Ông D trở thành công dã tràng xe cát , trong khi những người bán ruộng đất cho chính phủ vẫn tiếp tục lãnh tiền bồi hoàn và tiền lời trái phiếu dài dài, số tiền chính phủ chi tiêu để trả nợ cho các chủ ruộng bán đất lên đến hàng trăm triệu mỗi năm ! Chúng tôi đuợc biết có một đại điền chủ đang nắm giữ một chức vụ cao trong chính phủ của ông D. Một đại điền chủ khác có biệt danh là công tử Bạc Liêu hằng năm ra Ngân Khố lãnh tiền bồi hoàn truất hữu phải mang theo bao đựng gạo để đựng tiền ! Ngoài ra lại có những trường hợp chia đất cửa sau cho cho bà con của mấy ông bà tai to mặt lớn mà đa số là những khoảnh ruộng tốt ở gần mặt đường lộ hay tại các vùng được bảo vệ an ninh ! Ông D chắc không biết được mấy chuyện như thế vì bị phía dưới bưng bít
    !"


    "Còn những khu trù mật thì sao ?
    "


    "Thất bại hoàn toàn! Ép buộc người nông dân rời bỏ làng mạc, nơi chôn nhao cắt rún của họ, bỏ lại mồ mả ông bà, tổ tiên để vào tập trung trong các vòng rào kẽm gai tù túng là một việc làm đụng chạm đến nếp sống làng nước cổ truyền của người Việt Nam. Những khu trù mật gọi là mẫu mực với những tiện nghi cần thiết như trường học, trạm y tế, máy phát điện . . . chỉ dành để trình diễn với khách ngoại quốc nhất là với các chính khách của Hoa Kỳ.

    Tôi nghe nói có lần Ông D đi kinh lý một khu trù mật ở miền Đông, tỉnh Bình Dương: cây xanh, hoa quả, vườn tược ở đó đều có vẻ sum xuê tươi tốt. Ông D rất hài lòng. Tiếp tục đi thêm vài bước, ông dừng chân đứng lại ngắm nhìn một cây cam quằng trái . Ông đưa tay hái thử một quả, toàn thể thân cây cam theo đà kéo của ông ngả nằm trơ ra mặt đất: đó là một nhánh cam được cắt ra từ một cây cam lớn ở chỗ khác và được mang tới cắm xuống đất đêm vừa rồi, trước ngày ông D đến kinh lý, tại một chỗ mà người ta sẽ hướng dẫn Ông D đi ngang qua .
    . ."


    "Ông D phản ứng ra sao ?"


    "Cách chức ông quận trưởng, thi hành kỷ luật ông khu trưởng khu trù mật, cử người khác cai quản. Người trước thì làm giả, người tới thay thế thì làm thiệt để lấy điểm với cấp trên cho nên bắt dân chúng trong khu trù mật phải làm hùn hục chẳng khác gì tù khổ sai để đạt đúng mẫu mực cho những kỳ kinh lý sắp tới .

    Ông D là người trung hậu, ngay thẳng và hay tin người thân cận. Nhữ kẻ chung quanh ông đa số là những người dựa hơi đón gió . Họ sợ ông D ngoài mặt và che dấu nhưng cái hư, những cái xấu để qua mặt ông, khiến cho ông cứ đinh ninh rằng chính sách cai trị của ông là đúng, là hạp với lòng dân. Tôi nghe nói có lần ông D bất thần đi vào chợ để xem xét; ông hỏi mua một con gà đáng giá 15$ nhưng người bán đã được nháy mắt ra hiệu nên chỉ lấy có 1$ giá tiền của con gà, khiến cho ông Diệm hả hê vui mừng vì thấy vật giá quá rẻ có lợi cho dân tình ! Và người ta cũng nói rằng, từ đó về sau, mỗi lần khen thưởng cho hàng tuớng tá có công trận, ông cầm vài chục đồng bạc Việt Nam để cho họ ăn mừng trong khi tiền nổi tiền chìm của họ có thể lên đến hàng chục triệu . .
    . "


    "Anh thấy tổ chức dân vệ như thế nào ?"

    (Còn tiếp)
    Last edited by nguyễn công tánh; 01-05-2021 at 06:35 PM.

  4. #14
    ̣(Tiếp theo kỳ trước) Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây*

    "Trên lý thuyết chính quyền phát súng đạn cho dân chúng để tự họ gìn giữ an ninh thôn ấp. Trên thực tế, họ chỉ được phát cho những khẩu súng cũ mèm từ thời thế chiến thứ 2, được trợ cấp rất ít để sinh sống, không thể cày cấy đi làm thêm để cải thiện mức sống thấp kém của mình và họ chỉ còn có mỗi một cách là đi húng hiếp, phá làng phá xóm với vũ khí trong tay. Nếu VC có tới thì họ vứt cả súng đạn để chạy hoặc đi theo đối phương! . . ."

    Thiện nheo mắt nhìn Hầu:

    "Bạn có nghe thấy họ nói gì không ?"

    Hầu gụt gật đầu:

    "Có chứ."

    "Bạn nghỉ sao ?"

    "Nghỉ cái gì bây giờ ? Tôi với bạn còn trẻ, mới ra đời, mình chỉ được nghe nhiều hơn là thấy, biết tin vào ai đây ? Có điều chắc chắn là tôi và bạn sẽ vào lính để cầm súng ra trận dù bạn có muốn hay không muốn !"

    Thiện thở ra rồi nâng ly bia lên uống một hơi:

    "Thật là chán ! Tụi mình sinh ra số con rệp, không hợp thời đúng lúc, giặc giã cứ kéo dài liên miên mà mình thì không biết phải làm gì đây!

    "Ráng học để làm sĩ quan, khỏi đi lính binh nhì hoặc thành trung sĩ tác chiến !"

    "Bạn suy nghĩ như vậy sao ? Moi ( tiếng Pháp: tôi) hơi ngạc nhiên đó !"

    "Có gì mà ngạc nhiên, con gái Việt Nam lúc nầy chỉ miết mấy ngài sĩ quan thiếu úy, trung úy, đại úy mà thôi !"

    Thiện cười khì:

    "Cần gì đi học mới được làm sĩ quan. Bạn không nghe người ta nói : nhỏ mà không học, lớn làm tá, tướng đó sao ?"

    "Đó là câu nói chơi, chứ làm gì có chuyện như vậy ."

    "Trong hàng tướng tá hiện nay, có khá nhiều ông xuất thân từ lính khố xanh, khố đỏ trong quân đội Pháp, bạn không biết sao ?"

    "Chỉ có một vài trường hợp chứ đâu phải tất cả ! Mà cũng có sao đâu, sống lâu lên lão làng, thì cũng tốt thôi !"


    Thiện lắc đầu chán ngán không nói gì. Hầu lại tiếp tục:

    "Thật ra không cần phải học cao mới có đủ khả năng điều binh khiển tướng. Napoléon là một hạ sĩ mà về sau trở thành một danh tướng, một ông hoàng đế lừng danh của nước Pháp. Tướng tá của mình bị dưu luậ dèm pha là không biết chỉ huy nhưng không phải là vì họ ít học nhưng chính là vì đa số họ đánh giặc cho họ nhiều hơn là đánh giặc giữ nước ! Họ ngồi trong phòng hành quân đầy đủ tiện nghi, cầm gậy dài chỉ lên bản đồ đề chỉ huy hành quân qua máy truyền tin ! Họ không đi sát với quân lính hàng dưới thấp ở những nơi tuyến đầu như tướng Napoléon; nơi tổng hành dinh hoặc hậu cứ của họ thường có những cuộc nhậu nhẹt say sưa, tổ chức nhảy đầm, biểu diễn thoát y vũ trong khi người lính ngã gụt hàng loạt ngoài mặt trận. Họ ăn hối lộ, lập danh sách lính ma lính kiển, có tên mà không có người để lấy tiền trả lương của chính phủ . Họ lấy cây, gạch, tôn, ngói, xi măng của quân đội mang về xây cất sửa sang nhà cửa dinh thự riêng của mình . . ."

    "Bạn có thấy tận mắt những điều xấu xa đó hay không, coi chừng bị tuyên truyền xuyên tạc đó nghe !"

    " Moi không quơ đủa cả nấm, nhưng trong tình thế hiện tại, chỉ cần thâm lạm một con óc vít nhỏ xíu cũng làm cho dân chúng bất mãn, nhất là khi mình đang ở trên một địa vị cao, tất cả mọi từ trên xuống dưới đều phải sạch, không có ngoại trừ !"

    Thiện cười chua chát:

    "Điều nầy hơi khó đó ! Ai cũng muốn sung sướng, không ai dại gì lăn mình đi tìm cái khổ cực ! Ngay cả hai đứa chúng ta cũng vậy !"

    "Thế nầy bạn gọi là sướng sao ? Được bao lâu ? Nếu mai nầy họ vào đây bạn có chắc rằng chúng ta vẫn còn được tiếp tục ngồi uống bia ngắm gái như thế nầy nữa không ?"

    "Bạn có vẻ biết rành họ quá vậy ?"
    "Tôi với bạn chưa ai biết họ là như thế nào, mà cả 95% dân miền Nam cũng chưa biết gì về họ . Dù muốn dù không, thì tôi và bạn cũng đang ở phía bên nầy tức là cả hai chúng ta đang ở về phe kẻ địch chống lại họ . Nếu họ tràn vào đây không lý họ sẽ thăng chức cho bạn hay sao ? . . .Tôi còn đở hơn bạn, vì bạn hiện giờ đã có bộ ka ki xanh trên mình rồi khó mà phân bua chống chế ."

    Thiện nhún vai:

    "Bạn còn đở hơn tôi về một điểm khác nữa: bạn có thể đứng ngoài lề của cuộc tranh chấp, còn tôi thì vì hoàn cảnh gia đình cho nên tôi phải theo con đường nầy, không có con đường nào khác để chọn lựa !"

    "Thật ra tôi cũng không phải đứng ngoài lề, chúng ta cùng đang ngồi trên một chiếc xe không do bạn hay tôi lái hoặc điều khiển, chúng ta đang phó mặc cho anh tài xế muốn đưa đi đâu thì cũng phải chịu, không cách nào hơn. Tuy nhiên tôi sẽ nhảy ra khỏi chiếc xe đó; tôi không theo phe bên kia, không ở lại với phe bên nầy mà cũng không đứng giữa để đón gió . . .Tôi sẽ đi khỏi xứ nầy . . ."

    Thiện nhìn Hầu ngạc nhiên:

    "Bạn đi đâu ?"

    "Qua Miên (Kampuchea)."

    "Chắc có hơn ở đây không ?"

    "Cơm nấu chín bỏ vô miệng có khi còn chưa nuốt được vào bao tử, huống hồ là chuyện phiêu lưu bỏ xứ ra đi !"

    "Bạn còn nhớ Toàn Mập không?"

    "Nhớ, hắn làm sao ?"

    "Tôi chơi thân với nó cũng giống như tôi với bạn bây giờ . Ngày tập kết, nó rủ tôi theo nó để di cư ra Bắc. Cả hai đều không biết ra đó để làm gì . Giờ chót, nó đi, tôi ở lại . Bây giờ tôi và nó trở thành thù địch. Nay lại tới phiên bạn. Ba đứa cùng là người miền Nam vậy mà mỗi đứa mỗi nơi vì ý hướng khác nhau, thật là buồn !"

    Hầu đứng lên vỗ vai người bạn:

    "Bất đồng ý hướng còn có cơ may hàn gắng, một khi đã trở thành đối nghịch thì nghĩa đoạn ân tuyệt ! . . ."


    CHƯƠNG 4 -


    (Còn tiếp)















    Last edited by nguyễn công tánh; 03-23-2021 at 08:28 AM.

  5. #15

    (Tiếp theo kỳ trước)

    Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây*

    CHƯƠNG 4 -

    Từ đường Phủ Kiệt, phía sau Pháp Á ngân hàng, có một con đường hẻm nhỏ có tên là hẻm Aux Fleurs ăn thông qua phía sau Tổng Nha Quan Thuế. Trong con hẻm nhỏ nầy có hai dãy nhà lầu 2 tầng đối diện nhau mà cư dân đa số là người Tàu và người Ấn thuê mướn. Có một hàng bán thức ăn cà ry dê, bò, gà rất độc đáo và chủ nhân là một người Ấ Độ có vợ Việt Nam.

    Vào đầu tháng 4 năm 1960, vào lúc sập tối, sáu người đàn ông và hai người đàn bà bước vào quán ăn. Họ không ngồi vào bàn ăn nhưng đi thẳng lên tầng lâu trên. Họ là một trong những nhóm đối lập với ông D và tiệm bán cà ry nầy là địa điểm hội hợp của họ để bàn bạc và phân chia công tác. Trong những người nầy người ta thấy có 1 ký giả HNN, một quân nhân trong quân đội của ông D là PNT (Phạm ngọc Thảo), một công chức cấp cao của chính phủ TNT (Trương Như Tảng)và một nữ bác sỹ y khoa HH (Huỳnh Hoa).
    TNT chuyền tay cho mọi người thay phiên nhau đọc một bản đánh máy rồi nói:

    "Đây là tờ thỉnh nguyện sẽ gửi đến ông D để yêu cầu cải tổ nội các và loại ra ngoài những người thân tín tay chân bộ hạ của ông ta. Hiện giờ chưa đúng lúc để đòi ông ta từ chức vì lực lượng nằm vùng của chúng ta còn yếu. Phải che đậy để dưới con mắt của người dân ở các thành thị, nhất là ở Sài Gòn tưởng rằng chúng ta là những người quốc gia của miền Nam, đối lập với chế độ độc tài gia đình trị của ông D. Tuy nhiên chúng ta khó có thể qua mắt được màn lưới mật vụ của bác sỹ KT. Bên cạnh đó còn phải coi chừng tình báo của Mỹ. Điểm lợi của tổ chức là hiện giờ bên trong nội bộ của ông D đang có một vài bộ trưởng, thứ trưởng bất đồng chính kiến vì cung cách quan lưu triều bái của ông ta. Tôi biết được điều nầy là nhờ ở vị thế cao cấp của tôi trong chính quyền Sài Gòn. Thỉnh nguyện thư nầy chỉ là một hình thức để thăm dọ phản ứng của dân chúng miền Nam và để biết mức độ ủng hộ của họ đối với ông D ra sao. Nếu dư luận dân chúng đáp ứng thuận lợi thì ta sẽ dựa vào đó để ra mặt công khai chống đối. Đây là giai đoạn đầu cho việc thành lập một mặt trận đấu tranh chính trị có vũ lực yểm trợ trong tương lai tại miền Nam. Nhóm vũ trang nằm vùng hiện giờ phải phân tán và nằm yên vì các lực lượng an ninh tình báo, cảnh sát và quân đội của chính quyền đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh và có hiệu quả . . .."


    Cả phòng yên lặng hồi lâu, rồi giọng TNT lại lên tiếng:


    "Xin anh Năm cho chỉ thị . . ."


    Anh Năm là người của miền Bắc. Giọng của người nầy trầm trầm:


    "Được lắm, tôi đồng ý hoàn toàn. Bây giờ tôi đề nghị các điểm như sau: anh PNT hiện là một sĩ quan cấp cao trong quân đội vậy thì kể từ lúc nầy anh phải dùng ảnh hưởng của mình để chuẩn bị một cuộc đảo chánh bằng quân đội của ông D. Anh HN là chủ nhiệm một tờ nhật báo đông đọc giả ở Sài Gòn và như vậy tờ báo của anh là một óng loa tuyên truyền rất có hiệu lực để cho dân chúng Sài Gòn cứ tưởng rằng chúng ta là một tổ chức đối lập mạnh nhất so với các nhóm đối lập khác ở miền Nam. Anh TC là 1 dân biểu quốc hội, anh phải tận dụng diễn đàng trong quốc hội để chống đối mọi chính sách và đường lối của của ông D đưa qua quốc hội để biểu quyết. Còn chị bác sỹ thì nên lợi dụng thành phần các con buôn bán thuốc Tây ham làm giàu để tiếp liệu thuốc men và dụng cụ y tế đầy đủ đưa vào các mật khụ . . ."


    Giữa tháng 4 năm 1960, dân chúng ở Sài Gòn được biết là có một nhóm đối lập nào đó viết thỉnh nhguyện thư yêu cầu ông D cải tổ và nới rộng nội các. Sau đó ít lâu người ta thấy những tờ báo có khuynh hướng đối lập đã đăng tải nội dung tờ thỉnh nguyện thư đó đều bị bộ thông tin rút giấy phép, một số ký giả, sinh viên, trí thức ở Sài Gòn bị người của ông N theo dõi bắt giam vì tội tuyên truyền xuyên tạc có lợi cho đối phương.
    *
    Khi Thiện và Hầu bước vào thì phòng trà ca vũ nhạc ĐQ không còn một chỗ trống. Tối thứ bảy cuối tuần, thanh niên, thiếu nữ, trung niên, tráng niên, ông già, bà lão đô xô về các phòng trà ca vũ nhạc, một thứ tiêu khiển chưa bị ông D xếp vào hàng văn hóa đồi trụy vô bổ. Dĩ nhiên là không có vũ thoát y, nhưng cho phép nữ vũ công mặc hai mảnh vải nhỏ õng ẹo biểu diễn theo tiếng nhạc kích động thì được bỏ qua. Các phòng khiêu vũ đều biến thành phòng trà ca vũ nhạc vì nhẩy đầm bị cấm chỉ tuyệt đối. Dân ghiền nhẩy đầm ở Sài Gòn không còn đất để dụng võ, múa men quay cuồng đành phải chui vào các phòng trà nầy để vớt vát phần nào thời nhảy nhót vàng son thuở trước.


    Thiện và Hầu nổi bật trong đám đông vì hai thân hình lực sĩ đẹp qua lần áo sơ mi đơn giản của họ. Thiện ra hiệu cho Hầu cùng nhau đến đứng ở quày bán rượu. Trên sân khấu các nam nữ ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn lần lược trình diễn những bài nhạc "chiến đấu" chọn lọc, không có nhạc ủy mị ướt át quá đáng ! Rồi bổng nhiên tiếng đàn, tiếng nhạc ngừng lại . Giọng của chủ nhân ĐQ vang lên :


    "Xin quý khách chú ý, phòng trà của chúng tôi thành thật cáo lỗi cùng quý vị để xin chấm dứt chương trình ca vũ nhạc đêm nay vì một lý do riêng. Chúng tôi xin hoàn lại tiền vé vào cửa và tiền mua nước uống của quý vị , xin hẹn gặp lại quý vị vào đêm mai, mong quý vị thông cảm . . "


    Ly bia của Thiện và Hầu chưa cạn được phân nữa . Hai người nhíu mài nhìn nhau:


    "Lại có thầy chú sộp bao dàn rồi ! Tiên nhân cha tụi nó ! Ỷ có tiền chơi trội, thật là tức !"


    Hầu an ủi:


    "Thôi, mặc kệ họ! Mình đi chỗ khác chơi cũng được, có sao đâu! Mai mốt tụi mình giàu, tôi với bạn cũng chơi cái kiểu bao dàn nầy để chọc tức bà con như họ đang làm bây giờ, thắc mắc làm gì, khổ cái đầu !"


    "Thì cứ đứng đây uống hết chai bia, vội gì ?"


    Ngoại trừ Thiện và Hầu, phòng trà giờ đây chỉ còn năm người đàn ông ngồi lì tại chiếc bàn đặt ở hàng đầu sát với sân khấu. Họ là những kẻ bao dàn phòng trà ĐQ đêm nay. Trên bàn của họ là những chay rượu tây nhập cảng mắc tiền. Họ gồm có bốn thanh niên trạc tuổi của Thiện và Hầu và một người đàn ông trung niên da dẻ hồng hào, ăn mặc thật chững chạc. Năm người đều hướng mắt nhìn về hướng quày rượu, điệu bộ có vẻ khó chịu vì sự có mặt của Thiện và Hầu.


    "Đám kia đang nhìn tụi mình đó . ."


    "Mặc kệ họ mà! Mình uống cho xong rồi đi."


    Tuy nói vậy nhưng Hầu bổng nổi chướng, đưa tay ra hiệu:


    "Anh ĐQ làm ơn mang cho thêm 4 chai 33 khác, có được không ?"


    Một giọng nói từ nhóm người bao dàn thay lời của ĐQ:


    "Ông chủ phòng trà đâu rồi ? . . . .Tụi nầy không muốn có ai ồn ào quấy rầy trong phòng nầy nữa nghe không ? . . . ."


    Thiện nhíu mài khó chịu; Hầu giả lờ như không nghe . Chủ phòng trà ĐQ vội chạy nhanh đến quày rượu rồi xuống giọng năn nỉ :


    "Mong quý khách thông cảm cho đêm nay, chúng tôi không thể tiếp tục phục vụ 2 vị, mong quí vị cảm phiền trở lại đêm ngày mai chúng tôi xin hậu đãi . . ."


    Hầu tỏ vẻ bực dọc:


    "Anh ĐQ nói sai rồi ! Chúng tôi vào đây uống rượu trả tiền sòng phẵng, không phá phách, không đụng chạm tới ai hết, vậy thì lý do gì anh ĐQ từ chối không tiếp đãi chúng tôi ? . . ."


    Ba người đàn ông trong bọn đã đứng sau lưng Hầu và Thiện; 3 họng súng tiểu liên ngắn nòng kiểu Do Thái thúc vào cạnh sườn của 2 người:


    ". . .Tổ cha hai thằng nhãi con, tụi bây muốn nát đầu phải không? Khôn hồn thì cút ngay ra khỏi chốn nầy cho lẹ, đừng để tụi tao nổi nóng ."


    Thiện tái mặt, không phải vì sợ mà vì hơi giận bốc lên. Máu nóng trong người dồn lên đầu khiến cho những đường gân xanh trên trán, trên mặt của Thiện nổi phòng lên như sắp đứt tung. Thiện nhìn Hầu; Hầu vẫn tỉnh bơ như chưa hay biết chuyện gì xảy ra. Thiện quay người lại nhìn 3 tay súng, giọng bình thản:


    "'Có gì đâu mà quý vị phải dùng tới súng đạn? Tụi tôi đâu phải là du kích nằm vùng để quý vị phải làm dữ tợn như vậy? . . ."


    Hầu choàng tay kéo Thiện xoay mặt về quày rượu:


    "Bạn mất hơi sức giải thích làm gì cho mệt. Có súng là một chuyện, còn dám bóp cò súng hay không lại là chuyện khác . . ."


    Hầu vừa nói xong thì những quả đấm đã tới tấp giáng vào mặt hai người. Khóe mắt bên phải của Hầu đỏ húp lên, máu môi của Thiện rỉ nhỏ giọt xuống mặt quày ruợu; ba họng súng thép thúc mạnh liên hồi vào cạnh sườn 2 ngưòi đau nhói và như sắp nhả đạn. Thiện nổi máu liều:


    "Mấy anh yếu quá ! Mấy anh ỷ có súng và dùng số đông để áp chế ăn hiếp hai kẻ tay không, như vậy đâu có gì gọi là ngon ? . . .Nếu mấy anh ngon, chịu chơi thì hãy dẹp súng đạn qua một bên rồi một sức một, hết người nầy rồi tới người khác. . . "





    *


    (Còn tiếp)















    [/QUOTE]
    Last edited by nguyễn công tánh; 03-11-2023 at 05:42 AM.

  6. #16
    (Tiếp theo kỳ trước)

    Một bán súng đưa lên cao sắp sửa giáng xuống đầu Thiện thì giọng nói của người trung niên ăn mặc chững chạc vang lên:

    "Ngừng tay ! Các chú về chỗ ngồi, chuyện nầy để tôi giải quyết."

    Ca sĩ, nghệ sĩ trong phòng trà khiếp đảm ngồi co ro, mắt há hóc theo dõi trận ấu đả . Người đàn ông đứng lên đi về phía Thiện và Hầu . ĐQ đi theo giới thiệu:

    "Đây là ông Lê Đức, quản đốc lực lượng phu khuân vát ở bến thương cảng Sài Gòn ."

    Lê Đức đua tay về phía Thiện và Hầu, thái độ hòa hoãn. Thiện vẫn còn đang bốc giận:

    "À, té ra đây là trùm dân bến tàu ở Khánh Hội, hèn gì ! . . ."

    Lê Đức chỉ mỉm cười, không tỏ sắc giận:

    "Hân hạnh được gặp hai bạn ở đây . . .Tôi thành thật xin lỗi hai bạn vì chuyện xung đột vừa rồi. Mấy chú em đó là cận vệ riêng của tôi, tính tình họ thô lổ bọp chọp cho nên xử sự hơi quá đáng một chút ! . . ."
    "Thiện sừng sộ:

    "Vô cớ đánh người ta bầm mắt, học máu miệng vậy mà ông còn bảo rằng hơi quá đáng ? Thế này mà còn gọi là hơi hơi sao ?"

    "Tôi thành thật ân hận . . .Mời 2 bạn qua đây để tôi bắt mấy đứa nó chịu lỗi rồi đứng yên cho hai bạn đánh trả cho hả cơn giận, có được không ?"

    Nói xong Lê Đức choàng vai Thiện và Hầu đến ngồi chung bàn với mình. Các hộ vệ của Lê Đức vội đứng lên nhường chỗ . Lê Đức quay điện thoại:

    "Allô, . . .Đại úy Thưởng phải không ? Anh làm ơn tới ngay phòng trà Đức Quỳnh ở đường Bùi Viện . . .Nhớ mang theo bông băng, thuốc sát trùng và thuốc giảm đau nghe ! Nhanh lên, tôi cần anh gấp lắm đó, chào anh !"

    Lê Đức giải thích:

    "Đại úy Thưởng là một y sĩ quân đội làm việc ở tổng y viện Cộng Hòa mà cũng là y sĩ riêng của tôi . . .Anh ta sẽ tới đây chăm sóc mấy vết thương cho hai bạn ! Bây giờ chúng ta cùng nhau uống rượu giảng hòa được chưa ? . . ."

    Thiện cầm ly rượu trên tay chưa uống vội rồi lại nhìn thẳng Lê Đức mà hỏi:

    "Đông người, lại có vũ khí trong tay ông sợ gì mà phải xuống nước ? Ông còn muốn bày trò gì nữa ?"

    Lê Đức cười thật to:

    "Lần nầy bạn lầm rồi ! Tôi không có sợ hai bạn đâu, mà cũng không phải vì sợ cảnh sát công an bắt nhốt mà tôi không dám ra lệnh cho em út của tôi bắm cò súng ! Chuyện bắt người, thủ tiêu, ám sát không có gì mà tôi không làm được, chỉ cần một cái gật đầu của tôi thì cả một vùng Sài Gòn-Chợ lớn bao la nầy sẽ không còn nơi nào để hai bạn dung thân đó ! Tôi đã và đang có quá nhiều thù nghịch, tôi không muốn có thêm, tôi muốn thêm bạn bớt thù, tôi muốn giải thích, không phải hăm dọa . Tôi thích hai bạn vì hai bạn gan lì và liều lĩnh. . .Bây giờ thì hai bạn đã giải tỏa được uất hận chưa ? Chúng ta có thể trở thành bạn bè được không ?"

    Thiện nhìn Hầu, Hầu nhìn Thiện. Cả hai đều cùng một lúc cất tiếng cười to rồi nâng ly hướng về phía Lê Đức:

    "Xin mời ông Lê Đức. . .Xin mời các ông . . ."

    Mọi người chạm ly, nốc cạn rượu của mình một hơi.

    Lê Đức hứng khởi:

    "Đừng gọi tôi là ông nầy ông nọ nghe cách biệt và khách sáo quá . Tôi thứ Chín, ba mươi sáu tuổi, chắc cũng không lớn hơn hai bạn bao nhiêu, cứ gọi tôi là Chín cho thân mật . . ."

    Thiện gật gù giới thiệu:

    "Tôi tên Thiện, 27 tuổi, bạn tôi là Hầu, 26 tuổi . Xin được gọi anh là anh Chín . . ."

    Đêm đó, Lê Đức thưởng tiền rất hậu cho các ca nghệ sĩ giúp vui cho buổi tiệc và đã chi ra hơn 20,000 dồng tại phòng trà ĐQ.

    Sau khi hạ bệ Ba Lầu, một đầu nậu khét tiếng trong làng dao búa vùng bến tàu Khánh Hội, Lê Đức trở thành ông trùm ở khu bến cảng Sài Gòn. Quyền uy của Lê Đức không khác gì một lãnh chúa hùng cứ riêng mình một phương. Lê Đức không có học nhiều nhưng biết tổ chức, biết lợi dụng thời cơ và nhất là rất được lòng đám đàn em phu phen ở bến tàu . Kể từ lúc Lê Đức đem hết lực lượng phu bến tàu xuống đường để biểu tình ủng hộ anh em ông D và mang số 300,000$ tiền thưởng trả lại cho ông N, Lê Đức trở thành người miền Nam duy nhứt được anh em ông D tín cẩn và lực lượng phu bến tàu của Lê Đức trở thành một lực lượng mật vụ thứ nhì của chế độ nhưng lại hoạt động riêng rẽ tự trị song song với cơ quan tình báo mật vụ của Ca Tê. Lê Đức được ưu đãi một cách đặc biệt, có thể gặp thẳng anh em ông D bất cứ lúc nào . Lực lượng đặc biệt của cảnh sát, công an của chính phủ đều không dám lởn vởn vào địa bàn hoạt động của Lê Đức. Vào lúc đảng CLNV của ông N ra đời, Lê Đức trở thành một trong những cán bộ chỉ đạo cao cấp của phân bộ Nam phần .Chính lực lượng vũ trang đặc biệt của Lê Đức đã giúp ông D đánh bật nhóm công an xung phong của BX ra khỏi thành phố Sài Gòn bằng cách tiêu diệt những ổ kháng cự nhỏ đóng chốt của BX để cho quân đội trung thành của chính phủ có thể tiến quân truy lùng loạn quân về phía Đông Nam Sài Gòn.

    Ngày tổ chức vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, trong khi các lực lượng cảnh sát công an, mật vụ, của chính phủ và khối tổng công đoàn lao công Việt Nam của QB đều bất lực không dám đụng tới các thành phần dân chúng đang trương biểu ngữ tuần hành trên nhiều đường phố, hò la đã đảo ông D để ủng hộ một ông bác sĩ đối lập ra ứng cử tranh chức tổng thống thì đàn em và thuộc hạ của Lê Đức đã đứng ra tóm gọn hết nhóm biểu tình ồn ào nầỵ Không biết Lê Đức có thủ tiêu những người biểu tình nầy hay không nhưng kỳ đó Ông D đắc cử .

    Bề ngoài dân Sài Gòn lầm tưởng Lê Đức là ông vua bến tàu làm kinh tài cho bà vợ của ông N nhưng giữa bà nầy và Lê Đức thì không có một liên hệ nào đáng kể . Một đôi khi chạm mặt nhau ở trong dinh tổng thống, Lê Đức chỉ lịch sự cúi nhẹ đầu chào nhưng không bao giờ hai người nói chuyện với nhau . Có thể nói bà nầy rất ghét Lê Đức dù Lê Đức là một cận thần của ông N. Có một thời em trai của bà muốn nhảy vào khu bến cảng Sài Gòn để hất chân Lê Đức khiến Lê Đức nổi nóng đi đến quyết định thủ tiêu kẻ giành ăn hất đổ "chén cơm" của mình. Chuyện xung đột tranh giành nầy tới tai ông N khiến ông N phải chỉ thị cho bộ trưởng bộ nội vụ đích thân dàn xếp và yêu cầu Lê Đức bỏ ý định tiêu diệt em trai của bà ấỵ

    Lê Đức trở thành bạn thân của trùm mật vụ Ca Tê . Cả hai được mật lệnh của ông cố vấn đa nghi canh chừng lẫn nhau, cả hai người đều biết điều đó: Ông N sợ Lê Đức ham tiền làm phản, còn Ca Tê thì bị nghi ngờ lăm le đang dọn đường để bước lên sân khấu chính trị .Thay vì theo dõi rình rập tố cáo nhau, Lê Đức và Ca Tê trở thành đôi bạn chí thân .

    Sau vụ đụng chạm ở phòng trà ĐQ, Thiện được Lê Đức xem như là một người em kết nghĩa. Đã nhiều lần Lê Đức đề nghị Thiện về khu cảng bến tàu để trở thành người phụ tá đặc biệt của Lê Đức nhưng Thiện nhất quyết từ chối . Thiện chỉ thích Lê Đức vì phong thái giang hồ bạt mạng của anh ta nhưng không thích kiểu cách anh chị bằng bạo lực, dao búa, súng đạn và nhất là dựa hơi và lợi dụng thời cơ để làm giàu nhanh chóng của Lê Đức. Lê Đức và Thiện chỉ có thể là bạn nhưng không phải là bạn thân sống chết có nhau như Thiện với Hầu .

    *
    1960

    (Còn tiếp)

  7. #17
    ( Tiếp theo kỳ trước )

    Thân gửi đén Đoc giả và các ACE của DT Phố Rùm,

    Xin Quý vi và các ACE vui lòng đọc tiếp truyện Hạ Trắng nơi đặc Trưng Bloger.
    Đặc Trưng – truyện thơ nhạc… (dactrung.com)


    Lý do:
    T
    ác giả Nguyễn Công Tánh sẽ có thời gian ̣để viết tiếp và đăng tải lên ĐT Phố Rùm pho truyện dài Tình Yêu Ơi Đị Đâu ? ​KỂ TỪ HÔM NAY.

    nct CÚIĐẦU XIN LỖI
    Last edited by nguyễn công tánh; 05-05-2023 at 05:43 AM. Reason: chính tả

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 10
    Last Post: 01-04-2015, 09:39 PM
  2. Replies: 2
    Last Post: 03-05-2013, 07:44 AM
  3. Sự thật về phim "Như Hạt Mưa Sa"
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 05-04-2012, 09:08 PM
  4. Replies: 0
    Last Post: 11-21-2011, 09:05 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 11-21-2011, 09:05 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:45 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh