Register
Page 2 of 3 FirstFirst 123 LastLast
Results 11 to 20 of 26
  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Giờ tới phần bình loạn:

    Bài trên chắc có người đánh máy lại nên nhiều lỗi chính tả quá nhưng sửa thì mất nhiều thì giờ nên thôi để vậy cho xong!

    Một số từ hay bị dùng sai trong Tiếng Việt
    Tiếng Việt dùng “chữ” chứ không dùng “từ” như ngày nay, trừ những chữ Hán Việt kép có “từ” trong đó. Thử tưởng tượng thay “chữ” bằng “từ” thì … eo ôi:

    “Trăm năm trong cõi người ta,
    Từ tài từ mệnh khéo là ghét nhau


    Đã cho vào bậc bố kinh,
    Đạo tòng phu lấy từ trinh làm đầu

    Này con thuộc lấy nằm lòng,
    Vành ngoài bảy từ, vành trong tám nghề

    Từ trinh đáng giá nghìn vàng
    Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa

    Tóm lại, nếu thay hết những câu có “chữ” thành “từ” trong truyện Kiều thì … không còn là truyện Kiều nữa. Truyện Kiều mà không còn thì tiếng Việt… ô hô ai tai…!

    Hay thử ngắm nghía câu sau:
    “Từ khi thôi học ngang xương, hắn không khác gì người mù từ vì chỉ biết vỏn vẹn có vài ba từ trong khi thiên hạ có đến bốn bồ từ. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, hắn run rẩy đến đền Từ Tâm xin bữa cơm nhưng bị ông từ từ chối vì đền đã hết gạo từ hôm qua. Hắn nghĩ là ông từ không có lòng từ bi nên xổ ra vài từ không đẹp với ông từ. Tuy thế, hắn vẫn chịu khó nói hai từ từ biệt với ông từ rồi mới từ từ bước đi.”
    Đọc xong mớ từ bên trên có thể bất ngờ từ… trần như chơi!

    Cũng sẽ có những vị vai dài hán(g) rộng giải thích “từ” khác “tự” và “tự” mới là “chữ”, chẳng hạn như “A B C…” mới là chữ, còn “Ai Bán Cá” là từ. Không, tiếng Tàu là tiếng Tàu, tiếng Việt là tiếng Việt, dù có dùng chung nhiều chữ Hán Việt, mang sắc thái riêng, cách dùng riêng và tên gọi riêng. “A B C…” là chữ cái (mẫu tự) và “Ai Bán Cá” là chữ, chữ “Ai”, chữ “Bán” và chữ “Cá”. Còn “tự” với “từ” trong tiếng Tàu thì tiếng Việt đều gọi là “chữ”, nhưng “từ” trong tiếng Việt ngoài “chữ” ra còn gọi là “câu”, “lời”… tùy trường hợp. Để dễ hiểu hơn, mỗi chữ kép Hán Việt (gồm hai chữ mà ngày xưa viết phải có gạch nối ở giữa đàng hoàng nhưng đến khi tui cắp sách vào trường thì không thấy dạy phải viết như vậy nữa) chính là “từ” còn chữ đơn (một chữ) là “tự” nhưng tiếng Việt không dùng chữ Hán Việt đơn (trừ một số trường hợp ngoại lệ đã quen rồi).

    CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
    “Chung cư” (鍾居) hay “chúng cư” (衆居)? Một chữ có nhiều nghĩa khác nhau. Chữ “chung” đâu phải chỉ có một nghĩa là “cuối cùng” mà còn nhiều nghĩa khác nữa. Tui cho rằng “chung” trong “chung cư” có nghĩa là tích tụ, tụ lại. Vậy thì “chung cư” chính là “tụ họp lại ở”, thí dụ: “Đây là tòa nhà chung cư” (là tòa nhà nơi người ta tụ họp lại để ở), còn “chúng cư” là mọi (nhiều) người ở, chẳng hạn như khu vực đó là nơi chúng cư (mọi người ở, tức là nơi có người ở thay vì đồng không mông quạnh).

    KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
    Là vì bây giờ họ chỉ biết ôm nguyên mâm tiếng bạch thoại “đương đại” của Tàu về dùng từ ý nghĩa cho đến cách đặt câu nên mới ra thế này. Tiếng Tàu bây giờ nó chỉ xài “khả năng” theo nghĩa “có thể” và “xác suất” chứ nó không còn nghĩa “capability” nữa rồi! Muốn nói “capability” thì nó xài “năng lực. Vì thế mà tiếng Việt ngày nay đang trở thành tiếng Vàu!

    QUÁ TRÌNH. Quá 過 là đã qua, trình 程 là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
    Cũng như “khả năng” ở trên. Tiếng Tàu “đương đại” nó dùng “quá trình” theo nghĩa “process”, tức là “tiến trình” nên tiếng Vàu “đương đại” cũng dùng thế luôn.

    HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.
    Nhiều chữ Hán khi sang tiếng Việt đã biến đổi nghĩa hoặc cách dùng. Riêng hai chữ này có hai lý do có thể giải thích được tại sao tiếng Việt dùng “hôn phu” và “hôn thê”:

    1) Như đã được đề cập trước đây về chuyện tiếng Việt thường không dùng chữ Hán Việt đơn. Đây cũng là lý do tại sao khi cắt bớt chữ trong một chữ kép như kiểu tiếng vịt ngày nay sẽ làm cho nghĩa của chữ đó tối mò mò vì không biết nổi ý muốn nói chữ nào mà nghe cũng chướng lỗ tai, nhìn cũng gai con mắt. Sau đây là một trong hằng hà sa số thí dụ thấy trên báo:

    “Phải xử nghiêm thủ phạm”: “Xử nghiêm” đây là nghiêm gì? Chúng ta có một loạt “nghiêm chỉnh, nghiêm khắc, nghiêm nghị, nghiêm trang, nghiêm ngặt, nghiêm đủ thứ nghiêm” khác nghĩa khác ý nhau.

    Do đó, ta không nói…
    Minh trăng minh cả viên chè
    Một gian nhà… tiểu đi hồi có nhau
    Vì tằm tôi phải chạy tang
    phu tôi phải qua kiều đắng cay”


    hay là:
    Tu tôm nấu với ruột bầu
    Phu chan thê húp gật đầu khen… tốt!!!
    (tiếng Việt là “ngon”; tiếng Tàu là “hảo cật”; tiếng vịt là “tốt”; và tiếng dịt hạch là “ăn tốt”)

    2) Tiếng Hán Việt dùng văn ngôn (Hán cổ) chứ không dùng tiếng bạch thoại (như kiểu ngày nay dùng sống sượng tá lả trong tiếng Việt, chắc bị nhiễm phim chưởng lồng tiếng… vịt có gốc từ “trúng của” quá độ). Đọc thêm ở =====> đây để phân biệt bạch thoại với văn ngôn và gốc tiếng Hán Việt. Hơn nữa, từ điển cũng ghi chữ hôn 昬 (u mê) này ngày xưa cũng có nghĩa là cưới xin rồi sau này mới đổi thành chữ hôn 婚 có chữ “nữ” trong đó. Vậy thì nếu dùng “hôn phu, hôn thê” theo nghĩa “người chồng, người vợ u mê” thì “mãng phu, thất phu” sẽ phải hiểu là người chồng lỗ mãng và … xoàng xĩnh hay sao? Hừm… nếu muốn nói có nghĩa đó thì cũng không thể bảo là không được nhưng mà không ai dùng thế!

    Tiếng Hán Việt được gọi là loại tiếng của giới... “bác vật” (tức là bác học) là vì bắt nguồn từ chỗ tiếng này khó học và chỉ có giới quan quyền, sĩ tử ngày xưa mới học chữ khó nhá này và do đó được dùng trong văn bản hành chánh hoặc trong những bối cảnh trang trọng, chính thức hoặc lễ nghi. Ngoài ra, tiếng Hán Việt còn được dùng phần lớn cho các ý niệm hoặc danh từ trừu tượng, tức là những danh từ mà ta hay thấy có cái “sự” đi trước. Đi đâu cũng nghe nói ra “sự này sự nọ” liên miên làm rầu cả lỗ tai và khi đọc thì nhìn thấy cả chục cả trăm cái “sự” trong một bài viết làm xốn luôn con mắt! Trong khi đó, chữ thuần Việt lại rất phong phú để diễn tả những ý niệm cụ thể. Vài ví dụ:

    Tiếng Tàu với Mỹ dùng chữ “hảo” và “good, well” để làm tĩnh từ và trạng từ diễn tả chung cho trăm thứ bà dằn nhưng trong mỗi trường hợp tuy cùng một chữ nhưng đều mang nghĩa khác nhau. Trong khi đó tiếng Việt có cả tỷ trạng từ “hay, giỏi, khéo, chăm chỉ, kỹ lưỡng, chu đáo,… để diễn tả thật chính xác và cụ thể tùy theo ý muốn nói gì. Riêng tĩnh từ “tốt” trong tiếng Việt thì chỉ có ba nghĩa: một có nghĩa là “bền bỉ, đẹp đẽ”, chẳng hạn như hàng hóa, vật dụng tốt, hai có nghĩa là “tử tế, nhân hậu, hay giúp người…”, chẳng hạn như “người tốt”, và nghĩa thứ ba là để nhấn mạnh việc tức thì, quá nhanh như trong “chết tốt”, tức là “chết không kịp ngáp, chết tươi, chết liền”. Ngoài ra, tĩnh từ “tốt” cũng còn được đảo ngược lên trước danh từ để dùng trong những câu tục ngữ và một số trường hợp khác như “tốt bụng, tốt danh, tốt mã,…”. Ngày nay “tốt” lại bị dùng tưới hạt… súng để làm trạng từ như “học tốt, ăn tốt, ngủ tốt, làm tốt,…” cho đến cả… “ị tốt” cũng không chừng!

    Trong tiếng Việt nếu nói “thanh kiếm tốt” thì được (“tốt” là “tĩnh từ” bổ nghĩa cho danh từ “thanh kiếm” và trong trường hợp này có nghĩa là đẹp, bền, sắc bén,…) nhưng nếu nói “hắn múa kiếm tốt” (“tốt” làm trạng từ bổ nghĩa cho động từ “múa kiếm”) là sai văn phạm và chướng lỗ tai gai con mắt vì cái chất ngoại lai của cách nói (hay viết) đó! Muốn nói về khả năng múa kiếm tuyệt luân của hắn thì phải nói là “hắn múa kiếm giỏi, hắn múa kiếm nhanh, hắn múa kiếm đẹp, hắn múa kiếm vi vút, hắn múa kiếm loang loáng…”. Tương tự như vậy, “học tốt” là học như thế nào? Tiếng Việt không thể nói “học tốt” mà phải nói “học giỏi, học khá, học được, học xuất sắc,…”; không nói “ăn tốt” mà phải nói “ăn ngon, ăn được (tức là ăn nhiều), ăn no, ăn đủ,…”; không nói “ngủ tốt” mà phải nói “ngủ ngon, ngủ yên giấc, ngủ say, ngủ thẳng giấc (ngủ thẳng cẳng)…”, tất cả đều tùy theo ý chính xác muốn nói gì. Ngoài ra, ngày nay trên báo cũng tuyền thấy cách dùng “tin tốt” thật là … vịt xiêm! Tiếng Việt không nói “tin tốt” mà phải nói là “tin mừng, tin vui, tin lành”, Nhưng than ôi, tiếng Việt càng ngày càng trở thành tiếng dịch hạch hay tiếng… Vàu trộn lộn tiếng… Vỹ!

    Tiếng thuần Việt không đủ chữ để diễn tả các ý niệm trừu tượng, và tiếng Hán lại không đủ chữ để diễn tả các ý niệm cụ thể nên khi kết hợp cả Hán Việt và thuần Việt thì tiếng Việt đã trở nên hết sức phong phú nếu biết dùng cho đúng. Quan trọng là dùng đúng nghĩa đúng ý vì nhiều chữ tương đương giữa Hán Việt và thuần Việt không phải lúc nào cũng đồng nghĩa hoặc có cùng ý niệm như nhau. Vài ví dụ:

    - “Tràng (trường) giang đại hải” tương đương từng chữ với “sông dài biển (bể) rộng” nhưng lại không cùng một ý. Trong tiếng Việt, “tràng giang đại hải” hàm ý chê bai, thường được dùng để chê cái gì đó dài dòng, luộm thuộm, lê thê, không cần thiết trong khi “sông dài biển rộng” lại hàm ý khen ngợi, thường được dùng để khen tình nghĩa, ân đức to lớn, sâu xa (không phải cái gì cũng là “sâu sắc” như vẫn thấy nhan nhản trên báo ngày nay).

    - “Nhân tính” tương đương từng chữ với “tính người” nhưng khác ý niệm. Trong tiếng Việt “nhân tính” là chỉ bản tính hay tính chất của con người theo nghĩa lương thiện, tử tế, nhân ái chứ không như “thú tính”, là tính chất của thú vật khác với con người, còn “tính người” là nói về tính tình của một người.

    - “Hỏa tiễn” tương đương từng chữ với “tên lửa” nhưng khác ý niệm. Trong tiếng Việt “tên lửa” là mũi tên bắn bằng cung có tẩm dầu và bùi nhùi ở đầu mũi tên rồi đốt lửa cháy trước khi bắn đi, tức là cái thứ vô cùng tối tân cổ đại này:


    Chớ có lẫn lộn với “hỏa tiễn” là cái thứ…tối cổ hiện đại vớ vẩn này:


    Và vô số những chữ khác nữa.

    Tương tự như vậy, những chữ như “Nhà Trắng”, “Lầu Năm Góc”, … dù có viết hoa cũng chỉ là những chữ thuần Việt theo nghĩa cụ thể của muôn vàn danh từ chung khác chứ không mang ý niệm trừu tượng và độc nhất của danh từ riêng “Tòa Bạch Ốc” hay “Ngũ Giác Đài”, … Tóm lại, khi dùng “Nhà Trắng” là có thể gồm cả những loại nhà sơn màu trắng như thế này:


    Còn “Tòa Bạch Ốc” thì chỉ có một trên toàn thế giới (The White House) và nằm ở đây:


    “Lầu Năm Góc” có cả tỷ căn như thế này:


    Nhưng “Ngũ Giác Đài” chỉ có một trên toàn thế giới (The Pentagon) và nằm ở đây:


    ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.
    Í, sao nghe… kỳ kỳ vậy ta! Một chữ có nhiều nghĩa, từ đen tới bóng. Nội nghĩa đen của từng chữ thôi thì mỗi chữ “độc” và “lập” cũng đã có nhiều nghĩa rồi chứ đâu phải chỉ có nghĩa “riêng một mình” với “đứng” là hết. Đó là chưa nói đến chuyện ghép với nhau còn đẻ thêm ra bao nhiêu nghĩa nữa. Người nào đó nói chữ “độc lập” là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra thì không biết căn cứ vào đâu, nhưng điều quan trọng hơn nữa là họ nói thế mà bác tác giả cũng tin sao? Cả từ điển lẫn nhiều nguồn khác đều có trích dẫn lời Tuân Tử từ thời Chiến Quốc nói về quốc gia độc lập rồi chứ đâu phải chờ đến lúc ông Tôn Dật Tiên “phát minh” ra chữ này!

    Còn cái lý do có liên hệ với trong các tổ chức quốc tế thì càng… vớ vỉn hơn nữa. Đâu phải quốc gia nào cũng có chân trong các tổ chức quốc tế. Nếu vậy thì những nước không có chân trong bất cứ tổ chức quốc tế nào mới có thể gọi là độc lập sao (vì họ đứng riêng rẽ một mình) còn những nước có chân thò vào lung tung mọi tổ chức quốc tế thì đứng chung với nhiều nước khác thì không gọi được là độc lập? Nếu đòi phải đóng cửa kín mít và không gia nhập bất cứ tổ chức quốc tế nào mà cũng không được buôn bán giao thiệp với nước nào cả thì mới thực sự đúng nghĩa “đứng riêng rẽ một mình” để gọi là độc lập thì chắc đã không có chữ “độc lập” rồi vì đâu có ai đặt ra chữ để gọi một chuyện không hề có!

    À quên, cũng có thể có chứ, chẳng hạn như Chump hiện nay đang tìm cách xây tường bít kín cả nước Mỹ và không muốn giao thiệp với nước nào cả để ôm nhau tự gáy mình ên thì chắc là có ý muốn đưa nước Mỹ vào chỗ “đứng riêng rẽ một mình” thực sự để thành một nước Mỹ độc lập đúng với nghĩa đen thủi đen thui của chữ độc lập!

    BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phu, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.
    Đúng lắm! Nhưng có một chữ hơi… lọng cọng. Đó là chữ “tráng”. “Bê tông” thì không “tráng” được mà phải “đổ” bê tông. Muốn tráng thì chỉ có thể tráng nhựa.

    Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!
    Quá tội luôn đi chớ! Tiếng Việt đi đâu mất cả rồi mà chỉ còn một mớ trộn lộn hổ lốn tiếng vàu, tiếng vỹ và tiếng vịt!

    HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?
    Thưa không! Chịu thế nào nổi mà chịu cho được! Khổ nỗi kiểu này bây giờ nó chạy đầy đường, như “ấn tượng”, “cá tính”… ôi thôi là tùm lum hết như nồi cám heo!

    KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.
    Hic hic… sao giống vụ “Hậu quả Sang bị Hùng thủng dạ dày” dữ vậy nè!

    TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chử tịch”
    Chữ này với chữ “chia sẻ” nữa. Không biết chia sẻ cái gì mà cứ nghe chia sẻ liên tu bất tận suốt ngày chứ không còn ai “nói” hay “cho biết” nữa hết! Chuyện đi chợ đi nhậu mà cũng đem… chia sẻ mới được chứ không chịu kể hay nói với ai hết!

    LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.
    Í, ở đây cũng có ... vạch ra mấy con “tốt” đen này. Không lẽ bây giờ đi xóa mấy con “tốt” đỏ của tui ở trên thì phí hết công tui bắt tép nuôi cò, cò ăn cho… “tốt” cò dò lên cây! Thôi, cứ để đấy vậy!

    Ối, sao nhiều quá, oải cả tay rồi! Đến tuổi này sao chân tui yếu, tay tui mềm hết rồi. Thép đã tôi nặng tội thế đấy! Thế nên để đấy khi nào khoe khỏe lại tiếp tục. Bây giờ thì… thư của mỗ đành chấm dứt ở đây sau khi đề thêm hai chữ… ứ ừ ữ…thôi nghen!

  2. #12
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by 008 View Post


    LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.
    Í, ở đây cũng có ... vạch ra mấy con “tốt” đen này. Không lẽ bây giờ đi xóa mấy con “tốt” đỏ của tui ở trên thì phí hết công tui bắt tép nuôi cò, cò ăn cho… “tốt” cò dò lên cây! Thôi, cứ để đấy vậy!




    Tui có cảm giác là người Bắc kỳ dùng chữ "tốt" như người Nam kỳ dùng chữ "được".

    Ví dụ khi hỏi "Bác khoẻ không".

    Người Bắc có thể trả lời là: Ắn tốt, ngủ tốt.

    Người Nam thường trả lời là: Ăn được ngủ được.

    Chữ "giỏi", "hay" có lẽ ngoài Bắc được đánh giá "cao" hơn chữ "tốt". Người tàu cái gì cũng "hảo", người Tây phương cái gì cũng "good".

    Cái dở của Nam Kỳ là chịu sự chi phối quá nặng của Bắc Kỳ từ sau năm 1975. Hể chữ nào của Bắc Kỳ là được trọng dụng. Rồi thì "mất gốc" luôn.

    Nếu tinh thần tự trọng của Nam kỳ cao thật, ngôn ngữ Bắc kỳ truyền miệng, truyền mắt, truyền thanh, truyền hình ...v.v.v đều sẽ không có chỗ đứng ở Sài-Gòn hoặc lục tỉnh miền Nam.

    Người Nam kỳ có lẽ giống như con trừu. Con đầu đàn đi ra sao là cả bầy kéo theo như vậy. Không có nhiều chủ ý.


  3. #13
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367



    Bổ túc:

    * Ở dạng tính từ: Thắng đó được lắm, con nhỏ đó được. Tính mẹ kia được. Cái kiểu cha đó ô cơ, ủa lộn được.

    * Ở dạng trạng từ:
    - bổ nghĩa cho động từ: ăn được, ngủ được, hát được, nói được ...
    - bổ nghĩa cho tính từ và trạng từ: quá được. được lắm, được ghê, vẫn được, còn được
    - bổ nghĩa cho cả câu: Thời tiết hôm nay được quá, đã quá. Chuyến đi về miền Tây rất được, tui hài lòng lắm.


  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Quote Originally Posted by Triển View Post



    Tui có cảm giác là người Bắc kỳ dùng chữ "tốt" như người Nam kỳ dùng chữ "được".

    Ví dụ khi hỏi "Bác khoẻ không".

    Người Bắc có thể trả lời là: Ắn tốt, ngủ tốt.

    Người Nam thường trả lời là: Ăn được ngủ được.

    Chữ "giỏi", "hay" có lẽ ngoài Bắc được đánh giá "cao" hơn chữ "tốt". Người tàu cái gì cũng "hảo", người Tây phương cái gì cũng "good".

    Cái dở của Nam Kỳ là chịu sự chi phối quá nặng của Bắc Kỳ từ sau năm 1975. Hể chữ nào của Bắc Kỳ là được trọng dụng. Rồi thì "mất gốc" luôn.

    Nếu tinh thần tự trọng của Nam kỳ cao thật, ngôn ngữ Bắc kỳ truyền miệng, truyền mắt, truyền thanh, truyền hình ...v.v.v đều sẽ không có chỗ đứng ở Sài-Gòn hoặc lục tỉnh miền Nam.

    Người Nam kỳ có lẽ giống như con trừu. Con đầu đàn đi ra sao là cả bầy kéo theo như vậy. Không có nhiều chủ ý.

    Cái vụ xài chữ “tốt” như tiếng Tàu này có lẽ chỉ… “loạn lạc” từ khoảng 1954 trở lại đây thôi nếu quả thật bắt nguồn từ ngoài Bắc, và có thể là vì:

    1) “Môi hở răng lạnh” với Tàu quá “núi liền núi, sông liền sông” đến mức càng ngày càng “đất liền đất” luôn nên nó nói sao thì bê nguyên mâm về nói lại
    2) Vì cái đám dịch phim Tàu dịch hạch quá độ (nhiều khi là Tàu dịch không chừng) rồi thiên hạ coi riết nên nhiễm luôn. Sau đó là báo chí truyền hình cũng xài kiểu đó nên lại càng củng cố cái bậy bạ thêm nữa.

    Đây là tại ngôn ngữ bị dùng sai và lai căng sau này chứ không phải người Bắc nói như vậy, ít nhất là tui không nghe không thấy người Bắc… ri cư dùng chữ “tốt” làm trạng từ theo kiểu “ăn tốt, ngủ tốt” bao giờ. Kiểu xài này là vì bị nhiễm độc tàu vị yểu sau này (tui cho là cũng do chuyện dịch hạch dịch tả mà ra hết). Ta đã có câu ca dao từ thời… tám tổng nào rồi là ...

    “Ăn được ngủ được là tiên
    Không ăn không ngủ là tiền vất đi” (hay “mất tiền thêm lo”)

    Chứ nếu là “Ăn tốt ngủ tốt” thì có mà… điên!

    Tình trạng dịch hạch, đủ các loại dịch, nhất là dịch phim Tàu là một trong những lý do chính đưa đến nạn hủy hoại tiếng Việt. Bàn dân thiên hạ cắm đầu vô coi phim bộ từ lồng tiếng cho đến phụ đề hết ngày này tháng nọ thì đương nhiên phải bị nhiễm cái thứ tiếng … dịch hạch đó thôi rồi từ quen tai quen mắt mà đem dùng luôn, một lây mười, mười lây trăm, trăm lây ngàn cho đến khi thành tiếng vịt cả nước mà không ai hay biết hoặc còn nhớ tiếng Việt thực sự nói như thế nào. Tui lấy một ví dụ có lần tui thấy phim Tàu chạy phụ đề cho lời nói chuyện qua lại giữa một chàng công tử và một nàng tiểu thư và chàng cầm tay nàng trợn mắt nhìn thẳng mặt nàng nói: “Gả cho ta đi!” làm tui đang đứng xớ rớ đó phải buộc miệng bình loạn theo phản xạ ngay lập tức. Tui xin bỏ qua chuyện xảy ra như thế nào kế đó với mọi người đang túm tụm ngồi xem mà chỉ nêu thí dụ về cái tiếng vịt dịch hạch này thôi.

    Tàu nói: “Chá cẩy wờ”, tiếng Việt từng chữ sẽ là “Giá cho tôi”. “Giá” ở đây có nghĩa là “lấy chồng” như trong “giá thú” (“thú” là lấy vợ). Tiếng dịch hạch theo sát đít từng chữ lẫn cách dùng và văn phạm của một ngoại ngữ thì bắt buộc phải thành tiếng... vịt. Tiếng Việt thật phải nói là “Lấy anh nhá”, “Về làm vợ anh nhá”, “em bằng lòng làm vợ anh không?” “Anh xin cưới em nhé”, ... Đại khái như vậy đi vì tui kém văn chương chữ nghĩa sáng tạo hay hoa mỹ trong lãnh vực này, nhưng vấn đề ở đây là tuyệt đối không thể dùng động từ “gả” kiểu này trong tiếng Việt mà phải là cha mẹ hoặc một người lớn đại diện gả con cho ai đó. Tui hầu như chắc chắn là ngày nay ắt phải có những … “top mấy chục, mấy trăm, mấy ngàn diva hay divan” gì đó đã nhiễm loại tiếng vịt dịch hạch này để nói ra những câu như “Em không gả cho anh đâu!” khi mấy chàng vịt đẹt ngỏ lời Gả cho anh đi!
    tỉnh bơ như thể đó là tiếng Việt vậy!

    Ngày trước cũng không bao giờ có ai nói “học tốt” mà bây giờ lại “chạy đầy đường”, chạy luôn vào trường đăng cả bích chương … “tuyên truyền” học sinh học cho “tốt” và thầy cô gì cũng nói thế luôn mới là ác… ôn côn đồ chớ! Riêng chữ “được” trong trường hợp này thì tui thấy thì Bắc Trung Nam gì cũng dùng hết, tùy theo ý họ muốn nói “được” đến mức nào, như “cũng được”, “được được”, “tạm được”, “được quá”,… hoặc những chữ nồng nhiệt hơn nữa như “hay”, “đẹp”, v.v... Loại nói “được” này cũng tương đương và có thể thay bằng “tàm tạm”, “bình thường”, đỡ đỡ”, “kha khá”, hay loại nói “ổn” của người miền Bắc, chẳng hạn như “thế cũng ổn, hát cũng ổn, làm cũng ổn,…” mà tiếng Mỹ hay nói là “OK”, và tiếng Tàu nó nói chính là… là… là… “hảo” luôn và bị dịch hạch thành tiếng vịt “tốt” “tốt” và “tốt”! Ngay cả cách nói “ổn” trong mọi trường hợp như hiện nay cũng làm tai, mắt, mũi, họng tui khó chịu lắm lắm tuy dù sao cũng còn đúng về mặt văn phạm!

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    [Bình tiếp]

    LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”
    Đấy là vì “môi” khứa Tàu nó hở ra chữ này vừa là động từ vừa là danh từ cho nên “răng”vịt mới lạnh run lập cập bèn “nắm bắt” ngay để dùng theo cho… thống nhất chữ nghĩa luôn hầu chờ ngày đồng hóa! Tiếng Việt thật chỉ dùng “lãnh đạo” là động từ. Muốn dùng danh từ thì phải thêm những chữ như “giới, ban, nhóm, … vào trước hoặc dùng chữ “lãnh tụ”.

    Thí dụ khác về việc bê nguyên xi tiếng Tàu về làm tiếng vàu:


    “Tuyên truyền” hiến tặng bộ phận cơ thể (đủ mọi bộ phận trên cơ thể chứ không phải riêng gì “tạng” mà gọi là “hiến tạng”)? Chắc là đi thả truyền đơn tuyên truyền cho quân dân cá nước cùng nhau đi hến tặng bộ phận cơ thể. Tiếng Tàu gọi một chương trình quảng bá hay quảng cáo về chuyện gì đó là “tuyên truyền” và nay cũng thấy nhan nhản trong tiếng vịt nào là “tuyên truyền một cuốn phim mới, tuyên truyền mốt thời trang mới” rồi bây giờ lại “tuyên truyền” cả chuyện hiến tặng bộ phận cơ thể! Trong tiếng Việt (ngay cả trong tiếng Anh) chữ “tuyên truyền” bao giờ cũng mang ý cố tình bóp méo sự thật để thuyết phục người khác cho mục đích chính trị hoặc để tẩy não, Ngoài ra, cũng có những trường hợp những người có tính lươn lẹo lúc nào mở miệng ra là tự động tuyên truyền dối trá ngay, chẳng hạn như Tronald Dumb!

    Một chữ khác bây giờ cũng thấy tiếng vịt xài như tiếng tàu, là chữ “thân phận” theo nghĩa của Tàu là “căn cước” (identity). Nghĩa của “thân phận” trong tiếng Hán Việt là gốc gác và tầng lớp hoặc địa vị xã hội của một người, ví dụ người nào đó có thân phận cao quý hoặc thân phận thấp kém, còn “identity” thì ta dùng “căn cước” hoặc “danh tính”.

    Thí dụ về cách dùng chữ sai chỗ:


    “Săn” trong những trường hợp như thế này chỉ có thể dùng như là một loại tiếng lóng riêng với nhau chứ không bao giờ dùng trong một bản tin hoặc bài viết nghiêm chỉnh. Tuyệt đối không nên dùng kiểu này dù có thêm ngoặc kép quanh chữ đó, chứ đừng nói đến chuyện để nguyên như thể là một chữ thích đáng cho câu này! Giáo viên là… con thú hay con mồi hay sao mà Đài Loan đi “săn” với đi “lùng” để… bắt về! Chắc đã quen kiểu rủ rê nhau đi “săn” gái ngoài đầu đường xó chợ nên cái gì bây giờ cũng “săn” với “lùng”! Phải đuổi cổ thằng chủ bút trước rồi “cải tạo” thằng phóng viên. Tái phạm thì đuổi cổ luôn! Úp xì, hay là có khi cả hai thằng đều có thẻ đảng không chừng! Đúng là thời… nhiễu nhương tiếng vịt!

    Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.
    Oái, không phải thế đâu! Chơi tiếng Tây vô nó càng rối ren lủng củng mơ hồ lắm chứ không có sáng sủa gì thêm đâu! “Đờ-puy kờ giơ la con-nế, suốt ngày mỏa toàn là…

    “Khi thân em bừng thức dậy, em bắt đầu run rẩy. Nhưng nếu tim em rung động, em bắt đầu mơ mộng. Trên đời này có một gã cứ yêu em khờ dại. Dù không quen biết em nhưng lại sẵn sàng hiến cả cuộc đời gã cho em. Tình cho không biếu không, em không thể bán đi. Tình cho không biếu không, em không thể mua vào. Tình sao em không biếu? Vì em có thể biếu không.” [Enrico Marcias - L'amour C'est Pour Rien]

    Coi bộ biết tiếng Tây viết đã chẳng minh bạch hơn tí nào mà lại còn… shên shến thế nào ấy!

    Tiếng Việt trước đây trong miền Nam đã trong sáng và ý nhị lắm rồi chứ có đâu như ngôn ngữ ngày nay, đã không tiến thì chớ mà càng ngày lại càng chồn… lùi mạt rệp luôn! Tui nghĩ cái công làm cho tiếng Việt trong sáng đó có thể là của Tự Lực Văn Đoàn một phần không nhỏ kể từ khi nhóm này cổ vũ chữ quốc ngữ, kêu gọi và đi tiên phong trong việc viết văn giản dị, trong sáng bằng tiếng Việt dễ hiểu cho mọi thành phần độc giả và nhất là tránh dùng chữ Hán Việt càng nhiều càng tốt. Ở miền Nam trước năm 1975 học sinh trung học đều được học về Tự Lực Văn Đoàn và các tác phẩm tiêu biểu của văn đoàn này. Tui nghe nói ngoài Bắc trong những thập niên 50 và 60, văn đoàn này bị liệt vào thành phần
    phản động và các tác phẩm của họ bị cấm tiệt chứ đừng nói đến chuyện đưa văn đoàn này vào chương trình giáo dục. Tui nhớ có đọc đâu đây hoặc có người kể cho nghe một câu chuyện là khi hỏi một cô giáo ngoài bắc về Tự Lực Văn Đoàn thì cô ta cứ ngỡ đó là một đoàn… cải lương hay đoàn kịch nào đó! Có vị nào trong này biết chuyện này hay sống ở ngoài Bắc trong những thập niên 50, 60 có thể xác nhận hay phủ nhận gì không? Bởi vậy nên giờ đây nếu có văn đoàn thì chỉ có Nô Lệ Văn Đoàn viết văn bằng tiếng vàu!

    LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban 班 là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.
    Hic hic… lại còn chuyện giáo viên “đứng lớp” nữa chứ! Chỉ đứng chứ không ngồi và cũng không đi đi lại lại. Tiếng Vàu nói: “Giáo viên đứng lớp hạ quyết tâm lên kế hoạch tiến hành tìm đáp án cho học sinh lưu ban”! Chỉ được “đứng lớp” chứ không phải ngồi, phải “hạ quyết tâm” chứ không phải thượng, “lên kế hoạch” chứ không phải xuống, “tiến hành tìm” chứ không phải tìm hay “thoái lập tầm”, “đáp án” chứ không phải giải pháp và dĩ nhiên…. “lưu ban” chứ không phải ở lại lớp!

    TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.
    Thì bây giờ toàn (bổn này ghi “toàn” nhưng có bản chép là “tuyền”) là tiếng Tàu âm Việt để thành tiếng… vàu mà lị, chẳng hạn như “Em tranh thủ sở hữu miếng thịt lợn để kho cho bằng được nồi thịt mà lại để bị khét. Loay hoay mãi vẫn không biết tiến hành triển khai phương án theo quy trình và trình tự nào để khắc phục cái nan đề thịt kho khét này!!!”

    Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.
    À, “đông tây” là… đồ, vậy mai này có ai hỏi ta đi đâu thì ta có thể mần một phát dăng chương “khứ mãi đông tây” thay vì “đi mua đồ”! Tui thấy Tàu cũng dùng “đông tây” để chỉ bất cứ thứ gì khi không muốn nói rõ ra hoặc có nhiều thứ quá nên mất công… chia sẻ từng thứ từ những thứ vớ vẩn lặt vặt, cả hữu hình lẫn vô hình, cho đến cả những chuyện ngồi lê đôi mách luôn. Nói tóm lại “đông tây” này của Tàu có thể gọi chung là… “đồ” như “đi mua đồ, đi ăn đồ, đi gởi đồ, đi lấy đồ,…” Đồ đây là đồ đạc chứ không phải Đồ Sơn hay đồ nhà đồ người gì đâu đấy!

    Vậy hôm nay ta “trao đổi” đến đây thôi, khi khác tui lại “chia sẻ sẻ chia đông tây" nữa.





  6. #16
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by 008 View Post
    Cái vụ xài chữ “tốt” như tiếng Tàu này có lẽ chỉ… “loạn lạc” từ khoảng 1954 trở lại đây thôi nếu quả thật bắt nguồn từ ngoài Bắc, và có thể là vì:

    1) “Môi hở răng lạnh” với Tàu quá “núi liền núi, sông liền sông” đến mức càng ngày càng “đất liền đất” luôn nên nó nói sao thì bê nguyên mâm về nói lại
    2) Vì cái đám dịch phim Tàu dịch hạch quá độ (nhiều khi là Tàu dịch không chừng) rồi thiên hạ coi riết nên nhiễm luôn. Sau đó là báo chí truyền hình cũng xài kiểu đó nên lại càng củng cố cái bậy bạ thêm nữa.

    Đây là tại ngôn ngữ bị dùng sai và lai căng sau này chứ không phải người Bắc nói như vậy, ít nhất là tui không nghe không thấy người Bắc… ri cư dùng chữ “tốt” làm trạng từ theo kiểu “ăn tốt, ngủ tốt” bao giờ. Kiểu xài này là vì bị nhiễm độc tàu vị yểu sau này (tui cho là cũng do chuyện dịch hạch dịch tả mà ra hết). Ta đã có câu ca dao từ thời… tám tổng nào rồi là ...

    “Ăn được ngủ được là tiên
    Không ăn không ngủ là tiền vất đi” (hay “mất tiền thêm lo”)

    Chứ nếu là “Ăn tốt ngủ tốt” thì có mà… điên!

    Tình trạng dịch hạch, đủ các loại dịch, nhất là dịch phim Tàu là một trong những lý do chính đưa đến nạn hủy hoại tiếng Việt. Bàn dân thiên hạ cắm đầu vô coi phim bộ từ lồng tiếng cho đến phụ đề hết ngày này tháng nọ thì đương nhiên phải bị nhiễm cái thứ tiếng … dịch hạch đó thôi rồi từ quen tai quen mắt mà đem dùng luôn, một lây mười, mười lây trăm, trăm lây ngàn cho đến khi thành tiếng vịt cả nước mà không ai hay biết hoặc còn nhớ tiếng Việt thực sự nói như thế nào. Tui lấy một ví dụ có lần tui thấy phim Tàu chạy phụ đề cho lời nói chuyện qua lại giữa một chàng công tử và một nàng tiểu thư và chàng cầm tay nàng trợn mắt nhìn thẳng mặt nàng nói: “Gả cho ta đi!” làm tui đang đứng xớ rớ đó phải buộc miệng bình loạn theo phản xạ ngay lập tức. Tui xin bỏ qua chuyện xảy ra như thế nào kế đó với mọi người đang túm tụm ngồi xem mà chỉ nêu thí dụ về cái tiếng vịt dịch hạch này thôi.

    Tàu nói: “Chá cẩy wờ”, tiếng Việt từng chữ sẽ là “Giá cho tôi”. “Giá” ở đây có nghĩa là “lấy chồng” như trong “giá thú” (“thú” là lấy vợ). Tiếng dịch hạch theo sát đít từng chữ lẫn cách dùng và văn phạm của một ngoại ngữ thì bắt buộc phải thành tiếng... vịt. Tiếng Việt thật phải nói là “Lấy anh nhá”, “Về làm vợ anh nhá”, “em bằng lòng làm vợ anh không?” “Anh xin cưới em nhé”, ... Đại khái như vậy đi vì tui kém văn chương chữ nghĩa sáng tạo hay hoa mỹ trong lãnh vực này, nhưng vấn đề ở đây là tuyệt đối không thể dùng động từ “gả” kiểu này trong tiếng Việt mà phải là cha mẹ hoặc một người lớn đại diện gả con cho ai đó. Tui hầu như chắc chắn là ngày nay ắt phải có những … “top mấy chục, mấy trăm, mấy ngàn diva hay divan” gì đó đã nhiễm loại tiếng vịt dịch hạch này để nói ra những câu như “Em không gả cho anh đâu!” khi mấy chàng vịt đẹt ngỏ lời Gả cho anh đi!
    tỉnh bơ như thể đó là tiếng Việt vậy!

    Ngày trước cũng không bao giờ có ai nói “học tốt” mà bây giờ lại “chạy đầy đường”, chạy luôn vào trường đăng cả bích chương … “tuyên truyền” học sinh học cho “tốt” và thầy cô gì cũng nói thế luôn mới là ác… ôn côn đồ chớ! Riêng chữ “được” trong trường hợp này thì tui thấy thì Bắc Trung Nam gì cũng dùng hết, tùy theo ý họ muốn nói “được” đến mức nào, như “cũng được”, “được được”, “tạm được”, “được quá”,… hoặc những chữ nồng nhiệt hơn nữa như “hay”, “đẹp”, v.v... Loại nói “được” này cũng tương đương và có thể thay bằng “tàm tạm”, “bình thường”, đỡ đỡ”, “kha khá”, hay loại nói “ổn” của người miền Bắc, chẳng hạn như “thế cũng ổn, hát cũng ổn, làm cũng ổn,…” mà tiếng Mỹ hay nói là “OK”, và tiếng Tàu nó nói chính là… là… là… “hảo” luôn và bị dịch hạch thành tiếng vịt “tốt” “tốt” và “tốt”! Ngay cả cách nói “ổn” trong mọi trường hợp như hiện nay cũng làm tai, mắt, mũi, họng tui khó chịu lắm lắm tuy dù sao cũng còn đúng về mặt văn phạm!

    Bắc kỳ nè: Tự điển Khai Trí Tiến Đức




  7. #17
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367



    Nguyên nhóm này dường như không có ông nào Nam kỳ hết:

    Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ,
    Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến,
    Nguyễn Đôn Phục, và Đỗ Thận

    (theo wiki, chẳng biết trúng trật!)


  8. #18
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Các thí dụ nêu ra trong tự điển đó về chữ "tốt" đều thuộc một trong hai trường hợp tui đã ghi trong phần bình loạn của tui ở trên rồi: 1) “tốt” là tĩnh từ và 2) "đảo ngược “tốt” ra trước danh từ để dùng trong những câu tục ngữ và một số trường hợp khác như “tốt bụng, tốt danh, tốt mã,…”". Hoàn toàn không có thí dụ nào dùng “tốt” làm trạng từ đặt câu xuôi bình thường.

    Riêng câu “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” thì cái việc “làm tốt” ở đó phải hiểu là “làm sao cho mình trông như là một người đẹp, người tốt hoặc có tài” chứ không phải là trạng từ theo nghĩa “làm một việc gì đó có hiệu quả hay mỹ mãn” như kiểu “Đồng chí đã làm tốt công tác chưa?” “Dạ, em làm tốt công tác rồi”. Nói cách khác câu đó phải hiểu là “xấu hay làm [cho mình trông như là người] tốt, dốt hay nói… “từ””, tức là thực chất người đó như thế nào (kém cỏi) thì họ sẽ làm sao cho người khác thấy ngược lại (là thấy họ đẹp hay họ giỏi). Tóm lại, chữ “tốt” trong câu đó cũng là một tĩnh từ bổ nghĩa cho phần danh từ hiểu ngầm (chứ không nói rõ ra vì quá dài mà làm mất đi vần điệu của một câu tục ngữ ngắn gọn) là “người” (người tốt, người đẹp, người giỏi)!

  9. #19
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,589
    Hoàn toàn không có thí dụ nào dùng “tốt” làm trạng từ đặt câu xuôi bình thường.
    Nè:
    - Họ cư xử rất tốt.
    - Cỏ mọc xanh tốt.
    - Chết tốt. (Ý nói là chết chắc.)
    - Nói tốt (về người này, người kia).

  10. #20
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Nè:
    - Họ cư xử rất tốt.
    - Cỏ mọc xanh tốt.
    - Chết tốt. (Ý nói là chết chắc.)
    - Nói tốt (về người này, người kia).

    Thoạt nhìn thì tưởng là trạng từ nhưng xét kỹ thì không hẳn vậy.

    1) Họ cư xử rất tốt: “Tốt” trong trường hợp này có nghĩa là “tử tế, lịch sự” và “cư xử” ở đây là một loại “linking verb” nếu dùng cách gọi tương đương với tiếng Anh (tức là cũng như “thì”, “là” (“to be”)) để nối chủ từ với phần còn lại trong câu chứ không phải là hành động làm một việc gì đó. “Cư xử” gồm nhiều thứ tạo thành chung trạng thái lịch sự, nhã nhặn, tử tế. “Họ cư xử (với mọi người) rất tốt” = “cách họ cư xử (với mọi người) rất tốt” = “họ lịch sự (với mọi người)” = “Họ tử tế (với mọi người). Có thể thay”cư xử” bằng “thì”, “là” hoặc nhiều “linking verbs” khác cho đỡ nhàm chán và chính xác hơn so với “thì”, “là” như “đối đãi”, “tỏ ra”, “có thái độ”, … hay chỉ nói đơn giản là “họ rất tốt (với mọi người)” cũng đều được cả. Vậy “tốt” này thật sự là tĩnh từ diễn tả tính chất của chủ từ “họ” và được nối với chủ từ bằng một “linking verb” chứ không phải là trạng từ bổ nghĩa cho một động từ thông thường diễn tả một hành động.

    2) Cỏ mọc xanh tốt: “Tốt” này cũng không có nghĩa “tốt xấu”, “hay dở” đang bàn mà có thể hiểu câu này theo hai cách. Cách hiểu thứ nhất là “cỏ mọc xanh và tốt” (“tốt” là tĩnh từ nói về sắc thái non, mới, khỏe, tươi của “cỏ” được nối với chủ từ "cỏ" bằng linking verb "mọc" và có thể viết kém hay hơn nhưng vẫn đồng nghĩa là "cỏ thì xanh tốt") và cách hiểu thứ hai là “tốt” bổ nghĩa cho tĩnh từ “xanh” (xanh tốt, xanh tươi, xanh ngát, xanh thẫm, xanh nhạt…). Trường hợp này thì có thể gọi là trạng từ vì bổ nghĩa cho tĩnh từ nhưng vì “tốt” này không phải có nghĩa “tốt xấu”, “hay dở” đang bàn mà có nghĩa là “tươi”, “ngát”, “đậm”,… của màu xanh. Như vậy thì phải xem chữ “tốt” ở đây là chữ khác có nghĩa khác chứ không phải “tốt” của tốt xấu”, “hay dở” đang bàn.

    3) Chết tốt. (Ý nói là chết chắc.): Đã có đề cập trong phần bình loạn ở trên rồi và đương nhiên “tốt” này không hề có nghĩa “tốt đẹp” gì cả nên cũng không phải là “tốt” đang bàn mà phải xem là chữ khác.

    4) Nói tốt (về người này, người kia): “Tốt” ở đây rõ ràng là không bổ nghĩa cho “nói” chút nào vì không phải nói “một cách tốt” mà “nói tốt” đây là nói ra những điều tốt lành, tốt đẹp về một người nào đó, tức “tốt” vẫn là tĩnh từ bổ nghĩa cho những điều đó. Còn những câu như “hắn nói tiếng Việt tốt” thì "tốt" đó mới là bổ nghĩa cho “nói” và nếu nói thế là nói tiếng vịt. Tiếng Việt phải nói là “hắn nói tiếng Việt giỏi”, “hắn nói tiếng Việt thông thạo”, “hắn nói tiếng Việt lưu loát”...

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 1
    Last Post: 07-31-2018, 10:58 PM
  2. Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi
    By sôngthương in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 11-29-2017, 07:03 PM
  3. Tiếng Việt Trong Nước
    By 008 in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 64
    Last Post: 03-19-2015, 12:36 AM
  4. Khóc Cười Theo Mệnh Nước Nổi Trôi, Nước Ơi
    By Hàn Sinh in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 28
    Last Post: 12-22-2013, 09:23 PM
  5. Bìm Bịp Kêu Nước Lớn
    By BB.Phan in forum Âm Nhạc
    Replies: 2
    Last Post: 05-15-2013, 03:09 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:02 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh