Cách đây hơn 6 tháng tôi tình cờ phát hiện ra mình mắc chứng "nghẽn thở trong lúc ngủ" . Nơi đây sẽ ghi lại chút kinh nghiệm bản thân, cùng với một số dữ kiện đã gom góp được trong mấy tháng tìm hiểu và nghiên cứu để tự ứng phó với cái tình trạng này . Hy vọng rằng nó sẽ giúp ích đôi phần cho các bạn nào cũng đang vướng trong cảnh ngộ tương tự .


"Nghẽn thở trong lúc ngủ" , tiếng Anh thường viết tắt là OSA (Obstructive Sleep Apnea), nói về tình trạng hơi thở của ta đã ngưng lại trong giấc ngủ , xảy ra do các nguyên nhân chính sau đây:
1) khí quản bị xẹp vì cơ bắp đã yếu, hay mũi bị nghẹt vì bị dị ứng, bị viêm
2) thế nằm ngửa hay làm cho lưỡi đè nghẹt cổ họng, ngoài ra đôi khi cái cằm còn bị gục xuống ngực ép dẹp cổ họng .
3) não bộ có khi quên không kích thích lồng ngực hít thở


Tình trạng này sẽ khiến cho giấc ngủ của ta thiếu bề êm sâu, cơ thể ta không được nghỉ ngơi mà ngược lại trái tim phải làm việc nhiều suốt đêm để ráng bơm cho đủ khí oxy cần thiết ra toàn thân . Não bộ cũng bị căng thẳng dễ sinh ra nhiều mộng mị khó chịu, hầu như cố tình thúc nhắc cơ thể ta phải vùng tỉnh để mà hít thở trở lại . Nếu cứ bị như vậy ngày này qua ngày khác, thì tim và phổi sẽ bị suy bại kiệt quệ dần dần . Người bị OSA thường biểu hiện các triệu chứng như sau:
1) cơ thể mệt mỏi , ngật ngừ suốt ngày như là thiếu ngủ cho dù đã nằm ngủ cả đêm rồi
2) khó thở, tức ngực như thiếu dưỡng khí, dù là không phải bị suyễn
3) dễ ngủ gục trong ngày, khi ngồi yên, chẳng hạn như trong lúc đọc sách, coi TV, hay tại bàn làm việc ..., đôi khi còn ngủ gục trên tay lái xe hơi !
4) huyết áp cao
5) ngủ ngáy to


Xét về lâu dài sự thiếu oxy trong lúc ngủ vì nghẽn thở sẽ ảnh hưởng nhiều đến các mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, óc não ... rồi có thể đem đến các rối loạn chuyển hóa khác, chẳng hạn như tăng huyết áp, làm nhồi máu cơ tim, gây đột quỵ vì làm tắc mạch não ... Nói chung là có thể dẫn tới các tình trạng nghiêm trọng hơn cho sức khỏe.


Ngày nay đã có phương pháp dùng máy đa ký để chẩn đoán bệnh này . Máy sẽ đo các độ giao động trên não, đo nhịp tim nhịp thở và mức dưỡng khí trong máu của người được chẩn bệnh trong lúc họ ngủ . Mỗi khi bị tắt lưu thông không khí trên 10 giây, hay chỉ giảm lưu lượng thở hơn 50% trên 10 giây, là được xem như bị nghẽn thở một lần. Nếu trung bình đo thấy nghẽn thở trên 5 lần mỗi giờ đồng hồ thì sẽ coi như là bị bệnh OSA . Từ 5 -15 lần là bị nhẹ, từ 15 - 30 lần là trung bình, từ 30 lần trở lên là bị nặng .


Cái Youtube video này giảng giải khá rõ ràng về chứng "Nghẽn thở trong lúc ngủ" :





Các biện pháp sau đây có thể được dùng để ứng phó với OSA :
- Đổi tư thế ngủ: khi ta nằm ngửa, lưỡi và vòm miệng có khuynh hướng đổ xuống họng, cản trở khí lưu thông và gây ngủ ngáy. Nằm nghiêng sẽ giúp giảm bớt tình trạng này.
- Giữ đầu ở vị trí cao: kê giường hoặc sử dụng gối để nâng đầu cao khi ngủ giúp khai thông đường thở. Đồng thời giữ cho cằm khỏi gục xuống ngực bằng cách làm cái gối nhỏ quấn quanh cổ . Cách tốt nhất là dùng cái cervical collar mềm (cái đồ băng cổ dùng cho người bị trật xương cổ) . Cái này hơi khó chịu lúc đầu nhưng rồi sẽ ngủ quen với nó, và giúp giữ cổ họng cho thông khi ngủ .
- Giữ vệ sinh trong phòng ngủ: Bụi bậm trong nhà, và từ chăn giường, bao gối, có thể là nguyên nhân gây dị ứng , làm cho nghẹt mũi khó thở .
- Luyện ngủ nghỉ điều độ: Giữ cho tinh thần thư thản trước khi ngủ, tránh mọi thứ kích thích quá mức
- Tránh ăn nhiều vào bữa tối, và đừng ăn trễ quá . Tốt nhất là ăn trước khi ngủ từ 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ . Nếu bao tử mà còn đầy ắp khi nằm ngủ sẽ dễ bị ợ chua, gây nhiều khó khăn cho đường hô hấp .
- Ráng giảm cân: Những người thừa cân béo phì thường hay bị OSA, có lẽ vì sự tích trữ của mỡ quanh cổ và khí quản .
- Uống nhiều nước
- Chừa uống bia rượu: Tránh uống các thứ này trước khi ngủ, vì rượu bia làm giảm trương lực cơ họng, làm xẹp khí quản .
- Bỏ thuốc lá: bởi lẽ thuốc lá làm đường hô hấp dễ bị nhiễm trùng, khó thở.
- Tránh xử dụng các thuốc an thần , luôn cả những loại thuốc làm giảm trương lực cơ vùng họng.




Tại các xứ Tây phương, người bị bệnh OSA nặng thường được bác sĩ cho điều trị bằng cách dùng máy CPAP ( Continuous Positive Airway Pressure ) . Khi ngủ người xử dụng máy đeo một mặt nạ bao kín mũi, thông nối với máy bơm nhỏ kế bên giường . Máy sẽ luôn dùng một áp suất không khí đủ cao để nông cổ họng ra, không để nó bị xẹp hay bị chặn nghẹt bởi lưỡi . Nguyên tắc căn bản chỉ giản dị vậy thôi, nhưng về mặt thực hành thì thật phức tạp và rắc rối . Người bệnh phải đương đầu với nhiều thử thách không nhỏ . Có khá nhiều yếu tố trong máy cần được điều chỉnh và chọn lọc cho hợp với cơ thể của từng người thì họ mới có thể tiếp tục dùng nó mỗi đêm . Để đạt được kết quả tốt đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và chút hiểu biết tối thiểu về cách dùng máy . Số người bỏ cuộc vì không thở được với máy CPAP chẳng phải là ít . Thêm vào đó chi phí tốn kém của loại máy này cũng là cái trở ngại đáng kể .


Riêng phần tôi cũng đã xém dẹp cái máy CPAP qua một bên vì lúc đầu không tài nào mà ngủ được khi đeo nó vào . Vấn đề chính là hiếm khi bác sĩ có thể chẩn đoán đúng mọi yếu tố cần được áp dụng vào máy cho mỗi người . Họ không có ở bên bệnh nhân mỗi đêm để mà tư vấn sửa máy . Trên thị trường hiện giờ lại xuất hiện biết bao nhiêu hiệu máy CPAP khác nhau, như cây trong rừng vậy . Tình thế không suông sẻ chút nào hết .

May thay tôi tìm thấy một cái website trên mạng ( http://www.apneaboard.com ) . Nơi này hướng dẫn rất tỉ mỉ rõ ràng cách điều chỉnh máy, cách đối phó với các trở ngại khó khăn khi dùng nó . Dần dần tôi đã học cách làm cho máy thích hợp với mình hơn, biết chọn cái mặt nạ nào cho dễ thở, và biết những mẹo để tự luyện cho cơ thể có được một giấc ngủ yên và bồi dưỡng cho sức khoẻ . Mong rằng ít điều ghi tại đây sẽ giúp cho các bạn cũng đuợc như vậy .