Register
Page 65 of 66 FirstFirst ... 155563646566 LastLast
Results 641 to 650 of 654
  1. #641
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Con nho duong Nguyen Binh Khiem ...quan Hen khong , O Trung Vuong ?

  2. #642
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164
    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post
    Con nho duong Nguyen Binh Khiem ...quan Hen khong , O Trung Vuong ?
    ...

    ...

    Xin chào cả nhà,

    ...


    Cám ơn huynh Hoài Vọng ghé chòi thơ nhé


    Thấy huynh còn ra vào Phố nên dulan vui vì... huynh biết tại sao rùi ha!

    Một ngày TV, muôn đời TV, ... và cũng không bao giờ quên nhịp bước trật guốc đó huynh ui!

    Dạ, Quán Hẹn mà huynh ăn bánh mì không đó hỉ

    Huynh Sáu đồng chắc mua được tới 3 ổ bánh mì thịt lận ha


    ...












    Hoàng hôn giã biệt một ngày trôi
    Có người đâu biết thời gian lắng
    Âm ba vọng lại từ sâu thẳm
    Nốt thăng trầm tựa mãn cuộc vui.

    Dulan

    ...



  3. #643
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164



    ...









    Anh ơi!!!


    Mau về kẻo gió lùa mây xám
    Quyện xuống cành đông lệch tóc huyền
    Chớ đợi ngày sau chừng luyến ảnh
    Rằng xưa lỡ hẹn một thuyền quyên

    Dulan







    ------------






    Tự hỏi...

    Gương mưa đối tỏ sầu vàng vọt
    Giọt ngắn tình dài nét khắc mi
    Gói trọn chia đều ta với bóng
    Ai người tri kỷ xẻ chia niềm

    Dulan


    ...



  4. #644
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164
    ...







    ...








    Đỏ vàng cam khói lửa
    Ôi nước mắt biển sầu
    Nguyện ơn cao nhiệm mầu
    Xua màn trời nghiệt ngã

    Dulan


    ...




    ...



  5. #645
    Biệt Thự Dung's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    A, A
    Posts
    1,442
    Hôm nay em ghé vào đây thăm nhà , vừa thưởng thơ ngắm hoa … lòng thênh thang quá chị!
    Thơ rất ngọt rất hay! Cảm ơn nhiều lắm!
    Chúc chị Lan ngày vui .
    Chào bác Vọng sức khỏe nhé! Nhớ năm nào bác còn tổ chức sinh Nhật nhỏ cho bé con em ở công viên mà bây giờ … cũng đã ngót 10 năm rồi đó bác .
    Cùng thành phố mà sao xa vời vợi quá!

  6. #646
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164
    ...

    @ Dung thương,
    Thấy Dung khỏe lại và ghé chòi thơ, dulan mừng lắm


    Đúng là mấy tuần nay không thấy huynh Hoài Vọng ghé Phố, mong huynh nghe mình nhắc mà hắc hơi vào Phố ha Dung!



    @ Lính Đại Ca ơi "Tháng Ba Gãy Súng"




    ...


    Nơi dulan tuyết đang tan, mùa xuân chưa về nên ngoài sân không có hoa, trong nhà chỉ có cây hoa giấy nhỏ ra hoa đầu tiên trong năm nay, dulan đem vào cho Dung ngắm tạm nhé:





    Xin mời Dung và cả nhà bánh trà nhé:








    ...


    Thương chúc Dung và cả nhà
    Ngày Phụ Nữ Quốc Tế tám tháng ba vui khỏe êm đềm hạnh phúc nha!





    Thân mến,
    Dulan


    ---------------------------






    ...







    Ngủ vùi trong mùa đông
    Quên hết tứ đại với thế gian
    Ngàn êm ả tâm thu

    Dulan


    ...

    Last edited by dulan; 03-07-2022 at 03:57 PM.

  7. #647
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164




    ...


    _THƠ TUỆ SỸ_





    Hận thu cao


    Quỳ xuống đó nghe hương trời cát bụi
    Đôi chân trần xuôi ảo ảnh về đâu
    Tay níu lại những lần khân chìm nổi
    Hận thu cao mây trắng bỗng thay màu

    Ta sẽ rủ gió lùa trên tóc rối
    Giọng ân tình năn nỉ bước đi mau
    Còi rộn rã bởi hoang đường đã đổi
    Bởi phiêu lưu ngày tháng vẫn con tàu

    Vẫn lăn lóc với đá mòn dứt nối
    Đá mòn ơi cười một thuở chiêm bao
    Quỳ xuống nữa ngủ vùi trong cát bụi
    Nửa chừng say quán trọ khóc lao xao

    Tay níu nữa gốc thông già trơ trọi
    Đứng bên đường nghe mối hận lên cao

    Tuệ Sỹ
    Nha Trang 1973



    Luống cải chân đồi

    Vác cuốc xuống chân đồi
    Nắng mai hồng đôi môi
    Nghiêng vai hờn tuổi trẻ
    Máu đỏ rợn bên trời

    Sức yếu lòng đất cứng
    Sinh nhai tủi nhục nhiều
    Thân gầy tay cuốc nặng
    Mắt lệ nóng tình yêu

    Thầy tóc trắng bơ vơ
    Con mắt xanh đợi chờ
    Đèn khuya cùng lẻ bóng
    Khúc ruột rối đường tơ

    Tuổi Thầy trông cánh hạc
    Cánh hạc vẫn chốc mồng
    Mắt con mờ ráng đỏ
    Ráng đỏ lệ lưng tròng

    Chân đồi xanh luống cải
    Đời ta xanh viễn phương
    Sống chết một câu hỏi
    Sinh nhai lỡ độ đường

    Tuệ Sỹ
    Nha Trang 1975



    Ta biết

    Ta biết mi bọ rùa
    Gặm nhắm tàn dây bí
    Ta vì đời tranh đua
    Khổ nhọc mòn tâm trí

    Ta biết mi là dế
    Cắn đứt chân cà non
    Ta vì đời đổ lệ
    Nên phong kín nỗi hờn

    Ta biết mi là giun
    Chui dưới tầng đất thẳm
    Ta vì đời thiệt hơn
    Đêm nằm mơ tóc trắng

    Tuệ Sỹ

    Rừng Vạn Giã 76



    Tống biệt hành

    Một bước đường thôi nhưng núi cao
    Trời ơi mây trắng đọng phương nào
    Đò ngang neo bến đầy sương sớm
    Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

    Một bước đường xa, xa biển khơi
    Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
    Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
    Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

    Cho hết đêm hè trông bóng ma
    Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
    Trời không ngưng gió chờ sương đọng
    Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

    Cho hết mùa thu biệt lữ hành
    Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
    Ta so phấn nhụy trên màu úa
    Trên phím dương cầm, hay máu xanh

    Tuệ Sỹ

    Nha Trang 77




    Quán trọ của ngàn sao

    Mắt em quán trọ của ngàn sao
    Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào
    Pha loãng nắng tà dâng cát bụi
    Ấm lòng khách lữ bước lao đao

    Mắt huyền thăm thẳm mượt đêm nhung
    Mưa hạt long lanh rọi nến hồng
    Sương lạnh đưa người xanh khói biển
    Bình minh quán trọ nắng rưng rưng

    Tuệ Sỹ
    Trại giam Phan Đăng Lưu, Sài gòn 79



    Buổi sáng tập viết chữ thảo

    Sương mai lịm khói trà
    Gió lạnh vuốt tờ hoa
    Nhè nhẹ tay nâng bút
    Nghe lòng rộn âm ba

    Tuệ Sỹ
    Sài Gòn 80



    Hạ sơn

    Ngày mai sư xuống núi
    Áo mỏng sờn đôi vai
    Chuỗi hạt mòn năm tháng
    Hương trầm lỡ cuộc say

    Bình minh sư xuống núi
    Tóc trắng hờn sinh nhai
    Phương đông mặt trời đỏ
    Mùa hạ không mây bay

    Ngày mai sư xuống núi
    Phố thị bước đường cùng
    Sư ho trong bóng tối
    Điện Phật trầm mông lung

    Bình minh sư xuống núi
    Khóe mắt còn rưng rưng
    Vì sư yêu bóng tối
    Ác mộng giữa đường rừng

    Tuệ Sỹ
    Tháng 9/1983



    Mộng ngày

    Ta cỡi kiến đi tìm tiên động
    Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
    Cóc và nhái lang thang tìm sống
    Trong hang sâu con rắn nằm mơ

    Đầu cửa động đàn ong luân vũ
    Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ
    Thẹn hương sắc lau già vươn dậy
    Làm tiên ông tóc trắng phất phơ

    Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống
    Ta trên lưng món nợ ân tình
    Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc
    Cũng tình chung tơ nắng mong manh

    Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
    Ngoài hư không có dấu chim bay
    Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
    Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?

    Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
    Đường ta đi, non nước bồi hồi
    Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
    Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi

    Non nước ấy trầm ngâm từ độ
    Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
    Ta đi tìm trái tim đã vỡ
    Đói thời gian ta gặm hư vô

    Tuệ Sỹ
    Sài Gòn 1984



    Vết rạn

    Áo lụa mỏng đẹp bờ vai thiếu phụ
    Tóc nàng xanh chỉ nói một tình riêng
    Tôi nhạc sỹ, nhưng âm thầm ngược gió
    Nàng yêu chồng cho giấc ngủ bình yên

    Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc
    Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng
    Người có biết mặt trời kia sẽ tắt?
    Tôi yêu người từ vết rạn thời gian

    Tuệ Sỹ

    ...




    Bùi Giáng viết về thơ Tuệ Sỹ




    Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng.
    Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u…

    Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:

    Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
    Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

    Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm.
    Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

    Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
    Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
    Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
    Trí Hải đa tàm trúc loạn ty

    Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.

    Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm?

    Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:

    Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
    Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
    Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
    Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

    Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.

    Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
    Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
    Cười với nắng một ngày sao chóng thế
    Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
    Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
    Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
    Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
    Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

    Tôi hoảng vía đề nghị: Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho,
    nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.

    Ông đáp: – Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.

    Đôi mắt ướt tuổi vàng
    Khung trời
    Hội cũ

    Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì?
    – Cung trời hội cũ. Một hội đạp thanh? Một hội nao nức? –
    “Giờ nao nức của một thời trẻ dại?”.

    Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ…

    Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát:
    một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh…
    Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.

    Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn.
    Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi người đều
    “phải nói” với mọi người “muốn nghe” với riêng mình “không thiết chi chuyện nói”.

    Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều.
    Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người.
    Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe.
    Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng phải giống lối vui buồn của chúng ta.
    Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).

    Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc.
    Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu.
    Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.

    Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du:
    “Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc.
    Ai có tài thì trẫm trọng dụng (…).
    Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?”.

    Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm.
    Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!

    Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế,
    cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn cứ thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.

    Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.

    Đôi mắt ướt tuổi vàng
    Khung trời hội cũ

    Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh?

    Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ.

    Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ.
    Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa,
    soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?

    “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang”

    Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường,
    gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?

    Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào.
    Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt.
    Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông,
    đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.

    Đôi mắt ướt tuổi vàng
    Khung trời hội cũ
    Áo màu xanh
    Không xanh mãi
    Trên đồi hoang
    Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.
    Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

    Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?
    Mình là thân Bồ-tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ?
    Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?

    Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ.
    Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp,
    từ một quê hương trên thượng du, bao la rừng núi, gió sương canh chiều, nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.

    Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
    Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
    Cười với nắng một ngày sao chóng thế
    Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

    Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan.
    Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.

    Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
    Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

    Ta tưởng như nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval,
    một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzche.

    Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá?
    Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?

    Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển.
    Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương.
    Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du:

    Cười với nắng một ngày sao chóng thế
    Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

    Một tiếng “buồn chăng” lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường:

    Sen tàn cúc lại nở hoa
    Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
    Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
    Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

    Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi:

    Đếm tóc bạc
    Tuổi đời
    Chưa
    Đủ
    Bụi đường dài
    Gót
    Mỏi
    Đi
    Quanh

    Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa?
    Một tuổi vàng sớm chấm dứt?
    Một tuổi “đá” sớm từ giã mọi yêu thương?

    Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
    Suối nguồn xa
    Ngược nước
    Xuôi ngàn

    Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.

    Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.


    Bùi Giáng





    ...




    Chung trà đã lịm khói
    Hàng chữ vẫn nối dài
    Thế sự chùm hoa dại
    Ủ mờ con mắt cay.

    Sur la tasse de thé, la fumée s’évanouit
    Les mots s’alignent
    Les choses du monde
    sont comme un amas de fleurs sauvages
    Elles fatiguent et brouillent les yeux.

    Công Nương bỏ quên chút hờn trên dấu lặng
    Chuỗi cadence ray rứt ngón tay
    Ấn sâu xuống ưu phiền trên phím trắng
    Nửa phím cung chõi nhịp lưu đày.

    La princesse boude le “silence”
    Les cadences enchaînent ses doigts
    Trop lourdement
    sont enfoncées les touches blanches
    Le demi ton s’en est allé.

    Ve mùa hạ chợt về thành phố
    Khóm cây già che nắng hoang lương
    Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ
    Trên phím đàn lặng lẽ tàn hương
    Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
    Khóc mùa hè mà khô cả đại dương.

    Soudain l’été a surgi
    Les cigales chantent sur la ville
    Un bouquet de vieux arbres
    Protège du soleil torride
    La poussière blanche s’enroule au bout de la ruelle
    Le «silence» est parfumé
    Le chant des cigales ondule légèrement
    Je pleure l’été qui assèche l’océan.

    Tuệ Sỹ




    ...


    AI ĐIẾU HT TUỆ SỸ

    Một giọt sương rơi
    Cho hiên chùa thêm quạnh
    Một vầng trăng về tây
    Cho biển tối thêm sâu

    Một Tăng Triệu thời nay
    Giũ áo qua cầu
    Tiếng thạch sùng khuya
    Gió lùa tàng kinh các

    Cầm đèn tuệ chênh vênh
    Sống một đời cao sĩ
    Vóc hạc gầy mong manh
    Hồn chứa hết tam thiên

    Chí cao vợi cô đơn
    Dặm trần không tri kỷ
    Phiên chợ đời phũ phàng
    Sao đắt đỏ chữ duyên

    Trời nam lặng một bóng người
    Vai gầy cõng đạo, một trời sở tri
    Việc xong, quẳng gậy mà đi
    Hổ khê áo cỏ dặm về trăng soi...

    Toại Khanh



    ...



    KÍNH TIỄN HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ!





    ...


    (dulan khênh về đây từ những bài viết của các bạn, xin cảm ơn
    )

    ...
    Last edited by dulan; 11-27-2023 at 11:49 AM. Reason: Typo

  8. #648
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164
    ...


    Đọc lại thơ Tuệ Sỹ


    Nguyễn Mộng Giác
    Nguồn: Văn Học số 65, tháng Bảy năm 1991

    Cuối năm 1988, khi tin hai vị tu sĩ Phật giáo Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) và Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền
    Cộng sản Việt Nam kêu án tử hình truyền ra hải ngoại, nhiều người mới tò mò tìm đọc những gì
    hai vị này đã viết. Họ tìm thấy những bài khảo cứu văn sử học của Lê Mạnh Thát, và những tùy bút
    đầy chất thơ phiêu bồng của Tuệ Sỹ.

    Rất nhiều người đã ngạc nhiên. Dường như không có gì gần gũi
    giữa những bài khảo cứu khô khan, những bài thơ "viễn mộng" với những hoạt động chính trị nhằm
    lật đổ một chế độ chuyên chế, chưa nói tới những hoạt động nguy hiểm đến độ chính quyền phải lập
    tòa án đặc biệt và kêu án tử hình.

    Hồi đó, báo chí đã cho đăng tải một số thơ cũ và mới của Tuệ Sỹ.

    Bài "Tôi Vẫn Đợi" dưới đây là bài Tuệ Sỹ mới làm sau này, có lẽ lúc đang bị giam chờ ngày ra tòa:

    Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
    Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
    Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
    Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng
    Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
    Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
    Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
    Dài con sông tràn máu lệ quê cha.
    Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
    Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
    Người ở lại với bàn tay bạo Chúa
    Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
    Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
    Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
    Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
    Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.


    Thú thật đọc xong bài thơ này, cảm tưởng ban đầu của tôi là hơi hụt hẫng, thất vọng.
    Thơ của một người tử tù đây ư?
    Không nói ra, nhưng lâu nay tôi vẫn giữ một định kiến hoặc một ước lệ về thể loại thơ tù.
    Ước lệ về khung cảnh thơ: song sắt, vách ngục, máu tra tấn, thân còm cõi...
    Ước lệ về không khí thơ: u uất, phẫn nộ, khinh mạn, oán hờn...
    Định kiến về nhân cách người thơ: cao ngạo, bất khuất, quắc mắt mà nhìn kẻ đưa mình ra pháp
    trường, uy vũ kềm kẹp không làm cho run sợ. Và định kiến về dự phóng cho tương lai:
    ngục tù không ngăn được diễn tiến tất yếu của lịch sử, thân tù đơn độc nhỏ nhoi dù bị hủy diệt
    cũng không ngăn được những con người bất khuất khác noi gương tiếp nối...
    Thơ người tử tù phải là một sứ điệp rõ ràng làm cương lĩnh cho hành động. Đem bao nhiêu
    cái khuôn thước có sẵn trên đây mà so với bài thơ Tuệ Sỹ, tôi bị hụt hẫng hoang mang là phải!

    Tôi đã dựa vào những khuôn thước trí tuệ thông tục mà đọc bài thơ,
    và cố tìm hiểu sứ điệp ẩn giấu sau mười sáu câu thơ tám chữ.

    Trước hết là khuôn thước thời gian. Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn này,
    bài thơ được phân làm hai phần: phần dự phóng tương lai của ba đoạn thơ đầu, bắt đầu bằng
    các chữ Tôi vẫn đợi; phần trở lại thực tại tù tội ở bốn câu cuối bắt đầu bằng ba chữ Rồi trước mắt.
    Nếu chia bài thơ ra hai phần như vậy, thì ý nghĩa của bài thơ tù đượm chất bi quan, như con hổ
    bị giam trong cũi sắt nhớ tiếc và mơ tưởng núi rừng thung lũng mênh mông của những ngày tự do.
    Ba đoạn thơ đầu là những dấu hỏi dành cho tương lai, mở ra những khả thể để đến đoạn cuối
    là một dấu than đột ngột tàn nhẫn, như một giọt lệ rỏ lên mọi hy vọng, chấm dứt mọi khả thể.
    Một số bài thơ của Cao Bá Quát (cũng là một tử tù) được làm theo dạng này,
    gần gũi nhất là bài Quá Dục Thúy Sơn (Qua núi Dục Thúy) dưới đây:

    Thiên địa hữu tư sơn
    Vạn cổ hữu tư tự
    Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt
    Nhi ngã diệc lai thử
    Ngã dục đăng cao sầm
    Hạo ca ký vân thủy
    Hữu ước nải vi tư
    Phàm sự đại đô nhĩ
    Trời đất có núi ấy .
    Muôn thuở có chùa này
    Phong cánh đã kỳ tuyệt
    Lại thêm ta đến đây
    Ta muốn lên đỉnh núi
    Hát vang gửi nước mây
    Ao ước mà không được
    Việc đời thường như vầy.
    (Ngô Lập Chi dịch)

    Tuệ Sỹ từ ô cửa ngục gửi ra cho nhân gian những tiếng thở dài hay sao?
    Tôi đã kiểm chứng cách hiểu ban đầu của mình bằng cách đọc lại lần nữa toàn bài thơ,
    và bớt chú tâm đến những mốc thời gian mở đầu các tiểu đoạn.
    Tôi không tìm thấy những tiếng thở dài. Không có cả những lời than van.
    Thoang thoảng đâu đó, khi rõ rệt, khi mơ hồ, tôi có cảm tưởng đang nghe một tiếng võng đưa,
    hoặc những lời mẹ ru con dìu dặt, mơn trớn, vỗ về.
    Có cái gì rộng rinh không thể gói trọn bằng ngôn ngữ hoặc ý niệm cụ thể.
    Tôi bắt đầu ngờ vực cách phân định thời gian rành mạch ban đầu,
    và thử tìm đọc bài Tôi Vẫn Đợi theo một cách khác.

    Chẳng hạn thử tìm hiểu ý nghĩa của màu sắc và âm thanh.
    Nếu như vậy, mỗi đoạn thơ bốn câu tự nó đã mang đủ một sứ điệp trọn vẹn,
    không còn cần đến cả bài. Xin đọc lại đoạn thơ đầu:

    Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
    Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
    Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
    Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.

    Đúng là một tập hợp của những thi ảnh phức tạp (đôi khi mâu thuẫn nhau)
    với những nối kết lỏng lẻo, mờ nhạt, nhưng vẫn lập thành một khối thống nhất nhờ liên hệ
    văn phạm và vần điệu hợp nhất một cách bình thường.
    Câu thứ nhất nói đến màu xanh của đêm, câu thứ hai giải thích thêm một ẩn ngữ (màu xanh trong
    tiếng khóc ven rừng). Ẩn ngữ này tưởng lại được giải thích trong câu thứ ba (màu xanh trong tiếng
    khóc, trong bóng tối hận thù) nhưng không, đó chỉ là một liên hệ giả. Những thi ảnh của hai câu thơ
    đầu được lặp lại ở hai câu sau (khắc khoải ố tha thiết, tiếng khóc ố rưng rưng), thêm vào đó, chữ
    trong khiến chúng ta có cảm tưởng như hai câu sau là phụ ý chuyển của hai câu trước. Thật sự không
    phải vậy. Hai câu sau bay bổng lên một vũ trụ khác, cất cánh khỏi những hệ lụy nhân gian, những ti tiện
    của tranh chấp và thù hận, để đạt đến một cõi sáng láng hơn, cao cả hơn, mà biểu trưng là một ánh sao,
    một nụ cười. Bốn câu thơ di chuyển theo chiều cao, từ bậc thấp của những tranh chấp ti tiện đớn đau
    đến bậc cao của thức tỉnh giác ngộ.

    Đoạn thơ thứ nhì
    Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
    Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
    Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
    Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

    được thừa hưởng tinh chất của đoạn thứ nhất nên sự chuyển hóa đơn giản hơn,
    không quá rối rắm mâu thuẫn hoặc quằn quại vươn mình lên như ý thơ của đoạn thứ nhất.
    Thơ đoạn này di chuyển theo chiều rộng và cũng bắt đầu bằng một màu sắc: màu đêm đen.

    Bố trí văn phạm của đoạn thơ thứ nhì cũng giống y như đoạn thơ trước,
    câu sau luôn giữ nhiệm vụ giải thích một chữ quan trọng của câu trước
    (đêm đen trong câu 5 và màu đen của câu 6, ánh mắt của câu 6 và nhìn hun hút của câu 7,
    dài thêm lịch sử của câu 7 và dài con sông của câu 8).

    Từ màu đêm đen, Tuệ Sỹ không gợi nhớ màu đêm u tối của sinh lão bệnh tử mà gợi ra màu đen
    của một ánh mắt. Phải rồi, tất cả cuộc đời bắt đầu bằng một cái nhìn, một lối nhìn. Có những cái nhìn
    chìm đắm chết đuối vào sắc tướng, có những cái nhìn thấu suốt được chân lý của cuộc sinh hóa.
    Thơ di chuyển theo chiều rộng của thời gian, thơ nhìn ra được diễn tiến của cuộc đời tự ngàn xưa,
    nhìn ra được cốt tủy mọi biến động của lịch sử cũng như thấu hiểu do đâu có cảnh núi xương sông
    máu trên quê hương thân yêu. Ánh mắt người tử tù không dừng lại ở những phẫn nộ oán hờn tầm
    thường và ước vọng dung tục. Ánh mắt đó vượt ra ngoài, vượt lên trên mọi thứ song sắt, vách ngục,
    kể cả song sắt vách ngục của mê chấp.

    Sức chuyển biến của thơ, sức thăng hoa của ý đến cuối Câu thơ thứ tám như vậy là đã đến đỉnh chót
    của nó, đáng lý sau câu thứ tám, Tuệ Sỹ có thể dừng lại, không cần phải viết thêm gì nữa. Trong ngục
    tối, nhà thơ sống với màu xanh xao của chút ánh sáng lọt qua cửa ngục và màu đen mênh mông,
    từ đó làm chất liệu khởi thủy của sáng tạo và suy tưởng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng người tử tù
    còn cảm nhận được sự sống của thế giới bằng những tiếng động bên ngoài. Hai đoạn thơ sau của
    Tuệ Sỹ là một hành trình khác, khởi đầu không bằng màu sắc mà bằng âm thanh. Xin đọc lại cả hai đoạn cuối:

    Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
    Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
    Người ở lại với bàn tay bạo chúa
    Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
    Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
    Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
    Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
    Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

    Tôi vừa viết xuống hai chữ khởi đầu. Thật ra, viết như vậy chưa đúng lắm, vì Tuệ Sỹ không làm
    một bài thơ khác mà chỉ chuyển hóa lối sử dụng hình ảnh cho thơ. Do đó, bố cục văn phạm của
    đoạn thơ thứ ba vẫn giữ y như lối bố cục của hai đoạn thơ trước, còn ý thơ thì cũng tiếp nhận sức
    thăng hoa của phần trên để nói lên một ước vọng mà mới đọc qua, chúng ta tưởng là nghịch lý.
    Ước vọng được quên, quên hết. Quên những tiếng sóng vỗ của cảnh đời bão nổi ngoài kia, những
    đợt sóng tàn bạo khiến nhà thơ phải xắn tay áo nâu lên thử giăng một cánh buồm, từ đó đưa đến cảnh
    tù tội gông cùm hiện tại. Quên thân phận bèo bọt của hàng triệu người phải đành đoạn liều chết vượt biển
    tìm tự do. Quên cả những cọng lau gầy oằn vai chịu đựng những bạo tàn từ tay bạo chúa của hơn bảy mươi
    triệu người ở lại.

    Tất cả những điều tưởng là nghịch lý ấy được Tuệ Sỹ giải thích ở đoạn thơ cuối bằng một hình
    ảnh, bằng một âm thanh hết sức biểu trưng: tiếng gõ nhẹ của ngón tay lên tường rêu lạnh của ngục tối. Nó biểu
    trưng vì đó là một thứ âm thanh lặng lẽ, hoàn toàn trái ngược với tiếng sóng vỗ cuồng nộ ồn ào bên kia vách
    ngục. Ngón tay ốm o yếu ớt của một tử tù thân bé bỏng lại gõ vào một vách ngục rêu bám, thì chắc chắn không
    tạo ra được tiếng dội nào lớn lao. Cho những bạn tù cùng khu biệt giam. Cho những tên cai ngục. Huống gì là
    cho những người không ở vào cảnh tù tội. Đó không phải là loại âm thanh dành cho thính giác,
    mà là âm thanh dành cho tri giác, tuệ giác. Âm thanh đó, tiếng gõ nhịp đó không phải do sức mạnh của bắp thịt,
    của bạo động nhằm xô ngã tường rêu phá đổ nhà ngục, nhưng lại có một sức mạnh tinh thần lớn lao để đưa con
    người vượt lên trên mọi thứ ngục tù: sức mạnh của giác ngộ, của tỉnh thức.

    Hai câu thơ cuối khép lại một thế giời huyễn mộng mê chấp, và mở ra một thế giới mới:

    Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
    Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

    Vẫn còn một câu hỏi lớn: Ý thức được cái sương mai, cái bóng chớp của nhân sinh đã đủ
    để ngăn bàn tay bạo chúa và làm cho dòng sông quê cha thôi tràn máu lệ hay chưa?

    Đây là câu hỏi nhức nhối thường xuyên ám ảnh Phật tử mỗi lần họ phải đối diện những đàn áp bất công
    của xã hội họ đang sống. Mỗi lần như vậy, Phật tử vẫn thường nhắc tới khuôn mẫu sống hài hòa giữa
    đạo và đời của các tu sĩ Phật giáo thời Lý, Trần, dù biết cách tổ chức xã hội thời xa xưa đó khác với bây giờ.

    Bài thơ của Tuệ Sỹ nhắc tôi nhớ tới câu hỏi nhức nhối này, vì Tuệ Sỹ là một tu sĩ Phật giáo "đi vào cuộc đời", một
    Phật tử hành động. Chắc chắn Tuệ Sỹ đã ưu tư đi tìm lời đáp trước khi quyết định hành động chống lại chế độ
    Cộng sản. Và suốt thời gian bị giam cầm, Tuệ Sỹ còn có nhiều thì giờ và điều kiện hơn để suy nghĩ về câu trả lời.
    Vậy mà sứ điệp Tuệ Sỹ gửi ra ngoài cửa ngục dường như thiếu hẳn chất thực tế.
    Bài thơ không hề là một lời tố cáo đầy phẫn nộ, lại không phải là một bài hịch.
    Không phải là một tiếng sấm. Ngược lại, như tôi đã so sánh ở trên, đây là những lời ru hiền hòa,
    lời vỗ về của mẹ, lời thì thầm của lá, của hoa, của cây cỏ. Không phải là mũi nhọn công phá vào
    vách khám mà là một làn hương tỏa lên trên, len qua kẽ ngục và tỏa rộng lên trời cao. Vì sao vậy?

    Tôi cho rằng ngay từ cốt tủy của Phật pháp, khả năng hoàn thiện con người và cuộc sống không nằm
    ở sức mạnh của tổ chức mà nằm ở sức giác ngộ của cá nhân. Đạo Phật không chấp nhận Cái Duy Nhất,
    Cái Tuyệt Đối, Cái Vĩnh Cửu, Cái Sáng Lòa soi đường cho hằng hà sa số đời sống trước sau.
    Ai cũng có thể trở thành Phật. Mỗi người tự đốt đuốc lên và chọn con đường sáng láng cho mình, khỏi cần
    cẩn thận rón rén đi theo dấu chân của người đi trước. Mỗi người chịu trách nhiệm lấy chính số phận mình.
    Mỗi người không cần phải khép nép sợ hãi trước bất cứ Thần lực thiêng liêng nào, vì nếu tỉnh thức, mỗi
    người chính là Thần lực thiêng liêng ấy.

    Người còn vướng mắc vào những giới hạn, những chấn song của mê chấp thì thường núp vào đám đông,
    mong che chở của tập thể. Nhưng lúc đã thấy được chân tướng của những sương mai, bóng chớp,
    thì mỗi người đều có một thần lực riêng. Điều đó giải thích được tại sao vào những giai đoạn bi đát nhất
    của lịch sử dân tộc, Phật giáo không suy yếu theo mà ngược lại, trở thành chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ
    góp phần đưa dân tộc qua mọi gian truân thử thách.

    Nguyễn Mộng Giác

    ...




    ...
    Last edited by dulan; 11-27-2023 at 09:46 AM.

  9. #649
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164

    ...
    (nguồn VĂN VIỆT)


    ...

    Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
    Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

    Cách nay ít lâu, tôi được TS Bùi Chí Trung chuyển tận tay tập thơ Thiên Lý Độc Hành với lời đề tặng của Thầy Tuệ Sỹ.



    Đây là tác phẩm thơ Tuệ Sỹ được soạn thảo công phu và được trình bày vô cùng trang nhã.

    Thơ được dịch ra 3 ngôn ngữ Nhật, Anh, Pháp với các dịch giả: Bùi Chí Trung, Nguyễn Phước Nguyên, Dominique de Miscault.

    Ngoài thơ và các bài viết, trong sách còn có thủ bút Hán-Nôm của Tuệ Sỹ, ảnh của Hạnh Viên và tranh minh họa của Đào Nguyên Dạ Thảo.



    Tập thơ Thiên lý độc hành

    Hôm nay, lật giở từng trang sách, nhìn từng bức ảnh, đọc từng bài thơ, chợt nhớ cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi với Thầy. Một sáng nọ, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn chở Thầy trên chiếc Monkey huyền thoại của mình, ghé lại nơi làm việc của tôi.

    Khi ngồi tiếp trà hai vị khách đặc biệt, tôi không ngừng tự hỏi, làm sao có được sự hòa hợp giữa hai con người này, giữa sự trầm lắng, ưu nhã Tuệ Sỹ và sự gai góc, nóng nảy Nguyễn Đức Sơn.

    Giờ đây, tôi đã hiểu: Thầy có thể hòa hợp với tất thảy chúng sinh.


    *


    Để tiễn bước thầy, xin mời đọc những vần thơ của Thầy và bài viết của Thầy Hạnh Viên, trích từ Thi phẩm Thiên lý độc hành.


    Sài Gòn ngày 25/11/2023


    Ý Nhi






    ***




    Thiên Lý Độc Hành

    Thơ Tuệ Sỹ








    1.

    Ta về một cõi tâm không
    Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
    Còn yêu một thuở đi hoang
    Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya







    2.

    Ta đi dẫm nắng bên đèo
    Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
    Nguyên sơ là dáng yêu kiều
    Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ
    Còn đây góc núi trơ vơ
    Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao







    3.

    Bên đèo khuất miễu cô hồn
    Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
    Cây già bóng tối bò lan
    Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao




    4.

    Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
    Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
    Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
    Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn




    5.

    Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
    Quanh ta cây lá đã thay màu
    Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
    Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau




    6.

    Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông
    Rừng mây xanh ngất tạnh vô cùng
    Từ ta trải áo đường mưa bụi
    Tưởng thấy tiền thân trên bến không




    7.

    Khi về ngả nón chào nhau
    Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ
    Trầm luân từ buổi ban sơ
    Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường




    8.

    Bóng tối sập mưa rừng tuôn thác đổ
    Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng trời
    Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ
    Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi
    Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
    Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
    Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
    Dẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi
    Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
    Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
    Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
    Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi








    9.

    Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
    Ta về phố thị bởi tình chung
    Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
    Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng





    10.

    Một thời thân đá cuội
    Nắng chảy dọc theo suối
    Cọng lau già trầm ngâm
    Hỏi người bao nhiêu tuổi





    11.

    Bước đi nghe cỏ động
    Đi mãi thành tâm không
    Hun hút rừng như mộng
    Chập chùng mây khói trông





    12.

    Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
    Mù trong dư ảnh lá rừng bay
    Dõi theo lối cũ bên triền đá
    Sao vẫn còn in dấu lạc loài








    13.

    Khi về anh nhớ cài quai nón
    Mưa lạnh đèo cao không cõi người






    T. S


    ***





    Nối Gót Thiên Lý Độc Hành


    Hạnh Viên






    Một buổi sáng cuối thu năm 2011, đang ngồi trong quán cà-phê sách ở Đà Lạt tôi nhận được mẫu tin của thầy gởi qua email, chỉ ngắn gọn mấy dòng:




    Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì còn có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau.

    Thị ngạn am vô trụ xứ.

    Thư được gởi đi từ chiều hôm trước, nghĩa là tối đó ông đã lang thang đâu đó ngoài bến xe, tìm một chuyến xe nào bất cứ, đi đến một nơi nào khả dĩ, không hẹn trước. Chuyến đi của ông thầy tu không chùa, không đệ tử, không cần nơi đến. Ra đi như vậy, ngoài những ẩn tình riêng chung, nhưng kỳ cùng nó là một thôi thúc một bó buộc đã sẵn có tự bao giờ. Và trở về, cũng là một thôi thúc, bó buộc khác.

    Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
    Ta về phố thị bởi tình chung
    Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
    Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng

    Thiên lý độc hành, chuỗi thơ 13 bài, hình thành sau chuyến đi ấy. Nó mở đầu bằng sự trở về, và kết thúc bằng lời gởi gắm một bước chân khác lên đường. Đi cho hết con đường thăm thẳm nhân sinh trường mộng. Hai câu kết để ta đóng lại tập thơ mà không đóng lại được những tâm tình khắc khoải, tương điệu trước một vệt nắng chiều hay một ánh sao xa lay lất cuối trời. Lời nhắn nhủ ân cần không phải là sự êm đềm khép lại cánh cổng vườn nhà sau khi người con đã trở về, nó mở ra lối sau chỉ về một phương trời miên man cô tịch

    Mưa lạnh

    đèo cao
    không cõi người.

    Phương trời mờ ảo với ánh sao đêm làm đèn soi lối, lấy ánh trăng trên cỏ làm chiếu mà nằm, để sáng ra tiếp tục cuộc đi mà không biết đêm nay sẽ ở đâu, có ‘may mắn’ tìm được một chỗ ngủ kín gió không. Có khi chỗ đó là cái miếu cô hồn bên đèo vắng, có khi là phía sau cái bệ con sư tử đá khổng lồ trước cổng tam quan một ngôi chùa, nơi có một hốc nhỏ đủ cho một người nằm khuất tầm nhìn khách qua đường. Nghỉ chân và chợp mắt, để ba giờ sáng thức dậy thu vén đi tiếp trước khi nhịp sống đô thị trở lại nơi này cho một ngày mới.

    Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
    Mù trong dư ảnh lá rừng bay…

    Cái mùi hoang liêu dặm trường nó huyễn hoặc, hấp dẫn như mùi trái cây chín dại ven đường khi đói, như mấy gói lạc rang của một thanh niên tốt bụng đưa cho, để chiều lên đèo, “vì ở đó trong tầm bán kính mười cây số không có nhà ai”, anh ta nói. Mấy gói lạc rang, đủ cho một ngày đi qua cái đèo hoang vu này.

    Sau này họa hoằn được nghe kể về chuyến đi, tôi thấy thật khó viết được gì chân xác về những bài thơ này; đó là những con đường nắng chát, bụi bặm, những bầu trời tối sầm trĩu nặng mây đen, những chiều bụng đói, những đêm hun hút ngó về một quê hương nào đã mất. Đó không phải là trang giấy trắng để ta cặm cụi ghi chú vài ý tưởng mộng mơ. Tập thơ này với tôi không phải để đọc, để hiểu hay để viết về; chỉ cần nhìn, cảm, và tưởng tượng. Tôi không lo khi đọc mà không hiểu thơ nói gì, nhưng đáng buồn nếu không tưởng tượng được khung trời nào trong những câu

    Từ ta trải áo đường mưa bụi
    Tưởng thấy tiền thân trên bến không

    Mưa, nắng, gió, bụi, những bước chân miệt mài đi qua rừng, qua phố, để làm gì, để tìm gì? Tìm gì trong màu hoàng hôn phơi trên hồn đá, cái bóng người xiêu đổ bên bờ lau sậy phất phơ nỗi buồn viễn xứ? Xứ sở nào của người, của đá, của những bông lau theo gió bay trắng bốn phương ngàn…

    Nắng, bụi, gió, mưa. Thiên nhai hà xứ vô phương thảo(*). Cuối trời vạn nẻo nơi nào mà không có cỏ thơm. Một đứa bé chạy theo dúi vào tay ông một cái bánh ngọt, chỉ tay về ngôi nhà lụp xụp bên vệ đường: má con biểu đưa cho ông. Cái tình người nó tự nhiên như cỏ non xanh tận chân trời. Cỏ xanh và hoa lau trắng, màu trắng hoang mang cả trời cô lữ. Giữa dòng ngựa xe phố thị hay trước thảo nguyên xanh ngút ngàn, ở đâu cũng có lúc bất chợt cảm thấy lạc loài, thấy tháng ngày hư ảo, ta muốn đi tìm một cái gì đó khác, đo đếm xem khoảng cách bao xa giữa hai bờ mộng thực; có người đi trong chiều nắng quái, kẻ khác đi trong những giấc mộng khẽ khàng. Nhìn đám bụi mờ dưới bước chân đi, ta không biết đó là tha hương hay là cố quận.

    Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
    Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
    Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
    Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

    Ánh trăng sau cơn mưa hiện ra lấp lánh trên cỏ, như trải ra tấm chiếu hoa gấm ngọc ngà.

    Nghìn năm sau… kể chuyện Thiên lý độc hành, có người ngay thẳng và thực tế sẽ hỏi: Đi như vậy, tự đọa đày như vậy để làm gì? Những bước chân vô định kia có để lại chút dấu vết nào nơi đá cuội ven đường? Có lẽ không, hoặc có để lại một giấc mơ bên hiên nhà tạm trú đêm qua, không biết mưa lũ cao nguyên rồi sẽ cuốn phăng nó về đâu. Mà Thiên lý độc hành là gì? Đâu phải chỉ là một chuyến đi. Cuộc đi không có lúc khởi hành, không có nơi đến thì làm sao có sự kết thúc trở về.

    Khi về anh nhớ cài quai nón

    Mưa lạnh đèo cao không cõi người…



    Mùa hạ Canh tý, PL. 2564




    Hạnh Viên



    (*)天涯何處無芳草 thơ Tô Đông Pha



  10. #650
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164
    Quote Originally Posted by dulan View Post


    ...









    (Sầu Đông)

    Xuân Ất Mùi lăm le trước ngõ
    Về đem vui khắp chỗ mọi nhà
    Mai vàng rực rỡ phô ra
    Nở đua Lan Cúc đậm đà hương Xuân

    Cho người người lâng lâng cảm xúc
    Nhiều thi nguồn gợi thức hồn thơ
    Lộc chồi tựa nụ cười mơ
    Cỏ cây thay áo ngẩn ngơ gọi mùa


    (Tư Mã)

    Cho đất trời se sua Tết mới
    Cho tim người ấm với tình nhau
    Ngày Xuân ... Phố bỗng thắm mầu
    Nghe người ngồi xuống hát câu ân tình


    (Hồng Y Nương)

    Hoa xuân khoe sắc mới tinh
    Con chim ca hót trên cành lộc xinh
    Lân múa trống gõ xập xình
    Mẹ cha thêm thọ chúng mình phước to


    (Tà Áo Xanh)

    Vang đâu đó ì đùng pháo Tết
    Trẻ nô đùa rộn rã xóm thôn
    Ra xem đám cưới đầu Xuân
    Rước dâu, kiệu cưới, trống Lân thùng thùng


    (SôngThương)

    Đồng xanh xa , nắng lấp lánh vờn
    Gieo trong gió thoáng hương dịu dàng
    Giang tay đón lấy mùa sang
    Trao nhau ánh mắt chứa chan ấm nồng.


    (Dulan)


    ​Du xứ người chẳng én Đông phong
    Lan không thẩm vẫn hồng tâm vây
    Sông dường hiển sóng Xuân mây
    Thương ai mấy độ cố nhân tìm về.


    Phương ta dung gọi Phố đề huề
    Vy vu gió khúc Nghê thoảng vờn
    Đất vừa xanh cỏ non đồng
    Liên trong hồ đã khoe hương đầu mùa.


    Áo ai trắng giữa ngày tuyết phủ
    Vàng đêm mơ ươm đủ hạt lành
    Thụy trong ngần ấy mong manh
    Khanh đà hái trọn một cành nguyệt trân.


    Ngân
    lên nhé tình nhân dạ khúc
    tất chi lưu bút trắng đen
    Đăng kia đã thắp sau rèm
    Sơn trong tranh lụa như ghen tình ngoài.


    ...


    Mờ ảo vọng không mờ ảo vọng
    Ngọc đương Xuân đồng vọng ngọc ngà
    Hân hoan đón lộc chồi xanh
    Cát Vân vân cát họa nhành Tân niên.


    Thoa hương mật lên đôi đũa hạc
    Vọng mùa trăng dâng bát Nguyên Tiêu
    Khải Ý thơ, chúc nhân duyên
    Mãi Xanh cỏ nõn an nhiên cuộc vầy.


    Thiên Thư lãng chìm trong ngọc phách
    Hiền Vy từ khánh lạc mỹ ngôn
    Mai Kha đang đợi lộc chồi
    Mưa Rừng chẳng nở rơi rơi ngắn dài.


    Rong Rêu vẫn bám thuyền mạn ngọc
    Mãi Yêu Thương chắt lọc hoa đời
    Kỳ Lạ thay giấc mộng khơi
    Lơ Đãng lắm cũng chơi vơi rượu nồng.


    ...


    Xưa trừ tịch ngồi quanh nồi bánh
    Sầu Đông nay nhớ lắm tuổi thơ
    Trăng Hè tỏa sáng Trung thu
    Zung dăng Dung dẻ xóm thôn rước đèn.


    Xanh tuổi ngọc khung trời Mê Thuộc
    Phố Núi buồn gầy guộc mù sương
    Cố Quận ơi! Nhớ sao vừa
    Viễn Phương ta cũng hẹn mùa ngộ tri.


    Mỹ miều quá lụa tơ tằm áo
    Trinh nguyên màu trăng trắng đơn sơ
    Chiều nao guốc mộc thẩn thờ
    Buồn trông bươm bướm hoài mơ sân trường.


    ...


    Luân vũ khúc người say một độ
    Tâm ta ngây mấy đổi phiêu bồng
    Quế cay đưa vị thơm nồng
    Hương ngoài như gội mưa lòng đêm Ngâu.


    Nắng đâu đó nắng vờn biển sớm
    Thủy triều dâng cuốn vội cát tràng
    Tinh sương vừa nhuốm vàng anh
    Chân Mây đã tỏ ánh màu rạng đông.


    Nghi ngút khói nhà ai lam tỏa
    Bình minh lên trẩy hội mai đào
    Bốn phương như thể đón chào
    Năm an lộc phát dồi dào hỷ cung.


    ...


    Lu đầy đã khoắn trong veo nước
    xì nồi hấp réo vui tai
    Tôm khô dưa giá kiệu hành
    Tím nâu vàng đỏ đua nhau khoe màu.


    Đậu lá nếp vuông tròn mười cặp
    Tám đòn giò nem chả đủ đầy
    Ăn Gì mồng một mồng hai
    Hiệp nhau ắt sẽ rộn ngoài vui trong.


    Trang bài vị lư đồng bóng loáng
    Ngát vườn sau nước thoáng tràn hồ
    Ngô đầy thúng, lúa đầy bồ
    Đồng xanh ca hát con cò thẳng bay.


    Sương Mai đọng cành đong đưa nhụy
    Nụ vàng mơ nhìn trúc thẹn thùng
    Lan Huệ pháo đỏ rượu chưng
    Quỳnh hoa e ấp đợi giờ nở đêm.


    ...


    Nhỏ ngồi nhắc bốn mươi năm trước
    Quê hương mình khói lửa điêu linh
    An Lộc tử thủ ngày đêm
    Ngọc như sắp mất dậy thêm căm hờn.


    Diệp tứ thảo xinh xinh khoe cánh
    Gió Bụi đường lấm bám giày sô
    Lang giồng từng luống lô nhô
    Tiều Phu thấp thoáng sau đồi chè xanh.


    Penseé tím mùa mưa hạ đỏ
    Cỏ May rừng đan lối hành quân
    Huệ vườn ai ngát lâng lâng
    Hương đưa gợi nhớ Mẫu Thân quê nhà.


    Em có nhớ khung trời phiêu lãng
    Khi Ta dang cánh sắt đại bàng
    Tuyết Hoa trắng phủ mây ngàn
    Thu Hoài điệp khúc Chuyến Bay Đêm nào.


    Chương hùng sử Cha Ông nung nấu
    Văn bút nào lưu dấu nghìn sau
    Thăng Trầm dâu bể bể dâu
    Thuyền Nhân viễn xứ lòng đau đau lòng.


    ...


    Bẹc Linh sụp đổ tường ô nhục
    dậy hò vang chúc Đông Âu
    Ngác trông lịch sử Năm Châu
    Ướt Mi khóc chuyện quê nhà Cộng Nô.


    Trọ đất khách phần tư thế kỷ
    Lãng du cùng sơn thủy phong vân
    Dao động bi lụy đôi lần
    Ta nay về Phố vui Xuân Ất Mùi.


    ...


    (Sầu Đông)

    Sis Dulan gặp vui bách chiến
    Cho Phố Rùm náo chuyện đón Xuân
    Khiến cho nhiều nick xa gần
    Kháo nhau kéo đến quây quần hát ca.



    -----------


    Dulan xin cám ơn anh Sầu Đông, anh Ngọc Hân và nhất là anh Hoài Vọng gác cổng chòi thơ của dulan mấy tháng nay đó nha
    Lâu quá dulan hông làm thơ, đến chừng dịp Tết Ất Mùi thì làm nối tiếp một hơi 100 câu song thất lục bát bằng tên nick của ACE trong Phố Đặc Trưng

    Thôi bây giờ mời anh HV ngồi xuống ăn bánh nghe nhạc Tết Ất Mùi của Phố nghen!



    Chương trình bắt đầu trang 66, bài thơ được khai mạc do chị Ngô Đồng diễn ngâm và O Xanh đọc nè anh Hoài Vọng, nghe xong anh bấm sang trang 67 nghe nhạc tiếp nghen


    https://dtphorum.com/pr4/showthread.php?4277-T%E1%BA%BFt-%E1%BA%A4t-M%C3%B9i/page66




    ---



    Xin cám ơn Chiều Buồn đã làm hình đẹp, dulan xin phép khênh về đây làm kỷ niệm luôn nha Chiều Buồn










    ...


    Một lần nữa xin cám ơn N5, Chị Ngô Đồng, O Xanh, Chiều Buồn, và xin phép huynh Sầu Đông, anh Tư Mã Tai trâu, chị Mưa Phố Núi, Tà Áo Xanh, Sông Thương, cho dulan khênh bài thơ Xuân Tiếp nối có tên của các ACE về đây làm kỷ niệm nha!


    ...


    Đây là chiếc bánh dulan làm đặc biệt cám ơn N5, chị Ngô Đồng, O Xanh đã giúp cho bài thơ được tham gia khai mạc chương trình văn nghệ Tết Ất Mùi, và tiếp theo là với tất cả tình thân mến gửi đến các ACE và bạn hữu xa gần của Phố Đặc Trưng




    ...



    Thân mến chúc cả nhà một mùa Xuân an khang thịnh vượng...
    Dulan




    Khênh lại

    ...

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:44 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh