Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng. Nguyễn Trai nom cô em Bắc kỳ nhỏ nho, tóc đờ mi gạc sông, nói năng hoạt bát, đối đáp lễ phép thì phải lòng ngay, mặc dù hơi ấm ức khi bị gọi đểu là chú, nghĩ thầm quả thật giặc bên Ngô không bằng cái cô Bắc kỳ. Định ra chợ để mua món gì thì bây giờ chỉ có giời biết, đã đứng trước cửa chợ mà chả thiết vào nữa. Thế mới hay anh hùng nan quá mỹ nhân quan.

Bình thường thì với cái mác anh hùng dân tộc, công thần khai quốc, chiến công hiển hách, sử sách lừng danh, cả chục con đường dài thậm thượt mang tên mình, lại nổi tiếng là thi sĩ nhất hạng, nhiều bài thơ được đưa vào giáo khoa thư cho bọn học trò đệ tứ, đệ ngũ nghiên cứu, Nguyễn Trai muốn rước ai về dinh mà chẳng xong.

Nhưng vì lúc ấy dịch cúm đang hoành hành trong nước, triều đình ra lệnh mọi người phải tùy nghi cách ly, nếu chưa chích ngừa thì chớ có giao lưu tùy tiện, cho nên đành thôi dứt khoát không dây dưa.

Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan lang bình phẩm, người ta càm ràm.

Thế là hôm ấy có người qua chợ còn tiền, về nhà tay không. Mấy hôm sau, vua bị cách ly lâu ngày bèn kiếm cớ đi thăm quan đại thần để bàn việc phục hồi kinh tế quốc gia. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, vua tôi say mê hát karaoke đến khuya rồi lăn ra ngủ trên sofa ở Lệ chi viên. Sáng hôm sau, vua ăn phở, uống cà phê với Nguyễn Trai xong xuôi thì mới hồi giá về cung, bình an vô sự.

Nói tóm lại, nhờ nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị chích ngừa mà Nguyễn Trai không vác thị Lọ về, nên vua không gặp nạn đêm hôm ấy. Một mũi chích mà tránh được tai vạ cho bao nhiêu người. Đấy chính là bài học lịch sử về ích lợi thiết thực của việc chích ngừa.