Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    351

    Nghệ thuật làm phim Đức Phật của Ấn Độ

    Nghệ thuật làm phim Đức Phật của Ấn Độ

    Đăng lúc: Thứ sáu - 11/10/2013 01:40 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập


    Nếu không có tâm đức lớn, nếu không có nhân cách lớn, nghị lực lớn, hy sinh lớn thì khó có thể có một bộ phim mô tả một chân dung vĩ đại như Đức Thích Ca.
    Bước đột phá

    Để nhất tâm tỏ lòng kính trọng cuộc đời của Đức Phật, các nhà làm phim đã giữ quan điểm không đưa tính hấp dẫn tầm thường vào phim để câu khách. Nếu không có tâm đức lớn, nếu không có nhân cách lớn, nghị lực lớn, hy sinh lớn thì khó có thể có một bộ phim mô tả một chân dung vĩ đại như Đức Thích Ca.

    Lịch sử về Đức Phật đã trải qua trên 2600 năm, nhiều câu chuyện về cuộc đời Đức Phật đã được thần thánh hóa. Đã có Phật giáo quốc gia nào đó hoặc cá nhân nào đó đã “bịa đặt” rằng Thái tử mới sinh ra đã biết đi, mỗi bước đi trên một đoá sen, một tay chỉ thiên, một tay chỉ địa, đi vòng bảy bước, nhìn bốn phương và nói: “Ta là Duy ngã độc tôn”, đây là cách nói theo chữ Hán, nghĩa là trên trời, dưới trời chỉ ta là người độc nhất đáng được tôn vinh.

    Nếu đúng là một vị Phật thì không thể vừa giáng sanh đã “lộng ngôn xưng danh” như vậy. Đó là không phải là hành động và xướng ngôn con người Tất Đạt Đa. Vì Tất Đạt Đa mới sinh ra chưa thành Phật mà đã đạt đến mức duy nhất, vĩnh hằng, bất biến, vô hạn.

    Như vậy là gán ghép cho Phật giáo là tôn giáo huyền thoại hóa để độc thần. Ngoài đức Phật còn các vị Phật và Bồ tát khác, Đức Phật không thể vừa ra đời tự tôn vinh như vậy? Nếu như vậy Tất Đạt Đa không cần đi tìm chân lý, không phải tu hành khổ hạnh. Chắc chắn Đức Phật sau khi nhập diệt cũng không muốn chúng sinh thần thánh hóa mình quá mức như vậy.

    Trước đây đã có nhiều hãng phim trên thế giới làm phim về Đức Phật, trong đó có cả Hãng phim Hollywood nhưng đã không đáp ứng khán giả về lịch sử và hình tượng Đức Phật thiếu tính trung thực. Khi nhà thiết kế – biên kịch Navin Gooneratne và nhà sản xuất phim quốc tế Chandran Rutnam và George Paldano đã bảo vệ tính chân thực của lịch sử cuộc đời Đức Phật thời nguyên thủy một cách chân thực trong phim “Cuộc đời Đức Phật”.

    Nhưng để làm được điều này ê kíp làm kịch bản trải qua không ít gian nan. Họ đã lặn lội khắp nơi trong nước và ngoài nước gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu Phật học, nhà khảo cổ học. Navin Gooneratne đã nhận được sự tư vấn và hướng dẫn của một số vị cao Tăng giúp đỡ tư liệu lịch sử và hai tu sĩ ở Sri Lanka.
    Nhất tâm

    Dưới ánh sáng văn minh ngày nay đã không còn dấu tích cổ, làm sao thấy được hình ảnh thật khi Thái tử ra đời? Trong một đêm, ông Navin Gooneratne đã mơ thấy cung điện của vua Tịnh Phạn và vườn Lâm Tỳ Ni, ông choàng dậy lấy bút chì phác họa lại. Hôm sau, ông liền đến gặp nhà khảo của khu bảo tàng cổ kể lại giấc mơ và ngỏ ý xin sử liệu, nhưng nhà khảo cổ nghi ngờ không tin. Sau khi lần dở đọc trang mô tả cấu trúc cung điện và Lâm Tỳ Ni trong sử liệu thì đúng như lời Navin Gooneratne kể về tiền sử cung điện hoàng gia Thích Ca và khu vườn Lâm Tỳ Ni ứng vào giấc mơ, cả hai người nắm tay nhau ứa nước mắt.

    Để chuẩn bị cho việc sản xuất bộ phim này đã có nhiều tổ chức tham gia đầu tư, trong đó có sự bảo trợ của Tổng thống Tích Lan đã phối hợp với Bollywood Ấn Độ. Và 7 quốc gia: Ấn Độ, Nepal, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Nhật Bản. 25 ngôi sao của các nước Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Pakistan.

    Những hy sinh

    Nguồn kinh phí là 2 triệu USD. Theo đoàn làm phim, nguồn kinh phí này chi phí cho những việc phục vụ cho các phần việc liên quan phục trang (các nhà thiết kế đã tạo ra trên 2000 mẫu). 308 hình vẽ cho các thiết kế, đạo cụ, liên quan đến hiện trường quay phim, v v… 100% những người tham gia làm bộ phim này đều không nhận bất cứ khoản thu nào. Từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều thể hiện tài năng, tinh thần, trách nhiệm, tâm hạnh và đạo đức nhà nghề với mức cao nhất.

    Không hề có tình cảm cá nhân trong việc đưa người thân quen, ăn ý để dễ bảo nhau mục đích đẩy tiến độ làm phim nhanh hoàn thành. Riêng việc lựa chọn diễn viên vào vai Thái tử Tất Đạt Đa đã có tới trên 300 người. Người cuối cùng trúng tuyển là diễn viên Gagan Malik. Anh từng đoạt giải ăn ảnh năm 2004, là người mẫu, ca sĩ, từng thủ vai chính trong một vở nhạc kịch ở Châu Âu, riêng về điện ảnh đã từng là diễn viên khoảng 10 năm.


    Gagan Malik có một ngoại hình lý tưởng, có chiều cao, thân hình cân đối không phàm phu, gương mặt thanh tú gần giống với hình gốc của Đức Phật, chân tay đẹp thon không thô, ánh mắt nhân hậu, ấm có chiều sâu có phần nhẫn chịu. Đó là tiêu chuẩn trước tiên, tiêu chuẩn nữa là trong cuộc sống không bê tha rượu bia, không phàm ăn uống. Để kiểm chứng đời sống thực của Gagan Malik, đạo diễn đã dành thời gian một tuần đến nhà anh ăn ở chung cũng đồng thời để anh hiểu thêm về Đức Phật và thuyết phục anh thực hiện chế độ ăn chay.

    Gagan Malik đã nghiên cứu tất cả các sử liệu nói về cuộc đời Đức Thích Ca, và dành ba tháng để học tiếng Tích Lan (là Sri Lanka ngày nay) có giáo viên luyện âm.

    Trong cảnh đầu quay Tất Đạt Đa hành thiền phải đi chân đất, quá trình quay không được nhìn lên, không được nhìn xuống đất nên không biết bàn chân mình đã dẵm lên những thứ gì, nào là gai nhọn, đá răm, củi khô, mảnh sành cứa dưới bàn chân, xong cảnh quay là chân anh sưng tấy.

    Trước khi thực hiện cảnh quay tọa thiền, Gagan Malik đã nhịn ăn để thân hình bớt đi bảy ký, mỏng người, da thịt khô héo, yếu ớt, đúng với nhân vật nguyên mẫu. Cũng thời điểm đó, mọi người bị “sốc” vì thấy khuôn mặt Gagan Malik được bao phủ một rừng mụn trứng cá do dị ứng thức ăn nào đó. Đạo diễn phải tổ chức các cảnh quay không liên quan đến mặt anh trước. Gagan Malik đã được các bác sĩ da liễu trị khỏi nhanh chóng. Anh nói ằng: “Tôi uống viên thuốc đầu tiên rồi lên chùa bái Phật và đã khỏi nhanh chóng”.

    Trong khi đó anh phải phát triển bộ râu rậm, theo anh nói là “ngứa không thể chịu được”.

    Mặc dù Gagan Malik đã được đạo diễn lựa chọn nhưng nhiều người trong đoàn làm phim vẫn cho rằng anh không thích hợp với vai diễn, thậm chí có người dèm pha chỉ trích, Gagan Malik không quan tâm, việc lớn hơn là tập trung vào vai diễn, cho đến khi những cảnh đầu hoàn thành thì tất cả đều vỗ tay ùa đến ôm anh bắt tay.

    Nghệ thuật

    Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa ra khỏi thành ca tỳ la vệ tháo hết trang sức vàng ngọc giao cho Xa Nặc, thủ thỉ chào chú ngựa Kiền Trắc, dùng gươm cắt tóc rồi thả chân lội xuống nước của hồ Anoma. Toát lên ý nghĩa Thái tử buông bỏ tục trần sau lưng để sang bờ bến mới, bắt đầu đi tìm đường chánh đạo, thân Thái tử như lướt trong nước, các vòng tròn mặt nước tỏa ra như vầng quang xung quanh Ngài. Vòm trời chếch trên đầu là đám mây ngũ sắc. Một cảnh quay đẹp và ẩn bao ý nghĩa tâm linh và giàu ngôn ngữ văn học của điện ảnh.

    Cảnh Thái tử Tất Đạt Đa ép xác tọa thiền dưới một cây, là một thân cây cổ thụ quắc thước, rễ to gân guốc tua tủa nổi trên mặt đất ghi lại dấu tích thời gian rất đồng cảnh với hình hài khổ hạnh của Tất Đạt Đa. Là một cảnh toát lên nhiều hiệu ứng hình ảnh nghệ thuật, mô tả đắt giá hơn bất cứ chữ nghĩa nào ca ngợi về công đức tu hành của Thái tử Tất Đạt Đa.

    Đã có nhiều câu chuyện thuật lại đường tu của Đức Phật, là Người đã bỏ lại vợ con, giấu vua cha lấy trộm ngựa, trốn khỏi hoàng cung vượt thành Ca tỳ la vệ. Nhưng các nhà làm phim đã không làm giống như vậy. Một đấng trí tuệ minh triết thường thuyết giảng về Tứ Diệu Ðế (diệt khổ của con người) một nhân cách vô song, vô lượng thì không thể thực hiện sự khởi đầu về con đường giác ngộ bằng cách thản nhiên bỏ vua cha, lạnh lùng bỏ vợ và con để trốn đi con đường khác của mình.

    Do vậy, các đạo diễn đã trung thành với lịch sử tạo nên các cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thuyết phục cha, thuyết phục vợ là công chúa Da Du Đà La hiểu và chấp nhận để chàng ra đi. Đây là những cảnh diễn không có hành động rất khó cho diễn viên. Thái tử vốn có tâm khiêm tốn, từ bi nên không thể chau mày, cao giọng, đấu khẩu hoặc thống thiết van xin. Tất cả được diễn viên Gagan Malik diễn bằng tâm hạnh một cách trung thực tuyệt đối, tích lũy từ những tháng năm công phu tọa thiền mới có thể điều tiết cách diễn ngọt ngào thẫm đẫm cảm xúc người xem đến vậy.

    Hoặc như cảnh Thái tử Tất Đạt Đa đến nhìn vợ con lần cuối, bàn tay Thái tử nhẹ nhàng đặt lửng phía trên hông đứa con và cũng như vậy trên trán vợ, không chạm da thịt nhưng vẫn kết nối ân nghĩa lúc chia tay một cách sâu sắc, để lại hình ảnh quá đẹp trong lòng người hâm mộ.

    Gagan Malik đã thể hiện vai Thái tử Tất Đạt Đa với một phong cao quý, tâm hồn, tình cảm đẹp đẽ như một bông sen. Tất cả những gì được Ngài thể hiện đều tóa lên những thông điệp sự sống của Ngài luôn ngát như hương sen. Tài năng và hình thể của anh chưa phải là tất cả làm nên một vai diễn bất hủ mà nhờ vào công đức tu luyện như Đức Phật nên anh đã làm nên một hình tượng Đức Phật hoàn mỹ.
    Để có một tác phẩm điện ảnh thời lượng 145 phút đúng với tiêu chuẩn quốc tế về phim nhựa mà đoàn làm phim đã chuẩn bị và thực hiện suốt sáu năm. Chỉ mục đích chuyển tải thông điệp những điều tốt đẹp của một đấng từ bi cao quý bậc nhất có thật trong lịch sử Phật giáo đến công chúng.

    Phim được kể về Thái tử Tất Đạt Đa từ lúc sanh ra đến lúc Ngài đạt đến giác ngộ là 35 tuổi, nhưng lại có tên phim là: “Cuộc đời của Đức Phật”, nội dung chưa nói gì đến quãng đời 45 năm giảng Pháp của đức Phật thì chưa thể gọi tên phim là “Cuộc đời đức Phật”.

    Điều đáng ghi nhận lớn lao hơn là bộ phim đã đạt đến đỉnh cao của sự truyền cảm tới người xem trên toàn thế giới.

    Một hình thức hoằng Pháp rất cao cấp từ nghệ thuật điện ảnh, không mang tính câu khách đã chiếm được lòng trân trọng của người hâm mộ.


    Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Trâm


    ************************************************** *********************



    BỨC TƯỢNG CỔ

    Toại Khanh


    Mấy năm dài ở Mỹ nằm nghe mốc cả người, tôi bỗng nhiên muốn sang chơi Trung Quốc một thời gian, một phần cũng để trau dồi vốn liếng chữ Hán còm cõi của mình. Trong những ngày trôi nổi đó, vào chuyến đi Thượng Hải lần đầu, tôi đã có dịp ghé thăm Tô Châu rồi Hàng Châu, quê hương của những hòn giả sơn và vườn cảnh lừng danh thế giới. Trước sau, tôi đã dừng chân ở Hoa Lục chỉ vỏn vẹn một năm nhưng từ đó ra đi, tôi thấy mình không còn là mình ngày nào nữa. Tôi đã chết ở Trung Quốc và tiếp tục sinh tồn bằng một hóa thân mới. Người đã khiến tôi thực hiện cuộc thoát thai hoá cốt đó là một nhà sư tình cờ hạnh hội trên đường phố Hàng Châu.

    Hôm đó trong lúc đang đứng chọn lựa một miếng đá để đưa ông chủ tiệm khắc cho một con dấu làm kỷ niệm, một nhà sư tuổi trạc trung niên, ăn vận giống tôi, xem chừng cũng phái Phật Giáo Nam Truyền, đã đến cạnh tôi chào hỏi. Giữa xứ Tàu mênh mông, gặp được một bạn tu đồng môn, tôi mừng lắm. Đợi lấy xong con dấu, chúng tôi cùng đến một ngôi lương đình tương đối yên tịnh để chuyện vãn.

    Vị sư kia vốn người Hoa, gia đình sang lập nghiệp ở Singapore đã mấy đời. Có một tuổi trẻ hào hoa và nhiều điều kiện, thời trai trẻ sư đã theo học cùng lúc hai ngành hội họa và âm nhạc với giấc mơ trở thành một nghệ sĩ đa năng. Sau đó dù tốt nghiệp cả hai ngành, nhưng do tổ nghiệp, sư trở thành một tay buôn cổ vật thường qua lại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong lần sang Miến Điện để theo dấu một món cổ ngoạn, sư đã phát tâm xuất gia và rồi được thọ Đại Giới với pháp danh U Sotthiyo. Sư rủ tôi về Thiên Tân, nơi sư đang lưu trú và hi vọng sẽ xây dựng một ngôi chùa Nam Tông với sự giúp đỡ của một số Phật tử người Hoa ở Singapore và Miến Điện. Chỗ ở hiện tại của sư chỉ là một ngôi nhà cũ được nhượng lại với giá rẻ. Chúng tôi còn gặp lại nhau hai ngày sau đó rồi chia tay. Tháng sau, tôi tới Thiên Tân.

    Ngôi nhà của sư Sotthiyo nằm ở ngoại ô Thiên Tân. Mái ngói rêu phong với một dãy hành lang ẩm mốc, nhà nằm khuất sau một đám chuối tiêu um tùm. Vừa bước chân vào ngõ, nhìn quanh một lượt, tôi nói với sư là tôi vừa nhớ đến Basho. Căn phòng của sư còn đơn giản nữa. Ngoài chiếc giường con kê sát tường, trong phòng chỉ còn lại một giá sách với mấy cuốn dày cộm, bìa da, vừa sách chữ Tàu vừa sách chữ Miến. Trên cùng, tôi ngó thấy một bức tượng Phật cao chừng một gang tay, bằng đất thó, do chính sư nặn lấy. Bức tượng giản phác mà có thần. Mấy thứ đáng giá nhất trong phòng sư Sotthiyo có lẽ là bộ ấm chén uống trà và cái giá bút bằng gỗ đỏ treo tòn teng vài ngọn bút lông mà tôi đoán là thứ tốt. Nhưng cái tôi thích nhất chính là cái cửa sổ dường như vừa được sửa lại. Khung cửa thấp lắm, đến mức có thể nằm dưới đất vẫn có thể nhìn ra mảnh đất sau nhà, nơi sư treo hờ mấy giò lan xem chừng chỉ là giống rẻ tiền.

    Đêm thứ hai sau ngày tôi đến Thiên tân, trong buổi trà khuya kéo dài tới gần ba giờ sáng vì cả hai không ai buồn ngủ, sư Sotthiyo đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện đời mình và con đường dẫn sư về với đạo Phật. Sư có cách kể chuyện chậm rãi thâm trầm nhưng rất có duyên.

    Thế danh của sư Sotthiyo trước khi xuất gia là Triệu Chân. Gia đình Triệu Chân tương đối khá giả, nhưng song thân của cậu không có hạnh phúc. Họ là một cặp chỉ phúc giao hôn do cha mẹ đôi bên đính ước từ lúc họ còn trong bụng. Lấy nhau có một mặt con, họ vẫn không có được tình yêu và mỗi người đều có một mối tình trong quá khứ. Đều là dân trí thức lại con nhà gia giáo, cả hai không xúc phạm đối phương nhưng đều thầm hiểu họ không thuộc về nhau. Triệu Chân lớn lên, hiểu được mọi chuyện, và nhận ra mình đang bị cầm tù trong một gia đình nhiều bi kịch. Chưa vào đại học, cậu đã thường xuyên say khướt ở khắp các trà lầu tửu quán để tìm quên. Đêm kia ở vũ trường, cậu đã quen được một người con gái. Chính cô này đã dẫn dắt cậu tìm đến hội họa và âm nhạc vì cha cô là từng là một mặc khách đa tài, sở trường cùng lúc cả hai lĩnh vực.

    Sư Sotthiyo ngừng lại một lát, đoạn đưa mắt nhìn ra song cửa như muốn chìm mất vào bóng đêm:
    - Niềm đam mê nào cũng là chất nhựa nuôi sống người ta sư à, sau này học Phật tôi mới hiểu chúng sinh trầm luân là vì chất nhựa đó. Người con gái đó là niềm đam mê đầu đời của tôi và tiếp theo, tôi đã yêu nhạc với họa còn nồng nàn hơn nữa. Cô ấy biết rõ điều đó, dĩ nhiên rất buồn. Cô đã khóc với tôi suốt một đêm dài rồi lặng lẽ ra đi. Phần tôi, sau khi ra trường, vì gia nghiệp, đã làm thương nhân và chỉ trong vài tháng đã không còn nhớ gì đến hội hoạ hay âm nhạc. Trong đầu óc tôi dần dần chỉ còn là những tô chén cổ ngoạn và những tờ giấy bạc. Tôi đã sống như vậy gần hai mươi năm trời. Cho đến một ngày, năm đó tôi đã bốn mươi tám tuổi, có người bạn thân cũng dân buôn cổ vật đã rỉ tai tôi về một bức tượng thỏ ngọc mà anh ta cả quyết là giá trị liên thành. Câu chuyện đã thật sự cuốn hút tôi vì nó kéo theo đó một giai thoại truyền kỳ.

    Trong lúc theo ngõ Sơn Hải Quan tràn vào Trung Quốc, quân Mãn Châu đã chia thành tám nhánh để xung kích nhà Minh và mỗi quân đoàn đã chọn lấy một màu cờ làm tiêu biểu. Sử sách Trung Hoa đời sau vẫn gọi họ là Bát Kỳ Quân. Từng người trong số họ, kể cả các tử sĩ, sau đó đều được kể vào hàng khai quốc công thần, con cháu đời đời hưởng lộc công khanh. Và tương truyền, mỗi quân đoàn trong Bát Kỳ Quân được giao trọng trách bảo quản một phần tài sản quốc bảo của nhà Thanh phòng khi có quốc biến. Trọng nhậm đó được tiếp tục truyền thừa qua nhiều đời con cháu của Bát Kỳ Quân. Những gì nhà Thanh muốn cất giấu dĩ nhiên vô cùng quý giá và cực kỳ bí mật, người Hán không sao biết được. Nhưng trong dân gian vẫn kín đáo truyền miệng nhau rằng phần quốc bảo do vị thân vương cánh Huỳnh Kỳ bảo quản là một số lượng vàng ròng rất lớn (phải gần năm trăm cỗ xe song mã mới có thể chở hết), tất cả đều được đúc thành từng khối lớn không có hình thù và để bảo mật, người ta đã nhuộm đen tất cả bằng một thứ dung dịch đặc biệt không phai, có màu như đồng gỉ, để che mắt trộm cướp. Số vàng đó nghe đâu đã được chôn giấu bí mật dưới một thung lũng hầu như không có ngõ vào và nổi tiếng ma thiêng nước độc. Người đời sau tương truyền rằng mật mã địa đồ của kho báu lại nằm trong một bức tượng thỏ ngọc có tính năng kỵ lửa (Tị Hỏa Châu). Nói vậy, chỉ riêng bức tượng thỏ ngọc cũng đủ là một gia tài muôn ức. Và dĩ nhiên mọi chuyện trước sau vẫn chỉ là giai thoại truyền khẩu khó biết thực hư.

    Bức tượng thỏ ngọc cũng có một số phận rất đặc biệt và đã lần lượt qua tay nhiều chủ. Không ít người sau trăm phương ngàn cách vẫn không thể khám phá ra địa đồ kho tàng đã nghĩ đến việc đập vỡ nó để tìm kiếm. Nhưng chính giá trị liên thành của bức tượng đã cứu nó. Người ta ngại chuyện thả mồi bắt bóng. Thế rồi chẳng biết vì sao, từ đời Quang Tự, bức tượng thỏ ngọc đột nhiên thất tung, rồi có thời gian lại cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi, thiệt giả khó phân, dần dần người ta không còn ai biết gì về món bảo vật truyền kỳ này nữa.

    Câu chuyện ly kỳ đến thế, ấy vậy mà ông bạn của Triệu Chân lại cả quyết rằng đã theo dấu được bức tượng thỏ ngọc và cho biết nó hiện trong tay một thương gia Miến Điện ở Moulmein. Triệu Chân không hề nuôi mộng đi tìm kho báu, ông không tin chuyện đó, nhưng chẵng hiểu sao ông lại tin câu chuyện về con thỏ ngọc tạc bằng Tị Hỏa Châu. Triệu Chân sau đó đã tìm đến người thương gia kia và được nghe kể lại toàn bộ câu chuyện. Thì ra trong thời chiến tranh giữa hai nhà Mao Tưởng, một viên sĩ quan của Tưởng Giới Thạch đã tình cờ phát hiện ra kho báu kia, và vì chỉ là một võ phu lại thêm giữa thời khói lửa, nên ông ta đã vội vã đem bán tất cả cho một tay buôn đồ đồng với giá rẻ mạt. Còn bức tượng thỏ ngọc trên đường trôi nổi, tương truyền đã lọt vào tay một nông phu nghèo khổ và đám trẻ con ông trong lúc nô đùa đã đem ném xuống sông như một món đồ chơi. Dĩ nhiên, không ai có thể biết được đó có phải là bức tượng thật hay không.

    Câu chuyện sao nghe như một vở hát tuồng. Cả một kho tàng quốc bảo của nhà Thanh ai ngờ lại bị mất trắng vào tay một anh lính vô danh và đám trẻ con nghèo khổ.

    Nghe xong câu chuyện về bức tượng thỏ ngọc và kho vàng nhà Thanh, Triệu Chân bỗng dưng chán ngán chuyện đời, không thiết tha gì nữa. Suốt mấy ngày liền, ông đã lang thang khắp chốn để khuây khỏa và nhân duyên đã xui ông gặp được ngài Kaccano Sayadaw ở Mandalay, tức hoà thượng bổn sư của sư Sotthiyo bây giờ. Là chổ thầy trò, Triệu Chân đã đem chuyện kho vàng nhà Thanh và bức tượng thỏ ngọc kể lại cho hòa thượng Kaccano. Điều thật thú vị là câu chuyện qua tay ngài đã trở thành những thoại đầu sâu sắc và Triệu Chân đã được điểm hoá lúc nào không hay :

    - "Mấy ngàn năm trước ở Ấn Độ có một vị hoàng tử cực kỳ thông tuệ. Chuyện gì khó khăn đến mấy, ngài nhìn qua một lần đã hiểu. Ai cũng cho đó là sự minh mẫn. Nhưng đọc kỹ đời ngài, ta sẽ thấy rằng khả năng giải quyết mọi sự của vị hoàng tử ngoài sự thông tuệ hơn người, còn có một yếu tố khác cũng quan trọng tương đương. Đó chính là lòng can đảm. Sự can đảm chấp nhận các giả thuyết. Do luôn bị sống vây hãm giữa quá nhiều điều kiện ràng buộc như thể chất, giáo dục, tình cảm và cả môi trường sống, nên mỗi người chúng ta luôn kín đáo từ chối tất cả những con đường suy tư đi ngược lại những thứ vẫn vây hãm mình.
    Khổ thay, thường khi giải pháp thực sự lại nằm trong chính những con đường đó. Những người từng sở hữu bức tượng thỏ ngọc kia rất có thể đã tìm ra kho vàng nếu họ không bị cái giá trị của bức tượng ám ảnh. Trong lịch sử đã từng có những cái nhút nhát giằng co làm chết cả một dân tộc hay tệ hại hơn, bôi đen cả một trang sử văn minh nhân loại. Trong khi đó, vị hoàng tử Ấn Độ kia chỉ vì muốn thử nghiệm một suy tư của mình, lúc chưa được ba mươi tuổi, ngài đã từ bỏ ngai vàng và trở thành một tu sĩ đói lạnh. Ngài chính là đức Phật Cồ Đàm. Phật giáo truyền thống gọi sự can đảm đó của Ngài là Trạch Pháp Giác Chi, và hành trình phân giải những do dự, tức sự chọn lựa sáng suốt ở những ngã ba tư tưởng chính là Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh.

    Trong lòng mỗi người đều có một vài bức tượng thỏ ngọc. Chỉ vì không thể cam tâm đập vỡ nó, nên cái mà người ta có được chỉ là chừng đó. Và dĩ nhiên, chỉ có trời mới biết những bức tượng thỏ ngọc đó là giả hay thật. Và dù là đồ thật hay giả, trong trí tuệ Phật giáo, những bức tượng thỏ ngọc đó được gọi tên bằng một thuật ngữ là Thân Kiến, một trong những chướng ngại quan trọng bậc nhất mà một người tu hành chắc chắn phải vượt qua để chứng ngộ thánh trí. Trường hợp viên sĩ quan không nhận ra giá trị của mấy khối vàng thật ra cũng tương tự như hoàn cảnh của của những người ôm giữ bức tượng thỏ ngọc. Họ chỉ khác nhau ở điểm duy nhất là một bên bị cái quý giá ám ảnh và một bên bị cái tầm thường ám ảnh. Tâm cảnh nào cũng là cực đoan cả, và cái đó đi ngược lại trí tuệ Trung Đạo cần có ở một người đi tìm cái thật. Câu chuyện về anh cùng tử trong kinh Pháp Hoa của Phật giáo hậu thời và trong cả Thánh kinh của Cơ Đốc giáo, thật ra đều nhắm vào ý tưởng mà ta vừa nói, chỉ tiếc là vì chỉ nhắm vào những mục đích cá nhân nên một số người diễn dịch đã không giữ lại được lý tưởng cần có của nó.

    Con đường giải thoát trong đạo Phật xem ra cũng ly kỳ như một cuộc tìm kiếm kho tàng. Mọi thứ cần được ngắm nhìn cẩn thận và khi cần, người tu phải có cái gan tự chẻ xương mình để tìm thấy chân lý. Bản thân mỗi người là một hào lũy khó vượt qua nhất. Người tu phải có can đảm đập vỡ tất cả bức tượng thỏ ngọc trong lòng mình và một tay chơi cổ ngoạn bậc thầy là người dám coi thường tất cả. Cái quan trọng là được việc. Hai ngàn năm trước, đức Phật đã dạy rằng mọi thứ gặp được trên đường tu đều chỉ là phương tiện giả nhất thời chi dụng, dùng xong việc rồi phải bỏ nó đi, như một chiếc bè cỏ đối với người muốn qua sông…"

    Đâu đó có tiếng sương đêm rơi trên những tàu lá chuối. Đêm Thiên Tân mát mẻ yên bình. Rót cho tôi thêm một chén trà vừa mới pha, sư Sotthiyo nheo mắt gật gù:

    - Mấy câu nói của ngài Kaccano đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi thấy nếu không bỏ hết để đi tu thì tôi còn vô tri hơn đám trẻ nhà quê đã ném bỏ bức tượng thỏ ngọc kia nữa. Cái gì tôi cũng đã nếm qua cả rồi, và chuyện đời đúng là chỉ có chừng đó. Cứ vậy mà tôi đi tu, sư à. Nhưng chuyện chưa hết đâu. Xuất gia rồi, thú thiệt, tôi vẫn còn chút đam mê đối với một món trong mớ cổ vật đã sưu tầm hồi trước và tự cho là mình có thể giữ lại mà không có tội gì hết. Đó là mấy cây bút lông kết bằng râu chuột nghe đâu từng qua tay Lý Liên Anh. Dù là người tân học, nhưng tôi đã sớm nghiện thư pháp và tự nghĩ bây giờ dù có đi tu thì tôi cũng có thể thỉnh thoảng viết chơi cái gì đó bằng mấy cây bút lông tuyệt vời này chứ. Sau năm năm tu học bên chân thầy, một ngày kia ngài hoà thượng bảo tôi về Thiên Tân theo lời thỉnh nguyện của ai đó với ngài.
    Hôm tôi chuẩn bị ra đi, tình cờ ngài Kaccano nhìn thấy mấy cây bút lông và đã hồn nhiên hỏi tôi :

    - Người Hoa vẫn còn dùng loại bút này sao, xem chừng đây cũng là đồ xưa phải không ?
    - Thưa, người Tàu vẫn cho rằng chữ Tàu phải viết bằng bút lông mới đẹp. Con quen dùng thứ này và cũng thấy quý, mấy cây bút này cũng gần trăm năm rồi, thưa thầy.

    Ngài mỉm cười gật đầu và khi ra đến cửa phòng tôi, ngài chợt đứng lại, mắt vẫn nhìn ra sân, giọng nói xa xôi :
    - Hãy làm chủ nó, đừng để nó làm chủ mình và cây bút dù quý đến mấy cũng không quan trọng bằng những gì mình viết.

    Tôi đã về Thiên Tân với câu nói đó của ngài hòa thượng như một món hành trang vô giá. Mấy cây bút đó tôi mang theo không vì chúng là cổ vật mà là vì chúng nhắc nhở tôi về câu nói của ngài Kaccano. Bây giờ ngài đã mất rồi, vào giữa mùa an cư năm ngoái. Tôi đã không kịp có một bức ảnh nào chụp chung với ngài. Tôi chỉ còn cái giá bút đó để nhớ thầy. Tôi đã vĩnh viễn chia tay thế giới cổ ngoạn, nhưng cái tôi có được bây giờ còn quý giá hơn thế rất nhiều sư à!

    Ngồi nghe sư Sotthiyo nói tới đó, tôi bất giác ngó lên giá bút của sư rồi chiếc nghiên đá Đoan Khê phủ bụi đang nằm bên cạnh và ngậm ngùi nghĩ đến ngài Kaccano, một người mà tôi chưa từng gặp mặt.

    Trung Quốc từ đó đối với tôi trở thành chốn kỷ niệm của một lần tái sinh, nơi có một nhà sư với câu chuyện kho vàng thời Thanh Mạt và sau cùng là một căn nhà nhỏ ở ngoại thành Thiên Tân với cái giá bút vô ngôn mà nói rất nhiều.


    TOẠI KHANH

    *********************************************



    Những bí ẩn chưa có lời giải ở chùa Dơi
    Đăng lúc: Thứ năm - 02/01/2014

    Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi ở Sóc Trăng nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp và độc vào bậc nhất.

    Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3 km về hướng đông nam. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 tuổi, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.

    Kiến trúc độc đáo

    Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ chùa Dơi. Nếu như cổng chính trang trí đơn giản, thì ở cổng phụ gác hai bên là rắn khổng lồ 5 đầu đang phồng mang trợn mắt như chờ chực đớp, khiến nhiều người phải giật mình, e sợ.
    Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng. Ảnh: yesvietnam.

    Nhưng chỉ cần mạnh dạn bước tiếp vào trong, bạn sẽ được chào đón bằng nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, đắp trên hành lang bao quanh gian chính điện. Bên trong đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5 m, ngự trên một tòa sen cao, xung quanh là những bức tường trang trí các tác phẩm tranh vẽ sinh động, mang phong cách dân gian.

    Bạn cũng sẽ bắt gặp ở đây họa tiết tiêu biểu trong kiến trúc Khmer với nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, phía đầu hồi chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo. Ngoài gian chính điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố và nhà ở của các sư, nhà hội Sa La.

    Sức thu hút của chùa Dơi còn nằm ở khu vườn rộng mênh mông với vô vàn loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt. Du khách có thể thỏa sức thả bộ trong vườn và tận hưởng không gian mát rượi. Đặc biệt ở đây còn có một hồ nước kè bằng đá, tạo cảm giác yên lành, thanh tịnh. Đứng trên bờ chỉ cần vỗ tay, cá dưới hồ sẽ ngoi lên và tranh nhau đớp mồi khi khách tham quan thả thức ăn xuống nước.

    Nơi cư trú của loài dơi
    Những chú dơi vắt vẻo trên cây trong khuôn viên chùa như cây trái trên cành. Ảnh: nangxanh.

    Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Mã Tộc là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.

    Dơi ở chùa chủ yếu là loài dơi quạ quý hiếm, có trọng lượng 1 – 1,5 kg và sải cánh rộng đến 1,5 m. Là giống dơi ăn quả và sống trong khu vườn xum xuê cây trái nhưng chúng không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn.

    Vì thế, khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh ở chùa rộn ràng khác lạ, với âm thanh náo động của bầy dơi vỗ cánh, gọi đàn đi kiếm ăn đêm. Kỳ lạ thay, chúng bay thành hàng và lượn vài vòng trên bầu trời khu vực chùa chứ không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện. Dù chưa thể giải thích vì sao nhưng nhiều người liên tưởng điều này giống như lời cầu khẩn đức Phật ban phước lành của bầy dơi trước khi đi.

    Khu mộ của những chú lợn 5 móng ở chùa Dơi. Ảnh: otosaigon

    Ngoài dơi, những câu chuyện truyền tai về loài lợn 5 móng khiến ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng càng chìm đắm trong sắc màu bí ẩn. Theo người Khmer thì lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người, họ tin rằng gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, lục đục, vì bị con heo “thành tinh” này quấy phá. Vì vậy, từ hơn 20 năm trước, lợn 5 móng đã được gửi vào chùa Dơi nhờ trông nom, chăm sóc.

    Dù những câu chuyện này thật hư chưa sáng tỏ nhưng khi đến đây, bạn sẽ được tham quan khu mộ của những chú lợn 5 móng nằm khuất sau chùa. Nhiều người ngày nay tin rằng thành khẩn thắp nhang cầu khấn ở đây sẽ được các “dị nhân” hiển linh ban cho những con số thần tài, độc đắc. Nếu có đôi chút tò mò về loài lợn 5 móng, bạn có thể đi theo cổng sau của chùa Dơi, rồi băng qua con đường nhỏ cách 50 m để mục sở thị tại “nhà” nuôi.

    Vy An
    Theo VnExpress















    Last edited by SP500 SPY; 05-30-2020 at 06:53 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Phòng Triển lãm ảnh Nghệ thuật của ốc
    By ốc in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 136
    Last Post: 05-07-2021, 10:26 PM
  2. Văn Nghệ Mừng Tết Ất Mùi -
    By nvhn in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 1
    Last Post: 10-31-2014, 07:13 PM
  3. Vui Buồn Văn Nghệ
    By Lưu Vĩnh Hạ in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 04-09-2013, 06:25 PM
  4. Mỹ sắp xem phim tàu
    By Triển in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 05-21-2012, 09:08 AM
  5. Thác Kèm đẹp bậc nhất xứ Nghệ
    By meoden254 in forum Du Lịch
    Replies: 0
    Last Post: 05-10-2012, 12:40 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:05 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh