Register
Page 13 of 13 FirstFirst ... 3111213
Results 121 to 128 of 128
  1. #121
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864

    KHÓA HỌP QUỐC HỘI 117
    PHIÊN HỌP THỨ 1

    QUYẾT NGHỊ CỦA HẠ VIỆN HOA KỲ

    Cáo trạng luận tội(1) Donald John Trump, Tổng Thống Hoa Kỳ, vì đã phạm các trọng tội và khinh tội (2).

    TẠI HẠ VIỆN QUỐC HỘI

    Ông CICILLINE (3) đã đệ trình quyết nghị sau đây; và được chuyển đến Ủy Ban này vào ngày…..

    QUYẾT NGHỊ

    Cáo trạng luận tội Donald John Trump, Tổng Thống Hoa Kỳ, vì đã phạm các trọng tội và khinh tội.

    Chúng tôi đưa ra quyết nghị, Rằng Donald John Trump, Tổng Thống Hoa Kỳ phải bị luận tội vì đã phạm các trọng tội và khinh tội và cáo trạng luận tội sau đây sẽ được chuyển cho Thượng Viện Hoa Kỳ làm bằng chứng luận tội:
    Cáo trạng luận tội do Hạ Viện Hoa Kỳ đưa ra thay mặt cho Hạ Viện và người dân Mỹ truy tố Donald John Trump, Tổng Thống Hoa Kỳ, để thiết lập và chứng minh cáo trạng y đã phạm các trọng tội và khinh tội.

    TỘI DANH I: SÁCH ĐỘNG NỔI DẬY LẬT ĐỔ CHÍNH PHỦ

    Hiến Pháp quy định rằng Hạ Viện “sẽ là cơ quan duy nhất có Quyền Luận Tội” và Tổng Thống “sẽ bị bãi nhiệm sau khi bị Luận Tội và Kết Vào Tội Phản Quốc, Hối Lộ, hoặc Các Trọng Tội và Khinh Tội khác”. Trong khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ—và khi vi phạm lời thề hiến định sẽ thi hành nhiệm vụ của Tổng Thống Hoa Kỳ, và theo hết khả năng của y, phải bảo tồn, bảo vệ, và bênh vực Hiến Pháp Hoa Kỳ, và khi vi phạm nhiệm vụ hiến định của y là phải thi hành luật pháp đúng đắn—Donald John Trump đã phạm các Trọng Tội và Khinh Tội vì đã cố ý sách động nổi loạn chống lại Chính Phủ Hoa Kỳ, như sau:

    Vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021, chiếu theo Tu Chính Án Thứ Mười Hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Hạ Viện, và Thượng Viện cùng mở Phiên Họp Chung tại Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ (4) để kiểm phiếu Cử Tri Đoàn. Ngay trước khi bắt đầu Phiên Họp Lưỡng Viện, Tổng Thống đã nói chuyện với một số lượng đông đảo những người hậu thuẫn chính trị của y gần đó. Tại đó, y đã lặp lại những lời dối trá rằng “chúng ta đã thắng cuộc bầu cử này, và chúng ta đã thắng lớn’’. Y cũng cố ý đưa ra những lời kêu gọi kích động—và do đó có thể thấy trước được là sẽ nhanh chóng đưa đến—hành động vô pháp tức thì. Nghe lời sách động của Tổng Thống Trump, đám người ô hợp này đã có hành động bất hợp pháp ồ ạt xâm nhập Tòa Nhà Quốc Hội, gây thương tích cho nhân viên công lực, đe dọa dân biểu nghị sĩ Quốc Hội và Phó Tổng Thống, cản trở nhiệm vụ long trọng hiến định của Phiên Họp Chung này là chứng nhận kết quả bầu cử, và có các hành vi bạo động, làm chết người, và nổi loạn. Hành vi của Tổng Thống Trump vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021 tương ứng với các nỗ lực trước đây của y nhằm phá hoại và cản trở việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Các nỗ lực trước đây này gồm, nhưng không phải chỉ giới hạn vào, một cuộc điện đàm với Tổng Thư Ký Tiểu Bang Georgia là Brad Raffensperger vào ngày 2 Tháng Giêng, 2021. Trong lần điện đàm này Tổng Thống đã thúc hối viên chức tiểu bang này phải “tìm” cho đủ số phiếu hầu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống tại tiểu bang Georgia và đồng thời đe dọa ông Raffensperger nếu ông này không tìm ra phiếu cho y.

    Trong tất cả những nỗ lực này, Tổng Thống Trump đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến nền an ninh của Hoa Kỳ và các cơ cấu và định chế chính phủ. Y đã đe dọa đến hệ thống dân chủ này, cản trở tiến trình chuyển giao quyền hành, và tác hại đến một ngành chính quyền bình đẳng. Vì các hành động đó, y đã phản bội lòng tín nhiệm của người dân đặt vào y trong cương vị Tổng Thống, gây tổn thương rõ rệt đến người dân Hoa Kỳ.

    Vì thế, hành vi đó của Tổng Thống Trump đã cho thấy rằng y sẽ vẫn tiếp tục là mối đe dọa cho nền an ninh quốc gia, dân chủ, và Hiến Pháp nếu cứ để cho y tiếp tục tại nhiệm, và y đã có hành động theo cung cách hết sức bất tương xứng với khả năng tự trị và pháp trị. Do đó, đây là lý do chính đáng để luận tội và xét xử Tổng Thống Trump, bãi nhiệm, và tước quyền đảm nhiệm và thụ hưởng bất cứ chức vụ nào mang danh dự, tín nhiệm, hoặc lợi lộc của Hoa Kỳ.(5)

    Source: https://www.scribd.com/document/4901...f-4#from_embed
    ________________
    (1) Còn gọi là “đàn hặc”, “hặc tội”, “vạch tội”, “hạch tội”, v.v.
    (2) Tạm dịch “high crimes and misdemeanors”. Đây là ý niệm vẫn còn còn nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia về hiến pháp Hoa Kỳ. Giáo sư Frank O. Bowman III của Luật Khoa Viện Đại Học Missouri có viết một bài giải nghĩa ngắn đăng trên tờ Atlantic về ý niệm này. Xin đọc thêm ở đây: https://www.theatlantic.com/ideas/ar...y-mean/600343/.
    (3) Ba dân biểu Hoa Kỳ đồng soạn ra quyết nghị luận tội này là: David Cicilline, Ted Lieu, và Jamie Raskin
    (4) Còn gọi là “Điện Capitol”
    (5) Câu này được trích nguyên văn từ Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nói nôm na là cấm giữ bất cứ chức vụ nào, tức là không có quyền được bổ nhiệm hay ứng cử vào bất cứ chức vụ nào của liên bang.

  2. #122
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864

    Quả Nhiên Chẳng Ai Lấy Làm Lạ Khi Thấy Trump Vẫn Tiếp Tục Nói Dối

    Trong một đoạn phim video sau khi bị luận tội một lần nữa, tổng thống này lại tiếp tục nói dối, trực tiếp và gián tiếp(1).

    by Nancy LeTourneau


    Thuở bé tôi được dạy trong lớp học đạo ngày Chúa Nhật rằng nói dối là có tội và có hai loại nói dối: nói dối trực tiếp và nói dối gián tiếp. Đó là lý do tại sao khi ra tòa khai làm chứng người ta phải tuyên thệ trước khi khai, họ hứa sẽ nói “sự thật, toàn bộ sự thật, và chỉ khai sự thật.”

    Sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu luận tội Donald Trump lần thứ nhì, các luật sư của tổng thống này đã thuyết phục y cho phát hình một đoạn video hầu tránh bị liên lụy trách nhiệm pháp lý thêm nữa vì đã xúi giục nổi dậy tại Tòa Nhà Quốc Hội hồi tuần trước. Dù thế đi nữa, Trump cũng vẫn không ngừng nói dối. Trong đoạn video này, y nói: “Không có người nào ủng hộ tôi chân chính lại có thể bênh vực cho bạo động chính trị… Không có người nào ủng hộ tôi chân chính lại có thể đe dọa hoặc sách nhiễu gây áp lực người dân Mỹ khác.”

    Đó là lời nói dối trực tiếp. Như đoạn phim tài liệu “13th” này cho thấy, Trump liên tục kêu gọi các thành phần ủng hộ y hãy đe dọa và sách nhiễu những người dân Mỹ khác trong những cuộc mít tinh vận động tranh cử của y(2).

    Thêm nữa, Trump đã có phản ứng khác hẳn khi đang diễn ra cuộc bạo động tại Tòa Nhà Quốc Hội vào tuần trước. Josh Marshall tường thuật rằng “Lúc các dân biểu nghị sĩ Quốc Hội đang bị vây hãm và phải rút vào một chỗ an ninh bí mật thì Trump cũng nhận được nhiều lời kêu cứu của các dân biểu nghị sĩ Quốc Hội muốn y phái lực lượng tiếp viện đến hoặc ra mặt kêu gọi đám người ủng hộ y giải tán. Y không chịu làm gì hết vì y thích cảnh nổi loạn đang diễn ra.” Một nguồn tin cho ký giả Caroline Graham biết rằng Trump cuối cùng đã tỏ ra mất hứng.

    Theo lời một nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc cho The Mail biết hôm Chủ Nhật thì Trump cảm thấy ngượng ngùng đến nổi nóng vì đám “người rác rến da trắng ngu dốt” trên màn ảnh truyền hình đã làm cho y mất mặt…Khi đám này vừa tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội thì y lấy làm thích chí. Đây là “dân của y”. Nhưng khi y nhìn thấy hình ảnh một tên trần như nhộng đội mũ lông thì y bắt đầu than phiền là đám này trông “rẻ tiền và mạt rệp”.

    Tổng thống này không hề cảm thấy áy náy lo âu gì trước cảnh bạo động này. Cuối cùng y quyết định là đám “người rác rến da trắng ngu dốt” đó đã khiến cho y mất mặt. Có lẽ nhân vật từng giữ vai điều khiển chương trình truyền hình thực tế này ắt phải hài lòng hơn nếu Mark Burnett(3) đứng ra tổ chức cuộc nổi loạn lật đổ chính quyền này.

    Trong đoạn video đêm Thứ Tư này còn có một lời nói dối gián tiếp quan trọng nữa. Nếu muốn ngăn chặn cuộc bạo động sớm, Trump ắt chỉ cần nói: “Joe Biden đã thắng cử và sẽ là tổng thống kế tiếp của chúng ta.” Theo lời phóng viên Tòa Bạch Ốc to Asawin Suebsaeng của tờ Daily Beast thì y đã không chịu nói lời đó.

    Trong chỗ riêng tư Trump vẫn tiếp tục rêu rao các thuyết âm mưu về máy đếm phiếu của Dominion cũng như chuyện y đã thắng lớn như thế nào và do đó Biden là tổng thống phi pháp. (Không có lời rêu rao nào của tên tổng thống này là sự thật.) Tên tổng thống này cũng nói rằng giờ y sẽ đọc những lời tuyên bố công cộng lịch sự mà nhân viên của y đã soạn sẵn cho y về việc chuyển giao quyền hành êm thắm, nhưng lại liên tục—đôi khi không cần ai nhắc đến—loại bỏ bất cứ lời tuyên bố nào nói rằng Biden đã thắng cử, nhấn mạnh rằng y sẽ “không bao giờ” thừa nhận việc đó.

    Sau khi tháp tùng tổng thống này đến Texas vào hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham của đảng Cộng Hòa đã xác nhận với các phóng viên là “[Trump] nghĩ rằng y đã bị bịp, nhưng sẽ không thay đổi được [ý tưởng tượng đó].”

    Đó là lời nói dối khổng lồ mà tổng thống này chắc sẽ không bao giờ từ bỏ vì hai lý do. Trước hết, cái tôi từ chứng tự luyến của y không thể chịu nổi sự thật là y đã thua cử. Theo lời giải thích của Tony Schwartz, người viết quyển “The Art of the Deal” cho y, thì đối với Trump, thua cuộc là “tương đương với bị tiêu diệt”(4). Nhưng lý do thứ nhì là Trump sẽ dai dẳng bám lấy lời dối trá này để tránh số phận bị thời thế đào thải cũng như để phá hoại tư cách chính thống của Biden. Lời dối trá này sẽ kích động các thành phần cốt cán trung thành với y không khác gì lời dối trá trong âm mưu gieo rắc ngờ vực về nơi sinh của Barack Obama hầu sách động hô hào chống đối.

    Như nhà tham vấn của đảng Cộng Hòa trước đây là Stuart Stevens đã chứng minh trong quyển sách của ông ta, It Was All a Lie(5), toàn bộ ngôi lâu đài của đảng Cộng Hòa được xây trên nền tảng dối trá trong 50 năm qua. Trào tổng thống của Trump và kết cục bạo động của trào này chỉ là cao trào của một chính đảng đã lạc đường từ lâu. Nói dối đã trở thành nhãn hiệu của họ, do đó khó lòng mà tin nổi sẽ có ngày họ tôn trọng sự thật.

    Source: https://washingtonmonthly.com/2021/0...s-still-lying/
    __________
    (1) Commission and omission: Tương tự như “phạm tội trực tiếp” (bằng cách có hành động phạm tội) và “phạm tội gián tiếp” (vì ngó lơ mà không hành động) trong lãnh vực pháp lý nhưng rộng nghĩa hơn lãnh vực pháp lý.
    (2) Nên, rất nên, rất rất nên xem phim “13th”. Youtube có đưa lên ở đây (hoặc xem trong Neflix): https://www.youtube.com/watch?v=krfcq5pF8u8c. Có thể xem một đoạn ngắn trong phim này “In the good ol' days...” để nghe tận tai những lời sách động của Trump ở đây: https://twitter.com/13THFilm/status/786295040314253312
    (3) Nhà sản xuất chương trình truyền hình “The Apprentice” do Trump thủ vai điều khiển chương trình!
    (4) Ngoài Tony Schwartz thì còn nhiều tay chân thân tín khác của tên tổng thống này cũng cho biết rằng đối với y thì “thua cuộc” chẳng khác gì chuyện y bị thủ tiêu, thanh trừng, là… bách mệnh tiêu tán vạn mệnh tiêu trừ, …”
    (5) Đều Là Chuyện Dối Trá

  3. #123
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864

    Cuộc Hành Trình của một Người Cộng Hòa

    Một Dân Biểu Hoa Kỳ kỳ cựu của đảng Cộng Hòa nói lời vĩnh biệt với đảng của ông.

    by Mickey Edwards




    Năm đó là năm 1958. Tôi vừa tròn 21 tuổi, một năm sau khi tốt nghiệp Viện Đại Học Oklahoma, là hội viên hội sinh viên, cũng là một trong các “Ruf-Neks”(1) của trường mang trọng trách đưa đội bóng bầu dục ra sân vào lúc bắt đầu mỗi trận đấu của đội Sooner(2). Nói cách khác: tôi là một sinh viên tiêu biểu tại viện đại học Oklahoma. Nhưng, không giống như nhiều sinh viên khác là tôi cũng là thành viên của Đoàn Thanh Niên (Đảng) Cộng Hòa, một đoàn thể hầu như chắc chắn là nhỏ nhất ở trường.

    Sau một thời gian ngắn làm phóng viên cho một tờ nhật báo tại thị xã, tôi đã trở về Thành Phố Oklahoma City và ghi danh đi bầu. Tôi muốn ghi danh là cử tri của đảng Cộng Hòa; các viên chức ghi danh cố tìm cách khuyên tôi là không nên làm thế. Họ nói rằng lá phiếu của tôi sẽ chẳng có ích gì; Oklahoma chưa bao giờ có một thống đốc dân cử của đảng Cộng Hòa (năm đó ứng cử viên thống đốc của đảng Cộng Hòa có chưa tới 20 phần trăm phiếu cử tri bầu cho mình). Dân biểu Hoa Kỳ của Thành Phố Oklahoma là một người của đảng Dân Chủ, cả hai thượng nghị sĩ đều là người của đảng Dân Chủ. Người của đảng Dân Chủ được bầu vào Hạ Viện tiểu bang đông hơn gấp chín lần và giữ mọi chức vụ dân cử tại tiểu bang này. Tôi nói: Không tôi là người theo đảng Cộng Hòa.

    Tôi làm phóng viên, rồi lên làm chủ bút, cho tờ Oklahoma City Times, nhưng ngoài giờ làm việc, tôi đã hoạt động để gầy dựng đảng Cộng Hòa. Tôi trở thành chủ tịch Câu Lạc Bộ Thanh Niên (Đảng) Cộng Hòa tại địa phương và bành trướng gập bội so với số hội viên lúc đầu. Sau đó tôi trở thành chủ tịch đoàn cấp tiểu bang. Rồi phó chủ tịch cấp toàn quốc. Tôi được bầu vào hội đồng toàn quốc của Tổ Chức Người Bảo Thủ Hoa Kỳ(3). Tôi đã nỗ lực vận động tranh cử cho Barry Goldwater. Chúng tôi thua cử nhưng đã bắt đầu một phong trào toàn quốc để cuối cùng đưa đến việc Ronald Reagan thắng cử 16 năm sau.

    Tôi có mặt khắp nơi (Tờ Look, một ấn phẩm lớn toàn quốc có một bài viết về tôi) đến mức chủ bút quản trị của tôi phải nói với tôi (tôi công nhận là lời ông ta thật chính đáng) là tôi không thể vừa làm báo vừa là một người tích cực vận động đảng phái được nhắc đến ở trang đầu. Tôi được đề nghị cho lên chức làm bỉnh bút, nhưng tôi sẽ phải chọn lựa: đảng Cộng Hòa hay việc làm của mình. Tôi đã bỏ công việc tôi yêu thích. Tôi trở thành chủ tịch toàn quốc của Tổ Chức Người Bảo Thủ Hoa Kỳ và là một trong ba quản trị viên sáng lập của Heritage Foundation.

    Vào năm 1974 tôi ra tranh cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ với một đối thủ của đảng Dân Chủ đã ngồi ghế này trong 24 năm. Người theo đảng Dân Chủ trong địa hạt của tôi đông hơn đảng Cộng Hòa gấp ba lần. Tôi không có tiền, chỉ chi ra hơn $30,000 một chút, nhưng tôi đến gõ cửa tận nhà hằng trăm cử tri, nói chuyện vận động tại hằng chục quán nước, và đạt được hơn 48 phần trăm số phiếu bầu. Hai năm sau, tôi đã lật ngược được ghế này, trở thành dân biểu Hoa Kỳ đầu tiên của đảng Cộng Hòa cho Thành Phố Oklahoma sau nửa thế kỷ. Trừ một thời gian hai năm bị mất ghế này, đảng Cộng Hòa đã giữ được ghế dân biểu này trong 46 năm. Tôi gia nhập cuộc vận động tranh cử của Reagan vào năm 1980, lãnh đạo một nhóm đặc nhiệm cố vấn về chính sách do các thượng nghị sĩ và dân biểu của đảng Cộng Hòa đồng chủ tọa. Tôi leo lên nấc thang lãnh đạo của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện Hoa Kỳ và trở thành chủ tịch Tiểu Bang Chính Sách của Đảng Cộng Hòa. Tôi đã phục vụ tổng cộng là tám nhiệm kỳ tại Hạ Viện.

    Tôi là đảng viên Cộng Hòa trong 62 năm. Tôi là đảng viên Cộng Hòa bảo thủ dưới trào Goldwater, đảng viên Cộng Hòa bảo thủ dưới trào Reagan, và đảng viên Cộng Hòa bảo thủ dưới trào W(4).

    Nhưng nay tôi đã từ bỏ đảng Cộng Hòa. Đây là chính đảng duy nhất đã chiếm trọn cuộc đời trưởng thành của tôi. Đây là chính đảng xác định tôi là ai với người khác và với chính tôi. Đảng này đã trở thành hoàn toàn đối nghịch với lý tưởng trước đây của đảng. Đảng này đã trở thành một tà giáo cuồng tín tôn thờ một lãnh tụ, trở thành một đảng đi đập phá chà đạp các cơ cấu và định chế đân chủ vì đã bị ô nhiễm mang đầy những ý tưởng láo khoét dối trá và thù hận.

    Hãy xét đến vấn đề quan trọng trong hai tháng qua: Vụ “cướp đoạt” cuộc bầu cử 2020. Ai là những thế lực yêu tinh quỷ quái theo lẽ là thủ phạm vụ “cướp đoạt” này? Hãy xem Arizona chẳng hạn. Thống đốc tiểu bang này, một người Cộng Hòa bảo thủ ủng hộ Trump, đã chứng thực là Trump thua cử trong một cuộc bầu cử công bằng tại tiểu bang của ông ta. Thống đốc tiểu bang Georgia, một người Cộng Hòa bảo thủ ủng hộ Trump, đã nói là Trump thua cử trong một cuộc bầu cử công bằng tại tiểu bang của ông ta. Những người Cộng Hòa bảo thủ ủng hộ Trump trong cương vị lãnh đạo viện lập pháp Michigan đã nói là Trump thua cử trong một cuộc bầu cử công bằng tại tiểu bang của họ. Hằng chục tòa án—gồm cả các thẩm phán do chính Trump bổ nhiệm—đã nói là không có bằng chứng gian lận nào cả. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, trong đó đại đa số là các thẩm phán Cộng Hòa bảo thủ và gồm cả ba thẩm phán do chính Trump bổ nhiệm, tất cả đều đồng lòng bác đơn của Trump tố cáo cuộc bầu cử này đã bị cướp đoạt. Bill Barr, bộ trưởng tư pháp và là người trung thành với Trump, đã nói rằng không có bằng chứng về bất cứ trường hợp nào khiến phải hoài nghi về việc Trump thua cử.

    Bất kể tất cả các sự thật đó, đám ủng hộ Trump vẫn tấn công vào Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Một nhân viên công lực đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của đám nổi loạn này; một người khác sau đó tự sát. Nhân viên tại tòa nhà quốc hội và các nghị sĩ dân biểu quốc hội đều sợ cho tính mạng của họ. Các phóng viên ký giả cũng bị hành hung. Và thậm chí sau khi xảy ra vụ nổi loạn này, vẫn có gần 150 dân biểu Cộng Hòa tiếp tục rêu rao những lời láo khoét dối trá để gieo rắc mối hoài nghi về tính cách chính đáng hợp pháp của cuộc bầu cử này. Đây không phải là những người không có phương tiện để biết sự thật; họ biết rõ sự thật như thế nào. Họ biết hết tất cả những gì tôi đã nêu ra để chứng minh là Donald Trump thật sự đã thua cử. Họ biết—nhưng họ vẫn mở miệng nói lời láo khoét dối trá; họ đã tiếp sức thêm cho cuộc nổi loạn tấn công vào trung tâm chính quyền Hoa Kỳ, một cuộc tấn công đã làm thiệt mạng một nhân viên công lực cố ra sức bảo vệ họ. Một cuộc tấn công của người Mỹ nhắm vào nước Mỹ. Một cuộc tấn công được những người của đảng Cộng Hòa yểm trợ và hoan hô. Đó là những người đồng chí đồng đảng với tôi. Có những người Cộng Hòa không tham gia trò giả tạo che mắt thế gian này—những người như Thống Đốc Ducey ở Arizona, Thống Đốc Kemp và các viên chức bầu cử tại Georgia—nhưng còn lại thì hầu như nhìn đâu cũng thấy các đồng chí của tôi hùa nhau tham gia trò lừa đảo này, ngay cả những dân biểu Cộng Hòa dù không tham gia nỗ lực lật đổ kết quả bầu cử thì cũng vẫn có hành động không thể tha thứ được là ngậm miệng làm thinh vì trung thành với đảng và sợ hãi [các đồng chí của mình], khiến họ cũng trở thành đồng lõa trong cuộc tấn công đổ máu nhắm vào chính đất nước của họ.

    Tôi đã bỏ đảng Cộng Hòa. Tôi sẽ không quay trở về nữa.

    Mickey Edwards represented Oklahoma’s 5th Congressional District in Congress for 16 years. He was a member of the Republican leadership and chairman of the party’s policy committee in the House. He now teaches at Princeton’s School of Public and International Affairs.

    Source:https://thebulwark.com/a-republican-journey/
    _____________________
    (1) “Roughnecks”: hạng vai u thịt bắp, thô bạo, võ biền…
    (2) Tên đội bóng bầu dục của Viện Đại Học Oaklahoma
    (3) American Conservative Union
    (4) George W. Bush

  4. #124
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864

    Cáo Phó: Một Nhiệm Kỳ Tổng Thống Toi Cơm


    By Susan B. Glasser


    Vào đúng 12 giờ trưa ngày Thứ Tư, nhiệm kỳ Tổng Thống đầy tai họa của Donald Trump sẽ chấm dứt(1), hai tuần sau ngày y sách động đám người nổi loạn ủng hộ y tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội hòng lật ngược kết quả bầu cử, và một tuần sau ngày y bị luận tội vì hành vi sách động đó. Y để lại một thành phố và một quốc gia quằn quại trong cơn đại dịch mà y đã cố tình giảm bớt và phủ nhận mức độ nghiêm trọng nhưng đã cướp đi bốn trăm ngàn sinh mạng người Mỹ tính đến hôm Thứ Ba vừa qua; một cuộc khủng hoảng kinh tế; và gây rạn nứt chính trị trong nước đến mức có thể đem so với Cuộc Nội Chiến.

    Cuối cùng thì Trump đã là tất cả những gì mà những người ghét y đã lo sợ—một ứng cử viên gây hỗn loạn, theo lời tiên đoán một một trong các đối thủ của y hồi năm 2016, đã trở thành một Tổng Thống gây hỗn loạn. Là một kẻ mị dân người Mỹ, y đã gây chia rẽ và bất hòa chủng tộc, kêu ca than vãn là có một “thế lực ngầm” nằm trong chính quyền của y, tán thưởng những kẻ cai trị độc tài và công kích các đồng minh, chính trị hóa việc điều hành công lý, kiếm tiền từ ngôi Tổng Thống cho chính y và các con của y, và cầm đầu một Chính Phủ hỗn độn, thay đổi nhân sự liên tục bằng những lời tuýt bốc đồng. Viện Gallup cho biết y rời ghế tổng thống với tỷ lệ xếp hạng trung bình thấp nhất về mức hài lòng của người dân trong lịch sử hiện đại của ngôi vị Tổng Thống. Bị Joe Biden đánh bại hơn bảy triệu phiếu trong kỳ bầu cử năm 2020, Trump trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị mất cả Tòa Bạch Ốc, Thượng Viện lẫn Hạ Viện trong lần tái tranh cử kể từ thời Herbert Hoover vào năm 1932. Là một kẻ nói dối chưa từng thấy, Trump đã nói dối hơn ba mươi ngàn lần trong thời gian ngồi ghế Tổng Thống, theo tờ Washington Post, mà cuối cùng đã đưa đến lời dối trá có lẽ là lớn nhất trong số đó: là lời dối trá nói rằng y đã thắng cử trong một cuộc bầu cử mà y đã thua dứt khoát rõ ràng.

    Vậy mà phía đảng Cộng Hòa—tức là đại đa số những người hãy còn tự nhận mình theo đảng Cộng Hòa—vẫn tiếp tục chấp nhận Trump và các thuyết âm mưu về việc y bị đánh bại do tên Tổng Thống sắp mất chức này đã rêu rao khắp nơi hòng giải thích vụ thất cử của y. Hơn bất cứ chuyện gì khác, đây có lẽ là chuyện lạ lùng nhất về ghế tổng thống của Trump: là y có thể biến một trong hai chính đảng của Hoa Kỳ thành một tà giáo tôn sùng cá nhân được lập ra để tôn một nhà phát triển địa ốc phá sản nhiều lần tại New York lên ngôi giáo chủ. Do đó sau bốn năm qua, chuyện mà chúng ta biết được không phải là chuyện Donald Trump là kẻ xấu—vì đã có rất nhiều bằng chứng không thể chối cãi được cho thấy y là kẻ xấu ngay cả trước khi y bước chân vào chính trường—mà là chuyện có hằng triệu người Mỹ sẵn sàng lật đổ hệ thống hiến pháp của chúng ta để duy trì ngôi vị cầm quyền của y, những người sẵn sàng thà nghe lời dối trá độc hại của Trump hơn là nhìn nhận sự thật nào trái ý họ.

    Tôi thường tự hỏi liệu một vài năm nữa chúng ta có thể thực sự nhớ được tình trạng bốn năm qua như thế nào hay không: những lời tuýt buổi sáng sớm để sa thải Ngoại Trưởng và bác bỏ quyết định của Ngũ Giác Đài; cảnh tượng quái dị của một Tổng Thống ngoài 70 béo phì, tóc màu cam đang nhảy trên sân khấu theo điệu nhạc của ban nhạc the Village People trước hàng ngàn người hâm mộ; cảnh tượng kinh hoàng cuối cùng về đám người ủng hộ Trump nổi loạn tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội trong lúc tên Tổng Thống này ngồi xem cảnh đó trên màn ảnh truyền hình tại Tòa Bạch Ốc rồi công bố một đoạn video nhắn nhủ những kẻ nổi loạn, “Chúng tôi yêu thích các bạn.” Liệu chúng ta còn nhớ lại những nỗi ám ảnh kỳ quái của Trump—chẳng hạn như y nhất mực tin rằng cách quạt quay gió gây ra ung thư và bồn cầu hiện đại không dội sạch được cầu—và cả những lời dối trá độc hại của y về những vấn đề gây ra nhiều hậu quả tai hại hơn, chẳng hạn như cơn đại dịch chết người mà y cho là không khác gì một mùa cúm thường lệ hay không? Tôi không biết, dù tôi chắc chắn là những thập niên tới đây sẽ có các nỗ lực tìm hiểu xem làm thế nào mà quốc gia cường thịnh nhất trên quả đất này lại có một nhà lãnh đạo tin rằng có thể cho nổ bom nguyên tử để dẹp tan bão tố.

    Đây là Lá Thư cuối cùng của tôi từ Washington của Trump. Vào 12 giờ trưa ngày Thứ Tư, tôi chuyển sang viết về nhiệm kỳ Tổng Thống của Biden và thủ đô sẽ phải chật vật đối phó với di sản đổ nát do Trump để lại như thế nào. Sau khi đọc lại hơn một trăm bốn mươi Lá Thư từ Washington của Trump tôi đã viết, điểm nổi bật nhất là mối đe dọa cứ bám theo chúng ta trong mấy năm qua. Khi Trump có quyền thế hơn và bớt đi mức độ kềm tỏa sau những đợt cố vấn kế tiếp nhau tại Tòa Bạch Ốc, y cũng càng trở nên quái dị hơn, dối trá hơn, và càng tách rời thực tế hơn nữa. Càng ngày y càng tự cho là y bị thương tổn và là nạn nhân nhiều hơn nữa; và do đó y càng lên tiếng đe dọa, chửi rủa, và kích động công chúng. Y sa thải giám đốc F.B.I., một Ngoại Trưởng, một Bộ Trưởng Tư Pháp, một Bộ Trưởng Quốc Phòng, ba Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống, và hai—hoặc ba, tùy theo chúng ta tin vào nguồn tin nào—cố vấn an ninh quốc gia. Y đã ân xá cho các tội phạm chiến tranh và khoe là đã được hoàn toàn minh oan trong vụ điều tra của Mueller, dù không hề có chuyện đó. Y buộc chính phủ phải đóng cửa lâu nhất trong lịch sử khi Quốc Hội Hoa Kỳ không chịu tài trợ cho bức tiềng biên giới của y—trong khi vẫn rêu rao là Mexico sẽ trả tiền đó. Vì trong suốt nhiệm kỳ tổng thống y không phải chịu bất cứ hậu quả nào có ý nghĩa thực sự nên y càng bạo dạn hơn nữa. Thảm họa năm 2020 không phải là tai ương bất ngờ mà là hậu quả có thể biết trước sẽ tăng dần đến cao điểm đó.

    Điều đáng chú ý nhất đối với tôi là sai lầm, tội lỗi nguyên thủy của nhiều người tại Washington, là đã giả vờ cho là Cuộc Vận Động Tranh Cử của Trump năm 2016 không phải là con người thực sự của Trump, trong khi họ thực sự đã biết sẽ không hề có một Trump khác khi nắm quyền cai trị, không bao giờ có một Trump Mang Tư Cách Tổng Thống. Tất cả những gì y nói trong những cuộc mít tinh và lời tuýt đó là con người thực của y: mồm miệng tục tĩu dơ bẩn, hiếp đáp, tự luyến, có khi lại mang thái độ kỳ thị chủng tộc, và không những có thể nói ra được những lời dối trá trắng trợn mà còn có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi những lời đó tự trở thành sách lược hành động. Hồi mùa hè năm 2018, tôi đã đăng trọn một cột báo(2) khi những người phối kiểm sự thật tại Washington Post xác định là Trump đã nói dối lên đến mức gây tai tiếng là hơn bốn ngàn lần trong ngôi vị tổng thống của y. Sau đó hai năm rưỡi, số lần dối trá cuối cùng của ý đã lên đến hơn ba mươi ngàn lần, gần như gấp đôi so với tổng số lần nói dối mới cách đây một năm. Những lời dối trá này là bệnh ung thư di căn của ngôi vị Tổng Thống của y. Nhiều thành phần cốt cán ủng hộ y trong đảng Cộng Hòa đều tin những lời dối trá này; giới lãnh đạo đảng của y đã chịu khuất phục trước thế lực bất lương trong đảng họ.

    Vào mùa thu năm 2017, Lá Thư đầu tiên của tôi thuật lại bữa ăn trưa của tôi với Ed Rogers, người vận động hành lang chuyên nhiệp của đảng Cộng Hòa. Ông này kể lại lần nói chuyện giữa ông ta với Steve Bannon, lý thuyết gia chính tại Tòa Bạch Ốc của Trump mới bị sa thải dạo gần đây. Bannon nói với Rogers là “Có một số người nghĩ rằng họ phải bảo vệ đất nước này đối với Trump.” Ý của Bannon là chỉ trích những người của đảng Cộng Hòa không đủ lòng trung thành; Rogers xem sức chống đối Trump trong nội bộ đó là một trách nhiệm dù không vui vẻ gì. Xét về nhiều phương diện, đây là mối chia rẽ kéo dài suốt bốn năm: một guồng máy lâu đời của đảng Cộng Hòa một mặt ghê tởm Trump nhưng một mặt lại biện minh cho việc thuận theo Trump là đúng, một mặt sợ phải trả cái giá chính trị nhưng mặt khác cũng sợ cái giá đó còn cao hơn nhiều—cho chính họ và, có thể cho cả đất nước này—nếu không chống [Trump].

    Lá thư đó sẽ là chủ đề thường trực của cột báo này: Trump tấn công thẳng vào Washington và người ta cố chờ xem có bất cứ người nào trong đảng y có thể, hoặc sẽ, kềm chế y hay không. Câu hỏi này không bao lâu sau là có ngay câu trả lời. Câu trả lới là không. Đảng Cộng Hòa sẽ không [kềm chế y]. Họ tin rằng họ không thể bỏ Trump, là những người đã thử đều bị thất bại, và không có con đường chính trị nào trong đảng mà không đụng chạm đến những người trung thành với y ở mức độ nào đó. Họ đã chấp nhận phần thưởng của y, từ những lời tuýt khen ngợi và những khoản cắt giảm thuế đáng kể cho giới nhà giàu cho đến việc bổ nhiệm các thẩm phán có tư tưởng cực hữu để xoay chuyển luật pháp trong cả một thế hệ. Nhiều thành phần đã bắt đầu tự uốn nắn họ lại theo gương của y để có vẻ dân túy, thô lỗ hơn, thô thiển hơn. Từ lúc đó thì có thể nói vấn đề là không phải sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng nề hay không mà là cuộc khủng hoảng đó sẽ trầm trọng đến cỡ nào. Những vụ thất bại sụp đổ trong năm 2020 đã cho thấy được cuộc khủng hoảng này thực sự sẽ rất nặng nề. Nhưng khi Trump ra tái tranh cử trên lập trường chối bỏ mức độ nghiêm trọng của coronavirus—dù đã có hằng trăm ngàn người Mỹ bị thiệt mạng vì loại siêu vi khẩn này—Đảng [Cộng Hòa] không những vẫn tiếp tục ủng hộ y; mà còn đề cử y vì không có đối thủ nào trong đảng ra tranh với y.

    Trong suốt thời gian này, Trump vẫn tiếp tục là một dị nhân vừa vô lý vừa nguy hiểm. Y dành nhiều thì giờ để xem Hồ Ly Tin(3) và chơi gôn, và dù y huênh hoang là y biết vết tất cả mọi lãnh vực từ nguyên tử cho đến y khoa còn hơn cả các chuyên gia, y lại không hề tỏ ra quan tâm hay thích thú gì đối với những khía cạnh tinh vi trong vấn đề cai trị. Y đưa những kẻ nịnh hót vào làm việc với y và y dốt nát về lịch sử đến mức y đã tỏ ra ngạc nhiên thực sự khi khám phá ra là Abraham Lincoln là đảng viên Cộng Hòa. Những người chỉ trích y mãi vẫn không thể quyết định được, ít nhất là cho đến khi phải hứng chịu các tai họa vào năm 2020 mới buộc lòng phải chọn dứt khoát, Trump là một thằng hề hay là Caligula(4) của thời đại này. Thậm chí mãi đến lúc xảy ra cuộc bạo loạn tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội mà nhiều người trong số những người chỉ trích y nặng nề nhất cũng vẫn chưa chắc được là một kẻ mà họ đã biết là bất tài và vô kỷ luật cũng như hoàn toàn không biết gì về sách lược lại có thể phá hoại nền dân chủ của Mỹ nặng nề đến thế.

    Trong tuần này, khi tôi hỏi những người theo dõi Tuýt của tôi là họ ghi nhớ điểm gì nhất về những chuyện không thể tưởng tượng nổi của ngôi vị Tổng Thống này, tôi đã nhận được hơn ba ngàn câu trả lời. Tuy một số nhớ đến các quyết định thảm hại, thường không hiểu nổi, về chính sách của Trump—phân ly trẻ em với cha mẹ tại biên giới phía nam, tin Vladimir Putin hơn các cơ quan tình báo của chính y, cho là có “những người rất đàng hoàng tử tế” ở cả hai bên trong cuộc biểu tình của nhóm da trắng độc tôn tại Charlottesville—nhiều người khác cũng nêu ra các trò quái dị đã chứng kiến trong ngôi vị Tổng Thống của y.

    Họ nhớ đến vụ y muốn đổi Puerto Rico để lấy Greenland và hủy bỏ chuyến công du sang Đan mạch, vì nổ cơn giận dỗi khi Đan Mạch không chịu bán cho y(5). Và lúc y hướng dẫn một buổi họp trại Nam Hướng Đạo cùng reo hò câu “Nhốt bà ta lại” để nhắm vào Hillary Clinton. Và vụ “Sharpiegate,(6)” khi Tổng Thống này nhất mực nói sai là một cơn bão sắp thổi đến Alabama rồi tìm cách lấp liếm sai lầm này bằng cách dùng bút lông mực đen vẽ lại hướng đi của cơn bão trên bản đồ. Một người gọi các phản ứng qua lại này là “đi lại con đường xưa em đi—nếu Con Đường Xưa đó là một con đường trong Thành Phố Ác Mộng(7)”. Về phần tôi, tôi thường nhớ lại chuyện Trump đưa ra lời cảnh cáo về một tin ngụy tạo là có một đoàn người di dân bất hợp pháp đang trên đường “xâm lược” tiến về biên giới phía nam ngay trước khi có cuộc bầu cử bán kỳ vào năm 2018—và đưa quân đội thật của Hoa Kỳ đến trấn giữ biên giới. Tất cả những vụ này tạo thành tình trạng hỗn loạn, hài hước rẻ tiền, và là chuyện xấu hổ cả nước chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ.

    Những việc làm kinh hoàng nhất của Trump có tác động trực tiếp khiêu chiến với luật pháp và tiêu chuẩn áp dụng cho ngôi vị Tổng Thống, khi y toan tính chuyện bành trướng quyền hạn hành pháp và đồng thời công kích những người có nhiệm vụ thực thi quyền hạn đó cho y. Vì ám ảnh với chuyện đánh bại Biden mà y đã trở thành Tổng Thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị Hạ Viện Hoa Kỳ luận tội hai lần. Trong lần xét xử cáo trạng luận tội thứ nhất, sau khi y gây áp lực với Ukraine để tìm kiếm những chuyện gây ô nhục đến thanh danh của Biden, thì chỉ có một thượng nghị sĩ duy nhất của đảng Cộng Hòa, Mitt Romney, bỏ phiếu kết tội y. Trong lần này, có thể có thêm vài thượng nghị sĩ nữa của đảng Cộng Hòa cuối cùng sẽ phải từ bỏ y, sau khi y sách động một đám nổi loạn để đám này tin rằng bằng một cách nào đó Quốc Hội có thể chống lại Hiến Pháp để lật ngược số phiếu Cử Tri Đoàn thắng cử của Biden. Vào hôm Thứ Ba, ngày cuối cùng tại vị của Trump, Mitch McConnell, Lãnh Tụ Phe Đa Số tại Thượng Viện, người đã làm đủ chuyện cho đến mãi tháng này để giúp Trump ngồi trên ghế Tổng Thống, đã tuyên bố dứt khoát là cuộc nổi loạn tại Tòa Nhà Quốc Hội là “do Trump sách động.” Nhưng xét cho cùng thì chuyện McConnell từ bỏ Trump vào phút cuối có thể không còn bao nhiêu ý nghĩa hoặc hoàn toàn vô giá trị. Trump giờ có thể phải chịu nhiều hậu quả, nhưng chỉ sau khi chúng ta phải gánh hết thảm họa trong bốn năm qua.

    Dĩ nhiên trong lịch sử các Tổng Thống Hoa Kỳ cũng có những trường hợp thất bại như Trump. Woodrow Wilson đã làm hỏng việc đối phó với cơn đại dịch 1918; L.B.J. và Richard Nixon đã nói dối với người dân Mỹ về Việt Nam và nhiều chuyện khác. Bill Clinton và Andrew Johnson đã bị luận tội; nhiều Tổng Thống cũng là những kẻ triệt để mù quáng và hay ve vãn đàn bà. Nhưng không có người nào trước Trump lại cùng lúc ôm hết tất cả những cái xấu xa đó trong người, và cuối cùng Trump sẽ phải mang theo cái mặt mốc(8) mãi mãi về Mar-a-Lago.

    Vào ngày trước ngày lễ nhậm chức của y, cách đây đúng bốn năm, Trump đứng trước cảnh bắn pháo bông rực rỡ tại Đài Tưởng Niệm Lincoln. Y tuyên bố: “Chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau. Chúng ta sẽ làm cho Mỹ Quốc vĩ đại trở lại—và, tôi sẽ làm thêm nữa, vĩ đại hơn bao giờ hết.” Lịch sử sẽ lạnh lùng ghi rõ về việc này: y đã không làm thế.

    Source: https://www.newyorker.com/news/lette...led-presidency
    __________________________
    (1) Bản cáo phó đăng trước 12 giờ trưa ngày 20 Tháng Giêng, 2021
    (2) https://www.newyorker.com/news/lette...-is-on-purpose
    (3) Fox News
    (4) là đại đế thứ ba của đế quốc La Mã, một bạo chúa điên khùng.
    (5) Muốn mua Greenland thì phải hỏi… Greenland chứ Đan Mạch không có quyền bán buôn Greenland! Đan Mạch tuy vẫn giữ quyền về chính sách đối ngoại, an ninh và hiệp ước quốc tế cho Greenland nhưng Greenland có Thủ Tướng riêng, và ông này đã lên tiếng nhấn mạnh là không có chuyện rao bán Greenland. Và nếu có đi nữa thì phải hỏi ông ta – chứ không phải hỏi Đan Mạch.
    (6) Đọc thêm về vụ vẽ lại bản đồ bằng bút lông (sharpie) này ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Hurric...ma_controversy
    (7) Câu diễn tả cảnh vật theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng là “nhớ lại chuyện cũ” và “những chuyện kinh hoàng”
    (8) “bẽ mặt”, “embarassment”





  5. #125
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864

    Thái Độ Diều Hâu Giả Tạo về Ngân Sách của Đảng Cộng Hòa


    Jeffrey Frankel


    Sau khi Donald Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc, nhiều người của đảng Cộng Hòa đột nhiên lại phát giác ra lại những mối nguy hiểm của tình trạng thâm thủng ngân sách, sau bốn năm rõ rệt là họ đã dửng dưng không đếm xỉa gì đến chuyện này. Đây là chuyện ai cũng thấy trước được: trong 45 năm qua, đảng Cộng Hòa đều làm như vậy mỗi lần đảng Dân Chủ thắng cử tổng thống.

    CAMBRIDGE – Một trong số nhiều ưu tiên của Tổng Thống Hoa Kỳ, Joe Biden, là phục hồi sinh khí cho một nền kinh tế xem chừng như đang chậm bước lại – xét theo các con số thống kê mới nhất về việc làm – từ khi bước sang năm 2021. Ngay cả dù cho COVID-19 có giảm bớt trong năm đi nữa, kèm với mức cầu đang dồn nén bấy lâu nay của người tiêu thụ, Hoa Kỳ vẫn gặp các khó khăn tức thời trong các lãnh vực như giáo dục, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tình trạng tài chánh của tiểu bang và địa phương, và nhất là chính cuộc chiến chống cơn đại dịch này.

    Vì thế Biden đã loan báo một “Kế Hoạch Cứu Mỹ Quốc” trị giá $1.9 ngàn tỷ(1). Hơn nữa, cũng hiếm khi có người nào trong số các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố thành thật trong khi vận động tranh cử là ông ta sẽ tiếp tục chi tiêu theo khuynh hướng thâm thủng ngân sách vượt kỷ lục dạo gần đây, mặc dù ông ta cũng có kế hoạch tăng thuế đối với giới giàu có. Đa số các kinh tế gia đều tán thành việc bành trướng tài khóa này, vì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn cao, lạm phát vẫn thấp, và lãi suất rất thấp.

    Nhưng sau khi Donald Trump đã ra khỏi Tòa Bạch Ốc, nhiều người của đảng Cộng Hòa đột nhiên lại phát giác ra lại những mối nguy hiểm của tình trạng thâm thủng ngân sách, sau bốn năm ai cũng thấy rõ là họ hoàn toàn dửng dưng không đếm xỉa gì đến nạn này. departed the White House. Đây là vấn đề hoàn toàn thấy trước được: trong 45 năm qua, đảng Cộng Hòa đều gia tăng mức chi tiêu như vậy mỗi lần đảng Dân Chủ thắng cử tổng thống.

    Thật ra, chúng ta có thể nhận định thành ba chu kỳ dài, trong mỗi chu kỳ này người đảng Cộng Hòa đều đổi ngược hẳn thái độ chống đối dữ dội tình trạng thâm thủng ngân sách sau khi họ chiếm được ghế tổng thống: các thập niên 1980, 1990-2008, và 2009-20.

    Vào cuối thập niên 1970, chính quyền của Tổng Thống Dân Chủ là Jimmy Carter đã để cho thâm thủng ngân sách, cũng giống như hầu hết các tổng thống tiền nhiệm của ông ta đã làm. Đối thủ của ông ta bên phía Cộng Hòa, Ronald Reagan, đã công kích những mức thâm thủng này trong cuộc vận động tranh cử năm 1980 và trong bài diễn văn nhậm chức sau đó. Ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái, Reagan cũng nhấn mạnh đến nhu cầu phải giảm bớt số nợ quốc gia của Hoa Kỳ, lúc đó lên gần $1 ngàn tỷ, “bắt đầu từ hôm nay.(2)”

    Nhưng sau khi Reagan trở thành tổng thống, ông ta và Quốc Hội Hoa Kỳ dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Hòa đã tung ra một chương trình cắt giảm thuế sâu rộng trong ba năm. Và thay vì bù đắp số thu nhập giảm sút bằng cách giảm bớt chi tiêu, họ lại tăng ngân sách quân sự. Vì thế, Hoa Kỳ đã bắt đầu bị thâm thủng ngân sách ở những mức kỷ lục.

    Những lần thâm thủng này đã nâng số nợ quốc gia hơn gấp ba đến $3 ngàn tỷ vào lúc Reagan hết nhiệm kỳ năm 1989. Nhưng ngay cả sau khi nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi hoàn toàn sau những kỳ suy thoái kinh tế 1980-82, người kế nhiệm của Reagan, George H.W. Bush – ông này đã nổi tiếng vì những lời cam kết là “hãy nghe kỹ lời tôi nói: không tăng thuế” khi ông ta chấp thuận lời đề cử của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống vào năm 1988 – xem ra không lo ngại về tình trạng thâm thủng ngân sách. Số nợ quốc gia lên đến $4 ngàn tỷ khi Bush rời ghế tổng thống vào năm 1993, chỉ sau một nhiệm kỳ.

    Chu kỳ thứ nhì thật ra đã bắt đầu vào năm 1990, khi Bush từ bỏ lời cam kết của mình trước đó về thuế khóa để đạt được một thỏa thuận về ngân sách với đảng Dân Chủ tại quốc hội hầu đối phó với vấn đề thâm thủng đã trì hoãn quá lâu. Đây là lần cuối cùng có bất cứ tổng thống nào của đảng Cộng Hòa có nỗ lực muốn tôn trọng cái nhãn hiệu bảo thủ tài khóa, và nhiều người trong đảng Cộng Hòa đã không bao giờ tha thứ cho Bush về tội phản bội lời cam kết của ông ta về thuế(3).

    Bill Clinton, thuộc đảng Dân Chủ, không hề vận động tranh cử trên lập trường chống thâm thủng ngân sách vào năm 1992, nhưng khi đắc cử, ông ta đã được thuyết phục dành ưu tiên cho trách nhiệm tài khóa. Vậy mà, vào năm 1993, các dân biểu nghị sĩ quốc hội của đảng Cộng Hòa lại đồng thanh chống đối kế hoạch “có đến đâu tiêu đến đó” (PAYGO) của Clinton – kế hoạch này tiếp tục chính sách của Bush sau năm 1990 – nhằm để có một con đường giảm thiểu thâm thủng. (Theo PAYGO, bất cứ ai muốn cắt giảm thuế hoặc gia tăng chi tiêu đều phải đề nghị khoản bù đắp ở chỗ khác trong ngân sách.) Đảng Cộng Hòa tiên đoán là các chính sách tài khóa của Clinton sẽ làm chậm lại mức tăng trưởng và tăng thêm mức thâm thủng, và tiếp tục chống đối các chính sách ngay cả khi mức phục hồi kinh tế của thập niên 1990 kéo dài đến mức kỷ lục, kèm với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% và thặng dư ngân sách vào khoảng cuối thập niên đó.

    Con của tổng thống Bush, George W. Bush, để cho các điều khoản PAYGO hết hạn sau khi trở thành tổng thống vào năm 2001. Trong năm đó và tiếp tục vào năm 2003, ông Bush con đã áp dụng đường lối của Reagan bằng các khoản giảm thuế lớn lao. Ông ta cũng gia tăng mức chi tiêu của liên bang trong nhiệm kỳ đầu, nhiều gấp bốn lần mức gia tăng chi tiêu của Clinton – không những chỉ cho quốc phòng mà chi tiêu cho cả các lãnh vực quốc nội. Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5% trong năm 2005, Bush đã bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo là việc chi tiêu thâm thủng ngân sách nặng nề trong thời gian phục hồi kinh tế sẽ đưa đến tình trạng không còn bao nhiêu chỗ để đối phó khi lâm vào tình trạng suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế sau này. Trước đó ba năm, được biết phó tổng thống của ông ta, Dick Cheney, có nói rằng: “Reagan đã chứng tỏ là thâm thủng ngân sách không quan trọng.” Số nợ quốc gia đã tăng thêm $4 ngàn tỷ nữa.

    Chu kỳ thứ ba bắt đầu khi Barack Obama nhậm chức vào Tháng Giêng 2009. Cuộc khủng hoảng về vay mượn tài trợ gia cư đã gây ra suy thoái kinh tế hồi Tháng Mười Hai 2007, và đến đầu năm 2009 thì nền kinh tế của Hoa Kỳ đã bị suy thoái trầm trọng nhất kể từ thập niên 1930 đến giờ. Dù vậy đi nữa, không có dân biểu nghị sĩ nào của đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cho kế hoạch thúc đẩy tài khóa của Obama.

    Sau khi đoạt lại quyền kiểm soát Hạ Viện Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử bán kỳ năm 2010, đảng Cộng Hòa đã ngăn chặn không để cho tiếp tục chính sách thúc đẩy kinh tế nữa, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn nằm ở mức khoảng 9%. Thời điểm này cho thấy được là biện pháp thúc đẩy đã giúp cho nền kinh tế phục hồi trong nửa năm đầu 2009, và khi ngăn chặn biện pháp này sau năm 2010 thì làm giảm đi tốc độ phục hồi sau đó.

    Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, Trump đã đả phá những mức thâm thủng ngân sách của Obama, và nói rằng ông ta sẽ quân bình ngân sách “nhanh chóng” nếu đắc cử. Trump còn nói là sẽ có thể trả hết số nợ quốc gia.

    Nhưng sau khi vào Tòa Bạch Ốc, Trump lại theo con đường chính sách đã mòn lối của những người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng Hòa, được quốc hội thông qua một khoản giảm thuế vào năm 2017 phần lớn có lợi cho giới giàu có và theo dự liệu sẽ tốn $1.9 ngàn tỷ sau mười năm. Mức chi tiêu cũng gia tăng, dù nền kinh tế đang ở cực đỉnh của chu kỳ vận hành thương mại. Mức thâm thủng ngân sách vượt quá $3 ngàn tỷ trong năm 2020 (còn nhiều hơn gấp đôi kỷ lục trước). Số nợ quốc gia của Hoa Kỳ đang là $27 ngàn tỷ, nay sẽ vượt quá 100% tổng sản lượng quốc nội lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến II.

    Hoa Kỳ nay đang bước vào chu kỳ thứ tư. Trước các lãi suất thấp kỷ lục hiện nay, tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy liên bang có ý muốn vay mượn thêm nhiều để tài trợ cho các lý tưởng xứng đáng, từ việc đánh bại COVID-19 cho đến đầu tư vào hạ tầng cơ sở và giáo dục. Nhưng Biden cần phải hành động nhanh chóng để bảo đảm phục hồi kinh tế Hoa Kỳ, vì những người của đảng Cộng Hòa, nếu cũng vẫn làm theo thói cũ như đã tiên liệu khi họ không cầm quyền, sẽ ra sức chống đối đến cùng các đề nghị chi tiêu của ông ta.


    Feffrey Frankel, Professor of Capital Formation and Growth at Harvard University, previously served as a member of President Bill Clinton’s Council of Economic Advisers. He is a research associate at the US National Bureau of Economic Research.

    Source: https://www.project-syndicate.org/co...ps=&a_ms=&a_r=

    ___________________
    (1) Kế hoạch này gồm có gì: https://www.cnn.com/2021/01/14/polit...lus/index.html
    (2) Bài Diễn Văn Nhậm Chức Đầu Tiên của Ronald Reagan: https://avalon.law.yale.edu/20th_century/reagan1.asp
    (3) Đọc thêm ở đây: https://voxeu.org/content/lesson-geo...s-tax-reversal

  6. #126
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Tôi đã dạy Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley và Ted Cruz ở trường luật. Rõ ràng họ đã không chú ý nghe giảng bài

    William N. Eskridge Jr.,


    Như lời Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney (R-Utah) đã nói, không phải chỉ có Tổng Thống Donald Trump mới phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm chiếm Tòa Nhà Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng nhằm ngăn chặn công việc kiểm phiếu Cử Tri Đoàn của Quốc Hội, mà những kẻ “phản đối kết quả bầu cử dân chủ chính đáng và hợp pháp này” cũng phải chịu trách nhiệm. Trong số những người này, Romney muốn nói đến các Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (R-Mo.) và Ted Cruz (R-Texas), cả hai đền đã từng học những lớp Luật của tôi tại Các Trường Luật Yale và Harvard.

    Những người tốt nghiệp từ các Trường Đại Học Ưu Tú này nay còn phóng đại thêm những lời rêu rao vô căn cứ của tổng thống là có gian lận cử tri khắp nơi — nhưng họ lại còn cố đào sâu thêm lời tố cáo điêu ngoa đó nữa bằng cách đóng vai ma cô dắt lối cho những người “tin là cuộc bầu cử vừa qua, mở ngoặc ‘đã bị sắp xếp gian lận,’” như lời Cruz rêu rao, và kèm theo các biện luận pháp lý nghe có vẻ thông thái nhằm chỉ trích các thẩm phán và tiến trình pháp lý. Họ biết tiến trình này đã diễn ra bình thường vì tôi đã dạy họ tiến trình này như thế nào. Không có lấy một vấn đề hiến định hoặc pháp định nào mà lại chưa được nhiều thẩm phán và các nhà hành chánh thuộc cả lưỡng đảng xem xét rồi bác bỏ.

    Luật Pennsylvania bị chỉ trích

    Tiểu bang then chốt này là Pennsylvania, là tiểu bang bị Hawley và Cruz, hai trong số bảy thượng nghị sĩ (cùng với 138 dân biểu Hoa Kỳ) bỏ phiếu phản đối Cử Tri Đoàn dân cử hợp pháp. Các dân biểu nghị sĩ phản đối này nói chung đều tránh né việc tố cáo là có gian lận. Thay vào đó họ chỉ lập luận là các điều luật áp dụng trong cuộc bầu cử tại Pennsylvania đều không có giá trị pháp lý. Biện luận của họ đã khinh thường tiến trình pháp lý do Hiến Pháp và luật pháp thành lập và được các thẩm phán diễn giải trong tinh thần trách nhiệm.

    Thượng Nghị Sĩ Hawley cho rằng Quốc Hội Hoa Kỳ là diễn đàn thích hợp để nêu lên những mối lo ngại là đạo luật năm 2019 của viện lập pháp Pennsylvania nhằm mở rộng thêm cách bỏ phiếu bằng thư đã vi hiến tiểu bang. Luật này đã được viện lập pháp thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng Hòa thông qua và trước đây chưa hề bao giờ bị phản đối cho đến mãi sau khi kết thúc cuộc bầu cử năm 2020.

    Vào ngày 28 Tháng Mười Một, 2020, Tối Cao Pháp Viện Pennsylvania đã đồng thanh đưa ra phán quyết trong vụ Kelly v. Commonwealth là đã quá muộn để nộp đơn kiện phản đối sau khi đã bầu cử xong. Nếu cho phép phản đối là sẽ tước đi quyền bầu cử của hằng triệu cử tri đã tuân hành luật này để bỏ phiếu, điểm này cũng đã được Thẩm Phán Stephanos Bibas do Trump bổ nhiệm nêu ra trong một vụ kiện liên hệ ở cấp liên bang. Chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ lại có một tòa kháng cáo của tiểu bang hoặc liên bang đưa ra phán quyết hồi tố để tước đi quyền bầu cử của cử tri tại một tiểu bang vì lý do như thế cả.

    Hiến Pháp không giao quyền cho Quốc Hội phân xử các cuộc bầu cử của tiểu bang về việc có tuân hành đúng luật tiểu bang hay không. Điều I, đoạn 4 [của Hiến Pháp Hoa Kỳ] giao cho các viện lập pháp tiểu bang quyền ấn định “Ngày Giờ, Địa Điểm và Cung Cách” tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội, và Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ có quyền đặt quy chế kiểm soát bằng cách thông qua các đạo luật. Điều II, đoạn 1 quy định rằng cử tri đoàn tổng thống tại mỗi tiểu bang được chọn ra “theo Cung Cách do Viện Lập Pháp Tiểu Bang đó có thể ấn định,” chứ không phải theo ý muốn của Quốc Hội Hoa Kỳ.

    Tính cách chính đáng giả tạo của những lời tố cáo là bầu cử gian lận

    Các dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ của đảng Cộng Hòa tiếp nối lập luận của Hawley khi thấy rõ là lập luận này đã sai: Họ nói rằng tổng thư ký Tiểu Bang(1) và Tối Cao Pháp Viện (tiểu bang), theo lời Dân Biểu Fred Keller (Cộng Hòa-Pa.) đã “tiếm đoạt vai trò của viện lập pháp khi diễn giải đạo luật năm 2019 là cho gia hạn thêm ba ngày (sau ngày bầu cử) để nhận lá phiếu bầu bằng thư.

    Trong vụ kiện Đảng Dân Chủ Pennsylvania v. Boockvar, Tối Cao Pháp Viện Pennsylvania đã áp dụng lịch trình pháp định cho lá phiếu bầu bằng thư trong một môi trường nhiễm đầy COVID và sau khi Bưu Điện loan báo là dịch vụ đưa thư sẽ bị chậm trễ. Áp dụng các quy tắc diễn giải luật lệ do viện lập pháp ban hành, kể cả lời khuyến cáo là tòa án nên áp dụng các đạo luật hầu tránh các vấn đề hiến định, Tối Cao Pháp Viện đã kết luận là “lập pháp có ý định” cho phép linh động trong các trường hợp khẩn cấp.

    Như các cựu sinh viên của tôi là Cruz và Hawley cũng biết, việc diễn giải luật lệ theo các quy tắc đã được ấn định không phải là “tiếm đoạt.” Dưới quyền lãnh đạo của Chánh Thẩm John Roberts, cũng là thẩm phán mà Hawley đã từng làm phụ tá cho ông ta, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã hai lần bác đơn của đảng Cộng Hòa trong vụ Boockvar.

    Vậy thì tại sao lại cứ muốn đem ra trước quốc hội những lập luận pháp lý để phản đối tiến trình của Pennsylvania sau khi đã nhiều lần thua kiện ở tòa? Hầu như tất cả các lập luận dựa theo hiến pháp và luật pháp của các thượng nghị sĩ Hawley và Cruz đều đã bị các thẩm phán Cộng Hòa cũng như Dân Chủ bác bỏ. Chính họ cũng như các dân biểu Hạ Viện phản đối đều không nêu ra được bất cứ tài liệu văn kiện nào trong hiến pháp tiểu bang hoặc bộ luật diễn giải luật lệ của tiểu bang. Những bản tin báo chí và lời tố cáo của họ đã hà thêm hơi chính đáng giả tạo cho những lời sách động của tổng thống — những lời sách động đưa đến chuyện có bom cất trong xe đậu ở gần Đồi Capitol và một cuộc nổi loạn lịch sử làm cho ít nhất là năm người bị thiệt mạng.

    Hành vi xấu xa này của họ gây thành một tiền lệ xấu xa cho Quốc Hội Hoa Kỳ, trong khi quốc hội chưa bao giờ đặt nghi vấn về các thủ tục bầu cử của tiểu bang sau khi đã được tiến trình tư pháp xem xét kỹ đến thế.

    Từ nay trở đi, những kẻ cay cú vì thua cử trong tương lai có thể cảm thấy mạnh dạn tự nhiên đâm đơn khiếu nại kiện tụng trong năm bầu cử. Công việc đếm phiếu bầu tổng thống của quốc hội, vốn chỉ là một nghi thức đánh dấu việc chuyển giao quyền hành êm thắm, có thể trở thành một chiến hào khác trong cuộc chiến đảng phái cực đoan hoặc, tệ hơn nữa, cứ mỗi bốn năm lại trở thành một dịp để phá hoại nền dân chủ của chúng ta.

    William N. Eskridge Jr. is the John A. Garver Professor of Law at the Yale Law School. His most recent book is "Marriage Equality: From Outlaws to In-Laws" (Yale Press 2020) (co-authored with Christopher Riano).

    Source: https://www.usatoday.com/story/opini...mn/6637589002/
    ___________
    (1) Secretary of State: Chức vụ này là của tiểu bang và có nhiệm vụ tương tự như bộ trưởng nội vụ.

  7. #127
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864

    Ngỡ rằng đảng Cộng Hòa đã có thể tỏ ra tự trọng phần nào. Nhưng hóa ra giờ lại bò về với Trump.

    by Editorial Board (Washington Post)



    Trong thoáng chốc Đảng Cộng Hòa trông tựa hồ có thể xua đuổi được âm hồn cựu tổng thống Donald Trump. Sau bốn năm tận tụy phục tùng, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Hòa nay đã nói thật. Lãnh Tụ Phe Thiểu Số Thượng Viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Ky.) tuyên bố là ông Trump đã “sách động” cuộc nổi loạn tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, sau khi đã “nhồi nhét những lời dối trá” vào đầu đám người nổi loạn. Lãnh Tụ Phe Thiểu Số Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-Calif.) thì nói rằng ông Trump “phải chịu trách nhiệm” vì không chịu lên tiếng ngăn cản đám nổi loạn. Nghe nói còn có thể có đủ số thượng nghĩ sĩ Cộng Hòa sẵn sàng hợp tác với các nghị sĩ Dân Chủ để kết tội cựu tổng thống này trong phiên xử luận tội.

    Vài ngày sau ngắn ngủi, khoảng thời gian minh bạch này xem chừng như lại sắp kết thúc. Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Hòa đang lê lết bò về lại với ông Trump. Lời dối trá trắng trợn về chuyện gian lận bầu cử cũng vẫn còn tiếp diễn. Thật là một khúc rẽ bi thảm cho một chính đảng mà một thời đã từng là đảng lớn có uy tín.

    Chưa đầy ba tuần sau khi đám nổi loạn của ông Trump tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội, ông McCarthy hôm Thứ Năm vừa qua đã mò đến tận Mar-a-Lago, nhà của cựu tổng thống này tại Florida, để khấu đầu nâng tay hôn nhẫn ông Trùm. Mục tiêu hiển nhiên là để hằn gắn lại mối liên hệ với ông Trump sau khi ông McCarthy đã công nhận qua loa về tội của ông Trump. Chuyến viếng thăm này kết thúc một vòng xin lỗi để lãnh tụ phe thiểu số Hạ Viện rút lại lời chỉ trích ông Trump, để nói lại là không phải chỉ có riêng cựu tổng thống mà “tất cả mọi người trong đất nước này” đều có một phần trách nhiệm về cuộc nổi loạn tại Tòa Nhà Quốc Hội.

    Ông McConnell đã tránh né cái cảnh thảm hại đó. Ông ta cho các phóng viên biết là ông ta không có liên lạc gì với cựu tổng thống từ hồi giữa Tháng Mười Hai đến giờ, và được biết ông ta không muốn nói chuyện với ông Trump nữa. Nhưng hôm Thứ Ba ông ta lại gạt bỏ các dấu hiệu cho thấy ông ta có thể bỏ phiếu để kết tội cựu tổng thống này trong phiên xử luận tội sắp tới tại Thượng Viện — mà thật ra ông ta còn tỏ ý cho thấy là ông ta không hề nghĩ là nên có phiên xử này. Lãnh tụ phe thiểu số Thượng Viện đã bỏ phiếu để đòi bàn cãi xem vấn đề xét xử ông Trump sau khi đã rời khỏi chức vụ có hợp hiến hay không. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã đưa ra vấn đề này để tránh phải nêu lập trường quả quyết là những việc làm sai trái của ông Trump có đáng bị trừng phạt bằng cách kết tội hay không. Ông McConnell giờ đã đồng lòng với việc tránh né đó. Đảng Cộng Hòa không những đã không tách khỏi ông Trump mà ông McConnell còn cho thấy được các thượng nghị sĩ Cộng Hòa vẫn còn sợ Trump như thế nào.

    Một số người của đảng Cộng Hòa đã tỏ ra can đảm hơn để tranh đấu hầu loại khỏi đảng của họ một tổng thống tệ mạt nhất thời nay của đất nước này.Republicans mustered more strength in the fight to rid their party of the nation’s worst modern president. Chủ Tịch Đại Hội Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện Liz Cheney (Wyo.), Dân Biểu Adam Kinzinger (Ill.) và tám Dân Biểu khác của đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu đồng ý luận tội ông Trump. Nay bà Cheney đã có đối thủ hữu khuynh của đảng ra tranh cử sơ bộ với bà ta và kêu gọi bà ta phải từ nhiệm vai trò lãnh đạo tại Hạ Viện, còn ông Kinzinger thì thẳng thắn thú nhận là phiếu luận tội của ông ta có thể “cắt đứt” sự nghiệp chính trị của ông ta.

    Những người Cộng Hòa nên tự hỏi: Họ áp dụng nguyên lý nào để cúi đầu thần phục một người đã bị đất nước này bác bỏ? Vì sao họ lại có thể tiếp tục bào chữa cho toan tính lật đổ kết quả bầu cử công bằng và tự do? Ngồi ghế Thượng Viện, hoặc trở thành chủ tịch Hạ Viện còn có giá trị gì nữa nếu họ vẫn liên tục tự xỉ nhục mình trước một kẻ tiểu nhân, bất lương lèo lái đảng của họ đi vào cõi hư vô?

    Họ đã có cơ hội, sau ngày 6 Tháng Giêng, để từ bỏ tương lai thu hẹp của họ là một đảng dối trá và tước quyền bỏ phiếu của cử tri để một lần nữa cố củng cố hình ảnh của đảng với người dân bằng cách hậu thuẫn cho lý tưởng tích cực nào đó. Tiếc thay, họ đã bỏ qua cơ hội đó.

    Source: https://www.washingtonpost.com/opini...146_story.html

  8. #128
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Tôi đã hành nghề luật mấy chục năm nay. Khi tôi đọc bản biện hộ trong vụ luận tội Trump, tôi bật cười không ngừng nổi.

    Các luật sư của Trump nói cùng một thứ theo ba cách khác nhau, mà vẫn không hề trích dẫn được bất cứ thẩm quyền nào hoặc đưa ra được lập luận nào cho mạch lạc

    By Eric Lewis


    Trong những năm tôi là giáo sư luật và hành nghề luật, tôi đã đọc hằng ngàn bản biện luận của sinh viên luật và luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm. Những bản biện luận này thuộc đủ mọi trình độ, hay cũng có, dở cũng có, nhưng tôi sẽ phải khó khăn lắm mới nhớ nổi có bản biện hộ nào lại có thể kém cỏi bất tài hơn bản lập luận của toán luật sư biện hộ cho Donald Trump hay không, khi họ biện hộ cho một thân chủ mà họ nhất định phải gọi là “Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 45” mới được.

    Dòng chữ đầu tiên trong bản biện luận này là gửi cho “the Honorable, the Members of the Unites State Senate.”(1) Ngay dòng đầu tiên này có lẽ người ta đã nhìn thấy được ba lỗi. Không cần phải có dấu phẩy thứ nhất, hoặc “the” trước chữ “Members”. Lẽ ra chỉ cần viết “The Honorable Members” là đủ. Và trừ trường hợp thế giới pháp lý khác của Trump đang thỉnh cầu các thượng nghị sĩ của một nước Mỹ khác, thì “s” ở cuối chữ “Unite” sẽ là lỗi thứ ba trong dòng này.

    Unites” dù không đúng ở đây nhưng ít nhất cũng là một chữ, tức là đặc điểm kiểm chính tả tự động sẽ không nhận ra được [là sai trong trường hợp này]. Nhưng nếu vậy thì chẳng lẽ không có ai đọc dòng đầu tiên trong bản biện hộ sẽ nộp thay mặt cho cựu tổng thống Hoa Kỳ này trong một phiên xử luận tội hay sao? Và điều đáng nói nữa là, người ta lại thấy cùng lỗi này ở trang chín: “The Honorable, the Members of the Unites States Senate.” Vậy thì toán luật sư mới này rõ ràng biết chép câu cũ để dùng lại ở chỗ khác, nhưng xem ra thì không ai buồn ngó lại dòng chữ này khi họ lại sử dụng kiểu văn từ kỳ quái này thêm một lần nữa.

    Rồi đến chuyện dài ngắn của bản biện hộ. Bản này tổng cộng có mười bốn trang và được dùng để trả lời cáo trạng pháp lý dầy 80 trang của các dân biểu Hạ Viện phụ trách vụ luận tội Trump. Nếu đây là trận đấu quyền Anh, thì trận này ắt đã bị ngưng khi vừa đến đầu trang hai.

    Thế nhưng, các luật sư của “Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 45” vẫn tiếp tục.

    Họ nêu ra lập luận của các luật sư khác có khả năng hơn là không thể bãi nhiệm một viên chức Hoa Kỳ sau khi họ không còn tại chức nữa. Chuyện này có thể đem ra bàn cãi sâu rộng hơn, nhưng không thấy có bằng chứng nào trong sách vở tài liệu hoặc hoạt động nào kể từ thời Các Nhà Lập Quốc đến giờ có thể hậu thuẫn cho lập trường này. Nếu không thì kẻ âm mưu đảo chánh và nổi loạn thối nát nhất có thể thấy được đồng bọn của y có thất bại hay không rồi rời nhiệm sở trước khi bị mở phiên luận tội.

    Các luật sư của Trump không những chỉ nêu ra lập luận này, mà họ còn lặp lại nhiều lần: Họ viết rằng cáo trạng luận tội là “void ab initio”(2), và “điều bất hợp lệ về mặt pháp lý”, và “vô nghĩa”. Tất nhiên, họ được chấm cho vài điểm vì biết dùng tiếng La Tinh ở đây, nhưng thật ra họ vẫn nói về cùng một thứ theo ba cách khác nhau, mà không hề trích dẫn được bất cứ thẩm quyền nào hoặc đưa ra được lập luận nào cho mạch lạc.

    Từ đó, họ áp dụng những cách bênh vực mà nếu sinh viên luật của tôi lôi ra áp dụng thì ắt đã không được lên lớp. Họ xác quyết là nếu Thượng Viện kết tội Trump, thì hành động đó sẽ “tạo thành một Bill of Attainder”(3) theo Hiến Pháp. Lời trích dẫn này thì đúng, nhưng điều khoản của Bill of Attainder không liên quan gì đến tiến trình luận tội. Bill of Attainder là một đạo luật của viện lập pháp để trừng phạt mà không cần tư pháp xét xử. Chẳng hạn như trước khi có Hiến Pháp, các viện lập pháp thuộc địa sẽ thông qua một đạo luật nói rằng ông X đã phạm tội phản quốc; ông ta phải bị xử tử ngay. Cũng giống như lời tuýt của Marjorie Taylor Greene(4), nhưng có thẩm quyền pháp lý. Những Nhà Soạn Hiến Pháp sau đó nói rằng không được áp dụng cách này nữa.

    Trường hợp này không có nghĩa là Trump không thể bị kết tội và bãi nhiệm. Hiến Pháp quy đinh rõ ràng là Hạ Viện có nhiệm vụ luận tội và Thượng Viện xét xử. Đây là một tiến trình chính trị; chứ không phải biện pháp trừng phạt của viện lập pháp. Lập luận biện hộ này hoàn toàn không đúng.

    Các luật sư của Trump xem ra cũng tự xem họ là những người tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, một lý tưởng mà chính Trump rất ủng hộ khi quyền tự do ngôn luận đó là quyền của y. Nhưng khi CNN hoặc NBC chỉ trích y thì y muốn tước đi giấy phép hành nghề của họ. Và y cho là y có thể chặn lại số tài trợ cho Bộ Quốc Phòng để bắt chẹt Quốc Hội mà hủy bỏ điều khoản miễn trừ(5) cho các phương tiện xã hội khi các thực thể này chất vấn những lời dối trá nguy hiểm của y. Nhưng nay y chỉ muốn ủng hộ Tu Chính Án Thứ Nhất “độc nhất trên quả đất” này của chúng ta để bảo vệ loại “ngôn luận đáng tởm.”

    Sách động hằng ngàn người tiến vào Tòa Nhà Quốc Hội trong khi cơ quan này đang đếm phiếu cử tri đoàn hoàn toàn không phải là ngôn luận. Lời sách động này là hành vi khuyến khích có hành động phạm pháp, mà Tối Cao Pháp Viện đã xác nhận là một hành động bằng lời không được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ.

    Các luật sư của Trump vẫn khăng khăng nói rằng chuyện y nói y “thắng cử lớn” là đúng, và những lời y kêu gọi những kẻ ủng hộ y phải “đánh trí mạng vì nếu không thì chúng ta sẽ mất nước” không dính dáng gì đến Tòa Nhà Quốc Hội “vì rõ ràng lời này là nói về nhu cầu phải tranh đấu cho nền an ninh bầu cử nói chung.” Kiểu lập luận này chắc muốn nói là trong đầu y đã nghĩ như vậy khi y xúi giục một đám người đang ầm ầm phẫn nộ và đôi khi còn thấy rõ là có vũ trang tiến đến Tòa Nhà Quốc Hội, rồi y vẫn điềm nhiên ngồi yên trong khi số cảnh sát ít ỏi tại Tòa Nhà Quốc Hội đang bị tấn công và một nhân viên cảnh sát bị thiệt mạng và lực lượng tiếp viện Vệ Binh Quốc Gia đang bị cầm chân chưa tiếp viện được.

    Trong cương vị một luật sư khuyên một luật sư khác, đó là những sự kiện xấu xa. Hãy tránh xa những sự kiện đó.

    Nếu luận tội mà không có lý do chính đáng thì biện pháp điều chỉnh đúng là phải xem cáo trạng đó là void ab initio và là điều vô nghĩa về mặt pháp lý. Nhưng xét về khả năng hành nghề pháp lý, tôi đề nghị các vị 1) đọc bản biện luận của mình trước khi nộp, 2) tránh các biện luận rõ ràng là vặt vãnh phù phiếm về hiến pháp, và 3) đừng nhắc lại sự kiện là chính bồi thẩm đoàn của các vị đã trải qua một kinh nghiệm suýt chết do chính các vị gây ra.


    Eric Lewis is a human rights lawyer and a board member of the parent company that owns The Independent

    Source: https://www.independent.co.uk/voices...-b1797733.html
    ____________________
    (1) “The Honorable” là tiếng dùng trước danh xưng chính thức hoặc các chức vụ của thân hào nhân sĩ để bày tỏ lòng tôn kính, tương đương với “quý”, “cao quý”, hoặc “tôn quý” và không thể dịch được. Ngày nay trong tiếng Việt người ta thường thấy dịch loạn thành “ngài” sặc mùi khúm núm với “quan lại”. Quái hơn nữa là cái thứ gì cũng thành “ngài”. His/Her Excellency, The Right Honorable, His/Her Honor the Honorable, His/Her Honor, rồi tổng thống Huê Kỳ là His/Her Excellency the Honorable (tên tổng thống) President of the United States of America cũng thành “ngài” hết ráo!
    (2) void ab initio: sẽ bị xem là vô giá trị ngay từ đầu
    (3) Luật Trừng Phạt Không Do Tư Pháp Xét Xử
    (4) Tân dân biểu cực hữu của đảng Cộng Hòa chuyên rêu rao các thuyết âm mưu của Qanon
    (5) tức là miễn áp dụng Đạo Luật Truyền Thông Đứng Đắn (Communications Decency Act) cho các phương tiện xã hội theo Đoạn 230 của Đạo Luật này.

 

 

Similar Threads

  1. Luận Bàn Thế Sự
    By HaiViet in forum Thời Sự Trong Ngày
    Replies: 42
    Last Post: 12-17-2019, 03:51 PM
  2. Tư Bản Luận
    By Triển in forum Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật
    Replies: 0
    Last Post: 09-15-2017, 04:02 AM
  3. Dư Luận Viên
    By dấu lặng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 4
    Last Post: 07-24-2016, 04:25 PM
  4. Khoa Luận Giáo
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 4
    Last Post: 08-11-2013, 12:09 PM
  5. Trượt võ chuối..
    By honhảiâu in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 1
    Last Post: 01-12-2012, 09:53 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:38 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh