Buồn vui xứ người.

( Trủy Thủ )

Chú thích của tác giả :
Đây là 1 chuyện ngắn được sáng tác dưới dạng hồi ký . Một số chi tiết trong chuyến hải hành vượt biên là có thật , được thêm vào để tăng phần linh động cho câu chuyện . Những hình ảnh này được ghi nhận qua lời tường thuật của các thuyền nhân , những người đã trải qua 1 đoạn đời sóng gió để đến bến bờ tự do nơi chân trời mới .
Không gian : Bruxelles - Belgique
Thời gian : Tháng 6 năm 1985


Tôi đang ngủ ngon giấc thì nghe tiếng chuông điện reo vang . Còn đang mơ màng thì liên tiếp thêm 2 hồi chuông inh ỏi nữa làm tôi tỉnh hẳn , nhìn đồng hồ thấy mới có 8g20 ... “ Sáng thứ bảy mà tên cà chớn nào quấy rầy sớm vậy ta ? “ Tôi làu bàu trong miệng rồi bước tới cửa sổ , kéo màn nhìn xuống đường . Đứng dưới đó là thẳng Học , thấy tôi nó ngoắc tay lia lịa có vẻ khẩn trương lắm .

Trước khi kể tiếp câu chuyện này , tôi muốn dài dòng 1 chút vì sao tôi quen thằng Học :
Bốn năm trước đây , hai mẹ con tôi được móc nối xuống Rạch Giá để đi vượt biên theo diện bán chính thức . Khi tôi xuống ghe , mẹ tôi nắm chặt tay tôi mắt bà nhoà lệ : con đi bình an , ba con trong trại cải tạo không biết khi nào mới được về , mẹ phải ở lại để lo cho ổng .
Trên chiếc ghe này tôi đã gặp thằng Học và con Thắm , tụi tôi ngồi cạnh nhau trong ghe . Thằng Học cho biết vì gia đình con Thắm cương quyết không gả con gái cho cán bộ nên ưng thuận cho nó dẫn vợ chưa cưới vượt biên . Thằng này thua tôi 2 tuổi và làm thợ nề ở Long Xuyên . Trên ghe không thân quyến và đồng trang lứa nên tụi tôi thân nhau dễ dàng .
Ghe chúng tôi 29 người gồm đủ mọi lứa tuổi già trẻ lớn bé , đi được 4 bữa thì lương thực và nước uống cạn dần . Gặp tàu nào chạy xa xa , người trên ghe đều làm dấu hiệu cầu cứu nhưng họ đi tuốt luốt ! Tới trưa ngày thứ 5 thì có 1 chiếc tàu chạy về hướng ghe chúng tôi . Anh trưởng đoàn ra quyết định táo bạo và liều lĩnh : anh ta chỉ định thêm 2 người thanh niên bơi giỏi để xuống 1 cái thúng chèo ra chặn đầu tàu ngoại quốc nọ . Sau khi gom được mấy cái bi-đông rỗng - lúc trước đựng nước và nhớt máy - 3 người này xuống thúng chèo lềnh bềnh trên biển cả . Một lúc sau , tàu giảm tốc độ và đến gần , hụ còi ầm ĩ như để báo động cho chúng tôi tránh đường . Bất ngờ chiếc thúng bị lật , chắc có lẽ do cơn sóng của tàu khi tiến gần , 3 con người anh hùng này nhờ có mấy cái bi- đông nên còn dật dờ trên mặt nước. Thủy thủ trên tàu dùng loa phóng thanh kêu réo nhưng tụi tôi không ai hiểu gì cả. Lúc ấy chủ tàu lanh trí dùng nhớt máy vẽ lên bìa cạc-tông 3 chữ SOS rồi giăng lên . Chắc thấy tình cảnh của 3 người nổi trôi trên mặt biển và đám đàn bà trẻ con đang khóc la thê thảm nên 1 lúc sau xuồng phao cấp cứu được hạ thủy . Đây là 1 tàu dầu của người Bỉ trên đường về xứ , cho nên định mệnh đã xui khiến chúng tôi lưu lạc tới nơi đây , xin tỵ nạn chính trị và cũng xin nhận nơi này làm quê hương thứ hai .

Sau 2 tháng tạm trú trong 1 nhà thương tỉnh lẻ , tôi và vợ chồng thằng Học được 1 họ đạo ở Bruxelles bảo lãnh về thủ đô này . Thằng Học có nghề thợ nề nên được giới thiệu vào làm việc cho 1 công ty nhỏ chuyên môn sửa chữa nhà cửa , con Thắm vợ nó xin được chân phụ bếp trong 1 nhà hàng Tàu gốc ở Chợ Lớn . Còn tôi thì không có chuyên môn gì ráo trọi , học hành lại nửa chừng xuân nên 2 ông bà bảo trợ tìm được cho tôi chỗ làm cu-li trong 1 xưởng in quảng cáo , việc này cũng không quá nặng nhọc nên tối đến tôi còn đủ sức đi học thêm nghề sửa ống nước và cuối tuần đi làm bồi bàn trong 1 nhà hàng Bỉ . Vì cùng do 1 họ đạo bảo trợ nên tôi và vợ chồng tụi nó cư ngụ cách xa nhau không bao nhiêu , đâu chừng 10 phút đi bộ , do đó tụi tôi hay gặp gỡ nhau thường xuyên để trao đổi tin tức VN và để giảm bớt nỗi nhớ nhà .

Bây giờ trở lại chuyện thằng Học bấm chuông gác trọ của tôi sáng thứ bảy này .
Nó vừa uống cà phê vừa kể :

Chiều qua sau khi đi làm ra , như thường lệ tui đứng đón xe ở trạm buýt trước gare centrale ( nhà ga trung ương ) để về nhà . Đang chờ xe thì tui chợt thấy trong nhà ga lảo đảo bước ra 1 ông già châu Á , tay ổng cầm 1 cái túi ni lông mặt thì hớt ha hớt hãi đầu tóc bờm xờm coi bộ mệt nhọc lắm . Ông ta chặn khách bộ hành qua lại , quơ tay ú ớ cái chi chi đó mà ai nấy đều lắc đầu bỏ đi . Người bị chặn lại sau cùng là 1 ông già Bỉ , ông này chịu khó đứng nghe 1 chập nhưng rồi cũng nhún vai tỏ ý không hiểu gì hết ! Ngay lúc đó tui nghe rõ ràng ông già châu Á la lớn 2 tiếng “ trời ơi “ rồi té xỉu trên lề đường . Biết ông ta là người Việt tui mới chạy lại gần để tính giúp được gì thì giúp . Thiên hạ cũng bu lại xem khá đông .
Tình cờ ở đâu trờ tới 1 xe cảnh sát , thấy tui da vàng mấy ổng tưởng tui có liên hệ với nạn nhơn nên họ xoay qua hỏi tui nhiều câu mà tui thì bù trớt ! Sau đó họ gọi điện cho xe cứu thương tới và chỉ tui lên xe đi theo các nhơn viên y tế . Xe chở thẳng ổng vào nhà thương Saint Pierre , vô phòng cấp cứu .
Sau hơn tiếng chờ đợi , y tá cho tui biết - tui đoán ra thì đúng hơn - rằng là ông già này chỉ bị ngất xỉu vì mất sức , họ đang tiếp nước biển và giữ ổng qua đêm . Hồi sớm mai , họ có điện thoại lại biểu tui tới gặp vì họ không hiểu ổng muốn nói gì . Như anh biết là trình độ tiếng Tây của tui thì rất ba chớp ba nháng , do đó mà vợ tui bàn với tui qua anh để cầu cứu .

- Tiếng Tây tiếng u của tao cũng đâu có khá hơn mầy bao nhiêu ! Nhưng thôi , tao đi với mầy tới đó xem sao .
Nét mừng rỡ hiện lên trên mặt , nó xin phép được xử dụng máy điện thoại của tôi gọi báo cho vợ nó hay tin để khỏi lo .
- Thắm nhắn anh là xong chuyện rồi thì trưa nay ghé nhà ăn bún bò xào với tụi này .

Hai đứa tôi đón xe điện ( tramway) tới nhà thương , tôi vắn tắt hỏi thăm nơi quầy hướng dẫn và được chỉ đến phòng đợi , nơi mà ông già nọ đang thiểu não trông chờ.
Thằng Học rườm rà ( tánh nó vốn chậm chạp , dài dòng ) kể lại câu chuyện hồi hôm .
Tới lượt ông già, ổng run run kể :

Tui tên Được , 2 vợ chồng già sống với đứa cháu gái tên Hoa ở Rốt-tờ-đam (Rotterdam) bên Hoà Lan . Con nhỏ này sau đó lấy chồng người Bỉ rồi theo chồng về xứ . Tháng trước con nhỏ này sanh con trai đầu lòng, nên vợ tui nhờ bắt xe lửa qua thăm , luôn tiện xin chút tiền đem về cho bả chữa bịnh , bả bị thấp khớp kinh niên đi đứng khó khăn cho nên tui đành phải liều mạng đi 1 mình . Chồng con Hoa có hẹn tới đón tui ngay nhà ga phía nam ( gare du midi ) , nhưng tàu lửa bị trễ mấy tiếng đồng hồ, tới Bỉ rồi dừng ở cái nhà ga lạ hoắc hồi hôm đuổi hết người ta xuống ! Tui có bọc theo trong mình 1 tấm giấy ghi địa chỉ và số điện thoại nhà con Hoa nhưng bất cẩn làm rơi đâu mất dọc đường. Đói khát rồi cả ngày lo sợ làm tui té xỉu trên phố .
- Mà bác muốn nói cái chi cho thiên hạ chiều qua trước nhà ga vậy ? Thằng Học cắc cớ hỏi .
- Thì tui muốn nhờ bà con cô bác chỉ dùm cho tui tới cảnh sát mà hổng có ai hiểu , nay gặp 2 cậu xin làm ơn làm phước giúp tui tìm con Hoa .
- Bây giờ bác tính sao ? Tôi hỏi
- Tui đã cố gắng hết sức yêu cầu mấy người y tá cho tui điện thoại qua Hoà Lan gặp bà xã , bởi vì tui còn nhớ số của nhà mình , mà rủi thay hổng ai hiểu gì trơn trọi !
- Bác muốn liên lạc với bác gái hả ?
- Dạ phải , để nhờ bả lục tìm trong cuốn sổ nhỏ màu đỏ có ghi số điện thoại và địa chỉ con Hoa , sau đó sẽ liên lạc với nó để nó đón tui về .
- Vậy thì bác theo tui , mình đi tìm y tá trực để xin họ giúp ý kiến .

Sau khi trình bày câu chuyện với bà y tá trưởng , bà ta vui vẻ dẫn bọn tôi vào văn phòng làm việc của bà , chỉ máy điện thoại : Xin cứ tự nhiên . Nói xong bà đi ra ngoài hành lang và khép cửa lại.
Lật cuốn niên giám điện thoại gần đó , tôi dò tìm mã số quốc tế , của Hoà Lan , của thành phố Rotterdam , hỏi số của bà Được rồi bấm liền tù tì 1 dãy số này . Sau nhiều tiếng chuông reo , tôi nghe tiếng nhấc máy và tiếng hỏi “ ai đó “ của 1 người đàn bà nên trao ống nghe lại cho ông Được .
- Bà đó hả ? Tui ... ờ ... tui đây , tía xấp nhỏ đây .
Tôi đứng cạnh đó nên nghe tiếng bù lu bù loa của bà Được :
- Ông ơi là ông , Trời ơi là Trời... Hồi hôm con Hoa có điện cho tui , nói không gặp được ông làm tui lo quá , cả đêm không ngủ nằm đọc kinh ... mà ông đang ở đâu vậy ?
Ông Được rên rỉ kể lại câu chuyện xui xẻo hôm qua sau đó biểu bả tìm số máy đứa cháu gái và đọc lại cho tôi ghi lên giấy .....
Tôi bấm máy gọi số này , gặp ngay cô ấy nên trao máy cho ông già . Hai ông cháu nói chuyện 1 hồi , cuối cùng con Hoa cho biết là sẽ nhờ chồng nó tới đón sau khi được tôi cho biết địa chỉ của nhà thương .
Tiếp theo đó bọn tôi đi tìm bà y tá trưởng để hỏi thủ tục xuất viện cho ông già , bà ta nói trong lúc sao chụp lại thẻ căn cước và thẻ bảo hiểm y tế của ông Được :
- Cũng không tốn kém gì nhiều, mấy ông không phải bận tâm . Chúng tôi sẽ liên lạc với cơ quan y tế của ông ta .

Trong khi chờ đợi chồng con Hoa tới đón, ông Được tự động kể lể gia cảnh của ổng cho tụi tôi nghe :
Tui quê quán ở Châu Đốc , bán tạp hoá ngoài chợ , có 3 đứa con : thằng Hùng , con Hậu và thằng Dũng . Thằng Hùng đúng y tên đặt , tới tuổi quân dịch nó đăng lính nhảy dù năm 63 , trận mạc liên miên rồi chết trong chiến trường ở Huế năm mậu thân 68 . Vợ nó là con Lệ đi lấy hàng cho tiệm tạp hoá , 1 hôm xe đò bị mìn nên chết thảm để lại con Hoa cho tụi tui nuôi .
Con Hậu và thằng Dũng đều đã lập gia đình , tụi nó đi vượt biên chuyến ghe trước chuyến của tui 1 tuần hồi tháng 7 năm 79 .
Lượt tụi tui đi có gặp ghe đánh cá Thái Lan xáp lại , hổng biết có phải hải tặc hay không , nhưng tài công ghe tui đề phòng cứ xoay mũi ghe vòng vòng theo ghe tụi nó , thấy khó ăn nên tụi nó bỏ cuộc đi hướng khác .
Vô được Pulau Bidong ở hơn 8 tháng khổ cực trên đảo . Sau chót chịu hết nổi , tụi tui xin đi trong đợt đầu tiên do chánh phủ Hoà Lan nhận bảo trợ nhân đạo theo lời yêu cầu của Cao Uỷ Tỵ Nạn , ít người chịu tới xứ này nên đơn xin đi của tụi tui được chấp thuận mau lẹ . Hồi năm ngoái , ông anh ba của tui - tức là bác ruột của con Hậu , thằng Dũng - còn ở Châu Đốc , có viết thơ cho tui hay rằng xấp nhỏ con tui được tàu Tây Đức vớt rồi được định cư ở bển , mừng hết lớn lận . Mới hồi tháng hai đây , tụi nó có qua thăm vợ chồng tụi tui , bọn già này cũng được an ủi phần nào...

Chuyện ông Được kể thì vòng vo tam quốc lắm , tôi thì tóm tắt thế thôi . Ông ta kể tới khúc này thì có 1 người đàn ông Bỉ trạc độ 30 tuổi bước vô phòng đợi .

- À kìa , thằng cháu rể tui đó . Nó tên là Ăn- Rê ( André ) .
Tụi tôi bắt tay nhau . André cho biết đã được vợ mình kể cho nghe câu chuyện “ phiêu lưu “ của ông già và trịnh trọng cám ơn 2 thằng tôi .
- Vậy là mọi chuyện đã ổn thỏa , tụi tôi xin kiếu từ và cũng chúc mừng cho ông vừa có con trai đầu lòng .
- Cám ơn nhiều nhé . André mỉm cười có vẻ rất ưng ý .
Ông Được thì túm lấy tay hai đứa tôi lắc lắc , giọng cảm động : Tui đội ơn hai cậu rất nhiều , cầu xin Trời Phật phò hộ cho 2 cậu được nhiều phước đức .

Trên đường ra trạm xe điện , thằng Học bỗng nói với tôi bằng giọng như phân trần :
- Mình được thiên hạ giúp nhiều rồi nay giúp lại người khác coi như có qua có lại để lương tâm yên ổn , anh hả ?
- Ôi , ba cái chuyện nhỏ đó mà . Tao thỉnh thoảng vẫn theo ông bà bảo trợ đi uỷ lạo mấy người bịnh liệt đem lại cho họ ít niềm vui .
-Chèn đét ơi , anh sao thánh thiện quá ta . Lần tới đây , nếu thuận tiện thì anh cho tụi này tháp tùng nghe .
Tôi cười cười : Mầy bữa nay ăn nói văn hoa dữ , hổng có bình dân học vụ chút nào .
- Anh cứ ngạo tui hoài
-Giỡn chút cho vui chớ tao học hành cũng nửa đường gãy cánh , đâu có hơn ai . Thôi bây giờ tao với mầy ghé siêu thị vớt mấy lon bia về ăn bún bò xào cho đời lên hương chút đi .
Mắt thằng Học sáng rỡ :
Ờ , có anh lai rai với tui , vợ tui chắc hổng dám càm ràm gì đâu . Ý kiến anh thiệt là hay đó .

Hai thằng tôi cười ha hả ngoài đường , thiên hạ dòm tưởng 2 thằng không bình thường mới được nhà thương gần đó thả ra .


Trủy Thủ

Tháng 12 / 2020