Register
Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 14 of 14
  1. #11
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    ++

    Kinh Kha 2010


    Hồi Năm.

    Nhắc lại hồi trước. Thái tử Đan nhòm thấy Kinh Kha mém chút “mắt lệ cho người”, khi nghe câu chuyện thê lương của gia đình Triệu Đồng, thì bụng dạ đâm ra thắc mắc. Rằng, Kinh Kha có quan hệ gì với Triệu Đồng mà sao cảm xúc dâng trào như làm vậy? Và tại sao con dao quý Bổ Đào lại lọt vào tay Kinh Kha?

    Nói về Thái tử Đan. Từ ngày phát động kinh doanh mặt hàng phở thì cuộc đời lên hương. Tiền bạc thu được từ các tiệm phở Huề khắp nơi chạy vào túi của Thái tử Đan. Thì theo nhẽ thường tình thế gian là “phú quý sanh lễ nghĩa”, Thái tử Đan tự nhiên đâm ra khoái sưu tầm đồ cổ. Rồi thường lên mạng tìm mua những đồ vật cổ xưa quý hiếm đặng làm của riêng. Mỗi khi bắt gặp món hàng ưng bụng thì Thái tử Đan phải mua cho bằng được dù có bỏ ra một núi tiền.

    Ngày kia, nhơn lúc nhàn gỗi, Thái tử Đan đọc được lai lịch của dao Bổ Đào trên một trang mạng buôn bán đồ cổ ranh tiếng. Câu chuyện có vẻ hoang đường nhưng cũng đầy nỗi thê lương của một đời người trong thời kỳ nhiễu nhương khốn nạn. Và khi nhòm được hình ảnh con dao mang dấu ấn huyền bí, Thái tử Đan ưng bụng liền. Định rằng sẽ mua cho bằng được nhưng ngặt nỗi người rao bán lại cho biết con dao còn lưu lạc ở một phương giời xa xôi chưa định hướng được và hứa khi nào tìm ra thì sẽ thông báo cho giới hâm mô biết liền.

    Cũng từ dạo ấy, Thái tử Đam đem lòng thương nhớ xa xôi hình bóng một con dao mới nhòm thấy có một lần.

    Thì như làm vậy, ngay lúc nhòm con dao trong tay Kinh Kha phát ra muôn nghìn triệu mầu sắc là khi Thái tử Đan có linh cảm đó là con dao Bổ Đào. Chừng khi cầm nó trong tay, Thái tử Đan càng tin vào cái thứ linh cảm khó cắt nghĩa kia.

    Lòng dạ của Thái tử Đan nóng như cồn 90 độ. Muốn hỏi cho ra nhẽ trắng đen, nhưng thấy Kinh Kha sầu lên mặt mũi thì Thái tử Đan biết là chưa phải lúc. Đành phải chờ thời khắc thận tiện thôi.

    Phần Kinh Kha, sau một lát định thần định tính để vượt “qua cơn mê” thì thấy xấu hổ với Thái tử Đan vì để lộ cái điểm mau nước mắt của mình. Bèn có nhời gỉai thích cho sự cố “ướt mi” vừa xẩy ra.

    Hóa ra Kinh Kha vốn người nước Hàn. Tên là Hàn Thiếc. Năm lên bốn tuổi, Hàn Thiếc theo cha là Hàn Phong qua nước Triệu sanh sống. Khi Hàn Phong nhập tịch nước Triệu thì đổi tên là Triệu Đồng và đặt tên mới cho Hàn Thiếc là Triệu Đô. Ý rằng con hơn cha là nhà có phúc vì nhẽ triệu đô hơn hẳn triệu đồng.

    Cùng năm ấy, có người thầy dạy võ đi qua nhà Triệu Đồng. Thấy Triệu Đô có tư chất và gân cốt rất thích hợp cho việc luyện võ nên nhận làm đệ tử. Từ đấy, Triệu Đô theo sư phụ rong ruỗi giang hồ tứ xứ.

    Thấm thóat mười mấy năm trôi qua. Triệu Đô theo thầy lên non xuống biển, chưa một lần về thăm gia đình. Lòng dạ nhớ quê nhớ nhà da diết.

    Mùa xuân năm Qúy Mão, sư phụ của Triệu Đô qua đời. Sau khi an táng sư phụ chu đáo, Triệu Đô tìm đường “trở về mái nhà xưa.”

    Khi gần đến biên giới nước Triệu, Triệu Đô mới hay quân Tần đã chiếm đóng tràn ngập nước Triệu. Chúng kiểm soát rất gắt gao các cửa nẽo biên giới vào ra nước lân cận. Lại giới hạn gắt gao sự đi đứng của dân nước Triệu trong vùng mới tiếp thu khiến Triệu Đô đã thất bại nhiều lần khi tìm đường vào nước Triệu.

    Nhưng Triệu Đô không nản chí. Chàng cất một cái chòi ở gần biên giới để ở đặng tiện việc theo dõi đám lính Tần canh chừng cửa khẩu. Lại năng ra phố chợ thăm dò tin tức gia đình.

    Ngày kia, Triệu Đô gặp một người nước Triệu tị nạn ở đây. Hỏi ra mới hay gia đình bị đầy lên vùng xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Nghe được tin sét đánh ngang tai, lòng dạ Triệu Đô lo lắng khôn ngơi vì nghe nhiều người đến đó mà không có ngày về.

    Hơn mười năm nữa trôi qua. Triệu Đô đã gần năm chục tuổi. Bấy giờ, quân Tần cần ngọai tệ đặng mở rộng việc giao thương nên triển khai rốt ráo dịch vụ du lịch trong nước cho khách nước ngòai. Triệu Đô bèn đổi tên thành Kinh Kha mà về nước Triệu cũ, bấy giờ đã sát nhập vào nước Tần, đặng thăm lại mái nhà xưa. Lại ra cả khu du lịch Vạn Lý Trrường Thành đặng thăm dò tin tức về gia đình. Nhưng chả ai biết Triệu Đồng là ai cả.

    Lòng buồn rười rượi, và túi tiền ngày dần vơi, Kinh Kha tính đến việc rời khỏi nước Tần. Định bụng không bao giờ trở lại nơi này nữa. Thì “đêm cuối cùng” trong khách sạn hai sao nằm trong khu du lịch Vạn Lý Trường Thành, Kinh Kha nằm mơ thấy Bố mình, là Triệu Đồng, hiện về chỉ đường đến chỗ chôn dấu dao Bổ Đào. Kinh Kha tỉnh giấc và làm theo nhời Bố dặn thì quả nhiên tìm được vật gia bảo.

    Kể xong câu chuyện, Kinh Kha đứng phắt dậy, khẳng khái nói:

    - Khi biết Bố tôi và gia đình đã ra người thiên cổ, tôi đã trở lại Tần vài lần đặng thắp nén nhang trước mộ phần nhưng không tìm ra nơi chôn cất. Quanh khu du lịch Vạn Lý Trường Thành bấy giờ tòan là khách sạn và tụ điểm giải trí. Tuyệt nhiên chả có cái nghĩa trang nào nằm trong địa bàn này và các vùng phụ cận hết.

    Kinh Kha ngừng nói, nhìn sang Thái tử Đan rồi tiếp:

    - Lòng tôi lâu nay rất căm giận giặc Tần và đã hạ quyết tâm diệt vua Tần đặng trả thù cho gia đình. Bởi vậy, khi biết có “mặt trận chống Tần cứu Yến” thì tôi gia nhập ngay.

    Thái tử Đan nói ngay, như đã thuộc bài bổn:

    - Lâu nay tôi muốn diệt Tần mà không đủ sức. Lúc này lại không thể liên kết với các nước chư hầu khác mà đánh Tần. Vì Hàn, Triệu đã lọt vào tay Tần; Tề, Ngụy thì vốn đi với Tần. Còn Sở thì lại ở xa. Đan này trộm nghĩ ra một kế, là nếu được một tay dũng sĩ như Kinh Huynh giả sang nước Tần rồi lấy lợi mà dụ. Vua Tần tham lợi, tất cho đén gần. Nhân dịp đó sấn vào mà uy hiếp, bắt trả lại đất đai đã chiếm đoạt của chư hầu.

    Nói đến đây, Thái tử Đan hạ giọng như sợ có người nghe lóm:

    - Nếu Vua Tần không thuận thì ta sẽ đâm chết. Vua chết tất nước loạn. Lúc ấy những đại tướng cầm binh không ai chịu ai, trên dưới ngờ nhau. Quân đội của Tần chia năm xẻ bẩy. Bấy giờ ta sẽ liên hợp với Sở, Ngụy, Hàn, Triệu mà phá Tần. Vậy ý Kinh Huynh ra sao?

    Kinh Kha ngẩm nghĩ hồi lâu rồi đáp:

    - Tôi e tài hèn sức kém không làm nổi việc ấy.

    Thái tử Đan dập đầu, cố xin rằng:

    - Đan này thấy ngòai Kinh Huynh ra thì không ai làm nổi việc ấy. Xin chớ chối từ.

    Kinh Kha còn từ chối hai ba lần nữa rồi mới nhận lời. Lại bàn thêm:

    - Lần đi này, không có cái gì để cho vua Tần tin mình, thì không đến gần được. Nay Phàn tướng quân, là tướng Tần hiện đang sống lưu vong ở Yến, có tội với vua Tần. Vua Tần rao mua thủ cấp Phàn tướng quân mấy nghìn vàng. Lại nghe tài sản của “mặt trận chống Tần cứu Yến” lên đến hàng tỷ Đô La. Vua Tần dù có nằm mơ cũng không đếm hết số tiền to nhớn đó. Vậy nay nếu được cái đầu Phàn tướng quân và cái trương mục của mặt trận ở ngân hàng Thụy Sỹ thì vua Tần tất vui mừng mà tiếp đãi. Tôi nhân đó mới có thể giúp Thái tử được.

    Thái tử Đan nói:

    - Phàn tướng quân đến đây gởi thân trong khi cùng khốn sao tôi nở lòng mà giết được. Còn như cái đống tiền mặt kia thì không dám tiếc.

    Kinh Kha biết thái tử Đan có lòng bất nhẫn, không nở hạ thủ thì không nói gì nữa. Định bụng ngày mai sẽ đich thân đi gặp tướng quân họ Phàn.

    Nói về Phàn Ô Kỳ. Nguyên là tướng nước Tần. Đã lập nhiều công lớn nên được Tần Vường quý mến. Ngày kia hai người này có mâu thuân mà tháo gỡ hổng đặng nên Tần Vương sanh lòng ghét bỏ Phàn Ô Kỳ và chờ cơ hội trả thù.

    Nhân lúc Phàn Ô Kỳ, bấy giờ đang đánh nhau với quân Yến ngòai mặt trận, không tuân lệnh vua, Tần Vương chỉ đạo bắt khẩn cấp để xử lý nhanh gọn. Nghe tin vua Tần muốn bắt nóng mình thì Phàn Ô Kỳ suy đi tính lại. Rốt cuộc chọn kế chẩu là thượng sách, bèn ra hàng Thái tử Đan.

    Phàn Ô Kỳ định bụng, sau này, sẽ sai người về Tần đón gia đình sang Yến. Hổng ngờ Tần Vương hay tin sớm. Ra lệnh xử tòan bộ gia đình Phàn Ô Kỳ. Già trẻ lớn bé, mấy chục mạng. Và treo giải thưởng mấy nghìn vàng cho ai cắt được đầu của Phàn Ô Kỳ.

    Qua việc này đủ biết là Tần Vương ghét Phàn Ô Kỳ đến dường nào. Còn Phàn Ô Kỳ cũng căm thù Tần Vương đến tận xương tủy.

    Rạng ngày sau, khi gà chưa kịp gáy sáng thì Kinh Kha đã phóng xe Mô tô đến nhà Phàn Ô Kỳ. Đến nơi thì Phàn tướng quân vắng nhà. Người nhà cho hay là Phàn tướng quân đi dự tiệc sanh nhật của một người bạn. Kinh Kha đành ngồi đợi.

    Mãi đến chiều tối Phàn Ô Kỳ mới về. Khi gặp mặt Phàn tướng quân, Kinh Kha vào thẳng tuột vấn đề. Trình bầy chi tiết cụ thể về kế sách ám sát vua Tần. Nghe xong, Phàn Ô Kỳ cười nhớn mà rằng:

    - Nếu cứ theo kế này mà làm thì giả dụ không thành công thì Thái tử Đan sẽ mang tiếng nối giáo cho giặc, là Yến gian, khi mang tòan bộ tài sản của “mặt trận chống Tần cứu Yến” dâng cho vua Tần. Còn việc đem nạp thủ cấp của tôi thì dù thành công hay thất bại thì Thái tử Đan cũng mang tiếng là bất nhân, bức tử người cùng khốn.

    Kinh Kha nghe Phàn Ô Kỳ lý giải như làm vậy thì hỏang vía, bèn thốt lên:

    - Vậy bi chừ phải mần răng?

    Phàn Ô Kỳ càng cười nhớn hơn.

    - Hầm răng? Hầm răng thì đến tết Congo cũng chưa mềm! Làm răng mà ăn cho đặng? Tôi có một kế sách mà nếu ta cứ thế mà làm thì tránh được hai cái hại to nhớn trên.

    Kinh Kha thích quá, bèn hỏi dồn:

    - Kế sách ra răng?

    Phàn tướng quân nói vội:

    - Còn răng cỏ gì nữa? Mau đưa tôi đến gặp Thái tử Đan đặng bàn kế sách cho tiện việc sổ sách.

    Nói đọan, Phàn Ô Kỳ kéo tay Kinh Kha chạy như ma đuổi ra chỗ xe Mô tô của Kinh Kha. Cả hai leo lên yên rồi nổ máy. Chạy hết tốc độ đến doanh trại của Thái tử Đan.

    Bấy giờ là nửa khuya. Đường phố vắng hoe. Nhà nhà đang giấc ngủ say. Chợt nhiên, có tiếng của ai đó vì mất ngủ mà hát cho đở buồn, vụt phóng lên không trung:

    “Không giờ rồi anh ngủ đi thôi.
    Hơi đâu mà lo nghĩ anh ơi”.
    (Không Giờ Rồi - Vinh Sử)

    Liệu Kinh Kha và Phàn ô Kỳ có bị cảnh sát giao thông làm khó dễ trên đường đến đại bổn doanh của Thái tử Đan?

    oOo
    Đỗ thành Đậu

  2. #12
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    ++

    Kinh Kha 2010

    Hồi Sáu.

    Nhắc lại hồi trước. Kinh Kha mình ên đi gặp Phàn Ô Kỳ nói chuyện phải trái. Tưởng là sẽ có thủ cấp của Phàn tướng quân đặng hòan tất kế sách ám sát vua Tần. Không ngờ Phàn Ô Kỳ hổng chịu đâng đầu mà bầy một kế khác. Lại còn đòi gặp mặt Thái tử Đan mới chịu nói. Thế là hai người, Kinh Kha và Phàn Ô Kỳ đèo nhau trên chiếc Mô tô phóng như bay về doanh trại của Thái tử Đan.

    Bấy giờ, Thái tử Đan còn thức, đang coi phim bộ Hồng Kông. Nghe tiếng xe gắn máy dừng lại trước lều, bèn ra nghênh tiếp.

    Sau khi an vị theo cấp bậc trong tổ chức mặt trận, Thủ lãnh Thái tử Đan chưa kịp hỏi khách tại sao đến đây vào đêm khuya thì hồi chánh viên Phàn Ô Kỳ đã đi một màn phân tách thời cuộc quốc tế. Rằng:

    - Dư luận thế giới, ngày nay, không còn ủng hộ những cuộc tranh đấu bằng súng ống đạn dược nữa. Cái phương cách vừa tốn tiền lại vừa ô nhiễm không khí này đã dần bị đào thải và được thay bằng một phương cách khác gọi là bất bạo động. Vụ việc chuyển hướng này khiến các lực lượng vũ trang nhân dân của các phong trào này nọ đã bị các nước tiến bộ trên thế giới xếp ngang hàng với các tập đòan khủng bố. Rất nguy hiểm cho nền an ninh quả đất.

    Thì bởi vậy, kế sách ám sát vua Tần là bất khả thi. Chả khéo nếu thất bại thì mặt trận của ta sẽ bị đưa vào danh sách các tổ chức cần quan tâm đặc biệt của quốc tế thì chết. Thời buổi iphone, ipad mà bị mang tiếng là khủng bố thì coi như hết đất mần ăn.

    Phàn Ô Kỳ đã sống ở Yến được vài năm nhưng vẫn quen dùng những con chữ của nhà Tần nhưng việc này không là rào cản cho sự thông hiểu giữa Thủ lãnh Thái tử Đan và hồi chánh viên Phàn Ô Kỳ.

    Thái tử Đan nghe Phàn Ô Kỳ lý giải thì lộ vẻ lo lắng, hỏi:

    - Nói vậy là hết cách giết vua Tần sao?

    Phàn Ô Kỳ giả nhời ngay:

    - Cách thì có chứ sao không.

    - Cách chi vậy? Mau nói sớm cho ta định liệu.

    Thái tử Đan có vẻ sốt ruột hơn thường lệ. Còn Phàn Ô Kỳ thì cứ nhẩn nha, dài gìong văn tự.

    - Là tạo sức ép khiến vua Tần phải thóai vị và trở về làm thường dân. Một người quyền cao chức trọng, ăn to nói nhớn, lên xe xuống ngựa, nhà cao cửa rộng mà bỗng nhiên mất hết thì có đau khổ không? Thưa rằng: Đau khổ rất lắm người ơi. Nếu chả khéo sống chung với đau khổ thì e lại chết sớm vì bị uất khí dồn lên não bộ. Mà có khéo đi nữa thì sống trong khổ đau thời cũng coi như chết rồi. Ấy là sách giết nngươi không gươm giáo vậy.

    Thái tử Đan không cần biết vua Tần chết bằng cách chi. Miễn có chết là được rồi. Thì vậy, mới bèn hỏi tiếp rằng:

    - Sức ép đó ở đâu mà có?

    Phàn Ô Kỳ như đã sọan sẵn giáo án, bèn thưa:

    - Là do sức mạnh từ sự đòan kết nhất trí của mọi tầng lớp quần chúng trong cuộc chiến đấu gay gắt và bền bỉ nhằm xóa bỏ nền quân chủ phong kiến độc tài đặng tạo dựng một chế độ dân chủ trên nước Tần.

    - Vậy dân Tần đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu gay gắt đó chưa?

    - Dạ chưa. Vì nhẽ vua Tần, sau khi lên ngôi, đã đốt hết sách, chôn học sanh và rồi bưng bít các thông tin có liên quan đến hai chữ dân chủ. Việc làm này đã khiến đại đa số dân Tần không biết dân chủ là gì? Có ăn được không? Phần dân còn lại thì ngày xưa có biết “dân chủ” mà bây giờ thì quên rồi.

    - Vậy thời ta phải mần răng? Mần răng bi chừ?

    - Ta phải hướng dẫn họ học tập tốt, cùng tạo mọi cơ hội thuận tiện để họ giao tiếp với hai con chữ dân chủ. Sau rốt là tác động họ thực hiện tinh thần dân chủ qua những hành động cụ thể, sau khi đã nắm vững những điều cơ bản. Có như vậy thì cái ngày hạ bệ vua Tần sẽ không còn xa.

    Sự cố có-hỏi-thì-lập-tức-có-đáp làm Thái tử Đan mỗi lúc tăng phần hứng thú. Lại hỏi:

    - Nếu vậy thời nhu cầu nhân sự cho công tác tuyên truyền này ra răng? Báo cáo cho ông nắm là ta không đủ người để phân vùng họat động trên tòan lãnh thổ Tần.

    Bấy giờ, Phàn Ô Kỳ mới dám cười nhớn mà rằng:

    - Chỉ cần một người.

    Thái tử Đan và Kinh Kha cùng nhổm mông khỏi mặt ghế, trố hai con mắt trần gian, buột miệng hỏi lại:

    - Một người?

    - Phải. Một người mà thôi. Người này khi sang Tần sẽ đứng ở nơi khu phố đông người qua lại để phát mũ và áo may-ô cho khách bộ hành. Số áo và mũ này sẽ do cơ sở hạ tầng của ta trong nước Tần cung cấp. Trên mủ và áo có in hai chữ “D C”. Là viết tắt của hai con chữ “dân chủ”. Dân Tần vốn thông minh, ham học tất sẽ hiểu nhẽ ấy và sẽ lên mạng tòan cầu mà tìm hiểu thêm về dân chủ.

    - Sao không viết nguyên con mà lại viết tắt?

    - Là để người nhận áo mũ không bị công an gây khó dễ. Giả như bị hỏi “D C là gì” thì phụ nữ giả nhời là “Dì Cháu”; Còn phái nam thì “Dượng Cháu.”

    Thái tử Đan gật đầu, đọan quay sang nhòm Kinh Kha một phát rồi xoay về phía Phàn Ô Kỳ hỏi tiếp:

    - Nếu chỉ cần một người phát mũ và nón thời để ta điều động người khác. Chứ Kinh Kha tài bà lỗi lạc mà làm việc này thì e không hay. Vả lại Kinh Kha đi rồi ta còn biết say với ai?

    Câu “Kinh Kha đi rồi ta còn biết say với ai?” như một nhời than thở. Nghe buồn thúi ruột. Hình như được phóng tác từ một câu thơ của thi sỹ nổi tiếng nào đó. Đại khaí là “Đời vắng em rồi say với ai?” Đáng nhẽ, Phàn Ô Kỳ nghe Thái tử Đan buồn ra miệng như làm vậy thời phải im lặng trong chốc lát đặng ra vẻ đồng cảm. Nhưng Phàn Ô Kỳ hổng rành thơ nên cứ thao thao bất dừng lại.

    - Hổng đặng! Hổng đặng! Phải là Kinh Kha đi chuyến này mới đúng kế sách. Là vì sau đó sẽ có màn bắt bớ, tạm giam và điều tra nữa.

    Một lần nữa, Thái tử Đan và Kinh Kha nhổm mông khỏi ghế. Cùng lúc kêu lên:

    - Lại có vụ này sao?

    Phàn Ô Kỳ gật gật cái đầu, mắt nhòm vào không gian trước mặt. Giả nhời:

    - Phải có chứ. Là vì nếu người này bị bắt trong lúc có hành động tranh đấu cho dân chủ thì hơn nửa nghìn tờ báo của nước Tần sẽ đưa tin nóng sốt này. Xem đó là thành tích tích cực chào mừng ngày lễ hội “1000 Năm Nô Lệ” đang diễn ra ở Hàm Dương. Lại có sự hỗ trợ của các đài nghe đài nhòm nữa thì tin này sẽ đến mọi vùng trên tòan lãnh thổ nước Tần. Thế là từ vùng cao cho đến vùng sâu, vùng gần rồi tới vùng xa đều biết đến hai chữ “dân chủ”. Đấy là thắng lợi một.

    Còn nữa. Chưa hết đâu. Là thế nào trong số ngót nửa nghìn tờ báo đó cũng có dăm tờ dành cho người nước ngòai. Việc này giúp cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết đến mặt trận của ta. Đấy là thắng lợi hai.

    Phàn Ô Kỳ ngừng thoại, lệnh cho hai con mắt trở lại trần gian rồi hướng về phía Thái tử Đan và Kinh Kha làm câu gút.

    - Ấy là kế sách “nhất thạch liệng song điểu” vậy.

    Thái tử Đan lại hỏi:

    - Rồi ta phải làm răng nữa?

    - Thì sau đó ta ra thông cáo báo chí. Thứ một là xác nhận người này thuộc về mặt trận ta. Việc này cần thiết phải làm ngay vì có thể sẽ có phong trào khác nhận dùm. Thứ hai là bọn công an ác ôn sẽ không dám làm gì phương hại đến thân xác người của ta trong thời gian tạm giam để điều tra.

    Nói đến đây, Phàn Ô Kỳ lại ngừng thọai, cấp bách lấy hơi rồi lại nói.

    - Thì bởi vậy, ta cần một người đủ bình tĩnh đặng khi bị bắt trong lúc phát áo mũ thì không để bọn công an dàn xếp thành một vụ vi phạm hình sự. Ta cần một người đủ dũng khí đặng khuất phục bọn đầu gấu, tay sai của công an, trong nơi tạm giam thường tiếp sức cho cuộc điều tra sắp tới bằng một màn đánh đấm răn đe. Ta cần một người có sức chịu đựng bền bỉ đặng khi bị điều tra thì không khai những điều phương hại đến cơ sở hạ tầng của ta đang họat động trong nước Tần.

    Trên hết mọi sự, là ta cần một người nổi tiếng có sức hút cao đối với nhân dân nước Tần, cũng như bọn công an. Có như vậy, thì mọi việc ta định liệu mới xẩy ra đặng. Thì như làm vậy, nhân tuyển thích hợp nhất và duy nhất cho công tác này là Kinh Kha tráng sỹ đây.

    Thái tử Đan nghe Phàn Ô Kỳ nghị sự thì đắc ý lắm, bèn định ngày triển khai kế sách “nhất thạch liệng song điểu.”

    - Khi nào thì ta bắt đầu đặng?

    Phàn Ô Kỳ giả nhời ngay:

    - Dụng binh cốt thần tốc; Dụng kế cốt bất ngờ. Đêm mai Kinh Kha sẽ lên đàng.

    Chưa biết Thái tử Đan và Kinh Kha mần răng đặng chuẩn bị hành trang lên đàng cho kịp giờ đây?

    oOo
    Đỗ thành Đậu

  3. #13
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    ++

    Kinh Kha 2010

    Hồi Kết.


    Mùa thu năm 2010 sau công nguyên, thái tử Đan bầy tiệc tiễn đưa Kinh Kha ở bờ sông Dị Thủy.

    Hôm ấy, Kinh Kha mặc quần Jean, áo T-Shirt mầu xanh da trời. Bên hông đeo kiếm dài. Cặp quần dấu dao ngắn. Phía trước ngực và sau lưng cái áo T-shirt có in hai con chữ “D C”. Kinh Kha hổng thích mầu xanh da trời. Cho là mầu của phụ nữ vì có thơ rằng “Mùa Thu em mặc áo da trời, Sang Đông lại khóac lên người áo hoa”.

    Bình nhật thì có cho vàng, Kinh Kha cũng không dám mặc áo mầu này ra đường. Sợ kẻ thù phát tán tin đồn Kinh Kha là bóng thì chết. Xấu hổ không còn chỗ ẩn núp.

    Cách lý giải và nỗi lo sợ của Kinh Kha có tánh thuyết phục khá cao. Tuy vậy, vì mục đích chop bu của chuyến công tác dân vận đặc biệt này, Kinh Kha đành phải hy sanh cái tiểu cuộc đặng nâng cao khả năng thành công cho cái đại cuộc.

    Đêm trước, trong buổi nghị sự, Phàn Ô Kỳ đã hướng dẫn cụ thể ý nghĩa của hai con chữ “D C” in trên áo, nếu như bị công an hạch hỏi nhưng Kinh Kha chưa hài lòng lắm. Thì bởi vậy, sau buổi nghị sự dài lâu ấy, Kinh Kha đã suy nghĩ thật lung và tìm được ý nghĩa khác của hai chữ “D C”. Ý này rất phù hợp cho thân phận của một tay kiếm khách ngang dọc giang hồ. Ý rằng, chữ “D C” trước ngực là “Dám Chơi”, còn sau lưng thì là “Dám Chịu”. Kết nối hai con chữ này lại thì thành chùm “Dám Chơi - Dám Chịu.”

    Dù đã có chủ ý như vậy, nhưng Kinh Kha chỉ giữ kín trong bụng. “Một mình mình biết, một mình mình hay.” Chứ nói ra thì sợ Phàn Ô Kỳ cho là tư duy chệch luồng. Rồi lên lớp, giảng thuyết nữa thì mệt cái đầu lắm.

    Mà Phàn Ô Kỳ nói nhiều thật. Trong buổi nghị sự, đêm trước, Phàn Ô Kỳ là cái đanh. Nổi đình nổi đám hết sức. Thái tử Đan hỏi câu nào, Phàn Ô Kỳ đều có câu giả nhời. Giọng điệu lại đặc chất bí thư, là người chuyên gỡ bí cho kẻ khác. Chứ hổng phải của kẻ ăn nhờ ở đậu trên đất Yến. Thái tử Đan và Phàn Ô Kỳ đối đáp rất ăn khớp, như hai diễn viên đang thọai theo một kịch bản có sẵn.

    Có mấy lần, Kinh Kha muốn hỏi Phàn Ô Kỳ về kế sách giải thóat mình khỏi trại tam giam của nước Tần, sau khi mặt trận đã ra bản thông cáo báo chí nhằm mục đích tạo tiếng vang trên thế giới, nhưng thấy tình hình bấy giờ khá phức tạp thành ra phải chờ dịp khác.
    Cái dịp ấy là bữa tiệc tiễn chân người đi vào ngày hôm sau. Kinh Kha dặn lòng là dù có ăn nhậu đến cung bậc nào đi nữa thời tâm trí cũng phải tỉnh táo đặng hỏi cho ra cái nhẽ thế gian này.

    Bữa tiệc tiễn đưa trôi qua buồn tẻ. Điều này là chuyện thường nhật ở phủ vì có buổi chia ly nào mà chả buồn. Kẻ ở người đi mà. Buồn răng mà kể hết. Phàm như ni mà còn nghe nhạc buồn thì sức nào chịu nổi? Mà nghe nhạc vui thì cũng chả phấn khởi lên đặng? Thì bởi vậy, bữa tiệc hôm ấy không có mảng văn nghệ văn gừng. Cũng chả có khách khứa gì sốt vì Thủ lãnh Thái tử Đan muốn bảo quản tốt tánh bí mật của chuyến công tác. Ngay cả nơi diễn ra bữa tiệc cũng rất đặc biệt. Nói là bữa tiệc diễn ra bên bờ sông Dị Thủy nhưng thực ra phòng tiệc là một căn hầm bí mật dưới lòng đất lạnh được đào dọc theo bờ sông và có ngõ ngách ăn thông với phủ của Thái tử Đan.

    Suốt bữa tiệc, Thái tử Đan buồn ra mặt ra mũi. Còn Phàn Ô Kỳ thì ít nói đột xuất. Kinh Kha nhòm thấy hai người bị hội chứng buồn cấp tính thì “bỗng dưng muốn khóc” vì cảm động. Không ngờ cái tình sơ giao mà đậm nét như rứa. Nhưng muốn khóc là một chuyện mà khóc được hay không thì là hên xui. Sách có chữ “khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” là chỉ cái màn may rủi đó.

    Kinh Kha, bữa đó, bị xui. Khóc hổng đặng dù lòng dạ muốn lắm. Sự cố muốn mà hổng đặng dẫn đến cảm xúc khó chịu trong người như bị táo bón. Chuyện sinh lý dắt qua việc tâm lý là nhẽ thường tình xưa nay. Và đã khiến Kinh Kha đâm ra do dự. Nửa muốn chất vấn Thái tử Đan về kế họach giải thóat mình, nửa thì lại không nỡ mần sứt mẻ cái tình sơ giao mà đậm nét thâm tình.

    Thì như làm vậy, dù đã hạ quyết tâm cao triệt để nhưng vì, có nhẽ, “trời cho không được mấy” nên đến hết bữa tiệc mà Kinh Kha vẫn chưa đặt thẳng câu hỏi với Thái tử Đan. Thôi thì tới đâu hay tới đó. Sách xưa có chép “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Thông tắc thóang, thóang tắc mát mẻ. Cái nhẽ này xưa nay vẫn thế. Chẳng có nhẽ nào sai được.

    Tàn tiệc, Thái tử Đan dẫn Phàn Ô Kỳ và Kinh Kha đến điểm xuất phát. Dọc đường, ba người không ai nói với ai lời nào.

    Bấy giờ, trăng sáng lắm. Kinh Kha nhòm sang phía bên kia sông, nơi quân Tần đóng trại, rồi tự nhiên tự lành buột miệng hát nhỏ:

    “Đêm nay trăng sáng qúa em ơi
    Sao ta lìa cách bởi gìong sông bạc hai mầu.”
    (Chuyến Đò Vĩ Tuyến – Lam Phương)

    Kinh Kha mới dạo đầu được hai câu thì Thái tử Đan suỵt sụyt mấy cái, ra dấu cho Kinh Kha điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe đặng khỏi làm phiền lòng hàng xóm. Nhưng Kinh Kha đang ở đỉnh cao văn nghệ. Đâu có tuột xuống ngay được. Nhỡ té gẫy đầu gẫy cổ thì mệt lắm. Phải từ từ chứ. Cái gì cũng cần có thời gian. Đến như cái máy bay kia, là khối sắt không hồn, mà khi hạ cánh còn phải giảm tốc độ từ từ cơ mà. Chả vậy mà người ta thường bảo “thời gian là thuốc tiên” chữa bá bệnh đó ru? Thì như làm vậy, Thái tử Đan sụyt sụyt mấy cái nữa rồi thấy chả có tác dụng, tác động gì hết thì ngưng. Không sụyt sụyt nữa. Mặc cho Kinh Kha thả hồn vào nốt nhạc nhời ca.

    Vừa khi Kinh Kha hát hết bản “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” của nhạc sỹ nước Việt là Lam Phương, thì họ cũng vừa đến điểm xuất phát. Thái tử Đan trỏ ngón tay về phía trước, chỉ cho Phàn Ô Kỳ và Kinh Kha thấy cái xuồng ba lá nhỏ bé đang neo ở bờ sông. Và bảo đó là phương tiện cho Kinh Kha vượt tuyến, sang phía bên kia bờ sông là nước Tần.

    Thái tử Đan còn bảo là mặt trận có thể lo liệu những phương tiện vượt tuyến khác. Hòanh tráng và hiện đại hơn cái xuồng ba lá kia nhưng mần như thế là không kinh tế và đi ngược lại binh pháp. Nói gỉa dụ, nếu sắm tầu du lịch cao cấp cho Kinh Kha thì khi qua đến bờ bên kia thì cái tầu đó cũng phải neo tại bến. Chứ Kinh Kha đâu có mang theo người được. Rồi sau khi Kinh Kha bị bắt thì nó sẽ bị kéo về bót công an đặng kiểm tra và theo dõi dài hạn. Mà cái gì vào bót công an thì ngày về cũng xa lắm người ơi. Thế là đi đoong cái tầu du lịch cao cấp. Chứ còn gì nữa?

    Còn về mặt binh pháp thì như thế này. Lại giả dụ, Kinh Kha lái cái tầu du lịch cao cấp qua sông thì trong đám hải quan tại cảng sẽ có đứa ganh tỵ. Mà ganh tỵ là đầu mối cho mọi sự dữ. Cái đứa ganh tỵ ấy sẽ gây khó khăn cho Kinh Kha tại cửa khẩu. Có thể là tạm giữ Kinh Kha để giúp đỡ trong việc làm sáng tỏ chuyện này chuyện nọ. Dù đây chỉ là cái cớ do đứa ganh tỵ đặt ra nhưng Kinh Kha bị tạm giữ là thời gian của kế họach sẽ bị thay đổi và sẽ phát sanh ra nhiều tình huống phức tạp sau này.

    Thế đấy, sự thế gian bỗng dưng rắc rối vì chú trọng đến phương tiện quá nhẽ mà coi nhẹ cái mục đích của chuyến đi. Banh pháp bảo ấy là lấy phụ làm chánh, bỏ mạnh lấy yếu.

    Kinh Kha và Phàn Ô Kỳ nghe Thái tử Đan nói chí phải, bèn gật cái dầu ra dấu đồng thuận. Cả hai không hỏi gì thêm nữa.

    Chừng khi Kinh Kha định bước xuống xuồng, sau khi ôm hôn Thái tử Đan và Phàn Ô Kỳ theo kiểu Liên Xô Vĩ Đại, thì Thái tử Đan kêu lớn:

    - Khoan đã.

    Kinh Kha quành người lại, chờ xem chuyện gì. Thái tử Đan bảo:

    - Nay Kinh Huynh sang Tần. Là người tranh đấu cho dân chủ theo phương cách bất bạo động nhưng đeo kiếm dấu dao trong người thì Đan tôi e là không phải. Sợ rằng cái đám hải quan bên bển làm khó dễ. Chụp cho Huynh cái mũ khủng bố thì hỏng đại cuộc. Vậy Huynh hãy gửi chúng lại cho Đan tôi. Sau này về lại Yến thì Đan tôi xin hòan trả lại.

    Kinh Kha nghe Thái tử Đan nhắc thì giật mình. Bèn cởi kiếm và móc dao “Bổ Đào” giao tận tay Thái tử Đan, đoạn mới xuống xuồng.

    Kinh Kha chống xuồng ra xa bờ, rồi mở máy đuôi tôm đặng phóng cho nhanh. Trên bờ, Thái tử Đan và Phàn Ô Kỳ đứng nhòm theo. Vẫy tay chào tạm biệt theo kiểu Tây Đầm.

    Chừng khi cái xuồng chở Kinh Kha vào hải phận nước Tần, họ mới hạ tay xuống vì mỏi quá sức rồi.

    Bỗng Thái tử Đan cười khành khạch, quay sang Phàn Ô Kỳ mà rằng:

    - Mọi sự đều tốt đẹp. Không ngờ chuyến này có được dao “Bổ Đào” là vật quý hiếm xưa nay. Ngày mai, tôi sẽ rao bán nó trên mạng ebay. Chắc chắn sẽ được một số tiền lớn. Khỏang mấy triệu Đô La Mỹ.

    Phàn Ô Kỳ góp ý:

    - Nhẩn nha đã. Tôi sợ Kinh Kha này sẽ trở lại Yến như những Kinh Kha của những lần trước.

    Thái tử Đan khóat tay, rằng:

    - Lần này tôi đã chỉ đạo cho thủ hạ thân tín bên Tần lén bỏ trong số áo mũ sẽ phát cho dân chúng một gói heroin nặng vừa đủ để Kinh Kha này bị dựa cột. Không còn ngày trở về nữa đâu.

    Phàn Ô Kỳ nói theo:

    - Vậy thì hay lắm.

    Thái tử Đan vỗ vai Phàn Ô Kỳ khen ngợi
    .
    - Ông diễn hay lắm. Vào vai rất đạt. Nếu không được cơ sở báo trước, tôi đã lầm ông là Phàn Ô Kỳ thật.

    Phàn Ô Kỳ giả, bấy giờ, cũng đáp lại.

    - Ông còn giỏi hơn tôi. Ông gạt cả nước Yến. Ông là Thái tử Đan trong mắt họ. Chẳng ai hay là Thái tử Đan thật đã chết khi còn làm con tin ở Tần. Còn ông là đồ giả. Mà cái mặt trận gì đó của ông bầy ra cũng là giả nốt. Thực chất chỉ là một tổ chức nhằm kết nạp những người chống Tần rồi sau đó thì lập kế giao nạp họ cho vua Tần đặng lãnh thưởng. Ngày xưa, Lã bất Vi buôn vua đã là việc lạ. Ngày nay ông làm giầu bằng lòng yêu nước của kẻ khác. Há việc đó chả lạ hơn ru?

    Thái tử Đan giả cười nhớn, tay vỗ độp độp lên vai Phàn Ô Kỳ.

    - Cái kế đầu Yến của ông cũng độc chả kém. Mấy chục mạng người của gia đình Phàn Ô Kỳ thật lại bị chết vì một Phàn Ô Kỳ giả.

    Hai kẻ gian ác còn khen lẫn nhau một hồi rồi mới chòang vai bá cổ nhau. Chúng “vừa đi đàng vừa kể chuyện.”

    Đó là mùa thu năm 2010, sau công nguyên. Chuyện xẩy ra ở nước Yến.

    HẾT
    Đỗ thành Đậu

  4. #14
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    *
    Thử Cảm âm ca khúc “Chiếc Lá Thu Phai” của Trịnh Công Sơn.

    Người ta hay bảo: đời sống con người vô thường. Sống đó, rồi chết đó. Có khi thì kéo dài thêm một tẹo như trong câu “sống nay, chết mai.” Nhưng không phải lúc nào sự sống của con người cũng chỉ có hai cột mốc sống và chết. Mà còn cột lão và cột bệnh, theo thứ tự, nằm lẫn trong hai cái cột trọng đại ấy.

    Dạ, theo đúng quy trình hoàn hảo là “sanh, lão, bệnh, tử” nhưng có nhiều trường hợp nhảy mốc rất cá thể . Có người mới sanh đã chạm vào mốc tử. Có người tiến nhanh tiến mạnh đến mốc “tử” mà không kinh qua mốc “lão” hoặc mốc “bệnh” vì những nguyên nhơn khách quan. Nói giả dụ, như chiến tranh, tai nạn. Có người chưa “lão” mà đã “bệnh” như trường hợp anh giai trong bài hát “Chiếc Lá Thu Phai” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

    Về đây đứng ngồi
    Đường xa quá ngại
    Để lòng theo chút nắng bên ngoài

    Mùa xuân quá vội
    Mười năm tắm gội
    Giật mình ôi chiếc lá thu phai

    Không biết anh bị bệnh gì mà bệnh viện bó tay, buộc lòng phải trả anh về “đây”. “Về đây” là về nhà của anh để chờ ngày giờ của mình. Lúc này, anh chỉ còn “đứng, ngồi”. Chứ không “đi” và “nằm” được. Ngay việc ra ngoài hiên ngồi hóng gió cũng chả làm được. Cũng chả mình ên rông ra được. Thì như làm vậy, anh phải ngồi trong nhà nhìn ra sân “để lòng theo chút nắng bên ngoài”.

    Anh nhớ lại những ngày còn thanh xuân, khi sức khỏe còn tốt, anh đã không lo gìn giữ nó. Cứ xài thả ga, không hãm mình chịu khó bằng lòng, nên chỉ trong vòng “mười năm tắm gội”, tận hưởng tận gốc tuổi xuân đã đẩy sức khỏe của anh trượt dài theo triền dốc suy thoái. Một ngày kia, anh “giật mình” thì “ôi chiếc lá thu phai” rồi. Cơn bệnh bắt đầu phát tán. Anh nhuốm bệnh rồi.

    Người đâu mất người
    Đời tôi ngốc dại
    Tự làm khô héo tôi đây

    Chiều hôm thức dậy
    Ngồi ôm tóc dài
    Chập chờn lau trắng trong tay

    Dù bệnh như làm vậy, song le, nhiều lúc anh chối bỏ thực trạng. Anh tự động viên mình là “Người đâu mất người”?! Mình đâu có mất sức khỏe?! Mất nhẽ sống vui sống mạnh. Chỉ là suy yếu tạm thời thôi. Mơi sau rồi sẽ phục hồi như xưa. Nhưng liền sau đó thì lại tự đấm ngực rồi than trách rằng “Đời tôi ngốc dại, Tự làm khô héo tôi đây”. Cái hình ảnh “ngồi ôm tóc dài”, ân hận vì những gì mình tạo ra cho chính bổn thân, thật là thê lương.

    Về thu xếp lại
    Ngày trong nếp ngày
    Vội vàng thêm những lúc yêu người

    Cuồng phong cánh mỏi
    Về bên núi đợi
    Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay

    Rồi thì cũng có lúc anh nhận ra sự thế gian là nhẽ như làm vậy. Không thể chối bỏ đặng nữa. Phải đối mặt đặng tìm phương án giải quyết thôi. Thì đó, anh đã chịu thua, chịu“về thu xếp lại. Ngày trong nếp ngày”. Phải “vội vàng thêm” trong việc ôn lại những việc xa xôi, những chuyện xửa xưa, khi còn có thể.

    Cơn bạo bệnh đến như giông bão làm anh phải xếp lại những toan tính, dự định trong đời. Như con chim mỏi cánh vì trận “cuồng phong” phải tìm nơi trú ẩn và đợi chờ cơn giông qua đi. Một hoàn cảnh thê lương đến hòn đá nơi “núi đợi” cũng thương xót cho con chim kia.

    Nằm nghe giữa trời
    Giòn vang tiếng cười
    Điệu kèn ai buốt trong tôi

    Mùi hương phấn người
    Một hôm nhớ lại
    Hẹn ngày sau sẽ mua vui

    Khi ta khỏe thì thời gian là liều thuốc tiên; Còn khi ta bệnh mà không còn cách chữa thì thời gian chỉ là viên độc dược ngào đường. Thì như làm vậy, sau rốt, người ta mang anh ra giữa đồng. Anh nằm giữa trời mà nghe giòng đời trôi qua. Có lúc sôi nổi như giọng cười giòn vang. Có lúc sầu bi như điệu kèn ai oán tiễn đưa ai đó nằm gần chỗ anh.

    Song le, và trên hết mọi sự, là mùi hương phấn của sự sống mà anh đã trải nghiệm sẽ là hành trang anh mang theo về cõi nào đó. Chứ không phải là “cõi đi về” vì anh còn “hẹn ngày sau sẽ mua vui ”.
    Đỗ thành Đậu

 

 

Similar Threads

  1. Tiếng Nước Tôi
    By 008 in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 25
    Last Post: 06-07-2019, 11:09 AM
  2. Nước
    By Triển in forum Tiếu Lâm
    Replies: 106
    Last Post: 08-29-2017, 01:04 AM
  3. Non Nước Hữu Tình
    By conmuanho in forum Thơ
    Replies: 24
    Last Post: 09-03-2015, 11:55 AM
  4. Khóc Cười Theo Mệnh Nước Nổi Trôi, Nước Ơi
    By Hàn Sinh in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 28
    Last Post: 12-22-2013, 09:23 PM
  5. Bìm Bịp Kêu Nước Lớn
    By BB.Phan in forum Âm Nhạc
    Replies: 2
    Last Post: 05-15-2013, 03:09 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:34 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh