Register
Results 1 to 10 of 14

Hybrid View

  1. #1
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787

    Nước Mỹ Phiền Lắm

    Xin đăng lại những bài viết của mình trên phố rùm cũ (1, 2, 3), ở đây. Gọi là “để nhớ một thời ta đã“... rùm.

    Đậu Lạc Tây

    (Đậu - Phi Lạc - Tây Độc)
    Đỗ thành Đậu

  2. #2
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Tình Yêu Cũng Phiền.


    Nơi tôi ở, vào những năm đầu của thập niên 80, kiếm được một người đồng hương gần nhà để tán gẫu đã là chuyện hiếm hoi, nói chi đến chuyện tình yêu trai gái. Ông nào có vợ hẳn hoi thì quý vợ hết biết. Anh nào còn độc thân thì phải nhanh chân lẹ miệng kiếm cho được một người yêu, nếu không muốn buồn suốt đời. Ngày đó không có chuyện một ông hai bà, vợ nhớn vợ nhỏ. Mà ông nào cũng sống rất mực đứng đắn, ra dáng một anh chồng gương mẫu lắm.

    Các cô sống ở đây, thành phố tôi ở, chọn bồ rất kỹ: nghề nghiệp vững chắc, chưa vợ chưa con, có nhà càng tốt. Không thấy nói gì về chuyện đẹp trai cả. Những anh mới tới Mỹ, như tôi, thì đừng mơ tưởng đến chuyện các cô yêu nhầm. Không có chuyện đó đâu.

    Những ngày cuối tuần hay lễ nghỉ, nếu buồn, tôi tới nhà mấy anh bạn làm cùng hãng để lai rai. Nếu thấy vui, thì tôi đi dạo cả ngày trong các Malls, Trung tâm buôn bán, cho giãn gân cốt. Tối về nhà ngủ thẳng cẳng. Khỏi phải mộng mị lôi thôi.

    Và như thế, tôi sống ở đó gần 2 năm. Ngày hai buổi nắng mưa đi về mình ên.

    Bỗng một hôm, có người bạn ở miền đất lạnh viết thư dụ tôi về chỗ anh đang sinh sống. Anh ta viết: "ở đây, xứ lạnh, tình nồng. Chú em qua đây thì sẽ không sợ ế." Tôi thích câu "xứ lạnh, tình nồng". Nghe cứ như thơ ấy nên đã hăng hái khăn gói quả mướp lên đường tìm tình yêu. Trước khi đi, tôi gọi phone dọa anh là nếu tôi bị ế thì anh phải bồi thường. Tôi nói thế, vì tôi biết anh có hai cô em vợ xinh đáo để.

    Và tôi dọn tới thành phố mới, nơi anh bạn tôi ở, vào những ngày tàn Thu. Để cho tình đồng hương thêm đậm đà, tôi mướn một studio trong cùng building với anh. Gia đình bên vợ của anh, gồm ba má và hai cô em gái cũng sống trong building này. Thật là may mắn, cả ba gia đình cùng ở chung một tầng của building.

    Hai ông bà cụ rất tốt, coi tôi như con cháu trong nhà. Mỗi khi có món ăn ngon, hai cụ đều gọi tôi qua ăn chung cho vui. Còn hai cô em gái đi học ở một University gần nhà. Họ ăn nói có duyên và họat bát lắm. Cả hai đều thích văn nghệ văn gừng. Thỉnh thoảng, khi có dịp, tôi đệm đàn cho họ hát. Có lần, một trong hai cô nói với tôi: "Nhiều tối, nghe tiếng đàn từ phòng anh vọng qua, tụi em ngủ không được." Tôi hỏi “sao thế?” Cô em nói là ồn lắm rồi cả hai chị em phá ra cười làm tôi xấu hổ chín cả người. Tôi nghĩ bụng “Nếu được một trong hai cô thương thầm thì đời tôi đỡ khổ biết bao?” Tôi nghĩ thế thôi, chứ người ta học cao như thế, tôi với sao đến!

    Sau khi sống ở đây qua một mùa đông, tôi thực sự thấm thía câu "xứ lạnh, tình nồng". Mùa đông ở đây lạnh lắm, tuyết rơi nhiều. Hình như ngày nào tuyết cũng rơi. Nếu không có chuyện cần phải đi ra ngoài thì ai cũng ở trong nhà. Còn phụ nữ, khi phải đi ra ngoài, mặc hai ba lớp áo quần cho ấm. Nhiều khi trời quá lạnh, họ trùm kín cả đầu cổ, chỉ trừ hai con mắt. Người ta khó biết nhan sắc họ ra sao?

    Những ngày lễ lớn, anh bạn đưa tôi đến những nơi sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Ở nơi đó, tôi thấy rất nhiều bóng hồng. Nhưng bên cạnh những bóng hồng đó còn có những bóng đen của chồng họ nữa.

    Thế là hỏng, "xứ lạnh, tình nồng" chỉ đúng cho anh bạn của tôi và những người có gia đình ở đây thôi. Con giai còn độc thân như tôi thì chỉ có nước chết rét. Điệu này, tôi bị ế là cái chắc. Lắm lúc, tôi tự hỏi lòng mình là có nên trở về chốn cũ? Hoặc là bắt thường anh bạn tôi?

    Tưởng rằng đời tôi đã tàn nơi xứ lạnh. Nhưng Giời còn thương tôi, đời vẫn chưa quên tôi nên một ngày kia đã xui khiến một người con gái yêu tôi.

    oOo

    Chuyện bắt đầu vào một buổi tối. Khi anh Kỳ, tên anh bạn, muốn tôi giúp cho anh ta một chuyện.

    Từ ngày tôi dọn về đây, chưa lần nào anh Kỳ nhờ tôi làm việc gì cả, ngoài chuyện nhậu lai rai với anh. Anh hẹn tôi ra quán cà phê gần nhà. Điều này làm tôi cảm thấy lo lắng. Có thật là anh Kỳ muốn tôi giúp đỡ? Hay là tôi đã làm gì phật lòng anh và anh muốn mắng vốn tôi? Tôi biết anh Kỳ là người kín đáo nên có làm chuyện này thì anh cũng lựa nơi chốn thích hợp. Thôi chết. Không biết tôi đã làm điều gì sai khuấy?

    Sau khi anh Kỳ nói xong chuyện muốn tôi giúp, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Chuyện đó không liên quan gì đến tôi hay hai cô em vợ của anh ấy nhưng lại liên quan đến vợ anh.

    Số là, vợ chồng anh Kỳ làm chủ một quán cà phê trên dẫy phố Việt Nam. Gọi là dẫy phố cho sang, thật ra cửa tiệm Việt Nam ở đây cũng chẳng nhiều, khoảng hơn mười tiệm. Để lôi cuốn khách cho quán, vợ chồng anh có sáng kiến là vào mỗi cuối tuần, quán đều có chương trình đặc biệt: tối thứ Sáu có chương trình độc tấu Dương Cầm, tối thứ Bẩy có ban nhạc sống.

    Vào hai tối đặc biệt này, quán cà phê của vợ chồng anh rất đông khách. Có khi, khách ngồi chung bàn mà không biết tên nhau. Còn khách tới trễ thì phải đứng nghe nhạc. Vậy mà chẳng có ai than phiền cả. Thời gian đó, người Việt ở Mỹ phần đông là thanh niên hay đàn ông độc thân tại chỗ. Những ngày cuối tuần, nếu không phải đi làm thêm, họ sợ ở nhà một mình. Ai cũng có nỗi buồn riêng tư cần người tâm sự nên họ tìm đến nhau để khuây khoả. Quán cà phê của vợ chồng anh Kỳ đông khách là vậy. Nhiều tuần, hai cô em vợ của anh cũng phải đến giúp quán.

    Anh Kỳ giúp vợ trông coi quán ban ngày, buổi chiều anh đi làm. Anh Kỳ đi làm để có bảo hiểm cho cả gia đình. Anh nói “nếu chỉ trông cậy vào quán này thì có ngày vỡ nợ. Ở Mỹ, sợ nhất là tiền bệnh viện. Nếu không có insurance thì không nên bệnh.” Thỉnh thoảng, anh Kỳ đi làm thêm ngày thứ Bẩy, tuỳ theo nhu cầu nhân viên của hãng. Và gần đây, anh Kỳ đi làm ngày thứ Bẩy thường hơn nên mới có chuyện không hay cho quán cà phê của anh.

    Chuyện là. Đã hai tuần nay, có một người đàn ông "hắc ám" (chữ anh Kỳ dùng) đến quán của anh vào cả hai tối thứ Sáu và thứ Bẩy. Gã ngồi hàng giờ bên ly cà phê đã nguội ngắt lặng nhìn "bà chủ" mà không nói một câu. Chẳng biết hắn có mưu toan gì, mà thỉnh thoảng cười một mình. Con người nom bí ẩn như hắn, có lẽ, phải đề phòng mới được.

    Anh Kỳ nói với tôi thế, nhưng tôi biết "tỏng" là anh ấy sợ "thằng chả" tán tỉnh vợ mình. Tôi thông cảm nỗi sợ hãi ấy của anh Kỳ nên nhận lời làm gián điệp không lương cho anh. Nhiệm vụ của tôi rất đơn giản: theo dõi "địch" và báo cáo kịp thời cho anh Kỳ để có định liệu. Tôi không biết anh Kỳ có kế hoạch gì nếu người đàn ông hắc ám đó tán tỉnh vợ anh thật?

    Lần đầu tiên gặp hắn, tôi thấy anh Kỳ lo ngại là phải. Hắn trẻ hơn anh Kỳ, đẹp tự nhiên, lại có thêm bộ râu mép rất bảnh. Anh Kỳ, nếu có sửa soạn kỹ lưỡng cũng chưa chắc ăn đứt hắn. Tự nhiên, tôi thấy gần gũi với anh Kỳ hơn. Có lẽ, tại tôi và anh Kỳ giống nhau ở điểm là không đẹp trai mấy. Biết làm sao, trời cho thanh cao mới được phần thanh cao mà.

    Nhìn hắn ngồi buồn bên ly cà phê, tôi tự hỏi “Hắn là ai, từ đâu tới, làm nghề ngỗng gì, tới đây có mục đích gì?” Chỉ có mình hắn mới có thể giải đáp các thắc mắc này của tôi. Có khi, tình cờ tôi ngồi gần hắn cả buổi mà vẫn không nghe hắn mở miệng. Người gì đâu mà ít nói thế. Tôi phải làm sao bây giờ? Những gì anh Kỳ nói với tôi về hắn rất đúng: lầm lì, ít nói, thích nhìn bà chủ. Không biết anh Kỳ lấy tin tức ở đâu mà chính xác thế. Từ hai cô em vợ chăng?

    oOo

    Nhìn “tên tình địch bí ẩn” của anh Kỳ mãi, tôi cũng chán nên tôi nhìn các nhạc sĩ, ca sĩ trên sân khấu cho đỡ buồn. Ban nhạc sống, trình diễn tối thứ Bẩy, gồm các nhạc sĩ phái đực rựa, nên tôi chẳng thèm nhìn họ. Ban nhạc có hai nữ ca sĩ, nhan sắc "coi được", nhưng nghe nói họ đã có chồng rồi nên tôi cũng không thèm tìm hiểu chồng họ là ai cả.

    Người đàn dương cầm tối thứ Sáu là một cô gái tuổi đôi mươi, tóc dài ngang vai. Mỗi khi nhìn cô say sưa trên phím đàn, tôi thấy cô đẹp như tiên. Tôi không biết nhiều về Nhạc Cổ Điển Tây Phương, nhưng chỉ cần nhìn cô ngồi đàn tôi "cũng đủ lãng quên đời." Nghe chị Hà, vợ anh bạn tôi, nói cô ta người miền Bắc, chưa lập gia đình. Tôi không hỏi thêm vì sợ chị Hà hiểu lầm.

    Mà chị Hà hiểu lầm tôi thật. Chị thấy tôi xuất hiện ở quán vào tối Thứ Sáu và Thứ Bẩy hằng tuần nên nghĩ là tôi phải lòng với một trong hai cô em của chị. Chị thường nói với tôi là nếu tôi cần thì chị ấy sẽ nói thêm cho. Tôi hiểu điều chị Hà muốn nói, nhưng mục đích tôi đến đây là làm thám tử chứ không phải ... chuyện kia. Nhưng vì tôi không tiện giải thích nên chỉ ậm ừ cho qua. Chị Hà thì không thể cho qua dễ dàng thế. Chị "sai bảo" tôi rất thiệt tình mỗi khi chị cần tôi giúp việc gì trong quán. Bao giờ chị cũng khuyến khích tôi bằng câu "chị sẽ nói thêm cho". Còn tôi thì chỉ còn biết cười cho đời đỡ khổ.

    Sau hai tuần làm việc tôi thấy mệt mỏi vì siêng năng quá. Tôi phải có mặt ở quán trước khi “tên tình địch bí ẩn” xuất hiện, và trong thời gian hắn ở trong quán. Có đêm, tôi phải chờ cho hắn lái xe ra khỏi chỗ đậu, tôi mới yên tâm ra về. Trong lúc làm việc, tôi phải để ý mọi hành động của hắn, nên ít khi được nghe một bản nhạc cho trọn vẹn. Chưa kể là lúc quán đông khách quá, tôi phải làm Waitor, Busboy nữa. Nhưng tôi không lấy thế làm phiền. Giúp người thì phải giúp tới nơi, tôi nghĩ thế.

    Anh Kỳ, sau những báo cáo của tôi về hắn, tôi thấy anh có vẻ bớt lo lắng một chút. Anh ta bớt lo lắng, thì tôi cũng bớt vất vã. Chỉ vì hắn mà tôi phải đầu tắt mặt tối. Tôi mong một ngày nào đó, hắn tự nhiên biến mất trên thế gian này.

    oOo

    Một tối thứ Sáu, chị Hà nhờ tôi làm tài xế đưa một người về, sau khi quán đóng cửa. Chị nói vì bận việc đột xuất nên chị mới nhờ tôi. Thôi rồi, cuộc đời tôi thêm vất vả. Tôi làm thám tử, làm Waitor, làm Busboy. Bây giờ kiêm thêm nghề tài xế. Khổ thiệt khổ. Tôi nhủ thầm trong bụng như thế, nhưng vẫn phải toét miệng ra cười. Chị Hà thấy tôi cười thì nghĩ là tôi đã bằng lòng. Chị cám ơn tôi rối rít và không quên động viên tôi bằng câu "để chị nói thêm cho" như mọi khi.

    Tôi hỏi chị Hà: chị muốn em đưa ai về? Chị Hà nói: cô Nga, người đàn dương cầm đấy. À, cái cô Bắc Kỳ đàn dương cầm tên Nga. Tôi muốn reo lên và cám ơn chị Hà thật nhiều. Chúa ơi, vậy mà tôi đã nghĩ xấu về chị! Từ lâu, tôi vẫn ước mơ được làm tài xế cho cô Bắc Kỳ. Có đôi khi tôi muốn nhờ chị Hà giúp chuyện này, nhưng chị Hà cứ đòi "để chị nói thêm cho" nên tôi chẳng dám.

    Sau khi lái xe ra khỏi chỗ đậu, cô Bắc Kỳ tự giới thiệu về mình. Giọng nói của cô ngọt như đường phèn.

    - Em tên Nga. Còn anh tên gì cơ?

    Thiệt đúng như lời Bố tôi dặn, trước khi tôi đi vượt biên, rằng: “con gái Hà Nội ăn nói ngọt ngào lắm. Con phải cẩn thận. Đừng để cho họ bắt nạt.” Lòng dạ tôi luôn ghi nhớ lời Bố dặn, nên bấy giờ tôi đã giữ linh hồn thật chặt để không bị sa chước cám dỗ.

    Tôi trả lời rất tỉnh:

    - Bond. James Bond.

    Cô Bắc Kỳ cười:

    - Không! Tên thật của anh cơ ?

    Lại "cơ" nữa! Tôi cười cười:

    - Phong. Âu Dương Phong.

    Cô Bắc Kỳ cười nữa:

    - Tên anh giống như tên của một nhân vật trong truyện chưởng. Mà sao anh có tên nghe dữ thế cơ ?

    Lại "cơ" nữa ! Tôi giải thích cho cô Bắc Kỳ:

    - Khi tôi mới lọt lòng mẹ, tôi khóc rất lớn và dai như đỉa. Ai dỗ, tôi cũng không chịu nín. Bố tôi thấy thế mới nói: sau này chắc tôi là đứa hiền lành. Sẽ bị người khác ăn hiếp thường xuyên nên ông đặt cho tôi tên Âu Dương Phong. Bố tôi còn bảo cái tên đó tuy nghe dữ dằn nhưng sẽ giúp tôi đỡ nhiều, sau này.

    Cô Bắc Kỳ cười nữa:

    - Giời ơi, ai mà bắt nạt được anh. Anh bắt nạt người ta thì có!

    Nghe cô Bắc Kỳ khen, tôi mát từng khúc ruột. Từ nhỏ, trong số năm anh em trai trong nhà, tôi là đứa cù lần nhất. Mấy anh tôi cho tôi là đứa to đầu mà dại, chẳng làm nên tích sự gì. Tôi nhớ, khi còn ở bậc tiểu học, tôi đi học phải mang theo hai cái bút lá tre, hai bình mực tím, hai tờ giấy thấm v.v... Không phải tôi có tính lo xa từ nhỏ đâu. Tôi mang dư những thứ đó là để cho mấy thằng bạn xài ké. Mấy thằng này lúc mới quen tôi, tụi nó không dám bắt nạt tôi vì cái tên dữ dằn của tôi. Nhưng lâu ngày, tụi nó biết là tôi hiền như cục bột, bèn thẳng tay đàn áp. Tôi vốn chuộng bạn bè, nên dù tôi có bị thua thiệt chút cũng chẳng ăn nhằm gì, miễn vui là được rồi.

    Lớn hơn chút nữa, khi tôi bắt đầu biết mơ mộng, tôi yêu nhiều người lắm nhưng không ai yêu lại. Cũng chẳng lạ gì vì tôi nhát gái quá. Mỗi khi thấy "người tôi yêu" từ xa là đầu cổ tôi nóng bừng và tìm chỗ trốn. Chắc tại vì lúc còn bé, tôi không có dịp chơi với con gái nên lớn lên mới sợ họ dữ thần vậy?

    Lần lượt mấy người anh của tôi thi nhau lập gia đình, trong khi tôi vẫn ì ra đó. Vẫn chưa có cô nào phải lòng tôi hết. Đến khi người anh kế của tôi lấy vợ, lúc đó tôi đã hai mươi hai tuổi, thì Mẹ tôi sốt ruột dùm tôi nên trong một buổi cơm tối, nhân lúc Bố tôi kể chuyện ngày ông còn trai trẻ, Mẹ tôi mới nói:

    - Sao ông không dậy cho thằng Phong cách tìm bạn gái? Ngữ này, chắc ông với tôi phải nuôi nó suốt đời rồi!

    Người anh kế của tôi nói:

    - Thôi Mẹ ơi, Bố có dậy nó đến ... tết Congo, nó cũng như vậy thôi !

    Bố tôi vốn thương tôi nhất nhà mới binh tôi:

    - Bà chỉ khéo lo, con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh. Thằng Phong có số đào hoa, nhưng chưa đến kỳ phát tiết thôi. Bà cứ yên tâm, con của bà thế nào cũng có khối đứa mê. Tôi sợ lúc đó tôi với bà lại nhức đầu với nó đấy?

    Sau mấy năm rời ... vú mẹ đi giang hồ trên đất Mỹ, bị đời ngược đãi nhiều phen, tôi học được lắm điều hay và cái tính nhát gái của tôi cũng biến mất tiêu.

    Đêm ấy, ngồi bên cô Bắc Kỳ, tôi ba hoa chích choè đủ chuyện. Và lần đầu tiên trong đời, tôi thấy con gái dễ thương thật. Tôi nghe hồn mình lâng lâng theo giọng nói ngọt như mật của cô.

    - Hai cụ là người ở đâu thế?

    À, cô Bắc Kỳ bắt đầu điều tra lý lịch của tôi đây.

    - Bố mẹ tôi người Lưu Phương Ninh Bình.

    Giọng cô Bắc Kỳ nghe mừng rỡ:

    - Bố em cũng là người Lưu Phương Ninh Bình. Còn Mẹ em là người Hà Nội. Bố em vào Hà Nội để học rồi gặp mẹ em.

    Tôi mừng quá, như thế tôi với cô là người cùng làng. Và cũng vì thế, tôi nghĩ là phải đổi cách xưng hô cho thân mật một chút:

    - Anh thấy là người Lưu Phương Ninh Bình, ai cũng tốt số cả. Đều lấy được vợ đẹp và tài giỏi!

    Cô Bắc Kỳ hỏi:

    - Sao anh biết cơ?

    - Em đẹp và đàn dương cầm "cừ" như thế, thì mẹ của em cũng phải đẹp và tài giỏi lắm?

    Cô bắc Kỳ cười duyên:

    - Anh chỉ được cái nước nịnh.

    Cũng chẳng mấy khi, trên đất người xứ lạ mà gặp được người "cùng làng," nên tôi kể cho cô nghe về tôi, về những nơi tôi đã sống và những nghề tôi đã làm. Nhưng tôi không dám cho cô biết cái lý do khiến tôi dọn nhà đến thành phố này.

    Cô Bắc Kỳ hiền thật, chịu khó nghe tôi nói, thỉnh thoảng hỏi lại tôi: "thế à" hay "sao cơ". Nghe dễ thương chi lạ! Tôi bắt đầu nghi ngờ những bài hát về người con gái Bắc của mấy ông nhạc sĩ thất tình. Mấy ông này chỉ giỏi trả thù vặt, vơ đũa cả nắm. Con gái Bắc cũng có người này người khác chứ.

    Khi tôi dừng xe trước cửa nhà cô Bắc Kỳ, tôi vẫn còn khối chuyện để kể cho cô nghe. Tôi hẹn cô lần sau.

    Cô Bắc Kỳ cười như một hứa hẹn:

    - Để xem sao đã?

    Tôi về đến nhà thì trời đã khuya. Trước khi đi ngủ, tôi cẩn thận bỏ băng nhạc vô máy hát và chọn bài "Giáng Ngọc". Trong tiếng hát của người nữ ca sĩ, tôi lờ mờ nhìn thấy cô Bắc Kỳ ngồi đàn dương cầm.

    oOo

    Ở đời, ít khi những chuyện vui xẩy ra liên tiếp. Ấy thế mà đã xẩy ra cho tôi đấy. Buổi tối, sau đêm đưa cô Bắc Kỳ về lần đầu, thì ban nhạc của quán có chuyện. Anh chơi đàn Bass, sau khi nghe phone của người nhà gọi, thì phải về nhà gấp vì vợ đẻ. Ở Mỹ, chuyện vợ đẻ không thể nhẩn nha được nên anh ta phải vội vàng chạy về đưa vợ đi đẻ.

    Ban nhạc chới với, mỗi người mỗi ý. Có người vớ vẩn trách vợ anh chơi đàn Bass không coi ngày đi đẻ nữa. Còn chị Hà thì lo lắng ra mặt. Lúc này mới 8 giờ tối, không thể chấm dứt chương trình Văn nghệ được. Khách yêu văn nghệ đã ngồi chật cả nhà hàng, và ly cà phê của họ đã được tính gấp đôi so với ngày thường. Bây giờ chị nói ngưng ngang hông, ai mà chịu được.

    Trong lúc hốt hoảng, chi Hà nhớ đến tài đàn địch của tôi và nhờ tôi thế chỗ anh đàn Bass. Chúa ơi, thế này thì chết con rồi. Nếu con leo lên sân khấu để "xập xình" với ban nhạc thì làm sao con có thể theo dõi “tên tình địch bí ẩn” của anh Kỳ được nữa? Tôi không biết tính sao cho trọn: một bên là anh Kỳ với nhiệm vụ cao cả và tối mật, còn bên kia là chị Hà với buổi tối buồn trước mắt.

    Nhưng khi nhìn chị Hà lo lắng quá sức, tôi chịu không được nên đã nhận lời. Sau phút bốc đồng, thì tới phiên tôi lo sợ. Từ khi chào đời đến giờ, tôi chưa chơi với ban nhạc lần nào cả. Tôi chỉ biết đàn nhạc Guitar cổ điển. Thỉnh thoảng, tôi hứng chí thì đệm cho người khác hát hỏng một chút cho vui. Tôi cũng có học sơ qua về đàn Bass, nhưng chẳng tới đâu cả. Giờ đây tôi phải chơi đàn Bass, phải ăn nhịp với các anh trong ban nhạc. Lòng dạ tôi lo lắng lắm luôn. Nhỡ có gì, người ta "chửi" mình chết.

    Mấy anh trong ban nhạc khi biết tôi thay thế người bạn của họ, nhìn tôi nghi ngờ. Không biết thằng cu này là ai, có biết "chơi" không đó? Nhưng có lệnh của "bà chủ" nên mấy anh không thể từ chối sự có mặt của tôi trên sân khấu được. Lo thì cứ lo, nhưng vẫn phải chơi nhạc như thường. Họ vừa chơi, vừa nhìn tôi và vừa rung. Chỉ sợ tôi lọt tuốt luốt phiá sau.

    Tội nghiệp hai cô ca sĩ trong ban nhạc. Họ nhìn tôi như họ đang cầu xin chúa cho tôi đừng rớt nhịp, lợ "tông". Tôi chạy theo mấy anh trong ban nhạc bở mồ hôi tai. Sau khi qua được mấy bài, như đã quen với cây đàn nên tôi đỡ vất vả một chút. Mấy anh trong ban nhạc, lúc này có vẻ hơi an tâm. Tới bài "Giáng Ngọc" thì tôi chơi ngọt xớt. Các anh ngạc nhiên vì tôi chơi đúng y chang như trong băng nhạc. Đó là bài tủ của tôi mà. Từ lâu, tôi khoái bài hát này nên nghe bài này rất nhiều lần. Nghe đến nổi thuộc luôn lời và phần nhạc đệm.

    Nhờ Trời thương, đêm đó cũng qua đi trong yên bình. Từ đó tôi thêm phần bận rộn: Tôi phải thay anh đàn Bass mỗi tối thứ Bẩy, trong thời gian anh ở nhà chăm sóc vợ đẻ. Các anh trong ban nhạc thấy tôi "chơi" cũng được, và họ không còn cách nào khác nên tạm thời chấp nhận giải pháp nàỵ (Sau này anh đàn Bass đòi ở nhà chơi với vợ con, không thèm chơi nhạc nữa nên tôi thay thế anh luôn.)

    Vậy là ngoài tối thứ Sáu, tối thứ Bẩy tôi mắc kẹt trên sân khấu nên không thể nhòm chừng “tên tình địch bí ẩn” của anh Kỳ được. (Thú thật là tôi thích làm nghệ sĩ hơn làm thám tử.) Tôi trình bầy với anh Kỳ về việc này, anh thở dài: "nếu chị đã định như vậy thì anh không có ý kiến, thỉnh thoảng nhòm chừng cho anh thôi."

    oOo

    Từ ngày làm "nghệ sĩ", cái số đào hoa của tôi bắt đầu phát tiết. Bắt đầu vào một tối thứ Bẩy, khi tôi nhận ra cô Bắc Kỳ trong số những người khách của quán. Sự xuất hiện đột ngột của cô làm tôi xấu hổ. Xấu hổ là phải, vì tôi đã dấu cô chuyện tôi "đàn địch" cho quán, mặc dù giữa tôi và cô đã có sự thân mật hơn. Chúng tôi đã kể cho nhau nghe nhiều chuyện tương đối là riêng tư, nhưng nếu phải khoe với cô chuyện "đàn địch" thì tôi mắc cở. Vì cái tài đàn địch của tôi so với cô chẳng thấm vào đâu cả.

    Buổi tối hôm ấy, trong lúc ban nhạc nghỉ giải lao, tôi nói với cô chuyện này. Cô chẳng buồn về tôi một tí nào cả. Cô còn khen tôi "chơi" hay nữa. Việc này khiến tôi như được nước. Trong phần sau của chương trình, tôi đã chơi hết ga hết sức.

    Và sau tối ấy, tôi đến đón cô mỗi tối thứ Bẩy để đến quán nghe tôi "xèng xèng". Hai ngày cuối tuần của tôi, bấy giờ, thật bận rộn. Tối thứ Sáu, tôi đến quán để làm khán giả của cô Bắc Kỳ. Tối Thứ Bẩy, cô Bắc Kỳ làm khán giả của tôi.

    Cũng từ ngày đó, tôi quên luôn cái nhiệm vụ anh Kỳ giao phó cho tôi. Đôi khi, anh Kỳ hỏi tới “tên tình địch bí ẩn”, thì tôi nói: cũng thế, chưa có chuyện gì lạ. Đến khi chuyện lạ xẩy ra thì tôi xém nữa chết đứng.

    Một đêm thứ Bẩy, sau khi quán đóng cửa để dọn dẹp, tôi thấy “tên tình địch bí ẩn” còn ngồi thù lù ra đó. Chị Hà đứng kế bên, nói chuyện với hắn ra vẻ thân thiện lắm. Tôi chưa biết phải làm sao, thì chị Hà lôi tôi tới bàn hắn và giới thiệu:

    - Đây là anh Nguyễn, con người Bác của chị.

    Giới thiệu xong, chị bỏ mặc tôi đứng xớ rớ ở đó. Chị tiếp tục nói chuyện với ông anh họ. Thoạt đầu, nghe hai người nói chuyện tôi chẳng hiểu gì sốt! Sau một hồi lâu lắng nghe, xếp đặt lại, tôi mới hiểu đầu đuôi câu chuyện như thế này.

    Anh Nguyễn là anh họ của chị Hà, gọi Bố Mẹ chị Hà là Chú Thím. Anh qua Mỹ du học trước năm 1975 rồi bị kẹt lạị. Anh ở tiểu bang khác, mới dọn qua thành phố này ba tháng nay vì nhu cầu công việc của hãng. Anh Nguyễn biết là có gia đình người chú hiện đang sinh sống ở đây. Anh đã ra sức tìm kiếm nhưng không gặp.

    Lần đầu tiên, khi vào quán của vợ chồng anh Kỳ thì anh Nguyễn thấy chị Hà "quen lắm". Như anh đã gặp nhiều lần ở đâu rồi nhưng lại không tiện hỏi. Chắc anh Nguyễn thuộc típ ngươi nhát gái nên tới lui quán hoài mà vẫn chưa dám mở lời? Anh viết thơ về Việt Nam hỏi gia đình anh về người chú ở Mỹ và họ đã gửi hình ảnh qua cho anh.

    Chị Hà đưa tôi xem một tấm hình, tôi nhận ra chị Hà, Bố mẹ chị và cả “hắn” nữa trong tấm hình chụp đông người đó. Anh Nguyễn nói: hình này chụp vào dịp tết trước khi anh đi du học, cách đây hơn chục năm rồi.

    oOo

    Gần hai mươi năm qua, ở đây đã có nhiều thay đổi. Người đến thì đông, người đi thì ít. Hàng quán Việt Nam cũng vì thế mà mọc lên như mấm. Quán cà phê cũ, nơi tôi gặp cô Bắc Kỳ, bây giờ là tiệm buôn bán vàng. Chủ nhân ông chính là vợ chồng anh Kỳ. Hai cô em vợ của anh, sau khi ra trường, đi làm một thời gian rồi cũng lấy chồng luôn. Anh em trong ban nhạc, sau khi lấy vợ thì ai về nhà nấy. Còn cô Bắc Kỳ, vì ham nghe tôi kể chuyện đời xưa nên dọn về ở chung với tôi để nghe cho đã tai.

    Vợ chồng tôi, đôi khi ngồi kể chuyện xưa rồi cười khúc khích. Chúng tôi có hai đứa con: một trai một gáị Đứa con gái, 14 tuổi giống mẹ nó như đúc: đẹp và tài giỏi. Thằng con trai, 15 tuổi, thì giống tôi: trông cù lần bỏ xừ. Tôi lo nó về sau sẽ vất vả với tình duyên nên cho nó đi học đàn để phòng thân. Bà xã tôi khi biết chuyện này, bèn trấn an tôi.

    - Ông chỉ khéo lo. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

    Ừ nhỉ, sao tôi khéo lo thế ? Ngày xưa, Mẹ tôi cũng sốt ruột nhiều cho tôi. Rồi tôi cũng có vợ con đàng hoàng như ai. Tuy biết vậy, nhưng tôi đâu có chịu thua dễ dàng thế.

    - Bà nói cũng đúng, nhưng nếu nó có "nghề" thì vẫn hơn.

    Cô Bắc Kỳ cười, lắc đầu nhè nhẹ.

    - Thôi, tôi chịu thua ông. Nói chuyện với ông lâu… đến phiền./.

    Tây Độc (2004)
    Đỗ thành Đậu

  3. #3
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    ++

    Mời nghe nhạc cho đỡ buồn, trong khi chờ mình sắp chử bản in cho bài kế tiếp.

    Đỗ thành Đậu

  4. #4
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Hàng Xóm Phiền Ghê.


    Ở Việt Nam, tình hàng xóm láng giềng vốn được xem trọng. Chẳng vậy mà các cụ hay bảo: “Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần.” Người xưa nói thế thì chả có nhẽ nào sai được. Rồi trong thời đại ca hát, người ta còn thấy “Cô Láng Giềng, “Cô Hàng Xóm” cũng đã làm trái tim của nhiều anh giai tan vỡ. Nhà em đầu ngõ, nhà anh cuối xóm. Sáng chiều đi về ngó nhau. Cái tình cái ý, nhiều anh giai còn chưa dám nói thành câu thành lời. Thì bỗng một ngày kia, người em gái ôm bó bông to đùng lên xe hoa về nhà người khác xóm. Hỏi thế sao không buồn cho đặng?

    Nhà chung ấp, chung xóm không thân bằng nhà chung vách. Tình nhân vì thế mà nhân lên gấp bội, gấp ba hoặc gấp bốn. Mà nhiều khi hai nhà “sát vách” giở thành “thông gia”, cũng không chừng? Cái câu “tối lửa tắt đèn có nhau” chắc là biểu đồ cường độ của mức thân thiện ở mức tối cao rồi? Thì sách cũng có chép: “nhất cự ly, nhì cường độ” mà.

    Đấy là chuyện đời xưa, chuyện ở phía bên kia quả đất. Chứ ở Mỹ, hai nhà chung vách thì chả khéo lại không hay. Có khi đưa đến việc giận hờn rồi dọn nhà đi chỗ khác, chứ chả chơi.

    Tôi vẫn nghe người ta bảo “Nước Mỹ là nơi đất lành chim đậu.” Chim đậu chán thì bay xa, như loài chim Đa Đa thích lấy chồng xa. Nói thì nói thế, chứ nước Mỹ rộng bao la, cò bay thẳng cánh nên cái lành cũng tùy nơi mà gia giảm vậy. Có nơi lành nhiều, lại có chỗ lành ít. Có chỗ chả nên đụng vào. Nơi nào đời sống dễ dàng, công ăn việc làm dễ kiếm, làm giầu nhanh chóng thì mình nên dọn tới chỗ đó ngay. Chậm chân thì chỉ thiệt vào thân mình.

    Thì biết vậy, nhưng không thể nói dọn là dọn ngay được. Phải hội đủ “Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa” thì mới nên chuyện được! Gớm, sao lại to chuyện thế ? Xin thưa rằng: Phải có Thiên Thờì vì nhẽ nhiều khi đang dọn nhà mà trời đổ mưa hay rơi tuyết thì hỏng. Lại cần có Điạ Lợi vì nhiều người ở lầu 3 lầu 4 của một building không có thang máy hoặc bữa đó tự nhiên nó hỏng đi. Dọn nhà kiểu này cũng chết dở. Thế còn Nhân Hoà? Thưa, vì dọn nhà mình ên oải lắm. Phải có bạn bè, bà con giúp sức thì việc mới mau xong và tiết kiệm được tiền bạc chứ.

    Trong sách xưa có chuyện kể về thầy Tử Lộ. Mẹ của ông đã nhiều lần dọn nhà đặng ông được sống trong một môi trường tốt. Người ta bảo “Một lần dọn nhà, già đi mười tuổi”. Cứ thế mà nhân lên thì khi mẹ của thầy Tử Lộ chọn được nơi tốt cho con, chắc chắn, trông bà già lắm. Và bà phải là người giầu có vì đã phải dọn nhà nhiều lần. Mà sức phụ nữ không thể dọn nhà mình ên được. Có lẽ, bà đã thuê người khác dọn nhà hộ chăng?

    Cho nên nghèo như tôi, ít bạn bè như tôi thì phải biết thân biết phận. Chớ dại nghĩ đến chuyện dọn nhà dọn cửa.

    Ấy thế mà tránh né cũng chả được!

    oOo

    Khi mới tới Mỹ, gia đình người em trai tốt bụng mướn hộ cho gia đình tôi một căn nhà nhỏ ở một nơi buồn hiu hắt. Kế nhà tôi, bên phải, là nhà của ông bà Smith. Hai ông bà đã về hưu từ khuya. Hàng ngày không có chuyện gì làm, họ rủ nhau ra ngồi ghế xích đu trước hiên nhà nhìn trời nhìn đất. Mà lạ lắm, họ ngồi bên nhau hằng giờ mà chả nói với nhau nhời nào. Chả hiểu tại sao? Có lẽ, vì "Người Mỹ Trầm Lặng" chăng? Mỗi khi gặp họ, tôi chào “Hello, How are you?” và thế nào cũng nghe họ giả nhời “Fine. Thank you”. Trăm lần như một, chả sai tí nào. Cũng ít khi, tôi thấy có người đến thăm hai ông bà. Cũng lạ thật!

    Bên trái là nhà của vợ chồng người Mễ. Gia đình này có tất cả 8 người; Hai vợ chồng và 6 người con. Trai gái đề huề. Đứa con lớn nhất của họ, có lẽ, 15 hoặc 16 tuổi. Còn đứa nhỏ nhất khoảng 5 tuổi. Người chồng rất hiền, ít nói, thích uống bia. Nhưng bà vợ của anh ta thì hết xẩy!

    Phụ nữ Mễ thường đẹp ở lúc còn son trẻ. Lấy chồng, sinh một hai đứa con là thân thể tự do phát triển ở những chỗ không nên. Bởi thế, về nhan sắc của chị ta thì tôi xin miễn bàn nhưng phải nói về cái nết của chị ta một chút.

    Chị ta nói suốt ngày với đám con. Tôi không biết tiếng Mễ nên chả hiểu chị ta nói gì. Có lẽ, chị ta đang dạy con chăng? Những lúc tôi ở nhà, hai tai tôi phải làm việc liên tục. Thỉnh thoảng cũng được nghỉ giải lao dăm ba phút nhưng chả thấm vào đâu cả. Tôi than phiền với vợ tôi về chuyện này thì được trả lời “Gớm, chăn một lúc 6 đứa con mà không có bản lĩnh như thế thì có nước loạn mất.” Với lý do tốt như thế thì cũng được đi nên tôi không viết về chị ta nữa.

    Một buổi sáng mùa thu, tôi không thấy Ông Bà Smith ngồi ghế xích đu như thường lệ. Vợ tôi nói: “Họ vào nhà thương dưỡng già hôm qua rồi, ông ơi.” Tôi nghĩ bụng “Đúng là đàn bà giỏi về ngoại giao thật. Chuyện mới xẩy ra sốt sột mà cũng biết.”

    Cả mấy tuần sau đó, tôi thấy buồn buồn mà không hiểu vì sao!

    Hơn một năm sống kế nhà ông bà Smith, hình như chỉ có một lần họ làm phiền tôi thì phải? Hôm đó là ngày lễ nghỉ, tôi mời hai ông bạn vàng đến nhà chơi cho vui cửa vui nhà. Chứ nhà có hai vợ chồng, cả ngày ra vào nhìn mặt nhau thì cũng chán. Mà đi shopping thì tốn nhiều tiền. Hai vợ chồng tôi thích vui vẻ nhưng lại sợ tốn nhiều tiền nên chọn cách tốn vừa là mời người quen tới nhà chơi mỗi ngày lễ.

    Hai ông bạn này tính tình vui vẻ, khóai lai rai và hát hỏng ra gì. Một ông, trời bắt có giọng nhỏ nhẹ như con gái. Mỗi lần giận ai, hoặc có việc cậy đến miệng mồm, nhìn ông lên giọng đến là tội. Còn ông kia ăn to nói nhớn, giọng rè rè như cái chuông bể. Mỗi khi đến nhà tôi chơi, ông chả cần bấm chuông cửa gì sốt. Cứ đứng ngòai đường réo gọi là tôi biết bổn phận ra mở cửa cho ông rồi.

    Hôm ấy, sau khi làm một hai lon bia cho máu văn nghệ dâng cao, hai ông kia quay qua hát Karaoke. Cái thú hát karaoke lạ lắm: âm thanh nhỏ hát nghe không đã. Thì như làm vậy, tôi mới mở âm thanh hơi nhớn để chiều lòng quý khách đang có nhu cầu thả giàn tâm sự. Hai ông kia hát một chặp thì bảo nghe không đã tai, hát không đã miệng. Thế là tôi phải tăng âm thanh lên nữa. Rồi lại nghe chưa đã. Thì tôi lại tăng âm thanh. Rồi lại lần nữa. Và lần nữa.

    Khi hai ông kia vừa lòng với cường độ âm thanh thì tôi bị khốn khó vì nó. Ông bà Smith, nhà kế bên, sang gõ cửa nhà tôi. Gõ đến mấy lần mà tôi có nghe đâu. Chắc tại âm thanh của giàn Karaoke nhớn quá. Sau dăm bận gõ và vài phút đứng tần ngần trước cửa nhà tôi, Ông Smith quay về nhà mình và gọi phone cho Cảnh Sát. Thế là phiền rồi đấy, chứ còn gì nữa?

    Sau việc này, tôi giận Ông Bà Smith đến mấy ngày. Gặp họ, tôi chả thèm “Hello, How are you?” gì sốt.

    oOo
    Đỗ thành Đậu

  5. #5
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Nhưng buồn nào rồi chẳng mau phai. Ngay khi căn nhà của ông Smith có chủ mới thì tôi hết cả buồn.

    Hai vợ chồng ông Mỹ đen, tên là Brown, to như bồ tượng và hai đứa con của họ là hàng xóm mới của tôi. Họ làm tôi hết buồn bằng những bản nhạc ráp riếc rần trời, nghe rất nhộn nhịp. Còn nữa, cả bốn người họ đều thích loại nhạc này nhưng mỗi người lại thích nghe bản nhạc riêng của họ. Thế mới chết chứ. Nhiều khi tôi phải nghe một lúc hai ba bản nhạc khác nhau. Một bản nhạc phát ra từ trong nhà của họ. Một bản nhạc tư ngoài hiên. Một bản nhạc nữa từ vườn sau vọng đến.

    Từ ngày có nhà anh Brown này dọn đến, cả khu phố rộn hẳn lên. Chẳng còn ai than phiền về chị người Mễ nói luôn miệng kia nữa. Và cũng từ dạo ấy, chuyện lạ đã xẩy ra cho tôi.

    Chuyện thứ nhất là tôi, tự nhiên, có cái tài đoán giờ giấc rất giỏi. Ban đêm, trước khi đi ngủ tôi chẳng cần “sét” cái đồng hồ báo thức gì cả. Cứ ngủ thẳng cẳng. Khi nào có tiếng nhạc phát ra từ nhà anh Brown là tôi biết đến giờ dậy đi làm. Buổi tối, hễ tiếng nhạc chấm dứt thì cả nhà tôi đều đi ngủ. Cứ thế, chẳng sai vào đâu hết.

    Chuyện thứ hai là, tự nhiên, giọng nói của tôi thay đổi. Từ nhỏ nhẹ, êm dịu đến to lớn rộn ràng. Vợ tôi than phiền là tôi không còn như trước, đã mất hẳn giọng trầm buồn. Thật là oan cho tôi. Tôi có muốn thế đâu. Chỉ tại nhà anh Brown thôi. Tôi luôn phải đánh vật với cái âm thanh rần trời phát ra từ nhà anh. Tôi nói nhỏ thì vợ không nghe được. Mà nói lớn thì bị cho là không dịu dàng. Chết thật! Nếu tôi cứ làm bạn hàng xóm với nhà anh Brown kia thì có ngày cả hai vợ chồng tôi đều to tiếng thì...mất tình tứ đi.

    Cái gì tôi cũng chịu được nhưng làm mất lòng vợ thì tôi không dám. Cho nên, một tối mùa xuân, tôi mạnh dạn đệ trình kế hoạch dọn nhà với vợ tôi. Không cần thảo luận gì hết, vợ tôi bằng lòng ngay,

    Đêm đó, tôi mơ thấy anh Brown nhìn tôi buồn không nói. Và lần đầu tiên, từ ngày anh Brown dọn đến đây, trong giấc mộng của tôi không có tiếng nhạc ráp riếc.

    oOo

    Một tháng sau, gia đình tôi dọn vô một apartment ở lầu 2, trong một building 3 tầng, cách căn nhà cũ 4 block đường. Trước khi dọn tới đây, nhiều lần tôi và vợ tôi đã cẩn thận đi quan sát khu vực chung quanh của building. Chúng tôi sợ họ hàng của anh Brown sống gần chỗ này thì lại phải dọn nữa. May mắn là chung quanh không có nhiều và trong building thì tuyệt vời: không có mạng nào cả. Thế là a lê hấp, chúng tôi dọn vô ngay. Kẻo lỡ dịp may.

    Thời gian đầu ở đây, gia đình tôi sống rất thoải mái. Tính ga lăng bẩm sinh của tôi đã phục hồi nhanh chóng. Mặc dù tôi mất đi cái tài "bói" giờ, nhưng chẳng sao! Miễn vui cửa vui nhà là được rồi. Dọn về đây được một tháng thì vợ tôi có việc làm. Đúng là “Song Hỷ Lâm Môn.” Vui hết biết.

    Vợ tôi làm cho một hãng xưởng gần nhà. Lái xe khoảng 20 phút. Vì nhát gan nên vợ tôi, lúc đó, chưa có bằng lái. Lúc đi làm, vợ tôi đón xe Bus. Còn buổi tối, khi vợ tôi về làm, tôi đi đón. Chúng tôi ăn mừng chuyện vui này bằng cách khiêng về nhà cái TV mới, 32 inches, để xem cho đã mắt và phù hợp với phong thuỷ trong nhà. Vợ tôi không nói gì, nghiã là đồng ý với tôi rồi. Thiệt là thời đã tới thì làm việc gì cũng thuận lợi cả.

    Mùa hè năm sau, có một chàng trai trẻ người Mễ dọn vào building. Hắn ta ở căn phòng đối diện với apartment của chúng tôi. Mỗi ngày, khi tôi ra khỏi nhà đi làm đều thấy hắn ngồi trên bậc thăng dắt vào building. Hắn ngồi đó uống bia, nghe nhạc và đuà giỡn với mấy cô gái Mễ sống gần đó.

    Tôi chả hiểu tại sao hắn thích ngồi đó? Giữa trưa trời nóng muốn phát tiết, cũng thấy hắn. Có lẽ, phòng hắn không có máy lạnh nên phải ra ngoài hóng gió chăng? Tôi cũng không biết hắn làm nghề ngỗng gì mà rảnh rỗi thế?

    Mà thôi, chuyện thiên hạ, hơi đâu mà thắc mắc cho mệt xác. Tôi nghĩ thế và không thèm để ý đến hắn nữa.

    Bẳng đi một thời gian, tôi lại có dịp để nghĩ về hắn. Lần này, không những nghĩ tới hắn mà tôi còn tìm hiểu kỹ về hắn nữa. Lý do là hắn khen vợ tôi đẹp nhiều lần khi có mặt tôi bên cạnh. Hắn gan cùng mình. Dám coi tôi không ra gì. Thế có tức mình không cơ chứ?

    Chuyện vợ tôi đẹp thì tôi biết từ khuya, không cần hắn nhắc nhở. Hắn, nếu có khen, thì cũng chỉ nên khen một lần là đủ. Mà hắn phải nói với tôi kìa, chứ nói với vợ tôi thì tôi không bằng lòng. Tôi thấy có vấn đề với anh này rồi.

    Để giải quyết vấn đề cho nhanh gọn, tôi chỉ có hai lưạ chọn: một là hắn đi, hai là tôi phải giả từ nơi đây.

    Tôi chọn cách thứ nhất, vì sau lần dọn nhà vừa rôi tôi đâm ra sợ dọn nhà; Nhất là lúc này trong nhà lại có cái TV lớn quá khổ nữa.

    Tôi bắt đầu nghiên cứu các kế sách trong cuốn "Tôn Tử Binh Pháp". Tôi đọc hết cuốn này mà vẫn không chọn ra được một kế nào khả dĩ thi hành được. Trong sách, kế nào cũng hay, cũng độc điạ chết người được. Tôi thì không muốn dính dáng tới pháp luật làm chi cho phiền nên phải tự mình ên nghĩ kế.

    Mấy ngày sau, tôi cũng chưa nghĩ ra được kế nào cho ra hồn cả. Buồn quá, tôi đưa vợ tôi đi chợ thì khi đi ngang qua khu văn phòng phẩm tôi, tự nhiên, nghĩ ra được một kế. Thật là ông Giời có mắt, chả bao giờ phụ người có lòng.

    oOo
    Last edited by Đậu; 12-19-2020 at 09:08 AM.
    Đỗ thành Đậu

  6. #6
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Để nắm chắc phần thắng khi thi hành độc kế, trước hết, tôi phải biết thời khóa biểu trong ngày của hắn. Giờ nào hắn ở trong phòng, giờ nào hắn hóng gió ngoài hiên. Nếu hắn đi ra phố, khoảng bao lâu thì quay trở về. Những chi tiết này rất quan trọng cho kế hoạch nên tôi cẩn thận ghi vào cuốn sổ tay và phối kiểm vào cuối ngày. Chuyện này tôi âm thầm tiến hành, vợ tôi chẳng hay biết gì.

    Ba tuần sau, tôi đã có đầy đủ chi tiết về thời gian và quyết định ngày "D day" là ngày thứ Sáu, lúc 10 giờ đêm.

    Tới ngày D, tôi cẩn thận xem xét kế hoạch một lần nữa cho chắc. Tôi biết là nếu thất bại thì không có cơ hội thứ hai. Cả ngày hôm đó, tôi sốt ruột chờ trời tối.

    Đúng 9 giờ đêm, tôi bỏ đồ nghề vào trong túi áo rồi ngồi xem TV chờ hắn ra khỏi nhà. Khi tôi nghe tiếng chân ngoài hành lang, tôi biết giờ G. đã đến. Tôi đứng dậy tắt TV rồi ra khỏi nhà. Tôi đi theo hắn, cố giữ quảng cách giữa hắn và tôi vừa phải. Hắn không biết đang bị tôi theo dõi nên huýt gió luôn miệng, ra vẻ yêu đời lắm. Cứ yêu đời đi, đêm nay ông cho mày biết tay.

    Tôi ngồi trên bậc thang trước building để chờ hắn đi khuất. Tôi biết hôm nay hắn đi ra phố và sẽ về lúc nữa đêm. Tôi có hai tiếng đồng hồ để làm chuyện tôi muốn làm, không cần phải vội vàng.

    Mười lăm phút sau, khi chắc chắn là hắn đã đi thật xạ, tôi đứng dậy và đi vào building.

    Tôi dừng lại trước phòng hắn, cẩn thận đảo mắt một vòng xem có ai chung quanh không. Tôi biết giờ này mọi người sửa soạn đi ngủ, chẳng có ma nào ở ngoài hành lang cả nhưng cẩn thận vẫn hơn.

    Không có ai cả. Hành lang vắng lặng. Tôi nhẹ nhàng lấy ống Super Glue ra khỏi túi áo rồi cẩn thận bơm vào các lỗ ổ khóa của cánh cửa phòng hắn.

    Mỗi lổ ổ khoá tôi bơm hai lần cho chắc ăn. Sau đó, tôi vòng ra sau nhà, tìm cửa sau của phòng hắn và bơm nữa. Lần này, tôi bơm kỹ hơn một chút vì phải xài cho hết ống Super Glue.

    Xong chuyện, tôi trở lại apartment của tôi và thưởng cho mình một ly Seven Up rồi mới đi đón vợ tôi tan sở, như thường lệ. Trên đường đi, tôi phi tang cái ống Super Glue đã xài hết. Mọi việc đều gọn gàng, sạch sẽ.

    oOo

    Ăn xong bữa cơm tối, tôi mở TV ra xem chờ hắn về. Tôi lơ đãng theo dõi cuốn phim đang chiếu và lười biếng đổi đài mỗi khi họ quảng cáo, như tôi vẫn làm. Ruột gan tôi nóng như lò lửa. Chả như ai kia trong câu thơ “Thủa chờ đợi, ôi, thời gian rét lắm”. Tôi nghĩ là có sự nhầm lẫn gì đây? Vì tôi chỉ nghe người ta nói “chờ sốt cả ruột”, chứ chưa bao giờ nghe “chờ rét cả ruột” cả!

    Vợ tôi nhờ tôi đi lấy hộ miếng nước, tôi cứ ngồi ì ra. Chưa bao giờ tôi làm thế cả. Thế là vợ tôi nhận ra vẻ bất thường của tôi. Với vẻ lo lắng, có lẽ nghĩ là tôi bị yếu trong người, vợ tôi hỏi tôi có sao không? Tôi vừa coi đồng hồ, vừa trả lời: “Anh không có sao, nhưng một chút xíu nữa sẽ có "màn" hay lắm.” Có nhẽ, vợ tôi nghĩ là TV sắp chiếu phim hay nên cũng ráng ngồi chờ.

    Khoảng 20 phút sau thì hắn về. Nghe tiếng chân nặng nề, xiêu vẹo của hắn ngòai hành lang, tim tôi đập mạnh, mém bị hụt nhịp. Đêm nay, bước chân của hắn không còn âm thầm như mọi khi. Mà vang dội, ngân nga ngòai hành lang như cái chuông đứt giây rơi từ trên tháp cao xuống đất.

    Khi tiếng chân im bặt, tôi đưa tay ra dấu cho vợ tôi im lặng và tắt âm thanh của TV. Vợ tôi chưa kịp hỏi thì ngòai kia tiếng ai đó rền vang trên sóng. Và rồi, cả building bị đánh thức bởi anh chàng Mễ đi chơi về khuya đang cáu sườn la hét om xòm ngoài hàng lang.

    Tôi nghe hắn la hét mà chả hiểu gì sốt. Chắc là hắn đang chửi thề bằng tiếng Mễ? Tôi không hiểu tiếng Mễ nên coi như "pha". Mặc xác hắn với mớ tiếng Mễ xì xồ xì xào kia.

    Lúc này, vợ tôi như hiểu "cái màn hay lắm" mà tôi đã quảng cáo nên nhìn tôi cười khúc khích. Tôi nhe răng ra cười đáp lại.

    oOo

    Sau khi bị tôi chơi "vố" này, hắm đâm ra "rét". Tối ngày ở trong phòng. Không ra ngoài hóng gió nữa. Hắn hiền lành như thế được hai tuần lễ, rồi lại ra ngồi ở bậc thềm trước cửa vào building. Lại khen vợ tôi đẹp, mỗi khi có dịp. Thế có tức không cơ chứ? Còn tôi, tôi chả dại gì mà làm màn “bít cửa” thêm lần nữa! Cho nó bắt tại trận à!?

    Sách có câu “Tránh voi chẳng xấu mặt” nên một lần nữa tôi phải đệ trình “Đơn Xin Dọn Nhà” cho vợ tôi duyệt xét. Phiền ghê!


    Tây Độc (2004)
    Đỗ thành Đậu

 

 

Similar Threads

  1. Tiếng Nước Tôi
    By 008 in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 25
    Last Post: 06-07-2019, 11:09 AM
  2. Nước
    By Triển in forum Tiếu Lâm
    Replies: 106
    Last Post: 08-29-2017, 01:04 AM
  3. Non Nước Hữu Tình
    By conmuanho in forum Thơ
    Replies: 24
    Last Post: 09-03-2015, 11:55 AM
  4. Khóc Cười Theo Mệnh Nước Nổi Trôi, Nước Ơi
    By Hàn Sinh in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 28
    Last Post: 12-22-2013, 09:23 PM
  5. Bìm Bịp Kêu Nước Lớn
    By BB.Phan in forum Âm Nhạc
    Replies: 2
    Last Post: 05-15-2013, 03:09 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:05 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh