Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1
    Biệt Thự aovang's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,499

    Cô Bạn xứ Phù Tang - Hàng Bè


    CÔ BẠN XỨ PHÙ TANG .

    truyện ngắn Hàng Bè



    Sau những năm tháng của tuổi thơ được trau dồi trong các truờng sœurs Công Giáo với kỹ luật nghiêm minh, tôi vuợt qua kỳ thi tiểu học một cách nhẹ nhàng như một số đông bạn bè khác. Thế là tôi đã đậu primaire, mảnh bằng đầu tiên trong cuộc đời một học sinh được tạm gọi là … gương mẫu !!!
    Mùa hè năm đó, sau kỳ thi, tôi như con chim sổ lồng, được vui chơi thả dàn với bạn bè.


    Tuổi vừa mười một, xấp xỉ tuổi mười hai điệu đàng, thế mà tôi còn ngang nhiên xắn quần vắt áo, chạy long nhong dọc theo bờ biển Mỹ Khê, bắt cua, bắt còng cả ngày không biết mệt. Sau hai tháng hè náo nức vui chơi với gia đình chị em, bạn bè, ngụp lặn say sưa theo những làn sóng biển, rồi cũng tới mùa tựu trường. Tôi lại chuẩn bị bút nghiên đi nộp đơn dự thi vào trường mới : Trường Tây .
    Ngày đó trường còn được gọi là Collège Français de Tourane.
    Đây là trường trung học tiếng Pháp độc nhất trong thành phố. Sự lựa chọn học sinh có phần hơi khó khăn. Giáo sư trong trường toàn cả ông tây bà đầm. Chỉ có độc nhất giáo sư thể dục là thầy người Việt.
    Ông hiệu trưởng là một ông tây rặc, dáng nhìn thì nghiêm nghị nhưng thực chất hiền lành. Vợ ông hiệu trưởng là một bà giáo sư trong trường, tướng cao sang quý phái, mái tóc vàng mơ, có nụ cười duyên dáng và hiền khô. Hai đứa con của ông bà cũng là học sinh ở trong trường, thằng Alain học lớp tôi. Chị Monique của nó học lớp cao hơn.
    Năm đó tôi thi đậu vào lớp 6e. Lớp có 36 tên học trò. Vài đứa bạn trai, gái năm trước học cùng trường bà xơ với tôi cũng thi đậu vào đây nên nhìn quanh thì cũng có bạn bè quen để chơi, tôi chẳng thấy xa lạ mấy .
    Thường, nếu thi đậu vào trung học thì học sinh được lựa chọn một trong hai sinh ngữ : pháp văn hoặc anh văn. Đây, chúng tôi đã thi vào học trường tây rồi thì chỉ còn một sinh ngữ cho tất cả học sinh là Anh văn .
    Tiếng pháp thì hồi còn học bên trường bà xơ, cũng đã học qua rồi, tôi không sợ lắm .
    Nhưng nay lần đầu tiên mới học tiếng Anh, lòng thì phấn khởi mà sao học vào thấy khó cách chi !
    Lấy ví dụ nghe, mấy chữ cái A , B , C , D thì ta đọc đại rứa cho rồi. Đây lại bắt người ta phải sửa giọng lại mà đọc thành Ây, Bi, Xi, Đi. Có phải là sinh sự không ?
    Tới chữ K, còn bắt nhấp miệng đọc thành chữ "cây". Cây sao được mà cây. Có ngẵng không chớ ?? Còn chữ L của người ta, thẳng đứng oai vang như vậy đó, bây giờ lại bắt uốn lưỡi đọc thành chữ "EO" …… Làm cứ như eo eo ngẵng ngẵng, lạ lùng quá đi,
    Rắc rối quá !
    Ôi thôi có nói lắm càng thêm nản. Chỉ biết cho rẳng, những ngày đầu tiên phải uốn lưỡi học tiếng anh không phài dễ đâu nghe !!
    Vậy mà, mấy chục năm qua, thế giới toàn cầu, ai ai cũng nói tiếng anh như gió. Lại nữa, dân Việt Nam ta, nhờ ơn những kẻ từ trong rừng rậm chui ra, đã được đùm đề khăn gói, đèo bồng nhau bỏ xứ ra đi, tản mạn cùng khắp Năm Châu :
    Gặp người Anh thì nói tiếng anh, gặp Mỹ nói tiếng Mỹ. Đẩy qua Nhật, qua Hàn, nói tiếng Nhật tiếng Hàn luôn. Qua Âu châu thì nói tiếng Tây, về tới Phi châu thì cũng líu líu, lo lo như sáo sậu trong rừng. Tới tiếng Rệp mà cũng gồng mình trợn mắt, lăng lăng, líu líu nói luôn, chẳng thua và chẳng sợ chi ai. Dân Việt ta vốn nghìn năm văn hiến, nhất bậc thông minh mà, ít ai bì kịp.
    Rẻ ngoặc trở về quá khứ như tôi đây, cái thời mới vào trung học năm thứ nhất, học lớp 6è trường Tây, phải học những bài anh văn đầu tiên, uốn lưỡi, trề môi, ôi chao khổ cách chi là khổ !!!
    Bà Giáo sư Anh văn tuy hiền, nhưng khó tính, cứ muốn cho đám học sinh do mình đào tạo ra, học nói những tiếng anh vỡ lòng trong đời cho " được chuẩn " . Nên cứ mỗi lần đi tới đi lui trong lớp, bà cứ kè kè ôm theo cây thước, khẽ bốp bốp lên tay đám học trò một cách dịu dàng, thoải mái, vô tư !!
    Bị khẽ hoài đau khổ lắm, tôi về nhà xin ba cứu dùm. Ba bèn lục tủ sách đưa cho tôi một mớ sách dạy tiếng anh thực hành và một số sách tự học anh ngữ .
    Nhìn qua đã thấy hoa mắt rồi.
    Nhưng nhìn lại mới phục lăn ba mình thiệt giỏi, cái gì cũng biết !!
    Ba nói muốn đọc cho đúng thì phải học theo sách vở.
    Còn muốn viết cho hay thì phải tìm bạn mà chơi correspondant, gọi là tìm bạn bốn phương, đặng viết thơ, trao đổi anh ngữ với nhau.
    Thế rồi, tìm quanh, hỏi quanh, tôi được chị Khoảnh, đệ nhất đại tiểu thư người Tàu trong thành phố, là bạn thân hàng xóm, nhưng thuộc vai đàn chị của tôi, đã cho tôi địa chỉ một người bạn gái để hai đứa viết thơ corespondant tiếng anh với nhau.
    Tôi hỏi cô bạn ấy ở đâu thì chị Khoảnh nói rằng ở Xứ Phù Tang. Tôi nghe là lạ và thấy cái tên hay hay. Sau này tôi mới biết là tên của cây dâu tằm, một loài linh mộc, và cứ mãi thắc mắc sao chị không nói ở bên Nhật Bản mà lại nói là ở Xứ Phù Tang ???
    Tôi còn nhớ lá thư đầu tiên người bạn nơi xa xôi gởi đến cho tôi là vào dịp Noël năm đó.
    Mừng lắm, ngày tôi nhận được lá thư của người bạn mới.

    Thư người bạn viết bằng tiếng anh :
    Hello
    Best Wishes for a Merry Christmas and a Happy New Year .
    My name is Michiko . I live in Kyoto with my mother, my father and my brother. I go to school in Kyoto. I am 14 years old. And you ? I hope you can write to me , because I want to have a friend to write in a foreign country to exchange my English. I give You my address, and I hope to receive your letter .

    Tôi đọc tới, đọc lui cả năm lần bảy lượt cái thơ, cầm tự điển tra đi tra lại cả sáu lần coi mình có hiểu hết không và có sót chữ nào không. Rồi qua một đêm, bắt đầu suy nghĩ, cặm cụi viết thư hồi đáp. Thêm một gánh nặng ngàn cân nữa. Nhưng mà lòng thì vui như mở hội. Trong nhà có bao nhiêu cuốn tự điển tiếng Anh của ba tôi, tôi đều lôi ra hết, đặng nghiên cứu trả lời thư.
    Đó là câu chuyện tôi học tiếng anh vỡ lòng vào những năm đầu tiên trong cuộc đời tôi. Ngoài bà giáo sư già luôn muốn cho học trò mình thiệt giỏi tiếng anh, thì Michiko là bà thầy nhỏ thứ hai bên xứ lạ hoa đào, đã kèm cho tôi một số vốn liếng anh ngữ làm hành trang mà tôi còn nhớ mãi.
    Từ đó Tôi và Michiko thư qua từ lại rất thân thiết.
    Qua bức thư thứ ba thì Michiko gởi cho tôi một tấm hình đứng chụp trước cổng trường, mặc Jupe màu xanh Bleu Marine và áo sơ mi trắng, đeo cặp trên vai trông dễ thương hết sức. Mái tóc bông bê ngang vai với cái frange che ngang vầng trán, rất chi là Nhựt Bổn.
    Ngày đó, bên trường tôi không mặc đồng phục nên sau mấy kỳ thư, suy nghĩ, tôi gởi tặng Michiko tấm hình tôi đứng bên chiếc xe đạp trắng, mới tinh mà ba mạ mới mua thưởng tôi thi đậu vô trường Tây. Tôi mặc bộ quần áo trắng mọi ngày vẫn mặc đi học, mẹ tôi không cho mặc áo bông hoa hay áo màu, mẹ tôi khó với con gái lắm !
    Năm mười lăm tuổi, bạn bè ai cũng mặc áo bông. Tôi xin hoài, tới Tết mẹ may cho một cái áo bông diện Tết, mà bông thì “ nhỏ xíu xìu xiu “
    Còn quanh năm có năn nỉ đến mấy thì mẹ cũng đem đi may cho mấy cái áo nội hoá có in hoa màu trắng, hoặc chỉ vào mấy cái áo Lụa Hà Đông màu ngà để dụ khị !!
    Michiko thấy tôi được đi học bằng xe đạp thì thích thú quá. Bên cô, bạn bè thường họp nhau từng đàn đi đến trường. Nhưng Michiko kể rằng đường đi lên đồi xuống dốc nhiều nên mỏi chân lắm. Bạn ao ước có chiếc xe đạp như tôi !
    Qua một năm thì trình độ anh văn của tôi cũng có tiến bộ. Đáng mừng là tôi được bà thầy khen thưởng. Chỉ ghét mấy thằng nhóc trong lớp cứ đi theo chọc phá và nhái theo giọng Huế đọc tiếng Anh lúc đầu của tôi. Về sau tức mình quá tôi cũng lì ra, lêu lêu tụi nó, và nói lúc đầu tụi bây cũng chu miệng ra, đọc dzậy dzậy nè , còn tệ hơn tớ nữa. Vậy là thôi, tụi nó quê, hết chọc ghẹo……
    Có lẽ nhờ vào bà thầy hiền hậu nhưng nghiêm khắc và những lá thư của cô bạn Nhựt Bổn mà tôi không còn thấy việc học Anh văn là khó khăn nữa.


    Hai năm trôi qua, hai đứa thân nhau hơn, kể chuyện cho nhau nhiều hơn với những lá thư bằng anh ngữ sơ sài, vụng về lúc đầu nhưng sau, mỗi ngày một văn hoa hơn. Michiko kể về các bạn trai, bạn gái trong trường, những lần đi ăn quà vặt, rủ nhau đi thăm đền chùa, hay khám phá những danh lam thắng cảnh gần nhà... Tôi thấy sao đời sống học sinh bên đó cũng giống như bên mình quá đi thôi. Hoá ra thì tuổi thơ nơi nào cũng êm đềm như nhau, tâm tình bạn trẻ nào cũng có điểm muờng tượng như nhau.
    Michiko tâm sự, ước nguyện về sau muốn học thành bác sĩ, nối nghiệp thân phụ, cô sẽ chăm sóc cho những người không may mắn và bệnh tật …
    Tôi thương quá, thấy bạn mình tuy còn nhỏ mà đã có trong đầu một lý tưởng nhân đạo.
    Không như tôi, vẫn còn trong tuổi ham ăn, ham ngủ, ham chơi …
    Tôi vẫn mong có một ngày nào đó tôi có dịp qua xứ Phù Tang. Tôi sẽ viếng thăm Tokyo, rồi về Kyoto để thăm người bạn quí mến, để được tâm tình với nhau nhiều hơn. Chắc chắn lúc đó, khả năng Anh ngữ của tôi sẽ khá hơn nhiều và có thể đi ăn hàng với bạn, sẽ cùng bạn rong chơi, sẽ kể chuyện Việt Nam cho bạn nghe, sẽ tả cảnh sông ngòi, đồi núi xứ tôi cho bạn, dễ dàng... như nói chuyện với một người Việt Nam. Tôi còn nhớ khi tôi tả về xứ Huế của tôi, có những cung điện ngày xưa vua chúa ở, bạn đã nói rằng sao hai đứa mình có nhiều điểm giống nhau. Bạn cũng ở Kyoto là chốn hoàng thành xưa, cung điện cũ của một thời hoàng kim còn vương mãi bóng hình quá khứ …
    Những lá thư chúng tôi viết cho nhau lúc đó, có lẽ phải vận dụng trí tưởng tượng để hiểu hết những gì hai đứa muốn diễn đạt, mặc dầu đã có thêm cuốn tự điển Anh-Việt kề bên...
    Nhưng chẳng quan trọng chi, nhận thư mới thật sự là niềm vui...


    Thế rồi, không biết vì sao, hai đứa bặt tin nhau. Tuổi vị thành niên, có lẽ còn nhiều điều hấp dẫn đằng trước, thêm chuyện sách đèn...Có lẽ mỗi đứa đều bận rộn theo một hướng đi mới trong đời...
    Và thời gian trôi qua, thoáng chốc đã gần 70 năm rồi còn gì...
    Ước mơ thăm viếng bạn hiền đến nay, chưa thành hiện thực. Dòng đời thì vẫn cứ phăng phăng trôi nhanh,


    Michiko ơi , người bạn xa vời vợi bên Xứ Phù Tang,
    Hôm nay ngồi nhớ tới bạn, trước mùa Noël, chắn chắc năm nay sẽ buồn, sẽ ưu tư hơn mọi năm, tôi muốn nói MERRY CHRISTMAS với bạn, tôi muốn nói HAPPY NEW YEAR trong cơn dịch bệnh tràn lan khắp bốn phương trời, khắp mọi nẻo đường trên các quốc gia.
    Hàng trăm hàng vạn gia đình đau khổ triền miên. Ban ngày ngủ dậy nhìn quanh, thành phố buồn xơ xác, cuộc sống đìu hiu. Ban đêm trời vừa sập tối thì giới nghiêm không có một con ma nào trên đường vắng. Nhìn quanh quất, lòng hỏi lòng,đây có phải đang bước chân đi dần vào những ngày sắp tận thế ?
    Còn bên Xứ Phù Tang của bạn, hôm nay Trời có buồn dằng dặc như ở đây không ? Bây giờ chắc bạn đã là một Bác Sĩ như mộng ước? Chắc bạn đang ở trong một nhà thương, bệnh viện nào đó với chiếc áo blouse màu trắng đẹp như thiên thần ? Con COVID 19 ác ôn có làm phiền, làm đau đớn cho những người bạn thương lo và muốn dang tay ra chửa trị, chăm sóc, như bạn từng ao ước trong tâm tư khi mới lớn?


    Ngồi nơi đây, bên này đại dương, đêm ngày dậy sóng, sao tôi cứ mường tượng ra hình ảnh bạn, một vị Bác sĩ đang trầm tư, đang lao tâm, khổ trí theo cơn dịch bệnh từ nơi vùng ác độc nào, đi khắp nơi, đưa lưỡi hái tử thần ra, đe dọa cả hàng ngàn hàng triệu sinh linh của mọi gia đình đang an vui, đầm ấm trên cái thế giới yên bình của những ngày vui đã qua.
    Buồn !





    Viết cho em tôi DS Lê Thị Bạch Nga
    Hàng Bè
    20/12/2020
    Last edited by aovang; 12-21-2020 at 06:27 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Tang lễ bà Quả Phụ Lê Đình Điểu, nhũ danh Pha.m Thị Dung
    By phamanhdung in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 0
    Last Post: 05-05-2019, 06:27 AM
  2. Lụt Huế - Hàng Bè
    By aovang in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 11-08-2016, 04:48 AM
  3. Phong tục Tang lễ của người Việt Nam
    By Đồ gàn in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 03-24-2014, 05:42 PM
  4. Replies: 3
    Last Post: 08-22-2013, 12:54 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 10-06-2012, 08:45 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:02 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh