Register
Page 4 of 5 FirstFirst ... 2345 LastLast
Results 31 to 40 of 42
  1. #31
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    __Ngày mai, sẽ là (lần) Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm (the second Sunday of May) và cũng là "Ngày Của Mẹ."*

    Như một lời chúc mừng đến những ai vẫn còn mẹ và những cô/chị hiện đang là mẹ, XXG xin đăng lại bài thơ "Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười" của tác giả Trần Trung Đạo.
    Bài thơ này cũng đã được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thành một nhạc khúc với cùng tựa đề.


    "Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười"
    (Tác giả: Trần Trung Đạo)

    Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
    Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
    Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
    Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

    Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
    Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
    Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
    Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

    Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
    Bên đời gió tạt với mưa tuôn
    Con đi góp lá nghìn phương lại
    Đốt lửa cho đời tan khói sương

    Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
    Tiếng người hay chỉ tiếng chiêm bao
    Mẹ xa xôi quá làm sao vói
    Biết đến bao giờ trông thấy nhau

    Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
    Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
    Đau thương con viết vào trong lá
    Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

    Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
    Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
    Ví mà tôi đổi thời gian được
    Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười
    _____o0o____
    (Trần Trung Đạo)







    *XXG thích dùng "Ngày của Mẹ" hay "Mother's Day" thay vì dùng (nửa Việt, nửa Hán Việt) là "Ngày Từ Mẫu."


  2. #32
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    __Bài viết dưới đây, của tác giả Phạm Thanh Nghiên đã được giải Nhì trong lần dự thi chương trình "Như Chỉ Mới Hôm Qua – Ký Ức 30 Tháng Tư" do tuần báo Saigon Nhỏ tổ chức.


    o0o

    Chuyện nhà chồng tôi – một bi kịch không hồi kết sau ngày "kết thúc" tiếng súng chiến tranh.
    (Phạm Thanh Nghiên)


    Lời Toà Soạn: Với những ai quan tâm đến hoạt động đấu tranh dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, Phạm Thanh Nghiên không là cái tên xa lạ. Cô đã và vẫn là “đối tượng” được nhà cầm quyền Việt Nam xếp vào cái gọi là thành phần “phản động.” Cô đã bị cướp mất tự do với những năm tháng trong tù và cô đã bị cướp mất nơi ăn chốn ở khi căn nhà của cô ở vườn rau Lộc Hưng bị đập phá tan nát. Nước mắt đã chảy trên khuôn mặt hằn khổ đau của Nghiên không biết bao nhiêu lần.

    Bi kịch của Nghiên chưa dừng lại. Và nó không chỉ là bi kịch đối với cá nhân cô. Dưới đây là những gì cô Nghiên vừa kể thêm, gửi riêng cho Saigon Nhỏ. Xin trân trọng giới thiệu…

    __o0o__


    “Mày có biết cái này là cái gì không?”

    Sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, gia đình ông Huỳnh Kim Sơn cả thảy 11 người đang ở trong nhà thì nghe tiếng ồn ào ngoài đường Phạm Thế Hiển. Ông Sơn là một thiếu úy cảnh sát, làm việc tại quận 8 thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH. Mặc dù ông đã dặn các con, các cháu không đứa nào được ra khỏi nhà, nhưng cậu bé Tú, khi ấy mới bảy tuổi, con trai thứ ba của ông vẫn rình lúc ông không để ý, rón rén mở cổng vọt ra ngoài. Từ nhà ông Sơn ra đường Phạm Thế Hiển đâu khoảng dăm trăm mét.

    Cậu bé Tú thấy họ, những người mặc áo xanh, đội nón cối, đông lắm. Lớp thì đi bộ, lớp ngồi trên xe lam. Ai cũng vác theo súng. Có người còn mang cả cành cây cắm trên balo nữa. Cậu bé chưa từng chứng kiến cảnh tượng như thế tại Sài Gòn. Họ reo hò, la hét và ca hát vang cả phố phường, đại loại như: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù,” “Sài Gòn đây rồi,” “Đập tan bè lũ ngụy quân ngụy quyền”… Đó cũng là lần đầu tiên Tú nghe đến cái tên Hồ Chí Minh phát ra từ giọng nói rất khác của lũ người xa lạ kia.

    Tú không phải đứa trẻ duy nhất hiếu kỳ đứng xem. Lũ bạn cùng xóm chen chúc trong đám đông, mắt ngơ ngác, láo liên nhìn ngó. Có mấy cái bàn ai đó đã kê sẵn trên vỉa hè từ bao giờ, đặt những thùng bìa các-tông. Trong các thùng bìa ấy là những lá cờ xanh đỏ, không giống như lá cờ vàng ba sọc đỏ quen thuộc treo ở trụ sở cảnh sát, nơi ba của Tú làm việc, hay ở trường học mà cậu vẫn nghiêm trang giơ tay chào mỗi Thứ Hai đầu tuần.

    Những nhóm người mặc áo xanh, đội nón cối hoặc đeo khăn rằn, vai mang súng bắt đầu đi phát cờ cho mọi người. Họ phát cả cho bọn con nít. Tú cũng được một cái. Cậu bé Tú mang lá cờ xanh đỏ ấy về, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Mới bước vào nhà, chưa kịp khoe với ai thì ông Sơn đã giật phắt lá cờ trên tay thằng con, ném nó xuống đất rồi lấy chân giẫm lên. Vợ ông tái mặt, vội chạy ra cổng xem có ai đi ngang qua không. Tú ngơ ngác, tim đập thình thịch tưởng là sẽ bị ăn đòn can tội trốn đi chơi.

    -Mày có biết cái này là cái gì không mà tha về đây?

    Ông Sơn rít lên, cố nén cơn tức giận. Giẫm giẫm mấy cái cho bõ ghét rồi nhặt lên, vo viên lá cờ giấy trong tay trước khi mang xuống bếp, châm lửa đốt. Mới bảy tuổi, Tú chưa đủ khôn để biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng cậu bé đã lờ mờ cảm nhận về những điều bất thường đang đến với gia đình mình. Thảo nào mấy bữa nay ba không tới nhiệm sở, các anh chị em Tú cũng không đi học.

    Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, giống như các quân nhân cán chính chế độ VNCH, ba và ông ngoại của Tú đều phải đi “học tập cải tạo,” nghĩa là đi tù. Cả ba và ông ngoại của cậu đều là sĩ quan cảnh sát với cấp bậc thiếu úy, do đó bị chính quyền mới liệt vào thành phần “ác ôn.” Ông ngoại Phạm Văn Vinh từng là “trưởng ban Tình Hình Ban Chỉ Huy Cảnh Sát Quận 4,” một chức vụ thuộc bên tình báo. Cậu bé Tú còn nhớ, hàng ngày ông ngoại đi làm đều có xe của nhiệm sở đến đưa đón. Ông ngoại Phạm Văn Vinh bị lưu đày ba năm ở nhà tù Hàm Tân. Trong Giấy Ra Trại mà nhà tù Cộng Sản cấp cho ông có ghi rõ: “Họ tên: Phạm Văn Vinh, sinh năm 1922. Trú quán tại: số 3 Cư Xá, Bến Vân Đồn, quận 4. Số quân, cấp bậc, chức vụ trong bộ máy chính quyền, quân sự và các tổ chức chính trị phản động của chế độ cũ: Thiếu úy, trưởng Ban Tình Hình B.C.H.C.S quận 4.”

    Cơn thảng thốt của ngày 30 Tháng Tư

    Ông Huỳnh Kim Sơn may mắn hơn nên chỉ đi tù vài tháng rồi được tha, do từng cứu mạng một viên cán bộ Cộng Sản Bắc Việt. Đó là một cuộc cứu mạng “bất đắc dĩ” xảy ra vào năm 1972. Một tên Việt Cộng bị cảnh sát truy đuổi, trong lúc cấp bách đã chạy vào nhà ông trốn. Lúc cảnh sát ập vào, họ hỏi bà Kim Anh – vợ ông Sơn – xem có người lạ nào chạy vô không. Bà Kim Anh, khi ấy đang mang bầu người con thứ tư, dù sợ hãi nhưng vẫn cố trấn tĩnh, trả lời gọn lỏn một câu “không!” Vừa lúc ông Sơn ở nhiệm sở về tới nhà, trên người vẫn mặc sắc phục. Vì nể đồng nghiệp nên nhóm cảnh sát chỉ khám xét qua loa rồi bỏ đi. Bà Kim Anh vội ra đóng cổng, rồi trở lại vào trong nhà, lắp bắp nói với chồng “ổng… ổng… trong hồ nước”. Ông Sơn chết lặng người. Ông chạy ra sau nhà, thấy người đàn ông kia đang lóp ngóp từ trong bể nước ngoi lên. Bị vợ đặt vào “sự đã rồi,” ông không còn lựa chọn nào khác là phải thuận theo. Nếu kêu cảnh sát tới, vợ ông sẽ mang tội che giấu Việt Cộng, mà thả đi cũng không cam lòng. Bà Kim Anh van lơn: “Em sắp sinh con, thôi thì mình làm phước cứu một mạng người. Để đức để phúc cho con sau này.”

    Trước khi đi, viên cán bộ Việt Cộng quỳ xuống, lạy hai vị ân nhân cứu mạng. Rồi ông ta đưa cho ông Sơn mảnh giấy, có ghi chép ký hiệu gì đó, dặn rằng nếu sau này có bề gì, tìm ông ta sẽ trả ơn. Đúng như lời đã hứa trước đó ba năm, viên cán bộ Cộng Sản trả ơn cho ông thật. Ông Sơn thoát cảnh tù đày, nhưng không thoát được cơn đau mất nước, không thoát được cảnh sống bị bủa vây với vô vàn tủi hờn, căm hận. Và chính đứa con còn trong bụng mẹ ngày nào, cái cớ để vợ ông lấy đó mà tha cho viên cán bộ nọ, 42 năm sau đã chết thảm trong tay nhà cầm quyền Cộng Sản.

    Trí chết sau khi vừa mới kết thúc 14 năm dài bị cầm tù. Cái “phúc” mà ông bà Sơn tạo dựng cho con, không lớn bằng cái “họa” của “bên thắng cuộc” giáng xuống gia đình họ.

    Những gì tôi vừa kể là một phần câu chuyện diễn ra trong và sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 của gia đình chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú, do chính anh kể lại. Tất nhiên, ngày ấy anh Tú còn nhỏ nên có chuyện anh nhớ được, có chuyện phải hỏi lại ba anh. Chuyện nhà chồng tôi, không chỉ có thế. Nếu viết đủ, theo trình tự thời gian, nó sẽ là một cuốn sách dày, đẫm nước mắt. Cuộc “giải phóng” của người Cộng Sản miền Bắc không chỉ khiến gia đình anh Tú lâm vào cảnh khốn cùng, nó còn khởi đầu cho những rạn nứt, ly tán và nhiều biến cố đau thương sau này. Số phận của gia đình chồng tôi, của ba má, của từng anh chị em bên chồng là những câu chuyện buồn trải dài trong suốt cuộc đời mỗi người. Đó là câu chuyện của một gia đình trong hàng vạn gia đình miền Nam khác đã bị một thứ “nhân mệnh” giáng xuống khi cơn thảng thốt của cái ngày 30 Tháng Tư còn chưa kịp cất lời.

    Ly tán trong cái gọi là nền “hòa bình” mới.

    Bi kịch của gia đình chồng tôi, của cả dân tộc này suốt 46 năm qua vẫn chưa chấm dứt. Gốc gác VNCH (người Cộng Sản gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”) như một dấu gạch chéo trên gương mặt, ký hiệu để nhận biết về một hạng người phải bị loại trừ, phải bị vùi dập, phải bị khinh ghét dưới cái gọi là “chế độ XHCN.” Sau năm 1975, ba má chồng tôi phải bán dần bán mòn tài sản, của cải để lấy tiền nuôi các con. Đầu tiên bán nữ trang, rồi bán xe, sau đó bán nhà. Dần dà không còn thứ gì có thể bán ra tiền. Sau gần 20 năm làm lụng cực nhọc, cố gắng đến kiệt lực vẫn không ngóc đầu lên nổi, gia đình chồng tôi lần lượt vượt biên sang Cambodia, rồi Thái Lan.

    Duy nhất có một người chị ở lại Sài Gòn. Sau này, trong thời gian sống bên Thái Lan, chồng tôi cùng anh trai là Tuấn và em trai là Trí đều tham gia một tổ chức chống Cộng. Năm 1999, trong lần nhận nhiệm vụ về nước, chồng tôi và Trí bị bắt, mỗi người bị kết án 14 năm tù. Trong thời gian ở tù, Trí bị nhiễm bệnh AIDS – hậu quả của những lần bị cùm chân có dính máu, thịt của người tù bị cùm trước. Ra tù được sáu tháng, Trí chết. Một cái chết đầy đau đớn, oan khuất và tức tưởi. Sau khi chồng tôi và Trí bị bắt, anh Tuấn mất tích. Một số người hoạt động cùng anh nói rằng anh bị Việt Cộng giết. Vài năm sau khi anh Tuấn chết, vợ anh cũng qua đời để lại đứa con mồ côi cho cô Trang, em chồng tôi nuôi dưỡng. Má chồng tôi bị bệnh tiểu đường, do không đủ tiền thuốc thang nên bà qua đời tại Thái Lan năm 2010, khi anh Tú và Trí thụ án được 11 năm. Lúc còn sống, má chồng tôi bị cưa hai chân do bị hoại tử. Sau thời gian sống ở Thái Lan, ba chồng tôi lưu lạc sang Malaysia, thỉnh thoảng qua Thái Lan thăm má. Em chồng tôi lập gia đình, sinh được ba đứa con nhưng khi đứa út còn nhỏ, chồng cô ấy bạo bệnh rồi qua đời.

    Sau khi lấy anh Tú, tôi những muốn đón ba chồng tôi về ở hẳn Việt Nam để thuận tiện cho việc phụng dưỡng. Ở trọ cũng được, khi nào có đủ tiền thì xây nhà. Ba tôi chấp thuận. Ông đặt vé về Sài Gòn vào ngày 9 Tháng Hai, 2017, nhưng buổi chiều hôm trước, mồng 8 Tháng Hai, ông đột ngột qua đời tại Malaysia. Vuốt mắt cho ông cũng là một người lưu vong khác. Tháng Tư, 2016, khi chúng tôi chuẩn bị làm đám cưới, người em trai út của anh Tú đã hẹn sẽ về tham dự vì nhiều năm rồi cậu ấy chưa trở lại Việt Nam. Nhưng rồi lại là một giấc mơ không thành khác. Trước đám cưới chừng một tháng, chúng tôi nhận được tin Quốc bị tai biến. Suốt mấy năm nay, Quốc phải ngồi xe lăn, không thể đi làm kiếm tiền nuôi con. Mọi gánh nặng đổ dồn lên cô Trang, em gái chồng tôi.

    Anh Tú kể, từ năm 1981 cho đến mãi về sau, gia đình anh chưa bao giờ có một ngày sum họp kể cả vào những sự kiện trọng đại nhất của đời người như cưới hỏi, tang chế. Cả ba và má đều chết trên xứ lạ quê người mà con cháu không thể đến tiễn đưa, vĩnh biệt. Anh Tú lấy tôi, lại cũng là một người tù, một kẻ “phản động” theo cách kết tội của nhà cầm quyền. Thỉnh thoảng tôi nói đùa “vợ chồng mình tiền án nhiều hơn tiền mặt.” Và “nếu xét theo bên ngoại, bé Tôm là Cộng Sản con. Xét theo bên nội, nó mang gốc gác ‘ngụy quân ngụy quyền.’” Tôm có ba mẹ, có chú đều là tù nhân chính trị dưới chế độ Cộng Sản. Tức là nhà tôi vừa có tù anh, tù em, tù vợ, tù chồng, vừa có tù em, tù chị, đủ cả. Nếu nhắc thêm sự kiện nhà tôi ở Vườn Rau Lộc Hưng bị đập, thì bé Tôm cũng là một “dân oan nhí.” Vợ chồng tôi vừa là cựu tù chính trị, kiêm luôn danh hiệu bất đắc dĩ “dân oan.” Số phận cứ buộc chúng tôi vào cảnh ngộ éo le, bi đát.

    o0o


    Khi viết những dòng này, vào dịp Tháng Tư, năm 2021, chồng tôi vẫn là một người vô tổ quốc, vẫn phải sống lưu vong trên chính quê hương ruột thịt mình. Từ khi ra tù vào Tháng Mười Hai, 2013, anh Tú vẫn không có nổi một mảnh giấy tờ tùy thân. Gia đình tôi vẫn tiếp tục sống, cuộc sống của những phận người Việt với điệp trùng khốn khó, hiểm nguy vây bủa. 46 năm là một khoảng dài trong đời người, vậy mà nỗi đau cứ như vừa mới hôm qua. Làm sao quên được khi thế lực tà ác thay vì sám hối, lại reo rắc tư tưởng thù hận, vùi dập nạn nhân tới tận cùng của mọi nỗi đau. Nạn nhân nào có phải vài chục con người, đấy là triệu triệu con người. Biết bao giờ đất nước này mới thay da đổi thịt, người người mới biết ăn năn?

    Cưu mang nỗi đau quá khứ không phải để thù hận, mà để nuôi dưỡng ước vọng tương lai. Tương lai cho gia đình bé nhỏ của tôi. Tương lai cho người Việt.

    (Phạm Thanh Nghiên__Sài Gòn, Tháng Tư, 2021)


  3. #33
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    Quote Originally Posted by XXG View Post



    Một Ngày...

    Một ngày, tượng đá buồn rơi lệ
    Gục ngã âm thầm trước nghĩa trang
    Bao năm xương máu dâng Tổ Quốc
    Bỗng đâu, một phút hoá tro tàn

    Một ngày, oan nghiệt trùm tâm khảm
    Khắp dải sơn hà khoác áo tang
    Giọt lệ anh hùng sôi ngục đỏ
    Quê hương tôi đấy,
    ................. cõi lầm than!

    Một ngày, cúi lượm tuổi thơ rơi
    Tìm chữ tương lai tựa bóng mờ
    Đã biết bao lần nơi biển vắng
    Trông về quê Mẹ
    ...................... ngỡ rằng mơ

    Một ngày, đếm nhịp với thời gian
    Thoáng chốc mà nay đã nửa đời
    Viết nốt vần thơ mùa Quốc Hận
    ................ Để nghe
    ....... vị đắng
    ................. vướng theo lời
    __(XXG__ 4.2017)__



    ___Tác giả bức tượng Thương Tiếc nay ở tuổi gần 90, xế chiều hiu hắt__
    (Bài viết của Tuấn Khanh)

    Trên các trang mạng, những người yêu mến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, yêu mến một kỷ niệm đẹp của VNCH đều nhắc nhau nên sớm ghé thăm ông. Người đã tạo bức tượng Thương Tiếc vang bóng một thời của nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nay đã 90 tuổi, nhớ nhớ, quên quên và như cũng đã quá mệt mỏi với một cõi tạm đầy những nhọc nhằn với ông.

    Sinh năm 1934 tại Gò Vấp, Sài Gòn, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và sau đó qua động viên, tham gia ngành quân nhu, rồi trở thành Đại Úy, phục vụ Tại Cục Chiến Tranh Chính Trị. Trong cuộc đời mình, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tạo ra vô số tác phẩm, nhưng đắc ý và được nhiều người biết đến nhất, là tượng Thương tiếc, đặt tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa, và bức thứ hai là tượng An Dương Vương, đặt ở Ngã Sáu Chợ lớn. Cả hai đều khánh thành vào năm 1966.

    Lúc này thì ít ai nhận ra điêu khắc gia lừng danh của miền Nam tự do cũ, do ông ít bạn bè, trí nhớ không còn sắc bén và một phần khác, quá trình đi tù sau 1975, bị đánh đập nên ông bị hư hại thính giác. Gặp ông lúc này ở nhà riêng tại Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp, nói gần như hét vào tai thì ông mới hiểu hết ý của người đối thoại.

    Những người thân, quen biết nói ông vẫn còn bị PTSD với những năm tháng tù đày, tức Dư chấn tâm thần, dẫn đến trạng thái bất thường, hoảng sợ từ một biến cố hay giai đoạn có sức ám ảnh, nên nếu chạm vào người ông bất ngờ, hoặc nâng dìu mà không báo trước, đều làm ông giật mình, hay hoảng hốt.

    Hiện điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu sống cùng sự chăm sóc của các con. Nơi cư ngụ của ông, số 176 Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, Gò Vấp, là quán cà phê Tượng Đá, nơi có đặt nhiều tượng mà ông sáng tác lâu nay. Căn phòng nhỏ của ông nằm nép sau quán cà phê, là nơi trú ẩn hết sức cô đơn của ông cùng kỷ niệm. Người quen cũng thấy ông lặng lẽ làm lại mẫu tượng Thương tiếc thu nhỏ, đặt trong phòng, chỉ chia sẻ với ai quen biết. Đây cũng là một trong những điều gây đau đớn tinh thần của ông: Sau 1975, chính quyền mới cho người lập tức đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa kéo đổ bức Thương Tiếc, sau đó đập nát để thỏa lòng căm thù. Nhưng vẫn chưa đủ, ít lâu sau đó, theo chỉ điểm của giới nằm vùng, một nhóm bộ đội và băng đỏ cầm AK-47 đến tận nhà ông, đem mẫu tượng ban đầu (khuôn gốc) đập và chửi bới, đánh đập cả ông.

    Vì tượng đài An Dương Vương ở Ngã sáu Chợ Lớn là tượng một danh nhân của lịch sử Việt nên dù có ghét bỏ tác phẩm của Nguyễn Thanh Thu, chính quyền mới cũng khó lòng thẳng tay hủy hoại. Họ chỉ để nguyên vậy, không tu sửa sau nhiều chục năm với ý đồ rất rõ là đợi có hư hại, là lập tức cho phá, mang đi. Đó cũng là trường hợp của tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.

    Và vì sao phải vậy? Bởi tượng Trần Nguyên Hãn được coi là thánh tổ của truyền tin quân lực VNCH, còn tượng An Dương Vương là biểu tượng của công binh VNCH.

    Nhưng điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu không chỉ là người làm tượng. Được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu đi Phi Luật Tân để tham khảo một nghĩa trang chiến binh mà người Phi rất tự hào, ông Thu quay về và đưa ra đề án xây Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, để thay thế cho nghĩa trang ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, vào đầu những năm 60, thế kỷ 20, đã bắt đầu chật chội.

    Điều lạ thường của chuyện bức tượng Thương tiếc, là khi đã có đủ 7 bản ký họa mẫu, phác thảo dự trù cho bức tượng tiêu biểu trước nghĩa trang, hình ảnh của anh hạ sĩ lính nhảy dù Võ Văn Hai ngồi nói chuyện hư không với một người bạn tử trận của mình trong một quán nước, vô tình đập vào mắt của ông Thu, khiến ông ngẫu hứng ghi lại, day dứt với nó...

    Khi trình các đề án lên tổng thống Thiệu, ông Thu đã xin lỗi khi bày ra tờ giấy lót trong gói thuốc lá, có vẽ chì vội sơ sài, và nói rằng xin lỗi vì mình vừa mới làm. Ông kể lại là lúc đó, tổng thống Thiệu hỏi ông “Bản nào anh đắc ý nhất?”, ông Thu nói mình bị ám ảnh về hình ảnh ông phác họa từ hạ sĩ Võ Văn Hai. Sau đó ông và tổng thống Thiệu đã cùng chọn cái tên Thương tiếc cho bức tượng này.

    Để hoàn thành toàn bộ bản vẽ chính xác cho Thương tiếc, hạ sĩ nhảy dù Võ Văn Hai đã ngồi làm mẫu cho ông Nguyễn Thanh Thu chỉnh đi, sửa lại từng nét một suốt ba tháng. Khởi đầu năm 1966, tượng được thực hiện bằng bê-tông, cốt sắt, đến năm 1969, được thay đổi bằng đồng. Tượng cao 4m, nếu tính cả mô đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao của tượng đài là 8m. Tác phẩm này, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu nhận giải đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao Quân đội VNCH vào tháng 8, năm 1968.

    Sau năm 1975, ông Thu trở thành nơi trút hận thù của các cán bộ trại tù cải tạo. Chỉ là người sáng tạo điêu khắc nhưng ông phải trải qua 8 năm tù ở trại Hàm Tân. Ông Thu kể rằng trong đó, ông có 22 tháng nhốt biệt giam và đánh đập tàn nhẫn ngày này qua tháng nọ. Khi ông lên tiếng hỏi vì sao ông bị tra tấn dã man như vậy, thì cán bộ vừa đánh vừa nói “Tội của anh là lưu lại cái tư tưởng, cái hình ảnh, cái tinh thần đó mới là quan trọng. Anh đừng nghĩ đến chuyện trở về nhé”.

    Những ngày tháng bỏ đói với vô số những trận đòn thù đã làm cho tai ông điếc và cơ thể chỉ là da bọc xương. Cũng có lúc ông đã bị mang ra trường bắn lúc 4 giờ sáng, bịt mắt lại, nhưng không hiểu sao lại có thay đổi vào giờ cuối, cho mang về nhốt lại. Đến ngày ông được thả về, người nhà mô tả là ông phải có người vác đi, vì không tự đi nổi.

    Trước đó, khi cán bộ yêu cầu ông viết đơn xin khoan hồng và đổ tội hết cho chế độ cũ chứ ông không tự mình tạo ra những tác phẩm điêu khắc của quân đội. Ông Thu kể rằng lúc đó ông đã đuối sức lắm, chỉ còn thều thào nói được là “Tôi tạo ra, tượng chết thì tôi chết theo”. Một viên cán bộ tức giận nhào tới tát vào hai bên tai của ông. Những cú tát chí mạng khiến máu mũi và máu tai ứa ra, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu điếc gần như toàn phần từ đó.

    Ông Nguyễn Thanh Thu có tham gia chương trình đi H.O của sĩ quan bị cải tạo. Ông ở Mỹ gần 10 năm, nhưng loay hoay vì nhớ nghề điêu khắc mà không thể nào nối lại được, sức khỏe thì suy sụp mà quá cô đơn với tâm hồn nghệ thuật của mình, nên sau đó ông về lại Việt Nam, sống với con, lặng lẽ tạo ra những bức tượng riêng của mình, ôm giấc mộng đời đến cuối cùng.

    Giấc mơ lớn nhất mà điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu vẫn giữ, là có ngày phục dựng được bức Thương tiếc. Nhưng giờ ở cái tuổi gần 90, mệt nhoài với những chặng đường đã qua, ngày càng đau yếu, có lẽ rồi ông cũng sẽ ra đi lặng lẽ với những nỗi niềm rất thiêng liêng, đã có trong đời mình.

    Còn chút nhớ về, xin hãy thử đến gặp ông, ở những giờ phút này, tại Gò Vấp, Sài Gòn.
    ___o0o___
    (Tuấn Khanh)


    Last edited by XXG; 05-19-2021 at 10:17 PM.

  4. #34
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431


    ___BẠN CŨ NĂM MƯƠI NĂM
    (Tràm Cà Mau)


    (Chuyện kể của ông Hai)

    Dạo đó, tôi vừa mới trổ mã, bể tiếng, tay chân tự nhiên dài ngoằng ra, áo quần thành ngắn củn cởn. Tôi vụng về, ngơ ngác, làm cái gì cũng hư hỏng, má tôi cứ la rầy mãi. La rầy để quở trách mà cũng chan chứa tình yêu thương. Tôi ăn cái gì cũng ngon, đặt lưng xuống đâu cũng ngủ được say sưa.

    Thời nầy, đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, nước Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập nền đô hộ cũ. Toàn dân đứng lên kháng chiến, cầm tầm vông vạt nhọn đánh nhau với Tây. Khí thế đằng đằng. Cũng như mọi thanh niên khác, tôi tham gia kháng chiến. Nói là đánh nhau với Tây, nhưng chạy thì nhiều hơn, vì lồ ô vạt nhọn không cự nổi với súng ống của Tây.

    Tôi bị Tây bắt lãng xẹt khi đang ngủ giữa ban ngày. Bị trói ké, đem về giam tại thành phố. Trong trại giam, mỗi ngày phải đi làm lao động vệ sinh, dọn rác, quét lá, lấp các vũng bùn lầy, khai mương. Tôi làm quen được một ông lính kèn, mỗi ngày mượn cái kèn thổi tò te làm khổ lỗ tai mấy ông lính Tây chơi. Không có chi chói tai bằng nghe mấy anh tập kèn cứ ọ è từ giờ nầy qua giờ kia mãi.

    Tập hoài rồi cũng thổi được. Một lần cao hứng tôi thổi khúc kèn báo hiệu tan giờ làm việc, tiếng kèn vang vọng, rõ ràng, làm mấy ông Tây tưởng đã hết giờ, rủ nhau ra về. Tôi bị phạt giam đói, và anh lính kèn cũng bị khiển trách, không cho tôi mượn cây kèn nữa. Nhưng sau đó hai tuần, tôi được cho ra khỏi tù. Họ phát cho tôi áo quần lính, và sung vào đội thổi kèn. Ban quân nhạc của Tây. Nhờ có một chút hiểu biết về âm nhạc Tây Phương, tôi học nhạc cũng khá dễ dàng, không như các ông bạn khác.

    Khi tập thổi kèn mà chơi, thì tôi cảm thấy vui, ham thích, thú vị, nhưng khi phải tập kèn vì bắt buộc, thì thật là chán nãn, mệt nhọc, bực mình. Ông trung sĩ chỉ huy đội quân nhạc không vui, vì đã chọn lầm người. Trước đó, ông tưởng tôi có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, nên đề nghị tuyển dụng.

    Về sau ông thường nói lời an ủi rằng, thiếu chó thì bắt bất cứ con gì ăn phân cũng được, miễn sao biết ăn phân thì thôi. Nghe ông nói vậy, tôi cũng tự ái, và bực mình. Thường thường, thì đội lính kèn được nhàn hạ. Mỗi ngày, mấy xuất thổi kèn báo hiệu buổi sáng thức dậy, như con gà gáy sáng, bao giờ làm việc, báo giờ nghỉ, giờ tan sở. Báo hiệu thật đúng giờ. Thế thôi. Còn ngoài ra thì chơi cờ, tán dóc, trêu ghẹo nhau, nhưng không được bài bạc. Mỗi sáng tiếng kèn vang vang:

    _“Tọ tè ti tọ tè ti.. ti tọ ti tè... “ Mà lũ con nít chuyển âm thành “Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.” Nghe y hệt tiếng kèn đồng.

    Trong đám lính kèn, tôi chơi thân với Tư Thàn, vì anh cùng tuổi, cũng độc thân và cùng hoàn cảnh như tôi, bị Tây bắt và sung vào đội quân nhạc. Chúng tôi thường rủ nhau đi xem hát ban đêm. Chúng tôi biết và thuộc lòng tên đào kép của các gánh cải lương, hò quảng. Nhiều lần, Tư Thàn thổ lộ ước mơ của anh là được vào làm việc cho gánh cải lương, làm kép độc, nhờ đó, mà anh có thể mùi mẫn với các cô đào đẹp như tiên kia. Anh không có tham vọng được nổi tiếng, chẳng cần được khán giả mến mộ, chỉ mong gần gũi cái nhan sắc của các cô đào thôi.

    Có lần, tôi nhặt được tấm ảnh của một cô gái nào đó. Hình chụp rất điệu, ngón tay trỏ tựa má, hai cái núng đồng tiền lún sâu rất duyên, mặt sáng và tươi, mắt ướt rượt. Có lẽ bên ngoài đẹp mê hồn. Tôi đưa tấm ảnh cho Tư Thàn xem, và bảo rằng đó là con Mười, em gái tôi ở Long Xuyên mới gởi lên.

    Kể từ khi thấy tấm hình nầy, Tư Thàn nể nang tôi lắm. Tôi có thể sai Tư Thàn làm những việc mà trước đây anh không bao giờ làm giúp. Tôi mượn tiền anh dễ dàng hơn, mà anh bớt nhăn nhó khó chịu. Tôi lờ mờ biết Tư Thàn mê cô gái trong tấm hình, và hy vọng được lòng tôi, thì sẽ được lòng em tôi. Vốn tính nhút nhát, nên Tư Thàn không bao giờ dám hỏi thẳng về em tôi. Chỉ một lần, anh đánh bạo hỏi tôi khi nào về thăm nhà, và có thể cho anh đi cùng, về chơi có được không. Tôi đáp rằng dĩ nhiên là được, và sẽ mời anh ở lại nhà vài hôm. Nghe vậy, Tư Thàn sướng đến đỏ cả mặt. Sau nầy, tôi cho Tư Thàn tấm ảnh đó, anh cất kỹ trong ví, lâu lâu mở ra xem mà mơ mộng.

    Buổi sáng, tôi và Tư Thàn thường hay ăn cháo trắng với hột vịt muối của cô Năm Cháo Trắng bán, cô nầy có nước da ngăm ngăm, duyên dáng. Hàng cháo gánh, ngồi chồm hổm ăn, hoặc ngồi trên các đòn gỗ thấp sát đất. Có nhiều anh lính trêu ghẹo, tán tỉnh cô, nhưng khi nào cô cũng vui vẻ, tươi cười, không làm mất lòng ai. Tôi cũng khoái cô nầy, thường giả vờ hết tiền, ăn thiếu nợ. Ðến tháng lãnh lương, thì trả, nhưng không trả hết, khi nào cũng xin khất lại một ít. Cứ nợ cô, thì cô phải nhớ đến số tiền nợ. Nhớ đến số tiền nợ, thì phải nhớ đến người mắc nợ, tức là cô phải nghĩ đến mình. Cái mưu kế nầy, tôi nghe được trong một tiệm hớt tóc mà mấy anh thủy thủ kháo nhau. Tôi có bày mưu nầy cho Tư Thàn, mà anh không chịu nghe theo, cứ sòng phẳng trả hết tiền, không bao giờ chịu thiếu một xu.

    Một hôm tôi rủ Tư Thàn đi xem cải lương, anh viện cớ bận việc, tôi đi một mình. Khi ngồi trong rạp, nhìn xéo qua bên kia, thì tôi thấy Tư Thàn và cô Năm Cháo Trắng đang ngồi bên nhau. Tay Tư Thàn đưa lên chỉ trỏ, như đang giải thích gì đó. À thì ra Tư Thàn đã bí mật phổng được cô hàng cháo, mà anh em không ai hay biết. Tôi tránh mặt cho Tư Thàn làm ăn được tự nhiên.

    Hôm sau, gặp Tư Thàn, tôi làm bộ giận, mà thực ra thì tôi cũng hơi ghen tức. Tôi thì đặt mưu tính kế, mà chẳng được cơm cháo gì, Tư Thàn cứ tự nhiên, thì vớ được cô hàng cháo. Tôi cứng giọng, nói với Tư Thàn:

    -“Mày phản bội em tao. Trả tấm hình con Mười lại cho tao. Tưởng mầy đàng hoàng, thì ra...”

    -“Tao làm gì mà gọi là phản bội?”

    -“Mầy còn giả vờ? Hồi hôm mầy đi đâu? Làm gì? Với ai? Có chối được không?”

    -“Ai nói với mầy?”

    -“Chính mắt tao thấy. Tao để yên cho chúng mày hú hí. Chối tội làm chi?”

    Tư Thàn bẻn lẻn móc ví trả tôi tấm hình cô gái có hai cái núng đồng tiền. Anh có vẽ tiếc lắm. Cuối cùng anh nói:

    -“Em gái mày đẹp như thế nầy, thì chán chi người dòm kẻ ngó. Tao làm gì mà vói thấu. Trả hình lại cho mày là phải.”

    -“Mày định bắt cá hai ba tay sao? Con Năm Cháo Trắng cũng có duyên lắm đó chứ!”

    -“Ừ. Có duyên. Hồi hôm, em thú thật với tao em là ‘đầu gà đít vịt’ Mầy thấy da em ngăm ngăm không?”

    Tôi hỏi Tư Thàn làm sao mà câu được em Năm Cháo Trắng? Trong lúc tôi bày mưu tính kế mà không được em đáp ứng. Tư Thàn cho rằng tôi ngu, đàn bà con gái không ưa những người bê bối, mang nợ mắc nần. Sau nầy về làm chồng quen thói nợ nần, ai mà chịu nỗi. Thì ra, tôi nhẹ dạ tin vào mưu kế tào lao của mấy anh thủy thủ gà mờ.

    Từ ngày trả lui cho tôi tấm hình cô gái có núng đồng tiền, Tư Thàn không còn nể nang tôi như trước kia nữa. Tôi biết mình ngu, đòi lại tấm hình, chẳng ích gì, nhưng đã lỡ rồi, tiếc cũng không được.

    Tôi thường ứng trực thế cho Tư Thàn, để anh có thì giờ đi chơi với cô Năm Cháo Trắng. Bởi vậy, sau nầy cô thường múc cho tôi những tô vun, cháo muốn tràn ra ngoài. Từ đó, tôi không bao giờ thiếu nợ cô nữa.

    Thường thường, Tư Thàn và tôi trốn trại đi xem đá gà ở xóm trong. Thiên hạ đánh cá ồn ào. Chúng tôi cũng thường bắt độ, khi ăn khi thua, mà thua thì nhiều hơn ăn. Những khi ăn tiền cá độ, chúng tôi dắt nhau đi ăn nhậu vui vẻ, ăn thâm cả tiền túi. Khi thua, thì hai đứa lủi thủi ra về, phải vay mượn tiền bạn bè để gỡ gạc. Có hai lần bị cảnh sát bố ráp, cả phường đá gà bỏ chạy, chúng tôi cũng sợ bị bắt, chạy trốn, cho nên mất luôn tiền cá độ.

    Từ đó, chúng tôi tìm ra một cách đánh cá khác, mà chủ cá độ không móc được của chúng tôi một xu. Hai đứa tôi đánh cá riêng với nhau, đứa nầy được, thì đứa kia thua. Chúng tôi gọi là lọt sàng xuống nia. Và sau cuộc đá gà nào, chúng tôi cũng có buổi ăn nhậu, vì một trong hai đứa thắng cuộc. Thời trước Tư Thàn có nuôi gà đá, nên nhiều kinh nghiệm, cứ nhìn vóc dáng bên ngoài, là biết ngay con gà có phong độ hay không. Thế là nợ Tư Thàn một số tiền bằng nguyên cả tháng lương.

    Nợ ít ít, thì còn nghĩ đến chuyện thanh toán, nợ nhiều quá, không còn muốn trả nữa. Tôi cứ khất mãi, và đến tháng lãnh lương cũng không trả bớt nợ cho Tư Thàn. Từ đó, giữa tôi và Tư Thàn có cái gì lấn cấn, tình bạn không còn như trước nữa. Tôi không dám ăn tiêu khi có mặt Tư Thàn, sợ bị hỏi nợ. Không phải tôi muốn giựt nợ, nhưng tôi tự bảo lòng, khi nào tiền bạc dư dả, thong thả mới trả.

    Một lần, Tư Thàn thấy tôi nói chuyện thân mật, cười nói với một cô nữ quân nhân. Giữa chỗ đông người, Tư Thàn hướng về tôi mà nói lớn:

    -“Sao mày nợ tao một tháng lương, lâu quá mà chưa trả? Phải vay mượn mà trả chứ?”

    Tôi bị mất mặt trước đám đông, phát cáu, giận đỏ mặt. Tôi nghiến răng trả lời:

    -“Mầy còn đòi tiền nợ, thì tao đục cho trào máu.”

    Tư Thàn lảng đi nơi khác, mà tôi thì cũng không hết giận, định đi theo gây sự thêm. Vì một món nợ đá gà, mà chúng tôi mất tình bạn.

    Sau năm 1954, Tây rút về nước, chế độ Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam. Chúng tôi được giải ngũ, về đời sống dân sự. Tư Thàn đem vợ là cô Năm Cháo Trắng về quê làm ăn. Tôi ở lại thành phố, làm đủ thứ việc, đủ sống qua ngày, nhưng vì con đông, cho nên khi nào cũng thấy thiếu thốn.

    o0o

    Mười mấy năm sau khi giải ngũ, một hôm tôi lái xe chuyển kinh sách cho hội Thánh Tin Lành về miệt Long Xuyên, trên đường trở về, chiếc xe làm nư, chết máy giữa đường, không biết làm sao mà sửa. Tôi ngồi bên vệ đường, dưới bóng cây nhỏ. Ðầu óc suy nghĩ, tính kế không ra. Tôi định bắt xe đò về tỉnh lỵ, rước thợ ra sửa xe. Chờ hoài mà không có xe qua. Phía dưới ruộng khô, có một nông dân đang cày đất với hai con trâu. Nắng cháy, cổ khát. Tôi thấy anh nông dân ngưng cày, lên bờ lấy bầu uống nước. Túng quá, tôi đánh liều kêu lớn:

    -"Nầy anh ơi, khát quá, cho tôi uống nước với!"

    Người nông phu mang áo đen, quần xà lỏn, chậm chạp băng ruộng, đem cái bầu nước đến cho tôi. Khi đến gần, thì anh reo lên:

    -“Mày đó phải không Quài. Sao biết tao cày ruộng ở đây mà ghé lại thăm?”

    Tôi mừng quá, thét lớn:

    -“Tư Thàn! Mày! Ð.M. mày. Thằng quỷ. Mày ở đây hả? Chiếc xe nó biết có mầy ở đây, nên chết máy, để cho tao gặp mầy.”

    Tư Thàn và tôi xoắn lấy nhau, nhắc chuyện mười mấy năm trước. Ðủ thứ chuyện. Nói cho nhau biết tin tức gia đình mỗi người. Tư Thàn có hai thằng con trai. Ðời sống của gia đình thong thả, nhờ cô Năm Cháo Trắng buôn bán thêm ngoài chợ quận. Gạo cơm đủ ăn. Mười mấy năm, Tư Thàn chưa về lại Sài Gòn lần nào, vì cũng không có chuyện gì, mà chẳng còn ai để thăm viếng.

    Tư Thàn bỏ dở luôn buổi cày ruộng. Tôi cũng bỏ kệ cho chiếc xe nằm ụ bên đường, đến đâu thì đến, theo Tư Thàn đi vào làng. Nhà Tư Thàn trống trải, đơn sơ như tất cả mọi nhà nghèo miền quê.

    Tư Thàn lấy cái nơm làm bẫy, rải lúa cho gà ăn, và bắt được một con gà trống thiến lớn. Làm thịt, bao đất sét, nướng lửa rơm. Tư Thàn đem ra hai lít đế trong veo. Khi gà chín, tôi đập cái vỏ đất sét, để cả con gà lên chõng tre có lát sẵn mấy tàu lá chuối tươi, mà Tư Thàn đã rửa sạch. Chúng tôi bốc tay mà ăn, cầm đùi gà nhai, rượu vào đều đều, cạn chai nầy, qua chai kia.

    Chúng tôi cùng nhắc chuyện xưa, chuyện không đầu, không đuôi, chuyện nầy lẫn qua chuyện khác. Hai đứa nhỏ con Tư Thàn đi học về, cũng nhào vào xâu xé con gà. Tôi ép thằng lớn hớp một ngụm đế, nó nhăn mặt phun ra. Tư Thàn và tôi cùng cười vang. Khi trời xế chiều, thì cô Năm Cháo Trắng cũng gánh hàng về. Cô nhận ra tôi, kêu thét lên vui thú, và phát vào vai tôi nhiều lần đau điếng. Cô mắng:

    -“Cái ông khỉ nầy, tưởng chết rấp đâu rồi chớ. Làm sao biết tụi tôi ở đây mà ghé chơi? Vui quá xá”

    Ðêm đó, cô Năm Cháo Trắng nấu cháo vịt, mượn hàng xóm thêm mấy lít đế, chúng tôi ngồi ăn nhậu dưới trăng cho đến khuya. Ăn uống no say. Tôi chợt nhớ tới món tiền mà tôi nợ Tư Thàn, trị giá bằng một tháng lương vào thời gian mười mấy năm trước, mà chưa trả, và cũng chưa hề toan tính thanh toán cho sòng phẳng. Cũng vì món nợ đó, mà cái tình bạn thân thiết giữa chúng tôi có một thời lấn cấn, mất đi cái mặn nồng, không còn như trước. Tôi chậm rãi nói lè nhè trong hơi men:

    -“Tao bậy quá, còn mắc nợ mầy mà chưa có dịp trả. Công việc làm ăn, cũng không khá, mà con cái đông đúc, có cơm no bụng từng ngày là may lắm. Tiền không có dư...”

    Tư Thàn cười hiền hòa, giọng ấm áp nói:

    -“Thôi, quên chuyện xưa đi. Nợ nần cái khỉ gì? Chuyện cờ bạc thời trai trẻ dại dột, để tâm làm chi? Bạn bè gặp lại nhau, là quý rồi.”

    Có lẽ vì rượu đã ngấm nhiều, mà nghe lời nói chí tình của bạn, mắt tôi cay xè. May mà tối trời không ai thấy. Tôi xịt mũi. Ðêm đó, tôi ngủ lại nhà Tư Thàn, và nói chuyện rầm rì trong bóng tối cho đến khuya.

    Sáng hôm sau tôi ra chỗ xe nằm ụ, thì thấy chiếc xe chỉ còn là một đống sắt cháy nham nhở. Thì ra đêm qua, du kích đặt mìn phá, mà ngủ mê quá, chúng tôi từ làng trong, không nghe biết. Tôi lấy xe đò về Sài gòn, và bị đuổi việc. Nhưng may mắn, không bị hội thánh bắt bồi thường. Có lẽ họ biết, tôi đưa mạng cùi ra, có bắt đền cũng không moi được một xu, thì tha làm phước. Vã lại thời buổi chiến tranh, không ai dự liệu trước được chuyện bom mìn.

    o0o

    Tháng tư năm 1975 tôi đem gia đình chạy, chưa biết sẽ chạy đi đâu, về đâu, và làm sao mà sinh sống sau nầy. Cứ chạy đã. Vì sợ phải đi tù như một số bạn tôi, họ đã trở về miền Bắc vào năm 1954, và nghe đâu một số đã chết trong tù, một số còn bị giam giữ hơn hai mươi năm chưa được thả. Ðó là tin tức chính xác đi quành từ miền Bắc qua Pháp, và từ Pháp về miền Nam. Tôi được nước Mỹ cho vào cư trú, đi làm đủ thứ nghề tay chân. Cuối cùng vào làm y tá cho một trung tâm dưỡng lão của quận hạt. Hai mươi mấy năm đời sống yên lành, no ấm, hạnh phúc.

    o0o

    Năm 2001, sau hai mươi sáu năm xa quê hương, tôi về lại Việt Nam một mình, lần thứ nhất, để sắp đặt việc cưới vợ cho đứa con trai út. Khi đang ở Sài gòn, tôi nghe tin bọn khủng bố đánh sập tòa nhà đôi chọc trời ở New York. Ban đầu tôi không tin, và nghĩ rằng mấy ông Vẹm hay nói dối, đặt chuyện xạo tuyên truyền, nói xấu đế quốc Mỹ. Nhưng sau đó, xem truyền hình, tôi sửng sốt, bàng hoàng. Lòng tôi đau nhói, và nhận ra rằng, quê hương mới là nước Mỹ, cũng muôn vàn yêu mến, thắm thiết không thua gì quê hương cũ Việt Nam.

    Tất cả mọi chuyến bay đều bị hủy bỏ, việc vào ra nước Mỹ cũng tạm ngưng. Tôi chưa thể trở về lại Mỹ được, và trong lòng cũng tràn đầy lo ngại, không biết có thể về lại Mỹ được không. Hay là kẹt lại ở Việt nam mãi, cho hết cuối đời. Bảy mươi mấy tuổi rồi. Một đêm mất ngủ, tôi ra đứng ở hành lang khách sạn. Từ trên cao nhìn xuống phố phường bên dưới, tôi chợt nhớ, hơn năm mươi năm trước, nơi đây còn lau sậy um tùm, đất thấp ngập nước, hoang vu. Từ bên trong phòng vọng ra tiếng ngâm thơ khuya qua cái radio nhỏ, giọng khàn đục buồn não nề:

    Sông kia rày đã nên đồng
    Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
    Ðêm nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (*)

    Lòng tôi chùng xuống, và chợt nghĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua, vèo mau như mộng. Mới ngày nào đó, tôi bị Tây bắt đi tù, sung vào đội lính kèn. Bao nhiêu là đổi thay, bao nhiêu bãi biển đã biến thành nương dâu, bao nhiêu trũng hoang đã trở thành phố thị. Những thế hệ trước tôi và đồng thời với tôi, có lẽ đa số đã về với lòng đất. Yên bề. Những người còn sống sót như tôi, bây giờ ở đâu, làm gì. Bỗng tôi chợt nhớ đến Tư Thàn. Nhớ tha thiết. Nhớ đến món nợ ngày xưa mà chưa trả được, lòng buồn rưng rưng. Tôi quyết định ngay, mong cho trời mau sáng, để thuê xe đi tìm thăm Tư Thàn.

    Chiếc xe thuê riêng, chở tôi chạy về miền Tây, đi tìm Tư Thàn. Anh tài xế nghe tôi nói đi tìm một người bạn cũ, gặp nhau lần cuối đã hơn ba mươi năm trước, anh lắc đầu, có lẽ anh cho tôi là một ông già khùng lẩm cẩm.

    Tôi chỉ nhớ mang máng cái nơi mà chiếc xe tôi lái bị đặt mìn hơn ba chục năm trước. Tôi vào làng hỏi xem ai có biết ai Tư Thàn, nay chừng trên bảy mươi tuổi, hồi xưa làm lính kèn ở Bộ Tổng Tham Mưu. Mọi người đều lắc đầu, ngơ ngác. Tôi đi lang thang quanh làng, và hy vọng, còn có người biết Tư Thàn ở đâu. Khi tôi chán nản trở lại đường cái, ngồi trong cái chòi bán nước bên vệ đường, thì gặp một bà già. Tôi chận lại hỏi. Bà nhíu mày một hồi, suy nghĩ lung lắm. Bỗng bà la lên:

    -“Tôi nhớ ra rồi, từ lâu không ai gọi ổng là Tư Thàn nữa. Mà ông là ai, tìm Tư Thàn có chuyện chi không?”

    -“Tôi là bạn lính kèn với Tư Thàn khoảng hơn năm mươi năm trước. Bây giờ, nhớ bạn, ghé tìm thăm.”

    -“Trời đất! Năm mươi năm làm chi mà không thăm nhau, giờ mới trở chứng đi tìm!”

    Mấy đứa trẻ con chạy ra ruộng kêu Tư Thàn về, người ta nói anh đang cuốc đất thuê. Tôi nghĩ không phải là Tư Thàn bạn tôi, bảy mươi lăm tuổi, còn sức đâu mà đi cuốc thuê. Lũ trẻ đưa về một ông già ở trần, xương sườn đếm được, tay chân khẳng khiu, chỉ mặc cái xà lỏn ngắn, đi chân đất. Da nhăn nheo, khô khốc, đen đúa, gầy gò, hai má hóp, miệng móm xọm, chỉ còn hai cái răng, một cái của hàm trên, một cái của hàm dưới, rất là thiếu mỹ thuật. Không có một nét nào của Tư Thàn cả, có lẽ tuổi ông nầy già hơn nhiều. Tôi nheo mắt nói:

    -“Tôi tìm Tư Thàn, hồi xưa làm lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu, có vợ là chị Năm Cháo Trắng.”

    Ông lão phều phào:

    -“Ông là ai? Tìm tôi có việc gì không?”

    -“Tôi tìm Tư Thàn. Tôi là bạn cũ.”

    -“Ông là bạn cũ của tôi? Chắc ông tìm lầm người rồi.”

    -“Ông biết Cô Năm Cháo Trắng?”

    -“Vợ tôi, má thằng Ðộ, thằng Rề.”

    Bây giờ thì tôi chắc chắn ông lão ngồi trước mặt tôi chính là Tư Thàn, không ai khác. Tôi còn mơ hồ thấy vài nét hao hao của thuở nào. Bố thằng Ðộ, Thằng Rề, hai thằng nầy tôi đã gặp hồi xưa.

    Ngày trước, Tư Thàn mong sinh được bảy đứa con đặt tên là Ðồ, Rề, Mi, Pha, Xôn, La, Xi, nhưng mới có mới có Ðộ, Rề, thì bà vợ tịt ngòi. Tư Thàn ngồi co một chân lên ghế dài, rất tự nhiên, cái quần xà lỏn kéo nhăn nhúm lên cao, để lòi nguyên bộ phận kín ra ngoài, một khúc đen điu, nhăn nhúm, nằm tựa trên một đùm bao da lưa thưa lông bạc trắng. Tôi mừng quá, nắm lấy hai vai Tư Thàn mà lắc:

    -“Mầy không nhớ ra tao là ai hả Tư Thàn!”

    -“Không. Ông có lầm tôi với ai khác không? Ông là ai?”

    -“Thế thì mày không phải là Tư Thàn, lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu hả?”

    -“Tôi, Tư Thàn lính kèn đây.”

    Tôi làm bộ buồn bã đổi giọng:

    -“Có lẽ ông không phải là Tư Thàn tôi quen, mà là người khác trùng tên chăng?”

    -“Lính kèn, ở bộ Tổng Tham Mưu, trước năm năm mươi tư. Chỉ có Tư Thàn nầy thôi”

    Tôi nắm chắc hai vai Tư Thàn mà lắc, và hét lên:

    -“Ð.M. mầy không nhớ ra tao là ai, thật không? Hay mày giả bộ.”

    Tôi đưa tay lên miệng, với dáng điệu như đang thổi kèn và ca:

    -“Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu, tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.”

    Nghe tiêng chửi thề và điệu kèn Tây của tôi, Tư Thàn nhào đến ôm lấy tôi mà thét lên:

    -“Ð. M. mầy, chỉ có mầy mới nói cái giọng nầy. Thằng chó chết, thằng dịch vật. Thằng Quài, mầy, Quài. Mà mầy sang trọng, và trẻ quá, ai ngờ, ai mà nhìn ra.”

    Ðám trẻ con đứng xem cười ầm lên khi thấy hai ông già văng tục và gọi nhau bằng mầy tao. Tư Thàn cảm động quá, cái miệng móm méo xẹo, và khóc thành tiếng hu hu, làm tôi cũng khóc theo. Tư Thàn nghẹn ngào:

    -“Mầy còn nhớ đến tao, tìm thăm. Ðồ dịch vật. Lâu nay mày chết rấp nơi nào?”

    Tư Thàn nhìn tôi từ đầu xuống chân, nói nho nhỏ:

    -“Tóc tai cũng còn, răng cỏ hai hàm còn nguyên, mặt mày có da có thịt, áo bỏ vào quần, đi giày đàng hoàng. Có phải mầy là Việt kiều về thăm quê hương không? Bây giờ mầy ở đâu? Làm gì?”

    Tôi sợ Tư Thàn buồn, nói dối:

    -“Việt kiều cái con khỉ. Tao ở Sài gòn, nhờ có mấy đứa con vượt biên ra nước ngoài, và mấy đứa ở nhà, buôn bán, ăn nên làm ra. Giờ già rồi, về hưu, không làm gì nữa cả.”

    Tôi hỏi thăm gia cảnh, Tư Thàn cho biết hai đứa con trai đều đã chết. Thằng Ðộ đi lính quốc gia, đã đền nợ nước, thằng Rề “hy sinh” cho “cách mạng”. Cô Năm Cháo Trắng chết bệnh. Tư Thàn không có ai để nương tựa, phải đi cuốc đất thuê kiếm ăn qua ngày. Tôi nhìn cái thân thể xương xẩu của Tư Thàn, không biết anh lấy đâu ra sức mà đi làm lao động chân tay. Tôi nói:

    -“Thôi, mầy đưa tao về nhà, thay áo quần, rồi cùng qua Long Xuyên, lu bù một bữa, anh em hàn huyên chơi, bỏ mấy mươi năm xa cách.”

    Tư Thàn ngự trong căn chòi nhỏ, bốn bề che lá đơn sơ. Không bàn, không giường, chỉ có cái võng treo xéo. Trên bếp có cái nồi đen điu, méo mó. Tôi dỡ nồi ra xem, thấy còn có miếng cơm cháy. Tôi bốc ăn, mà cứng quá, răng già không nhai nổi. Thế mà Tư Thàn không còn răng, ăn cách nào đây?

    Khi xe vào tỉnh lỵ Long Xuyên, tôi nhờ anh tài xế tìm cho một quán ăn ngon. Anh đưa chúng tôi vào quán nướng Nam Bộ. Tư Thàn gạt đi, không chịu vào, và nói:

    -“Kiếm chai đế và vài ba con khô cá sặc là đủ vui rồi. Ðừng hoang phí tiền bạc. Vào làm chi những nơi sang trọng nầy cho chúng chém. Gặp nhau là vui rồi. Ăn uống là phụ.”

    Tôi ép mãi mà Tư Thàn không chịu. Cuối cùng, chúng tôi ra chợ, ngồi trên ghế thấp ở quán lộ thiên, ăn nhậu và nói cười vui vẻ, tự nhiên. Tôi uống rượu thay nước, vì sợ đau bụng. Anh tài xế cùng ăn, mà tôi không cho anh nhậu rượu, anh tỏ vẻ khó chịu, vùng vằng.

    Ðưa Tư Thàn về lại tận nhà, tôi móc trong cặp một gói bao, bằng giấy báo đưa tặng. Tư Thàn mở ra xem, và giật mình, xô gói quà ra về phía tôi:

    -“Cái gì đây? Tiền đâu mà nhiều thế nầy? Tôi không lấy đâu. Ðừng bày đặt.”

    -“Có bao nhiêu đâu. Ngày xưa, tao nợ mầy chưa trả được, bây giờ trả lại cả vốn lẫn lời. Tao tính rồi, mầy nhận đi cho tao vui, bỏ công tao lặn lội đi tìm.”

    -“Không. Nợ nần cái khỉ gì. Ăn thua đá gà, chuyện tào lao thời trẻ dại. Tao đã bảo mày quên đi từ lâu. Bày đặt. Lấy tiền làm chi? Không có chỗ cất, bọn trộm cắp nó lấy đi, uổng lắm. Tao không lấy đâu.”

    Thấy bộ Tư Thàn cương quyết quá, tôi xuống giọng, giả vờ nói:

    -“Mầy mà không nhận, tao có chết nhắm mắt cũng không yên tâm. Chưa trả hết nợ, thì sau nầy phải đầu thai làm trâu cày cho mầy. Khổ lắm. Thương tao, mầy cứ cầm đi. Ðể mua gạo. Ðể khi đau yếu có chút thuốc thang. Nếu không có nơi cất, thì đem gởi bà con”.

    Ðôi mắt già của Tư Thàn chớp chớp, và nói giọng run run như sắp khóc:

    -“Ð.M, tao già đến thế nầy, mà mày cũng còn định gạt tao như hồi xưa nữa sao? Thằng chó chết! Cái tình bạn của mầy, còn quý gấp trăm ngàn lần gói tiền nầy. Tao sẽ làm mâm cơm cúng bà Tư Cháo Trắng, nói cho bà biết cái tình bạn của mày. Dưới suối vàng, chắc bà cảm động lắm.”

    _____o0o_____
    (Tràm Cà-Mau)


    (*) Thơ Trần Tế Xương.
    Last edited by XXG; 05-23-2021 at 02:57 PM.

  5. #35
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431


    ___Hôm nay, XXG xin phép được đăng lại một truyện ngắn của tác giả Tuấn Kiệt. Một tác phẩm mà tôi đã đăng qua trong phòng Truyện của diễn đàn vài năm trước đây.

    Truyện ngắn có cái tên "Củ Khoai Mì" (là lạ) này, tôi đã đọc cách đây khá lâu, nhưng vẫn còn lưu giữ cho đến hôm nay. Và, người tác giả tuy không phải là một văn sĩ nhưng cách diễn đạt bằng nội tâm và (bằng) những từ ngữ chân thật của anh có một sức lôi cuốn kỳ lạ khiến tôi đã phải "đi" theo bước chân anh từ đầu đến cuối câu chuyện.

    Trong "Củ Khoai Mì," tôi tìm được những nụ cười và giọt lệ...

    Tôi đã cùng anh đi qua những chặn đường đau khổ của đời anh. Tôi đã cảm nhận và thấy được nỗi xót xa, hụt hẫng trong một tương lai vô vọng của những cựu quân nhân QLVNCH sau khi mãn hạn tù. Đã nếm được những đắng cay, nghiệt ngã mà người dân Miền Nam phải gánh chịu trong bao tháng năm dài đăng đẳng từ sau ngày "thống nhất đất nước" - một mỹ từ gian xảo mà bọn CSBV đã sử dụng để xâm chiếm Miền Nam.

    Xin mời ACE cùng thưởng thức.



    ___CỦ KHOAI MÌ___
    (Tác giả: Tuấn Kiệt)


    Thạch và tôi gặp lại nhau ở một quán cà phê vệ đường năm 1979.

    Sài Gòn năm đó te tua tan nát. Hoa lá tả tơi như chuyện gia đình của thằng Thạch cũng theo hoa lá mà ... tơi tả. Người vợ hiền lành thuở nào đã dẫn đứa con gái nhỏ đi đâu mất tiêu trong thời gian thằng Thạch còn trong tù cải tạo.

    - Ê, Kiến! Tuần tới tao phải về lại vùng kinh tế mới. Hết phép rồi.

    Nhìn nhau.

    Hai đứa quen nhau trong tù cải tạo. Nó, Không Quân. Tôi, Bộ Binh. Nó lớn hơn 3 tuổi nhưng cứ mầy tao thét rồi quen luôn.

    - Hết phép? Mà phép gì? Mầy không có cách nào ở lại Sài Gòn được à?

    - Tao khai với bà chủ tịch xã là tao bị... điên.

    Tôi bật cười:

    - Mầy bị điên?

    - Ừ!

    - Mà bả tin hông?

    - Tin chứ mậy! Bả cho tao giấy giới thiệu về bệnh viện thần kinh ở Biên Hoà. Tao gặp ông bác sĩ phe mình làm ở trỏng, ông Lân. Ổng ký giấy cho tao về tịnh dưỡng tại gia 3 tháng. Tao đưa giấy đó cho bà Năm chủ tịch xã thì bả ký cái nầy cho tao.

    Tờ giấy vàng khè vẽ bùa lẳng tẳng có hàng chữ Xã Hội Chủ Nghĩa gì gì đó với khều khào một chữ ký mà thằng Thạch bạn tôi, một sĩ quan Không Quân từng vần vũ trên trời rộng đang mơ ước được gia hạn thêm 3 tháng nữa. Cái mơ ước được tự do cư trú và làm việc bỗng dưng quá xa vời.

    - "Thì mầy cũng cứ vậy mà làm tiếp". Tôi nói.

    - "Coi bộ lần nầy hổng được mầy ơi! Kỳ rồi bả nghi tao nói láo". Thạch lo lắng do dự.

    Bỗng nhiên tôi nổi hứng:

    - Hay mầy muốn tao dẫn đi?

    - Ừ! Có lý! Mầy đóng vai người nhà dẫn tao lên xin gia hạn thêm.

    Tôi kỳ kèo:

    - Mà tao phải làm anh bà con mầy tao mới chịu.

    - Mầy muốn làm ba tao cũng được!

    Tình trạng tôi lúc đó khá ổn. Từ tù cải tạo ra, tôi đến trình diện thằng công an xã ở vùng kinh tế mới Đồng Xoài, nó mới 18 tuổi, tôi thì 27. Tôi gọi nó bằng anh ngọt lịm, cộng thêm mấy gói thuốc lá Vàm Cỏ hút cho lủng phổi và bịch cà phê. Nó ký cho tôi một cái giấy tay, ịn con dấu cái cạch cho về Sài Gòn một tháng trị bệnh.

    Mà hên nữa là tôi gặp lại anh Đức, Đại Uý Quân Y ngày xưa, chẳng biết vì may mắn hay có móc ngoéo ngón tay gì hay không mà anh được lưu dụng làm việc ở bệnh viện Bình Dân Sài Gòn không phải đi tù cải tạo.

    Ảnh đưa cho tôi mấy cuộn băng bột:

    - Em cứ kiếm phần nào trong cơ thể rồi bó cục bột vào thì đỡ phải ngại đứa nào hỏi giấy tờ.

    Tôi suy nghĩ lung lắm. Phải kiếm phần nào cho người ta dễ thấy mà không làm trở ngại công việc làm ăn đi đứng vì cuộn băng sẽ đóng cứng lại sau khi mình thấm nước.

    Ở cổ ư? Thất bại! Làm sao mình cua đào được? Lúc đó tôi vẫn còn độc thân và cho dù xã hội tối thui như nhiều đêm bị cúp điện, nhưng tuổi trẻ vẫn luôn còn lạc quan và tình yêu trai gái vẫn còn nẩy nở, tuy chậm hơn một chút, tuy do dự hơn một khoảnh thời gian nhưng tình yêu vẫn nồng nàn thân ái.

    Vả lại, nếu cuộn cục bột ở ngay cần cổ thì tối làm sao ngủ?

    Tôi bèn chơi ngay khúc dưới đầu gối tới bàn chân, xé đường chỉ ống quần để thiên hạ dễ thấy cuộn băng bột và tôi chống thêm cây gậy.

    Thiệt là hay! Suốt cả một thời gian dài, không công an nào thèm hỏi đến giấy tờ.

    Sáng hôm sau, thằng Thạch bán chiếc nhẫn cưới bằng vàng 24 để làm lộ phí lên đường. Tôi có nói với má tôi, rằng sẵn dịp đi Long Khánh chuyến nầy nếu gặp được kháng chiến Phục Quốc thì con sẽ theo luôn. Má tôi, hai con mắt long lanh: "Ừ! Nếu con coi được thì về dẫn cả nhà đi luôn. Tao nấu cơm cho kháng chiến cũng được mà!"

    Trên đường cuốc bộ tới bến xe đò An Đông, tôi nói với thằng Thạch:

    - Bây giờ mầy phải giả bộ khùng từ lúc nầy.

    Nó dẫy nẫy:

    - Quê mậy! Con gái tùm lum! Làm quê mậy...

    - Mầy phải đóng kịch từ lúc nầy để quen đi, đến lúc gặp bà Năm thì mới không "bể địa" chứ.

    Nó làm thinh. Được trớn, tôi kéo một phần áo của nó đang bỏ vô quần thành nửa trong nửa ngoài. Thằng cũng còn diện gớm, tóc chảy tém bốn sáu, quần áo sạch sẽ mắc tiền. Hình như hắn đã chấp nhận chuyện vợ phải dẫn đứa con đi kiếm con đường sống khác, cũng như đa số những tù cải tạo khi viết thư hay nhắn về nhà, đều cùng một lời: "Nếu em tìm được con đường nào cho em và các con thì xin cứ mạnh dạn bước đi, đừng chờ đợi anh về. Anh sẽ hiểu, và anh không oán trách gì đâu. Ngày về của anh là ngày lèo, chúng cứ bảo là học tập tốt thì về nhưng chúng chẳng hề định nghĩa chữ Tốt là gì, chữ tốt trở thành chữ Hề diễu cợt."

    Tôi lấy tay xoa xoa lên tóc thằng Thạch. Nó né:

    - Ê! Làm cái gì vậy mậy?

    - Chắc một lát tao lấy sình trét lên áo mầy quá! Ăn mặc diện như vầy đâu giống khùng? Giống như mầy đi hỏi vợ thì đúng hơn.

    Nó cười cười khoái chí:

    - Bộ đồ kẻng của tao đó!

    - Ừ! Chút xíu nữa cho mầy hết kẻng luôn em trai à!

    Bến xe An Đông ồn ào hỗn độn, người ta mua bán tứ tung. Ai cũng buôn hàng lậu vì nghề nào cũng bị cấm. Ngay cả bà già tay xách chiếc giỏ nhỏ, trong có chục ổ bánh mì dồn thịt sẵn, thầm thì: "Ai ăn bánh mì thịt hông?" hay cô gái lấm lét: "Ai uống nước đá hột é hông?"

    Người ta mua bán mà con mắt bên phải thì nhìn khách hàng còn mắt bên trái thì canh chừng tụi công an, mà dân chúng đã thân ái đặt tên là bò vàng. Tất cả những nghề làm ăn lương thiện bỗng chốc biến thành bất lương lén lút.

    Hàng loạt loa phóng thanh đặt ở mỗi thôn xóm ca ngợi người tốt việc tốt khiến cho những con người "xấu" giương đôi mắt thâm quầng nhìn những con người "tốt" vàng võ èo uột. Xấu và tốt không còn có thể phân biệt được dưới chế độ lạ kỳ nầy nữa rồi! Nhớ hồi khi xưa, người ta dặn nhau "Lành cho sạch, rách cho thơm." Bây giờ thì thúi hoắc cả đám. Ai cũng bon chen ngất ngưởng chạy đi tìm miếng ăn từng giờ từng phút.

    Hải ngoại lúc đó hãy còn èo uột chưa vững, chưa biết cách gởi tiền về tiếp tế người thương. Hải ngoại ngày đêm quặn tim đau đớn, thân nhân còn lại oằn người gánh chịu nỗi trần ai.

    - Á! Bò vàng bà con ơi! Chạy chạy...

    Thôi thì ai cũng rần rần bỏ chạy. Tôi với thằng Thạch cũng cấm đầu chạy. Chạy cho chắc ăn.

    Lỡ...!

    Có quá nhiều cái "lỡ" đem đến những buồn phiền không kể xiết. Chạy đôi khi cũng là thượng sách.

    Chạy xong rồi thì người ta tụm lại mua bán đổi chác tiếp. Thiệt! Giống như là trò chơi cút bắt của con nít.

    Tôi bàn với thằng Thạch:

    - Hay mầy bán bộ đồ nầy mua bộ cũ hơn vừa hợp lý mà tụi mình lại có thêm chút tiền dằn túi?

    - Sao mầy không bán bộ đồ mầy đi?

    Uý chời! Nó chạm vào cái lịch sự tối thiểu còn sót lại của tôi. Tôi chỉ có một bộ đồ ăn nói. Mỗi lần giặt là tôi phải mặc xà lỏn ngồi chồm hổm đợi đồ khô rồi đem ủi và mặc tiếp:

    - Ủa! Tao đâu có giả vai điên đâu? Tao là anh mầy dẫn mầy đi xin phép mà. Nhớ hông em trai?

    - Mầy nhỏ hơn tao đến mấy tuổi mà lúc nào cũng muốn làm anh.

    - Hì hì!

    Mặt nó nhăn nhăn kể lể:

    - Mầy mặc đồ mới, tao đồ cũ. Tao thấy tủi thân quá! Hay là hai thằng bán hết?

    Hai thằng cũng biết là nếu chuyến nầy mà gặp được nhóm Phục Quốc thì hai đứa sẽ xoá bàn cờ chơi lại ngoạn mục hơn, quần áo cũ mới gì không còn là điều quan trọng nữa.

    -"Anh cởi quần thì tui đưa tiền." Tiếng cô gái lanh lảnh.

    -Tui cởi quần, cô xách cô chạy mất thì tui biết ai mà đòi?

    -Anh không cởi quần, tui đưa tiền, anh bỏ chạy thì làm sao tui rượt kịp anh?

    Không còn ai tin ai nữa! Chế độ đưa người vào cảnh bần cùng để chia rẽ nhau.

    Lại có chộn rộn ở đằng kia. Có tiếng la thất thanh: "Bớ bà con ơi! Giựt đồ! Giựt đồ! Bắt nó lại giùm tui!" Thằng nhỏ mặt mày tái méc ôm cái giỏ xách của bà kia chạy bán mạng. Đúng là chế độ giựt dọc!

    Tôi với thằng Thạch ngồi trên xe đò. Tướng nó bự con mà mua lầm bộ đồ nhỏ xíu coi ngố dễ sợ. Tóc, thì bị tôi vò cho bù xù, đôi dép da đã đổi qua đôi dép ...râu. Tôi bắt nó cầm trên tay chứ hổng được mang. Bây giờ thì nó giống y hệt như người mất trí. Ngơ ngác trên xe đò.

    Mất vợ, mất con, mất giang sơn tổ quốc, mất cả tương lai và mất luôn ...bộ đồ kẻng.
    Không điên cũng thành điên!

    - Ê! Thạch! Mầy giữ chỗ ngồi cho tao. Tao xuống mua cái gì ăn.

    - À! À!

    Nó không muốn nói chuyện với tôi nữa rồi! Giận hờn gì nhau em trai?

    Trở lên thì thấy cái ghế của tôi đã bị một ông sồn sồn có râu mép chỗ đậm chỗ dợt chiếm mất.

    - A! Chú à! Chỗ ngồi đó của tui đó!

    - A! Tui thấy chỗ trống thì tui ngồi hà!

    - Chú ơi! Tui đưa thằng em bà con bị khùng lên nhà thương Biên Hoà đó. Chú ngồi kế bên nó, lỡ nó lên cơn, nó cắn chú ráng chịu à nha!

    Thằng Thạch nó muốn cười mà hổng dám cười, ráng nén hơi nhịn xuống, mặt nó đỏ ửng lên, mắt trợn trợn bỗng nó đưa cùi chỏ ra ý như muốn giựt cùi chỏ vào mặt ông có râu. Ông kia đưa tay lên đỡ đỡ có vẻ nhờn nhợn lắm rồi. Bỗng thằng Thạch quát lên:

    - Đ. Mmm!!!

    Ông kia vọt liền.

    Chiếc xe đò hậm hực hì hục phun khói ngất trời tiến ra quốc lộ 1, đường đi Biên Hoà.

    _________


    Đường đi Biên Hoà.

    Con đường đi ngang qua hồ tắm Ngọc Thuỷ thuở xưa, những ngày cúp cua trốn học một đám chở nhau trên xe Honda đi tắm "piscine", ngang qua quân trường Thủ Đức có những tháng ngày dài đổ mồ hôi. Và ngang qua nghĩa trang Quân Đội có pho tượng người lính Nhảy Dù ngồi thẫn thờ tiếc thương cho bao đồng đội đang yên nghỉ bên trong. Có lá cờ ấp ủ bên trên như tấm chăn phủ ấm áp. Những người đã nhắm mắt, nằm xuống xuôi tay. Xong rồi một bổn phận với non sông. Có người hùng, có kẻ hèn. Có người đời liêm khiết, có kẻ xuôi ngược bon chen. Nay, thân xác nằm kề bên nhau. Nhưng không hiểu linh hồn có đi về chung một con đường?

    Chỉ một điều chắc chắn là ngôi tượng mỹ thuật đẹp đẽ truyền thần kia đã bị những oán ghét nhỏ nhoi ti tiện giựt sụp đổ như một sự trả thù hăm doạ đê hèn. Họ không có được cái bao dung của người ái mộ nghệ thuật để khiêng pho tượng vào Viện Bảo Tàng. Thật là đáng trách thay cho một sự lập lại của lịch sử: Huỷ hoại và Đốt sách.

    Nắng lên cao, gió thổi mạnh...

    Hình như con đường và khung cảnh hai bên chạy giật lùi lại chứ không phải chiếc xe đò cà khịa đang chạy thẳng tới.

    Đi từ sáng sớm lúc nắng mới mỉm cười, nay đến trưa trờ trưa trật nắng quạu quọ nhăn mày nhăn mặt mà vẫn chưa tới. Sài Gòn - Biên Hoà, cho tôi chiếc xe đạp, nhổm mông đạp rút một hồi là tới ngay. Đã vậy mà còn: Pịp! Pịp! Nghe như tiếng động cơ bị tắt máy. Được một lúc thì tắt máy thiệt chứ đâu còn "nghe như" nữa!

    Tiếng ông lơ xe ồm ồm:

    - Bà con cô bác ơi! Ông ngoại bà ngoại ơi! Làm ơn xuống xe, phụ đẩy vô lề đường.

    Tiếng bà già cằn nhằn:

    - Xe cộ gì thấy ớn lạnh! Mầy đẩy một mình mầy đi á!

    Tiếng ông già cự nự:

    - Cậu à! Đi xe, tiền tui trả đủ. Đẩy xe có trả lại tiền tui hông?

    Tiếng người lao nhao:

    - Ừ! Trả bớt lại tiền, tụi tui phụ đẩy cho!

    Ông lơ xe xuống giọng:

    - Thôi mà ngoại ơi! Ba má ơi! Cho con nuôi vợ con với! Mấy người hổng đẩy thì tối nay ngủ lại đây! Chị Ba à chị Ba! Nhổm nhổm cái đít lên cho tui lấy thùng đồ nghề cái coi? Chèn ơi! Má ơi! Sao má nhổ cổ trầu lên thùng đồ nghề của tui?

    - Xí! Mầy biết cái gì mà sửa? Xe nằm chình ình rồi mới làm bộ làm tịch!

    - Chị Ba à! Lấy cái đít ra chút nữa coi?

    Gió vẫn hiu hiu thổi. Chim chóc không lả lơi bay lượn như ngày xưa. Hình như chim đã tìm được hướng bay tị nạn. Chỉ có mấy cây cột đèn ngả nghiêng chịu đựng cho số phận đổi thay. Cột đèn quên bẵng đi nhiệm vụ của mình vì cột đèn ngày nay đã quen âm u với bóng tối nhiều hơn là tiếp điện để toả hào quang rực sáng. Không đủ điện, đời tối thui.

    Dưỡng Trí Viện Biên Hoà có nhiều tàng cây to bao phủ, toả bóng mát cả một vùng. Nhưng bên trong thì xơ xác tan nát tất cả từ vật dụng y khoa cho đến con người.

    Những người mất trí cũng chịu đựng cuộc đổi đời.

    Có người tự dưng tỉnh hẳn lại vì chợt nhận ra rằng, chế độ mới nầy "phê" quá! Phải làm người tỉnh trí mới chống chọi lại được. Có người đang tỉnh cũng bỗng cảm thấy "phê" luôn! Phải làm người mất trí mới quên đi những cọ mài của chế độ mới.

    Tôi gặp bác sĩ Lân một mình. Thằng Thạch bự con mà nhát như con gái tuổi dậy thì. Nó đứng lại ở bên kia đường chếch chếch cổng bệnh viện. Nó đủn tôi vô.

    Bác sĩ Lân độ ba mươi mấy tuổi, người tầm thước mang mắt kiếng cận khoác áo choàng trắng, dáng thông minh. Nhìn phớt qua là biết liền phe ta.

    Hồi đó người ta hay nhìn tướng để đoán phe, hễ phe ta thì dễ cởi mở hơn một chút. Còn phe mấy ông mặt xám thì phải lựa lời cho trôi.

    Tôi làm động tác lỡ dở chào tay trong quân đội rồi như sực nhận ra là không nên, tôi bỏ tay xuống. Chỉ một thoáng ngắn đó thôi cũng thấy mắt anh Lân chớp chớp cảm động. Có lẽ những kỷ niệm dĩ vãng của anh xẹt về như ngọn sóng chợt lớn cuốn lên rồi tan đi. Sống nghẹt thở thì người ta nhớ nhiều về thời lúc còn thở nhẹ.

    - Chào Thiếu Tá... í... xin lỗi!

    Tôi cố ý gọi ảnh cấp bậc cao hơn dù tôi đoán được rằng chắc có lẽ ảnh là Trung Uý hay Đại Uý. Bên Quân Y chậm lên lon hơn.

    - Thưa bác sĩ, em tên Kiến, anh bà con của thằng Thạch (đưa tờ giấy ra). Hôm nay em đưa nó lên để bác sĩ tái khám.

    Anh Lân nói tiếng Nam, giọng còn nhà quê hơn tui:

    - Dậy chứ chú Thạch đâu?

    - Dạ! Hồi nãy xuống xe đi gần tới bệnh viện thì nó sợ bác sĩ quá, nó chạy mất rồi! Em, cái chân cà nhắc rượt theo hổng kịp!

    - "Vậy! Tui tái khám cho ai? Cho chú hả? Chú có điên hông?". Ảnh nheo nheo con mắt cười cười.

    - Dạ! Em đâu có điên đâu bác sĩ.

    - Hồi đó ở đơn vị nào?

    - Dạ! Sư đoàn 2 Bộ Binh.

    - Có cải tạo hông?

    - Dạ có!

    - Trại nào?

    - Kà Tum rồi về Hóc Môn thành Ông Năm.

    - Bao lâu?

    - Dạ! 4 năm mấy

    - Vậy thì điên được rồi!

    - Hì hì! Phải công nhận bác sĩ diễu có duyên thiệt!

    Bác sĩ Lân nhìn nhìn ra sân trước. Có mấy người quên cuộc đời đang lững thững bước ngập ngừng. Có ba cô y tá ngoài sân. Tôi nhận biết có một người từ Bắc vô, vì cái dáng của cổ. Hai người kia thì tướng thon thả, còn cô thì không. Và mái tóc tết hình con rít coi thiệt sợ hãi. Kiểu tóc bím mà hồi nhỏ tôi thấy con gái Sài Gòn có thắt, nhưng sao coi nó có vẻ nhí nhảnh và trẻ trung hơn, thấy nó gọn gàng và ...nhỏng nhẻo. Còn cô thì ...!! Có nhiều cái không thể hiểu nỗi hay giải thích được.

    Bác sĩ Lân bỗng tằng hắng:

    - Chú muốn tui làm cái gì?

    Trời! Thiệt là sướng cho tôi! Tôi tưởng, tôi phải đi cầu cạnh, phải uốn lưỡi nài nỉ, phải cười cười cầu tài. Không ngờ hồng phúc của thằng Thạch sáng ngời. Tôi được quyền ra giá:

    - Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho một giấy chứng nhận thằng Thạch vẫn còn bị bệnh và xin cho một ít thuốc an thần.

    - "Thuốc an thần lúc này bán chạy lắm à nha!". Ổng cười con mắt nhấp nháy sau làn kính.

    Chèn! Ông cận thị nầy nói trúng phóc ngay tim đen của tôi. Tôi bỗng đỏ mặt. Ít ra tôi cũng còn biết mắc cỡ. Tự nhiên tôi đưa tay gãi đầu:

    - Nếu bác sĩ không có thuốc thì cho em xin giấy chứng nhận không thôi!

    - Tui cho chú cả hai! Thôi ráng lên!

    - Cám ơn Niên Trưởng!

    Thấy tôi hí hửng bước ra. Thằng Thạch quýnh lên:

    - Sao được hông mậy? Được hông?

    - Được chứ mậy! Anh mầy mà!

    Tôi đưa tờ giấy chứng nhận và bọc thuốc bác sĩ Lân cho. Cu Thạch mừng húm:

    - Bán mầy! Bán hết mớ thuốc nầy. Được giá lắm đó!

    Ông bác sĩ cận thị chứ mắt ổng nhìn xa thật! Xuyên qua vách tường thẳng tận vào lòng người. Ổng biết thế nào thằng Thạch cũng bán thuốc dù cho nó có điên thật đi nữa.

    - "Mấy cậu có thuốc men gì muốn bán hông?". Một bà sồn sồn đứng đợi sẵn ở vòng sân trước bệnh viện trờ đến.

    - Có một mớ thuốc an thần nè chị!

    Chị sồn sồn nắm tay hai đứa kéo ra xa xa vì một nhóm chạy thuốc Tây đánh hơi được đang kéo tới.

    - Mà sao chị biết được thuốc giả hay thiệt đây mấy cậu?

    - Chị ơi! Mới ở trong bệnh viện ra nè!

    - Mấy cậu hổng biết chứ bệnh viện cũng có thuốc giả nữa!

    Đời nầy thiệt ra mà nói chứ giả thật thật giả hổng biết đâu mà mò. Hồi trước, người ta chỉ dám nghi mấy minh tinh màn bạc mới có thể xài đồ giả. Chứ bây giờ ...hư, thực mơ màng quá!

    - Hay là tui cho chị uống thử hai viên coi có phê hông nha?

    - Ý! Tui uống lỡ nó phê thiệt rồi người ta giựt xe tui thì tui bứt vốn liền!

    Đám kia bắt kịp đám nầy. Thôi ai nấy say sưa trả giá, nài kéo khen chê, tiền bạc nhứ ra rút vô, môi trề trề mắt trợn trợn nhìn thuốc nhìn người đo đạc tính toán. Rồi thì cũng được giá, bán hết 40 viên cho chị sồn sồn, giữ lại 10 viên làm bằng chứng cho bà chủ tịch xã vùng kinh tế mới Long Khánh sắp đi.

    - Cám ơn hai cậu nha!- Chị sồn sồn nói - Còn cái gì bán nữa hông?

    Thằng Thạch chỉ tôi:

    - Còn thằng nầy, bán luôn!

    - Ý! Cẩu còn trẻ quá! Mua về tui nuôi biết đến chừng nào? Hi hi!!

    Tụi tôi đi ngược ra lại, đón xe đò về Long Khánh.
    ........

    (Còn tiếp)

  6. #36
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    Long Khánh

    Đường đi Long Khánh có ngã rẽ đi thẳng ra Vũng Tàu, có biển Thái Bình mộng mơ.
    Nhiều người mơ mộng được nhào xuống biển, bơi sải hay thả ngửa rời khỏi cuộc sống với chế độ chỉ biết bòn mót của cải dân. Chế độ có tiếng khóc than to hơn tiếng cười hoan lạc.

    Nhưng nhiều quá những nút chặn. Chưa ngửi được mùi thơm mặn nồng của nước biển thì đã bị đuổi lại về miền núi đồi khô khan, máng cái cày trên vai, kéo qua cánh đồng không lúa không nước.

    Kéo cái cày khơi khơi trên cánh đồng khô...

    Ngửng mặt nhìn trời, nước mắt chảy. Cúi xuống nhìn đất, lệ còn rơi.

    Xe đò ngừng lại ở vùng bụi cát đã chuyển qua màu hung. Khu kinh tế mới của thằng Thạch chẳng mới tí nào, cũng èo uột nhà tranh trống hóc, chẳng kinh tế lợi lộc gì cả.

    Chỉ sản xuất được những tiếng thở dài. Như khu kinh tế mới Đồng Xoài tôi ở cũng cùng một thảm cảnh, cùng một tiếng thở dài như nhau.

    Tiếng ông già người Hoa lơ lớ:

    - "Lồ" chó chết! "Pắt" tui lên đây để làm cái "léo" gì chớ?

    Hai đứa cuốc bộ từ con lộ lớn dẫn vào. Thằng Thạch có vẻ ngần ngại, ngập ngừng. Tôi tìm lời an ủi:

    - Đừng lo mầy ơi! Nếu hổng được thì mầy cứ ở lại.

    - Ở lại chết mầy ơi!

    - Cái gì mà chết?

    - Đói thê thảm, không có làm ăn được cái gì. Không có trồng trọt được cái gì! Đ.Mmm!!

    Hồi đó thằng Thạch lái phi cơ trực thăng có cây súng đại liên rượt mấy anh mặt xám bắn xì khói. Bây giờ mấy ảnh đì thằng Thạch vào chốn đìu hiu nhà tranh vách lá, một mảnh đất cằn, hóa phép sỏi đá biến thành cơm vậy cũng công bình rồi. Tôi nói cho nó nghe điều đó và tôi ngu quá thêm vô câu: "Vậy là còn khoan hồng lắm lắm!" Nó chửi tôi thôi né không kịp.

    Đến trước sân căn nhà tranh dùng làm văn phòng chủ tịch xã. Tôi nói nhỏ bên tai thằng Thạch: "Mầy nghe theo tao nha mậy. Đừng vô. Đợi tao kéo hãy vô nha!"

    Cu Thạch bây giờ chẳng những đầu tóc bù xù, hai tay cầm hai chiếc dép râu, mặc cái áo cũ cụt ngủn, cứ nắm vạt kéo kéo xuống như muốn cho nó dài ra thêm một chút nữa. Nó mới bị thói quen nầy kể từ lúc mua bộ đồ ở bến xe An Đông. Mặt mày quằn quện bụi đỏ và mồ hôi vì tôi không cho nó rửa mặt. Nó phải điên thật mới được.

    Sĩ Quan Không Quân Cu Thạch ngày hôm nay thành người mất trí giả mà thiệt, thiệt mà giả.

    Sĩ Quan Không Quân Cu Thạch ngày hôm nay không còn Tổ Quốc Không Gian để bảo vệ nữa.
    Sĩ Quan ráng lo bảo vệ những tháng năm buồn của Sĩ Quan.

    Tôi một tay chống gậy, một tay đẩy một tay kéo, miệng gầm gừ: "Đừng đi! Đừng đi!" Thằng Thạch cái mặt chù ụ, đứng cho một đống. Thiệt ra nó muốn đi lắm, đi tìm một chiếc phi cơ có quả bom nguyên tử trên đó, bay lên thả xuống cho tan tành cái phiền muộn của cuộc đời nầy.

    Trong nhà thấy ngoài sân chộn rộn bèn bước ra ba người. Một người đàn bà đứng tuổi thấp người hơi mập, tôi đoán là bà Năm chủ tịch xã. Một ông mặt xám ngắt, bộ đồ vàng công an, cầu vai đỏ chót, phe phẩy nón cối muốn quạt đi cái nắng chiều nhơm nhớp của vùng cao su và một cô, tóc con...rít. Vậy là hai con rít. Một cái một đực.

    - "A! Cái dì dậy mấy cậu?". Giọng Nam Kỳ vang lên từ người đàn bà đứng tuổi.

    - Dạ! Xin lỗi! Có phải dì là chủ tịch xã?

    - Ừ! Tui đây.

    - Dạ! Cháu là anh bà con của thằng Thạch ...- tôi ngó qua ông mặt xám và cô tóc con rít khẽ gật đầu chào. Hai người chào trả - ...dẫn nó lên đây trình diện dì và ...dượng - ngó ông xám ngắt - ...và cô - ngó cô con rít - ...a...hồi nãy, cháu có đưa nó ghé qua Dưỡng Trí Viện Biên Hòa ...- tôi ráng kiếm chữ " trịnh trọng high class " tôi xài, để cho mấy người đó có cảm tưởng rằng họ cũng quý phái luôn - ...mà cái nó vụt bỏ chạy, báo hại bác sĩ Lân và quý vị Gạt Đờ Co bảo vệ Thần Kinh phải rượt theo bắt lại, nhốt vô phòng Cách Âm rồi chích cho một mũi Rờ Mi MạcTen mới êm.

    Tự nhiên tên rượu Cỏ Nhắc (Cognac) Rémy Martin- ở đâu nhảy vô trong óc của tôi làm tôi phun ra như thiệt. Tôi liếc liếc thằng Thạch, nó đang ngồi bẹp dưới sân cát, hai chân duỗi ra. Chắc có lẽ mệt và đói nữa, nay nghe nhắc tên rượu, nó lại càng mơ màng đến bữa ăn thịnh soạn có chất nồng màu hổ phách óng ả.

    Dì Năm bỗng lăng xăng:

    - Cậu Thạch đây hả cậu Thạch? Chèn ơi! Hồi đó đẹp trai lắm mà!
    (Mất nước thì còn đẹp trai cái ...khỉ gì nữa?)

    - Dạ thưa dì và dạ thưa...dượng -hình như ông mặt xám khoái nghe tiếng dượng giọng Nam Kỳ của tôi, như câu xề vọng cổ lúa Đồng Tháp với miệt vườn trái cây nhãn lồng, nó ngọt và nó mơ mơ vì tôi thấy mặt ổng cứ ngây ngây. Còn dì Năm thì tôi cứ một dạ thưa, hai dạ thưa làm bả khoái tỉ, cứ như bả đang làm Tổng Thống. Riêng em "con rít" thì tôi hổng dám đụng chạm đến, lỡ tôi ngọt ngào quá em đâm ra mê tôi thì chết tía luôn! - suốt cả tháng nay nó không ăn cơm. Nó cứ lang thang ngoài đường.

    - Tội nghiệp hông! Thôi! Cậu Thạch đứng dậy đi vô nhà rồi dì Năm kiếm cái gì cho ăn.

    Tôi nhìn nó. Ánh mắt tôi nói: "Khoan!"

    Nó vờ lờ đờ nhìn tôi: "Tao biết chớ!"

    Kẻ thua trận làm nũng được lúc nào thì phải chộp cơ hội cho đỡ sầu.

    Dì Năm năn nỉ thêm một chập.

    Ánh mắt tôi: "Đi!"

    Ánh mắt nó: "Tao biết chớ! Đói bụng muốn chết!"

    Trên bàn một ấm nước trà, nải chuối sứ còn năm sáu trái, vài cái bánh ít bao lá chuối, năm bảy thỏi kẹo mè. Tất cả đặt trên cái mâm nhỏ. Ông mặt xám rót trà ra cái chén nhỏ:

    - Mời cậu xơi nước

    - Cám ơn dượng

    A! Ông Tưng nầy. Mời tôi uống nước.

    Hồi đó nếu gặp ngoài mặt trận thì cả hai đã nhào tới bóp cổ nhau rồi. Nay ông mời tôi uống nước như một sự hối lỗi của chữ "giải phóng" mà ông ngộ nhận bao năm nay.
    Kể từ tháng tư, bảy lăm. Mọi sự cởi bày. Những con mắt có võng mô đều thấy được sự thật rõ ràng: Từ ngữ "Giải Phóng" rõ ràng là một sự Xâm Lược.

    Nay uống chén trà thông cảm. Thông cảm khỉ gì nổi?

    Tôi uống cho đỡ cơn khát mà thôi, cơn khát của con đường còn đi đang bị gián đoạn.

    Tôi uống cho đỡ tức một số đàn anh không chịu chơi bàn cờ tề chỉnh.

    Tôi biết thằng Thạch cũng cùng nổi tức và cơn khát như vậy. Tôi cầm chén nước đến bên nó, gừ gừ trong họng: "Mầy phun ra"

    Nó phun ra...

    Hai đứa đang diễn một vở kịch: "Những người ở lại chịu nhiều đắng cay".

    Mà thật ra đâu phải là một vở kịch?

    Đây là thực tế rõ ràng mà! Không cần cố gắng cũng nhập vai.

    Toàn xã hội, toàn quốc đang trân người gánh cơn nạn khổ.

    Thằng Thạch phun nước vào mặt tôi. Tôi đáng bị phun nước vào mặt lắm, cho dù là nước miếng nói chi nước trà?

    Thất phu hữu trách mà! Giang sơn bị giựt. Thằng Thạch và tôi lại là những người lúc ra trường có thề bảo vệ giang sơn.

    Nhưng cũng nên kêu oan một tiếng với Ông Địa. Cu Thạch và tôi còn quá trẻ để gây ra cột mối chiến tranh. Cu Thạch và tôi còn trẻ quá để gánh chịu sự trả thù bỉ ổi.

    Nhưng thật tình mà nói, Cu Thạch và tôi còn đủ trẻ để gánh mọi tai ương hơn là để tai ương trùm khắp lên bờ vai yếu ớt của các quả phụ và trẻ thơ, của những cụ già bô lão và những người không còn nguyên vẹn hình hài. Nhưng cơn trốt dữ dằn ác đức đã trùm lên khắp cả. Nam Phụ Lão Ấu. Không tha một ai!

    - Cậu Thạch à, ăn chuối nha?

    Cũng con mắt ngó: "Khoan!"

    Cũng con liếc lại: "Đói quá!"

    Rồi thêm câu mời, tiếp câu dỗ dành. Cu Thạch chơi khiêng luôn nguyên mâm, xề cạnh góc nhà, ngồi bẹp xuống đất, bóc vỏ chuối ăn liền.

    Tôi vờ hét lên:

    -Mầy có cám ơn dì Năm với dượng Tưng chưa hả?

    Nó lúng búng cám ơn. Nó quẹt nước mũi. Nó ngồm ngoàm quả nữa. Nó bỏ cái mâm không xuống đất. Nó ôm phần còn lại trong lòng bỏ ra ngoài sân ngồi bẹp xuống cát, ngửng mặt nhìn trời.

    - Thế cậu trước cũng là ngụy quân nhể?

    Tôi chối phăng:

    - Thưa, tôi là giáo viên.

    - Thế cậu là Phó Tiến Sĩ?

    Tôi không biết học đến đâu để thành phó tiến sĩ? Thời tôi học cứ tiến sĩ là tiến sĩ. Kinh tế cứ là kinh tế chứ chẳng Kinh Tế Hạch Nhân hay Kinh Tế Dịch Hạch gì cả. Bảo Sanh Viện Từ Dũ là cứ Bảo Sanh Viện, không Xưởng Đẻ, Xưởng Đái gì?

    - "Dạ! Dạ! Đúng rồi! Sao dượng biết hay quá vậy? Bộ dượng cũng là phó tiến sĩ?" Tôi cười lớn lên, mắt mở to như vừa khám phá được một vĩ nhân.

    - Không! Tôi thì chẳng học hành gì nên hồn. Cứ nghĩa vụ mà đi, đâm lỡ dở cả!

    Trời! Nếu ai cũng dám nói thật như ông già đang ngồi trước mặt tôi, thì ruộng bác, bác làm. Ruộng tui, tui mần. Không có chiến tranh lôi thôi giành giựt.

    Ông già trước mặt tôi bị người ta xài hết một đời. Chiều về lỡ dở. Vào đến miền Nam mới ngẩng lên thấy được sự thật phũ phàng.

    Giấy tờ gia hạn cho thằng Thạch được ký mau lẹ, con dấu được dùng hai tay ấn ấn cho trịnh trọng lại còn được mời ở lại ăn cơm và ngủ qua đêm.

    Thôi! Có cho tiền tôi cũng không dám ở gần. Ai biết đằng sau khuôn mặt của màu xám có thêm một màu gì nữa? Tôi hỏi xin mua lại vài lon gạo để về nhà thằng Thạch nấu ăn. Dì Năm không lấy tiền. Tôi cám ơn rối rít. Dì Năm cho thêm mấy con khô cá sặc. Thiệt là số của thằng Thạch lúc nào cũng đỏ.

    Lần đầu tiên trong ngày, tôi thấy nụ cười nhẹ nhõm của thằng bạn:

    -Ê! Kiến. Tao với mầy qua thăm Chín.

    -Chín nào? Chín là ai?

    -Chín dễ thương mà tội nghiệp lắm, chồng Chín còn đang ở tù cải tạo.

    ___o0o___

    Chín đứng đó. Trong buổi hoàng hôn, giữa đám cỏ tranh, nhìn mút lên trời, thăm hỏi ánh nắng chiều vàng rọi xuống. Đứa con gái 6 tuổi đứng kế bên, nắm tay mẹ nhìn bâng quơ.

    Thạch gọi:

    -Chín ?

    Nàng quay lại.

    Khuôn mặt son trẻ, mắt buồn hiu ánh màu trông ngóng đợi chờ. Nắng nám trên tóc và da nhưng nắng chưa đủ năng lực phá đi khuôn sắc mỹ miều.

    Tôi thấy một quầng thâm dưới mi mắt của nàng. Nhưng quầng thâm ấy cũng chưa đủ cường độ làm nàng già hơn, mà quầng thâm ấy chỉ làm người ta xót xa khi nhận thấy người con gái nầy không có được một ngày vui từ lâu lắm rồi.

    Chín nở nụ cười mỉm gặp người quen:

    -A! Anh Thạch! Lâu quá rồi không gặp lại anh. Bệnh tình của anh bớt chưa? Như Tiên chào hai bác đi con.

    Con nhỏ mắc cỡ, khoanh tay lí nhí trong miệng. Thằng Thạch cười hì hì đưa hết chuối, bánh và kẹo cho nó. À! Thì ra hồi nãy nó làm liều chơi hết một mâm là cố ý để giành cho con nhỏ dễ thương nầy. Tôi cứ tưởng nó giành phần cho tôi.

    Chín xoay qua:

    -Dạ! Chào anh

    Tôi nhìn Chín:

    - Dạ, chào chị. Tui là Kiến, bạn của Thạch trong tù cải tạo.

    - Em nhỏ tuổi hơn. Anh cứ gọi em là Chín hay gọi tên thật của em là Lành. Chồng em là Hoàng Giang, Biệt Động Quân cũng đang ở tù cải tạo. Sao lâu quá vẫn chưa về?

    - Hoàng Giang? Biệt Động? Có phải ảnh cao bằng tui nhưng có bề ngang hơn và có râu quai nón?
    Mắt Chín mở to mừng rỡ:

    - Dạ! Đúng rồi! Anh có quen ảnh hả? Ảnh lúc nầy ra sao? Có khoẻ không? Lâu lắm không có thư ảnh về. Lần cuối em gồng gánh lội bộ vô tuốt trong rừng Kà Tum thăm nuôi. Trời ơi! Lúc đó ảnh ốm nhách.

    Cải tạo nào cũng ốm nhách. Mà không chỉ những tù cải tạo. Dân ngoài cũng ốm nhách! Ốm nhách như ...Chín. Tụi tui ở tù vòng trong ốm hơn. Chín và dân chúng ở tù vòng ngoài, ốm bằng. Cả nước từ Nam Trung Bắc cùng ở tù. Tơi tả như nhau.

    -Vậy Chín tên là Bình Yên Yên Lành. Bé Như đẹp như mẹ, nên Hoàng Giang gọi luôn là Như Tiên. Hoàng Giang kể tui nghe vậy.

    Chín cười lỏn lẽn thẹn thùa:

    -Ảnh lúc nào cũng ghẹo mẹ con em.

    -Vậy thì đúng Hoàng Giang tui quen rồi.

    Trung Uý Biệt Động Quân Hoàng Giang hồi xưa mặc quân phục có phù hiệu con cọp nhe nanh, hay kể tôi nghe lúc còn ở trong rừng thẳm Kà Tum về người vợ hiền Bình Yên và đứa con gái nhỏ Như Tiên. "Như bài ca Mộng Thường của Nhật Trường" Tôi cười hỏi. Hoàng Giang lắc đầu, mắt đăm chiêu.

    Không! Không phải tên em là Mộng Thường yêu anh chàng Biệt Động trong một ngày cuối đông của nhạc sĩ Nhật Trường. Em tên là Trương Thị Lành, mà Biệt Động Quân Hoàng Giang vẫn hay cười cười nịnh vợ: "Cưới em người đẹp, đời anh hạnh phúc, đời anh Yên Lành"

    Nhưng người đẹp Yên Lành của Biệt Động không có bình yên chút nào. Nàng thay áo dài mặc vào bà ba theo chồng ra mãi tận Pleiku. Vùng đóng quân, vùng nóng hổi chiến tranh. Vùng ăn đạn pháo kích nhiều hơn ăn cơm. Vùng có bụi đỏ nhưng không làm má em thêm hồng mà lại làm cho đôi con mắt em trũng sâu của những đêm dài thức khuya cầu nguyện cho chồng bình yên.

    Và bây giờ thì tại đây, Long Khánh, cũng có những cuộc đất đỏ sau trận mưa quánh lại thành sình quện vào gót em đi, nặng nề như em gồng cả một gánh sầu bi đau khổ. Em một mình với cỏ tranh. Em một mình với con thơ. Em một mình với chuỗi đời không còn mơ ước. Em được người chồng anh hùng gọi tên là Bình Yên nhưng đời em bị xé nát làm trăm mảnh.

    Chồng em, Hoàng Giang vượt ngục. Con Cọp không chịu bị nhốt trong chuồng, Con Cọp tìm đường về với Lành, người vợ yêu dấu nhỏ nhoi ẻo lả trước cơn giông đời. Con Cọp tìm đường về ước muốn gặp lại đôi mắt ngây thơ ngút ngàn của đứa con 6 tuổi đẹp như tiên mà ngày đi Cọp cứ tưởng là chỉ có 10 ngày xa cách. Nay đã hơn 4 năm. Mười ngày phải nhân cho ngàn mấy lần mới đủ?

    Cọp bị gạt một cú quá cỡ thợ mộc. Không còn thước tất để đo. Nên Hoàng Giang tìm đường về, nửa đường bị bắt lại. Giam vào cái cửi, nửa trên không khí, nửa dưới ngập nước sình lầy.

    Tôi không dám kể Bình Yên nghe.

    Tôi chỉ gật gù: "Vẫn vậy! Vẫn mạnh! Sắp về." Ít nhất mua dùm nàng một hy vọng qua một ngày, đoạn một tháng, kế một năm.

    - "Chín à! Chín có thể nấu cơm ăn không?" Thạch hỏi.

    Chín thoáng vẻ bối rối! Gạo đâu nấu cơm? Gần lò bếp là nồi khoai mì còn mấy củ. Mẹ con ăn khoai mì lâu nay trừ cơm. Chín cắm một hàng khoai mì ngoài hè. Đất nầy, đất kinh tế mới ưu việt chỉ có cỏ tranh và khoai mì sống nổi.

    Phải làm con gì để ăn cỏ tranh? Nhưng hễ làm con người dưới chế độ cộng sản thì cứ khoai mì mà đá tới. Thêm một vá nước cốt dừa chan lên? Rãy ít muối mè, phủ lên một muổng nhỏ đường cát trắng? Vậy là tư sản mại bản mất! Vậy là phạm vào luật của nhà nước ngay. Nhà nước ta đã rần rần quản lý tất cả những gì ăn được. Ngay cả những thứ không ăn được, nhà nước ta, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa cũng quản lý luôn.

    Nhà nước quản lý: Của cải và nụ cười.
    Dân chỉ được làm chủ: Đói đau cùng nước mắt.
    Đời sao thê thảm!

    - Thạch có mấy lon gạo với hai con khô. Chín nấu cơm nha? Mình cùng ăn luôn.

    Lại do dự, lại tự ái của người tự trọng.

    - Hay là Thạch đổi một khúc khoai mì của Chín? Chịu ha?

    Chín chớp đôi mắt. Mắt đỏ hoe. Nhìn con. Con lâu lắm chưa ăn cơm. Con lâu lắm chưa ăn chuối. Con lâu lắm chưa ăn bánh ít. Con lâu lắm chưa biết kẹo là gì? Như cả một thế kỷ. Phần nầy, lỗi của mẹ!

    Tất cả bước vào nhà. Trời tối. Nhúm bếp nấu cơm. Nướng khô. Hâm nóng tình bạn bè mới gặp đã thân vì cùng cảnh ngộ.

    Trên cái bàn được kết bằng tre. Tôi thấy một cuốn vở học trò chi chít những chữ như một quyển bút ký ghi lại tâm tình. Có bài thơ dài thậm thượt, bài thơ không dứt. Bài thơ não nuột chưa tìm được đoạn kết. Tôi chỉ thấy thoáng qua được một đoạn:

    Vẫn như vùng núi đồi xưa
    Vẫn cỏ lơi trong gió
    Vẫn tiếng cười của trăng
    Vẫn là căn nhà nhỏ
    Vẫn chỉ em một mình

    Bỗng dưng tôi mơ ước, ngay ngày mai tôi sẽ gặp được Quân Phục Quốc để thằng Thạch sẽ bay trên trời thả bom, cần thêm thằng bạn Đạo, Hải Quân từ ngoài biển câu cà nông vào. Cả hai yểm trợ tôi xung phong chiếm lấy mục tiêu. Mục tiêu của Hoà Bình và Thịnh Vượng. Mục tiêu của cánh đồng cỏ non xanh mướt có con bò thảnh thơi nằm nghĩ, có tiếng hò gặt lúa của nông phu, có con đò xuôi theo giòng nước. Có lục bình trôi.

    Trả Con Cọp Hoàng Giang về với Chín và Như Tiên.

    Trả đời bình yên về lại người dân cày. Trả tôi về với chồng sách vở và mộng mơ tuổi thơ.

    Trả thằng Thạch về với ...bác sĩ Lân.

    ... Hôm nay...

    ... Bây giờ...

    ...Không biết phi công Văn Thạch có còn giữ củ khoai mì kỷ niệm của Chín không?

    Trương Thị Yên Lành có được bình yên?

    Cọp đã về chưa?
    ..........
    _______o0o_______

    (Tác Giả: Kiệt Trần/Kiến Hôi)

  7. #37
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    _____NGƯỜI BẠN ẤN BÁN DỪA


    Ba năm trước trong một lần đến Ấn Độ, tôi cùng một người bạn Ấn đi viếng một ngôi chùa Hindu cách Chennai chừng hai giờ lái xe. Trên đường về ngang qua một thị trấn nhỏ, hai đứa khát nước nên dừng xe lại bên một quày bán dừa tươi.

    Người bán dừa là một thanh niên còn trẻ, nói được ít tiếng Anh, khó khăn nhưng cũng đủ để khách hàng hiểu ý. Hình như anh bán dừa không gặp người Á Đông nhiều nên thích bắt chuyện với tôi. Nói chuyện một chốc chúng tôi trở thành bạn. Người Ấn miền nam da đen hơn người Ấn miền bắc. Tôi hỏi tên anh nhưng tức khắc quên ngay sau khi anh trả lời.

    Trước khi chia tay, tôi và anh chụp chung vài tấm hình kỷ niệm. Tôi chỉ anh xem hình anh trong máy. Hình rất đẹp và anh rất thích. Tôi hứa có dịp sẽ tặng cho anh ta những tấm hình màu in trên giấy láng.

    Một du khách và anh bán dừa trên đường của một thị trấn Ấn Độ đông đúc, nghèo nàn, gặp lại nhau là chuyện rất hiếm. Những lời hứa dù rất thành thật rồi cũng chỉ là gió thoảng, mây trôi sau đó. Ước muốn, thời gian và điều kiện không phải bao giờ cũng là những kẻ đồng hành hòa thuận.

    Sang năm sau, người bạn Ấn Độ đưa gia đình đi chùa Hindu, trên đường về lại tình cờ thấy anh bán dừa lần nữa. Người bạn không có ý mua dừa nhưng ghé thử người bán dừa còn nhớ mặt hay không.

    Anh nhớ rất rõ và rất mừng. Anh hỏi thăm đủ thứ về tôi như một người thân đang ở một phương trời xa cách. Anh dặn người bạn Ấn cho anh gởi lời thăm và nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhớ báo tin cho tôi biết anh ta vừa cưới vợ. Dường như anh có một niềm tin sâu xa trong lòng rằng tôi sẽ rất vui khi biết tin anh lập gia đình.

    Người bạn Ấn sau đó gọi sang Mỹ “Không biết mày còn nhớ không nhưng người bạn bán dừa của mày gởi lời thăm và muốn báo tin mừng anh ta vừa cưới vợ.”

    Tháng Tư năm ngoái tôi lại đi Ấn. Trước khi đi dặn vợ mua sắm một ít quà. Một vài chiếc áo cho anh và mấy hộp chocolate cho vợ anh. Bà xã còn ra Walmart sang mấy tấm ảnh thành nhiều cở khác nhau.

    Khi tới Ấn tôi phải năn nỉ người bạn Ấn đưa đi thăm anh bán dừa. Hai đứa đều quá bận nhưng tôi nhất định không chịu “để đó có dịp trao lại giùm như người bạn Ấn đề nghị.

    Quà không đáng giá bao nhiêu và chỉ có tính tượng trưng nhưng giá trị tinh thần rất lớn.

    Cùng chứng kiến một cảnh đời nhưng chúng tôi nghĩ và nhìn từ hai góc khác nhau. Người bạn Ấn sống trong một quốc gia có 1.2 tỉ đồng bào của anh ta, trong khi tôi chỉ có một người bạn bán dừa. Cuối cùng tôi năn nỉ được anh và chúng tôi dành một buổi chiều để đi đến thị trấn giữa đàng năm trước. Tự nhiên tôi cũng cảm thấy vui trong lòng khi sắp gặp lại anh bán dừa.

    Khi đến thị trấn trời đã xế chiều, nhưng tiếc thay quầy bán dừa không còn ở đó. Nơi người bạn bán dừa của tôi đứng trước đây nay chỉ còn khoảng đất trống. Người bạn Ấn hỏi thăm những tiệm chung quanh, mọi người đều nói anh đã không còn bán dừa ở đây từ nhiều tháng trước nhưng không ai biết anh dọn đi đâu. Hai đứa thất vọng.

    Trước khi ra về, tôi chợt nghĩ những tiệm bán dừa lẻ chắc phải biết nhau vì có thể họ đều nhận dừa từ một nguồn bán sỉ. Chúng tôi đi tìm một tiệm bán dừa khác trên đường đó. Tôi đưa tấm hình của bạn tôi ra cho chủ quày và những người đứng gần nhận diện. Một người nhận ra anh. Thì ra anh vẫn bán dừa nhưng dời sang một con đường khác cách đó không xa.

    Cuối cùng tôi gặp lại anh bán dừa. Anh mừng như một gặp lại người thân vừa ở Mỹ về. Tôi đưa quà của vợ mua cho anh. Anh ngắm nghía những tấm hình. Một nhóm khá đông người Ấn đang ngồi trò chuyện trước một tiệm ăn. Anh đến khoe hình và giải thích cho mọi người nghe một cách hãnh diện.

    Một người đứng lên nói tiếng Anh rất chính xác và lưu loát, thay mặt cho nhóm dân Ấn, cám ơn tôi đã đi từ một nơi rất xa chỉ để mang những tấm hình tặng bạn. Tôi nói vài lời “không có chi” và bắt tay từng người. Bạn tôi chặt dừa mời. Tôi móc túi lấy tiền trả nhưng anh gạt tay tôi. Để anh vui tôi không trả tiền như lần trước.

    Trời đã về chiều và tôi phải ra đi. Cầm tay anh bán dừa khá lâu. Tôi báo anh biết vì nhóm của tôi không còn làm việc ở phía nam này nhiều nữa nên có thể tôi không còn dịp để trở lại, dù sao, mong anh luôn nhớ một điều, tôi biết ơn trong đời đã có thêm một người bạn, sẽ luôn nghĩ về anh và mong anh cũng vậy. Anh mỉm cười, gật đầu và nhìn theo tôi cho đến khi chúng tôi cùng chìm khuất trong rừng người.

    Ấn Độ Dương mênh mông nhưng còn giới hạn, tình người ở khắp nơi.

    _________o0o________
    (Trần Trung Đạo__)

  8. #38
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    __ Lâu lắm rồi, dễ cũng hơn 15 năm trước, lần đầu tiên đọc qua một bài viết của tác giả Nguyễn Trần Diệu Hương về những ngày cô ấy dạy học (kèm) cho trẻ em không thân nhân ở trại tỵ nạn, tôi đã thích ngay văn phong nhẹ nhàng của tác giả. Hôm nay, XXG xin giới thiệu đến ACE một bài viết khác của tác giả. Một bài viết về tình anh em bạn bè. Thứ tình cảm bền vững và sâu đậm của những người chung chí hướng và đồng cảnh ngộ. Những người đã chấp nhận đánh đổi tuổi trẻ và sinh mạng của chính mình, lìa xa gia đình và quê hương để tìm hai chữ Tự Do - lánh xa loài quỷ đỏ vô thần.


    _______o0o______

    Lời toà soạn: Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết "Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi," kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Bài viết mới, để chào đón năm Thân sắp tới, tác giả có kèm theo lời ghi: Xin tặng những người tuổi Bính Thân và Mậu Thân.

    o0o


    Khỉ ơi!...
    (Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương)

    Rừng thưa xanh ngát trên một ngọn đồi thoai thoải màu nâu của phù sa, ở đây khỉ không sống hàng đàn, thỉnh thoảng người ta thấy vài ba chú khỉ thấp thoáng dưới bóng cây. Loại khỉ này cũng leo thoăn thoắt, nhưng không leo cây mà leo đồi. Khỉ ăn đủ thứ, mê nhất là trái cây nhưng chỉ có dưa hấu được phát mỗi tuần, không có chuối là thức ăn chính, chú khỉ nào cũng nhớ.

    Khỉ lớn quen với rừng hơn, chịu cực khổ đắng cay cũng nhiều, hiểu đời hơn, và trầm tĩnh, chịu đựng hơn, nên cưng chìu khỉ nhỏ, có gì cũng để phần cho khỉ nhỏ. Tìm được mẫu trái cây nào cũng nhường khỉ nhỏ ăn trước. Khi nhỏ xa cha mẹ sớm, may mắn gặp được hai anh khỉ lớn chín chắn, khôn ngoan, nên cũng đỡ vất vả giữa rừng núi Pulau Bidong.
    o0o

    Cả ba anh em người dưng khác họ cùng tuổi khỉ (Huyên nhỏ hơn hai anh đúng một con giáp) nên đều rất thích câu ca dao:

    Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
    Riêng tôi sao cứ ngậm ngùi tủi (tuổi) Thân

    Nghe hoài bị nhập tâm, nhìn cái dáng cao gầy, lủi thủi của hai anh, và khuôn mắt buồn hiu vì một thân một mình ở trại ty nạn, Huyên thương hai anh như anh ruột. Có một lần "cám cảnh" một thân một mình của hai anh, đến trại ty nạn một mình, ban ngày đi làm thiện nguyện, tối về ăn "cơm cao ủy” (nghĩa là phần ăn của tổ chức giúp người tỵ nan của Liên Hiệp Quốc phát hàng tuần), Huyên dùng trứng gà và dầu đánh sauce mayonnaise, rồi vét đến tận... đáy thùng những đồng ringgits (đơn vị tiền tệ của Mã Lai) quý giá của mình, mua cho hai ông anh… nuôi tuổi Thân hai ổ bánh mì nóng từ một lò bánh mì trên đảo của người tỵ nạn.

    Tội nghiệp hai ông anh, đang trong độ tuổi hai mươi đầy sức sống, có bánh mì nóng ăn với sauce mới làm xong, mỗi ông “quất” (chữ dùng của anh Đăng) một ổ bánh mì dài khoảng hai gang tay người lớn, có bán kính bằng chiều ngang của lòng bàn tay. Ăn xong mới chợt nhận ra là mình đã quá sức overeating, cả hai nằm lăn ra sàn ván ép của “long house” mà thở. Huyện không được chứng kiến cảnh này vì hai anh khỉ lớn ở phía Đông, Huyên ở phía Tây của trại, Khi nghe kể lại, Huyên cười nửa đùa nửa thật:

    - May quá, nếu các anh bị bội thực, lỡ có mệnh hệ nào thì em mang tội giết người bằng bánh mì với sauce.

    Anh Trí còn cười:

    - Yên tâm khỉ nhỏ, anh mệt quá đã định quơ tờ giấy viết chúc thư để lại “tôi chết là do ham ăn, không biết lượng sức mình, lỗi tại tôi mọi đàng, xin đừng bắt tội ai.”

    Anh Đăng thì tự tin hơn:

    - Anh chưa đặt chân đến Mỹ thì không thể chết được đâu.

    Anh Đăng và anh Trí là bạn học cùng lớp suốt 7 năm Trung học ở Chu Văn An. Xong tú tài, anh Đăng vào Quốc gia hành chánh, anh Trí vào Phú Thọ. Chưa xong năm thứ nhất, nước mắt nhà tan theo đủ mọi nghĩa, anh Đăng về miền Tây (quê ngoại của anh) giúp mẹ nuôi một bầy em dại trong khi ba anh (một cựu Sĩ quan QLVNCH) vẫn biền biệt trong các trại tù cải tạo. Nửa thầy, nửa thợ, lại thêm cái lý lịch đen hơn đêm ba mươi dưới cái nhìn của chính quyền mới, trong màu đỏ búa liềm, anh Đăng hành nghề lơ xe, dùng kiến thức Quốc gia hành chánh năm thứ nhất sắp xếp chỗ ngồi cho hành khách trên các chuyến xe đò tuyến đường Cần Thơ - Saigon.

    Không như anh Đăng, phải tự đuổi học mình vì phải điền khuyết vào chỗ trống của người chủ gia đình, thay cha nuôi em, anh Trí bị trường Đại học Bách khoa (tên mới của Phú Thọ) đuổi học vì ba anh tử trận vào những ngày cuối cuộc chiến. Những kiến thức vi phân, tích phân, toán cao cấp của năm thứ nhất ngành Công chánh ở trường Đại học Phú Thọ không có chỗ dùng khi anh ra lề đường ngồi bán sách. “Nhà toán học” ngồi ở lề đường đầy bụi bặm, mê giải toán hơn là mê “kinh doanh” nên chỉ sau một tháng, anh bỏ nghề buôn bán chữ nghĩa, đi làm phụ hồ. Cứ tưởng tượng bộ óc giỏi nhất của một lớp 12 ban toán Chu Văn An, đang học năm thứ nhất của Phú Thọ, phải bỏ trường, bỏ lớp, đi kiếm sống bằng việc bưng gạch, trộn xi măng mới thấy sai lầm giết cả một, hai thế hệ của chính quyền mới.

    Khi miền Nam mới đổi chủ, tự dưng chất xám của miền Nam chảy ra lênh láng trên mặt đường, trong rừng sâu, trước khi chảy ra biển, và đi khắp thế giới.

    Anh Trí đến Pulau Bidong bình yên trong lần vượt biên đầu tiên. Hơn ba tháng sau, anh Đăng cũng đến trại tỵ nạn nằm ngoài khơi của Mã Lai. Lúc đó có gần 3000 người ty nạn trên đảo nên họ không gặp nhau, và không biết là mình cùng có mặt trên đảo.

    Đến lúc anh Trí được mời lên phỏng vấn bởi phái đoàn Mỹ. Tiếng loa vang vọng khắp đảo để ở ngỏ ngách nào, người ty nạn cùng có thể nghe được:

    - Mời đồng bào Hoàng Phong Trí, tàu số MB xxx lên hội trường để được phái đoàn Mỹ phỏng vấn.

    Lúc đó anh Đăng đang chân ướt chân ráo, mới có mặt ở đảo khoảng một tuần, cũng đi lên hội trường, không phải để được phỏng vấn mà là để gặp bạn mình.

    Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau kể từ khi đậu tú tài vào mùa hè năm 1974. Không hẹn mà cả hai cùng thốt lên:

    - Sao ông đen và ốm vậy?

    Một thân một mình ở trại ty nạn rất buồn, gặp được một người quen, nhất là một người bạn cùng lớp thời trung học thì không có niềm vui nào lớn hơn. Thế là anh Đăng dọn từ khu F về khu D ở cùng nhà với anh Trí.

    Tháng 6 năm đó, Huyên đặt chân lên đảo Pulau Bidong. Hoàn tất mọi thủ tục dành cho một thuyền nhân mới nhập trại, Huyên mon men lên trường Trung học duy nhất của trại ty nạn nằm giữa khu nhà Huyên ở và Bưu điện của đảo, khi nghe một chị ở cùng nhà, đang dạy ở đó, cho biết trường rất cần người dạy cho các em trên đảo. Trong văn phòng của trường (là căn nhà mái tôn, sàn gỗ, khá vững chắc, và tiện nghi) Huyên gặp Sister Carol (người Úc) hiệu trưởng của trường, và anh Trí (người phụ trách soạn thảo sách Toán bậc Trung học để dạy cho các em trên đảo)

    Sau một vài phút phỏng vấn, bà soeur người Úc nói tiếng Anh giọng Úc, Huyên nói tiếng Anh giọng Việt Nam, vậy mà cũng hiểu nhau, Sister giao cho Huyên dạy Anh văn cho lớp 8, Huyên được Sister giới thiệu với anh Trí, một thanh niên trẻ ốm nhom đang ngồi trên một cái bàn đầy giấy tờ với các công thức Toán, các hình vuông, tròn, tam giác… của môn Hình học, các công thức sin, cos của môn lượng giác…

    - Đây là Mr. Hoàng Phong Trí, được coi như Giám học của trường.

    Rồi Sister Carol quay đi với những bận rộn của một thiện nguyện viên điều hợp trường trung học trong một trại ty nạn có hơn 300 em đang theo học hai môn Toán và Anh văn.

    Phe ta thuộc loại “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” nên nói tiếng Việt:

    - Dạ chào chú.

    Anh Trí trợn mắt, mỉm cười:

    - Chào cô, cô mà gọi tôi là chú, tôi sẽ xếp cho cô dạy một lớp có học sinh dữ dằn nhất.

    - Dạ chào anh.
    .......

    o0o


    Lần đầu tiên Huyên chạm mặt với anh Đăng là ở hội trường, nơi các nhân viên của Cao ủy ty nạn Liên hiệp quốc từ rất nhiều nước trên thế giới đến làm việc.

    Chị Nga ở cùng nhà, rủ Huyên lên hội trường, ở một góc đảo, làm việc với Cao ủy May thay cho chị sắp đi định cư ở Canada. Cao ủy phó phỏng vấn Huyên bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tiếng Việt của cô May là một thứ tiếng Việt… ngang phè, dấu sắc, huyền, hỏi, ngã khi ẩn khi hiện, danh từ, tĩnh từ, chủ từ chạy lung tung không đúng vị trí:

    - Mình đến đảo một mình à? Đâu có phải làm gì nhiều, lên đây làm việc giúp Cô May nhé. Rất cần những người tỵ nạn biết tiếng Anh phụ giúp các cao ủy, các phái đoàn, và đồng bào của mình nữa. Nhiều việc phải làm lắm.

    Rồi cô May dẫn Huyên vào một cái phòng nhỏ, hình vuông, mỗi cạnh khoảng 5 thước, trong đó có bảy ông trung niên, thanh niên, và một chị đang cặm cụi viết lách. Đó là phòng giúp cao ủy ty nạn Liên Hiệp Quốc dịch các hồ sơ ghe vượt biên bị cướp biển từ tiếng Việt qua tiếng Anh. Một trong số những người làm ở đó là anh Đăng.

    Chỉ một tuần sau khi làm việc ở đó, Huyên quen thân với anh Đăng, người đứng đắn nhất trong số những người đàng hoàng. Anh Đăng viết chữ rất đẹp, giỏi Anh văn hơn Huyên nhiều. Anh là một quyển tự điển sống khi Huyên gặp những chữ khó.

    Một ngày như mọi ngày ở trại tỵ nạn, anh Trí dạy Toán ở trường trung học, anh Đăng là người thông dịch, và dịch tài liệu giúp các nhân viên của Cao ủy Ty nạn Liên Hiệp quốc. Huyên làm việc với anh Đăng ở hội trường buổi chiều và buổi tối. Buổi sáng dạy Anh văn cho lớp 7 và lớp 8 ở trường trung học Pulau Bidong. Làm việc không có lương, nhưng được các cao ủy mua tặng quần áo mới, không còn phải mặc đồ cũ từ kho phát quần áo có xuất xứ từ Goodwill bên Mỹ. Áo quần cũ của người Tây phương cao to, người Việt Nam mặc vào vừa rộng, vừa dài, giống như con bù nhìn đuổi chim ăn lúa trên đồng ruộng.

    Tội nghiệp hai ông anh… khỉ lớn, Huyên mượn kim chỉ của Cô May về cắt, sửa lại cho hai anh mỗi ông một cái áo chemise mặc vào trông tươm tất hơn. Không có thước để đo, Huyên chỉ độ chừng bằng mắt. Kiến thức môn Toán, và khả năng của một người vừa học xong một lớp học may căn bản giúp Huyên sửa được hai cái áo chemise thuộc loại extra large size thành hai cái áo rất vừa với khổ người ốm và cao của “hai ông anh khỉ”. Huyên được hai anh khen:

    - Không ngờ khỉ nhỏ cũng được việc.

    Không biết để trả công thợ may, hay vì thấy cô em người dưng khác họ, hiếm khi có tiền, rất thích ăn trái cây đúng như… cốt khỉ, từ đó cứ mỗi lần có được một ít tiền viện trợ từ thân nhân, hay bạn bè ở Mỹ, anh Đăng đều mua cho Huyên một trái táo do người Mã lai bán ở một cái quầy nhỏ trên đảo. Những trái táo đó nhỏ hơn Washington apple, không giòn như Fuji apple nhưng là cả một món ăn quý hiếm đối với người tỵ nạn. Có lần Huyên cắt táo ra từng múi nhỏ, đem mời hai anh cùng ăn, cả hai anh đều từ chối:

    - Đàn ông con trai ít ăn trái cây lắm.

    Huyên ngây thơ tưởng thiệt, ăn ngon lành cả trái táo.

    Anh Trí thì hay dẫn Huyên đi uống sữa màu (giống như Latte của Starbucks ở Mỹ) ở quán cà phê duy nhất trên đảo có ocean view rất đẹp mỗi khi anh có tiền. Đam mê và khả năng đặc biệt của môn Toán giúp anh soạn được những giáo trình rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để dạy nên rất nhiều em thích môn Toán của thầy Trí. Mơ ước lớn nhất của anh là được qua Mỹ học ở MIT (Massachusetts Institute of Technology), tiếp nối năm thứ nhất dang dở của anh ở Phú Thọ.

    Cuộc sống ở đảo bình yên như vậy. Vào những ngày lễ lớn, các nhân viên cao ủy về đất liền, hay về nước nghỉ phép, cả ba anh em vô rừng cắm trại, thức ăn mang theo chỉ có bánh mì với sauce mayonnaise, và cốm làm bằng mì vụn ngào đường, nhưng tất cả đều vui như ….khỉ được thả về rừng. Những lúc đó, các anh thường nói về ước vọng của mình khi được đặt chân đến xứ tự do. Anh Trí nuôi mộng về lại Phú Thọ để học, hay dạy. Anh Đăng ước mơ học về computer để mở mang nước nhà. Và Huyên, Huyên chi dám hy vọng mình một ngày nào đó, được mang kiến thức học được ở các nước giàu có, văn minh về giúp quê nhà. Lúc đó, chắc chắn không phải (không còn) là một quê hương tội tình, đã dập vùi ước mơ của các sinh viên vừa lớn như anh Đăng, anh Trí. Sẽ không có những người đứng trên bục giảng nhưng lại thiếu tư cách của một nhà mô phạm - những kẻ dạy học trò coi cha mình là “người có nợ máu với nhân dân”.

    o0o


    Cuộc sống của ba anh em tuổi khỉ êm đềm trôi qua, khoảng nửa năm sau, anh Đăng rời đảo vào đất liền, chuyển qua hai trại tỵ nạn khác, trước khi đến Mỹ. Hai tháng sau, Huyên cũng được chuyển trại, gặp lại anh Đăng ở trại ty nạn Bataan, gần Manila của Philippines. Như bao nhiêu thuyền nhân khác chuẩn bị đi Mỹ định cư, cả hai anh em đều được huấn luyện nếp sống mới “American Culture orientation” để chuẩn bị qua Mỹ vào buổi sáng. Buổi chiều, được xe bus chở về phía bên kia của trại, cách nơi tạm trú khoảng hơn hai miles, để làm thông dịch viên cho các thầy cô giáo người Phi dạy cho các trại viên khác. Hai anh em thuộc hai khóa khác nhau nên không còn thân như những ngày cùng làm việc mỗi ngày ở trại ty nạn Pulau Biddong nằm ở ven biển Mã Lai. Vả chăng lúc đó, áp lực của cuộc sống mới nơi đất Mỹ đã bắt đầu nặng lên vai anh Đăng. Ba anh vẫn còn ở trong tù cải tạo, mẹ anh vơ vét hết những thứ có thể bán được để đưa anh (người con trai lớn nhất) vượt biên. Mẹ anh không dặn dò, nhưng anh hiểu anh còn có một gánh nặng gia đình phải lo toan cho mẹ đỡ vất vả, nuôi các em khôn lớn, và cả nuôi ba đang mỏi mòn, khốn đốn trong trại cải tạo.

    Thỉnh thoảng, hai anh em vẫn đi lang thang trên con đường nhựa duy nhất ở trại tỵ nạn Bataan, nhắc đến anh Trí vẫn còn đang ở Pulau Bidong. Không biết vì một lý đó nào đó, anh Trí bị phái đoàn Mỹ từ chối, và đang chờ các phái đoàn khác đến phỏng vấn. Bataan là đất liền, lại gần thủ đô của Phi Luật Tân, nên không có rừng để khỉ đùa giỡn hồn nhiên như ở Pulau Bidong. Và cả khỉ lớn, lẫn khỉ nhỏ đều nhớ đến “khỉ giỏi toán” đang lạc bầy ở Malaysia.

    o0o


    Anh Đăng đến Mỹ, vì không có thân nhân, nên được một tổ chức thiện nguyện đưa về một nhà thờ Tin lành ở Saint Louis, Missouri, miền Trung Tây của Mỹ. Anh sống ở nhà của vị mục sư nửa tháng. Tư cách và trình độ của anh chinh phục được cảm tình của cả gia đình vị mục sư, anh cũng được họ cho ở miễn phí trong một căn phòng khá rộng có đầy đủ tiện nghi, nhưng anh muốn ra sống riêng vì theo thư anh viết cho Huyên:

    “Anh muốn tự lập, và vì anh không thể bỏ đạo Phật theo đạo Tin lành, nên anh không muốn ở lâu mặc dù cả gia đình của họ rất quý mến anh. Và em biết trình độ Anh văn của anh, khỉ nhỏ, anh không gặp trở ngại trong việc nói cho ông bà mục sư hiểu tại sao mình phải sống đời lưu lạc. Muốn viết cho em nhiều nữa nhưng cho anh ngừng ở đây, anh phải viết thư nâng đỡ tinh thần của Trí ở Pulau Bidong. Nghe nói sau khi anh em mình rời đảo, Trí đau một trận, không biết hắn ta tương tư em, tương tư anh, hay cả hai đứa mình?”

    Lúc nào anh Đăng cũng vậy, anh nghiêm trang, nhưng rất có khiếu hài hước.

    Đến Mỹ sau anh gần ba tháng, Huyên mang theo khoảng hơn 10 cái thư, anh Đăng gởi về từ hai địa chỉ khác nhau của thành phố Saint Louis. Thời đó, chưa có PC, không có email, quyển sổ ghi địa chỉ của Huyên có tên anh Đăng, và anh Trí ở trang đầu.

    May mắn hơn anh Đăng, Huyên có thân nhân ra đón, ở phi trường San Francisco, không phải leo lên một chuyến máy bay khác bay về một nơi xa lạ, với những người lạ khác mình về tất cả mọi mặt. Dù lúc đó mấy đứa em còn nhỏ, đang đi học, mấy chị em cũng nghèo xác xơ như anh Đăng, nhưng Huyên được về California ấm hơn, và có nhiều người Việt Nam hơn anh Đăng. Lâu lâu Huyên vẫn viết thư chọc anh bằng thơ của Nhà thơ Trần Mộng Tú, mấy câu thơ mà cả ba anh em khỉ đều thích khi đọc được từ tạp chí Văn trong cái thư viện nhỏ ở Pulau Bidong:

    Hãy tưởng tượng ra em
    Ở một căn nhà lạ.
    Mình em một màu mắt
    Mình em một màu da
    Mình em một lệ nhòa

    Huyên đã đổi “em” thành “anh” trong mấy câu thơ gởi qua cho anh Đăng. Anh gởi lại một cái post card mặt trước có con khỉ nhăn răng cười, mặt sau có duy nhất một giòng chữ "khỉ anh chưa bao giờ khóc đâu khỉ nhỏ ơi!”

    Lúc đó, cả hai anh em góp phần làm giàu cho cho bưu điện của Mỹ bằng những lá thư viết tay hàng tuần. Mỗi tuần ba ngày, đi học, đi làm về, cả anh Đăng và Huyên nhận được thư tay viết cho nhau. Chữ viết tay của Huyên thì vẫn... xấu muôn thủa, nhưng chữ của anh Đăng đã không còn đẹp như hồi anh viết báo cáo ở một góc hội trường của văn phòng cao ủy ở Pulau Bidong.

    Cái Tết đầu tiên ở Mỹ của anh Đăng vẫn “một ngày như mọi ngày”. Giữa quê người và trời lạnh cắt của mùa Đông đầu tiên ở miền trung tây nước Mỹ, không có một chút gì gợi cho anh Đăng nhớ lại những cái Tết bình yên hạnh phúc trước năm 1975, những cái Tết buồn bã sau năm 1975, và cả Tết đầu tiên ở quê người có tiếng đập tôn thay cho tiếng pháo ở trại ty nạn Pulau Biddong, có mùi nhang trầm bay khắp đảo khi người ta cúng ông bà, tiễn năm cũ, đón năm mới vào giờ giao thừa.

    Người nhắc cho anh Đăng nhớ Tết Việt Nam ở Mỹ là Huyên. Lúc đó, người Việt Nam ở Mỹ chưa đông lắm, người Việt Nam ở St. Louis còn hiếm hoi hơn, sống rải rác, xa nhau, không có chuyện ăn Tết Việt Nam. Hơn nữa anh Đăng lại rất bận, nên không nhận ra tháng chạp âm lịch sắp nhường chỗ cho tháng giêng, năm mới. Huyên gởi thư đi nhắc anh Đăng tuần sau là Tết Nguyên đán. Anh gởi lại một phong bì thường như bao nhiêu cái thư anh vẫn gởi, nhưng thư Tết của anh Đăng có hai tờ USD1.00, và một tờ USD2.00 mới toanh kèm theo một câu thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên “Tết về rồi đó nhỏ, chim núi của lòng anh”. (Hình như anh muốn nói đến nguyên tắc sống của anh, đơn giản rõ ràng như: một cộng một là hai?)

    Huyên gởi thư cảm ơn, chúc anh một năm mới may mắn, an vui, nhưng “lờ” luôn câu thơ anh áp dụng rất đúng chỗ.

    Anh Trí thì gởi cho Huyên một cái hình Pulau Bidong anh vẽ bằng bút chì, có rừng cây và một con khỉ đang treo lơ lửng trên một nhánh cây trong rừng thưa. Huyên lập tức hồi âm bằng lời Phật dạy “thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn.” Huyên còn nhớ đã đọc được trong một lần đi lễ chùa vào ngày Tết ở Việt Nam. Anh Trí rất thông minh, chắc chắn anh sẽ hiểu ý Huyên. Và anh sẽ nhìn cuộc đời dưới cái nhìn của một Phật tử để có thể vượt qua nỗi buồn “là một trong những công dân dài hạn” của trại tỵ nạn.

    Với riêng Huyên, Tết Việt Nam và cả Tết Tây đầu tiên ở Mỹ đều "một ngày như mọi ngày". Thời đó, cuối thập niên 80s, không có bang giao giữa Mỹ và Việt Nam nên ngày Tết Việt Nam không có gì rõ nét. Như thế đôi khi tốt hơn, đỡ nhớ nhà! Và như vậy, Tết Việt Nam đến và đi âm thầm trong lòng anh em nhà khỉ từ St. Louis, San Jose ở Mỹ đến Pulau Bidong ở Mã Lai.

    Đời sống ở Mỹ bận rộn, túi bụi, vừa đến Mỹ được một tuần, anh Đăng đã xin được việc làm, và tiếp nối con đường đèn sách bằng trường Community College ở Mỹ, một loại trường công lập dạy kiến thức hai năm đầu Đại học, chỉ cấp bằng trung cấp, và sẽ chuyển sinh viên lên University học hai năm còn lại để hoàn tất bằng cử nhân, nếu họ thích. Trình độ Anh ngữ của anh Đăng, và trình độ của một sinh viên năm thứ nhất của học viện Quốc gia hành chánh giúp anh học straight A dễ dàng, mặc dù anh phải đi làm full time để gởi tiền về quê nhà giúp Mẹ nuôi em.

    Anh em nhà khỉ ở Mỹ vẫn thương yêu nhau như xưa, mặc dù bây giờ muốn đi thăm nhau phải mất đến gần 4 giờ trên máy bay, chứ không phải chỉ cần đi bộ 5 phút như hồi còn ở trại tỵ nạn.

    Cả hai anh em vẫn viết thư đều đặn cho anh Trí, nhưng thư đi thì có, mà không thấy anh Trí viết thư trả lời. Tuy buồn và lo cho anh Trí, nhưng anh Đăng vẫn lạc quan:

    - Anh tin là nhà toán học của 12B2 Chu Văn An năm xưa vẫn bình yên nhưng chắc là biết mình đang bươn chải, ngược xuôi với cơm áo, với học hành nên Trí không trả lời.

    Anh còn tếu thêm:

    - Cốt khỉ vẫn hoàn khỉ, và khỉ thì chẳng bỏ bầy đâu Huyên ơi!

    Anh em nhà khỉ đã có Associate Degree từ Community College chỉ sau một năm rưỡi bằng lòng quyết tâm, và bằng lời hứa với cha mẹ, với chính mình.

    Chuyển lên Unviversity học thêm hai năm cuối để hoàn thành cử nhân, học khổ hơn, nhiều project hơn, nhất là năm cuối, phải làm rất nhiều bài, phải đi thực tập, anh Đăng lại được promote ở nơi làm việc. Biết sức người có hạn và muốn giữ straight A, muốn ra trường với Summa Cum Laude về Computer Science nên anh chỉ học part time ở năm cuối. Huyên học ngành dễ hơn anh, lại không dám mơ đến Summa Cum Laude từ hồi bước chân vô University với cả hai thứ học và làm đều full time, nên ra trường trước anh. Thời đó, chưa có mobile phone, cuối tuần mới gọi phone cho nhau, anh Đăng luôn đùa như bản tính của anh từ thủa nào:

    - Khỉ ơi, vậy là bây giờ em có bằng cấp cao hơn anh và khoẻ hơn anh nhiều. Anh vẫn còn nặng nợ, cả nợ cơm áo lẫn nợ sách đèn. “

    Huyên đùa lại:

    “- Hai vai gánh hai gánh như vậy nên vai anh sẽ chẳng bao giờ bị lệch”

    Anh trở lại nghiêm trang khi tâm sự về chuyện học ở năm cuối:

    - Mỗi lần viết xong được một cái program, nộp cho ông thầy xong thấy lòng nhẹ nhỏm. Tuần sau ông thầy phát bài, chưa kịp vui vì điểm A, lại nhận một program khác để viết, mà chưa biết phải bắt đầu từ đâu? Ước gì có Trí bên cạnh, hồi xưa Trí giỏi Toán hơn anh, chắc chắn nó viết program giỏi hơn anh. Nhớ cầu nguyện cho anh khỉ lớn vẫn còn lạc lỏng ở đâu đó, nghe khỉ nhỏ!”

    Có lần anh Đăng gởi mừng sinh nhật Huyên một con khỉ nhỏ đánh trống, thắt nơ hồng rất dễ thương. Huyên vẫn còn giữ đến tận bây giờ trên một góc bàn làm việc, và trong một góc sâu nhất của tâm hồn.

    Chuyện của anh em nhà khỉ, kể hoài không hết. Như chuyện tranh Huyên đã đọc hồi nhỏ, trong đám học trò theo Thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh, có Tề thiên (một con khỉ lý lắc, thông mình, nhưng hay phá phách). Lâu lâu Thầy Tam Tạng lại phạt Tề thiên nhức đầu để cho học trò khỉ bớt láu cá, và bớt phá phách.

    Trên đời này, cả trăm ngàn người cùng tuổi khỉ, nhung chắc chỉ có hai anh khỉ lớn, khi viết thư hay gọi điện thoại cho Huyên đều mở đầu bằng hai chữ thân quen “khỉ ơi”.

    o0o


    Cuối cùng anh Trí cũng được đi định cư ở Hòa Lan sau 5 năm dài ở trại ty nạn. Anh thuộc loại tài hoa, học giỏi, vẽ đẹp, chơi đàn hay, cái gì anh chạm tay vào cũng tốt đẹp hơn nên bị “trời xanh đánh ghen” tơi tả. Anh bắt đầu học một ngôn ngữ mới, bắt đầu mọi thứ từ số không ở tuổi ngoài 30, và trở thành một programmer giỏi của xứ sở hoa Tullip. Anh càng giỏi, càng bận rộn, càng đam mê môn Toán, không có thì giờ nghĩ đến “một nửa thứ hai” để như đa số mọi người. Tuổi đời càng nhiều, con số công trình anh đóng góp cho quê người, một cách thầm lặng nhưng rất đáng giá, càng cao.

    Mới đây anh viết Email cho cả anh Đăng và Huyên:

    “Khỉ ơi, khi nào thì bầy khỉ tụi mình mới về lại được Việt Nam dân chủ tự do, mới được đóng góp cho quê nhà, và được vào cắm trại ở rừng thưa như những ngày Bidong xưa cũ?”

    o0o


    Mỗi lần đến Tết, dù không còn đi chợ Tết, không còn nỗi háo hức của những mùa Xuân hạnh phúc thời thơ dại, Huyên vẫn ăn Tết bằng một lát mứt khoai (là thứ mứt mà Mẹ hay làm mỗi dịp Tết), một miếng bánh mì có phết mayonnaise để nhớ những mùa Xuân hạnh phúc luôn nằm trong một góc ký ức ngọt ngào. Dù năm đó là năm nào trong 12 con giáp, Huyên vẫn muốn được nghe lại tiếng “con khỉ nhỏ” của Ba Mẹ gọi Huyên, và tiếng “khỉ ơi” của anh Trí, anh Đăng. Và như thế, nên lúc nào có dịp vào sở thú, Huyên cũng tần ngần dừng lại bên chuồng khỉ, ngắm những con khỉ như ngắm lại những kỷ niệm đẹp của mình.

    _____o0o______
    (Nguyễn Trần Diệu Hương)
    Last edited by XXG; 05-29-2021 at 05:48 PM.

  9. #39
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    ____ Memorial Day is coming...
    To J.P; O.F; H.L and our fallen heroes who died for the 3 simple words: Duty - Honor - Country.


    "Nothing else matters..."


  10. #40
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    ___


 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:13 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh