"...
Trên trời có Chúa có Cha
Đọc kinh cầu nguyện giữ cho linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi bị chết được lên thiên đàng
..."




Mùa bầu cử: Khi các chức sắc tôn giáo xin ghế trong bộ máy vô thần

NHƯ HỒ
Last updated May 16, 2021



Mùa bầu cử quốc hội của Nhà nước Việt Nam năm 2021 đầy những biến động, một phần vì sự lây lan của dịch bệnh covid-19 tại nhiều tỉnh thành, nhưng phần khác, là sự xét lại của công chúng cũng như nhiều giới chức tôn giáo về việc một số linh mục, tăng sĩ, mục sư… đang xuất hiện trong danh sách bầu cử, tìm kiếm một ghế trong bộ máy cầm quyền vô thần, được chính quyền chính thức giới thiệu.



Trên trang facebook của linh mục Lê Quốc Thăng, tên gọi là Joseph Le, từ Phú Nhuận, Sài Gòn, đã có hẳn một lời chất vấn rất cụ thể đến những linh mục đang hiện tên trên các danh sách ứng cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.



Nội dung của linh mục Lê Quốc Thăng viết trực diện như sau:

“Kính thưa quí cha, với lòng khiêm tốn và quí mến quí cha, yêu mến Giáo hội. Con mạo muội nói lên suy nghĩ và các thắc mắc của con mà con đang thấy đau buồn, lo lắng.

  1. Việc tham gia này có đúng Giáo luật không?
  2. Việc tham gia này có ích cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Việt Nam không?
  3. Trên diễn đàn của Quốc Hội, HĐND, các cha có dám phát biểu, góp ý hay đề ra những đạo luật, quy chế, chính sách bảo đảm và phát triển phẩm giá con người, tôn trọng công ích, nhân quyền, xây dựng tình liên đới, bảo vệ tự do tôn giáo và tôn trọng sự thật theo đúng đường lối Tin mừng và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo không?



Dù vì bất cứ động cơ, lý do nào xin quí cha, quí tu sĩ khi ứng cử và đắc cử phải nhớ căn tính Kitô hữu, môn đệ Đức Kitô và ơn gọi linh mục, tu sĩ của mình. Đừng bán linh hồn cho ma quỷ”. (hết trích)


Vẫn chưa thấy có bất kỳ ai trong các linh mục đang tham gia ứng cử trả lời, nhưng theo một giáo dân làm công việc truyền thông cho Công giáo, nói cho biết rằng hầu như bất cứ tin tức nào liên quan về Công giáo, trong giới đều nhận được và đều trình, báo lên cho các cha. Nên khó có thể nói rằng lời chất vấn này không đến được tai các ngài.

Dĩ nhiên những người mà linh mục Lê Quốc Thăng đề cập đến đều có thể nghe, thấy hết, nhưng họ rõ là họ đã quyết định im lặng với những sắp đặt riêng của cá nhân mình, chứ không phải là vì Chúa.

Mùa bầu cử năm nay do Nhà nước CSVN đề ra, nằm trong bối cảnh giới tôn giáo nói chung ở Việt Nam bị phân hóa trầm trọng bởi Luật tôn giáo. Nhiều nhóm tín ngưỡng và tôn giáo được Nhà nước nhìn nhận thì có một sinh hoạt khác hẳn, bên cạnh các nhóm từ chối đăng ký hoạt động trong sự tổ chức của Nhà nước, lẫn không được Nhà nước cho chấp nhận cho đăng ký, đều gặp những sự khó khăn hay sách nhiễu nhất định.

Chẳng hạn như cùng ở An Giang, nhưng tổ đình An Hòa Tự của Phật giáo Hòa Hảo Chơn truyền luôn gặp những khó khăn để thực hành nghi lễ của mình, trong khi đó, cách vài cây số, thì địa điểm được dựng lên của Nhà nước luôn nhận được các thuận lợi trong hoạt động, kể cả các ngôn luận bài bác, xuyên tạc phía Chơn truyền.

Những thánh thất của phía Cao Đài Thuần Túy, ra đời vào năm 1926, luôn bị các thành phần tự xưng Cao Đài 1997, do Nhà nước dựng nên, vẫn thường kiếm cớ tiến vào hành hung, đánh đập các chức sắc và tín đồ nhằm âm mưu cướp tài sản và các nơi thờ cúng. Hầu hết các sự kiện hung bạo này đều có sự hậu thuẫn trực tiếp từ phía chính quyền.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhánh tôn giáo Nhà nước, theo thống kê của năm 2020 là có 4,6 triệu tín đồ, đứng thứ hai sau Công giáo (5,9 triệu người), ngoài việc cũng có những chức sắc tôn giáo tham gia ứng cử, người ta cũng nhìn thấy các ngôn ngữ vận động đặc biệt nhiệt tình cho cuộc bầu cử 2021, đặc biệt, như trên trang tin tức VOV của Nhà nước, dẫn lời phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Hướng dẫn, vận động Tăng Ni, Phật tử và nhân dân thường xuyên nêu cao cảnh giác, không nghe theo sự xúi giục, kích động, lôi kéo của các phần tử xấu; chủ động kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng và tham gia đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động phá hoại cuộc bầu cử”.


Hòa thượng Thích Thiện Minh

Hòa thượng Thích Thiện Minh, người chịu 26 năm tù của Nhà nước Việt Nam sau năm 1975, từ Hóc Môn, Sài Gòn có nhận định ngắn gọn về việc các tăng sĩ, ni sư… có mặt tham gia vào hệ thống chính trị của Nhà nước rằng “Hoàn toàn không đúng gì với giáo lý, tôn chỉ của nhà Phật. Việc gần gũi hệ thống chính trị sẽ làm mất đi tính chất cao quý của tăng già. Còn nói tham gia vào một hệ thống để làm chuyện xây dựng tốt đẹp chỉ là giả hình tướng, thực chất ai cũng thấy mọi thứ chỉ là vì danh vì lợi mà chọn làm tay sai thôi”.

Hòa thượng Thích Thiện Minh là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vốn khai sinh từ năm 1964, hoàn toàn khác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khai sinh năm 1981, do Nhà nước mới thành lập, vốn được người dân trong nước gọi là Giáo hội quốc doanh.

Tương tự như phía Công giáo, nhiều ý kiến cho rằng Phật giáo ở Việt Nam có bản sắc riêng và luôn hội nhập với xã hội để xây dựng nên những điều tốt đẹp.

Thế nhưng suốt vài thập niên qua, những vụ bê bối ở tầm mức quốc gia của riêng phía Phật giáo, cũng như sự bành trướng về hình ảnh giới tăng sĩ, ni sư phía Nhà nước thiếu tư cách, nhiều quyền lợi và bê tha khiến những kiểu biện luận về “đóng góp, xây dựng” không còn đủ thuyết phục nữa.

Một tín đồ lâu năm, sống ở Sài Gòn đặt câu hỏi, khi bàn luận về việc giới chức tôn giáo đang xông vào tìm ghế của nền chính trị vô thần hôm nay, là “những người đó, nhân danh sự cao quý nhất của họ là Chúa và Phật, thật sự đã làm được những gì tốt đẹp cho đất nước, con người Việt Nam?

/* src.: https://saigonnhonews.com/article-ca...o-may-vo-than/