Register
Results 1 to 4 of 4
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    350

    Tình Nguyện Viên- Song Thao

    Tình Nguyện Viên 05/2021 Song Thao

    Cả thế giới đang chú tâm vào chuyện chích vaccine ngừa Covid-19. Trên Facebook, nhiều người tại Mỹ khoe giấy chứng nhận chích ngừa đủ hai mũi. Tôi thấy niềm vui của những người này có thể hiểu được. Họ đã tương đối an toàn trên xa lộ, trút được phần nào nỗi lo âu Covid thăm hỏi. Các bạn tôi bên Mỹ, thuộc loại hiếm quý vì sống lâu, đi hàng đầu trong loại được bảo vệ. Ông bạn học xưa, sau khi hân hoan vạch tay áo hai lần đầy đủ, đã ưu ái hỏi tôi. Thành thực mà nói, tôi nghe bạn hỏi thăm mà ít vui.

    Tại Canada chúng tôi, vì thiếu thuốc, chính phủ quyết định chích cho nhiều người được một mũi sẽ ngừa dịch tốt hơn là người hai mũi người không có mũi nào. Vậy là tôi mới chỉ được lụi có một mũi, bốn tháng sau mới lụi mũi thứ hai.

    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, kẻ trồng…vaccine mà chúng ta đang vui mừng được lụi chính là những nhà khoa học đã ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm. Đó là những nhân vật số một mà chúng ta phải mang ơn. Tìm ra thuốc nhưng không phải bê nguyên con từ phòng thí nghiệm ra chích vào thịt dân chúng. Cần phải thử. Đầu tiên thử trên thú vật. Thường mấy chú chuột là vật hy sinh trong gia đoạn thử nghiệm đầu tiên. Thấy ngon rồi mới tiến tới việc thử trên người. Người không phải chuột nên phải cẩn thận. Toi mạng chuột còn xí xóa được, toi mạng người coi bộ phiền phức. Mà chẳng chỉ một mạng mà cần tới cả chục ngàn mạng. Ai dám chơi dại đây? Những tình nguyện viên!
    Bác sĩ Katherine O’Brian, chuyên gia của tổ chức Y Tế Thế Giới WHO, đã giải thích về các giai đoạn thử nghiệm cho vaccine ngừa Covid-19 trong chương trình “Science in 5” (Khoa Học trong 5 Phút). Khi một loại vaccine mới hoàn thành giai đoạn phát triển trong phòng thí nghiệm, các khoa học gia sẽ thử nghiệm trên một số động vật. Nếu mọi sự tiến triển tốt đẹp, người ta sẽ thử nghiệm trên người, qua ba giai đoạn.

    Giai đoạn một được tiến hành trên nhóm người trẻ và khỏe mạnh. Chỉ khoảng dưới một trăm tình nguyện viên.
    Mục đích số một của giai đoạn này là đánh giá và tìm ra liều lượng chuẩn của vaccine.
    Mục đích thứ hai, các nhà khoa học đánh giá xem vaccine có tạo ra được phản ứng miễn dịch mong muốn hay không.
    Mục đích thứ ba là tập hợp các dữ liệu về sự an toàn của vaccine.

    Nếu mọi chuyện OK thì qua thử nghiệm giai đoạn hai. Giai đoạn này cần nhiều tình nguyện viên hơn. Các tình nguyện viên của giai đoạn này được chọn thuộc lứa tuổi mà vaccine nhắm tới. Mục đích của giai đoạn này là kiểm tra đáp ứng miễn dịch trên số lượng người nhiều hơn, kiểm tra chi tiết hơn về đáp ứng miễn dịch do vaccine tạo ra và chứng minh được về sự an toàn của vaccine trên số lượng người lớn hơn.

    Nếu giai đoạn hai tiến hành ngon lành, vaccine sẽ được thử nghiệm qua giai đoạn ba, giai đoạn quy mô nhất.
    Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của giai đoạn này là tiếp tục tích lũy bằng chứng về sự an toàn của vaccine.
    Mục đích thứ hai là để biết vaccine có thực sự bảo vệ con người trước bệnh dịch hay không. Các tình nguyện viên được chia ra thành hai nhóm. Một nhóm được chích vaccine và một nhóm được chích giả dược (placebo). Các tình nguyện viên hoàn toàn mù tịt không biết mình thuộc nhóm nào. Sau đó người ta so sánh tỷ lệ mắc bệnh trên nhóm thứ nhất và thứ hai. Qua tỷ lệ này, người ta có thể biết vaccine được thử nghiệm có giúp phòng ngừa được bệnh dịch hay không. Nghe đã thấy ngại. Không biết mình thuộc vào loại được chích vaccine thiệt hay giả. Bác sĩ Katherine O’Brian phủ dụ:
    “Tôi thực sự muốn nhấn mạnh rằng đây là một thực hành chuẩn và hoàn toàn bình thường trong thử nghiệm lâm sàng”.

    Trên nguyên tắc thận trọng, nếu có ai tham gia thử nghiệm lâm sàng mà có biểu hiện triệu chứng hoặc bị ốm - bị mắc một bệnh không lường trước hoặc có tính chất nghiêm trọng thì thử nghiệm lâm sàng sẽ phải dừng lại. Lý do dừng lại là cần phải tiến hành đánh giá để tìm hiểu xem có phải do người đó đã được nhận vaccine hay không nhận được vaccine khi họ ở trong nhóm nhận giả dược; liệu triệu chứng hoặc căn bệnh đó có liên quan hoặc không liên quan đến sản phẩm họ đã nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, theo đại diện của WHO, đây là việc bình thường trong một quy trình thử nghiệm lâm sàng và cũng cho thấy thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về đánh giá độ an toàn và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến an toàn đều được xem xét sớm, xem xét một cách thực sự nghiêm túc.

    Ba loại vaccine chống Covid-19 được chấp thuận đầu tiên là của các công ty dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Họ theo lộ trình thử nghiệm này ra sao? Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của Pfizer được tiến hành trên 30 ngàn người, trong độ tuổi từ 18 đến 85, tại 120 địa điểm trên toàn cầu.

    Moderna tiến hành thử nghiệm trên người trong giai đoạn một vào tháng 3/2020 với 45 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 tới 55 tuổi.

    Họ được chia thành ba nhóm và được chích với các liều vaccine 25 micrograms, 100 micrograms và 250 micrograms.
    Đúng 28 ngày sau, họ được chích liều thứ hai với số lượng tương tự.

    Sau mũi chích thứ nhất, lượng kháng thể bắt đầu xuất hiện. Người được chích liều cao có nhiều kháng thể hơn.
    Sau mũi chích thứ hai, lượng kháng thể của các tình nguyện viên cao hơn lượng kháng thể của phần lớn các bệnh nhân đã nhiễm Covid. Không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.

    Ba tình nguyện viên được chích liều mạnh nhất, phản ứng nghiêm trọng hơn nên các nhà khoa học quyết định bỏ liều 250 micrograms.

    Trong giai đoạn ba, Moderna tuyển 30 ngàn tình nguyện viên ngay tại Mỹ gồm nhiều loại: ít tuổi và nhiều tuổi, khỏe mạnh và đang có bệnh mãn tính, người gốc da trắng, gốc Phi, gốc Á châu, gốc Latin.

    Johnson & Johnson, loại vaccine rất dễ chịu vì chỉ phải chích có một mũi, thử nghiệm giai đoạn ba với 44 ngàn tình nguyện viên tại Mỹ, Nam Phi và một số nước thuộc châu Mỹ La Tinh.

    Như vậy, đã có tổng cộng tới 117 ngàn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn ba gồm 43 ngàn người cho thử nghiệm của Pfizer, 30 ngàn cho Moderna và 44 ngàn cho Johnson & Johnson.

    Trong số các tình nguyện viên này có đủ các sắc dân. Màu gì cũng có: trắng, đen, vàng, nâu. Chúng ta thuộc sắc vàng. Có nhiều thứ vàng, chúng ta thuộc loại da vàng mũi tẹt. Nếu bây giờ tôi hay bạn được mời tham gia làm tình nguyện viên, chúng ta tính sao? Đừng làm khó nhau chứ! Chúng ta vốn e dè trong cách sống, nhất là khi phải sống lưu vong nơi xứ người. Thân ăn nhờ ở đậu, chuyện gì cũng lơ đi cho chắc ăn, đất nước mình đâu mà phải kê vai gánh vác. Hầu như chuyện chi chúng ta cũng đánh bài lùi. Chuyện chích thử nghiệm vaccine vào người, coi bộ còn lùi mạnh hơn nữa. Nghe thiệt ốt dột nhưng chẳng nên trốn tránh sự thực. Không biết bạn làm sao chứ tôi chắc lắc đầu. Đang khi không rước cái bất an vào người, dại chi! Suy nghĩ của con người phần lớn phụ thuộc vào xã hội họ sống. Chúng ta đã sống gần hết đời người nơi một đất nước đầy bất trắc. Vậy nên chúng ta thường thủ thế. Nghĩ tới mình trước hết. Nếu gọi là một lối sống ích kỷ, ít nghĩ tới tha nhân, thì cũng chẳng sai. Chúng ta vơ vào chứ không thả ra. Nhưng được cái an ủi là các anh vàng kia cũng họ hàng với chúng ta, ngại…hy sinh.

    Theo bài báo “Racial Diversity within Covid-19 Vaccine Clinical Trials: Key Questions and Answers” của bốn tác giả Samantha Artiga, Jennifer Kates, Josh Michaud và Latoya Hill, thì mấy anh da vàng sống tại Mỹ quả có lùi thiệt. Họ thống kê cho thấy dân da trắng chiếm 73,6% dân số, có số người tình nguyện cho vaccine Pfizer là 81,9% và cho Moderna là 79, 4%. Tỷ lệ tình nguyện nhiều hơn tỷ lệ dân số. Dân da đen, tỷ lệ dân số 12,3%, tình nguyện cho Pfizer 9,8% và cho Moderna 9,7%. Dân da vàng gốc Á châu, tỷ lệ dân số là 5,9%, tình nguyện cho Pfizer 4,4% và cho Moderna 4,7%. Yếu thấy rõ!

    Khi chúng ta được chích vaccine thì đã được bảo đảm về sự an toàn. Nhưng khi các tình nguyện viên được chích, sự an toàn còn mang dấu hỏi. Vậy mà họ sẵn sàng vén tay áo chích. Họ không màng lợi ích cho cá nhân nhưng sẵn sàng hy sinh, gánh sự bất an, để cho nhân loại có được vaccine ngăn chặn đại dịch. Nhiều cơ quan báo chí và truyền thanh truyền hình đã gọi họ là “anh hùng”, chắc ai trong chúng ta cũng đồng ý như vậy. Trong một thời gian ngắn, chúng ta có tới hàng chục ngàn anh hùng, sống vì người khác, sẵn sàng chịu hiểm nguy cho sự an toàn của những người khác, không quen biết, không họ hàng, không dây mơ rễ má. Người ta cần sự hy sinh của tất cả mọi chủng tộc trong đó có người gốc Á, vậy nên trong cộng đồng người Việt chúng ta cũng có những tình nguyện viên. Bao nhiêu người, tôi không có con số rõ ràng. Họ thuộc lớp người thứ hai, những người được giáo dục tại đất nước chúng ta tạm cư.


    Cô Nina Hòa Bình
    Do một tình cờ đọc được trên Facebook chuyện nói qua lại giữa những người bạn trẻ, tôi được biết là Nina Hòa Bình, con gái của Trần Dạ Từ và Nhã Ca, đã tình nguyện thử vaccine của Johnson & Johson. Khi viết bài này, tôi đã text nói chuyện với cháu Hòa Bình. Cháu cho biết là thấy cái quảng cáo cần tình nguyện viên của Johnson & Johnson trên Facebook, cháu đã điện thoại và được hẹn phỏng vấn. Họ cho biết rất cần những người gốc thiểu số và giải thích kỹ lưỡng tiến trình tham gia. Đại khái là việc theo dõi các tình nguyện viên sẽ kéo dài hai năm, mỗi tuần sẽ phải điền vào “nhật ký điện tử” cho họ. Trong ba tháng đầu sẽ phải thử máu mỗi sáu tuần. Sau đó mỗi hai tháng. Sau một năm thì mỗi ba hoặc sáu tháng tùy từng người.

    Tôi hỏi Nina suy nghĩ sao mà quyết định…hy sinh, cháu trả lời:
    “Cháu có vài người bạn thân, thường đi bộ với nhau. Một người là bác sĩ và cô thường hay có những show nói về Covid trong suốt thời gian pandemic nên tụi cháu hay bàn về dịch bệnh và quan tâm về sự phát triển của thuốc chích ngừa. Bạn cháu giải thích lợi hại và sự cần thiết trong việc tham gia, nhất là đối với sample từ các cộng đồng ethnic khác nhau, và nói rằng most likely là an toàn, và cả ba người tụi cháu đều ghi danh tham gia cùng lúc. Cháu có về nhà nói, và em gái của cháu là Vành Khuyên và her husband cũng tham gia. Gia đình không ai ngăn cản gì. Một số bạn bè thì lại cho rằng không nên. Khi cháu hỏi câu hỏi trên facebook của clinical trial, có vài người bạn của cháu vào khuyên không nên tham gia vì nguy hiểm, có cô bạn còn nói là sao tự dưng lại đi làm việc tế thần. Khi cháu vào interview thử nhìn xung quanh thấy chỉ người da trắng, 1 hay 2 người da đen mà không thấy người Á Châu nào nên cháu quyết định tham gia”.Như vậy có ba “bộ nhân” và ba người trong gia đình Hòa Bình tham gia. Sau đó có thêm Doãn Quốc Hưng, con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhập bọn. Hai bạn trẻ khác cũng ghi tên nhưng không được chấp nhận vì lý do sức khỏe. Trong bảy người tình nguyện có sáu người tham gia vào group của Johnson & Johnson và một người vào group của Pfizer.
    Cho tới nay, vaccine cũng đã được chuẩn thuận dùng cho trẻ em từ 12 tới 16 tuổi. Còn dưới 12 tuổi thì sao? Họ đang thử nghiệm. Tham gia cuộc thử nghiệm cho lứa tuổi dưới 2 tuổi có một bé gốc Việt: bé Nathan Galvan ở Houston, 17 tháng tuổi. Dĩ nhiên với số tuổi chỉ biết ngậm bình sữa, bé Nathan không tự mình quyết định tham gia thử nghiệm. Người quyết định là mẹ của bé: Bác sĩ Như Thảo Nguyễn Galvan. So với Nina Hòa Bình và các bạn tự quyết định tham gia thử nghiệm thì quyết định của người mẹ cho đứa con còn trứng nước muôn phần khó khăn hơn. Sự khó khăn giảm bớt phần nào khi người mẹ là người trong nghề, có kiến thức vững chắc về sự chính xác của khoa học. Bác sĩ Như Thảo là giáo sư ngành giải phẫu ghép nội tạng tại Đại học Baylor College of Medecine, Houston, đồng thời là bác sĩ tại bệnh viện Texas Chidren’s Hospital ở Houston, một trong những bệnh viện nhi đồng được coi là tốt nhất thế giới. Chồng bà cũng là một bác sĩ. Trả lời phóng viên Kalynh Ngô của báo Người Việt về lý do bà quyết định cho con tham gia thử nghiệm, bà nói:

    “Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ khỏe mạnh phải chết trong đại dịch. Đối với tôi, nguy cơ một hoặc hai ngày bị sốt (sau khi chích) không đáng kể gì với việc tôi mất con vì covid-19, hoặc con tôi bị lây nhiễm, rồi lại lây nhiễm cho ông bà, cho thầy cô giáo mỗi khi bé ôm họ… Có lẽ vì là bác sĩ nên tôi dễ dàng quyết định hơn những người khác. Tôi muốn những đứa trẻ của mình lớn lên, được ôm những người bạn của chúng, được nói chuyện, được giao tiếp với mọi người theo đúng như cách bình thường mà chúng ta từng được có”.

    Bác sĩ Như Thảo là con gái một gia đình thuyền nhân Việt Nam, được sanh ra và giáo dục tại Mỹ nhưng cũng được dưỡng dục theo truyền thống dân tộc trong gia đình. Quyết định của người mẹ trẻ này được gia đình phản ứng ra sao, bác sĩ Như Thảo cho biết: “Không chỉ bà ngoại, mà vài người khác trong gia đình tỏ vẻ không muốn tôi làm thế. Nhưng họ không thật sự ngăn cản. Mọi người muốn tôi suy nghĩ thật kỹ về quá trình chích vaccine. Tôi và chồng tôi nói chuyện rất nhiều về điều này. Anh ấy cũng theo dõi và nghiên cứu rất kỹ các dữ liệu về virus và vaccine. Sự đánh đổi của một, hai ngày bị tác dụng phụ sau khi chích với việc những đứa trẻ bị lây nhiễm là điều quyết định.”

    Bé Nathan Galvan đã được chích mũi vaccine thứ nhất vào ngày 28/4 vừa qua cùng với 15 bé khác tại Houston. Phóng viên Kalynh Ngô đặt câu hỏi: “Nếu người ta gọi bác sĩ là “A Hero Mom” thì bà nghĩ sao?”. Bà trả lời với một nụ cười: “Nathan và các bé kia mới thực sự là hero!”.

    Tôi chỉ được biết một số “hero” Việt Nam góp mặt trong việc làm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine. Tôi tin người Việt chúng ta còn có nhiều “anh hùng” khác. Dù con số các tình nguyện viên gốc Việt nhiều hay ít, chúng ta cũng hãnh diện với những đóng góp của những ruột thịt của chúng ta.

    Theo thăm dò có tới một phần ba dân Mỹ vẫn không chịu chích vaccine vì nhiều lý do trong đó có lý do sợ vaccine không an toàn. Nhiều người khác đã chích một mũi nhưng không chịu chích mũi thứ hai vì sợ bị hành. Thấy vậy mới biết sự hy sinh của những tình nguyện viên. Cứ như xông pha vào nơi trận tiền với lòng can đảm vô biên!

    05/2021 Song Thao
    **************************************
    Người thầy đứng lớp ở ngã tư
    tùy bút của Lý Lan


    Giấc ấy khoảng ba bốn giờ chiều. Tôi đi đâu đó về, loay hoay cất xe dưới cầu thang chung cư rồi đi lên đến lầu ba, đứng tựa lan can để thở. Tôi nhìn vơ vẩn xuống ngã tư đang tấp nập dòng xe cộ đủ loại. Xe chạy ngược, xe chạy xuôi, đèn xanh chạy, đèn vàng chạy, đèn đỏ cũng ráng lấn qua vạch sơn trắng mới chịu dừng lại

    . Bấy giờ một người đàn ông gầy gầy giơ một cánh tay lên cao, tay kia đẩy vai một em gái nhỏ mặc quần xanh dương áo trắng. Em gái bước xuống lề đường, khua cây gậy đụng vào những bánh xe, né ra một chút, e dè một chút, cẩn thận băng qua đường.

    Em chưa đi tới lề bên kia thì những người lái xe đã chuẩn bị cho xe vọt tới, khi đèn vàng đường cắt ngang vừa bật lên. Em không thấy đèn xanh đèn đỏ, hay đèn vàng, nhưng có lẽ em nghe được sự vội vã quanh mình. Chắc là em cũng nghe được sự háo hức của cuộc sống tưng bừng naó nhiệt khi đi trên đường phố. Nhưng trên gương mặt âm thầm của em gái nhỏ chỉ có thể cảm nhận rõ rệt sự căng thẳng.

    Người đàn ông gầy gầy ấy đi bên cạnh em gái sang bên kia đường, dắt em đến cạnh cột đèn, dặn dò em đợi ở đó. Rồi ông bươn bả qua rừng xe cộ trở lại lề đường bên kia. Nơi đó có hai học sinh khác của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đang ngồi đợi.

    Hai em ngồi xổm trên lề đường cạnh bên nhau, cùng day mặt về phía lòng đường chăm chú lắng nghe. Trong muôn vàn âm thanh xa lạ đó, hai em vẫn nhận ra tiếng bước chân của thầy mình ư?

    Một em đứng lên đưa tay cho thầy nắm. Và một lần nữa, vừa giơ cánh tay lên làm dấu xin đường, người thầy ấy vừa dắt học trò qua đường vừa giải thích căn dặn gì đó.
    Từng người một tập băng qua đường rồi lại băng qua đường lần nữa.
    Đứng trên tầng ba chung cư nhìn xuống ngã tư, tôi thấy người đàn ông ấy cùng với học trò của mình cứ len lỏi từ lề đường này sang lề đường kia, băng qua băng lại giữa dòng xe cộ nườm nượp ngược xuôi.
    Bài học băng qua đường ở ngã tư ấy kéo dài suốt một giờ.
    Lưng áo sơ-mi của thầy ướt đẫm mồ hôi, dính bết vào da, làm lộ cả xương bả vai. Trên gương mặt sạm đen vì nắng, bụi đường và khói xe, những dòng mồ hôi cũng thi nhau chảy. Tôi bắt đầu tự hỏi người ta cảm thấy như thế nào sau một giờ đồng hồ đi vòng vòng một cái ngã tư, hết băng qua bên này đường rồi lại băng qua bên kia đường, có bốn con đường không một giây dứt xe chạy, cứ băng qua rồi lại băng lại.

    Tôi lại tự hỏi có phải ngày nào người thầy đó cũng dắt ba đứa học trò khuyết tật đi trên đường phố, trên mọi nẻo đường phố, phân tích từng âm thanh trong cái hỗn âm phát sinh từ cuộc sống đô thị, giảng giải cho các em biết nó là cái gì, có nguy hiểm không, làm sao tránh.

    Những em lần đầu tiên được thầy dắt qua đường đã bám chặt cánh tay thầy ra sao, những em đã “tốt nghiệp” bịn rịn buông cánh tay thầy để tự bước đi như thế nào?
    Thầy đã dắt bao nhiêu học trò mù đi qua lòng thành phố, lưu ý các em lề đường nào cao thấp ra sao, những thân cây hay cột đèn trên những con đường khác nhau có gì đặc biệt để các em ghi lối đi về.
    Tôi hình dung trong thế giới không màu sắc, không đường nét hình thù, những tòa cao ốc không sờ mó được kia “trông” như thế nào?
    Các loại xe cộ đủ hiệu đang vùn vụt lướt trên đường phố được cảm nhận ra sao?
    Có phải các em phân biệt được tiếng động cơ xe này nổ khác tiếng thắng của xe kia?
    Và hàng triệu con người quanh em, em có cảm thấy yên lòng ở giữa đám đông ấy không?
    Hay là em đang cảm nhận giữa họ và em có một bức tường mà âm thanh không xuyên thấu để nối em với họ?
    Bài học vẫn tiếp tục trên đường phố. Ba em gái nối nhau đi hàng một, người đi trước cầm gậy dò đường, người thầy đi bên cạnh không cầm tay các em, không nhắc nhở gì nữa, nhưng mắt thầy vẫn canh những chiếc xe ngược chiều, những chiếc xe chạy như chỗ không người, những chiếc xe đậu choán cả lối đi. Họ phải đi dưới lòng đường vì có những con đường không còn lề cho người đi bộ. Bóng thầy trò đi hút trong rừng người và xe.
    Và vài hôm sau tôi lại thấy người đàn ông gầy gầy ấy dắt ba bốn đứa học trò khác băng qua đường , băng qua rồi lại băng lại, từ lề đường này sang lề đường kia, như vượt qua được một con sông đầy sóng dữ.
    Tôi đã quan sát cái lớp học lộ thiên ở ngã tư này từ hồi còn là một nhà giáo. Lúc đó tôi nghĩ đến những bài học suông với những lý thuyết mà mình đã vội đem dạy học trò, những bài học mà tôi biết học trò học chỉ để “trả bài” lại cho tôi mà thôi.

    Có lúc tôi đã hoang mang không biết những điều tôi đang dạy cho những học trò sáng của mình, ngay cả những điều hay ho nhất, liệu có ích cho chúng như bài học băng qua đường mà người đồng nghiệp kia đang dạy cho học trò mù của mình?

    Cái mà thầy dạy cho học trò của thầy không có gì cao siêu vĩ đại, nó là những kỹ năng hết sức cần thiết để sinh tồn khi mình bị thiệt thòi và bất lợi trong xã hội. Chất lượng bài học thầy dạy mang tính chất sinh tử đối với đứa học trò. Và “đứng lớp” đối với thầy cũng là một lao động sinh tử, làm con thoi giữa rừng xe cộ ấy, mạng thầy phải lớn lắm mới có được tuôỉ nghề cao.
    Cho nên, dù đã nghe hàng ngàn đứa học trò gọi tôi là thầy gần hai mươi năm nay, mà khi tôi nghe em học trò nhỏ của thầy đứng bên này gọi với sang bên kia. “Thầy ơi”, tự nhiên nước mắt tôi rơi.

    tùy bút của Lý Lan
    *************************************************

    Diễn viên hạng ba

    “Má ơi,má. Con đã về đây. Con về luôn với má nè má ơi. Má. Má!Má ơi. Má ơi ! Má!...”.

    Tiếng gào thất thanh tắt nghẹn trong tiếng khóc vỡ òa.

    Người mẹ đã tắt thở trong sự ngóng trông tuyệt vọng. Đứa con cuối cùng đã trở về chỉ để gục xuống giữa sân khấu bưng mặt khóc òa. Màn nhung từ từ khép lại.

    Khán giả chung quanh Charles Huỳnh đứng dậy lục tục ra về. Charles vỗ tay, không có tiếng vỗ phụ họa, nhưng vài khán giả quay đầu nhìn ông. Sau bức màn vừa khép, Duyên Mỹ đứng lên mỉm cười với người mẹ đã sống lại thành diễn viên Tú Quyên. Cả hai hé cánh màn để xem ai là người đã vỗ tay. Đèn trong rạp lúc vãn tuồng đủ sáng để nhận ra người đàn ông trung niên còn ngồi nấn ná một mình giữa những hàng hế trống. Charles đang nghĩ xem những động tác tiếp theo phải như thế nào cho tự nhiên. Ông đã nhận thấy khán giả đi coi hát không mang theo hoa. Trước cửa và trong rạp cũng không có chỗ bày bán hoa. Đây chỉ là một rạp hát hạng ba nằm ở một khu ăn chơi hạng ba, tầng lớp bình dân kết hợp coi hát với ăn bò viên hủ tíu cháo thập cẩm mì xào dòn . . . Ông đã chọn rạp này xem tuồng này của gánh này là có tính toán. Phải, ông chỉ cần một diễn viên hạng ba là được. Có lẽ đối với một diễn viên hạng ba ở xứ này không nhất thiết phải đãi như Tây. Hay không chừng, một cử chỉ Tây sẽ có ép-phê mạnh mẽ và tức thì? Charles cân nhắc hai phương án trong mười giây rồi quyết định.

    Ông rút danh thiếp (toàn chữ Tây), ghi vào mặt trái một dòng (bằng chữ Việt Nam). Xin hân hạnh được tiếp kiến bất cứ lúc nào. Ông rút trong bóp ra một tờ năm ngàn, đi đến gần một người có vẻ là nhân viên rạp hát, cười xã giao:
    -Chút đỉnh cho anh uống cà phê.
    Người này liếc ông một cái, cầm tiền bỏ vô túi quần. Ông đưa tấm danh thiếp:
    -Phiền anh đưa dùm cho cô nghệ sĩ đóng vai người con, cô . .
    -Duyên Mỹ?
    -A. . . phải. Cô đã chạy ra sân khấu trước khi hạ màn ấy.
    Người nhân viên cầm danh thiếp trèo lên sân khấu vạch màn chui vào rồi mất tích luôn.

    Charles Huỳnh là người cuối cùng đi ra. Ông vẫn đứng chần chừ trước cửa rạp hát nhìn những thực khách thưa thớt của mấy xe hủ tíu mì, bột chiên, sinh tố . .. Họ ăn uống ngon lành và đầy vẻ thỏa mãn, như kẻ hưởng thụ trọn vẹn cuộc đời.

    Năm ba người đạp xích lô cặp xe vô lề mời ông đi. Ông cám ơn , nhìn đồng hồ. Chưa mười một giờ đêm mà đường xá vắng vẻ. Ông đứng trên thềm cao nhà hát, hai tay đút túi quần, cảm nhận thấm thía nỗi buồn khách lạ.
    -Việt Kiều !
    Một trong ba người chụm đầu lại xem tấm danh thiếp đã thốt lên. Còn ngờ gì nữa ? Tên Tây, địa chỉ Tây, Paris hẳn hoi chớ chơi à ? Nhưng. . .
    -Mầy có nghe lộn không Tám ? Đưa cho Duyên Mỹ hay Tú Quyên ?
    Tám liếc một cái rồi hất hàm :
    -Ổng còn đứng ngoaì kia kìa, ra mà hỏi.

    Tú Quyên nhún vai, xoa lớp hóa trang trên mặt. Chị trẻ hẳn hơn vai mình đã đóng ngót ba mươi tuổi. Cứ đêm đêm chị diễn trọn một kiếp người rồi chết đi. Sau đó sống lại, chị bôi lớp phấn son và trẻ ra. Chết đi sống lại, già rồi trẻ ra. Tú Quyên là đào chánh. Duyên Mỹ là diễn viên hạng ba, đóng những vai tỳ nữ hay con hầu cho Tú Quyên. Trong vở vừa rồi Duyên Mỹ đóng vai đứa con xuất hiện ở màn đầu nói láp váp mấy câu vô ơn bạc nghĩa rồi bỏ đi. Đến màn cuối mới chạy ra khóc rống lên mấy tiếng để, theo lời đạo diễn, khắc họa tấm lòng hy sinh cao cả của người mẹ. Sự thành công của vở diễn (nếu có) thì đương nhiên do công sức của Tú Quyên. Vậy cái danh thiếp kia nếu không do nhầm lẫn mà đưa cho Duyên Mỹ thì hẳn không phải là do lòng hâm mộ nghệ thuật. Mà vì cái khác. Tú Quyên nhún vai để biểu lộ sự khinh thường những cái khác phi nghệ thuật đó. Duyên Mỹ còn tần ngần chưa biết tính sao, Vương Chí giật phắt tấm các bươn chạy ra trước rạp hát.
    -Xin lỗi , ông. Ông là ông . .. Huỳnh ?
    -Phải ?
    -Ông muốn gặp Duyên Mỹ à ?
    -Vâng.
    -Có chuyện gì không ?
    -À. . . xin lỗi anh . . .
    -Tôi là Vương Chí, chồng của Duyên Mỹ.
    -Hân hạnh được biết anh.
    Charles Huỳnh bắt tay Vương Chí. Ông giải thích:
    -Tôi vừa xem chị nhà anh diễn vai đứa con . .. rất hay. Tôi muốn mời . . . chị ấy hợp tác . . . cũng đóng vai một người con . . .
    -Ông là đạo diễn à?
    -À. . . Nếu như không có gì bât tiện cho anh chị thì xin được mời anh chị dùng bữa tối với tôi. Chúng ta có thể lại nhà hàng đằng kia trò chuyện và bàn công việc cụ thể.
    -Dạ, ông chờ chút xíu nghen !
    Vương Chí vọt ngay vô hậu trường hối lia lịa:
    -Lẹ lên em, trang điểm lại. Mà thôi để vậy cũng được. Ơ mà thay áo này đi. Mượn đỡ áo chị Quyên.
    Duyên Mỹ ngơ ngác :
    -Chuyện gì vậy anh ?
    -Chặc ! Anh vừa móc được sô cho em. Lẹ lên.
    *
    Duyên Mỹ ở khoảng giữa tuổi hai mươi và ba mươi, nhan sắc trung bình, có phần vụng về nhút nhát trong giao tiếp. Có lẽ ít có dịp cô được ngồi ở một tửu lầu. Nhất cử nhất động cô đều ngó chừng anh chồng. Anh này thoạt nhìn cũng thấy ngay được sự láu cá của một gã bồi phòng. Họ bắt đầu chuyện trò về nghệ thuật khi dùng món khai vị « bốn mùa ăn chơi ».
    Đúng ra phải nói ông Huỳnh chuyện trò về nghệ thuật còn hai ngưòi kia dùng món khai vị và lắng nghe như nghe chuyện lạ bốn phương.

    -Ở Nhật Bản có những nghệ sĩ, những nghệ sĩ thật sự, không chỉ trình diễn trên sân khấu mà còn đóng những vai kịch trong các quan hệ xã hội. Việc đó đã xuất hiện từ lâu ở nước Nhật và nay đã phát triển thành dịch vụ hốt bạc. Những nghệ sĩ này cũng được huấn luyện và cũng tạo được tên tuổi. Họ thường đóng những vai như cha, mẹ, con, cháu . . . cả vai nhân vật quan trọng : giám đốc, bộ trưởng . . Thí dụ muốn tổ chức một đám cưới trọng thể, mà lỡ cha hay mẹ đã qua đời hay ở xa không đến dự được, cô dâu chú rể có thể gọi điện đến công ty dịch vụ đóng thế vai. Công ty sẽ cử đến những nghệ sĩ đóng vai cha hay mẹ cô dâu chú rể. Họ có thể nghiên cứu hình ảnh tính tình và bối cảnh để đóng kịch như thật làm cho cuộc vui mỹ mãn. Nhiều người muốn cho các lễ lạc của họ thêm long trọng còn mướn cả những ngươì đóng vai những nhân vật tiếng tăm đương thời đến dự. Nhưng có lẽ phổ biến nhất hiện nay ở nước Nhật là vai con cái . . .

    Duyên Mỹ từ đầu lắng nghe với thái độ cung kính của một người bình dân nghe nhạc giao hưởng, không hiểu cũng chẳng thấy hay, nhưng ý thức rằng đấy là nghệ thuật chân chính. Charles Huỳnh chợt nhận thấy phần giáo đầu tuồng như vậy hơi dài, thực ra có vào thẳng đề cũng không gặp trở ngại gì. Nhưng vì đó là kịch bản ông đã soạn từ trước, lại đang trớn nói ông không biết cắt bớt đoạn nào.

    -Những ngưòi già ở Nhật rất đông. Họ giàu có nhưng rất cô đơn. Con cái họ đã trưởng thành và đeo đuổi công việc cùng thú vui của chúng. Mà người già Á Đông thì muốn có con cái quanh mình. Họ gọi đến công ty dịch vụ đóng thế vai. Và sẽ có một, hai, ba hay bốn nghệ sĩ theo yêu cầu, sẽ đến nhà họ như những đứa con đi làm ăn xa, chủ nhật về thăm cha mẹ. Những nghệ sĩ sẽ thăm hỏi chuyện trò chăm sóc « cha mẹ » như những đứa con thực sự. Đó là một nghề rất chân chính mà vô cùng nhân đạo. Và thu nhập khá .

    Vương Chí lờ mờ đoán được « sô » mà vợ anh sắp ôm. Anh nhìn hau háu, lắng nghe chăm chú, để trong mọi trường hợp, không chịu thua thiệt chút nào. Bỗng Charles Huỳnh đổi giọng :
    -Anh chị có mấy cháu ?
    -Dạ . . .
    Duyên Mỹ vừa mở miệng đã ngậm lại để nhường lời cho chồng :
    -Tụi tui được một trai bốn tuổi. Thằng nhỏ lanh lắm, đã lên sân khấu hai lần.
    -Tôi có hai con. Chúng đang ở Paris.
    -Sao ông không đưa con về thăm quê ?
    -Chúng bận học. Vả lại ở đây tôi không còn ai thân thích nữa. Anh tôi ở Úc, em trai tôi ở Đức, em gái tôi ở Canada. Tôi cũng hơn hai mươi năm rồi mới trở lại chốn này.
    -Ông về lần này chắc có việc gì ?
    -Tôi đưa cha tôi về nước theo nguyện vọng của cụ. Cha tôi gần tám mươi tuổi muốn được nhắm mắt nơi quê nhà.
    -Vậy cụ ông bây giờ . . .
    -Sức khỏe cha tôi hiện nay tốt. Bác sĩ giám đốc bệnh viện X có quen biết tôi khi ông ta sang Pháp tu nghiệp, nên ông dành cho cha tôi phòng đặc biệt, có đầy đủ sự chăm sóc cần thiết. Tôi yên tâm về điều này. Nhưng người già ấy mà, như đèn trước gió. Bác sĩ nói cha tôi có thể sống thêm vài tháng mà cũng có thể vài năm hay vài tuần, vài ngày. . .

    Duyên Mỹ nhìn ông Huỳnh ngậm ngùi. Chị cũng có cha già ở làng quê. Nhưng chị làm sao lo được cho cha mình như ông Việt Kiều nầy.
    -Tôi rất xúc động khi xem chị Mỹ diễn vai người con. Ở ngoài đời chắc chị cũng là một người con hiếu thảo.

    Giọt nước mắt bất ngờ ứa nơi khóe mắt Mỹ. Chị bối rối ngượng nghịu lau đi. Ông Huỳnh thở dài.
    -Người ta càng già càng biết thương cha mẹ. Nhưng hoàn cảnh luôn o ép con người. Tôi còn công việc con cái phải lo. Mai tôi phải về Paris, cha tôi ở lại, có hộ lý riêng, bệnh viện cũng tốt. Duy một điều tôi áy náy. Cụ sẽ rất cô đơn. Chiều chiều đến giờ thăm bệnh, thân nhân người bệnh vào ra, mà con cháu cụ thì ở mãi bên kia đại dương . . . Chị Mỹ à, tôi biết không dễ gì gọi một người nào đó là cha, không dễ gì thương yêu một người xa lạ, nên tôi chỉ mong rằng chị sẽ coi đó như một vai diễn trên sân khấu. Chiều chiều tới giờ thăm bệnh, chị sẽ đóng vai người con vào thăm cha tôi, trò chuyện thăm hỏi an ủi tuổi già. Chị trạc tuổi em gái tôi, và cha tôi thì thương đứa con gái Út lắm.

    Duyên Mỹ ngồi lặng thinh, tay vẫn cầm đũa mà cổ nghẹn lại.
    -Tôi biết tình người vô giá. Nhưng sù sao cũng làm mất thì giờ của chị. Và của cả anh nữa. Có thể anh phải đưa đón chị . . .
    -Dạ phải
    Vương Chí nói ngay :
    -Hai vợ chồng tụi tui chỉ có mỗi chiếc xe đạp. Và còn thằng con tôi . . .
    -À, anh chị cứ đưa cháu vào chơi với ông ngoại, người già thích trẻ con bên mình. Cụ chỉ bị huyết áp cao chứ không có bệnh truyền nhiễm.
    -Dạ . . .
    Vương Chí nhìn ông Huỳnh chờ đợi.
    -Cha tôi không biết còn được bao lâu. Cứ mỗi buổi chị vào thăm , tôi trả , , , à, bồi dưỡng chị hai mươi đô la.

    Con số được nhân ngay trong đầu Vưong Chí. Một tháng ba mươi ngày là sáu trămđô ! Bác sĩ bảo cụ có thể sống vài năm. Cụ chỉ bị cao huyết áp ? Hai mươi đô tức là gấp mười lần thù lao một đêm diễn. Mà không phải lúc nào cũng có vai hay có khán giả ! Chỉ đóng vai một người con, ai đóng không được ? Nếu đòi thêm năm đôla chắc ông ta cũng không tiếc. Nhưng ông ta ra giá chắc nịch như đã tính toán sẵn rồi, nếu đòi thêm rủi ông ta . . . Vương Chí gật đầu :
    -Được. Tôi cũng là diễn viên mà. Tôi biết đóng vai con rể, sẽ luôn nhắc nhở vợ tôi đạo hiếu với cha già. Vậy bây giờ . . .
    -Mai anh chị đến bệnh viện X, phòng 1003 để gặp gỡ trước khi tôi ra phi trường.
    Ông gọi hầu bàn đưa hóa đơn thanh toán.
    -Để tiện cho anh chị sắp xếp việc riêng, tôi gởi trước anh chị số tiền này. Sau này qua bạn tôi, bác sĩ giám đốc bệnh viện, tôi sẽ chi trả cho anh chị mỗi tuần. Tiền bạc thì phải sòng phẳng vậy. Nhưng anh chị hiểu là tôi sẽ mang ơn anh chị suốt đời.

    Việc đời cũng suông sẽ. Đã hai tháng qua. Ông cụ khi tỉnh khi mê, khi khỏe có thể ngồi dậy để cho anh con rể đẩy xe đi dạo trong sân bệnh viện, khi yếu ông nằm thoi thóp , mắt lờ đờ nhìn cô con gái. Rồi bỗng nhiên ông nhắm mắt lại ngủ thiếp đi. Duyên Mỹ ngồi trên chêíc ghế đặt cạnh giường bệnh. Dạo này ông cụ hay ngủ thiếp đi giữa chừng câu chuyện, nên chị không phải diễn nhiều. Mà thật ra, chị thấy không cần phải đóng kịch cho lắm. Có một lần, ông cụ chợt hỏi chị :
    -Cha mẹ ruột của con còn khỏe mạnh không ?

    chị nhìn ông cụ và hiểu rằng trừ lúc mê, lúc lẩn, còn thì ông cụ biết rõ chị là diễn viên, biết rằng chị đóng kịch. Mắt của người già lờ đờ, da mặt người già nhăn nhúm. Duyên Mỹ không rành tâm lý để có thể đọc được suy nghĩ và tình cảm của ông cụ. Chị không biết phải diễn ra sao vì chị không tự viết được kịch bản cũng không có đạo diễn. Vương Chí thì luôn lăng xăng hệt một anh con rể thật sự đang o bế ông già vợ để chấm mút chút của thừa kế.
    Cái lúc mà Mỹ nhận ra ông cụ tỉnh táo lại, chị giật mình nhận thấy mình quay lại nhìn chồng từ vị trí khán giả của ông cụ. Chị hầu như lần đầu phát hiện ra con người của chồng mình. Vương Chí bây giờ đã lên năm ký lô so với hai tháng trước nên mặt mày cũng không đến nỗi thỏn mỏn như xưa, áo quần anh mặc cũng lịch sự hơn, nhưng thêm vào điệu bộ lóm thóm xum xoe của tên hầu cố hữu, anh giờ lại có vẻ dương dương và múa mép như tên quan nịnh. Bây giờ trong túi anh thường có xấp tiền (Việt Nam) mà tờ ngoài cùng là tờ hai mươi đôla Mỹ. Tất nhiên khi móc ra để trả tiền cà phê thuốc lá anh không trả bằng tờ đôla. Nhưng tất nhiên người ta đều thấy rằng túi anh có đôla. Hai tháng thù lao của Duyên Mỹ đủ cho anh lên cúp và lên mặt với đời. Anh đóng kịch say sưa như mọi kẻ thành đạt.


    Duyên Mỹ ngồi nhìn ông cụ ngủ, miệng há hốc không còn răng, mắt khép hờ, ghèn và nhớt đùn ra ở khóe. Chị cầm khăn nhẹ nhàng lau mặt cụ. Bỗng nhiên nước mắt Duyên Mỹ trào ra không sao cầm được. Cha chị ở dưới quê, ai chùi ghèn, ai đút cơm ? Và rồi đây ai phò giá triệu ai nghênh quan tài ? Chỉ còn một mình chị với ông cụ trong phòng, nên chị úp mặt vào hai bàn tay mà khóc. Chị khóc cha chị, tuổi già con cái nghèo hèn nên cô độc, chị khóc ông cụ nằm đây, tuổi già con cái giàu có vinh hiển vẫn cô độc. Chị khóc cả cho mình, trót nửa đời người, chồng đó con đó mà vẫn cô đơn. Rồi chị lau nước mắt nhìn ông cụ. Ông đã thức từ bao giờ, đôi mắt đục lờ nhìn chị đăm đăm. Một lát sau ông nói như thì thầm :
    -Cám ơn con. Con là người có lòng.
    *
    Vương Chí sầm sầm chạy vô hậu trường.
    -Mỹ, em xong chưa ? Ông cụ đang hấp hối, đòi gặp em. Mau lên.
    Trên sân khấu, Tú Quyên trong vai người mẹ gắng gượng chỏi tay ngóc đầu dậy thều thào : « . . đừng đóng cửa. .. để tôi nhìn thấy con tôi trở về . . . ». Duyên Mỹ trong vai đứa con, như trăm lần trước đây, đã muộn màng chạy a vào : « Má !Má ơi ! Con đã về đây . . . ». Màn nhung khép lại. Vương Chí xốc nách vợ còn đang mặc trang phục sân khấu lao ra xe phóng vô bệnh viện. Lúc đi như chạy dọc hành lang, anh luôn miệng đạo diễn :
    -Nhớ nghe, em kêu ba chứ không phải má, ba ơi ba, đừng bỏ con, đừng để con côi cút ở cõi đời. Ba ơi con đã về đây, rồi khóc, khóa òa ra như lúc nãy trên sân khấu. Bác sĩ giám đốc cho quay vidéo cảnh ông cụ hấp hối để gởi cho con ổng bên Tây. Em nhớ khóc như thiệt nghe. Và kêu gào cho thống thiết . . .

    Duyên Mỹ chạy đến cửa phòng. Ông cụ nằm đó, mặt nghiêng hướng về phía cửa, đôi mắt lờ đờ như chờ đợi như ngóng trông. Khi Duyên Mỹ xuất hiện ở cửa, đôi mắt ấy phát ra tia sáng cuối cùng rồi tắt lịm.

    -Khóc đi em, nhào vô.
    Vương Chí đẩy vai Mỹ rồi gần như lôi chị vô phòng xô chị xuống chân giường bảo « khóc đi » và chị nghe tiếng chồng mình khóc rống lên :

    « Ba ơi, ba . . .sao trời già cay nghiệt vậy . . .Ba ơi con đã về đây . . . ». Cho tới lúc mọi người : bác sĩ, y tá, hộ lý, người quay vidéo . . . đã ra khỏi phòng, đôi mắt Duyên Mỹ vẫn ráo hoảnh. Chị không khóc không nói không làm không diễn và hình như không ý thức gì cả, Vương Chí rút khăn lau nước mắt, lau nước mũi , lau mồ hôi trên cổ, càu nhàu :
    -Em đúng là diễn viên hạng ba. Vai kịch đóng cả trăm lần rồi mà bây giờ diễn không nên thân.
    Anh đi về nhà với con để chị ở lại canh xác.

    Đêm chắc đã khuya lắm rồi. Bệnh viện hoàn toàn yên ắng. Chị ngồi lặng như ông cụ nằm im. Không biết trong bao lâu. Rôì chị chậm chạp kéo tấm drap trắng xuống để nhìn mặt ông cụ. Vẫn cái miệng không răng há hốc và đôi mắt khép hờ. Duyên Mỹ gục đầu xuống ngực ông, những ngón tay quắp chặt tấm drap. Chị khóc nghẹn ngào trong đêm thanh vắng :

    Từ đây cõi thế mênh mông này đã mất đi người đàn ông duy nhất đã nói với chị rằng chị là người có lòng.


    Tuy But' của Lý Lan

    *************************************************


    RU CON


    RU CON
    Một trăng sắp lặn
    Hai cua mắc rào,
    Ba sao .. sáng rồi!
    Bốn ông mặt trời.
    Sắp đỏ ... Mẹ ơi!
    Địu con lên rẫy hái đọt măng thôi,
    Địu con về xuôi giao hàng kẻ chợ.


    À à à ơi,
    Con ngủ cho ngoan
    Trên lưng mẹ võng mảnh chăn quàng,
    Sương rừng rơi xuống đôi vai mẹ.
    Lội suối lạnh căm mẹ cắn răng.


    À à à ơi,
    Hãy ngủ cho ngoan,
    Mẹ còn ra nương rẫy chiều nay
    Con lớn trên lưng mẹ từng ngày
    Suối kia có cạn
    Đá kia có mòn
    Mẹ vẫn không màng
    Địu con


    À à à ơi
    Mai kia không còn trên lưng mẹ
    Là lúc con yêu bước vào đời.
    Mẹ ngồi đợi con trong góc bếp
    Củ khoai lùi
    Lửa tắt rồi
    Khăn piêu thấm nước mắt
    Nhớ con...
    ***
    Thu Tây Bắc 2017
    Nguyễn Diệu Tâm




  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    Question



    Không có những người tình nguyện thử nghiệm này thuốc chích sẽ không có.
    Chúng ta phải ngầm cám ơn họ.

    Tuy nhiên một điều tế nhị mà bài báo này không đề cập tới là tiền bạc.

    Mỗi một người tình nguyện cho chích thử thuốc, theo số liệu của bài
    phỏng vấn người tình nguyện thử thuốc của một đài phát thanh Bayern3 ở
    Đức cho biết, sẽ được hãng thuốc cho 1900 euro chưa tính tiền thêm xe đi lại.
    Và theo người tình nguyện đó cho hay đa số người thử nghiệm thuốc vì tiền.

    Cuối tuần này có thì giờ tui sẽ dịch bài phỏng vấn đó xảy ra vào tháng 12 năm 2020
    để mọi người coi chơi.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #3
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    350
    Cám ơn Anh Trien,
    Trước giờ minh chưa bao giờ nghĩ tới sự hy sinh của các tình nguyện viên thử nghiệm thuốc cho các phòng thí nghiệm, đọc bài này mới biết . Thật vô cùng cảm kích.
    Cám ơn đời,

  4. #4
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365



    Đài phát thanh Bayern 2:

    Người thử nghiệm cho một loại thuốc chích ngừa corona

    Đàng sau chuyện thử thuốc chích ngừa

    Sau khi những nghiên cứu thuốc chích ngừa và được cấp giấy phép xảy ra trong thời gian nhanh kỷ lục, các mũi chích ngừa corona đầu tiên đã có thể tiến hành vào ngày 27 tháng Mười Hai ở Đức. Sự phát triển một loại thuốc chích ngừa chỉ thực hiện được đặc biệt nhờ những người tự nguyện chịu thử nghiệm trên người mình loại thuốc như vậy. Chúng tôi đã trò chuyện với thử nghiệm viên Joe ở tiểu bang Hessen đã tham gia giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm.


    Mira-Sophie Potten
    thực hiện - Ngày 22.12.2020



    Cơ quan Dược phẩm Âu châu (EMA) đã cấp giấy phép cho loại thuốc chích ngừa corona đầu tiên này. Bây giờ chỉ còn Hội Đồng Liên Âu chấp thuận nữa là Đức có thể tiến hành chích ngừa cho dân chúng. Thuốc chích ngừa của BioNTech-Pfizer chống corona đã được Anh, Mỹ và một vài quốc gia khác xử dụng. Việc cấp phép xử dụng cho một loại thuốc chích ngừa cần các cuộc khảo sát lâm sàng tốn nhiều công sức với hơn 43 ngàn người tham gia. Một thử nghiệm viên là anh ký giả Joe sống ở tiểu bang Hessen. Sau khi anh chích mũi đầu tiên vào đầu tháng 10 chúng tôi đã trò chuyện về việc anh tham gia thử nghiệm qua podcast tagesticket.

    Hôm qua anh đã được chích mũi đầu tiên, hôm nay sức khỏe hôm nay của anh thế nào?

    Tôi chỉ ngủ được có 5 tiếng đồng hồ, mà cũng không thể làm khác hơn, vì tôi phải tới tái khám nữa, tính như vậy là tôi khỏe rồi đó. Tôi chỉ cảm thấy có một tí rêm rêm ở đầu cánh tay như mình hay gặp khi chích ngừa vậy thôi, với cảm giác tê tê một chút. Ngoài ra tôi không còn cảm giác nào khác.

    Vụ thử nghiệm thuốc chích này được tiến hành ra sao?


    Mấy hôm trước khi thử thuốc mình phải đi khám sức khỏe, làm một cuộc khám nghiệm toàn diện cả thân thể tính luôn cả chuyện sát hạch kỹ lưỡng về bệnh tình của cha mẹ ông bà mình. Rồi phải thử máu toàn diện. Người thử thuốc phải là người thực sự khỏe mạnh mới được. Nếu qua vòng này, những ngày sau đó sẽ có thông tin chi tiết về việc chích ngừa. Sau đó là một quá trình lòng vòng phát mệt: như một tiếng sau sẽ thử máu lần nữa, rồi ba tiếng sau lặp lại, sáu tiếng sau lại thử máu nữa, rồi qua ngày hôm sau lại khám nghiệm toàn diện. Những ngày sau đó cũng vậy nhưng dần dần ít đi. Ngày mai sẽ có người gọi điện thoại cho tôi để hẹn tôi thứ Hai tới chỗ đó, rồi tuần sau đó tới tái khám một lần nữa. Nghỉ 3 tuần rồi tới chích mũi thứ hai. Sau đó thì khoảng cách giữa những lần tái khám sẽ dài ra. Ngoài ra tôi cũng phải viết tường trình kiểu nhật ký về sức khỏe của mình. Tôi cứ viết đi viết lại những việc như tôi có khỏe không, thân nhiệt bao nhiêu, cả một năm trời như vậy. Và sau một năm thì mọi thứ liên quan đến y khoa chấm dứt. Cuộc thử nghiệm lâm sàng chính thức kết thúc.

    Không ai biết rõ ràng thử nghiệm như vậy sẽ ra sao. Anh có lo nghĩ chuyện rủi ro gì không?


    Ừ lo thì không lo. Nếu không tôi đã không tham gia. Nhưng tôi có nể nang thiệt. Và mình có làm hợp đồng, có ký tên, nhận một vài thông tin sơ khởi ví dụ như những người thử thuốc chích giông giống như vậy gặp phản ứng gì. Mọi thứ coi thấy nhẹ nhàng lắm, mọi thứ nếu có sẽ giống như triệu chứng cảm cúm hoặc là nhức đầu vậy thôi. Ờ nhưng mà đó chỉ là so sánh với loại thuốc gần giống chứ không phải là cái thuốc mà tôi đã thử nhe. Nhưng bác sĩ dặn trước rằng, trường hợp xấu nhất mà ông ta tiên liệu hay là ông ta đã trải qua là có người bị sốc vì dị ứng thuốc. Nhưng mà có bác sĩ chăm sóc ngay và có sẵn thuốc trị liệu vụ đó luôn rồi. Cho nên tôi mới nghĩ, ờ thì thỉnh thoảng tôi lái xe trên xa lộ cũng quất 200 cây số / giờ, lái xe như vậy cũng nguy hiểm vậy. Thường tôi cũng làm ba cái chuyện nguy hiểm mà vô nghĩa. Còn lần này làm được một việc có ý nghĩa lợi ích: cứu rỗi bá tánh! Tôi thấy làm vụ này thiệt hấp dẫn.

    Đó là lý do vì sao anh tham gia? Hay là người thử cuối cùng cũng được nhận tiền nữa?

    Sau cùng mình được cho tiền, và đa số người thử nghiệm các cuộc thử thuốc chích ngừa cũng là vì tiền bạc thôi. Thông thường đó là những người có tiểu sử ba chìm bảy nổi, hoặc là những người vì dịch corona đang thất nghiệp, hoặc là những người năm nào họ cũng thử nghiệm. Tôi thú thật là tôi không phải làm vì tiền. Sau một năm thử thuốc họ trả cho mình một ngàn chín trăm euro, rồi trả thêm tiền xe đi lại nữa. Nhiều tiền chứ. Nhưng mà tôi có việc làm lương trả cũng cao. Cho nên số tiền này đối với tôi không có xứng với cái rủi ro lớn chờ đang đón mình. Cái kích thích thực ra là vụ tò mò muốn biết người ta thử nghiệm ra làm sao. Nói chung là nó khiến tôi muốn thử thách. Tôi đơn giản là một người rất tôn sùng khoa học.

    Tôi phải làm sao để tưởng tượng ra một cuộc thử thuốc chích tiến hành ra làm sao? Có cả đám bác sĩ bao vây anh rồi quan sát hay là sao?

    Đôi khi tôi có cảm giác nhớ lại một cuộc thí nghiệm trong giờ Hóa học ở học đường vậy. Như một đứa chuyên viết biên bản, còn đứa khác thì lo đo đạc, rồi đứa thứ ba thì canh thời gian, bởi vì mọi thứ phải thiệt là chính xác từng phút, để sau cùng tất cả được lập biên bản thiệt tường tận. Lúc nào thuốc chích ngừa được đem tới, lúc nào áp huyết đo cao bao nhiêu, ngay cả cái máy đo huyết áp cũng được kích hoạt tự động ở một thời điểm luôn. Mọi việc được đạo diễn chính xác từng chút một. Cuộc thử thuốc được làm ở công ty BioNTech, nhưng mà ở đó giống y như ở nhà thương vậy: một gian phòng lớn có nhiều giường, mỗi giường được xoay vòng làm một việc khác nhau. Xong rồi cả đám đi ra vườn nghỉ ngơi một tiếng đồng hồ. Rồi quay trở lại. Mấy chuyện thật sự khó chịu nhất như là lấy nước tiểu này nọ đó, cái đó thì được làm riêng tư kín đáo. Ngoài ra những việc khác đều không có giấu diếm gì cả, cởi mở hết. Nói thiệt là ví dụ có em nào ngất xỉu mình cũng biết hết luôn. Mình cũng biết ai đã từng tới đây thử nghiệm lần thứ hai rồi, hoặc là những người đến thử những loại thuốc khác. Họ đặc biệt nghiên cứu xem liều thuốc nào có ích lợi và liều nào có phản ứng nghiêm trọng ra sao. Mọi người đều có thể trao đổi với nhau về chuyện chích ngừa.

    Anh đã miễn nhiễm vi trùng corona sau khi thử thuốc rồi chưa?

    Dĩ nhiên là tôi hi vọng như vậy đó. Nhưng rất tiếc là tôi không thể ỉ i. Và tôi cũng không được phép xử sự như vậy. Bác sĩ từ đầu đã nói như vậy trong buổi họp lấy thông tin rằng: "Quí vị sẽ không có lợi thế gì về y khoa trong việc thử nghiệm này. Các bạn cứ nghĩ rằng mình ngoài cái lợi là được khám nghiệm chi tiết toàn diện cơ thể, thì chẳng có lợi lộc gì cả". Cố nhiên cái liều thuốc tôi được chích đó, có thể không đủ mạnh khiến tôi được miễn nhiễm. Điều này không có ai biết trước được cả. Không ai biết rằng liệu kháng thể có tiếp tục tồn tại hay không. Không ai biết được liệu rằng liều thuốc đó có chống lại mọi biến thể của vi trùng corona đang hoành hành hay là không. Tôi cứ tâm niệm rằng mặc dù đã chích ngừa nhưng mình vẫn có thể bị nhiễm. Nhưng tôi có thể khiến con virus khó lòng hạ gục được tôi. Chỉ vậy thôi là cũng quá đã rồi.

    /* nguồn nguyên tác: "Was hinter den Kulissen einer Impfstoffstudie passiert " - https://www.br.de/radio/bayern2/coro...siert-100.html

    Last edited by Triển; 07-10-2021 at 05:02 AM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 176
    Last Post: 03-22-2024, 01:44 PM
  2. Bình Minh Bên Song Cửa
    By bông trang in forum Tâm Tình
    Replies: 299
    Last Post: 12-16-2018, 01:29 AM
  3. The Sympathizer - Cảm Tình Viên
    By Nhã Uyên in forum Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật
    Replies: 27
    Last Post: 05-14-2017, 08:30 PM
  4. Eurovision Song Contest 2016
    By Triển in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 05-12-2016, 09:53 AM
  5. Đêm Nguyện Cầu
    By đất in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 1
    Last Post: 06-14-2014, 05:56 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:20 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh