Register
Page 3 of 4 FirstFirst 1234 LastLast
Results 21 to 30 of 32
  1. #21
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367





    Nhật ký phong thành (số 11): Chuyện cái bánh mì


    Tuấn Khanh
    19 tháng 7, 2021




    Hôm nay, đề tài vừa giải trí vừa ngao ngán của mọi người trong lúc giãn cách là chuyện cái bánh mì. Ở đâu cũng nghe nói về nó trong đợt phong thành này, và cũng có đôi ba người chợt nổi danh trên toàn cõi Việt Nam vì cái bánh mì đó.

    Bánh mì ở xứ Việt gắn liền với một số địa danh, như một kiểu sản phẩm địa phương đáng tự hào: bánh mì Sài Gòn, bánh mì Nha Trang, bánh mì Hội An, bánh mì Hải Phòng (…) – một loại thức ăn mang đậm phong cách sống và ẩm thực từ thời người Pháp còn ở Đông Dương. Qua nhiều thập niên, bánh mì không chỉ là một loại thức ăn để thưởng thức mà còn là bạn đường của người lao động không có nhiều thời gian nghỉ, là sự nâng đỡ quen thuộc của người nghèo khi đói lòng…

    Chuyện kể rằng mới đây anh T.V.E., là công nhân công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc thành phố Nha Trang, đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Trong khi đi qua đường vòng khu vực Hòn Một thuộc phường Vĩnh Hòa, lực lượng tuần tra (có nơi gọi là tổ xung kích) chặn xe và xử phạt anh T.V.E., do ra đường vì lý do “không chính đáng”, cũng như “không cần thiết”. Mặc dù anh công nhân này giải thích là anh đang đi mua đồ ăn nhưng nhóm xung kích của phường Vĩnh Hòa vẫn cương quyết thu giữ giấy tờ, xe, của anh T.V.E đem về đồn, vừa bắt đóng phạt, vừa bắt nghe giáo dục tinh thần cách mạng.

    Có vẻ như các cán bộ xung kích ở đây rất hào hứng, coi như mình vừa lập được công trạng điển hình, nên quay cả video có ghi âm lời giáo dục của Phó Chủ tịch phường, đưa lên mạng. Cười không nổi. Ngao ngán cũng không xong, khi nghe ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường dạy dỗ anh công nhân tội nghiệp: “Nhà nước cho ra đường mua lương thực, thực phẩm. Nhưng bánh mì đâu phải thực phẩm. Bánh mì đâu phải lương thực”.

    Bản video mà các cán bộ tưởng sẽ khiến họ tỏa sáng, vì quyết liệt hành động theo mệnh lệnh chính trị, lại chính là một cánh cửa mở cho dân chúng nhìn ra và hiểu thêm về môi trường mình đang sống. Mạng xã hội đã dội lên rất nhiều lời giễu cợt, chỉ trích, thậm chí là đòi các luật sư bảo vệ người nghèo nên giúp khởi tố tay quan chức “bánh mì không phải là lương thực” này.



    Trong khi anh T.V.E tranh cãi với đội quân “làm luật” về quyền ra đường chính đáng, tay Phó chủ tịch đã quát anh: “Mày ở núi xuống hả?” và đe dọa anh T.V.E sẽ bị đuổi việc vì sự quen lớn của một phó chủ tịch phường. Nghe tới chuyện mất việc thì người công nhân quang vinh trong chế độ xã hội chủ nghĩa bỗng chết lặng. Kể từ đó, anh đành chấp nhận, chọn lặng im để mong qua đe, qua búa.

    Ấy vậy mà vẫn không xong, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó, anh T.V.E bị mất việc thật. Tay Phó Chủ tịch đã tác động với chủ thầu như thế nào đó, để con người cùng đinh ấy phải bị đạp ngã thêm lần nữa, mới hả dạ.

    Trên Facebook cá nhân, blogger Phạm Minh Vũ kêu gọi chính quyền tỉnh Khánh Hòa phải công chính khởi tố tay quan chức này, vì sự lạm quyền và sử dụng ngôn ngữ tồi tệ khi ra oai với một người nghèo khổ – đặc biệt là một công nhân – mà chế độ cộng sản từ khi dấy lên các cuộc cướp chính quyền, đã luôn thề sẽ bảo vệ “giai cấp tiên phong” này đến cùng.

    Không chỉ ở Nha Trang, trước đó, ở Sài Gòn, các chốt chặn cũng đã đuổi hoặc xử phạt các sinh viên và người dân đi mua bánh mì, bởi họ ở trọ, không có tủ lạnh để trữ lương thực, và cũng không có phương tiện đủ để nấu nướng. Cũng với ngôn ngữ cách mạng triệt để về “tính chính đáng” và “sự cần thiết”, công an cùng lực lượng sai nha đã từ chối việc nhìn nhận giá trị thực tế của bánh mì, coi nó như là một loại ăn chơi, xa xỉ.

    Chặn nhiều và phạt nhiều. Báo Lao Động cho biết riêng lực lượng kiểm tra, xử phạt dân Sài Gòn thôi đã thu về gần 15 tỉ đồng (khoảng $652,759) sau tám ngày áp dụng Chỉ thị 16. Chỉ vài ngày đã thu hơn nửa triệu đôla! Đằng sau chuyện những người dân đang thở dốc vì phong tỏa và thở dốc vì móc túi đóng phạt, không biết còn có những sự cam chịu nào tương tự như anh công nhân ở Nha Trang, vừa đói vừa bị mất việc không?

    Có thật ông Phó Chủ tịch phường không đủ nhận thức về bánh mì và thực phẩm? Các loại quan chức như vậy, khi có tên trong các kỳ ép dân bầu cử, đều cho thấy họ có học vị không thấp, lắm người còn mang cả danh vị tiến sĩ. Trong trường hợp họ biết mà vẫn nói càn thì đó chỉ có thể là sự mù quáng tuân theo các mệnh lệnh chính trị, tự ngu hèn hóa con người mình để đáp ứng việc tuân phục bất chấp lương tri. Ở một đất nước mà những kẻ như vậy làm quản lý, làm lãnh đạo thì lấy đâu ra hy vọng về liêm chính và trách nhiệm cho vận mệnh đất nước?

    Nhưng trong trường hợp họ không hiểu nổi bánh mì cũng là thực phẩm thì loại chính quyền nào đã chọn những người như thế để ngồi trên đầu nhân dân? Hoặc những kẻ đó đã luồn lách thế nào để có thể ngồi vào vị trí lãnh đạo một cách dễ dàng như vậy, suốt bao lâu nay?

    Cái lối vừa dạy dỗ nhân dân, đồng thời phô trương sự thể hiện mình như một kẻ trung thành với mệnh lệnh cấp trên, không chỉ xảy ra ở ông phó chủ tịch kể ở trên. Ngày 13 Tháng Bảy, một đôi thanh niên ở Long An chở mèo đi khám bệnh, bị viên công an chặn lại, phạt và cũng bị nghe giáo dục về lẽ sống giữa người và mèo. Điều đáng nói, tay công an này cũng tự đắc về chuyện thi hành chỉ thị tuyệt đối nên cho quay video lại và phát lên như một cách tự hào.

    Câu chuyện hai đứa trẻ và con mèo sắp chết ở chốt chặn đã vạch trần lối ứng xử vô lối và vô cảm của cái gọi là “công an nhân dân” trong xã hội. Nó cũng cho thấy cái quy định mù mờ “không được ra đường khi không có lý do chính đáng” là cái cớ tha hồ cho những diễn giải tùy tiện, xử lý tùy tiện. Hai đứa bé mang con mèo bệnh sắp chết đến nơi chữa bệnh lại là nguy cơ lan truyền bệnh dịch? Hai đứa bé còn ít hơn số người đang đứng đầy ở cái chốt chặn ấy, và rất nhiều chốt chặn cùng đường khắp xóm…


    Ánh mắt kinh ngạc của anh công nhân T.V.E., khi nghe giải thích về bánh mì (Ảnh: Video)

    Sau năm 1975, từng có thời kỳ các tổ trưởng và công an khu vực – và cả báo chí nữa – thuyết phục dân chúng những điều ngu dốt như hai ký rau muống bổ dưỡng bằng một ký thịt bò, hoặc thuốc xuyên tâm liên có thể trị mọi loại bệnh, là loại thuốc có một không hai trên thế giới, niềm tự hào của khối xã hội chủ nghĩa. Ôi, đã non nửa thế kỷ, ngày những người qua chiến tranh nắm quyền, đến thời cầm quyền như bước vào chiến cuộc, vẫn có những mặt người không khác nhau là mấy. Nhân dân chỉ có thể chọn cười hoặc thở dài. Không có ai bị cách chức hay bị phạt một cách xác đáng, vì những cách đối xử khinh miệt trí tuệ nhân dân Việt Nam đến vậy.

    Lại nhớ, vào thời khan hiếm thuốc men đầu thập niên 1990, lại không có internet để tìm hiểu, chuyện tự uống nước tiểu mình để chữa bệnh, được truyền thông nhà nước ca ngợi rầm rộ. Nhiều bác sĩ cách mạng cũng xuất hiện để nói về sự kỳ diệu của cái gọi là niệu liệu pháp. Cũng may, chuyện đó không kéo dài, khi nhiều bác sĩ ở Sài Gòn ngăn cản bệnh nhân ứng dụng, rồi viết thư lên báo, đài để phản đối. Truyền thông nhà nước sau đó cũng tiu nghỉu, im lặng rút lại lời và xóa dần các vết tích ngợi ca của mình.

    Bánh mì, cũng tại nó, tàn dư của thực dân Pháp mà ra. Lúc giáo dục người đi đường ở Sài Gòn, trong một video, tổ xung kích có phân tích rằng “sao không lấy gạo nấu cơm, hay nấu mì gói ăn, mà đi tìm mua bánh mì, đó là kiểu ăn không cần thiết”. Cách tuyên bố quyết đoán ấy, tương tự như Hồng vệ binh ở Trung Quốc, luôn coi mọi phản ứng là chống đối người thi hành công vụ, thì nhân dân ở phía đối diện chỉ có thể im lặng.

    Không biết nên cười hay nên khóc. Chợt nhớ trong phim The Red Violin của đạo diễn François Girard. Một giáo sư dạy violin ở Viện Âm nhạc Bắc Kinh, lúc được đưa ra đấu tố thời Cách mạng Văn hóa, đã bị các lực lượng xung kích tranh nhau kết tội ông “vì sao Trung Quốc cũng có loại đàn bốn dây mà ông không dạy, lại đi truyền bá đàn bốn dây của bọn tư bản?”, và lại hỏi thêm “Trung Quốc có nhiều tác phẩm âm nhạc, sao không dạy, mà lại đi gieo rắc các tác phẩm đồi trụy phương Tây như của bọn có tên Beethoven, Bach…?”.

    Bánh mì hay đàn violin cũng vậy, đó chỉ là một lựa chọn. Nhưng ở một số thời kỳ của nền văn minh nhân loại, lựa chọn đôi khi cũng cần phải có kèm tinh thần sợi chỉ đỏ xuyên suốt.

    /* nguồn: https://saigonnhonews.com/thoi-su/vi...huyen-banh-mi/


    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  2. #22
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,589
    Bánh mì không có vi chất, làm sao mà có sức chống dịch?

    Cho dân đi mua bánh mì rồi lần lần sẽ phải cho mua bánh mì ngọt... rồi tới bánh bông lan, bánh su kem... sau đó phải cho mua bánh sinh nhật, bánh Nô en luôn sao? Giậu đổ người leo.

    Phải kiên quyết bít chặt ngay từ khâu bánh mì, cảnh giác không cho cô vít xuyên qua, như lời bít thư Hà nội dặn.

  3. #23
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Bánh mì không có vi chất, làm sao mà có sức chống dịch?

    Cho dân đi mua bánh mì rồi lần lần sẽ phải cho mua bánh mì ngọt... rồi tới bánh bông lan, bánh su kem... sau đó phải cho mua bánh sinh nhật, bánh Nô en luôn sao? Giậu đổ người leo.

    Phải kiên quyết bít chặt ngay từ khâu bánh mì, cảnh giác không cho cô vít xuyên qua, như lời bít thư Hà nội dặn.
    Không phải lo bít. Thật ra các loại bánh ngọt
    không phải là lương thực mà là gian thực. Ăn
    nhiều bánh ngọt sẽ lên đường sớm.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  4. #24
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367




    Nhật ký phong thành (số 12): Cười ơi, chào mi!


    Tuấn Khanh
    20 tháng 7, 2021



    Lại một ngày nữa trôi qua. Thời gian trở nên quá nhanh, và quá chậm trong ngày phong tỏa. Nhanh là bởi thời gian trôi vùn vụt, mới đây đã quá nửa năm 2021, người dân vẫn phải đóng cửa, khoanh tay nhìn cột mốc đời mình trôi qua trong bế tắc. Chậm quá, bởi nhiều nước trên thế giới đang bước vào giai đoạn hồi phục và nhìn về dịch Covid-19 như một thứ không còn quá sức đáng sợ và bế tắc như trước đây. Nhưng ở Việt Nam, hiện chỉ mới có hơn 300,000 dân được chích đủ hai mũi. Chính quyền vẫn đang loay hoay bàn cách đóng chợ, mở chợ, rượt đuổi các ca mới nhiễm…

    Ai cũng nhìn thấy việc chậm mua, chậm nhập vaccine, chậm chích, đến sốt cả ruột, so với ngay cả Campuchia. Báo chí trong nước cho biết đến Tháng Bảy 2021, chính quyền Hunsen đã chích ngừa xong cho 98% dân của mình (dân số hiện tại của Campuchia là 17 triệu người).

    Từng ngày mệt mỏi trôi qua. Mọi giao tiếp ở Sài Gòn, hay ở Việt Nam, bây giờ chủ yếu chỉ còn thông qua mạng xã hội. Thỉnh thoảng nghĩ về ngày xưa, những lúc dịch bệnh, đói kém… không có internet, khác gì ở trong một cái nồi đóng nắp vậy. Thời nay, may mà có internet. Người ta không những có thể thông tin cho nhau mà còn có thể kiểm chứng được mọi thứ – ngoại trừ với những người chỉ thích và nghe tin giả tô hồng, như kiểu quen xài các loại ma túy tinh thần.

    Stress, hay trầm cảm, trong giai đoạn đại dịch mệt mỏi này, là điều phổ biến. Đám đông có thể dễ dàng hút theo các câu chuyện gây bất bình – chửi rủa không tiếc lời, rồi lại chạy theo các sự kiện nào đó làm cảm động, cùng nhau khóc lóc và ngợi ca tưng bừng. Nếu nhìn vào các chủ đề có nhiều người chia sẻ và theo dõi mỗi ngày trên mạng xã hội, có thể thấy sự căng thẳng và thất thường của người Việt Nam hiện rõ.

    Một người bạn kể rằng hôm rồi vào Facebook, đọc được một status về chuyện khác biệt Bắc-Nam, đã nổi giận và phản ứng gay gắt tức thì. Người viết status kia cũng trả treo trở lại. Điều đáng nói là cả hai người đều quen nhau lâu rồi. Mất một ngày sau, cả hai đều giật mình như thoát ma ám, nhắn tin xin lỗi nhau. “Xin lỗi chị, em chợt nhận ra mình stress quá”, một người gửi tin đi như vậy.

    Một cô bạn khác, vô tình lọt vào một group của những người khá giả và tin tuyệt đối vào mọi chính sách của nhà nước, trải qua vài lời tranh cãi trong group này, về số phận người nghèo trong phong tỏa, cô bật khóc huhu và nói rằng không nghĩ giữa một cuộc sống hiện tại lại có những người vô cảm và chấp nhận hy sinh người khác để mình được tồn tại như thế. Câu chuyện đó khiến cô bạn bị trầm cảm dài ngày.

    Các tổ chức y khoa thế giới vẫn liên tục công bố các nghiên cứu về trầm cảm trong và sau đại dịch. Theo thăm dò của APA (American Psychological Association – Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ), nhiều người cho biết họ đã tăng hoặc giảm cân không mong muốn, uống nhiều rượu hơn để đối phó với căng thẳng và mất ngủ thường xuyên. Người trưởng thành có thể căng thẳng, đau buồn và dễ dàng bị chấn thương tâm lý, thậm chí có những phản ứng dữ dội bất ngờ. Các hội chứng này có lúc được xác nhận ở hơn 60% người được hỏi.

    Nếu nhìn theo cách này, có thể hiểu được vì sao nhiều người bị chặn ở chốt kiểm soát đã chửi bới hay chống cự dữ dội lại các lực lượng kiểm tra. Mệt mỏi, thiếu hy vọng vào tương lai, bất mãn với các chính sách ràng buộc mà chưa thể thích nghi… là những biểu hiện được tìm thấy trong không ít trong các video mà dân chúng quay và đưa lên internet trong thời phong tỏa. Ngay cả tiếng gào thét, cự cãi của nhân vật trong video cũng làm người xem bị trầm cảm nặng hơn về hiện thực đang tác động đến họ mỗi ngày.

    “Thương dân mình quá, làm sao để có thể giúp đỡ được đây?”, một người chị lớn từ Pháp nhắn về. Chị coi các video trên Facebook, YouTube và nói thấy hãi hùng, muốn kêu lên mà không được. Rõ ràng, càng thương xót thì càng stress nặng. Có đoạn audio được chia sẻ ở nhiều nơi, thâu âm tiếng của một cô gái gọi ra từ trại cách ly, van nài nhân viên y tế giúp người nhà của cô bị nhiễm Covid và trở nặng, nhưng chính người nhân viên cũng nói như khóc rằng anh ta bất lực, vì chung quanh còn đến tám người như vậy, nhưng không bệnh viện nào chịu nhận. “Chị ơi, thông cảm cho em đi chị”, anh nhân viên y tế nghẹn ngào năn nỉ. Ai nghe cũng phải lặng người. Ngày mai, có thể chính mình rơi vào hoàn cảnh ấy thì sao?

    Bất chấp các hệ thống tuyên truyền vẫn chắc nịch về trận “quyết chiến quyết thắng” Covid-19, nhưng hiện thực thì quá khác: Các bệnh viện ở Thành Hồ đã quá tải. Đến chủ tịch quận 7 còn phải nhắn tin riêng, kêu cứu với chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong rằng có người quen bị F0, hấp hối, mà không nơi nào chịu nhận. Ông Phong phải điện cho Giám đốc Sở Y tế thì mới có được một bệnh viện nhận. Nghe không stress sao được – vì đâu phải ai cũng quen đến chủ tịch thành phố để mà nhờ cậy.

    Đặc biệt, còn stress hơn khi phải nghe chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh hướng dẫn dân “phải biết bịt kín, không cho Covid chui qua”, hoặc ông Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phán: “Covid lây nhiễm nhanh do chúng ta chống dịch đi đúng hướng”?! Giữa thời điểm sống và chết, đày đọa và vô vọng, nghe những kiểu tuyên bố của lãnh đạo như vậy mà không stress thì ắt dân Sài Gòn đã được trui rèn qua luyện ngục.

    Đã nói là không có internet, không biết dân Việt sống sao. Thời phong tỏa, người dân chỉ nhìn qua mạng, thấy chuyện gì bất công, chuyện gì khốn nạn… thì cùng hô lên. Áp lực của dân chúng qua mạng xã hội đã khiến một số chuyện trái tai gai mắt phải thay đổi.

    Chẳng hạn, khi dân ở hẻm 7 đường Hưng Hóa, phường 6, quận Tân Bình đưa lên video cho thấy một gia đình phải chịu cách ly do có người nhiễm Covid-19, chính quyền ở đây thiếu người canh giữ, nên đã cho hàn kín lối ra vào của gia đình này, trong một con hẻm chật hẹp. Ai nấy coi mà hết hồn, bởi nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, sập tường… cả gia đình này chắc tiêu. Chỉ sau một ngày bị dân chúng trên Facebook kêu la phản đối, vào Thứ Ba vừa qua, chính quyền đã phải tháo bỏ chỗ hàn kín ở lối ra vào của gia đình này.



    Một trường hợp khác ở hẻm 391, Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Để cách ly toàn bộ dân cư trong hẻm, chính quyền địa phương đổ chồng các dây kẽm gai bịt kín lối ra. Đến khi mọi người phản ứng nhiều quá thì chính quyền mới cho thay bằng barrie. Ai cũng kinh hoảng vì lối suy nghĩ về phong tỏa quá tùy tiện như vậy. Chưa nói chết vì Covid, người dân có thể chết vì kiểu phong tỏa bịt kín kẽm gai đó khi không ai có thể tiếp tế thực phẩm cho người trong hẻm suốt 14 hay 21 ngày.

    Hồi đầu năm 2020, nhiều video đăng tải cảnh các gia đình ở Vũ Hán, Trung Quốc, bị đóng đinh bít cửa, bị chận bắt dã man… Đến nay, có vẻ như nhiều thứ đang tái hiện ở Việt Nam, với những phiên bản khác. Thật dễ stress, khi thuốc men, vaccine… thì chính quyền trung ương biết chọn, và chỉ chọn của phương Tây, nhưng cách hành xử với dân thì giống như học thuộc bài từ Trung Quốc.

    Tôi mất cả ngày sau mới hồi đáp được với người chị ở Pháp, khi hỏi thăm về Việt Nam. Thật ra tôi cũng không phải biết phải trả lời thế nào cho đúng. Không chỉ ở xa, mà ở ngay trong nước, ngay trong tâm điểm của phong tỏa, mỗi ngày khi chứng kiến quá nhiều điều cần phải nói, phải viết, phải ghi lại… cũng đủ khiến mình không còn giữ cuộc sống bình thường nữa. Chúng ta bất lực. Tình thương của chúng ta cũng bất lực, khi nhìn thấy quá nhiều thứ cần phải thay đổi, nhưng lại vượt quá tầm tay.

    Đôi khi stress quá, người ta phải chuyển qua hài hước để tự cứu mình. Chẳng hạn một bản tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, Hà Nội, nơi không có gì là nguy cấp về dịch, được tận dụng 5.1 triệu liều vaccine viện trợ để chích cho quan chức và người được tuyển chọn trong hệ thống. Còn Sài Gòn, là tâm dịch, và là nơi phải nhất định “bảo đảm sản xuất và chống dịch thành công”, thì được phát 1.1 triệu liều, để chích cho đợt bùng phát lây nhiễm này.



    Vậy đó. Nghe thôi, cố đừng stress, vì chẳng ai trong chúng ta có thể làm gì được đâu, mà chỉ nên cười sằng sặc.


    /* src.: https://saigonnhonews.com/thoi-su/vi...oi-oi-chao-mi/


    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #25
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367




    Nhật ký phong thành (số 13): Đêm nay, đêm mai


    Tuấn Khanh
    21 tháng 7, 2021

    Sáng nay, khu nhà bên cạnh có tiếng xôn xao. Chui đầu ra cửa sổ nhìn xuống, thấy dân chúng chung quanh cũng tò mò y như mình. Một cái bàn được đặt ngay giữa hẻm lớn gần đó, chung quanh có bóng mấy người mặc đồ bảo hộ PPE, đeo khẩu trang kín mít đang dọn dụng cụ. Hóa ra, có đợt xét nghiệm cho toàn khu, vì cách đây mấy ngày, bên phòng dịch phát hiện có người cách vài chục mét bị dương tính với Covid-19.

    Chợt nghe tiếng sụyt suỵt bên hông nhà, quay lại nhìn, thấy ông cụ trong ngõ gần đó, cũng ló đầu ra từ cửa sổ, trợn mắt hỏi nhỏ “Ai cũng phải xét nghiệm hả chú?”. “Dạ, chắc vậy, vì họ cho tổ trưởng và công an khu vực đến để thúc mọi người ra xét nghiệm mà”. Nhìn mặt ông cụ bần thần. Nhà đó, chỉ có một vài người. Ông cụ ở canh nhà cho con cháu là chính, chứ quanh năm, không có thêm ai.

    “Chắc bác lớn tuổi, sẽ là nhóm ưu tiên được xét nghiệm đó, bác ra sớm sẽ được về sớm”, tôi nói thêm vì thấy mặt bác có vẻ lo lo. “Không, né được thì né, không xét nghiệm đâu. Ngộ nhỡ mình bị nói dương tính thì đưa đi cách ly, chết cũng không ai lo. Cứ ở yên trong nhà, chết cũng êm”, ông lắc đầu, nói.

    Ở Sài Gòn đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Nhiều người né không chịu xét nghiệm diện rộng chỉ vì sợ “tai bay vạ gió”, phải đi vào khu cách ly rồi chẳng may chết. Ngay cả tro cốt đi hỏa thiêu giao lại gia đình, cũng không biết có giao nhầm không. Báo chí, và cả người trong khu cách ly kể chuyện, quay video, đưa tin ra, cho thấy mọi thứ đã quá tải. Nhiều người già, ngày thường được gia đình chăm sóc cẩn thận, khi vào cách ly thiếu thốn điều kiện, lặng lẽ đi lúc nào không hay. Có video gửi ra từ một nơi nào đó, thấy có một người mất, phía nhân viên trực cách ly lật thi thể qua lại, quấn lại bằng băng nhựa bọc thức ăn. Một cái chết lặng lẽ và lạnh lẽo.

    Không biết ông cụ có ra xét nghiệm không, nhưng ngay cả nhóm nhân viên y tế cũng làm nhanh và ra đi. Tội nghiệp, họ cũng mệt mỏi lắm rồi. Không gian yên lặng của một khu xóm, và của cả một thành phố lại quay về.

    Buổi tối, chợt điện thoại reo lên. Đầu dây là anh T., ở Đà Lạt. Chỗ thành phố núi đồi đó cũng bị giãn cách rất căng thẳng. Sài Gòn hay Đà Lạt, hay nhiều nơi nữa ở miền Nam đang vào đợt phong tỏa mới. Gặp nhau chỉ qua điện thoại, bày tỏ tình cảm chỉ bằng tín hiệu kỹ thuật số.

    Anh T. gọi, giọng như hơi say rồi. Anh nói năm nay sinh nhật của anh buồn quá, chỉ có thể ngồi nhà uống rượu với con gái thôi. Anh nói thèm được cầm đàn hát cho tôi nghe. Tự nhiên cảm động lạ. Anh T. là một giọng ca quen thuộc ở Đà Lạt. Anh hát tuyệt hay những bài của Phạm Duy, những bài mà lâu lắm không ai hát, không ai nhớ. Nghe anh hát tự nhiên mà cứ ước phải chi quá khứ là cái chăn lớn, cứ chui vào đó để không cần bước về tương lai nữa. Anh lại hay hát cho tôi nghe khi được yêu cầu.

    Nếu không có gì, sau dịch tụi mình gặp nhau, làm một bữa nha”, anh T. nói.

    Có rất nhiều người Việt Nam, người Sài Gòn… hẹn nhau như vậy về một cuộc gặp trong hy vọng, khi khốn đốn đi qua. “Nếu không có gì…”, là cách nói thật thà về ngày mai, nếu ai đó không lỡ hẹn, rời bỏ thế giới này vì con virus quái quỷ của thế kỷ 21. Ở đời thường, hẹn nhau như vậy, cũng không khác nào một người đi vào chiến tranh, và hẹn quay lại với hy vọng mỏng manh. Dù không quá bi quan, nhưng rõ ràng, hàm ý của nó là vậy. Sống chết vô thường.

    Đâu phải là chuyện chơi. Sài Gòn đêm nay đi qua, chưa biết đêm mai ra sao. Thật vậy!

    Hồi tháng trước, nghe con của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nhắn về, nói ông qua đời trong bệnh viện ở Mỹ. Tự nhiên thấy mắt cay cay. Ông già lù khù, tối ngày chỉ lo viết sách và nói chuyện thi ca, đã đi rồi. Trước khi dịch bùng phát, ông còn dặn là khi nào quay lại Cali nhớ gọi ông, vì ông thèm được nói chuyện Việt Nam, thèm được ngồi café dưới tán hoa giấy và khoe những gì mình đang làm. Đại dịch kéo dài hai năm. Giờ thì không kịp nữa. Nếu có quay lại quán café cũ, chắc sẽ gọi một ly café, để riêng và nhớ ông.

    Người ta thường có cảm giác sửng sốt về những mối quan hệ quen thuộc qua đời. Còn phần nhiều chứng kiến chuyện của người khác, chỉ là cảm giác xót thương. Nhưng ngay cả cảm giác xót thương cứ bị chà xát và lặp lại liên tục vào lúc này, cũng lạnh dần. Trong một video quay cảnh một người phụ nữ qua đời trong trại cách ly, tiếng một người con gái – có thể là con bà – khóc dấm dứt lúc to lúc nhỏ quanh hình ảnh đó, trở thành một sự ám ảnh, đi sâu vào trong giấc ngủ.

    Ở quận 7, tại khu chung cư Belleza, một người Hàn Quốc có vợ Việt Nam bị đưa đi trại cách ly. Ông xin đi theo để chăm sóc cho vợ nhưng không được. Đoạn video quay cảnh ông khóc và gào thét liên hồi như một con thú bị thương nghe xé lòng. Trong bóng đêm, tiếng khóc gào của ông cứ vang động cả một vùng, não nề. Chỉ nghe thôi, chứ cũng không thể làm gì. Chỉ nghe thôi đêm nay, và chợt nghĩ đến mình, đêm mai.

    Trong những ngày phong tỏa Sài Gòn đợt hai, lại nghe nhà văn, dịch giả Khổng Đức qua đời. Ông già xứ Quảng đó không cho cơ hội để hỏi đôi câu về đời, về sách nữa. Ngày thường ông không xài điện thoại. Mọi thứ chỉ qua email. Giờ thì cái email đó còn tên mà cũng vô chủ rồi.

    Gần nhất, lại nghe nhà thơ, họa sĩ Lê Thánh Thư mất vì Covid. Nhà ông quận Tân Bình, khu vực cũng đang chi chít các dây cách ly và barrie. Nhà thơ Lý Đợi hỏi thăm rồi cho biết: Khi ông vừa mất, cơ quan y tế đến làm giấy ghi nhận, gói mang đi thiêu ngay. Bạn bè không ai nhìn được lần cuối, và sự ra đi cũng vội vã, không giống gì, như của một người Việt Nam hàng trăm năm nay vẫn có.

    Những đêm chờ sáng của thời phong tỏa tại đô thị thật nặng nề. Vì đêm nay hay đêm mai… mọi thứ cũng như nhau, thành phố uể oải gượng hơi thở. Chỉ có những con số của cơ quan y tế gửi đến, những con số nhảy múa về những con người bị lây nhiễm mới, hay được gói mang đi để thiêu, như một món hàng không được loài người thừa nhận.

    Có câu chuyện người mẹ và ba đứa con, sống làm việc ở Sài Gòn, nhưng khi đợt phong tỏa kéo dài, kiệt quệ vì không thể cầm cự nổi nên quyết định cùng nhau đạp xe về quê nhà ở Nghi Lộc, Nghệ An. Điểm xuất phát của họ bắt đầu từ Trảng Bom, Đồng Nai, tính ra họ sẽ phải đạp xe đến 1,380 km để có thể về đến quê.

    Nghe kể họ đi miệt mài, mất 11 ngày để đi từ Trảng Bom đến Ninh Thuận (280km). Nếu với tốc độ đó, họ mất cả tháng hơn, mới về được nhà. Nghe vừa cảm động, vừa rợn người. Ở mọi nơi họ đến, người ta đón, khuyên ở lại chờ dịch bớt rồi đi tiếp, nhưng cả nhà vẫn chọn đi về – một ngày còn vất vưởng đâu đó, nghèo khó và cái chết vì dịch bệnh vẫn còn đuổi theo họ.

    Nghe đâu có một nhà báo ở Sài Gòn thấy thương quá, đã tặng tiền vé tàu hỏa cho bốn người, để họ không gặp bất trắc dọc đường. Thật đúng là qua đêm thâu, trời lại sáng.

    Trong tất cả những người được liệt kê chết vì Covid ở Việt Nam, có những người rất trẻ, chỉ mới 26 tuổi. Và cũng có những người đã 70 hay 80 tuổi. Cái chết đến vô chừng, nhất là khi chết trong lúc này được chia ra làm nhiều kiểu: Chết vì Covid, hay chết vì bệnh nền khi vừa nhiễm Covid? Nhưng ở Việt Nam, ai mà không có bệnh nền? Người thì tiểu đường, người thì huyết áp cao, người thì tim mạch… và chết vì bệnh nền, cũng có thể gọi là chết vô danh, không có tên trong hồ sơ đại dịch vào lúc này.

    Tôi thấy mình thay đổi cách ứng xử lúc nào không hay. Chẳng hạn như nhắn trả lời anh T. hay bất cứ ai liên lạc với mình bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và rất cân nhắc cảm giác với người đối diện. Như mọi người dân đang sống ở Sài Gòn, tôi chợt nhận ra mọi thứ diễn ra quanh mình thật bấp bênh, bất cứ lúc nào cũng có thể là cuối cùng. Nhưng cũng như hàng triệu người con người Việt Nam đã sống và cam chịu những điều bất khả, tôi cũng nuôi một niềm hy vọng từ bóng tối. Khi tôi viết, lúc này chắc cũng có nhiều con người, từ các khung cửa sổ ở Sài Gòn đang nhìn nhau, và chắc họ sẽ thấy yêu thương nhau hơn, yêu thương một Sài Gòn hơn, khi đã biết cuộc sống là những đêm chờ sáng…

    /* src.: https://saigonnhonews.com/thoi-su/vi...m-nay-dem-mai/


    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  6. #26
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,589
    Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường dạy dỗ anh công nhân tội nghiệp: “Nhà nước cho ra đường mua lương thực, thực phẩm. Nhưng bánh mì đâu phải thực phẩm. Bánh mì đâu phải lương thực”.
    Bánh mì chắc sắp được vô biên chế làm luơng thực ở Việt nam rồi. Sâu bọ, chó mèo chuột… con gì Việt nam cũng gọi là lương thực, nhưng bánh mì thì chê.

    Chủ tịch Nha Trang xin lỗi người bị giữ xe khi đi mua bánh mì
    https://vnexpress.net/chu-tich-nha-t...i-4327593.html

  7. #27
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Bánh mì chắc sắp được vô biên chế làm luơng thực ở Việt nam rồi. Sâu bọ, chó mèo chuột… con gì Việt nam cũng gọi là lương thực, nhưng bánh mì thì chê.

    Chủ tịch Nha Trang xin lỗi người bị giữ xe khi đi mua bánh mì
    https://vnexpress.net/chu-tich-nha-t...i-4327593.html


    Băng vệ sinh và tã chắc sắp vô biên chế lương thực luôn:


    /* nguồn: vnexpress
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  8. #28
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,589
    Cứ triệt để bít chặt, chặt trong, chặt ngoài, thì đâu cần ba thứ đó. Không phải thiết yếu.

    Được ăn, được nói, được gói đem... giục.

  9. #29
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Coi chừng giấy tô lết sắp bị hụt. Đã vô biên chế chưa?
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #30
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,589
    Bây giờ dân mình khi ra đường cứ xách theo bao gạo rồi cần đi đâu, muốn mua gì cũng ok, chừng bị lính chặn lại thì chỉ bao gạo khai là đi mua gạo.

    Mạnh vì gạo, bạo vì liều.

 

 

Similar Threads

  1. Bảng phong phúc
    By Triển in forum Nhân Văn
    Replies: 3
    Last Post: 03-19-2022, 10:16 AM
  2. Bảng phong thần
    By Triển in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 10-05-2021, 10:41 AM
  3. Bảng phong thần
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 1
    Last Post: 11-03-2016, 10:16 PM
  4. Replies: 2
    Last Post: 08-18-2014, 10:47 AM
  5. phong thủy ..... truyện sưu tầm
    By 2013CANA in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 03-30-2013, 06:58 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:45 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh