Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    351

    Những cuộc hồi hương -Đức Hiển

    Những cuộc hồi hương


    Đức Hiển Nhà báo

    Tuần trước, xưởng đá mỹ nghệ của anh Kiệm xóm tôi ở quận 12 bị trộm viếng.Hai công nhân giữ xưởng buổi tối bỗng thấy quần áo, giày dép bị gom vào thùng để một góc nên nghi, cầm cây gậy đi vào thì gặp "nó" chạy ra. Họ bắt tên trộm, trói lại.

    Vào kiểm tra, họ thấy mất hai gói mỳ tôm và nồi cơm to bị mở nắp. Chảo cơm chiên đang trên bếp, thằng trộm vừa đập trứng vào. Quay ra hỏi, nó khai không lấy máy móc, chỉ lấy mấy đôi giày và quần áo. Trước đó, nó pha hai gói mỳ tôm ăn hết và tính chiên chỗ cơm này mang về phòng trọ cho thằng bạn cũng đói như nó. "Tụi con nhịn đói cả ngày rồi", tên trộm khai. Công nhân gọi điện báo, anh Kiệm chạy lên xưởng thì họ đã thả kẻ trộm, chỉ còn hình ảnh trong camera và thẻ sinh viên.

    Tôi ước gì họ đừng thả cậu sinh viên đi sớm quá, nán lại chút ít gặp anh Kiệm thì cậu cũng có thêm chút thức ăn và vài đồng tiền để cùng bạn vượt qua ít ngày. Vài người hỏi tôi sao không đi tìm cậu ta, tìm làm sao ở thời buổi giãn cách này.

    Tôi tin nhiều người ở Sài Gòn chưa một lần đặt chân vào xóm trọ vùng ven, những ngày này dĩ nhiên càng không, để biết có một phần thành phố nơi những thân phận nhập cư sống thế nào. Và tôi tin có những thị dân chưa chứng kiến người đói, huống chi là cùng lúc nhiều người đói. Trên hành trình thiện nguyện những ngày này, nhóm chúng tôi gặp cả những thanh niên trai tráng xin cứu giúp vì nhiều tháng mất việc.

    Đừng mắng họ sao không biết tiết kiệm, bởi một nửa lương đã gửi về quê cho gia đình, còn lại chỉ đủ sống qua ngày trong điều kiện tối thiểu. Lo lắng về nguồn sống và dịch bệnh đã khiến dòng người tự phát kéo nhau rời khỏi TP HCM tăng đột biến những ngày qua, dù các cuộc hồi hương lẻ tẻ đã bắt đầu từ tháng trước.

    Và xáo trộn bắt đầu từ đây. Một số tỉnh đón công dân về và tổ chức cách ly chu đáo, có tỉnh thì "dang rộng vòng tay" đón vài trăm người về, trống giong cờ mở rồi lặng lẽ ngưng với hàng nghìn người còn lại; nơi thì cấm cửa công dân từ ngoài ranh giới tỉnh, thậm chí không cho đi qua để về tỉnh khác. Ở nhiều chốt chặn trên các quốc lộ, hàng vạn người vẫn buộc phải quay đầu hoặc mắc kẹt trên đường.

    Hôm kia, công an Đồng Nai đã dùng ôtô dẫn đường đưa 1.400 công nhân ở các khu trọ tại huyện Vĩnh Cửu về quê Bình Thuận, Ninh Thuận. Người về quê được xét nghiệm Covid-19 miễn phí trước khi lên đường. Tỉnh này tổ chức ba chuyến dẫn đường cho người về quê. Để đảm bảo an toàn trên hành trình gần 300 km, phụ nữ mang thai, trẻ em, người già được bố trí đi ôtô khách, những người còn lại chạy xe máy.

    Cùng ngày, Ủy ban nhân dân Thành phố Biên Hòa đưa 240 công nhân làm việc trên địa bàn về Bình Thuận, Ninh Thuận. Chiều tối hôm đó, Chủ tịch Bình Thuận có công văn phản đối việc Đồng Nai đưa người về mà không trao đổi với ủy ban tỉnh. Cơ quan chức năng huyện Bình Chánh mới đây lập biên bản xử phạt năm người, mỗi người 15 triệu đồng khi họ cố vượt qua chốt kiểm soát dịch để về miền Tây. Cà Mau đã rút lại công văn sau 48 tiếng cho phép người về từ TP HCM, Quảng Ngãi ra văn bản không nhận công dân về từ vùng dịch.

    Vì vậy, hàng ngàn người đã rời TP HCM, đang trên đường về quê sẽ "ra đường" đúng nghĩa, bởi họ không thể quay lại TP HCM do lệnh cấm. Vậy họ về đâu?

    Trước tình hình trên, Thủ tướng ngày 31/7 đã ra Công điện để tháo gỡ bất cập trong việc tổ chức và quản lý các dòng người hồi hương. Người đứng đầu chính phủ yêu cầu "kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm ai ở đâu ở đấy".

    Công điện yêu cầu các tỉnh tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép. Với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác, các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Các địa phương tổ chức hỗ trợ ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

    Trước đó, Thủ tướng nhiều lần nhắc lại tính chủ động và trách nhiệm của những người đứng đầu các tỉnh, thành. Luật cũng đã quy định rõ việc phân quyền cho chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương đối với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Nhưng chúng ta vẫn thấy cảnh nơi thì cho phép và nơi thì cấm đoán như vừa qua.

    Có thể từ hôm nay, theo Công điện, dòng hồi hương sẽ giảm xuống theo tinh thần "ai ở đâu ở đấy". Nhưng những người nghèo ở TP HCM phải được hỗ trợ ngay để có thể an tâm ở trong nhà bằng nguồn ngân sách cộng thêm sự tiếp tế thiện nguyện của cộng đồng. Ai đã về quê xin hãy tạo điều kiện để họ được về đến nhà với sự giám sát và hỗ trợ của chính quyền.

    Công điện yêu cầu việc "thực hiện thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch". Thực chất với những người như "tên trộm" ở xóm tôi, là xác định chính xác nguồn lực hỗ trợ người nhập cư và công nhân với thủ tục đơn giản nhất bằng nhu yếu phẩm từ kho dự trữ của nhà nước và tiền mặt. Họ đang chờ đội ngũ cứu trợ và cung ứng kịp thời.

    Đáng lẽ Chính phủ không cần một Công điện nhắc nhở lại nếu lãnh đạo đồng cấp giữa các tỉnh đã phối hợp ăn ý với nhau thời gian qua. Và trên con đường chống dịch còn dài, hy vọng sẽ không còn những mệnh lệnh được ban hành khiến đồng bào chạnh lòng nghĩ mình là mối đe dọa dịch bệnh thay vì được chia sẻ là người cùng cảnh ngộ.

    Lo lắng đủ rồi, tất cả chúng ta sẽ ấm lòng hơn nếu không còn những chuyến xe phải rời thành phố vì không còn cái ăn, và cũng không còn những chuyến xe phải quay đầu.
    Đức Hiển

    XIN ĐỪNG VÔ CẢM

    Gửi những ai giàu sang và sung sướng
    Hãy cảm thông người làm mướn xa quê
    Anh công nhân thất nghiệp bụng não nề
    Bác bảo vệ cơm bữa no bữa đói

    Người ta than, ai ơi đừng trách vội
    Không sẻ chia cũng đừng nói quá lời
    Đời họ nghèo không bằng bạn và tôi
    Vì số phận của mỗi người mỗi khác

    Đọc bài viết thấy lòng buồn man mác
    Mong hung thần độc ác mãi lùi xa
    Để những người viễn xứ sống xa nhà
    Được yên ổn mưu sinh vơi lo lắng.


    Đại dịch mang tới nhiều đau thương
    Trẻ nhỏ mới sinh cũng "ra đường "
    Câu hỏi đặt ra : VỀ HAY Ở ?
    Nên mới xuất hiện cảnh hồi hương...

    Cầu mong dịch bệnh sớm qua đi
    Khó khăn, vất vả đâu sánh bì
    Vaccine - Năm Ka cùng thực hiện
    QUYẾT TÂM ĐÁNH BẠI N - COVI !

    Cháu đi làm tháng 10tr gởi về quê 6tr,
    để nhờ mẹ nuôi con hộ, mẹ thì còn phải nuôi 3 ng em còn nhỏ nữa tổng 5 miệng ăn . còn 4tr cả tiền trọ và tiền ăn, cũng đủ thoải mái nhưng dịch miếng đậu hũ cũng lên 4k/miếng gấp đôi ngày thường,chưa kể con cái đau,mẹ đau,bản thân đi làm tháng nào cũng bịnh. Bác nào nghĩ thanh niên tụi cháu không tích lũy thì nghĩ lại giùm,ko phải ai cũng may mắn được ông trời cho cái đặc quyền "chỉ đi làm nuôi thân".cháu đi làm ko dư đồng nào, tháng nào dư ra ,con bịnh phát đi viện là còn âm nợ, lại cày trả nợ

    "Tụi con nhịn đói cả ngày rồi",
    tên trộm khai....đọc mà cay mắt ,dịch Covid tác động nhiều đến đời sống công nhân sinh viên trong xóm trọ ,khổ càng thêm khó khăn về cũng không được ở cũng chẳng xong , nhiều tỉnh thông báo ngưng giải cứu , bà con biết nhưng phải đi vì không còn sự chọn lựa với niềm tin hy vọng khi về đến ranh tỉnh nhà được " cứu xét "; ngày 31/7 công điện Thủ Tướng nếu ai chưa về nên ở yên tại chỗ có phần yên tâm không để người dân đói. Vừa qua lợi dụng tình hình Covid trộm cắp xuất hiện ,nhưng bà con hiểu có nhiều loại "Trộm" nhưng đau xót nhất là " Trộm thức ăn " vì đói trong mùa dịch .
    Cứ nhìn những hình ảnh từng đoàn người hồi hương tránh dịch đã thắt cõi lòng. Vậy mà đến tỉnh nhà thì bị chặn bên ngoài, ko cho vào. Sự thương tâm ấy, ai có thể thấu đây?

    Đồng ý chấp hành theo chỉ thị mới, tỉnh nào ở yên tỉnh nấy, nhưng những người đã lỡ bước trên hành trình thì cần lắm được quê nhà mở cửa đón nhận. Quê hương là nơi bao dung những người con xa xứ, nào phải là chốn hắt hủi, xa lánh.
    Mong đại nạn dịch giã này sớm qua nhanh. Trong tháng 08, cuộc sống bình thường có thể quay lại dần.

    Trong hành trình mưu sinh cuộc sống thời không dịch ,
    Sài gòn giang tay với hàng triệu lao động về mảnh đất này từ mọi miền của Tổ quốc..suốt mấy chục năm qua , thành phố này đã cưu mang không biết bao nhiêu phận người , từ người bán vé số dạo đến những sinh viên tỉnh lẻ rời ghế giảng đường..Đại dịch như cơn lốc dữ tàn phá tất cả , cũng là lúc thành phố trở nên quá tải để bảo đảm an toàn cho hơn 10 triệu con người . Việc đón những con người xa xứ mưu sinh về quê hương , nó không còn chỉ gói gọn trong khái niệm nghĩa tình , mà nó bao hàm cả trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người dân địa phương mình nói riêng và cả trách nhiệm với cả cộng đồng nói chung . Vấn đề ở đây không chỉ là khả năng , tiềm lực.. mà chính là vấn đề trách nhiệm , tư duy & cơ chế để tạo ra giải pháp của lãnh đạo các địa phương .

    Ở một góc độ khác , nhân dân , doanh nghiệp các tỉnh có đồng bào trở về từ Sài gòn , họ không ngại ngần chung tay cùng chính quyền để giang tay chào đón , cưu mang , giúp đỡ đồng hương mình trở về , bởi trong số người trở về ấy là con em , là hàng xóm.. và ít nhất là đồng hương của họ . Trong khó khăn hoạn nạn thì nghĩa tình , sẻ chia , nhường cơm xẻ áo.. luôn là bản chất tốt đẹp và quý giá của mỗi con người Việt Nam.

    Thành phố không thiếu thực phẩm và người dân cũng không thiếu tiền mua thực phẩm.

    Thực phẩm, hàng hoá cũng không phải là tác nhân gậy bệnh. Việc làm bây giờ là tạo những luồng xanh để vận chuyển thực phẩm. Mỗi tài xế cần thối thiểu 1 liều vaccine và nếu đủ thì 2 . với khoản 100 ngàn shiper. cũng ngần đó tài xế để vận chuyển. Tôi tin Thành phố đủ vaccin cho họ. Còn người lao động cần gì?. Tiền thuê nhà là đắt nhất, kế đến điện nước, thực phẩm là chi phí ít nhất và có thể được các mạnh thường quân tài trợ. Vậy giờ chỉ cần yêu cầu các chủ nhà trọ tạm không thu tiền trọ tháng 8 và thậm chí tháng 9, điện nước cũng vậy, điện nước người dân ở trọ xài không là gì so với dân nhà giàu đâu, thực phẩm sẽ có các nhà hảo tâm đóng góp, như vậy người dân nghèo sẽ yên tâm ở nhà và chờ dịch qua để ổn định cuộc sống.

    (tôi đọc mà nước mắt cứ chảy...)
    https://vnexpress.net/nhung-cuoc-hoi-huong-4334034.html
    Last edited by SP500 SPY; 08-07-2021 at 07:18 AM. Reason: https://vnexpress.net/nhung-cuoc-hoi-huong-4334034.html

 

 

Similar Threads

  1. 20 năm hương xa
    By Triển in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 09-09-2015, 01:43 AM
  2. Replies: 13
    Last Post: 04-14-2014, 06:24 AM
  3. Mùi cánh gà hương vị của tự do
    By Triển in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 05-17-2013, 07:58 AM
  4. Quê hương
    By Triển in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 09-09-2012, 01:21 AM
  5. Vương vấn mùi hương
    By chuongd in forum Truyện
    Replies: 1
    Last Post: 11-13-2011, 03:44 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 09:05 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh