LỜI CẢM ƠN CHÂN THÀNH

Nếu ai hỏi người nào tôi quý nhất
Xin trả lời chân thật chẳng phân vân
Là áo blouse đang chống lại hung thần
Để bảo vệ cộng đồng và xã hội

Những dòng thơ đêm nay tôi viết vội
Tận đáy lòng gửi tới những chiến binh
Những con người vì đất nước quên mình
Quyết đối đầu và đẩy lùi Covid

Họ hy sinh bản thân ngăn đại dịch
Dãi nắng dầm mưa đối địch cô vi
Luôn vững vàng và chiến đấu gan lỳ
Những chiến sĩ khắp mọi miền đất nước

Thợ săn Covid Thứ năm, 29/7/2021,

Nguyễn Tiến Đạt


Những lúc được về nhà, chị gái tôi vội vàng khử khuẩn, tắm rửa rồi đổ gục xuống giường.
Cả tháng nay, mắt chị thâm quầng do những đêm thiếu ngủ, mặt hằn vết khẩu trang, da lòng bàn tay nhăn nheo do phải đeo găng cao su suốt ngày và đứng trong "lò xông hơi".

"Khó thở lắm" chị bảo. Gần như ngày nào cũng vậy, mười mấy tiếng trong bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, rồi cả kính bảo hộ và khẩu trang kín mặt trong khi không được bật quạt chứ đừng nói tới điều hòa, "nhỡ Covid lọt ra từ mẫu dương tính nào đó sẽ bay lung tung".

Chị gái tôi, bác sĩ lâu năm ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội, đang cùng đồng nghiệp làm việc xuyên đêm để có kết quả xét nghiệm vài chục ngàn mẫu Covid-19 mỗi ngày.

Cơ quan chị còn tận dụng cả hành lang để làm việc vì quá tải. Chị kể, nhiều khi bỏ luôn bữa ăn và hạn chế uống nước, bớt đi vệ sinh để kịp làm, đang dở việc mà mỗi lần vệ sinh lại phải lích kích với đống đồ bảo hộ rất phiền.
Anh chị có cô con gái duy nhất năm nay thi chuyển lên cấp ba. Bình thường, chị là người kèm cặp con. Nhưng vì đi chống dịch, hơn năm nay, người mẹ đành phó mặc con tự học, tự cơm nước. Nhiều hôm, mẹ vắng nhà, hai bố con úp hai bát mỳ tôm là xong bữa.

Chủ nhật, Ngày của mẹ 10/5, cháu tôi nấu một bữa ngon cho cả nhà. Bà mẹ bác sĩ ra khỏi nhà từ sớm, hẹn tối về ăn. Hai bố con chờ mãi bên bữa cơm nguội ngắt. Tủi thân, cháu tôi gọi điện cho mẹ nó. "Đang phát hiện nhiều mẫu dương lắm, tối nay mẹ và các cô chú phải thức xuyên đêm", chị tôi nói vội. Hai bố con ăn bữa cơm "của mẹ" trong lặng lẽ.

Hết các chùm ca bệnh tại các điểm nóng ở Hà Nội, chị và đồng nghiệp lại lên đường hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi đến các tỉnh. Nhiều anh chị phải ra ngoài lấy mẫu giữa mùa hè lên tới 39 độ C trong trang phục bảo hộ không hở chỗ nào. Cởi bộ đồ ra là ngồi bệt xuống đất. "Thực sự là mệt lắm, nhưng cố gắng, cứ cố gắng", chị Hoa, đồng nghiệp cùng phòng chị nói, "nếu không, thậm chí có thể bỏ cuộc vì quá sức".

Chị tôi và đồng nghiệp được nhiều người gọi là những "thợ săn Covid". Họ phải săn loại virus vô cùng bé nhỏ và khó lường. Chỉ sơ xẩy một chút, chính thợ săn sẽ bị virus quay lại tấn công.

Chỉ tính đến 24/5/2021, ít nhất 115 ngàn y bác sỹ trên toàn cầu đã ngã xuống trong trận chiến sinh tử này, theo WHO. Cũng theo tổ chức này, trên 800 bác sỹ đã tử vong trong số hơn 400 ngàn người chết bởi Covid-19 tại Ấn Độ. Các tổ chức đánh giá độc lập cho rằng con số thật có thể cao hơn nhiều.

Covid như một đám cháy. Nếu tất cả không dồn sức dập đám cháy nhà hàng xóm, nó có thể lan sang nhà bạn. Chừng nào Việt Nam còn những ca dương tính, chừng đó chị tôi và các y bác sĩ tuyến đầu chưa được về nhà mỗi ngày. Tôi thương chị, chỉ dám nhắn tin hỏi thăm. "Tất nhiên là rất mệt, nhưng các y bác sĩ tại TP HCM đang gian khổ hơn nhiều, hoàn toàn bỏ lại gia đình phía sau chứ đừng nói được về nhà ngủ", chị tôi bảo. Nhiều đồng nghiệp của chị đã xung phong chi viện cho phía Nam.


Tỷ lệ tiêm vaccine ở các nước Đông Nam Á còn rất thấp. Tại Việt Nam, tính đến 23/7, số liều vaccine được tiêm mới chiếm khoảng 4,4% dân số. Số người đã tiêm đủ hai mũi chỉ khiêm tốn khoảng 0,3% dân. Chúng ta cần rất nhiều công sức và thời gian nữa để đạt mục tiêu tối thiểu 70% dân số được tiêm chủng để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Công tác xét nghiệm, vì thế, vẫn như một cuộc đại phẫu khối u. Thà làm một lần còn hơn để khối u chuyển sang giai đoạn ác tính, di căn khắp nơi.Chưa bàn tới việc chế độ đãi ngộ hôm nay đã đền bù được phần nào sự hy sinh của nhân viên y tế chống dịch, tôi chỉ chạnh lòng khi biết có những nhân viên y tế tuyến đầu phía Nam thời gian qua vẫn thiếu vũ khí là các trang thiết bị và đồ bảo hộ.

Đọc những lời ngắn ngủi họ viết vội trong khi đang điều trị cho bệnh nhân, tôi cảm thấy đắng lòng.Các buổi gia đình tôi họp mặt ăn uống trước khi giãn cách thường không có chị tôi. Chị ăn cơm nguội và tự cách ly ở nhà, dặn mọi người đừng sang nhà chị bởi nguy cơ lây nhiễm. Hai năm trước, chị đã lên kế hoạch về hưu để chăm sóc gia đình. Nhưng từ khi đại dịch đến, chị chẳng nhắc gì đến hai từ "nghỉ hưu" nữa. Cả nhà cũng không ai dám hỏi.Cơn lũ mang tên Covid có thể hạ dòng, nhưng cũng có thể còn dâng cao.
Chúng ta hôm nay được ngồi một chỗ đọc bài viết này là nhờ hàng triệu người đang chắn giữ con đê để dịch không nhấn chìm thành phố.

Nhưng tất cả nhân viên y tế cũng là con người, cần nghỉ ngơi khi quá sức, có người thân cần quan tâm, tôi mong các mệnh lệnh chống dịch và mỗi chúng ta đừng thờ ơ với những đêm vắng nhà của họ.

Nguyễn Tiến Đạt



Chị tôi

Nguyễn Tiến Đạt
Thứ năm, 27/2/2020

Giữa những năm 80, tôi còn là đứa trẻ thơ dại thì mẹ đột ngột mất vì bệnh tim. Khi ấy, tôi có người chị thứ hai đã học đại học Y – theo định hướng của bố mẹ trong cái thời “Nhất Y nhì Dược”.

Nhưng có lẽ cũng vì cái chết của mẹ tôi mà chị thứ ba của tôi tiếp tục theo chân dấn thân học ngành Y với giấc mơ về sau có thể cứu chữa được gia đình và mọi người. Bố tôi nói khi người ta có sức khỏe sẽ có cả ngàn ước mơ. Còn khi ốm đau thì chỉ có một ước mơ là có sức khỏe. Thế là tôi có hai người chị làm bác sĩ.
Tôi không đủ lớn để biết rõ bệnh tình của mẹ khi ấy. Nhưng các chị tôi hay tiếc nuối nói với tôi, rằng ở thời điểm y học hiện đại ngày nay thì bệnh mẹ tôi hoàn toàn chữa được.

Có lẽ không ngành nào học vất vả như ngành Y. Phải học đằng đẵng 6 năm trời vô cùng vất vả cả lý thuyết và thực hành. Chị tôi bảo được cái ai mà học Y thì sẽ can đảm rất nhiều. Hồi trước tôi thấy chị tôi hay sợ những con vật bé bé như chuột, gián, sâu... còn học Y chị còn nuôi nhốt cả chuột, sâu bọ để làm thí nghiệm. Chị tôi còn kể những chuyện rùng rợn như học giải phẫu với xác người chết. Học xong 6 năm, nếu muốn thành tài thì phải học thêm 3 năm nội trú để thực hành thường xuyên thì mới có thể tự tin chữa bệnh.

Một đứa trẻ ham chơi như tôi hồi đó luôn tự hỏi sao các chị lại chọn ngành y học vất vả thế. Khi chị thứ hai tôi ra trường, được phân công làm bác sĩ ở một trung tâm y tế quận. Đất nước vừa trải qua thời kỳ bao cấp, lương giáo sư tiến sĩ còn chẳng đủ ăn tiêu chứ nói gì đến lương bác sĩ mới ra trường.

Để cải thiện thu nhập cho nhân viên, lãnh đạo của trung tâm y tế đã chạy vạy quan hệ với một bể bơi trong thành phố để cho y bác sĩ của trung tâm hành nghề ngoài giờ là... nhỏ nước mắt cho khách đi bơi, chủ yếu là trẻ con. Tận dụng quan hệ, vài chân trông xe hay bảo vệ của cái bể bơi còn được giao cho vợ hay chồng của bác sĩ trung tâm để nuôi gia đình.

Một vấn đề xảy ra là nhiều bác sĩ lại thích làm nghề phụ ngoài giờ này vì thu nhập còn tốt hơn lương nhà nước. Chị tôi nhường cho các anh chị trong cơ quan có hoàn cảnh khó khăn hơn. Về phần mình, chị tôi làm đủ nghề ngoài giờ hành chính. Lúc thì may thuê hàng quần áo xuất khẩu. Lúc thì làm mứt tết.

Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Chị cả tôi lúc trước thi trượt ngành Y đi làm kinh doanh thì lại thành đại gia đúng theo câu nói "phi thương bất phú". Còn chị hai, chị ba và anh rể tôi cũng như bao bác sĩ khác thời trước, "bổng lộc" là quà cảm ơn của bệnh nhân, lúc con gà, khi túi cam, lúc thì gói bánh cân đường hộp sữa. Họ không giàu lên được, theo nghĩa đại chúng của từ này.

Có lần tôi chứng kiến bệnh nhân nghèo ở quê lên tìm gặp chị vì đã cứu khỏi bệnh hiểm nghèo cho đứa con trai duy nhất. Họ nài nỉ bác sĩ nhận quà. Chị tôi chỉ nhận chục trứng gà quê, còn phong bì thì nhất quyết trả lại chị ấy để lấy tiền chăm sóc cho con. Người mẹ bệnh nhân khóc. Ánh mắt chị tôi tràn ngập niềm vui và niềm thương cảm. Lúc đó tôi thực sự cảm động. Tôi hiểu niềm vui của nghề bác sĩ cứu chữa cho người bệnh vượt lên trên những vất vả và chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày.

Câu chuyện quanh bữa cơm gia đình những ngày này cuốn theo dòng thời sự nóng bỏng về Covid-19. Cả nhà nhắc lại chuyện những năm chị thứ ba tôi làm ở phòng chống dịch của trung tâm y tế dự phòng của thành phố Hà Nội. Cứ ở đâu tại Hà Nội có dịch là chị tôi phải lên đường, nào là dịch SARS năm 2003; dịch cúm H1N1; H5N1; dịch sốt xuất huyết...

Đi làm công tác chống dịch, mệt và nguy hiểm. Nhiều bác sĩ đã bị lây nhiễm từ bệnh nhân và rồi chết vì bệnh, như 5 bác sĩ ở bệnh viện Việt Pháp hồi đại dịch SARS. Hay hàng trăm bác sĩ ở bệnh viện ở Vũ Hán bị chết vì bị lây nhiễm Covid 19. Nhiều buổi gia đình tụ tập họp mặt ăn uống, chị tôi vừa xuất hiện thì bị mọi người trong gia đình "xua đuổi" vì là "người có khả năng truyền nhiễm dịch bệnh nguy hiểm". Chị tôi nuốt nước mắt vào lòng không dự sinh hoạt gia đình nữa mà về nhà ăn cơm nguội và tự cánh ly với cả nhà.

Giờ chị không làm ở đội chống dịch nữa, chuyển sang phòng xét nghiệm với công việc đỡ vất vả và nguy hiểm hơn. Nhưng chị và đồng nghiệp vẫn căng như dây đàn mỗi khi Hà Nội và cả nước có dịch.

Tôi lại nhớ ngày trước, tôi thương các chị tôi làm bác sĩ vất vả mà lương không đủ ăn. Tôi thắc mắc với chị thứ hai, sao không chuyển luôn sang nghề khác có phải kiếm nhiều tiền hơn. Thay vì trả lời, chị tôi hồi ấy đã nghêu ngao hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai".

Nguyễn Tiến Đạt
https://vnexpress.net/chi-toi-4061415.html