Register
Results 1 to 7 of 7
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    351

    Taliban và afghanistan

    TALIBAN VÀ AFGHANISTAN

    ]lịch sử không có đúng sai, và thậm chí đúng sai cũng tùy vào lăng kính đứng đầu này đầu kia của bạn.
    [/COLOR]
    Dũng Phan[

    "Tôi đang ngồi giữa một lớp học với các em nhỏ, lắng nghe một câu chuyện trẻ em, chợt nhận ra mình là Tổng tư lệnh và nước Mỹ đang bị tấn công". Khi nguy hiểm đã qua, đứng giữa những mảng bê tông đổ nát của hai tòa tháp đôi, giữa các binh sĩ và những người lính cứu hỏa. Tổng thống Mỹ khi ấy, George W.Bush tuyên bố “Nước Mỹ sẽ đáp trả với lòng kiêu hãnh cao nhất “.

    Đấy là những ngày nước Mỹ trong vụ khủng bố 11/9.

    Rất nhanh chóng để các cơ quan an ninh Mỹ điều tra ra Osama bin Laden và al-Qaeda là nhóm chịu trách nhiệm vụ tấn công này.
    Thời điểm ấy, Bin Laden đang ở Afghanistan dưới sự bảo hộ của Taliban. Mỹ yêu cầu Taliban giao nộp Binladen. Câu trả lời có lẽ chúng ta đều biết: từ chối. Ngay lập tức Hoa Kỳ và các đồng minh đã can thiệp quân sự, bằng một loạt vụ không kích vào tháng 10/2001. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc với phần thắng nghiêng về phía Hoa Kỳ và các đồng minh. 10 năm sau, Osama Binladen bị tiêu diệt dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng Taliban thì không dễ bị loại bỏ. Và đến ngày 15/8/2021 vừa qua thì Taliban giành được toàn thắng, Mỹ rút quân bằng máy bay lên thẳng như cách đã rời bỏ Việt Nam vào ngày 30/4/1975. Vậy vì sao?

    Hãy đi tìm lịch sử, bởi chỉ có lịch sử mới giải thích cho bạn căn nguyên của vấn đề.

    Từ thời cổ đại đến trung đại, qua hiện đại, lịch sử của Afghanistan luôn bị xâm chiếm và đô hộ bởi các dân tộc khác. Thời cổ đại là các đế chế như Ba Tư, Hy Lạp, đến thời trung đại là chịu sự xâm lăng của Mông Cổ. Sang thế kỷ 20, lần lượt Anh, Liên Xô và Mỹ đều đến chiếm lĩnh vùng đất này. Hãy nhớ lấy ngày 15/8 và những sự kiện xảy ra gần đây, bởi bạn đang chứng kiến một bức tranh lịch sử đã có thêm những gam màu mới. Một bức tranh được vẽ suốt cả ngàn năm qua.

    Nằm giữa ngã tư đường, Afghanistan tuy không phải là quốc gia giàu có về dầu mỏ, nhưng lại có vị trí đắc địa về thương mại. Hãy nhìn lên bản đồ, và bạn sẽ thấy được vị trí của Afghanistan bị kẹp giữa 4 nền văn minh lớn của thế giới: Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập và Lưỡng Hà. Chưa kể phía trên là Nga. Con đường tơ lụa nối từ Trung Quốc đến Ba Tư phải đi qua Afghanistan, người Ả Rập muốn sang Ấn Độ phải đi qua Afghanistan. Sau này Liên Xô muốn phân chia ảnh hưởng, cũng chọn Afghanistan để đánh xuống. Và giờ có thông tin Trung Quốc muốn thay thế Mỹ đặt chân đến chốn này. Tất cả cũng vì cái vị trí quá đẹp ấy. Afghanistan giống như một cái bùng binh ở ngã 5 đường. Afghanistan là một tù nhân của địa lý.

    Không như nhiều quốc gia Hồi Giáo hiện đại khác chỉ hình thành sau khi đế chế Ottoman sụp đổ. Afghanistan đã là một vùng đất có lịch sử xa xưa, cái tên quốc gia cũng đã được nhắc đến từ cả ngàn năm trước, chứ không phải có tên gọi gần đây. Nơi này là địa điểm sinh sống của người Pashtun. Người Pashtun bao hàm gọi cả người Afghan và Pathan, sống ở cả Afghanistan và Pakistan. Afghanistan nghĩa là “vùng đất của những người Afghan”. Khi Mỹ tấn công nơi này, họ đang tấn công vùng đất có lịch sử lập quốc lớn hơn họ rất nhiều.

    Những người Afghan, Pashtun có thể mất đất, nhưng không mất lịch sử, và không mất tôn giáo (tôi sẽ nói cụ thể điều này ở nguyên nhân sinh ra Taliban), đấy là 2 thứ sức mạnh vô hình đã găm vào trí não, tạo nên sự phản kháng, và khiến bao nhiêu cường quốc đến và bất lực rời đi. Vì đã tấn công vào “Vùng đất của người Afghan” – cái tên đã bao hàm lịch sử trong ấy, nên các đế chế có thể lấy được đất, chứ không thể lấy được tư tưởng của họ. Khi bạn hiểu được cái gốc lịch sử này, bạn mới biết được vì sao Taliban có sức sống dai dẳng và giành được chiến thắng hôm nay. Chứ không phải muốn nói phiến quân hay khủng bố là được.

    Quay lại lịch sử, vua Darius I của Ba Tư đã đến, và đã quay xe. Alexandro đại đế huyền thoại của Hy Lạp đã tới, và cũng rời đi. Nhưng khi đế chế Omeyyad đến từ Damascus xuất hiện ở đây thì mọi thứ thay đổi. Khi người Ả Rập tới nơi này, họ còn giành cho vùng đất này thêm một món quà, đấy chính là một tôn giáo. Hồi Giáo đã thành quốc giáo ở Afghanistan và người Pashtun từ năm 642. Khi đế chế Ả Rập suy yếu, đến lượt người Ba Tư vào lấy phần. Rồi người Thổ Nhĩ Kỳ ở cách đó không xa cũng nhanh chóng vào “dây máu ăn phần”. Và tất cả đều phải quỵ rạp trước thứ sức mạnh kinh khủng nhất trong thế kỷ 13: vó ngựa Mông Cổ. Sang thế kỷ 18, một nhân vật quan trọng trong lịch sử lập quốc của Afghanistan được ra đời, ông chính là Ahmad Khan, một thái tử người Pushtun. Ahmad Shah Durrani bắt tay xây dựng đế chế Durrani. Với 30 năm trị vì sáng suốt, ông ruổi vó ngựa xây dựng Afghanistan trở thành một đất nước hùng mạnh với lãnh thổ kéo dài đến Biển Ả Rập (Lưu ý: Afghanistan hiện đại là quốc gia không có biển). Ahmad được phong tước hiệu Baba – nghĩa là “cha đẻ của dân tộc”.

    Qua đời năm 1773, ông đã tạo nền tảng cho quốc gia Afghanistan hiện đại. Nhưng khi ông mất đi, lời nguyền địa lý vẫn không tha nơi này, đẩy quốc gia này vào các cuộc chiến tiếp theo, lần này là với đế quốc Anh.

    Giai đoạn từ năm 1813 đến năm 1907, có một khái niệm được sử dụng gọi là “Bàn cờ lớn”, nói về cuộc chiến tranh lạnh giữa Đế Quốc Anh và Đế Quốc Nga ở vùng Trung Á. Người Anh để bảo vệ “con gà đẻ trứng vàng” của mình là Ấn Độ luôn lo ngại mối đe dọa từ phía Nga, rằng Sa Hoàng sẽ nắm lấy Afghanistan, và tổ chức một cuộc chiến xâm chiếm Ấn Độ (điều này sẽ trở thành sự thật vào thế kỷ 20 dưới thời Liên Xô). Người Anh không muốn như thế, và họ muốn Afghanistan phải nằm dưới sự ảnh hưởng của mình. Năm 1838, hơn 20.000 quân Anh-Ấn đã tổ chức cuộc hành quân tiến vào Kabul. Người Anh đã thắng, nhưng người Afghanistan không đầu hàng. Họ tổ chức các cuộc phản công dưới sự lãnh đạo của tiểu vương Dost Mohammad Khan, người trước khi chết đã nói “Tôi đã bị tấn công bởi lượng tài nguyên, tàu và kho vũ khí rất lớn của các ông, nhưng điều tôi không thể hiểu là tại sao những người cai trị của một đế chế quá rộng lớn và hưng thịnh phải vượt qua sông Ấn để tước đoạt đất nước nghèo nàn và cằn cỗi của tôi.”

    Bạn thấy chưa? Afghanistan đáng thương vậy đấy. 3 cuộc chiến tranh với Afghanistan không mang lại cho người Anh một kết quả gì, ngoài một sự yên tâm về địa lý. À, với họ thì ít ra thì Đế Quốc Nga cũng không thể lấy Afghanistan để làm bàn đạp đánh Ấn Độ của họ. Nhưng đáng lẽ người Mỹ phải học thuộc lịch sử trước khi nghĩ rằng các tiêm kích Fury, Phantom II của mình có thể bẽ gãy được ý chí của người Afghanistan.

    Tháng 4/1978, một bước ngoặt mới xảy ra khi Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan theo đường lối cộng sản giành được chính quyền. Moscow là “cha đỡ đầu” cho chính quyền này. Như tôi đã nói với các bạn từ đầu câu chuyện, quốc giáo của Afghanistan là Hồi Giáo, xuất hiện từ năm 624, ở đây đã hơn 1350 năm. Còn những người Cộng Sản là những người theo thuyết vô thần. Sự va chạm ở đây đã vượt trên cả va chạm địa lý trong chiến tranh lạnh. Đây là cuộc chiến về hệ tư tưởng và niềm tin thánh thần. Tháng 3/1979, một cuộc thánh chiến đã nổ ra ở Jihad, tuyên bố chống lại chế độ vô thần ở Kabul. Từ năm 1978 đến 1987, thông kê trung bình mỗi ngày có hơn 200 người chết. Quá dễ để đoán biết cho sự thất bại hiển nhiên của Liên Xô. Nhưng trong cuộc chiến mà cả hai cùng thua này, người Liên Xô và người Mỹ đã tạo nên 2 thứ ở vùng đất bị nguyền rủa đó: Osama bin Laden và Taliban.

    Osama Bin Laden sinh năm 1957, là một trong những người con của Mohamed Bin Laden, một nhà triệu phú trong ngành xây dựng tại Saudi Arabia. Kế thừa di sản của cha hàng chục triệu đô la, và một niềm tin sắt đá về thánh Allah. Ông được CIA “chấm” sẽ là một trong những tường đồng bảo vệ Afghanistan trước sự xâm lăng của những người Liên Xô khi đổ quân vào đây vào tháng 12/1979. CIA đã trang bị vũ khí và huấn luyện Bin Laden cùng những người chiến binh của ông trong cuộc chiến chống lại Liên Xô, tức gián tiếp hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, người Mỹ đã lầm khi đào tạo nên chàng kỹ sư triệu phú trẻ tuổi này. Cái mà Bin Laden chiến đấu không phải Cộng Sản hay Tư Bản, cái mà Bin Laden chiến đấu là cho niềm tin Tôn Giáo sâu sắc của ông ta. Bởi vậy, sau khi Liên Xô rút lui, một hình ảnh đã khiến Osama bin Laden từ fan trở thành anti-fan của Washington. Đấy là việc Hoa Kỳ đã đụng chạm đến niềm tin tôn giáo của ông ta bằng sự hiện diện của 300.000 lính Mỹ, trong đó có cả phụ nữ tại những địa điểm thiêng liêng nhất của thế giới Hồi giáo là Saudi Arabia. Đây là thời điểm Chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991, Mỹ đổ bộ vào để chống lại Iraq của Saddam Hussein. Nhưng với Bin Laden, ông coi đó là một sự báng bổ lớn, Bin Laden quay súng chống Washington, và phong trào kháng chiến Hồi giáo chống lại Washington được triển khai qua hai vụ nổ ở các đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania với 224 người chết và 5000 người bị thương. Trước khi được toàn thế giới biết đến vào cái ngày mà chúng ta biết là ngày nào đấy: ngày 11/9/2001.

    Thế còn Taliban thì sao? Cũng từ cuộc chiến Liên Xô – Mỹ mà ra thôi. Năm 1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Năm 1992, chế độ Najibullah sụp đổ. Đất nước Afghanistan rơi vào cảnh loạn lạc. Bản thân Afghanistan luôn tồn tại các mâu thuẫn âm ỉ nội tại, chúng đã có từ trước khi Liên Xô đến, và Liên Xô – Mỹ chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi. Các phe phái chiến binh Hồi Giáo (mujahideen) bắn nhau giành quyền kiểm soát. Cảnh “nồi da xáo thịt” khắp đất nước. Giữa loạn lạc, nổi bật lên một cái tên: Mullah Mohammed Omar. Sau này sẽ được biết đến với cái tên “giáo sĩ” Omar, người bảo vệ cho Bin Laden.

    Xin đừng có nghe cánh báo chí phương Tây tuyên truyền và áp đặt, cả Mohammed Omar lẫn Osama Bin Laden đều là những trí thức có học. Osama Bin Laden là một kỹ sư xây dựng (khổ, cùng nghề với người viết), còn Mohammed Omar là một tay súng dũng cảm, một giảng viên tại nơi sinh sống. Tất cả họ đều có lý tưởng. Mohammed Omar khi chứng kiến đất nước Afghanistan chìm trong cảnh “nồi da xáo thịt”, ông đã quyết tâm đứng dậy để thiết lập lại trật tự. Omar kể mình có một giấc mơ, thấy một người phụ nữ hiện ra và nói với ông “Hãy trỗi dậy. Phải chấm dứt sự hỗn loạn. Allah sẽ giúp con.” Và thế là Omar đứng ra lập một tổ chức từ 50 người sinh viên có trang bị vũ trang. Vì lực lượng được lập từ giới sinh viên nên được gọi là Taliban (Tiếng Pashtun có nghĩa là Sinh Viên). Tiếp tục một điều quan trọng nữa, tư tưởng của Taliban là theo hệ phái Sunni. Hồi giáo Shia và Hồi giáo Sunni như chúng ta biết là chia rẽ, hận thù. Vậy bạn có biết ở Afghanistan hệ phái nào chiếm đa số không? Câu trả lời là Sunni, còn Shia chỉ chiếm 15% dân số. Hiểu được xuất phát điểm này, và không bị nghe một chiều từ tuyên truyền, bạn mới rõ ràng được vì sao hôm nay Taliban thành công trong việc kiểm soát chính quyền.

    Có học thức, tràn đầy lòng dũng cảm, và có lý tưởng đem đến một cuộc sống bình yên cho người Afghanistan, và đi theo hệ phái được đông đảo người dân Afghanistan tin tưởng. Taliban nhanh chóng dẹp yên sự loạn lạc. Thành lập năm 1994, chỉ sau 2 năm, Omar và những người ủng hộ ông đã chiếm được thủ đô Kabul và xác lập quyền thống trị của Taliban tại Afghanistan. Trong cuộc chiến đưa lại sự ổn định này, đối thủ lớn nhất của Taliban được gọi là Liên Minh Phía Bắc. Bạn hãy lưu ý lực lượng này lại, chúng ta sẽ còn gặp lại họ. Trong 6 năm cầm quyền từ năm 1996 đến 2001, những gì Taliban đem đến cho Afghanistan là một bức tranh phức tạp mà đúng sai tùy thuộc vào lăng kính của hai bên yêu-ghét. Người sùng kính xem Taliban là nhân tố của tính ổn định, và xin dùng từ là sắt đá theo luật Hồi Giáo cực đoan. Nhưng cái mà người phương Tây thấy được là nhân quyền bị chà đạp nghiêm trọng, nơi phụ nữ không có quyền, đói nghèo và đương nhiên là cả địa chính trị.

    Khi 2 tòa tháp đôi tại New York sụp đổ. Bin Laden đã trốn dưới vòng tay bảo vệ của Omar. Giáo sĩ Omar từ chối giao nộp Bin Laden cho Mỹ. Vậy là Mỹ không kích, giành chiến thắng và chiếm đóng Afghanistan. Và ở đây “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, Liên Minh Phía Bắc đương nhiên đứng về phía những người đã đuổi Taliban ra khỏi Kabul. Liên Minh này sau khi tan rã, đã tham gia vào chính quyền địa phương do Mỹ dựng lên. Tuy nhiên, Mỹ lại đi vào vết xe đổ của Liên Xô. Họ có thể lấy được đất, nhưng không tiêu diệt được ý chí mà Taliban là đại diện. Từ năm 2001 đến 2021, tròn 2 thập kỷ Mỹ bỏ vào đây hàng ngàn tỷ đô la, sinh mạng của 3.500 quân Mỹ và đông minh, 15 vạn xương máu của những người Afghanistan, để rồi hôm nay kết thúc bằng máy bay lên thẳng. Bởi vì Mỹ không thể lấy được văn hóa Hồi Giáo, sắc tộc của người Pashtun, lịch sử lập quốc ra khỏi suy nghĩ của người dân Afghanistan. Kết hợp thêm nguyên nhân đến từ cảnh loạn lạc, lộn xộn, tham nhũng, hèn nhát của chính quyền, hay sự hiện diện của những người mắt xanh mũi lõ xa lạ ở “Vùng đất của người Afghan” là nguyên do tạo nên sự trông đợi đến từ Taliban. Đấy là thứ sức mạnh của Taliban, với niềm tin của Hệ phái Sunni: Không có Chúa nào ngoài Allah, tiên tri của Ngài là Muhammad. Một thứ sức mạnh mà truyền thông Phương Tây đã cố lãng quên đi, để chỉ vẽ lên đó toàn những khát máu và khủng bố.

    Ngày 15/8 khi giành được chiến thắng. Phát ngôn viên Taliban ông Suhail Shaheen đã gọi điện vào chương trình truyền hình đang phát sóng trực tiếp của BBC và nói cơ bản có 4 điều:

    1. Tài sản, tính mạng của người đều được an toàn - sẽ không có chuyện báo thù đối với bất kỳ ai.

    2. "Chúng tôi là đầy tớ của nhân dân và của đất nước." (!!!!)

    3. Chờ đợi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

    4. Toàn bộ người Afghanistan sẽ đều có quyền tham dự vào chính quyền Hồi giáo.

    Chúng ta không biết câu chuyện có đúng như cam kết tốt đẹp này hay không? Nhưng chúng ta biết rằng, họ vẫn có những luận điểm chính trị rõ ràng kiểu chính khách, không phải quỷ dữ trong tấm áo đang bị khoác lên người. Taliban sẽ là một ẩn số, nhưng họ có vẻ như đang muốn nói đến một sự mềm dẻo hơn đang manh nha xuất hiện.

    Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh 2 chữ TIÊU CHUẨN. Khi Mỹ và đồng minh vào đây, họ dùng tiêu chuẩn dân chủ của họ. Nhưng tiêu chuẩn của Afghanistan, của người Sunni là tiêu chuẩn khác. Tiêu chuẩn của Mỹ là nhân quyền, nhưng tiêu chuẩn của người Hồi Giáo là những hành xử chuẩn mực theo kinh Koran. Cho nên tính khả thi áp đặt đó có tồn tại ở Afghanistan hay không là một chuyện khác. Afghanistan có những tiêu chuẩn riêng, mà lịch sử đã chỉ ra nó bền vững trong bối cảnh đó. Với người khác, Bin Laden là khủng bố, nhưng với một bộ phận những tín đồ Hồi Giáo, Bin Laden là một anh hùng thực hiện cuộc thánh chiến chống Mỹ và Israel để đòi lại các giá trị cho người Hồi Giáo. Với thế giới, Afghanistan có thể đang loạn lạc. Nhưng với nhiều người Afghanistan lúc này là bắt đầu cho sự ổn định của một thời kỳ mới. Với thế giới, Taliban là khủng bố. Nhưng với chính những người ở đó, chính quyền hiện tại là thối nát tham nhũng, Taliban là sinh viên, nơi những con người có lý tưởng thiết lập lại một trật tự hòa bình.

    Lời kết.

    Như tôi đã hay nói, lịch sử không có đúng sai, và thậm chí đúng sai cũng tùy vào lăng kính đứng đầu này đầu kia của bạn.

    Sau cùng, lịch sử được sinh ra để soi chiếu và học hỏi, để nhìn qua những khung hình khác nhau và đưa đến nhận thức đúng đắn nhất hướng về cái chân thiện mỹ. 2000 năm đỏ lửa và chứng kiến sự tháo chạy của 6 đế chế, Afghanistan như muốn nói với thế giới rằng: “Hãy để chúng tôi yên. Các ngươi không thể làm gì ở vùng đất này.” Afghanistan là một quốc gia mà mọi chiến thắng ban đầu chỉ có thể gọi là tạm thời, và chiến thắng cũng sẽ trôi nhanh như khi nó tới để đón thất bại. Những rặng núi cheo leo, những con người Hồi Giáo với đôi mắt lịch sử sẽ trả lời cho các đế chế.


    Trong một cuốn sách ra năm 2020, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã viết:

    "Mọi thứ trở nên sai lầm vì những lý do tương tự thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi sự kiêu ngạo dẫn đến niềm tin rằng chúng ta có đủ sức mạnh để biến đổi một đất nước và một nền văn hóa. Cuối cùng giờ đây đáng lẽ chúng ta nên rút quân sớm hơn."

    Từ kiêu ngạo ấy là từ cũng được dùng trong thời Chiến tranh Việt Nam.





    Sài Gòn, tháng 8 năm 2021


    Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn và thể hiện theo quan điểm cá nhân!




  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by SP500 SPY View Post
    TALIBAN VÀ AFGHANISTAN

    lịch sử không có đúng sai, và thậm chí đúng sai cũng tùy vào lăng kính đứng đầu này đầu kia của bạn.

    Quote Originally Posted by SP500 SPY View Post
    TALIBAN VÀ AFGHANISTAN

    Xin đừng có nghe cánh báo chí phương Tây tuyên truyền và áp đặt, cả Mohammed Omar lẫn Osama Bin Laden đều là những trí thức có học. Osama Bin Laden là một kỹ sư xây dựng (khổ, cùng nghề với người viết), còn Mohammed Omar là một tay súng dũng cảm, một giảng viên tại nơi sinh sống. Tất cả họ đều có lý tưởng.
    Rồi rốt cuộc ông này quan sát từ phương diện nào? Cái đoạn khen Osama Bin Laden là người học thức vì được đào tạo ra kỹ sư giống tác giả đọc thấy tức cười. Kỹ sư mà cao xa gì, người ta còn có cao học thành tấn sĩ, thạc sĩ, giáo sư .v.v.v nếu nói phương diện văn hóa để suy xét nhận thức chánh trị.
    Nguyên một băng nội các chánh phủ Mỹ 4 năm gần đây, không lắm đứa học vị tuốt trên mây. Các tay Putin (luật sư), bé Kim mập (bé này thì nghe đồn học dốt ở Thụy Sĩ), Baschar al-Assad (tay này là bác sĩ mắt đào tạo từ lò Luân Đôn nhưng vẫn xử dụng vũ khí sinh học giết dân mình), Miguel Díaz-Canel (tổng thống Cuba cũng học vị kỹ sư điện), Nguyễn Phú Trọng (cử nhân văn khoa), Tập Cận Bình (tiến sĩ luật) ...
    Toàn là người có "học thức", nhưng họ ngủ quên trên ý thức hệ của mình. Đừng bao giờ nói những người này không có lý tưởng. Lý tưởng của họ có ích lợi gì cho dân chúng hay không mới là chuyện đáng bàn.



    Quote Originally Posted by SP500 SPY View Post
    TALIBAN VÀ AFGHANISTAN

    ]
    Ngày 15/8 khi giành được chiến thắng. Phát ngôn viên Taliban ông Suhail Shaheen đã gọi điện vào chương trình truyền hình đang phát sóng trực tiếp của BBC và nói cơ bản có 4 điều:

    1. Tài sản, tính mạng của người đều được an toàn - sẽ không có chuyện báo thù đối với bất kỳ ai.

    2. "Chúng tôi là đầy tớ của nhân dân và của đất nước." (!!!!)

    3. Chờ đợi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

    4. Toàn bộ người Afghanistan sẽ đều có quyền tham dự vào chính quyền Hồi giáo.

    Chúng ta không biết câu chuyện có đúng như cam kết tốt đẹp này hay không? Nhưng chúng ta biết rằng, họ vẫn có những luận điểm chính trị rõ ràng kiểu chính khách, không phải quỷ dữ trong tấm áo đang bị khoác lên người. Taliban sẽ là một ẩn số, nhưng họ có vẻ như đang muốn nói đến một sự mềm dẻo hơn đang manh nha xuất hiện.

    Việt cộng vô Sài-Gòn năm 1975 cũng hòa hoãn lắm, thiên hạ đi "trình diện" học tập ... 3 ngày thành 30 năm cũng có. Oánh tư sản, lấy hết tài sản của dân ...v.v.v kể hoài mệt lắm. Việt cộng nói còn hay hơn 4 điều Taliban xa lắm. Nhưng rốt cuộc thì "nhân dân làm chủ", mà "nhà nước quản ní".

    Không biết tác giả bài trên có tìm hiểu 15 vụ thảm sát do Taliban gây ra chưa? :




    Quote Originally Posted by SP500 SPY View Post
    TALIBAN VÀ AFGHANISTAN

    ]
    Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh 2 chữ TIÊU CHUẨN. Khi Mỹ và đồng minh vào đây, họ dùng tiêu chuẩn dân chủ của họ. Nhưng tiêu chuẩn của Afghanistan, của người Sunni là tiêu chuẩn khác. Tiêu chuẩn của Mỹ là nhân quyền, nhưng tiêu chuẩn của người Hồi Giáo là những hành xử chuẩn mực theo kinh Koran. Cho nên tính khả thi áp đặt đó có tồn tại ở Afghanistan hay không là một chuyện khác. Afghanistan có những tiêu chuẩn riêng, mà lịch sử đã chỉ ra nó bền vững trong bối cảnh đó. Với người khác, Bin Laden là khủng bố, nhưng với một bộ phận những tín đồ Hồi Giáo, Bin Laden là một anh hùng thực hiện cuộc thánh chiến chống Mỹ và Israel để đòi lại các giá trị cho người Hồi Giáo. Với thế giới, Afghanistan có thể đang loạn lạc. Nhưng với nhiều người Afghanistan lúc này là bắt đầu cho sự ổn định của một thời kỳ mới. Với thế giới, Taliban là khủng bố. Nhưng với chính những người ở đó, chính quyền hiện tại là thối nát tham nhũng, Taliban là sinh viên, nơi những con người có lý tưởng thiết lập lại một trật tự hòa bình.
    Ông tác giả này cần phải nghe những phát ngôn của chính người A-Phú-Hãn về tình trạng quốc gia của họ, và nghiên cứu thêm "tiêu chuẩn" Hồi giáo khi liên tục khen ngợi khủng bố.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #3
    Biệt Thự ngocdam66's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Los Angeles, California, United States
    Posts
    23,941

  4. #4
    Biệt Thự ngocdam66's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Los Angeles, California, United States
    Posts
    23,941

  5. #5
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    "Afghanistan có những tiêu chuẩn riêng, mà lịch sử đã chỉ ra nó bền vững trong bối cảnh đó."
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  6. #6
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367



    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  7. #7
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    Giàu lòng nhân đạo




    Người gốc Việt tại Little Saigon đón nhận người tị nạn Afghanistan
    February 12, 2022

    Đằng-Giao/Người Việt

    FOUNTAIN VALLEY, California (NV)
    – Nhà hàng The Recess Room ở Fountain Valley, do anh Việt Phạm là đồng chủ nhân, là nhà hàng đầu tiên của người gốc Việt tại Orange County nhận người Afghanistan tị nạn làm nhân viên.


    Từ trái, Izhar Bahah, Việt Phạm và Sulaiman Afghan trong bếp nhà hàng Recess Room. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Anh Việt Phạm nói một cách thân thiện: “Tôi mướn hai người Afghanistan là anh Izhar Bahah và anh Sulaiman Afghan vì hồi 1975, cha mẹ tôi, khi mới đến Mỹ tị nạn, được người ta nhận vào làm cho một nhà hàng.”

    Cùng là tị nạn

    Quan niệm của anh rất đơn giản và sòng phẳng: Gia đình mình đã được giúp đỡ thì nhiệm vụ của mình là giúp lại người khác.

    Anh tiếp: “Hồi đó người khác cho cha mẹ tôi công ăn việc làm thì bây giờ, tôi giúp người khác cũng là điều tự nhiên thôi. Tôi rất vui và hãnh diện được có cơ hội này.”

    Ban đầu, anh Việt nhận anh Izhar Bahah vào làm phụ bếp trước, rồi anh Izhar giới thiệu người anh họ của mình là Sulaiman Afghan vào sau.

    Anh Việt nói: “Cũng may là anh Izhar giới thiệu nên tôi mới có dịp nhận anh Sulaiman chứ Sulaiman không nói được tiếng Anh thì đâu dám xin việc. Tôi sắp xếp công việc không đòi hỏi ngôn ngữ nhiều cho anh Sulaiman để anh đỡ phải bỡ ngỡ.”

    Làm lại cuộc đời

    Cùng là cựu quân nhân, anh Izhar là y tá quân đội trong lúc anh Sulaiman là biệt kích giúp Mỹ và đồng minh. Nếu lọt vào tay nhóm khủng bố Taliban, chắc chắn hai người bị xử bắn ngay.


    Ông Sang Nguyễn (phải) cùng anh Sulaiman Afghan (trái) và gia đình anh Izhar Bahah tại phi trường John Wayne Airport. (Hình: Sang Nguyễn cung cấp)

    “Tôi rất vui khi được nhóm anh Trịnh Hội bảo lãnh ra khỏi trại tị nạn ở Wisconsin sau khi ở đó bốn tháng. Vui hơn nữa là về đây chừng ba tuần, tôi được anh Việt Phạm nhận vô đây làm,” anh Izhar nói. “Tôi muốn tự lập để không trở thành gánh nặng cho người khác.”

    Anh Izhar, 26 tuổi, đến đây với vợ và hai con gái, đứa lớn 2 tuổi và nhỏ 1 tuổi.
    Anh Sulaiman còn độc thân, đến đây một mình.

    Dĩ nhiên những ngày đầu hội nhập vào đời sống mới rất khó khăn đối với cả hai người nhưng nhờ các đồng nghiệp tại The Recess Room hết lòng tiếp đón nên họ cảm thấy bớt xa lạ.

    Anh Izhar kể: “Biết tôi có con nhỏ, ngày đầu tiên họ đã có quà cho gia đình tôi. Mấy đứa nhỏ rất thích những món quà đầu tiên ở Mỹ.”

    Tất cả nhân viên tại The Recess Room đều tỏ ra rất thân thiện với hai đồng nghiệp mới nhất này.


    Luật Sư Trịnh Hội (thứ sáu từ phải) và nhóm người gốc Việt đón tiếp người tị nạn Afghanistan tại phi trường John Wayne Airport. (Hình: Trịnh Hội cung cấp)

    Không lạ với người tị nạn

    Luật Sư Trịnh Hội, người đấu tranh giúp đỡ bao nhiêu người tị nạn trước đây, cho biết anh bảo lãnh những người Afghanistan này theo chương trình “Private Sponsorship” (bảo trợ tư nhân) do ông Nam Lộc đích thân lên Washington, DC, khởi xướng và vận động để giúp đỡ người Afghanistan tị nạn.

    Luật Sư Hội nói: “Anh Nam Lộc và nhóm VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment) của chúng tôi từng vận động cho chương trình tương tự như vậy ở Canada với tên ‘Sponsor Circle Program’ rồi, để giúp bảo lãnh người Việt Nam còn sống lây lất ở các trại tị nạn.”

    Chương trình này đòi hỏi mỗi nhóm phải có năm người thì mới được làm đơn bảo lãnh.

    Sự khác nhau rõ rệt giữa hai quốc gia là ở Canada, mỗi nhóm phải có $10,000 cho mỗi người tị nạn và chịu trách nhiệm suốt 12 tháng, trong lúc ở Mỹ chỉ cần $2,500 cho cả gia đình và chỉ chịu trách nhiệm có 90 ngày thôi.

    Chương trình “Private Sponsorship” này đang được thử nghiệm tại Hoa Kỳ và nếu thành công sẽ được áp dụng vào việc bảo lãnh các sắc dân tị nạn khác, dĩ nhiên trong đó có người Việt Nam.

    Nhóm năm người của Luật Sư Trịnh Hội là bản thân anh, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Giáo Sư Lan Cao cùng bạn anh là vợ chồng anh Sang Nguyễn và chị Nhung.

    Ông Nam Lộc, người gắn bó với các chương trình định cư cho người tị nạn tại Hoa Kỳ suốt 41 năm liên tục, nói: “Tôi rất hãnh diện về các cộng đồng gốc Việt ở Orange County, Los Angeles, California; Seattle, Washington; Ohio; và Houston, Texas đã hết lòng hưởng ứng lời kêu gọi bảo lãnh những người Afgahnistan của tôi. Tôi xin cám ơn tất cả.”


    Anh Izhar Bahah khi còn là y tá quân đội ở Afghanistan. (Hình: Izhar Bahah cung cấp)

    Muốn học tiếng Việt

    Thấu hiểu và cảm thông cho những quy luật Hồi Giáo tế nhị của hai anh Izhar và Sulaiman, anh Việt tạo điều kiện dễ dàng để hai anh có thể cầu nguyện trong giờ làm việc.

    Nhìn hai nhân viên mới nhất của nhà hàng đang lăng xăng làm việc, anh Việt mỉm cười nói nhỏ: “Pay it forward.”

    “Pay It Forward” là tựa đề một cuốn phim phát hành năm 2000 nói về sự đền ơn và trao tặng sự tử tế cho người khác chứ không cần trả ơn người đã giúp mình vì chưa chắc họ đòi hỏi.

    Khi hỏi nếu có thêm người Afghanistan cần việc trong lúc The Recess Room đủ người rồi thì sao, anh Việt cười: “Tôi vẫn mướn họ nhưng để họ làm bên nhà hàng Good Vibes của mẹ tôi ở Huntington Beach.”

    Anh Izhar nói về nguyện vọng của mình: “Khi ổn định xong, tôi sẽ học nói tiếng Việt Nam thật giỏi để nói lời cảm ơn những người giàu lòng nhân đạo đã giúp gia đình tôi bằng tiếng mẹ đẻ của họ.”

    Sau nữa, anh muốn học ngành y tá. “Xưa nay, tôi chỉ thích giúp người khác,” anh Izhar chia sẻ. [qd]

    /* nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-sa...n-afghanistan/

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:27 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh