Register
Page 1 of 5 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 42
  1. #1
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367

    Mười phút nữa có chuyến xe lửa kế tiếp từ Ba Lan



    Người di tản ở nhà ga Bá Linh
    Mười phút nữa có chuyến xe lửa kế tiếp từ Ba Lan đến

    Hầu hết những người chạy giặc từ Ukraine sang Đức đều tới Bá Linh. Tìm giường ngủ, thông dịch: mọi thứ đều do những người thiện nguyện tự tổ chức, chẳng phải cơ quan chính phủ.

    Lenz Jacobsen
    5 tháng Ba 2022


    Một chuyến xe lửa chở người tị nạn từ Ukraine đến nhà ga chính thủ đô Bá Linh ngày 3 tháng Ba. Hình ảnh: © Annegret Hilse/Reuters

    Những cánh cửa rộng mở đón chào. Vào rail&fresh WC trong nhà ga Bá Linh tiểu tiện hoàn toàn miễn phí. Một người phụ nữ trong bộ cánh nhân viên an ninh của nhà ga cứ vài phút là nói to lên: "No money heute". (No money: tiếng Anh là "miễn phí", heute: tiếng Đức là "hôm nay" ). Và như thế dòng người cứ chen chân qua cây cản với các chiếc valise bành ky và các chiếc áo khoác dày cộm, bồng con trên tay hoặc dẫn đi dưới đất. Đến tới bồn rửa mặt, họ rửa đi những dòng mồ hôi trên các khuôn mặt mệt mỏi, rồi lại tiếp tục hành trình.

    Theo dòng người tản cư nổi trôi từ Ukraine, cuộc chiến không tràn tới nước Đức, nhưng hậu quả của nó. Bá Linh là thành phố lớn đầu tiên trong cuộc Tây tiến từ Ukraine, và nhà ga chính của Bá Linh trở thành trung tâm chạy giặc hàng loạt, sẽ là cuộc tản cư vĩ đại nhất mà từ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Liên Âu cho đến Hạ nghị viện chính quyền Bá Linh miêu tả.

    Mọi thứ ở nhà ga lúc nào cũng trong tình trạng tất tả, đặc biệt là nhà ga chính của thủ đô Bá Linh với 5 tầng đan xen các bến đổ. Giờ lại thêm hàng ngàn người tị nạn (hôm thứ Năm đã có 6000 người đến cặp bến) và hàng trăm người giúp đỡ chen chân tại các chiếc thang cuốn và các lối đi. Chính quyền Bá Linh và kiểu cách hành chánh cứng ngắc của họ dường như vẫn còn tàng hình, cho nên ai làm được gì thì cứ việc làm cái đó. Nhà ga trở thành một cái tả-pín-lù.

    Trên chiếc thang cuốn dẫn tới cổng xe lửa số 14, nơi chuyến xe lửa kế tiếp sẽ cặp bến, có một vợ chồng ông Hickel đứng đợi sáng thứ Sáu hôm nay, cả hai trạc lục tuần. Trông họ khá nôn nóng mà cũng điểm nét mệt mỏi. Hồi ba giờ khuya nay họ trèo lên xe hơi từ tư gia ở Merseburg gần Leipzig chạy vội đến biên giới Ba Lan, vì nghe rằng chiếc xe lửa sẽ ngừng ở đó. Lúc 4 giờ sáng họ lại quay đầu xe, chuyến xe lửa sẽ chạy thẳng đến Bá Linh luôn. Rồi họ còn một tiếng ngủ vội, sau rốt họ đứng đây trông chờ dòng người họ chưa bao giờ thấy.

    Bà Hickel nói: "Một phụ nữ, hai đứa con và một con mèo". Là gia đình của một giáo sư đại học ở Kyiv, "còn ông giáo sư giờ đang ngồi dưới tầng hầm và bị dội bom rầm rì trên đầu". Ông bà Hickel quen ông giáo sư kia, vì đại học ở Merseburg có kết nghĩa kim lang với đại học Kyiv của ông giáo sư đó. "Họ từng tới chỗ tụi tôi ở Merseburg chơi hoài mà," bà Hickel nói. Thế bà trò chuyện với họ bằng ngôn ngữ gì cơ? Người phụ nữ ném tia nhìn bất mãn: "Trời, thì dĩ nhiên là bằng tiếng Nga chứ tiếng gì."

    Đúng là ngốc nghếch mà. Những người này nói tiếng Nga như làu sáu câu vọng cổ, họ học thứ tiếng đó thời Đông Đức ngày xưa. Những người giúp đỡ thiện nguyện, chắc phải đến hơn trăm người có đeo một miếng dán trên tấm áo cảnh giác của họ, trên miếng dán có ghi tên họ và ngôn ngữ mà họ thông thạo. Thấy ghi "Eng/Ru" trên đó, hay là "De/Fra".

    Trên tấm áo cảnh giác của anh Alex Reddies còn có thêm một miếng dán màu vàng và một miếng dán màu xanh da trời. Reddies chọn cho mình chỗ đứng ở ngay dưới chân thang cuốn, phía sau có cái bản vẽ hình cờ Ukraine tổ bố, rồi cứ mỗi khi có các gia đình với con nhỏ đi ngang, anh lại thò tay vào túi xách và lấy ra một con thú nhồi bông phất phất. Một con gấu xanh nhỏ cho cháu bé đang bồng trên tay một người mẹ, một con mèo nhồi bông cho cậu nhỏ đang ngồi trong chiếc buggy. Reddies nói "Hab‘ ick im Sozialkaufhaus jekooft" (tui mua trong tiệm tạp hóa xã hội nè; ghi chú, là các tiệm bán hàng rẻ second hand). Reddies đã đứng liên tiếp ở đây đến ngày thứ tư rồi. Nhưng anh không muốn nói vụ đó, "Nói về mình làm gì", anh nói, "Đơn giản là chúng tôi thứ gì cũng làm, làm được gì thì làm cái đó. Mình có cố gắng thì may ra những người chóp bu mới rục rịch làm cái họ cần làm". Vậy họ cần làm điều gì? Reddies trả lời: "Hòa bình".

    Ở sâu bên dưới nhà ga, ở tầng hầm, là trái tim của trung tâm bến đổ dã chiến. Trên những chiếc bàn dài chất đống tã trẻ con, sà phồng gội đầu và băng vệ sinh cho phụ nữ. Ngoài ra có các giàn treo áo khoác ngoài của đàn ông và từng đống áo lain, quần dài, rồi có một công ty viễn thông đứng phát miễn phí thẻ sim, và ở một góc kế tiếp có hàng loạt bánh sandwiches chờ đến tay người đói bụng, được phân loại ngăn nắp theo pork, cheese veggie. Tuốt đằng sau phía bên trái theo lối sang trạm xe buýt có chị Romy Fieler, 29 tuổi, đang quỳ nhỏm người xếp áo trẻ sơ sinh. Chị Fieler cũng có ba đứa con và lần đầu tiên sáng nay chở đến một thùng đồ chơi thiệt lớn. Cô nhìn vào thùng đồ chơi và nói "Tụi mình cứ đơn giản tự giúp đỡ thôi, chúng ta không thể cứ ngồi đợi cho đến khi chính quyền làm chuyện này".

    Bức tường sau lưng chị có dán mảnh giấy ghi "Children's Corner", góc trẻ con. Ngay dưới đó dán cả đống hình ảnh cho trẻ con nào hình con cá nhiều màu, hình cầu vồng thất sắc, một con búp bê đan móc buồn bã. Đồ chơi Lego và các chiếc xe hơi nhỏ chất đống trên những tấm chăn màu sắc, các hộp đầy ắp viết chì màu để trên các chiếc bàn dài lấy từ quán bia. Một một bé trai nhỏ nhặt tới nhặt lui như chừng cháu không biết phải chọn chơi món nào. Một người phụ nữ ngồi bên cạnh với đôi mắt quầng thâm có lẽ là mẹ đứa bé thỉnh thoảng rời mắt màn hình chiếc điện thoại cầm tay nhìn sang trông đứa bé.

    Ở lối phía đối diện theo hướng xuống xe điện ngầm, tụ họp đứng sau một dây nylon ngăn lại tất cả những người thiện nguyện muốn nhận người tị nạn về tư gia. Ví dụ như Shaw Coleman, một khiêu vũ gia sinh trưởng tại Úc, đã sống tại Đức 15 năm. Anh Shaw có 2 con nhỏ, vợ anh sinh ở Ba Lan. Rạng sáng thứ Sáu anh đã nhận một gia đình về tư gia cho vào phòng cho khách ở: "Họ mừng rỡ lắm vì sau 4 ngày đường mới được tắm rửa!" Anh đã hứa chứa thêm một gia đình vào ngày mai, nhưng bây giờ anh lại đến đây đứng nữa, vì nhà anh vẫn còn đủ chỗ.

    Ai đứng ra tổ chức ngần thứ ấy? Một nhóm 15 anh chị tổ chức điều hợp tất cả đâu vào đó. Họ gặp gỡ nhau trên mạng Telegram, tất cả tự nguyện, chẳng có cắc nào, mà ai lại trả tiền cho họ chứ. Họ chia phiên trong nhóm họ luôn luôn phải có mặt ít nhất một anh hoặc một chị thường trực ở nhà ga, thường thì 2, 3 người. Cũng có thể băt chuyện hỏi họ vụ nhà nước đâu mất tiêu, nhưng họ dè dặt lắm. Một người trong nhóm họ nói, "Nếu nhà nước chủ động sớm một tí thì hay quá rồi còn gì". Nhưng chị phát biểu đó và những trong nhóm họ cũng không muốn đụng chạm với chính quyền, vì lẽ đó họ có vẻ kiệm lời chỉ trích. Một phần thực phẩm được phân phối ở đây dường như do nhà nước cung cấp. Một chị trong nhóm tổ chức cho hay, vài ngày tới nhà chức trách sẽ "đảm nhận dần dần" công tác phục vụ tại đây. Nhưng cho đến nay cái vụ dần dần có vẻ chưa thấy chi. Theo một công văn nội bộ mà tờ báo DIE ZEIT có được từ hành chánh hạ nghị viện, họ muốn lập một trạm thông tin tăng cường trong nhà ga. Hôm thứ Sáu thì lướt qua cục diện ở hiện trường, có vẻ cái điểm thông tin này chưa thấy có tích sự gì. Ngày 8 tháng Ba trạm thông tin sẽ được dời ra lều dã chiến dựng trước nhà ga.

    Cũng như nhiều người khác khi được hỏi, anh Coleman cũng hơi ngạc nhiên rằng nhà chức trách ngay tại nhà ga này tàng hình quá mức, mọi thứ đều được những người thiện nguyện tự biên tự diễn. Anh Coleman cười và dí dỏm: "Vụ này hơi thiếu tính cách người Đức". "Nhưng vậy thì cũng thấy giống người hơn". Anh quan sát thấy rằng, "người Đức có thói quen ỉ lại nhà nước lo tất cả việc xã hội, nên người ta không phải làm gì cả, vì chính phủ đã làm hết rồi", cho nên anh càng cảm động hơn khi nhìn thấy nhiều người tự đứng ra giúp đỡ mà không phải là nhà chức trách. "Điều này khiến mình cảm động muốn khóc".

    Trong khoảnh khắc đó có tiếng phụ nữ gọi ào ào từ một chiếc megafone. Đó là chị trưởng ban phân phối chỗ tá túc, chị ấy cũng là một tình nguyện viên, trong chiếc váy dài màu tím và chiếc áo cảnh giác cứu trợ không tay màu vàng. Cô nói vào đám đông đứng chờ: "Ô kê, bây giờ tôi có một người phụ nữ trẻ tuổi, nói được tiếng Anh, trước hết chỉ muốn xin tá túc ngủ vài tiếng đồng hồ thôi", cô nói to. Anh Shaw giơ tay lên liền, với anh thì giúp một gia đình có con nhỏ hay hơn, vì tại tư gia đã chuẩn bị đầy đủ hết. Nhưng thôi kệ, quan trọng là giúp được ai cũng giúp cả. Chị cầm loa nói, "ô kê qua đây đi", anh Shaw bước qua sợi dây cản và những người đang đứng chờ giúp, chắc khoảng hơn chục người, vỗ tay rầm rầm.


    Anh Shaw Coleman người Bá Linh và người phụ nữ trẻ tên Marina chụp tại nhà ga chính Bá Linh

    Cô gái trẻ, người chỉ muốn ngủ, tên là Marina. Cô múc một miếng kem McDonald bằng chiếc muỗng nhựa nhỏ, cô trông yếu ớt sau một chuyến hành trình dài. Marina bỏ chạy từ Krywyj Rih, một thành phố lớn ở miền Đông Nam Ukraine. Cô không biết là đã hành trình bao lâu rồi. "Tôi đơn giản là quá sợ bom đạn". Khi đã lên xe lửa, cô đã nghe tiếng dội bom đầu tiên. Cha cô không muốn đi, mẹ cô còn ở Charzysk, là một thành phố xa hơn nữa bên miền Đông ở Donbass, là nơi mà Putin đã bắt đầu cuộc chiến từ năm 2014, cũng là nơi tụi lính Nga đã vào sâu lắm rồi. Marina kể lại, "Chiều hôm kia tôi nói điện thoại với mẹ lần cuối, bây giờ không biết mẹ ra sao". Thế bây giờ cô muốn làm gì ở Bá Linh, là nơi mà cô chưa từng đặt chân đến? "Tôi không biết, tôi không thể nghĩ được gì đến chuyện ngày mai cả, trước hết tôi phải ngủ cái đã".

    Giữa cổng xe lửa số 7 và số 6 là nơi tập trung các tình nguyện viên nam nữ mới. Ở đó có thông tin khi nào những chuyến xe lửa từ Ba Lan trực chỉ đến nơi (gần như mỗi giờ có một chuyến), ở trạm này anh Dominik trấn giữ, đầu đội mũ lain đen, râu ba ngày chưa cạo, cứ vài ba phút anh lại gọi loa: "Tất cả native speaker hãy tập trung về trạm!" "Thiên hạ không biết đường mò đâu. Các anh chị hãy chia nhau đến trấn giữ các nút chuyển hướng, ở khu vực thang cuốn, tiếp tục vậy vậy đó. Hỏi họ nếu không có chỗ tá túc thì hướng dẫn họ đến xuống tầng hầm đến khu vực Private housing! Các anh chị có làm được không?". Cả đám tình nguyện viên gật gù được được. "Hết xảy, vậy mình lên đường đi!". Các anh chị nam nữ tình nguyện viên trước đó có thể ghi danh online muốn hỗ trợ ca nào, việc điều hợp sẽ đơn giản hơn.

    Nếu đi theo cầu thang sau góc thiếu nhi lên trên, không những dẫn đến trạm các xe buýt của công ty đường sắt Đức quốc đi thẳng Ba Lê, mà cũng đến ngay các trạm xe buýt màu vàng đặc trách chở thẳng người tị nạn đến trung tâm ghi danh ở Reinickendorf. Nhưng đa số người tị nạn không có đi lên cầu thang phía đó. Và chỗ ở của chính quyền cung cấp còn lâu mới đủ.

    Vì thế trước hết là trông đợi vào những tấm lòng vàng. Anh Dominik lại nói to vào loa: "Chiều từ 6 giờ trở đi và sáng khoảng 7 giờ mình cần thêm nhiều nativ speaker nhe các bạn!". Phía sau mảnh dây cản, khu vực private housing, nơi anh Shaw khi nãy đứng, đã có thêm nhiều người khác đến giúp nữa. Và bên tầng trên, ở khu vực cổng xe lửa số 14, nơi anh Alexander Reddies đứng đợi người tị nạn với các con thú nhồi bông, cứ 10 phút là có một chuyến xe từ Ba Lan cặp bến.


    /* dịch lại tiếng Việt từ nguồn: https://www.zeit.de/gesellschaft/zei...of-freiwillige

    Last edited by Triển; 03-05-2022 at 05:39 AM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  2. #2
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,211
    Khóc - sắp đến 30 tháng 4 - những hình ảnh mẹ địu con giòng người rồng rắn, xác chết tiếng bom - dù chỉ qua màn hình mà sao đau đớn quá - Phụ nữ và trẻ con - biệt ly biết bao giờ tái hợp.
    Mong bình an mau đến - Những tấm lòng nhân ái sẽ loại trừ đi con quái thú mê quyền lực -

  3. #3
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,595
    Rủi nhưng mà đỡ tủi. Cũng còn được đón nhận chứ không bị hắt hủi như đám người tỵ nạn khác.

    Có một lần mất nước
    Mới thương người luân lạc
    Có một thời chiến tranh
    Mới hiểu được bình yên…

    (Đời xanh vàng)

  4. #4
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by Ngô Đồng View Post
    Khóc - sắp đến 30 tháng 4 - những hình ảnh mẹ địu con giòng người rồng rắn, xác chết tiếng bom - dù chỉ qua màn hình mà sao đau đớn quá - Phụ nữ và trẻ con - biệt ly biết bao giờ tái hợp.
    Mong bình an mau đến - Những tấm lòng nhân ái sẽ loại trừ đi con quái thú mê quyền lực -
    Chị NĐ, Ukaine có lẽ sẽ mất vào tay tên đồ tể khốn nạn kia. Nếu chồng, con trai, anh em họ còn sống sẽ gặp lại thời gian tới trong chương trình đoàn tụ gia đình. Ukraine sẽ có một chính quyền bù nhìn. Một Ukraine đáng thương.
    Last edited by Triển; 03-05-2022 at 10:23 PM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #5
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Rủi nhưng mà đỡ tủi. Cũng còn được đón nhận chứ không bị hắt hủi như đám người tỵ nạn khác.

    Có một lần mất nước
    Mới thương người luân lạc
    Có một thời chiến tranh
    Mới hiểu được bình yên…

    (Đời xanh vàng)


    Đúng vậy, đời xanh vàng, đời ốc cũng vàng (Ốc Bươu, có nhà cao cửa rộng), nhưng đời mấy anh này là đen thui... Rây xi dâm!

    Có rủi nhưng quá tủi.

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  6. #6
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,595
    Trong cái rủi nó có cái hay:

    Here at the Polish-Ukrainian border, I see nothing but humanity towards refugees
    https://www.theguardian.com/commenti...anity-refugees

    Polish people are hosting Ukrainians in their apartments, driving them to places, or simply giving them money to cover basic needs.

    When I hopped on a train from Kraków to Przemyśl, a small Polish town near the Ukrainian border, I expected to be confronted with a humanitarian catastrophe, produced by a million people fleeing their homes due to war. But what I saw was instead the best of humanity.

    Sadly, not all Poles have been as generous and there have been reports of far-right violence against non-white refugees, chanting “go back to your country”. According to reports, three Indians were beaten up, leaving one of them having to be taken to hospital. But this should not be seen as representative of Poland’s response, and the compassion they have shown my fellow country people.

    As I moved from one room to another at Przemyśl station, I stopped to chat to a woman who was visibly distressed. She refused to speak on the record. Her son, who looked about seven, turned to me, however, and asked: “Has the war ended?”

    I felt as if I had been punched in the stomach. “It will, very soon,” I told him, gently, as if there was anything else I could have possibly said. “Very soon, we will all be home.” The little boy seemed, in that moment, to believe me.
    Nước non còn đó một tấm lòng không mờ xóa cùng năm tháng
    Mấy ai ra đi hẹn ngày về…

    (Mấy dặm sỏn khê)

  7. #7
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Trong cái rủi nó có cái hay:

    Here at the Polish-Ukrainian border, I see nothing but humanity towards refugees
    https://www.theguardian.com/commenti...anity-refugees



    Nước non còn đó một tấm lòng không mờ xóa cùng năm tháng
    Mấy ai ra đi hẹn ngày về…

    (Mấy dặm sỏn khê)

    Hôm qua nghe BBC đồn rằng, Moldova, một quốc gia nghèo rách mồng tơi giữa nách Ukraine và Lỗ Ma Ni, nhưng hằng ngày phải đón tiếp hàng ngàn người tị nạn chiến tranh từ Ukraine, đã cầu cứu. Bà tân ngoại trưởng Đức công du sang đấy hứa hốt ngay 2500 người. 25 ngàn người thì còn được, chứ 2500 người thì như Dã Tràng xe cát.
    Tin "nội bộ" rớt về dồn dập. Thủ đô Bá Linh cũng thất thủ như xứ nghèo Moldova, chính quyền sở tại của thủ đô đã hết chỗ, yêu cầu các tiểu bang trên nước Đức đồng chia nhận người tị nạn. Cũng hôm qua báo chí lại đồn rằng không những xăng dầu cho xe ăn lên giá nhanh như tằm ăn lên, mà dầu cải, dầu hoa Hướng Dương cho người ăn cũng tăng ào ạt, vì đường nhập từ Ukraine bị hụt. Dân Đức hai năm trước trữ giấy vệ sinh, bây giờ họ trữ dầu cho người ăn. Siêu thị giờ mỗi người chỉ được mua tối đa bốn lít dầu ăn. Khủng hoảng đã đến sát nách rồi.
    Last edited by Triển; 03-13-2022 at 10:24 PM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  8. #8
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,595
    Bên Đức bây giờ xài dầu olive chắc rẻ hơn dầu hướng dương. Đi chợ Đại hàn thấy dầu cám gạo (rice bran oil) còn mắc hơn giá một bình xăng bên Ca li.

    Thời này cái cũng tăng, trừ beer Bitburger và đậu hũ Thanh sơn vẫn giá cũ. Chắc hồi nào giờ họ bán giá cao lời khẩm địa rồi nên lúc lạm phát bán theo giá cũ cũng có lời.

    Năm ngoái công ty làm việc xìu xìu ển ển nhưng phần vì nhân viên kéo nhau đi kiếm việc chỗ khác, phần cũng vì lạm phát hơi nhiều, nên xếp phải tăng lương mạnh tay cho đám nhân viên còn ở lại. Vậy mới tíu lâm, khi làm quần quật thì hổng được lên lương nhiêu, chừng rãnh hơn làm tà tà thì xếp lại hào phóng. Sẽ rút kinh nghiệm. Nhàn cư vi rất tiện.

  9. #9
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Bên Đức bây giờ xài dầu olive chắc rẻ hơn dầu hướng dương. Đi chợ Đại hàn thấy dầu cám gạo (rice bran oil) còn mắc hơn giá một bình xăng bên Ca li.

    Dầu Ô-liu Ý chế, nhưng dầu Ô-liu không thể chiên xào. Hạng nhất người Á Châu mình chuyên môn thích để dầu thiệt nóng rồi bỏ rau, thịt vào xào nhanh để giữ sinh tố của rau. Ô-liu nóng đến 180°C là cháy và độc hại.
    Có mánh mới là chuỗi siêu thị thực phẩm Kliver. Chuỗi này gốc Nga, nên dầu không có thiếu. Có thể vào đó mua dầu ăn nếu các tiệm Đức bị hụt hơi.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #10
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,595
    Đang thời chiến mà chiên xào chi mất công. Rau củ cứ luộc sơ hay nướng lò, xong rồi trộn với dầu olive.

    Chay thời loạn, mặn thời bình.

 

 

Similar Threads

  1. Sống Mười Điều Lành
    By Kiên Bùi in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 0
    Last Post: 11-21-2020, 02:16 AM
  2. Tháng Mười Hoa Cúc - Thùy An
    By phamanhdung in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 10-01-2019, 06:18 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 05-08-2016, 12:39 AM
  4. Một chuyến đi Việt Nam
    By TiNi in forum Du Lịch
    Replies: 0
    Last Post: 01-22-2013, 10:19 AM
  5. 2 mẹ con trong 3 phút có Ubuntu 12.10
    By Triển in forum Học Hỏi - Hỏi Ðáp Vi Tính
    Replies: 1
    Last Post: 01-19-2013, 05:49 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:54 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh