Cuộc đời tình duyên của Vua Duy Tân

©Mathilde Tuyết Trần,
France 2019

Trong số các vua nhà Nguyễn của lịch sử Việt Nam cận đại thì có ba vua có vợ là người Pháp, đó là vua Hàm Nghi, vua Duy Tân và vua Bảo Đại. Vua Hàm Nghi êm ấm trong tháp ngà với người vợ duy nhất. Cuộc đời tình duyên của vua Bảo Đại đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí đương thời. Chỉ có vua Duy Tân còn là một ẩn số kể từ khi nhà vua bị Pháp đày đi đảo La Réunion sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Thái Phiên và Trần Cao Vân từ năm 1916, lúc nhà vua chỉ mới 16 tuổi, tuổi thật của vua Duy Tân khi ấy là 17 tuổi.

Về đoạn đời của vua Duy Tân từ lúc được Pháp chọn lên ngai vàng kế vị vua Thành Thái cho đến khi đi đày đã có nhiều tác phẩm viết qua chuyện kể lại, tài liệu lưu trữ, nhưng về đoạn đời trong những năm tháng lưu đày của vua Duy Tân từ 1916 đến 1945, từ lúc 17 tuổi đến 46 tuổi, lúc nhà vua tử nạn máy bay trên đường từ Paris về đảo La Réunion thì chưa có tác phẩm nào nghiên cứu trọn vẹn đầy đủ cả.

Tác giả bài viết này dựa trên những lời kể của hoàng tử Nguyễn Phước Bảo Ngọc tức ông Georges Vinh San, trưởng nam, và bà Suzy Vinh San, trưởng nữ của vua Duy Tân và một số tài liệu tại hải ngoại, trong đó có cuốn sách viết về vua Duy Tân của ông Nguyễn Phước Bảo Vàng tức ông Claude Vinh San. Các nhân vật này và hậu duệ của vua Duy Tân còn sinh thời, nên mọi thông tin, chi tiết viết về vua Duy Tân đều phải rất cẩn thận, không được sai với thực tế.

Sử sách ghi chép rằng khi tới đảo La Réunion đi đày theo vua Duy Tân, thì mẹ của vua Duy Tân là bà Tài Nhân Nguyễn thị Định, cô em gái Lương Nhàn, và vợ mới cưới của vua Duy Tân vào ngày 30.01.1916 là bà Mai thị Vàng, và cho biết, vì không hợp khí hậu nên chỉ sau một thời gian ngắn ở đảo, đến đảo ngày 20.11.1916 trên chuyến tàu Guadiana nhưng trong năm 1917 cả ba bà đã được người Pháp cho trở về Việt Nam, để vua Duy Tân một mình ở lại đảo và không biết đến bao giờ gặp lại, không biết đến bao giờ mới được Pháp cho về nguyên quán.

Như thế, một bà vương phi không theo chồng ? Không chung sống với chồng và không có cơ hội gặp lại chồng ? Câu hỏi này không ai đặt ra, có thể không ai quan tâm đến, hay cho là « tò mò » đời tư của vua. Chỉ biết rằng, bà Duy Tân tức Vương phi Mai thị Vàng, trở về Huế ở vậy suốt đời.

Phần vua Duy Tân, một thiếu niên 18 tuổi, đã nhiều lần viết thư về Huế để chính thức ly hôn với bà Mai thị Vàng cho phép bà đi lấy chồng khác, nhưng đều bị Tôn nhơn phủ và bà Vàng từ chối. Kết quả là hai người trên nguyên tắc vẫn là vợ chồng với nhau.

Tại sao vua Duy Tân lại để vợ đi về và còn đòi được ly hôn ?

Trả lời cho câu hỏi này tức là đi vào thâm cung bí sử, một bí mật của hoàng cung không hề được tiết lộ. Một tài liệu mật của Pháp trong tay của ông Georges Vinh San cho rằng, bà Mai thị Vàng bị vua Thành Thái xâm phạm, cho nên vua Duy Tân mới giận dữ nghi ngờ bỏ vợ, lánh cha. Điều này có đúng hay không, hay là một kế ly gián thâm hiểm của người Pháp đổi với hai vị vua chống Pháp như Pháp đã từng lập « hồ sơ đen » về vua Thành Thái khi nhà vua còn tại vị ở Huế, thì xin để thời gian về sau trả lời. Có lẽ vua Duy Tân biết đời mình lao đao, muốn trả lại tự do và êm ấm bình an cho mẹ, em gái và người vợ mới cưới ?

Bà Mai thị Vàng vốn là con gái của quan phụ đạo Mai Khắc Đôn, người miền Nam, được vua Duy Tân « nạp phi » để trả ơn thầy đã dạy vua. Bà Vàng có tiếng là « tuy không đẹp lắm nhưng có đức hạnh». Trước đó, vua Duy Tân đã yêu tiểu thư họ Hồ, con gái của quan thượng thư Hồ Đắc Trung.

Có thể kể cuốn Vua Duy Tân 1916 của Nguyễn Trương Đàn tổng hợp đã viện dẫn lá thư viết ở Cửa Tùng của vua Duy Tân ngày 23.11.1915 và chuyện tình của vua Duy Tân vởi tiểu thư họ Hồ cùng với việc nhà vua cưới gấp con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn dù là không yêu, cũng chưa có thời gian tìm hiểu. (Trang 192-196). Lý do được đưa ra là vì vua Duy Tân muốn tránh cho tiểu thư họ Hồ và cả gia đình một sự liên hệ đến nhà vua, mà sau này Hồ Đắc Trung lại cứu vua thoát khỏi tội chết, chỉ bị đi đày ở đảo La Reunion cùng với vua cha là Thành Thái. *)

Khi đặt chân lên đảo, vua Duy Tân đã tỏ rõ ý chí tự lập và tiến bộ, khác với vua Thành Thái tỏ thái độ bất hợp tác, sống biệt lập và không cho con cái đi học trường tây, vua Duy Tân thuê nhà ở riêng, một mình, và hòa mình vào cuộc sống với xã hội, với người dân trên đảo, tiếp tục học xong bằng cử nhân luật và thâu thập những kiến thức khác.

Vua Duy Tân, không những đã viết thư nhiều lần về Huế, để đòi ly hôn với bà Mai Thị Vàng, mà còn viết nhiều thư bằng tiếng Pháp cho nhà cầm quyền ở đảo đòi ly hôn. Theo luật hôn nhân của Pháp thì chỉ được một vợ một chồng, dủ rằng vua có quyền nạp nhiều phi theo tục lệ thời ấy, mà vua thì sống ở đảo, trên đất Pháp, cho nên không thoát ra được luật pháp hiện hành của Pháp.

Vua Duy Tân không thể ly hôn được với bà Mai thị Vàng, tức là không thể lấy vợ khác, tất cả các con sinh ra đều là con ngoại hôn của « vợ » không có hôn thú, mang họ mẹ. Điều này cắt nghĩa vì sao những người con của vua Duy Tân mãi đến năm 1946 mới được chính quyền Pháp nhìn nhận và cho mang họ của cha sau khi vua Duy Tân bị tử nạn máy bay ở Cộng Hòa Trung Phi năm 1945. Nhưng vì không thông hiểu cách đặt tên của hoàng tộc nên các con của vua Duy Tân mang họ cha là « Vĩnh San », viết theo tiếng Pháp không bỏ dấu là « Vinh San », cũng không có tước vị hoàng tử hay công chúa.

Ban đầu, vua Duy Tân có quan hệ với bà Anne-Marie Viale và sinh ra một người con trai tên là Armand Viale sinh năm 1919.

Sau đó, khoảng năm 1927, nhà vua gặp một người con gái mới 14 tuổi, nhỏ hơn vua 13 tuổi, con của một người bán cơm, nấu cơm tháng cho thanh thiếu niên hay đến cửa hàng này ăn cơm, bà Fernande Antier.

Cuộc tình duyên này kết tụ lâu dài và đã đem đến cho ông tám người con, bốn trai bốn gái, nhưng bốn người mệnh yểu qua đời sớm, đó là Thérèse (1928), Solange (1930), André (1935) và Ginette (1940), bốn người còn sống là Suzy (1929), Georges (1933), Claude (1934) và Roger (1938).

Sau khi chia tay với bà Fernande Antier, nhà vua có với bà Ernestine Yvette Maillot một người con gái út đặt tên là Andrée Maillot sinh năm 1945, là lúc nhà vua tử nạn trên đường bay về với gia đình vào dịp Giáng sinh, không kịp nhìn mặt đứa con gái út.

Bà Andrée qua đời năm 2011 vì bị mưa lớn đá lở sập đè trong vườn nhà.

Ông Claude Vinh San thọ 82 tuổi, qua đời năm 2016. Còn sống ngày nay có ba người ở Pháp, đã thọ trên 80 tuổi là bà Suzy Vinh San, ông Georges Vinh San và ông Roger Vinh San. Riêng ông Roger Vinh San có về Việt Nam sinh sống vài tháng ở Nha Trang, vài tháng lại ở Pháp.

Sau năm 1945 người Pháp cho phép cả hai gia đình Thành Thái và Duy Tân thoát khỏi cảnh đi đày, một phần gia đình vua Duy Tân về sinh sống trên đất Pháp. Bà Fernande Antier cũng theo con gái là Suzy Vinh San rời đảo, sau một thời gian sinh sống ở Madagascar, cuối cùng về Pháp lục địa sinh sống.

Bà Antier sau khi chia tay với vua Duy Tân cũng ở vậy cho đến khi qua đời ngày 12.02.2005, thọ 92 tuổi. Bà là người vợ duy nhất của vua Duy Tân đã có dịp về thăm quê chồng, mộ chồng ở Huế vào tháng 4 năm 1987.

Tôi có duyên được đến thăm bà Suzy Vinh San tại nhà riêng ở làng Ruffec thuộc địa phận Charente và được bà mời đi thăm mộ mẹ, bà Fernande Antier, ở cách đó không xa. Đó là một ngôi mộ gia đình bằng đá xám, nơi an nghỉ của bà Antier, vợ vua Duy Tân, và chồng bà Suzy song song. Tiết trời lại vần vũ chuyển mưa. Chồng một nơi, vợ một nơi, lúc chết cũng không được xum họp. Ước nguyện của bà Antier năm nào được an táng bên cạnh lăng mộ vua Duy Tân ở An Lăng có được thực hiện?


Bà Antier trong lần về Huế – Ảnh tư liệu gia đình Duy Tân Vĩnh San


Bà Antier và vợ chồng ông Roger Vinh San trong lần về Huế – Ảnh tư liệu gia đình Duy Tân Vĩnh San


Công chúa Suzy Vĩnh San lúc còn trẻ – Ảnh tư liệu gia đình Duy Tân Vinh San


Ngôi nhà của công chúa Suzy Vĩnh San, nơi bà Antier đã sống lúc sinh thời – Ảnh: MTT2019


Ngôi mộ bà Fernande Antier, vợ vua Duy Tân tại Pháp – Ảnh: MTT2019


/* nguồn: https://mttuyet.com/2020/02/29/cuoc-...a-vua-duy-tan/