Chương 25


Cha Tổng Hoàng Quỳnh - Một linh mục - Một đồng chí cách mạng



Trong suốt cuộc đời tranh đấu vì Thiên Chúa và Tổ Quốc, tôi quên sao được những kỷ niệm hào hùng nhất là thời đấu tranh sát cánh với Cha Hoàng Quỳnh, một linh mục rất đáng kính phục, một đồng chí cách mạng thật anh hùng, can đảm và đầy mưu lược, một anh em trong tình huynh đệ Hướng Đạo Việt Nam.

Tôi được hân hạnh cùng sinh hoạt Thanh Niên Công Giáo khi ngài là chánh xứ Khoan Dụ trên miền rừng núi phía Bắc tỉnh Ninh Bình, cũng như thời gian ngài về Phát Diệm nhận chức Tổng Tuyên Úy phong trào Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành địa phận Phát Diệm, rồi những ngày cùng nhau vác bị, chống gậy đi trại bay hướng đạo, thám du trong rãy núi Hoàng Sơn ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

Trong một ngày cắm trại ở núi Con Trâu, ở Nga Sơn, nơi có câu sấm của Trạng Trình: ‘Khi nào Trâu đứng giữa đồng, Mẹ con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi’, tôi đã nhận lời hứa hướng đạo Công Giáo của cha tuyên úy Hoàng Quỳnh, đặt tay trên cờ hướng đạo mà hứa’; ’Nhờ ơn Chúa, tôi xin lấy danh dự mà hứa: phụng sự Thiên Chúa, Giáo Hội và Tổ Quốc, giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào và tuân theo luật hướng đạo’.

Chính trong những trại hướng đạo này chúng tôi đã có dịp thảo luận với nhau về lời hứa phụng sự Tổ Quốc của Hướng Đạo Công Giáo, chúng tôi đã đặt thành vấn đề là hứa phụng sự Tổ Quốc nào đây?

Trong thời Pháp thuộc, lá cờ duy nhất được treo ở trại là lá cờ Tam Tài của Pháp, bài hát quốc ca là bài La Marseiilaise cũng của Pháp luôn! Chúng tôi vẫn thắc mắc về lời hứa Phụng sự Tổ Quốc và chào quốc kỳ, một giải pháp tạm thời được tìm ra là trong một cuộc cắm trại ở Núi Qua Châu, cũng ở Nga Sơn trong rẫy núi Hoàng Sơn, lá cờ vàng tượng trưng cho Tổ Quốc Việt Nam đã được kéo lên cột cờ của trại.

Chúng tôi đã rớm nước mắt chào lá cờ tượng trưng cho tinh thần quốc gia của con người dân đất Việt, và trong tinh thần ấy Cha Quỳnh cùng với chúng tôi đã thảo luận rất sâu rộng về việc phải làm để phụng sự Tổ Quốc Việt Nam, và chúng tôi đã cùng sát cánh với Cha Quỳnh dấn thân vào công cuộc cách mạng dành Độc Lập cho Tổ Quốc và Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc ra đời, và trong tinh thần đoàn kết quốc gia dành Độc Lập cho Tổ Quốc, chúng tôi tự đặt Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc trong Mặt Trận Việt Nam Đồng Minh Hội tức Việt Minh.

Trong suốt quá trình cùng hoạt động với Cha Hoàng Quỳnh, tôi đã có rất nhiều dịp để nghe ngài tâm sự về đời sống linh mục mà tôi nhận xét quả thật ngài là một con người khôn ngoan và thánh thiện mà tôi rất kính phục, trước hết Cha Quỳnh đã kể cho chúng tôi nghe về tinh thần cách mạng của ngài trong đời sống một linh mục ‘an na mít’ trong giáo phận thuộc các cha thừa sai Paris.

Theo thủ tục để lại từ thời Việt Nam bắt đầu được các linh mục thừa sai ngoại quốc tới giảng đạo, các linh mục người ngoại quốc đều được gọi là Cố và các linh mục Việt Nam được gọi là Cụ và khi có một ông Cố mới từ Pháp sang dù còn trẻ tuổi, nhưng theo tục lệ các cha Việt Nam dù già hay trẻ đều phải tới quỳ lạy 3 lạy và Cha Quỳnh là một linh mục Việt Nam đầu tiên chống đối việc lạy các ông Cố Tây này và có lẽ vì thế nên Cha đã bị đầy lên xứ Khoan Dụ, nơi khỉ ho cò gáy ở gần Chinê phía cực bắc của địa phận Phát Diệm.

Mãi cho tới khi địa phận Phát Diệm được độc lập với vị Giám Mục tiên khởi Việt Nam Nguyễn Bá Tòng, và các linh mục thừa sai ngoại quốc rời Phát Diệm vào Thanh Hóa, Cha Quỳnh mới được gọi về Phát Diệm giữ chức tổng tuyên úy Phong Trào Công Giáo Tiến Hành địa phận. Đồng thời ngài nhận lời làm tuyên úy liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu mà tôi là liên đoàn trưởng và cũng từ đây chúng tôi được hân hạnh cùng Cha Quỳnh và anh Trần Ngân tức Bằng Phong thành lập Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc.

Nói về đời sống linh mục của Cha Quỳnh, điều đáng kính phục nhất là ngài sống thật thánh thiện và nghèo khó, tôi còn nhớ mỗi lần đi cắm trại với đoàn hướng đạo ở trong rừng núi, điều chúng tôi luôn luôn nhớ là phải có sẵn đèn pin hoặc đèn bão để cho cha tuyên úy Hoàng Quỳnh đọc sách nguyện, nhiều khi tôi thấy anh em đã ngủ ngon trong lều thì lều Cha Quỳnh vẫn còn đèn sáng, nhìn thấy ngài vẫn còn đọc sách nguyện hay lần hạt mân côi.

Tôi còn nhớ một lần đạp xe đạp từ Phát Diệm lên chiến khu Rịa, xe đạp của ngài bị đứt xích, tới quá nửa đêm mới tới trại, hì hục chữa xe tới 2 giờ sáng mà tới 5 giờ sáng đã thấy ngài đạp xe xuống núi để đến nhà thờ xứ An Ngải, cách Rịa 12 cây số để dâng lễ, và suốt thời gian ở chiến khu không sáng nào ngài không ‘hạ sơn’ xuống xứ ngài dâng lễ rồi lại trèo núi về sinh hoạt với anh em.

Chúng tôi đã nhiều lần ‘cám dỗ’ ngài bỏ chuyện hạ sơn mỗi ngày tức bỏ chuyện dâng lễ mỗi sáng, ngài bảo chúng tôi đừng mất thì giờ ‘cám dỗ’ ngài. Tôi đã có nhiều dịp cùng đi hoạt động với ngài ở Miền Bắc cũng như ở Miền Nam Việt Nam trong nhiều ngày, điều lo lắng của ngài mỗi ngày là sáng mai sẽ dâng lễ tại nhà thờ nào và luôn luôn dành giờ để đọc sách nguyện và lần hạt Mân Côi, điều mà không bao giờ tôi th ấy ngài bỏ sót.

Nói tới chuyện ‘cám dỗ’ cha Quỳnh, tôi nhớ có một lần cùng đi với cha lên Hà Nội để vào gặp Hồ Chí Minh, cha và chúng tôi thường ở trụ sở của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc, số 9 phố Lý Quốc Sử, xế cửa nhà thờ chính tòa Hà Nội, chúng tôi thường đi đến quán Nghệ Sĩ ở góc phố bờ Hồ trước rạp ciné Philarmonic, để thưởng thức những màn trình diễn nhạc cổ điển do nhạc sĩ Diệp chơi vĩ cầm và Lê Văn Khoát chơi đại vĩ cầm.

Cha Quỳnh cũng là người mê nhạc cổ điển tây phương, một hôm trông thấy một phụ nữ Hà Nội trông thật tha thướt và xinh đẹp đi bên hồ Hoàn Kiếm, tôi liền đùa hỏi ngài: ‘Cha trông thấy cô kia có đẹp không?’ Ngài liền ngước mắt lên nhìn rồi trả lời: ‘Quỷ, đừng cám dỗ tao, ừ đẹp thật đấy’, nhiều lần ngài tâm sự với tôi về thái độ của ngài đối với phái đẹp, ngài không bao giờ nhận các cô là ‘con linh hồn’ và nếu các cô có vấn đề gì cần được dẫn dụ thì ngài bảo vào tòa giải tội, hoặc ra giữa nơi đông người để nói chuyện, không bao giờ ngài chấp nhận cho các cô ‘nỉ non’ chuyện này chuyện khác một cách ‘bâng quơ’ có tính cách cám dỗ.

Điều cha Quỳnh áp dụng đối với phụ nữ cũng tương tự như một chỉ thị của Đức Cha Lê Hữu Từ gửi tới tất cả các linh mục thuộc địa phận Phát Diệm, đề ngày 14 tháng 8 năm 1948, trong đó Đức Cha căn dặn các linh mục phải đề phòng các quỷ kế của Việt Minh phá hoại Giáo Hội, ngài viết như sau:

‘Hiện nay đang có một số người tìm hết cách làm hại chúng ta và chính phủ, để gieo mối nghi ngờ giữa chúng ta và chính phủ, để làm cớ bó buộc chính phủ phải làm hại chúng ta và làm mất thanh danh chúng ta. Họ đã thi hành ở một vài nơi trong các địa phận khác ta, mấy quỉ kế này:

1/Dùng chính người công giáo lén lút giấu võ khí, lựu đạn, cờ tam tài, truyền đơn ủng hộ Pháp, phản đối chính phủ, vào nhà xứ, nhà thờ, nhà trường v.v.. rồi đi báo Công an, bộ đội, ủy ban kháng chiến để bắt quả tang.

2/Mạo thư có chữ ký chúng ta gửi cho người này người khác, nói những giọng điệu khiêu khích, đụng chạm đến chính phủ, ủng hộ đảng phái v.v.. rồi liệu cách khôn khéo cho các thư ấy lọt vào tay công an, bộ đội…

3/Dùng người phụ nữ giả vờ đạo đức đến xin dẫn dụ việc linh hồn, đến xin hầu, xin giúp việc này việc khác v.v.. để rồi phao lên tin này tin khác làm mất thanh danh chúng ta.

4/Lợi dụng những cớ rất nhỏ mọn mà chia rẽ giáo dân khỏi chúng ta, hoặc chia rẽ giáo dân khỏi nhau, gieo mối thù oán…

Vậy xin các cha rất cẩn thận đề phòng canh gác. Xin các cha triệt để giữ những điều tôi đã dặn về cách đối xử với phụ nữ. Tránh những cớ có thể sinh ra chia rẽ trong giáo xứ, nếu có điều gì chênh lệch ta hãy cố gắng dàn xếp cho ổn thỏa. Thời thế còn khó khăn lắm và có thể trở nên khó khăn hơn nữa, nên xin các cha khôn ngoan thận trọng và nhất là tăng thêm việc lành phúc đức, ăn ở thánh thiện hơn nữa để xin Chúa và Đức Mẹ che chở chúng ta.’

Chúng tôi thiết nghĩ chỉ thị trên của Đức Cha Lê Hữu Từ gửi cho các linh mục ở Phát Diệm vào thời gian 1948, có thể đem áp dụng ngày nay ở Việt Nam khi Giáo Hội Việt Nam đang sống dước ách độc tài, đảng trị của bọn cộng sản vô thần và Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam ở hải ngoại cùng các linh mục lãnh đạo tinh thần cũng phải đề cao cảnh giác vì những quỷ kế kể trên, bọn cán bộ công sản nằm vùng ở Hoa Kỳ này, có thể đem ra áp dụng để làm suy yếu một lực lượng chống đối cộng sản mạnh nhất.

Có một lần Cha Quỳnh tâm sự rất thẳng thắn với tôi rằng:

Chúng tôi là linh mục nhưng chúng tôi cũng là con người như các anh, cũng có những thèm muốn, những đòi hỏi xác thịt như các anh vậy, chỉ khác một điều là chúng tôi giữ vững lời khấn hứa, xin các anh cùng chúng tôi cám ơn Chúa, nếu nguyện xin Chúa giúp chúng tôi ăn ở lọn lành, giữ được ơn nghĩa Chúa.’

Những lời tâm sự thẳng thắn này của Cha Quỳnh giúp chúng ta thông cảm được các nỗi khó khăn của các linh mục, nhất là khi chúng ta đang sống ở trên đất Tự Do đầy cạm bẫy này.

Trong gần bốn chục năm hoạt động cùng với Cha Quỳnh, tôi kính phục sự thánh thiện, cũng như sự khôn ngoan xử thế và nhất là tinh thần nghèo khó của ngài, và chính nhờ ở tinh thần nghèo khó đó nên ngài đã được mọi người quý mến và khâm phục,

Trong thời gian bị Việt Cộng giam tù ở khám Chí Hòa sau khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cha Hoàng Quỳnh đã phải trải qua một thời gian hết sức cực khổ, vì Cộng sản đã ngăn chặn mọi sự tiếp tế của giáo dân xứ Bình An. Trong ngục tù ngài đã sống gần như trần truồng vì quần áo rách nát hầu hết và tôi đã được nghe kể lại là trước khi chết ngài đã bị đói rét nên bị ám ảnh là làm sao được ‘gặm một đùi gà’. Cuối cùng Cha Hoàng Quỳnh đã chết trong ơn nghĩa của Chúa ngày 16 tháng 2 năm 1977.

Cha Quỳnh đã vác thánh giá của ngài tới cùng, chắc ngài cảm thấy sung sướng vì ngài được chết như Chúa Cứu thế đã chết trần truồng trên Thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ. Xác của Cha đã được chôn trong một ngôi mồ vô danh trong khám Chí Hòa và Cộng sản đã cấm giáo dân xứ Bình An gần Sài Gòn không được làm lễ giỗ ngài vì chúng cho rằng: ‘Hoàng Quỳnh phản bội Tổ Quốc, phản bội nhân dân, nên mất linh hồi rồi, không được làm lễ giỗ nữa’. Đúng là giọng điệu láo khoét của tụi Cộng Sản vô thần!!!

(còn tiếp)