Register
Page 2 of 4 FirstFirst 1234 LastLast
Results 11 to 20 of 36
  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823


    Chương 7


    Lễ ‘trao kiếm’ tượng trưng thần quyền



    Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh ra mắt dân chúng, tại công viên Cột Cờ Hà Nội, đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập và tuyên bố nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, cùng ngày đó tại trước phương đình nhà thờ chính tòa Phát Diệm, hơn 50 ngàn dân chúng họp mít tinh mừng ngày độc lập, nhưng lại được chứng kiến một lễ nghi hơi lạ mắt tỏ ra tinh thần chống cộng sản vô thần một cách cao độ của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc, đó là lễ ‘trao kiếm hiệp sĩ’ cho hai anh Trần Ngân và Nguyễn Đình Minh, lãnh tụ của Mặt Trận.

    Tại sao lại có những sự trái ngược như vậy xẩy ra? Nguyên do là sau khi nghe tin Việt Minh cướp chính quyền ở khắp nơi, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, năm đó 77 tuổi, giữ chức giám quản địa phận Phát Diệm, sau khi Đức Cha Phan Đình Phùng đột ngột qua đời ngày 27 tháng 2 năm 1944, tỏ vẻ lo sợ và có thể nói là ngài hoảng hốt vì nghĩ rằng vụ Việt Minh cướp chính quyền sẽ giống như cuộc Cách Mạng ở Pháp năm 1780 với những chuyện hàng giáo phẩm bị bách hại.

    Cha chính địa phận Phát Diệm Lucas Mai Học Lý triệu tập một cuộc họp tại tòa Giám Mục, trong đó có cha Hoàng Quỳnh, tôi và anh Trần Ngân, để trình bầy với Đức Cha Nguyễn Bá Tòng về những hoạt động của Mặt Trận Công Giáo Việt Nam Cứu Quốc cùng với Mặt Trận Việt Minh, và một điều chúng tôi trình bầy làm cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng yên tâm là Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc có quyền võ trang cho các đoàn viên trong tổ chức gọi là Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc. Do đó thanh niên của mỗi xứ đạo sẽ được đoàn ngũ hóa và được huấn luyện quân sự cùng được võ trang để bảo vệ cho dân chúng trong giáo xứ và đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền độc lập quốc gia.

    Vấn đề đảng Cộng Sản nằm trong Mặt Trận Việt Minh cũng được mổ xẻ kỹ lưỡng trong cuộc họp này, tuy nhiên chúng tôi cũng trình bầy rằng đây là một vấn đề khá tế nhị trong giai đoạn đấu tranh dành độc lập cho đất nước và cảm thấy cần phải học hỏi thêm. Và một điều làm chúng tôi ngạc nhiên và thích thú là cha Mai Học Lý cho chúng tôi mượn một tài liệu vô cùng quý báu ‘Une somme catholique contre les Sans Dieu’ để rút kinh nghiệm về những cuộc bút chiến đã diễn ra ở Pháp giữa một số học giả người Công Giáo Pháp và bọn vô thần có khuynh hướng theo Cộng Sản. Sau đó chúng tôi cũng dựa vào đó để gây một cuộc bút chiến giữa tuần báo ‘Sống’ cơ quan chính thức của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và tờ báo Sự Thật cớ quan truyền thông của đảng Cộng Sản Đông Dương.

    Sau khi anh Nguyễn Hữu Đang, trưởng ban tổ chức Lễ Tuyên Ngôn Độc Lập ở Hà Nội báo tin cho chúng tôi biết là ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 được chọn làm ngày Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn ở công viên Cột Cờ, một cuộc họp thứ hai được triệu tập cũng ở tòa Giám Mục, thêm sự hiện diện của cha Anselmô tức Đức Cha được chỉ định Lê Hữu Từ vừa từ Châu Sơn xuống Phát Diệm. Vấn đề tổ chức lễ tuyên bố Độc Lập được đưa ra thảo luận và hội đồng đồng ý về một chương trình tổ chức trao kiếm hiệp sĩ.

    Đúng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, sau khi hơn 50 ngàn dân chúng đã tề tựu đứng đầy sân phương đình và tràn qua hồ, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Cha Anselmô Lê Hữu Từ và cha chính Mai Học Lỳ ngồi ghế chủ tọa ngay trên phương đình. Sau các lễ nghi chào cờ, mặc niệm và bài tuyên ngôn được đọc lên, cha Hoàng Quỳnh tiến lên gắp dấu hiệu cờ đỏ sao vàng lên ngực của 3 vị chủ tọa, sau đó các anh Trần Ngân và Nguyễn Đình Minh tiến lên trong bộ quân phục kiểu sĩ quan Pháp, anh Ngân được Đ/C Tòng và anh Minh được cha Anselmô tức Đ/C Từ đặt kiếm lên vai và ban phép lành, giống như ở bên trời Âu nhận kiếm trước khi chiến đấu đánh đuổi quân Hồi chiếm giữ Tháng Địa vậy.

    Cũng trong cuộc lễ này hai người ‘Dân Tây’ là ông Đỗ Văn Đàng và André Dzụ lên tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp và được dân chúng hoan hô nhiệt liệt.

    Cuộc trao kiếm hiệp sĩ đã gây nên nhiều tranh luận, mấy cán bộ cộng sản cho rằng lễ trao kiếm này chứng tỏ mấy ông ‘đầu sỏ’ Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc muốn lãnh quyền cai trị từ nơi có thần quyền chứ không từ dân chúng, người khác lại nói rằng Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc cướp chính quyền ở Phát Diệm là nơi mà đa số dân chúng là công giáo, nên việc các Đức Giám Mục trao kiếm hiệp sĩ cho 2 lãnh tụ Mặt Trận này chẳng có gì là lạ cả.

    Nhưng sự thực, việc trao kiếm hiệp sĩ này có ý nghĩa đặc biệt là tuy Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc nằm trong Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Đông Dương, mà ai cũng biết là Cộng sản chủ trương vô thần, nên việc trao kiếm này tượng trưng tinh thần độc lập của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đối với Mặt Trận Việt Minh trên phương diện ý thức hệ, đồng thời cũng chứng tỏ đường lối chống cộng sản vô thần, nhưng nhận hợp tác trong công cuộc dành độc lập tự do cho Tổ Quốc Việt Nam.

    Việc trao kiếm hiệp sĩ này cũng coi như hành động hơi ‘ngông’ của 2 thanh niên Phát Diệm, tuổi mới 26 nhưng nhiều khi cứ muốn tự coi mình như là ‘rốn vũ trụ’, vì bửng mắt ra thấy cuộc cách mạng đã thành công, sau mấy chuyến vào sinh ra tử nơi chiến khu Rịa.

    Làm sao lại không ‘ngông’ nhỉ, khi anh Ngân và tôi lên Hà Nội, rủ Nguyễn Hữu Đang, lúc ấy đang bận tíu tít vì đứng đầu ban tổ chức lễ Tuyên Ngôn Độc Lập cùng đi lên phố hàng Da với chúng tôi để sắm bộ quân phục của sĩ quan Pháp, với đôi ủng bằng da, lẫn thắt lưng và vỏ bọc kiếm cũng bằng da đánh xi bóng loáng, để mặc trong ngày lễ trao kiếm hiệp sĩ. Sau khi mặc thử bộ quân phục, tôi quay sang hỏi:

    ‘Anh Đang ơi, trông chúng tôi có được không?’

    Đang khen:

    Trông các cậu oai lắm’.

    Không biết anh Đang nói đùa hay nói thật vì khi tới Hà Nội chúng tôi đã nói cho anh ấy biết chương trình của cuộc lễ tuyên ngôn độc lập ở Phát Diệm kể cả chuyện trao kiếm hiệp sĩ mà anh ấy không hề phản đối.

    Đây là cảnh 2 thanh niên Phát Diệm hơi ngông gặp một thanh niên gốc Thái Bình lớn hơn 8 tuổi lại còn ngông hơn nữa, đúng vậy, ai dám bảo Nguyễn Hữu Đang không ngông! Khi làm bộ trưởng bộ Thanh Niên trong chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, trưởng ban tổ chức lể Tuyên Ngôn Độc Lập, sau này khi ra bưng kháng chiến giữ chức Tổng Thanh tra Bình Dân Học Vụ, rồi đến 1954 về thành, Nguyễn Hữu Dang không nhận lời mời ra tham chính để trở về nhà làm nhà in, rồi ra tờ báo Nhân Văn để trở thành phản động đầu xỏ, để rốt cuộc lãnh bản án 17 năm tù.

    Đến ngày nay anh Đang bị phát vãng về nơi sinh quán ở xã Vũ Công, huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình và mới đây nhà văn Phùng Quán có về thăm Nguyễn Hữu Đang đang sống một đời sống vô cùng đói khổ, đây Phùng Quán viết:

    ‘…Anh (Đang) chỉ vào một đĩa, giới thiệu thực đơn đãi khách: ‘Đây là thịt chả cóc băm viên. Đây là thịt chả nhái.. có cả mỳ chính, hạt tiêu nhá! Mười mấy năm nay nhờ bồi dưỡng thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khỏe, còn khá hơn cả chú….’

    Sau nửa thế kỷ dài dằng dặc, đời sống của con người có biết bao nhiêu thay đổi, ai có thể tưởng tượng được rằng anh Nguyễn Hữu Đang, cựu bộ Thanh Niên của chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, nay đang được bồi dưỡng bằng ‘ăn chả thịt cóc’ cầm hơi ở cái chái bếp căn hộ độc thân rộng khoảng năm mét vuông ở tỉnh Thái Bình.

    Nếu Ơn Trên phù hộ và anh Đang có dịp đọc được những dòng chữ này, hay những ai biết được địa chỉ hiện nay của Nguyễn Hữu Đang, nghe đâu như đã về sống ở Hà Nội, xin cho tác giả biết.

    Trong một cuộc lên thăm Hà Nội, Trần Huy Liệu, thuộc Tổng Bộ Việt Minh đã tiếp chúng tôi tại Bắc Bộ Phủ cùng vơi Nguyễn Hữu Đang để thảo luận về những vấn đề liên hệ tới mối liên lạc giữa Tổng Bộ Việt Minh với các tổ chức Công Giáo trên toàn quốc. Vì trong thời gian này trừ các địa phận Phát Diệm, Bùi Chu và Vĩnh Long do các giám mục Việt Nam quản nhiệm, còn tất cả các địa phận khác trên toàn quốc đều do các giám mục người Pháp hay Tây Ban Nha quản nhiệm, hơn nữa một số nhiều xứ đạo trên toàn quốc lại có các vị thừa sai ngoại quốc làm cha chính xứ.

    Một trường hợp điển hình được đưa ra thảo luận là tại thành phố Nam Định, cha Vacquier, tên Việt Nam thường được gọi là Cố Cao, là một vị linh mục thừa sai người Phát hoạt động rất hăng say về thanh niên Công Giáo Tiến Hành và trong thời gian nạn đói đang giết chết nhiều người nhất ở Thái Bình và Bùi Chu thì Cố Cao, chính xứ Nam Định, đã cứu sống hàng mấy chục ngàn người thoát khỏi nạn đói bằng việc mộ họ vào làm phu cho các đồn điền cao su ở miền Nam Viêt Nam và nhờ ở ảnh hưởng rất lớn cũng như tài xoay sở tuyệt vời của Cố Cao, việc chuyên chở mấy chục ngàn người mới được trót lọt vào được miền Nam, vì đường vận chuyển đều bị tắt nghẽn gây ra bởi bom đạn của không lực Đồng Minh.

    Cố Cao đáng được coi là vị cứu tinh của người nghèo đói, thì ngay sau khi cướp chính quyền, Việt Minh địa phương đã bắt giam Cố Cao và ông Tú Huyên, thủ lãnh Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành ở Nam Định. Cả Cố Cao lẫn ông Tú Huyên, sau đó đều bị Việt Minh địa phương thủ tiêu.

    Sau cuộc thảo luận tại Bắc Bộ Phủ, Trần Huy Liệu cử tôi lãnh trách nhiệm vụ Ủy Viên Liên Lạc của Tổng Bộ Việt Minh với các tổ chức Công Giáo trên toàn quốc, tôi thấy rằng đây là cơ hội rất tốt để bành trướng thêm Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc và bắt được liên lạc với tất cả các tổ chức công giáo trên toàn quốc.

    Với nhiệm vụ mới này, tôi thường có dịp đi khắp đó đây trên toàn quốc để làm phận sự được trao phó. Cứ tưởng tượng một thanh niên công giáo, còn non choẹt vì tuổi mới có 26, đi trên một cái xe hơi hộp có cắm cờ, do tài xế lái tới tòa Giám Mục Hà Nội để nói chuyện với Đức Cha Chaize (Thịnh) về việc Việt Minh ở Nam Định bắt giữ Cố Cao, rồi lại có dịp khác xuống Hải Phòng để gặp xã giao Đức Cha Francois Gomez (Lễ), người Tây Ban Nha rồi lại dịp khác nữa cùng với cha Hoàng Quỳnh tới thăm cha quản hạt người Tây Ban Nha ở Kẻ Sặt.

    Sau đó lại về tỉnh lỵ Hải Dương thăm anh Chương và đi đến đâu cũng tiếp xúc với các đoàn thể thanh niên công giáo, đọc hết bài diễn văn nọ đến bài diễn văn kia, tuy nhiên đề tài vẫn là những hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và chiến khu Rịa trong hiện tại và tương lai.

    Dù câu chuyện xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ và ông Trần Huy Liệu nay đã ra người thiên cổ, nhưng viết đến đây tôi cũng muốn nói lên sự biết ơn của tôi đối với người lãnh tụ Cộng Sản này, nguyên do là vào ngày 12 tháng 12 năm 1946, hai tên tình báo Việt Cộng trong đó có một người tên là Thịnh, tiến tới bắt giữ và xích tay tôi cùng với bạn là Đỗ Ngọc Tân đẩy chúng tôi lên một chiếc xe đò và đưa chúng tôi vào ty Công An tỉnh Ninh Bình, giữ giam ở đó và tạm thời tôi bị rốt trong một xà lim.

    Nhìn ra ngoài thấy bóng trưởng ty Công An Đào Gia Lựu và phó trưởng Nguyễn Văn Tài, đều là người quen. Đặc biệt anh Tài này trước kia là liên lạc viên giữa chiến khu Rịa và chiến khu của Việt Minh ở Quỳnh Lưu, nên thấy tôi bị giam ở xà lim, Tài hơi ngạc nhiên, sau đó Tài xuống tận nơi cho biết tên Thịnh ở ban an ninh của Vệ Quốc Đoàn bắt tôi và gửi ở ty Công an không nói rõ lý do và tội trạng. Tài nhận cho người về báo tin cho gia đình tôi biết và hạ lệnh không đóng cửa xà lim cùng cho đem cơm ở ngoài chứ không ăn cơm tù.

    Nhà tôi được tin tôi bị bắt giam ở Ninh Bình, bèn gửi con cho bà ngoại, đi lên Hà Nội, để gặp Trần Huy Liệu, lúc đó Liệu đang sửa soạn rút ra bưng kháng chiến, tuy hết sức bận bịu nhưng Liệu đã viết một văn thư ra lệnh cho ty Công An tỉnh Ninh Bình thả tự do cho tôi ngay. Nhà tôi mang thư này và chờ mãi mới rời được khỏi Hà Nội, ngồi trên mui chuyến xe hỏa cuối cùng tối ngày 19 tháng 12 năm 1946 là ngày cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Hà Nội và ở Bắc Việt.

    Nằm trong xà lim, nghe rõ tiếng súng đại bác của Pháp, nổ rền vang ở Nam Định, vọng tới Ninh Bình cách xa 28 cây số, lòng tôi hồi hộp lo sợ cho số phận của mình thì ít, nhưng lo cho vợ tôi thì nhiều, vì không biết lúc này đã thoát ra khỏi Hà Nội hay chưa? Và may thay ngày hôm sau trưởng ty công an Đào Gia Lựu đã nhận được lệnh tha và đích thân xuống mở cửa xà lim và mời tôi đi về nhà.


    (còn tiếp)

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823
    Chương 8


    Tranh luận với Phạm Văn Đồng về lý thuyết xã hội Công Giáo và học thuyết Cộng Sản vô thần


    Vào đầu thập niên 1940, cố Cao tức Père Vacquier ở nhà thờ tỉnh lỵ Nam Định, có mở một thư viện với khá nhiều sách vở do ông Hàn Hòa làm quản thủ thư viện. Biết tôi là người mê đọc sách, cố Cao đã cho tôi một đặc ân là được phép mượn từng lô sách bằng tiếng Pháp rất quý, đưa về nhà đọc, vì tôi ở Phát Diện cách xa thành phố Nam Định 57 cây số.

    Vì đọc quá nhiều sách của thư viện, cố Cao đã gọi tôi là con chuột của thư viện (Tu es le rat de ma biblothèque), và sau khi làm lễ thành hôn vào đầu năm 1942, cả hai vợ chồng đều mê đọc sách cả, nên chúng tôi nghĩ rằng để có đủ sách để đọc, tốt hơn hết là mở một tiệm bán sách.

    Tiệm sách của chúng tôi lấy tên là Sĩ Thành, ngoài việc bán đủ mọi loại sách và báo, chúng tôi lại có cái thú sưu tầm sách báo mà quý nhất là toàn bộ kể từ số 1 của báo Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh, báo Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và một số lớn các loại sách báo quý khác. Người giúp chúng tôi trong việc sưu tầm sách quý, cùng liên lạc với các nhà xuất bản là thi sĩ Hồ Dzếnh, người bạn chí thân của gia đình chúng tôi.

    Trong các số sách bầy bán, có đầy đủ các loại sách của nhà xuất bản Hàn Thuyên, theo nhận xét của chúng tôi thì nhóm Hàn Thuyên chủ trương trình bầy học thuyết cộng sản dựa trên: Định luật tiến hóa (Evolutionism) của nhóm Cộng Sản vô thần, có khuynh hướng Đệ tứ Quốc tế thường được gọi là Trotskit. Một hôm, cha Phạm Ngọc Lưu, một chỗ thân tình với gia đình là giáo sư đại chủng viện Thượng Kiệm, đến thăm chúng tôi và mua sách.

    Cha thấy chúng tôi miệt mài đọc các loại sách của nhà xuất bản Hàn Thuyên như: ‘Khỉ là Thủy Tổ của Loài Người’, ngài khuyên chúng tôi phải chọn sách để đọc, vì ngài cho rằng các loại sách này chủ trương nghịch với Công Giáo, và ngài có một cử chỉ khá độc đáo là bỏ tiền mua hết tất cả các loại sách của nhà xuất bản Hàn Thuyên bầy bán trong tiệm, nói là cần mua cho thư viện đại chủng viện. Sau đó, vào những ngày nghỉ, cha Lưu thường ra thăm và thảo luận với vợ chồng chúng tôi trong nhiều giờ đồng hồ về vấn đề duy tâm và duy vật cũng như về lý thuyết xã hội Công Giáo và học thuyết Cộng Sản vô thần.

    Từ những cuộc thảo luận tư riêng với cha Lưu, một đề nghị được đưa ra để thành lập Trung Tâm Nghiên Cứu (Cercle d’Études) gồm có các đại chủng sinh thường được gọi là ‘các ông già’ trường Lý Đoán và các thanh niên có thiện chí họp nhau hàng tháng, để hội luận một cách công khai những đề tài liên quan đến công cuộc cải tiến xã hội theo lý thuyết xã hội Công Giáo được quy định qua các bản thông điệp lừng danh Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Giao Hoàng Leo XIII ra năm 1891, chủ trương một lý thuyết xã hội Công Giáo xây dựng xã hội trong tình bác ái.

    Được thừa hưởng tình yêu Thiên Chúa, người Công Giáo có bổn phận truyền bá di sản quý báu ấy trong công cuộc cải tạo xã hội, vì bác ái là phương tiện hiệu nghiệm nhất và là phương tiện duy nhất hướng dẫn thế giới trên đường tiến bộ chân chính, chống lại chủ thuyết sai lạc của Cộng Sản vô thần chủ trương giai cấp đấu tranh.

    Cuộc giai cấp đấu tranh của Cộng Sản thiếu sự công bằng và hợp lý vì Cộng Sản không cho đối phương, tức giai cấp đối nghịch với giai cấp vô sản, bất cứ quyền hạn nào kể cả quyền được sống. Với chủ trương ấy, khẩu hiệu phải tiêu diệt của cộng sản vô thần trước hết nhằm vào các tôn giáo nhất là giáo hội Công Giáo, mà cộng sản không ngần ngại sát hại vì cho rằng Công Giáo gieo rắc hạt giống bác ái yêu thương giữa nhân loại, đi ngược lại chủ trương gieo rắc hận thù để tiến tới giai cấp đấu tranh tiêu diệt tư bản để tiến tới thế giới cộng sản đại đồng.

    Lý thuyết xã hội của Công Giáo: xây dựng một xã hội trong tình bác ái theo thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum) đã được các quốc gia Tây phương xử dụng trong công cuộc cải tiến xã hội tiến tới việc nâng cao đời sống của giới công nhân và người nghèo, và công cuộc ấy đã thành công một cách rực rỡ, nên nhiều phong trào và đảng phái mang tên Xã Hội Thiên Chúa Giáo đã được dân chúng tín nhiệm bầu lên nắm giữ chính quyền ở các quốc gia này.

    Để kỷ niệm sự thành công vượt bực của Thông Điệp Tân Sự vào năm 1921 Đức Giáo Hoàng Pio XI đã ban hành Thông Điệp Quadragesimo Anno (Đệ Tứ Thập Chu Niên) để bổ túc cho lý thuyết xã hội Công Giáo: xây dựng xã hội trong tình bác ái bằng một chính sách mới của Giáo Hội chủ trương bảo vệ quyền tư hữu của con người, chống lại học thuyết của cộng sản vô thần chủ trương vô sản hóa để gọi là tiến tới mục tiêu không tưởng: Thế giới cộng sản đại đồng.

    Khi tranh luận về Đinh luật Tiến Hóa, nền tảng của học thuyết Cộng sản, chúng tôi biết rằng đối với triết học Karl Marx, Tiển hóa đồng nghĩa với đấu tranh, cách mạng và lao động. Đối với Marx chỉ có một thực tại là vật chất, ngoài vật chất ra không có những thực tế tâm linh, hoặc thực tế cơ giới nào nữa. Con người cũng như loài vật hay cỏ cây đều là kết quả của sự biến hóa vật thể.

    Dưới con mắt của nhà sinh vật học, nguyên nhân chính của sự tiến hóa con người chỉ là một trong những tiến hóa của loài động vật có vú (mamalian evolution). Trong sự cấu tạo của vật thể và tác dụng sinh lý, con người theo định luật tiến hóa, như được chứng minh bởi những vật hóa thạch của các loài vật có vú, như khỉ được tiến hóa dần dần thành con người. Nhưng nếu đặt ngược lại câu hỏi rằng: ‘Đồng ý con người được tiến hóa dần dần từ một loài vật có vú, nhưng những loài động vật ấy cũng như cả vũ trụ này không tự nhiên mà có được, vậy nguyên chất hay vật chất đầu tiên được tiến hóa thành con khỉ để khỉ tiến hóa thành con người, tự đâu mà có?

    Với quan niệm rằng vũ trụ và loài người cùng vạn vật không thể tự nhiên mà có được, điều này chúng mình là phải có một đấng Chí Tôn đã tạo dựng nên mọi sự. Đấng Chí Tôn đó chúng ta thường gọi là ông Trời, là Thượng Đế hay là Thiên Chúa và từ đó mới có những thực tại như vũ trụ, loài người và vạn vật.

    Tổ tiên chúng ta từ thời xưa, thường quan niệm một các hết sức sâu sắc về ông Trời, và ngày nay, ngôn ngữ chúng ta thường nói hằng ngày chứng minh một định luật ‘Tạo Dựng’ (Creationism) trái ngược hẳn lại với định luật ‘Tiển Hóa’ (Evolutionism) của Cộng Sản.

    ‘Ngày xưa, trước tất cả mọi sự đã có ông Trời. Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả: Trái đất, núi non, sông biển mưa nắng. Trời sinh ra tất cả: loài người, muôn vạn vật, cỏ cây…. Từ mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao trên trời cho đến vạn vật ở mặt đất đều do Trời tạo nên.

    ‘Trời có con mắt thấy tất cả, biết hết mọi sự xẩy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn vật, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.

    ‘Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng Trời, và chỗ giáp với đất là chân trời. Trời vô hình không nói, nhưng người ta tin ở đâu cũng có mặt của Trời, mọi việc đều do Trời định.

    Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng được gọi là Ngọc Hoàng, từ khi văn hóa Trung Hoa tràn sang Việt Nam với đạo Lão

    (trích: Việt Nam Văn Học Toàn Thư)

    Người Viêt Nam chúng ta tin có ông Trời thì Cộng Sản vô thần lại quan niệm ngược lại nói rằng không có một cái gì hết: Ông Trời không, Thiên Chúa không, nhân loại không, thế giới không, chân lý không, không biết gì, không yêu gì, không tìm gì cả.

    Con người Viêt Nam chúng ta từ cổ tới kim luôn luôn tin tưởng có ông Trời, tin có thần thánh và không phải mới hôm qua hay hôm nay người ta mới nói tới câu chuyện thần linh. Dưới hình thức này hay hình thức khác trong các động đá hồi thời thượng cỗ, người ta đã tìm ra vết tích tôn giáo, nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại được coi như như cây đuốc soi sáng cho thế giới như Plato, Plutarque đều là những người tin vào sự hiện hữu của ông Trời hay được gọi là Thượng Đế hay là Thiên Chúa.

    Trong khi đó mấy nhà Duy Vật của cộng sản vô thần lại cho rằng: ‘Người là một con vật không bao giờ được thỏa mãn, bao giờ cũng mơ ước hạnh phúc, mơ ước được hiểu biết rộng rãi, luôn luôn muốn được yêu thương, muốn quyền cao danh vọng… Dưới những ảnh hưởng, những khuynh hướng không bao giờ được thỏa mãn ấy, lẽ dĩ nhiên con người phải tạo nên một ý niệm thần linh cao cả thâu gồm tất cả những ước vọng thèm muốn sau này. (L’Etoile contre la Croix của Dufay)

    Theo Karl Marx, ông tổ của chủ thuyết Cộng sản vô thần cho rằng Ông Trời hay Thượng Đế hay Thiên Chúa chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người mà mọi vật trong vũ trụ đều do vật chất mà có, cũng như trí thông minh và tư tưởng của con người là sản phẩm của vũ trụ, con người không có linh hồn bất tử cũng như vũ trụ không do ông Trời hay Thiên Chúa tạo dựng nên cả.

    Đối với các tôn giáo Karl Marx cho rằng tôn giáo chỉ là phản ảnh của cơ cấu kinh tế. Với định luật tiến hóa, tôn giáo bắt buộc phải biến hóa theo các chế độ kinh tế và đến giai đoạn thế giới cộng sản đại đồng, nhất định tôn giáo phải được khai tử.

    Quan niệm về tôn giáo của Cộng sản đã hoàn toàn sai lầm, nếu Karl Marx và Lenin được tái sinh thì chắc chắn hai tay này sẽ thất vọng ê chề khi thấy rằng ngày nay, tôn giáo không hề bị khai tử, ngược lại chủ thuyết cộng sản đã bị tiêu diệt trên hầu hết khắp thế giới, như tại nước Nga, được gọi là ‘cái nôi’ của chủ thuyết cộng sản, đế quốc Cộng Sản đã bị khai tử và Giáo Hội Chính Thống Thiên Chúa Giáo đang trong thời kỳ hưng thịnh, sau hơn 70 năm bị bách hại vì chinh sách đàn áp của Cộng Sản vô thần.

    Tất cả những cuộc hội luận trong các Cercle d’etudes đều được đúc kết lại và được in lại thành sách ‘Cần Hiểu Cộng Sản’ do nhà xuất bản Lê Bảo Tịnh ở Phát Diệm xuất bản năm 1947 và chính những cuộc hội luận này cũng giúp cho ban biên tập của tờ báo Sống, cơ quan chính thức Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc, do anh ruột tôi Nguyễn Đình Thịnh là chủ bút vào năm 1946, có đủ tài liệu để mở một cuộc bút chiến rất hấp dẫn, tranh luận về chủ thuyết cộng sản vô thần, với báo ‘Sự Thật’ cơ quan truyền thông chính thức của đảng Cộng Sản Đông Dương ở Hà Nội.

    Trong suốt thời gian 7 ngày ở Phát Diệm để tham dự lễ thụ phong giám mục của Đức Cha Lê Hữu Từ và cuộc đại hội của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ Tài Chánh trong chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, đều ở tại nhà tôi, và tôi có khá nhiều thì giờ để thảo luận với Đồng về đủ mọi vấn đề mà Đồng tỏ ra muốn tìm hiểu nhiều nhất là quan niệm của người Công Giáo đối với học thuyết Cộng sản vô thần.

    Nhờ được ở điểm trước đó tôi được học hỏi và tham dự các cuộc tranh luận trong Cercle d’Etudes về đường lối và quan niệm của Giáo Hội Công Giáo đối với học thuyết cộng sản vô thần, cũng như lý thuyết xã hội của Công Giáo, nên những cuộc tranh luận của tôi với Phạm Văn Đồng có phần nào rất hào hứng, vì tôi là một giáo dân được coi là ngoan đạo, con cháu của những bậc tiền nhân, kiên trì giữ đạo Chúa trong thời gian cấm đạo dưới đời vua Minh Mạng và Tự Đức.

    Trong những cuộc nói chuyện thân mật với Phạm Văn Đồng, tôi thường tâm sự rằng: ‘Theo chỗ tôi biết thì Đức Giáo Hoàng Piô XII nghiêm cấm người Công giáo không được gia nhập đảng Cộng Sản, vì đảng Cộng Sản chủ trương vô thần, và đối nghịch với Giáo Hội, và vì tôi là người công giáo ngoan đạo không đời nào tôi dám liều mình không vâng phục Đức Giáo Hoàng, vì tôi cho đó là một tội trọng’.

    Phạm Văn Đồng, một người Cộng Sản thập thành, sau này nắm giữ quyền cao chức trọng nhất trong chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam, tỏ ra thông cảm và rất chân thành đối với tôi, một thanh niên tuổi đời mới có 26, chưa có nhiều kinh nghiệm cách mạng nhưng hăng say vì Thiên Chúa và Tổ Quốc.

    Chính những sự chân thành của Phạm Văn Đồng đối với tôi trong 7 ngày ở Phát Diệm, cũng như trong những cuộc tiếp xúc ở Hà Nội sau đó, và dù rắng không hề gặp lại nhau trong gần nửa thế kỷ, việc được tin Phạm Văn Đồng quy y Phật Giáo bởi Đại lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, không làm cho tôi ngạc nhiên.

    Một điều Phạm Văn Đồng nói mà tôi không bao giờ quên về việc đảng Cộng Sản Đông Dương sắp tuyên bố tự giải tán để đoàn kết và đại đoàn kết quốc gia trong công cuộc đấu tranh dành độc lập cho Tổ Quốc, và đúng vậy thật vì ngày 11 tháng 11 năm 1945 tức là một tuần lễ sau khi Đồng nói điều đó với tôi thì đảng Cộng Sản Đông Dương chính thức tuyên bố tự giải tán.

    Việc đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, không phải là một điều lạ lắm, vì thời gian này Hồ Chí Minh bị đe dọa rất nhiều bởi quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tới Việt Nam, đại diện Đồng Minh tước khí giới quân đội Nhật Bản. Thống Chế Tưởng Giới Thạch, tổng thống của một nước Trung Hoa chống Cộng Sản, không thể chấp nhận Mặt Trận Việt Minh, lãnh đạo bởi đảng Cộng sản Đông Dương nắm chính quyền ở Việt Nam, nhất là vào đúng thời gian này quân Cộng sản Trung Hoa của Mao Trạch Đông bắt đầu chiếm đóng Mãn Châu, khơi mào cuộc chiến tranh Quốc Cộng ở Trung Hoa.

    Ngoài ra các đảng phái quốc gia chống cộng cũng hoạt động rất mạnh ở Hà Nội, báo Việt Nam Quốc Dân Đảng và báo Đồng Minh của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đã kích Việt Minh Quốc Dân Đảng cùng một số đồng chí và quân Việt Quốc về tới Hà Nội vào ngày mồng 6 tháng 11 năm 1945, cụ Nguyễn Hải Thần ra thông cáo vào ngày 8-11-1945 đòi Hồ Chí Minh phải áp dụng thỏa hiệp mà họ Hồ đã ký kết ở Liễu Châu bên Trung Hoa vào ngày 23 tháng 3 năm 1944 về việc chính thức thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội và đòi thành lập Chính Phủ Liên Hiệp.

    Được hiểu là mọi hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng như của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đều có sự yểm trợ mạnh mẽ của tướng Lư Hán, tư lệnh quân đội Trung Hoa Quốc Gia, nên Hồ Chí Minh sợ rằng nếu còn giữ đảng Cộng sản Đông Dương trong chính quyền, quân đội Trung Hoa có thể lật đổ chính phủ Việt Minh Cộng sản nên đảng Cộng sản Đông Dương phải tuyên bố tự giải tán và đến ngày 19-11-1945, các lãnh tụ Việt Quốc và Việt Cách thỏa hiệp với Hồ Chí Minh về việc thành lập chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 05-23-2022 at 11:13 AM.

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823

    Chương 9


    Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và Mặt Trận Việt Minh sau Cách Mạng mùa Thu 1945


    Sau khi thành lập chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh gặp nhiều sự đối kháng mãnh liệt của các đảng phái quốc gia, được sự yểm trợ của quân đội Trung Hoa tới Việt Nam, với nhiệm vụ tước khí giới quân đội Nhật Bản. Cụ Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ của phe quốc gia, đòi hỏi Hò Chí Minh phải thi hành thỏa hiệp ký kết ở Liễu Châu bên Trung Hoa ngày 28 tháng 3 năm 1944 về việc thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội và chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia. Ngày 23 tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh phải nhượng bộ phe quốc gia và ký với Nguyễn Hải Thần một thỏa hiệp hợp tác giữa Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội và Việt Minh.

    Mặt khác quân đội Pháp núp bóng quân Anh, trở lại chiếm đóng Sài Gòn và việc làm cho Hồ Chí Minh đau lòng nhất là ngày 11 tháng 10 năm 1945, ngoại trưởng Bevin của chính phủ Anh Quốc tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, cho rằng cuộc cướp chính quyền của Việt Minh ngày 19 tháng 8 năm 1945, danh không chính ngôn không thuận, nên ngày 17 tháng 10 năm 1945, chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 23 tháng 12 năm 1945.

    Trong chiều hướng quy tụ toàn dân, nhất là đối với các đảng phái trong nước trong công cuộc đấu tranh dành độc lập, Hồ Chí Minh đặc biệt quay về phía người Công Giáo. Trong việc tranh đấu cho nền độc lập của Tổ Quốc Việt Nam, các giám mục Việt Nam gửi đến Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, một bức thư xin Ngài ban phép lành và cầu nguyện cho nền độc lập của Việt Nam, ngoài ra các giám mục Việt Nam cũng tuyên bố: ‘Các người Công Giáo không có quyền lãnh đạm với nền độc lập nước nhà, các ngài nhắc nhở cho giáo hữu biết bổn phận của họ là phải tranh đấu như thế, họ sẽ trung thành với Chúa Kitô và với tổ quốc.

    Những lời tuyên bố này đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí của Công Giáo Pháp đặc biệt là trên tờ Bulletin des Missions, với một bài xã luận đề tài Le Chrétien annamite et l’independence du Việt Nam (Người Công Giáo An Nam và nền độc lập của Việt Nam)

    Riêng về phần hoạt động của giáo dân Việt Nam, ngoài cuộc mít tinh ở Phát Diệm với 50 ngàn dân tham dự nhân ngày lễ Tuyên Ngôn Độc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945, giáo dân và giáo sĩ ở Hà Nội cũng tổ chức một cuộc mít tinh khổng lồ ngày 23-9-1945 để phát huy lòng ái quốc, và ở thành phố Vinh 30 ngàn giáo dân cũng tổ chức một cuộc biểu tình ngày 8-10-1945 như ở Hà Nội.

    Các hoạt động của hàng giáo phẩm cũng như của giáo dân trong công cuộc tranh đấu dành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam, tỏ ra rất hăng say và có ảnh hưởng tới dư luận quốc tế, nên Hồ Chí Minh đã đặc biệt cử Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ Tài Chánh trong chính phủ lâm thời về Phát Diệm gọi là để cùng với phái đoàn chính phủ tham dự lễ thụ phong Giám Mục của Đức Cha Lê Hữu Từ. Nhưng sự thực là Hồ Chí Minh cử Phạm Văn Đồng về Phát Diệm, ở lại tới 7 ngày, để tìm hiểu và quan sát các hoạt động của hàng giáo phẩm và giáo dân Công Giáo, và đặc biệt ở lại tham dự hội thống nhất Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm với Việt Nam Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc trong Mặt Trận Việt Minh.

    Cũng nên nhắc lại là Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm được thành lập ngay từ năm 1942 bởi bộ ba: Cha Hoàng Quỳnh, Trần Ngân tức Bằng Phong và tôi, thời đó thường được gọi là Nguyễn Đình Minh. Cũng vào thời này, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh được thành lập tại Thái Nguyên, và trong danh sách các đảng phái và các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh thời đó chỉ có Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc không mà thôi và không có Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc. Mọi liên lạc của chúng tôi với Việt Minh ở Thái Nguyên, đều qua Nguyễn Hữu Đang, thời đó là tổng thư ký hội Truyền Bá Quốc Ngữ.

    Trong cuộc thảo luận về thành phần của ban Chấp Hành của tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được bầu lên trong Đại Hội ngày 30 tháng 10 năm 1945, một ngày sau ngày lễ thụ phong Giám Mục Phát Diệm của Đức Cha Lê Hữu Từ, Phạm Văn Đồng thường đề cập đến Nguyễn Văn Chính, chủ tịch của đoàn thể Việt Nam Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc, mà tôi đã có dịp gặp nhiều lần do sự giới thiệu của Trần Huy Liệu, và tôi biết rất rõ về Nguyễn Công Chính là một người công giáo tốt, một đoàn viên rất hăng say và cũng là phụ tá đắc lực của Nguyễn Mạnh Hà, thủ lãnh của đoàn Thanh Niên Lao Động Công Giáo, ở Hà Nội, và là một đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương.

    Được biết Nguyễn Mạnh Hà, con rể của tổng bí Thư đảng Cộng Sản Pháp Quốc, bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, đã giới thiệu phụ tá của mình là Nguyễn Công Chính vào đảng Cộng sản, và vì Chính là đảng viên đảng Cộng Sản nên được cử ra làm chủ tịch Việt Nam Công Giáo Khánh Nhật Cứu Quốc trong Mặt Trận Việt Minh, khác hẳn với Việt Minh. Nguyễn Công Chính đã bị tử thương trong một trận oanh tạc của máy bay Pháp tại Hà Đông, một tuần lễ sau khi khởi sự cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 19-12-1946.

    Về trường hợp bầu ban Chấp Hành Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc chính thức, Phạm Văn Đồng cùng Cha Hoàng Qùynh và chúng tôi đồng ý phân công các chức vụ như sau để tùy đại hội bỏ phiếu chấp thuận. Ban thường vụ gồm 4 người: 2 người thuộc Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc, cùng 8 ủy viên các vùng và 1 cố vấn. Riêng chức vụ chủ tịch cùng tổng thư ký để dành cho phe Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc và chức vụ phó chủ tịch cùng giám sát dành cho phe Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc. Chức vụ giám sát kiêm luôn chức vụ Thanh Tra Công Giáo Vụ toàn quốc. Lý do chính của việc phân công này là hợp thức hóa và thống nhật hai đoàn thể công giáo cứu quốc cùng đứng trong mặt trận Việt Minh.

    Câu chuyện hợp thức hóa và thống nhất hai đoàn thể Công Giáo Cứu Quốc được cha Hoàng Quỳnh và tôi trình lên Đức Cha Lê Hữu Từ để xin Ngài thẩm định với lập luận rằng.

    1- Phía mặt trần Việt Minh muốn lợi dụng việc thống nhất cùng hợp thức hai đoàn thể Công Giáo Cứu Quốc và sự ủng hộ của giới Công Giáo nói chung đối với Mặt Trận Việt Minh, để dùng làm hậu thuẫn trong việc thành lập chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia cùng với các đảng phái và nhất là để chứng tỏ cho thực dân Pháp, đang lăm le trở lại tái lập chế độ thuộc địa, thấy giáo dân Công Giáo Việt Nam nhiệt tình hợp tác cùng với chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh trong công cuộc tranh đấu dành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam.

    2- Phía Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc nhận định rằng trong công cuộc tranh đấu dành độc lập cho Tổ Quốc, giáo dân Việt Nam nguyện sát cánh với Mặt Trận Việt Minh để chiến đấu chống lại mọi cuộc xâm lăng, vì Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được hợp thưc hóa trong mặt trận Việt Minh nên được quyền thành lập và võ trang cho các đội Tự Vệ Võ Trang Cứu Quốc tại các xứ đạo để đóng góp vào việc bảo vệ quê hương cũng như bảo vệ cho nhà thờ và xứ đạo.

    Đức Cha Lê Hữu Từ đã đồng ý về đường lối chính trị của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc sẽ theo đuổi trong thời gian sắp tới do cha Quỳnh và chúng tôi đề nghị, và ngài nhận sẽ trình bầy rõ cho các Đức Giám Mục khác cùng các cha chính địa phận biết rõ. Cuộc vận động với các đại diện của các địa phận và giáo xứ tham dự cuộc đại hội đã diễn ra một cách tích cực để cuộc bầu phiếu ngày hôm sau có thể đem lại được những kết quả dự liệu.

    Sáng ngày 30 tháng 10 năm 1945, buổi Đại Hội lịch sử của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đã diễn ra một cách hết sức long trọng và hứng khởi với bài diển văn khai mạc của Đức Cha Lê Hữu Từ, linh hồn của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc và của Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ Tài Chánh đại diện chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh cùng Tổng Bộ Việt Minh. Đồng ký nhận hợp thức hóa tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và sau đó là cuộc bầu cử ban Chấp hành chính thức của tổ chức và kết quả như sau:

    Chủ tịch: Nguyễn Công Chính

    Phó chủ tịch: L.M. Hoàng Quỳnh

    Tổng thư ký: Nguyễn Văn Hiển

    Ủy viên giám sát: Nguyễn Đình Minh

    Các ủy vien:

    Bắc bộ: Nguyễn Văn Xướng (Ninh Bình)

    Bắc trung bộ: Lê Hữu Hiến (em Đ.C. Lê Hữu Từ)

    Nam trung bộ: Nguyễn Văn Kiều (Nha Trang)

    Nam bộ: Nguyễn Hữu Lượng (Sài Gòn)

    Tỉnh Nam Định: Lưu Thế Lộ (Hải Hậu)

    Tỉnh Ninh Bình: Phạm Quốc Trị (tỉnh lỵ)

    Tỉnh Hà Nam: Nguyễn Quốc Quỳnh (Phủ Lý)

    Cố Vấn: L.M. Lê Quang Oánh (Thái Bình)

    Trong suốt thời gian 7 ngày ở tại nhà chúng tôi, Phạm Văn Đồng đã hỏi tôi rất nhiều về Đức Cha Lê Hữu Từ từ việc tu hành cho tới thành tích cách mạng của ngài, và dĩ nhiên tôi nói cho Đồng biết tất cả những gì tôi biết về ngài, và Đồng tỏ ra rất khâm phục về đời sống của một khỏ tu dòng Châu Sơn phải sống như người nghèo nhất trong xã hội Việt Nam, nguyên nói tới việc đi chân không tứ mùa bát tiết trong suốt mấy chục năm trời, thêm vào đó lại còn phải ăn chay, hãm mình quanh năm ngày tháng.

    Riêng về thành tích cách mạng của Đức Cha Lê Hữu Từ, tôi cũng cho Phạm Văn Đồng biết rõ những hoạt động của ngài giúp Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc bành trướng rộng rãi, trên đường đạp xe từ Bắc vào tới Huế, xe đạp của ngài mang đầy truyền đơn bươm bướm, và ngài phân phát khắp nơi, kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp, kháng Nhật, dành lại độc lập cho Tổ Quốc.

    Sau khi Phạm Văn Đồng về Hà Nội để kịp dự cuộc đại hội của đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày mồng 3 tới ngày 10 tháng 11 và đến ngày 11 tháng 11 năm 1945, đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, tôi tới gặp và yêu cầu Đồng thu xếp để một phái đoàn của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm tới gặp cụ Hồ để tỏ bầy lòng biết ơn của giáo dân Phát Diệm về việc cụ Hồ gửi phái đoàn về tham dự lễ thụ phong giám mục của Đức Cha Lê Hữu Từ. Lời yêu cầu này được chấp nhận ngay và chỉ 2 ngày sau một phái đoàn gồm có cha Hoàng Quỳnh, các anh Trần Ngân, Nguyễn Văn Xướng, Lưu Thế Lộ, và tôi tới Bắc Bộ Phủ và được Hồ Chí Minh tiếp đón một cách hết sức nồng hậu.

    Sau khi cha Hoàng Quỳnh, đại diện cho Đức Cha Lê Hữu Từ tỏ lời cám ơn Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời về việc phái đoán chính thức của chính phủ được cử về Phát Diệm tham dự lễ thụ phong giám mục. Cha Quỳnh cũng tỏ bầy thêm lời của toàn dân nói chung và giáo dân Công Giáo nói riêng, mong mỏi sớm được thấy một chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia được thành lập để toàn dân tin tưởng và hăng hái tham gia công cuộc tranh đấu dành độc lập cho Tổ Quốc.

    Hồ Chí Minh đã trả lới một cách mềm dẻo và hưởng ứng lời đề nghị của cha Quỳnh về việc thành lập chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia và cho biết cuộc điều đình với các đảng phái đang diễn ra một cách tốt đẹp, và đoán chắc là chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia sắp được trình diện với quốc dân với quốc dân trong một ngày rất gần đây. Chúng tôi cũng báo cáo về việc thống nhất hai đoàn thể công giáo cứu quốc và yêu cầu việc họp thức hóa Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được chính thức công bố và phái đoàn cũng lưu ý chính phủ về việc công nhận quyền tư hữu tài sản của nhân dân và nhất là vấn đề tự do tín ngưỡng.

    Cuộc tiếp xúc với Hồ Chí Minh của phái đoàn Công Giáo Cứu Quốc của Phát Diệm đã diễn ra một cách thân mật và cởi mở, và đã được chấm dứt bằng một bức hình chụp chung. Sau cuộc họp, phái đoàn cũng tiếp xúc với Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu, riêng cuộc tiếp xúc với Cựu Hoàng Bảo Đại không thực hiện được. Được biết cả Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu cùng với Cựu Hoàng Bảo Đại đều có về tham dự lễ thụ phong giám mục của Đức Cha Lê Hữu Từ.

    Riêng đối với Phạm Văn Đồng, phái đoàn mời Đồng đi ăn kem Zephyr ở bờ Hồ Hoàn Kiếm vì biết Đồng sắp làm rể bà chủ nhà hàng kem này.

    Báo Cứu Quốc cơ quan chính thức của chính phủ và tổng bộ Việt Minh trong số ra ngày 10-11-1945 có đăng tải danh sách của ban Chấp Hành Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và liệt kê Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đứng hàng số 12 trong số các đảng và đoàn thể của Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh, báo Cứu Quốc cũng ca tụng tinh thần ái quốc của người Công Giáo Việt Nam.

    Chủ đích của các cuộc tiếp xúc với các nhân vật chính trong chính quyền đều nhằm vào việc hợp thức hóa Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc để chính thức được quyền võ trang các đoàn thể Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc tại các giáo xứ công giáo không phải chỉ riêng cho địa phận Phát Diệm mà thôi mà lại còn bao gồm các địa phận khác nữa. Để gọi là đóng góp vào công cuộc tranh đấu võ trang dành độc lập, đồng thời lại có súng ống để bảo vệ cho nhà thờ và giáo dân trong lúc thời thế lộn xộn đầy đe dọa này.

    Mặc dầu báo Cứu Quốc ca tụng lòng ái quốc của người công giáo, và phái đoàn Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được Hồ Chí Minh tiếp đón nồng hậu tại Bắc Bộ Phủ kể cả việc tiếp xúc với bộ trưởng bộ nội vụ lẫn bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền, nhưng chỉ vài tháng sau, một số những nhân vật trong phái đoàn hay của ban chấp hành của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đã bị đàn áp một cách trắng trợn và đẫm máu của công an hay chính quyền Việt Minh. Điển hình là vụ Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được bầu lên tại đại hội ở Phát Diệm hồi tháng 10 năm 1945 thì chỉ tới tháng 6 năm 1946, nghĩa là chỉ 8 tháng sau, Nguyễn Văn Hiển đã bị Công an Việt Minh bắt cóc và có tin nói Hiển bị thủ tiêu.

    Cũng trong thời gian tháng 6 này, Nguyễn Văn Xướng, ủy ban Chấp Hành của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc bị công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ trong gần 4 tháng, chỉ vì tội con điền chủ và tôi: Nguyễn Đình Minh tức Thư, Ủy Viên Giám sát kiêm Thanh tra toàn quốc Công Giáo Cứu Quốc cũng bị giam giữ trong xà lim của ty Công An Việt Minh tỉnh Ninh Bình vào cuối tháng 11 năm 1946 mãi tới ngày 20-12-46 mới được thả tự do, nhờ ở lá thư phút chót của Trần Huy Liệu viết cho trưởng ty Công an tỉnh Ninh Bình Đào Gia Lựu, trước khi Liệu ra bưng kháng chiến, và vợ tôi đã cầm lá thư của Trần Huy Liệu rời nhà ga Hà Nội bằng chuyến xe lửa cuối cùng trước khi quân đội thực dân Pháp và Tự vệ thành Hà Nội nổ súng khai mào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

    Mặc dầu tôi đã tiếp xúc nhiều lần với Hồ Chí Minh và rất thân với Phạm Văn Đồng, nhưng tôi vẫn bị một thằng công an cắc ké đến tận nhà xích tay giam giữ vào xà lim mà không hề cho biết là bị giam về tội gì!

    Sáng được đến ngày nay tại đất Hoa Kỳ, ngồi viết những dòng chữ này, làm sao tôi quên được cảnh bạn già của tôi là Nguyễn Hữu Đang người đã giúp tôi liên lạc với Mặt Trận Việt Minh, nhớ lúc tôi cùng Đang và Trần Ngân tiến vào Bắc Bộ Phủ trong giai đoạn đầu của Cách Mạng mùa thu và nay được tin Nguyễn Hữu Đang bị Việt Minh giam tù 17 năm và bị đầy dọa ở quê nhà ở huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình chuyên ăn thịt cóc băm làm chất bồi dưỡng để sống qua ngày.

    Bị Việt Cộng giam cầm 17 ngày so với 17 năm Nguyễn Hữu Đang bị Việt Cộng giam giữ, làm sao tôi dám so nổi để nói lên lòng căm thù đối với bọn ác ôn côn đồ Cộng Sản Việt Nam đang đầy đọa dân tộc Việt Nam trong đau khổ lầm than.


    (còn tiếp)

  4. #14
    .

    đoạn trường
    vô thanh
    ...






  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823


    Chương 10


    Tổ chức và võ trang các đoàn thể công giáo cứu quốc



    Đối với Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, vấn đề võ trang cho lực lượng Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc là ưu tiên số một trong suốt quá trình đấu tranh của mặt trận trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật Bản dành độc lập cho Tổ Quốc, ngay từ khi bắt đầu thành lập chiến khu Rịa năm 1944, cũng như sau này khi Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc khởi sự các thánh chiến chống cộng sản vô thần tại Phát Diệm, Bùi Chu.

    Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc (MTVNCGCQ), quan niệm rằng mỗi khi các giáo xứ đều tổ chức một lực lượng tự vệ công giáo được võ trang một cách hợp pháp đối với chính quyền vì MTVNCGCQ nằm trong tổ chức của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh, điều này chứng tỏ người công giáo nhiệt thành đóng góp vào công cuộc chung chiến đấu thực sự dành độc lập cho Tổ Chức, đồng thời với lực lượng võ trang sẵn có, việc giữ gìn an ninh cho giáo xứ cũng như làng xóm, được bảo đảm trong thời kỳ loạn lạc và chiến tranh.

    Nên ngay sau khi đi Hà Nội để phản đối việc Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ với Pháp, trở về tới Phát Diệm, Đức Cha Lê Hữu Từ đã triệu tập ngay ủy ban lãnh đạo MTCGCQ gồm cha Hoàng Quỳnh, Trần Ngân và tôi Nguyễn Đình Minh, tới tòa Giám Mục để bàn thảo về tình hình chính trị chung của đất nước, và hoạch định đường lối của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong giai đoạn cực kỳ khó khăn gây ra bởi việc Hồ Chí Minh bán nước cho Pháp.

    Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946, chấp nhận Việt Nam chỉ là một quốc gia tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp và cho phép quân đội Pháp đóng quân tại nhiều địa điểm ở miền Bắc, từ vĩ tuyến thứ 16 trở lên, với thâm ý hòa hoãn với Pháp để đuổi quân đội Tầu về nước, hòng tiêu diệt đảng phái quốc gia.

    Từ trước đến giờ, người ta thường nói tới mối liên hệ giữa các vị thừa sai người Pháp và người Công Giáo Việt Nam, nên chính sách của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đã được hoạch định một cách thật minh bạch là cương quyết chiến đấu chống thực dân Pháp và kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam triệt để chống Pháp dành độc lập thực sự cho Tổ Quốc, và không chấp nhận quy chế một nước Việt Nam trong Liên Bang Đông Dương và trong khối Liên Hiệp Pháp như Hồ Chí Minh đã ký kết với Pháp trong Hiệp Định Sơ Bộ.

    Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc cũng chủ trương đứng ngoài chính quyền nhưng ủng hộ chính phủ liên hiệp kháng chiến và hoạt động đôc lập trong giới hạn của luật pháp quốc gia để kiện toàn việc tổ chức các đoàn Công Giáo Cứu Quốc cùng đặt vấn đề võ trang cho các đoàn tự vệ công giáo là ưu tiên số một.

    Dù đảng Cộng sản Đông Duong trong Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh tuyên bố tự giải tán ngày 11-11-1945, nhưng các đảng viên đảng Cộng sản vô thần vẫn còn tại vị, nên Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc khẳng định rằng lập trường của Mặt Trận VNCGCQ cương quyết chống đổi đến cùng chủ thuyết Cộng Sản Vô thần.

    Giáo Hội Công Giáo đã ban hành nhiều thông điệp phi bác chủ nghĩa vô thần, đặt biệt là Thông Điệp Divini Redemptoris ngày 19-3-1937, của Đức Giáo Hoàng Piô XI, và dựa vào thông điệp này Hội Đồng Giám Mục dã phổ biến một thư chung cấm người Công Giáo không được tham gia các tổ chức của người Cộng Sản vô thần. Theo như điều 2140 của sách bổn của Giáo Hội Công Giáo thì việc theo chủ thuyết vô thần được coi như bác bỏ hay chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa như vậy là một tội trọng, phạm vào điều răn thứ nhất, nguyên văn điều 2140 bằng tiếng Pháp như sau: ‘En tant qu’il rejette ou refuse l’existence de Dieu, l’atheisme est un péché contre le premier commandement’.

    Ngoài việc gia nhập đảng phái chủ trương chính sách vô thần là một tội trọng, việc người công giáo gia nhập vào các đảng hay các hội có âm mưu chống lại Giáo Hội Công Giáo đều bị cấm theo Giáo Luật hiện hành: Điều 1374 quy định: ’Ai ghi tên vào một hội âm mưu chống lại Giáo Hội sẽ bị phạt xứng đáng. Ai phát động hay điều khiển hội ấy, sẽ bị phạt cấm chế’.

    Trong chiều hướng phụng sự Giáo Hội và Tổ Quốc, cùng cụ thể hóa chính sách của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, ngày 26 tháng 4 năm 1946, Đức Cha Lê Hữu Từ đã gửi thư luân lưu số 7 cho các linh mục trong địa phận Phát Diệm, thúc giục việc thành lập các đoàn Công Giáo Cứu Quốc, ngài viết:

    '...Nhân dịp, tôi cũng xin nhắc lại cho các cha một lần nữa là xin các cha nhắc nhở cho con chiên bổn đạo và nhất là các thanh niên đừng có ai vào phái đảng nào hết. Trong lúc này nhiều người lợi dụng danh nghĩa tôi mà đi tuyên truyền bậy bạ. Tôi chỉ xin các cha cổ động và thành lập cho mau chóng trong xứ các đoàn Công Giáo Cứu Quốc là cái mà chính phủ đã cho phép chúng ta được tổ chức để huấn luyện người Công Giáo cho biết phụng sự Giáo Hội và Tổ Quốc…’

    Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc chủ trương đứng ngoài chính quyền và hoạt động trong giới hạn của luật pháp quốc gia để tiến tới viêc võ trang cho các đoàn Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc, Đức Cha Lê Hữu Từ ra một thông tư đề ngày 8-2-1946, trong đó có vấn đề mua võ khí, Đức Cha Lê Hữu Từ nói:

    …Các cha còn nhớ: ngày cụ Hồ Chủ Tịch về thăm chúng ta, tôi đã hứa sẽ tổ chức ngay các đoàn Công Giáo Cứu Quốc để huy động lực lượng toàn thể quôc dân ủng hộ chính phủ. Ủng hộ chính phủ đó là mục đích của ta, đó là con đường độc nhất của ta. Vậy nơi nào chưa lập xong (Đoàn Công Giáo Cứu Quốc) thì một lần cuối cùng nữa tôi xin các cha ở những nơi ấy thu xếp cho mau chóng. Tôi đã xin phép Chính phủ lập trường quân chính và xin phép mua mấy khẩu súng để cho các đoán luyện tập cho gọi là biết chút ít hòng một khi Tổ Quốc cần thì ta có người ta hưởng ứng ngay’.

    Trong tinh thần đứng ngoài chính quyền của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, ủy ban hành chính phủ Kim Sơn, một sản phẩm của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc sau cuộc ‘cướp chính quyền’ sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, cũng được trao lại cho ông Nguyễn Duy Chỷ, một cảm tình viên của Mặt Trận VNCGCQ, đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch, sau một cuộc bầu cử và được Ủy Ban Hành Chính tỉnh Ninh Bình chấp nhận. Trong suốt thời gian nắm chính quyền ở phủ Kim Sơn, chúng tôi đã tổ chức xong những cuộc bầu cử ủy ban hành chánh các xã trong 7 tổng: Chất Thành, Hồi Thuần, Quy Hậu, Hướng Đạo, Tự Tân, Truy Lộc và Lai Thành.

    Thể theo tinh thần Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc cương quyết chống Pháp dành độc lập cho Tổ Quốc, đại đội Vệ Quốc Đoàn phủ Kim Sơn, do chúng tôi thành lập sau ngày ‘cướp chính quyền’, cũng xung phong xin được vào Nam đánh giặc Pháp, và đại đội này được chuyển vào Nam tham gia mặt bao vây thành phố Nha Trang và đóng quân ở đèo Rù Ri.

    Sau khi quân đội Pháp, đổ quân từ Ban Mê Thuột theo đường quốc lộ 21, xuống Ninh Hòa, đánh bọc hậu, đại đội này đã phải rút quân theo đường núi ra Quy Nhơn để trấn giữ tỉnh lộ 19 từ Pleiku xuống và đóng quân ở Phú Phong, trong một trận đánh ở thị xã An Khê, trung đội của anh Tràng, người ở trại Ba Đê, Phát Diệm, đã phá vỡ cầu đúc An Khê và trong trận này, một số linh Pháp bị tử thương.

    Trong số các binh sĩ thuộc đại đội Vệ Quốc Đoàn Kim Sơn bị tử thương ở 2 mặt trận Rù Ri và An Khê, có một người bạn thân của tôi học cùng lớp nhất ở trường Nhà Chung Phát Diệm là Vũ Xuân Lan, con cụ Bảng Ro, ở làng Định Hưởng tổng Hồi Thuần. Anh Trân, một trung đội trưởng của Vệ Quốc Đoàn Kim Sơn, nghe nói sau này lên tới chức tướng của bộ đội Việt Minh.

    Việc võ trang cho lực lượng Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc trong công cuộc chống Pháp dành độc lập và chống cộng sản vô thần, đã được phát động một cách chính thức, vì có sự đồng ý của chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia, và nhiều vụ thu, mua, chế tạo võ khí đã được thực hiện khi công khai, khi bí mật, không những chỉ riêng ở trong nước mà thôi mà Phát Diệm còn tổ chức gửi phái đoàn sang điều đình mua súng đạn ở tận bên Tầu nữa.

    Một thanh niên công giáo tên Trần Điển, người xứ Trà Cổ ở Vạn Ninh thuộc Móng Cáy, sát biên giới với Trung Hoa, thường chở đĩa, bát về bán ở Phát Diệm, mà dân địa phương thường gọi là ‘thuyền bát’, hay thuyền Trà Cổ, cho biết tin có một sĩ quan quân đột Nhật Bản đóng ở Port Valluy gần Cẩm Phá trong vịnh Hạ Long muốn bán một số súng ống đạn dược đủ để trang bị cho một trung đoàn bộ binh.

    Khi được tin này tôi đã cùng anh Điển đi tới Port Valluy tiếp xúc với vị sĩ quan Nhật Bản này để xem thực hư thế nào và sau một cuộc điều đình khá gay go, sĩ quan Nhật Bản này đặt giá bán là 2 triệu đồng bạc. Số tiền đòi hỏi này được coi như rất lớn thời bấy giờ, nên khi trở về Phát Diệm, chúng tôi đặt kế hoạch là trình bầy cùng chính phủ, xin phép tổ chức một cuộc quyên tiền trong giới Công Giáo không mà thôi, và nếu mua được số súng đạn này chúng tôi sẽ tổ chức một trung đoàn bộ binh gồm các thanh niên công giáo xung phong và đánh giặc Pháp ở miền Nam.

    Sau khi được sự đồng ý của Đức Cha Lê Hữu Từ, một phái đoàn của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc gồm có cha Hoàng Quỳnh và cha Lê Quang Oánh ở Thái Bình cùng với tôi và các anh Trần Ngân, Lưu Thế Lộ, Nguyễn Văn Xướng, Phạm Quốc Trị, Nguyễn Quốc Quỳnh xin vào yết kiến Hồ Chí Minh để trình bầy nguyện vọng của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc muốn thành lập một trung đoàn thanh niên công giáo xung phong vào đánh giặc Pháp ở Nam Bộ với số súng đạn mua được của quân đội Nhật Bản với tiền quyên được ở trong giới Công Giáo.

    Ông Hồ tiếp phái đoàn một cách niềm nở và tỏ ý tán thành đề nghị của chúng tô. Bỗng nhiên, một ủy viên tùy phái tới trình rằng: "Ông Giáp mời ông Hồ sang phòng bên thưa chuyện" Chỉ một lúc sau không lâu, ông Hồ trở lại tiếp chuyện chúng tôi và ông ta bắt đầu nói lên một giọng điệu khác hẳn với lúc trước. Ông ta nói:

    ‘Tôi rất tán thành ý nguyện của anh em Công Giáo Cứu Quốc xung phong vào đánh giặc Pháp ở Nam Bộ, nhưng việc xin phép mua súng và quyên tiền sẽ được đưa ra bàn ở trong phiên họp của hội đồng chính phủ sắp tới’


    Và ông Hồ nói là bộ trưởng bộ Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp sẽ liên lạc với chúng tôi sau. Dĩ nhiên việc này bị cho chìm luôn!

    Kế hoạch xin mua súng đạn một cách đại quy mô để đánh giặc Pháp ở Nam Bộ của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc không thành công là điều dễ hiểu vì chúng tôi biết Hồ Chí Minh đã âm mưu nói chuyện với đặc phái viên của thực dân Pháp là Jean Sainteny, để bán nước bằng việc ký Hiệp Định Sơ Bộ mồng 6 tháng 3, nhưng tôi cảm thấy ngạc nhiên khi Trần Huy Liệu, lúc này không còn là bộ trưởng tuyên bộ tuyên truyền nữa, đã liên lạc mời tôi tới gặp và đưa cho tôi một giấy phép của Tổng bộ Việt Minh cho phép Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc mua 50 khẩu súng các loại.

    Đây có thể là đáp ứng của một lời yêu cầu trước đây xin mua súng nhân danh chức vụ Thanh Tra Công Giáo Vụ Toàn Quốc, để võ trang cho các đơn vị Tự Vệ Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và cũng có thể Hồ Chí Minh không chấp nhận đề nghị của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc muốn mua một số lượng lớn súng đạn đủ võ trang cho một trung đoàn, nên hạ lệnh cho Tổng Bộ Việt Minh cấp giấy mua 50 khẩu súng này không có giới hạn thời gian tính và không có việc kiểm soát số lượng súng mua được, nên với giấy phép này chúng tôi đã mua được nhiều súng ống và chuyển vận một cách hợp pháp về Phát Diệm.

    Công tác mua súng được ủy nhiện cho bà xã tôi: Tuyết Minh, ủy viên phụ trách tiếp tế của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc từ thời chiến khu Rịa, thực hiện cùng với hai phụ tá là anh Nguyễn Văn Thứ và anh Trần Văn Lai thường được gọi là Lai Cụt.

    Sỡ dĩ anh Lai được gọi là Lai Cụt vì một tai nạn xẩy ra khi anh bắn thử một lô 12 khẩu súng hai nòng hiệu Browning mua được của một Pháp kiều ở Hà Nội, khi anh bắn thử tới khẩu thứ 11 thì một viên đạn đã nổ tung trong lòng súng, làm cho anh Lai bị cụt 4 ngón tay và phải nằm cả tháng trong nhà thương, và anh Trần Văn Lai đã bị thiệt mạng trong vụ Việt Minh tấn công vào giáo xứ Phúc Nhật ngày 9 tháng 10 năm 1947.

    Việc mua súng không đến nỗi khó khăn lắm, vì mấy anh lính Tầu Phù cần bán súng để lấy tiền hút thuốc phiện, và mối mua súng của quân đội Nhật Bản cũng rất sẵn. Nhưng vấn đề chuyển vận súng là vấn đề khó khăn nhất, không phải vì Công An hay cảnh sát Việt Minh làm khó dễ, vì việc mua súng của VNCGCQ có giấy phép đàng hoàng, nhưng việc chuyển súng qua ga hàng Cỏ ở Hà Nội là khó khăn nhất vì quân cảnh của quân đội Trung Hoa kiểm soát khá chặt chẽ. Nhiều lần chúng tôi đã gặp khó khăn tại đây nhưng rất may là đều trôi chảy cả.

    Những loại súng chúng tôi thường mua được là súng mitraillette Sten, do hãng garage Avia bán xe Citroen ỏ Hà Nội sản xuất, sau nữa là các loại súng Thompson hay súng lục bắn liên thanh Pạc hoọc, súng Carbin và các loại súng lục hay rouleau cũng dễ mua và dễ tháo rời ra để chuyên chở.

    Mối mua súng mới và tối tân là đặt mua qua các Tầu Ô, đây là những tầu buôn loại khá lớn, chạy bằng buồm đến từ Bắc Hải hay Quảng Châu Loan ở bên Tầu, và những cuộc thương lượng mua súng và hàng hóa thường diễn ra ở cửa sông Càn và sông Mã ở Thanh Hóa gần đảo Núi Nẹ. Một lần nhạc phụ tôi là cụ Chánh Huyến, chánh trương xứ Hòa Lạc đích thân đi cùng với ông bạn là cụ Hào Bình ở Liên Quy, Tam Tổng thuộc tỉnh Thanh Hóa, đi thuyền ra biển giao tiếp với các chú nhân Tầu Ô gọi là làm quen sau nữa để xem các mặt hàng trong thuyền, phần nhiều là đồ xứ như bát đĩa, thuốc bắc và tơ lụa v.v… nhưng các cụ cũng ướm hỏi về việc đặt mua súng đạn cho Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc xứ Hòa Lạc. Vì ngôn ngữ bất đồng nên sự giao tiếp giữa hai bên thường diễn ra bằng bút đàm vì các cụ đều là những nhà nho thông thạo hán ngữ.

    Vừa bược chân lên bờ, hai cụ đã được du kích ở làng Liên Quy đón tiếp với giao găm và lựu đạn nội hóa, đưa các cụ về trụ sở của ủy ban hành chánh kháng chiến xã, sau một hồi tra khảo các cụ bị buộc vào tội làm gián điệp, liên lạc với người ngoại quốc. Thế là hai cụ bị đưa lên giam ở trại Lý Bá Sơ ở lao Thành Tín và cũng có tên khác là Đầm Đùn nổi tiếng nghiệt nhất ở tỉnh Thanh Hóa.

    Khi hay tin các cụ lâm nạn, chúng tôi liền vào Nhà Chung Phát Diệm xin Đức Cha Lê Hữu Từ là Cố vấn của chính phủ Hồ Chí Minh can thiệp. Sau khi kể hết tự sự và đặc biệt nhấn mạnh tới điểm nhạc phụ của chúng tôi là chánh trương xứ Hòa Lạc, nên Đức Cha nhận lời, ngài liền cho thảo một bức thư viết cho Đặng Thái Mai là chủ tịch ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Thanh Hóa để xin tỉnh tha cho cả hai cụ, nhưng không có kết quả cấp tốc, nên Đức Cha Từ lại viết một thư khác xin Hồ Chí Minh đích thân can thiệp, và cuối cùng Đặng Thái Mai mới hạ lệnh thả tự do cho 2 cụ.

    Một gương sáng thể hiện tình gia tộc thấm thiết của con dân đất Việt là ông anh thúc bá của vợ tôi đã đón ông Cụ từ trại Lý Bá Sơ ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa về Hòa Lạc, Phát Diệm, bằng xe đạp, ông chú đạp xe, ông cháu chạy theo, đun xe cho ông chú đỡ mệt, trên một khoảng đường dài sơ sơ có gần 100 cây số thôi.

    Vì tình hình chính trị biến chuyển mạnh sau khi Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ và đặc biệt là các đảng phái quốc gia bắt đầu bị tan rã, lớp chạy theo quân đội Trung Hoa sang lánh nạn ở bên Tầu, lớp bị Việt Minh đàn áp và giam giữ, lớp rút lui về hoạt động bí mật, nhưng riêng đối với Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc thì thời gian này lại là thời cơ phát triển thuận lới nhất cho những hoạt động độc lập trong giới hạn của luật pháp quốc gia. Phát Diệm trở thành nơi nương tựa vững chắc cho các hoạt động chống cộng sản vô thần, nên các cơ sở của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được thiết lập lấy giáo xứ là đơn vị hạ tầng, phủ bộ, (nhiều giáo xứ gần nhau) là đơn vị trung tầng và tỗng bộ là cơ quan chỉ huy tối cao đặt tại Phát Diệm.

    Cha Hoàng Quỳnh được Đức Cha Lê Hữu Từ trao cho việc tổ chức các lớp huấn luyện chính trị và quân sự cho các thầy giảng và các thanh niên của các giáo xứ. Trung tâm huấn luyện của Công Giáo Cứu Quốc được đặt tại Trường Thử ở Trì Chính, đây là một cơ sở rất rộng lớn có đủ chỗ huấn luyện cho 300 thanh niên mỗi khóa.

    Vì nhiều địa phận có đông giáo dân như Bùi Chu, Thái Bình, Hà Nội và Nghệ An, và ngay những giáo xứ ở miền Bắc địa phận Phát Diệm, nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh, nên việc thành lập các đoàn Công Giáo Cứu Quốc khó có thể thực hiện được, chớ đừng nói tới việc võ trang cho các đơn vị tự vệ Công Giáo Cứu Quốc. Tuy nhiên nhiều thanh niên quả cảm ở các giáo xứ vẫn đổ về Phát Diệm tham dự các khóa huấn luyện chính trị và quân sự để trở về hoạt động bí mật ở các địa phương.

    Để hướng dẫn và nâng đỡ các cơ sở hoạt động của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc ở các giáo xứ trên toàn quốc, trụ sở của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc ở số 9 phố Lamblot tức phố Lý Quốc Sư ở Hà Nội vẫn hoạt động đều đặn với anh Nguyễn Công Chính, chủ tịch của Ủy Ban Chấp Hành VNCGCQ là người có thể đi sát được với Tổng Bộ Việt Minh, nên phần nào nhiều giáo xứ hoạt động công giáo cứu quốc vẫn tiếp tục đều đặn được.

    (còn tiếp)

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823
    Chương 11


    Việt Minh chủ trương Giáo Hội Việt Nam tự trị



    Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc biến thể thành Tổng Bộ Công Giáo Cứu Quốc chỉ một thời gian rất ngắn sau khi Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, bán nước Việt Nam cho thực dân Pháp và sau đó là tin quân đội Pháp sẽ tới Bắc Việt, thay thế quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch để tước khí giới quân đội Nhật Bản, theo lệnh của Tổng Tư Lệnh Đồng Minh.

    Tại trụ sợ của Công Giáo Cứu Quốc ở số 9 phố Lamblot cũ tức phố Lý Quốc Sư ở Hà Nội, bỗng xuất hiện 2 nhân vật người Tầu mà Nguyễn Công Chính, chủ tịch ban Chấp hành Công Giáo Cứu Quốc giới thiệu là cán bộ Công Giáo Vận của Cộng Sản Trung Hoa đến từ Diên An, chiến khu của Mao Trạch Đông ở bên Tầu. Theo như Chính cho biết thì 2 cán bộ người Tầu được Mặt Trận Việt Minh cử tới làm cố vấn cho Nguyễn Công Chính, trong vấn đề tranh đấu cho Giáo Hội Việt Nam được tự trị.

    Sau cuộc đàm luận với 2 cán bộ Công Giáo Vận người Trung Hoa, cha Hoàng Quỳnh và chúng tôi, cùng toàn thể các ủy viên trong ban chấp hành của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, ngoại trừ Nguyễn Công Chính, khẳng định là Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh chủ trương tranh đấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tự trị tách rời của Việt Minh theo chính sách vô thần của đảng Cộng Sản Đông Dương chủ trương chia mà trị để loại bỏ tôn giáo và Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc (Phát Diệm) quyết chống đối đến cùng.

    Để đối phó với chủ trương tranh đấu cho Giáo Hội Việt Nam Tự Trị nghĩa là tách rời khỏi Tòa Thánh Vatican của Việt Minh, Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc (Phát Diệm) vận động xin Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Drapier ở Huế tâu về Tòa Thánh Vatican xin cứ các giám mục Việt Nam thay thế các giám mục người Pháp hay Tây Ban Nha. Được biết thời này ở cả Việt Nam, chỉ có 3 giáo phận được cai quản bởi giám mục Việt Nam là các giáo phận Phát Diệm với Đức Cha Lê Hữu Từ, giáo phận Bùi Chu với Đức Cha Ngô Đình Thục, kỳ dư 13 giáo phận khác đều do các giám mục người Pháp hoặc Tây Ban Nha cai quản.

    Việc thiêt lập hàng Giáo Phẩm hoàn toàn Việt Nam được Giáo Hội chuẩn bị thiết lập ngay từ khi Đức Cha Nguyễn Bá Tòng lên ngôi giám mục Tiên khởi Việt Nam vào năm 1933 và từ năm 1934 đến 1960, Giáo Hội Việt Nam vẫn tiếp tục tiến triển, nhưng gặp phải biết bao trở ngại bên ngoài bên ngoài cũng như bên trong, nhưng Giáo Hội đã đập tan hết mọi trở ngại để đi đến ngày vinh quang: Giáo Hội chính thức thành lập phẩm trật tại Việt Nam.

    Toàn cõi Việt Nam được chia ra làm ba giáo tỉnh: Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sài Gòn. Một Giáo tỉnh đều do Một Đức Tổng Giám Mục cai quản và mỗi giáo phận do một Đức Giám Mục (xem Việt Nam Giáo Sứ quyển II trang 200) và hiện nay tất cả các tổng giám mục và giám mục Công Giáo đều là người Việt Nam, và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn thông công với Giáo Hội Mẹ ở La Mã, và như vậy là Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn thất bại trong âm mưu thành lập Giáo Hội Cộng Giáo Việt Nam Tự Trị hay loại Giáo Hội Quốc Doanh.

    Tuy bị Cộng Sản Việt Nam bách hại dữ dội, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã giữ vững được sự trung thành với Giáo Hội Mẹ ở La Mã: ngược lại, Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa đã bị Cộng Sản bách hại, lâm vào tình trạng chia rẽ rất nặng nề. Nhiều giám mục, linh mục và giáo dân bị Cộng Sản cầm tù vì trung thành với La Mã, tuy nhiên một số giáo phẩm và giáo dân, một phần nào vẫn giữ vững đức tin, sinh hoạt bí mật trong Giáo Hội Thầm Lặng. Trong khi đó Giáo Hội Công Trung Hoa Quốc Doanh, hiện chiếm cứ hầu hết các nhà thờ trên toàn quốc, và tuyên bố tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo Mẹ ở La Mã, và tình trạng quốc doanh này vẫn còn kéo dài, dù Tòa Thánh đang hết sức cố gắng vận động kéo đoàn chiên lạc Trung Hoa trở về với Chủ Chăn là Đức Giáo Hoàng đại diện Chúa Kitô ở trần gian.

    Hiện nay chính sách tổ chức Công Giáo quốc doanh của Cộng sản Việt Nam không thành công, nhờ vào ý chí tranh đấu quyết liệt của Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên trong năm 1946, vấn đề gọi là tranh đấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tự trị đã làm cho dư luận của các tầng lớp giáo dân Hà Nội trở nên rất sôi nổi, vì một cuộc bút chiến dữ dội đã xẩy ra giữa tuần báo ‘Sống’ cơ quan của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, do anh ruột tôi là Nguyễn Đình Thịnh, làm chủ bút và tờ tuần báo ‘Hồn Công Giáo’ có khuynh hưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, người chủ trương là anh Mai Ngọc Liệu, một huynh trưởng Hướng đạo rất thân với tôi. Cuộc bút chiến xẩy ra một cách hết sức gay go, đến nỗi có nhiều khi suýt xẩy ra những cuộc xô xát giữa những người anh em tình nguyện phân phát của 2 tờ báo, trước của nhà thờ Chính Tòa Hà Nội sau các thánh lễ Chủ Nhật.

    Chúng tôi công nhận rằng lập trường đả kích vấn đề Việt Minh chủ trương tranh đấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tự trị, tách rời khỏi Vatican của tuần báo ‘Hồn Công Giáo’ là đúng, nhưng chúng tôi vẫn để cuộc bút chiến tiếp diễn, vì một lý do chính trị rất khó nói ra công khai thời bấy giờ. Là Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc (Phát Diệm) chủ trương hòa hoãn với Việt Minh trong giai đoạn Mặt Trận đang bành trướng việc tổ chức các đoàn thể Công Giáo Cứu Quốc và mua võ khí để võ trang cho các đơn vị Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc tại tất cả các giáo xứ trên toàn quốc. Nên lập luận của Mặt Trận VNCGCQ trong cuộc bút chiến này là Giáo Hội Việt Nam cần phải được tự trị, nghĩa là các giáo phận không thuộc quyền cai quản của các giám mục ngoại quốc nữa và vận động xin Tòa Thánh cử giám mục Việt Nam thay thế.

    Ngoài cuộc bút chiến về vấn đề Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tự trị, tờ Hồn Công Giáo cũng đả kích rất mạnh chính phủ Hồ Chí Minh và vạch trần ra rằng chính phủ này là chính phủ của Cộng Sản, và trong các bài viết Hồn Công Giáo luôn luôn đề cao vai trò của Liên Đoàn Công Giáo và đả phá Công Giáo Cứu Quốc, nhưng chỉ sau đó ít lâu, nhờ ở tình huynh đệ Hướng Đạo, vấn đề ‘hiểu lầm’ giữa nhóm chủ trương báo ‘Hồn Công Giáo’ và báo ‘Sống’ đã được giải tỏa một cách êm đẹp.

    Ngoài vấn đề bút chiến với tuần báo ‘Hồn Công Giáo’ về chủ trương tranh đấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tự trị như vừa trình bày ở trên, tuần báo ‘Sống’ lại còn gây một cuộc bút chiến khác với báo ‘Sự Thật’ là cơ quan truyền thông chính thức của đảng Cộng Sản Đông Dương về vấn đề vô thần và hữu thần. Cuộc bút chiến này được coi như là một cái ‘ngông’ của tuổi trẻ.

    Vì tiên liệu tình hình chính trị của Việt Nam trong giai đoạn này có nhiều thay đổi từ việc Việt Minh thỏa hiệp với Pháp qua hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1945 tới việc quân đội Trung Hoa bị triệu hồi về nước để quân đội Pháp thay thế tước khí giới quân đội Nhật Bản và các đảng phái cùng các đoàn thể có tinh thần quốc gia bắt đầu bị Việt Minh đàn áp và chính phủ liên hiệp kháng chiến giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia sắp bước vào giai đoạn chót của liên hiệp.

    Nên sau một thời giai mở rộng những hoạt động của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc tại địa phận Hà Nội và Hải Phòng, Đức Cha Lê Hữu Từ gọi cha Hoàng Quỳnh về hoạt động ở địa phận nhà, chú trọng tới việc củng cố các tổ chức Công Giáo Cứu Quốc của địa phận và mở rộng hoạt động sang địa phận Bùi Chu.

    Đứng trước những âm mưu của Việt Minh tiếp tục chính sách phá tôn giáo của Cộng Sản bằng tiếng gọi là tranh đấu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Tự trị tách rời ra khỏi Giáo Hội Hoàn Vũ ở Vatican, Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc dần dần biến thể thành Tổng Bộ Công Giáo Cứu Quốc, trụ sở đặt tại Phát Diệm, nhưng vẫn hoạt động sát cánh với Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, trụ sở ở Hà Nội, với Nguyễn Công Chính là chủ tịch Ủy Ban Chấp Hành, để giữ tính cách hợp pháp của Tổng bộ CGCQ đối với Việt Minh.

    Một trong những mục tiêu chính của Tổng bộ Công Giáo Cứu Quốc là tổ chức những lớp huấn luyện thường xuyên về chính trị và quân sự một cách hợp pháp tại Trường Thử ở Trì Chính cho các thày giảng và các thanh niên công giáo trong địa phận Phát Diệm hay từ các địa phận khác gửi tới. Ngoài những lớp huấn luyện tại Trường Thử, sau này Tổng Bộ Công Giáo Cứu Quốc thiết lập 3 trung tâm huấn luyện.

    1- Trung Tâm Phát Diệm dành cho các xứ bộ thuộc phủ bộ Kim Sơn, khu bộ miền duyên hải. Huyện bộ Yên Mô và trở thành trung tâm huấn luyện thường xuyên cho tới năm 1951.

    2- Trung Tâm Phúc Nhạc cho các phủ bộ Yên Khánh và Gia Khánh (giới hạn tỉnh lỵ Ninh Bình)

    3- Trung Tâm Mưỡu Giáp- Lãng Vân dành cho các xứ bộ trong các phủ bộ Gia Viễn, Nho Quan, và một phần phía bắc Gia Khánh.

    Chương trình huấn luyện gồm:


    1. Chính trị Công Giáo, học thuyết xã hội Công giáo
    2. Chính trị phổ thông
    3. Quân sự động tác cơ bản và bắn súng
    4. Võ thuật: quyền cước, gươm đao, mã tấu, côn, gây
    5. Tring sát: cách thông tin và nghệ lượm tin tức
    6. Ca kịch, lửa vui, ca nhạc (trích Giám Mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm, của Đoàn Độc Thư và Xuân Huy)



    Tại địa phận Bùi Chu, hồi tháng 10 năm 1946, trại thủ lãnh thanh niên mang tên Hồ Ngọc Cẩn đã được tổ chức tại Hải Hậu, thu hút các thành phần từ ưu tú công giáo chịu đào luyện để một mai chống chọi với làn sóng đỏ bắt đầu lan tràn. Chính phủ cộng sản tỏ vẻ hoài nghi, mà quả nhiên một năm sau, lớp thanh niên ấy đã nổi dậy như vũ bão để bảo vệ quyền lợi tôn giáo một cách đắc lực, trước thì trong mặt trận Công Giáo Cứu Quốc (1946-1948) sau thì trong phong trào Tự Vệ (1949-1951 (Xem Việt Nam Giáo Sử của Phan Phát Huồn CssR trang 273) và cuối năm 1946, thể theo lời yêu cầu của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục địa phận Bùi Chu, cha Hoàng Quỳnh được phái sang Bùi Chu giúp việc thiết lập Tổng Bộ Công Giáo Cứu Quốc Bùi Chu.

    Trong khi đó vì đường lối quyết liệt chống thực dân Pháp và cộng sản vô thần của Đức Cha Lê Hữu Từ và vì ảnh hưởng của cuộc bút chiến giữa báo ‘Hồn Công Giáo’ và báo ‘Sống’ của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, Phát Diệm đã bị các giám mục người Pháp và Tây Ban Nha ‘hiểu lầm’ nên Đức Cha Lê Hữu Từ và cha Đoàn Độc Thư đã phải làm 1 cuộc ‘xuất ngoại’ để ‘giải độc’ du luận.

    Cuộc giải độc này bắt đầu bằng cuộc viếng thăm tòa Giám Mục Hà Nội ngày 14-10-1946, Đức Cha Chaize (Thịnh) và các cố tây cho rằng Đức Cha Lê và Phát Diệm theo Việt Minh Cộng sản đánh lại người Pháp… Những luận điệu chống đối này đã được Đức Cha Lê và cha Đoàn Độc Thư giải đáp và trình bày cặn kẽ từ lập trường dành độc lập và chống chủ nghĩa Cộng Sản vô thần, đến những hành độ phải có trong chiến thuật ‘gậy ông đập lưng ông’ vì Phát Diệm rõ hơn ai hết Việt Minh là cộng sản.

    Cuộc giải độc đã thành công, Đức Cha Thịnh và các cố Tây thay đổi thái độ, tiếp đón phái đoàn Phát Diệm một cách hết sức nồng hậu khác hẳn thái độ lạnh nhạt khi mới tới, và sau Hà Nội phái đoàn Phát Diệm lại còn tiếp xúc với các giám mục người Tây Ban Nha của các địa phận Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, và Đức Cha De Cooman, giám mục địa phận Thanh Hóa và Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn ở Bùi Chu cùng cha Tổng quản Trần Hữu Đức ở địa phận Vinh.

    Kết quả cuộc giải độc này lại còn thành công hơn nữa là vào năm 1947, Đức Cha Gomez, giám mục địa phận Hải Phòng, người Tây Ban Nha đã cho Đức Cha Lê Hữu Từ mượn một số tiền lớn là 1,000.000 đồng (tiền Đông Dương) mua súng đạn ở Trà Cổ để võ trang cho lực lượng Công Giáo Cứu Quốc. Số tiền ấy, sau này năm 1951, Đức Cha Gomez đã không đòi lại mà tặng luôn cho Đức Cha Lê và Phát Diệm.


    (còn tiếp)

  7. #17
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823


    Chương
    12


    Chiến tranh tuyên truyền giữa Công Giáo Cứu Quốc và Việt Minh



    Sau khi cuộc hội nghị giữa Pháp và Việt Nam tan vỡ ở Fontainebleau, Hồ Chí Minh đã lẻn tới nhà riêng của tổng trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet, ở Paris thủ đô Pháp Quốc, đêm ngày 14 tháng 9 năm 1946 để xin ký một thỏa ước tạm thời Modus Vivendi, thỏa ước này cũng không hơn gì bản hiệp định sơ bộ, theo đó Việt chỉ được công nhận là một quốc gia tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong khối Liên Hiệp Pháp, và ngày 19 tháng 9 năm 1946 Hồ Chí Minh trở về Việt Nam trên chiến hạm Dumont d’Urville của hải quân Pháp, và ngày 24 tháng 10 năm 1946, Hồ Chí Minh tiếp Đức Cha Lê Hữu Từ và phái đoàn gồm cha Đoàn Độc Thư và tác giả tại Bắc Bộ Phủ ở Hà Nội.

    Ngay khi giáp mặt Hồ Chí Minh, Đức Cha Từ tấn công ngay, bằng những lời lẽ hết sức bộc trực, nhưng đầy lòng yêu nước, thương nòi:

    ‘Thưa Cụ, nỗi uất hận của tôi về hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 chưa nguôi, thì nay cụ lại ký thêm thỏa ước Modus Vivendi, mà nội dung của nó cũng không hơn gì hiệp định sơ bộ, tôi cho đây là một hành bán nước nữa, nên tôi ước gì tầu Dumont d’Urville đắm ở dọc đường, để Cụ đứng về đến đất nước này nữa, hơn nữa tôi nhận thấy nhân dân trong nước cũng uất hận rất nhiều, họ chỉ muốn kéo ùa ra biển nhận chìm chiếc tầu chở Cụ và phái đoàn về nước, nếu chính phủ còn tái lầm lỗi, chính tôi sẽ huy động dân chúng đứng lên phản đối…

    Hồ Chí Minh nhắc lại hai lần viếng thăm trước của Đức Cha Lê Hữu Từ, sau khi ông ấy ký hiệp định sơ bộ và nói:

    Thưa Cụ, như tôi đã nói với Cụ lần trước rằng cái thế của mình phải quỳ mà đi tới độc lập, nay cái thế ấy bắt buộc ta phải bò mà đi tới độc lập. Xin Cụ cứ tin ở tôi một lần nữa. ‘

    Đức Cha Từ trả lới:

    ‘Tôi có thể tin Cụ một lần nữa, nhưng việc các đoàn thể và đảng phái quốc gia đang bị chính phủ tiêu diệt thì Cụ nghĩ sao?’

    Hồ Chí Minh nói:

    ‘Tôi vừa mới ở Pháp về nên chưa được rõ các việc ấy, xin Cụ an tâm, tôi sẽ thu xếp.’

    Tuy Hồ Chí Minh nói với Đức Cha Lê rằng sẽ thu xếp, nhưng chỉ 4 ngày sau khi tiếp phái đoàn Phát Diệm, Việt Minh bắt đầu việc loại trừ các phần tử quốc gia trong chính phủ bằng một cuộc cải tổ Quốc Hội và Chính Phủ. Ngày 28 tháng 10 năm 1946, Quốc Hội Việt Minh họp tại nhà Hát Lớn Hà Nội khoảng 50 nghị sĩ thuộc phe đối lập tức thuộc các đảng phái quốc gia vắng mặt không tới họp.

    Các ông bộ trưởng thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Hội như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Trương Đình Tri cũng tự ý thoát lui, nên Hồ Chí Minh đã cải tổ chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia ngày 13 tháng 11 năm 1946, gồm một số bộ trưởng gốc cộng sản như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Tạo, Hoàng Minh Giám v.v… và một số bộ trưởng khác có khuynh hướng độc lập và chuyên viên. Tuy nhiên những lãnh tụ Cộng sản cốt cán như Hoàng Quốc Việt tức Hà Bá Cang, Nguyễn Lương Bằng, Trưởng Chinh tức Đặng Xuân Khu, Trần Huy Liệu vẫn còn nắm những vai trò then chốt trong hậu trường chính trị.

    Trong thời gian này, Việt Minh đã tăng cường chính sách khủng bố, thi hành dưới bàn tay đồ tể của vô vàn cán bộ xu thời, mù quáng và độc ác. Những hành động quá khích, kết quả thì ít, tai hại thì nhiều. Phương châm Đoàn Kết, Đại Đoàn Kết của Hồ Chí Minh tự nó đã biến thành một kế hoạch loại trừ và phản đoàn kết đại quy mô là tiêu diệt các đảng phái cùng những người có tinh thần quốc gia, ngoài ra, những ban trinh sát, ám sát của Việt Minh mọc lên như nấm, thi hành những chỉ thị bí mật, đẫm máu, gây hoảng hốt trong tâm can người dân lành chất phác.

    Nguyên tại địa phận Phát Diệm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ước lượng đã có tới khoảng 5.000 người vừa công giáo và không công giáo đã bị chính quyền Cộng sản bắt giữ, trong số này có những người bị bắt vì có liên quan tới các đảng phái quốc gia, còn hầu hết đều là những người có giữ trách vụ trong các giáo xứ như trùm trưởng, nhân viên hội đồng giáo xứ, cán bộ lãnh đạo các tổ chức công giáo tiến hành và công giáo cứu quốc, hoặc liên đoàn công giáo, và chính tác giả: Nguyễn Đình Minh tức Nguyễn Đình Thư, Thanh Tra Công Giáo Vụ toàn quốc, đại diện ban chấp hành trung ương của Công Giáo Cứu Quốc trong Mặt trận Việt Minh, cũng bị an ninh quân đội Việt Cộng bắt giữ đem gửi ty Công An tỉnh Ninh Bình rốt trong sà lim hơn 3 tuần lễ, sau chính Trần Huy Liệu, một tay tổ trong tổng bộ Việt Minh can thiệp mới được thả tự do, mà không hề được cho biết bị bắt vì lý do gì!

    Trước hành động Việt Minh đàn áp, bắt bớ nhân dân, nhất là đối với người công giáo, Đức Cha Lê Hữu Từ liền gửi thư cho Hồ Chí Minh, để phản kháng một cách hết sức mạnh mẽ và đòi chính quyền phải trả tự do cho những người bị bắt và bị giam cầm, mà không có lý do chính đáng hoặc không được đưa ra tòa án xét xử.

    Trong thư phản kháng Đức Cha Lê vạch ra rằng:

    ‘Những hành động khủng bố, bắt giữ người dân lương thiện chỉ vì một lý do rất nhỏ mọn của cơ quan chính quyền đã làm cho dân chúng xao xuyến, hại đến tình đoàn kết dân tộc trong giai đoạn nghiêm trọng này. Những hành động ấy được coi như là đàn áp và gây chia rẽ tôn giáo, khiêu khích người công giáo…’

    Biết rõ tính cương trực của Đức Cha Lê: nói là làm, Hồ Chí Minh vội vã và gửi ngay một phái đoàn đại diện chính phủ do Bộ trưởng bộ Lao Động Ngyễn Văn Tạo cầm đầu, tới Phát Diệm ngày mồng 3 tháng 2 năm 1947, rồi hầu như chưa yên tâm, Hồ Chí Minh lại gửi thêm bí thư riêng của mình là Vũ Đình Huỳnh và Đỗ Bá, nhân viên bộ Quốc Phòng về tới Phát Diệm ngày mồng 5 tháng 2 năm 1947, để chuyển lời xin lỗi của chính phủ tới Đức Cha Cố Vấn Lê Hữu Từ, đồng thời còn đem theo lệnh thả tự do ngay cho một số người bị bắt mà Đức Cha Lê đã can thiệp nhất là những giáo dân liên hệ tới vụ xung đột đẫm máu giữa Công An Việt Minh và Thanh Niên Công Giáo Cứu Quốc giáo xứ Văn Hải.

    Tuy 2 phái đoàn đã tới Phát Diệm chỉ cách nhau có 2 ngày, nhưng Hồ Chí Minh vẫn chưa yên tâm, nên cử thêm linh mục Nguyễn Bá Trực, nhân viên thường trực Quốc Hội, cầm thư riêng của họ Hồ về Phát Diệm ngày mồng 7 tháng 2 năm 1947 nghĩ rằng một linh mục như cha Trực có thể dễ thông cảm hơn khi nói chuyện với một giám mục như Đức Cha Lê Hữu Từ.

    Khi được tin báo Nguyễn Văn Tạo, bộ trưởng bộ Lao động chính phủ Hồ Chí Minh, cầm đầu một phái đoàn chính phủ về Phát Diệm, sau khi Hồ Chí Minh nhận được văn thư phản kháng của Đức Cha Lê về việc Việt Minh khủng bố và đàn áp nhân dân, tôi được Đức Cha Lê gọi vào tòa giám mục để trình bày cho ngài biết về Nguyễn Văn Tạo.

    Trong gần một giờ đồng hồ thảo luận tôi có đề nghị một số kế hoạch từ việc tổ chức tiếp đón để phô trương lực lượng của tổ chức tự vệ Công Giáo Cứu Quốc hòng áp đảo tinh thần của phái đoàn chính phủ đến việc Đức Cha Lê tiếp kiến riêng Nguyễn Văn Tạo, không có phái đoàn tùy tùng, để nói lên tinh thần đoàn kết của toàn dân trong công cuộc chống Pháp dành Độc Lập.

    Và đặc biệt về chủ trương đại đoàn kết giữa người công giáo và không công giáo của Phát Diệm để cảnh tỉnh bọn người có dã tâm đi tuyên truyền gây chia rẽ và để ngăn chặn những vụ ‘hạ cấp làm liều’ và ‘giáo hóa chưa phổ cập’ của các cấp trong chính quyền. Ngoài ra đây cũng là dịp để trả lời lá thư của Hồ Chí Minh viết cho Đức Cha Lê ngày 23 tháng 1 năm 1947, về lời phê bình của chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến khu III rằng Phát Diệm thiếu tinh thần kháng chiến.

    Sau khi gặp 3 phái đoàn của chính phủ Hồ Chí Minh trong vòng 5 ngày, Đức Cha Lê có cho tôi biết là kết quả của những cuộc gặp gỡ tỏ ra rất tốt đẹp, không do những lời lẽ bóng bẩy đầy tính cách chính trị mà do ở những lời nói chân tình của một thầy dòng khổ tu thực lòng yêu Tổ Quốc, đã chinh phục được hoàn toàn tất cả các thành viên 3 phái đoàn, và trong một thông tư đề ngày 15 tháng 2 năm 1947, gửi cho các linh mục và giáo dân toàn địa phận Phát Diệm, Đức Cha Lê có gửi kèm theo phóng ảnh của 2 bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho Đức Cha và ngài nhắc lại 3 điều:

    1) Chúng ta, hơn ai hết, phải có tinh thần ái quốc, cao thượng mà tham gia việc kháng chiến. Lúc giặc chưa đến, phải hết sức chuẩn bị trong bình tĩnh, kỷ luật, tăng gia sản xuất để tiếp tế cho tiền tuyến, khi giặc đến gần phải sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh chính phủ để tác chiến.

    2) Chính trị của chính phủ đối với tôn giáo, riêng với Công Giáo rất rõ ràng. Nên ta phải dè dặt đối với các tin phao đồn. Nếu đâu có những hành động trái ngược với thượng lệnh của chính phủ, xin cho tôi biết ngay để tôi can thiệp, chớ vội vàng để xẩy ra những việc đáng tiếc.

    3) Đối với anh em bên lương, ngày nay ta càng tỏ tình đoàn kết để ngoại địch thấy rõ, trước nguy vong của Tổ Quốc, toàn thể đồng bào chỉ là một khối.

    Để sửa soạn cho công cuộc kháng chiến chống Pháp dành độc lập cho Tổ Quốc, đồng thời để chứng tỏ Phát Diệm có tinh thần kháng chiến cao độ, ngoài việc ra thông tư vừa trình bày trên đây để nói rõ lập trường dứt khoát của giáo phận Phát Diệm đối với vấn đề kháng chiến chống Pháp, Đức Cha Lê lại ra chỉ thị các giáo xứ mở rộng những lớp huấn luyện chính trị và quân sự cho Thanh Niên Công Giáo Cứu Quốc (TNCGCQ), tổ chức những cuộc họp bạn liên giáo xứ TNCGCQ, và lễ tuyên thệ cho cán bộ Công Giáo Cứu Quốc và nhất là xúc tiến mạnh hơn nữa việc mua võ khí để võ trang cho các tổ chức Tự Vệ CGCQ.

    Vì số dân tản cư về vùng Phát Diệm một ngày một đông và họ hết sức nóng lòng theo dõi tin tức chiến sự ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định v.v… để xem có hy vọng nào hồi hương hay không? Nên phủ bộ Việt Minh phủ Kim Sơn liền mở một phòng thông tin ngay ở nhà Cô Am ở giữa phố Thượng Kiệm, và mỗi thứ bảy vào buổi chiều phủ bộ Việt Minh lại mở một buổi tuyên truyền từ lầu gác hiệu Đông Thịnh gần cầu Phú Vinh giáp Phát Diệm.

    Trong những buổi tuyên truyền chiều thứ bẩy Việt Minh thường đưa ra những luận điệu vu khống và xuyên tạc các hoạt động của Đức Cha Lê Hữu Từ và của người Công Giáo Phát Diệm, nên ngày 20 tháng 2 năm 1947, Đức Cha Lê ủy nhiệm cha Hoàng Quỳnh và cha Đoàn Độc Thư cùng một số thanh niên Phát Diệm đứng ra tổ chức phòng Thông tin Tuyên Truyền Công Giáo, trụ sở đặt tại nhà Cụ Trùm Nhật ở ngay giữa phố Phát Diệm.

    Phòng Thông Tin Tuyên Truyền Công Giáo được coi như chính thức hợp thức hóa mồng 8 tháng 3 năm 1947 bằng một lễ khánh thành thật long trọng dưới sự chủ tọa của Đức Cha Cố Vấn chính phủ với sự có mặt của đại diện cơ quan chính quyền, và đại biểu của các đoàn thể công cũng như tư cả đạo lẫn đời. Mấy ngàn dân chúng đứng chật khắp đường phố và trên thuyền đậu ở sông Phát Diệm, phòng thông tin được mở cửa hàng ngày cho dân chúng vào xem bịch báo, tranh ảnh và những bản tin chiến sự nhận qua radio mỗi ngày.

    Mỗi chiều chủ nhật từ 5 giờ đến 7 giờ có chương trình phát thanh và tuyên truyền của phòng Thông Tin Tuyên Truyền Công Giáo, đặc biệt câu chuyện hàng tuần của cha Đoàn Độc Thư tỏ ra hết sức hấp dẫn đối với quần chúng, trước hết nhờ tài hùng biện nổi tiếng của ngài, sau nữa những câu chuyện thật rí rỏm vạch trần những mưu mô tuyên truyền ngày hôm trước trên lầu gác hiệu Đông Thịnh cách xa phòng Thông Tin Tuyên Truyền Công Giáo khoảng độ 300 thước.

    Để hiểu về cuộc ‘chiến tranh’ tuyên truyền giữa Việt Minh và Công Giáo Cứu Quốc, xin trích ra sau đây những lời Đức Cha Lê đã viết về phòng Thông Tin Tuyên Truyền Công Giáo trong quyển hồi ký của ngài.

    Nhờ danh nghĩa cứu quốc, mà Phát Diệm đã lập được các ngành như chính phủ Việt Nam; mọi nhân viên cũng hầu hết là người công giáo đưa ra, đừng kể Tự Vệ là ngành đã hoạt động đắc lực nhất, thì ngành tuyên truyền cũng rất ảnh hưởng, lúc ấy cha Đoàn Độc Thư đứng đầu ban tuyên truyền, ngài đã khéo tổ chức để liên lạc với các xứ các xã để có lập trường và hành động thống nhất. Riêng tại Kim Sơn, Phát Diệm, có phòng thông tin, phát thanh các ngày chủ nhật ban chiều, Hễ có việc gì hoặc Việt Minh tuyên tryền gì có hại ích chung, lập tức có tiếng của công giáo phản tuyên truyền lại phá tan hết mọi mưu mô của Việt Minh. Dân chúng cả giáo cả lương nhờ đó mà biết rõ sự thật, nên họ hưởng ứng với một lòng tín nhiệm khó tả hết; phòng thông tin Công Giáo vừa bắt đầu nói thì dân chúng đến đến kín mít chật đường phố, không còn lối đi: vì các xứ xa gần đều cố gắng tới nghe tin tức chắc thật để về truyền lại. Trong giờ truyền thanh những tiếng vỗ tay, những lời hoan hô vang động cả một góc trời…

    Các buổi phát thanh Công Giáo thường là để vạch lối rõ cho dân khỏi lầm, hoặc cải chính lại những điều Việt Minh tuyên truyền sai bậy về Công Giáo, hoặc vẽ cách cho dân biết lối chất vấn cán bộ Việt Minh hay là thưa lại cho chắc lý…’


    Trong sách Giám Mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm xuất bản tại Sài Gòn năm 1973, linh mục Đoàn Độc Thư, Giám đốc phòng Thông Tin và Tuyên Truyền Công Giáo đã viết như sau:

    ‘Cái cảnh chen chúc nhau, giành giựt chỗ đứng đã nói lên sự tín nhiệm và tâm trạng người dân lúc nào cũng muốn tìm về sự thật bất chấp mọi cản trở, đe dọa của những người nắm quyền thế. Đặc biệt hơn nữa, dân chúng từ những nơi xa Phát Diệm như Nam Định, Bùi Chu, thị xã Ninh Bình, Thanh Hóa… đã cơm đùm, cơm nắm đổ xô về Phát Diệm ngay từ chiều thứ bẩy để thăm trụ sở, lấy tin tức và mua báo Tiếng Kêu. Điều này làm cho chính quyền Cộng Sản bực tức không ít, nhất là sau mỗi buổi phát thanh, ngàn người như một, đồng loạt hô những khẫu hiệu: ‘Việt Nam Độc Lập Muôn Năm’, ‘Tự Do Tín Ngưỡng’, ‘Đả Đảo Cộng Sản’.

    Mặc dầu chính quyền Cộng Sản cố tìm cách phá nhưng không phá nổi vì phòng Thông Tin Tuyên Truyền Công Giáo này là của Công Giáo Cứu Quốc, một tổ chức ở trong Mặt Trận Việt Minh đã được hợp phép hóa ngày 29 tháng 10 năm 1945.

    Trong cuộc ‘chiến tranh’ tuyên truyền, Đức Cha Lê Hữu Từ ủy nhiệm vụ cho cha Đoàn Độc Thư phát hành tờ tuần báo ‘Tiếng Kêu’ để phổ biến sâu rộng đường lối vừa Kháng Chiến vừa Chống Cộng của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, và tờ ‘Tiếng Kêu’ được Đức Cha Lê hữu Từ xác nhận là tiếng nói chính thức của ngài giúp vào việc củng cố nền Độc Lập Tổ Quốc và thêm vinh quang cho Giáo Hội Việt Nam.

    Cha Đoàn Độc Thư với danh nghĩa Công Giáo Cứu Quốc, thừa ủy nhiệm của Đức Cha Cố Vấn Chính phủ, xin phép chính quyền xuất bản tuần báo ‘Tiếng Kêu’, bất đắc dĩ Việt Minh phải cấp giấy phép, nhưng với điều kiện tờ tuần báo Tiếng Kêu phải được kiểm duyệt trước khi phát hành, theo như luật lệ hiện hành. Việt Minh đã tìm đủ cách để phá tờ Tiếng Kêu bằng việc kiểm duyệt, nhưng ‘vỏ quýt dầy có móng tay nhọn’, cha Thư đã qua mặt việc kiểm duyệt rồi mới được phát hành bằng cách in ở cuối trang 4 như sau: ‘Đã Gửi Kiểm Duyệt’ thay vì chữ ‘Đã Kiểm Duyệt’, cuộc giằng co về vấn đề kiểm duyệt kéo dài một thời gian sau đó Đức Cha Lê đòi chính quyền trao quyền kiểm duyệt cho văn phòng Cố Vấn

    Việt Minh đòi thu hồi giấy phép cho xuất bản tờ Tiếng Kêu cùng tịch thu nhiều ngàn tờ báo nhưng khi Tiếng Kêu càng khan hiếm thì dân chúng lại cố tìm bằng được để đọc và truyền tay cho nhau và việc rỉ tai tuyên truyền lại tỏ ra tai hại hơn nữa đối với Việt Minh.

    Ảnh hưởng của cuộc ‘chiến tranh’ tuyên truyền nói lên lập trường chính trị của Đức Cha Lê Hữu Từ là vừa Kháng Chiến vừa Chống Cộng theo tôn chỉ Phụng Sự Thiên Chúa và Tổ Quốc làm cho Hồ Chí Minh phải gửi thư cho Đức Cha Lê đề ngày mồng 2 tháng 3 năm 1947, trong đó Hồ Chí Minh có nói là chính sách và mục đích của chính phủ chỉ có 3 điều:

    (1) Làm cho dân khỏi đói, khỏi rét, khỏi dốt.

    (2) Làm cho đồng bào tự do, tự do tín ngưỡng, tự do làm ăn.

    (3) Làm cho tổ quốc độc lập.

    Sau gần nửa thế kỷ cầm chính quyền, Việt Minh đã thực hiện được những gì?

    Đối với điều 1: Việt Nam hiện nay được liệt kê là một trong 5 nước nghèo nhất thế giới.

    Đối với điều 2: Từ khi Việt Minh cướp chính quyền cho đến năm 1985, nhân dân Việt Nam đâu có tự do nhân quyền, và tự do tôn giáo

    Đối với điều 3: Chúng ta có thể đồng ý là Việt Nam đã được độc lập, nhưng một nền độc lập nhân dân Việt Nam phải trả một giá quá đắt, với 2 trận chiến tranh làm cho hàng triệu con dân đất Việt bị thiệt mạng và đất nước bị tan tành, nhân dân lầm than đói khổ cho tới bây giờ chưa thoát ra khỏi.

    Trong khi đó các quốc gia khác ở Á Châu, như Nam Dương, Mã Lai, Nam Hàn, Ấn Độ v.v.. trước đây là thuộc địa của đế quốc như Việt Nam mà nay những nước này đều dành được độc lập mà nhân dân của họ không hề phải đổ một giọt máu nào, mất một nhân mạng nào, hơn nữa lại có những nước trở nên giàu mạnh được gọi là những Con Rồng Vàng kinh tế trên thế giới, mà Việt Nam lại được coi là một trong những nước nghèo khổ nhất thế giới.

    Như vậy Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đáng bị nguyền rủa vì đã hoàn toàn thất bại không mang lại cho được Tự Do và Hạnh Phúc cho nhân dân Việt Nam trong gần nửa thế kỷ cầm quyền binh trong tay, và bắt nhân dân Việt Nam phải trả một giá quá đắt cho một nền độc lập khập khễnh, hết làm đầy tớ cho Liên Sô, rồi làm đầy tớ cho Tầu bây giờ lại đang lăm le trở thành đầy tớ của tư bản Hoa Kỳ nữa!

    (còn tiếp)

  8. #18
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823


    Chương 13


    Giám mục Lê Hữu Từ - Thày dòng khổ tu


    Làng Di Loan thuộc tỉnh Quảng Trị, sinh quán của Đức Cha Lê Hữu Từ, Giám Mục địa phận Phát Diệm, một thời là Cố Vấn Tối Cao cho chính phủ Hồ Chí Minh. Làng Di Loan nổi tiếng anh hùng, can đảm bằng câu ca dao trong dân gian tỉnh Quảng Trị về cá tính của một số làng:

    Văn chương Xuân Mị
    Lý Sự Thị Khê
    Làm thuê Cam Phố
    Ở lỗ (truồng) làng Tùng
    Anh hùng Di Loan

    Đức Cha Lê Hữu Từ tốt nghiệp ở chủng viện An Ninh thuộc địa phận Huế, và sau khi chịu chức phó tế, ngài xin nhập dòng khổ tu Phước Sơn và chịu chức linh mục ngày 22-12-1928.

    Nam 1933, cha Anselmô, tên dòng của D/C Lê Hữu Từ, được cử lên làm Phó Bề Trên nhà dòng Phước Sơn và đến tháng 2 năm 1936, lãnh sứ mạng đi lập nhà dòng mới ở Châu Sơn, ở phú Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thuộc địa phận Phát Diệm, nhưng mãi tới ngày mồng 6 tháng 9 năm 1936, bề trên Anselmô cùng 12 tu sĩ khổ tu mới đặt chân tới Châu Sơn với một vốn liếng tinh thần ‘khổng lồ’, nhưng tiền bạc chỉ vỏn vẹn có 12 đồng bạc, với một cây thánh giá và mỗi thầy dòng còn có thêm một cỗ tràng hạt nữa.

    Châu Sơn là một đồn điền cũ trong một vùng lam sơn chướng khí cách phủ lỵ Nho Quan 3 cây số, đồn điền này chỉ còn lại có mấy ngôi nhà lá và một căn nhà gạch bỏ phế hoang tán nhiều năm, khi được nhà Dòng mua lại. Cha Anselmô cũng 12 thầy chấp nhận mọi khổ cực, mệt nhọc và nghèo túng sống theo luật Dòng, các thầy phải sống như những người nghèo khổ nhất trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, chân đi đất, tứ mùa bát tiết chỉ mặc bộ áo dòng bằng loại vải sô, đội nón vành được bọc vải, đêm ngủ trên một tấm phản bằng gỗ của mỗi người. Chỉ trong mấy tháng đầu khai phá, 4 tu sĩ đã bị chết vì bệnh sốt rét ngã nước.

    Đồn điền đã được trùng tu bằng những bàn tay, bàn chân chai đá của các thầy dòng, những cánh đồng đã được chính tay các thầy cuốc sỏi, phá rừng, làm rẫy, và sau mấy năm trời, Châu Sơn đã trở nên khang trang, rộng rãi và phồn thịnh đủ tiền đển xây dựng một thánh đường đồ sộ nguy nga mà lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 1937. Và sau ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945 quân đội Nhật Bản đảo chính thực dân Pháp, Châu Sơn lại trở thành một cơ sở của chiến khu của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đóng góp vào công cuộc đấu tranh dành Độc Lập cho Tổ Quốc Việt Nam, nhờ ở tinh thần ái quốc cao độ của cha bề trên Anselmô.

    Theo luật của dòng khổ tu Châu Sơn, trừ khi đọc kinh cầu nguyện, hay trừ trường hợp cần thiết, các tu sĩ ‘triệt khẩu’ cả tuần lễ, chỉ trừ ngày Chủ Nhật mới được phép nói chuyện tự do với nhau trong một giờ, tuy nhiên trong thời gian có cơ sở ấn loát của chiến khu Rịa di chuyển tới Châu Sơn, tôi thường tá túc trong nhà dòng ở khu vực dành riêng cho những người tới tĩnh tâm, tôi đã có nhiều dịp nói chuyện với cha bề trên Anselmô về những vấn đề liên quan tới công cuộc đấu tranh của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc.

    Tôi còn nhớ trong tuần lễ cuối tháng 7 năm 1945, cha Anselmô cho tôi biết về câu chuyện các linh mục địa phận Phát Diệm đến Châu Sơn trình cho ngài bức điện văn của Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Huế, báo tin cha Anselmô được chọn làm giám mục địa phận Phát Diệm, ngài có nói với các cha rằng:

    ‘Các linh mục Phát Diệm lầm lạc to, nếu không dám nói là điên khùng, khi chọn một thày dòng khổ tu chỉ có tài cuốc đất trồng cỏ'

    Và ngài tâm sự riêng với tôi’:

    Trong mấy chục năm sống chung dòng khổ từ Phước Sơn ra đến Châu Sơn này, cha chỉ đi chân đất và sống như người nghèo khổ nhất, nếu lãnh chức giám mục, phải đi giầy, không biết làm sao đi nổi đây’.

    Ngài tìm đủ cách vận động để khỏi phải lãnh trách vụ giám mục Phát Diệm, nhưng việc ngài xin Tòa Thánh tha cho đặc ân này đều bị thất bại.

    Mỗi khi cha Anselmô về Phát Diệm bằng thuyền cập bến ở phố Thượng Kiệm ngay trước cửa nhà chúng tôi, ngài thường cùng một thầy nữa mang một rá đầy quà toàn là bơ và phó mát, những sản phẩm của sở chăn nuôi của nhà dòng Châu Sơn, một món quà rất quý trong thời gian chiến tranh, gia đình tôi lúc đó chỉ có chúng tôi và một cháu bé gái còn nhỏ tuổi, nên mỗi lần ngài cho quả như vậy là họ hàng hai bên nội ngoại đều được hưởng.

    Một lần, tôi nhớ vào khoảng trung tuần tháng 9 năm 1945, sau khi Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc cướp chính quyền ở Phát Diệm, cha Anselmô lúc này là Đức Giám Mục được chỉ định Lê Hữu Từ, lại tới cho quà một lần nữa, ngài nói với nhà tôi:

    ‘Chị Minh ơi, tôi cho mang lại chị ít quà, cây nhà lá vườn. Anh Minh có ở nhà không?’


    Và khi biết tôi không có ở nhà, cha Anselmô dặn lại ngài muốn gặp tôi ở nhà chung Phát Diệm vào buổi sáng ngày hôm sau.

    Ngày hôm sau tới gặp, ngài cho tôi biết ý của ngài muốn đề nghị với các Đức Giám Mục Việt Nam: Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục vận động để thế giới biết rõ người Công Giáo Việt Nam quyết tâm bảo vệ nên độc lập mới thâu hồi khỏi tay thực dân Pháp và đặc biệt gửi đến Đức Giáo Hoàng Piô XII một thông điệp xin Tòa Thánh ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, và kết quả là ngày 23 tháng 9 năm 1945. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đại diện cho Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ, gửi một điện văn sang Tòa Thánh nguyên văn như sau:

    ‘Dân tộc Việt Nam chúng con qua sự trung gian của 4 giám mục xin đệ đến Đức Thánh Cha lòng thành kính sâu xa và xin Đức Thánh Cha chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập mà dân tộc chúng con mới thâu hồi được và đang sẵn sàng bảo vệ nó với bất cử giá nào.

    Các Giám Mục Việt Nam nài khẩn Đức Thánh Cha, Tòa Thánh La Mã, các Đức Hồng Y, các Đức Tổng Giám Mục, các Đức Giám Mục và toàn thể Kitô hữu trên thế giới và nhất là nước Pháp, ủng hộ nền độc lập của Tổ Quốc yêu quý của chúng tôi.’

    Nhân danh Ủy Viên Liên Lạc với các tổ chức Công Giáo của Tổng Bộ Việt Minh, tôi đã gửi bản sao của bức điện văn này lên ngay Hà Nội cho Trần Huy Liệu, lúc đó là bộ trưởng Thông Tin Tuyên Truyền của chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, và Phạm Văn Đồng là bộ trưởng Tài Chánh, bức điện văn này đã được đưa ra trình bày trong một phiên họp của các bộ trưởng chính phủ tại Bắc Bộ Phủ, và được phổ biến trên toàn quốc. Tác giả Bernard Fall cũng có ghi bức điện văn này trong quyền sách ‘Le Viet Minh’ xuất bản tại Paris năm 1960.

    Hành động này của các giám mục Việt Nam chứng tỏ lòng hăng say của khối giáo dân Việt Nam trong công cuộc tranh đấu cho nền độc lập của quốc gia dân tộc, và trong thời ấy, Việt Minh cũng nhận thấy Công Giáo là một lực lượng vô song, nên để lấy lòng giáo dân Việt Nam, chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh chọn ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ngày quốc lễ.

    Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thanh niên Công Giáo cùng với các giáo sĩ tổ chức một cuộc mít tinh được gọi là ‘khổng lồ’ tại Hà Nội. Ban tổ chức được lãnh đạo bởi Nguyễn Mạnh Hà, một chuyên viên kinh tế học, bộ trưởng bộ kinh tế trong chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh, lãnh tụ của đoàn Thanh Niên Lao Động Công Giáo (JOC Jeunesse Ouvrière Catholique), vì Nguyễn Mạnh Hà là con rể của lãnh tụ công sản Pháp Paul Marchais, có tiếng thân cộng, nên cuộc mít tinh được coi như để phát huy lòng ái quốc và tin cậy vào sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

    Trong cuộc mít tinh này, tôi đứng ra mời tất cả các đoàn thể Công Giáo về tham dự đại hội của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc tổ chức tại Phát Diệm ngày 28 tháng 10 năm 1945, nhân ngày lễ thụ phong giám mục của Đức Cha Lê Hữu Từ.

    Ngày mồng 1 tháng 10 năm 1945, dân chúng Phát Diệm nồng nhiệt tiếp đón cha Anselmô Thađêô Lê Hữu Từ, từ dòng Châu Sơn về Phát Diệm nhận quyền cai quản địa phận, ngài đi trên chiếc xe hơi Simca Cinq màu xanh, 2 chỗ ngồi do anh Đoàn Hòa, con cụ trùm Nhật lái, (Đoàn Hòa sau này là em rể tôi , và hiện đang sống tại San Jose). Chiếc xe này do các anh em trong Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc mua lại của cha Bề Trên chúng viện St. Sulpice ở Hà Nội, để mừng Đức Cha mới.

    Cuộc lễ thụ phong giám mục của Đức Cha Lê Hữu Từ được tổ chức một cách hết sức trọng thể tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng chủ phong với sự hiện diện của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn và các cha chính địa phận của các địa phận ở Bắc Việt, kể cả giáo phận Quy Nhơn, Huế, Vinh và Thanh Hóa. Riêng gia đình của Đức Cha Từ đến từ Di Loan gồm có ông Cố thân sinh, gần 80 tuổi, cha Lê Hữu Luyến là anh ruột, cha Lê Hữu Huệ là em trai, hai em gái là nữ tu Lê Thị Ân, Lê Thị Ứng và người em trai út Lê Hữu Hiến.

    Riêng các linh mục thuộc giáo phận Phát Diệm hầu như có mặt gần hết và giáo dân tham dự đông vô kể nhưng một điều đáng chú ý là trong lể phụ phong giám mục này không có mặt của các giám mục của các giám mục thừa sai người Pháp hay Tây Ban Nha và trong 10 giáo phận ở Việt Nam thời bấy giờ chỉ có 3 giáo phận có giám mục Việt Nam là Phát Diệm, Bùi Chu và Vĩnh Long.

    Về phía chính quyền Việt Nam tham dự lễ thụ phong của Đức Cha Lê Hữu Từ, Cựu Hoàng Bảo Đại tức Cố Vấn Vĩnh Thụy đại diện đặc biệt của Hồ Chí Minh, chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam, và trưởng phái đoàn chính thức của chính phủ là Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Nội Vụ, Trần Huy Liệu, bộ trưởng Thông Tin Tuyên Truyền, Phạm Văn Đồng, bộ trưởng Tài Chính, Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng Kinh Tế, và rất nhiều các quan chức khác.

    Sau lễ thụ phong, có cuộc phải chẩn cho dân nghèo, một cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động sau chợ Năm Dân, để nhân dân bất kể lương giáo tới chào mừng Đức Tân Giáo Mục và phái đoàn của chính phủ.

    Ngoài việc đại diện chính quyền địa phương tiếp đón phải đoàn của chính phủ, tôi lại có dịp đặc biệt tiếp đón Phạm Văn Đồng, bộ trưởng Tài Chánh, đại diện Tổng bộ Việt Minh về tham dự lễ thụ phong và đại hội của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc.

    Phạm Văn Đồng về Phát Diệm ở nhà tôi trong 7 ngày liền nên chúng tôi đã có rất nhiều thì giờ hàn huyên về những chuyện đấu tranh cách mạng và chính trị, đặc biệt Phạm Văn Đồng rất chú ý đến những hoạt động của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc cùng những thành tích cách mạng của Đức Cha Lê Hữu Từ và cha Hoàng Quỳnh và những vấn đề liên quan tới giáo hội Công Giáo ở các địa phương.

    Một giai thoại đặc biệt vui mà chúng tôi không sao quên được là trong một buổi tối ở nhà chúng tôi, sau khi nói chuyện đã, tôi mời Đồng đi ngủ, anh ta ngồi lên giường nằm, nhà tôi liền kêu lên:

    ‘Eo ôi, sao anh Đồng bẩn thế, không rửa chân mà chỉ cọ chân không vậy à?

    Và gọi người nhà mang lên thau nước. Đồng liền trả lời:

    ‘Thôi mà chị Minh ơi, ở chiến khu lâu ngày nên bẩn quen rồi, mấy khi có thì giờ và có nước đâu mà rửa chân, nên xin phép chị để chân bẩn vậy để chui vào chăn ngủ đây. Bonne nuit nhé!

    Theo chương trình thì ngày hôm sau lễ thụ phong mới họp đại hội của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, nhưng đến chiều, sau cuộc Mít tinh ở sân vận động. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam cũng họp đại hội tại nhà nguyện trường các Thầy Giảng trong nhà chung với sự tham dự của 3 Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn và Lê Hữu Từ cùng các linh mục Tổng Đại Diện các giáo phận và một số giáo dân, đặc biệt có mặt của Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng Kinh Tế và thủ lãnh của Thanh Niên Lao Động Công Giáo (JOC). Vì không thấy tôi có mặt ở đại hội nên cha Hoàng Quỳnh bảo anh Thứ ‘Ruông’ tìm tôi vào tham dự.

    Các vấn đề được đem ra thảo luận tại đại hội này là việc chính thức thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam và thông qua bán điều lệ, cùng thảo luận việc nên có một Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam hay có thêm cả Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc nữa. Khi tôi tới nơi, Nguyễn Mạnh Hà đang trình bày nhiều vấn đề để trong đó ông ta xác nhận rằng Mặt Trận Việt Minh là của đảng Cộng Sản và ông Hồ Chí Minh là đảng viên đảng Cộng Sản, mà Cộng Sản chủ trương thuyết vô thần, nên Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam không thể hoạt động trong Mặt Trận Việt Minh được.

    Đoàn Thanh Niên Công Giáo địa phận Vinh là đoàn thể hàng say nhất trong việc thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam và họ yêu cầu các giám mục cùng các cha tổng đại diện chỉ công nhận Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam không mà thôi.

    Sau đó tôi được đại hội mới lên trình bày về Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, trước hết tôi xác nhận là chúng tôi có biết rõ Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh có một thành phần chính là đảng Cộng sản Đông Dương, rồi sau đó tôi trình bày về quá trình hoạt động của Mặt Trận VNCGCQ đã được thành lập ngay từ năm 1942 cùng một thời với Mặt Trận Việt Minh, dưới thời Pháp thuộc chủ trương đánh thực dân Pháp lẫn Phát Xít Nhật Bản để dành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam.

    Trong 3 người thành lập Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, có linh mục Tuyên úy Công Giáo Tiến Hành của địa phận Phát Diệm là cha Hoàng Quỳnh cùng với tôi và anh Trần Ngân tức Bằng Phong. Và linh hồn của mọi hoại động của Mặt Trận là cha Anselmô tức Đức Cha Lê Hữu Từ, ngài vừa mới được thụ phong giám mục ngày hôm nay. Ngài đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc bành trướng của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc từ Bắc vào Trung Phần và Nam Phần Việt Nam. Và cơ sở của chiến khu của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc được đặt ngay tại nhà dòng Châu Sơn, dưới thời Đức Cha Lê Hữu Từ là bề trên.

    Để kết thúc phần trình bày, tôi nói:

    ‘Xin các Đức Cha và các cha cùng quý vị hãy xem quyển điều lệ của Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh, về chương hệ thống và tổ chức các đoàn thể Cứu Quốc. Trong chương này, không hề có tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, mà chỉ có đoàn thể Việt Nam Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc do Nguyễn Công Chính đứng đầu mà tôi biết rõ Chính là đảng viên đảng Cộng Sản và là phụ tá thân cận nhất của ông Nguyễn Mạnh Hà, lãnh đạo tổ chức Thanh Niên Lao Động Công Giáo (tức Jeunesse Ouvrière Catholique) ở Hà Nội.

    Sự hợp tác giữa Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và Mặt Trận Việt Minh chỉ là một hình thức liên kết trong công cuộc đấu tranh dành Độc Lập cho Tổ Quốc mà thôi’.


    Sau đó tôi quay sang các đức giám mục và các cha chính địa phận để thưa rằng:

    ‘Con còn nhiều điều cần phải trình bày riêng không thể nói ở đây được’

    Đại Hội của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam được tạm hoãn để các đức giám mục và các cha chính họp riêng với tôi.

    Trong phần trình bầy riêng này tôi đã vạch rõ mục đích chính của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc là thành lập các đoàn Tự vệ Công Giáo được võ trang, vì điều này mặc nhiên được phép của chính phủ vì chúng tôi đã được võ trang từ trước tức từ thời các chiến khu chống Pháp chống Nhật. Một khi các giáo xứ được võ trang, nhà thờ sẽ được bảo vệ và các giáo dân sẽ hãnh diện đóng góp vào công cuộc đấu tranh võ trang dành độc lập cùng với các đoàn thể khác của Việt Minh và không mang tiếng ‘theo Tây’.

    Đức Cha Lê Hữu Từ cùng cha Hoàng Quỳnh cũng trình bày kỹ càng về vấn đề này. Nhất là Đức Cha Lê Hữu Từ nói rõ về số súng đạn ngài mua được từ quân đội Nhật Bản và chính số súng đạn này đã võ trang cho những đơn vị tự vệ công giáo bảo vệ khu An Toàn Phát Diệm và biến thành Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo sau này.

    Kết quả là hai tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc và Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam hoạt động song song với nhau để truyền bá lý tưởng Công Giáo và lòng ái quốc trong đời sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và xã hội, cùng bệnh vực quyền lợi tinh thần và vật chất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và quyền lợi của quốc gia dân tộc.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 05-30-2022 at 12:11 PM.

  9. #19
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823


    Chương 14



    Giám Mục Lê Hữu Từ - Cố vấn chính phủ


    Ngay sau khi phái đoàn Việt Nam Công Giáo Quốc do linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo vào gặp ông Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ Phủ, tôi liền từ Hà Nội về Phát Diệm để phúc trình lên Đức Cha Lê Hưu Từ về cuộc gặp gỡ này, đặc biệt là vụ Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán và biến thành Hội Nghiên Cứu Mác Xít. Cũng như việc ký thỏa hiệp cộng tác giữa Việt Minh và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách) do ông Hồ Chí Minh ký với cụ Nguyễn Hải Thần.Và việc ông Vũ Hồng Khanh cùng một số quân Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Trung Hoa kéo về Hà Nội và nhất là việc báo của các đảng phái Quốc Gia đả kích rất mạnh Mặt Trận Việt Minh ở Hà Nội.

    Việc độ đốc D’Argenlieu, Cao Ủy của Pháp tời Sài Gòn với đoàn tùy tùng và nhân viên, cùng việc quân đội Pháp tiến chiếm các thành phồ ở miền Nam Việt Nam. Và việc một phong trào chia rẽ Nam Bắc được phát động ở Sài Gòn, đòi tách rồi Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, đã được phân tách rất kỹ càng. Một điều gây nhiều chú ý là Đô Đốc D’Argenlieu, mới từ Pháp sang Sài Gòn nhậm chức Cao Ủy Pháp cũng là một thầy dòng khổ tu (Trappist) như Đức Cha Lê Hữu Từ.

    Được biết ngày 24 tháng 3 năm 1946 Hồ Chí Minh ra Vịnh Hạ Long gặp D’Argenlieu và đến ngày 19 tháng 5 năm 1946, D’Argenlieu tới Hà Nội thăm Hồ Chí Minh, Việt Minh ra lệnh treo cờ, gọi là mừng ngày sinh nhật Hồ Chí Minh, nhưng sự thật là treo cờ để tiếp đón D’Argenlieu Cao Ủy Pháp ở Việt Nam. Ngày 5 tháng 3 năm 1947, đô đốc D’Argenlieu giải ngũ, và trở về Pháp sống đời thầy dòng khổ tu như trước.

    Đức Cha Lê Hữu Từ tỏ ý muốn lên Hà Nội gặp ông Hồ Chí Minh, trước hết để đích thân cám ơn ông ấy đã cử phái đoàn chính phủ về dự lễ tấn phong giám mục của ngài và sau nữa để thảo luận về tình hình đất nước và ngài cử tôi lên Hà Nội ngay để gặp Phạm Văn Đồng, yêu cầu Đồng dàn xếp một cuộc tiếp kiến của ngài với ông Hồ Chí Minh.

    Ngày mồng 6 tháng 11 năm 1945, Đức Cha Lê Hữu Từ cùng với cha Nguyễn Gia Đệ (hiện nay ở Montreal bên Canada) đã tới Bắc Bộ Phủ, và Hồ Chí Minh đã tiếp phái đoàn hết sức nồng hậu và có vẻ chân thành. Sỡ dĩ tôi nói tới thái độ chân thành của họ Hồ đối với phái đoàn, không biết là thật hay giả dối, vì trong câu chuyện nói với Hồ Chí Minh, Đức Cha Từ đã tỏ ra sự chân thành của một thầy dòng khổ tu, nói thẳng và nói thật điều ngài nghĩ, và nhất là tỏ ra lòng hăng say của ngài đối với công cuộc chống Pháp dành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam. Ngài cũng không ngần ngại kể luôn cả câu chuyện đô đốc D’Argenlieu, Cao Ủy Pháp cùng là một thày dòng khổ tu ở bên Pháp cùng một chi dòng với ngài.

    Sự tiếp đón nồng hậu của họ Hồ đối với phái đoàn, có thế do việc Phạm Văn Đồng phúc trình đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của Đức Cha Lê Hữu Từ và lòng hăng say của Công Giáo Phát Diệm nói riêng và Công Giáo Việt Nam nói chung đối với công cuộc chống Pháp dành độc lập cho đất nước. Đây là những điều mà Phạm Văn Đồng đã nhận xét thấy và được nghe biết trong chuyến Đồng về Phát Diệm trong 6 ngày nhân dịp lễ tấn phong giám mục của Đức Cha Lê Hữu Từ và Đại Hội của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc.

    Trong cuộc tiếp kiến này, Hồ Chí Minh đã nhân danh chính phủ mời Đức Cha Lê Hữu Từ vào Hội Đồng Cố Vấn của Chính phủ sau Cựu Hoàng Bảo Đại, và hứa sẽ đáp lễ bằng một cuộc về viếng thăm Phát Diệm. Đức Cha Lê đã nhận lời mời của Hồ Chí Minh vào Hội Đồng Cố Vấn và ngài tỏ ra vẻ hân hoan được đón tiếp ông Hồ tại Phát Diệm.

    Cuộc vi hành của Hồ Chí Minh về Phát Diệm thăm Đức Cha Từ và phủ dụ đồng bào ở Phát Diệm đã diễn ra một cách hết sức đột ngột , và ngay đến Ủy Ban Hành Chánh địa phương do Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc lãnh đạo cũng không được thông báo gì hết. Khi ông Hồ về thăm Phát Diệm, tôi đang bận công tác tại Hà Nội, nên xin trích sau đây bài tường thuật của cuộc viếng thăm ấy, được ghi ở trang 86 trong quyển sách ‘Giám Mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm 1945 - 1954’, tác giả là Linh mục Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn và hiện nay quyển sách này đã được tái bản ở Hoa Kỳ và có bầy bán ở các tiệm sách Việt Nam trên khắp các tiểu bang.

    ............................................

    ‘…Thấy tình hình căng thẳng giữa Công Giáo Phát Diệm và chính quyền (địa phương) có thể nguy hại đến chính sách của Việt Minh, nên Hồ Chí Minh, vẫn theo đuổi chính sách mềm dẻo đối với Công Giáo, đã thân về Phát Diệm thăm Đức Cha Lê và phủ dụ đồng bào.

    Ngày 25-01-1946 trời lạnh gió rét, cũng là ngày sau cùng của tuần tĩnh tâm hàng năm của các linh mục Phát Diệm. Ông bô Kế giữ cửa nhà chung Phát Diệm chạy vào trình Đức Cha:

    ‘Bẩm Đức Cha, có ông nào muốn vào hầu Đức Cha có việc gì, ông đội mũ, chống gậy, mặc áo bốn túi… Ông đã vào tới đây’.

    Đức Cha quay ra hô lên:

    ‘A! Cụ Hồ đã cho tin giãn không về mà…’ (vì sau bức điện tín Ô. Hồ báo tin về thăm Phát Diệm, một điện tín khác nói: không biết có về được không?)

    Đức Cha đưa Hồ Chí Minh lên phòng riêng đàm luận. Trong khi đó các linh mục tụ hội tại nhà Công Đường (phòng khách của Đức Cha) Dân chúng Phát Diệm được huy động đến chào mừng.

    Sau chừng 1 tiếng đồng hồ đàm luận. Đức Cha dẫn Hồ Chí Minh xuống Công đường để các linh mục chào. Hồ Chí Minh nói lời cám ơn rồi hô to ba lần:

    ‘Đức Chúa muôn năm’.

    Tiếp sau đó, dân chúng rước Đức Cha và ông Hồ ra nhà Hát Lớn để chào mừng. Đại diện các đoàn thể và dân chúng đọc lời chúc thọ. Các chúng sinh thuộc đại chủng viện và các thày giảng, đồng ca bài ‘Em không nghe mùa thu…’ (4 bè) mừng Hồ Chí Minh. Trước đó cha Nguyễn Gia Đệ độc ca bài ‘Hồ Chí Minh muôn năm’ bài ca do Vũ Đình Huỳnh, bí thư của ông Hồ mang từ Hà Nội về.

    Đáp từ, Hồ Chí Minh đứng lên dõng dạc nói:

    ‘Thưa Cụ Giám Mục và tất cả anh chị em đồng bào các giới.
    Mặc dầu buổi sơ khai, chính phủ bận rộn rất nhiều, tôi cũng dành thời giờ ưu tiên đích thân về thăm Cụ Tân Giám Mục khá kính và viếng cảnh Phát Diệm, nơi đã được mệnh danh là Địa Linh Nhân Kiệt.. Tôi rất mừng vì thấy anh chị em đồng bào ở đây đoàn kết và yêu nước… Tôi rất mừng vì thấy anh chị em không thể mỗi ngày tiếp xúc với anh chị em được nên tôi (để tay lên vai Đức Cha Lê) đặt cụ Giám Mục Từ làm cố vấn chính phủ của tôi. Có việc gì anh chị em cứ trực tiếp với Cụ Giám Mục Cố Vấn, cụ sẽ cho tôi hay và cùng giải quyết…’

    Hồ Chí Minh, với lối ăn mặc đơn sơ, giọng nói dõng dạc và cử chi tỏ ra thân mật nên đã cảm hóa được quần chúng đối diện, Chính tác giả đã nhìn thấy 2 cụ già rớt nước mắt vì cảm động khi ông Hồ bước đến cầm lấy tay và hỏi han sức khỏe.

    Thế là từ đó, Đức Cha Lê Hữu Từ chính thức là cố vấn chính phủ và được mọi người xưng hô là Đức Cố Vấn…’

    .................................................. ....................


    Lý do của cuộc thăm viếng Phát Diệm của ông Hồ Chí Minh cùng việc chính thức tuyên bố Đức Cha Lê Hữu Từ giữ chức cố vấn chính phủ và thái độ mềm mỏng cùng mị dân của họ Hồ là để làm dịu đi lòng căm phẫn của dân chúng Phát Diệm đối với cơ quan hành chánh tỉnh Ninh Bình trong vụ tuyên bố kết quả gian dối của cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 6 tháng giêng năm 1946.

    Trong cuộc bầu cử này tỉnh Ninh Bình là một đơn vị bầu cử theo liên danh. Liên danh của Công Giáo đưa ra gồm 4 ứng cử viên: linh mục Phạm Ngọc Chi, sau này là giám mục địa phận Bùi Chu và Đà Nẵng; linh mục Lê Nguyên Kỷ, mới chết cách đây mấy năm ở xứ Sao Mai, Chí Hòa Sài Gòn; cụ Ngô Tử Hạ, một nhân sĩ Công Giáo, sau này giữ chức Thứ Trưởng bộ Thương Binh; và ông Trần Văn Triêm, thầy giáo lớp Moyen II, của người viết, hiện nay đang tị nạn Cộng sản ở California, trong khi đó Mặt Trận Việt Minh cũng đưa ra một danh sách gồm 4 ứng cử viên: các ông Cầu, Cống, Đống, Vợi.

    Cuộc vận động bầu cử đã diễn ra rất sôi nổi và đúng ngày bầu cử Đức Cha Lê Hữu Từ cùng các linh mục và giáo dân nô nức đi bỏ phiếu. Theo kết quả sơ khởi thì liên danh của Công Giáo dẫn đầu số phiếu ở các huyện trong tỉnh, nhưng đến khi có quan hành chính tỉnh Ninh Bình tuyên bố kết quả thì liên danh của Việt Minh là các ông Cầu, Cống, Đống, Vợi trúng cử nhưng lại thêm 1 ứng cử viên của liên danh công giáo là cụ Ngô Tử Hạ.

    Cảm thấy có sự gian lận trong cuộc bầu cử, vì đây là cuộc bầu cử theo liên danh trúng, không lý do gì một mình cụ Ngô Tử Hạ trúng cử, trong khi 3 ứng cử viên khác lại không, nên Đức Cha Lê Hữu Từ cho đánh điện tín lên phản đối chính phủ, mặc khác ngài ra lệnh sửa soạn một cuộc biểu tình ‘đả đảo bầu cử gian lận’. Hồ Chí Minh liền đánh điện tín trả lời và thông báo địa phương đã có sự lầm lẫn trong việc cộng phiếu và linh mục Phạm Ngọc Chi được trúng cử, nhưng Đức Cha Lê đã đồng ý để cho linh mục Phạm Ngọc Chi từ khước sự trúng cử ấy.

    Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đắc cử với 98% số phiếu, Võ Nguyên Giáp trúng cử ở Nghệ An với 97% số phiếu, cựu hoàng Bảo Đại trúng cử ở Thanh Hóa. Đây là một cuộc bầu cứ một chiều, chỉ những lãnh tụ và người thân Việt Minh mới trúng cử, thái độ của hai đảng phái quốc gia là không phản đối và không tham gia cuộc bầu cử. Và Việt Minh đặc biệt dành 70 ghế dân biểu cho phe đối lập tham dự Quốc Hội không cần bầu cử. Việt Nam Quốc Dân Đảng nhận 50 ghế và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội nhận 20 ghế.

    Chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến, Quân sự ủy viện Hội, ban Cố Vấn, ban Thường Trực Quốc Hội và Ủy ban đặc biệt Pháp Viện được trình diện trước phiên họp Quốc Hội đầu tiên vào ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946.

    Cụ Ngô Tử Hạ ngồi ghế Chủ Tịch Quốc Hội, Hồ Chí Minh vẫn giữ chức chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch, 4 bộ dành cho Việt Minh 4 bộ dành cho 2 đảng Việt Cách và Việt Quốc. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ trao cho nhân vật trung lập là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Anh, riêng Quân Sự Ủy Viên Hội do Võ Nguyên Giáp giữ chức chủ tịch và phó chủ tịch là Vũ Hồng Khanh. Cựu Hoàng Bảo Đại giữ chức cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh.

    Việc bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia là một bước tiến cần thiết để họp thức hóa chính quyền Việt Nam đối với cả Trung Hoa lẫn Pháp quốc. Pháp lúc này đã chiếm được rất nhiều tỉnh ở Nam Bộ và miền Nam Trung bộ cùng vùng Cao nguyên và lăm le ra chiếm Bắc Việt với cuộc điều đình ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc để Pháp ra thay thế quân đội Trung Hoa tước khí giới quân đội Nhật Bản.

    Trong khi kêu gọi nhân dân đoàn kết chống Pháp dành độc lập, Hồ Chí Minh thường tiếp xúc bí mật với một thiếu tá người Pháp tên Sainteny, đã đến Hà Nội ngay sau ngày Việt Nam cướp chính quyền, Họ Hồ tỏ ra thân thiện với người Pháp vì tin tưởng rằng đảng Cộng sản Pháp trong thời gian đã có ảnh hưởng rất mạnh ở chính trường Pháp Quốc và ngày 16 tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh tiếp Sainteny và tuyên bố bằng lòng đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp.

    Việc Hồ Chí Minh nhận định với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp là một nền độc lập khó hiểu và được dân chúng coi như là một hình thức Hồ Chí Minh ‘bán nước’ cho Pháp. Ngay đến Tổng Bộ Việt Minh cũng bất đồng ý kiến với lập trường này và các đảng phái quốc gia phân đối dữ dội gọi Hồ Chí Minh là phản quốc, cõng rắn cắn gà nhà.

    Việc thuyết phục Tổng Bộ Việt Minh chấp nhận lập trường Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp là điều không khó khăn lắm đối với Hồ Chí Minh. Riêng đối với các phái quốc gia, nguyên việc lập chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến giữa Việt Nam và các đảng phái quốc gia, nhất là việc Vũ Hồng Khanh, lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng nhận chức phó cho Võ Nguyên Giáp, chủ tịch Quân Sự Ủy Viên Hội trong đó có 9 ủy viên hỗn hợp để chuẩn bị về quân sự, đã làm giảm đi rất nhiều sự chồng đối và có thể nói là mọi sự bất mãn của phe quốc gia đã được dẹp bỏ. Nên Hồ Chí Minh có thể công khai tuyên bố sự thỏa hiệp với thực dân Pháp mà lúc này Việt Minh tuyên truyền là thỏa hiệp với người Pháp mới.

    Đây là một điều hết sức trớ trêu và đau lòng làm cho nhiều người đặt câu hỏi tại các đảng phái quốc gia đang từ chủ trương chống đối mọi thỏa hiệp với thực dân Pháp, bỗng nhiên các đảng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng ‘chui đầu’ vào chia nửa phần trách nhiệm với Việt Minh trong việc ký kết ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946, cái hiệp định sơ bộ ‘bán nước’ của Hồ Chí Minh cho thực dân Pháp.

    Trước đây Hồ Chí Minh chủ trương điều đình trên nguyên tắc ‘Việt Nam Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp’ nhưng đến khi hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 được ký thì Việt Nam chỉ được Pháp công nhận là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, quân đội riêng, tài chánh riêng trong Liên Bang Trung Ấn và trong Liên Hiệp Pháp.

    Rồi thêm một điều đau lòng nữa là về phía Việt Nam, chính phủ Cộng Hòa phải sẵn sàng thân mật tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế cho quân đội Trung Hoa theo như hiệp ước quốc tế… và Pháp được đóng quân tại các địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cay, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Huế, Tourane (Đà Nẵng).

    Trong thời gian Việt Minh, với sự đồng ý của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc, điều đình với Pháp, thì tôi và anh Trần Ngọc Ngoạn (Cựu tu sĩ dòng Châu Sơn, một đảng viên Việt Quốc) được Đức Cha Lê Hữu Từ ủy lên Hà Nội liên lạc và tiếp xúc với cụ Nguyễn Hải Thần và các lãnh tụ đảng phái quốc gia, để đại diện ngài đặt thành vấn đề việc các đảng phái quốc gia hợp tác với Việt Minh trong công cuộc chống Pháp dành độc lập cho Tổ Quốc.

    Chúng tôi đã thất vọng hoàn toàn vì sự chia rẽ, giành giật nhau, thiếu hẳn sự nhất trí của các lãnh tụ đảng phái quốc gia, trong kế hoạch đương đầu với Việt Minh cũng như trong chủ trương chống thực dân Pháp.

    Khi được tin Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, tôi lại được hân hạnh tháp tùng Đức Giám Mục Lê Hữu Từ, Cố Vấn Chính Phủ tới Bắc Bộ Phủ để phản đối ông Hồ và chính phủ.

    Gặp ông Hồ, Đức Cha Từ đã nói một cách hết sức thẳng thắn:

    Cụ tranh đấu cho độc lập gì mà lại nhận nước Việt Nam tự do trong Liên Hiệp Pháp tức ‘au sein de l’Union Francaise’. Au sein theo tôi hiểu là trong lòng của Pháp, là bú sữa người Pháp. Các đảng phái quốc gia cùng toàn thể quốc dân đang lớn tiếng quy trách chính phủ đã phạm một tội tầy đình đối với lịch sử, với dân tộc, khi cụ ký Tạm Ước 6-3-46 rước Pháp vào Bắc Bộ. Họ châm biến tinh thần nội dung bản Tạm Ước, bới móc và mỉa mai lời thề của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Cụ đọc ngày 02-9-45 tại vườn hoa Ba Đình trước hàng vạn đồng bào với lời thề: thề không chỉ đường cho Pháp Bây giờ, hỏi ai đã công khai rước Pháp?’

    Trước những lời tấn công như vũ bão của Đức Cha Từ, họ Hồ mặt đỏ gay nhưng ông ta bình tĩnh trả lời:

    ‘Thưa Cụ, cái thế của mình bây giờ phải quỳ mà đi tới Độc Lập, xin Cụ cứ tin tôi đi.’

    Và Đức Cha Từ đáp lại:

    ‘Được, tôi tin Cụ lần này.’

    Trên đường về Phát Diệm, Đức Cha Từ nói với tôi:

    ‘Anh Minh ạ, Hồ Chí Minh đang bán nước, cái bán nước của Hồ Chí Minh là hòa hoãn với Pháp để tiêu diệt đảng phái quốc gia. Bởi vậy chúng ta phải làm thế nào để giúp đỡ họ’.

    Từ đây Phát Diệm đã vạch ra một con đường cùng các tôn giáo, đảng phái và toàn dân quyết chống đối Việt Minh, đồng thời tích cực chống thực dân Pháp dành độc lập cho tổ quốc Việt Nam.


    (còn tiếp)

  10. #20
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,823


    Chương
    15


    Phát Diệm, Bùi Chu chống tiêu thổ và tản


    Ngay trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhằm bảo tồn lực lượng, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Việt Minh đã chạy bán sống bán chết rời khỏi Hà Nội. Thôi thì mạng ai người ấy chạy, gia đình ai người ấy lo, tất cả đều cố gắng lẩn tránh làn đạn nóng của quân đội thực dân Pháp. Bộ đội Việt Minh cũng như các cơ quan chính quyền bỏ chạy trước nhất, nên dân chúng bỏ chạy theo, và vô cùng hoang mang khi được nghe Việt Minh tuyên truyền rằng hễ chạy được và thoát chết ấy là thắng lợi lớn vì đã bảo tồn được lực lượng.

    Ngoài việc tuyên truyền rằng hễ chạy được là thắng lợi, Việt Minh lãnh đạo dân Việt kháng chiến chủ trương tiêu thổ tản cư, để gọi là ‘bảo tồn lực lượng’ và tích cực thi hành chính sách ‘vườn không nhà trống’. Đô thị bị tàn phá, nhà cửa của dân chúng và mọi cơ sở công cũng như tư được phá bình địa, đường xá bị cắt xẻ, cầu cống bị phá hủy, của cải nếu dân chúng chưa kịp mang đi phải đốt cháy bằng hết.

    Dân phá nhà dân, dân quăng vứt đồ đạc của mình ra đường phố làm chướng ngại vật. Già, trẻ, trai, gái vác bị gậy tản cư theo lệnh của cán bộ Việt Minh. Có làm như vậy, người dân mới được coi là có lòng yêu nước, mới là trung thành với Hồ Chí Minh mà mọi người đinh ninh là Người Cha yêu độc nhất của dân tộc Việt Nam. Trong đầu óc của người dân Việt vẫn phảng phất một hình ảnh của Hồ Chí Minh với lời thề thốt ái quốc: ‘Thế không đi lính cho Pháp! Thề không đưa đường, chỉ lối cho Pháp! Thề không tiếp tế cho Pháp.’

    Người dân ở các đô thị bị tiêu thổ tản cư, trong cảnh bị gậy có biết đâu đến sự thật phũ phàng là Người Cha yêu của dân tộc, đã thề thốt tại vườn hoa Ba Đình ỏ giữa thành phố Hà Nội, ngày tuyên ngôn Độc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945 rằng ‘Không đưa đường cho Pháp, không chỉ lối cho Pháp’ lại chính là người đã ký hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, bán nước cho Pháp, đưa đường chỉ lối cho Pháp chiếm đóng một thành phố ở Bắc Việt, gây ra cuộc chiến tranh nghiền nát xương thịt nhân dân Việt Nam trong máu lửa đầy chết chóc và hoang tàn.

    Điều tệ hại nhất cùng khốn nạn hơn nữa đối với dân tộc Việt Nam là Công Sản Việt Nam đã xử dụng chính sách ‘Tiêu Thổ Tản Cư’, Vườn Không Nhà Trống’, trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, với xương máu của hàng chục triệu dân chúng Việt Nam thành một chư hầu của đế quốc Cộng Sản, với một chính sách cộng sản ngoại lai và sai lầm đã chìm đắm nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trong cảnh nghèo khổ, dốt nát đến nỗi đến Việt Nam được liệt kê là một trong năm quốc gia nghèo khổ vào bậc nhất thế giới.

    Trong khi nước Việt Nam bị tan tành vì cuộc chiến tranh chống để quốc Pháp gọi là để dành độc lập, nhưng chỉ đạt được một nền độc lập khấp khểnh, với đất nước bị chia đôi, miền Bắc theo Cộng Sản, miền Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa. Để rồi sau đó Việt Minh lại phát động một cuộc chiến tranh thứ hai, tương tàn và hết sức đẫm máu, gọi là chống Mỹ để thống nhất đất nước, biến nước Việt Nam thành chư hầu của đế quốc Cộng Sản Liên Sô, đẩy cho 2 triệu con dân đất Việt phải bỏ nước ra đi tị nạn cộng sản, trên khắp thế giới.

    Sau khi Cộng Sản Liên Sô bị hoàn toàn xụp đổ, Cộng Sản Việt Nam lại biến nhân dân Việt Nam, thành những kẻ ‘ăn xin’ viện trợ và đầu tư của tư bản thế giới để cứu nguy nền kinh tế đang dẫy chết, thì các quốc gia trước kia là thuộc địa của đế quốc Anh như Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo, Ấn Độ v.v... đều đã đạt được nền độc lập quốc gia và tiến lên thành những quốc gia với nền kinh tế giầu mạnh và không hề phải trải qua một cuộc chiến tranh nào.

    Chỉ vì những lãnh tụ khôn ngoan của họ đã biết chủ trương một cuộc tranh đấu dành độc lập theo tinh thần quốc gia dân tộc, chứ không ngu dốt như các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đã chạy theo đế quốc cộng sản để dành độc lập bằng hai cuộc chiến tranh đẫm máu.

    Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Minh tại có những âm mưu ngoan cố lợi dụng chính sách Tiêu Thổ Tản Cư song đôi với cảnh Nhà Không Vườn Trống để bần cùng hóa nhân, để dễ bề biến Việt Nam thành một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, đồng thời Việt Minh lại còn dùng chính sách Tiêu Thổ Tản Cư nhằm vào việc phá vỡ và phân tán khối dân chúng còn có nhà cửa, vườn tược thì họ còn sống quây quần với nhau thành một giáo xứ, một xóm, thôn cố định, không sợ bị phân chia, do đó họ đoàn kết với nhau thành một lực lượng, đồng tâm nhất trí dám chống đối mọi áp lực của Việt Minh.

    Việt Minh bắt đầu áp dụng chính sách Tiêu Thổ Tản Cư từ các đô thị ở miền Trung, từ quân khu Năm ra đến quân Khu Tư, riêng ở quân khu Ba, các đô thị ở tỉnh Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình v.v.. đã bị tàn phá bình địa, các đô thị và làng xã trù phú ở hai giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu đã bị Việt Minh đặt vào danh sách cần phải tiêu thổ ngay và chúng cũng mở những chiến dịch tuyên truyền kêu gọi dân chúng chuẩn bị tiêu thổ tản cư.

    Nhưng Đức Cha Lê Hữu Từ, cố vấn chính phủ, đã phản kháng kịch liệt chính sách tiêu thổ tản cư và ngài chủ trương kêu gọi toàn dân cương quyết ở tại chỗ để chống giặc giữ nước, và người công giáo cũng như người không công giáo đã hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi của Đức Cha Lê Hữu Từ.

    Đứng trước sự phản kháng quyết liệt chính sách tiêu thổ tản cư, vườn không nhà trống của Đức Cha Lê Hữu Từ, cố vấn chính phủ, Hồ Chí Minh ra lệnh cho chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến tỉnh Ninh Bình tổ chức một hội nghị mệnh danh ‘Hội Nghị Điền Thổ’ tại Nho Quan, triệu tập các điền chủ, thân hào nhân sĩ trong tỉnh để nghe lời giải thích với chính phủ về chính sách ‘Tiêu Thổ Tản Cư’ . Hội nghị này được coi là rất quan trọng vì ngoài việc giải thích về chính sách của chính phủ, hội nghị lại còn tổ chức một cuộc họp giữa Hồ Chí Minh và Đức Cha Lê Hữu Từ.

    Vì lý do an ninh, tôi đã không tháp tùng Đức Cha Lê trong cuộc hội họp này ở Nho Quan, nên xin trích sau đây hồi ký của Đức Cha Lê Hữu Từ nói về việc cứu Phát Diệm và Bùi Chu khỏi bị phá hoại và tản cư:

    .................................................. ...............................


    ‘Chương trình Cộng Sản có nhiều giai đoạn, đầu tiên lấy lòng dân và lợi dụng để nắm chính quyền, rồi chia rẽ dân để Cộng Sản mạnh. Họ đã dùng mánh khóe để bề ngoài thì làm cho dân và là chính dân làm, nên họ đã lập ra các đoàn thể cứu quốc, song trong ấy có những cán bộ, từ Quốc Hội cho đến các đoàn thể điều là người của đảng Cộng Sản hầu hết.

    Như thế cũng chưa đủ, vì dân còn ở chung một nơi thì khối dân còn có lực lượng, nên họ bầy ra cách Tiêu Thổ Tản Cư, Vườn không Nhà trống, lấy lẽ cho khỏi tụi thực dân lợi dụng. Làm như thế thì cũng như phân sáp thời xưa, không còn ai biết tin ai nữa và hoàn toàn làm tay sai để bọn cộng sản điều khiển. Các làng bắt đầu phải phá hết các nhà ngói, rồi tập cư và sau tản cư thật, như tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã bị phá bình địa, rồi đến Ninh Bình, Phủ Lý cũng vậy..’

    ‘Khi nghe đồn cả Phát Diệm, Bùi Chu cũng sẽ đồng một số phận, tôi liền lên tiếng phản đối ngay và dân sự nhiều nơi hưởng ứng, Hồ Chí Minh thấy vậy liền lập cách mời tôi lên Nho Quan cùng với các thân hào, điền chủ, để thảo luận về đất ruộng. Họ cho xe camion đến Phát Diệm đón mọi người lên Nho Quan, đã có các vị cao cấp trong chính phủ đến đó, song họ giấu không cho biết có Hồ Chí Minh ở đó nữa.

    Có cả chủ tịch Ninh Bình về mời tôi, song các cha sợ Viêt Minh lập mưu giả ăn cướp phục kích để ám hại tôi dọc đường , nên tôi quyết đến gặp để nói về việc tiểu thổ tản cư. Bề ngoài thì tôi nói rằng không đi, nhưng thực sự tôi đã thuê thuyền đi kín. Lúc camion đến Nho Quan mà không có tôi thì Việt Minh cao cấp đi theo Hồ Chí Minh rất băn khoăn, lập tức cho canot đến mời cha xứ Vô Hốt xuống ngay Phát Diệm để mời tôi; thì vừa lúc ấy thuyền tôi đi qua Nho Quan lên thẳng nhà Dòng Châu Sơn’.

    Vừa tới Châu Sơn, làm lễ xong liền có ông chủ tịch Ninh Bình đến cùng với giấy Hồ Chí Minh mời tôi đến Nho Quan xơi cơm với ông’.

    ‘Thoạt trông thấy tôi, Hồ Chí Minh vội vàng chạy lại ôm lấy tôi cách thân thiết quá, khó tả; một tay bắt tay tôi, một tay ôm choàng lấy tôi, áp mặt vào mặt tôi và vỗ tay vỗ lưng tôi kêu bộp bộp, miệng nói: ‘Tôi nhớ Cụ quá, tôi nhớ Cụ quá! Đã lâu vì lửa đạn không gặp Cụ được, nhớ quá! Tôi cũng trả lời: ‘Tôi cũng nhớ Cụ lắm, nhất là vì có nhiều việc cần gặp Cụ, nay được gặp Cụ tôi mừng lắm.’

    Song tôi không vỗ lưng ông ta vì tôi chưa học lối ấy. Còn cuộc hội đàm giữa ông Hồ và tôi diễn ra ngay sau đó trong bầu không khí nhiều lúc gay go nhưng cũng gọi được là thân mật.’

    Lúc ăn cơm, họ dọn riêng một mâm cho tôi và ông Hồ, còn 6 bộ trưởng ngồi chung ở một mâm xa xa. Ông Hồ liền bảo: ‘Các chú kéo mâm lên gần đây tiếp chuyện Cố vấn cho vui.’ Tôi cũng phụ họa: ‘Thì chỗ người nhà cả, các chú cứ tự nhiên ngồi xích lại đây.’

    Cơm xong họ mời lại một cái ghế phản (đi văng) có đặt sản hai cái gối để tôi cùng ông Hồ nói chuyện, nằm nghỉ trưa. Nằm sát bên nhau, ông Hồ nói chuyện dí dỏm thân mật hết sức. Bỗng nhiên ông nắm chặt tay tôi bằng một giọng run run ông nói: ‘Xin Cụ làm Baptêm (rửa tội) cho tôi để cùng làm con Đức Chúa’

    Nghe thế, tôi phải hết sức cầm mình ở bình tĩnh cho khỏi phát cười và nói: ‘Thật là vô cùng quý giá và bất ngờ cho tôi, tôi rất lấy làm sung sướng nhưng vì là việc rất can hệ, cần phải biết đủ các lẽ đạo và nhiều điều kiện phải dự bị trước, nên để sau ta sẽ tính.’

    Câu chuyện đang vui vẻ, thấy bưng lên một đĩa khoai lang buộc, ông Hồ lột vỏ mời tôi. Chúng tôi cùng ăn vui vẻ.

    Sau đó, khoảng 3 giờ chiều, tôi đi với ông Hồ ra sân. Ở đây đã có mặt các thân hào nhân sĩ, điền chủ và dân chúng tập hợp sẵn với độ ngót ngàn người. Sau những tiếng hoan hô, ông Hồ bắt đầu nói cho dân chúng biết tại sao phải tiêu thổ. Ông nhấn mạnh: ‘Tôi là chủ tịch do dân bầu, tôi là đầy tớ của dân, tôi phải làm ích cho dân; nếu ngày nào tôi không làm ích cho dân, dân có người khác xứng đáng hơn, thì tôi sẽ rút về vườn trồng rau…’

    Rồi ông đặt tay lên vai tôi vừa vỗ nhẹ vừa nói: ‘Tôi là chủ tịch của đồng bào, phần vì ở xa xôi, phần vì nhiều cớ tôi khó gặp được đồng bào, thì đây, có cụ Giám Mục Lê Hữu Từ là vị cố vấn của chính phủ và cố vấn riêng của tôi, tôi hoàn toàn tín nhiệm ngài; khi đồng bào không gặp được tôi thì đồng bào đã có ngài…’ Dân chúng hoan hô rất hăng hái..’

    Từ sau ngày gặp ông Hồ ở Nho Quan, 20-4-1947, tôi bắt đầu đi thăm các nơi thuộc Phát Diệm và Bùi Chu, lấy cớ là để nói cho dân biết ý ông Hồ, song thật sự để hô hào chống tiêu thổ tàn cư. Mọi nơi đều hướng ứng nhiệt liệt, có những nơi tôi chưa kịp đến thì đã cử phái đoàn nài nỉ tôi đến thăm và tổ chức đón rước rất long trọng; còn Việt Minh thì cố sức ngăn trở việc tôi đi thăm các nơi…

    Sau này Việt Minh áp dụng một lối mới hầu ngăn cản sự đi lại của tôi là xin tôi mỗi lần đi tới đâu xin báo trước để sửa soạn đón tiếp Cố Vấn cho phải phép, nhưng thật ra là chặn việc tôi đi thăm vì nhiều nơi tôi làm giấy thông báo mà địa phương ấy không bao giờ được giấy cả, một đôi khi còn dàn bộ đội bên đường để hạch hỏi và đòi tước khí giới vệ sĩ của tôi… Trong chuyến đi hô hào cống tiêu thổ tán cư này, linh mục Hoàng Gia Huệ địa phận Bùi Chu đã tặng tôi bài thơ:’

    ‘Bạch trĩ lai Quần Phương
    Bách tính thoát tai ương
    Thanh niên tàng Phát Diệm
    Thử thị thánh nhân hương.’

    .................................................. .........................


    Sau cuộc họp với Hồ Chí Minh ở Nho Quan, Đức Cha Lê Hữu Từ mở một cuộc thăm viếng các xứ đạo ở bên địa phận Bùi Chu để nhân danh Cố Vấn Chính phủ, ngài ngăn chặn mọi công tác tiêu thổ, tản cư của Việt Minh, và tôi được Đức Cha chỉ định phụ trách việc lập một đội vệ sĩ bảo vệ ngài và phái đoàn.

    Tôi cho đây là một trách vụ rất khó khăn, vì phải nghĩ tới việc đối phó với những cuộc oanh tạc, có thể xẩy ra do phi cơ chiến đấu của thực dân Pháp, thời này quân đội Pháp đóng quân ngay ở tỉnh lỵ Nam Định, cách Bùi Chu chỉ có dăm chục cây số.

    Sỡ sĩ lo ngại như vậy vì Đức Cha Lê Hữu Từ nổi tiếng là vị giám mục quyết liệt chống thực dân Pháp và việc bảo vệ cho Đức Cha Lê và phái đoàn lại càng khó hơn nữa vì phương tiện di chuyển được xử dụng là thuyền bồng chèo dọc qua kênh Cồn Liêu, đi từ Sông Đáy thuộc phủ Nghĩa Hưng sang tới Ninh Cường rồi một đoạn đường phải cuốc bộ. Riêng mình Đức Cha Lê là đi bằng cáng rồi lại xuống thuyền đi Bùi Chu.


    Kênh Cồn Liêu không rộng gì cho lắm, mà tổ chức Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc của các xứ đạo ở hai bên bờ con kênh này, chưa được tổ chức hoặc chưa được huấn luyện thuần thục, nên không chắc gì có thể phụ giúp được nhiều trong trách vụ bảo vệ Đức Cha Lê và phái đoàn. Mà nếu Việt Minh ở các làng xã dọc hai bên kênh Cồn Liêu tìm cách ám hại Đức Cha thì vấn đề bảo vệ lại càng trở nên khó khăn vô cùng, nhất là chúng tôi nhận được tin Việt Minh có ý tổ chức ám hại Đức Cha Lê trong chuyến thăm viếng Bùi Chu này.


    Cuộc thăm viếng Bùi Chu của Đức Cha Lê, cố vấn chính phủ dành được thắng lợi hoàn toàn, toàn thể lãnh thổ địa phận Bùi Chu đều không bị tiêu thổ kháng chiến và chính sách vườn không nhà trống của Viêt Minh đã thất bại. Điều đáng mừng nhất đối với tôi là cuộc thăm viếng kéo dài một tuần lễ của Đức Cha Lê và phái đoàn tại rất nhiều địa điểm ở Bùi Chu đã kết thúc trong sự an lành.

    (còn tiếp)

 

 

Similar Threads

  1. khi Cô Cô thời nay vào bếp...
    By visabelle in forum Tiếu Lâm
    Replies: 0
    Last Post: 04-19-2020, 08:41 AM
  2. ... Một thời để NHỚ ...
    By NguyetHa in forum Truyện
    Replies: 46
    Last Post: 06-06-2017, 12:43 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 11-19-2013, 03:58 PM
  4. Peru : Di tích lịch sử
    By Lotus in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 08-04-2013, 01:07 PM
  5. Du lịch bụi Budapest
    By Mướp Hương in forum Du Lịch
    Replies: 10
    Last Post: 12-23-2012, 02:42 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:44 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh