Bóng tối


Mặc Bích



Chương 1


Atasha


Buổi chiều xuống rất nhanh với những đám mây đen che kín bầu trời. Vài hạt mưa rơi lác đác chỉ làm không khí thêm ẩm thấp trong cái lạnh bất chợt từ một cơn bão thổi qua thành phố. Cái gạt nước đã mòn, để lại những vệt mờ trên mặt kính xe làm cho mầu ảm đạm của trời chiều càng thêm u tối. Những chấm đèn của đoàn xe trước mặt là những điểm sáng bắt mắt chớp nháy như những ngọn đèn trên cây thông giáng sinh.

Atasha! Cái tên vẫn còn vang vọng trong Hoài! Một ngày, Hoài gặp bao nhiêu khuôn mặt, những khuôn mặt đông phương như nàng, những người da mầu, da trắng.. gặp bao cảnh ngộ mà đời sống tưởng như là một hình phạt. Hoài đã tạo cho mình một vỏ bọc chắc chắn, không một điều gì có thể xâm phạm, để có thể ngồi xuống, lắng nghe, và tìm một giải pháp cho nan đề của từng người.

Hoài tự đặt cho mình một luật lệ riêng: tách rời nàng của một đời sống thực sự và người đàn bà tên Hoài làm công việc cố vấn tâm lý, để khi trở về nhà, nàng được sống thoải mái với chính mình mà không bị những vây bủa của suốt 8 tiếng đồng hồ trong thế giới của những tâm hồn khác. Nàng đã gặp những Châu, Liên, Hoàng, Tôn, Mononoke, Diệu, Chatkham, Janice, Jeff… Những cái tên Việt, Nhật, Tàu, Lào, Mễ, Mỹ… đủ cả trong căn phòng làm việc của Hoài. Nàng không chỉ gặp mà còn được nghe, được chia sẻ những điều thầm kín nhất tưởng đâu không bao giờ trong đời lại có thể thố lộ cho ai, trừ trong tòa giải tội với linh mục. Người ta tìm đến vị linh mục để được xin tha thứ. Còn đến với Hoài chỉ để trút bỏ bớt những nặng nề của trái tim. Nói xong rồi tưởng rằng sẽ quên, và nàng cũng vậy, nghe xong rồi quên, quên luôn cả những khuôn mặt ấy. Hoài tự bắt buộc mình phải quên, phải cởi bỏ những đớn đau của người khác đã gửi cho mình. Không thể tạo một liên hệ, dù là liên hệ thật ngắn ngủi!

Những lằn chớp nháng lên trong bầu trời thấp và xám xịt làm thành những rung động nho nhỏ như trời khổ lụy. Từng vạt mưa trắng đục kéo đến xối xả tạt vào mặt kính. Hoài cho xe chạy chậm lại. Những chấm đèn đỏ của đoàn xe trước mặt nhạt nhòa. Không còn thấy trời đất. Quanh nàng chỉ còn tiếng mưa, tiếng ầm ì cuồng nộ của sấm sét.

Thấp thoáng trong màn mưa, khuôn mặt của Atasha. Khuôn mặt Nhật Bản và trắng như sáp, hai con mắt có đuôi kéo dài nhỏ nhắn và đen nhưng ẻo lả như hai vệt mực tàu trên khung vải. Đôi mắt buông thả vào một không gian nào xa tít tắp. Ánh mắt trốn tránh như dấu diếm một điều gì. Đầu mũi thấp hơi thô trên đôi môi hồng nhỏ xíu như một nụ hoa đào chúm chím. Có một sự tương phản giữa cái mũi và ngần cả ấy thứ trên khuôn mặt! Như một bất cẩn của tạo hóa lỡ tay làm mất đi vẻ nhu mì của bức tranh thủy mạc!

Nhưng chính sự lạc lõng đó lại tạo nên một vẻ rất đặc biệt ở cô bé 14 tuổi Atasha! Cái mũi nổi loạn! Đó là ấn tượng đầu tiên khi Hoài gặp Atasha! Cũng kỳ quặc! Sự nổi loạn đến từ trong cái đầu be bé xinh xinh với mái tóc cắt ngắn như con trai, chứ nào phải do cái mũi. Nhưng chính sự bướng bỉnh đọc thấy được trên cánh mũi bè bè ngang ngược, ngạo nghễ trên khuôn mặt dài thanh tao. Mà cho dù có đặc biệt đến đâu cũng đừng theo Hoài về nhà nhé? Xin đừng! Hoài vừa nhủ thầm vừa với tay vặn nhạc.

*

Nàng ôm nhẹ bờ vai của con gái, ân cần nhắc nhở:

“Đi ngủ sớm đi bé! Khuya rồi! Mai con còn phải đi học!”

Kim nhăn mặt nài nỉ mẹ:

“Chưa đến 11 giờ mà mẹ!”

“Trẻ con thức khuya quá không tốt!

Con bé hất mái tóc dài, ngẩng mặt nhìn Hoài!

“Con sắp 15 tuổi rồi! Đâu còn là trẻ con nữa!”

Mà có lẽ con bé không còn là trẻ con nữa thật! Kim cao bằng mẹ và có triển vọng còn cao hơn nữa. Nó có những suy nghĩ già dặn hơn là khuôn mặt thơ ngây của tuổi 14. Những lý luận của Kim đôi lúc làm nàng chới với vì ngạc nhiên. Có lẽ không chỉ thời gian mới đi nhanh, mà cả loài người cũng già nhanh như vậy hay sao? Nhiều lúc khi nói với con, Hoài đã phải đắn đo tìm lời nói như nói với một người lớn. Mười bốn tuổi! Như cô bé Atasha vậy! Tại sao nàng lại so sánh như thế? Hai cuộc đời, hai con người khác hẳn nhau? Chắc chỉ vì con số 14?

Hôn nhẹ lên mái tóc Kim, nàng thấy thương con vô tả! Nàng luôn gượng nhẹ với con như đối với một cành hoa yếu đuối, mặc dù Kim rất cứng cỏi và có cá tính mạnh mẽ. Biết đâu sự cứng rắn và cả quyết đó chỉ là một sự che đậy cho những mềm yếu khôn cùng? Hoài hơi cười thầm vì thấy mình méo mó nghề nghiệp! Hay chỉ vì nàng nhìn thấy trong Kim hình ảnh của mình? Chắc gì nó giống mình? Sinh con, nuôi nấng ngày đêm, chắc gì đã hiểu thấu lòng con? Ai cũng có những phần sâu kín mà không muốn ai biết đến. Đó như một thứ cung cấm, một nơi chốn ẩn nấp an toàn nhất mà không ai có thể đụng vào. Một nơi đích thực thuộc về cho riêng mình, chẳng bao giờ mất mát hư hao.

Kim đột ngột hỏi:

“Hôm nay mẹ có gì lạ không? Một ngày productive không?”

Hoài cười nhẹ vì chữ “productive” mà Kim dùng. Thế nào gọi là một ngày productive? Nhưng nàng không hỏi lại con mà chỉ trả lời:

“Cũng bình thường như mọi ngày làm việc khác.”

“Có case nào interesting không?”

Nàng nhìn con ngạc nhiên. Chưa bao giờ Kim hỏi nàng như vậy. Ngay đến Nguyên, chồng nàng, cũng chẳng bao giờ hỏi vì biết nàng không muốn mang những vấn đề về nhà.

“Tại sao con lại hỏi như vậy?”

Kim nhún vai, hơi trề môi:

“Nhiều lúc con nghĩ chắc mẹ phải thích nghề này lắm. Suốt ngày toàn nghe problems của người khác!

Hoài bật cười:

“Dĩ nhiên là thích mẹ mới chọn nghề này chứ!”

Nàng tránh không muốn trả lời câu hỏi sau của con.

“Uh! Con quên mất! It’s strictly confidential!”

Hoài không đáp. Nàng không nhắc đến công việc, không muốn nhớ đến những khuôn mặt mà nàng đã gặp trong ngày. Nàng phải chia cuộc sống nơi làm việc và cuộc sống ở nhà thành hai vùng riêng biệt, đừng để lẫn lộn. Không thể mang theo những “vấn đề” của người về thành của mình được. Nhưng nàng cũng không muốn giải thích cho con hiểu làm gì. Nó nghĩ như thế cũng tốt thôi!

Nhưng đêm đó, trong bóng tối của căn phòng thơm mùi những vỏ cam và hoa khô được ướp thay đổi theo mùa. Hoài trằn trọc mãi không ngủ được. Cái tên Atasha cứ bám lấy nàng như một thứ mùi thơm lạ quẩn quanh không rời! Đã qua hai lần gặp gỡ, nhưng Atasha vẫn không nói gì nhiều! Nó chỉ trả lời cụt ngủn những câu hỏi Hoài đặt ra. Thái độ của nó là thái độ bất hợp tác, miễn cưỡng đến lạnh nhạt! Đã có bao nhiêu đứa trẻ như Atasha? Nhiều lắm, nàng không nhớ hết! Vậy thì có gì để mà thắc mắc mãi! Hoài có thắc mắc đâu nhỉ?

Tự nhiên khuôn mặt và cái tên Atasha cứ lởn vởn trước mặt nàng như một thách đố! Mà thách đố để làm gì mới được chứ? Có lẽ Atasha đã bị bắt buộc phải tìm đến Hoài, chẳng phải là một tự nguyện. Nó không cần đến Hoài! Nhưng cơn nước lũ đang dâng trong tâm hồn Atasha bao giờ thì tràn bờ? Chấp chới, trôi nổi trong những khép kín là một thứ nghẹt thở. Liệu Atasha có hiểu như vậy hay đó là một sự lựa chọn? Khuôn mặt trắng và mềm mại như cánh hoa ngọc lan cùng với những câu hỏi dấy lên chằng chịt như một thứ cung mê đưa nàng vào giấc ngủ vật vã, mờ mịt cho đến sáng!


*

Hoài liếc nhìn sổ hẹn 2 giờ 30: Atasha! Cái giờ buồn ngủ nhất với đầu óc lãng đãng vì bị bao tử hành sau bữa ăn trưa. Nhiều phần buổi hẹn này cũng sẽ không mang lại kết quả gì như cha Atasha mong mỏi!

Người cha vẫn kiên nhẫn ngồi chờ ở phòng đợi như những lần trước. Hôm nay con bé mặc một chiếc áo mầu đỏ rượu chát, chiếc quần jean bó sát, đôi giầy thô kệch thời thượng. Hai bên cổ tay đeo vòng là những hạt nhựa tròn màu sắc. Atasha đứng đó với vẻ mặt lầm lì, không chào hỏi. Lần này nó không trốn tránh cái nhìn của Hoài mà chăm chú nhìn nàng với ánh mắt hỗn xược! Lại thách thức nữa đây! Hoài thở dài thầm!

Quá quen thuộc với những con bệnh như cô bé này, Hoài bình thản chỉ tay vào chiếc ghế dài ở góc phòng:

“Cứ tự nhiên nhé!”

Thay vì nằm xoãi dài vào chỗ quen thuộc, nó ngồi xuống chiếc ghế ngay cạnh đó như một phản kháng gián tiếp.
Mình phải đổi chiến thuật mới được. Hoài tự nhủ!

Ô cửa sổ hình như sáng hơn mọi ngày. Chiều hôm qua lúc đi về Hoài quên không kéo mành mành cửa sổ. Hoài chăm chú nhìn ô cửa sổ và chợt nhớ ra đã vào Thu. Bên ngoài những chùm lá đã bắt đầu đổi màu tàn úa và rụng khá nhiều, tự dưng nàng thấy lòng mình trùng hẳn xuống như những máu huyết sôi sục chợt tắt lịm, trôi hết đi, trơ trụi hết đi, trơ lại da cùng xương, cũng cạn kiệt, cũng buồn bã, trơ trụi như vậy thôi!

Có lẽ một phần nào những ý nghĩ thoáng qua đó hiển hiện trên gương mặt Hoài làm con bé chú ý. Nó cũng nhìn theo ánh mắt của Hoài về khung cửa sổ. Atasha đã thấy gì, nghĩ gì, Hoài không biết, nhưng nàng có cảm tưởng ngay lúc này nàng có một cơ hội đến gần nó hơn. Ngay lúc này thôi! Hoài không thể để giây phút này vuột qua! Và tự dưng những lời nói về mình chợt bật ra:

“Cách đây 30 năm có một cô bé cũng vào trạc tuổi Atasha, nó ghét cuột đời, ghét những người chung quanh mặc dù chẳng ai đụng chạm gì đến nó cả! Cô bé bỏ quên hết mọi người, sống trong một thế giới riêng của mình, cao ngạo và khinh bỉ hết tất cả những tầm thường của đời sống. Cho đến một hôm nó mới nhận ra là nó bị bỏ quên chứ không phải nó là người lãng quên hết thảy mọi sự! Và rồi nó trở lại. Để rồi sau này nhìn lại cái “tôi” của thời gian ấy như một kẻ xa lạ! Chẳng có nguyên nhân nào cho thái độ đó…”

Atasha nhìn Hoài. Có chút tò mò làm đôi môi hồng nhỏ xíu của nó chợt nhếch lên nhưng vẫn không làm thành lời nói. Atasha vẫn yên lặng. Hoài phải mở lòng ra với nó nhiều hơn nữa mới được. Nàng phải cho nó thấy trước mặt cũng một con người đã có một thời như nó, trong một nghĩa tạm bợ. Nàng tiếp tục vừa kể vừa lắng nghe lại chính mình:

“Mười lăm, mười sáu tuổi, nó nhìn người lớn thấy họ ngô nghê trong những cung cách cũ rích, nhai đi nhai lại những ý nghĩ của người khác truyền lại và tự mãn rằng mình biết nhiều lắm. Họ chẳng biết gì cả! Vì chính họ không biết nó đang nghĩ gì, muốn gì. Họ hệt như những con hình nộm, họ thích phải bắt chước giống người này người kia. Tại sao phải như vậy? Họ không thấy được cái quý giá của sự khác biệt ở từng mỗi con người. Tại sao cô bé đó phải sống như cha nó, mẹ nó, anh chị em nó? Cô bé thấy phải được tự do chọn lựa cách sống, cuộc đời của chính mình. Không ai có thể sống dùm nó!”

Hoài đã kể, kể nhiều lắm cho Atasha nghe như chưa bao giờ kể cho ai khác, ngay đến cả con gái nàng. Buổi gặp gỡ hôm nay là một sự ngược ngạo đến khôi hài, như thể nàng phải tìm đến Atasha cho một cởi bỏ không thể tránh được!

Những đường nét cứng cỏi trên mặt nó tan biến dần. Chăm chú lắng nghe. Atasha đã nhìn Hoài với cặp mắt khác trong căn phòng mọi lần lạnh lẽo nay thấy ấm áp hơn. Có chút gì ở người đàn bà kia giống nó. Tự dưng nó thấy mềm lòng! Và cũng đột nhiên Atasha chớp mắt thật nhanh. Một giọt nước không chờ đợi tràn ra khỏi khóe mắt nó! Giọt lệ dành cho nó không phải cho bà ta.

“Đó có phải là một thảm kịch?”

“Với cái nhìn của người đứng ngoài thì không! Nhưng với đứa con gái mới lớn, trong thời gian ấy phải thì đây được hiểu là “the end of the world”. Tận cùng rồi! Sự mất mát với nó quá lớn! Đau khổ và thất vọng hình như quá sức chịu đựng của mình! Thế nhưng rồi có sao đâu? Để rồi bây giờ nó có một cuộc đời mới. Nhìn lại…”

“Thấy lạ lẫm như là ai đó?”

Hoài nhìn Atasha ngạc nhiên:

“Đúng thế! -Rồi câu hỏi mà nàng chờ đợi mãi cũng phải được cất lên- “Atasha có như vậy không?”

“Như vậy không?” nghĩa là sao? Là cũng ở trong cùng một hoàn cảnh như thế, có những ý tưởng tương tự? Hay chỉ là một câu hỏi khai mở mà mục đích của Hoài nãy giờ mới đến đích?

Con bé nhìn thẳng vào mặt Hoài như để tìm xem nãy giờ câu chuyện mà người đàn bà kể cho nó là sự thật hay ngụy tạo? Nàng rất bình thản trả lại cái nhìn của Atasha. Trong căn phòng này, bốn bức vách tường đã từng được nghe rất nhiều chuyện của bao nhiêu người, nhưng hôm nay là lần duy nhất có sự góp mặt của Hoài. Những lời kể của nàng dội vào trong vách và bật trở ra như tiếng đàn cô lẻ trong đêm vắng. Atasha đã quan sát nãy giờ, tìm tòi, xục xạo trong từng xúc động của nàng, chưa đủ để đánh giá thực hư? Sự yên lặng cân nhắc đè nặng trong căn phòng. Hoài chờ đợi.

“Có lúc nào bà cảm thấy là không còn muốn gì nữa không? Ngay đến cả một cử động nhấc tay, nhấc chân, mở mắt, nhắm mắt…?”

Tội nghiệp cho Atasha! Tột nghiệp cho nỗi cô quạnh ngay trong câu hỏi ấy! Nghĩ như vậy nhưng Hoài giữ không để lộ ra mặt. Nàng phải như những bức tường chung quanh để Atasha có thể yên tâm bộc lộ, phải vô tri, vô giác như những món đồ vật trong phòng, để tưởng như nó đang độc thoại với chính nó mà không phải ai khác.

“Ai cũng có những lúc như vậy! Đó là một sự bình thường trong muôn ngàn cảm xúc của con người.”

Nó để người tuột xuống một chút. Hai chân duỗi dài trên thảm. Đầu ngả vào thành ghế tựa vào tường. Khuôn mặt của Atasha như lẫn vào mầu trắng ngà của vách tường. Mái tóc đen làm thành đường riềm vòng theo khuôn mặt dài. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt đen không có ánh tươi vui linh hoạt nhưng thu hút Hoài. Nàng nhìn vào hai chấm đen, mong chờ ở nó một câu trả lời cho bài toán nan giải mà người cha đang chờ đợi sau cánh cửa kia.

“Bà có ghét cái đứa nhỏ mà bà kể chuyện khi nãy không?”

Hoài hơi ngạc nhiên:

“Ghét ư? Không! Không đâu! Giai đoạn đó cũng chỉ là một phần của cả con người nó. Không thể chối bỏ được!”

“Người ta có chán ghét chính mình không?”

Cái gì đây? Tại sao mãi Atasha vẫn chưa chịu thổ lộ? Nàng không muốn ở thế bị động mãi. Hoài hỏi ngược lại trong một câu hỏi mà mặc nhiên xem như là đã có câu trả lời.

“Atasha ghét chính mình lắm ư?”

Con bé đưa câu trả lời của nó vào một cách khác:

“Tôi thù ghét sự bất lực ở mình!”

Hai chữ “thù ghét” được thốt ra ở chiếc miệng xinh xắn trên khuôn mặt lạnh và còn đầy nét ngây thơ không phản ảnh hết được ý nghĩa.

“Sẽ đến lúc Atasha sẽ thấy con người chẳng là cái gì cả! Như một hạt bụi nhỏ xíu trong không gian. Thời gian và cuộc đời sẽ dần cho ta thấy điều đó để không bực bội về những điều không chủ động được, ngay cho chính mình, chứ đừng nói gì đến người khác.”

“Buổi chiều hôm đó nếu tôi không đi chơi với bạn, tôi ở nhà, thì mẹ tôi đã không chết.. oan uổng!”

Hoài chợt thót người! Nàng không ngờ nàng đến được với nó! Những chuyện nói về mình chỉ là một thứ ngồi xuống, quay ngược thời gian hầu tìm thấy được một cảm thông nào đó giữa Hoài và Atasha, lại có một hiệu quả như thế ư? Nàng không cần tìm hiểu nguyên nhân cái chết của người mẹ, nàng cần xóa đi cái mặc cảm của Atasha.

“Đừng quên rằng sự sống, cái chết đều là những điều mà chúng ta không chủ động được! Ngày hôm đó Atasha có ở nhà cũng chưa chắc đã làm thay đổi được điều gì.”

“Có chứ! Ít nhất tôi cũng gọi được ba số 911. Mẹ tôi sẽ được đưa vào nhà thương và chữa trị. Tôi sẽ ở bên cạnh mẹ tôi để cùng phấn đấu với bà…”

Hoài lắc đầu, nhẹ nhàng bảo:

“Đó chỉ là một sự hoài nghi giữa những chữ “nếu” và “có thể”. Chắc gì những “nếu” và “có thể” đó mang lại một kết quả như mình mong muốn? Còn chuyện phấn đấu? Có ai phấn đấu mạnh mẽ cho mạng sống của mình hơn chính mình? Chẳng ai có thể làm thay điều đó cho mình được cả! Không biết chừng, nếu ngày đó Atasha có mặt bên cạnh bà, em sẽ còn cảm thấy rõ hơn cái điều mà em gọi là “bất lực”!

“Tôi muốn đi ngược lại những điều mà bà vừa nói!”

Hoài cười nhẹ:

“Ai cũng muốn như vậy cả!”

“Tôi muốn được sự chủ động ngay chính trên bản thân mình. Tôi không để cho bất cứ ai khác quyết định thay cho tôi, ngay cả Thượng Đế!”

“Thật sao!” Hoài nghĩ thầm. Chẳng đơn giản như vậy đâu! Atasha dùng sự ương ngạnh của nó để phủ lên những buồn sầu, những dằn vặt mà nó tự buộc lấy cho mình về cái chết của người mẹ. Đã tự buộc lấy thì cũng phải tự cởi lấy được!

“Atasha chỉ có một người em thôi phải không?”

“Em cùng mẹ khác cha!”

Đó là một vấn đề nữa! Hoài không biết điều này, trong hồ sơ không thấy nhắc đến. Không lạ gì! Nàng phải hỏi thế nào đây hay để tự nó? Cuộc đối thoại bỗng dưng bị bế tắc ở một điểm nhỏ nhưng có thể thành lớn và lại đẩy nó trở lại với sự khép kín cố hữu? Atasha đã muốn sự chủ động, để nó chọn lựa nói những điều muốn nói. Hoài nghĩ nàng không nên dồn nó. Sẽ còn những buổi như hôm nay nữa. Tuần tới thôi, không xa đâu! Nàng nhìn đồng hồ. Cũng đã đến giờ! Hai giờ đồng hồ trôi qua thật nhanh!

Hoài cúi xuống ghi điện thoại của mình. Rồi nghĩ sao, nàng ghi thêm e-mail address và đưa cho Atasha:

“Số điện thoại và e-mail address của tôi. Bất kỳ khi nào em cần tôi giúp hay nhắn điều gì thì có thể liên lạc… Không phải ai tôi cũng đưa số điện thoại nhà và e-mail đâu.”

Nó đứng dậy, chưa cầm tờ giấy ngay mà hỏi lại:

“Tại sao?”

Tại sao nhỉ? Chính Hoài cũng đặt câu hỏi như vậy? Nàng trả lời:

“Tôi thấy hình ảnh đứa nhỏ 15, 16 tuổi năm nào trong em! Tôi muốn giúp nó!”

“Như giúp cho chính mình?”

Hoài không trả lời. Atasha cầm tờ giấy Hoài đưa rồi đi ra cửa. Nó mở cửa nhưng vẫn không đi ra ngoài hẳn. Lưng quay lại phía Hoài. Nàng chờ đợi Atasha quay lại nói một lời từ giã, hay một điều gì khác. Nhưng chỉ thoáng qua, rồi nó đi thẳng ra ngoài, không quên khép cửa phòng lại!

Hoài ngồi xuống ghế ở bàn làm việc, mắt nàng lại dừng ở ô cửa sổ. Điểm khởi đầu cho buổi nói chuyện vừa qua với Atasha. Có tiếng bíp nhỏ. Nàng nhấc điện thoại nghe. Tiếng Anne, người nữ thư ký, trong trẻo vang lên:

“Cha của bệnh nhân vừa rồi muốn gặp cô một chút!”

“OK! Đưa ông ấy vào đây!”

Hoài đã nói chuyện với ông ta lần đầu khi Atasha mới đến đây. Người đàn ông trung niên với bộ râu quai nón che gần hết khuôn mặt, đôi mắt nâu thông minh và giọng nói thật nhẹ nhàng. Sau vài câu chào hỏi xã giao thông thường, ông ta đi vào đề ngay để biết tình trạng Atasha có khả quan hơn không và liệu Hoài có tìm ra nguyên cớ và giúp cho nó được không. Nàng chỉ nói sơ sài đủ để ông ta hiểu về cái chết của bà mẹ đã gây cho nó những khủng hoảng tinh thần và dằn vặt ra sao.

Hoài không nhắc cũng như không hỏi về tình trạng trong gia đình hiện nay như thế nào, chỉ nhắc khéo hiện tại gia đình là niềm an ủi duy nhất cho Atasha. Nàng chưa muốn hỏi đến vì xem ra đây là một người chồng, người cha gương mẫu, không có điều gì để phải phàn nàn. Để sau này xem sao. Ông ta có vẻ quan tâm nhiều đến tình trạng Atasha và dường như thoải mái hơn khi nghe thấy ít nhất là có sự tiến triển trong vấn đề “đối thoại” giữa Hoài và Atasha.

Cái bắt tay chặt vừa phải nhưng ấm áp của ông ta làm Hoài càng tin rằng đây là một người tốt dựa vào khả năng xét đoán bén nhậy của nàng. Hoài cũng hy vọng rằng nàng đoán đúng.


*


Hai ngày cuối tuần trôi qua thật nhanh bằng những chuyến mua sắm quần áo lạnh cho Kim, đưa nó đi trình diễn nhạc ở trường, buổi party ở nhà bạn Nguyên kéo dài đến khuya với những khuôn mặt bạn hữu quen thuộc. Hai bên tai Hoài đầy những xầm xì về người này, người kia. Nghe đấy rồi cũng bỏ qua cho đầu óc được trống rỗng!

Nàng thấy mình lãng phí thì giờ trong những buổi hội họp vô nghĩa như vậy! Nhưng cũng phải đi thôi như lời giận dỗi của Nguyên: “Em có cả 5 ngày cho công việc. Phải dành thì giờ cho gia đình nữa chứ!”. Có lẽ Nguyên nói đúng. Sống lẩn quẩn với công việc và những ý nghĩ suy tư là tự dựng lên một hàng rào ngăn cách Hoài và chồng con! Nên nhiều lần định ngồi vào bàn làm việc, nhưng rồi Hoài lại thôi và tự nhắc nhở chính mình là hãy đợi đến ngày Thứ Hai!


*


Hoài nhìn bình hoa tươi trên bàn làm việc, khẽ mỉm cười. Nàng bấm nút nói với Anne:

“Cám ơn cưng! Hoa đẹp quá!”

“Để cho chị yêu đời mà làm việc!”

Hoài cười nho nhỏ và nói lời cám ơn lần nữa. Nàng biết hoa này ở nhà Anne. Cô bé có thú trồng cây. Mùa nào hoa nấy, trừ mùa Đông. Quả thật, một bông hoa tươi đẹp trên bàn vào sáng ngày Thứ Hai đầu tuần luôn luôn làm nàng tỉnh táo, vui thầm và có nhiều năng lực hơn để sửa soạn đối đầu với những bấp bênh trong đời sống của người khác.

Nàng bật computer. Trong lúc chờ đợi, nhấm nháp chiếc bánh và ly chocolate nóng do Anne mang vào. Nàng không biết nếu ngày nào thiếu Anne, nàng sẽ ra sao? Ly chocolate bao giờ Anne pha cũng vừa ý Hoài vì ngay chính nàng tự pha lấy cũng không ngon bằng Anne! Hoài di chuyển “con chuột” để vào xem hộp thư e-mail của mình. Hàng 5, 6 cái thư đang chờ Hoài mở ra. Mắt nàng chợt dừng lại ở một địa chỉ lạ. Ai đây? Có lẽ nàng nên xem nó trước nhất. Tò mò!

Những hàng chữ trong bức điện thư tuy ngắn gọn nhưng như một cú đấm thật mạnh vào mặt nàng làm Hoài choáng váng! Suýt nữa Hoài tuột tay đánh đổ ly chocolate! Mắt nàng như xoắn lấy những hàng chữ đang nằm sững trên màn ảnh. Không biết Hoài đọc đi đọc lại đến bao nhiêu lần?

“Bà có tin rằng tôi chủ động được trong mọi quyết định của mình không? Tôi đâu để sự bất lực hèn nhát đè nặng lên quả tim tôi mãi được! Nhưng dù sao cũng cám ơn bà…. thật nhiều về cuộc nói chuyện trong ngày. Chỉ rất tiếc, chúng ta không cùng quan điểm dù bà đã cố gắng. Tôi quên mất không nói lời từ biệt và cảm ơn khi đi về. Bà hãy xem như đây là một lời cám ơn muộn!

Atasha”

Ngày gửi? Thứ Sáu, 27 tháng Mười. Ngay trong hôm đó! Nó không làm những chuyện điên rồ chứ? Hoài không nghĩ vậy! Atasha chưa đến nỗi như thế! Nhưng tại sao lại dùng chữ “từ biệt”? Tự dưng nàng thấy nóng nẩy lạ thường! Hoài gọi Anne:

“Anne! Em tìm và gọi số điện thoại nhà của người bệnh nhân tên Atasha dùm tôi!”

Anne đang bận bịu trả lời điện thoại. Cô bé chợt bỏ điện thoại xuống và chạy vào gọi Hoài. Nhìn nét mặt khác lạ của Anne, Hoài chợt linh cảm một điều gì! Nàng nhấc điện thoại lên nghe.

“Tôi là cha của Atasha!”

Hoài nhận ra giọng nói của ông ta ngay. Tự dưng nàng buột miệng hỏi:

“Cô bé có sao không?”

“Bà biết?”

“Tôi không biết gì cả! Sáng nay tôi vào văn phòng mới thấy cái e-mail Atasha gởi cho tôi. Atasha ra sao?”

“Té ra bà không hay biết gì hết? Atasha tự tử hồi khuya Thứ Bảy… nhưng… cháu không sao! Atasha đang nằm điều trị ở nhà thương St. Mary’s. Cháu đã nói gì với bà?”

Mãi Hoài mới lấy lại được bình tĩnh. Nàng đã nhắm mắt lại khi nghe ông ta nói về Atasha. Giọng nói của ông ta vẫn nhẹ nhàng nhưng hàm ý trách móc! Hoài đáng trách thật! Lẽ ra nàng phải xem điện thư mỗi ngày! Lẽ ra nàng phải thấy là Atasha đã tính toán gì khi nói với nàng: “Tôi muốn được sự chủ động ngay trên chính bản thân mình. Không ai có quyền quyết định thay tôi, ngay cả Thượng Đế.”. Tại sao nàng lại để tình cảm của riêng mình xen lẫn làm sai lạc sự phán đoán?

“Tôi rất mừng… được tin Atasha… không sao! Trong điện thư em chỉ cám ơn tôi và từ giã. Buổi hôm ấy, lần đầu tiên Atasha mới cởi mở đôi chút. Tôi đã nói cho ông nghe ngay sau lúc đó, ông còn nhớ không? Tôi đã hy vọng là Atasha sẽ tiến những bước khả quan hơn.”

Ông ta yên lặng nghe. Hoài nói tiếp:

“Tôi muốn vào thăm Atasha. Ông cho tôi số phòng của em được không?”

“Cháu muốn được gặp bà! Đó là lý do tại sao tôi gọi điện thoại đến. Nhưng lần này, nếu bà không phiền, tôi muốn có mặt trong phòng khi bà gặp Atasha?”

Hoài nói ngay, không dấu được vẻ vui mừng:

“Vâng! Vâng! Không có gì trở ngại cả! Tôi vào thăm Atasha ngay hôm nay được không?”

“Lúc nào thì thuận tiện cho bà?”

“Bất cứ lúc nào!”

“Mười một giờ sáng nay được không? Tôi sẽ đợi bà ở phòng đợi chính ngay tầng dưới cùng của nhà thương St. Mary’s. Bà biết nhà thương này chứ phải không?”

“Mười một giờ tôi sẽ đến!”

Đặt điện thoại xuống rồi mà Hoài vẫn còn thấy bâng khuâng. Từ những bất ngờ đến hốt hoảng, lo âu, rồi tự trách mình, mừng vui… một loạt những thay đổi tâm lý ào ạt đến làm nàng hụt hơi! Hoài mệt nhoài như vừa chạy bộ một quãng đường dài không ngơi nghỉ!

Nhìn đồng hồ cũng không còn sớm lắm. Nàng lo một vài chuyện lặt vặt, dặn dò Anne hoãn lại cuộc hẹn lúc 11 giờ, nói sơ cho Anne biết tình trạng của Atasha rồi nhanh chóng ra cửa.

Hoài ghé vào tiệm gift shop gần nhà thương. Trong đầu nghĩ đến chuyện mua bình hoa cho Atasha, nhưng nàng lại đổi ý khi nhìn thấy con chó nhồi bông mầu trắng để tuốt trên kệ cao. Hoài phải nhón chân hết cỡ mới với được. Nàng hơi nhoẻn miệng cười khi nhìn gần cái mặt xinh xắn của con chó. Nàng hy vọng Atasha cũng sẽ mỉm cười khi nhìn thấy món quà.

Vào đến phòng đợi ở nhà thương đúng 11 giờ. Ông bố của Atasha đã ngồi đợi nàng từ bao giờ. Thấy bóng Hoài, ông ta vội vã tiến lại.

“Bà đến đúng giờ quá!”

“Thói quen thôi! Ông không mệt lắm chứ?”

Ông ta nhẹ lắc đầu:

“Không đến nỗi nào! Người ta đã đưa cháu xuống lầu 5. Cháu khá nhiều rồi!”

Hoài không nói gì chỉ yên lặng đi bên cạnh ông ta. Cả hai không trao đổi với nhau thêm một lời nào khác.
Ông ta vào phòng trước và gọi nho nhỏ:

“Atasha! Mệt lắm không con?” - Giọng nói ân cần, nghe mà thấy xốn xang.

Khuôn mặt trắng bệch lẫn dưới lần vải phủ và chăn màu kem nhạt, trông Atasha như một con búp bê bằng vải chưa tô vẽ. Nó giơ bày tay gầy guộc nắm lấy tay ông ta. Người đàn ông cúi xuống hôn nhẹ lên trán Atasha rồi thầm thì.

“Có người đến thăm con!”

Buông tay Atasha, ông ta lùi lại rồi quay lại nhìn Hoài rồi tìm một góc khuất gần cửa đứng. Trông như người gác.
Mắt Atasha chợt sáng lên khi thấy Hoài. Đôi môi đã mất đi mầu hồng đào, trắng nhợt như mầu da, chợt nhếch lên. Nó yếu ớt nói:

“Cám ơn bà đã đến đây!”

Hoài lại gần. Lấy con chó bông đặt xuống bên cạnh Atasha:

“Để cho Atasha có thêm bạn mới!”

Con bé vuốt ve con chó bông, không nói được lời nào.

“Mãi đến sáng nay tôi mới đọc e-mail em gửi! Tôi.. thật đáng trách! Tôi đã không đọc ngay sau khi em viết…

“Bà vẫn bảo là chúng ta không chủ động được trong đời sống cũng như sự chết cơ mà? Lúc trước chúng ta không đồng quan điểm trên vấn đề này… nhưng bây giờ… sự khác biệt giữa chúng ta không còn mấy!”

Hoài mỉm cười. Nàng muốn cúi xuống ôm lấy gương mặt non nớt kia mà thầm thì:

“Em đã thấy được những điều mà mãi sau này tôi mới nhận ra”, nhưng có một cái gì đó chặn lại ngang cổ họng làm câu nói không thoát được đè nặng trên lồng ngực Hoài.

Một lúc sau. Hoài vỗ nhẹ vào tay Atasha:

“Tôi rất mừng.. gặp lại được em!”

“Tôi cũng thế..”

Có tiếng động đột ngột bên ngoài. Người nữ điều dưỡng đẩy cửa vào:

“Rất tiếc giờ thăm đã hết!”

Hoài nhìn Atasha và ân cần cúi xuống nói nhỏ:

“Giữ gìn sức khỏe. Nghỉ ngơi nhé Atasha!”

Con bé nhìn Hoài, cặp mắt long lanh:

“Cám ơn bà.. đã cho tôi một cái nhìn khác..”

“Không phải tôi đâu. Chính em đấy!”

Nói xong, Hoài vội vã đi ra ngoài, không cả nói lời từ giã với Atasha và cha của cô bé. Hình ảnh của cô gái nhỏ 15, 16 tuổi năm nào vẫn hằng đeo đuổi nàng bỗng chốc tan biến. Nàng là người phải nói lời cám ơn Atasha mới đúng!


*


Bên ngoài, trời dường như ấm hơn với nắng chan hòa, nhưng là cái nắng dịu nhẹ của mùa thu. Nàng nhìn đồng hồ: 11:30 AM. Còn thừa thì giờ cho một buổi ăn trưa thong thả. Bỗng dưng Hoài muốn ra công viên ngồi ăn trưa một mình thay vì về văn phòng ăn trưa và nói chuyện gẫu với Anne.

Hoài ghé mua ổ bánh mì thịt nguội và lon nước trà cho buổi trưa của mình.
Công viên cách chỗ nàng làm việc chừng mươi phút lái xe. Hoài đậu xe đi bộ vào sâu trong công viên tìm nơi nào yên tĩnh.
Cả trời đất không gian như rộng hẳn ra. Những thảm cỏ nay ngập lá khô. Trời đất đang thay da đổi thịt. Không một bóng cây. Hoài chọn một băng ghế gỗ nhìn xuống hồ. Mặc dù là hồ nhân tạo nhưng cũng tạo thêm được vẻ đẹp và là nơi trú ngụ cho bầy vịt đang thả rong.

Lác đác đây đó người chạy bộ, đi dạo. Một sinh hoạt đời thường ở nhịp độ thư giãn. Những miếng bánh mì trong miệng Hoài ngon lạ! Ánh nắng dịu và khí trời thoáng mát làm nàng thấy thoải mái. Có lẽ nên thường xuyên ra đây để tâm hồn thả rông và để ngày mai lo cho ngày mai!
Đôi mắt Hoài dừng lại ở một giá vẽ đặt ở khoảng cách giữa hồ nước và chỗ nàng đang ngồi. Gần chiếc giá vẽ, một cô bé đang ngồi trên cỏ và đang đùa dỡn với con chó nhỏ màu trắng. Con chó cứ nhẩy tung chồm lên người cô bé rồi lại lăn ra cỏ. Người, thú và thiên nhiên chung đụng với nhau trong một sự hài hòa an bình.

“Buddy!”

Con chó nhỏ vẫy đuôi chạy nhanh về phía bên trái. Người đàn ông đang lững thững đi đến có lẽ là cha của cô bé. Buddy chạy vòng quanh và sủa nhắng lên. Ông ta ngồi xuống chiếc ghế cạnh giá vẽ, lấy đồ nghề và nói gì với cô bé. Tay cầm cọ, người đàn ông vẽ.

Ở một khoảng cách từ hai cha con người đàn ông kia đến chỗ nàng ngồi là một hiện tại. Nhưng hiện tại trong đời sống không bao giờ được yên mà luôn luôn bị chi phối. Mắt, tai, đầu óc, tâm hồn nàng như bay bổng..

Nàng chợt nhớ đến bố và những bức tranh vẽ dang dở của cha mình! Cũng một ngày nào đó trong quá khứ khi Hoài mới lên 6. Bố đã bắt Hoài ngồi làm mẫu để bố vẽ. Hoài với tóc dài nửa lưng, mặc chiếc áo đầm xòe rất đẹp, sản phẩm của mẹ làm cho con gái, ngồi trên thành ghế sofa ở phòng khách. Cha con đã qua nhiều thời gian “cộng tác”, Hoài cứ bị mắng luôn vì không chịu ngồi yên, và vì sự bực bội của bố hay vì Hoài mà bức tranh không được hoàn tất.

Bố đã vẽ đủ hình dáng bé Hoài, bức tường sau lưng ghế với tranh ảnh. Nhưng đấy là hình ảnh một cô bé con mà gương mặt bị bỏ trống! Bố không vẽ được mặt con gái lên 6. Và bức tranh bị xếp xó với nỗi sung sướng vô biên của Hoài vì được tha không phải ngồi làm mẫu cho bố! Bức tranh ngủ yên trong một góc nào đó với nhiều thứ chồng chất đè lên.

Nhưng những bức tranh của bố tưởng chừng đã đi vào quên lãng cùng với những kỷ niệm ở bên kia trái đất, để rồi một ngày kia Hoài nhận được email của người chị họ, chị Anh gởi từ Canada. Trong email kèm thêm ảnh chụp một bức tranh với câu hỏi: “Đố biết tranh ai vẽ?”.

Bức tranh vẽ 2 con nai. Hoài nhận ra tranh bố vẽ và đã xin chị cho mình bức tranh. Bức tranh duy nhất còn lại của bố. Bố Hoài đã tặng cho cô cháu gái một kỷ niệm của mình. Cô cháu gái đi du học mang theo bức tranh của chú. Bao nhiêu năm sau, bức tranh tìm về với Hoài như chuyên chở những ngày tháng của một thời tỉnh nhỏ êm đềm. Nhưng bố đã biết tặng người đáng tặng vì biết rằng quà tặng sẽ không mất và cũng vì lòng yêu quý cô cháu đặc biệt.

Khi nhận được bức tranh, Hoài thấy nhớ bố, nhớ nhà, nhớ những hình ảnh đầy mỹ thuật do bàn tay bố mẹ làm nên. Những chiếc ghế đẩu bọc len mà mặt ghế được thêu rất đẹp,.. rất Tây! Đấy là những nhận xét của người quen khi phê bình tài năng của mẹ Hoài. Những lẵng hoa bằng mây mà bố uốn thành hình cô gái giơ tay đỡ của một thời yêu hoa lan… Nàng nhớ đến 3 con chó, những cây mận, đào bên hông nhà, nhớ gốc thông già mà rễ oằn mình nổi trên mặt đất, bóng loáng vì sự nghịch ngợm của con trẻ. Tiếng thông reo hầu như suốt ngày đêm, những ngày mưa bất tận, cái lạnh co người và mùi phấn thông thoang thoảng –hương sắc của cao nguyên…

Bức tranh 2 con nai, có lẽ là một cặp nai vợ chồng thắm thiết. Có điều lạ bố không vẽ trên vải, cũng không vẽ trên gỗ mà là một mặt bằng rất lạ, nửa gỗ nửa carton. Và điều lạ lùng hơn nữa ở người họa sĩ tài tử là bố vẽ 2 mặt. Một mặt vẽ hình 2 con nai đứng trong rừng. Mặt bên kia vẽ cảnh nhà trong rừng. Đó là một căn nhà mầu hồng!

Căn nhà của bố mẹ Hoài không phải mầu hồng. Nhưng có lẽ trong tâm tưởng và ước muốn của bố đó chính là căn nhà mầu hồng, mầu của hạnh phúc với sự giản dị và vừa đủ trong đời sống. Vừa đủ làm người ta thấy bình yên. Giàu có làm người ta lao đao với bắt thêm nhiều nữa. Thiếu thốn làm muộn phiền lo âu. Nhưng làm sao biết là vừa đủ? Có lẽ bố mẹ Hoài đã nhận ra điều mình có vừa đủ để thấy đó là hạnh phúc! Hay hạnh phúc là điều người ta gán ghép khi muốn cho là đúng như thế?

Tiếng điện thoại làm Hoài chớp mắt nhanh. Lục tìm trong ví. Anne gọi.

“Sao đấy Anne?”

“Cô bệnh nhân của chị có sao không?’ –Giọng Anne có vẻ lo âu và băn khoăn.

“Nó OK. Thật mừng cho con bé, và cho cả người cha!”

Anne có vẻ như dễ chịu hẳn ra khi nghe Hoài nói.

“Chị đang ở đâu vậy?”

“Ăn trưa ngoài công viên gần đây”

“Một mình?”

“Chẳng lẽ mấy mình?”

Anne cười vang. Hoài cũng cười theo.

“Có cần làm hẹn cho cô bé đó nữa không?”

Anne rất khéo léo và kín đáo khi muốn dò hỏi.

“Chị nghĩ không cần.. Atasha đã khỏe và.. khỏi hết mọi bệnh”

“Tốt! Chị đừng quên cái hẹn của một người mới vào lúc 1 giờ”

“Đàn ông hay đàn bà? Người lớn hay trẻ con?”

“Đàn ông. Già trẻ không biết nhưng tên Mỹ”

“OK”

Vấn đề gì nàng sắp đối diện với người bệnh mới đây? Chỉ một câu hỏi đó trong đầu thôi mà Hoài đã vội vã đứng lên. Khi đi ngang một thùng rác, nàng ném lon nước và túi giấy nhiều vụn bánh mì vào trong thùng. Lòng chợt tiếc nuối những giây phút vừa qua.





Chương 2



Donovan



Trong lúc chờ người khách mới làm giấy tờ, Hoài tự dưng mỉm cười một mình. Những vách tường trong căn phòng này lại sắp sửa được nghe những câu chuyện mới, những câu chuyện đó rồi đây sẽ in bóng hình trên vách, những bóng hình dày đặc chồng chất lên nhau như bề dầy của thời gian.
Nghe tiếng chuông, Hoài ra mở cửa phòng. Anne đưa nàng hồ sơ và giới thiệu:

“Ông Donovan!”

Một thanh niên da trắng trạc 26, 27. Tóc nâu, râu quai nón, chiều cao trung bình, ăn mặc ra vẻ người làm việc văn phòng.
Hoài giơ tay bắt tay người khách mới:

“Mời.. ông Donovan. Tôi là Hoài. Ông có thể gọi tôi là Pat nếu dễ dàng cho ông hơn”.

Cái bắt tay của anh ta rất hững hờ. Donovan nói với Hoài:

“Có người quen giới thiệu tôi tới đây. Bà.. gọi tôi là Don cũng được”.

Donovan nhìn người đàn bà trung niên Á châu trước mặt với vẻ dè dặt và tự hỏi không biết cuộc hẹn hôm nay có đi đến đâu hay chỉ mất thì giờ và phí tiền vô ích.
Như đọc được ánh mắt nghi ngại của Don, Hoài không ngạc nhiên. Một người bệnh da trắng không tin tưởng một bác sĩ tâm lý Á châu chẳng có gì lạ.

Trong phòng làm việc của Hoài ngoài bàn giấy chỗ riêng của nàng, Hoài còn xếp đặt căn phòng thật đẹp, thoải mái và nghệ thuật với 2 ghế bành, một sofa da kiểu day bed để bệnh nhân có thể nằm. Vài kệ sách, tranh ảnh, cây xanh. Nàng muốn tạo một không gian ấm cúng để dễ cởi mở.

“Don có thể ngồi bất cứ chỗ nào thấy thoải mái. Lần đầu tiên tôi không nhất định giờ giấc. Don có thể về sớm hay ở lại muộn hơn –đừng quá 15 phút- tùy ý”

Có lẽ câu nói này của Hoài làm anh ta dễ chịu hơn.

“Tôi đi lại trong phòng được không?”

Hoài khoác tay vui vẻ:

“Cứ tự nhiên!”

Nàng ngồi xuống bàn làm việc của mình và chờ đợi.
Donovan cởi áo khoác ngoài để lên thành ghế bành. Anh ta đi lại trong phòng, dừng chân nhìn bức tranh này, bức tranh kia, không chú ý hay thưởng lãm nhưng chỉ như người qua đường, hay muốn làm quen với căn phòng mà chút nữa đây anh ta sẽ bộc lộ những điều thầm kín. Đi chừng hai ba vòng, Don trở lại chiếc ghế bành nơi anh ta để áo khoác và ngồi xuống.

“Lẽ ra tôi phải chọn một người nam bác sĩ..”

Gì đây? Hoài thầm nghĩ và muốn hỏi Don “Vậy tại sao anh chọn tôi” nhưng thay vào đó nàng đặt một câu hỏi khác:

“Anh hối tiếc đã đến đây?”

“Không! Không hối tiếc! Vì vấn đề của tôi có dính líu tới một người nữa.. nên tôi chọn bà! Vả lại có người giới thiệu tôi. Chuyện giới thiệu quan trọng, bà có nghĩ thế không?”

Hoài mỉm cười thay cho câu trả lời. Chả gì nhờ vậy nàng có thêm một người bệnh nhân mới.
Nàng nhìn hồ sơ Don rồi hỏi:

“Anh còn độc thân?”

“Tôi chưa có vợ và cũng chưa có bạn gái. Chưa bao giờ có..”

Vậy thì người nữ trong vấn đề của Don ở đâu? Hoài tự hỏi, nhưng nàng muốn dùng thắc mắc này để khai mở.

“Vậy thì..”

Anh ta hơi ngả người ra dựa vào lưng ghế, nhìn thẳng vào Hoài. Đôi mắt Don xục xạo nhìn nàng. Đôi mắt có màu hạt dẻ, sáng, sáng một cách kỳ lạ chăm chăm nhìn nàng như một con thú trước miếng mồi trước mặt.

Hoài chợt nổi da gà! Không phải vì lạnh. Đôi mắt của Don không buông tha nàng, nhưng cũng không thách thức nhưng như một sự tìm hiểu. Nàng ngồi yên, chớp mắt mấy lần, nhiều hơn thường lệ với nhiều câu hỏi trong đầu về người bệnh nhân này và những vấn đề của anh ta.

“Trông bà có nhiều nét giống mẹ tôi!”

Hoài hơi mỉm cười:

“Thật à? Chưa ai bảo tôi là có nét tây phương”

“Mẹ tôi là người Việt Nam, cùng họ Nguyễn với bà”

À, vậy có thể “người nữ” mà Don nhắc đến là mẹ anh ta? Lúc này Hoài mới để ý đến hình dáng của đôi mắt Don. Không to tròn nhưng dài.

“Họ Nguyễn ở người Việt Nam chúng tôi rất đông.. nhưng không có nghĩa là cùng giòng tộc máu mủ họ hàng. Mẹ anh cũng ở đây chứ?”

“Mẹ tôi.. mất rồi”

“Tôi xin lỗi.. người mẹ là một hình ảnh.. không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn những người con”

Don không nhìn Hoài nữa, anh ta cắn móng tay như gậm nhấm một điều gì hay bối rối?

“Người mẹ đối với con cái ra sao theo bà? Ý tôi muốn nói là tình cảm người mẹ đối với con cái. Tôi nghĩ bà.. đã có con? Đã là mẹ?”

“Người mẹ nào cũng yêu con, hy sinh cho con mà cũng chẳng cần con cái đền đáp lại tình yêu đó. Theo tôi đó là một thứ tình yêu cho đi không tính toán và luôn sẵn sàng cho đi vô điều kiện”

Don hực lên một tiếng nhỏ trong cổ họng, không hiểu đó là một biểu hiện gì? Tiếng cười, sự đồng thuận hay phản đối nhưng Hoài thấy ngay “ngưỡi nữ” và vấn đề của Don khi đến đây chính là người mẹ của anh ta.

“Không phải người mẹ nào cũng như thế!”

“Tôi đồng ý – Hoài nói. Và nàng bắt ngay lấy câu này của Don để đặt câu hỏi.- “Mẹ anh không như vậy sao?”

Như một trái banh ném mạnh vào Don, anh ta cúi đầu xuống, không cắn móng tay nữa. Hoài không còn nhìn thấy đôi mắt màu hạt dẻ sáng như có chớp lửa nữa.
Trong phòng chỉ có sự yên lặng. Những vách tường đang chờ đợi. Những câu chuyện của những người đến đây trước Don ẩn hiện trên vách dường như đang thầm thì thúc giục anh ta “Nói đi!!! Nói đi!! Hãy mở lòng để được tuôn chảy như sông, như suối.. Để được thảnh thơi và trôi đi.. trôi đi..”

Sự yên lặng giữa hai người thật lâu. Đấy không phải là một sự bất thường. Nhiều người đến 2, 3 buổi gặp Hoài rồi mới.. nói. Có những điều người ta không thể nói ra được! Có lần Hoài phải nói hộ. Những lời nói của nàng như chiếc chìa khóa mở cửa. Những nước mắt, sự đau buồn, giận dữ, có khi hung tợn.. đều hiện diện trong căn phòng này cả..

Hoài xoay sang câu hỏi khác vì nghĩ Donovan chưa sẵn sàng nói ra vấn đề của mình:

“Anh làm việc trong ngành gì?”

“Tôi làm trong ngành điện toán”

“Bao lâu rồi?”

“Cũng vài năm”

“Có thích công việc không?”

“Cũng được. Làm việc với máy móc dễ chịu hơn phải giao tiếp với người này người kia”

Donovan bị hội chứng sợ xã hội sao? Có lẽ vì thế mà anh ta không có bạn gái?

“Không thích có bạn gái sao?”

Donovan ngửng phắt lên nhìn Hoài như nghênh chiến:

“Tôi có ác cảm.. với phụ nữ.. nói chung!”

Vậy là anh cũng ghét tôi! Hoài nghĩ thầm. Nhưng nàng nghĩ mình phải tiến đến câu hỏi tiếp nối theo sau:

“Tại sao? Phải có nguyên do chứ? Phải có một phụ nữ nào gây ra sự ác cảm đó cho Donovan?”

Anh ta không trả lời. Hay Donovan bị cô nào bỏ rơi, hoặc từ chối?

Lúc này Hoài đã đứng lên ngồi ở một ghế gần đó đối diện vì nàng muốn đây là một cuộc đối thoại, thay vì ngồi ở bàn làm việc của mình sẽ tạo một khoảng cách cho người bệnh.
Anh ta đứng dậy đi lại trong phòng. Những tiếng chân của Donovan không đều như tâm hồn bất định của anh ta. Hoài vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Nàng liếc nhìn đồng hồ. Donovan đã có mặt trong phòng này gần 40 phút… mà chưa đi tới đâu!

Đột nhiên anh ta dừng lại ngay cạnh chỗ Hoài ngồi. Nàng có thể cảm thấy hơi nóng từ người Donovan toát ra, ùa sang chỗ nàng ngồi. Anh ta cúi xuống khá gần với nàng và nói to nhưng chậm, gằn từng tiếng một:

“Mẹ tôi! Bà nghe chưa: Mẹ tôi! Dù tôi không muốn gọi người đàn bà ấy là mẹ ..”

Nàng đã chờ đợi điều này từ anh ta như một nghi vấn, nhưng dù sao Hoài vẫn bị choáng người. Không hẳn vì nàng là một người mẹ. Nàng cũng không biết nữa, nhưng một người con không muốn gọi mẹ mình là mẹ.. là một điều đau lòng.. có lẽ cho cả người con lẫn người mẹ!!

Hoài phân vân không biết nên đặt câu hỏi tiếp hay đã đến lúc anh ta sẽ nói mà không cần nàng đặt câu hỏi.
Anh ta ngồi xuống ghế, người như thu nhỏ lại, không còn vẻ tức giận mới đây.

“Donovan có nhiều anh chị em không?”

“Một người anh, một người chị, đến tôi. Tôi là con út”

“Anh chị em thân nhau chứ?”

“Không!”

“Từ nhỏ như vậy sao?”

“Họ chơi với nhau, nhưng không có tôi”

“Vậy nghĩa là sao?”

“Vì tôi không có mặt trong gia đình đó”

“Anh ở đâu mà lại vắng mặt trong gia đình?”

“Tôi không có ở đó?”

Lạ chưa? Thế anh ta ở đâu? Ở với ai?

“Vậy Donovan ở với ai? Ai là người nuôi dưỡng? Cha mẹ anh ly dị hay sao?”

“Cha mẹ tôi ly dị khi tôi được 4 tuổi”

“Donovan ở với cha khi hai người ly dị?”

“Không! – Giọng anh ta nhỏ hẳn lại như tiếng một đứa trẻ nhỏ- Người khác nuôi tôi”

“Một người họ hàng? Ông bà chú bác?”

“Một người lạ..”

Hoài lập lại câu trả lời của Donovan mà không giấu được vẻ sững sờ:

“Một người lạ? Thế còn anh chị của Donovan thì sao?”

“Họ ở với mẹ tôi”

Vấn đề là ở đây! Tự dưng Hoài thấy thương cảm cho anh ta. Nàng cũng là một người mẹ..

“Người lạ đó nhận Donovan làm con và nuôi dưỡng cho đến khôn lớn?”

Chỉ có sự im lặng ở anh ta trả lời nàng.

“Tại sao một người mẹ lại ghét bỏ con mình?” Donovan hỏi.

“Có nhiều lý do và còn tùy thuộc vào nhiều hoàn cảnh khác nhau.”

“Đó không phải là câu trả lời!”

“Đúng! Đó chỉ là một câu trả lời tổng quát!” – Nàng định nói thêm - vì chưa biết trường hợp anh ta như thế nào-. Nhưng rồi lại thôi. Nàng nghĩ Donovan thừa hiểu câu trả lời của nàng.

“Người mẹ nuôi của tôi rất tốt, tôi mang ơn bà ta nhưng với tôi vẫn chưa đủ.”

“Có khi nào gặp lại mẹ anh và gia đình không?”

“Thỉnh thoảng. Vì họ vẫn xem tôi như một người.. ngoài”

“Tại sao lại nghĩ như vậy?”

“Ai thích, ai ghét mình thì mình biết chứ”

“Nhiều khi mình nghĩ sai về người khác”

“Cũng có, nhưng không áp dụng vào trường hợp của tôi được”

Hoài thấy đây là một người chỉ nghĩ điều phải về mình và ngoan cố. Rất khó để thay đổi ý nghĩ của Donovan!

“Lần cuối cùng anh gặp mẹ anh là lúc nào?”

“Trước khi bà ấy mất..”

Câu trả lời này dường như dấy lên nỗi buồn, chứ không phải sự tức giận như lúc trước khi nhắc đến mẹ anh ta. Và Hoài chờ đợi tiếp.

“Không bao giờ bà ấy đi tìm tôi. Sự dứt khoát của một người mẹ đối với người con..” – Donovan bỏ lửng không nói tiếp.

“Phải có lý do để bà ấy làm như vậy. Có thể có những điều khó nói hay trường hợp nan giải nên mẹ anh hành động như thế. Còn ba anh thì sao? Đối với anh như thế nào?”

“Tôi là một người dưng đối với cha tôi!”

“Có những người cha, người mẹ nghiêm khắc không gần gũi con cái”

“Tôi còn nhớ –mặc dù nhỏ mới lên 4 nhưng tôi còn nhớ.. những điều xảy ra chung quanh mình. Tôi chạy lại gần cha tôi, thì ông ấy cứ đẩy ra và lạnh nhạt lắm. Đứa trẻ có thể không hiểu lắm nhưng bằng vào những cử chỉ, nét mặt của người lớn, trẻ con hiểu và sợ sệt. Với những người anh chị tôi, thái độ cha tôi khác..”

“Còn mẹ anh thì sao? Anh nhớ những điều gì về bà ấy trong thời gian đó?”

Donovan không trả lời. Anh ta đứng đậy đi loanh quanh như trốn tránh câu trả lời. Những gì dính líu tới người mẹ đều trở nên khúc mắc..

“Chắc hết giờ rồi!” Donovan nói.

Hoài nhìn đồng hồ trong phòng.

“Một tiếng 10 phút!”

“Tôi có thể gặp bà nữa chứ?”

“Anh có thể lấy hẹn bên ngoài với cô thư ký.”

Donovan lấy áo khoác trên ghế, đi ra cửa, không chào Hoài.

Hoài ngồi xuống bàn làm việc, viết hồ sơ của người bệnh nhân tên Donovan.
Bao giờ Anne cũng sắp xếp để cho Hoài khoảng 15-20 phút nghỉ hoặc viết hồ sơ rồi mới cho bệnh nhân kế tiếp vào.
Ba bốn người sau đủ để hết một ngày làm việc của nàng. Những câu chuyện này chồng lên câu chuyện khác và những khuôn mặt quen thuộc với nhiều vấn đề phức tạp.

Nhìn đồng hồ. Đến lúc Hoài ra khỏi đây và về nhà với chồng con.
Lập gia đình trễ, nàng có Kim lúc 40 tuổi. Đó là món quà Thượng Đế trao ban cho nàng và Nguyên. Kim là tất cả của vợ chồng Hoài.

Cầm túi xách tay và áo khoác ngoài, Hoài liếc sơ xem mình có quên gì không, một thói quen cố tạo nên do nhiều lần lơ đễnh phải quay trở lại văn phòng. Đi ngang chiếc ghế bành, một vật nhỏ trên ghế làm Hoài dừng lại. Đó là một quyển sổ tay nho nhỏ. Chắc của một người bệnh nhân nào đánh rơi hay bỏ quên? Để ngày mai giao cho Anne xem có ai đến nhận lại hay không. Cứ để yên đó!

Ra đến cửa phòng, nghĩ sao Hoài quay lại cầm cuốn sổ lên và định mang ra đưa cho Anne. Nhưng không hiểu sao, có lẽ vì tò mò, nàng lật lật mấy tờ đầu tiên của cuốn sổ, một bức ảnh rơi ra. Hoài cúi xuống nhặt.

Bức ảnh nhỏ nhưng là ảnh chân dung một phụ nữ. Nàng nhìn và giật mình! Tay vẫn cầm bức ảnh mà châu thân nàng như tê cứng đi. Hoài đang nhìn chính mình! Nàng cảm thấy như ngừng thở. Chung quanh nàng mọi sự đều đông lại. Thời gian cũng bị nhốt cứng không nhích thêm được giây phút nào.

Mắt không rời hình ảnh người phụ nữ trong hình. Bà ta đang nhìn trả lại Hoài. Trên gương mặt của người phụ nữ trung niên không có nụ cười. Mái tóc đen búi cao chứ không xõa tóc như Hoài. Đôi mắt thuôn thuôn dài có cái nhìn u uẩn, cái mũi vừa phải, không cao không thấp. Đôi lông mày cong đều đặn. Khuôn mặt thon, vầng trán hơi cao. Hai gò má hơi nhô lên xương xương. Nàng thấy nhiều điểm tương đồng giữa người thiếu phụ này và mình. Bà ta mặc áo đen, cổ đầy đặn, trễ, lộ làn da trắng. Không trang sức, giản dị mà thu hút. Khuôn mặt thiếu vắng nụ cười và xa vắng. Nhưng chính sự xa vắng đó lại lôi kéo sự tò mò của Hoài.

Hoài mang quyển sổ tay và bức ảnh lại bàn viết ngồi xuống xem kỹ hơn.
Quyển sổ này chắc chắn thuộc về Donovan! Vì sau Donovan là những người bệnh nhân Mỹ mà nàng vẫn quen thuộc. “Trông bà có nhiều nét giống mẹ tôi!” Don đã nói như thế khi mới vào đây.

Quyển sổ tay ghi chi chít những chữ là chữ. Bỗng dưng nàng không muốn đọc. Hoài thấy mình đang xâm phạm vào đời tư người khác!
Hoài kẹp chiếc ảnh vào quyển sổ nhưng không biết chắc mình có để đúng trang giấy mà Donovan đã để vào hay không. Nàng trả quyển sổ vào chỗ mà nàng đã trông thấy khi nãy. Quyển sổ cũ kỹ có bìa màu xanh dương đậm. Donovan phải dùng đến nó nhiều lắm, Hoài nghĩ!

Tội nghiệp! Nhưng còn bao nhiều cảnh đời mà nàng đã nghe còn khổ sở hơn nhiều!
Hoài tắt đèn, đóng cửa phòng. Nàng nhốt mọi vấn đề của người khác lại trong phòng và đi về.

Đi ngang Anne, nàng nói:

“Có người bệnh để quên đồ trong phòng chị. Một quyển sổ tay. Nếu có ai gọi hỏi thì em đưa nhé?”

“Chị để đâu?”

“Vẫn ở trên ghế bệnh nhân ngồi?”

“OK chị. Để em ghi xuống. Chị không muốn em mang ra ngoài này cất sao?”

“Để ngày mai cũng được. Đi về nhớ tắt đèn và khóa cửa”

Anne cười, tiếng cười trong và vui:

“Sao ngày nào chị cũng lập lại câu nói này? Bộ chị sợ em quên sao?”

“Chắc không phải sợ em quên, mà chị quen miệng thì đúng hơn”

“Ngày mai chị có bệnh nhân mới người Việt đấy!”

“Thế à?” Hoài nói với vẻ dửng dưng.

Anne không nói gì thêm. Cô ta cúi xuống thu dọn giấy tờ và cũng sửa soạn ra về.

Vào thang máy, Hoài bấm nút xuống lầu 1. Trong thang máy không có ai khác ngoài nàng. Vách thang máy bóng loáng phản chiếu hình ảnh Hoài. Tự dưng nàng thấy không thoải mái và sợ vu vơ khi một mình trong thang máy nhỏ hẹp. Có bao giờ mình sợ như vậy đâu nhỉ? Thật kỳ cục!


*


Đêm đó Hoài khó ngủ. Bức ảnh người đàn bà trung niên trong ảnh theo nàng về đến nhà, vào tận trong phòng ngủ, len trong những giấc mơ rời rạc không rõ rệt. Nàng đã chạy đuổi theo bà ta qua những con đường dốc hẹp, hai bên có nhà xây trên sườn núi cao. Những cây hoa rủ xuống từ sườn núi. Sương mù bao phủ làm Hoài nhìn không rõ mặt bà ta. Nhưng trong giấc mơ Hoài biết đó là người đàn bà trong bức ảnh, người đàn bà không có nụ cười. Có lúc nàng gọi to hay nói những gì vô nghĩa. Vạt áo đen của bà ấy như cánh chim mở rộng quét đi những đám sương mù. Bà ấy đi như bay, Hoài chạy theo hụt hơi. Đến một con dốc, nàng trợt chân và lăn.. lăn..
Hoài tỉnh dậy. Mồ hôi ướt đẫm! Một cơn ác mộng! Nàng mừng rỡ khi thấy Nguyên đang nằm bên cạnh ngủ say.

Không ngủ lại được nhưng nàng không quên giấc mơ vừa qua. Nhớ từng chi tiết, từng hình ảnh như xem một cuốn phim. Chưa bao giờ nàng nằm mơ kỳ lạ như thế!
Nàng cố gạt đi những suy tưởng khỏi đầu óc mình! Chỉ là một giấc mơ! Người giống người là chuyện bình thường!


*


Donovan với tay tắt đèn đầu giường. Giấc ngủ không đến dễ dàng. Cũng như mọi ngày thôi!
Có thể bà ta sẽ nhìn thấy quyển sổ tay mà chàng cố tình để lại. Nhưng cũng có thể không nhìn thấy. Liệu bà ấy có nhìn thấy tấm hình?

Khi tìm trên internet để tìm một cố vấn tâm lý Á châu, Don tìm những người có họ là Nguyễn và là phụ nữ vì chàng nghĩ người ấy sẽ có sự đồng cảm với.. mẹ mình. Đến khi gặp bà Hoài Nguyễn, Don tưởng đâu gặp lại mẹ. Bà ta giống mẹ chàng vô cùng. Nhưng bà Hoài sắc xảo, tinh tế và lôi cuốn. Mẹ thì.. lạnh lùng..

Hình ảnh về mẹ luôn luôn gắn chặt đến giây phút cuối cùng mẹ giằng tay Don, để chàng ở lại nhà bà góa Amanda. Ngày đó bà Amanda đã trở thành mẹ nuôi chàng mà trước đó một thời gian hai bên đã có sự sắp xếp và thủ tục giấy tờ. Những ngày còn ở với mẹ, bà Amanda vẫn hay lại chơi và giúp đỡ mẹ. Bà là bạn của mẹ. Don đã khóc, đã la hét..

Mẹ Amanda đã cho Don nhiều đồ chơi, dậy Don học, chăm lo từng chút và thương yêu Don. Chàng cũng yêu mẹ Amanda, nhưng không quên người mẹ đã cho mình ra đời.

Khôn lớn, những câu hỏi tại sao mẹ lại cho mình đi, tại sao mẹ lại ghét bỏ mình mà giữ lại những đứa con khác với bà? Tại sao và tại sao.. chàng không tìm ra được câu trả lời. Nhưng cái giằng tay như hất hủi đối với đứa bé lên 4 không phải là câu trả lời hay sao? Hay Don còn muốn tìm nhiều duyên cớ khác để bào chữa cho hành động của mẹ? Để tin rằng ở đâu đó trong tâm hồn mẹ, đứa con trai 4 tuổi ngày nào vẫn hiện diện..

Chàng không quan tâm đến ba. Làm như ba và chàng không dính líu gì. Don không mảy may nhớ nhung hay mong mỏi gặp ba. Ngày mẹ mất, ba lập gia đình khác đã trở thành một sự cắt đứt hoàn toàn. Chỉ có mẹ..! Mẹ đã nằm xuống, đã yên nghỉ cho phần mẹ. Còn Don? Bao giờ chàng mới được yên?


(còn tiếp)