20- Hai Ngả Đường



Cuối Xuân sang Hạ, khí trời còn mát dịu. Bên kia bờ ao, khóm tre xào xạc lay động trong tiếng gió, lung linh in bóng trên mặt ao, nước trong soi bóng mầu hồ thủy. Ông Khán Thâu từ trong nhà đi qua sân đất nện ra cầu ao rửa mặt. Cầu ao bắc bằng một phiến đá nhẫn dài chừng hai thước tây. Bề ngang từ 30 tới 40 phân. Phần nhiều ở nhà quê mỗi nhà đều có ao riêng trước nhà dùng để tắm rửa giặt giũ. Nhà nào không có xây bể lớn chứa nước mưa, người ta dùng nước ao để nấu ăn, uống. Ao còn để thả bèo làm đồ ăn nuôi heo, hoặc thả rau muống rất tiện lợi cho gia đình có thức dùng.

Đợi ông Khán dưới cầu ao bước lên, Bìm, cô gái lớn trong nhà khệ nệ bưng rổ bát từ trong bếp ra cầu ao để rửa sau khi cả nhà đã dùng cơm, uống nước xong. Tự động mỗi người có công việc phải làm, ông Khán dắt trâu đi làm đồng, bà Khán cắp thùng đi chợ sau khi đã dặn dò các con nhỏ đi học. Bìm và Lạch, hai con gái lớn đã nghỉ học ở trường làng. Sau khi học biết đọc biết viết, bây giờ ở nhà giúp đỡ bố mẹ.

Con gái đã lớn phải tập công ăn việc làm như nuôi tầm, kéo chỉ, nuôi heo, nuôi gà, giúp đỡ cha mẹ để có đồng ra đồng vào, sắm sửa thêm quần áo cho tươm tất. Đã có mấy bà hàng xóm xì xào ươm tiếng mối manh. Cả hai chị em đã được cắp sách đi học, ít khi phải làm đồng, trừ hai vụ gặt lúa nên da trắng mắt, tay chân không bị chai đá. Từ ngày ươm tơ, xe chỉ, dệt vải, phụ mẹ hái dâu, nuôi tầm, băm bèo cho heo.

Bìm hiền lành, ít nói, làm nhiều thay mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà. Nàng là mẫu người nội trợ hiền thục, không đua đòi, đỏm dáng và biết an phận. Lành sắc sảo, lanh lợi lại hay nói bông lơn, pha trò. Nàng nói năng lưu loát, vui vẻ, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Tính lại thích đọc truyện. Lạch hay mua hoặc mượn tiểu thuyết về xem rồi tưởng tượng như nhìn thấy trước mặt những nhân vật trong truyện.

Lạch ước ao được mặc quần áo trắng, áo mầu, vấn tóc trần, quấn khăn san, âu phục hợp với trào lưu đổi mới văn mình, chứ không thể giam hãm ở với bố mẹ nơi quê mùa, bùn lầy nước đọng, chỉ biết thái dâu, băm bèo, ươm tơ, dệt củi, hai mùa ra đồng cắt lúa cho phí đời người.

Các làng quê vào hội bao giờ cũng có hát chèo. Tối nào nghe có tiếng trống hát chèo thế nào Lạch cũng rủ cho bằng được chị Bìm và các bạn cùng đi xin phép bố mẹ cho đi. Trong làng nhà ai có tiệc, có đám, có cô đầu tới hát giúp vui. Lạch cũng lân la đến giúp làm bếp để còn nghe hát, nhìn các cô đầu chưng diện với vẻ thèm khát.

Ông bà Khán Thâu thường nhắc nhở các con hãy noi theo nếp sống sẵn có của gia đình, giữ lấy nghiệp nhà, bắt chước cái hay của người, đi đâu ăn mặc “xứng kỳ đức”, tiếp xúc với ai, hãy giữ thái độ ôn nhu trên kính dưới nhường, đừng có mơ mộng giàu sang bắt chước mấy bà, mấy cô ở thành thị.

Những kẻ thành thị, thỉnh thoảng có dịp về quê thăm họ hàng, viếng tiên tổ, họ ăn mặc mốt mới, nói năng kiểu cách. Có người giữ đúng cương vị, phẩm giá nghề nghiệp, có người lại xe xua, lố lăng, ỷ lại vào tiền của chồng, của bố mẹ mà phách lối hợm hĩnh. Phải biết phân biệt, hiểu người, biết mình mà xử sự, học hỏi để giữ tư cách cho mình, tiếng thơm cho bố mẹ.

Những điều khuyên dạy trên chỉ có Bìm nhập tâm lặng lẽ nghe theo. Lạch khi nghe không có cử chỉ phản đối nhưng Lạch cho rằng bố mẹ ở nhà quê, ít đi đến đâu, ít đọc sách, không biết theo thời tiết lên, đầu óc cổ hủ ăn sâu, mọc rễ đã bao nhiêu đời, chỉ biết ăn chắc mặc bền, có phản đối cũng vô ích. Với căn bản nề nếp gia đình, mình không thể sống khác được. Nói năng, ăn mặc, củ chỉ phải theo quy luật ở nhà. Muốn sống theo ý mình chỉ có cách thoát ly khỏi gia đình.

Tháng ngày qua mau, ông bà Khán thấy hai con gái đã lớn cùng để ý chọn lựa người cùng làng hay trong tổng cùng đã từng quen biết. Dù thân sơ cũng phải có người làm mai. Bìm là chị đi lấy chồng trước. Chồng Bìm là người hiền lành, lễ độ, học hành tuy ít nhưng hiểu biết, giữ đủ bổn phận làm con làm chồng, làm cha, gây dựng một tiểu gia đình hạnh phúc.

Theo nghiệp nông tang, chồng làm ruộng, vợ canh cửi, an phận thủ thường, không mơ những sự quá tầm tay, bằng lòng với những gì mình có. Với đức tính cần cù, nhẫn nại, tích tiểu thành đại, một ngày kia nếu muốn cũng có thể trở thành một tiểu thương, hay một xí nghiệp nhỏ để tiến lên góp mặt với mọi người.

Thấy chị lấy chồng ở nhà quê, chỉ biết an phận, Lạch hay chê bai anh chị quê mùa ở làng mãi rồi ra cũng như ông xã xệ, lý đình dù mà trong các báo chí thời đó hay vẽ hí họa với lời chú thích diễu cợt. Vài năm sau kế tiếp đến lượt Lạch. Ông bà Khán lại thêm một lần đắn đo, suy nghĩ, chọn lựa.

Trường tiểu học làng quay mặt ra chợ, cách một đường. Trước giờ dậy học buổi sáng hay giờ học trò ra chơi. Tiếp hay nhìn xem người đi chợ mua bán. Chàng thường thấy một cô gái quê mang theo chiếc thúng nhỏ, dáng người thanh tú, trắng trẻo, xinh xắn, nét mặt vui vẻ hay cười nói với mấy người bán hàng. Lâu dần hình dáng người thiếu nữ đã thu hút chàng từ lúc nào. Lâu lâu không trông thấy bóng cô gái, lòng lại thấy bâng khuâng, xốn xang, nhớ nhung.

Tiếp tìm cách hỏi thăm mấy người quen và nhờ người dẫn tới nhà ông bà Khán xin được làm quen với cô Lạch. Từ khi Bìm đi lấy chồng, Lạch nhận việc đi chợ để có cớ mỗi khi qua trường học thì dĩ nhiên đôi bên cùng liếc hai lòng cùng ưa. Chơ tới kỳ hè, đôi bên cha mẹ tổ chức đám cưới cho các con. Họ hàng đôi bên ai cũng khen đôi tân hôn xứng đôi vừa lứa.

Hết kỳ nghỉ hè, Tiếp đưa Lạch đi thuê nhà để còn nhận nhiệm sở. Đến ngày nghỉ mới dẫn vợ đi giới thiệu các đồng nghiệp công chức, ty sở để làm bạn. Thấy mình có chút địa vị, có lượng, được chồng chiều, Lạch theo đòi bắt chước các vợ bạn chồng đua nhau chưng diện, nay kiểu áo Lemur, mốt lại bồng vai nguýt góc kiểu Cát Tường, tập hát, tập khiêu vũ. Nhiều lần nàng đi chơi về trễ. Tiếp đi làm về không còn được ăn những bữa cơm dẻo, canh ngọt như hồi mới lấy nhau.

Với số lương khiêm tốn đi dậy học, không đủ cho vợ chi tiêu, ăn mặc, nói chi đến sự để dành cho các con ăn học sau này, hay gặp lúc đau yếu. Tiếp đưa ý nghĩ tính toán khuyên vợ chi tiêu dè sẻn, đừng hoang phí vô ích, bóc ngắn cắn dài, chưa hết tháng đã hết tiền. Thấy vợ ham chơi theo chúng bạn khó đổi tính, chàng xin đổi về miền quê hẻo lánh để không còn môi trường cho Lạch đua chơi.

Chỉ được ít lâu, Lạch đã không cảm thông được với chồng, không biết an phận mà nay tìm cớ này, mai tìm cớ khác gây gỗ với chồng, trách chồng không biết tiến thân, giao du với những người quyền thế mới có cơ hội tìm được danh lợi. Lạch đã chán với cảnh công chức nghèo nàn sống bên cạnh người chồng mẫu mực, lúc nào cũng chỉ nói đến đạo đức, tiết kiệm. Lúc nào cũng muốn mình phải nhu thuận, ăn mặc nho nhã.

Lạch dù yêu chồng nhưng vẫn không chịu được. Muốn sống theo ý mình phải thoát ly tìm cuộc sống mới nếu Tiếp không chịu sống nơi thành thị, đô hội Tiếp không ngạc nhiên khi Lạch đưa ý kiến trên, chàng chỉ cay đắng trả lời không thể từ bỏ nhiệm vụ cao quý chàng đã chọn dù phải sống đạm bạc nơi hẻo lánh, quê mùa.

Ý nghĩ thoát ly tìm cuộc sống xa hoa làm cho Lạch mù quáng. Nhân dịp đầu năm có người bạn rủ đi xem hội Lim, Lạch đã gặp nhà thầu khoán Kiên, một sở khanh chính hiệu được phủ bên ngoài bởi lớp vỏ lịch thiệp, giàu có. Lạch sa chân vào đường tội lỗi, vào cuộc sống bê tha nơi vũ trường.


***
Vào một ngày cuối năm 1954, trước cửa chợ Bến Thành, một tình cờ đưa đẩy hai chị em Bìm-Lạch gặp nhau. Nay hai người đã trạc trên dưới 40 tuổi. Một người phục sức nho nhã, còn người kia thì phấn son lòe loẹt, kệch cỡm. Sau phút ngỡ ngàng, cả hai chị em ôm nhau mừng rỡ vừa cảm động sa nước mắt. Lạch hỏi:

-Bố mẹ có di cư vào đây không hả chị?

-Bố mẹ đã mãn phần sau khi em bỏ nhà ra đi được mấy tháng. Cũng vì những lời đồn thổi, đàm tiếu và cũng vì quá nhớ thương em nên ngã bệnh. Còn gia đình chị và hai gia đình em trai đều theo đoàn người di cư vào Nam. Mỗi người tìm kế sinh nhai theo ý thích. Em Sự hiện giờ làm rẫy ở Gia Kiệm, em Thành làm vườn ở Đà Lạt. Phần anh chị cũng tạo được cửa hàng tạp hóa buôn bán ở Phú Nhuận, cũng tiện cho các cháu đi học.

Nghe hết câu, người em ông lấy chị khóc nức nở Lạch vừa nhớ thương cha mẹ, phần tủi nhục, cay đắng. Sau một lúc nàng lấy lại bình tĩnh và nói với chị:

-Em rất mừng mọi người trong nhà đều yên phận làm ăn. Riêng em rất bẽ bàng vì đã rẽ ngang cuộc đời đi tìm xa hoa, phù phiếm, danh lợi viễn vông. Em đã không tự lượng tài sức mình, ỷ vào người nên chuốc lấy lừa gạt, sa đọa rồi cuộc đời đưa đẩy em thành vũ nữ chuyên nghiệp. Từ vũ nữ, đến sau em trở thành một cai gà lừa lọc đê tiện. Em như con thiêu thân sống về đêm. Những đêm khuya canh tàn, cô đơn, dầu khổ sở hối hận em cũng chẳng mặt mũi nào trở về. Em thật dại dột, có chồng có con không biết an hưởng hạnh phúc gia đình, không chịu sống như mọi người. Bây giờ có bị khổ sở một mình cũng đáng để đền tội. Em đã làm nhơ danh gia đình. Cũng tại vì em mà bố mẹ mất sớm. Xin chị và các em cứ coi như em đã chết rồi.

Bìm thương em và ái ngại cho Lạch. Nàng chỉ biết rơm rớm nước mắt ôm em. Bịn rịn mãi rồi cũng phải chia tay. Lạch đi rồi mà Bìm vẫn ngẩn ngơ nhìn theo và xót xa cho thân phận em mình. Nhưng ít nhất Lạch cũng đã tìm ra lỗi lầm của mình và biết ăn năn. Bố mẹ mình tuy đã khuất núi nhưng chắc cũng thương xót và tha thứ cho em. Bìm mong em tìm được sự bình an cho tâm hồn.

Xa xa bóng Lạch nhỏ dần và biến mất ở cuối chân trời.


(còn tiếp)