Register
Results 1 to 3 of 3
  1. #1

    Nhân Quyền cho Việt Nam

    Biểu tình trước Tổng Lãnh Sự VN tại Houston Ngày Nhân Quyền Quốc Tế

    Hiền Vy, thông tín viên RFA

    2011-12-11



    Nguồn

    Hay nghe âm thanh tại đây


    Vào tháng 12 năm 1950, Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận ngày 10 tháng 12 hằng năm là Ngày Nhân Quyền Quốc Tế. Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng Quyền con người vẫn chưa được thực thi nghiêm chỉnh tại nhiều quốc gia trên thế giới.


    Photo by Hiền Vy/RFA
    Người Việt hải ngoại biểu tình trước Tổng Lãnh Sự VN tại Houston Ngày Nhân Quyền Quốc Tế ngày 10 tháng 12 năm 2011.

    Kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Quốc Tế năm nay, người Việt nhiều nơi trên thế giới đã xuống đường biểu tình trước những cơ sở ngoại giao của nhà nước Việt Nam để yêu cầu Hà Nội tôn trọng Nhân Quyền tại Việt Nam. Tại Houston, dù thời tiết lạnh căm nhưng đồng hương cũng tụ tập rất đông trước tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam để kêu gọi Hà Nội tôn trọng Nhân Quyền.

    Thúc đẩy chính phủ VN

    "Nhân Quyền cho Việt Nam. Dân Chủ cho Việt Nam. Tự Do cho Việt Nam..."

    Đó là những khẩu hiệu được người biểu tình hô lớn, át cả tiếng gió và tiếng còi xe trong buổi trưa thứ Bảy trước tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam. Ông Võ Đức Quang, trưởng ban tổ chức cuộc xuống đường cho biết lý do có cuộc biểu tình:
    Chúng tôi đến đây để thúc đẩy nhà cầm quyền CS Việt Nam phải nhớ Nhân Quyền, Nhân Quyền, Nhân Quyền là những điều căn bản trong cuộc đời của con người.
    Ông Võ Đức Quang
    "Người dân trong nước cũng như ở nước ngoài lúc nào cũng phẫn uất trước sự vi phạm nhân quyền của Đảng CSVN. Sự phẫn uất đó kéo dài ba mươi mấy năm nay. Hôm nay là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, là ngày mà khắp nơi trên thế giới đều hướng về hai chữ Nhân Quyền, cho nên chúng tôi đến đây để thúc đẩy nhà cầm quyền CS Việt Nam phải nhớ Nhân Quyền, Nhân Quyền, Nhân Quyền là những điều căn bản trong cuộc đời của con người."

    Kêu gọi quốc tế


    Công an sách nhiễu gia đình Blogger Huỳnh Thục Vy hôm 08/11/2011. RFA file photo.



    Còn ông Đặng Quốc Việt, cũng trong ban tổ chức, thì nói rằng biểu tình để kêu gọi quốc tế phải có biện pháp với nhà nước Việt Nam trước sự vi phạm quyền con người của họ, trong khi chính Hà Nội đã ký công nhận Nhân Quyền khi gia nhập Liên Hiệp Quốc:
    "Vào năm 1982 CSVN đã ký công nhận Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khi tham gia Liên Hiệp Quốc vì vậy chúng tôi tập họp hôm nay, trước tòa Tổng Lãnh sự Việt Nam để phản đối sự đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ một cách ôn hòa, đàn áp các vị lãnh đạo tinh thần cũng như tôn giáo... là vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nhà nước CSVN cũng chà đạp lên chính hiến pháp của họ. Chúng tôi yêu cầu quốc tế phải có biện pháp đối với nhà nước CS Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của họ."

    Nói thay

    Trong đoàn người biểu tình, có người đến từ Pháp Quốc, có người đến từ tiểu bang Washington, có người từ tiểu bang Louisiana. Bà Trần Ánh Tuyết cho biết trong dịp thăm gia đình, bà tham dự cuộc xuống đường với đồng hương Houston vì bất mãn trước sự vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam, đặc biệt là vụ việc bất công vừa xảy ra cho gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn tại Tam Kỳ:

    "Tôi từ Seattle, hôm nay tôi đến đây, cùng với đồng hương Houston để nói lên tiếng nói cho những đồng bào không được may mắn như chúng ta. Tình trạng hiện nay ở trong nước rất nhiều tin tức trên internet nhưng điều mới nhất, cảm động nhất là sự vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng đối với gia đình blogger Huỳnh Ngọc Tuấn và đối với cá nhân một người nữ yếu đuối Huỳnh Thục Vy."
    Tôi từ Seattle, hôm nay tôi đến đây, cùng với đồng hương Houston để nói lên tiếng nói cho những đồng bào không được may mắn như chúng ta.
    Bà Trần Ánh Tuyết
    Một cư dân Houston thì cho biết ông là người Quảng Nam, ông rất hãnh diện về việc làm của ông Huỳnh Ngọc Tuấn và cô Huỳnh Thục Vy:

    "Người Quảng Nam chúng tôi rất hãnh diện có một Huỳnh Thục Vy và ông Huỳnh Ngọc Tuấn. Họ ở trong nước mà dám đứng lên tranh đấu để đem lại Tự Do cho dân tộc Việt Nam."

    Còn ông Trịnh Du thì nhắc đến việc vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam trước việc bắt giam bà Bùi Thị Minh Hằng, chỉ vì bà Hằng tham gia biểu tình chống ngoại xâm:

    "Bà Bùi Thị Minh Hằng vì quốc gia, tổ quốc Việt Nam, bà xuống đường biểu tình chống lại Trung Quốc cũng bắt bà ấy. Ba lần bắt ở Hà Nội. Cách đây khoảng 2 tuần, bà Hằng vào Saigon biểu tình thì cũng bị công an Saigon bắt giam. Rồi tin mới nhất là bà Hằng bị đẩy ra trại cải tạo Thanh Hà, Vĩnh Phúc. Bà Hằng làm cái gì mà cần cải tạo bà ấy ?"



    Video: Bà Bùi Thị Minh Hằng bị giam ở trại Thanh Hà


    Đừng nghe những gì CS nói

    Với nhiều cuộc sách nhiễu, bắt bớ giam cầm những người dân đấu tranh trong ôn hòa tại Việt Nam, mà bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, trong tháng Chín vừa qua tại NewYork, vẫn nói rằng nhà cầm quyền Hà Nội luôn tôn trọng nhân quyền của người dân Việt, ông Đặng Quốc Việt nói rằng việc làm và lời nói của nhà nước Việt Nam không đi đôi với nhau:
    Người Việt Nam hãy nhớ câu nói của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
    Ông Peter Nguyễn
    "Trong quá trình mà thế giới cũng như dân tộc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về những lời tuyên bố của CSVN. Họ nói một đường và làm một nẻo."

    Còn ông Peter Nguyễn, đến từ tiểu bang Louisiana thì nhắc đến lời nói của một tổng thống Việt Nam Cộng Hòa để bày tỏ cảm tưởng của mình:

    "Người Việt Nam hãy nhớ câu nói của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm."

    Hiền Vy, tường trình từ Houston.

    Theo dòng thời sự:
    Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

  2. #2

    Đêm thắp nến cho Nhân Quyền tại Paris

    Đêm thắp nến cho Nhân Quyền tại Paris

    Tường An, thông tín viên RFA

    2011-12-11

    Nguồn


    Ngày 10 tháng 12 mỗi năm đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Nhân Quyền Quốc Tế.
    Photo by Tường An/RFA
    Đêm thắp nến cho Nhân Quyền tại Paris ngày 10 tháng 12 năm 2011.

    Vào ngày này, năm 1948, bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã đại diện Liên Hiệp Quốc tuyên đọc bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền lịch sử này tại Paris, Pháp Quốc.

    Ngày 10 tháng 12 vừa qua, cũng tại nơi đây, Hiệp hội các quốc gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền đã tổ chức đêm thắp nến để cổ vũ cho Nhân Quyền và cũng để tưởng nhớ đến những người đã và đang tù tội vì đấu tranh cho Nhân Quyền, xin mời quý thính giả theo dõi bài tường thuật của thông tín viên Tường An gửi về từ Paris.

    Hàng năm vào ngày 10 tháng 12, Hiệp hội các quốc gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền đều kỷ niệm ngày mà Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn để thông qua Tuyên Ngôn về Quyền Làm Người tại vùng đất lịch sử, nơi mà 63 năm trước, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được ra đời. Năm nay là lần thứ 5, Hiệp Hội đứng ra tổ chức ngày Quốc Tế Nhân Quyền tại khu sinh viên St Michel, Paris.

    Công trường St. Michel nằm giữa đại lộ Saint Michel và đường Danton thuộc quận 5, nơi mà nhà thơ Nguyên Sa vẫn gọi là xóm học vì khu đó có nhiều trường đại học trong đó, có viện đại học nổi tiếng Sorbonne. Trong bầu không khí giá lạnh của Paris, làm sáng rực một góc công trường là những ngọn nến được thắp lên để cổ vũ cho những cuộc đấu tranh cho Dân Chủ, Nhân Quyền và cũng để tôn vinh những nạn nhân bị đàn áp, tù tội vì đã đấu tranh để san bằng mọi kỳ thị, áp bức, bạo hành cho những kẻ yếu thế trong xã hội.

    Cho tự do dân chủ


    Bức tranh nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba trên bức tường khách sạn Grand ở Oslo vào ngày 10 tháng 12 năm 2010. AFP photo


    Ông Htin Kyaw, thuộc cộng đồng Miến Điện cho biết lý do ông có mặt trong đêm nay:
    "Bởi vì ở Miến Điện có gần 2000 tù nhân chính trị và ở Miến Điện không có luật pháp, và họ đàn áp dân tộc thiểu số, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Miến Điện hoàn toàn không có tự do chính trị.

    Vì vậy chúng tôi tham gia cuộc biểu tình hôm nay để đòi hỏi tự do và dân chủ cho Miến Điện. Chúng tôi cần áp lực của Quốc tế.Chúng tôi hy vọng thế giới sẽ giúp chúng tôi tranh đấu cho Dân chủ và nhân quyền của các nước Á Châu."

    Hiệp hội các quốc gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền (la Fédération des Pays Asiatiques pour les Droits de l’Homme,FPADH) được thành lập từ năm 2007 nhân biến cố chính quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp phong trào dân chủ và các nhà sư trong nước.

    Hiệp hội gồm 7 đại diện thường xuyên là: Tây Tạng, Miến Điện, Trung Hoa Dân Chủ, Đài Loan, Tân Cương và Việt Nam, đó là những quốc gia mà tình trạng Nhân Quyền không được tôn trọng đúng mức.

    Đối với ông Wong Longman, một cựu sinh viên đã tham gia cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, ngày này có một ý nghĩa đặc biệt:

    "Rất quan trọng, vì đặc biệt, tình trạng Nhân quyền tại các nước Á Châu không được tốt, thí dụ như ở Việt Nam, Kam pu chia, Miến Điện, Trung Quốc. Nhất là ở Trung Quốc, vì tôi là 1 cựu sinh viên Thiên An Môn.

    Ông đã được giải Nobel Hòa Bình năm ngoái, nhưng cho tới nay, ông vẫn còn bị cầm tù.
    Ô. Wong Longman
    Tôi theo dõi tình trạng nhân quyền ở Á Châu và Trung Quốc đã 22 năm qua, tôi muốn trình bày rằng tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc rất tồi tệ. Ví dụ: ở Tây Tạng, rất nhiều nhà sư Tây Tạng bị cầm tù trở lại, rất nhiều phóng viên, nhà văn thuộc dân tộc Oui-Ghour bị cầm tù và bị kết tội là khủng bố.

    Ngày nay chúng tôi vừa phát hiện ra ở Mông Cổ nhà cầm quyền Trung Quốc đã cướp đất, cướp hầm mỏ của người dân mà không bồi thường. Nhiều phóng viên, nhà văn đã mất tích, tôi xin nhấn mạnh với quí vị là nhà văn Khada đã mất tích từ khi Ông rời khỏi nhà tù."

    Chỉ vào phù hiệu đang mang trên ngực áo, ông tiếp:

    "Ông Lưu Hiểu Ba đã bị cầm tù 3 năm rồi, đó là lý do, tôi mang phù hiệu này để nhắc nhở mọi người đừng quên ông. Ông đã được giải Nobel Hòa Bình năm ngoái, nhưng cho tới nay, ông vẫn còn bị cầm tù."

    Truyền bá Quyền Làm Người


    Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng ngày 4-4-2011. AFP photo.



    Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay ngoài việc thắp nến cầu nguyện cho Sự thật và Công lý, cho những người bị tù tội, bị đàn áp, còn để chia sẻ nỗi vui mừng của cộng đồng Miến Điện khi nghe tin Lãnh tụ dân chủ của họ - Bà Aung San Suu Kyi được trả tự do sau gần hơn 15 năm bị chính quyền Miến Ðiện quản thúc. Cũng không quên cầu nguyện cho những nhà bất đồng chính kiến còn đang bị sống trong cảnh tù đầy tại Việt Nam.
    Chị Hoa, một công dân Paris tham gia biểu tình nói lên suy nghĩ của chị:

    "Đêm thắp nến hôm nay đối với người Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất chúng ta phải biết hiện nay Việt Nam chúng ta là một trong những nước bị cai trị bởi một chế độ độc tài, độc đảng, qua đó thì người dân không biết tới quyền con người của mình, thứ hai nữa là nếu quốc tế không nhắc đến những vi phạm, thứ ba nữa là vì vấn đề người dân VN vì vấn đề cơm áo, đầu tắt mặt tối, không biết đến cái quyền của họ.

    Chúng tôi thấy rằng nên có nhiều ngày như vậy nữa để cho người dân biết tới bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, để biết rằng họ có cái quyền, quyền con người và cái quyền đó phải được tôn trọng bởi tất cả mọi người.

    Chị Hoa
    Qua những nhận định như vậy thì chúng tôi thấy rằng nên có nhiều ngày như vậy nữa để cho người dân biết tới bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, để biết rằng họ có cái quyền, quyền con người và cái quyền đó phải được tôn trọng bởi tất cả mọi người. Đặc biệt ý nghĩa ngày hôm nay là để xé tan màn đêm u tối đang bao trùm lên đất nước VN và những đất nước đang bị cai trị bởi một chế độ độc tài. Thứ hai, thắp sáng lên lương tâm nhân loại, đừng thờ ơ trước sự chà đạp nhân quyền.

    Đêm hôm nay thắp nến là để không quên những người bị đàn áp một cách thô bạo mà điển hình là Cù Huy Hà Vũ bị kết án rất là vô lý. Anh Nguyễn Tiến Trung cũng vì bày tỏ lòng yêu đất nước mà bị bắt bỏ tù, và Giáo sư Phạm Minh Hoàng cũng vì muốn đóng góp phần của mình để xây dựng đất nước mà cũng bị bắt rất là vô cớ.

    Đặc biệt trong buổi thắp nến này, chúng tôi muốn hiệp thông với cộng đồng Công Giáo Thái Hà và đặc biệt là những thanh niên công giáo ở Vinh, chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước mà bị bắt bỏ tù vô cớ mà cho tới hôm nay chưa biết họ bị bắt vì tội gì và bị giam giữ ở đâu."

    Vận động, ủng hộ


    Ni Cô Palden Choetso tự thiêu ngày 3 tháng 11 năm 2011 để phản đối chính sách đàn áp cai trị của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Photo courtesy of Central Tibetan Administration.


    Trên quảng trường St. Michel, người ta thấy những lá cờ đại diện cho các quốc gia khác nhau như Tây Tạng, Miến Điện, Việt Nam v.v… và những biểu ngữ bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Tạng, tiếng Việt với nội dung kêu gọi Tự do, Dân chủ và Nhân Quyền cho các quốc gia của họ.
    Khi được hỏi về tình hình nhân quyền tại Tây Tạng, Ông Armand Clère thuộc cộng đồng Tây Tạng cho biết:

    "Tại Tây tạng hoàn toàn không có nhân quyền. Từ lúc quân đội Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng từ hơn 60 năm thì tại Tây Tạng không có sự tôn trọng nhân quyền. Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy nhiều chùa chiền và đã giết hại hơn 1 triệu 200 ngàn dân Tây Tạng tức là 20% dân số Tây Tạng.

    Từ tháng 3 năm nay đã có 16 Nhà Sư Tây Tạng tự thiêu và trong đó có 7 nhà Sư đã qua đời. Sau đó quân đội Trung Quốc bao vây Chùa Kerty và đã cô lập chùa không cho ăn uống cũng như thuốc men. Quân đội TQ đã bắt 300 nhà Sư và cho tới bây giờ không ai có tin tức gì của họ. Chúng tôi kêu gọi sự vận động của Quốc tế để chấm dứt sự khủng bố của TQ để dân Tây Tạng được sống trong hòa bình và dân chủ."

    Tuy là người Pháp, nhưng ông đã tranh đấu nhiều năm cho sự Tự do của người dân Tây Tạng, từ ngày thành lập Hiệp Hội này, năm nào ông cũng có mặt trong ngày Nhân Quyền, ông cho biết lý do:

    "Tôi tham gia cuộc biểu tình vì tôi là một người ủng hộ công cuộc tranh đấu của dân Tây Tạng từ nhiều năm nay. Nếu các nước Á Châu kết hợp lại thì chúng ta sẽ đông hơn và năng động hơn để vực dậy nhân quyền ở các nước Á Châu.

    Buổi tối hôm nay có ý nghĩ đặc biệt vì kỷ niệm 63 năm ngày nhân quyền, nhưng nhân quyền đã không được thực hiện trên tất cả các Quốc Gia trên Thế giới. Tôi nghĩ rằng các nước tự do chưa làm đủ sức để đòi hỏi nhân quyền cho các Quốc gia chưa có nhân quyền."

    Chủ đề của đêm thắp nến cho Nhân Quyền hôm nay là Hướng về những ngọn nến, Hát cho Tự Do, dùng tiếng hát để cùng chia một nổi đau chung, để san sẻ tâm tình và cũng là lúc mà những trái tim cùng đập chung một nhịp với những đồng hương còn trong ngục tù ở phía bên kia quả địa cầu.

    Nếu các nước Á Châu kết hợp lại thì chúng ta sẽ đông hơn và năng động hơn để vực dậy nhân quyền ở các nước Á Châu.
    Ô. Armand Clère
    Ông Trần Nghĩa Hiệp, một thành viên của Hưng Ca chia sẻ:

    "Bổn phận của mỗi người chúng ta đều biết rằng ở quê hương, nhân quyền không còn nữa, vì thế mà năm nào tôi cũng dự chứ không phải lần đầu từ hồi mà Việt Nam có biểu tình về Nhân Quyền. Điểm đặc biệt nữa là anh chị em Hưng Ca chúng tôi là tranh đấu Nhân Quyền cho Việt Nam.

    Hồi nãy khi tôi hát bài Việt Nam Quê Hương Tôi Đẹp Lắm thì tôi cũng mặc cái áo: Chúng Tôi Là Chiến Sĩ Về Nhân Quyền (Human Rights for VietNam). Bởi vậy lúc nào có những cuộc biểu tình cho Nhân Quyền, Tự do cho Việt Nam, chúng tôi đều có mặt."

    Chủ đề của Ngày Nhân quyền là "Chúc mừng Nhân quyền" (Celebrate Human Rights). Năm 2011 được đánh giá là một năm "vô cùng đặc biệt", "hồi sinh" của nhân quyền và tự do trên thế giới.

    Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Bà Navy Pillay, vào ngày 1/12/2011, đã có bài phát biểu về những bước tiến của cuộc vận động nhân quyền trong năm nay. Theo bà, nỗ lực đòi hỏi sự tôn trọng nhân phẩm, như tinh thần của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 63 năm nay, đã trở thành phổ quát với những hành động cụ thể tại khắp nơi trên thế giới.

    Tuy nhiên, trên thực tế, sự tôn trọng Quyền Làm Người, tôn trọng Nhân Phẩm của con người vẫn còn là một ý niệm mơ hồ ở một số quốc gia độc đảng, độc tài trên thế giới. Những ngọn nến thắp sáng quảng trường St. Michel hôm nay là một bằng chứng không thể chối bỏ.

    Theo dòng thời sự:


    Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

  3. #3
    Ý kiến về việc ĐGH Benedicto 16 tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng

    Hiền Vy, thông tín viên RFA

    2013-01-23

    http://www.rfa.org/vietnamese/in_dep...013104418.html

    Vào ngày thứ Ba, 22 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã tiếp kiến Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Vatican.
    AFP PHOTO/Osservatore Romano
    Đức Giáo hoàng Benedict XVI (phải) tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Vatican hôm 22-01-2013.






    Thành công ngoại giao?

    Hiền Vy có cuộc nói chuyện nhanh với LM Nguyễn Văn Khải, người đang du học tại Rome, trước hết LM Khải cho biết ý kiến của ông về buổi gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng:

    LM Nguyễn Văn Khải:
    Ở Việt Nam những năm gần đây thực quyền của chức Tổng Bí thư Đảng cộng sản bị suy giảm. Trong số ba nhân vật chủ chốt nắm giữ các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng, thì bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, về phương diện cá nhân, cũng không phải là người thể hiện được vai trò lãnh đạo nổi bật hơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trên phương diện ngoại giao quốc tế thì vị thế Tổng Bí thư ngày càng mờ nhạt. Năm ngoái ông đã có một chuyến công du không thành công tại Mỹ Latin. Sau nữa, trong bộ máy nhà nước Việt Nam, chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch nước đều đã gặp Đức Giáo Hoàng, nên bây giờ họ muốn Tổng Bí thư còn lại cũng gặp nốt. Đối với các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì những chuyện thế này là quan trọng. Trong chiều hướng đấy, tôi nghĩ cuộc gặp lần này giữa Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là do phía Việt Nam đề nghị rồi Tòa Thánh đã chấp thuận và Đức Giáo Hoàng đã chiếu cố tiếp ông Tổng Bí thư và đoàn tùy tùng. Có lẽ Đức Giáo hoàng tiếp ông không phải với tư cách là người đứng đầu một đảng phái, mà với tư cách của một nguyên thủ quốc gia theo thực tế tổ chức của chế độ cộng sản.

    Hiền Vy: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có lợi gì cho phong trào Dân Chủ tại VN không? Thưa LM.

    Tôi nghĩ cuộc gặp lần này giữa Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là do phía VN đề nghị rồi Tòa Thánh đã chấp thuận.
    LM Nguyễn Văn Khải


    LM Nguyễn Văn Khải:
    Nếu mà nói là lợi cho phong trào dân chủ ở Việt Nam thì tôi nghĩ là không. Chắc chắn là không. Những năm gần đây Vatican cố gắng chứng tỏ với nhà nước Việt Nam là Giáo Hội không can dự vào chuyện tranh đấu của các đảng phải chính trị, các phong trào dân chủ ở Việt Nam. Bởi thế tôi nghĩ có lẽ không có chuyện Đức Giáo Hoàng lấy vấn đề dân chủ mà áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong những cuộc gặp thế này. Đối với nhà cầm quyền cộng sản VN thì ngược lại. Hiện tại họ đang bị kết án nặng nề vì những hành vi vi phạm nhân quyền. Trong bối cảnh đó cuộc gặp của ông Tổng Bí Thư với Đức Giáo Hoàng, một cách mặc nhiên, được coi như là một lá bài nhằm che bớt đi bộ mặt xấu xa nhem nhuốc của một chế độ hà khắc, khiến nhiều người lầm tưởng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thiện cảm với Công giáo và có thiện chí bảo vệ nhân quyền. Bởi vậy, tôi nghĩ cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và ông Tổng Bí thư lần này chả có lợi gì cho phong trào dân chủ ở Việt Nam. Ngược lại, chế độ sẽ lại lợi dụng những “thành công” ngoại giao kiểu này để gia tăng đàn áp những cá nhân và tổ chức ở Việt Nam đang đòi dân chủ, và họ phớt lờ những đòi hỏi tôn trọng nhân quyền từ cộng đồng quốc tế. Đấy là thực tế đã thể hiện trong những năm gần đây.


    Thiện chí của Vatican

    Hiền Vy: Nhà nước VN và Vatican chưa thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì sự gặp gỡ này có bình thường không?

    LM Nguyễn Văn Khải: Thế nào là bình thường và thế nào không bình thường? Nếu lấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai quốc gia làm tiêu chí phán đoán cho cuộc tiếp kiến này là bình thường hay không bình thường thì theo tôi cũng không chuẩn. Bởi vì chả có gì ngăn cản một vị giáo hoàng, với tư cách là người đứng đầu quốc gia Vatican gặp một nguyên thủ quốc gia khác, dù hai bên đã hay chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Trước đây Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng đã tiếp ông Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov vào ngày 1 tháng 12 năm 1989, khi ấy hai bên cũng chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Cuộc gặp gỡ lần này theo tôi hiểu có lẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai bên đã “tiến thêm một bước” như nhiều người thường nói.


    Đức Giáo hoàng Benedict XVI (phải) tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Vatican hôm 22-01-2013. AFP PHOTO.

    Cụ thể ấy là việc đầu năm 2011 nhà nước Việt Nam chấp thuận cho Vatican có một vị đại diện không thường trú tại Việt Nam và cuối năm 2012 chấp thuận cho Giáo hội Việt Nam tổ chức hội nghị của Liên Hội đồng các giám mục châu Á. Tuy nhiên, nhiều người khác lại thấy là không bình thường, vì thời gian gần đây nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp người công giáo dữ dội hơn trước, tình trạng vi phạm nhân quyền nói chung và vi phạm tự do tôn giáo nói riêng diễn ra trắng trợn và thường xuyên hơn trước. Hơn nữa, nghị định tôn giáo mới ban hành thì siết chặt quyền tự do tôn giáo nhiều hơn trước. Song ngay cả điều này nữa, thì cũng không thể nào ngăn cản cuộc tiếp kiến. Theo tôi hiểu cuộc gặp lần này cũng như các lần trước diễn tả thiện chí muốn đối thoại và kiên trì đối thoại của Tòa Thánh Vatican với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

    HiềnVy:
    Là một người đang du học tại Rome, xin LM cho biết với sự đàn áp giáo dân tại VN và cuộc gặp gỡ này có sự liên quan gì không?

    LM Nguyễn Văn Khải:
    Tình hình chính trị, xã hội, tôn giáo ở Việt Nam phức tạp và rối ren như mớ bòng bong. Không thể gắn kết các cuộc gặp gỡ song phương giữa Tòa Thánh và nhà nước CS Việt Nam với các vụ đàn áp giáo dân. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là sau một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng hoặc sau một thỏa thuận công khai nào đó giữa Tòa Thánh và nhà nước Việt Nam được ông bố, thì thường xảy ra những vụ đàn áp dưới hình thức nào đó liên quan đến giáo dân.

    Theo tôi hiểu cuộc gặp lần này cũng như các lần trước diễn tả thiện chí muốn đối thoại và kiên trì đối thoại của Tòa Thánh Vatican với nhà cầm quyền CSVN.
    LM Nguyễn Văn Khải

    Thí dụ: Năm 2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Đức Giáo Hoàng thì ngày 29 tháng 1 xảy ra vụ công an phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở giáo xứ Đồng Đinh, Ninh Bình. Sau khi ông Nguyễn Minh Triết gặp Đức Giáo Hoàng cuối năm 2009, thì đầu năm 2010 xảy ra vụ phá thánh giá ở giáo xứ Đồng Chiêm, Hà Nội và giáo dân ở đây bị đàn áp dài ngày. Năm 2011 sau khi nhà cầm quyền đồng ý cho vị đại diện ngoại giao không thường trú đến Việt Nam, thì họ tiến hành bắt bớ hàng loạt các thanh niên công giáo nhiệt thành, rồi tấn công giáo xứ Mỹ Lộc ở Hà Tĩnh và giáo điểm Con Cuông ở Nghệ An. Cuối tháng 11 năm 2012 nhà nước cho tổ chức Hội nghị các Giám mục châu Á ở Xuân Lộc, thì sau đó diễn ra các vụ xử án các giáo dân Công giáo với những bản án nặng nề quá sức tưởng tượng.
    Trong các cuộc làm việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam thì Tòa Thánh luôn muốn bảo đảm cho người công giáo được có quyền công dân đầy đủ và Giáo hội Công giáo được bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Thế nhưng đó là điều khó có thể thực hiện. Bởi vì nếu nhà nước Việt Nam đáp ứng đầy đủ những đề nghị của Tòa Thánh đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam thì họ cũng phải đáp ứng những mong muốn tương tự của các tôn giáo khác ở Việt Nam. Chưa kể rằng nhà nước Việt Nam từ trước tới nay, ở mọi cấp độ và môi trường, họ luôn giữ thái độ căm thù cố hữu với Công giáo và trong thực tế hành xử thì nhà nước Cộng sản luôn có ý kiềm chế và tiêu diệt Công giáo, bất chấp thiện chí của giáo hội Công giáo trên phương diện cá nhân cũng như trên phương diện tập thể.
    Bởi vậy, vượt ra ngoài mong muốn của Tòa Thánh, về mặt đối ngoại nhà cầm quyền CSVN có thể lợi dụng các cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và các cuộc làm việc song phương nhằm đánh bóng mình trước con mắt quốc tế, trong khi lại gia tăng sức ép và sự kiểm soát trên các cộng đồng giáo dân, và hơn nữa sẵn sàng đàn áp giáo dân vì những lý do vô lý. Bất chấp những thỏa thuận không căn bản đạt được giữa Tòa Thánh và Việt Nam thì căn bản Việt Nam vẫn không có tự do tôn giáo, giáo dân và Giáo hội Công giáo Việt Nam căn bản vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị đàn áp. Từ năm 1988 đến nay, chưa khi nào tôi thấy nhà nước Việt Nam đàn áp Công giáo và tấn công giáo dân một cách trắng trợn và dã man như 5 năm vừa qua.

    Hiền Vy: Xin cảm ơn Linh Mục đã dành cho RFA buổi phỏng vấn này.



    Theo dòng thời sự:
    Last edited by TTHV; 01-24-2013 at 07:15 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 11-07-2011, 11:48 AM
  2. Quán nhạc Mộc - Vô Cố Nhân
    By voconhan in forum Âm Nhạc
    Replies: 3
    Last Post: 10-31-2011, 08:16 AM
  3. Quyền lực mềm ?
    By Triển in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 10-31-2011, 06:54 AM
  4. Facebook Việt xôn xao tranh 'lạ' về Việt Nam
    By Ba Ếch in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 12
    Last Post: 10-18-2011, 10:01 PM
  5. Chia Buồn Thi sĩ Hà Thượng Nhân
    By hue huong in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 9
    Last Post: 10-18-2011, 08:50 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:41 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh