31- Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam Qua Các Thời Đại




Từ cuối đời nhà Triệu đến đời nhà Ngô hơn một ngàn năm, người mình phải cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người Tàu. Cho đến năm 43, hai bà Trưng nổi lên đánh quân Tàu, thu được 65 thành trì, nhưng chỉ tiếc rằng quân mình ô hợp, lực lượng còn trong thời kỳ phôi thai, chưa kịp chỉnh đốn quân mã. Đối thủ lại là tay danh tướng từng trải, đoàn quân Việt bị phá vỡ, hai bà thế cùng phải gieo mình xuống sông Hát Giang tự vận.

Sử gia Lê Van Hưu nói rằng, Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người Tàu mà không biết xấu hổ với người đàn bà họ Trưng (Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim).

Nguyên hai bà Trưng là con gái một vị Lạc tướng ở huyện Mê Linh làng Hạ Lôi, thuộc tổng Yên Lãng tỉnh Phúc Yên. Bà Trưng Trắc có chồng là ông Thi Sách bị Thái thú Tô Định bắt giết. Sau khi ông Thi Sách bị giết, bà cùng với em bà là Trưng Nhị đứng lên quy tụ anh hùng hào kiệt chỉ huy đại cuộc. Nhị vị nữ anh hùng Trưng Vương đầu tiên đã mở trang sử độc lập cho giống nòi mà dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến đều tỏ lòng kính phục.

Ngoài hai bà Trưng, những vị nữ danh tướng dưới cờ hai bà Trưng còn có nhiều người:

-Bà Hoàng Thiệu Hoa người ở huyện Gia Hưng tỉnh Thanh Hóa. Bà tổ chức nghĩa quân, mua sắm gươm đao, tích trữ lương thảo, khi nghe tin hai bà Trưng nổi dậy đã kéo quân về dưới cờ. Được khen thưởng công trạng, bà nói: “Tôi chỉ làm nhiệm vụ cứu dân, chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề khác.” Câu nói bất hủ không màng danh lợi của bà đã được ghi vào sử sách.

-Bà Phùng Thị Chính là một danh tướng túc trí đa mưu. Bà có sức khỏe phi thường; trong một trận đánh giặc Tàu, bà đang có thai gần kỳ sinh vẫn lên ngựa xông ra trận. Đang khi đánh, bà chuyển bụng lâm bồn, đẻ con ngay ở mặt trận. Bà lấy áo bọc con buộc vào người rồi lại tiếp tục đánh quân địch lui, bà mới trở về. Bà là vợ ông Đinh Lượng người làng Phú Nghĩa thuộc tỉnh Sơn Tây. Khi nghe tin hai bà Trưng hiến mình cho tổ quốc, bà cũng tự vận theo.

-Bà Lê Chân người làng An Biên, huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương. Cha bị hại về tay Tô Định, bà xin gia nhập vào đội nghĩa binh của hai bà Trưng, giữ chức Tiên phong. Bà lập được nhiều chiến công oanh liệt. Khi hai bà tuẫn tiết bà cũng tự trầm chết theo.

-Bà Cao Nhự ở làng An Bồi, phủ Kiến Xương thuộc tỉnh Thái Bình. Xuất thân nơi miền duyên hải, bà được hai bà Trưng tin dùng giao lãnh đạo thủy quân. Bà đánh đâu được đấy, lập được rất nhiều công trạng. Chẳng may hai bà thế cùng lục kiệt, bà Cao Nhự cũng cùng hai bà nhảy xuống sông để bảo toàn danh tiết.

***

Năm 248, sau hai thế kỷ bà Triệu đã theo gương hai bà Trưng. Bà là một thiếu nữ trên 20 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, tên là Triệu Thị Trinh. Bà còn có những tên khác là Triệu Trinh Vương, Triệu Trinh, Nhụy Kiều tướng quân. Tên Triệu Ẩu là do giặc Tàu đặc ra để miệt thị bà. Bà mồ côi cha mẹ từ thuở bé, ở với người anh là Triệu Quốc Đạt.

Bà có chí anh hùng, có sức mạnh, có mưu lược nên hàng nghìn tráng sĩ theo bà vào núi để thao luyện quân mã, mưu cuộc khởi nghĩa. Buổi đầu ông Triệu Quốc Đạt không tán thành, khuyên can bà thì bà trả lời: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, chém cả tràng kình ở biển Đông, quét bờ cõi để cứu dân khỏi khổ ải, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu còng lưng làm tì thiếp cho người ta.” Sau khi ông Triệu Quốc Đạt bị đầu độc chết, bà bị cô thế thua sút trước lực lượng của giặc, bà lui quân về xã Bồ Điền tỉnh Thanh Hóa và tuẫn tiết tại đó.

***

Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh của vua Lê Lợi, có chuyện của nữ ca kỹ Kim Oanh. Nàng là người làng Đào Xá, huyện Tiên Lữ thuộc tỉnh Hưng Yên, có sắc đẹp lại hát hay và cũng là một công dân yêu nước. Mặc dù chân yếu tay mềm nhưng nàng tiêu diệt giặc bằng mưu trí.

Một buổi tối nọ bọn giặc mời nàng vào đồn ca hát, nàng vận động khả năng phục rượu cho bọn lính Tàu say túy lúy. Một mặt nàng đã mật báo cho các dũng sĩ mai phục quanh vị trí giặc, rồi dụ chúng cho nàng cột túi ngủ cho chúng vì giặc Tàu sợ muỗi chui vào bao để ngủ. Xong nàng ra mở cửa đồn cho nghĩa quân xung phong vào tiêu diệt giặc. Câu truyện nữ ca kỹ Kim Oanh được truyền đi khắp nơi như một bài hịch tướng sĩ trong đại cuộc kháng Minh.

***

Những thế kỷ tương đối gần đây có các nữ danh nhân Việt Nam như vào đầu thế kỷ thứ 18 có bà Đoàn Thị Điểm. Bà người làng Hiếu Phạm, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ. Bà còn nhỏ đã nổi tiếng thần đồng vì có 6 tuổi đã đọc được bộ sử ký Tư Mã Thiên. Khi có sứ Tầu sang bà giả làm người bán quán rượu, ở bên ghế bà ngồi để nhiều sách vở. Sứ Tàu mới ra một câu đối rằng: “An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” có ý xấc và chọc ghẹo (nghĩa là An Nam một tấc đất, chẳng biết mấy người cày).

Bà bèn đối lại ngay rằng: “Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất” (nghĩa là nước Bắc (Tàu) các vị đại phu do đường ấy mà ra cả). Các sứ giả chịu tài và cũng lấy làm thẹn.

Bà có soạn tập Chinh Phụ Ngâm diển nôm thành điệu song thất lục bát, nguyên văn chữ Hán của ông Đặng Trần Côn. Năm 30 tuổi, bà mới kết duyên với ông Nguyễn Kiều. Khi chồng chết, bà mở trường dậy học, năm 70 tuổi bà mới từ trần.

Bùi Thị Xuân là vợ danh tướng Tây Sơn, ông Trần Quang Diệu. Bà người làng Xuân Hoa, xã Bình Phú quận Linh Khê tỉnh Bình Định. Bà là một nữ tướng rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công và có độ lượng, không bao giờ bà giết những quân đã thua chạy hay đầu hàng.

Ngọc Hân Công chúa con vua Hiến Tôn nhà Lê khoảng cuối thế kỷ 18. Vua Hiển Tôn gả bà cho ông Nguyễn Huệ tức vua Quang Trung. Năm 1792 vua Quang Trung tạ thế, bà mới ngoài 20 tuổi. Văn chương bà để lại rất nhiều nhưng bị mai một tất cả, chỉ còn bài tế vua Quang Trung và bài Ai Tư Văn là nhưng áng văn chương thật hay.

Huyện Thanh Quang (không ai biết tên thật) ở làng Nghi Tàm, huyện Hoàng Long tỉnh Hà Đông. Bà lấy ông Lưu Nghi làm tri huyện Thanh Quan, đã để lại những bài: Cảnh Chiều Thu, Qua Đèo Ngang, Thăng Long Hoài Cổ, Chơi Chùa Trấn Quốc, là những bài nổi tiếng nhất.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Sớm mồ côi cha, được mẹ cho theo dõi bút nghiên, được ít lâu bà phải thôi học. Nhờ ở tự tu tự học, bà nổi tiếng hay chữ và hay làm thơ trào phúng hào hước. Thi phẩm của bà người sau sưu tầm lại thành một tập gọi là Xuân Hương Thi tập.

***

Những nữ danh nhân nổi tiếng trong thời chống Pháp cũng rất nhiều.

Mai Đình Ý, thường gọi là bà Tú Ý, là con gái của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Bà là nữ thi sĩ nổi danh đương thời có lòng ái quốc, vận động tổ chức thuộc phòng trào Cần Vương.

Tám không ai biết tên thật, khi vào yết kiến ông Phan Đình Phùng, nói là con gái ông Hoàng Phúc một nhà cách mạng Cần Vương ở Quảng Bình đã chết. Cô là người quả cảm mưu trí, thường giả làm người bán rượu lừa những người lính tập để lấy súng. Sau cô được cụ Phan phái đi xuyên rừng qua Xiêm mua thuốc súng đạn được, cô đi được bốn năm chuyến rồi thất tung.

Đào Thị Mai con vị mưu sĩ Đào Duy Đức ở Thái Nguyên. Cô là nữ điệp viên có hạng trong chiến khu Bãi Sậy. Đến khi thất thế cô hướng dẫn đưa cụ Nguyễn Thiện Thuật và em là ông Hai Kế tạm xuất bôn qua Trung Hoa. Sau cô vào tu ở chùa Thương Tích Quang ở Hàng Châu pháp danh là Diệu Thanh.

Cử Hanh, chồng là tri huyện Thủy Đường, có một con trai là Nguyễn Cao, mới được 7 tháng thì ông Cử Hanh chết. Lúc đó bà mới 22 tuổi, là hoa khôi của tỉnh Bắc Ninh, tuy có nhiều nhà quyền quý theo đuổi bà vẫn cương quyết không tái giá.
Ở làng có tên lý tưởng giầu có nhất tỉnh Bắc Ninh, tìm đủ cách mai mối không được, một hôm gặp bà ở ngoài đường hắn dùng sức mạnh làm ẩu sờ được nhũ hoa. Bà cho đó là cái điểm nhục nhất đời. Sau đó bà phải ôm con đi lánh nạn nơi xa. Cách mấy năm sau con đã hơi khôn lớn, bà trở lại làng cũ.

Nhân ngày giỗ chồng bà sửa soạn bữa tiệc mời họ hàng làng xóm tới, có cả tên lý tưởng. Vừa lễ chồng xong, bà chỉ mặt tên lý trưởng nói: “Đồ ác bá, mi lợi dụng cường quyền ép ta, đón đường toan hiếp ta. Đã 6 năm nay ta ngậm tủi hờn mang dấu tay ghê tởm của mi. Ta sống nhục nhã đến nay là vì con ta còn quá nhỏ không để nó bơ vơ được. Nay nó có thể nối dõi được rồi, nên hôm nay ta quyết đi theo chồng ta cho trọn tiết phải đạo. Ta tố cáo hành động dâm ác của mi trước họ hàng làng xóm. Đây dấu tay nhơ uế của mi ta trả cho mi.” Lập tức ba rút con dao bén nhọn, thản nhiên rạch áo, cắt lìa cặp nhũ hoa ném vào mặt tên lý trưởng trước sự kinh hoàng của mọi người. Trước khi tắt thở, bà nắm tay Nguyễn Cao (sau này là Tán Cao) trăn trối: “Mẹ đau đớn lìa con, con ở lại cố gắng lập thân với đời. Giòng nhà ta là giòng máu trung trinh tiết liệt.”

Ấu Triệu, tên thật là Lê Thị Đàn, người xã Thế Lai tỉnh Thừa Thiên, con gái cụ Lê Xuân Uyên, một nhà tiền bối cách mạng bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên. Trong lúc bà đi tiếp tế cho cha đã lọt vào mắt ông Đốc phủ họ Đinh người Nam kỳ, lúc đó là công chức cao cấp ở tòa Khâm Sứ, Bà nhận lời lấy làm lẽ ông Đốc nhưng buộc ông ông Đốc phải tìm cách giải cứu ông cụ khỏi tù. Khi ông Đốc phải đổi về Sàigòn, bà không đi theo, ở lại nuôi cha già và tiếp tục chí hướng của cha làm cách mạng. Năm 1912, bà là đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Năm 1916, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội do vua Duy Tân lãnh đạo bị thất bại, bà Đốc bị Pháp bắt. Bị giam ở nhà lao Phủ Thừa, mặc dù chúng tra khảo dã man, bà cương quyết không khai ra một ai. Nhân một lúc lính gác ngủ say, bà xé áo làm giây treo cổ tự sát.

Nhà chí sĩ Phan Sào Nam bị Pháp giam lỏng tại Bến Ngự đã dựng một bia đình hình vuông mặt tiền có bốn chữ Hán “Ấu Triệu bi đình”. Hai bên trụ là một câu đối quốc văn: “Tổ nhân soi nghĩa giây lưng trắng – Dạ sắt lòng sen nét má hồng.”

Đặng Thị Nhu là bà ba Đề Thám, anh hùng dân tộc hùm thiêng Yên Thế. Bà cũng bày binh bố trận, đầy đủ mưu cơ chính trị cũng như quân sự. Vị anh hùng chọc trời khuấy nước Đề Thám đã trông cậy rất nhiều vào tài ba lỗi lạc của vị nữ lưu anh kiệt ấy. Trong nhà bà dắt con gái là Hoàng Thị Thế 8 tuổi chạy theo ông Đề Thám trong rừng tỉnh Bắc Giang thì cả hai mẹ con đều bị bắt. Cuối năm 1909, trên chiếc tầu binh Pháp từ Hải Phòng đi Guyane, bà Đặng Thị Nhu cắn lưỡi tuẫn tiết trước hơn 40 chiến sĩ anh hùng Yên Thế đang ngậm ngùi sa lệ.

Trần Thị Quy hiệu Thiệu Trưng, người làng Tương Lộc, quận Tân Bình tỉnh Vĩnh Long, con cụ Trần Phước Định và bà Bùi Thị Lang. Bà xuất ngoại định sang Nhật đi tới Sơn Đầu bị chính quyền tại đây trục xuất. Trở về Quảng Châu, bà gặp cụ Phan Bột Châu giao trách nhiệm về nước hoạt động cho phong trào Đông Du. Bà bị mật thám bắt rồi thả, ba lần chịu nhiều cực hình tra tấn, bà vẫn không cung khai một đồng chí nào. Bà đấu tranh gian khổ cho cách mạng, suốt đời hiến thân cho dân tộc.

Thị Nghè, vợ một ông Nghè đã chết từ lâu, sinh sống tại Thị Nghè gần Sàigòn. Khi thấy một chiếc tàu Pháp tiến vào sông Thị Nghè đổ quân lên bộ, bà kêu gọi nhân dân nam nữ tổ chức thành một nhóm du kích, đón đường giết giặc Pháp trong nhiều trận kinh hồn. Quân Pháp bị giết khá nhiều, nhưng bà bị chết trong trận du kích chót. Nhân dân tại đây đã đặt tên vùng này là Thị Nghè để nhớ người phụ nữ dũng cảm có tấm lòng yêu nước cao độ.

Nguyễn Thị Giang, người làng Đồng Vệ, phủ Vĩnh Tường tỉnh Bắc Giang, là nữ đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và cũng là người vợ chưa cưới của đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Bà là một người dân tận trung với nước, một người vợ tận nghĩa với chồng.

Bắc, cô Vân, cô Tám, bà Chánh Toại đều là nữ đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị bắt, bị tù đầy và bị thủ tiêu.

Các bậc hiền phụ có rất nhiều và nổi tiếng như bà Tú Xương, bà Phan Bội Châu, bà Sương Nguyệt Ánh….

***

Từ ngày bọn quỷ đỏ gieo tang tóc trên đất nước Việt Nam, đã có biết bao nhiêu bà hiền phụ dũng cảm, đầy đức tính chưa được nêu danh vì còn trong vòng kiềm tỏa. Những bậc hiều phụ đánh kính trọng, chồng bị cộng sản bắt giam trong trại học tập, sống eo hẹp thiếu thốn, phải nuôi con nhỏ dại, cha mẹ già đau yếu, kiếm đủ cách để thăm nuôi chồng nơi núi thẳm rừng sâu. Bà nào nhan sắc mặn mà còn bị cán bộ nay đòi mai ép, nhiều trường hợp xảy ra có bà phải chui qua cửa sổ nhảy sang mái nhà bên cạnh rồi nhảy xuống đất, bất kể sống chết để bảo toàn danh tiết.

Người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại có đủ đức tính anh dũng, bắt khuất, đảm đang, trung hậu, đức hạnh. Những bản tính này đã có từ lâu, người trước làm gương cho người sau, là căn bản cho dân tộc Việt và giúp cho sự gìn giữ và trường tồn của người Việt chúng ta.