Register
Results 1 to 8 of 8

Hybrid View

  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837

    Nhận định của nhà văn Xuân Vũ về truyện ngắn "Tội ác"



    Xuân Vũ




    Những Bậc Thầy Của Tôi



    LỜI NHÀ XUẤT BẢN


    Xuân Vũ là một nhân vật dị thường! Sinh trưởng ở miền Nam, tập kết ra Bắc, được lệnh xâm nhập miềnNam để viết về "cuộc đồng khởi của Bến Tre" thì ông lại nhìn ra "đường đi không đến" để trở về với dân tộc. Rồi cùng với một bộ phận dân tộc ông đã chọn con đường "lưu vong" năm 1975, thay vì ở lại với một chế độ đã hơn một lần đánh lừa ông cũng như đồng bào ông.

    Không phải là mọi sự đều êm thắm đối với ông. Không viết được trong 10 năm ở miền Bắc, vào miền Nam lại được giải thưởng với cuốn Đường Đi Không Đến - được tái bản 8 lần tại hải ngoại., tái bản một cách bí mật nhiều lần ở ngay "thành phố Hồ Chí Minh" và bán với giá chợ đen. Ra hải ngoại với một hành trang đầy ắp chữ nghĩa mà túi tiền thì rỗng không, ông không nề hà làm đủ mọi nghề - miễn là lương thiện để kiếm sống - mong một ngày có phương tiện cầm bút trở lại.

    Sau vài năm vắng bóng trên văn đàn, khi có điều kiện ông đã trở lại cầm bút với một sức mạnh vũ bảo, ông viết nhu thác đổ: hồi ký, truyện ngắn, truyện dài, kịch, truyện phim, khảo luận, phải năm sáu nhà xuất bản mà in không kịp, quyển sau lại dài hơn quyển trước. Tính tới nay, ông đã cho ra đời hơn 50 cuốn sách. Đại tác phẩm 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi (viết chung với Dương Đình Lôi) giờ này đã ra đến quyển thứ sáu và vẫn còn tiếp tục, không biết khi xong thì thành mấy nghìn trang!

    Có người cho rằng ông đã để chính trị chi phối ngòi bút nhiều quá. Song ta phải nghĩ rằng ngay dù nhận xét đó có đúng phần nào với Xuân Vũ chăng nữa thì cũng là điều tự nhiên, vì nếu giờ này ở cuối thế kỷ 20 còn có người, sau khi đã sống với phát xít, với Cộng sản, với độc tài với tham nhũng và phi nhân mà rồi vẫn bình chân như vại trước mối thù dân tộc hoặc cho là người nghệ sĩ cần và bắt buộc phải ở trên tất cả . . . thì có lẽ người đó cũng quá vô tâm như sống trong một thế giới nào khác, không phải thế giới ta đang sống, đang vật lộn với hàng ngày, một thế giới mà ở ngay trên quê hương ta vẫn còn chế độ đàn áp đối với những người cầm bút, những người tranh đấu ôn hòa cho lý tưởng tự do.

    Nhưng trường hợp Xuân Vũ, nhận xét trên không hoàn toàn đúng, vì bên cạnh những loại sách phơi bầy bộ mặt thật "xã nghĩa", ông còn có những tác phẩm mô tả tình cảm con người, tâm lý xã hội, tình đồng ruộng, tình đất nước . . . Bây giờ, cuốn Những Bậc Thầy Của Tôi đang ở trên tay quí vị là một cuốn Ký sự Văn học, ghi chép những kinh nghiệm viết văn do các bậc tiền bối truyền lại một loại khá hiếm hoi trên văn đàn hải ngoại, trong đó tác giả, bằng giọng văn dí dỏm, truyền cảm, gợi hình . . . chia xẻ với chúng ta những mẩu chuyện thu nhặt được ở những buổi chuyện trò thân mật riêng-mà ông có mặt-của các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ. . . trao đổi với nhau một cách chân tình, cởi mở khi vắng bóng công an hay đại điện Đảng và Nhà nước. Nó không phải là thứ kinh nghiệm rập khuôn trong mấy "Trại viết" do Đảng và Nhà nước "chăn dắt" các "ngòi bút sáng tác".

    Trong cuốn này Xuân Vũ thổ lộ: "Tôi sẽ ghi một cách chân thật và đầy đủ những điều tôi học được ở các cụ về phần "nghệ thuật vị nghệ thuật" mà thôi, còn phần nghệ thuật vị . . . cái gì khác xin gác qua cho độc giả khỏi nặng nề, nếu có đọc những trang sách này."

    Trong một lá thư riêng cho nhà xuất bản, nhà văn Xuân Vũ tâm sự: "Tất cả cuộc sống xưa bình thường bỗng nhiên trở thành kỷ niệm. Tôi còn nhớ nhiều người quá mà không viết nổi nữa. Không có nhà văn nào khi chết mà đã hoàn thành tất cả những ý đinh của mình. Cuốn sách này coi như là trạm nghỉ chân " cuối cùng, nghỉ xong rồi ngủ luôn không đi đâu nữa hết... "

    Ở một đoạn khác nhà văn than thở: "Không có cái nước nào khổ ải trầm luân như nước mình. Chị Ngân Giang nghe nói có vào Sài Gòn bán quán cà phê rồi trở về Hà Nội rồi, có lẽ không khá. "Hôm nay ôn lại chuyện non sông.... "

    Nguyên văn cả hai câu thơ như sau:

    Hôm nay ôn lại chuyện non sông
    Nghe sóng nghìn xưa vỗ bến lòng.

    Nhà văn Xuân Vũ đã từng thổn thức về hai câu thơ trên của Ngân Giang nữ sĩ, do đó chúng tôi không tin cuốn sách này sẽ là "trạm nghỉ chân" cuối cùng, nghỉ xong rồi ngủ luôn không đi đâu nữa... " như ông nói, vì từ lâu cứ mỗi lần "chuyện non sông" len lén trở về tâm tư ông, thì "sóng nghìn xưa" lại dạt dào trong lòng... làm ông không thể ngồi yên được. Chúng tôi thiết tưởng tất cả chúng ta đều mong như vậy.


    TỔ HỢP XUẤT BẢN MIỀN ĐÔNG HOA KỲ
    1998
    Last edited by frankie; 02-13-2023 at 10:43 AM.

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837
    ĐÔI LỜI CÙNG ĐỘC GIẢ

    Vài năm trước có một bạn đọc gửi thư cho tôi, gọi tôi là "nhà văn lão thành". Tôi giật mình. Mình già thật rồi sao? Mới ngày nao tóc xanh ngăn ngắt, mà mới có mấy chục năm qua, nay đã lão thành?

    Nhưng đó là sự thực. Mình đang sống những năm cuối của cuộc đời. Hãy cố gắng viết những gì chưa viết, kẻo rồi như Balzac, khi nằm xuống, trong ngăn kéo hãy còn 45 quyển sách mới phác hoạ, trong đó có một quyển định viết về nước Tàu.

    Gần đây có nhà xuất bản yêu cầu tôi viết về kinh nghiệm viết truyện. Tôi từ chối ngay vì tôi không có kinh nghiệm gì cả, hoặc thoảng như kinh nghiệm của mình chỉ làm hại cho việc viết lách, thì càng không nên đưa ra. Vì viết văn không có luật lệ, nguyên tắc như làm bánh hay xây nhà.

    Trong văn học nghệ thuất, cái món văn là "kỳ quái" hơn cả. Âm nhạc thì có trường dạy, có người đỗ tới bằng tiến sĩ âm nhạc, hoặc viện sĩ nhạc viện. Môn hội hoạ cũng có trường Sơ đẳng tới Cao đẳng Mỹ thuật. Môn Kiến trúc, Nhiếp ảnh lại càng phải học.

    Không có môn gì là không có trường từ Sơ cấp tới Cao cấp, chỉ có văn học là không có trường. Nếu có chỉ là trường lý luận, chứ không có trường nào dạy sáng tác cả Chỉ có những Viện Văn học, Hàn lâm Văn học để đánh giá các tác phẩm thôi. Trông thế thì biết Văn học là môn nghệ thuật lạ lùng nhất. Có thể nêu một vài dẫn chứng sau đây ở nước ta mà tôi biết khá rõ:

    Hồ Biểu Chánh là một vị chủ quận, Nguyễn Công Hoan là thầy giáo, Nguyễn Tuân l công chức, Tô Hoài là một người dân thường của một làng thợ dệt, Nguyên Hồng là một người nghèo, Truy Phong là thầy giáo, Xuân Tước là một nhà huấn luyện thể thao, Sơn Nam là một học trò khó, Huy Hà là một thanh niên mê thơ Nguyễn Bính v.v... và v v Nhưng bỗng họ trở thành nhà văn trong một sớm một chiều, vì những trang sách mà họ viết lên bằng con tim thổn thức, không với khuôn mẫu nào cả, không có thầy nào dạy cả.

    Tôi chưa thấy ai định nghĩa hai tiếng nhà văn một cách độc đáo và chính xác bằng Thạch Lam: "Nhà văn (hay nghệ sĩ) là một sản phẩm kỳ dị của Hóa công ... Không phải muốn là được, học mà nên ... " Tôi xin mượn thêm lời Nhà văn cổ điển Nga, mà tôi đọc cách đây gần 50 năm. Piotr Pavlenko đã nói: "Những kẻ có trái tim âm ấm (les coeurs tièdes) không làm nhà văn được. Hãy viết để trở thành nhà văn. Khác hơn, thì đó chính là buôn lậu". Hai danh nhân trên đã định nghĩa rõ ràng nhất hai tiếng nhà văn. Các bậc tiền bối ta đã viết, và đã trở thành nhà văn.

    Ngày nay hễ nói đến Hồ Biểu Chánh, là nói tới Ngọn Cỏ Gió Đùa, nói đến Nguyễn Công Hoan, không thể quên Bước Đường Cùng, Lá Ngọc Cành Vàng, nói đến Nguyễn Tuân, phải nhắc Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, nói đến Tô Hoài là thấy lại Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Quê Người, nói đến Nguyên Hồng là nhớ đến Bỉ Vỏ, nói đến Sơn Nam là muốn tìm đọc Văn Minh Miệt Vườn, Hương Rừng Cà Mau, nói đến Huy Hà là ngậm ngùi Hoa Trắng Thôi Cài Trên áo Tím, Sơn Nữ Phà Ca, nói đến Tâm Điền - Xuân Tước là nghe lại dư âm Tự Do Cơm áo Hòa Bình, và những bài thơ nâng ông lên hàng Thi sĩ Vàng của thơ ca thế giới hiện đại.

    Đó là những bực thầy của tôi trong văn học nghệ thuật, những người đã trao cho tôi cây bút để cầm và viết. Đúng ra tôi muốn nêu lên những điều mà tôi học được ở các thầy rải rác khắp nơi chớ không ở một trường học nào. Có những điều tưởng chừng như rất nhỏ, thế mà lại rốt lớn, có những điều tưởng là bình thường, nhưng lại rất cao siêu. Trong nghề viết, học và hành suốt đời vẫn chưa hết. Ngoài nhữmg điều học được nơi các bậc ấy, tôi cũng xin được nêu lên những hoàn cảnh mà tôi nghĩ rằng có ảnh hưởng đến tôi, những ông thầy vô danh mà kẻ dạy lẫn người học đều không biết. Sách của ta còn có câu "Học thầy không tày học bạn ". Tôi học ở bạn cũng nhiều như học ở thầy.

    Vậy xin cảm tạ các thầy và các bạn.

    Xin cảm tạ độc giả.

    Xuân Vũ

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837
    NHỮNG BẬC THẦY CỦA TÔI (Xuân Vũ): Mục Lục

    Nhà văn Xuân Vũ trong vườn hoa lưu niệm William Shakespeare tại Anh quốc (1972)


    MỤC LỤC

    Lời Nhà Xuất Bản
    Đôi Lời Cùng Độc Giả
    PHN I
    Chương I : Truyện Tầu: kho tàng văn hoá của tôi
    Tây Du: trang truyện đọc đầu tiên
    Chương II : Ông thầy Huế,
    bạn thơ từ phương xa của tía tôi
    Chương III : Từ trận đòn nên thơ
    đến kho tàng trong ngôi nhà xưa
    Chương IV : Rửa chân cho sạch nước phèn
    Chương V : Rạp hát Nam Xuân
    và nàng tiên của tuổi thơ
    Chương VI : Nắng gió
    và tiếng chuông chùa quê ngoại

    PHẦN II
    Chương VII : Mầm non ươm trong khói lửa
    Chương VIII : Thi sĩ vàng: Xuân Tước
    tức thi sĩ Tâm Điền, thầy tôi
    “Đây biển rộng, đây rừng sâu”
    Chương IX: Trận Cầu Mống 1946
    Hoạ sĩ Diệp Minh Châu:
    “Sản phẩm kỳ dị của hoá công”
    Chương X : Sơn Nam Phạm Anh Tài
    Kiên Giang Hà Huy Hà
    Chương XI : Nhà phóng viên bắt đầu biết mùi thuốc súng

    PHẦN III
    Chương XII : Những bậc thầy trong văn xuôi
    Ra miền Bắc: Hà Nội đất ngàn năm văn vật
    Chương XIII : Nguyễn Tuân:
    Người bào chế rượu mơ
    Chương XIV: Nguyên Hồng:
    khi viết tôi cấu thịt da tôi để trên giấy
    Chương XV: Nguyễn Huy Tưởng:
    “đất Nam kỳ là đất tiểu thuyết”
    Chương XVI: Nguyễn Công Hoan:
    “truyện là bịa y như thật”
    Chương XVII: Chi tiết nhỏ làm nên tiểu thuyết lớn (Léon Tolstoi)
    Chương XVIII : Cá tánh của nhân vật trong truyện Tầu
    Chương XIX : Thêm vài nhân vật có cá tính độc đáo trong truyện Tàu:
    Lã Bất Vi – Quách Hoè – Dự Nhương – Tạ Nguyệt Kiều

    Chương XX : Mấy truyện ngắn tôi không bao giờ quên

    Chương XXI : Góp nhặt bốn phương
    Chương XXII : Viết thêm
    Lại viết thêm
    Last edited by frankie; 02-13-2023 at 11:28 AM.

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    CHƯƠNG XX


    MẤY TRUYỆN NGẮN TÔI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN


    Truyện ngắn! Một thể loại khó viết vô cùng. Bằng một số chữ ít nhất, người viết phải thể hiện cái ý định của mình rõ rệt và mạnh mẽ nhất!

    Anh Bùi Hiển, một cây bút viết truyện ngắn tài ba trước 45, tác giả quyển Nằm Vạ được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn - đã định nghĩa truyện ngắn như sau với tôi: "Đó là một cái coupe dọc hoặc ngang của một con người hoặc của xã hội. (C’est une coupe latérale ou transversale d’un homme ou d’une société)"- Tôi hiểu ra đó là một mặt, một khía cạnh nào đó của một con người hoặc của xã hội, chớ không phải toàn bộ con người hoặc toàn bộ xã hội.

    Thí dụ: Bỉ Vỏ không phải là một truyện ngắn, vì nó biểu hiện toàn bộ xã hội "chạy vỏ" trong cái xã hội thời bấy giờ gồm có nhiều người, nhiều mặt mà Tám Bính và Năm Sài Gòn là tiêu biểu.

    Tôi có hỏi anh nên bắt đầu truyện ngắn từ đâu? Anh bảo: "Từ chỗ có chuyện!" Tôi hiểu ra rằng: cắt bỏ khúc đầu càng nhiều càng tốt, cắt đến chỗ nào không thể cắt được nữa. Vì nếu cắt thì chuyện sẽ thiếu.

    Tôi có cái tật là viết phải lấy trớn một đoạn hoặc một vài đoạn rồi mới "vô" được. Viết xong, thường thường tôi bỏ khúc đầu.

    Với định nghĩa trên đây, tôi xin lược thuật đại ý mấy truyện ngắn mà tôi nhớ đã ba bốn chục năm nay. Và có lẽ không bao giờ quên các truyện của Antoine Tchékhov (nhà văn Nga):


    A. TCHÉKHOV: CÁI CHẾT CỦA MỘT CÔNG CHỨC

    Một anh công chức đi xem hát, ngồi trên tầng lầu. Xem một lát, anh bỗng thò đầu ra nhổ một bãi nước bọt xuống phía dưới. Anh ta có cái thói quen ây từ lâu, ở nhà hoặc ở công sở. Nhưng dù có mất vệ sinh, cũng không tác hại nhiều, vì ở nhà và ở công sở anh không ngồi trên lầu, còn ở rạp hát thì anh lại ngồi trên lầu. Ngồi trên lầu mà nhổ nước bọt xuông tầng dưới, thì thật tai hại. Sau khi nhổ xong, anh mới giật mình nhớ ra rằng mình không nên nhổ như vậy, nhưng đã muộn rồi. Bãi nước bọt kia rơi trúng một cái đầu hói bóng lưỡng. Cái đầu hói kia ngẩng lên nhìn xem kẻ nào bất lịch sự đến vậy, thì anh công chức nhận ngay rằng đó là cái đầu hói của ông giám đốc nhà mình.

    Anh bèn bỏ chỗ, nhẩy thang ba nấc một xuống đứng trước mặt vị giám đốc, cúi gập người, lắp bắp:

    - Thưa ông giám đốc, tôi đã vô tình nhổ nước bọt lên đầu ông giám đốc.

    - Thế à? - Ông giám đốc đã lau xong bãi nước bọt, nhét khăn vào túi. Không có vẻ gì giận dữ.

    - Thưa ông giám đốc, đây chỉ là sự vô tình thôi ạ!

    Ông giám đốc xua tay, độ lượng:

    - Không sao cả. Anh không phải lo!

    - Vâng ạ! Thưa ông giám đốc, đó chỉ là vô tình. Tôi không cố ý nhổ như....

    - Được rồi! Anh cứ trở lại xem tự nhiên. Kịch đang hồi hay.

    Anh công chức lại cúi rạp cám ơn lia lịa và vọt trở lên, nhưng đến nửa chừng thì anh ta lại trở xuống với những cử chỉ quan trọng hơn lần trước.

    - Thưa ông giám đốc, tôi quả tình không có ý định nhổ nước bọt trên đầu ông giám đốc. Đó chỉ là một sự vô ý, một sai lầm vì bất cẩn, vì thói xấu tự nhiên của một con người. Và loài người ai mà không có một hoặc nhiều thói xấu!

    Ông giám đốc rộng lượng nhưng hơi khó chịu vì ông đang say mê theo dõi vở kịch. Mắt ông đăm đăm nhìn lên sân khấu, mồm nói:

    -Tôi hiểu! Tôi hiểu! Anh cứ yên tâm.

    - Cảm ơn ông giám đốc, tôi xin được mãi mãi làm người tôi tớ của ồng giám đốc, và ông giám đổc sẽ mãi mãi là người chủ anh minh nhất của tôi.

    - Tôi sẽ không xuống cấp anh, sẽ không bớt lương anh. Anh yên tâm chưa nào?

    - Cám ơn ông giám đôc. Vợ con tôi sẽ đến xin lỗi và cảm ơn ông giám đốc.

    - Tôi không muốn nghe những lới nịnh hót thái quá của anh nữa. Anh nên trở lại mà xem hát.

    Anh công chức lại trịnh trọng cảm ơn rồi trở lên lầu. Nhưng lương tâm cắn rứt, anh không ngồi yên được mà xem hát. Anh như mất hồn cho đến lúc vãn. Về nhà anh lại cũng không yên tâm. Nhổ nước bọt lên đầu ông giám đốc, đâu phải là lỗi nhỏ. Anh không thể nào sống yên được.

    Ông giám đốc về nhà, vở kịch hay làm cho ông thích thú. Đến lúc vào buồng ngủ, ông hãy còn bàn bạc với vợ về các vai đào kép. Nhưng lại có tiếng đập cửa, có vẻ khẩn cấp. Ông để luôn đồ ngủ, chạy ào ra mở cửa.

    Cả một tốp người hiện ra trước mặt ông, kẻ đứng, người quì gối:

    - Tôi xin cắn rơm cắn cỏ xin ông giám đốc tha tội cho!

    Ông giám đốc nhận ra tiếng anh nhân viên, bèn quát:

    - Tôi đã bảo anh không có tội gì. Nghe rõ chưa!?

    Anh công chức quì mọp xuống, và cứ lải nhải:

    - Quả thật con không có ý định làm... cái đầu của ông giám đốc nhơ bẩn ra vì một bãi nước bọt vô tình.

    - Tôi xin lấy danh dự của một giám đốc hứa với anh rằng tôi không bắt lỗi anh gì hết!

    Ông giám đốc quát rồi, trở vào đóng sầm cửa lại.

    Anh công chức dắt vợ con về nhà. về đến nhà, anh không nói không rằng gì cả, anh leo lên giường nằm ngay chân ra mà chết.

    A. TCHÉKHOV: CHIẾC MỀ ĐAY

    Nhân viên sở hỏa xa An-tôn Séc-gây-ép-ki lấy làm hân hoan được giấy mời đi dự tiệc tối nay. Anh ta khoe với vợ tấm thiếp mời, rìa chạy chỉ vàng, và giữ nó trong túi áo không rời. Từ giờ đến lúc vào tiệc còn ba tiếng đồng hồ nữa. cố làm sao đừng mất, đừng làm bèo nhèo tấm thiếp quí. An-tôn nhắp nhỏm chờ tới giờ là phóng lên xe đi ngay. Phòng tiệc cũng vừa đông khách thức ăn đã dọn lên bàn, nào thịt gà quay, nào thịt bò chiên thơm bát ngát. Khách toàn những ông to bà lớn sang trọng Những chiếc áo có đuôi, bên cạnh những chiếc váy đăng ten. Những bộ ria mép tỉa tót kỹ hơn hàng rào vào ngày lễ Phục sinh. Ngực nhiều ông chói lói những huy chương cao cấp, những bội tinh nói lên công trạng lẫn ân đức của người được trao tặng.

    An-tôn cũng có một chiếc chớ có thua ai? Chiếc huân chương "Hoàng hậu Anna" là loại cao nhất đang đeo lủng lẳng trên ngực, nhưng chàng ta không dám chường mặt và ưỡn ngực ra như thói thường những kẻ đeo huân chương. An-tôn hơi len lén, nhưng chỉ một lát thôi, rồi chàng ta lấy lại dũng khí như thường. Vừa lúc đó thì chủ nhân buổi tiệc mời khách vào bàn.

    Chiếc ghế mà chàng ngắm nghía cho mình là chiếc ghế ở trong cùng, nhưng quái ác thay, chủ nhân lại dành cho chiếc ghế ở giữa bàn, nơi mà từ mọi phía tia mắt đều có thể chĩa vào tấm huân chương "Hoàng hậu Anna" rực rỡ của chàng. Chàng đâm ra sợ hãi, trong lúc ăn, chàng hơi mọp xuống cho chiếc huân chương thòng gần mép bàn. Và chàng chỉ dùng tay mặt để cầm dao nĩa, còn tay trái thì vờ gãi đầu gãi tai, chùi mép bằng chiếc khăn bàn, để có lý do che chiếc Hoàng Hậu Anna đệ nhất đẳng.

    - Bây giờ chàng mới biết cái khổ tâm của kẻ mượn huân chương đeo đi ăn tiệc. Chàng sợ những người quen biết điều đó. Cũng may, ở đây không ai quen, nên dù có ngó thấy tấm Hoàng hậu Anna trên ngực chàng, họ cũng không biết là chàng đã mượn của một người bạn.

    Bất thần, chàng trông thấy thằng bạn Sà-lù-bốp ngồi trước mặt chàng, chỉ cách nhau có con gà quay. Chốc nữa đây, khi chú gà biến đi, thằng Sà-lù sẽ chẳng gặp khó khăn nào để xoi mói vào tấm huân chương cao quí của chàng. Hắn ta dư biết chàng làm gì có tấm huân chương ấy. Nhưng mà sao me xừ Sà-lù cũng có vẻ len lét?

    Hắn không nhận chàng là bạn quen, cũng không nhìn chàng như thường lệ. Càng lạ hơn nữa, hắn cũng chỉ dùng có một tay xử dụng dao nĩa, còn tay kia thì lại quơ quơ trước ngực. Nhưng có lẽ hắn thấy thế không tự nhiên, nên hắn buông cả muỗng, nĩa, và lấy chiếc khăn bàn giắt lên cổ áo. Chiếc khăn bàn thừa sức phủ kín cả cái phía trước của hắn: ngực lẫn bụng. Rồi hai tay hắn tha hồ hoạt động. Cả cặp mắt hắn xoáy vào ngực chàng một cách thẳng thắn, hằn học hoặc chế riễu làm cho chàng đã lúng túng càng thêm lúng túng.

    An-tôn mong cho buổi tiệc tan nhanh để trở về nhà lột cái huân chương trả cho bạn, và thề không bao giờ đi mượn danh dự của người khác để đi dự tiệc nữa.
    Nhưng kìa, bỗng nhiên cái khăn ăn trên ngực Sà-lù-bốp lại rụng xuống như có bàn tay nào giựt. Sà-lù buông dao nĩa và chụp lại, nhưng không kịp. Cả bộ ngực hắn phơi ra, trên đó lủng lẳng tấm huân chương "Đại đế Guy- dôm".

    Antony thở phào: Hắn cũng mượn huân chương của người ta. Hắn làm gì có được huân chương "Đại đê Guỵ-dôm" mà đeo?

    Thế là An-tôn dùng cả hai tay cầm muỗng nĩa, còn bên kia, Sà-lù cũng không cần giữ miếng gì hết.

    Hai bên cắt xôm, nhai ngốn lia lịa, không bên nào sợ bên nào nữa cả. Chưa thỏa mãn, họ còn buông dao nĩa, dùng cả hai tay quơ hốt!

    Hai truyện trên chứng tỏ sức sáng tạo của nhà văn thật là phi thường. Có lẽ ông tưởng tượng nhiều hơn là lấy chất liệu từ thực tế. Một nét nho nhỏ ngoài đời vào tay nhà văn trở thành một bức họa sinh động và bất hủ .

    Đọc Cái chết của một công chức ta thấy mấy hình tượng- Bãi nước bọt cái đầu hói. Tchékhov đã cường điệu cái chết của viên công chức một cách tài tình hết sức. Ngoài đời chắc là không có cái chết nào như vậy, nhưng trong văn học ta thấy nó thực vô cùng. Còn truyện Cái mề đay thiệt là lý thú. Kẻ đi mượn danh dự của người khác làm của mình, rồi sớm muộn gì cũng bị lột mặt nạ.

    Tchékhov là một vị bác sĩ, không hiểu sao ông lại bỏ nghề mà đi viết văn và nổi tiếng hơn cả nghề lương y. Ông có lối viết sắc nhọn chế riễu xã hội như trên. Tôi không được đọc ông nhiều, nên không dám nhận định tổng quát.


  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Sau đây là hai truyện của Guy de Maupassant, có lẽ nhà văn mà tôi đọc nhiều nhất trong các nhà văn nước ngoài.

    Truyện Tình yêu mà tôi thuật lại sau đây không có chi tiết nhiều như hai truyện của Tchékhov, nhưng luận đề của nó rất sâu sắc. Truyện này tôi đọc ít nhất là đã trên ba mươi năm, nhưng mới vài ba năm trước, tôi gặp lại một người bạn cũ hồi còn trẻ. Ngồi nói chuyện với nhau, tôi bỗng nhớ lại truyện này, và tôi đã kể lại cho người bạn nghe. Không hiểu sao nó lại bất ngờ hiện lên trong trí tôi như thế?

    GUY de MAUPASSANT: TÌNH YÊU (L’amour)

    Từ Paris đến... tôi đi vào rừng gặp một đôi chim. Tôi giương súng bắn một phát. Một con chim rơi xuống máu me nhuộm cỏ. Con chim còn lại không bay đi mà cứ bay quần trên đầu tôi, có ý nhìn xuống người bạn mình đang hấp hối dưới đất. Không biết đó là con trống hay con mái. Tôi định giương súng bắn tiếp, nhưng rồi hạ súng xuống, không bắn nữa. Định hè này ở chơi lâu vùng miền Nam. Nhưng hôm sau tôi bỏ ý định đó và trở lại Paris.

    Truyện chỉ có thế, đâu chừng hai trang. (Câu kết không ăn nhập gì với truyện cả, vậy mà truyện gây một ấn tượng không phai.)

    GUY de MAUPASSANT: TRÊN TOA XE (En wagon)

    Trên toa xe, một anh nông dân đặt những đồ nghề gồm những cuốc xẻng dưới gầm băng và tìm chỗ ngồi. Bên dẫy băng trước mặt có một người đàn bà đứng tuổi, mập mạp, nhưng vẻ mặt đầy lo âu, pha lẫn chút đau đớn. Chị ta ngó mông ra ngoài, như tìm một người quen.

    Đoàn tầu chạy nhanh, không đỗ lại ở ga nào. Người đàn bà nhăn nhó, rồi một lúc sau ôm ngực tỏ vẻ khó chịu, chị ta càng để lộ vẻ đau đớn. Anh nông dân bèn đến gần và hỏi thăm cớ sự để giúp đỡ. Chị ta nói:

    - Tôi bỏ đứa con ở nhà, đi ở vú cho người khác cách đây hơi xa. Sữa căng, tôi đau đớn vô cùng. Tôi mong tầu đỗ lại để tìm một đứa bé cho nó bú, thì hết đau.

    Anh nông dân nói:

    - Như vậy... tôi có thể giúp bà được không?

    - Nếu ông vui lòng.

    Người đàn bà vạch áo ra, và người đàn ông quì xuống làm nhiệm vụ của một đứa bé. Xong rồi, anh đứng dậy. Người đàn bà lấy làm khoan khoái, kêu lên: "Tôi xin cảm ơn ông!"

    Người đàn ông nói:

    - Chính tôi phải cảm ơn bà. Tôi đang thất nghiệp, đi tìm việc làm. Đã hai hôm tôi không có cái gì cho vào dạ dầy.

    Đó là hai truyện ngắn của Maupassant đăng trong tập Truyện chọn lọc của ông. Ở đây nhà văn vừa sáng tạo phi thường và vừa chứng tỏ sự quan sát của mình cũng phi thường không kém.

    Nếu với một cây bút không có bản lĩnh thì trên đây chỉ là hai mẩu chuyện nhưng dưới ngòi bút của Maupassant, nó trở nên những truyện ngắn tuyệt tác. Rất tiếc tôi không nhớ những chi tiết để ghi lại mà chỉ nhớ cốt truyện.

    Một tý bột ông đã gột nên hồ. Cái đặc biệt của cặp mắt và trái tim của nhà văn là ở chỗ đó. "Thấy" cái trước mắt mà người thường "không thấy". Cũng như các anh Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài... thường nói về Vũ Trọng Phụng:

    "Cái thằng Xuân Tóc Đỏ nó lù lù ở trước mặt đó mà chẳng anh nào ‘thấy’ cả, để Vũ Trọng Phụng viết lên rồi mới té ngửa ra!"

    Vậy vấn đề "thấy" của nhà văn cũng quan trọng như vấn đề viết. Có khi "thấy" lại còn quan trọng hơn. Không "thấy" thì làm sao mà viết được. Cũng như Vũ Trọng Phụng "thấy" chàng Xuân Tóc Đỏ vậy.

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Một truyện ngắn hay, một truyện dài hay đều có một hoặc tất cả những yếu tố sau đây;

    - Cốt truyện ly kỳ. (Bỉ Võ)

    - Sự sáng tạo của tác giả. (Số Đỏ)

    - Văn chương mượt mà.

    - Sự bố cục khéo léo (độc giả bị ngạc nhiên, nhưng bố cục vẫn mạch lạc).

    Những truyện trên đây tôi cố gắng kể lại. Thưởng thức một truyện ngắn chỉ đọc được tóm tắt, thì chẳng khác nào mua trâu vẽ bóng. Tuy nhiên, ta có thể rút ra được một điều gì bổ ích.

    Sau đây tôi xin đưa ra truyện ngắn của hai nhà văn Việt. Một Nam, một Bắc, một già, một trẻ dưới cặp mắt của tôi.


    XUÂN TƯỚC: CON RẮN VÚ NÀNG


    Bà vợ Cai tổng có nhân tình là Ba Sanh. Anh này sợ bà mà phải tới lui. Sanh có nhân tình là Tư Phước. Bà Cai ghen, nên muốn chia rẽ hai người. Bà bèn than thở với ông Cai rằng mình già rồi mà chưa có con. Rồi bầy mưu cưới cô Phước cho ông làm vợ bé để kiếm chút con nối dòng. Thế là đôi uyên ương đứt đường tơ. Bà Cai trả được thù Ba Sanh, đồng thời được "rảnh tay" để hú hí với tình nhân mới là ông thầy thuốc rắn trong xóm. Nhưng chẳng bao lâu, vợ bé ông Cai lại có bầu. Như thế, bà Cai sẽ mất của mấ't quyền trong nhà ông Cai. Bà bèn nhờ tay ông thầy rắn giết giùm con yêu tinh kia.

    Ông thầy đi tìm con rắn Vú Nàng là loại rắn cắn chết ngay, thường ở trong gốc tre già. Ông thầy phải bỏ nhiều công mới bắt được con rắn đem về nuôi trong chai. Bà Cai lại nghĩ cách dùng con rắn để giết tình địch.

    Ông thầy đóng một chiếc giường, bốn chân làm bằng gốc tre, ông thầy dùi một lỗ bỏ con rắn vào. Xong bà Cai chở chiếc giường lại tặng, cho bà nhỏ "nằm chỗ". Nhưng đứa bé đã ra đời mà mẹ nó cứ sống nhăn. Bà Cai càng sốt ruột, nên tự tay bà bào chế thuốc độc đem lại gạt tình địch bảo là sâm nhung, em uống cho khỏe.

    Nhưng đến nơi thì trời mưa, bà Cai trượt chân té, làm đổ chén thuốc và tắt đèn. Khi mẹ thằng bé tìm được hộp quẹt đốt đèn lên, thì thấy bà Cai nằm dưới đất sủi bọt mồm. Trong lúc đèn tắt, phòng tối om con rắn mới bò ra. (Loại rắn này kị ánh sáng, nên trong thời gian trước nó không bò ra, vì ban đêm người mẹ để đèn sáng cho tiện việc cho con bú). Bữa nay phòng tối om nó mới bò ra vào đúng lúc bà Cai chụp vào cái chân giường, nên bị nó cắn.

    Ông Cai chạy đến thì vợ lớn đã chết, nhưng nhìn cô vợ bé trẻ nõn nà, lại có thêm đứa bé nối dòng, ông cũng buồn nhưng không khóc. Ông không biết thằng bé là con của Ba Sanh.

    Khi tôi đọc truyện này, thì tôi nghĩ ngay đến Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, một truyện tiêu biểu nông thôn miền Bắc. Tôi bèn gọi phôn cho cụ Xuân Tước, đề nghị viết truyện Con Rắn Vú Nàng thành truyện dài như Tắt Đèn, nhưng cụ bảo đã viết truyện ngắn rồi, không phá ra được.

    Trong truyện này có một chi tiết thần kỳ: "Bà Cai cột sợi dây lưng quần của bà vô ngón tay cái của anh Ba, rồi bảo giật đi, giật mạnh đi!" Xin nói thêm để độc giả cả ba miền rõ là đàn bà con gái Nam Kỳ thời đó mặc quần dây lưng rút, hễ nắm đầu dây lưng giật mạnh là... ăn thua ngay. Nhưng ở đây bà Cai lại không tự giật, mà buộc nó vào ngón tay của tình nhân và bảo giật. Với cách nào khác cũng không hay bằng cách này, nó vừa âu yếm lai vừa có cái tâm lý: Chia hai tội lỗi với người tình.

    Ngoài ra tôi còn thú vị cái kết của câu chuyện: Bà Cai thù người hại mình, nên chết bất ngờ. Độc giả bị một cái "double surprise" (ngạc nhiên hai lần.) Cái chết của bà Cai là một, rồi đến thằng bé mà ông Cai mừng rỡ nựng nịu tưởng là con mình lại là con của tình địch, là hai.

    Cái kết này cũng hay như cái kết của Món trang sức (La Parure) của Maupassant. Ngoài ra nữa, câu chuyện rất Nam Kỳ, ai đọc cũng không lầm lẫn được. Còn về bố cục thì rất khéo léo và hợp lý.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 4
    Last Post: 06-26-2021, 01:19 AM
  2. Truyện lại bị "đạo truyện"
    By Tuấn Nguyễn in forum Truyện
    Replies: 42
    Last Post: 07-10-2014, 12:30 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 10-11-2013, 12:58 PM
  4. Replies: 2
    Last Post: 03-05-2013, 07:44 AM
  5. Replies: 1
    Last Post: 04-13-2012, 12:11 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 07:30 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh