Register
Page 1 of 4 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 39
  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837

    Bí mật của Katrya - Truyện dài Mặc Bích

    Bí mật của Katrya



    Mặc Bích


    Phần 1



    Chương 1



    Hoài trở mình. Chỉ một cử động mà khoảng cách giữa nàng và Lữ sát hẳn vào nhau. Hơi ấm từ người Lữ như lan sang thật nhẹ nhàng. Nàng ôm lấy Lữ, áp mặt vào ngực chàng. Lữ tỉnh dậy, he hé mắt nhìn Hoài. Chàng vòng tay ôm chặt lấy Hoài, vùi đầu vào mái tóc nàng. Lữ không muốn dậy và cứ muốn nằm như thế này mãi. Có lẽ Hoài cũng cùng một ước muốn như thế qua những ngón tay vuốt ve ngực, rồi khuôn mặt, mái tóc Lữ.

    Nhưng rồi cũng phải dậy. Lữ nói với nàng:

    - Em cứ nằm nướng nữa đi, anh dậy trước rồi pha cà phê đưa em đi làm.

    Hoài ươn ái ngồi dậy:

    - Em muốn lái xe đi làm. Đã có xe mới rồi mà!

    - Xe để đi chơi thôi! Anh muốn đưa em đi làm. Sau tai nạn xe không ngại lái xe sao? Anh không yên tâm.

    - Bây giờ anh làm việc khuya cần phải ngủ thêm. Em lái xe được mà. Em không sao cả. Muốn trở lại như trước.

    Lữ thở dài thầm:

    - Anh sẽ tập thay đổi thời gian làm việc nhưng mà..

    - Em không sao, đừng lo!

    - Có gì gọi anh!

    - Yên tâm mà!


    *


    Lữ đứng ở sân trước nhìn Hoài lùi xe xuống đường. Nàng quay kính xe xuống đưa tay vẫy. Nhìn theo chiếc xe trườn đi nhẹ nhàng mà Lữ không thấy thoải mái dù biết chiếc xe mới Hoài vừa mua không có vấn đề nhưng chàng vẫn muốn đưa nàng đi làm hơn là để Hoài tự lái xe như trước đây. Cứ tưởng tai nạn xe sẽ làm Hoài không muốn lái xe nữa chứ! Nàng vẫn không muốn bỏ đi sự độc lập và tự do của mình, Lữ hiểu như vậy!

    Chiếc xe mới rất êm nhưng hơi lạ lẫm, ngay cả cái mùi da của nó cũng làm Hoài phải chú ý. Nàng nhớ chiếc xe cũ của mình, từ chỗ ngồi bao năm đã sít xao, không có mùi xe mới, mọi thứ quen thuộc! Cũng chỉ vì tai nạn xe! Nàng mở hé cửa kính nhưng lại phải bấm nút đóng ngay vì không chịu được những tiếng ồn ào trên đường cũng như mùi khói xe! Hoài lại nghĩ đến nét mặt nhăn nhó của Lữ khi thấy nàng nhất định tự lái xe đi làm. Nàng lẩm bẩm một mình nhưng với nụ cười: “Anh thật! Em đâu phải con nít mà anh cứ lo từng chút một như vậy!”.

    Nụ hôn của Lữ trước khi nàng lên xe như lưu luyến và cầm giữ. Hoài đang cảm nhận được một ràng buộc vô hình giữa nàng và Lữ cho dù không ở bên nhau. Để nàng đi một mình đối với Lữ là một buông thả bất đắc dĩ. Nghĩ đến buổi chiều đi làm về có Lữ đang chờ đón, nàng thấy hạnh phúc.


    *

    Đến văn phòng sớm 15 phút nhưng Anne đã có mặt và đang sửa soạn hồ sơ. Anne vui vẻ hỏi Hoài:

    - Hôm nay anh Lữ đưa chị đi làm sớm thế?

    - Không, chị lái xe đi làm!

    - Chị có xe mới rồi mà em quên! Chị khỏe chứ?

    - Chị bình thường. Anne OK hả?

    - Em được! À, hôm nay chị bận đấy!

    - Tốt thôi!


    Ashley Bernal


    Đây là lần đầu tiên người phụ nữ tên Ashley Bernal đến đây nhờ Hoài tư vấn.
    Hoài ân cần bắt tay người bệnh nhân mới. Những câu nói quen thuộc với những người bệnh nhân khác khi mới bước vào đây đều được lập lại.

    Khi cô ta ngồi xuống chiếc ghế bành xa nhất cũng là lúc Hoài liếc nhanh hồ sơ. Ashley Bernal 35 tuổi, ly dị, có 1 con. Nghề nghiệp: thư ký cho một hãng dầu lớn. Cô ta đã chọn một khoảng cách xa nhất đồng nghĩa với những chuyện khó nói và khó bầy tỏ.

    Hoài nói với cô ta:

    - Chúng ta có thể bắt đầu nói chuyện được không?

    Cô ta có lẽ ngần ngừ rồi mới trả lời:

    - Dĩ nhiên.. là đến đây để nói chuyện.

    - Cô có muốn bắt đầu câu chuyện của cô không? Tôi đoán là không đơn giản, tôi nói như thế có đúng không?

    - Đúng là không đơn giản!

    - Vậy chúng ta có thể bắt đầu từ đâu?

    Hoài chưa bao giờ đặt một câu hỏi như thế với bệnh nhân. Nàng tự hỏi thầm mình hôm nay làm sao vậy?

    - Tôi đang phân vân chọn lựa xem ai là người nên nói trước?

    - Cô hay tôi?

    - Không! Không phải như vậy!.. Có rất nhiều người trong tôi.. nên không biết ai mới là người nên nói trước..

    Dissociative identity disorder! Hoài nghĩ ngay đến căn bệnh này!

    - Cô bị Dissociative identity disorder sao?

    - Đúng vậy!

    - Cô nhận thức được điều này từ bao giờ?

    - Cũng mới đây!

    - Có bao nhiêu nhân cách trong cô?

    - Tất cả có 4 nhân cách đang sống trong tôi! Có phải tôi đang bị rối loạn đa nhân cách không?

    - Phải! Nhưng có hòa hợp không?

    - Lúc đầu không sao cả. Nhưng đến bây giờ tôi bắt đầu thấy khó khăn điều khiển được bản thân cũng như cuộc sống của tôi!

    - Rối loạn đa nhân cách rất hiếm. Trong trường hợp của cô chỉ có 4 nhân cách khác nhau. Có những trường hợp còn nhiều nhân cách hơn cùng sống trong một con người. Thường là số nhân cách gia tăng theo sự phát triển của bệnh. Người mắc bệnh này phân chia nhân cách của mình và cho rằng có rất nhiều người khác nhau trong cơ thể của mình. Mỗi một nhân cách đó có thể có giới tính, tuổi tác, quốc tịch, suy tư riêng biệt, thậm chí có những bệnh hoạn khác nhau. Nhưng có nhiều người bệnh không hề biết là mình bị bệnh rối loạn đa nhân cách. Vì sao cô nhận biết về mình như thế?

    - Tôi có đi khám bác sĩ về thần kinh. Người bác sĩ đó đã cho tôi biết như vậy.

    - Vậy tại sao cô lại phải đến đây? Không thỏa đáng sao?

    - Có thể nói như vậy!

    - Như vậy cô đã rất hiểu về bệnh tình của mình?

    - Người bác sĩ đó không nói nhiều lắm nhưng có cho tôi dùng thuốc chống trầm cảm và lo âu.

    - Thuốc đó có giúp ích được cho cô nhiều không?

    Ashley trả lời:

    - Nói là không giúp ích được gì thì cũng không đúng nhưng tôi muốn tìm hiểu thêm về bệnh và về mình nữa nên tôi mới đến đây vì thấy cũng không khá lắm!

    - Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu nói chuyện về căn bệnh này trước nhé. Thật ra không phải có nhiều nhân cách hay nhiều con người trong một người bị bệnh này. Chỉ có một con người duy nhất nhưng từ đó nẩy sinh nhiều cách khác nhau trong tiến trình để đối phó với những thương tổn cho tâm lý và để giúp người bệnh tồn tại. Điều này cũng sinh ra nhiều cách suy nghĩ, nhận diện hay ngay cả trí nhớ cũng khác đi. Tuy nhiên đối với người bệnh có vẻ như như có nhiều con người khác nhau trong một con người, nhiều tên tuổi khác nhau, ngay cả những thói quen hay diễn đạt khác nhau, giọng nói khác nhau..v..v.. Nhưng thật sự rồi cũng chỉ quy về một con người là người bệnh đó mà thôi. Có nhiều người bị bệnh nhưng mãi sau này mới biết. Nhưng điều đáng ngại là hơn 70% những người bị rối loạn đa nhân cách có khuynh hướng tự hủy diệt! Hoặc cũng có thể đi đến hành động làm hại người khác!

    Ashley không nói gì chỉ yên lặng nghe.

    Hoài lại hỏi cô ta:

    - Những điều tôi vừa nói có giúp cô hiểu thêm về bệnh không?

    - Có! Tốt lắm! Tôi cũng tự đi tìm hiểu nhưng qua nhiều nguồn tin khác nhau về bệnh càng làm tôi thêm hoang mang và căng thẳng!

    - Căng thẳng chỉ làm cho bệnh tình thêm nghiêm trọng. Căng thẳng còn là nguyên nhân khích động thêm bệnh. Một trong những phương cách chữa trị là giúp người bệnh bớt căng thẳng.

    - Bà nghĩ nguyên nhân vì sao tôi bị bệnh này?

    - 90% là từ những thương tổn tâm lý từ khi cô còn nhỏ. Thông thường trong cỡ tuổi 6, 7 tuổi.

    Ashley vẫn chưa chịu nói thêm. Hoài gợi chuyện:

    - Kể cho tôi nghe về 4 nhân cách đó. Họ có tên tuổi chứ?

    - Lúc đầu chỉ có Anna 8 tuổi là một cô bé tóc vàng người Mỹ như tôi. Một thời gian sau xuất hiện Helen 16 tuổi người Đức, cô này rất thân thiện. Sau là Lucy 21 tuổi, người Mỹ nhưng gốc Âu châu. Gần đây là Julie 35 tuổi, Mỹ lai Phi Luật Tân.

    Hoài chợt đặt câu hỏi khác:

    - Cô có còn nhớ về tuổi thơ của mình không? Nói cho tôi nghe về gia đình của cô!

    - Gia đình tôi ư? Cha mẹ tôi đã chết cả rồi. Tôi có hai người anh trai.

    - Tuổi tác giữa cô và hai người anh trai có cách biệt xa lắm không?

    - Khoảng 5, 6 tuổi!

    - Tôi đoán cha cô rất nóng tính và dữ tợn?

    - Sao bà biết?

    - Đúng như vậy sao? Lúc nhỏ cô có sợ cha bà lắm không?

    - Sợ lắm!.. Rất sợ!

    - Ông ta có nghiện rượu hay ma túy gì không?

    - Rượu thì có. Ma túy tôi không rõ. Nhưng tại sao bà lại hỏi về cha tôi? Cha tôi thì có liên quan gì đến chuyện tôi có 4 nhân cách?

    - Lúc nhỏ cô và các anh của cô có thường bị cha đánh đập không?

    Không thấy Ashley nói gì, Hoài cũng yên lặng. Nàng chờ câu trả lời của cô ta.

    Vài phút trôi qua, người đàn bà tên Ashley Bernal nói. Nhưng không phải cô ta nói nhưng là nhân cách số 1 đầu tiên xuất hiện. Anna! Cô bé 8 tuổi! Giọng nói của cô ta bỗng dưng đổi thành như một đứa trẻ! Anna đang hiện diện trong căn phòng này! Giọng nói rõ ràng nhưng đúng là của một đứa trẻ con.

    Hoài chưa gặp trường hợp nào như thế từ khi hành nghề. Nàng giấu vẻ sửng sốt của mình và chăm chú lắng nghe. Hoài thấy nổi da gà!

    - Cha của Ashley cứ say rượu vào là đánh đập, đánh cả hai anh của Ashley nữa! Ông ấy hung dữ lắm!

    - Vậy mẹ của Ashley đâu?

    - Chết rồi!

    - Vậy Anna đến ở với Ashley sao? Hai người cùng tuổi sao?

    - Ừ, cũng gần bằng nhau. Ashley nhỏ hơn!

    - Anna cũng bị cha Ashley đánh luôn sao?

    - Ừ.. sợ lắm! Nhưng ông ấy chỉ đánh Anna, không đánh Ashley!

    Hoài thấy ngay cô bé Ashley lúc đó không biết mấy tuổi nhưng còn nhỏ lắm đã bị chấn thương tâm lý nặng nề vì những đòn tàn bạo của người cha say sưa. Nhân cách Anna bắt đầu xuất hiện để bảo vệ tâm lý cho Ashley thấy rằng thực sự chỉ có Anna là bị đòn mà thôi!

    Nhưng Hoài lại đặt câu hỏi với Ashley:

    - Này Ashley, Anna ra sao?

    Giọng của Ashley bây giờ cũng là giọng của trẻ con nhưng nhỏ nhẹ hơn Anna. Ashley có vẻ nhút nhát. Ashley đang quay ngược thời gian về với tuổi ấu thơ của mình.

    - Anna tốt bụng lắm, bị đòn mà không kêu nhưng chỉ khóc. Nhưng Anna hay bị ốm lắm!.. Nhiều vết thương chưa lành thì Anna lại bị ba đánh tiếp..
    Sao ba cứ đánh Anna hoài? Nhưng có nhiều ngày ba không đánh, ba tốt hơn. Khi không dữ tợn thì ba cho ăn bánh kẹo..

    - Vậy Anna ở với Ashley lâu không?

    - Ở hoài chứ! Bây giờ cũng đang ở bên cạnh nè!

    - Có chuyện gì làm Ashley và Anna nhớ hoài lúc còn nhỏ không?

    Ashley nghiêng đầu, đưa một ngón tay vào miệng như một đứa trẻ rồi trả lời:

    - Ồ.. có chuyện lạ lắm! Nhưng bà không được nói với ai nghe?

    - Không nói đâu! Cứ kể đi!

    - Có những lần đang đêm ba với hai anh khuân một cái gì dài lắm mà chắc nặng nữa rồi vất xuống giếng. Nhiều lần lắm. Đất sau nhà rộng lắm, gần hàng rào có cái giếng mà không có nước.

    - Giếng mà không có nước sao?

    - Ừ.. hết lâu rồi!

    - Có nhớ là bao nhiêu lần ba và hai anh ném cái gì xuống giếng không?

    - Nhiều lắm! Không biết là bao nhiêu lần nữa!

    - Bao giờ thì Helen đến?

    - Chừng vài năm sau. Bà muốn gặp Helen không?

    - Có, tôi muốn nói chuyện với Helen.

    Không thấy Ashley nói gì thêm. Hoài quan sát cô ta. Bỗng dưng Ashley đổi thế ngồi, vắt chân rất điệu và nghiêng đầu nói với Hoài. Giọng cô ta có vẻ như thẹn thùng nhưng rất trong trẻo và hơi sắc. Ashley không còn là Ashley nữa mà đang nhường chỗ cho nhân cách thứ ba là Helen.

    - Chào bà! Bà là ai vậy?

    - À.. tôi là.. bạn mà cũng là người mà Ashley muốn nói nhiều chuyện. Nghe nói Helen là người Đức phải không? Vậy thì ai dậy cho Helen nói tiếng Anh vậy?

    - Ashley và Anna.

    Bỗng dưng Ashley lại xen vào bằng cái giọng của đứa trẻ 6, 7 tuổi:

    - Tụi tôi dậy Helen nói tiếng Mỹ. Nhiệm vụ của Helen là chăm sóc các em và hai anh trai. Helen rất trầm tĩnh và biết an ủi mọi người.

    - Vậy khi nào thì Lucy đến?

    Bỗng dưng Hoài lại nghe Helen nói.

    - Tới khi Ashley bắt đầu có bạn trai đó!

    - Lucy có thích bạn trai của Ashley không?

    - Không thích! Lucy ghen lắm và hay giận nữa!

    - Còn Julie thì sao?

    - Mới đây thôi!

    - Julie là người như thế nào?

    Ashley trở lại giọng bình thường như hiện tại và làm như những nhân cách kia chợt biến đi hay trốn ở đâu đó.

    - Julie ít nói lắm và hay quên. Nhiều lúc Julie còn bị mất ngủ triền miên. Nhưng Julie.. cũng dữ dội lắm..

    - Dữ dội nghĩa là sao?

    - .. Julie định làm hại ba.. nhiều lần..

    - Nhưng không được sao?

    - Không.. không phải vậy. Chỉ vì sợ thôi!

    - Như vậy lúc đầu sống rất hòa thuận phải không? Nhưng bây giờ còn hòa thuận không?

    Người trả lời là Ashley của hiện tại:

    - Không hòa thuận dù rất thương yêu nhau. Chúng tôi là một gia đình, thực sự như vậy.

    - Chính vì có 4 cá tính khác nhau trong cô nên chuyện tìm ra là bị bệnh không dễ dàng vì không phải cả 4 cá tính ấy xuất hiện cùng lúc đúng không?

    - Đúng như vậy! Nhưng tôi không muốn loại bỏ một ai cả vì như tôi đã nói chúng tôi là một gia đình.

    - Đã là gia đình không có nghĩa là chúng ta cứ ở với gia đình mãi mãi. Lớn lên trưởng thành, lập gia đình có đời sống mới rồi khác đi. Mà ngay cả những người trong gia đình cũng thay đổi theo thời gian hay vì bệnh hoạn mà chết đi!

    - Vậy sao? Vậy.. sẽ có lúc Anna, Lucy và Helen cũng thay đổi hay không còn nữa hay sao?

    - Đúng vậy! Hãy xem đó là một chuyện phải xảy ra thôi! Anna, Lucy và Helen, Julie là những mảnh ghép của con người cô thôi!

    - Tại sao lúc tôi còn nhỏ Anna lại đến vậy?

    - Để bảo vệ cho Ashley! Trong tâm thức của Ashley, Anna chính là một khiên bảo vệ để sự tổn thương được nhẹ bớt đi. Một khi sự tổn thương được chữa lành thì nhiệm vụ của Anna không cần thiết nữa!

    - Còn Helen, Lucy và Julie thì sao?

    - Cũng vậy thôi! Nhưng tôi không hiểu những hình ảnh mà cha cô và hai anh cô khiêng những vật gì ném xuống giếng là gì và tại sao họ lại làm như vậy? Cô có hiểu không?

    - Helen đã đi lén theo để tìm hiểu và kể đó là những xác người!

    Hoài lặng người đi. Nàng chưa biết phải đặt câu hỏi tiếp như thế nào thì Ashley kể tiếp:

    - Helen nói, rồi Lucy nói mà không ai tin.

    - Các anh của cô nói gì?

    - Họ bảo tôi tưởng tượng! Nhưng sự thật là như thế!

    - Tại sao đó là những xác người? Ai giết những người đó?

    - Cha tôi chứ còn ai khác nữa!

    - Làm sao có thể chứng minh đó là sự thật?

    - Sau này Julie đã khuyên tôi đi báo cảnh sát.

    - Cô có làm như vậy không?

    Ashley ngồi thừ người ra một lúc rồi mới trả lời:

    - Gần đây tôi đã đến sở cảnh sát và kể những điều này cùng địa điểm nông trại nhà tôi trước kia.

    - Họ có tìm được gì không?

    - Nhiều xương người!

    - Sau đó cha cô ra sao?

    - Bây giờ ông ấy chết rồi! Lúc tôi đến sở cảnh sát và kể những điều này thì cha tôi đã qua đời.

    - Chuyện cô đến kể với cảnh sát có làm liên lụy đến các anh của cô không?

    - Không, vì lúc đó các anh tôi còn nhỏ và chỉ làm theo lệnh của cha tôi.

    - Nhưng kể được chuyện này ra có làm cô thấy nhẹ lòng hơn không?

    - Ồ, rất tốt! Tôi không còn thắc mắc gì nữa!

    - Tôi nghĩ cô đã hiểu về bệnh của mình thì chuyện đối phó với bệnh tương đối cũng dễ dàng hơn nhưng không phải là một ứng phó với bệnh trong một thời gian ngắn mà phải lâu dài. Cô phải có lòng tin với người giúp cô chữa trị để vượt lên bệnh tật và ngăn chặn bệnh phát triển. Hiểu biết về bệnh cũng là một điều rất tốt để khống chế bệnh tật! Thuốc trị trầm cảm và thuốc trị những lo âu căng thẳng cô cứ tiếp tục dùng bởi vì chưa có một loại thuốc nào nhất định để trị bệnh của cô. Cũng giống như cô đã nói 4 nhân cách đó là gia đình của cô. Vậy thì đó là một sự quen thuộc nhưng đừng để một trong 4 nhân cách đó xúi dục cô làm những điều sai trái, nhất là xúi dục tự hủy hoại thì phải quyết liệt chống trả.

    - Bà nghĩ tôi sẽ OK không?

    - Tôi nghĩ cô sẽ không sao. Phải tự tin như vậy mà sống. Càng hội nhập với đời sống được chừng nào càng tốt chừng đó. Chuyện thấy khó khăn điều khiển bản thân có đỡ hơn khi cô đã đi bác sĩ thần kinh và được uống thuốc trầm cảm không?

    - Có, đỡ hơn!

    - Vậy thì cứ đi tiếp tục con đường đó! Không sao cả! Cố gắng nhé! Nhưng theo tôi..

    Không thấy Hoài nói tiếp, Ashley hỏi:

    - Theo bà thì sao?

    - Như tôi nói lúc nãy gia đình cũng thay đổi, những người trong gia đình cũng vậy, lớn lên, đi xa, hay không còn nữa là điều mình phải chấp nhận.
    Ashley không còn bị đánh đập bởi ba của cô nữa thì nhiệm vụ bảo vệ của Anna cũng không cần thiết nữa. Helen chắc muốn đi về thăm quê hương cô ta chứ. Cả Lucy cũng thế. Còn Julie sau khi thấy Ashley đã đi báo cảnh sát thì mọi chuyện.. đã kết thúc.

    Ashley ngồi yên trầm ngâm không trả lời.

    Hoài lại nói tiếp những ý nghĩ của mình:

    - Chỉ có Ashley là thật! Duy nhất chỉ có mình Ashley là hiện hữu thôi. Còn Anna, Helen, Lucy và Julie không phải là thật. Cô phải phân biệt đâu là thật và đâu là không thật. Một khi cô đã nhận biết rõ ràng thì cô sẽ khỏi bệnh.

    - Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi..

    - Hãy từ giã họ!

    - Từ giã ngay sao?

    - Càng sớm càng tốt!

    - Hãy giúp tôi.. !

    - Cô thử đi! Ngay lúc này. Cứ xem như tôi không có mặt ở đây!

    Ashley ngồi im lặng. Cô ta cúi gầm đầu. Trong phòng im phắc. Hoài không biết Ashley có làm được hay không? Nàng kiên nhẫn chờ đợi.
    Giọng Ashley nghe rất nhỏ. Hoài phải chú tâm mới nghe được.

    - Anna!.. Chị xin lỗi.. Mình phải.. xa nhau!

    Ashley khóc thút thít, nghẹn ngào nói tiếp:

    - Đừng giận chị! Lúc nào chị cũng yêu Anna. Chị không thể gặp Anna được nữa. Mình… chia tay nhé. Chị cám ơn Anna bé bỏng của chị..

    - Làm sao chị quên được Anna.. Chúng ta đã gần gũi bên nhau suốt đi.. Chị nhớ những vết thương của Anna. Anna đã chịu đòn thay cho chị.. Anna yêu quý.. chị yêu em nhưng.. mình vẫn phải chia tay..

    Yên lặng một lúc rồi Ashley lại nghẹn ngào:

    - Anna bé bỏng.. chị yêu em.. chị cám ơn em..

    Dường như họ đang nhìn nhau, lưu luyến vì không muốn rời xa.
    Chỉ còn tiếng khóc của Ashley trong phòng. Khoảng chừng mươi phút sau, Ashley đưa tay vẫy vẫy:

    - Tạm biệt Anna!

    Tất cả xảy ra thật huyền diệu, Hoài nghĩ như vậy! Nàng chưa bao giờ chứng kiến một cảnh giã biệt cảm động như vậy! Nàng cũng không ngờ Ashley có thể vượt qua nỗi đau và sự quyến luyến với nhân cách đầu tiên của cô ta như vậy.

    Ashley ngửng đầu lên nhìn Hoài và cười gượng gạo:

    - Tôi đã nghe lời bà! Anna.. đi rồi!

    - Cô làm tốt lắm! Với những nhân cách còn lại cô cũng có thể làm được như thế mà không cần phải ở đây mới làm được. Tôi tin như vậy!

    Đến bây giờ mới thấy nét mặt Ashley tươi tỉnh.

    Lúc đưa cô ta ra cửa, Hoài trấn an Ashley:

    - Không sao đâu! Lúc nào cần có người nghe hay nói chuyện để giải tỏa thì cô cứ đến đây! Nhưng ngay ngày hôm nay mọi chuyện đã quá tốt đẹp. Cứ tự tin nhé!

    Hoài nhìn theo lưng Ashley khi cô ta đi ra ngoài. Nàng đã giúp Ashley được phần nào, nhưng chính cô ta đã cố gắng vượt qua nỗi đau, dứt bỏ sự gắn bó với những nhân cách khác. Chúc Ashley may mắn!
    Last edited by frankie; 05-18-2023 at 10:22 AM.

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Chương 2



    Gabriel Galian


    Gabriel vội vã vào thang máy, bấm nút lên văn phòng của Hoài. Một rộn rã không tên không chỉ mới len vào trái tim Gabriel nhưng đã làm rộn trong suốt chuyến bay từ New York về đây!

    Đấy là cái hẹn sớm nhất mà văn phòng Hoài đã thu xếp cho Gabriel. Khi đầy cửa vào văn phòng Hoài, Gabriel có cảm giác như một sự êm ả thân quen nào đó đang đón chờ chàng. Vẫn như lần trước, Gabriel đã lấy hẹn 2 ngày liền. Cô thư ký của Hoài vui vẻ chào Gabriel, nhưng không đưa đẩy vài câu xã giao vì đoán đây là người bệnh không dễ tiếp cận.

    Hoài đã biết trước sẽ gặp Gabriel ngày hôm nay nên khi vừa nghe Anne gõ cửa là nàng đã nhanh nhẹn đi ra đón Gabriel. Nàng đón Gabriel với nụ cười rất tươi và lời nói cởi mở:

    - Gabriel! Thật vui gặp lại anh! Hoa anh gởi cho tôi thật đẹp quá! Đến hôm nay vẫn chưa tàn hết! Cám ơn anh nhiều khi đã gửi hoa cho tôi! Tôi thấy hạnh phúc vì mình được quan tâm! Vào đây!

    Đáp lại với những lời nói của Hoài, Gabriel chỉ mỉm cười.

    Không cần Hoài phải nói, Gabriel ngồi xuống chiếc ghế bành thoải mái nhất mà lần trước Hoài đã ngồi đối diện, uống cà phê và nói chuyện với nhau.
    Lần này Hoài cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Gabriel chứ không ngồi ở chỗ làm việc của mình. Khoảng cách của hai người tự nhiên đã được thu hẹp lại.

    Gabriel đưa một túi giấy nhỏ cho Hoài:

    - Có món quà nhỏ tặng Hoài!

    Hoài cầm lấy tươi nét mặt:

    - Quà cho tôi sao? Hôm rồi tặng hoa chưa đủ sao mà còn thêm quà nữa! Cám ơn anh nhiều.

    Trong túi giấy có quyển sách. Hoài lấy ra xem. Đây là một quyển truyện. Nàng nhìn tên của sách cũng như tác giả. “A Pale View of Hills”. Tên tác giả là Kazuo Ishiguro. Một tác giả Nhật Bản? Cái tên này hình như Hoài đã thấy ở đâu rồi nhưng chắc chắn chưa hề đọc sách của tác giả. Gabriel là chủ nhà xuất bản thì tặng sách cho mình là đúng rồi, Hoài nghĩ như vậy.

    - Hoài có thích đọc sách của Kazuo Ishiguro không?

    Nàng ngửng đầu lên nhìn Gabriel:

    - Chưa bao giờ. Nhưng tên tác giả nghe ở đâu rồi, tôi không nhớ!

    - “A Pale of Hills” là tiểu thuyết đầu tiên của Kazuo Ishiguro trước khi ông ta được giải Nobel về văn chương năm 2017. Truyện “A Pale of Hills” tôi tặng Hoài là ấn bản đầu tiên, hiếm vì số in giới hạn. Sách xuất bản từ năm 1982 do nhà xuất bản Faber and Faber in. Rất tiếc nhà xuất bản của chúng tôi không có được cái may mắn in quyển sách đầu tiên này.

    Hoài kêu lên:

    - Ô trời ơi! Vậy đây là sách quý hiếm mà anh lại tặng tôi! Tác giả là người Nhật Bản, hẳn anh nghĩ có một điểm nào gần gũi giữa ông ta và tôi sao? Cùng là người Á châu, ý tôi muốn nói như vậy!

    Gabriel cười khi trả lời:

    - Có thể tôi cũng có ý đó, nhưng chỉ là vô tình thôi! Nhưng Kazuo Ishiguro tuy là người Nhật nhưng đến nước Anh từ khi 5 tuổi. Vợ của ông ta là một phụ nữ Anh. Một tiểu thuyết gia người Anh nhưng không chỉ như thế mà còn là nhạc sĩ, viết kịch bản cho phim. Nhiều truyện của Kazuo Ishiguro được chuyển thể thành phim. Tôi thích tác giả này. Hy vọng Hoài đọc và sẽ thích!

    - Tôi nghĩ mình sẽ thích! Cám ơn anh nhé, Gabriel! Chắc anh sưu tập nhiều sách quý hiếm?

    - Thì cũng là một trong những thú vui của tôi thôi!

    - Vậy là tủ sách của anh lại trống đi một chỗ.. vì tôi!

    - Tôi đã rất phân vân vì không biết phải chọn lựa món quà thế nào để tặng Hoài…

    Hoài nhìn Gabriel nói nhỏ nhẹ:

    - Đây là món quà đặc biệt nhất mà tôi có! Cám ơn anh. À.. mà này! Đâu phải hôm nay anh về đây để chỉ tặng món quà này không thôi phải không?

    - Đúng vậy! .. Hoài khỏe không? Sau tai nạn bây giờ thấy thế nào? Tôi rất lo cho Hoài khi nghe tin!

    - Tôi đã bình thường trở lại và làm việc được. Còn anh thì sao? Tôi không nghĩ là anh trở lại. Có vấn để gì sao?

    Gabriel nhìn Hoài rất lâu rồi mới đáp:

    - Tôi.. đã mong chờ ngày hôm nay, ngồi đây trong căn phòng này và nói chuyện với Hoài.

    Hoài cười dí dỏm:

    - Uống cà phê nữa chứ?

    Gabriel cũng cười thoải mái:

    - Được không?

    Hoài đứng lên:

    - Để tôi đi pha cà phê cho anh!

    Nhìn Hoài trở lại với ly cà phê trong tay, Gabriel thấy rộn rã một niềm vui thật ấm áp. Chàng uống từng ngụm nhỏ, hương vị cà phê thơm ngát thấm vào không chỉ miệng lưỡi Gabriel nhưng còn lan tỏa khắp châu thân chàng. Gabriel chợt nghĩ mình có thể ngồi trong căn phòng này suốt ngày, hưởng những giây phút thoải mái thật khó diễn tả mà chính chàng cũng không hiểu nổi! Vì Hoài ư?

    Hoài dường như cũng nhận ra một thân tình nào đó mới chớm nở giữa Gabriel và nàng. Một tình bạn đặc biệt sao?

    Gabriel ngần ngừ rồi hỏi Hoài:

    - Tôi có một thỉnh cầu được không?

    Hoài nhìn Gabriel với vẻ ngạc nhiên:

    - Sao phải dùng đến hai chữ “thỉnh cầu”? Quan trọng lắm sao? Tôi có thể làm gì được cho anh?

    - Tôi có thể thu lại những buổi đến đây nhờ Hoài tư vấn không?

    - Dĩ nhiên là được! Nhưng cho tôi hỏi lý do anh muốn thu lại để làm gì? Nghe lại sao?

    - Tôi muốn giữ và nghe lại.

    Hoài gật gù:

    - Anh cứ tự nhiên!

    Rồi nàng nói đùa:

    - Không phải để sau này kiện tôi chứ?

    Gabriel cười lớn:

    - Không bao giờ có chuyện đó! Tôi quý những giây phút trong căn phòng này! Có thể Hoài không hiểu được hay.. cũng có lúc Hoài sẽ hiểu..

    Hoài hỏi Gabriel:

    - Lần này về đây có điều gì làm anh bận tâm?

    Gabriel như tỉnh hẳn. Chàng đặt ly cà phê xuống chiếc bàn nhỏ bên cạnh rồi tìm trong cặp da một cái máy thu âm rất nhỏ. Gabriel nói với Hoài:

    - Tôi thu âm nhé!

    Hoài gật đầu.

    Gabriel nói với nàng:

    - Như lần trước khi rời khỏi đây tôi đã quyết định từ bỏ những tưởng nhớ về Katrya và mọi điều liên quan đến cô ấy. Nhưng..

    Hoài ngạc nhiên:

    - Nhưng sao? Anh không làm được?

    - Không! Tôi đã cương quyết với chính mình. Điều đầu tiên là tôi tìm mọi thứ của Katrya còn sót lại trong nhà tôi, trong phòng ngủ của tôi để bỏ hết tất cả đi. Tôi đã làm như vậy, không hề tiếc nuối. Nhưng có lẽ Katrya vẫn không chịu dứt khoát hẳn!

    - Thế nghĩa là sao? Một người đã chết không phải là chấm dứt sao? Vì sao?

    - Tôi tìm thấy.. À không.. không phải tôi đi tìm nhưng trong lúc xếp mọi thứ thuộc về cô ấy để bỏ đi thì một chiếc chìa khóa trong túi áo khoác của Katrya rơi ra!

    - Chỉ vì một chiếc chìa khóa ư? Đó là chìa khóa gì? Chìa khóa phòng thuê của Katrya?

    - Không phải chìa khóa nhà thuê! Tôi đã trả hết mọi chìa khóa cho người chủ nhà.

    - Tại sao anh quan tâm về một chiếc chìa khóa của người đã chết?

    Gabriel thở dài:

    - Đúng vậy! Lẽ ra tôi nên vất chiếc chìa khóa này đi luôn thì phải! Nhưng tôi đã không làm vậy!

    Nhìn thấy Gabriel có vẻ băn khoăn nếu không muốn nói là khổ sở, Hoài ái ngại:

    - Anh làm gì với chiếc chìa khóa đó? Anh muốn làm gì chứ?

    - Tôi nghĩ phải có một duyên cớ nào đó nên tôi đã nhìn thấy chiếc chìa khóa đó!

    - Bởi vì anh chưa dứt khoát! Chìa khóa chỉ là một vật vô tri! Đừng nghĩ gì thêm hay tò mò làm gì!

    Gabriel cười hực lên một tiếng nhỏ như trút bớt những khó chịu đang đè nặng trong lòng:

    - Khốn nỗi tôi đã để cho sự tò mò của mình lấn chiếm!

    - Rồi anh đã làm gì?

    - Tôi đã mướn một PI, thám tử điều tra tư để tìm xem chiếc chìa khóa này là chìa khóa gì!

    Hoài kêu lên:

    - Gabriel! Anh điên rồi!

    Gabriel gật đầu:

    - Đúng! Tôi điên thật rồi! Tôi không nên tìm hiểu thêm về Katrya!

    Nhưng Hoài cũng không nén được sự tò mò:

    - Có đi đến đâu không?

    - Càng lúc càng thêm rắc rối và tôi không thể dừng lại được nữa! Sau một thời gian tìm kiếm, người thám tử tư tôi thuê đã tìm ra đó là chìa khóa một hộp thư ở bưu điện gần chỗ Katrya ở.

    - Nhưng..

    Hoài chưa nói dứt câu, Gabriel đã giải thích ngay:

    - Katrya đã trả tiền thuê hộp thư trong 10 năm liền.

    - Nhưng ở chỗ cô ta thuê nhà để ở có hộp thư không?

    - Có!

    - Vậy hộp thư thuê ở bưu điện này là Katrya muốn giấu một bí mật nào đó?

    Gabriel cười buồn:

    - Phải!

    Hoài đột nhiên nhắc nhở Gabriel:

    - Sau 8 năm anh quên lời cảnh cáo rồi sao?

    - Chắc tôi quên thật!

    Hoài ân cần nói với Gabriel:

    - Vậy thì dừng lại đi! Điều anh đang làm thật vô nghĩa! Không những vô nghĩa mà còn gây nhiều phiền toái cho anh nữa! Để làm gì chứ?

    Gabriel băn khoăn:

    - Tôi cũng nghĩ như vậy! Để làm gì chứ? Nhưng sự tò mò trong tôi về Katrya không chịu ngủ yên! Hơn nữa.. những hiểu biết thêm về bí mật của Katrya như một mũi tên đã bị bắn đi, không thể làm gì khác!

    Hoài nghiêm trang nói với Gabriel:

    - Tôi nghĩ anh nên ngừng lại khi còn có thể!

    Gabriel lắc đầu:

    - Đã quá muộn!

    - Anh nói như vậy nghĩa là sao?

    - Bởi vì những bí mật đó quá hấp dẫn!

    Chính Hoài dường như cũng bị lôi cuốn vào bí mật nào đó của Katrya! Nàng thở dài khi nói với Gabriel:

    - Hãy suy nghĩ lại về những hậu quả có thể xảy ra cho anh! Điều này có thể làm anh dừng lại không?

    - Vì vậy tôi mới cần nói chuyện với Hoài! Nếu chỉ mình tôi biết với những suy luận của mình, chắc tôi sẽ không chịu nổi!

    Hoài quan sát Gabriel. Anh ta đang bị dằn vặt giữa những chọn lựa để tiếp tục tiến tới hay ngừng lại. Nàng nói với Gabriel:

    - Tôi luôn luôn lắng nghe nhưng theo tôi, lời khuyến cáo của 8 năm trước không phải là một lời nói đùa hay dọa suông! Anh nên cẩn trọng!

    - Tôi rất cẩn thận! Mọi sự tìm kiếm hiện giờ đều qua người thám tử tư mà tôi thuê.

    - Liệu anh có tin được người đó không?

    - Cho đến giờ phút này thì OK.

    Không hiểu sao Hoài lại hỏi Gabriel:

    - Anh tin tôi?

    - Đương nhiên!.. Tôi chưa bao giờ có sự tin cậy nào với ai như thế! Tôi nghĩ tôi có thể nói với Hoài bất cứ chuyện gì! Không chỉ bởi vì nghề nghiệp và chuyên môn của Hoài làm tôi nghĩ như thế! Nhưng chỉ là.. tôi không biết phải nói như thế nào! Hoài có sự cảm thông và hình như còn hơn thế nữa.. Hoài cho người khác một cảm giác trông cậy và tín thác.. Tôi không cần phải yêu cầu Hoài đừng nói với ai những điều tôi đã hay sắp kể cho Hoài nhưng tự nhiên như là những điều này chỉ biết giữa hai chúng ta.. Tôi không biết phải diễn tả thế nào nhưng.. là như vậy đó! Rất thành thực!

    Chưa hề có một ai nói như thế với sự trông cậy gần như hoàn toàn vào Hoài như vậy! Bỗng dưng nàng thấy cảm động! Gabriel không chỉ là một người bệnh của nàng mà còn hơn là một người bạn.. thân thiết!

    Hoài buột miệng nói với Gabriel:

    - Anh làm tôi cảm động!

    - Tôi chỉ nói những điều mà thực sự tôi cảm nhận về Hoài!

    Hoài quay trở lại vấn đề của Katrya:

    - Với chìa khóa đó và hộp thư của Katrya, anh biết được gì?

    - À.. rất nhiều thứ! Đầu tiên tôi tìm thấy kết quả bản xét nghiệm về DNA của Katrya dính líu với vài người. Đó là xét nghiệm về huyết thống! Như Hoài đã biết theo di truyền học, mỗi người con đều có gene được thừa hưởng từ cha và mẹ. Nên việc xác định huyết thống rất chính xác! Theo kết quả này Katrya có 2 người em gái cùng cha khác mẹ.

    Hoài chăm chú nghe Gabriel nói và không thể chối cãi là nàng đang bị lôi cuốn vào câu chuyện:

    - Ở bên Nga?

    - Không! Ở bên Mỹ!

    - Trời! Vậy là sao? Cha của Katrya là người Mỹ?

    - Không, người Nga, không phải người Mỹ! Xét nghiệm DNA đã giúp chứng minh điều này! Nhưng không hiểu vì lý do gì cha của Katrya đã có tên họ Mỹ vì hai người em gái cùng cha của cô ấy có họ là Morris!

    - Nhưng tôi tưởng gia đình cô ấy ở bên Nga?

    - Tôi cũng tưởng như vậy!

    - Nhưng khi anh quen cô ta thì cả tên họ của Katrya là gì?

    - Katrya Zakharov!

    - Vậy cha của cô ta họ là Zakharov chứ không phải là Morris!

    - Điều này mình không rõ! Có thể Zakharov là họ của mẹ cô ta nhưng cũng có thể là họ của cha cô ấy, hoặc là cha ghẻ của cô ta. Nhưng vì sao cha của Katrya lại ở Mỹ trong khi Katrya lớn lên và ở Nga, là nhà báo bất đồng chính kiến? Tôi không hiểu!

    - Nhưng lý do mà Katrya thử DNA tìm huyết thống là vì cô ta biết có người thân hay cha của cô ta ở Mỹ đúng không?

    - Tôi cũng nghĩ như vậy! Katrya không kể cho tôi nghe về gia đình của cô ấy. Có những lần tôi muốn hỏi thì cô ấy lảng sang chuyện khác.

    Hoài tò mò:

    - Anh biết gì thêm về chuyện Katrya đi tìm huyết thống của cô ta?

    - Viên thám tử tư truy tìm được tên của hai người em gái của Katrya là Alexandra và Clara dựa theo kết quả. Gia đình Morris hiện sống ở California. Theo sự tìm hiểu, viên thám tử nói với tôi, Alexandra cũng là tên Nga nhưng người Nga không gọi Alexandra mà gọi là Sasha hay Sashenka. Còn cô em nhỏ hơn là Clara thì tên Nga cũng có tên đó nhưng viết là Klaras!

    - Người cha thì sao, người có họ là Morris?

    - Không tìm thấy tin tức gì về người cha!

    - Rồi anh định làm gì tiếp? Những hiểu biết thêm về gia đình cô ấy đâu có đưa đến kết luận nào về cái chết của Katrya?

    Hoài hỏi tiếp:

    - Nhưng tại sao Katrya phải thuê một hộp thư riêng như vậy? Đi tìm huyết thống của mình ở Mỹ đương nhiên là cô ta đã biết đến sự có mặt của người cha! Katrya là con rơi sao? Cô ta đã dùng hộp thư đó như một nơi cất những bí mật không muốn ai biết. Kết quả DNA đó Katrya đã mở ra xem chứ?

    - Phong bì có mở ra nhưng vẫn để lại trong hộp thư.

    - Cô ấy muốn giấu điều bí mật này?

    - Nhưng đây là xứ Mỹ, xứ tự do, tại sao lại phải giấu diếm sự tìm kiếm này? Có ai cấm đoán chuyện mình đi tìm nguồn cội đâu?

    - Thì bởi vì đó chính là bí mật của Katrya! Nhưng biết như vậy rồi anh định làm gì nữa?

    - Tôi không biết! Nhưng tôi có cảm tưởng dù đã không còn trên thế gian này nữa nhưng cô ấy vẫn không buông tha tôi!

    - Cảm tưởng là một cái gì không chính xác và rất mơ hồ. Anh không nên quyết định hay hành động theo những cảm tưởng đó. Hãy suy xét theo lý trí của mình.

    - Nhưng Hoài có thấy những điều tôi kể về Katrya là hấp dẫn không?

    - Tôi có tò mò và bị thu hút về sự kỳ lạ trong câu chuyện của anh kể về Katrya. Nhưng nếu chỉ để biết về Katrya thì tôi nghĩ như vậy là quá đủ! Nếu tôi là anh, tôi sẽ chấm dứt ngay lúc này. Tôi sẽ không đi tiếp để tìm hiểu thêm về một vấn đề không phải là của mình, không liên quan gì đến mình, mà chỉ đưa đến những phiền toái hay có thể nguy hiểm là đàng khác.

    Gabriel nâng ly cà phê lên uống một hai ngụm rồi vẫn giữ ly cà phê trong tay, anh ta nói với Hoài:

    - Hoài có tin vào trực giác không?

    Nàng suy nghĩ:

    - Tôi tin vào trực giác, nhưng chỉ một đôi khi thôi! Vì có những lúc trực giác của chúng ta sai!

    Gabriel cười thành tiếng rất thoải mái:

    - Có nghĩa là Hoài vẫn muốn khuyên tôi đừng tìm hiểu về Katrya nữa đúng không?

    Lần này giọng Hoài đầy vẻ chân thành khi nói với Gabriel:

    - Thật mà! Đó y như một trò đánh cược mà phần thua chắc chắn về anh. Còn sự nguy hiểm thì quá lớn! Tại sao phải làm như vậy? Tôi nghĩ anh đã không còn yêu Katrya nữa! Không còn yêu cô gái đó nữa! Tôi có thể nói chắc chắn như vậy!

    Gabriel nhìn Hoài bằng ánh mắt dị kỳ:

    - Đúng! Hoài đã nói đúng! Tôi không còn yêu Katrya nữa! Đối tượng của tôi không còn là Katrya nữa!

    - Vậy thì tốt!

    - Nhưng mà.. tôi không hiểu mình! Sao tôi vẫn tò mò? Tò mò vì sự bí ẩn chứ không phải vì Katrya!

    - Tôi không ngờ anh lại là người tò mò như vậy!

    Gabriel lại cười lớn:

    - Nói chuyện với Hoài tôi thật thoải mái! Có bao giờ tôi cười lớn tiếng và thú vị như thế này đâu? Thật lạ lùng!

    Hoài cũng bật cười theo:

    - Nhưng hãy suy nghĩ về cái giá phải trả cho sự tò mò của anh!

    Gabriel gật gù không nói gì.

    Có tiếng chuông nhắc nhở của Anne. Hoài bấm nút nói:

    - Chị nghe đây!

    - Có người bệnh chờ hơi lâu!

    - OK. Một vài phút nữa thôi!

    Gabriel uống hết ly cà phê rồi đứng lên:

    - Hết giờ cho tôi rồi phải không?

    Hoài cười:

    - Tôi có bệnh nhân khác đang chờ.

    - Gặp Hoài ngày mai! Hôm nay tôi đã muốn hẹn 2 tiếng nhưng không có chỗ, ngày mai cũng vậy! Thật tiếc quá!

    - Bởi vì tôi nghỉ quá lâu nên bệnh nhân mới bị dồn lại như vậy!

    Nhìn Gabriel cứ chần chờ mãi mới đi ra ngoài, Hoài thầm nghĩ người bạn mới tốt này thật thân quen và gần gũi!

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Chương 3



    Nguyễn Phương Lan



    Hoài tay cầm hồ sơ mỏng dính mới tinh của người bệnh nhân lần đầu tiên đến đây mang tên Nguyễn Phương Lan. Một cái tên đẹp nhưng không gợi lên một ý nghĩa gì đặc biệt cũng như không hiếm người cùng tên họ.

    Một phụ nữ Việt Nam đã 40 tuổi, vẫn còn độc thân, đến đây với chuyện gì? Hoài mời cô ta ngồi, mắt liếc nhìn nghề nghiệp của người bệnh nhân mới này. Y tá! À, một nữ điều dưỡng viên!

    Hoài gợi ý:

    - Chúng ta nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ nào thì thoải mái hơn cho.. cô?

    Cô gái, có thể gọi như thế vì trông còn trẻ lắm, với mái tóc cắt ngắn trên bả vai một chút, gương mặt hiền hòa, nước da rất trắng. Nguyễn Phương Lan nhếch mép cười kín đáo đáp:

    - Thật ra cái nào cũng được.. nhưng tôi thích nói tiếng Việt hơn.

    - Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu như vậy đi! Tôi có thể giúp cô được điều gì? Giải tỏa một vấn đề riêng tư hay chỉ là cần nói cho một ai đó nghe mà thôi?

    Cô ta không trả lời Hoài ngay nhưng rồi cũng nói:

    - Để tôi sắp xếp xem phải nói như thế nào..

    - Một câu chuyện trong gia đình… nhưng mà cô hãy còn độc thân phải không?

    - Tôi chưa lập gia đình bao giờ. Tôi vẫn còn độc thân!

    - Không tìm được người vừa ý hay sợ lập gia đình?

    Cô ta nhìn Hoài như tìm hiểu về câu hỏi mà nàng vừa đưa ra.

    - Tôi chưa hề đặt những câu hỏi này cho chính mình!

    - Cô có yêu ai bao giờ chưa?

    - Đó là lý do vì sao tôi đến đây!

    Hoài chờ đợi. Vấn đề của cô ta là một chuyện tình bất như ý chăng?
    Vẫn không thấy cô ta nói gì thêm, Hoài lại gợi chuyện:

    - Kể cho tôi nghe về tình yêu của cô! Khó nói lắm sao? Hay giữa đối tượng đó và cô có gì ngăn cản?

    - Như bà biết.. tôi là một nữ y tá. Nghề nghiệp của tôi là chăm sóc người bệnh… Tình cảm của một nữ điều dưỡng đối với bệnh nhân mà mình chăm sóc.. đơn thuần là săn sóc và cảm thông với sự đau đớn thể xác cũng như tinh thần của người bệnh.

    Cô ta dừng lại sau câu nói đó và dường như đang đi lần mò những mấu chốt của câu chuyện về chính mình. Nhưng Hoài thấy ngay. Nàng hỏi:

    - Cô yêu người bệnh nhân đó?

    Câu hỏi của Hoài làm cô gái tên Nguyễn Phương Lan giật mình. Cô ta luống cuống đặt lại câu hỏi với Hoài:

    - Tôi yêu anh ta thật sao?

    - Chỉ có cô mới trả lời được câu hỏi này. Hãy tự hỏi lòng mình đi!

    - Hình như vậy.. Tôi sợ hãi lắm.. Tôi không được phép có tình cảm này đối với một bệnh nhân! Điều này đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp!

    - Lý trí cô nhắc nhở và ngăn cản cô nhưng cô có dừng lại được không?

    - Tôi không ngăn cấm được chính mình.. tôi như người bị mất trí! Tôi có điên không?

    Hoài ôn tồn nói:

    - Không, cô không có điên tí nào cả! Đó chỉ là hội chứng mang tên Florence Nightingale!

    - Có một căn bệnh tên như vậy sao?

    - Đó không hẳn là bệnh mà chỉ là một hội chứng tâm lý. Ảnh hưởng của hiệu ứng Florence Nightingale sẽ khác nhau tùy thuộc vào người chăm sóc và bệnh nhân. Một trong hai người có thể nẩy sinh tình cảm yêu đối phương.

    - Bà có bệnh nhân nào như vậy không?

    - Tôi chưa hề gặp. Cô là người đầu tiên.

    - Tại sao căn bệnh lại mang tên một nhà tiên phong trong lĩnh vực điều dưỡng?

    - Cô ở trong ngành này thì cô thừa biết Florence Nightingale là ai đúng không? Bà ta là người sáng lập ra ngành điều dưỡng ngày nay. Hiệu ứng tâm lý này được đặt theo tên của bà ta vì lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của bà ta đối với bệnh nhân. Không có tài liệu nào về việc bà Florence Nightingale đã từng yêu một trong những bệnh nhân của bà. Trên thực tế mặc dù có nhiều người theo đuổi và cầu hôn nhưng bà ấy chưa từng kết hôn. Bà Florence biện minh cho lý do không kết hôn là vì muốn dành hết thời giờ cho việc điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân. Bà ta sợ rằng với cuộc sống hôn nhân và gia đình sẽ cản trở cho công việc mà bà yêu thích. Nhưng trở lại với câu chuyện của cô, hãy nói cho tôi nghe rõ hơn về những tình cảm đang dằn vặt cô. Nói ra được cô sẽ dễ chịu hơn.

    - Tôi phải bắt đầu từ đâu?

    - Cứ kể như cô muốn nói! Không cần phải từ đầu, từ bất cứ lúc nào! Cô không cần phải sắp xếp theo thứ tự. Cứ nói về người mà cô nẩy sinh tình cảm. Anh ta là ai?

    Nét mặt Phương Lan dịu lại. Dường như người đàn ông hay thanh niên đó đã thay đổi cô ta dù chỉ mới nhớ đến.

    - Anh ta.. là một thanh niên còn trẻ.. mới 36 tuổi. Vì tai nạn xe hơi mà anh ta bị tê liệt nửa người và phải nằm trong viện dưỡng lão. Tôi làm việc trong viện dưỡng lão này được 5 năm. Miles vào đây được nửa năm. Vì chuyên môn của tôi ngoài là nữ điều dưỡng, tôi còn là chuyên viên giúp bệnh nhân tập luyện cơ bắp cử động để hồi phục lại dần dần nên tôi là người lo cho Miles.

    - Miles là người như thế nào? Có gây khó khăn cho cô không?

    Phương Lan có vẻ ngạc nhiên khi hỏi lại Hoài:

    - Tại sao bà biết?

    - Tôi chỉ đoán vì với những người tự dưng trở thành phế nhân họ đương nhiên là khổ sở, giận dữ và khó chịu lắm!

    - Đúng như vậy! Miles rất bẳn gắt nếu không muốn nói là hung dữ! Anh ta không chịu tập để khá hơn và luôn luôn cáu kỉnh cũng như..

    - Cũng như không cần đến sự giúp đỡ của cô?

    - Bà hay thật! Là như vậy đó!

    - Sự kiên nhẫn của cô kéo dài được bao lâu?

    - Tôi vẫn kiên nhẫn, không hề nản lòng!

    - Đến lúc nào thì Miles nhượng bộ?

    Phương Lan chợt mỉm cười. Hoài thấy nụ cười của cô ta rất xinh đẹp. Nụ cười làm cả gương mặt của cô ta biến đổi hẳn, thành một người khác, trẻ hơn, đẹp hơn và dĩ nhiên sự đôn hậu còn tươi nhuận hơn.

    - Tôi còn nhớ mãi ngày hôm đó.. một ngày đặc biệt đối với tôi. Sự nhượng bộ và thay đổi của Miles như một món quà to lớn cho tôi! Tôi không biết phải nói thế nào để diễn tả được hết tình cảm này.

    - Ngày đó Miles đã làm gì hay nói gì với cô?

    - Anh ta nắm tay tôi, giữ chặt lắm rồi Miles.. khóc và cám ơn tôi. Miles đã xin lỗi vì đã có thái độ hay nói những lời xúc phạm đến tôi, một người đang săn sóc cho anh ta.

    Hoài có thể hình dung cảnh tượng đó. Thật cảm động giữa một người nhận được sự săn sóc và người chăm lo.

    - Cô yêu anh ta từ ngày đó?

    Giọng của Phương Lan nhỏ hẳn đi như thẹn thùng:

    - Tôi không biết nữa.. Nhưng từ ngày đó tôi đối với Miles khác đi.

    - Khác là sao?

    - Tôi cố ý dành nhiều thì giờ cho Miles hơn và những ngày nghỉ… thì tôi cũng kiếm cớ để vào thăm Miles.

    - Tình cảm của anh ta đối với cô như thế nào? Thay đổi nhiều hơn không?

    Gương mặt Phương Lan như sáng hẳn lên khi trả lời Hoài:

    - Miles ư? Anh ta khác hẳn! Miles chịu nghe lời tôi khuyên để tập. Nửa thân người trên của Miles thì bình thường, chỉ có hai chân.. là tê liệt. Nhưng từ khi chịu luyện tập thì đã tiến triển khá. Tinh thần anh ta cũng thay đổi, không khép kín hay tức giận nữa. Những lần tôi đến.. Miles có vẻ rất vui mừng, ít mặc cảm hơn. Tôi nghĩ anh ta trông đợi sự có mặt của tôi. Không biết tôi nghĩ như vậy có đúng hay không? Nhưng cứ cho là như vậy đi! Điều này làm tôi vui và thoải mái khi ở bên cạnh Miles.

    - Cô có nghĩ là Miles nhận ra tình cảm của cô đối với anh ta vượt quá sự săn sóc bình thường của một nữ điều dưỡng không?

    Sự ngượng ngập của Phương Lan rất đáng yêu, hồn nhiên và đầy vẻ chân thật, ngay cả những chớp mắt hay nụ cười ẩn hiện chỉ vì một cái tên của người thanh niên tên Miles!

    - Tôi nghĩ anh ấy biết…

    - Vì sao?

    - Tôi cũng không hiểu.. Nhưng sự nắm tay vì xã giao hay nắm tay vì quan tâm, vì muốn biểu lộ tình cảm cũng có khác chứ phải không?

    - Đúng như vậy! Chúng ta có thể cảm nhận được điều này! Ngay cả ánh mắt nhìn cũng vậy! Ánh mắt yêu thương trìu mến khác với ánh mắt nhìn lãnh đạm hay cái nhìn vô tình! Nhưng Miles đối với cô thì sao? Cô có cảm nhận được tình cảm của anh ta đối với cô hay không?

    - Tôi thấy được điều này! Tôi cảm nhận được tình cảm đó qua những quyến luyến khi tôi từ giã. Nhưng có vẻ như sự mặc cảm về bất lực của thể xác làm Miles buồn bã và cầm giữ tình cảm của anh ta. Tôi nghĩ anh ta không dám để tình cảm đi xa hơn vì.. vô vọng!

    - Cô thật sự yêu Miles đến mức độ nào? Không kể đến sự anh ta là phế nhân vĩnh viễn? Hay chỉ là tình yêu đến từ những cảm xúc thương cảm trong quá trình chăm sóc và trở nên quen thuộc? Hay đó chỉ là sự thương xót mà thôi?

    - Tôi.. tôi.. luôn nhớ đến Miles! Gương mặt, hình ảnh, giọng nói.. mọi sự về Miles cứ làm tôi luôn nghĩ đến anh ta! Đồng thời tôi phải đè nén tình cảm của mình vì điều này như tôi đã nói với bà là đi ngược với đạo đức nghề nghiệp của tôi! Nhưng sự đè nén càng ngày càng bị tình cảm đó chi phối và lấn át làm tôi khổ sở! Lúc gặp và săn sóc Miles tôi hoàn toàn không còn chế ngự được mình! Khi tập cho Miles cử động thấy anh ta vã mồ hôi vì cố gắng hay vì không làm được tôi thấy xót xa. Có lần. tôi đã ôm Miles và khóc! Không phải Miles chẩy nước mắt mà là tôi!

    - Miles hiểu vì sao cô khóc phải không? Anh ta có nói gì không?

    - Không nói gì cả! Nhưng sự im lặng của Miles còn là muôn vạn lời nói!

    - Vì anh ta không dám nói ra?

    - Chắc là như vậy, bà có nghĩ thế không?

    - Sự cảm nhận giữa hai người tôi có thể hiểu được!

    - Nhưng tôi phải làm gì? Điều này cản trở công việc của tôi!

    - Hội chứng tâm lý này sẽ biến mất một khi cô không còn săn sóc người bệnh này nữa. Tuy nhiên tôi thấy là cô vẫn yêu nghề của mình và cũng yêu người bệnh này. Cô phải chọn lựa thôi!

    - Tôi không thể chọn lựa được! Tôi rất yêu Miles, tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không còn gặp anh ta nữa!

    - Cô đã từng yêu ai chưa?

    - Chưa! Đây là lần đầu tiên! Miles là người đầu tiên mà tôi có tình cảm như vậy!

    Hoài dịu dàng cười khi nói với Phương Lan:

    - Cô có nghĩ là cô sẽ là người tỏ tình trước không? Cô làm như vậy được không?

    Phương Lan ngỡ ngàng hỏi lại Hoài:

    - Tại sao bà lại hỏi tôi như vậy?

    - Tôi muốn biết mức độ tình cảm của cô đối với Miles đến đâu và sâu đậm tới mức nào?

    Cô ta yên lặng như suy nghĩ một lúc rồi mạnh dạn ngửng đầu lên trả lời Hoài:

    - Tôi sẽ làm được cho dù Miles có trả lời thế nào đi nữa!

    - Cô nói như thế có nghĩa là sao? Cô nghĩ phản ứng Miles ra sao khi cô nói lời yêu anh ta?

    - Tôi nghĩ Miles sẽ từ chối vì mặc cảm cho thân phận của anh ta!

    - Cho dù như vậy nhưng cô có muốn thử không?

    - Tôi vẫn muốn thử!

    - Vậy thì cô đã chọn lựa rồi đó! Bất chấp hậu quả?

    - Không phải như vậy hẳn! Vì lời nói yêu là lời tôi muốn tỏ lộ nhưng.. rồi công việc của tôi ra sao? Bà nghĩ tôi phải làm gì?

    - Tôi nghĩ nếu cô không thể từ bỏ cả hai và nếu cô cam kết sẽ có thể cùng nắm tay Miles đi trọn cuộc đời thì chọn lựa này giải quyết được vấn đề của cô, không đi ngược với đạo đức nghề nghiệp. Cô nghĩ sao? Có đủ can đảm và nhẫn nại để sống bên cạnh và săn sóc một người chồng tàn phế mà cô yêu hay không?

    - Nhưng nếu Miles từ chối tình yêu của tôi?

    - Phải thử mới biết được! Nhưng nếu cô nhất quyết gắn bó với tình yêu này thì Miles sẽ là của cô. Thời gian sẽ chứng minh cho Miles biết tình cảm của cô đối với anh ta bền chặt như thế nào! Tôi nghĩ vấn đề quan trọng quyết định là chính cô, chứ không phải Miles! Lấy một người chồng bình thường rồi không hạnh phúc hay vì bất cứ lý do nào đó rồi chia tay không khó khăn cho lắm. Nhưng với một người chồng tàn tật thì chuyện chia tay là chuyện mà tôi thấy rất khó khăn hay không thể! Cô đâu muốn một người đã khổ sở và sống trong tuyệt vọng lại bị thêm đau đớn hơn nữa vì chia ly! Lương tâm của cô sẽ bị dằn vặt! Hãy cân nhắc cho kỹ lưỡng!

    Phương Lan ngồi thừ người suy nghĩ những lời Hoài vừa nói.

    - Những ngày nghỉ thử không vào thăm Miles xem ra sao!

    - Tôi không chịu được!

    Hoài phì cười! Nàng không nói gì cả, chỉ nhìn người bệnh nhân trước mặt. Bốn mươi tuổi không còn trẻ để có những tình cảm bồng bột sôi nổi, nhưng dù sao với Phương Lan đây là tình đầu! Cuộc đời không dành cho chúng ta những chọn lựa dễ dàng!

    Không thấy Phương Lan nói gì thêm, Hoài hỏi:

    - Sao?

    Cô ta nhìn Hoài, gương mặt phúc hậu hiền hòa không tươi vui như những lúc nói về người thanh niên tên Miles, nhưng nghiêm trang khi nói với Hoài:

    - Tôi sẽ sống chết với tình yêu này! Tôi muốn Miles biết như vậy!

    - Nếu được như thế tôi rất ngưỡng mộ sự can đảm và quyết tâm của cô. Và dĩ nhiên là ngưỡng mộ cả tình yêu của cô đối với Miles! Có phải hạnh phúc được trao ban vào những giây phút bất ngờ nhất không phải sao?

    Phương Lan cười và gật đầu.

    Khi cô ta đã ra khỏi văn phòng, Hoài vẫn ngồi tư lự khi nghĩ đến tình yêu của Phương Lan, người nữ điều dưỡng viên dành cho người mình săn sóc. Tình yêu đã biến cô ta thành một bà tiên huyền diệu! Biết đâu với tình yêu đó và sự kiên trì quyết tâm, Miles sẽ đi lại được! Biết đâu! Xin cuộc đời hãy rộng lượng chúc phúc cho họ!

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Ch
    ương 4


    Gabriel Galian


    Ngày hôm sau khi Gabriel trở lại, Hoài không những đã sửa soạn sẵn cà phê mà còn thêm một đĩa bánh ngọt nàng mua sáng nay. Chỉ vài lần gặp gỡ nhưng sự tin tưởng của Gabriel dành cho nàng đã làm Hoài đặt anh ta vào vị trí một người bạn.. thân thiết. Thân thiết ư? Có lẽ vậy vì nàng thấy mình rất thoải mái và cởi mở với người bạn mới này. Nhưng nghĩ cho cùng, Hoài đâu có bạn bè nào đâu?

    Vào văn phòng Hoài, Gabriel đã ngửi thấy mùi cà phê thơm và thoang thoảng một mùi gì khác mà chàng chưa nghĩ ra. Nhưng khi nhìn thấy đĩa bánh ngọt trên bàn, Gabriel nhìn Hoài và cười thật tươi tắn:

    - Sao hôm nay đặc biệt thế này?

    - Bởi vì anh là một người bạn đặc biệt!

    - Cứ như thế này thì tôi sẽ ở lì đây, không về lại New York nữa!

    Cả Hoài và Gabriel cùng cười vang vì câu nói đùa rất dễ thương đó.
    Ngồi xuống ghế đối diện với Gabriel, Hoài mời:

    - Hãy uống cà phê khi vừa mới pha xong, còn nóng!

    Gabriel nâng ly cà phê lên hít hà rồi mới uống.

    - Ngon! Tôi không hỏi bí quyết của cà phê này vì tôi nghĩ với bàn tay Hoài thì nó mới ngon như thế!

    Hoài cười vui dù biết đó chỉ là một lời nói nịnh mà thôi. Gabriel nói tiếp:

    - Và vì như thế thì chỉ khi tôi đến đây mới được thưởng thức hương vị độc đáo này. Điều này càng làm tôi mong ngóng thêm mỗi lần về đây.

    Hoài cầm đĩa bánh nói với Gabriel:

    - Vừa ăn bánh vừa uống cà phê mới ngon hơn!

    - Đừng nói bánh này do Hoài làm?

    - Không! Đi mua thôi!

    Gabriel nhìn Hoài, đôi mắt xanh lục của anh ta như lấp lánh sáng, giọng trầm hẳn đi nhưng ấm áp:

    - Cám ơn Hoài!

    Nhìn Gabriel ăn bánh và uống hết ly cà phê, Hoài thấy thú vị không hiểu vì sao!

    - Sao? Hôm nay chúng ta nói chuyện gì đây? Anh đã quên chuyện tò mò của anh về cái hộp thư chưa?

    Gabriel lại cười khi trả lời Hoài:

    - Muốn tôi quên ư? Chưa quên được! Làm sao bây giờ?

    - Nếu anh không chịu quên thì tôi đành thua thôi!

    - Hoài nói vậy nghĩa là sao?

    Hoài không còn cười cợt nữa mà nghiêm giọng:

    - Có nghĩa là tôi không thể giúp gì anh được! Và những lần nói chuyện như thế này trở thành vô ích và phí thì giờ cho anh mà thôi!

    Biết là Hoài không nói đùa, Gabriel cũng nghiêm trang khi nói với Hoài:

    - Hoài bảo tôi làm gì?

    - Ngưng hết! Giống như anh vừa đọc xong một quyển sách, hãy gấp lại, cất đi và để bụi thời gian phủ lên, không bao giờ mở ra xem nữa!

    - Không tìm hiểu thêm nữa hay sao?

    - Đúng thế! Tôi nghĩ những chuyện tìm hiểu của anh cho thỏa trí tò mò về cô ta chỉ làm anh sa lầy thêm mà không đem lại một kết quả nào cho anh. Tôi tự hỏi anh tò mò muốn biết để làm gì sau khi đã tìm hiểu xong?

    Gabriel hít một hơi thật mạnh vào lồng ngực:

    - Có lẽ đó là những vướng mắc còn sót lại.. Chắc là như vậy!

    - Khi trở về nhà, hãy ném chiếc chìa khóa vào thùng rác! Hãy để mọi chuyện tự giải quyết và chấm dứt mà anh đừng nhúng tay vào. Gọi người PI và yêu cầu không cần điều tra gì thêm. Anh có làm như vậy được không?

    - Có làm được không? Nếu Hoài đã nói như vậy thì tôi sẽ cố gắng! Giá như Hoài ở gần và cứ thúc giục tôi thì chắc tôi làm được nhưng..

    Hoài nói ngay không suy nghĩ:

    - Tôi đưa anh số điện thoại của tôi. Cứ gọi bất cứ lúc nào, còn nếu không để tin nhắn tôi sẽ gọi lại.

    Gabriel nhìn Hoài:

    - Không phiền cho Hoài chứ?

    - Không phiền gì cả!

    Gabriel có vẻ áy náy:

    - Tôi có cảm tưởng mình đã làm Hoài phải quan tâm! Tôi thực sự không muốn như vậy..

    - Tôi quan tâm vì anh đã trở thành bạn tôi. Vả lại những chuyện anh đang làm có thể sẽ đưa đến những hậu quả không hay! Tôi thấy những bí ẩn này sẽ dẫn dắt đến những điều mà ai đó muốn chôn giấu, không muốn ai tìm hiểu hay biết đến. Mà ai đó dưới những suy nghĩ của tôi không chỉ là một người mà là nhiều người hay phe nhóm nào đó mà anh không thể chống trả lại được. Đừng mang sinh mạng mình ra để đánh đổi cho sự hiểu biết về bí mật này. Anh hãy nghe tôi đi Gabriel! Phải chi lúc này có một ai đó mà anh rất quan tâm thì anh sẽ chịu nghe người đó đấy! Có một đôi khi chúng ta vì một ai đó mà thay đổi suy nghĩ hay hành động của mình! Có ai quan trọng như thế đối với anh không?

    Gabriel không nhìn Hoài mà nhắm mắt lại khi trả lời:

    - Tôi mong mỏi có được một người gần gũi với tôi như thế! Để tôi có thể sống hay chết với người đó!.. Nhưng hiện tại tôi không có.. ai như vậy! Nếu có thì đấy chỉ là.. một ước muốn! Mà ước muốn thường thường ít khi trở thành sự thật!

    - Công việc của anh bận rộn lắm không?

    Gabriel mở choàng mắt:

    - Công việc của tôi, mọi sự tôi giao cho Chris cả. Anh ta là quản lý của công ty mà!

    - Tôi nghĩ anh nên tích cực và quan tâm đến công việc nhiều hơn để bận rộn và bớt nghĩ lung tung!

    Gabriel nhếch mép cười nhìn Hoài:

    - Hoài thấy tôi đang nghĩ lung tung sao?

    - Thật mà!

    Cả hai cùng cười. Hoài đưa cho Gabriel số điện thoại của mình.
    Gabriel ghi số vào điện thoại mình:

    - Tôi sẽ không làm phiền nếu không cần thiết!

    - Không sao, anh cứ gọi vì biết đâu những lời kêu ca của tôi lại giúp ích cho anh!

    Gabriel nghĩ thầm: “Tôi thích nghe những lời kêu ca đó từ Hoài vì chứng tỏ đó là sự quan tâm. Một ai đó đã quan tâm đến tôi mà người đó chính là Hoài! Không phải tuyệt diệu lắm sao!”

    - Chỉ sợ thấy tôi gọi Hoài lại nghĩ là bị làm phiền và quấy rầy! Gọi lúc nào thì tiện?

    - Buổi trưa, giờ ăn trưa!

    - Như vậy làm Hoài ăn mất ngon!

    Hoài cười cầm đĩa bánh đưa cho Gabriel:

    - Ăn thêm đi nào! Tôi mất công đi mua! Anh cứ gọi buổi trưa không sao cả. Buổi tối thì.. cả ngày đi làm, chỉ có buổi tối là chúng tôi gần gũi với nhau nên cũng muốn riêng tư!

    Gabriel quên sự có mặt của Lữ! Chàng hơi mỉm cười khi hỏi Hoài:

    - Lữ khỏe chứ?

    Giọng Hoài như khác hẳn khi nói về người đàn ông mà nàng yêu thương:

    - Anh ấy khỏe! Cũng may chuyện công việc của Lữ chỉ cần đến 1 laptop computer là đủ!

    - Tôi sẽ nghe lời Hoài để chú ý vào công việc nhiều hơn. Mong là tôi sẽ làm được như Hoài đã khuyên tôi.

    - Anh đã có thêm bạn mới hay chuyện xã giao có dễ dàng hơn không?

    - Nhờ Hoài, tôi đã cởi bỏ dần dần những khó khăn đó. Tôi thấy thoải mái hơn trong đám đông, nói chuyện với người này người kia cũng đỡ hơn. Tôi ít chú ý về mình hơn!

    - Như thế là tốt lắm! Ít nhất tôi cũng giúp được anh điều gì!

    - Tại Hoài không biết đó thôi, Hoài đã thay đổi tôi rất nhiều! Tôi cám ơn Hoài về điều này!

    - Đấy chỉ là công việc và nhiệm vụ của tôi!

    - Không đâu! Hơn thế nữa! Những lần nói chuyện như thế này giúp tôi nhìn rõ mình, giúp tôi thoát ra khỏi được cái vỏ cứng nhắc mà tôi tưởng đó là một sự bảo bọc nhưng thật ra đó chỉ là rào cản! Chắc.. Hoài nói gì tôi cũng nghe!

    Hoài bật cười vì nghĩ đó là một câu nói đùa từ Gabriel. Nàng không hề biết Gabriel đã nói thật lòng!
    Một tiếng đồng hồ đi qua nhanh chóng! Lần nào với người bệnh nhân tên là Gabriel, Anne cũng phải nhắc là hết giờ và đang có bệnh nhân khác đang chờ.

    Tiễn Gabriel ra cửa như những lần trước và lại nghe anh ta nói hẹn gặp lại nàng tháng sau. Đáp lại lời nói đó Hoài chỉ cười và gật đầu.
    Quay vào, Hoài để chiếc đĩa bánh trên bàn làm việc của nàng và cất ly cà phê của Gabriel đi. Nhưng không biết tại sao, nàng bước vội ra ngoài. Không còn thấy Gabriel! Hoài đi nhanh gần như chạy khi mở cửa ra ngoài hành lang. Thấy Gabriel đang đi về phía thang máy, Hoài kêu tên anh ta:

    - Gabriel! Gabriel!

    Nghe tiếng người gọi, Gabriel dừng bước quay lại nhìn thấy Hoài gần như chạy về phía mình. Anh ta nhìn Hoài rất ngạc nhiên. Khi Hoài đến gần, trông nàng như hụt hơi, Gabriel băn khoăn hỏi nàng:

    - Có chuyện gì sao Hoài?

    Hoài nói với Gabriel với những chữ thoát ra khỏi miệng nàng không thông suốt vì hụt hơi:

    - Gabriel! Hãy.. cẩn thận!

    Gabriel đã để tình cảm dồn nén của mình buông thả ra khi nắm lấy hai bàn tay Hoài. Câu nói của nàng vượt hơn sự quan tâm thông thường mà kỳ lạ thay chỉ có vài chữ ngắn ngủi đã làm Gabriel cảm động. Nhưng vật cứng ở ngón tay nàng chạm vào lòng bàn tay Gabriel như nhắc nhở chàng trở về với thực tại. Gabriel buông tay Hoài ra. Chiếc nhẫn kim cương ở ngón áp út bên tay trái của nàng lóng lánh đập vào mắt chàng.

    Gabriel lấy lại bình tĩnh nhìn Hoài rồi chỉ vào ngón tay có đeo nhẫn của nàng:

    - Chúc mừng Hoài và.. Lữ!

    Hoài nhìn Gabriel khi nói:

    - Cám ơn anh! Nhưng Gabriel.. hãy cẩn thận! Tôi.. tôi ước gì có quyền phép nào đó để bắt anh hãy dừng lại những tìm hiểu của anh về Katrya!

    Họ đứng cạnh nhau rất gần, Gabriel nhìn vào mắt Hoài. Ánh mắt chàng muốn nói với Hoài nhiều điều nhưng đó chỉ là những ước muốn viển vông. Thay vì như vậy Gabriel nói nhỏ:

    - Tháng sau về lại đây mời Hoài và Lữ đi ăn tối nhé?

    - Không, chúng tôi sẽ mời anh ăn tối! Tôi sẽ trổ tài để anh biết mùi vị của thức ăn Việt Nam.

    - Tôi mang tất cả những ấm áp ân cần và sự quan tâm của Hoài theo tôi về New York. Tôi cảm thấy mình không còn cô đơn nữa! Cám ơn Hoài.. vì rất nhiều thứ.. không thể nói ra..

    Khi thang máy mở ra, Gabriel lững thững đi vào bên trong. Hoài quay lưng trở lại văn phòng. Trong thang máy, Gabriel đứng dựa người vào vách của thang máy. Tất cả những điều vừa xảy ra tuy ngắn ngủi nhưng đã làm chàng xúc động và bồi hồi. Với Katrya của 8 năm trước, Gabriel không có được những phút giây như vừa mới xảy ra!

  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837

    Chương 5



    Bạch Lan Wright


    Hoài mở cửa đón nhận hồ sơ của người bệnh mới do Anne đưa. Người thiếu nữ trước mặt Hoài đã chiếm hết mọi sự chú ý và làm Hoài dường như không chớp mắt!
    Nàng nói với người bệnh nhân mới:

    - Mời cô vào!

    Cô gái lặng lẽ đi theo Hoài nhưng không quên khép cửa phòng lại. Động tác của cô ta rất nhẹ nhàng, ngay cả những bước chân như không tạo ra tiếng động nào, như không hề chạm mặt đất!

    Vẫn Hoài là người lên tiếng sau khi đã nhìn thoáng hồ sơ người bệnh:

    - Cô có thể chọn bất cứ chỗ ngồi nào làm cô thấy thoải mái.

    Hoài ngồi xuống ghế ngay bàn làm việc của mình.
    Người thiếu nữ cũng ngồi xuống chiếc ghế đặt khuất bên cạnh một chậu cây xanh lớn. Khoảng cách giữa hai người cũng xa vừa phải nhưng vẫn đủ để có thể nghe rõ tiếng nói của người kia.

    Bóng dáng thiếu nữ ngồi đó tưởng như là một bức tượng! Không chỉ là một bức tượng vô hồn nhưng còn.. mang vẻ ma mị huyền hoặc! Người bệnh nhân tên Bạch Lan Wright bị albinism! Toàn thân cô ta trắng toát, làn da, mầu tóc đều trắng như tuyết. Chỉ có đôi mắt hơi có chút mầu xám nhạt, rất nhạt. Chắc hẳn có rất nhiều vấn đề với cô ta, một người bị bạch tạng bẩm sinh, Hoài nghĩ thầm như vậy. Vẫn là Hoài lên tiếng trước:

    - Tôi có thể giúp cô điều gì? Hay chúng ta cứ nói chuyện đi nhé! Cái tên của cô thật tuyệt đẹp! Cô chắc không nói được tiếng Việt?

    Giọng của Bạch Lan thật trong trẻo nếu không muốn nói như trẻ con:

    - Cái tên của tôi là Việt Nam nhưng tôi đã sang Mỹ từ nhỏ, tôi không nói được tiếng Việt.

    - Không sao, tôi chỉ hỏi như thế thôi! Cô sang Mỹ từ khi mấy tuổi?

    - Cha mẹ nuôi của tôi đã đến một cô nhi viện ở Việt Nam, nhận nuôi tôi và mang tôi về Mỹ từ khi tôi mới có 4 tuổi.

    - Bốn tuổi thì hãy còn nhỏ lắm nhưng có nhiều người nhớ những chuyện khi họ mới 3, 4 tuổi. Cô có ở trong trường hợp đó không?

    - Tôi nhớ một vài kỷ niệm ở viện mồ côi nơi có rất nhiều trẻ con.. nhưng không có đứa trẻ nào giống tôi..

    - Kể cho tôi nghe những kỷ niệm đó..

    Giọng của Bạch Lan chợt sắc lại như giận dữ:

    - Tôi không muốn nhớ..

    Hoài ôn tồn nói với cô ta:

    - Tôi hiểu.. Vậy thì điều gì làm cô muốn đến đây? Nhìn trong hồ sơ cá nhân tôi thấy hiện tại cô đang là người mẫu thời trang, đúng không?

    Bạch Lan trở lại với giọng nói trong trẻo của cô ta như ban đầu:

    - Thật ra cuộc sống hiện tại của tôi thu nhập khá, tôi vẫn sống với cha mẹ nuôi của tôi là những người yêu thương và hỗ trợ tôi hết mình. Không có cha mẹ nuôi này không biết cuộc đời tôi ra sao?

    Hoài đỡ lời nhưng nghĩ rồi Bạch Lan cũng sẽ trở lại với quá khứ:

    - Nhưng vẫn có một cái gì làm cô băn khoăn hay vì cô vẫn trăn trở với nhiều câu hỏi về bản thân mình cho dù đang có những thành công hiện tại đúng không?

    Bạch Lan đáp:

    - Không sai! Chỉ cần nhìn mình trong gương cũng đủ làm tôi không thể quên sự khác thường của mình! Thay vì cất hết những tấm gương, cha mẹ nuôi tôi muốn khuyến khích tôi chống trả sự sợ hãi về bản thân, tập đương đầu với sự khác biệt đó và chấp nhận vì mình là như thế!

    Hoài rất ngạc nhiên trước những lời nói gọn gàng nhưng đầy đủ ý nghĩa của Bạch Lan Wright. Cô ta đã may mắn được vào một gia đình hiểu biết và tốt bụng.

    - Cha mẹ của cô là những người thầy đầu đời giỏi và giúp đỡ được cô thật tốt! Cô đã may mắn lắm!

    - Tôi biết mình may mắn vì được nhận nuôi dưỡng trong môi trường sống tốt! Nhưng được sinh ra đời như thế này đâu có thể gọi là may mắn phải không?

    - Tôi thấy cô hiểu biết rất nhiều về bản thân. Tôi thực sự ngạc nhiên vì cô còn rất trẻ. 22 tuổi mà đã cho cô những suy nghĩ sâu sắc nhiều hơn lứa tuổi của cô.

    Bạch Lan mỉm cười. Hàm răng trắng như tuyết và nụ cười thật xinh khi nói với Hoài:

    - Chắc bà biết những người bị albinism như tôi thường có thị lực rất kém và nhậy cảm trước ánh sáng. Bà biết mà phải không?

    - Vì hắc tố tham gia vào sự phát triển của các tế bào ở đáy mắt nên thị lực mới bị ảnh hưởng.

    - Nhưng dù mắt kém và rất nhậy cảm với ánh sáng nhưng tôi không để những điều đó cản trở mình. Cũng có lẽ vì tôi không nhìn thấy mọi thứ một cách chính xác nên tôi tập trung nhiều hơn vào tiếng nói của mọi người và những điều mà người ta nói. Có thể sự tập luyện chú ý đó một cách khá là sâu làm nảy sinh những suy nghĩ chăng? Bà có nghĩ như vậy không?

    Hoài gật đầu nói:

    - Đúng là như vậy! Nhưng còn điều gì khác làm cô phải đến đây? Hay thực sự hiểu biết về mình cũng chưa đủ để cô khắc phục những khó khăn nào đó?

    Bạch Lan cúi gầm đầu. Hoài nghĩ là cô ta đang nhắm mắt khi nói về bản thân:

    - Thật ra.. tôi cứ nghĩ lớn lên trong một môi trường được yêu thương và giáo dục tốt.. tôi sẽ không còn mặc cảm về sự khác biệt của mình. Tôi đã sống.. trong ảo tưởng về..

    Không thấy Bạch Lan nói thêm, Hoài giúp cô ta:

    - Ảo tưởng về một sự giả tạo, đó có phải là điều cô muốn nói?

    Cô ta trả lời với một vẻ sợ sệt như không muốn nói ra:

    - Như vậy đó..

    - Tôi nghĩ cô nên tập nhìn mình với một cái nhìn khách quan như một người đứng quan sát. Sự khách quan này giúp cô thoát được những cảm xúc của bản thân, mà trong trường hợp của cô đó là những cảm xúc tiêu cực cần phải được đẩy ra khỏi tâm trí. Có những nỗi đau theo thời gian sẽ phai nhạt dần, nhưng có những nỗi niềm hay vết thương trong tâm hồn chúng ta không bao giờ biến mất! Nó nằm ở đâu đó và luôn luôn chực chờ để xuất hiện và quấy phá làm chúng ta khổ sở. Nhưng cũng may sự quấy rối đó chỉ bùng lên, hành hạ chúng ta trong khoảnh khắc rồi lặn tăm!

    - Tôi phải làm gì? Vì gần như tôi phải đương đầu với những thử thách đó thường xuyên!

    - Hãy vượt lên nỗi đau của bản thân và nghĩ đến những người albinos khác kém may mắn hơn. Từ đó hãy tìm một đường hướng nào hay phương cách nào đó để giúp những người không có được hoàn cảnh như cô. Với nghề nghiệp của cô hiện tại, cô có sẵn môi trường dễ gây chú ý. Gần đây tôi có đọc trong những bản tin hàng ngày thì dường như sự nhận biết về albinism trên thế giới đã được phổ biến và đi theo chiều hướng tích cực hơn để thay đổi những cái nhìn và tìm cách giúp đỡ những albinos.

    Nhiều người chồng đã ruồng rẫy vợ mình khi đứa con bị bạch tạng ra đời. Ở những quốc gia chậm phát triển và nghèo đói, thiếu hiểu biết, thì họ không hiểu bệnh bạch tạng là một dạng rối loạn di truyền đặc trưng bởi tình trạng thiếu hụt melanin, sắc tố quyết định màu sắc của da, tóc và mắt. Sự giảm sắc tố da này có thể diễn ra hoàn toàn hay không hoàn toàn. Với một số nền văn hóa, người ta lại cho rằng albinism là ma quỷ hay phù thủy. Tệ hại nhất là ở châu Phi, Tanzania là nơi những người bạch tạng bị tấn công nhiều nhất. Không những vậy tôi còn nhớ trong những bản tin đó còn tố cáo có một thị trường buôn bán những cơ phận hay tóc và da của những người bị albinism để bán cho những bọn phù thủy! Thật là kinh khủng!

    - Bà nghĩ tôi sẽ làm được điều gì?

    - Tiếng nói của một albinos sẽ có giá trị nhiều hơn là từ một người khác.

    - Tôi cũng đã có những cố gắng để làm chuyện đó.. và cũng có nhiều người như tôi đã làm.. nhưng mà..

    Hoài nhìn Bạch Lan. Có một vấn đề gì khác mà cô ta chưa nói ra được?

    - Nhưng mà sao? Tôi nghĩ cô có một vấn đề gì khác mà chưa thể nói ra. Tôi thấy cô rất hiểu biết về bạch tạng và bản thân. Nếu cô không thể nói ra thì sẽ không bao giờ vượt qua những điều làm cô phải băn khoăn cả!

    - Không phải chỉ băn khoăn mà còn khổ sở và đau đớn..!

    - Vậy thì để nỗi đau đớn và khổ sở đó thoát ra đi. Cô đến đây không phải để bộc lộ sao? Cha mẹ nuôi của cô đã đặt tên cho cô là Bạch Lan hay sao?

    - Không phải cha mẹ nuôi của tôi mà chính là bà sơ trông coi viện mồ côi đã đặt tên cho tôi.

    - Hãy kể cho tôi nghe về nỗi đau của Bạch Lan.

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837
    Phải đến 2, 3 phút sau Bạch Lan mới nói:

    - Có một ngày kia mẹ nuôi của tôi đã hỏi tôi có muốn tìm cha mẹ ruột của mình ở Việt Nam hay không. Tôi vẫn khao khát muốn biết người đã sinh ra mình là ai nên tôi đồng ý để mẹ nuôi tôi tìm kiếm cho mình. Sau một thời gian khoảng chừng 1 năm thì có những manh mối. Tôi và mẹ nuôi tôi đã về Việt Nam. Ngồi trên máy bay suốt chặng đường từ Mỹ về Việt Nam, tôi đã.. sợ hãi!

    Không thấy Bạch Lan nói gì thêm, Hoài hỏi:

    - Tại sao cô sợ hãi? Cô phải vui mừng mới đúng chứ?

    - Linh tính làm tôi như thấy những điều không hay về chuyến đi này! Những câu hỏi cứ liên tục quấy rối tôi. Chẳng hạn như vì sao cha mẹ tôi lại bỏ tôi trong cô nhi viện? Liệu họ có muốn gặp lại đứa con mà họ đã vứt bỏ không? Hay gặp tôi bây giờ họ sẽ nghĩ sao? Có bao giờ họ nghĩ đến tôi và muốn biết đứa con của họ bây giờ ra sao không? Cha mẹ của tôi có ăn năn tiếc nuối là đã bỏ rơi tôi hay không?

    - Cô có gặp lại cha mẹ ruột ở Việt Nam hay không?

    - Người ta không tìm ra cha tôi bây giờ ở đâu. Nhưng tôi.. đã gặp lại mẹ ruột của tôi..

    - Có thất vọng hay không?

    Bạch Lan ngẩng đầu lên nhìn về phía Hoài. Có một khoảng cách khá xa giữa Hoài và cô ta nên không cho Hoài nhìn rõ để thấy là Bạch Lan đang để cho cảm xúc tràn ra không níu kéo theo những giọt nước mắt thi nhau lăn xuống.

    Với giọng nói nghẹn ngào đứt quãng, Bạch Lan đã tâm sự với Hoài:

    - Tôi.. không chỉ thất vọng.. mà còn hối hận.. về cuộc tìm kiếm và gặp gỡ này.. Người mẹ sinh ra tôi đã.. hoảng hốt và sợ sệt khi nhìn thấy tôi, nhìn thấy con gái mình! Mẹ tôi đã nhìn tôi như nhìn thấy một bóng ma! Hay mẹ tôi đã trông thấy tôi với bộ dạng trắng toát như.. ma quỷ..! Người lạ trông thấy tôi thì sợ, điều này tôi hiểu và cảm thông được. Nhưng.. mẹ ruột tôi! Người đã mang tôi vào cuộc đời này.. lại.. gớm ghiếc con gái mình đến như vậy sao? Tôi.. tôi.. ngày hôm ấy sao không chết liền khi gặp gỡ mẹ? Vì chỉ có cái chết mới giải thoát được cho tôi và mẹ ruột.. của tôi! Chỉ có cái chết mới chấm dứt được sự kết nối giữa tôi và mẹ ruột tôi!

    Nói đến đó, Bạch Lan gục xuống và khóc mãi không ngừng.

    Hoài cứ để yên cho Bạch Lan khóc. Nàng thấy thương cảm cho cô ta. Kể câu chuyện gặp gỡ bi thương ra được sẽ làm cô ta nguôi ngoai bớt.
    Hoài nhẫn nại hỏi thêm:

    - Sau đó thì sao?

    - Bà muốn hỏi chúng tôi đã nói gì với nhau? Đương nhiên là không nói gì vì tôi không nói được tiếng Việt.. nhưng thái độ của bà ấy đã đẩy chúng tôi rời khỏi nhau. Người đã sinh ra tôi đã.. vội vã bỏ đi. Mẹ ruột của tôi đã.. chết ngày hôm đó! Đúng như vậy! Nỗi thất vọng, đau đớn và cái nhìn không rõ vì bạch tạng đã giúp tôi.. không thấy rõ gương mặt bà ta. Bây giờ những lúc không phải vì muốn nhớ lại nỗi đau đó nhưng nó cứ bùng lên, thì gương mặt đó chỉ như sương khói.. trong một giấc mơ! Tôi đã tự đánh lừa mình như vậy cũng để tự giải tỏa cho sự hối hận về cuộc gặp gỡ này!

    - Cô đang tự chữa lành vết thương của chính mình!

    - Cũng không phải như vậy đâu cho dù tôi tự chấp nhận bản thân mình! Một cái nhìn thương hại hay kinh sợ của một người lạ làm tôi tủi thân buồn bã và lại quay trở về với cái nhìn kinh khiếp của người đã sinh ra mình! Chắc cả đời tôi sẽ như vậy!

    - Hãy tìm một con đường không phải sống cho mình mà giúp cho những người bất hạnh có cùng nỗi đau với cô. Giúp đỡ, kết nối, là những chiếc cầu nối nhau để đứng lên trên những khuyết điểm để trở thành ưu điểm. Không phải những điều kỳ diệu đã, đang và sẽ xảy ra cho tất cả mọi người sao? Lý tưởng sẽ giúp cô không còn nhìn lại đàng sau lưng mình nữa mà chỉ tiến lên phía trước với sức mạnh của sự góp sức với nhiều bàn tay! Tôi tin cô đang làm chuyện đó và sẽ thành công.

    Bạch Lan Wright nói với Hoài:

    - Bà có biết trên chuyến bay trở về Mỹ ngày đó, tôi đã nói với mẹ nuôi của tôi là: “Con là con gái của mẹ và con chỉ có mình mẹ là mẹ con mà thôi!”. Đấy mới chính thật là mẹ tôi! Từ ngày đó ngoài mặc cảm về bản thân tôi còn bị trầm cảm liên miên. Chuyến đi đó là một sự sai lầm và cứ triền miên đi theo tôi. Đứng trước ống kính của nghề nghiệp dường như tôi đã kiêu hãnh về sự khác thường của mình nhưng trong lòng tôi.. ngổn ngang, tôi khổ sở vì sự khác biệt đó. Nhưng rồi tôi hiểu ra vì sao cha mẹ tôi đã bỏ tôi! Họ không chịu nổi sự bất thường này, họ ghê sợ, họ phải từ bỏ..

    - Hãy mạnh dạn hơn và đẩy những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu của cô. Hãnh diện về những điều cô có thể làm như mọi người hay hơn hẳn những người khác. Điều này sẽ chứng tỏ nghị lực của cô và sẽ làm thay đổi cái nhìn của mọi người.

    - Bà thấy tôi nên như vậy sao?

    - Cô đang như vậy và cô cứ tiếp tục mạnh dạn trên con đường đó, không có gì ngăn trở được cô đâu!

    - Cám ơn bà đã động viên tôi!

    - Tôi chỉ tán thưởng những cố gắng của cô.

    Bạch Lan nhẹ nhàng đứng lên đi ra, cũng dường như không gây ra một tiếng động nào rõ ràng trên đôi chân trắng như tuyết. Hoài chợt nhớ đến chữ “Albus” trong tiếng La Tinh có nghĩa là “mầu trắng”. Cô ta đúng là một bông tuyết trắng vừa bay ra khỏi đây!

    “Mẹ ruột của tôi đã.. chết ngày hôm đó!”. Câu nói này của Bạch Lan Wright đi theo Hoài ra đến xe khi nàng rời khỏi văn phòng.

  7. #7
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Chương 6



    Trần Quang Lộc


    Người đàn ông tên Trần Quang Lộc, 37 tuổi không có những nét hay dáng vẻ của một người Việt Nam. Chỉ có cái tên họ là Việt Nam, trước mặt Hoài đây là một người Mỹ. Một người mang hai giòng máu: da trắng và da vàng!
    Anh ta đi theo Hoài vào văn phòng không khách sáo hay ngần ngại mà ngồi xuống ghế ngay trước mặt Hoài.

    Nàng quan sát người bệnh này kỹ hơn và không tìm thấy một nét Á châu nào! Sau cặp kính, đôi mắt nâu mở lớn nhìn Hoài với đôi chút tò mò.
    Bao giờ Hoài cũng là người lên tiếng trước. Vì sao vậy? Có lẽ nàng muốn tìm cầu nối với người bệnh nhân để mọi sự dễ dàng hơn.

    - Tôi có thể giúp gì được cho anh? Anh nói tiếng Việt được không?

    Anh ta nhìn Hoài và nói với giọng rất trầm làm nàng phải chú ý nhiều hơn:

    - Tôi chỉ biết một vài chữ tiếng Việt, không đủ để nói chuyện! Vợ tôi khuyên tôi đến đây.

    Hoài đặt câu hỏi:

    - Để cứu vãn gia đình hay một cái gì đó sao?

    Người đàn ông ngồi trước mặt Hoài cười hực lên một tiếng, nghe rất gượng gạo! Đấy không hẳn là một tiếng cười!

    - Có thể hiểu như vậy! Tôi phải nói như thế nào?

    - Cứ nói những điều làm anh phải bận lòng! Nếu là từ gia đình thì hãy nói về gia đình anh, vợ anh, con cái anh hay bất cứ những gì dính líu đến gia đình hay vấn đề nào đó có liên quan.

    - Tôi.. rất dễ bị lo âu và nóng giận..

    - Với tất cả mọi người hay chỉ với những người trong gia đình?

    - Với câu hỏi này bà đã nhìn thấy vấn đề của tôi! Bà hay thật! Vợ tôi đã nói một người bạn giới thiệu đến bà, cô ấy có lý!

    Hoài không chỉ nhìn người bệnh tên Trần Quang Lộc mà nàng còn đang sục xạo trên gương mặt dài nhưng hơi bạnh ra ở phần dưới, cái mũi cao nhưng hơi to và đôi môi dầy và đỏ thắm một cách khác thường ở nam giới. Đây có phải là một người thích dùng bạo lực? Nàng không nghĩ như vậy! Nhưng làm sao biết được?
    Hoài đặt câu hỏi:

    - Thường anh giải quyết sự nóng giận của mình như thế nào? Có khi nào bằng võ lực hay không?

    Anh ta cúi đầu khi trả lời:

    - Như vậy đó! Tôi không kềm chế được bản thân để rồi.. sau đó lại hối hận!

    - Tôi đoán chắc anh chỉ để cơn nóng giận của anh được thoát ra trong gia đình mà thôi, đúng không?

    - Không sai! Tôi không muốn trở thành như thế.. không muốn chút nào nhưng không chế ngự được mình..

    - Những lo âu và nóng giận đến từ những áp lực của công việc hay gia đình?

    - Từ công việc!

    Hoài đặt câu hỏi dù đã nhìn thấy trong hồ sơ bệnh lý, Trần Quang Lộc làm nhiều nghề khác nhau, từ thầy đến thợ..

    - Công việc của anh như thế nào?

    - Tôi thay đổi nghề nhiều lần, tôi làm đủ thứ nghề.

    - Tại sao phải thay đổi nhiều như thế? Không hợp với công việc và khả năng hay sao?

    - Tôi không hiểu nữa.. tôi luôn luôn bị căng thẳng, lo âu và sợ hãi..

    - Có nhiều áp lực từ những công việc đó hay sao?

    - Không hẳn là như vậy.. Là chính tôi mà thôi!

    - Anh còn nhớ thời gian lúc anh còn nhỏ không?

    Tự dưng thấy anh ta lúng túng hẳn:

    - Tôi.. tôi nhớ chứ.. nhưng thời gian đó ăn thua gì với hiện tại và tình trạng của tôi?

    - Theo tôi, mọi sự bắt đầu từ khi anh còn nhỏ!

    Anh ta nhìn Hoài với vẻ hoài nghi:

    - Thật sao?

    - Anh lớn lên trong một gia đình ra sao? Hòa thuận, nhiều tiếng cười hay chỉ toàn những giận dữ và cãi vã?

    Trần Quang Lộc trầm ngâm một lúc rồi mới trả lời:

    - Ít tiếng cười.. Cha mẹ tôi cãi nhau liên tục, anh em chúng tôi luôn luôn sợ hãi trong bầu không khí căng thẳng vì chiến tranh giữa cha và mẹ tôi có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

    - Anh và những người anh chị em khác trong gia đình có bị đòn lây không?

    - Thỉnh thoảng..

    - Thật không?

    Anh ta ngập ngừng:

    - Nhiều hơn là.. thỉnh thoảng!

    - Cha mẹ anh có đánh nhau không?

    - Mỗi khi cãi nhau đến tột đỉnh thì họ xoay sang đánh nhau để đi đến kết thúc!

    - Khi cha mẹ cãi nhau và đi đến xung đột thì con cái là những người bị tổn thương nhiều nhất. Gia đình là mái ấm để con trẻ lớn lên và phát triển nhưng khi đứa trẻ chứng kiến những bất đồng đến nỗi đưa đến bạo lực thì niềm tin về mái ấm gia đình trong đứa trẻ bị phá vỡ và đưa đến nỗi bất an và sợ hãi ở đứa trẻ. Từ đó đưa đến những tổn thương tâm lý lâu dài và đôi khi đeo đuổi theo đứa trẻ cho đến khi lớn khôn.

  8. #8
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837
    Anh ta có vẻ suy niệm về những điều Hoài vừa nói.

    Nàng lại đặt câu hỏi tiếp:

    - Lúc nhỏ anh có hay tự cô lập mình không?

    Lộc như bừng tỉnh hỏi lại Hoài:

    - Tại sao bà biết?

    - Khi trẻ nhỏ thường xuyên chứng kiến những cảnh bạo lực từ cha mẹ, chúng sẽ trở nên ít nói và tự cô lập mình. Đứa trẻ thường xuyên bị căng thẳng vì những xung đột đó nên tự tạo cho nó một vỏ bọc che chắn và bảo vệ để không ai có thể hãm hại hay đi vào thế giới của mình được. Đứa trẻ trong tình huống đó khó mà kết nối với cha mẹ vì rào cản tâm lý đó. Khi lớn lên đứa trẻ sẽ trở nên rụt rè không thích giao tiếp và khó mà thể hiện được tình cảm.

    - Tôi có cảm tưởng như bà đang đi vào trong đầu tôi và đọc được những thầm kín mà tôi chưa hề bày tỏ với ai, ngay cả với vợ tôi.

    Hoài tiếp tục phân tích:

    - Như tôi đã nói khi nãy cha mẹ cãi nhau hay đánh nhau thì con trẻ sẽ là những kẻ bị tổn thương nhiều nhất. Trẻ con chứng kiến cha mẹ cãi nhau thường xuyên và dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thì đấy là bài học mà trẻ con học được từ người lớn và chúng sẽ tin rằng xử dụng bạo lực hay cãi vã là cách giải quyết vấn đề hoặc đạt được điều mình mong muốn. Trẻ con sẽ học theo những hành động, lời nói của cha mẹ chúng để khi lớn lên chúng cũng sẽ dùng y như thế để giải quyết vấn đề với những người chung quanh. Giống như anh nói khi nãy với tôi là cha mẹ anh sau khi cãi vã thì đi đến xung đột để kết thúc. Bài học đó đã đi sâu vào đầu anh từ khi anh còn nhỏ.

    Anh ta cúi gầm đầu như chiêm nghiệm về những điều mà Hoài vừa phân tích.

    - Lúc nhỏ anh có tự cô lập mình không?

    - Luôn luôn!

    - Vì đó là vỏ bọc an toàn cho anh!

    - Đúng như vậy! Tôi không muốn bất cứ ai đi vào thế giới của tôi!

    - Anh có dùng bạo lực trong gia đình anh không, với vợ con chẳng hạn?

    Thấy anh ta có vẻ khổ sở khi tìm câu trả lời:

    - Tôi không đè nén được.. tôi thù ghét mình sau mỗi lần tôi không nén được cơn giận.. Tôi phải làm gì để thay đổi?

    Hoài ôn tồn hỏi anh ta:

    - Anh trút cơn giận lên vợ anh hay con cái anh?

    - Vợ tôi.. Chỉ vợ tôi thôi.. Tôi yêu vợ tôi, tôi không bao giờ muốn làm như vậy.. nhưng lúc đó tôi đã biến thành một con người khác! Tôi thù ghét con người đó! Nó đang hủy hoại cuộc hôn nhân của chúng tôi và gia đình tôi.. Bà bảo tôi phải làm gì? Tôi không bao giờ nghĩ đây là những hệ quả từ những chứng kiến bạo lực trong gia đình lúc nhỏ. Bà hãy thay đổi tôi..

    - Tự anh hãy thay đổi chính mình. Tôi chỉ đưa ra những lời khuyên. Anh thay đổi công việc luôn luôn là vì sao? Tại sao đang từ là thầy mà xuống thành thợ? Không thỏa mãn sao?

    - Làm công việc nào cũng có người trên đầu trên cổ mình, từ văn phòng hay hãng xưởng thì cũng thế thôi! Tôi không chịu được! Nhưng vẫn muốn thử công việc.

    -Anh đem những áp lực đó về nhà sao?

    - Chứ tôi phải làm gì bây giờ?

    - Anh nên tìm cách giải tỏa những lo âu và tức giận trước khi về nhà.

    - Bà nói tôi làm gì để giải tỏa những điều này?

    - Có nhiều cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.

    - Chẳng hạn như?

    Hoài hơi mỉm cười khi nói với anh ta:

    - Có nhiều cách. Anh nên hiểu là tức giận, lo lắng hay hồi hộp là những trạng thái bình thường của con người. Nhưng nếu anh cứ để những tâm trạng này kéo dài thì không tốt. Đầu tiên là anh nên hít thở sâu vì đó là biện pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất để giảm sự tức giận và lo âu. Đừng xem thường hành động giản dị này vì khi tức giận, người ta có xu hướng thở nhanh và nông cạn. Đó là lúc não bộ con người báo cho biết rằng cơ thể đã sẵn sàng chiến đấu hay bỏ chạy. Khi anh thở sâu sẽ giúp nhịp tim chậm lại và anh sẽ trở nên bình tĩnh hơn.

    Anh ta nhìn Hoài với vẻ hoài nghi:

    - Chỉ vậy thôi sao?

    Hoài lắc đầu:

    - Anh phải học cách thừa nhận rằng tức giận là một cảm xúc lành mạnh.

    - Lành mạnh? Tôi không hiểu bà nói gì?

    Hoài giải thích:

    - Tức giận là một cảm xúc lành mạnh bởi chính cảm xúc này cho anh biết ranh giới của anh ở đâu và anh sẽ suy xét xem điều gì là tốt nhất. Nếu cố kìm nén cơn tức giận, anh sẽ đánh lừa bản thân rằng sự tức giận này đã tan biến nhưng thực chất anh sẽ trở nên căng thẳng hơn. Một ngày nào đó, chỉ cần một kích thích nhỏ, sự tức giận bị đè nén lập tức bùng ra, khiến tâm trạng của bản thân trở nên tồi tệ hơn. Biết cách quản lý cơn giận hiệu quả là chìa khóa để có cuộc sống lành mạnh, cân bằng về cảm xúc.

    - Nhưng làm sao tôi có thể để những lo lắng hay tức giận của tôi được giải tỏa ngoài chuyện hít thở sâu và chậm lại?

    - Anh có thể tập thể dục, đi bộ hay chạy. Những hoạt động thể chất giúp giải phóng serotonin là chất hóa học trong não bộ có khả năng ảnh hưởng đến tâm trạng một cách tích cực và giúp anh bình tĩnh hơn. Nhưng đừng làm những hành động thiếu cân nhắc và suy nghĩ như la hét hay đập đầu. Nghe nhạc cũng có tác dụng tốt trong việc làm dịu những căng thẳng của đầu óc và tâm trí.

    Lộc có vẻ lắng nghe những điều Hoài vừa nói.

    - Bà cứ chỉ cho tôi càng nhiều phương cách giải tỏa thì càng tốt.

    - Có một số biện pháp có thể sử dụng để đánh lạc hướng bản thân khỏi tức giận, lo lắng. Anh có thể chuyển hướng sang làm một chuyện gì khác để đầu óc bận rộn không còn chỗ cho những cảm xúc tiêu cực. Nên nhắc nhở bản thân, khi lo lắng hoặc tức giận cần phải làm thứ gì đó giúp bạn tập trung. Điều này có thể giúp giải tỏa lo lắng rất hiệu quả vì khi lo lắng hoặc tức giận, hầu hết năng lượng của anh sẽ bị lãng phí cho những suy nghĩ tiêu cực. Khi lo lắng hoặc tức giận, anh luôn cảm thấy cơ thể "căng cứng". Hãy thử tập một số bài kéo giãn cơ, chúng sẽ giúp anh bình tĩnh và tỉnh táo hơn. Nếu có kinh nghiệm về thể dục hoặc yoga, thiền... anh có thể sử dụng nó tại thời điểm này. Tôi nghĩ anh cứ thử tập những phương cách đó trước khi về nhà để giảm bớt những bực dọc do áp lực của công việc. Đừng biến gia đình là nơi để anh xả stress.

    - Tôi sẽ làm theo lời bà khuyên.

    Câu chuyện giữa Hoài và người bệnh nhân tên Lộc chấm dứt ở đó. Nàng hy vọng anh ta sẽ nghe lời khuyên để từ đó cứu vãn hạnh phúc gia đình và cho chính bản thân.

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837


    Ph
    ần 2


    Chương 7


    Katrya Zakharov

    Tháng 5 của 9 năm về trước


    Katrya kéo cao cổ áo khoác. Những cơn gió từ giòng sông phía đông thổi ngược chiều làm chậm những bước chân của nàng. Nắng chiều vẫn còn vàng ửng trải dài trên từng mặt cỏ của công viên. Đường mòn trong công viên Astoria Park uốn khúc dọc theo sông. Nằm ở phía tây của quận Queens, kéo dài từ phía nam của cầu Triborough sang đến phía bắc của chiếc cầu cổ kính Hell Gate Bridge, công viên Astoria chiếm được một vị thế rất đẹp mắt vì từ đây có thể ngắm nhìn cả vùng trung điểm của Manhattan với những tòa nhà chọc trời sừng sững ở phía nam sang đến những sông rạch phía bắc. Nơi đây chính là biểu trưng của sự đa dạng về phong cảnh của thành phố New York.

    Nàng thích đi dạo ở đây phần vì cũng gần chỗ ở, nhưng có lẽ vì một vài chỗ trong công viên rộng mênh mông gần 60 mẫu này làm Katrya nhớ đến một góc mùa hè ở quê nhà. Nhưng hôm nay Katrya đến đây với mục đích. Công viên này cũng là một trong những địa điểm để bỏ những tài liệu thu thập được theo chỉ thị của Grigori Luzhkov.
    Grigori Luzhkov là một thứ ác mộng đeo đuổi Katrya cho dù nàng đã sang tỵ nạn tại Mỹ. Dù cũng đã mơ hồ tiên liệu một việc như thế có thể xảy ra khi đặt chân đến xứ tự do này nhưng không ngờ đã thành sự thật và đến nhanh hơn nàng tưởng!

    Cái ngày đầu tiên gặp gỡ Grigori Luzhkov đã diễn ra đột ngột và đi sâu vào ký ức của Katrya như một vết chém sâu và xấu xí nếu không muốn nói là nhức nhối! Tối đó Katrya rời khỏi căn gác trọ mà Gabriel Galian đã giúp nàng thuê để đi mua vài thứ lặt vặt ở một tiệm tạp hóa gần đó mở đến khuya. Chưa đến được nơi muốn đến, nàng đã bị hai người đàn ông lực lưỡng chợt xuất hiện và nắm chặt hai bên cánh tay nàng. Katrya vùng vẫy và la lên nhưng chung quanh vắng vẻ chẳng ai nghe thấy tiếng kêu cầu cứu của nàng. Một chiếc xe van mầu đen mau chóng áp sát lề đường. Cửa mở, hai người đàn ông lạ mặt đó kéo và đẩy thô bạo Katrya vào xe. Trên xe nàng bị kẹp ép vào giữa hai gã nọ. Chúng bịt kín mắt nàng lại.

    Katrya kêu lên:

    - Mấy người là ai? Tại sao lại bắt tôi?

    Một gã trả lời cười lớn:

    - Chúng ta là đồng hương mà cô em!

    Giọng y sắc và là giọng của người ở vùng Moscow hay St Petersburg. Đây là giọng phổ thông mà bất cứ người dân Nga ở phía nam, hay phía bắc đều có thể hiểu được.
    Katrya chưa kịp nói lại thì đã nghe chắc ở băng ghế trên có tiếng đàn ông ra vẻ quyền uy ra lệnh:

    - Im đi! Ai bảo mày nói?

    Katrya hỏi:

    - Mấy người đưa tôi đi đâu?

    Vẫn người đàn ông ngồi ở băng ghế trên lên tiếng:

    - Rồi sẽ biết!

    Katrya biết có hỏi hay nói gì cũng vô ích vì nàng đã lọt vào tay bọn chúng. Dĩ nhiên chúng biết nàng là ai và đã theo dõi. Bọn chúng sẽ không giết nàng, chắc chắn là như vậy! Nhưng sẽ lợi dụng và buộc nàng phải hoạt động cho cộng sản Nga trên đất Mỹ. Đây không phải là những điều mà Katrya đã nghĩ đến trước đây rồi sao? Nàng đã từng nghĩ đến một ngày như hôm nay sẽ xẩy ra nhưng chưa nghĩ đến mình sẽ phải đối phó như thế nào! Katrya sẽ trở thành một kẻ đi trên 2 dây hay cả hai bên sẽ đều lợi dụng nàng cả?

    Chiếc xe van bít bùng, mùi mồ hôi, mùi nước hoa đàn ông và cả mùi rượu vodka càng ngột ngạt quyện vào nhau làm những lỗ chân lông của Katrya dường như nở ra và lấm tấm những giọt mồ hôi mang tên sợ hãi! Mùi rượu vodka làm Katrya nghĩ đến những điều kinh khủng! Người Nga chỉ ngừng tra tấn khi họ uống rượu vodka. Khi hết rượu, họ còn đánh nạn nhân hung hãn hơn nữa. Hay ở trên đất Mỹ chúng chỉ uống vodka như uống rượu mà thôi? Hay chúng vừa tra khảo ai đó? Katrya nhắm mắt lại và tự trấn tĩnh mình. Những suy nghĩ này không giúp ích gì được cho nàng lúc này. Phải bình tĩnh để ứng phó.

    Cái đầu của Katrya vẫn không để nàng yên trong hoàn cảnh này! Khi mới đặt chân đến xứ sở tự do này Katrya đã tìm hiểu, nàng biết số người Nga tị nạn tại Mỹ đông nhất là ở New York. Đến hơn 1 triệu rưởi người Nga sống ở đây. Trong số người đông đảo đó liệu có bao nhiêu người hoặc là tình nguyện hay được cài đặt vào hay bị bắt buộc phải làm gián điệp cho cộng sản Nga?

    Chúng sẽ đưa nàng đi đâu?

    Chừng nửa tiếng sau, có lẽ như vậy, vì Katrya thấy đi rất lâu, rồi chiếc xe van ngừng lại, tắt máy. Có tiếng mở cửa xe. Chúng lại lôi nàng đi. Chân Katrya dẫm lên không phải mặt đất mà là sàn xi măng hay đá. Nàng bị đẩy vào bên trong. Chúng lại tiếp tục lôi nàng đi thêm một đoạn, rồi đi xuống bậc thang. Vài tiếng người nói xôn xao. Nàng nghe thấy có người nói:

    - Trói tay nó vào ghế! Bỏ khăn bịt mắt ra!

    Katrya chớp mắt như làm quen với ánh sáng đang rọi thẳng vào mặt nàng. Nhưng Katrya vội nhắm mắt lại vì không chịu nổi ánh sáng dữ dội từ ngọn đèn.

    - Mở mắt ra!

    - Chói mắt quá! - Katrya kêu lên.

    - Xoay đèn chếch sang một chút! Được rồi! Mở mắt ra Katrya!

    Người đàn ông nào đó đã gọi thẳng tên nàng. Vẫn là cái giọng đầy thế lực lúc trước.
    Katrya mở he hé mắt nhìn. Chung quanh nàng tối đen, chỉ có mỗi ánh sáng chói lòa từ bóng đèn nay đã được dịch chuyển sang bên cạnh chút ít. Hai tay nàng bị trói vòng sau lưng và buộc vào ghế. Mặt ghế còn lạnh. Đây là dưới hầm sao?
    Khi đã có thể quen với ánh sáng đó, Katrya nhìn thấy vài bóng người. Ba người trước mặt nàng! Không thấy rõ mặt.

    Nàng hỏi:

    - Mấy người muốn gì?

    - Cô có nhớ ngôi nhà ở Sergiev Posad không? Ngôi nhà ở phía bắc của ngoại ô Moscow có những rèm cửa thêu hoa mà mẹ cô đã cất công đi tìm và mua rồi treo lên trong tổ ấm của gia đình Zakharov.

    Chúng biết hết về mình, Katrya nghĩ thầm nhưng không trả lời.

    Vẫn người đàn ông đó lại nói tiếp:

    - Mẹ của cô đã về hưu rồi cách đây vài tuần sau khi bà ấy bị té trong sở làm. Tuy tai nạn không có gì nghiêm trọng nhưng bà ấy muốn về hưu luôn để còn săn sóc cho cha của cô. Thật tiếc cho một nghệ sĩ ballet có tài như mẹ cô mà khi đã nhiều tuổi về hưu lại lại đi làm trong công xưởng! Tại sao vậy? Còn hai em cô, Nikita và Yuri, chúng đang oán trách cô vì đã bỏ quê hương chạy theo tư bản! Gia đình cô hiện tại toàn những lời trách cứ và oán hận cô vì đã ruồng bỏ họ và chạy theo tư lợi và ích kỷ của bản thân. Có bao giờ cô nghĩ đến những người thân còn lại ở đất mẹ không hay cô đã quên hết những người ấy? Trả lời đi Katrya?

    Những tiếng nói rỉa rói từ gã đàn ông nọ là những điều mà Katrya cũng đoán trước. Nhưng y không hề biết chính mẹ của nàng đã thúc hối Katrya rời bỏ gia đình và chạy sang phương tây tìm tự do. Mẹ cũng có những lý do riêng của mẹ nhưng chính là nghĩ đến tương lai của Katrya. Vả lại những bài viết của nàng để phản đối những sai trái của chế độ cộng sản Nga không sớm thì muộn cũng đưa Katrya đến một kết thúc là cái chết không yên lành nhưng tàn bạo nơi mà xác của Katrya sẽ bị vùi dập dưới một cái lỗ và dĩ nhiên là không có bia mộ. Người Nga dùng chữ: vyshaya mera, một hình thức trừng phạt nặng nhất. Thường cái chết như thế dành cho những kẻ phản bội, vì họ cho rằng công kích chế độ là phản bội đất nước và dân tộc!

    Đến lúc dường như không còn nhẫn nại nổi với sự im lặng của Katrya, hắn ta gằn giọng:

    - Katrya! Cô muốn cả gia đình cô phải chết vì sự cứng đầu của cô sao?

    Câu nói đe dọa thẳng thừng làm Katrya như tỉnh lại, nàng nghĩ phải tìm đường sống không chỉ cho chính nàng mà còn cho gia đình vì ngày đó đã đến! Đây không chỉ còn là những tiên liệu mà sự thật đang xảy ra cho nàng và có thể còn cho gia đình Katrya! Nàng không thể bỏ mặc gia đình mình cho dù mẹ có nói gì đi nữa! Những lúc còn ở Nga, Katrya đã viết những bài báo công kích mà không hề nghĩ đến hậu quả, tiếng lương tâm của nàng mạnh mẽ vượt trên mọi sợ hãi và những bất trắc rồi sẽ xảy đến.

    Bây giờ ngày hôm nay ở trên mảnh đất tự do này sao nàng lại yếu mềm và dễ chịu khuất phục như vậy? Hay chỉ bởi vì Katrya là một con người với những yếu đuối không thể gạt bỏ?

    - Mấy người muốn gì ở tôi?

    Gã đàn ông nọ hơi mỉm cười khi thấy Katrya đổi thái độ, y nói với vẻ hài lòng:

    - Chúng ta hãy đi đến một thỏa hiệp. Dễ dàng thôi mà!

    Katrya cứng rắn khi hỏi lại người đang bắt giữ và uy hiếp nàng:

    - Ông tên gì và là ai? Chức vụ của ông là gì trong FSB? Các ông muốn dùng tôi làm gián điệp trên đất Mỹ? Nếu tôi ưng thuận, ông gọi đó là thỏa hiệp? Còn nếu tôi từ chối thì đương nhiên là các ông sẽ giết hết gia đình tôi, ngay cả đến con chó cũng không tha. Còn phần tôi thì chỉ cần một mũi chích có chứa các viên nhỏ ricin, một chất độc dược được sản xuất tại phòng thí nghiệm 12 của KGB, tiền thân của FSB. Số phận của tôi cũng sẽ chẳng khác gì nhà văn và cũng là nhà bất đồng chính kiến Bulgaria Georgi Ivanov Markov bị cơ quan mật vụ Bulgaria sát hại tại Luân Đôn. Hay tử tế hơn là chỉ bố thí cho tôi vài phát đạn cho nhanh chóng?

    Người đàn ông dịu giọng nói với Katrya:

    - Cô muốn hiểu hai chữ thỏa hiệp như thế nào cũng được. Chúng tôi không đòi hỏi cô phải sát hại ai hay làm những gì nguy hiểm cho bản thân của cô. Cô làm việc cho chúng tôi, cô vừa được yên ổn ở đây mà gia đình của cô cũng bình yên. Như vậy không tốt hơn sao? Tốt đẹp cho tất cả mọi người!

    - Bộ ông tưởng khi người Mỹ cho tôi vào đất nước này dễ dàng mà không nghi ngại sao?

    - Đương nhiên là họ đâu tin tưởng cô hoàn toàn! Thành thử cô có thể tin người Nga hơn là người Mỹ!

    - Ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi khi nãy? Tên ông là gì? Chắc chắn là ông thuộc FSB.

    - Tên tôi là Grigori Luzhkov. Tôi và cô trực tiếp nói chuyện và giao dịch. Nếu cô gặp khó khăn về tài chánh, chúng tôi sẽ giúp cô. Hay chúng tôi sẽ giúp đỡ gia đình cô coi như cô gửi tiền về giúp gia đình. Thỏa hiệp này quá tốt, không phải sao?

    Katrya nghĩ ngay đến chuyện dùng đây làm cơ hội để chơi lại bọn chúng. Nhưng không phải dễ, nàng đối với bọn chúng như trứng chọi đá! Mọi tin tức đều được kiểm chứng và chúng theo dõi nàng sát nút. Chẳng ai tin ai trong thế giới này! Nhưng muốn sống còn thì phải làm cho chúng tin tưởng là nàng bị khuất phục và phải trung thành.

    Nàng dịu giọng hỏi lại:

    - Tôi phải làm gì?

    - Thu thập tài liệu cho chúng tôi.

    - Mới đặt chân đến đây, không quen biết ai mà cũng không có công việc gì trong chính quyền Mỹ hay công ty nào quan trọng, tôi không hiểu tôi có thể làm gì?

    - Cô không biết đó thôi! Vòng giao thiệp của cô hiện tại rất hứa hẹn không phải ngay lúc này nhưng trong tương lai gần.

    Katrya cười nhạt:

    - Vòng giao thiệp của tôi rất giới hạn trong giới xuất bản. Các ông thừa biết tôi đang giúp viết hồi ký cho..

    - Kharkov! Chúng tôi biết và muốn tìm hiểu những tài liệu mà Kharkov có từ đâu khi hắn ta chỉ trích điện Cẩm Linh. Ai là người cho y những tin tức đó. Cô có thể tìm được điều này. Vả lại trong tương lai, cô sẽ mở rộng vòng giao tiếp với những nhân vật tai mắt mà nhà xuất bản Galian quen biết. Nữ giới len vào phạm vi này dễ dàng lắm và được việc. Đây là một công việc có thể kéo dài.

    - Kéo dài vô hạn định cho đến khi tôi không còn hữu ích nữa thì thủ tiêu?

    - Đừng nghĩ đến những chuyện tiêu cực như vậy! Cô chỉ nhìn thấy có một mặt. Tại sao có bao nhiêu người xả thân vì quốc gia vì họ nhìn thấy toàn bộ những điều tốt đẹp nên làm cho đất nước vì vậy làm được điều gì họ không bao giờ từ chối!

    Katrya không mù quáng và ngu xuẩn như vậy. Nàng và những người này đều đang ở vị trí để lợi dụng lẫn nhau. Điều nàng nhận chẳng phải vì chính mạng sống mình và gia đình hay sao? Cho dù mẹ nàng đã nói với Katrya là đừng nghĩ tới gia đình, chỉ cần nàng thoát được sang phương Tây!

    Nàng làm việc cho Grigori Luzhkov từ hôm đó. Chúng không buộc Katrya phải làm gì nguy hiểm. Nàng chỉ cần gợi chuyện với Kharkov, khéo léo để ông ta tin tưởng rồi hé lộ những bí mật cần biết nhưng những chi tiết đó không dùng trong cuốn hồi ký.

    Những mảnh giấy nho nhỏ được truyền tới tay Katrya nhiều khi từ những người đi ngang qua trên hè phố, không biết ai là ai! Đó là cách thông tin giữa Katrya và bọn chúng, cộng sản Nga trên đất Mỹ!

  10. #10
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,837
    *


    Ngày hôm nay chúng đổi địa điểm dù vẫn ở trong Astoria Park. Katrya được chỉ thị đi vòng theo sông về phía bắc, ngang qua những băng ghế gỗ rải rác. Nàng vẫn chưa nhìn thấy địa điểm như đã dặn.

    Một người phụ nữ chạy xe đạp ngang qua rồi dừng lại như hỏi thăm Katrya. Nhưng không phải như vậy khi cô ta nói nhỏ với nàng:

    - Đổi chỗ rồi! Tôi sẽ giả vờ ngã và cô chuyển cho tôi!

    Katrya cười nhẹ như xác nhận. Nàng tiếp tục lững thững đi bộ. Người phụ nữ đó đạp xe về phía trước. Katrya phải đi nhanh hơn một chút cho kịp với tốc độ của cô ta. Đến một quãng vắng vẻ, cô gái loạng choạng và ngã lăn cùng với xe đạp.
    Katrya đến gần cúi xuống như hỏi thăm rồi ngồi xuống bên cạnh cô ta. Nàng nhét kín đáo gói giấy nhỏ có mầu như cỏ úa vào túi cô gái. Katrya giúp nâng cô ta dậy. Cả hai trao đổi dăm ba câu thăm hỏi. Cô gái phủi nhẹ quần rồi giơ tay chào và đạp xe đi.

    Tất cả những điều vừa xảy ra cho Katrya cho nàng cảm giác là có gì bất ổn vì khác thường! Hay là chuyện nàng làm gián điệp cho Nga đã bị bại lộ? Hay là… Nhiều câu hỏi dấy lên mà không có câu trả lời càng làm cho nàng nôn nao.
    Ra khỏi công viên Astoria Park, Katrya gọi tắc xi về nhà thay vì đi tầu điện ngầm. Ngồi trong tắc xi, thỉnh thoảng nàng ngoái cổ nhìn đằng sau xem có gì khác lạ.

    Về đến căn gác trọ, nàng vào bên trong rồi đến gần cửa sổ nhìn xuống đường. Không có gì lạ, mà cũng không có ai đó đứng quanh quất. Chắc nàng chỉ tưởng tượng!
    Tối đó đi ăn với Gabriel nàng thấy thoải mái hơn. Biết là Gabriel thích mình nhưng Katrya chỉ thấy đây là một chỗ dựa ấm áp, ngoài ra chưa một tình cảm nào nhen nhúm làm nàng phải bâng khuâng hay không có một chớp lửa nào lóe lên để nàng phải chú ý, phải nhớ nhung để có thể gọi là tình yêu. Anh ta có địa vị và là người tốt nhưng không có sự cuồng nhiệt trong tình cảm. Gabriel giống như một giòng sông lặng lờ để những lúc nàng thấy buồn phiền, lo âu, thì có thể nhìn giòng sông đó mà cảm nhận chút an bình. Anh ta không phải là người mà Katrya có thể bộc lộ hay chia sẻ về mình, về gia đình, về.. quá khứ! Nàng không thể tin tưởng vào bất cứ ai, ngoài bản thân!

    Khi Gabriel đưa nàng về, có vẻ như anh ta muốn ôm nàng từ giã nhưng Katrya chỉ nắm chặt bàn tay Gabriel rồi nói nhỏ:

    - Cám ơn anh về buổi tối thật êm đềm. Ngủ ngon nhé!

    Tình cảm mà Katrya dành cho Gabriel chỉ có vậy! Nàng chưa sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu tình cảm vì quá nhiều những khúc mắc trong cuộc sống hiện tại.
    Khi đưa tay tắt đèn ngủ, chuông điện thoại của nàng reo.
    Ai gọi giờ này? Grigori Luzhkov không bao giờ gọi điện thoại. Hắn ta rất cẩn trọng. Khi cần gặp gỡ, hắn ta có những cách riêng để nhắn tin.

    Katrya bấm nút nghe điện thoại:

    - Hello!

    - Katrya! Có khỏe không? Có còn nhớ Damian. Damian Wilson?

    Katrya tỉnh hẳn ngủ! Damian Wilson! Nhân viên ngoại giao tại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow! Chính Damian đã giúp nàng xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ!
    Nàng kêu lên, không giấu được vẻ vui mừng:

    - Damian! Nhớ chứ! Anh là ân nhân của tôi! Tôi không có mặt ở đây nếu không có sự giúp đỡ của anh! Làm sao anh tìm được số điện thoại của tôi?

    - Tôi có pháp thuật! Tôi chỉ hô lên vài tiếng bùa chú là tìm được Katrya ngay!

    Cả hai cùng cười vui vẻ. Nàng hỏi Damian:

    - Anh đang ở đâu? Không phải đang gọi từ Moscow chứ?

    - Không! Tôi đang ở cùng thành phố với cô! Ngạc nhiên không?

    - Đi chơi hay công việc?

    - Đi chơi mà cũng có chút việc! Katrya khỏe không? Tôi gọi giờ này có quá trễ không?

    - Không sao! Tôi chưa ngủ! Anh khỏe không?

    - Khỏe lắm! Cô đã quen thuộc với đời sống Mỹ chưa?

    - Nửa năm cũng đã quen nhưng có lúc vẫn chưa.. quen! Anh hiểu tôi nói gì chứ?

    Vẫn tiếng cười vui vẻ đó, Damian nói với Katrya:

    - Nếu cô nói như thế thì cô có ở đây thêm vài chục năm nữa rồi cũng sẽ có những lúc thấy lạ lẫm!

    Katrya cười:

    - Đã lâu lắm rồi tôi không được nói chuyện thoải mái như thế và nói chuyện với người hiểu mình như vậy!

    - Không có bạn sao?

    - Thì cũng có nhưng mà..

    Damian nói liền:

    - Nhưng mà sao lạ lẫm!

    - Anh hiểu tôi và làm tôi vui. Thật cám ơn! Anh sẽ ở lại đây bao lâu?

    - Tôi mới đến đây ngày hôm qua. Sẽ ở đây 5 ngày rồi về California thăm gia đình vài bữa. Mình gặp nhau ăn tối nghe?

    Katrya nhận lời ngay:

    - Được rồi, tôi rất vui gặp lại anh!

    - Tối mai được không?

    - Được! Ở đâu?

    - Tôi đến đón cô! Cho địa chỉ đi!

    Damian hỏi như thế nhưng thực sự anh ta đã biết địa chỉ của Katrya, biết rất rõ.

    Katrya cho địa chỉ và họ hẹn nhau vào 7 giờ tối ngày mai.

 

 

Similar Threads

  1. Bóng tối - Truyện dài Mặc Bích
    By frankie in forum Truyện
    Replies: 16
    Last Post: 06-29-2023, 07:21 AM
  2. Truyện ngắn Mặc Bích
    By Frank in forum Truyện
    Replies: 10
    Last Post: 05-31-2014, 12:08 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 08-19-2013, 09:15 AM
  4. Replies: 0
    Last Post: 08-17-2013, 07:53 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 08-10-2013, 01:44 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:09 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh