Register
Page 1 of 16 12311 ... LastLast
Results 1 to 10 of 152
  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819

    Giải đáp y khoa




    BỆNH ĐỨT MẠCH MÁU ĐẦU (STROKE)



    HỎI:

    Tôi có người nhà bị bệnh đứt mạch máu đầu, gần đây phải đưa vào nhà thương để chữa trị. Hiện đã đỡ nhiều nhưng hiện bị liệt nửa người và nói năng rất khó khăn, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào bị bệnh đứt mạch máu đầu và hy vọng hồi phục được khoảng bao nhiêu? có cách nào để ngừa được bệnh này không? Cũng xin bác sĩ cho biết có triệu chứng nào báo trước là sắp bị đứt mạch máu đầu không? Và phải làm những gì khi nghi là có thể bị bệnh này?

    Nguyễn Văn H.


    ĐÁP:

    Đứt mạch máu đầu là một trong những nguyên nhân chính gây ra chết hoặc bị liệt ở người lớn tuổi tuy một số người tuổi còn trẻ cũng có thể bị bệnh này. Đây là một bệnh nguy hiểm, nên hiểu biết về bệnh này, đặc biệt là biết những dấu hiệu báo trước việc đứt mạch máu đầu sắp sửa xảy ra là điều cần thiết cho những người lớn tuổi để có thể ngăn chận kịp thời và làm giảm thiểu những hậu quả tai hại của nó.

    Thực sự dùng chữ đứt mạch máu đầu không đúng hẳn, phải nói là bệnh tổn thương mạch máu não vì đứt mạch máu chỉ là một trong những cơ chế của bệnh tổn thương mạch máu não, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

    Bệnh này gây ra chết chỉ đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và bệnh ung thư. Cứ 100,000 người sẽ có 794 người bị bệnh mạch máu não. Mỗi năm có khoảng 400,000 người phải vào bệnh viện vì bệnh này, tính ra 5% người già trên 65 tuổi sẽ bị bệnh mạch máu não. Vì thế bệnh này là một bệnh rất quan trọng, đặc biệt cho người lớn tuổi, và vấn đề phòng ngừa là điều chính.

    Sau đây chúng ta sẽ xem về các loại của bệnh mạch máu não, các triệu chứng và cách ngừa bệnh này. Các bệnh của mạch máu não có thể chia làm bốn loại chính:

    1. - Nghẹt mạch máu não do cứng thành động mạch gây nên.

    2. - Cục máu chạy làm tắc mạch máu não, cục máu có thể từ một động mạch não bị lở loét và làm đông máu hoặc có thể chạy từ tim lên.

    3. - Xuất huyết trong não do áp huyết cao gây ra.

    4. - Mạch máu não bị phình và bị bể làm chảy máu dưới màng não gọi là màng nhện.

    Các tổn thương của mạch máu não có thể xảy đến một cách từ từ với triệu chứng báo trước hoặc có thể xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ và không có gì báo trước cả.

    Điều này tùy thuộc vào loại nào trong các loại kể trên; như nếu bị nghẹt mạch máu não, các triệu chứng có thể báo trước đôi khi nhiều ngày hoặc cả một thời gian thật lâu trước khi bị stroke hẳn; trường hợp bị cục máu chạy làm tắc mạch máu não hay bị xuất huyết trong não do áp huyết cao hay do mạch máu bị phình gọi là aneurysm và bị bể, stroke xảy ra đột ngột, bất ngờ.

    Trước hết, điều nên biết là có thể có những triệu chứng nào báo trước. Những triệu chứng này thường xảy ra ngắn, trong vòng vài phút đến một giờ, và thường biến đi không để lại dấu vết nào rồi trở lại sau đó, nhiều khi vài ngày hay cả tháng sau hoặc có thể nhiều như năm hoặc mười lần trong một ngày.

    Những triệu chứng thường thấy là tự nhiên thấy yếu hẳn đi một bàn tay hay một cánh tay trong vài phút rồi trả lại bình thường, hoặc thấy liệt đi một nửa bên người trong chốc lát rồi lại cử động được. Nhiều người có triệu chứng nói không được hay nói năng rất khó khăn trong vài phút đồng hồ.

    Một triệu chứng cũng thường hay xảy ra là tự nhiên mắt không còn thấy gì hoặc bị mất hẳn thị giác một nửa bên hoặc ở giữa thấy đen ngòm, trong vòng vài phút đồng hồ rồi lại thấy được như thường. Một số các triệu chứng khác có thể xảy ra là thấy chóng mặt, quay cuồng, đi đứng không vững, mắt nhìn một thành hai, nói năng ngọng nghịu chỉ trong chóc lát rồi trở lại bình thường.

    Những triệu chứng này ngắn hạn, gọi là transient ischemic attacks, viết tắt là TIA, không để lại dấu vét gì, nhiều người có những triệu chứng này một thời gian khá lâu nhưng thường đây là những dẫn dắt đưa đến stroke trong tương lai, vì thế nhận biết những triệu chứng này và tầm quan trọng của nó để đi khám nghiệm ngay có thể tránh được những hậu quả tai hại của bệnh stroke gây ra.

    Những người nào dễ bị bệnh đứt mạch máu đầu? Như đã nói trên, bệnh này hay xảy ra ở người lớn tuổi nhưng không nhất thiết phải như vậy. Bệnh cứng thành mạch máu (atherosclerosis) là nguyên nhân chính gây ra đứt mạch máu đầu cũng như bệnh nghẹt động mạch tim, và liên quan đến bệnh cholesterol cao. Bệnh áp huyết cao cũng là một nguyên nhân chính gây ra đứt mạch máu đầu hay xuất huyết trong não, vì thế đi khám nghiệm để biết áp huyết mình có cao hay không và nếu cao phải chữa trị cẩn thận là điều chính yếu.

    Hiện tại ở Hoa Kỳ, mức độ người bị stroke tương đối đã giảm khá nhiều cũng nhờ người dân đã biết nhiều hơn về sự nguy hiểm của bệnh áp huyết cao và đi chữa trị cẩn thận. Người Việt Nam tỵ nạn hiện còn ơ hờ nhiều về bệnh áp huyết cao nên số người bị đứt mạch máu đầu vì không chữa trị áp huyết cao xảy ra khá nhiều và nhiều người còn trẻ cũng đã bị biến chứng tai hại này.

    Ngoài hai bệnh chính kể trên, các bệnh về nhịp tim đập không đều, loại atrial fibrillation, bệnh nghẹt van tim hay nghẹt động mạch tim hay nhiễm trùng tim cũng dễ làm đọng thành cục máu ở trong tim và làm chạy lên não bộ gây ra tổn thương mạch máu não bộ và gây ra stroke.

    Hút thuốc lá nhiều gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau và là một trong những yếu tố để đưa đến stroke. Vì thế muốn tránh bệnh này phải giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy hiểm và ngưng hút thuốc là điều cần thiết.

    Đứt mạch máu đầu hay stroke có thể xảy ra theo nhiều cách. Nếu bị nặng như xuất huyết nhiều trong não bộ hay bị hư hỏng vùng não bộ quan trọng và cần thiết cho sự sống còn như trung tâm điều khiển sự hô hấp, người bệnh có thể chết ngay trong vòng vài phút hay nửa tiếng đồng hồ. Phần lớn các trường hợp diễn biến xảy ra từ từ hơn và nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào mạch máu não nào bị ảnh hưởng.

    Trong não có ba mạch máu chính: mạch máu não giữa, mạch máu não trước và mạch máu não sau. Nếu bị nghẹt hay bị cục máu tắc ở mạch máu não giữa, sẽ bị liệt và tê mất cảm giác nửa người ở phia bên đối diện của bên mạch máu bị nghẹt. Có nghĩa là bị nghẹt mạch máu bên trái sẽ bị liệt nửa người bên phải và ngược lại.

    Đồng thời trung tâm điều khiển nói hay phát âm bị thương tổn sẽ làm cho nói không được hay nói ngọng nghịu khó khăn. Tùy theo vùng nào của trung tâm điều khiến tiếng nói bị ảnh hưởng, có rất nhiều triệu chứng khác nhau như nghe hiểu mà muốn nói nói không được, nghe cũng không hiểu mà nói cũng không được, nhìn sách hiểu nhưng đọc ra không được, hoặc đọc không hiểu gì cả, hoặc viết ra không được . . .

    Mỗi người có nửa bán cầu não mạnh hơn bên kia, thường người thuận tay phải có bán cầu não bên trái mạnh hơn, người thuận tay trái có bán cầu não phải mạnh hơn; nếu bị nghẹt mạch máu não giữa của bán cầu não chính yếu sẽ bị liệt nửa người của phía bên kia nặng hơn nhiều và trung tâm điều khiển nói năng ở phia bán cầu não chính nên cũng sẽ bị nói không được.

    Ngược lại, nghẹt mạch máu não giữa của bán cầu não phụ sẽ bị nhẹ hơn và thường vẫn nói được. Nghẹt mạch máu não trước tương đói bị ít hơn làm đi đứng khó khăn tuy không đến nỗi bị liệt hẳn, làm đi tiều không kiêm soát được, ảnh hưởng đến trỉ thông minh v…v... Nghẹt mạch máu não sau cũng gây bị liệt, ngoài ra trên mặt cũng bị làm mắt sụp, nuốt không được, nửa mặt mất cảm giác, bị chóng mặt, ói mửa v.v..

    Như vậy khi người bệnh bị những triệu chứng kể trên có thể định bệnh là bị bệnh của mạch máu đầu hay stroke và cần phải đưa vào bệnh viện để điều trị. Việc định bệnh chính xác và phân loại ra bị xuất huyết trong não hay bị nghẹt và làm chết phần nào của não bộ phải dựa vào cách chụp hình CAT scan hay phương pháp gọi là MRI (magnetic resonance imaging). Nếu nghi bị bể mạch máu bị phình gọi là aneurysm làm xuất huyết dưới màng não gọi là màng nhện, có thể phải lấy nước tủy xương sống sau khi đã chụp hình CAT scan xong.

    Việc chữa trị stroke cũng tùy thuộc vào loại nào. Loại thường thấy nhất là nghẹt động mạch não do cục máu làm nghẹt và làm chết dần vùng não bộ do động mạch này truyền máu đến, gọi là ischemic stroke. Hiện nay cách chữa có hiệu quả nhất là dùng loại thuốc làm tan cục máu gọi là recombinant tisue plasminogen activator, viết tắt là TPA, dưới tên thương mại là Alteplase. Thuốc này truyền thẳng vào tĩnh mạch và rất có hiệu quả, nếu được chữa sớm sủa trong vòng 3 tiếng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Nếu để chậm đến nhà thương từ 3 đến 4 tiếng rưỡi, hiệu quả sẽ ít hơn. Quá thời gian này, sẽ không có hiệu quả nữa.

    Vì thế khi bắt đầu có triệu chứng nghi là bị stroke, người bệnh hay thân nhân phải lập tức gọi xe cứu thương để đến nhà thương ngay để tranh thủ làm thế nào được truyền thuốc Alteplase trông vòng 3 tiếng, sẽ hy vọng được sống sót hay không bị những hậu chứng bị liệt, nói không được. v.v..

    Nhà thương cũng phải là nhà thương lớn được chỉ định để chữa stroke, gọi là primary stroke center, có đủ máy chụp CT, MRI và có thuốc Alteplase sẵn (rất mắc tiền) cũng như bác sĩ quen chữa stroke và biết dùng thuốc Alteplase. Ở mức cao hơn là nhà thương được chỉ định gọi là Comprehensive stroke center, thường ở các trung tâm y khoa lớn nhất, thuộc đại học, có dầy đủ các máy móc, bác sĩ chuyên môn nhất về stroke, có thể làm giải phẫu gọi là thombectomy.

    Điều quan trọng là không nên đến nhà thương nhỏ, sẽ phải chờ đợi để được chuyển đến nhà thương lớn hơn của stroke center. Khi đến nơi thì đã quá trễ, không dùng thuòc Alteplase được nữa, mất đi cơ hội để được chữa khỏi hay để lại rất ít dư chứng tê liệt. Vì thế khi nghi là bị stroke, phải gọi ambulance và nói rõ ràng yêu cầu được đưa đến nhà thương lớn stroke center để chữa trị.

    Sau khi đã chữa trị bằng thuốc Alteplase, sẽ phải dùng thuốc ngừa bị đông máu lại, gọi là antiplatelet drugs, chống tiểu cầu, như Aspirin hay Clopidogrel. Cũng như phải chữa áp huyết cao, dùng thuốc statins để hạ cholesterol xuống tối đa và dùng physical therapy để tập nếu còn bị yếu tay, yếu chân...

    Một số bệnh nhân bị nghẹt quá nhiều ở động mạch cổ dễ làm thành những cục máu chạy lên làm tắc mạch máu não có thể phải mổ để thông mạch máu ở cổ gọi là carotid endarterectomy. Thường phải chụp hình hệ thống mạch máu não gọi là cerebral angiography để biết đích xác chỗ nào bị nghẹt và nghẹt nhiều bao nhiêu truớc khi mổ. Chụp hình bằng phương pháp này cũng có nhiều nguy hiểm và mổ để thông động mạch cổ cũng có thể gây mức độ tử vong thay đổi từ 1 đến 20% tùy bác sĩ và nhà thương có kinh nghiệm nhiều hay không.

    Điều này cho thấy sự quan trọng trong việc nên đến một trung tâm y khoa lớn, được chỉ định là stroke center, kinh nghiệm nhiều về việc chữa bệnh đứt mạch máu đầu hay stroke để có thế có nhiều hy vọng nhất trong việc chữa trị.

    Điều thiết yếu nhất trong việc chữa trị và phòng ngừa là nhận biết các triệu chứng báo trước transient ischemic attacks hay TIA như đã nói ở phần trên. Khi bị các triệu chứng liệt một phần tay chân rồi trở lại bình thường ngay hay nói ngọng nghịu một vài phút ngắn v.v. . . phải đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

    Các thử nghiệm đầu tiên thường được làm là thử nghiệm siêu âm ở mạch máu cổ và đo độ nghẹt bằng phương pháp gọi là Doppler, nếu bị nghẹt nhiều có thể cần chụp hình angiography như đã nói ở trên và mổ endarterectomy nếu cần. Trong trường hợp không mổ được, thường sẽ phải uống Aspirin để ngừa bị stroke.

    Tóm lại, đứt mạch máu đầu là một bệnh nguy hiểm, rất nhiều trường hợp có triệu chứng báo trước, nên nhận biết các triệu chứng này là điều rất quan trọng đề phòng ngừa và chữa trị kịp thời.

    Một khi stroke đã xảy ra, cần phải vào nhà thương lớn được chỉ định là stroke center ngay trước 3 tiếng đồng hồ khi mới bắt đầu có triệu chứng để được chữa ngay bằng thuớc Alteplase để có hy vọng sống sót hay ít bị dư chứng tê liệt sau này.

    Những điều có thể làm được để ngừa bệnh nguy hiểm này là chữa trị áp huyết cao nếu có bệnh này, uống thuốc statins để hạ Cholesterol, bỏ thuốc lá. Aspirin với lượng nhỏ cũng có thể dùng để ngừa nếu không bị phản ứng với Aspirin. Các phương pháp khác không có hiệu quả gì và ngoài các cách ngăn ngừa như đã nói ở trên, điều cốt yếu vẫn là sự nhận biết các triệu chứng báo trước của bệnh này.

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    Bệnh ho kinh niên


    HỎI:

    Hàng năm vào mùa đông tôi hay bị ho kéo dài cả hai ba tháng. Uống thuốc ho mua ngoài chợ không ăn nhằm gì.Uống trụ sinh cũng không công hiệu. Đêm thường bị mất ngủ vì ho sặc sụa, đàm thường kéo lên chận cổ. Mỗi khi thằng con trong nhà hút thuốc lá tôi lại bị ho nặng thêm nên tôi cấm không cho nó hút thuốc. Nhưng chỉ ngửi mùi thuốc lá từ quần áo nó tôi cũng bị nổi cơn ho! Ngay cả mùi nước hoa vợ tôi sức nhiều quá cũng làm tôi bị ho!Xin bác sĩ cho biết bệnh ho dai dẳng của tôi do đâu gây ra? Có cách gì chữa tuyệt nọc bệnh ho này không? Tôi năm nay 67 tuổi, có bị bệnh áp huyết cao và bệnh bao tử kinh niên phải uống thuốc mỗi ngày.

    Trương Văn T.


    ĐÁP:

    Ho là triệu chứng thông thường nhất của bệnh đường hô hấp. Ho cấp tính hay nhất thời thường chỉ kéo dài từ vài ngày đến ba tuần, hay do các bệnh nhiễm cực vi trùng cảm,cúm. Nếu hơn ba tuần, ho trở thành kinh niên và phải tìm nguyên nhân gây ra cơn ho kéo dài để chữa trị.

    Ba nguyên nhân chính gây ra ho kinh niên là bệnh ho do chảy nước từ mũi hay khoang mũi xuống gọi là post nasal drip syndrome, bệnh suyễn chỉ gây ra ho gọi là cough-variant asthma và bệnh cuống bao tử làm nước chua chảy ngược gọi là gastro-esophageal reflux.Bị một trong ba thứ bệnh trên cũng đủ để làm ho kinh niên nhưng nhiều ngưòi bệnh có thể bị hai hay ba nguyên nhân trên cùng đi kèm và càng làm ho nhiều hơn hay khó chữa hơn!

    Trước hết về bệnh chảy nước từ mũi hay khoang mũi làm ho, post nasal drip syndrome. Bệnh này xảy ra ở những người nhạy cảm dễ bị phản xạ ho khi nước mũi chảy xuống cổ họng làm kích thích những trung khu tiếp nhận của phản xạ ho (cough receptors).Thông thường nhất là những người bị dị ứng mũi kinh niên, nước nhờn từ mũi hay khoang mũi chảy xuống liên tục gây kích thích và làm ho. Ngoài ra nếu bị nhiễm trùng khoang mũi cũng hay bị hợp chứng postnasal drip này.

    Người bệnh lúc nào cũng có cảm giác nước nhờn từ trên chảy xuống làm phải tằng hắng hay hắng giọng thường xuyên.Nếu soi đèn nhìn cổ họng, có thể thấy màng nhày của cổ họng dày lên lởm chởm như đá trải mặt đường. Ngoài triệu chứng ho kinh niên, thường có thêm những triệu chứng của dị ứng mũi hay nhiễm trùng khoang mũi, mũi bị nghẹt, chảy nước...

    Cách chữa là dùng thuốc antihistamines đi kèm với thuốc decongestants để làm khô và làm teo màng nhày lại. Tuy nhiên nếu bị nhiễm trùng khoang mũi sẽ phải dùng trụ sinh khoảng vài tuần để chữa cho hết vi trùng gây ra nhiễm trùng. Hoặc nếu bị dị ứng sẽ phải chữa chuyên môn về dị ứng bằng cách chích thuốc immunotherapy để chữa bệnh.

    Nguyên nhân thứ hai làm ho kinh niên là suyễn. Một số người bị suyễn lúc giai đoạn đầu thường chỉ có triệu chứng ho kéo dài, không bị những triệu chứng nặng khác của bệnh suyễn nên không để ý đến và không được định bệnh chính xác là do suyễn gây ra.Lý do là lúc đi khám bệnh, chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho kéo dài, ngoài ra nghe phổi không thấy dấu hiệu khò khè hay làm thử nghiệm khác cũng không thấy gì về suyễn.

    Tuy nhiên nếu nghi là ho kinh niên do suyễn gây ra như trường hợp của câu hỏi đầubài: đêm ngủ thấy có kéo đàm,ngửi mùi thuốc lá hay mùi kích thích nhiều như nước hoa,deodorant, mùi thuốc xịt gián, xịt kiến...dễ làm ho tăng thêm;sẽ giúp cho chẩn đoán là bệnh ho kinh niên do suyễn.

    Cách chữa cũng như chữa suyễn, dùng thuốc xịt để nở cuống phổi như albuterol hayloại steroid hít như Flovent.Môt thuốc mới hợp chung hailoại này là Advair rất có hiệuquả.

    Trường hợp một số người dùng thuốc hít vào lại làm bị ho nhiều hơn có thể uống thuốc như loại albuterol viên hoặc thuốc uống Singulair sẽ có nhiều công hiệu để chữa bệnh ho kinh niên do suyễn này.

    Nguyên nhân thứ ba hay làm ho kinh niên là bệnh nước chua chảy ngược, gastroesophageal reflux. Bệnh này do cơ vòng của thực quản yếu làm nước acid chảy ngược từ bao tử lên trên gây ra kích thích phản xạ của dây thần kinhvagus, kiểm soát hoạt độngcủa thực quản và đường hô hấp. Phản xạ này làm ho kinh niên.Tuy nhiên cũng đôi khi nước chua chạy tọt từ thực quản vào khí quản gọi là aspiration sẽ làm ho, nếu bị nhiều có thể làm sưng phổi.

    Điều đặc biệt là 75% những bệnh nhân bị ho kinh niên do cơ chế này chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho,ngoài ra không có triệu chứng nào khác về thực quản hay bao tử nên việc định bệnh dễ gây ra nhầm lẫn!

    Chữa ho kinh niên do bệnh nước chua chảy ngược phải dùng những thuốc làm ngăn chặn tiết ra acid gọi là proton pump inhibitors như Prilosec, Prevacid, Nexium...Tuy nhiên phải dùng lượng thuốc cao, có thể phải là gấp đôi liều thuốc vẫn dùng để chữa viêm thực quản hay bệnh loét bao tử. Ngoài ra phải chữa kéo dài đôi khi đến 2-3 tháng mới thấy hiệu quả nhiều và chữa được loại ho kinh niên do nước chua chảy ngược này.

    Ngoài ba nguyên nhân chính kể trên, một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là phản ứng phụ của thuốc áp huyết. Thuốc chữa áp huyết rất thông dụng và được dùng nhiều hiện nay là loại ACE inhibitors ngăn chặn phân hóa tố angiotensin converting enzyme làm hạ áp huyết như thuốc Vasotec hay enalapril,Zestril hay lisinopril,benazepril, monopril,Altace...Khoảng 20-25% bệnh nhân dùng thuốc này có thể bị phản ứng phụ là ho kinh niên.

    Chứng ho có thể xảy ra sau vài ngày, vài tuần hay cả vài tháng sau khi uống thuốc áp huyết nên người bệnh không biết mình bị phản ứng thuốc,chỉ thấy uống đủ loại thuốc ho cũng không khỏi. Chỉ khi nào ngưng không uống thuốc áp huyết loại này nữa mới hết ho, trung bình cũng phải khoảng 3 tuần sau mới hết ho hẳn.

    Thưòng những người bệnh này phải đổi sang loại thuốc áp huyết khác gọi là loại angiotensin receptor antagonist như Losartan hay Cozaar,Atacand, Benicar... để thay loại ACE inhibitors và giữ cho áp huyết thấp. Hay một loại thuốc áp huyết khác hẳn gọi là calcium channel blockers như Amlodipine...

    Đối với người Việt Nam lớn tuổi, sinh trưởng tại quê hương, thường có phản ứng lao PPD dương nên nếu ho lâu, một trong những thử nghiệm phải làm sẽ là chụp hình phổi để xem có bị lao phổi hay không?

    Ngoài ra những người hút thuốc lá cũng sẽ phải chụp hình để tìm ung thư phổi,nhất là nếu có những triệu chứng khác đi kèm như sụt ký,ho ra máu...

    Tóm lại chứng ho kinh niên cần phải được khám nghiệm kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân và chữa trị cho đúng cách. Phần lớn trường hợp sẽ do các nguyên nhân tả ở phần trên, tuymột số người bệnh có thể bị chung hai hay ba thứ gây ra.Chữa trị sẽ tùy thuộc vào việc chẩn đoán các bệnh chính căn nguyên của ho kinh niên và tuỳ theo nguyên nhân nào để chữa. Một số trường hợp sẽ cần phải chữa khá lâu mới có thể dứt hẳn chứng ho dai dẳng và kinh niên này được.
    Last edited by frankie; 07-19-2023 at 12:14 PM.

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    ĐAU CUỐNG BAO TỬ


    HỎI:

    Mỗi khi ăn thức ăn gì không hợp, tôi thường hay bị ợ chua liên hồi, bụng đầy và đôi khi ngâm ngẩm đau. Gần đây thấy ợ chua càng ngày càng nhiều.Xin cho biết có thế mắc bệnh gì và cách chữa trị ra sao?

    Trần Văn T.

    ĐÁP:

    Những triệu chứng kể trên của ông là đau cuống bao tử vì chất acid của bao tử chạy ngược lên ống thực quản(gastro-oesophageal reflux).Chỗ cuống giữa bao tử và thực quản có một cơ vòng co thắt để ngăn chận chất chua acid của bao tử không cho chạy ngược lên, khi cơ vòng này bị yếu, acid do bao tử tiết ra có cơ hội làm tổn thương màng nhầy của thực quản gây ra viêm làm đau và ợ chua. Nếu bịnh trạng để lâu không chữa biến thành kinh niên có thể gây nhiều biến chứng như nghẹt ống thực quản, chảy máu v.v. . .

    Đôi khi màng nhầy bị viêm lâu ngàyquá cộng thêm với những ảnh hưởng tai hại khác (thí dụ như hút thuốc lá) có thể biến thành ung thư.Nếu bị nhẹ và mới bị có thể theo một vài phương pháp giản dị để tự chữa: kiêng ăn đồ chua,đồ cay, đồ mỡ nhiều quá, kiêng uống rượu bia, nước ngọt có hơi nhiều như Coca, Pepsi v.v...

    Bỏ hẳn thuốc lá. Xuống ký bớt nếu mập quá. Quần áo không được mặc đồ bó quá chặt. Ăn xong phải đợi ít nhất hai tiếng đồng hồ sau mới đi ngủ. Khi ngủ phải kê giường nằm để nằm đầu cao chân thấp cho chất acid ban đêm khó chạy ngược lên.

    Có thể uống những thuốc làm giảm chất acid như Maalox, Mylantav.v. . . (không cần toa).Nếu bị nặng hơn cần đi khám nghiệm và định bệnh cẩn thận. Trị liệu thường sẽ phải cần những thuốc mạnh hơn(cần có toa): thuốc ngăn chặn bao tử không tiết ra acid như Prevacid, Prilosec....thuốc ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản phía dưới như Metoclopramide (Reglan).Một vài trường hợp có thể cần phải giải phẫu nếu quá nặng hay có biến chứng.
    Last edited by frankie; 07-19-2023 at 11:35 AM.

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    NGHẸT ĐỘNG MẠCH TIM (HEART ATTACK)


    HỎI:

    Tôi năm nay 50 tuổi, khỏe mạnh bình thường nhưng gần đây tôi được tin anh ruột tôi mới bị chết vì heart attack. Xin bác sĩ cho biết những triệu chứng của bệnh này như thế nào? Muốn phòng ngừa cần phải làm gì?

    Triệu Văn H.


    ĐÁP:


    Bệnh nghẹt động mạch tim, tiếng Mỹ thông thường hay gọi là heart attack, là nguyên nhân gây ra chết thường nhất tại các nước tân tiến. Tại nước Mỹ, mỗi năm có khoảng một triệu rưỡi trường hợp bị bệnh này, trong số đó 25% bệnh nhân sẽ chết do nghẹt động mạch tim.

    Hơn một nửa số người bị chết trước khi đến kịp nhà thương để chữa trị, vì thế việc nhận biết các triệu chứng báo trước hết sức quan trọng. Hiện nay y khoa càng ngày càng tiến hơn trong việc chữa trị heart attack và một khi bệnh nhân đến kịp nhà thương để chữa, mức tử vong đã giảm khá nhiều so với trước kia.

    Tuy nhiên sống sót sau khi bị heart attack cũng dễ bị lại, trung bình khoảng 5 đến 10% số người bị heart attack cũng sẽ bị thêm và chết trong năm đầu tiên, nên một khi bị chứng này sẽ phải điều trị cẩn thận và theo dõi thường xuyên cho đến hết đời. Người Việt chúng ta trước kia ở Việt Nam ít thấy bệnh nghẹt động mạch tim vì lý do ăn uống khác, ít thịt mỡ, cholesterol; ít người bị bệnh tiểu đường hơn, ít người mập phì hơn, đỡ bị dồn ép tâm lý stress hơn ..v.v.

    Sau một thời gian sống tại Hoa Kỳ, các yếu tố gây nguy hiểm về bệnh nghẹt động mạch tim đã tăng lên nhiều nên người Việt hiện nay bị heart attack cũng đã khá nhiều, nhất là những người sang lâu từ 75.

    Nghẹt động mạch tim xảy ra khi bất thần có một cục máu làm tắc một động mạch nuôi sống bắp thịt tim. Hầu hết các trường hợp này động mạch tim cũng đã bị bệnh vì cholesterol đóng ở thành động mạch làm cứng và làm ngăn trở sự lưu thông của máu gọi là atherosclerosis.

    Động mạch tim bị nghẹt khoảng 70% đường kính trở lên là nguy hiểm và bắt đầu gây ra những triệu chứng đau ngực khi làm việc nặng gọi là angina. Động mạch tim bị bệnh có thể xảy ra ở một, hai hay ba động mạch tim, dĩ nhiên càng nhiều động mạch bị nghẹt càng nguy hiểm hơn. Trường hợp bị nghẹt tại gốc động mạch chính gọi là left main artery lại càng nguy hiểm nhiều hơn nữa.

    Heart attack xảy đến khi một cục máu đông làm nghẹt hoàn toàn và máu không chảy được để nuôi bắp thịt tim. Thiếu máu lưu thông, thiếu dưỡng khí, vùng bắp thịt tim do động mạch này cung cấp sẽ chết gọi là myocardial infarction. Nếu vùng bắp thịt tim bị chết này tương đối nhỏ, tim vẫn còn hoạt động được tuy yếu đi nhiều. Nếu vùng bắp thịt tim quá lớn, tim không co bóp được nữa hoặc bị rối loạn về nhịp tim, người bệnh sẽ chết ngay. Hơn nửa trường hợp chết trước khi đến được bệnh viện để cứu cấp là vì lý do này.

    Triệu chứng quan trọng nhất của heart attack là đau ngực. Đau ngực này nhiều và kéo dài lâu hơn trường hợp đau ngực khi làm việc gì nặng của chứng đau ngực angina. Phần lớn những người bệnh sống sót sau khi bị heart attack diễn tả đau ngực này như chưa bao giờ có cơn đau ngực ghê gớm như vậy. Thường đau ở vùng ngay giữa ngực hay có thể thấp hơn xuống dưới chấn thủy một chút làm dễ nhầm với đau bao tử, đầy hơi.

    Đau ngực này sâu, không phải chỉ ở phiến diện trên lồng ngực, đau như bị bóp, đè nặng, nghiến sâu. Trong khoảng 30% trường hợp cơn đau như chạy theo cánh tay trái, tuy nhiên có thể thấy cơn đau chạy lên cằm, lên cổ, ra sau lưng. . .

    Ngoài cơn đau dữ dội còn có những triệu chứng như khó thở, xuất hạn ra ướt đẳm mồ hôi, mặt nhợt nhạt, xanh lè, đôi khi bị ói mửa. Đau ngực do heart attack thường kéo dài lâu, không như loại đau ngực do làm nặng, nghỉ ngơi sẽ hết. Khi bị heart attack, có thể không làm gì cũng thấy bị đau với các triệu chứng kể trên.

    Khoảng một nửa số người bệnh trước khi bị heart attack hẳn, bị đau ngực từng cơn trước, không làm gì cũng đau, bị đi bị lại nhiều lần và càng lúc càng thấy cơn đau nhiều hơn và lâu hơn. Những trường hợp này gọi là unstable angina tức trạng thái mất quân bình của chứng đau ngực, báo trước cho biết heart attack làm bắp thịt tim bị chết sắp xảy đến.

    Khi thấy những triệu chứng báo trước này, cần phải đi khám và nằm bệnh viện ngay để chữa trị kịp thời và ngăn ngừa trường hợp heart attack xảy ra. Khi heart attack xảy đến rồi, nếu không bị quá nặng chết ngay tức khắc, thường người bệnh trông rất hoảng hốt, lo âu, cử động luôn để cố làm giảm cơn đau, tay chân thường lạnh. Một số trường hợp tim sẽ đập rất nhanh và áp huyết lên cao, một số khác nhiều hơn lại bị tim đập chậm và áp huyết xuống rất thấp.

    Người bệnh lúc này thường thấy mệt lả đi và ở vào tình trạng rất nguy hiểm. Việc quan trọng là khi bị đau ngực dữ dội và các triệu chứng đi kèm như kế trên, cần phải gọi xe cấp cứu để đưa vào nhà thương ngay.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 07-20-2023 at 07:49 AM.

  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    Thời gian là yếu tố quyết định trong việc chữa trị hiệu quả heart attack, mỗi phút mất đi là một phút nguy hiểm tăng lên. Điều quan trọng cần nhớ là khi đau ngực nặng nghi là bị heart attack phải gọi ambulance đưa vào phòng cấp cứu của nhà thương để chửa, không nên tới phòng mạch bác sĩ tư ở ngoài để khám. Người Việt vì ít biết về tầm mức quan trọng và nguy hiểm của bệnh nghẹt động mạch tim, không biết triệu chứng của bệnh nên đôi khi có trường hợp bị heart attack, người nhà bệnh nhân đưa đến phòng mạch tư của bác sĩ để xin chữa và làm chậm trễ trong việc chữa khẩn cấp vì bệnh này cần nhập viện ngay, phải đến thẳng nhà thương.

    Lý do phải tranh thủ thời gian vì khi bị nghẹt hẳn động mạch tim, nếu để lâu hơn vài tiếng đồng hồ, bắp thịt tim sẽ chết hẳn và càng để lâu, vùng bắp thịt tim chết không vãn hồi lại được càng ngày càng lan rộng. Trước kia, việc chữa trị không hiệu quả nhiều vì y khoa chưa hiểu rõ cơ chế của cục máu đông làm nghẹt . Hiện nay cách chữa heart attack tiến bộ hơn trước nhiều và cứu được nhiều bệnh nhân hơn nhờ cách dùng thuốc làm tan cục máu đông trong động mạch tim.


    Nếu dùng thuốc làm tan cục máu này sớm, trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi bị đau ngực, mức tử vong có thể giảm được đến 50%, ngoài ra sẽ làm hạn chế vùng bắp thịt tim bị chết, nhờ đó tim hồi phục nhanh hơn và ít để lại biến chứng hơn. Bệnh nhân bị heart attack đưa vào nhà thương và dùng thuốc tan máu trong khoảng từ 1 đến 3 tiếng cũng vẫn có hiệu quả nhiều. Nếu đưa vào chậm hơn, trong khoảng từ3 đến 6 tiếng, mức độ tử vong không giảm được nhiều nhưng dùng thuốc tan máu vẫn được và cũng còn lợi ích. Sau 6 tiếng mới chữa, thường hiệu quả không được nhiều.
    Last edited by frankie; 07-21-2023 at 11:25 AM.

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    Như thế đủ thấy khi nghi bị heart attack, phải đưa vào nhà thương càng sớm càng tốt, nhanh được phút nào hay phút đó! Một điều khác nữa là phải vào nhà thương lớn, quen thuộc với cách chữa trị mới và có đầy đủ chuyên môn hơn.Thuốc làm tan cục máu đông có hai loại là Streptokinase và TPA, viết tắt của tissue plasminogen activator, điều chế bằng phương pháp tổng hợp DNA. Thuốc TPA tên thương mại là Alteplase, tương đối công hiệu hơn và được dùng thường hơn, tuy rất mắc tiền, vài ngàn đô la một dose! Hai thứ thuốc khác mới hơn là Reteplase và Tenecteplase nhưng cũng mắc như Alteplase, khoảng 3000 Mỹ Kim một dose!


    Thuốc làm tan cục máu được dùng khi người bệnh đến nhà thương trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng đau ngực và dùng ở những nhà thương nhỏ, không có phương tiện làm thông tim ngay. Ngoài thuốc làm tan cục máu gọi là thrombolytic therapy, bệnh nhân được cho uống aspirin, dùng thuốc heparin và được truyền thuốc chống tiểu cầu Clopidogrel. Khoảng từ 25% đến 33% bệnh nhân dù dùng thuốc tan cục máu này vẫn không làm tan hẳn và phải được chuyển đến nhà thương lớn hơn có phương tiện làm thông tim gọi là Percutaneous Coronary Intervention, viết tắt là PCI.


    Thực sự cách tốt nhất hiện nay là bệnh nhân bị heart attack ở gần những trung tâm y khoa lớn, sẽ được đưa thẳng vào làm PCI luôn trong vòng 90 phút kể từ khi ambulance đến nhà đưa vào nhà thương. Được chữa bằng PCI ngay gọi là primary percutaneous coronary intervention có hy vọng cao nhất để sống sót và làm máu lưu thông bình thường, giữ cho cơ tim không bị chết. PCI là cách dùng ống nhỏ catheter luồn từ động mạch của tay hay đùi đi thẳng vào tim, bơm thuốc để chụp hình biết động mạch tim nào bị nghẹt, bao nhiêu động mạch nghẹt. Sau đó bơm thuốc tan cục máu, heparin, clopidogrel và đặt stent có tẩm thuốc gọi là đrug-eluting stent để giữ cho động mạch tim nở và không bị nghẹt lại

  7. #7
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    Một số trường hợp có thể phải mổ để nối động mạch tim gọi là bypass surgery, mổ lấy tĩnh mạch ở đùi hay lấy mạch máu vú để thay động mạch tim bị nghẹt. Những phương pháp chữa chính và mới nhất là cách chữa như kể trên, tuy nhiên những người bệnh bị heart attac kthường bị rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây ra chết bất cứ lúc nào nên phải nằm trong khu trông coi đặc biệt ngày đêm 24 tiếng túc trực để cấp cứu gọi là coronary unit. Nhịp tim, áp huyết, máy thở, đo áp suất trong tĩnh mạch phổi. ..được theo dõi kỹ lưỡng ngày đêm và thuốc men trị liệu, máy giật điện tử để hồi sinh gọi là fibrillator lúc nào cũng sẵn sàng để cứu chữa.


    Câu hỏi về phòng ngừa là câu hỏi quan trọng vì heart attack nguy hiểm, làm chết nhanh chóng. Việc ngừa bệnh này cần thiết là làm giảm thiểu các nguyên nhân gây bệnh. Những nguyên nhân chính là những yếu tố tạo nên bệnh cứng thành mạch máu atherosclerosis. Cholesterol và chất mỡ trong máu cao là chính, nên cần đi thử về cholesterol, chất mỡ triglycerides, đo lượng HDL, LDL. . . Đặc biệt vì có thể di truyền, nếu gia đình có người bị bệnh heart attack, càng cầ nphải đi thử kỹ lưỡng hơn và chữa trị nếu bị cao.

    Áp huyết cao là yếu tố quan trọng khác. Phải chữa bệnh áp huyết nếu bị cao, và chữa bệnh này là chữa cả đời, không phải chỉ uống thuốc một thời gian thấy hạ rồi ngưng thuốc! Thuốc lá là nguyên nhân chính yếu khác. Nếu muốn ngừa bệnh tim, cần phải bỏ hút thuốc ngay. Bệnh tiểu đường, mập phì là những yếu tố khác cần phải chửa trị tiểu đường, xuống ký. . . Ngoài ra những yếu tố khác như thể dục, tránh bị stress... cũng giúp ích.


    Người Việt chưa quen nhiều với việc đi khám tổng quát hàng năm, tuy nhiên những người tuổi 45, 50 trở lên hoặc có những yếu tố gây bệnh như kể trên nên đi khám và thử nghiệm tổng quát để ngừa bệnh. Nếu có những triệu chứng như đau ngực khi làm việc nặng... càng cần phải đi khám và thử nghiệm sớm hơn để tìm bệnh động mạch tim và chữa trị trước khi bị một cơn heart attack xảy đến.

    Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Đối với bệnh nghẹt động mạch tim gây ra heart attack, điều này lại càng đúng hơn cả để tránh những trường hợp chết bất đắc kỳ tử do bệnh này gây ra.
    Last edited by frankie; 07-21-2023 at 11:41 AM.

  8. #8
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819


    NGỪA BỆNH NGHẸT ĐỘNG MẠCH TIM


    HỎI:


    Gần đây ông anh ruột tôi mới bị lên cơn đau tim chết ngay trên sân chơi tennis, mới có 54 tuổi. Ba tôi và ông chú cũng chết vì tim lúc trên dưới 50 tuổi. Tôi năm nay 48 tuổi, có hút thuốc và uống rượu chút đỉnh, trước giờ vẫn khỏe mạnh không có bệnh gì. Tuy nhiên tháng trước trong sở làm có thử máu và cho biết cholesterol của tôi khá cao cỡ 270. Tôi mới lên cân khoảng nửa năm nay, chắc hơi mập một chút, gần đây cân là175 pounds (tôi cao 5'4"). Hôm trước ra tiệm thuốc tây đo áp huyết thấy đề là 160/100. Xin bác sĩ cho biết tình trạng tôi có dễ bị bệnh tim không và tôi phải làm gì để ngừa bệnh này?

    Huỳnh B. T.


    ĐÁP:

    Bệnh nghẹt động mạch tim là bệnh gây ra chết nhiều nhất tại Hoa Kỳ. Trung bình mỗi năm khoảng một triệu người chết vì bệnh này, chiếm một phần ba số tử vong do mọi thứ bệnh gây ra. Bệnh nghẹt động mạch tim (coronary artery disease), thông thường gọi là heart attack, càng ngày càng thấy xảy ra nhiều nơi người Việt Nam. Sau nhiều năm sinh sống tại Hoa Kỳ, tuy không có thống kê, có lẽ số người Việt chết vì bệnh này cũng lên gần bằng người Mỹ.

    Lý do ngày xưa tại Việt Nam ít người bị nhưng sang Hoa Kỳ thấy bị nhiều hơn vì đời sống thay đổi , bị stress nhiều, ăn uống nhiều thịt hơn, lên cân nhiều. Ngoài ra ở Hoa Kỳ sống lâu hơn nên bệnh phát hiện nhiều hơn lúc tuổi tăng nhiều.

    Những yếu tố nguy hiểm dễ gây ra bệnh đau tim đã được xác định rõ ràng. Cách thức ngừa bệnh tim tùy theo những yếu tố nguy hiểm gọi là risk factors này của mỗi người, để theo đó phòng ngừa bệnh tim heart attack.

    Ba yếu tố quan trọng nhất là mức lượng cholesterol trong máu, áp huyết cao và hút thuốc lá. Kế đến và cũng quan trọng là mập quá, bị tiểu đường và không vận động. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác ít quan trọng hay chưa được hiểu rõ.

    Tuy nhiên muốn ngừa bệnh tim, cần nhất là thay đổi những yếu tố gây nguy hiểm nói trên. Sau đây ta sẽ xem kỹ hơn về từng yếu tố nguy hiểm gây bệnh tim này:


    1- Cholesterol


    Khi lượng cholesterol trong máu cao, thành mạch máu của tim dễ bị cứng và làm nghẹt gọi là atherosclerosis nên cholesterol cao là yếu tố nguy hiểm nhất. Ngoài ra, cholesterol cao cũng có thể theo di truyền nên nếu trong gia đình có người chết sớm vì bệnh tim heart attack, thường phải đo cholesterol cho mọi người để ngừa bệnh.

    Như trường hợp của ông Huỳnh B. T., cả 3 người cha, chú và anh ruột đều chết sớm vì bệnh tim, nên nhiều phần có bệnh di truyền làm cholesterolcao gọi là loại Type 2a. Bình thường đo lượng cholesterol tốt phải là dưới mức 200 mg%. Trên mức này là cao. Tuy nhiên muốn biết rõ hơn phải làm thử nghiệm phân chất cholesterol gọi là lipid profile.

    Giản dị hóa, thường cần đo hai loại cholesterol. Một loại xấu, gây ra bệnh gọi là LDL cholesterol. Loại này nếu cao hơn 160 mg% ở người bình thường là ở mức dễ gây bệnh. Nếu người bệnh có thêm hai hay nhiều hơn yếu tố nguy hiểm, thí dụ như có áp huyết cao và hút thuốc lá, mức lượng LDL cao hơn 130 mg% sẽ cần phải chữa trị.

    Loại cholesterol tốt gọi là HDL, loại này có tính cách bảo vệ tim, nên ngược lại với LDL, mức HDL thấp, dưới 35 mg% là không tốt. Nếu HDL cao hơn 65mg% là rất tốt. Những người sống lâu, thọ cả trăm tuổi thường có mức HDL này rất cao. Muốn cho HDL cao, thường phải tập thể dục nhiều, giảm cân và bỏ thuốc lá. Ngoài ra, rượu vang đỏ hay loại bia nâu có tính cách làm tăng mức HDL nên uống chút đỉnh rượu vang hay bia đậm có lẽ cũng tốt. Dĩ nhiên nếu uống nhiều quá, cái hại về rượu sẽ còn làm nguy hiểm hơn là giúp ích về tim!

    Lý do vang đỏ làm tăng HDL là do các chất antioxidants loại polyphenols, đặc biệt là flavonoids như resveratrol và quercetin. Loại rượng vang đỏ tốt nhất là Pinot Noir. Uống 2 ly một ngày có thể làm tăng HDL lên hơn 10%. Nhưng dĩ nhiên, uống nhiều hơn nữa, dễ say sưa hay làm hại gan, viêm gan do rượu hay chai gan, cirrhosis, lại còn làm hại nhiều hơn. Nên cũng phải cẩn thận, không nên quá đáng!
    Last edited by frankie; 07-22-2023 at 08:17 AM.

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819
    Ngoài cholesterol ra, một loại chất béo khác trong máu là triglycerides nếu tăng cao cũng không tốt. Tuy không quan trọng bằng cholesterol, mức chất béo này nếu quá cao cũng dễ gây ra bệnh tim.

    Ngoài ra triglycerides khi lên quá cao sẽ gây ra bệnh trên tụy tạng pancreas. Lý do là triglycerides có trong những phần tử của chất béo gọi là chylomicrons. Khi chất béo loại triglycerides lên đến trên 900 mg%, chylomicrons sẽ chạy nhiều trong máu, đến tụy tạng pancreas, dễ làm nghẹt vi quản capillaries của tụy tạng vì chylomicrons rất lớn. Kết quả là làm viêm tuỵ tạng gọi là acute pancreatitis, làm đau bụng, ói mửa,v..v... Những người bệnh có mức triglycerides cao như 1000 - 2000 mg% rất dễ bị viêm tụy tạng nguy hiểm.

    Vì thế, khi chữa trị, cũng cần cho lượng triglycerides xuống cùng với cholesterol .Như truờng hợp của người bệnh Huỳnh B.T., mức cholesterol
    270 mg% là khá cao, cộng thêm với những yếu tố nguy hiểm khác như hút thuốc, mập và áp huyết cao, cần phải làm lipid profile để phân chất cholesterol.

    Giả thử test cho thấy ông này có HDL là 30 mg%, mức chất béo triglycerides là 300 mg%, lượng LDL sẽ được tính theo công thức:

    LDL = Cholesterol - HDL -Triglycerides/5

    Bệnh nhân Huỳnh B. T. sẽ có lượng LDL như sau:

    LDL = 270 mg% - 30 mg% -300mg%/5 = 180 mg%

    Vậy ông Huỳnh B.T. có tổng số cholesterol là 270 mg% cao, phân chất thấy mức LDL cao 180 mg%, mức HDL thấp30 mg% và mức triglycerides cao 300 mg% sẽ cần uống thuốc để chữa trị và ngừa bệnh tim.

    Muốn lượng cholesterol và chất béo triglycerides xuống,việc đầu tiên là phải ăn kiêng. Ăn uống cần giảm mỡ, thịt, trứng. Ăn rau, trái cây nhiều hơn. Ăn cá nhiều sẽ tốt hơn. Một số người có lượng cholesterol cao vừa phải có thể chỉ cần ăn kiêng, tuy nhiên phần lớn khó giữ chuyện ăn uống được và sẽ cần uống thuốc.

    Loại thuốc công hiệu nhất để hạ cholesterol là những thuốc loại statins. Trong các thuốc thuộc loại statins này, thuốc tương đối hữu hiệu nhất là atorvastatin hay Lipitor và rosuvastatin hay Crestor. Những thuốc khác cũng khá là simvastatin hay Zocor, pravastatin hay Pravachol, Mevacor, Lescol..

    .Uống những thuốc này cần thử máu để theo dõi thường xuyên vì đôi khi có phản ứng phụ trên gan. Một phản ứng phụ khác hay thấy là đau nhức bắp thịt. Trường hợp bị nặng có thể làm tan cơ bắp thịt (rhabdomyolysis), đôi khi có thể gây chết như trường hợp thuốc Baycol bị thu hồi vì hay gây ra phản ứng phụ nguy hiểm này. Tương đối thuốc pravastatin đỡ gây ra hai phản ứng phụ hơn những thuốc loại mạnh như atorvastatin... Như vậy dùng thuốc hạ cholesterol cần phải đi khám theo dõi và nếu có phản ứng phụ gì phải báo cho bác sĩ điều trị biết ngay.


    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 07-22-2023 at 10:28 AM.

  10. #10
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,819


    2- Áp huyết cao



    Bệnh tăng áp huyết là một yếu tố quan trọng đưa đến bệnh nghẽn động mạch tim heart attack. Những người bị áp huyết cao không chữa trị dễ bị những bệnh nguy hiểm như đứt mạch máu đầu (stroke), suy tim (congestive heart failure), hư thận và đau tim heart attack. Vì thế chữa trị và giữ cho mức áp huyết bình thường là điều quan trọng.

    Mức áp huyết bình thường phải ở dưới 140/90 nên như trường hợp người bệnh Huỳnh B.T., mức 160/100 là khá cao cần phải chữa trị. Trị áp huyết cần ăn kiêng như ăn lạt, ít chất muối sodium. Ăn trái cây như chuối có thêm chất potassium làm áp huyết thấp hơn, calcium cũng làm giảm áp huyết. Tuy nhiên phần lớn trường hợp đều phải uống thuốc mới giảm áp huyết xuống bình thường được.

    Thuốc trị áp huyết có rất nhiều loại, mỗi người bệnh có thể phù hợp với một thứ này hơn thứ khác. Thí dụ loại betablocker như Metoprolol hay Lopressor, Carvedilol , Atenolol làm tim đập chậm nên dùng cho người hay hồi hộp, có nhịp tim cao sẽ tốt hơn. Tuy nhiên người bị suyễn nên tránh dùng vì làm tăng suyễn. Loại thuốc áp huyết khác gọi là calcium channel blockers , như Amlodipine, Nifedipine hạ áp huyết tốt và cũng chữa bệnh đau ngực angina, nên dùng cho những người bệnh này rất tốt.

    Loại bây giờ hay dùng gọi là angiotensin converting enzyme inhibitor viết tắt là ACE inhibitor như Lisinopril, Enalapril ...hạ áp huyết tốt và cũng giúp cho bệnh suy tim. Tuy nhiên loại thuốc này hay làm ho nên uống vào thấy bị ho khan kéo dài, cần phải đổi sang loại khác. Loại mới hơn là loại angiotensin receptor inhibitor như Losartan, Olmesartan...tương đối tốt, hầu như không có phản ứng phụ gì nên bây giờ đuợc dùng nhiều. Một số người bị áp huyết cao cần phải uống thêm loại thuốc lợi tiểu diuretics như Hydrochlorothiazide mới làm áp huyết xuống được. Hay dùng đi chung với Losartan hay Lisinopril , viết chung là Losartan-Hct hay Lisinopril-Hct

    Tóm lại, trường hợp bệnh nhân Huỳnh B.T. có áp huyết cao sẽ là một yếu tố nguy hiểm dễ gây bệnh tim và những bệnh khác nên cần ăn kiêng, xuống ký và uống thuốc áp huyết với một trong những loại kể trên để giữ áp huyết bình thường dưới mức 140/90.

    3- Hút thuốc lá

    Thuốc lá là một yếu tố nguy hiểm quan trọng gây ra bệnh tim heart attack. Lý do vì thuốc lá làm tim đập rối loạn, làm giảm lượng máu chạy vào mạch máu nuôi tim. Ngoài ra còn ảnh hưởng trên hô hấp, làm giảm lượng HDL là cholesterol tốt như đã nói ở trên. Vì thế,người hút thuốc lá rất dễ bị bệnh tim heart attack và khi bị, dễ chết bất đắc kỳ tử vì nhịp tim rối loạn làm chết ngay chữa không kịp.

    Bỏ thuốc lá phải là một trong những việc làm đầu tiên nếu bị thêm những yếu tố nguy hiểm khác và muốn ngừa bệnh tim. Vì nếu có uống thuốc hạ cholesterol, tập thể dục, xuống ký... nhưng vẫn hút một hai bao thuốc lá mỗi ngày, nguy hiểm về bệnh tim vẫn còn đấy. Hơn nữa còn biết bao thứ bệnh khác như suy phổi, ung thư phổi, ung thư cuống họng, ung thư bao tử và rất nhiều loại ung thư khác do thuốc lá gây nên.

    Tốt nhất là quyết định bỏ hút thuốc ngay lập tức gọi là "quitting cold turkey". Nhưng nếu ghiền quá không bỏ ngay được, có thể dùng những thứ trợ giúp như thuốc dán Nicoderm, Habitrol; thuốc nhai kẹo Nicorette. Hay thuốc uống loại có thuốc an thần giúp bỏ thuốc như Zyban. Một thứ thuốc rất có hiệu quả giúp bỏ thuốc lá là Chantix, nhiều người dùng Chantix đã bỏ được hẳn thuốc lá.

    Tuy nhiên hồi năm 2021, hãng Pfizer bào chế ra thuốc này đã ngưng sản xuất vì thấy có chất nitrosamines là chất bị FDA cấm, trong tiến trình bào chế Chantix. Hiện nay, một số hãng bào chế thuốc như Apotex tại Canada đã làm ra thuốc Varenicline là generic của Chantix, được bán với hiệu quả cũng tốt như Chantix, tuy nhiên vẫn còn khan hiếm, khó mua được, Varenicline là một loại nicotinic acetylcholine receptor agonist , tương đối có hiệu quả bậc nhất để giúp bỏ hẳn được chuyện nghiền thuốc lá. Hy vọng trong tương lai sẽ có đủ thuốc này giúp cho dân ghiền bỏ được thuốc lá, ngăn ngừa được biết bao bệnh tật!

    Trường hợp người bệnh Huỳnh B.T., dù không hút nhiều, chỉ "hút chút đỉnh", nhưng hút một điếu một ngày cũng đủ để mang thêm yếu tố nguy hiểm cho bệnh tim và các bệnh khác. Vì thế hoàn toàn bỏ hút thuốc là điều tối quan trọng và phải làm ngay.
    Last edited by frankie; 07-24-2023 at 11:23 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Giải đáp y khoa
    By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 07-18-2023, 12:35 PM
  2. Replies: 3
    Last Post: 09-04-2014, 07:00 AM
  3. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 04-10-2014, 03:52 AM
  4. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 03-28-2014, 05:23 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 04-01-2013, 03:07 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:24 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh