Register
Page 2 of 16 FirstFirst 123412 ... LastLast
Results 11 to 20 of 152
  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824


    4- Bệnh tiểu đường


    Tiểu đường cũng là một yếu tố nguy hiểm dễ gây bệnh tim. Người bị tiểu đường thường có chất cholesterol cao, ngoài ra cũng hay có thêm bệnh cao áp huyết, có lượng "good cholesterol" HDL thấp, dễ bị chứng đông máu nên hay bị chứng nghẹt mạch máu tim hơn người bình thường.

    Đặc biệt người bị tiểu đường nếu không chữa trị sẽ có lượng triglycerides rất cao. Chất béo này như đã nói ở trên tuy không quan trọng bằng cholesterol nhưng cũng là một yếu tố nguy hiểm risk factor độc lập gây ra bệnh tim.

    Vì thế nếu bị tiểu đường cần ăn kiêng và chữa trị bằng thuốc cẩn thận để lượng đường trong máu được bình thường và là giảm đi yếu tố nguy hiểm về tim.


    5- Bệnh mập


    Mập quá gây ra nhiều chứng bệnh và là một yếu tố nguy hiểm dễ bị bệnh tim. Người mập thường hay bị áp huyết cao và dễ bị tiểu đường nên có thêm những yếu tố nguy hiểm dẫn dắt đến bệnh tim như đã nói trên. Người Việt sang Hoa kỳ sau một thời gian ăn uống đầy đủ thường lên ký. Nếu trước kia tại Việt Nam vốn gầy ốm sẵn, sang đây lên chút ít cũng không sao, nhưng nhiều người sau vài năm sinh sống tại Hoa Kỳ thêm lên 30, 40 pounds hay nhiều hơn nữa là chuyện thường.

    Thực sự tại Hoa Kỳ, thống kê cho thấy hơn 50% dân chúng là hơi mập (overweight) và 22% được coi là mập phì (obese). Vì thế người Việt sinh sống tại đây có lên cân hay thành mập cũng là chuyện dễ hiểu. Thế nào được coi là hơi mập và mập phì. Muốn biết ta có thể đo chỉ số khối lượng cơ thể BMI (body mass index). Chỉ số này dùng trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (đo bằng mét) (Nếu dùng pounds và dùng inches, nhân thêm với hằng số 705). Người bình thường không mập không ốm chỉ số này ở khoảng 21-25. Nếu chỉ số này trên 25 là hơi mập và trên 30 là mập phì!

    Như vậy với người bệnh Huỳnh B.T., nặng 175 pounds, cao 5'4" (64 inches), ta có thể tính chỉ số khối lượng cơ thể BMI cho ông này như sau:

    BMI = (175: 64 x 64) x 705 = 30.12

    Như vậy với chỉ số trên 30, ông Huỳnh B.T. không phải chỉ hơi mập mà đã quá mập! Và như vậy đã có thêm một yếu tố nguy hiểm khác bị bệnh tim heart attack!

    Giảm ký thực sự là chuyện khó khăn nhất. Vì chuyện giản dị là ăn ít và vận động nhiều là chuyện khó làm. Tuy nhiên, muốn ngừa bệnh tim cần phải xuống ký cho đến khi chỉ số khối lượng cơ thể ở mức lý tưởng là 21-23. Như vậy đối với người bệnh trên, muốn chỉ số xuống cỡ 23, ông này chỉ được cân nặng 134 pounds, cần phải sụt 41 pounds!

    Dĩ nhiên nếu xuống ký được cho bằng mức lý tưởng như nói trên, các bệnh khác cũng suy giảm nhiều hay dễ chữa hơn như áp huyết cao, tiểu đường, cholesterol...và sẽ làm cho nguy hiểm về bệnh tim heart attack giảm xuống rất nhiều.


    6- Vận động nhiều

    Người không vận động gì, chỉ nằm ì một chỗ xem TV, sẽ dễ bị bệnh tim hơn người tập thể dục hay vận động thường xuyên. Điều này thấy rõ nhất nơi người lớn tuổi. Những người già tập thể dục mỗi ngày hay chỉ cần đi lại nhiều, cũng làm giảm nguy hiểm về bệnh tim. Ngoài ra, thể dục cũng làm tăng lượng HDL nên sẽ giúp bảo vệ tim.

    Đồng thời cũng làm bớt mập, làm hạ áp huyết và giảm tiểu đường, giảm những yếu tố nguy hiểm đã nói trên nên vận động là một yếu tố quan trọng cho việc ngừa bệnh tim.


    7- Những yếu tố khác

    Một số những yếu tố nguy hiểm risk factors cho bệnh tim chưa được biết rõ lắm như lượng homocysteine nếu cao cũng dễ gây bệnh tim. Mức lượng chất CRP (C-reactiveprotein) là chất tăng cao với những phản ứng viêm của cơ thể cũng gần đây được coi là một yếu tố nguy hiểm cho bệnh tim.

    Tuy nhiên việc xác định tầm quan trọng của các yếu tố này chưa được rõ ràng cho lắm. Riêng về lượng homocysteine cao, cách thức giản dị là uống thêm những loại vitamins như folic acid, vitamin B6, vitamin B12 sẽ làm giảm chất homocysteine trong máu nên uống thêm các vitamins này có thể cũng sẽ giúp ích về tim.


    .* * *

    Tóm lại, bệnh tim heart attack là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu hiểu biết rõ về các yếu tố dễ gây bệnh ta có thể ngừa bệnh này một cách hữu hiệu. Điều quan trọng là đi khám tổng quát thường xuyên để biết mình có những chứng nguy hiểm như cholesterol cao, áp huyết cao, tiểu đường...hay không.

    Hơn nữa, thay đổi chuyện ăn uống, giữ cho không mập, bỏ thuốc lá, vận động thể dục là những chuyện cần phải thực hiện để giữ sức khỏe và ngừa những bệnh nguy hiểm như bệnh tim heart attack hay tai biến não stroke.
    Last edited by frankie; 07-25-2023 at 08:31 AM.

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824


    Nhiễm trùng đường tiểu


    HỎI:

    Gần đây tôi bị chứng đi tiểu hay thấy buốt. Mới đầu thấy ít nhưng càng ngày càng nhiều hơn, hơn nữa tôi đi tiểu thường xuyên, chừng một hai tiếng thấy bắt đi tiểu luôn. Mỗi lần tiểu ra tôi thấy bị gắt và làm đau. Khoảng vài ngày nay tôi bị đau ở bụng dưới, cơn đau tăng nhiều hơn khi phải đi tiểu và đôi khi thấy có máu.

    Xin bác sĩ cho biết tại sao tôi bị tiểu buốt và chữa trị ra sao? Tôi mới lập gia đình được hai tháng nay và có dùng các phương pháp ngừa thai vì chưa muốn có con ngay.

    Vương thị L.H.


    ĐÁP:

    Những triệu chứng như bà tả trên: tiểu buốt, bắt đi tiểu thường xuyên, đau bụng dưới và đi tiểu thấy có máu là những triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh này rất thường thấy nơi người đàn bà trẻ tuổi. Có thể nói khoảng 35% phụ nữ trong lứa tuổi từ 20 đến 40 tuổi sẽ có lúc này hay lúc khác bị bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

    Bệnh nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi vi trùng xâm nhập đường tiểu tiện và chạy ngược lên xâm lấn và gây nhiễm trùng ở bọng đái (cystitis). Đa số các trường hợp nhiễm trùng thường chỉ nằm nơi bọng đái nhưng một số ít trường hợp sẽ chạy lên trên thận và làm nhiễm trùng thận, nguy hiểm nhiều hơn (pyelonephritis).

    Những trường hợp bị nặng này, bệnh nhân có thể thấy sốt cao, làm lạnh run rẩy, ói mửa và đau nhiều phía sau lưng. Khi bị nhiễm trùng thận thường phải nhập viện để chữa trị vì nếu không, vi trùng có thể chạy vào trong máu làm nhiễm trùng máu (sepsis) và gây ra kích xúc hay chết.

    Vi trùng hay gây ra nhiễm trùng đường tiểu là loại vi trùng sống trong ruột già gọi là Gram negative bacilli, thường nhất là loại Escherichia coli, khoảng 80% trường hợp. Những vi trùng khác cùng loại cũng hay gây bệnh là Proteus, Klebsiella, Pseudomonas.....Một loại vi trùng khác gọi là Staphylococcus saprophyticus cũng hay gây ra nhiễm trùng đường tiểu khoảng từ 5 đến 20% trường hợp.

    Lý do tại sao phụ nữ hay bị nhiễm trùng đường tiểu? Trước hết, khác với đàn ông, đường tiểu tiện (urethra) của người đàn bà rất ngắn. Từ phần ngoài nối đến bọng đái chỉ khoảng 4 cm. Những vi trùng gây ra bệnh như kể trên từ ruột già thường có sẵn thường trực (colonized) chung quanh chỗ tiểu tiện và âm hộ, tuy không gây ra bệnh.

    Khi chỗ tiểu tiện bị trầy, thường do giao hợp, những vi trùng như loại E.coli này sẽ đưọc dịp để xâm chiếm và chạy ngược đường tiểu tiện lên bọng đái. Vi trùng E. coli hay những vi trùng Gram-negative khác có một cơ cấu để gắn vào tế bào trong đường tiểu tiện gọi là pilus. Khi vi trùng này gắn được vào tế bào sẽ tiết ra những độc tố và gây ra bệnh.

    Cơ cấu pilus này quan trọng vì tế bào của đường tiểu tiện (uroepithelial cells) phải có cơ quan tiếp nhận gọi là P-receptor. Những người đàn bà nào có nhiều P-receptor trên tế bào sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu vì vi trùng E.coli dễ gắn vào và xâm nhập. Ngược lại, ngưòi không có P-receptor sẽ ít bị bệnh nhiễm trùng. Điều này cho thấy phương diện di truyền và đặc tính bẩm sinh về P-receptor của mỗi người sẽ xác định người đó dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu hay không.

    Ngoài những yếu tố bẩm sinh ra, một số trường hợp ngoại giới sẽ làm cho người đàn bà dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu. Những phương pháp ngừa thai như đặt vòng xoắn, lá chắn, sẽ làm dễ nhiễm trùng hơn. Dùng những thuốc xịt giết tinh trùng (spermicidal foam, gel) cũng dễ làm bị nhiễm trùng hơn.

    Một điều quan trọng khác là uống nước. Khi uống nước nhiều, vi trùng không ở lâu trong bọng đái được vì bị đi tiểu luôn ra ngoài nên khó sinh bệnh hơn. Ngược lại, những người đàn bà uống nước ít, đi tiểu ít, sẽ dễ bị nhiễm trùng. Hoặc vì lý do làm việc nhiều, lý do thiếu phòng vệ sinh nơi công cộng, nhiều người đàn bà nín không đi tiểu dù bọng đái đã đầy và cần phải đi. Vi trùng trong bọng đái có thời gian lâu hơn để xâm nhập tế bào của đường tiểu và gây ra bệnh.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 07-26-2023 at 07:29 AM.

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    Một yếu tố khác cũng hay làm nhiễm trùng đường tiểu nơi người đàn bà là thai sản. Khoảng 8% những người có bầu có thể có vi trùng trong đường tiểu (bacteriuria) tuy phần lớn trưòng hợp không có triệu chứng nhiều. Tuy nhiên khi có vi trùng nằm trong đường tiểu nên chữa để diệt vi trùng này trưóc khi gây ra nhiễm trùng nặng hơn và có thể ảnh hưởng không tốt.

    Ngoài ra, một số ít hơn có thể có cơ quan tiểu tiện không bình thường do bẩm sinh, dễ làm nhiễm trùng, như chứng nước tiểu chạy ngược gọi là vesico-ureteral reflux. Những trường hợp có sạn trong thận cũng dễ làm nhiễm trùng. Người bị bệnh tiểu đường cũng hay bị nhiễm trùng đường tiểu hơn người thường.

    Định bệnh nhiễm trùng đường tiểu thực sự dễ dàng khi có những triệu chứng tiểu buốt, tiểu gắt, bắt đi tiểu thường xuyên, đi tiểu có máu....như đã kể trên. Để chính xác hơn có thể thử nước tiểu. Nhanh chóng nhất là thử bằng que thử dipstick (Multistix) nhúng vào nước tiểu. Nếu thấy có đổi màu tím là có bạch huyết cầu trong nước tiểu, chứng tỏ có nhiễm trùng. Hoặc có chất nitrite do vi trùng tiết ra sẽ làm que thử đổi màu hồng. Thường cũng thấy có máu trong nước tiểu khi thử bằng loại thử Multistix này. Với triệu chứng bệnh, thử nước tiểu dipstick này là đủ để định bệnh chính xác và có thể chữa trị ngay.

    Một số ít trường hợp bị nhiễm trùng đi nhiễm trùng lại hay nghi là vi trùng kháng thuốc nhiều có thể phải cấy vi trùng để biết chắc chắn hơn và xem vi trùng kháng thuốc trụ sinh nào và chịu loại trụ sinh nào để chữa cho hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với các thuốc trụ sinh tốt hiện nay, hầu như ít khi phải thử bằng cách cấy vi trùng.

    Chữa trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu, trụ sinh thường dùng nhất hiện nay là loại thuốc fluoroquinones như Ciprofloxacin 500 mg uống ngày 2 lần trong 3 ngày. Loại fluoroquinones khác là Levofloxacin hay Levaquin, Tequin, uống ngày 1 lần trong 3 ngày. Những trường hợp mới bị lần đầu có thể chỉ uống 1 lần gọi là single-dose cũng khỏi, nhưng cẩn thận hơn nên uống trong 3 ngày. Những người bị nhiễm trùng đường tiểu trở đi trở lại hay có những bệnh khác nên dùng lâu hơn, 7 đến 10 ngày để trị hết vi trùng.

    Loại thuốc khác công hiệu hay được dùng là Bactrim hay Septra, tên generic là Trimethoprim - sulfamethoxazole. Loại thuốc này người da trắng hay da đen dùng không sao nhưng đặc biệt ở người Việt Nam hay gây ra nhiều phản ứng, đôi khi dùng một hai lần đầu không bị gì, nhưng dùng lần thứ ba, thứ tư mới bị phản ứng. Những phản ứng này đôi khi rất nặng như sưng đỏ cả người, nóng sốt, sưng khớp xương...nên đàn bà Việt Nam có lẽ nên tránh dùng loại Bactrim hay Septra này.

    Hơn nữa, hiện nay còn nhiều loại thuốc công hiệu khác nên không cần đến loại thuốc này để trị nhiễm trùng đường tiểu cho người đàn bà Việt, rất nhiều người đã bị phản ứng nặng với loại này!

    Những loại thuốc trụ sinh như Ampicillin, Amoxicillin trước kia đều trị nhiễm trùng đường tiểu được, nhưng hiện nay có thể nói hầu hết các vi trùng gây bệnh này đều kháng thuốc. Ngoài ra người Việt sính dùng Ampicillin, bất cứ bị bệnh gì cũng đều uống Ampi để tự trị bệnh cho mình, không cần biết thuốc có hiệu quả hay không. Vì thế, đàn bà Việt có thể nói đều kháng thuốc này, dùng Ampicillin hay Amoxicillin trị nhiễm trùng đường tiểu sẽ vô hiệu và phải dùng thuốc khác. Những loại thuốc trụ sinh khác có thể dùng như Augmentin tức Amoxicillin - clavulanate, có thêm chất clavulanate để diệt vi trùng đã kháng với amoxicillin. Loại cephalosporins cũng rất có hiệu quả để trị những vi trùng gây bệnh kháng thuốc.

    Một thứ trụ sinh mới để trị nhiễm trùng đường tiểu là Fosfomycin, tên thương mại là Monurol. Thuốc này loại bột, pha với nước để uống, chỉ một lần là hết nhiễm trùng đường tiểu. Thuốc này có thể dùng để trị sơ khởi gọi là first line therapy vì rất tiện lợi, chỉ uống một lần là xong. Nhưng thuốc lại rất mắc tiền hơn những loại khác. Ngoài ra, vì là thuốc trụ sinh loại mới nên vi trùng chưa kịp kháng thuốc này.

    Một số phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiểu do vi trùng E coli gần như kháng với tất cả các loại trụ sinh loại uống thông thường vì đã bị quá nhiều lần và dùng đủ loại trụ sinh nên sau này, vi trùng E coli kháng với gần hết các loại trụ sinh. Mỗi khi bị nhiễm trùng đường tiểu trở đi trở lại, phải vào nhà thương để truyền thẳng trụ sinh mạnh hơn vào máu như Gentamicin, Tobramycin. Với thuốc Fosfomycin mới được cho dùng và còn hiệu quả nhiều, không bị kháng thuốc, những phụ nữ này có thể dùng Fosfomycin hay Monurol để trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu, không phải vào nhà thương.
    Last edited by frankie; 07-27-2023 at 07:55 AM.

  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    Ngoài ra, người đàn bà có thai nên tránh dùng loại Cipro nên có thể dùng những loại trụ sinh ít có ảnh hưởng đến thai nhi như các loại kể trên. Như đã nói trên, nhiều phụ nữ bẩm sinh dễ bị nhiễm trùng đường tiểu như cơ chế về P - receptors nói trên, hoặc người có loại máu 0 (non-secretors), cũng dễ bị nhiễm trùng và hay bị đi bị lại. Nhiều người có thể bị nhiễm trùng đường tiểu vài lần trong một năm và sau nhiều lần uống thuốc trụ sinh, bị kháng nhiều loại thuốc nên khó trị hơn nhiều. Những người này cần phải phòng ngừa để khỏi bị nhiễm trùng trở đi trở lại.

    Cách thức ngừa quan trọng nhất là uống nước nhiều. Dù không khát cũng cũng phải tập cho mình thói quen uống nước đều đặn, như đặt thời khoá biểu, cứ 2-3 tiếng uống một ly nước dù không khát. Một ngày phải uống 7, 8 ly nước và uống thường xuyên, dù có bận rộn đến đâu chăng nữa! Mục đích để uống nước nhiều và đi tiểu nhiều, vi trùng không có thời gian nằm lâu trong bọng đái để xâm chiếm tế bào và gây bệnh. Loại nước trái cây cranberry juice bán ngoài chợ có tính chất diệt trùng nhẹ nên uống nhiều cranberry juice cũng tốt để ngừa nhiễm trùng đường tiểu.

    Đa số những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu ở người đàn bà có chồng xảy ra do trầy đưòng tiểu sau khi giao hợp. Vì thế nếu dễ bị nhiễm trùng trở đi trở lại nên tránh đặt vòng xoắn, tránh dùng loại thuốc xịt giết tinh trùng spermicidal. Một cách ngừa đã được chứng tỏ rất có hiệu quả làm ít bị nhiễm trùng đường tiểu là sau khi giao hợp nên đi tiểu ngay, vì vi trùng có xâm nhập cũng sẽ bị thải ra không ở trong bọng đái lâu.

    Điều đáng chú ý khác là những người đàn bà sắp tắt kinh hay đã tắt hẳn thường bị khô âm đạo và cửa mình nên dễ bị trầy trụa đưòng tiểu khi giao hợp và dễ bị nhiễm trùng đường tiểu nhiều hơn. Những người này nên dùng các loại kem hay gel như Vagisil để tăng chất nhờn và tránh được trầy đường tiểu, ít bị nhiễm trùng.

    Đối với những người dù phòng ngừa đủ cách vẫn hay bị nhiễm trùng đường tiểu trên 3 lần trong một năm, sẽ phải dùng thuốc trụ sinh uống ngừa sau khi giao hợp. Thuốc loại nitrofurantoin bán dưới tên Macrodantin là loại trụ sinh nhẹ, có thể uống một viên 50 mg ngay sau khi giao hợp xong để ngừa nhiễm trùng. Những thuốc khác cũng có thể dùng như loại cephalosporins hay loại fluoroquinolones cũng có thể dùng sau khi giao hợp để ngừa nếu sau khi dùng một thời gian lâu vi trùng kháng thuốc Macrodantin.

    Tóm lại, nhiễm trùng đường tiểu là bệnh rất thường thấy nơi người đàn bà. Bệnh tương đối dễ trị với những thuốc trụ sinh mạnh và hiệu quả hiện nay. Điều quan trọng là phải trị sớm, không nên để lâu có thể bị nhiễm trùng lên thận hay vào máu gây nhiều nguy hiểm. Những người hay bị nhiễm trùng đường tiểu trở đi trở lại cần theo những phương pháp phòng ngừa để tránh ít bị chừng nào hay chừng đó vì vi trùng sẽ dễ kháng thuốc nếu phải dùng trụ sinh quá nhiều lần để trị bệnh.

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824


    VIÊM GAN



    HỎI:

    Gần đây tôi có cho máu nhân dịp phong trào hiến máu tại sở làm. Vài ngày sau tôi nhận được thư báo của Ngân Hàng Máu cho biết máu của tôi không dùng được vì có cực vi trùng viêm gan loai B. Tôi trước giờ không bệnh hoạn gì vẫn thấy khỏe mạnh như thường, không hiểu tại sao trong máu có loại cực vi trùng này. Xin cho biết lý do? Có gì nguy hiểm không? Chữa trị ra sao? Tôi cũng sắp lấy vợ. Xin cho biết phải làm gì để phòng ngừa lâycho gia đình.

    Phạm Đ. H.


    ĐÁP:

    Bệnh viêm gan (hepatitis) do cực vi trùng là bệnh thông thường, xảy ra rất nhiều tại các xứ có trình độ y tế thấp như Việt Nam. Có bốn loại cực vi trùng gây ra viêm gan. Loại A và loại B được xác định rõ ràng từ nhiều năm trước. Loại C (trước kia gọi là non A -non B virus) được xác định sau hai loại A và B và có tầm quan trọng lớn lao. Loại D (còn gọi là delta agent) ít quan trọng hơn, phải đi kèm với cực vi trùng loại B mới sinh bệnh được.

    Loại A truyền bệnh bằng đường tiêu hoá là loại nhẹ hơn cả, ít khi làm nguy hiểm đến tính mạng và tự khỏi không để lại biến chứng. Loại B quan trọng hơn, thường truyền nhiễm do máu tuy cực vi trùng này có thể truyền qua các tiết dịch của cơ thể như nước bọt, nước mắt, sữa mẹ, nước tiểu, tinh dịch v..v...

    Điều này rất quan trọng vì ngoài việc lây bệnh viêm gan do cực vi trùng loại B vì truyền máu hoặc dùng kim chích bẩn của những dân ghiền chích choác, hai cách thức làm cho lây bệnh thường nhất là do gần gũi sinh lý và truyền bệnh từ mẹ sang con khi mới sinh. Ở những xứ chậm tiến như Việt Nam hiện tại, mức độ mắc bệnh viêm gan loại B với cực vi trùng tồn tại trong máu vô hạn định có thể nhiều đến độ từ 5 đến 20% toàn thể dân chúng có cực vi trùng B trong máu.

    Do đó truyền bệnh từ mẹ sang con khi mới sinh như tại Việt Nam ta là điều rất thường thấy và giải thích tại sao bệnh này có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và rất nhiều người có cực vi trùng B từ lúc mới sinh cho đến hết đời.

    Trường hợp của bệnh nhân Phạm Đ. H. trước giờ không bệnh hoạn gì mà thử máu có cực vi trùng viêm gan loại B có thể là do mắc bệnh lúc mới sinh từ người mẹ truyền sang. Cực vi trùng này tiếp tục tồn tại tuy không gây ra triệu chứng gì và người bệnh không hề biết cho đến khi vì một sự tình cờ thử máu mới khám phá ra (như khi đi cho máu tại Ngân Hàng Máu). Hoặc có thể là do lây bệnh từ một người khác lúc đã trưởng thành tuy nhiên triệu chứng quá ít và không biết hay không đuợc định bệnh là viêm gan.

    Những triệu chứng của bệnh viêm gan có thể thay đổi và nặng nhẹ tùy từng trường hợp. Thường khi mới lây bệnh, người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, hay buồn nôn, ói mửa, có thể bị sốt nhẹ, ít khi sốt quá cao. Sau một đến hai tuần thấy đi tiêu vàng đậm như trà đặc và bắt đầu thấy vàng mắt. Trong thời gian này gan sưng to lên và thường thấy đau ở dưới cạnh sườn phía bên phải. Tình trạng này kéo dài hai, ba tuần sau đó vàng mắt bớt dần và người bệnh dần dần bình phục.

    Cực vi trùng loại A nhẹ hơn cả, sau một đến hai tháng thì khỏi hẳn và hầu như rất hiếm khi để lại biến chứng. Loại B nặng hơn có thể phải đến ba, bốn tháng mới khỏi hẳn bệnh. Loại C một khi bị nhiễm hầu hết sẽ thành kinh niên. Hai loại B và C này cũng gây nhiều biến chứng.

    Một số ít bệnh nhân bị nặng quá, gan bị viêm với tế bào gan bị huỷ diệt quá nhiều không hồi phục được, người bệnh sẽ mê man và có thế chết (tỷ lệ thường dưới 1 %).

    Những biến chứng khác thường xảy ra khi cơ thể không chống cự và tiêu diệt được cực vi trùng này tiếp tục tồn tại trong cơ thể và gây ra viêm gan kinh niên. Viêm gan kinh niên có thể chỉ bị nhẹ, triệu chứng ít tuy nhiên nhiều trường hợp có thể bị nặng và gây ra bệnh cứng gan (cirrhosis). Gan bị chai, bụng trướng, phù thũng và sau cùng suy gan rồi chết.

    Một biến chứng quan trọng khác về sau này là ung thư gan, đặc biệt đối với hai cực vi trùng loại B &C. Hầu hết các bệnh ung thư gan (hepatoma) của người Việt Nam (cũng như các xứ chậm tiến khác) là do cực vi trùng loại B hay C gây ra.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 07-28-2023 at 07:57 AM.

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    Vấn đề chữa trị bệnh viêm gan do cực vi trùng B và C hiện nay đã có thuốc trị hữu hiệu.

    Khi bị viêm gan cấp tính, nếu bị nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi để cơ thể tự hồi phục. Chữa trị là khi bị nặng cần nhập viện để ngăn ngừa biến chứng, giữ cho cơ thể đủ nước, giữ cho huyết áp thăng bằng, hô hấp bằng nhân tạo nếu cần, ngừa chảy máu, ngừa mê man v.v. ..Nguyên tắc là giúp cho cơ thể đủ năng lực để hồi phục lại Chữa trị bệnh viêm gan kinh niên loại B và C sẽ được dẫn giải trong loạt bài khác.

    Vấn đề phòng ngừa quan trọng hơn cả. Đối với cực vi trùng viêm gan C, hiện nay vẫn chưa có thuốc chích ngừa. Riêng cực vi trùng loại B đã có thuốc chích ngừa rất hữu hiệu. Trường hợp một người trong máu đã có cực vi trùng loại B tất nhiên chích ngừa vô ích, tuy nhiên như trường hợp của bễnh nhân Phạm Đ. H. sắp cưới vợ, việc ngừa bệnh viêm gan do cực vi trùng loại B là điều cần thiết.

    Vì trường hợp dân Việt Nam tỷ lệ dân chúng đã có cực vi trùng B trong máu rồi khá cao nên trước khi chích ngừa, người vợ sắp cưới của bệnh nhân này nên thử máu để biết tình trạng của mình đối với cực vi trùng viêm gan B

    :- Nếu trong máu đã có cực vi trùng loại B (thử nghiệm này gọi là HBs Ag, chữ viết tắt của Hepatitis B surface antigen): Chích ngừa vô ích.

    - Nếu trong máu không có cực vi trùng loại B (negative HBsAg) nhưng đã có kháng thể chống lại cực vi trùng B (HBsAb: Hepatitis B surface antibody) có nghĩa là cơ thể trước kia đã bị bệnh viêm gan nhưng chống cự hữu hiệu, diệt hết được cực vi trùng và đã có đặc tính miễn nhiễm, tạo ra những kháng thể diệt cực vi trùng. Trường hợp này không cần phải chích ngừa

    .- Nếu trong máu không có cực vi trùng B (negative HBsAg) nhưng cũng không có kháng thể (negative HBsAb): nên chích ngừa. Thuốc ngừa phải chích làm ba lần: lần đầu, lần thứ nhì sau một tháng, và lần thứ ba sau sáu tháng. Thuốc chích ngừa rất có hiệu quả, ngừa được khoảng 90% trường hợp, tuy thuốc khá mắc tiền.

    Trường hợp những người đàn bà có cực vi trùng loại B trong máu khi mang bầu và sắp sinh phải chích ngừa cho em bé sơ sinh ngay để tránh việc truyền nhiễm bệnh này. Khi vừa sinh ra phải chích ngay huyết thanh có kháng thể chống cực vi trùng (hepatitis B immune globulin) sau đó trong vòng 7 ngày phải chích thuốc ngừa như đã nói ở trên và chích tiếp một tháng rồi sáu tháng sau.

    Vấn đề chích ngừa lúc mới sanh này đối với những xã hội như Việt Nam chúng ta sẽ là điều cần phải làm để tránh được tình trạng mẹ truyền cho con và cứ thế tiếp tục gây ra tỷ lệ bệnh viêm gan càng ngày càng nhiều với những biến chứng và ảnh hưởng tai hại cho dân chúng và cho cả xã hội.

    Tuy nhiên chỉ trừ một vài nước như Đại Hàn điều chế thuốc ngừa lấy rẻ tiền, có thể áp dụng trên phương diện rộng lớn, các quốc gia chậm tiến khác chưa thể áp dụng sâu rộng để ngăn chận việc truyền nhiễm bệnh viêm gan loại B này vì thuốc ngừa quá mắc tiền.
    Last edited by frankie; 07-29-2023 at 08:11 AM.

  7. #17
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    TIỂU ĐƯỜNG


    HỎI:


    Tôi năm nay 52 tuổi, gần đây thấy đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, lúc nào cũng thấy khát nước, đồng thời sụt ký mất khoảng hơn l0 lbs, mặc dù ăn nhiều. Tôi nghe người bạn kể bị bệnh tiểu đường cũng bị giống hệt như vậy. Xin cho biết những triệu chứng đó có phải tiểu đường không? Chữa trị ra sao?

    Huỳnh Văn B.


    ĐÁP:

    Ba triệu chứng ông kể: tiểu nhiều, lúc nào cũng khát phải uống nước nhiều và ăn nhiều mà vẫn sụt ký là hợp chứng để định bệnh tiểu đường. Muốn biết đích xác phải thử nghiệm;thử nghiệm giản dị có thể tự làm lấy là thử nước tiểu. Các tiệm thuốc tây đều bán những que giấy thử tiểu đường có thể mua không cần toa, que giấy nếu đổi màu khi nhúng vào nước tiểu có nghĩa là lượng đường trong nước tiểu quá cao và bị bệnh tiểu đường.

    Tuy nhiên muốn biết chính xác phải thử máu. Vì nếu bị nhẹ đôi khi thử nước tiểu không thấy đổi màu.Thử máu về tiểu đường phải nhịn đói bưổi sáng, nếu lượng đường trong máu trên 140 mg trong 100 cc máu và thử lại cùng trên mức đó là mắc bệnh tiểu đường. Gần đây hơn, tiểu đường đã được định nghĩa lại là nếu mức lượng đường đo buổi sáng sớm sau khi nhịn đói đêm trước trên 126mg% là đã mắc bệnh tiểu đường. Bình thường lượng đường trong máu phải ở mức 80 đến 120 mg%. Đo lượng Hemoglobin Ăc trong máu để biết mức đường trung bình trong 3 tháng. Nếu dưới 5.7% là không có tiểu đường. Trên 6.5% là bị tiểu đường. Mức từ 5.7% - 6.5% là tiền tiểu đường prediabetes.

    Nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường là do thiếu kích thích tố insulin trong cơ thể hay tuy cơ thể có đủ insulin nhưng không dùng được đúng cách . Insulin là kích thích tố do tuyến tuy tạng (pancreas) tiết ra. Tụy tạng nằm sâu trong bụng, phần đầu dính với phần thập nhị chỉ tràng của ruột non. Tụy tạng tiết ra các phần hoá tố giúp cho sự tiêu hoá và tiết ra insulin giữ nhiệm vụ điều hoà lượng đường trong cơ thể.

    Sau khi ta ăn,lượng đường trong máu tăng cao sẽ kích thích tụy tạng tiết ra insulin nhiều hơn. Insulin tác dụng trên cơ cấu tiếp nhận của màng tế bào (receptor) đưa đường glucose từ máu vào tế bào. Nếu cơ thể thiếu insulin,lượng đường trong máu sẽ tăng lên vì đường glucose không vào được tế bào. Kết quả dinh dưởng thiếu thốn, người bệnh bị sụt ký tuy vẫn đói ăn, ăn nhiều nhưng chất đường cần thiết cho sự hoạt động của tế bào vì thiếu insulin không từ máu đi vào tế bào được.

    Lượng đường trong máu khi quá cao sẽ gây hiện tượng thẩm thấu (osmosis) tại thận làm nước trong máu khi được lọc tại thận sẽ thoát ra nhiềuhơn trong nước tiểu. Kết quả người bệnh đi tiểu nhiều, cứ nửa tiếng hay một tiếng lại phải đi và làm cơ thể mất nước. Khi cơ thể mất nước, mức áp suất thẩm thấu trong máu hạ thấp tác dụng lên vùng hypothalamus của não bộ kích thích trung tâm điều khiển sự khát.

    Kết quả nguời bệnh lúc nào cũng thấy khát cần phải uống luôn miệng. Nếu uốngn ước lạnh thì không sao nhưng tại Hoa Kỳ, phần lớn nhữngngười mắc bệnh tiểu đường nhưng chưa biết, khi khát đều uống nước ngọt như Coke, Sprite v.v. . . Bệnh tiểu đường càng nặng thêm vì uống nước ngọt quá nhiều, đôi khi cả chục lon coca mỗi ngày!

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-02-2023 at 08:20 AM.

  8. #18
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    Lý do gây ra sự thiếu thốn insulin của cơ thể và gây ra tiểu đường tuỳ thuộc vào hai trường hợp. Ở những người trẻ, thường là vì lý do bẩm sinh và cơ thể do nhiễm một loại cực vi trùng tấn công tuyến tụy tạng và gây ra phản ứng miên nhiễm phá hủy các đảo tế bào Langerhans là nơi tiết ra insulin của tụy tạng. Người Việt Nam chúng ta tương đối ít bị tiểu đường lúc trẻ theo cách này.

    Trường hợp thứ nhì xảy ra những người cỡ tuỗi 50 trở lên tuy có thể sớm hơn; ở những người này các đảo Langerhans của tụy tạng không bị phá hủy nhưng làm việc không điều hoà, đồng thời các cơ cấu tiếp nhận insulin trên tế bào (insulin receptor) của những người này bị bất thường và không làm cho chất đường glucose từ trong máu vào tế bào dễ dàng được. Nguyên nhân nào hiện chưa rõ, tuy nhiên di truyền là yếu tố quan trọng.

    Một yếu tố khác nữa là khi mập quá, lên cân quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng insulin tuy có đủ nhưng không tác dụng trên tế bào một cách hữu hiệu và kết quả vẫn gây ra bệnh tiểu đường tuy cơ thể không thiếu insulin.

    Bệnh tiểu đường nếu không chữa sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bị tiểu đường dễ bị cứng thành mạch máu gây ra bệnh tim hay đứt mạch máu đầu. Tiểu đường có thể gây bệnh mắt trên màng võng mô gây ra mù. Tiểu đường cũng ảnh hưởng trên thận có thể làm hư thận. Nhiều người bị tiểu đường lâu có thể bị ảnh hưởng trên dây thần kinh làm tê tay tê chân, đôi khi làm đau nhức dữ dội. Để lâu không chữa, tiểu đường cũng làm lở lói chân, dễ nhiễm trùng v…v..

    Chữa trị bệnh tiểu dường điều quan trọng nhất là ăn uống phải kiêng khem. Đồ ngọt phải tránh ăn, uống nước ngọt phải dùng loại Diet Coke, Diet Pepsiv..v... Có thể dùng loại đường nhân tạo để thế đường khi pha nước, trà, cà phê v.v.. . Loại đường này là aspartame bán ở chợ dưới nhãn hiệu Equal, mùi vị gần như đường thường tuy không dùng để chưng nấu được vì nhiệt độ sẽ làm mất vị ngọt. Mới gần đây, cơ quan WHO, world health organization, ra khuyến cáo không nên dùng aspartame vì dùng nhiều có thể là carcinogen gây ung thư. Tuy nhiên cơ quan FDA của Hoa Kỳ vẫn cho dùng, nói là dùng ít không sao. Hãng Pepsico hiện đã thế aspartame bằng chất sucralose hay còn gọi là Splenda trong Diet Pepsi. Splenda cũng bán ở ngoài, nếu cẩn thận có lẽ nên dùng Splenda để thay đường Equal cho chắc ăn!

    Đồ bột khi hấp thụ vào cơ thể sẽ biến thành đường nên ăn cơm, bánh mi quà nhiều cũng sẽ làm khó khăn trong việc trị liệu. Đồ bột nên giữ khoảng 50% tổng số lượng calories mỗi ngày. Ăn rau nhiều hơn. Đồ ăn nhiều chất béo quá cũng nên tránh. Nếu mập phải xuống ký bớt và ăn giảm calories. Nhiều người vì mập quá bị tiểu đường, khi xuống ký và ăn kiêng được lượng đường trong máu trở lại bình thường và không cần phải uống thuốc.

    Phần lớn các trường hợp ở tuổi trung niên mới bị hay bị tiểu đường vì do mập, sau khi dùng cách ăn kiêng lượng đường vẫn cao, có thể uống thuốc đề chữa trị. Hiện nay có rất nhiều thuốc mới để trị tiểu đường loại 2 rất công hiệu. Phần này sẽ được dẫn giải trong bài viết khác.

    Điều quan trọng là tuy dùng thuốc vẫn phải ăn kiêng mới có thể giữ cho mức đường bình thường được. Thuốc phải uống liên tục và thường phải dùng suốt đời. Nếu ăn kiêng và uống thuốc đến mức tối đa vẫn còn lượng đường quá cao sẽ phải dùng insulin để chích.

    Trường hợp những người bị tiểu đường loại 1 lúc còn trẻ do tụy tạng bị phá hủy cũng phải dùng insulin vì thuốc uống không công hiệu. Chích insulin phải theo dõi cẩn thận và phải học cách thử máu lấy, bằng cách thử máu ở đầu ngón tay để theo dõi lượng đường. Nếu chích insulin quá độ, lượng đường xuống quá thấp sẽ gâyra nguy hiểm, có thể mê man và chết nếu quá liều. Cách chích insulin là dưới da, một lần trong ngày, đôi khi phải hai lần. Độ lượng phải được điều chỉnh và theo dõi cẩn thận. Chữa trị bằng insulin cũng phải dùng suốt đời.

    Tóm lại, bệnh tiểu đường là một bệnh biến dưỡng tuy xảy đến từ từ nhưng nếu không chữa sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu chữa trị và theo dõi đúng cách, bệnh này tương đối cũng dễ chữa và có thể giữ đời sống như bình thường tuy phải tiếp tục chữa trị suốt đời.
    Last edited by frankie; 08-01-2023 at 08:47 AM.

  9. #19
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    THUỐC MỚI CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG


    HỎI:


    Tôi bị bệnh tiểu đường đã hơn 5 năm nay. Trước kia không đến nỗi lắm nhưng gần đây mặc dù uống thuốc đến mức tối đa, mức đường trong máu của tôi vẫn cao ở mức trên 200 mg%. Tôi nghe nói hiện nay có nhiều thuốc tiểu đường mới cho những người như trường hợp của tôi không cần phải chích insulin. Xin bác sĩ cho biết các loại thuốc này như thế nào và cách dùng ra sao?

    Dương văn L.


    ĐÁP:

    Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh càng ngày càng thấy nhiều nơi người Việt định cư tại Hoa Kỳ. Sở dĩ như thế vì tiểu đường là bệnh về biến dưỡng liên hệ đến vấn đề dinh duỡng, ăn uống. Những người mập dễ bị bệnh này và người Việt sang đây sau nhiều năm, số người mập vì ăn uống quá độ tăng lên nhiều và sự phát hiện ra bệnh tiểu đường càng gia tăng.

    Bệnh tiểu đường được chia ra làm 2 loại: loại 1 là tiểu đường cần phải chích insulin, thường xảy ra nơi người trẻ, do một loại cực vi trùng phá hủy tụy tạng là cơ quan tiết ra chất insulin điều hòa lượng đường trong máu. Loại này thật ra hiếm thấy nơi người Việt .

    Hầu hết các bệnh tiểu đường của người Việt là loại 2, gọi là loại tiểu đường không lệ thuộc vào insulin. Nguyên nhân của tiểu đường loại 2 này là do cơ cấu tiếp nhận insulin (insulinreceptor) trên mô tế bào hoạt động không bình thường nên insulin tuy đầy đủ vẫn không làm cho chất đường glucose từ trong máu vào tế bào một cách bình thường được và gây ra lượng đường trong máu lên quá cao.

    Ngoài ra những người bị tiểu đường loại 2 cũng có tụy tạng làm việc không được bình thường và có tỷ lệ chất glucagon là một loại kích thích tố khác trong việc biến dưỡng đường glucose cao hơn chất insulin gây ra rối loạn việc biến dưỡng glucose.

    Bệnh tiểu đường loại 2 là bệnh di truyền tuy cách thức di truyền chưa được biết rõ ràng. Nhiều sắc dân có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rất cao như giống dân da đỏ Pima hơn 40% dân số bị tiểu đường. Người Á Châu nói chung và dân Việt nói riêng có lẽ tỷ lệ cũng khá cao tuy không có thống kê chính xác.Thường nếu có anh chị em bị bệnh tiểu đường, xác xuất cũng bị tiểu đường lên đến 1/4, nếu cha hay mẹ bị tiểu đường, người con có xác xuất 1/3 bị bệnh tiểu đường theo.

    Phần lớn việc định bệnh tiểu đường là do đi khám tổng quát ,thử máu thấy đường lên cao, trên mức 126 mg% lúc buổi sáng nhịn đói và hemoglobin A 1 c trên 6.5%. Những người này hầu như không có triệu chứng gì ngoài việc đa số hơi mập. Vì thế những người bắt đầu vào cỡ tuổi 40, 50 trở lên nên đi khám tổng quát, nhất là nếu trong gia đình, bố mẹ anh chị em đã có người bị tiểu đường, hoặc gần đây thấy lên cân,mập hơn.

    Một số người bị tiểu đường nặng hơn thường thấy có các triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều, ăn nhiều, hay đói nhưng lại bị sụt ký. Những người bị các triệu chứng này cần phải đi khám và thử máu ngay vì đây là triệu chứng của đường trong máu lên quá cao. Một triệu chứng hay thấy và do tiểu đường gây ra là bị tê tay, tê chân, thấy đau nhức hay chạy rần rần ở tay chân. Triệu chứng này do rất nhiều thứ gây ra nhưng một bệnh quan trọng và hay thấy là tiểu đường. Sở dĩ như thế vì tiểu đường có thể gâ ybiến chứng ở dây thần kinh gọi là neuropathy.

    Một số ít bị mắt mờ, đi khám thử tổng quát và khám phá ra bệnh tiểu đường. Nguyên nhân vì tiểu đường gây ra biến chứng trong võng mạc của đáy mắt, ảnh hưởng trên các mạch máu mắt hay gây phù gọi là macular edema. Vì thế những người bị mờ mắt hay triệu chứng khác về mắt đều cần thử máu xem có bị tiểu đường hay không?

    Một số bệnh nhân khác chỉ tìm thấy bị tiểu đường khi đã có những biến chứng nặng như bị tai biến mạch máu não, hay bị nghẹt động mạch tim... vì thế việc định bệnh sớm là điều tối quan trọng để tránh những biến chứng tai hại, nguy hiểm. Chữa bệnh tiểu đường đối với người Việt hầu hết bị tiểu đường loại 2 không cần dùng đến insulin. Chỉ trừ một số rất ít không giữ được múc đường bình thường với thuốc uống cần phải chích thêm insulin.

    Trong mấy năm gần đây, nhiều thứ thuốc mới chữa bệnh tiểu đường đã được chấp thuận để bán trên thị trường. Những thuốc mới này rất có hiệu quả và giúp để giữ lượng đường trong máu trở lại bình thường, không cần phải chích ínulin. Ngoài ra còn giúp cho những bệnh đi kèm khác như bệnh tim, bệnh thận, bệnh mập v...v.. Sau dầy chúng ta sẽ xem từng loại thuốc mới để trị tiểu đường này.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-02-2023 at 08:17 AM.

  10. #20
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,824
    1 - Metformin

    Thuốc đầu tiên để chữa bệnh tiểu đường loại 2 là Metformin. Thuốc này có tác dụng làm giảm việc sản xuất đường glucose của gan, cũng như giúp cho cơ bắp thịt có thể dùng insulin để đưa đường glucose vào trong tế bào nhiều hơn. Do đó sẽ làm giảm lượng đường trong máu.

    Metformin tương đối ít có phản ứng phụ. Tuy nhiên nên uống thuốc với đồ ăn để tránh tiêu chảy hay đau bụng. Metformin nếu dùng ở người bị suy thận, có thể gây ra một phản ứng nguy hiểm là lactic acidosis, vì thế nếu mức làm việc của thận quá kém, nên tránh dùng thuốc này. Một phản ứng phụ khác có thể xảy ra là làm cơ thể thiếu vitamin B12, lý do là Metformin làm giảm sự hấp thụ vitamin này ở ruột. Nên sau khi dùng Metformin lâu, nếu thấy thiếu hồng huyết cầu, phải đo lượng vitamin B12 và chích thuốc vitamin B12 nếu cần.


    Người mới bị tiểu đường và bị nhẹ, có thể chỉ cần uống Metformin 500 mg. Bị nặng hơn có thể dùng ngày 2 lần, loại 850 mg hay tối đa là 1000 mg ngày 2 lần.


    2 - Sulfonylureas



    Loại thuốc tiểu đường thứ nhì hay dùng để phụ với Metformin nếu đường chưa xuống nhiều là loại sulfonylureas, thông dụng nhất là glyburide, glipizide, glimepiride. Các thuốc loại này làm kích thích tụy tạng tiết ra insulin nhiều hơn và làm đường xuống nhanh. Tuy nhiên một phản ứng phụ nguy hiểm có thể xảy ra là làm đường đôi khi xuống quá thấp gọi là hypoglycemia, người bệnh thấy mệt, chân tay rã rời, ra mồ hôi nhiều, tay run. Nếu đường xuống quá thấp như 30 - 40 mg%, có thể làm xỉu và tiến đến hôn mê. Vì thề hiện nay khuynh hướng là tránh dùng thuốc loại này, nhất là nơi người già. Ngoài ra loại thuốc này có thể làm tăng nguy hiểm cho tim, người có bệnh tim nên tránh dùng.


    3 - Pioglitazone


    Một số bệnh nhân có thể phải dùng 3 thứ thuốc nếu vẫn đường trong máu vận chưa xuống. Pioglitazone có thể dùng thêm vào vì thuốc này làm tăng việc thu nhận đường glucose của tế bào gọi là peripheral uptake. Thuốc này khá hiệu quả uống ngày một lần 30 mg - 45 mg. Có phản ứng phụ là làm giữa nước, có thể làm phù.


    4 - Acarbose


    Thuốc này là loại alpha-glucosidase inhibitor, có tác dụng làm giảm hấp thụ loại bột polysaccharide trong ruột . tuy nhiên hiệu quả ít và làm đầy bụng, khó tiêu, bụng đau, sình bụng nên ít được dùng


    5 - Dipeptidyl peptidase - 4 (DPP - 4) inhibitors


    Loại này bán dưới tên thông dụng là Januvia, Onglyza.... có tác dụng làm tụy tạng tiết ra insulin, đồng thời làm ngăn chặn kích thích tố khác của tụy tạng là glucagon, do đó làm giảm lượng đường trong máu. Tương đối khá hiệu quả, nhưng cũng có phản ứng phụ là đôi khi làm đường xuống quá thấp hypoglycemia như loại sulfonylureas như đã nói ở trên. Thường được dùng khi bệnh nhân uống 2 hay 3 thứ thuốc kể trên vẫn chưa làm đường xuống được nhiều.


    6 - Sodium-Glucose Cotransporters 2 (SGLT 2) inhibitors


    Loại này tương đối mới và cho dùng vài năm gần đây. Hai thứ thuốc thông dụng nhất là Jardiance tức empaglifozin và Farxiga tức dapagliflozin, có tác dụng ngăn chặn sodium-glucose cotransporters 2 là loại chất đạm giúp thận hấp thụ lại chất đường glucose trong máu. Như thế, đường không được hấp thụ lại sẽ bị thải ra bằng đường tiểu. Và nhờ thế đường trong máu sẽ hạ thấp. Thuốc có hiệu quả nhiều trong việc chữa bệnh tiểu đường.


    Ngoài ra còn thêm lợi ích là Jardiance đã được chứng minh là giúp cho những người bị bệnh tim ít bị những biến chứng về tim cũng như làm giảm tử vong nơi những người này. Vì thế đối với những bệnh nhân bị tiểu đường đi kèm với bệnh tim mạch, dùng thuốc Jardiance vừa chữa tiểu đường vừa ngăn chặn được những biến chứng tim mạch nên hiện nay được dùng nhiều.


    Thuốc Farxiga cùng tác dụng để chữa tiểu đường như Jardiance, nhưng lại giúp ích về thận. Nhiều khảo cứu đã cho thấy thuốc Farxiga ngăn chặn được suy thận nơi những người bị tiểu đường kèm thêm với suy thận. Thực sự ra thuốc Farxiga hiện đã được chấp thuận để chữa ngay cho cả những người bị suy thận nhưng không bị tiểu đường. Những bệnh nhân này dùng Farxiga để chữa bệnh thận nhưng cũng không bị đường xuống thấp. Có nghĩa nếu bị tiểu đường, thuốc sẽ làm hạ lượng đường trong máu. Nhưng người không có tiểu đường dùng thuốc này không có tác dụng trên đường glucose!


    Tuy nhiên hai thứ thuốc này quá mắc tiền. Nếu không có bảo hiểm trả tiền thuốc, giá cho 30 viên thuốc dùng trong một tháng sẽ mất từ 500 - 600 Mỹ Kim nếu phải trả tiền túi. Nên người nghèo hay có bảo hiểm dở, sẽ khó lòng chịu nổi!


    7 - Glucagon - like peptide 1 (GLP 1) receptor agonists


    Loại thuốc trị tiểu đường mới nhất và được biết đến nhiều nhất có tên thương mại là Ozempic là loại thuốc chích một tuần một lần. Có tác dụng làm tăng bài tiết ra insulin và làm giảm đi bài tiết kích thích tố glucagon. Ngoài ra làm bao tử chậm đẩy đồ ăn xuống ruột và làm cho ít cảm thấy đói. Tất cả các tác dụng này làm giảm đường glucose, đồng thời làm sụt ký nhiều. Thuốc có nhiều loại như liraglutide, dulaglutide, semaglutide...Thuốc semaglutide có lẽ hiệu quả hơn cả và bán dưới tên Ozempic cho thuốc chích và Rybelsus cho thuốc uống. Ngoài ra loại GLP 1 này còn giúp cho bệnh nhân bị tim mạch và làm giảm tử vong.


    Đặc điểm nhất là loại thuốc này làm bệnh nhân mất ký nhiều có thể hàng 30 pounds sau một thời gian dùng thuốc. Nên thuốc này rất tốt để trị cho những người mập bị tiểu đường và bị kèm thêm bệnh tim mạch.



    Loại thuốc mới nhất vừa được chấp thuận cho bán trên thị trường là Tirzepatide bán dưới tên thương mại là Mounjaro. Thuốc này còn hiệu quả hơn Ozempic vì ngoài tính cách Glucagon- like peptide agonist lại còn có tác dụng gọi là glucose-dependent insulinotropic polypeptide viết tắt là GIP, hoạt động trên mô tế bào mỡ cũng như trên óc. Thuốc này trị tiểu đường và làm giảm ký nhiều hơn Ozempic, có thể mất đến 25% trọng lượng cơ thể cho những người mập.


    Dĩ nhiên các thứ thuốc mới này rất mắc tiền, hơn một ngàn Mỹ Kim cho 4 doses thuốc chích cho một tháng. Và bảo hiểm dĩ nhiên không trả nếu chỉ dùng để chữa bệnh mập! Ngay cả chữa tiểu đường, cũng phải có bảo hiểm tốt lắm mới chịu trả tiền thuốc chích này. Người nghèo hay bảo hiểm xấu đều không thể dùng được các thứ thuốc mới và hiệu quả này để chữa bệnh của mình, Chỉ còn cách dùng những thuốc generic, rẻ tiền như đã nói ở phần trên.
    Last edited by frankie; 08-02-2023 at 08:56 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Giải đáp y khoa
    By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 07-18-2023, 12:35 PM
  2. Replies: 3
    Last Post: 09-04-2014, 07:00 AM
  3. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 04-10-2014, 03:52 AM
  4. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 03-28-2014, 05:23 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 04-01-2013, 03:07 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:21 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh