Register
Page 3 of 16 FirstFirst 1234513 ... LastLast
Results 21 to 30 of 152
  1. #21
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    BỆNH CHÓNG MẶT THƯỜNG XUYÊN


    HỎI:


    Tôi năm nay 48 tuổi, khoảng 2 năm nay tôi hay bị chóng mặt thường xuyên. Nhiều khi chỉ trở mình khi nằm cũng thấy chóng mặt, cúi xuống lượm đồ cũng chóng mặt, ngước mặt nhìn lên cao cũng bị quay cuồng. Trước kia mỗi lần chóng mặt chỉ một lúc thì hết nhưng gần đây những cơn chóng mặt đến thường xuyên hơn và kéo dài lâu hơn.

    Tôi lên xuống cầu thang không được vì chóng mặt muốn té và tối khi đi ngủ phải ngủ ngồi vì không nằm xuống được.Tôi đã đi khám bệnh và uống nhiều thứ thuốc, cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc mà không hết, càng ngày càng bị nặng hơn. Xin Bác Sĩ cho biết tại sao tôi bị bệnh chóng mặt thường xuyên như vậy và có cách nào chữa trị hiệu quả không?

    Hoàng Thị T.H.


    ĐÁP:


    Bệnh của bà như tả trên gọi là bệnh chóng mặt do tư thế (benign paroxysmal positional vertigo). Đây là bệnh rất thường thấy, hay xảy ra nơi người đàn bà vào cỡ tuổi 40's, 50's tuy có thể nhỏ tuổi hơn hay già hơn cũng bị. Một thống kê cho thấy số người bị chứng này vào khoảng 107 trường hợp cho 100,000 người trong một năm. Đặc biệt phụ nữ Á Châu như Việt Nam rất hay bị, nhiều hơn đàn bà da trắng. Lý do có thể vì tính chất di truyền, tuy không rõ ràng.

    Nguyên nhân của bệnh chóng mặt do tư thế này gần đây được hiểu biết là do những cục sạn nhỏ li ti chạy lên chạy xuống trong một bộ phận của tai trong gọi là posterior semicircular canal. Phần tai trong của cơ thể là cơ quan điều khiển sự thăng bằng của cơ thể, có hình thù giống như con ốc với những khoen bán nguyệt dính vào (labyrinth).

    Sự luân chuyển của những nước dịch trong những khoen bán nguyệt semicircular canal truyền những tín hiệu theo dây thần kinh về não bộ, cho biết vị trí của cơ thể và điều khiển thăng bằng. Khi trong nước dịch gọi là endolymph này có những cục sạn li ti gọi là otoliths là những tinh thể calcium carbonate, chạy lên chạy xuống sẽ tạo ra những thay đổi về áp suất bất thưòng gây ra chóng mặt.

    Lý do tại sao lại có những cục tinh thể này gây ra bệnh không được hiểu rõ nhưng có thể vì bị nhiễm trùng như cảm cúm, hay bị chấn động trong đầu, có thể làm những cục sạn này thay vì nằm một chỗ trong con ốc gọi là utriculus của tai trong, chạy lên chạy xuống theo vòng bán nguyệt posterior semicircular canal và gây ra bệnh.

    Triệu chứng chóng mặt thường được tả như thấy chính mình đang quay cuồng hay thấy cảnh cảnh vật chung quanh quay vòng vòng. Bệnh nhân phải ôm đầu hay giữ yên không dám cử động vì càng cử động càng chóng mặt hơn. Nhiều người có thể sẽ bị ói mửa kèm theo. Nếu khám bệnh nhìn vào mắt sẽ thấy lòng đen của mắt đảo qua đảo lại gọi là nystagmus lúc đang lên cơn chóng mặt.

    Những cơn chóng mặt này hay trở đi trở lại, có người bị chừng vài tuần nhưng cũng có bệnh nhân bị kéo dài cả vài năm.Thường cơn chóng mặt do tư thế xảy ra nên người bệnh có thể biết trước nếu làm một cử động bất chợt nào đó như ngoái cổ nhìn về một phía, hoặc cúi xuống làm việc quá lâu sẽ bị chóng mặt. Ngoài ra nhiều người sẽ bị chóng mặt xảy đến nếu bị cảm hay cúm, hoặc ăn phải đồ ăn không hợp hoặc có nhiều chất hóa học chẳng hạn.

    Tóm lại có rất nhiều tác động để dẫn dắt đến cơn chóng mặt và nếu bị thường xuyên, bệnh nhân có thể biết trước được và tìm cách tránh né những tác động này. Cách chữa bệnh chóng mặt thường xuyên này nếu bị nhẹ và ngắn hạn có thể dùng thuốc như Meclizine, 12.5 hay 25 mg uống hai hay ba lần một ngày. Tuy nhiên thuốc có thể làm buồn ngủ, người lúc nào cũng mơ màng, đi không vững nếuuống nhiều quá.

    Một cách khác mới được dùng nhiều hơn gần đây là dùng phương pháp tập quay đầu gọi là Epley maneuvers để cho những cục sạn li ti chạy lên chạy xuống gây ra chóng mặt nói ở phần trên đọng lại trong phòng vestibule của tai trong, không di chuyển nữa để tránh gây ra bệnh

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-02-2023 at 11:27 AM.

  2. #22
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    Phương pháp Epley này tương đối giản dị: cho ngưòi bệnh nằm trên bàn, đầu ngửa ra sau khoảng 30 độ và quay nghiêng 45 độ về phía tay phải, giữ từ 30 đến 60 giây. Sau đó quay đầu từ từ để nghiêng về phía tay trái khoảng 90 độ. Giữ tư thế này từ 30 đến 60 giây. Sau đó quay cả đầu và người nằm trên vai trái cho đến khi đầu cúi nhìn hẳn xuống đất.

    Giữ nguyên tư thế này trong 30 đến 60 giây. Sau đó đỡ ngồi dậy, đầu vẫn quay về phía vai trái. Khi ngồi lên hẳn rồi đầu phải cúi xuống một chút và giữ nguyên một lúc. Khi thực hành phuơng pháp quay đầu Epley này, các cục sạn nhỏ li ti trong posterior semicircular canal sẽ theo các vị thế của đầu từng giai đoạn nói trên rơi dần theo trọng lượng vào vestibule của tai trong labyrinth và sẽ nằm yên ở đây không di chuyển nữa.

    Một số thống kê cho thấy tập quay đầu theo phương pháp Epley này sẽ làm giảm các cơn chóng mặt từ 80 đến 90% trường hợp. Tuy nhiên không phải là khỏi hẳn vì bệnh sẽ trở lại sau đó chừng 15% cho mỗi năm. Tuy nhiên lại thực hiện phương pháp quay đầu Epley này sẽ tiếp tục có hiệu quả tiếp.

    Điều giản dị là người bệnh có thể tự chữa nếu thấy bị chóng mặt trở lại. Cách thức tự chữa này được cho lên trên Internet với hình ảnh chỉ dẫn đầy đủ. Địa chỉ của Youtube cho các bệnh nhân muốn biết và tự học phương pháp Epley này là:

    https://youtu.be/9SLm76jQg3g


    Về phòng ngừa bệnh chóng mặt do tư thế, người bệnh có thể uống thuốc Meclizine tuy nhiên thường không nên dùng quá lâu vì nhiều phản ứng phụ. Đặc biệt cho phụ nữ Việt Nam,một số người bị chứng chóng mặt thường xuyên này khi đi khám bệnh thấy có thiếu chất sắt, nhất là những người bị kinh nguyệt nhiều hay mất máu, hoặc những ngưòi ăn chay, kiêng khem ít ăn thịt nên ít chất sắt trong cơ thể.

    Uống thuốc bổ có chất sắt đi kèm thêm những vitamins loại B khác như trong loại thuốc Hemocyte plus có thể giúp ích phần nào. Ngoài ra một loại vitamin khác là vitaminE, khi dùng chung với thuốc Hemocyte plus, uống khoảng 200 units một ngày, cũng giúp ích thêm, có thể vì đặc tính anti-oxidant của vitamin E. Một số ngưòi bệnh khi uống thuốc bổ có chất sắt, vitamins B và vitamin E kể trên đã thấy có hiệu quả giúp cho ngăn chặn chứng chóng mặt thường xuyên positional vertigo khá nhiều tuy chưa có chứng cớ xác thực rõ ràng.

    Nhưng những thuốc bổ này dùng không có hại gì nên cũng là một phương cách nên dùng để phòng ngừa thêm bệnh chóng mặt thường xuyên đã làm khổ sở rất nhiều phụ nữ trong lứa tuổi 40's-50's.
    Last edited by frankie; 08-03-2023 at 08:49 AM.

  3. #23
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822


    THUỐC NÀO TỐT NHẤT TRỊ BỆNH ÁP HUYẾT CAO?


    HỎI:


    Tôi năm nay 58 tuổi, gần đây tôi bị áp huyết cao và được cho uống thuốc Lisinopril để trị áp huyết. Tuy nhiên dù uống lượng thuốc 20 mg một ngày, áp huyết của tôi vẫn còn hơi cao ở mức 150/98. Khoảng hai tháng nay tôi lại bị chứng ho khan rất khó chịu, uống thuốc ho loại nào cũng không khỏi. Ông bạn tôi có nói cho tôi biết coi chừng ho là do uống thuốc áp huyết vì cũng đã bị y hệt như vậy, phải đổi thuốc khác mới khỏi.

    Xin bác sĩ cho biết thuốc Lísinopril tôi uống có làm ho như thế không? Và nếu đổi thuốc nên dùng thuốc nào sẽ tốt nhất? Tôi ngoài bệnh cao áp huyết còn bị tiểu đường, ngoài ra tôi cũng lâu lâu hay đau ngực. Tôi hút thuốc lá ngày một bao, nhiều lần đã tính bỏ mà bỏ chưa được. Cả gia đình tôi đều bị những loại bệnh áp huyết và tiểu đường. Cha mẹ tôi đều chết vì đứt mạch máu não. Ông anh tôi ở Việt Nam mới sang Mỹ chưa đầy một năm đã phải đi mổ tim. Xin bác sĩ cho biết tôi cần phải làm gì để ngừa những bệnh này?

    Trần Hoàng T.


    ĐÁP:

    Áp huyết cao là một trong những bệnh thông thường nhất. Tại Hoa Kỳ cứ 4 người sẽ có một người bị áp huyết cao. Bệnh này thấy nhiều hơn ở người lớn tuổi. Nhiều người hồi trẻ áp huyết bình thường nhưng khi về già sẽ bị áp huyết cao. Vì thế đo áp huyết thường xuyên là điều quan trọng cho những người lớn tuổi.

    Lý do vì áp huyết cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những bệnh tai hại khác như đứt mạch máu đầu (stroke), nghẹt động mạch tim (heart attack), suy tim (heart failure), suy thận, cứng thành động mạch... Áp huyết bị cao càng lâu và càng cao nhiều sẽ dễ bị những bệnh biến chứng kể trên nên việc chữa trị áp huyết cao rất quan trọng, càng sớm càng tốt và giữ cho áp huyết xuống thấp trở lại bình thường là điều căn bản.

    Rất nhiều người bệnh biết mình bị áp huyết cao và đi khám bệnh uống thuốc nhưng hoặc uống thuốc không đủ hay không đúng cách, hay dùng thuốc không hợp bị nhiều phản ứng phụ, lúc uống lúc không, nên áp huyết vẫn cao.Thực sự ngay tại Hoa Kỳ, chỉ có 54% người có bệnh áp huyết cao có đi chữa bệnh và uống thuốc. Số người uống đúng và dầy đủ thuốc để áp huyết trở lại bình thường còn ít hơn nữa, chỉ khoảng 28% số người bệnh được chữa đúng mức và có áp huyết hoàn toàn bình thường!

    Trước hết, áp huyết cao được định nghĩa như có mức áp huyết cao hơn 140/90. Số đầu là mức áp suất đo bằng millimét thủy ngân khi tim bóp đẩy máu ra gọi là systolic, số sau là áp suất khi tim nở ra gọi là diastolic. Thực sự những hiểu biết gần đây cho thấy con số này vẫn còn ở mức cao nhiều. Áp huyết tốt nhất là ở mức dưới 120/80. Mức bình thường là dưới 130/85. Áp huyết trong khoảng từ 130/85 đến 140/90 được gọi là mức bình thường nhưng ở cấp cao (high normal).

    Với áp huyết trên 140/90 là bị bệnh áp huyết cao và được chia làm 3 cấp. Từ 140/90 đến160/100 là cấp 1. Từ 160/100 đến 180/110 là cấp 2. Cao hơn mức 180/110 là cấp 3. Loại này nguy hiểm nhất. Thực sự người bị bệnh áp huyết cao ở cấp 2 cũng đã dễ bị nhiều bệnh biến chứng.

    Một người khoảng 50 tuổi nếu có áp huyết cao như160/110 không chữa sau 5 năm sẽ có 5% triển vọng bị một biến chứng tai hại như đau tim hay đứt mạch máu đầu. Nếu người này có lượng cholesterol trong máu cao, mức nguy hiểm sẽ tăng lên gấp đôi và nếu còn hút thuốc lá sẽ tăng lên gấp ba lần!

    Ngược lại nếu người bệnh trên uống thuốc trị liệu áp huyết, mức nguy hiểm sẽ giảm đi nhiều. Thí dụ như người bệnh 50 tuổi trên với áp huyết lúc đầu là 160/110. Chỉ cần uống thuốc giảm áp suất systolic xuống được 10 mm thủy ngân và giảm được áp suất diastolic xuống 5mm thủy ngân, tức là giảm từ 160/110 xuống 150/105 mức độ nguy hiểm về đứt mạch máu đầu stroke sẽ giảm được 40% và bị đau tim heart attack giảm đi 16%. Và nếu áp huyết người này trở lại bình thường 140/90, mức độ nguy hiểm sẽ còn xuống nhiều hơn nữa!

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-04-2023 at 08:16 AM.

  4. #24
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    Thuốc trị áp huyết có nhiều loại. Đầu tiên và trước kia được dùng nhiều là loại lợi tiểu(diuretics) làm đi tiểu nhiều và hạ áp huyết như hydrochlorothiazide, chorthalidone...Loại thuốc này dùng lâu dễ sinh nhiều phản ứng phụ như làm chất potassium thấp trong máu làm yếu bắp thịt, tăng lượng uric acid dễ làm bệnh gout, dễ làm tăng lượng đường, làm tăng lượng mỡ trong máu, dễ gây bất lực v..v.. nên hiện nay ít được dùng hơn. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc lợi tiểu để trị áp huyết khi dùng những loại thuốc mới không có hiệu quả bằng! Hoặc dùng kèm theo với những loại thuốc hạ áp huyết khác.

    Loại thuốc áp huyết kế tiếp gọi là beta-blockers như metoprolol, carvedilol, atenolol, propanolol ...Những loại này hạ áp huyết hiệu quả nhưng không nên dùng nếu bị bệnh suyễn vì làm tăng suyễn nhiều hơn. Thuốc này cũng làm tim đập chậm, hay làm mệt.Tuy nhiên những người bị bệnh đau tim, hay những người mới bị heart attack dùng thuốc loại này sẽ giúp ngăn chặn bị heart attack trở lại. Vì thế những người bị bệnh tim đi kèm với áp huyết cao nên dùng loại này.

    Loại thuốc kế 2 loại trên là thuốc gọi là calcium-channel blockers như amlodipine, nifedipine, verapamil, diltiazem...rất có hiệu quả. Hơn nữa những loại này có tính chất ngừa bệnh đứt mạch máu đầu nên dùng cho những người lớn tuổi rất tốt, nhất là khi sợ bị stroke.Một số người bệnh dùng thuốc loại này hay bị sưng phù chân, tuy nhiên nếu phù cũng chỉ bị nhẹ, không cần chữa, chỉ cần để chân cao khi ngủ. Hoặc có thể uống kèm thêm thuốc lợi tiểu một vài ngày sẽ hết phù.

    Loại thuốc khác gọi là angiotensin-converting enzyme inhibitors (viết tắt là ACE inhibitors) như thuốc enalapril), lisinopril, capoten...rất có hiệu quả, dùng tốt nhất nếu người bệnh bị thêm các bệnh như suy tim, bị heart attack trước, bị bệnh tiểu đường hay bị suy thận do mất chất đạm trong nước tiểu (proteinuria).

    Thuốc này có đặc tính là dễ gây ra chứng ho khan, khoảng 20% người bệnh có thể bị phản ứng phụ làm ho này. Chứng ho khan do thuốc gây ra rất khó chữa, uống thuốc ho thường không khỏi và chỉ hết sau khi ngưng thuốc ACE inhibitors và đổi sang thuốc khác. Một số phản ứng phụ khác hiếm hơn là thuốc này làm sưng mặt gọi là angioedema, hay làm mất vị giác, nếm không thấy mùi vị gì.Tuy nhiên những phản ứng này hiếm thấy.

    Loại thuốc mới hơn chữa áp huyết là thuốc angiotensin receptor antagonists như các loại losartan, telmisartan, candesartan, olmesartan ...Thuốc áp huyết loại này rất tốt, ít gây ra phản ứng phụ. Dùng thay thế loại ACEinhibitors khi thuốc này làm ho, cũng như dùng nếu người bệnh bị thêm tiểu đường, bị suy tim hay bị bệnh thận và mất chất đạm trong nước tiểu.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-05-2023 at 11:06 AM.

  5. #25
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    Một loại thuốc áp huyết khác tuy đã có lâu nhưng được dùng nhiều hơn khi người bệnh bị sưng nhiếp hộ tuyến sẽ làm dễ đi tiểu hơn gọi là loại thuốc alpha-blockers như oxazosin, Cardura...Thuốc loại này làm giảm áp huyết không nhiều lắm nhưng nếu ngưòi bệnh bị nhiếp hộ tuyến lớn sẽ giúp ích cả 2 đàng: vừa hạ áp huyết, vừa dễ đi tiểu. Thường dùng chung với những thuốc áp huyết khác.

    Như vậy việc chữa trị áp huyết cao và dùng loại thuốc nào sẽ tuỳ vào từng người bệnh và tuỳ phản ứng của người bệnh đó khi dùng thuốc. Như trường hợp trong câu hỏi của bệnh nhân Trần Hoàng T., dùng Lisinopril là loại thuốc ACE inhibitors rất đúng vì bị thêm bệnh tiểu đường, dùng thuốc này để chữa áp huyết và giúp cho tiểu đường cũng như bảo vệ bệnh thận do tiểu đường gây ra.

    Tuy nhiên thuốc này lại làm ho nhiều, sẽ nên đổi sang thuốc loại angiotensin-receptor antagonists như Losartan hay Telmisartan chẳng hạn, sẽ giúp hạ áp huyết, giúp tiểu đường và không làm ho. Tuy nhiên người bệnh trên dù uống Lisinopril lượng cao là 20 mg môt ngày vẫn chưa làm áp huyết xuống thấp hơn 140/90 sẽ cần dùng thêm thuốc khác phụ vào.

    Vì chứng đau ngực có thể do nghẽn động mạch tim, loại thuốc calcium channel blockers nên được dùng như thuốc Amlodipine chẳng hạn, sẽ giúp hạ thêm áp huyết và ngừa bệnh tim heart attack. Ngoài ra, với bệnh trong gia đình hay bị stroke như cha mẹ đã bị, dùng Amlodipine có thể ngừa thêm bệnh stroke rất tốt.

    Trường hợp một người bệnh khác nếu bị áp huyết cao, cộng thêm với chứng tim đập nhanh, hay bị run tay sẽ nên dùng thuốc tốt nhất là loại beta blockers như metoprolol hay atenolol chẳng hạn vì vừa chữa áp huyết vừa làm tim đập chậm lại, vừa chữa run tay. Tuy nhiên nếu người này bị suyễn sẽ không nên dùng vì có thể làm tăng suyễn.

    Tóm lại với những thuốc áp huyết mới và nhiều hiệu quả hiện nay, bệnh áp huyết cao đã trở nên dễ chữa trị. Điều cần là dùng thuốc phù hợp cho tình trạng của mỗi người bệnh. Ngoài ra cần phải chữa trị những bệnh liên hệ hay đi kèm như tiểu đường, cholesterol cao, bệnh mập và thay đổi cách sống như ăn lạt hơn, ăn kiêng chất béo, xuống ký và bỏ thuốc lá.

    Những người bệnh có nhiều yếu tố nguy hiểm như trường hợp trong câu hỏi đầu bài cần phải theo dõi cẩn thận và làm thử nghiệm để tìm và chữa trị ngay những bệnh nguy hiểm có thể đi kèm như nghẹt động mạch tim, suy tim, cứng thành động mạch.v.v.. để chữa trị sớm sủa và ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

  6. #26
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822


    Thiếu máu



    HỎI:


    Tôi hay bị xây sẳm, đứng lên ngòi xuống nhanh quá dễ bị chóng mặt. Tôi nghe người bạn nói bị như vậy là do thiếu máu. Xin cho biết làm sao biết được bị thiếu máu hay không? Nguyên nhân và chữa trị ra sao?

    Nguyễn thị H. L.


    ĐÁP:

    Thiếu máu là bệnh thông thường, hay thấy ở những người Việt Nam. Những triệu chứng kể trên của bà có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như bệnh về tim, bệnh về áp huyết, bệnh do sự xáo trộn về cơ quan điều khiển sự thăng bằng của cơ thể ở tai trong, bệnh của hệ thần kinh giao cảm v.v…

    Tuy nhiên những triệu chứng trên thường thấy nhất ở người bị thiếu máu. Những triệu chứng khác là hay bị mệt, thấy đuối sức khi làm gì nặng, kèm theo khó thở và hồi hộp, đôi khi dễ bị xỉu. Đặc biệt hay thấy ớn lạnh. Đôi khi bị thêm những triệu chứng về tiêu hóa như ăn không ngon, khó tiêu, buồn nôn v.v… Thường bị khó ngủ, dễ quạu quọ.

    Tóm lại là những triệu chứng không rõ rệt, tuy nhiên dấu hiệu rõ ràng nhất để định bệnh là xanh xao. Mặt và tay chân, nhất là bàn tay và bàn chân xanh hẳn ra và nếu kéo mí mắt dưới xuống thường thấy màng nhày mí mắt lợt lạt không được đỏ hồng như người bình thường. Muốn biết chắc chân có thiếu máu không, nặng nhẹ ra sao và thiếu máu do nguyên nhân nào phải thử máu để đo lượng hồng huyết cầu.

    Hồng huyết cầu là tế bào máu có nhiệm vụ mang dưỡng khí đi khắp cơ thể, trung bình khoảng từ 4 triệu đến 5 triệu rưởi hồng huyết cầu trong một phân khối máu. Đàn bà có ít máu hơn đàn ông, ít hơn khoảng 10%. Ngoài ra cũng cần đo lượng hemoglobin trong máu. Hemogglobin là sắc tố có chất sắt trong hồng huyết cầu, giũ vai trò kết hợp với dưỡng khí oxygen và chất thán khí CO2 để trao đổi trong sự hô hấp của tế bào. Trung bình lượng hemoglobin ở đàn bà là từ 12 đến 16 grams trong 100cc máu, đán ông từ 14 đến 18 grams trong 100cc máu.

    Những thí nghiệm khác là đo lượng phần trăm Hematorit của lượng hồng huyết cầu lớn nhỏ ra sao gọi là MCV, mean corpuscular volume đo phần trăm sắc tố trong mỗi hồng huyết cầu đậm lạt ra sao gọi là MCH. mean corpuscular hemoglobin. Dựa trên kết quả thử máu này ta có thể biết thiếu máu nặng hay nhẹ và loại gì. Nếu thể tích của hồng huyết cầu nhỏ hơn bình thường và lượng sắc tố quá nhạt, tức MCV và MCH quá thấp, thường bệnh thiếu máu là do thiếu chất sắt trong cơ thể.

    Thiếu máu vì thiếu chất sắt là nguyên nhân thông thường, nhất là tại những vùng nhiệt đới và chậm tiến như tại Việt Nam, ăn uống không đầy đủ, ít có thịt để ăn. Thịt là nguồn cung cấp chất sắt nhiều nhất trong đồ ăn. Ngoài ra bị giun sán nhiều, nhất là loại sán lãi Ascaris lumbricoides sẽ làm cho cơ thể mất chất sắt. Trẻ con và thiếu niên đang lớn cũng dễ bị thiếu máu do thiếu chất sắt vì cơ thể tăng trưởng đòi hỏi nhiều, nếu không ăn uống đầy đủ sẽ bị thiếu máu dễ dàng. Một triệu chứng rất đặc biệt của thiếu chất sắt là thèm ăn đá lạnh! Người bệnh có những triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của thiếu máu nếu khai ra là tự nhiên thấy thèm ăn những cục đá lạnh, có thể đoan quyết là đã bị thiếu chất sắt làm thiếu hồng huyết cầu!

    Đàn bà mang thai hay bị thiếu máu vì thiếu sắt cũng do nguyên nhân này. Đàn bà thường bị thiếu máu do thiếu nhiều chất sắt hơn đàn ông vì vấn đề mất máu do kinh nguyệt. Chất sắt được dùng để cấu tạo sắc tố hemoglobin của hồng huyết cầu nên bị mất máu kinh niên do có kinh nguyệt nhiều quá hoặc bị bệnh bao tử, ruột làm chảy máu kinh niên, lâu ngày số lượng dự trữ chất sắt trong cơ thể không đủ để cung ứng cho số lượng chất sắt bị mất đi do chảy máu kinh niên sẽ gây ra bệnh thiếu máu vì thiếu chất sắt.

    Một số người uống aspirin hoạc những thuốc chống viêm, phong thấp như Advil, Motrin, Naproxen hay bị phản ứng làm chảy máu bao tử, nếu không biết cứ tiếp tục uống sẽ làm mất máu kinh niên và sau cùng gây ra bệnh thiếu máu. Một số trường hợp như loét bao tử, ung thư bao tử hay ung thư ruột làm chảy máu từ từ và gây ra bệnh thiếu máu do chất sắt. Vì lý do này, khi định ra bệnh thiếu máu thường phải tìm ra nguyên nhân để có thể trị những bệnh nặng như kể trên một cách kịp thời, quan trọng nhất là ung thư. Vì thế khi một bệnh nhân lớn tuổi nếu bị thiếu máu do thiếu chất sắt, phải làm những thử nghiệm cần thiết như soi bao tử, soi ruột để xem có bị ung thư hay không.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-07-2023 at 11:06 AM.

  7. #27
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    Thử nghiệm để định bệnh thiếu máu tương đối giản dị. Trước hết là làm thử nghiệm CBC tức complete blood count. Nếu thấy lượng hemoglobin và hematocrit thấp, đi kèm với MCV và MCH, MCHC thấp, sẽ nghi là do thiếu chất sắt, cần phải đo lượng chất sắt trong máu là serum iron, trung bình là 60 - 170 microgram/dl. Mức chất sắt thấp hơn 60 là thiếu sắt. Thường sẽ làm các tests đi kèm là TIBC tức total iron binding capacity, trung bình từ 240 - 450 microgram/dl, nếu thiếu chất sắt, mức này sẽ cao lên nhiều. Cũng như test transferrin saturation , trung bình là 25%, nếu thiếu chất sắt sẽ thấp hơn.

    Ngoài ra có thể đo lượng serum ferritin. Ferritin là chất đạm protein ở trong tế bào có nhiệm vụ giữ chất sắt và sẽ cung cấp chất sắt để tạo ra hemoglobin. Vì thế khi bị bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt, đo lượng ferritin sẽ rất thấp.

    Chữa trị bệnh thiếu máu do chất sắt phải trị nguyên nhân như phải trị sán lãi, trị các bệnh gây ra mất máu kinh niên như loét bao tư, viêm ruột, ung thư v.v… Nếu uống aspirin, thuốc chống viêm phải ngưng ngay.Phụ nử có kinh quá nhiếu vì để vòng xoắn phải lấy ra và đổi cách ngừa thai.

    Trị liệu thiếu chất sắt giãn dị hơn, chỉ cần uống thêm thuốc bổ có chất sắt mỗi ngày. Thông thường phải uống thuốc chất sắt loại ferrous sulfate 300 mg, ngày ba lần, có thể phải uống kéo dài vài tháng. Trị liệu rất có hiệu quả, chừng 1, 2 tuần lượng máu sẽ tăng cao dần và những triệu chứng bớt rất nhanh.

    Một số trường hợp ở người Việt Nam chúng ta cũng thấy là bệnh thiếu máu với thể tích hồng huyết cầu nhỏ và sắc tố hemoglobin lợt lạt, không phải do thiếu chất sắt nhưng do một chứng bệnh bẩm sinh của hemoglobin không bình thường gọi là bệnh Thalassemia. Bệnh thiếu máu này do cấu tạo bất thường của sắc tố hemoglobin và không chữa được.

    Ít thấy hơn ở người Việt Nam là loại thiếu máu với thể tích hồng huyết cầu lớn, thường do thiếu sinh tố B12 hay thiếu sinh tố folic acid. Loại thiếu máu vì thiếu sinh tố B12 hay xãy ra ở những người bị bệnh teo màng nhày bao tử, không hấp thụ được sinh tố B12. Thiếu máu vì thiếu sinh tố folic acid hay xảy ra nơi những người nghiện rượu.

    Chữa trị các bệnh thiếu máu loại này tương đối cũng dễ dàng, chỉ cần chích vitamin B12 hay uống thuốc sinh tố folic acid mỗi ngày.

    Tóm lại những triệu chứng kể ra trong câu hỏi của người bệnh Nguyễn thị H. L. tuy không rõ ràng cần phải đi khám nghiệm và thử máu và chữa trị tùy thuộc vào thiếu máu loại nào và nguyên nhân nào như đã kể trên.
    Last edited by frankie; 08-08-2023 at 08:57 AM.

  8. #28
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    UNG THƯ RUỘT GIÀ


    HỎI:


    Ba tôi mới khám bệnh và được cho biết bị ung thư ruột già. Xin bác sĩ cho biết ung thư ruột già có di truyền không? Tôi có thể bị bệnh này trong tương lai không? Cũng xin bác sĩ cho biết làm thế nào để ngừa bệnh này và nếu bị ung thư ruột già, có cách nào trị khỏi bệnh không?

    Trần V. H.


    ĐÁP:


    Ung thư ruột già là một loại ung thư rất thường thấy, chỉ sau ung thư phổi về mức độ xảy ra. Thông thường, ung thư ruột già hay xảy ra ở người lớn tuổi, khoảng 50 trở lên, tuy người trẻ hơn vẫn có thể bị.

    Bệnh ung thư này liên quan nhiều đến mức độ tân tiến của một quốc gia, những nước văn minh có khuynh hướng bị loại ung thư này nhiều hơn các nước chậm tiến. Người Việt sang Hoa Kỳ cũng đã thấy bắt đầu bị bệnh ung thư này nhiều hơn trước. Lý do chắc chắn hẳn không được rõ ràng, tuy nhiên một số khảo cứu cho thấy vấn để ăn uống giữ vai trò quan trọng về việc gây ra ung thu này.

    Ăn nhiều chất béo, ăn thịt nhiều làm tăng mức độ bị ung thu ruột già. Những người bị bệnh tim do cholesterol cao, ăn thịt mỡ nhiều, cũng hay thấy bị ung thư ruột già nhiều hơn nguời khác. Ngoài ra ăn thiếu chất sợi fibers nhu đồ ăn của người Mỹ, cũng làm tăng mức độ bị ung thu ruột già, tuy điều này chưa đuợc chứng minh rõ ràng cho lắm.

    Một giả thuyết khác nữa là đồ ăn thiếu chất vôi calcium cũng dễ gây ra ung thư ruột già hơn. Ngược lại, những nguời ăn đồ có nhiều chất calcium hay uống thêm calcium có thể làm giảm mức độ bị ung thư ruột già.

    Câu hỏi của ông về vấn đề di truyền của bệnh này rất quan trọng. Khoảng 25% trường hợp có tính cách di truyền tuy không đuợc rõ rệt lắm. Một số nhỏ tính di truyền của ung thư ruột già này là do một bệnh về ruột gọi là polyposis coli. Những nguời bị bệnh ruột này có các cục buớu gọi là polyps đầy trong ruột, thường ruột già, đôi khi cả ruột non. Còn nhỏ không thấy, nhưng từ tuổi 25 trở đi, những nguời bị chứng này bắt đầu bị ung thu ruột già. Bệnh này hiếm thấy, nhưng khi biết có bệnh polyposis coli, thường phải giải phẫu cắt bỏ hết ruột già để ngừa ung thư xảy ra. Tính di truyền của bệnh này quan trọng ở chỗ nếu bố hoặc mẹ bị, 50% số con sẽ bị bệnh, vì thế phải theo dõi thường xuyên để giải phẫu sớm nếu phát hiện ra bệnh.

    Phần lớn trường hợp di truyền của bệnh ung thư ruột già không đuợc xác định rõ, một số gia đình tuy không bị chứng polyposis coli nhưng cũng thấy bệnh ung thư ruột già xảy ra trong gia đình. Vì thế, khi một nguời trong gia đình bị ung thư ruột già, điều cẩn thận là đi khám nghiệm và theo dõi để ngừa trước.

    Một nguyên nhân khác nữa gây ra ung thư ruột già là những người bị bệnh viêm ruột kinh niên gọi là inflammatory bowel disease, gồm hai loại chính là bệnh Crohn’s disease và bệnh loét ruột già gọi là ulcerative colitis.Tương đối người Việt Nam ít bị hai loại bệnh này nên nguyên nhân gây ra ung thư ruột già do viêm ruột này ở người Việt ít quan trọng.

    Triệu chứng của bệnh ung thư ruột già tùy thuộc vào vị trí của ung thư nằm chỗ nào trong ruột, bên phải, bên trái hay gần hậu môn. Có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì ngoài chuyện thấy mệt mỏi vì bị mất máu từ từ do ung thư làm lở và chảy máu. Vì thế người già bị thiếu máu, nhất là loại thiếu máu do mất chất sắt, phải đi tìm xem có bị ung thư ruột già gây ra thiếu máu hay không?

    Ung thư ruột già nếu ở phía bên trái hay gây ra làm nghẹt, thấy bị bón, đau bụng. Nếu nằm gần hậu môn, phần trực tràng có thể làm đi cầu ra máu tươi. Vì thế dù đi cầu ra máu tươi phần lớn do bệnh trĩ, vẫn phải để ý và loại trừ bệnh ung thư ruột già khi đi cầu bị ra máu tươi.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-09-2023 at 08:37 AM.

  9. #29
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822
    Khi bị những triệu chứng kể trên, hoặc có những triệu chứng do ung thư đã lâu và lớn như có cục trong bụng, bị sút ký nhiều..v..v..., phải đi khám nghiệm ngay để tìm bệnh. Trong phần khám, điều quan trọng nhất là khám hậu môn.Một số lớn ung thư ruột già nằm ờ phần trực tràng gần với hậu môn nên khám hậu môn và trực tràng bằng ngón tay có thể sờ thấy ung thư.

    Sau đó phải thử để xem trong phân có máu hay không bằng thử nghiệm gọi là hemoccult. Nếu có máu lẫn trong phân, tuy nhìn ngoài không thấy gì, khi thử bằng cách nhỏ thuốc vào phân thấy đổi màu xanh là có máu trong phân.

    Một thử nghiệm mới hơn là thử về DNA của tế bào ruột già trong phân gọi là Cologuard. Tuy nhiên test này mắc tiền và tuy có hiệu quả 92% tìm ra ung thư nhưng cũng chỉ tìm ra khoảng 42% trường hợp có polyps lớn và có 13% dương tính sai, false positive, có nghĩa test nói có ung thư nhưng sự thật không có ung thư gì cả!

    Khi thử thấy có máu trong phân hay có kết quả dương về DNA của tế bào ung thư ruột già bằng Cologuard sẽ phải làm thử nghiệm chính xác nhất để tìm ra ung thư ruột già bằng cách soi ruột colonoscopy. Cách thức chụp hình quang tuyến ruột gọi là barium enema bây giờ ít dùng và thay thế bằng colonoscopy

    Soi ruột già có thể dùng ống soi ngắn, bẻ cong được gọi là flexible sigmoidoscopy soi lên được khoảng tới 40-60 cm phía trên. thường được làm ngay trong phòng mạch vì đa số ung thư ruột già xảy ra ở gần hậu môn. Muốn chắc chắn hơn phải soi toàn thể ruột già colonoscopy để thấy có chỗ nào nghi ngờ có thể cắt một miếng nhỏ gọi là biopsy để xem dưới kính hiển vi.

    Ung thư ruột già hầu hết bắt nguồn từ một bướu nhỏ trong ruột gọi là adenomatous polyps, thường mọc cũng khá chậm trước khi thành ung thư hẳn, trung bình cỡ 5 năm. Vì thế nếu soi có thấy loại bướu này tuy không có ung thư cũng phải cắt bỏ và thường xuyên theo dõi để ngừa những bướu khác mọc thêm và biến thành ung thư. Những trường hợp này phải soi toàn thể ruột già và sau này cứ 5 năm làm lại một lần cho chắc chắn.

    Trường hợp của bệnh nhân Trần V. H. có người cha bị ung thư ruột già , nếu cha mình bị ung thư ruột già lúc còn trẻ dưới 60 tuổi, vì xác suất di truyền cao, nên bệnh nhân Trần V. H. nên đi soi ruột sớm khi bắt đầu 40 tuổi và cứ 5 năm nên đi soi colonoscopy lại một lần để tìm ung thư. Nếu người cha bị ung thư ruột già lúc trên 60 tuổi, nên bắt đầu đi soi colonoscopy cho mình khi 50 tuổi và cứ 10 năm soi lại một lần.

    Ung thư ruột già nếu tìm ra sớm, chưa chạy đi đâu, chỉ ở lớp màng nhầy phần ngoài, khi giải phẫu cắt bỏ có thể coi như khỏi tuy vẫn phải theo dõi thường xuyên vì khoảng 3 - 5% có thể bị ung thư ruột ở chỗ khác. Ung thư ruột già nếu lúc định bệnh và mổ đã xâm lấn qua lớp màng nhầy, mức tử vong sẽ cao hơn. Nếu ra ngoài bắp thịt của ruột, mức sống sót sau năm năm chỉ còn từ 70 -85%, nếu chạy tới các hạch chỉ khoảng 50% sống sót sau 5 năm. Ung thư ruột đã chạy khắp nơi, dù chữa trị cũng chỉ 5% trường hợp có hy vọng sống sót sau 5 năm.

    Như vậy đủ thấy việc tìm ra bệnh sớm là điều quan trọng nhất, vì giải phẫu sớm lúc ung thư còn giới hạn mới hy vọng sống sót lâu được. Việc chữa trị như trên đã nói, là giải phẫu cắt bỏ. Những trường hợp ung thư ở trực tràng gần hậu môn, thường phải nối ruột cho phân chạy ra một lỗ ở ngoài da trên bụng sau khi mổ. Ung thư ở cao hơn thường vẫn giữ được hậu môn và chỉ cần nối ruột.

    Những cách trị khác là chạy điện phóng xạ radiation therapy. Ung thư ở hậu môn sau khi mổ xong phải dùng thêm phương pháp chạy điện này để ngừa ung thư trở lại. Cách trị bằng hoá học trị liệu với chất 5-FU hiệu quả tương đối ít, dùng khi ung thư chạy khắp nơi hay trở lại. Một loại thuốc trị sán thường được dùng cho súc vật như loài cừu gọi là Levamisole gần đây được khám phá thấy rằng khi dùng chung với thuốc 5-FU và chạy điện có thể giúp ích nhiều hơn.

    Tóm lại ung thư ruột già là một loại ung thư hay thường thấy. Người Việt sang Hoa Kỳ có thể dễ bị chứng bệnh ung thư này hơn hồi còn ở Việt Nam. Ăn giảm thịt mỡ, giảm cholesterol, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc để tăng thêm chất sợi, thêm chất vôi calcium có thể giúp ích để ngừa phần nào. Một khuyến cáo gần đây năm 2015 của US Preventive Services Task Force là uống lượng nhỏ Aspirin 81 mg mỗi ngày có thể ngừa ung thư ruột già. Vì 25% trường hợp có thể có tính cách di truyền nên nếu có người trong gia đình bị, nên đi khám nghiệm để ngừa trước.

    Những người trên 40 tuổi nên mỗi năm đi khám và làm thử nghiệm khám hậu môn và tìm máu trong phân hay DNA tế bào ung thư ruột trong phân Cologuard để tìm ra bệnh sớm để ngừa. Nếu có triệu chứng, cần phải soi ruột colonoscopy để tìm bệnh. Ung thư ruột già nếu tìm ra muộn hay không chữa sẽ gây ra chết nên vấn đề chính yếu vẫn là tìm bệnh sớm sủa để chữa cho có hiệu quả.
    Last edited by frankie; 08-10-2023 at 10:33 AM.

  10. #30
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,822


    SUY TIM


    HỎI:



    Tôi hay bị mệt và khó thở khoảng hơn hai năm nay. Gần đây chứng khó thở càng ngày càng nặng hơn. Tôi chỉ cần đi bộ một quãng đường đã thấy mệt và không thở được. Ở nhà tôi không leo nổi cầu thang lên tầng trên, ban đêm phải kê đầu lên hai chiếc gối mới thấy dễ thở và ngủ được. Cách đây mấy ngày, hai chân tôi thấy sưng phù lên. Xin bác sĩ cho biết bệnh tôi có phải là bệnh tim không và cách chữa trị ra sao?

    Nguyễn Thị L. K.


    ĐÁP:


    Những triệu chứng bà tả trên nhiều phần là do chứng suy tim gây ra. Trái tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi duỡng các mô và tế bào khắp thân thể nên nếu vì một lý do nào đó, hoạt động co bóp của tim không đủ để cung ứng nhu cầu biến dưỡng của cơ thể, sẽ gây ra chứng suy tim. Như vậy suy tim là một hợp chứng và do rất nhiều thứ bệnh có thể gây ra. Điều quan trọng là nhận biết về những triệu chứng nào do suy tim và tìm nguyên nhân gây ra để chữa trị cho có hiệu quả.

    Suy tim có thể xảy ra một cách nhanh chóng, cấp kỳ, thí dụ như bị nghẽn động mạch tim làm chết một phần bắp thịt tim và làm bể van tim, hoặc trường hợp bị nhiễm trùng tim nặng làm suy tim cấp tính. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp khác, suy tim xảy ra từ từ trong khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm và có thể do những bệnh kinh niên của chính trái tim hay những bệnh khác ảnh hưởng trên tim gây ra.

    Trước hết, suy tim gây ra những triệu chứng nào để có thể nhận biết là bị suy tim? Thường xảy ra và quan trọng nhất là chứng khó thở. Khó thở xảy ra khi sức co bóp của tim yếu, làm ứ đọng máu phía bên phổi và tăng áp suất của các vi quản mạch máu phổi. Do đó người bệnh phải cố gắng thở nhiều hơn khi làm việc gì và gây ra cảm giác khó thở.

    Ngoài ra nếu bị suy tim nặng, nước có thể từ mạch máu tràn vào phổi làm phù phổi (pulmonary edema), làm càng khó thở hơn. Nếu mức phù phổi quá cao, người bệnh có thể chết vì ngập nước trong phổi này.Thường những thay đổi này xảy ra dần dần, người bệnh lúc đầu thấy hơi khó thở khi làm việc gì nặng nhọc. Sau đó, đi bộ một quãng xa sẽ làm khó thở. Mức độ tăng dần, chỉ cần đi một quãng ngắn hay leo cầu thang cũng thấy khó thở. Đến mức độ nặng hơn nữa, không làm gì cũng thấy khó thở, nhất là khi nằm xuống.

    Lý do vì khi nằm, lượng máu trở về tim nhiều hơn và làm tăng mức áp suất của vi quản mạch máu phổi, ngoài ra, khi nằm hoành cách mô (diaphragm) là bắp thịt dưới lồng ngực giúp ta thở bị đẩy lên trên nên làm dung tích phổi nhỏ hơn. Các yếu tố này khi suy tim sẽ làm bệnh nhân thở khó khi nằm (orthopnea). Vì thế, người bệnh thường phải nằm đầu cao, dùng 2,3 gối mới thấy dễ thở và ngủ được. Khi bị suy tim nặng hơn nữa, nhiều khi không thể nằm mà phải ngủ ngồi.

    Một triệu chứng khác khi suy tim nặng có thể xảy ra là lúc đang ngủ chợt tỉnh dậy khò khè như bị nghẹt thở hẳn, làm ho và lăn lộn một lúc mới đỡ (paroxysmal nocturnal dyspnea). Giai đoạn này thường sau đó đến mức nặng hơn là phù phổi, làm ho ra nước có bọt và máu hồng, nếu không chữa kịp sẽ chết vì nước ứ trong phổi này.

    Triệu chứng khác nữa là phù chân. Lý do là khi tim co bóp yếu, máu bị ứ đọng phía tim phải, làm hệ thống tĩnh mạch bị ngưng trệ và nước sẽ thoát ra ngoài giữa các tế bào, gây ra phù. Khi bị suy tim nặng, gan sẽ sưng lớn và đến giai đoạn chót, người bệnh có thể vàng da vàng mắt. Nếu không chữa trị, suy tim sẽ gây ra chết do phù nước trong phổi (pulmonary edema) như đã nói ở trên, hoặc trong 30% - 40% trường hợp, người bệnh sẽ chết bất thình lình vì tâm thất đập sai nhịp (ventricular arrythmia).

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 08-11-2023 at 08:08 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Giải đáp y khoa
    By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 07-18-2023, 12:35 PM
  2. Replies: 3
    Last Post: 09-04-2014, 07:00 AM
  3. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 04-10-2014, 03:52 AM
  4. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 03-28-2014, 05:23 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 04-01-2013, 03:07 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:01 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh