Register
Results 1 to 8 of 8
  1. #1

    Khác biệt của Bắc-Nam

    Nhân tình cờ đọc được một bài vè của một tác giả khuyết danh nêu ra những chữ khác nhau của hai miền Bắc-Nam, thấy hay hay, vui vui, xin ghi lại nơi đây, hy vọng ACE có chút "thư giãn" cuối tuần (trích trong sách "Ngày sống đời thơ" của Lê Minh Quốc).

    Bắc bảo “kì”, Nam kêu “cọ”
    Bắc gọi “lọ”, Nam kêu “chai”
    Bắc “mang thai”, Nam “có chửa”
    Nam “xẻ nửa”, Bắc “bổ đôi”
    Bắc quở “gầy”, Nam than “ốm”
    Bắc cáo “ốm”, Nam khai “bịnh”
    Bắc định đến “muộn”, Nam liền la “trễ”
    Nam mần “sơ sơ”, Bắc làm “lấy lệ”
    Bắc “lệ tuôn trào”, Nam “chảy nước mắt”
    Nam bắc “vạt tre”, Bắc kê “cái chõng”
    Bắc nói trổng “thế thôi”, Nam bâng quơ “vậy đó”
    Bắc đan “cái rọ”, Nam làm “giỏ tre”
    Nam không khoái “nói dai”, Bắc chẳng mê “lải nhải”
    Nam “cãi bai bải”, Bắc “lý sự ào ào”
    Bắc vào “ô tô”, Nam vô “xế hộp”
    Hồi hộp, Bắc “hãm phanh”; trợn tròng, Nam “đạp thắng”
    Khi nắng, Nam “mở dù”, Bắc thì lại “xòe ô”
    Điên rồ, Nam “đi trốn”; nguy khốn, Bắc “lánh mặt”
    Chưa chắc, Bắc nhắc “từ từ”; Nam khuyên “gượm lại”
    Bắc bảo “quá dại”, Nam nói “ngu ghê”
    Nam “sợ ghê”, Bắc “hãi quá”
    Nam thưa “tía má”, Bắc bẩm “thầy u”
    Nam nhủ “ưng ghê”, Bắc mê “hài lòng”
    Nam “chối lòng vòng”; Bắc bảo “dối quanh”
    Nhanh nhanh, Nam “bẻ bắp”; hấp tấp, Bắc “vặt ngô”
    Bắc “thích cứ vồ”, Nam “ưng là chụp”
    Nam rờ “bông bụt”, Bắc vuốt “tường vi”
    Nam nói “mày đi”, Bắc hô “cút xéo”
    Bắc bảo “cứ véo”, Nam “ngắt nó đi”
    Bắc gửi “phong bì”; “bao thơ” Nam gởi
    Nam kêu “muốn ói”, Bắc bảo “buồn nôn”
    Bắc gọi “tiền đồn”, Nam kêu “chòi gác”
    Bắc nói “khoác lác”, Nam bảo “xạo ke”
    Mưa đến, Nam “che”; gió ngang, Bắc “chắn”
    Bắc khen “giỏi mắng”, Nam nói “chửi hay”
    Bắc “nấu thịt cầy”, Nam “thui thịt chó”
    Bắc “vén búi tó”, Nam “bới tóc lên”
    “Anh Cả” Bắc quên, “anh Hai” Nam lú
    Nam ”ăn đi chú”, Bắc “mời anh xơi”
    Bắc mới “tập bơi”, Nam thời “đi lội”
    Bắc đi “phó hội”, Nam tới “chia vui”
    Bắc, thui thủi “kéo xe lôi”; Nam, một mình “xích lô đạp”
    Nam thời “mập mạp”, Bắc cho là “béo”
    Khi Nam khen “béo”, Bắc bảo là “ngậy”
    Bắc quậy “sướng phê”, Nam rên “quá đã”
    Bắc khoái “đi phà”, Nam thường “qua bắc”
    Bắc nhắc “môi giới”, Nam liền “giới thiệu”
    Nam ít khi “điệu”, Bắc hay “làm dáng”
    Tán mà không thật, Bắc bảo là “điêu”
    Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là “xạo”
    Bắc “bùi bùi lạc rang”,
    Nam “thơm thơm đậu phộng”
    Bắc “xơi na vướng họng”,
    Nam “ăn mãng cầu mắc cổ”
    Nam “tròm trèm ăn vụng”,
    Bắc “len lén ăn vèn”
    Nam toe toét “hổng chịu đèn”,
    Bắc vặn mình “em chả”
    Bắc dấm chua “cái ả”, Nam bặm trợn “con kia”
    Nam mỉa “tên cà chua”, Bắc rủa “đồ phải gió”
    Nam “nhậu nhẹt thịt chó”, Bắc “đánh chén cầy tơ”
    Bắc vờ vịt “lá mơ”, Nam thẳng thừng “lá thúi địt”
    Đến khi Nam “địt”, Bắc hô “đánh rắm”
    Nam bỏ trong “rương”, Bắc tuôn vào “hòm”
    Nam lết “vô hòm”, Bắc mặc “áo quan”
    Bắc xuýt xoa “cái Lan xinh cực”
    Nam trầm trồ “con Lan đẹp hết sẩy"
    Phủ phê, Bắc “ trùm chăn”; no đủ, Nam “đắp mền”
    Nước non một dãy thiêng liêng
    Tình Nam nghĩa Bắc càng bền duyên sâu.
    Last edited by hư tâm; 09-30-2023 at 02:20 PM.

  2. #2
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    6,020
    Quote Originally Posted by hư tâm View Post


    Bắc bảo “kì”, Nam kêu “cọ”
    Bắc vào “ô tô”, Nam vô “xế hộp”
    Chưa chắc, Bắc nhắc “từ từ”; Nam khuyên “gượm lại”
    Nam rờ “bông bụt”, Bắc vuốt “tường vi”
    Chào Hư Tâm, có mấy câu hổng phải ...

    Bắc mới nói cọ, Nam nói là hờm hông nói cọ
    Nam nói xế hộp hồi xưa thời bao cấp, ( xe Honda 2 bánh thì xế nổ) sau này nói ...xe hơi
    Nam hông nói gượm lại mà nói chậm lại
    Bông bụt/bụp là bông bụt, tường vi là tường vi hai loại hoa khác nhau



    Last edited by Thùy Linh; 10-02-2023 at 06:38 PM. Reason: chính tả

  3. #3
    Quote Originally Posted by Thùy Linh View Post
    Chào Hư Tâm, có mấy câu hổng phải ...

    1. Bắc mới nói cọ, Nam nói là kỳ, hờm hông nói cọ
    2. Nam nói xế hộp hồi xưa thời bao cấp (xe Honda 2 bánh thì xế nổ) sau này nói ...xe hơi
    3. Nam hông nói gượm lại mà nói chậm lại
    4. Bông bụt/bụp là bông bụt, tường vi là tường vi hai loại hoa khác nhau



    1. Thùy Linh nói đúng.
    2
    . Như vậy, tác giả không sai vì trong Nam dùng cả hai chữ "xe hơi" lẫn "xế hộp", chỉ có điều chữ "xế hộp" là tiếng lóng, nếu tác giả dùng chữ "xe hơi" thay vì chữ "xế hộp" thì sẽ tốt hơn vì đem một chữ tiếng lóng để đối lại chữ nghiêm chỉnh (ô-tô) thì nó hơi tréo ngoe.
    3. Đồng ý với Thùy Linh.
    4.
    ht không có ý kiến vì không rành về bông hoa (dù biết nói hay không), nhưng ht tin lời của Thùy Linh.

    Như vậy trong bài có một vài sai sót, mấy chữ này thật ra ai cũng biết hết (c
    hỉ có chữ này bây giờ mới biết: Bắc “len lén ăn vèn”) nhưng đặt ra vè có vần vui vui thì không dễ.
    Last edited by hư tâm; 10-02-2023 at 01:57 PM.

  4. #4
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    6,020
    Quote Originally Posted by hư tâm View Post
    1. Thùy Linh nói đúng.
    2
    . Như vậy, tác giả không sai vì trong Nam dùng cả hai chữ "xe hơi" lẫn "xế hộp", chỉ có điều chữ "xế hộp" là tiếng lóng, nếu tác giả dùng chữ "xe hơi" thay vì chữ "xế hộp" thì sẽ tốt hơn vì đem một chữ tiếng lóng để đối lại chữ nghiêm chỉnh (ô-tô) thì nó hơi tréo ngoe.
    Thời xe hơi mà gọi "xế hộp" chữ này ra đời trong giai đoạn cuộc sống rất khó khăn thôi, đoán là trong vòng 15 năm kể từ 1975 trở đi, tại vì ai có xe hơi không bị đánh tư sản cũng để trùm mền, hoặc dùng đón khách kiếm cơm. Còn như có "xế hộp" chỉ người có chức, có công mới được cấp xe, tài xế .
    Dân còn "xế nổ" là kha khá còn tiền đổ xăng á, xăng khan hiếm và mắc.

    TL nhớ thời đó người anh bà con bạn dì có xe Honda SS50 để đi gần và Honda SS125 để đi xa, bồ anh toàn mỹ nhân, thấy "xế nổ" đã mê nói gì cái tướng cao ráo, đẹp trai, giảng sư trường đại học, con trai một của bà chủ nhà hàng ở Bình Thuỷ, muốn tiền là mở tủ của má lấy tiền. Ảnh thay đào như thay áo, chạy xế nổ vi vút chở đào đi chơi mỗi tối cuối tuần.
    Sau này không nghe ai gọi "xế hộp" và "xế nổ" nữa vì quá chừng nhiều đâu có bị khan hiếm gì .
    TL nghe gọi đơn giản xe ...4 chỗ ngồi, 7 chỗ ngồi, 12 chỗ ngồi, xe hơi ..v...v.. .

    Quote Originally Posted by hư tâm View Post
    4. ht không có ý kiến vì không rành về bông hoa (dù biết nói hay không), nhưng ht tin lời của Thùy Linh.

    - Nam rờ "bông bụt" Bắc vuốt "tường vi"
    chắc chắn là hai loài, Họ khác nhau
    Bông bụt/bụpHibicus thuộc họ Malvaceae.
    Tường viRosa Multiflora thuộc họ Rosaceae

    Trong bài hát Hà Nội Ngày Tháng Cũ có câu:
    Hà Nội ngày tháng cũ
    Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi


    Hư Tâm không rành cả hoa biết nói ? thật vậy hay sao ! nháy mắt bặt, bặt .

    Quote Originally Posted by hư tâm View Post
    Như vậy trong bài có một vài sai sót, mấy chữ này thật ra ai cũng biết hết (c
    Quote Originally Posted by hư tâm View Post
    hỉ có chữ này bây giờ mới biết: Bắc “len lén ăn vèn”) nhưng đặt ra vè có vần vui vui thì không dễ.

    TL hông biết chữ ăn vèn

    Viết "vè" dân gian xưa nay có nghe vè Lục Bát, vè Nói lối, vè loài vật, cây trái hoa cỏ, sự vật, lịch sử, xã hội, ....còn vè về ...ngôn ngữ thì chưa thấy, TL nghĩ viết cho vui thôi .

    A TL sai chính tả, kì hờm i ngắn mới đúng .
    Last edited by Thùy Linh; 10-02-2023 at 06:49 PM.

  5. #5
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367

    Bài vè này nhiều chỗ sai lạc và đối không chuẩn lắm. Ví như đâu có người Nam nào dùng thành ngữ "cãi bai bải". "Chối bai bải" thì có. Nhưng cái ông tác giả bỏ công ra ngồi nhớ cũng là hay rồi, cho nên khi trách ông, thì người Nam trách sơ sơ, người Bắc trách phiên phiến thôi. Mỏng mỏng, nhè nhẹ thôi. hihihi Làm gì có vụ "lấy lệ" đối với "sơ sơ". Thật ra người Nam nói là "làm cho có". hihihi

    Vậy nhé. Công ông tác giả ngồi nhớ ra cũng là đáng khen rồi.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    867
    Quote Originally Posted by hư tâm View Post
    ...
    2. Như vậy, tác giả không sai vì trong Nam dùng cả hai chữ "xe hơi" lẫn "xế hộp", chỉ có điều chữ "xế hộp" là tiếng lóng, nếu tác giả dùng chữ "xe hơi" thay vì chữ "xế hộp" thì sẽ tốt hơn vì đem một chữ tiếng lóng để đối lại chữ nghiêm chỉnh (ô-tô) thì nó hơi tréo ngoe.
    ...
    Dà, có tréo ngoe thiệt nhưng ở đây chắc là tại họ phải kiếm chữ cho có vần có vận với vế trước câu sau nên mới dùng xế hộp chứ nếu dùng xe hơi thì trùng thanh bằng với ô tô ở vế trước nghe không … bùi tai!
    Quote Originally Posted by Thùy Linh View Post
    Thời xe hơi mà gọi "xế hộp" chữ này ra đời trong giai đoạn cuộc sống rất khó khăn thôi, đoán là trong vòng 15 năm kể từ 1975 trở đi, tại vì ai có xe hơi không bị đánh tư sản cũng để trùm mền, hoặc dùng đón khách kiếm cơm. Còn như có "xế hộp" chỉ người có chức, có công mới được cấp xe, tài xế .
    Dân còn "xế nổ" là kha khá còn tiền đổ xăng á, xăng khan hiếm và mắc...
    À, cái tiếng lóng “xế hộp” này đã có từ trước 75 khá lâu rồi. Vào thời của tấm hình bên chỗ tìm bạn cũ thì đám học trò đó đã nghe và xài “xế hộp” lia chia rồi. Tui không rõ nguồn gốc và thời điểm chính xác lòi ra tiếng lóng này nhưng hồi nhỏ tui bắt đầu nghe chữ “xế” từ mấy ông ngồi trước thềm nhà người ta oánh cờ tướng gọi con “xe” là “xế”. Mấy ông ngồi oánh cờ tướng gần nhà tui ít có ông nào gọi “xa hay xe pháo mã” mà toàn gọi là “xế súng ngựa” thôi. Còn “hộp” là vì xe hơi hình như cái hộp chữ nhật, chui vào xe hơi giống như chui vào cái hộp có bánh xe nên mới gọi là “xế hộp”. Thời đó lại càng phải có tiền khá hơn nhiều mới chơi được “xế hộp”. Có những chiếc xe hơi còn đắt hơn giá căn nhà nhỏ cho nên khi nói tới ai đó mà đi xế hộp là ý nói là “dưng có tiền” á! Dưới một cấp là mấy chiếc xế Lambretta và Vespa rồi tới Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki, Bridgestone, Puch, Goebel, Sach… cho đến Honda PC, Cady, Mobilette, Vélo Solex, xe đạp, và cuối cùng là đi bằng… lô ca chân!

  7. #7
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    6,020
    Quote Originally Posted by Triển View Post

    Bài vè này nhiều chỗ sai lạc và đối không chuẩn lắm. Ví như đâu có người Nam nào dùng thành ngữ "cãi bai bải". "Chối bai bải" thì có. Nhưng cái ông tác giả bỏ công ra ngồi nhớ cũng là hay rồi, cho nên khi trách ông, thì người Nam trách sơ sơ, người Bắc trách phiên phiến thôi. Mỏng mỏng, nhè nhẹ thôi. hihihi Làm gì có vụ "lấy lệ" đối với "sơ sơ". Thật ra người Nam nói là "làm cho có". hihihi

    Vậy nhé. Công ông tác giả ngồi nhớ ra cũng là đáng khen rồi.
    Bắc thưa vâng, Nam nói dạ
    Dạ phải Thầy Năm, bài trên lắm chỗ chưa cân nghĩa, thí dụ như ...Bắc tập bơi -Nam đi lội ! phải nói là tập lội .
    Cảm ơn công tác giả ghi lại một danh sách dài.
    ~~
    Bữa nào chu'ng ta chơi quánh vè Lục Bát nói ngược chắc vui lắm

    Vè nói ngược (Ngồi buồn nói ngược mà chơi)
    Ngồi buồn nói ngược mà chơi
    Cua đinh nó liệng trên trời quá hay
    Trưa trưa bắt chó ra cày
    Trâu kia hực sủa, chuột dày ông voi
    Một lũ thầy bói đi coi
    Trưa trưa đốt đuốc mà soi ếch bà
    Con nít mà dắt bà già
    Chân đi lỏng khỏng té mà xuống ao
    Câu thì lấy đá làm phao
    Lưới kia đem bủa ào ào ngọn cây
    Con sấu liệng bay trên mây
    Rồng vàng trói ké nằm ngay dưới bè

    Thầy pháp tụng kinh rề rà
    Thầy chùa bắt chó ra hè mà ram
    Chuột xạ thấy thịt thì gầm
    Hùm thì bươi rác xóc dằm trong da

    Dưới sông tàu ngựa, chuồng dê
    Trên bờ lại thả câu rê, lưới mành
    Chẻ tre mà buộc manh manh
    Xe sợi chỉ mành cột cổ con nai
    Bùn kia đã cứng còn dai
    Thịt gà cồ nọ chưa nhai đã mềm

    Con vịt đá độ ăn tiền
    Gà trống mẹ hiền lặn lội nuôi con
    Đàn bà trang điểm kiếm chồng
    Con gái ở vậy dốc lòng thuỷ chung
    Bảy mươi, bảy mốt còn son
    Mười lăm mười sáu cháu con bộn bàng


    Do bà Trần Thị Gặp ở Bình Long (Bình Phước) và ông Thái Văn Huỳnh ở Tân Mỹ (Tân Uyên) đọc, Lê Giang và Lư Nhất Vũ ghi và biên soạn lại.
    Nguồn: Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương, Hội VHNT Bình Dương, 2002
    https://www.thivien.net/Khuy%E1%BA%B...6AWpdfILCsHCgA

    Last edited by Thùy Linh; 10-03-2023 at 08:15 PM.

  8. #8
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    6,020
    Quote Originally Posted by 008 View Post

    Dà, có tréo ngoe thiệt nhưng ở đây chắc là tại họ phải kiếm chữ cho có vần có vận với vế trước câu sau nên mới dùng xế hộp chứ nếu dùng xe hơi thì trùng thanh bằng với ô tô ở vế trước nghe không … bùi tai!
    À, cái tiếng lóng “xế hộp” này đã có từ trước 75 khá lâu rồi. Vào thời của tấm hình bên chỗ tìm bạn cũ thì đám học trò đó đã nghe và xài “xế hộp” lia chia rồi. Tui không rõ nguồn gốc và thời điểm chính xác lòi ra tiếng lóng này nhưng hồi nhỏ tui bắt đầu nghe chữ “xế” từ mấy ông ngồi trước thềm nhà người ta oánh cờ tướng gọi con “xe” là “xế”. Mấy ông ngồi oánh cờ tướng gần nhà tui ít có ông nào gọi “xa hay xe pháo mã” mà toàn gọi là “xế súng ngựa” thôi. Còn “hộp” là vì xe hơi hình như cái hộp chữ nhật, chui vào xe hơi giống như chui vào cái hộp có bánh xe nên mới gọi là “xế hộp”. Thời đó lại càng phải có tiền khá hơn nhiều mới chơi được “xế hộp”. Có những chiếc xe hơi còn đắt hơn giá căn nhà nhỏ cho nên khi nói tới ai đó mà đi xế hộp là ý nói là “dưng có tiền” á! Dưới một cấp là mấy chiếc xế Lambretta và Vespa rồi tới Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki, Bridgestone, Puch, Goebel, Sach… cho đến Honda PC, Cady, Mobilette, Vélo Solex, xe đạp, và cuối cùng là đi bằng… lô ca chân!
    Ô vậy hay sao Sư phụ ! từ khi đệ tử biết thì nghe "xế hộp" và xe gắn máy 2 bánh nổ là "xế nổ"
    Riêng xe có bụng bầu Vespa, Lambretta thì họ kiu Ves-ba, Lam-ret- ta .

    Đệ tử đọc tiểu thuyết của cụ Hồ Biểu Chánh xuất bản 1936, dân miền Nam đã gọi xe hơi .
    Nợ Đời
    Chương 1
    Nhà nước mới mở cái lộ quản-hạt cho xe-hơi chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Nhơn-dân ở dọc theo lộ nầy, thuở nay cứ xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn làm ruộng, phần nhiều chưa thấy những cơ xảo(#1) văn-minh phát hiện nơi thị-thành, bởi vậy hễ nghe tiếng xe-hơi chạy ồ-ồ trên lộ, thì công cấy công mạ đương loi-nhoi dưới ruộng đều xóng lưng xây mặt mà ngó, còn trong xóm trong làng thì con nít người lớn đều bỏ nhà chạy ra sân đứng mà coi.
    Một buổi trưa, trời ui-ui, gió mát-mẻ, có một cái xe-hơi ở phía dưới Mỹ Thuận chạy lên, qua khỏi chợ Cai-Lậy một đổi rồi rề-rề ngừng ngay cái xóm nhà dựa lộ, bên mé tay trái.
    Nhơn-dân trong xóm chạy túa ra đứng dài theo lề đường mà coi, đờn-ông có, đờn-bà có, bà-già có, con-nít có, song ai nấy đều đứng xa xa mà ngó chớ không dám lại gần, không hiểu tại họ sợ cái mầu-nhiệm của món cơ-xảo lạ lùng, hay là tại họ kiêng hơi oai nghiêm của người chủ xe sang trọng.
    Cái xe còn mới tinh nên kèn cản chói sang lòa, lại sơn màu lá cây sậm nên coi mặn-mòi đẹp-đẽ.
    Người sớp -phơ mở cửa xe leo xuống, mặc đồ tây trắng, mang giày tây trắng, đội kết cũng màu trắng, giơ tay ngoắt đám dân làng và kêu mà nói rằng:
    “Ê! mấy người lại đây đặng hỏi thăm một chút coi nào”.

    Bộ oai nghiêm, giọng cứng-cỏi, ai nấy tưởng hoặc quan lớn đi vãng dân vãng làng, hoặc đội quản đi kiếm bắt đạo-tặc, nên trơ mắt nhìn nhau, không dám bước lại. Người sớp-phơ kêu nữa rằng:
    “Ai đó, đi lại đây một người cho bà lớn hỏi thăm một chút; kêu sao đứng trơ trơ đó”.
    Ông cai-lân Cư, tuổi đã 64, mà sức còn mạnh-mẽ, tóc xợp-xạp, râu le-the, nhìn mặc một cái quần vải trắng cũ trổ màu luốc-luốc với một cái áo quảng-đông vải xiêm tay rộng, vai có vắt một cái khăn vằn sọc xanh sọc trắng, ông nghĩ mình có chức sắc lớn nhỏ chút đỉnh trong ấp, không lẽ không đởm-đương trong cơ hội nầy mà tỏ dấu trên trước trong xóm, bởi vậy ông nắm cái khăn vằn mà lau miệng, tằng-hắng một tiếng mà làm dạn-dĩ, rồi thủng-thẳng đi lại chỗ xe đậu. Mấy người đứng với ông, ngó thấy ông đi thì đi theo, có lẽ không nỡ để cho ông đi một mình, mà cũng có lẽ muốn coi cái xe hơi cho tường-tận, song kẻ nhát người dạn nên đi rải-rác sau xa.
    Ông Cai-lân đi gần tới thì người sớp-phơ nạt rằng: “Dữ hôn! Kêu lại hỏi một chút, mà làm bộ đứng đẳng! Ông ở đây có làm chức gì hay không?”
    Ông bị rầy, liền chấp tay khum lưng mà xá và đáp rằng: “Thưa, tôi làm chức Cai-lân”.
    Người sớp-phơ thấy ông lóm-khóm sợ-sệt thì tức cười nên đổi giọng nói dịu rằng: “À, ông làm Cai-lân! Ông đi riết lại gần đây cho bà lớn hỏi thăm một chút, ông Cai-lân”.
    Ông Cai-lân lại tới, thấy trên xe có ba đứa nhỏ với một bà đầu choàng khăn màu trứng gà, mình mặc áo màu xám tro. Ông nghe nói “bà lớn” thì sợ, nên vừa thấy thì rúc cái khăn vằn vắt vai, vò tròn trong tay mà xá.
    ....
    Hồ Biểu Chánh

    Last edited by Thùy Linh; 10-03-2023 at 08:20 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Tạm biệt, dactrung.com
    By Ryson in forum Thông Báo
    Replies: 27
    Last Post: 02-11-2019, 01:44 AM
  2. Khác biệt giữa stroke và heart attack
    By thuykhanh in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 11
    Last Post: 12-09-2016, 06:47 PM
  3. Vĩnh biệt 'Anh'...
    By Triển in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 0
    Last Post: 08-28-2015, 10:38 PM
  4. Replies: 0
    Last Post: 12-20-2014, 11:38 AM
  5. Khác biệt cơ bản giữa Windows 32-bit và 64-bit
    By ngocdam66 in forum Học Hỏi - Hỏi Ðáp Vi Tính
    Replies: 2
    Last Post: 10-25-2011, 08:52 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:53 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh