Register
Page 1 of 5 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 50
  1. #1
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625

    Truyện ngắn -Truyện rất ngắn ( nhiều tác giả )

    Hoa Ve Chai

    Những người mới quen biết thường nghĩ Tạo bông đùa, khi trả lời về nghề nghiệp mình làm.
    Nhưng Tạo nói hết sức chân tình, rằng mình là người sống bằng nghề buôn bán Ve Chai trên đất Mỹ

    Nhắc đến hai chữ Ve Chai, người Việt thường liên tưởng đến hình ảnh những “chú ba” quảy đôi quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, rao tìm mua hầm bà lằng, nào nồi niêu xoong chảo hư lủng móp méo, đến cả ve chai lông vịt..

    Nhiều người còn đi xa hơn, liên tưởng đến chú Hỏa ngày xưa, từ bên nước “Đàn anh Trung Quốc mang dòng máu bành trướng” xuôi nam khởi nghiệp tại Việt Nam bằng gánh ve chai, dần dần “Tiến Nhanh Tiến Mạnh Tiến Vững Chắc” lên thành một trong những người giàu có nhất nhì nước Nam, với biết bao cơ ngơi để lại cho đến ngày hôm nay.
    Như một định mệnh, Tạo bước vào nghề Ve Chai hết sức tình cờ.
    Hơn một năm sau ngày định cư tại San Diego, một thành phố cực nam bang California Hoa Kỳ, Tạo bắt được cái “job” tương đối thơm tho trong hãng sản xuất cơ phận cho ngành hàng không và không gian.
    Công việc ấy đem đến cho gia đình Tạo một cuộc sống thật an nhàn thảnh thơi.

    Nhưng đời mấy ai học được chữ ngờ, cuộc sống đang phẳng lặng đột nhiên nổi sóng. Khi nước Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế.
    Dù với gần 15 năm gắn bó với hãng, Tạo vẫn bị cho nghỉ việc (laid off). Hay tin dữ, một anh bạn chia sẻ niềm đau hơn bị bò đá bằng câu phán:
    - Thời buổi kinh tế lụn bại, còn đi làm mới là chuyện lạ đời, bị cho nghỉ là việc bình thường. Phải sống sao cho giống mọi người chứ!
    Lời nói chơi tuy hơi nghịch nhĩ, nhưng ngẫm nghĩ lại nó diễn tả hết sức trung thực nếp sống người dân Mỹ.

    Để làm rõ nghĩa hơn lời bạn, Tạo thêm mắm thêm muối vào rồi đưa ra thêm một lý sự cùn, góp phần làm phong phú thêm cho nền “Văn Hóa Việt Mỹ” của tân thiên niên kỷ thứ ba:
    - Những ai không ăn hamburger, không biết thưởng thức football, không từng lãnh giấy laid off. Được xem chưa từng sống ở Mỹ.
    Nghĩ được vậy, nên nỗi buồn mất việc của Tạo cũng vơi bớt đôi phần.
    Thế rồi Tạo rút hầu bao, lấy tiền ki cóp từ bấy lâu, đem hùn hạp mở một garage sửa xe hơi.
    Hai người chung vốn cùng Tạo đều có tay nghề giỏi, garage lại nằm nơi thị tứ đông dân cư, nên khách hàng lúc nào cũng tấp nập.

    Nhìn thoáng qua bề ngoài, mọi đều tưởng chủ nhân đang gặp thời và sắp giàu to. Nhưng thấy vậy chứ không phải vậy.
    Vì yếu kém trong việc quản trị, nên tháng nào cũng lo tiền trả lương thợ, tiền mua hàng thiếu chịu... muốn ná thở, không phải bù lỗ là may lắm rồi.

    Nhưng nhờ garage sửa xe này mà Tạo học được nhiều kinh nghiệm quý giá để dấn bước vào thương trường.
    Toàn, một ông bạn dáng người phốp pháp gốc gác “chú ba”, nên Tạo đặTạo có người bạn rất thân tên Minh, xông pha thương trường ngay từ những ngày đầu đến Mỹ, nhờ vậy nội công hết sức thâm hậu.
    Minh là nơi Tạo thường đến trút gánh ưu phiền khó khăn của tiệm sửa xe, để được nghe lời mách nước miễn phí.

    Trong thời kỳ nhà cửa đất đai lên giá vù vù, Minh tậu được một khu đất khá rộng, dự tính mở một cơ sở kinh doanh nho nhỏ.

    Nhưng miếng đất cứ nằm phơi sương phơi nắng mãi, vì không một dự án xây cất nào trình lên được thành phố chấp thuận.

    Cuối cùng có một người Mỹ gốc Ả Rập đến hỏi thuê đất mở Recycling với một giá rẻ mạt. Minh cắn răng ký giấy cho thuê để nhẹ bớt tiền trả lãi hàng tháng cho ngân hàng.

    Nghĩ đến bạn, không mấy thích hợp trong nghề sửa xe, Minh muốn giúp Tạo mở lại Recycling trên mảnh đất ấy.
    Tạo đâu biết chi về nghề nghiệp này, nhưng nếu đưa chú Thoòng vào thì không còn nhân tuyển nào thích hợp hơn.
    Trong thời kỳ huy hoàng chú từng làm chủ cây xăng, nên có nhiều “kinh nghiệm chiến trường”.


    Khi Tạo ngỏ lời mời chú Thoòng hợp tác làm ăn chung, chú mừng hết lớn. Thế là Tạo có ngay người cộng tác.
    Nghĩ ngợi mãi không biết Việt hóa chữ Recycling thế nào, nên một hôm gặp ông bạn chủ báo đến sửa xe. Tạo lợi dụng ngay.
    - Ông chủ báo ơi! ông chữ nghĩa đầy mình, xin làm phước “chuyển âm” giùm chữ Recycling, vì tôi sắp nhảy vào nghề này.
    Ngẫm nghĩ một lúc ông bảo:
    - Tái biến chế.
    - Tiếng gì mà sao nghe giống họ hàng của Tái Côn Lôn trong Nhục Bồ Đoàn vậy cha nội!
    Lại toàn chữ Hán Việt, xin làm phúc tìm giùm chữ nào dễ dễ hơn một tý đi ông.
    Tạo và ông vò đầu vỗ trán, nhưng vẫn không thấy chữ nào thích hợp. Đột nhiên một chữ chợt xuất hiện chạy vụt qua đầu. Tạo chớp ngay rồi đề nghị cùng ông nhà báo.
    - Hay là đặt “Ve Chai Lông Vịt” đi, ông nghĩ sao?
    Ông nhà báo ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo Tạo:
    - Nhưng bên này có ai bán lông vịt đâu mà mua, nên dùng chữ Ve Chai thôi, ông nghĩ có được không?

    Tạo và ông nhà báo “nhất trí” chọn hai chữ Ve Chai. Thế là Tạo và chú Thoòng trở thành đồng chủ vựa Ve Chai từ đó.
    Ở Mỹ, mọi tên riêng, như tên tiệm, tên người, đọc xong bao giờ cũng phải đánh vần thì người nghe mới viết đúng.

    Nên chú Thoòng và Tạo phải nghĩ tới nghĩ lui để chọn một cái tên cho vựa. Cuối cùng vựa mang tên ABC, với tên này không còn ai bắt đánh vần tên vựa nữa vì đã đánh vần nó trước khi được hỏi.
    Thời gian qua thật mau, mới ngày nào mà nay vựa Ve Chai đã hơn bảy tuổi. Hôm nay Tạo ghi ra đây một vài niềm vui nỗi buồn sinh ra từ đống ve chai, đồng thau sắt vụn ấy.
    Một hôm nhìn đoàn xe đẩy của chợ (shopping cart) hùng dũng tiến vào vựa Ve Chai. Tạo nổi hứng phong cho chú Thoòng làm bang chủ Cái Bang đời thứ 101.

    Nếu đem Hồng Thất Công, một bang chủ giỏi nhất trong lịch sử võ hiệp Cái Bang mà so với chú Thoòng đương kim bang chủ, thì chú Thoòng giỏi hơn rất nhiều.

    Đệ tử dưới trướng Hồng Thất Công trước đây chỉ rặt một nòi Hán tộc.

    Đến đời Thoòng Bang Chủ đã thâu thêm nào Mễ tộc, Phi tộc, Hàn tộc, Bạch mao tộc, Hồng mao tộc, Hắc mao tộc...nói chung mọi chủng tộc từ khắp năm châu bốn biển đều về quy phục dưới trướng.
    t cho biệt danh “chú Thoòng”.

    Chú Thoòng nhìn thấy sự “phồn vinh giả tạo” của tiệm sửa xe, đâm ra khâm phục tài Tạo.

    Hàng ngày chú Thoòng mon men tới tiệm, dọ ý xem Tạo có việc gì cho chú hùn hạp làm ăn chung. Chú rảnh rỗi vì thuộc thành phần lãnh lương theo diện “bảy nghề”, xe cộ nhà cửa đang được nhà băng chiếu cố.
    Nghe chú thở vắn than dài, Tạo chẳng biết nói gì hơn là cho chú liều thuốc “cố gắng” để uống, hầu đủ sức nín thở qua sông mà sống cho hết thời buổi kinh tế khó khăn này.
    Đời Hồng Thất Công, cao trọng nhất sau bang chủ là hạng đệ tử tám túi.
    Đệ tử tám túi ngày xưa thì làm sao so với hạng đệ tử mang hàng chục bao rác thật lớn được treo lủng lẳng chung quanh các xe chợ, mà hàng ngày bang chúng đẩy đến cung phụng cho Thoòng bang chủ.

    Nói bá láp một chút cho vui, chớ làm nghề buôn bán Ve Chai này, hàng ngày tiếp xúc với khoảng 5% khách hàng thuộc thành phần vô gia cư (homeless).
    Nhìn cách họ sống khiến Tạo không khỏi bùi ngùi xúc động.

    Năm ba đồng, một hai chục bạc bán được từ những lon nhôm, lon nhựa, chai lọ... mà họ nhặt được trên đường hay moi ra từ những thùng rác, chỉ đủ lo miếng ăn.
    Đêm xuống, họ chọn mái hiên nhà thờ, hay dưới tàng cây làm nơi ngủ. Vì vậy nơi rửa tay cho khách của vựa Ve Chai biến thành chỗ tắm giặt cho những kẻ khốn cùng này.
    Người Việt mình, Tạo chưa thấy một ai nằm trong thành phần vô gia cư.
    Trong ngày đông khách bận rộn, con cái trong nhà thường ra vựa phụ giúp Tạo.

    Trong bữa ăn từ biệt cha mẹ để qua New York học, Việt đứa con trai út, chia sẻ với bố mẹ về nguyên nhân khiến Việt ghi tên học ngành Nha Khoa.
    - Những ngày phụ giúp bố mẹ ở vựa Ve Chai, nhìn người vô gia cư cười, răng cỏ họ đều “vàng úa trống vắng”.
    Con hy vọng mai kia trở thành Nha sĩ biết đâu con giữ lại cho họ vài cái răng để nhai Pizza hay Hot dog, và nhất là nụ cười tươi tắn trên môi.
    Tạo chúc mộng ước của con sớm thành hiện thực, để Việt thay gia đình đền trả phần nào cái ơn quá to lớn của đất nước và dân tộc này ban cho gia đình Tạo.
    Ngoài những nụ cười vàng úa trống vắng, Việt còn thấy được những đôi tay đầy cáu bẩn sung sướng đếm đi đếm lại từng đồng Penny, từng đồng Dime, từng đồng quarter.
    ..Đôi tay họ cáu bẩn, nhưng đồng tiền họ cầm thật sạch, đồng tiền được tạo ra bằng chính sự khổ cực của mình.

    Có dịp nói chuyện với khách, Tạo biết được không phải chỉ quê hương Việt Nam mình mới gánh chịu nhiều khổ đau.
    Mà dường như bất cứ một sắc dân nào, đến lập lại cuộc đời nơi miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc này, đều mang chung một nỗi ưu tư là “Kẻ Ra Đi Lo Cho Người Ở Lại”.
    Tạo không tránh khỏi chạnh lòng khi nghe được tâm tư sâu kín của mỗi người khách mang hàng đến bán cho vựa.
    Một ông khách đã ngoài 70 người Ethiopia, sống đơn độc trong căn chung cư nghèo cách vựa không xa.


    Tiền già chính phủ trợ cấp chỉ đủ nuôi thân, nên hàng ngày đi lượm ve chai kiếm tiền gởi về quê lo cho gia đình vợ con làng nước.
    Ông là khách thường nhật của vựa, thu nhập mỗi ngày khoảng 25 đồng.
    Bẵng đi một thời gian không thấy ông lui tới. Hỏi thăm mới hay, trong lúc đẩy xe chợ đi lượm ve chai, xe bị trượt bánh trên đường dốc.
    Sức xe quá nặng, sức già yếu đuối, kéo ông ngã lăn theo xe, đầu va vào lề đường làm ông bị nứt sọ.
    Ông phải nằm nhà thương cả tháng trời. Ngày ông quay lại vựa, Tạo không nhận ra vì ông quá tiều tụy ốm yếu.
    Chiếc xe chợ của ông từ nay và những ngày sắp tới sẽ chẳng bao giờ còn được đầy tràn như xưa.
    Không biết nơi quê nhà vợ con có hay biết mà thương tâm cho hoàn cảnh ông không?


    Nhưng Tạo biết chắc một điều, món tiền ông gởi về gia đình hàng tháng sẽ còm cõi đi, biết đâu ông lại nhận được đôi lời trách là quên cội quên nguồn.
    Để mừng ông sống lại, vợ chồng Tạo mời ông dùng cơm tối, rồi xin được kết bạn cùng ông.

    Lẽ sống của ông là tạo niềm vui cho người khác, đời của ông đã cho gia đình Tạo một bài học quý giá về ban phát tình thương và sống cho tha nhân.
    Tạo có anh công nhân trẻ, người gốc Mễ Tây Cơ, không nói được một câu tiếng Anh, nhưng làm việc hết sức siêng năng cần mẫn.
    Lương ve chai nào được là bao, lo cho mình chưa đủ huống chi còn cả một dòng họ nơi quê nhà.
    Có công ăn việc làm, nhưng anh cũng trở thành kẻ vô gia cư, vì làm được đồng nào anh gởi hết về quê.
    Nơi anh ngủ là lòng chiếc xe van mà một người quen thương tình cho sử dụng tạm.

    Ăn thì bữa cái Taco, bữa cái Borritto, ngon lắm được bữa Pizza trong những ngày đông khách chủ cho thêm tí tiền “bồi dưỡng”.

    Còn nước uống và tắm rửa thì ra cái vòi phía sau vựa Ve Chai. Một ngày có tin cảnh sát tìm anh.


    Thì ra, vì nhu cầu nơi quê nhà quá lớn, lương anh dù đã gởi về gần hết, gia đình vẫn than túng thiếu. Muốn có tiền nhiều và nhanh, anh lạc vào đường bán ma túy.
    Hay tin cảnh sát truy lùng, sợ hãi, anh trốn về Mễ.
    Tạo mất đi một người thợ tốt, nhưng không biết giờ này cuộc sống anh công nhân trẻ ra sao?
    Còn với khách Việt, Tạo cùng chú Thoòng có được nhiều tình thân qua chuyện buôn bán, càng dễ chia sẻ hơn bởi tình đồng hương và cùng chung ngôn ngữ.
    Nhờ vậy Tạo thấu hiểu được nhiều nỗi thương cảm, xót xa, cao thượng... chung quanh vựa ve chai này.
    Có mấy ai nơi quê nhà biết được người thân mình sống ở Mỹ, phải đi moi thùng rác, để tìm từng xu từng cắc.
    Ăn uống dè sẻn, ở nhờ ở đậu trong garare...để có bạc trăm bạc nghìn gởi về lo cho bà con hay cứu trợ đồng bào thiên tai, nghèo khổ bên nhà.



    Trong đống ve chai, trong đám đồng thau phế thải...đã nở lên trăm ngàn đóa hoa muôn sắc về tình ruột thịt nghĩa đồng bào, làm át đi mùi tanh tưởi của phế liệu.
    Tạo bắt chước nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đặt cho loài hoa ấy cái tên Hoa Ve Chai.

    Loài Hoa Ve Chai này không may mắn như Hoa Trinh Nữ được quân vương sủng ái, không lên ngôi hoàng hậu, nhưng thắm đượm tình người, tình yêu thương đồng bào dân tộc.
    Với khả năng hạn hẹp, Tạo không đủ sức diễn tả hết những thắm tươi, cao đẹp của loài hoa mà Tạo ngắm nghía suốt bảy năm nay.
    Tạo ngắt một cành Hoa Ve Chai trong hàng trăm đóa hoa nở rộ, gởi đến người bạn, một linh mục khả kính trong ngày đầu xuân

    .Kính gởi Linh mục Trần Thanh Tùng


    Kính thưa Cha.

    Rất cảm động khi nhận được điện thoại chúc Tết của cha từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Một lần nữa, con cầu xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân xuống cho cha trong năm mới này.
    Từ nay có thêm được phương tiện liên lạc e-mail hiện đại, sẽ giúp chúng ta kết chặt tình thân, rồi từ đó chia sẻ vui buồn việc Chúa cũng như việc đời trong thời gian sống xa quê hương.
    Riêng con hằng mong chúng ta làm được đôi điều để vinh danh Chúa, để trợ giúp người dân Việt nghèo khổ có cơ hội vươn lên.

    Qua lá thư này, con xin kể hầu cha một câu chuyện, cũng tương tự như chuyện con kể lúc hai ta dạo dọc bãi biển bên khách sạn Coronado Del, một khách sạn to lớn và sang trọng nhất của thành phố San Diego này.
    Thưa cha! Vài tuần sau ngày cha rời San Diego, vợ chồng con có dịp trở lại dự Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Tâm nằm trên đường số 42 thuộc khu Đông San Diego.



    Từ chỗ con ngồi, nhìn lên trên vài hàng ghế, con thấy một người đàn bà đứng tuổi phúc hậu gọn ghẽ trong chiếc áo dài màu xanh nhạt, nhìn gương mặt hơi quen quen, nghĩ một lúc con mới nhớ ra đó chính là bà Phong, bà chủ nhà đãi cơm trưa chúng mình trong lần đầu tiên cha đặt chân đến San Diego.
    Cạnh bên bà, một người đàn ông tóc hoa râm, có lẽ là chồng bà Phong.
    Ông quạt luôn tay cho vợ, như cố xua đi cái nóng buổi trưa hè.
    Thánh lễ xong, mặt đối mặt con mới nhận ra ông ta cũng là chỗ quen biết. Sở dĩ con không nhận ra ngay, vì hôm ấy ông mặc quần áo tươm tất gọn ghẽ, khác xa những lần con thường gặp.
    Thưa cha, ông Phong chính là người khách thường nhật của vựa Ve chai do con làm chủ.
    Hàng ngày cầm trao ông đôi ba chục bạc, tiền công cả một ngày lao động, con cảm nhận được sự cần cù, nhẫn nại, chịu dựng cực nhọc trên con người ấy.

    Lúc vắng khách, anh em con cũng nói đôi ba câu chuyện về quê hương về giáo hội khi biết ông cùng là người Công giáo.
    Con thường ân cần tiếp đón ông, đôi lúc giúp ông phân loại những phế liệu nhặt được, để tránh cho ông những mặc cảm.
    Khi nhận ra ông là ai, thì hình ảnh ba trăm đồng bạc mà bà Phong gom góp trong gia đình, cầm trao cha để nhờ chuyển về quê nhà đóng góp xây dựng việc Chúa, con thấy nó cao cả và quý hóa quá.
    Làm thế nào để những người thụ hưởng món tiền ấy thấu hiểu hết được ý nghĩa của nó?

    Làm thế nào để cân đo được sự nặng nhẹ của đồng tiền?
    Trong khi phần đông chỉ chú tâm vào những con số không hồn!
    Nhìn những người về thăm quê hương, đem tiền bạc giúp đỡ họ hàng thân tộc, bạn bè hay những việc xã hội, tôn giáo.
    Ai cũng nghĩ rằng tiền bạc bên trời Tây rất dễ kiếm.
    Nhưng mấy ai hiểu được rằng, để có đồng tiền ấy, cả vợ chồng lẫn con cái phải ngồi thật nhiều giờ bên bàn máy may gia công, phải giũa hàng vạn bàn tay, phải lau chùi hàng ngàn bàn chân cho khách...

    Hoặc như ông Phong kia, mỗi sáng phải thức giấc từ lúc tinh mơ, moi móc từng thùng rác để nhặt ra từng cái lon cái chai mang bán kiếm sống qua ngày và gởi về giúp bà con thân thương từ ngàn dặm xa xôi.

    Thưa cha, đó là câu chuyện nối tiếp chuyến thăm viếng San Diego của cha, mà con xin được kính gởi đến cha.
    Cách đây mấy năm, nhân dịp về thăm quê, một ông bạn già nhờ Tạo vào Văn Miếu Hà Nội tìm giúp tên tổ tiên ông đỗ đạt được ghi danh vào bia đá.
    Nghĩ lại phận mình, tổ tiên không một ai đỗ đạt cao để lưu danh muôn thủa.
    Đến đời mình tuy được làm Việt Kiều Mỹ, trông có vẻ thơm to, nhưng gắn thêm tý nghề nghiệp vào thành Việt Kiều Ve Chai chắc không khỏi báng mùi. Mùi vị tủi thân ấy đã bay đi hết từ ngày
    Tạo thấy được loài Hoa Ve Chai nở đẹp.
    Làm bất cứ ngành nghề nào, chắc cũng không khác chi với nghề vun phân tưới nước.

    Cây cối nẩy sinh hoa trái ngoài vườn, thì trong lòng người gieo trồng cũng ngập tràn hoa trái.
    Hiểu ra điều này, Tạo cùng chú Thoòng càng yêu thương và hãnh diện với nghề nghiệp mình đang làm.
    Cả hai chăm lo vun phân tưới nước cho vườn hoa chung trong vựa ve chai và vườn hoa riêng trong gia đình mỗi người.

    Sapy Nguyễn văn Hưởng

  2. #2
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    QUÁN BÊN ĐƯỜNG

    Đĩa bò khô suốt mấy chục năm nay, tôi vẫn chưa tìm được đĩa bò khô như ở cửa trường hồi còn đi học.
    Phải là chiếc xe nhỏ với những cửa kính, bên trong là đu đủ bào, một bên là những miếng thịt, những miếng gan cháy đen nâu, những lá ngò, lá húng.
    Phải là những chiếc đĩa nhôm, ống đũa, những chai tương ớt, xì dầu, và một chiếc thùng sắt tây đựng nước để rửa đĩa, đũa cùng chiếc khăn - không biết nguyên thủy màu gì - máng bên cạnh thùng nước.
    Nhớ lại những đĩa thịt bò khô thời trung học, thời còn ở Sài Gòn ở cổng trường, ở những gốc cây me gần hải quân công xưởng, ở đường Pasteur mà thú vị.

    Nhớ những chiếc đĩa nhôm sau khi ông chủ xe bò khô gạt bỏ những sợi đu đủ dính nước tương đen, tương ớt của người khách trước,
    và nhúng qua vào thùng nước - thùng nước nâu đen, ông lau qua bằng chiếc khăn lông biết có bao giờ được giặt không?
    Chồng dĩa nhôm ấy đặt bên cạnh xe , sao đó ông lấy dĩa đặt lên mặt xe, bốc đu đủ bào xếp lên, lấy thịt, gan bỏ vào, ít ngò húng, rồi hai tay một tay chai dấm, một tay chai tương đen xịt vào,
    thêm chút ớt, hai ba củ tỏi nhỏ lấy ra từ trong chai bằng cách dốc ngược chai tỏi ngâm dấm lên, tỏi nặng chìm xuống cổ chai, hé mở lòng bàn tay đang bịt miệng chai lại, đúng hai củ tỏi ọc ra đĩa.
    Đôi đũa lấy từ ống đũa lùa nhanh đĩa bò khô, kêu thêm hai ba đĩa nữa rồi mới về.
    Đó là những buổi chiều tuyệt đẹp....

    .Không ai nhớ tới thùng nước rửa những chiếc đĩa nhôm.
    Cũng không ai nhớ tới cái khăn lông khủng khiếp màu nâu đen và những đôi đũa tre ngâm tương đen, tương ớt trong suốt bao nhiêu tháng trời, lưu giữ bao nhiêu nước bọt của các khách trước chúng ta

    Mà cũng không ai nhớ đến những bàn tay bào đu đủ rồi làm đủ mọi chuyện vệ sinh khác trên vỉa hè, lê những bụi bặm khô rang của Sài Gòn.
    Cũng không ai biết những tảng thịt bò được phơi như thế nào, được những thứ sâu bọ, ruồi nhặng nào tới thăm viếng,
    và để lại những thứ kỷ niệm nào trước khi được quăng vào chiếc xe đẩy vào Sài Gòn bán cho những người khách thanh lịch (?) hồi ấy.
    Tuy thú vị và xen lẫn tâm lý rùng mình.nhưng chúng ta vẫn sống, vẫn khỏe mạnh chẳng sao từ đó tới nay ba, bốn chục năm.
    Những thùng nước rửa chén bát, những chiếc khăn lông, những đôi đũa tre chẳng làm gì được chúng ta.
    Rùng mình và thú vị. Hay thế giới mấy chục năm trước hiền lành hơn thế giới ngày nay của chúng ta?

    Có bao giờ nghe bò điên, cúm gà?
    Có bao giờ nghe vi khuẩn E-Coli?
    Có bao giờ nghe những SARS, những AIDS?Càng nghĩ, càng nhớ thế giới hiền lành ngày trước..

    Bùi Bảo Trúc

  3. #3
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    Sài Gòn Trong Trái Tim Tôi


    Xin trả cho tôi nắng Sài gòn,
    Thênh thang đường phố lụa hà đông.
    Xin trả cho tôi mưa ngày ấy,
    Và trả cho tôi cả cuộc tình.

    Hoàng Lan Chi



    ...Ðúng vậy, có lẽ tôi là người đi sớm, quá sớm, nên phải đứng dầm mưa tầm tã suốt ba ngày ướt nhẹp!
    Nhưng tôi biết, tôi đứng dưới mưa vì thích thế, chứ chưa chắc là tôi cần em đến!?
    Nói về hẻm thì kể mãi tới chiều cũng không hết.

    Có những con hẻm trong chợ Bàn Cờ gần cuối đường Phan Ðình Phùng thông ra hông chợ ở đường Nguyễn Thiện Thuật.
    Lại còn khu Vườn Bà Lớn trước Tết Mậu Thân, trong Tết bị chiến tranh cháy rụi, về sau xây lại thành khu chung cư Nguyễn thiện Thuật,
    tiếp giáp với đường Phan thanh Giản, đầu đường có trạm xăng và Viện Bài Lao, gần đó là nhà của nữ tài tử cải lương Lệ Thủy.

    Trước Tết Mậu Thân năm 68, tôi có lần vào Vườn Bà Lớn mướn xe đạp đi chơi, bị mưa phải dắt xe đi bộ nước ngập đến đầu gối, vừa đi vừa khóc vì lạc trong ma trận đầy dẫy những con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo không tìm được lối ra.

    Sau phải nhờ con nhỏ thua mình đến mấy tuổi dẫn đường mới biết ngõ ra .

    Cũng lạ, nghĩ lại sao hồi đó người cho mướn xe không sợ, mà người mướn là tôi cứ sợ không tìm được nhà người cho mướn để trả xe!
    Lại còn những con hẻm trong khu trường tiểu học Phan Ðình Phùng, gần chùa Kỳ Viên Tự ở góc đường Phan Ðình Phùng và Bàn cờ. Sát bên là trường tiểu học tư thục Bình Dân Học Hội và chùa Phước Hòa .

    Trong khu này có những con hẻm thông ra Hồng Thập Tự, có những "hẻm hầm", đi như đi trong hầm bên dưới núi, thông ra nhà thờ Ðức Bà hay gì đó (không phải là Nhà thờ Ðức Bà hay Vương Cung Thánh Ðường gần Bưu Ðiện).

    Những đường hẻm này dẫn ra đến công viên đường Hồng Thập Tự và công viên "Ðại Hàn" đối diện trường Petrus Ký, gần bùng binh góc đường Lý Thái Tổ và Hồng thập Tự.

    Nằm gần đó trên con đường nhỏ ăn thông từ Nguyễn thiện Thuật ra Lý thái Tổ là tiệm cà phê Năm Dưỡng, đối diện tiệm cà phê trong một con hẻm nhỏ là nhà của nghệ sĩ Hùng Cường.
    Có lần đi ngang cà phê Năm Dưỡng, tôi được thấy Hùng Cường tướng thật đẹp trai từ trong nhà đi ra, cả khu phố nhìn theo với ánh mắt trìu mến và ngưỡng mộ.
    Những con hẻm này cũng là khu tôi từng mài đũng quần những năm tiểu học, buổi sáng học trường Phan Ðình Phùng, buổi trưa học thêm trường Cô Hạnh.
    Nhiều buổi tối rủ nhau ra công viên bắt dế cơm, dế trống, gặp mấy đứa lạ đến làm quen rủ chơi năm mười tôi tự xưng tên Vũ, tới khi nó gọi tên cũng không nhớ là nó gọi mình.

    Không hiểu sao nó lại nhớ tên, trong khi chính mình cũng không nhớ. Nhưng mãi đến giờ mấy chục năm sau tôi vẫn còn dùng tên này làm bút hiệu .
    Những con hẻm nhỏ thân thương của Sài Gòn, tôi nghĩ một ngày nào đó có lẽ cũng không còn, theo đà tiến bộ của hệ thống giao thông và phát triển đô thị .
    Nhưng tôi mong rằng chúng sẽ không thay đổi. Thật ra, đối với tôi, chúng không bao giờ thay đổi .

    Ở Mỹ hơn hai mươi năm, nhiều khi tôi vẫn cảm thấy mình như người khách lạ.

    Nhưng sau hai mươi năm trở về khu xóm cũ, những người quen vẫn tay bắt mặt mừng, những con hẻm thân thương vẫn hân hoan chào đón.
    Tôi chợt hiểu ra! Ðường xá dù thay tên đổi họ, những con hẻm và lối đi quen thuộc vẫn mãi mãi thuộc về tôi. Thành phố vẫn thuộc về Lệ Thủy, Hùng Cường.
    Nó mãi mãi vẫn là nắng Sài Gòn anh đi chợt mát của Nguyên Sa, vẫn là khu phố quen thuộc với các vũ trường ăn chơi nhảy nhót của Nguyễn Ðình Thiều.

    Vẫn là thành phố vang vọng tiếng hát cải lương của Thanh Nga, Bạch Tuyết và gánh Dạ Lý Hương. Những con hẻm nhỏ vẫn mãi mãi là của Mai, của Lèo, của Hoàng và của tôi.
    Nhà cửa dù xây lên, đập xuống, khu phố dù kẻ đi người ở, vẫn mang một linh hồn thủy chung không thay đổi.
    Cô gái Sài Gòn vẫn là người chinh phụ đi sau một bước, suốt hơn hai mươi năm vẫn ngày ngày tựa cửa đợi chồng .

    Những người mới dù vào Sài gòn hơn hai mươi năm vẫn là khách lạ, sống cô đơn trong những khu phố đầy người tôi quen, những khu xóm quen thuộc mà tôi rành từng cành cây, khúc quẹo.
    Những con hẻm nhỏ ôm ấp nhiều kỷ niệm vẫn vui mừng chào đón tôi về.

    Những con hẻm thân thương đã cho tôi sự giao thông cực kỳ tiện lợi và ấm cúng, những đường đi lắt léo trong những ngõ ngách tế nhị của cuộc đời.
    Chúng vẫn mãi mãi thuộc về tôi!

    t/g Vũ

  4. #4
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    A​nh chồng... bô lê rô

    Người ta thì rượu vào lời ra. Anh khác, hễ rượu vào là hát, bất kể “nhạc cụ” nhiều khi chỉ là… đôi đũa và cái nắp xoong.
    Tâm hồn… ẩm ướt

    Mê dòng nhạc bô lê rô chậm buồn, anh nói gì cũng có vài ca từ lâm ly sướt mướt. Có người cho là anh “sến chảy nước”
    Anh nói mấy ông hát nhạc “trình độ” chắc gì vợ hiểu.
    Tui quê mùa, lấy nhạc sến làm bạn tâm tình.
    Vui miệng, chỉ cần tui hát vu vơ là vợ gỡ cây đàn ghi ta trên vách xuống, nâng ngang mày, nói “làm” mấy bản đi anh.
    Rồi anh khoe: nhờ “sến chảy nước” mà tui nẫng được một em xinh đẹp làm vợ.
    Hồi đó, tán nàng tháng trước, tháng sau tui đã “hái hoa cà làm quà cưới cô dâu” rồi.
    Với tui, chỉ có thể là… bô lê rô.
    Anh em “xác minh” chuyện này, chị cười tít mắt, nói đúng chớ sao hông.
    Ổng tán dẻo lắm. Lần nào gặp tui ổng cũng hát Tết này anh không thèm đốt pháo vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi.

    Tui gánh nước giếng làng, ngồi nghỉ dưới bóng cây xoan trước ngõ nhà ổng, ổng lật đật xách cây đờn tróc ôm mình về quê, anh đập vai hỏi chú mày “lê gót phong trần” lâu vậy?
    Rồi anh kéo mình về nhà, gọi mấy người bạn nữa gầy cuộc nhậu.
    Dù anh em thỉnh thoảng vẫn gặp nhau anh vẫn nói “mười năm tái ngộ”, bữa nay phải uống cho tới “đêm tàn bến Ngự”, đừng có mấy ly đã vội “hành trang giã từ” là không được đâu nghen.

    Rượu vào đến ngưỡng, chị lấy đờn đưa anh.
    Anh chơi đờn dở lắm, mỗi bài chỉ đổi hai gam, có khi một gam chủ thôi mà cũng bày đặt vuốt lên vuốt xuống cái cần đờn trông rất điệu đà.

    Nhưng anh hát thì khỏi chê, ngọt thanh như đường phèn:"
    Ngày xửa ngày xưa đôi ta chung nón đôi ta chung đường..." tà ra rách chách bùm…
    Bạn bè khen chừng nào anh hát hay chừng nấy.

    Chị ngước nhìn anh ngưỡng mộ, anh xúc động, tiếng hát càng thăng hoa.
    Cao hứng mạnh tay, ghi ta đứt dây, anh thả đờn cầm đũa gõ nắp xoong queng queng, hát xong câu lại “tà ra rách chách bùm” rất nhuyễn.

    Khuya, anh em đề nghị nghỉ, anh nói ờ, “trăng tàn trên hè phố” rồi, mình “tạ từ trong đêm” thôi.
    Trên “
    lối về đất mẹ”, phải “giữ trọn tình quê” nghen. Mình nói tâm hồn anh… ẩm ướt quá.
    Anh cười, nói phải ướt chút chút để làm dịu bớt cái sa mạc cuộc đời này chớ.

    Sui gia đồng điệu
    Trong những tiệc vui tại nhà, anh thường đưa cả “hệ thống gia đình” vào… nhạc.
    Mỗi người hát một bài.
    Cả xóm đều khen nhà anh tuy không giàu mà hạnh phúc. Nhưng có một lần vợ anh phải “bó tay” khi chứng kiến cảnh “sui gia song tấu”.

    Anh sui trai tới bàn chuyện tổ chức đính hôn. Bàn bạc thì có chút xíu mà lai rai cả buổi.

    Từ bếp, chị nghe chồng nói con tui là “phận gái thuyền quyên”, mấy tuần nữa là nó “sầu ly biệt”, trôi “theo dòng định mệnh”.
    Anh sui nói con anh về với con tui “như chim liền cánh như cây liền cành”.
    Khơi đúng nguồn, chồng chị tay gõ bàn, miệng hát ngay: Như đò với sông, như nước xuôi dòng vào lòng biển xanh

    Ai ngờ anh sui trai dang tay hát nối:

    Em ơi trăng còn sáng nên tim yêu vẫn còn mang… sơn ra oánh từng tưng, cất giọng ngọt ngào:" Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa."
    Cho tôi bớt mơ màng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa…
    Vậy rồi tui thấy nhớ nhớ, cứ muốn mau… hết nước để đi gánh, ngồi nghỉ trước nhà ổng, được nghe ổng hát.
    Mấy anh nghĩ coi, kiểu tán gái “nhạc và lời” dễ thương chơn chất vậy ai mà không cảm mến?

    Thấy hơi kỳ, chị bưng đĩa trái cây ra nháy chồng. Anh sui mắc cỡ ngừng hát.
    Chồng nói ai cấm sui gia song ca?
    Hai đứa thương nhau vì đồng cảm, hai nhà kết nghĩa sui gia vì đồng tình. Tui hát với anh sui vì đồng điệu thì có sao đâu?

    Trần Cao Duyên

  5. #5
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    Tình yêu subway

    Chàng quen nàng ở trạm subway ở Newyork khi xe chàng hư bỏ garage để sửa , thế là cả tuần ấy ,chàng dậy sớm hơn thường lệ 5am để kịp đón chuyến 6:15 kịp đến sở làm ở khu Mid-town .
    Nàng làm trong khu shopping Macy's đã 5 năm ,nên nàng củng đón chuyến subway cùng giờ với chàng 7:55 am
    Ngày đẹp trời nọ , nàng vội vàng lên tàu làm rơi khăn quàng cổ mà không biết ,chàng tình cờ bước sau nàng ,vội lượm lên tìm chủ nhân trả lại
    Thế là hai người quen nhau , đông qua ,xuân đến ,hạ đi , thu về , hai kẻ xa lạ giờ đã thành người yêu .

    Tình yêu của họ thật nhẹ nhàng ,dễ thương .

    Ngày mốt là V-day Valentine's day Feb/14 , chàng -nàng , họ kỷ niệm 2 năm quen nhau bằng bữa tối ở một quán ăn nhỏ ấm cúng trong khu Little Italia .
    Chàng đã ngồi chờ nàng với bó hoa nàng yêu thích nhất lavender tím với những cành lilac và chú gấu Tedy nho nhỏ , xinh xinh .

    Chàng không ngừng liếc đồng hồ tay , chưa bao giờ nàng trể hẹn , nàng đều gởi msg cho chàng , trong lòng thấp thỏm không yên .
    Chàng đã gọi và text msg cho nàng hơn 19 lần , chàng vội ngó ra cửa , và rồi nàng đã đến bên chàng .
    Nàng lí nhí giải thích và nói lời xin lỗi người yêu
    Tối qua , mẹ nàng bị sốt ,nàng phải thức khuya chăm sóc mẹ nên thiếu ngủ
    Sáng nay nàng lo nấu cháo và đi CVS mua thuốc cảm cho mẹ ,vội vàng nên nàng quên mất giờ hẹn với chàng

    Ôi chao làm sao chàng nỡ giận người yêu chàng cho được , nàng là người con gái hiếu thảo như thế .
    Trong tương lai ,nàng còn là người vợ hiền ,ngoan ,người mẹ tốt của các con của chàng mĩm cười với nàng .
    Và sau bữa ăn tối lãng mạn ,hai kẻ yêu nhau cùng nhau đi xem film .: The Lake house .
    Chúc cho đôi lứa yêu nhau trên trái đất cũng có tình yêu ngọt ngào như chàng -nàng : tình yêu subway 7:55

    linhphy
    Feb2024

  6. #6
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    Hoa Nắng Sớm Mai

    Đứng phía trong cửa kính, Hoàng nhìn thằng bé chừng hơn 10 tuổi đang ngồi ở một bên thềm của cửa hàng và vuốt những tờ tiền nhăn nheo cho thẳng ra.
    Nhìn bàn tay lem luốc nhưng mủm mỉm đáng yêu của thằng bé, Hoàng không cầm được xúc động.
    Hoàng nghĩ rằng, một thằng bé có bàn tay mủm mỉm với ngón út hơi "nghịch" ra ngoài một tí kia nếu được ăn học đàng hoàng không chừng nó không thành một họa sĩ tài hoa thì cũng là một bác sĩ, kỹ sư với tay nghề hết sức khéo léo.
    Hoàng chợt thèm rít một hơi thuốc thật dài nên mở cửa kính bước ra thềm, châm thuốc
    . Thằng bé vẫn đang cắm cúi vuốt và đếm tiền nên chẳng biết có người chăm chú quan sát nó.
    Hoàng thì thấy rất thú vị khi "lén" đếm phụ thằng bé số tiền nó kiếm được trong ngày, cũng gần mộ trăm nghìn đồng chứ không phải ít
    . Không nén được sự tò mò,
    Hoàng cất tiếng hỏi làm thằng bé giật cả mình.
    - Em làm gì với số tiền này?
    Sau thoáng giật thót người, thằng bé lật đật gom mớ tiền được đạp dưới bàn chân kia nhét vội vào túi rồi đưa mắt nhìn Hoàng, trịch thượng:
    - Anh hỏi làm gì?
    Em có xin tiền anh đâu?

    Hơi bất ngờ với cách trả lời của thằng bé nhưng nhìn bàn tay rất đáng yêu của nó đang giữ chặt túi áo, Hoàng vẫn dịu giọng:
    - Thì anh hỏi cho biết thôi mà, anh cũng đâu có xin tiền của em đâu mà làm gì dữ vậy?
    Thằng nhóc nhe răng cười:
    - Anh cũng ghê nhỉ, còn biết dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" nữa chứ!
    Thôi không nói chuyện với anh nữa, em phải về nhà đây.
    Nói xong, thắng nhóc ù té chạy với hai bàn chân trần
    Nhìn đôi dép cũ mèm nằm chỏng chơ trên thềm nhà, Hoàng tính gọi nhưng thằng bé đã biến mất.

    Hoàng dụi tắt điếu thuốc đang hút dở, cho vào sọt rác, quay lưng tính đi vào trong cửa hàng nhưng chợt Hoàng quay lại, nhặt đôi dép của thằng nhóc, vào tìm cái bọc nilon bỏ vào rồi để ở góc phòng.
    Hoàng nghĩ, chắc thằng bé sẽ trở lại tìm đôi dép, nếu Hoàng không cất giúp thì biết đâu khi nó trở lại đôi dép đã biến mất.
    Thằng Út chạy một mạch về nhà, dúi nắm tiền vào tay chị hai, tự hào:
    - Tiền em kiếm được đó, chị cất mà đóng học phí, sắp vào năm học rồi!
    Nhiêu đó không đủ ngày mai em đưa tiếp cho, chị đừng khóc nữa nghen!
    Chị hai không nói gì cả, mắt ngân ngấn nước, đỏ hoe.

    Chắc là hôm qua thằng Út nghe chị Hai nó khóc, nghĩ chị đang cần tiền đi học nên sáng sớm hôm sau nó dậy sớm, đi kiếm tiền về đưa cho chị.
    Thằng Út giữ nét mặt tươi tỉnh, miệng roi rói một nụ cười cho đến khi chị Hai dọn cơm lên, đặt chén cơm trắng với đôi đũa lên mâm rồi thầm thì: "Con mời má về ăn cơm" thì bỗng buồn thỉu buồn thiu
    .Nó cũng thầm thì: "Má về ăn cơm, con nhớ má lắm!"

    . Má nó mất cũng đã hơn một năm rồi nhưng nó và chị Hai vẫn giữ thói quen mời má về ăn cơm khi tới bữa.
    Chị Hai vừa nhai cơm yểu xìu vừa nhìn thằng Út hồi lâu rồi bảo:
    - Út nè, hay là để chị nghỉ học đi làm nghen cưng?
    Thằng Út trợn mắt vẻ anh cả:
    - Nghỉ cái gì mà nghỉ, chị muốn làm má khóc nữa à? Chị không nhớ lần trước chị đòi nghỉ học má khóc như mưa đó sao?
    - Nhưng chị không muốn em cứ phải đi làm cá thuê cho người ta như thế!
    Chị là con gái, học ít một chút, em là con trai phải được học nhiều hơn.
    - Chị nói bậy quá, chị là con gái "chân yếu tay mềm" mới phải đi học để làm việc nhẹ, em là con trai thì làm gì cũng được! Với lại em cũng nghỉ học mấy năm rồi, nhớ gì đâu mà học với hành, em ngán lắm!
    Chị Hai im lặng. Thằng Út bỏ chén, xách tâm ra đứng trước cửa nhà xỉa răng. Chị Hai vừa dọn dẹp vừa chậc lưỡi:
    - Nhì cái tướng giống y cha...
    Chị Hai chưa kịp nói hết câu thằng Út đã nổi nóng:
    - Cha, cha, cha! Chị nhớ ổng thì đi theo ổng luôn đi, nhắc hoài, nghe phát nổi nóng!

    Chị Hai lại khóc. Nước mắt rơi lộp độp xuống nền nhà y chang cái bữa cha cuốn gói bỏ mẹ con thằng Út mà đi khi bác sĩ phán mẹ nó bị ung thư phổi thời kỳ cuối.
    Thằng Út cảm giác bực bội, bức rức, ngột ngạt quá khi nhắc đến cha mình. Nó muốn đi ra ngoài, lang thang đâu đó cho khuây khoả.
    Nó quay qua quay lại tìm đôi dép nhưng không thấy. Suy nghĩ một lúc nó mới nhớ ra việc ngồi đếm tiền trước khi cửa nhà anh đó .
    Hoàng đang chăm chú vào công việc, không khéo ngày mai không có tranh để giao cho khách.

    Thằng Út đang thập thò ngoài cửa, nó không tìm thấy đôi dép trên thềm, muốn hỏi cầu may xem cái ông anh này có giữ giùm không nhưng thấy ổng đang làm việc nó không dám làm phiền.
    Nó ngồi bó gối trước cửa định chờ ông anh làm việc xong rồi hỏi.

    Ngồi một hồi cũng chán, nó quay vào theo dõi ông anh vẽ tranh.
    Ông anh đang vẽ chân dung một cô gái rất đẹp, mắt to, tóc dài... y chang mẹ thắng Út.
    Tự dưng thằng Út ước gì mình có tiền để nhờ ông anh vẽ giùm một bức chân dung của mẹ nó để sau này chị em nó còn có hình mẹ mà nhìn cho đỡ nhớ..
    . Cánh cửa mở ra, ông anh đưa đôi mắt mở to nhìn thằng Út không chớp
    , rồi không nói không rằng quay vào trong xách ra cái bọc đưa cho Út. Thằng Út gãy gãy đầu:
    - Em cám ơn anh!
    - Không có gì, em về đi, khuya rồi.
    Thằng Út dợm bước đi nhưng rồi quay lại vẻ ngập ngừng. Ông anh làm mặt hoảng hốt:
    - Hồi nãy anh thấy có đôi dép chứ không có tiền bạc gì đâu nghen, đừng có mà đòi ẩu, anh không có tiền đâu mà trả cho em.Thằng Út cười khì khì, phán:
    - Ông anh nhìn vậy mà cũng chết nhát dữ! Em không đòi tiền đâu mà sợ, em chỉ muốn hỏi anh một chuyện.
    - Chuyện gì?
    - Anh vẽ một bức tranh giá bao nhiêu?
    - Tùy! Mà em muốn vẽ gì?
    - Dạ, vẽ má em!
    - Vậy mai kêu má em tới đây, anh sẽ vẽ tặng em mà không lấy tiền!
    - Cám ơn anh nhưng má em mất rồi lấy đâu mà ra cho anh vẽ...

    Chẳng hiểu vì lý do gì mà anh hoạ sĩ ấy đã thức suốt đêm cùng thằng Út. Nét bút của anh cứ thoăn thoắt theo lời thằng Út diễn tả về má nó:
    "Má em hơi gầy, mặt má giống giống mặt em vầy nè nhưng mắt má to hơn, tóc má dài và đen lắm, mũi má cao, chỉ tội... tội da má em đen lắm vì phải đi làm mướn ngoài nắng nhiều quá.
    Anh có thể vẽ làm sao cho da mặt má em trắng lên một chút không, mà anh nhớ nghen, má em không có đeo vàng bạc, hoa hiếc gì như cô gái kia đâu.
    Có nhiêu tiền, má để lo cho em với chị Hai đi học hết trơn hết trọi, lúc chị Hai đậu lớp 10, ra huyện học, má bán luôn đôi bông tai rồi..."
    Anh hoạ sĩ dừng tay:
    Thế ba em đâu?
    - Ba em đi mất biệt từ khi biết má em bệnh nặng không thể chữa khỏi. Giờ ở nhà chỉ còn em với chị Hai.
    Vài bữa nữa chị Hai lại ra huyện nhập học, em ở nhà một mình, em nghỉ học từ lúc má bệnh nặng, không ai chăm sóc.
    .. Anh này, anh cho em vẽ thử một tí được không?
    Anh hoạ sĩ cầm tay cậu nhóc, hướng tay cậu theo từng nét vẽ. Khi bức chân dung dần hiện rõ, thằng Út ồ lên:
    - Anh tài thiệt đó, em thấy giống má em lắm!
    Cả đêm hai anh em không ngủ nhưng sáng ra, miệng ai cũng cười tươi như hoa. Thằng Út liến thoắng:
    - Giờ em chưa về nhà đâu!

    Em ra chợ làm cá mướn cho người ta, sẵn mang hình mẹ em cho mấy cô mấy dì bán cá xem, họ thương em lắm, nhờ họ mà em kiếm được tiền phụ chị Hai đi học...
    Anh hoạ sĩ quá xúc động nên chẳng nói được gì, chỉ khi thằng Út đi xa gần mấy chục mét anh mới đuổi theo, vừa thở hồng hộc vừa hỏi:
    - Em có thích học vẽ không?
    Mỗi tối lại đây anh dạy cho!

    Mắt thằng Út vụt sáng rồi cũng vụt tối sầm, nó nhìn xuống bàn tay mình rồi ngước mắt hỏi anh hoạ sĩ:
    - Tay em xấu xí, chay sần, luôn tanh cá thế này vẽ có vẽ được không anh?
    Anh hoạ sĩ nâng niu cầm bàn tay thằng Út, thầm thì:
    Không, bàn tay em đẹp lắm, nhóc à!
    Thằng nhóc cười, hoa nắng sớm mai nở trên gương mặt, nở trong ánh mắt và nở trên đôi bàn tay trẻ thơ lam lũ...

    Lâm Oai

  7. #7
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    GIỌT NƯỚC MẮT CÁM ƠN

    Đúng năm giờ bác Chu tài xế xe taxi phải giao xe, nhìn đồng hồ đã năm giờ mười lăm rồi, nên bác tài đem tấm bảng “tạm thời không đón khách” treo lên.
    Đúng ngày cuối tuần, học sinh trong ký túc xá của trường trung học số bốn mươi chạy ùa ra.
    Bác Chu tài xế nhịn không được thói quen này nên dừng xe lại, nhìn học sinh đi đi lại lại, chúng nó mặc đồng phục nhà trường, trên mặt tươi cười rạng rỡ.
    - “Bác tài, cháu… cháu muốn ngồi xe của bác.”
    Một bé gái chân đi cà thọt lưng mang cặp sách đi đến, nhìn hai bên phải trái nói vội vàng.
    Bác tài nói phải giao xe, và chỉ có dừng xe chút xíu thôi.
    Em bé gái cúi đầu, mấy giây sau nó lại thành khẩn nói: “Cám ơn bác, bác tài, cháu chỉ ngồi một trạm là một trạm thôi.”

    Hai chữ “cám ơn” làm cho bác Chu tài xế động lòng, bác nhìn trên trên thân em bé gái mặc cái áo giặt trắng tinh, một cái cặp sách cũ không thể cũ hơn được nữa,
    nên nhịn không được bèn thở dài nói:
    “Lên xe.”
    Em bé gái sung sướng lên xe.
    Xe đến khúc quanh, em bé gái đột nhiên đằng hắng nói: “Bác tài, cháu chỉ có ba đồng bạc mà thôi, cho nên, đến nửa trạm thì cháu xuống.”
    Bác tài nhìn trong kính chiếu hậu thấy em bé gái mặt đỏ gất, không nói gì. Đây là xe taxi ở thành phố, giá mỗi đoạn đường có thể là năm đồng.

    Lái xe đến trạm dừng công cộng thì bác tài dừng xe lại, em bé đứng nơi cửa vui vẻ nói: “Thật cám ơn bác, bác tài.”
    Bác Chu tài xế nhìn thấy em bé gái khập khiễng đi về phía trước, đột nhiên trong lòng có chút ái ngại.

    Cũng từ ngày cuối tuần ấy, bác Chu tài xế mỗi ngày cuối tuần đều nhìn thấy em bé gái đứng đợi ở cổng trường, mấy chiếc xe taxi chạy qua,
    em bé gái nhìn như không nhìn, chỉ biết đứng chờ.

    Em bé gái đợi mình? Bác Chu đoán và trong lòng cảm thấy ấm áp, bác lái xe đến, em bé gái từ đàng xa giơ tay vẫy vẫy,
    bác Chu tài xế rất kinh ngạc, xe bác ta màu da cam giống với các xe taxi khác, em bé gái làm sao có thể nhìn mà biết được chứ?
    Đây là ba đồng, đây là một trạm.
    Bác tài không hỏi nó tại sao chỉ đứng đợi xe của mình, và cũng không hỏi tại sao chỉ ngồi có một trạm?

    Trong lòng em bé gái có một bí mật nhỏ, bác Chu tài xế rất hiểu điều này.
    Một lần, hai lần, ba lần, dần dần bác Chu tài xế trở thành thói quen.
    Cuối tuần trước khi giao xe, thì người cuối cùng phải chở nhất định là cô bé thọt chân trong trường trung học số bốn mươi.
    Bác tài đem tấm bảng “tạm không chở khách” treo lên, chuyên tâm đợi trước cổng trường.
    Em bé gái chỉ mười bốn mười lăm tuổi mà thôi, vừa nhìn thấy ông thì giống như con nai nhỏ chạy qua đường, lớn tiếng nói với bạn học “tạm biệt”, bất quá chỉ năm phút đồng hồ là em bé gái xuống xe, câu cuối cùng vẫn là: “Cám ơn bác, bác tài.”

    Hình như chỉ đợi câu nói ấy, cuối tuần bất kể là đi bao xa thì bác Chu cũng lái xe đến trường.

    Có lúc giao xe bị phạt, bác ta cũng nhất định chở em bé gái đi một đoạn đường.
    Thời gian qua rất nhanh, tình hình này tiếp tục thêm một năm nữa, chớp mắt mùa hè của năm thứ hai đã đến.
    Nhìn em bé gái mang cặp sách thật nặng nề, bác Chu đột nhiên cảm thấy như đánh mất cái gì đó.
    Bác biết em đã tốt nghiệp phổ thông cấp hai, và nó sẽ học cấp ba ở đâu?

    - “Bác tài, cám ơn bác, có lẽ đây là lần cuối cùng cháu ngồi xe của bác, thật làm phiền bác quá.
    Cháu thi đậu trường trung học Tân Tập Nhất, có lẽ nửa năm mới về nhà một lần,” em bé gái nói như thế.
    Bác tài từ trong kính chiếu hậu nhìn cặp mắt em bé gái, trong lòng rất là không yên.
    Em bé quả nhiên rất ưu tú, trường Tân Tập Nhất là trường điểm của tỉnh, thi đậu vào đó thì đã bước một chân vào ngưỡng cửa đại học rồi.

    - “Vậy thì bác đưa con về nhà.” bác tài nói.
    Em bé gái lắc đầu nói mình chỉ có ba đồng bạc mà thôi.

    - “Lần này không lấy tiền.”
    Bác tài nói xong thì nhìn đồng hồ, đưa em bé gái về nhà thì nhất định giao xe bị trễ giờ, có thể bị phạt chút tiền,
    nhưng có quan hệ gì chứ Bác muốn ngồi chung với em bé gái thêm chút nữa.
    Em bé gái nói địa chỉ rất xa, còn thêm bảy trạm nữa, nửa giờ sau, bác tài dừng xe, em bé ôm cặp bước xuống,
    bác tài lấy một cái hộp trong xe ra, nói:
    - “Đây là món quà bác tặng cháu.”
    Em bé gái kinh ngạc tiếp nhận quà, sau đó cúi mình chào bác tài, nói: - “Cám ơn bác, bác tài.”
    Nhìn em bé gái thọt chân đi vào nhà, bác Chu tài xế thở dài.
    Cháu bé, từ nay không còn gặp lại nữa?
    Bác tài cũng không biết tên em bé là gì nữa!
    Đã qua mười năm rồi. Bác Chu tài xế vẫn còn lái xe taxi.

    Hôm nay, việc làm không nhiều, ông đang lái xe, nhưng lại nghe được chương trình ca nhạc của đài giao thông phát đi chương trình “Nhắn tin tìm người,
    tìm bác tài xế mười năm trước thuê xe của công ty Thắng Lợi, số xe là Axxxx.”

    Bác Chu tài xế vừa nghe thì ngớ người ra, có người tìm ông ta?
    Mười năm trước, ông ta lái chính là chiếc xe này.
    Điện thoại gọi thẳng đến tổng đài, người phụ trách tổng đài kinh ngạc đưa cho bác tài xế số điện thoại, bác Chu nghi hoặc, là ai nhỉ?
    Mỗi ngày bận bịu vì kế sinh nhai, ngoại trừ bà vợ ra thì bác tài không quen biết người phụ nữ nào khác.

    Gọi điện thoại, bác tài nghe âm thanh của một cô gái trẻ, cô kinh ngạc vui mừng hỏi:

    - “Là bác sao, bác tài?”
    Bác tài giựt mình, âm thanh này, lời nói này rất là quen thuộc, nhưng bác tài không nhớ là ai cả.
    - “Cám ơn bác, bác tài.”
    Cô gái lại nói.
    Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, khi gặp cô gái ấy, bác Chu hình như nhận không ra, trước mắt là một cô gái thướt tha,
    là bé gái mười năm trước đi xe chỉ có ba đồng bạc đó ư?
    Cô gái đứng lên cúi mình chào bác tài và nói:

    - “Từ trong lòng cháu cám ơn bác, bác tài.”

    Uống cà phê, cô gái kể chuyện ngày trước: Mười hai năm trước, ba của cô cũng là một tài xế lái xe taxi, ông rất thương yêu cô gái,
    mỗi ngày cuối tuần, dù bận cách mấy ông cũng lái xe đến trường đưa cô về nhà.
    Tết đến, cả nhà về quê ăn tết, vì để mang được nhiều đồ, ba của cô mượn xe bánh mì của người bạn.
    Lái xe được nửa đường, đột nhiên tuyết rơi rất nhiều, không may tông vào một chiếc xe hàng, xe bánh mì bị hư toàn bộ, ba của cô chết tại chỗ, từ đó chân của cô bị thương nặng.

    Chôn cất ba xong, mẹ phải bồi thường xe cho người bạn của ba một khoản tiền lớn, và để làm phẫu thuật chân cho cô,
    nên mẹ làm việc ngày đêm không nghỉ, còn cô, sau khi vết thương lành thì lập tức đi học, nhất tâm muốn mau lớn.
    Cô rất kiên cường, việc gì cũng có thể chịu đựng, nhưng duy chỉ có một việc là không chấp nhận người khác thương hại mình.
    Cho nên, cô không nói cho ai biết việc bị tai nạn trên đường.
    Tan học về nhà, khi bị bạn học hỏi tại sao bây giờ lại đi xe công cộng?

    Cô bé nói dối là vì ba đi xa, nói dối được nửa năm, cho đến khi gặp bác Chu tài xế.
    Cô bé thấy chiếc xe taxi dừng bên đường không chút động đậy, giống như ba cô bé lái xe đến đợi trước cổng trường.

    Cô bé chỉ có ba đồng để đi xe công cộng, nhưng cô bé lấy tất cả để ngồi xe taxi, chỉ ngồi một trạm, sau đó đi bộ nửa giờ nữa về nhà,
    mặc dù đường rất xa, nhưng cô bé vẫn thản nhiên đi, bởi vì không ai có thể đoán biết là ba của cô bé đã chết.

    - “Bác nhất định không biết, chiếc xe taxi mà bác đang lái đó là chiếc xe mà ba của cháu đã lái, số xe cứ in mãi trong óc của cháu.”
    Cô gái nói xong thì nước mắt rơi xuống: “Cho nên, từ xa xa, chỉ cần nhìn thì cháu liền nhận ra nó.”
    Bác Chu tài xế thấy lỗ mũi nóng, chút xíu nữa thì cũng chảy nước mắt.

    - “Tấm huy chương này cháu luôn mang trên mình, cháu không biết, nếu không có nó thì cháu có thể đi được đến ngày hôm nay không.
    Hơn nữa, bác trả lại cháu tiền xe, cháu vẫn cứ giữ nó.

    Có một chút tiền, cháu cảm thấy vấn đề gì cũng có thể khắc phục được.
    Mặc dù mất phụ thân, nhưng cháu vẫn có phụ thân như cũ.”
    Nói xong, cô gái lấy trong túi ra tấm huy chương mang vào mình.

    Góc cạnh của tấm huy chương đó đã biến thành màu đen, sau tấm huy chương có viết hàng chữ: “Chúc cuộc sống của con cũng như tấm huy chương này.”
    Tấm huy chương này là của bác Chu tài xế làm quà tặng cho cô gái mười năm trước.
    Cô gái dắt cánh tay của bác Chu tài xế rời khỏi quán cà phê.
    Nhìn cô gái lái xe đi rất xa, bác Chu dừng xe bên đường, để cho nước mắt chảy xuống.

    Cô gái thọt chân ấy, cô gái ấy bây giờ bác tài mới biết tên cô ta là Lâm Mỹ Tuyết, cô gái và con của bác tài, đã chết cách đây mười năm vì ung thư, thật quả là ấn tượng giống nhau!
    Con gái của bác khi còn sống, cứ mỗi ngày cuối tuần thì bác đều lái xe đến trường đón nó.
    Con gái trước khi lên xe thì nói: “Cám ơn ba.”,
    xuống xe cũng câu ấy: “Ba, con cám ơn ba.”, làm cho bác tài cảm nhận được rất nhiều hạnh phúc!

    Tấm huy chương ấy là của con gái ông được thưởng trong kỳ thi Olympic, đã làm cho ông ta rất kiêu hãnh và hy vọng,
    nhưng con gái ông đột nhiên chết đi khiến cho ông không kịp đề phòng
    Lại đến ngày cuối tuần, đi ngang qua trường trung học số bốn mươi, ông ta đều dừng xe lại, hình như con gái vẫn có thể từ cổng trường chạy ra, lên xe, và lớn tiếng nói: “Ba, cám ơn ba.”

    Trên đường trở về nhà, bác Chu mua một tờ báo, vừa mở báo ra xem thì bác liền thấy ngay hình của cô gái thọt chân ấy.
    Cô cười tươi với bác Chu tài xế, trên đề mục có chạy hàng chữ lớn: “Lâm Mỹ Tuyết – Phó tổng giám đốc trẻ nhất của công ty đa quốc gia, niềm kiêu hãnh của thành phố S...” bác Chu tài xế kinh ngạc há hốc miệng, đọc nhanh như chớp, vừa đọc vừa móc túi lấy thuốc ra hút theo thói quen.

    Đột nhiên, tay của ông ta chạm phải một phong bì, lấy ra, bên trong phong bì đựng đầy tiền đô la Mỹ dày cộm, bác Chu ngớ ra, bác nghĩ không ra Lâm Mỹ Tuyết bỏ tiền vào túi ông lúc nào?
    Có phải khi cầm cánh tay mình dẫn đi không?
    Giữa xấp tiền mỹ kim ấy còn kẹp một tờ giấy nhỏ: “Bác tài, đây là tiền lời của yêu thương, xin bác nhận lấy.
    Cái vốn vô giá thì vĩnh viễn ở trong lòng cháu.
    Cám ơn bác, bác tài!”

    Cặp mắt của bác tài lại mờ mờ thêm một lần nữa...

    Dịch giả : Rev Giuse Maria Nhân Tài


  8. #8
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    Truyện cực ngắn

    1. BIẾT CHẾT LIỀN

    Ở xứ sở Hiểu Biết có 4 mẫu người: Biết Ít, Biết Vừa, Biết Nhiều và Biết Hết.
    Điều oái oăm là Biết Ít luôn tự nhận mình Biết Nhiều;
    Biết Vừa luôn cho rằng mình Biết Hết;

    Biết Nhiều luôn khẳng định mình Biết Vừa;
    Còn Biết Hết lúc nào cũng lắc đầu rằng mình Không Biết.
    Một hôm có khách lạ đến hỏi tìm Biết Hết.
    Biết Ít chỉ ngay vào Biết Nhiều:
    Đấy!... Biết Hết đấy!

    Biết Vừa không đồng ý: Ta mới là Biết Hết!
    Duy có một người đứng gần đó chỉ tủm tỉm cười. Khách vốn biết nhiều nên cất giọng suy đoán:
    - Hẳn là anh rồi!
    - Tôi á? Không! Tôi mà Biết Chết Liền!


    2. NGHỊCH CẢNH

    Ngày nọ, Thạch Sanh vác rìu vào rừng và nhận ra không còn củi để đốn.
    Chàng đi mãi, đi mãi vẫn chỉ thấy những gốc cây trơ trọi.
    Đêm, nguớc nhìn mặt trăng, chàng chậc lưỡi tiếc rẻ:
    - Giá cái cây ấy đừng bay lên trời!
    Sau nhiều ngày vô vọng, chàng trở về tay không.
    Nào ngờ bắt gặp vô số Lý Thông đến mức chẳng nhận ra ai là thật. Thạch Sanh vỗ trán, giậm chân kêu trời:
    - Nghịch cảnh! Nghịch cảnh!
    Củi thì hết mà Thông lại mọc đầy!


    3. BẢN LĨNH

    Ở chính diện tiệm thuốc bắc là những keo rượu óng ánh màu hổ phách, bên trong ngâm đủ loại động vật, hầu hết chúng đã hôn mê.
    Duy có hải mã vẫn còn thoi thóp, nó nhìn sang bìm bịp đang dập dềnh, cất giọng buồn bã:
    Vì cái gọi là “bản lĩnh đàn ông” chúng ta sớm muộn cũng sẽ bị tận tuyệt như tê giác mà thôi!
    Bìm bịp hấp háy mắt, giọng khoan dung:
    Thôi thì cứ cho là vì con người không có bản lĩnh nên đành trông vào chúng ta vậy.


    Trần Hoàng Trúc

  9. #9
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    Trung thu

    Nhớ lại thủa nhỏ 5t cho tới khi 10,12t tôi và các bạn trong khu xóm nhỏ vẫn háo hức mỗi mùa Trung thu ,
    chúng tôi chỉ mong trời đừng có mưa ,rồi hẹn nhau xách lồng đèn đi vòng vòng khu xóm .
    Mỗi rằm tháng 8 cha mẹ lo mua bánh Trung thu đi biếu người thân ,bạn bè ..
    Chứ đám con nít ăn chưa no lo chưa tới , bọn chúng chỉ cần ba mẹ mua cho lồng đèn con cá , ông sao ,con bướm ,con gà là vui lắm rồi .

    Nếu khéo tay tự làm lồng đèn bằng lon nhôm hay bằng giấy kiếng bóng ,vì con nít chỉ chơi có một đêm Trung thu thôi ,lại tiết kiệm tiền cho cha mẹ nữa .
    Nhắc tới bánh trung thu : bánh nướng và bánh dẻo ,còn có bánh trung thu mini gọi là bánh con heo ú không nhân .

    Mấy anh chị em tôi cũng vậy , mẹ còn mua thêm bánh in nhân đậu xanh cho đứa con nào không thích ăn bánh dẻo hay nướng
    Mỗi mùa Trung thu gia đình tôi quây quần bên ông bà ngoại ,các dì ,các cậu , khung cảnh ấm cúng và hạnh phúc

    Thật bình yên và ấm áp !
    Bây giờ sống ở xứ người , tuy rằng chúng tôi vẫn mua hay được tặng bánh Trung thu Đông Hưng Viên ,Huy Ký ,Kiên giang ..

    Nhưng lòng tôi vẫn bồi hồi lẫn hoài niệm về bao mùa Trung thu xưa ngày ấy có đông đủ người thân cùng ngắm trăng , ăn bánh thập cẩm, ,uống trà ,
    các cháu cầm lồng đèn chung quanh vườn nhà ngoại :
    "Tết Trung thu rước đèn đi chơi ,em rước đèn đi tới cung hằng ....."
    Chỉ ước chi cho thời gian ngừng lại ,cho tôi 1 vé quay về với tuổi thơ hồn nhiên ngày cũ !

    linhphy
    Last edited by linhphy; 03-26-2024 at 11:11 AM.

  10. #10
    Biệt Thự linhphy's Avatar
    Join Date
    Sep 2013
    Posts
    625
    Truyện Cực Ngắn
    t/g Trần Hoàng Trúc


    Thời gian

    Vì muốn biết mặt Tương Lai nên Thời Gian luôn hối hả.
    Nó chạy quá nhanh nên chẳng kịp kết bạn với ai, chỉ vô tình trở thành kẻ thù của Quá Khứ, Sức Khỏe và Sắc Đẹp.

    Trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó, các Vết Thương thực sự biết ơn Thời Gian.

    Duy có Nếp Nhăn luôn cổ vũ Thời Gian trên đường đua của mình:
    Tiếp tục đi, nhanh nữa nào, hãy giúp chúng tôi sinh sôi nảy nở!
    Nhưng vì quá ngu xuẩn nên Nếp Nhăn không biết rằng Thời Gian cũng đồng thời mang đến chúng Cái Chết.

    Cái gương

    Nàng có gương mặt thánh thiện hệt thiên thần.
    Gương mặt ấy che kín tính chây lười, giúp nàng lừa bao người nhẹ dạ.
    Cùng thời gian và lỗi lầm, nét thiên thần ngày càng biến mất, từ lâu nàng không dám soi gương.
    Một ngày kia, nàng nhận ra chẳng còn ai tin mình.

    Người ta thận trọng trước những gì nàng nói.

    Còn một mình, nàng thu hết can đảm nhìn thẳng mình trong gương.
    “Xoảng” – chiếc gương vỡ tan dưới chân nàng.
    Tung tóe khắp sàn nhà, những mảnh vỡ hiện hình cái ác.

    Hoa tâm hồn

    Tối nào bà cũng kể chuyện cổ tích cho cháu nghe.
    Một hôm cháu ngước đôi mắt trong veo hỏi bà:

    Tâm hồn là gì hở bà?
    Bà xoa đầu cháu dịu dàng:
    Nói cho cháu dễ hiểu thì tâm hồn cũng như một cây hoa trong mỗi người chúng ta.
    Nếu được nuôi dưỡng bằng những đức tính tốt, tâm hồn sẽ vươn cao, nở hoa thơm ngát.

    Bằng ngược lại, tâm hồn sẽ mọc gai tua tủa làm tổn thương những người xung quanh.
    Tâm hồn và trí tuệ đều như xạ hương vậy, không ai có thể che đậy được nó cháu ạ.


    Ba thuê

    Đến ngày hẹn, anh lại sắm lên người bộ trang phục hải quân, huýt sáo một điệu nhạc vui vẻ rồi đón xe đến một thị trấn, bấm chuông ngôi nhà có giàn hoa giấy quen thuộc.
    Thằng bé vừa trông thấy anh liền nhảy cẫng:
    A! Ba về!

    Nàng đón anh bằng nụ cười cảm kích bởi từ lâu anh không còn chịu nhận tiền để thực hiện “nhiệm vụ” đặc biệt giúp xua tan những nghi hoặc về bố trong đầu thằng bé.
    Đêm nằm cạnh “con trai”, anh len lén nhìn sang nàng, trống ngực thình thịch:
    “Ba” về với hai mẹ con luôn có được không?

 

 

Similar Threads

  1. Truyện ngắn Nhật Bản
    By Thùy Linh in forum Truyện
    Replies: 1
    Last Post: 06-03-2023, 08:22 AM
  2. Điệu Nam Ai- Truyện ngắn - Ngô Ái Loan
    By MưaPhốNúi_ in forum Truyện
    Replies: 2
    Last Post: 08-18-2020, 08:41 PM
  3. Truyện ngắn Mặc Bích
    By Frank in forum Truyện
    Replies: 10
    Last Post: 05-31-2014, 12:08 PM
  4. Replies: 0
    Last Post: 08-10-2013, 01:44 PM
  5. Truyện ngắn của Mưa PN
    By Mưa PN in forum Truyện
    Replies: 16
    Last Post: 11-02-2012, 09:30 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:10 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh