Register
Results 1 to 8 of 8
  1. #1
    Lotus
    Guest

    Thăng Long, những ngày cuối năm 1788 - Rợp cờ đại Thanh ô nhục




    Hết bị Trịnh Khải o ép, được Nguyễn Huệ đặt lên ngai vàng, lại gặp nạn Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền qua mặt, để rồi Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long xua đuổi, vua bất tài Lê Chiêu Thống cùng triều đình yếu kém tan tác như ong vỡ tổ, phải chịu những năm tháng đắng cay khi rời khỏi kinh thành Thăng Long, lúng ta lúng túng, khốn tới khôn lui… May mà nhân dân Bắc Hà còn ân sâu nghĩa nặng với 300 năm nhà Lê nên nhà vua lưu vong còn có chỗ dựa.

    Năm Mậu Thân(1788) vua Lê Chiêu Thống, sau một vòng đường biển về Thanh Hóa lánh nạn, giả thường dân trốn ra nương náu ở Phượng Nhãn, Kinh Bắc, bí mật tìm các vị tiến sĩ triều Lê nhờ giúp rập. Công bằng mà nói, việc cầu viện nhà Thanh đâu chỉ là tự quân “ngây thơ chính trị” mà phải còn do một số tiến sĩ triều Lê, quá mơ hồ về dã tâm của thiên triều Thanh, đã tư vấn cho vua Lê Chiêu Thống! Thật vậy, những ngày trốn ở Kinh Bắc, vua Lê có các vị tiến sĩ, từng là đại quan, như Lê Quýnh, Lê Duy Đàn, Trần Danh Án,… tham mưu trong “màn trướng”. Nhà vua đã có một quyết định cực kỳ sai lầm, để rồi ôm hận thiên thu, lưu tiếng xấu muôn đời, tên mình thành danh từ riêng “Lê Chiêu Thống”, biểu tượng “mãi quốc cầu vinh” hay “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi về giày mã tổ”, đó là cầu viện thiên triều Thanh.

    Một số tiến sĩ làu thông Bắc sử, tinh thông triết học Tống Nho, sùng chính đạo, muốn làm bậc quân tử với lý tưởng ngu trung, tin vào Thiên triều Thanh thực lòng bảo vệ chư hầu Đại Việt,… đã phò nhà vua hèn yếu họ Lê. Học Bắc sử quá nhiều nên sớm quên sử Việt, với học phí phải trả bằng máu, xương, mồ hôi, nước mắt, chủ trương nội phụ hoặc cầu viện thiên triều phương Bắc, phục hồi nhà Lê để cùng hưởng đỉnh chung.

    Vị tiến sĩ hăng hái nhất phải kể Lê Quýnh. Ông ta hăng hái nhận lệnh vua Lê Chiêu Thống bí mật đưa Thái Hậu và hoàng tử sang Đại Thanh cầu viện. Vị thứ hai cũng nhiệt tình không kém là Trần Danh Án, cũng làm sứ giả “đội lốt con buôn”, luồn lách đường rừng qua chầu hầu các quan hàng tỉnh, mong được giúp đỡ ra tay cứu vớt… Tay cáo già Tôn Sĩ Nghị, bấy lâu rình rập Thăng Long khi hắn ta đương nhiệm tổng đốc Lưỡng Quảng. Máu bành trướng sục sôi trong tim đen của hắn, bỗng trào dâng khi những giọt nước mắt đớn hèn lăn dài trên má mẹ vua Lê, đang quì mọp trước sãnh viện của quan tổng đốc họ Tôn. Thế rồi ngòi bút lông của tiến sĩ hoang tưởng Lê Quýnh tha hồ vẫy vùng những câu nịnh hót hoàng đế Càn Long, viết thay vua Lê cầu xin hoàng đế thiên triều ra tay cứu vua Lê, trừ Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị vớ được cơ hội, đây là dịp có cớ đưa nước Việt vào ách Bắc thuộc ngàn xưa, viết bản tâu, thúc ngựa trạm tức tốc về kinh đô dâng tấu biểu lên Càn Long hoàng đế. Đại cáo già Tôn Sĩ Nghị thâm hiểm chưa bằng Siêu cáo già Tôn Vĩnh Thanh, gã này còn tàn độc hơn khi cùng tâu lên vua Càn Long kế sách thâm độc; rằng khoan giúp Lê Chiêu Thống, tọa san quan hổ đấu thêm một thời gian nữa, để mấy tay An nam tranh bá đồ vương, nồi da xáo thịt, hao của tốn người, dân chúng điêu linh, …rồi đem quân qua dựng một An Nam quốc vương Lê bù nhìn và An Nam thành một tỉnh của Đại Thanh vậy.



    Càn Long, máu siêu bành trướng còn hơn đại bành trướng Hán tộc, phối hợp hai mưu kế của hai gã họTôn, liền lệnh ngay Tôn Sĩ Nghị đưa mấy vạn quân qua “giúp nhà Lê”, không quên dặn dò Tôn Sĩ Nghị bằng một mật dụ vô cùng nham hiểm; rằng qua An Nam nên tiến quân thận trọng, lập được đầu cầu, dừng binh để bảo toàn lực lượng, dùng ngay người Việt đánh người Việt, cụ thể cho họ Lê đánh họ Nguyễn để An Nam tả tơi. Khi ấy mới thu phục An Nam vào đồ bản.

    Thực ra Càn Long cũng có nghe mưu kế của Tôn Vĩnh Thanh khi dặn dò Tôn Sĩ Nghị; mưu đó là gì? Chia đôi An Nam, Thuận Hóa về nam giao cho Tây sơn, Hoan Ái về bắc giao cho họ Lê, phong An Nam quốc vương “bù nhìn”cho hai họ, cùng làm chư hầu của Đại Thanh, còn quân Thanh ở lại An Nam để kềm chế. Quá ư tham ác, tàn độc! Đáng buồn là một số đại trí thức triều Lê như Lê Quýnh, Nguyễn Huy Túc, Trần Danh Án… đã “mơ màng” trong những dòng “trá mị” của bài hịch “giúp Lê trị Tây Sơn” của cáo già Tôn Sĩ Nghị. Các vị khoa bảng đầy phấn khích, trong những tháng cuối năm Mậu Thân 1788, chuốc lời văn để viết hịch Cần Vương, vận động dân chúng Bắc Hà hưởng ứng cuộc khôi phục nhà Lê, có sự hỗ trợ của đại quân Thanh triều, để huynh đệ tương tàn, và Đại Thanh cứ lấn dần đất đai sông biển. Trên đống hoang tàn của hoàng thành Thăng Long, ngày 21 tháng 11 năm Mậu Thân[1788], tự quân Lê Chiêu Thống đã quì mọp lạy về Bắc quốc, nâng hai tay nhận ấn An Nam Quốc Vương, trông ô nhục như Trần Ích Tắc tái sinh!



    Vua sáng thì tôi hiền, vua ngu thì tôi dốt, có tiến sĩ lão thần thúc giục vua Lê xin Tôn Sĩ Nghị sớm ra quân để thanh toán giặc Tây Sơn. An Nam Quốc Vương Lê Chiêu Thống cử ngay Lê Quýnh sang bản doanh họ Tôn đệ đạt nguyện vọng của vua Lê, gã họ Tôn từ chối. Hắn phải từ chối vì đã có mật dụ của hoàng đế Càn Long, hắn ta đang củng cố những phòng tuyến, những đại đồn quanh Thăng Long, giao trọng trách cho những hỗ tướng dày dạn chiến trường như Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống… nghĩa là cáo già họ Tôn đâu có khinh địch? Chẳng qua hắn ta đang tiến hành mưu độc, đứng chân để vua Lê truyền hịch, có thể trang bị quân trang quân dụng cho quân nhà Lê vào đánh quân Tây Sơn, còn hắn “tọa sơn quan hỗ đấu”, tha hồ “ngư ông đắc lợi” theo diệu kế Tôn Vĩnh Thanh, dù siêu cáo già này bị hắn “cướp công cách mạng”…Trong trái tim đen của Càn Long, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh, … thừa biết nội bộ của Tây Sơn đang có sự kiện mất đoàn kết: Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc mới “nồi da xáo thịt” một trận hao binh tổn tướng, vì thế bọn họ còn chờ Nguyễn Huệ bị vua anh đánh sau lưng…

    Nhưng đại phúc cho Đại Việt, vẫn còn tiến sĩ Ngô Thời Nhậm, tiến sĩ Phan Huy Ích của triều Lê, có ẩn sĩ thánh Nguyễn Thiếp,… có thực tài và thức thời đã giúp vua Quang Trung, phá vỡ ván cờ tưởng chừng như “dở cuộc không còn nước” của Đại Việt. Hơn nữa vua hèn Lê Chiêu Thống dỡ trò ân oán quá quắt làm thất nhân tâm, quân xâm lược Thanh đang đóng quân thì “nhàn cư vi bất thiện”, các ngài đại tướng chinh Nam bắt dầu hống hách, yêu sách đủ điều. Bao nhiêu vàng bạc, châu báu, tiềng đồng mà vua hèn Lê Chiêu Thống đổi gạo cơm rượu thịt để cung ứng cho hằng vạn quân Thanh, phút chốc tiêu tan. Thế là nhà vua ra lệnh trưng thu, trưng dụng và đè cổ dân chúng Bắc Hà ra mà thu thuế… dân chúng Bắc Hà đã vỡ mộng, bắt đầu thấy mình bị lừa…



    Còn ở Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, được bầy tôi dâng sớ, cầu Bắc Bình Vương sớm lên ngôi hoàng để để chính danh. Và đúng 5 ngày sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi ở điện Kính Thiên làm vua “mãi quốc cầu vinh”, da Lê Duy Kỳ hồn Trần Ích Tắc, thì tại Bân Sơn, bên trái Ngự Bình Sơn, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Đại Việt vào ngày 25 tháng 11, Mậu Thân (1788), huy động toàn dân ra Bắc diệt quân xâm lược cùng bè lũ “Thanh nô” Lê Chiêu Thống. Thế là ván cờ chung cuộc diễn ngay kinh thành Thăng Long, bọn ác cùng với bọn ngu, vạn đứa thì ôm hận dưới gò Đông Đa, ngàn đứa thì làm ma rà, có đứa làm ma vòng trên cây, ngàn đứa làm hàng binh, ngàn đứa chạy thục mạng qua Tàu chết mòn đất khách. Còn quân dân Đại Việt oanh liệt viết tiếp trang sử anh hùng bất khuất, lấp lánh ngàn sao trên bầu trời Thăng Long năm Kỷ Dậu 1789, ôi vì sao sáng nhất là anh hùng dân tộc, đại phá quân Thanh, Quang Trung Nguyễn Huệ.


    http://danlambaovn.blogspot.com/2011...-rop.html#more

  2. #2
    Lotus
    Guest
    Trần Ích Tắc


    Thời Trần của Đại Việt, có một kẻ hàng giặc cầu vinh, tự dối mình gạt người bằng học vấn uyên thâm, ấy là Trần Ích Tắc. Sứ giả Nguyễn Đại Pháp của Đại Việt đã làm bẻ mặt Trần Ích Tắc vào năm Nhâm Thìn 1292 khi đi sứ nước Nguyên. Ngày xuân nghĩ về cha ông, rất đỗi tự hào, cảm phục những anh hùng liệt nữ nhưng cũng không khỏi buồn lòng về một số nhân vật lịch sử đớn hèn, có học vấn cao nhưng vẫn mơ hồ về chủ thuyết “bốn biển là anh em” như Trần Ích Tắc. Không may cho Ả Trần, một môn đồ của ông là Lê Tắc, trong An Nam chí lược đã ghi chép khá chi tiết về hành trạng của ông, một hàng thần được thiên triều Nguyên trọng dụng và ban nhiều ân sũng.


    Trần Ích Tắc là hoàng tử thứ năm của vua Trần Thái Tông. Trần Ích Tắc rất thông minh, ham học và tài hoa. Tứ thư ngũ kinh làu thông mà các kinh Pháp Hoa, Bát Nhã, Thủ Lăng Nghiêm... ông cũng tham cứu sâu sắc, nhưng ông không đạt được minh triết của Tuệ Trung Thượng Sĩ, không có tiết tháo của Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản...Thật vậy Trần Ích Tắc với tước Chiêu Quốc Vương, từng lĩnh ấn Đại Tướng, chỉ huy chống giặc miền Đà Giang, mới thua địch đã vội đầu hàng.Chẳng qua ông đã nhòm ngó ngai vàng từ trước, kẻ cơ hội chớp được thời cơ bất chấp liêm sĩ. Một tuấn sĩ sớm trở thành kẻ vô sĩ, đem triết lý Tống Nho biện minh cho hành động “nội phụ” thiên triều Nguyên, tự cho mình đã thể hiện chữ trung với Nguyên đế. Trần Ích Tắc đã “chính danh hóa” việc ông đầu hàng và xu nịnh triều Nguyên, mưu đồ đưa Đại Việt vào đồ bản đế quốc Nguyên Mông, bằng triết học Tống Nho.

    Lập luận sặc mùi nô dịch của Trần Ích Tắc là khi Trần Thái Tông, phụ vương của ông, chịu thần phục thiên triều Nguyên, nhận ấn An Nam Quốc Vương thì việc ông “hàng nhà Nguyên”, lĩnh ấn An Nam Quốc Vương là “nối chí” của tiên đế. Trong bài thơ “ Xuất quốc” của Trần Ích Tắc, ông tự cho mình là người “trung quân ái quốc” thuộc loại “siêu hạng”, không ai hiểu được ông, chỉ có trời mới biết:

    “Bỏ nước ra đi nhớ tự ngày
    Lòng trung canh cánh có trời hay.”

    Trần Ích Tắc muốn phơi bày lòng mình bằng điển cố điển tích một cách ngụy tín:

    “Chẳng qua Vi Tử buồn Ân mất,
    Há phải Văn Công trốn nước ngoài.”

    Ông biện minh việc ông bỏ nước hàng giặc không phải vì tham sống sợ chết mà vì mục đích cứu nước, cứu nhà như ông Vi Tử, hoàng huynh của vua Trụ. Vi Tử từng can ngăn thói hoang dâm vô độ của vua Trụ nhà Ân, vua không nghe, ông đành bỏ nước ra đi. Về sau Võ Vương diệt Trụ Vương, phong Vi Tử ở Tống để nối dòng dõi nhà Ân. Ông cho rằng Đại Việt không thể địch lại quân Nguyên, ông đầu hàng nhà Nguyên là để tránh nạn can qua cho tổ quốc và giữ được nghiệp nhà. Ông được nhà Nguyên trao ấn An Nam Quốc Vương để chính danh khi theo quân xâm lược Nguyên về “dày mả tổ”. Vua anh là Trần Thánh Tông, vua cháu là Trần Nhân Tông của ông đâu làm mất Đại Việt như vua Trụ để Trần Ích Tắc nối dõi! Nhưng bã “vinh hoa phú quí” mà ông được các hoàng đế Nguyên Mông đặc ân rất là “hậu hỷ” đã làm mờ mắt Trần Ích Tắc.

    Lê Tắc, trong An Nam Chí Lược, cho biết cứ mỗi lần Trần Ích Tắc về kinh đô chầu hầu trong lễ đăng quang của các vua Nguyên là được vua Nguyên “gia ân”. Năm 1284, quân Nguyên xâm lược Đại Việt, vua anh Trần Thánh Tông của ông đang lãnh đạo cả nước kháng chiến, còn các vương hầu Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên, Trần Lộng, Trần Kiện lại tham sống sợ chết, đem mấy vạn quân đầu hàng quân Nguyên năm 1285.

    Năm sau 1286 kẻ phản bội Trần Ích Tắc đã thỏa nguyện khi vua Nguyên Hốt Tất Liệt trao ông ấn An Nam Quốc Vương, trong tình cảnh nước nhà đầy máu và nước mắt nhưng lửa quật khởi vẫn bừng bừng khí thế. Vua có ngai mà chẳng có dân Trần Ích Tắc được thưởng 5000 quan tiền, năm sau được thưởng gấp đôi. Con trưởng của ông là Trần Bá Ý, cũng được Hốt Tất Liệt ban ấn An phủ sứ lộ Đà Giang, chức Gia nghị Đại phu. Với bã vinh hoa phú quí như thế, cha con An Nam Quốc Vương mang hia đội mão, khoát nhung y lên ngựa, theo Trấn Nam Vương Thoát Hoan về dày xéo tổ quốc, đốt vạn nhà, mổ bụng ngàn người, đào mả Trần Thái Tông. Tội ác như thế mà Trần Ích Tắc vẫn tự cho mình đúng đắn, đến mức vô liêm sĩ:

    Nghề mọn cơ cầu noi nghiệp trước,
    Tiếng thơm sử sách để sau này.

    Gã hoang tưởng Trần Ích Tắc tự dối mình gạt người chứ ông thừa biết “noi nghiệp tiền nhân, tiếng thơm sử sách” thuộc về vua anh Trần Thánh Tông và vua cháu Trần Nhân Tông! Khi quân Nguyên chiếm Thăng Long, An Nam Quốc Vương Trần Ích Tắc từ nơi đóng quân, tạm gác nhung y về thăm cố cung, không gặp người thân vì hầu hết xuôi nam kháng chiến, trong cảm thái cô đơn ông có viết bài thơ Trở về nước:

    “Bao năm xa nước khói mây mờ,
    Mình gởi nhung yên tạm viếng nhà.
    Lớp lớp lâu đài trơ bóng nguyệt,
    Hàng hàng châu thúy cách phương xa.
    Hạc về Đông Hải thôi đành vậy,
    Rắn cắn Nam Môn há dám mà.
    Hiu quạnh biết cùng ai nhắn hỏi,
    Gió sông lay đóa lệ chi già.”

    Thà ông đừng gieo hai câu luận (5,6) thì người đọc rất cảm xúc và dễ cảm thông nỗi lòng của một người bao năm đi xa về thăm nhà, không còn người thân thích, không còn hàng xóm xưa để hỏi tin tức người thân. Cặp luận làm bài thơ chỉ là “xảo ngôn” của tay đại trí thức, lỡ bán mình, hại nhà phá nước, nhằm che đậy “trái tim đen” mà thôi. Thật vậy ông vẫn tự phụ khi dùng hai điển cố Hạc và Nam Môn. Đinh Lịnh Uy người Liêu Đông từng xa quê hương tìm thầy học đạo tu tiên, về sau hóa Hạc bay về cố hương, đậu trên cột hoa biểu mà kêu.Còn Nam Môn ở nước Trịnh, có con mãng xà ở ngoài cửa cắn con mãng xà trong cửa; con trong cửa là rắn lớn do yêu quái hiện hình, nên bị mãng xà ngoài cửa cắn chết, người đời cho đó là điềm Lệ Công được về nước Trịnh.

    Trong dòng cảm xúc thật của Trần Ích Tắc có khả năng là “Khi sao phong gấm rũ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/Mặt sao dày gió dạn sương...” nhưng khi hạ bút, Trần Ích Tắc đã dối lòng khi dùng hai điển cố trên để tự an ủi và ngụy biện một cách tự cao tự đại. Đinh Lịnh Uy vì Tiên mà hóa Hạc qui cố hương, còn Trần Ích Tắc vì Tiền hóa Tặc về tàn phá nước nhà. Mãng xà ngoài cửa Nam Môn là loài vật còn biết phân biệt chính tà, quyết diệt loài rắn yêu quái trong cửa, chứ Thân Vương Trần Ích Tắc tự cho mình chính nghĩa, còn quyến thuộc họ Trần là yêu tặc nên ông theo Trấn Nam Vương Thoát Hoan về đánh giết huynh đệ.

    Hai câu luận của bài thơ Xuất quốc là bằng chứng trong thâm tâm Trần Ích Tắc rất hổ thẹn nhưng bên ngoài vẫn làm ra bộ mình có chính nghĩa. Một điều chắc chắn mà Trần Ích Tắc đã thể nghiệm: “Đại Mãng Xà” Thoát Hoan phải “chui ống đồng” thoát thân, “mãng xà” An Nam Quốc Vương Trần Ích Tắc cũng phách lạc hồn xiêu chạy về đất Ngạc, còn “mãng xà” Trần Thánh Tông, bề ngoài nhận ấn của thiên triều để tránh can qua chứ bề trong thì bất phục. Năm 1287, An Nam Quốc Vương giả Trần Ích Tắc lại theo Trấn Nam Vương về nước tác quái, tất nhiên bị đại bại hơn lần trước, đành phải nhận chức quan hàng tỉnh Hồ Quảng đẳng xứ, Hành Trung thư sảnh, Bình chương chính sự, để có lương bổng vậy...

    Những ngày ở Ngạc Châu, Trần Ích Tắc dần dần vỡ mộng và lòng thấy thẹn khi biết mình đã sai. Cú sốc đớn đau đối với An Nam Quốc Vương “giấy” Trần Ích Tắc là cuộc gặp sứ giả nhà Trần Nguyễn Đại Pháp năm Nhâm Thìn 1292. Sự kiện Nguyễn Đại Pháp của Đại Việt đi sứ sang Nguyên, Đại Việt sử ký toàn thư chép:

    “Nhâm Thìn, [Trùng Hưng] năm thứ 7 [1292]... Nguyễn Đại Pháp đến nước Nguyên, người Nguyên gọi là Lão lệnh công. Đại Pháp đến Ngạc Châu, vào yết kiến các quan bình chương ở hành tỉnh. Lúc ấy Chiêu Quốc Vương Ích Tắc cũng ngồi ở đó. Đại Pháp chỉ không chào một mình hắn. Ích Tắc hỏi:

    “Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư?”(Chiêu Đạo Vương trước tên là Quang Xưởng, là con thứ của Thái Tông, anh cùng mẹ của Ích Tắc). Đại Pháp trả lời:

    “Việc đời thay đổi, Đại Pháp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc”.

    Ích Tắc có vẻ hổ thẹn. Tứ đấy về sau, sứ ta đến, hắn không còn ngồi ở tỉnh đường nữa” (sđ d,tập II, tr.69).

    An Nam Quốc Vương “giấy” và Bình chương Chính sự ăn lộc thiên triều Nguyên, sau khi nhà Nguyên bãi binh, đành ngụ ở Ngạc Châu. Để vớt vát cho cái ấn An Nam Quốc Vương vô nghĩa, ông vẫn còn rêu rao về lý tưởng đại đồng mà ông đã theo. Ông nói thế nhằm che đậy dã tâm “mãi quốc cầu vinh”, ham vạn quan tiền Chí Nguyên, vài tấm kim đoạn, vài trăm khoảnh ruộng, để nhẫn tâm làm đất mẹ bao lần bị dày xéo, mộ cha ông bị đào, đồng bào mình tan nhà nát cửa, người thân mình phải điêu linh...:

    Ngày nay bốn biển chung đường lối,
    Nhà cũ xa trông núi Việt dài.

    “Bốn biển chung đường lối” tất nhiên không phải đường lối nội phụ thiên triều Nguyên của ông. Đường lối của một thân vương quá nhiều lần cúi rạp mình, dâng biểu chúc tụng các hoàng đế nhà Nguyên để được gia ân hàng vạn quan tiền. Đường lối của vua Đại Việt là cử sứ giả sang dâng biểu chúc tụng, dâng cống vật về mặt ngoại giao, để đổi lấy sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, tránh can qua cho sinh dân hai nước, chứ không bao giờ tự thân các vua Nam qua chầu hầu hoàng đế phương Bắc! Trần Ích Tắc viết như thế để che giấu đường lối sai lầm đầy ô nhục và tội lỗi của mình đó thôi. Trần Ích Tắc là một trí thức lớn đời Trần, ông thừa biết Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt đã tiêu diệt nhiều nước, trong đó có nước Tống tức Trung Quốc thời bấy giờ, thế thì “chung đường lối” để vào rọ của Đại Nguyên, là nô lệ ngoại bang ư?.

    Không phủ nhận Trần Ích Tắc có nỗi nhớ nhà nhớ nước, nhưng không phải nỗi đau khắc khỏai của Bà Huyện Thanh Quan đời sau: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Quả là “núi Việt dài” như ông nghĩ, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sơn hà xã tắc Đại Việt vẫn trường tồn, dẫu Đại Nguyên từng mưu toan chiếm đoạt và xóa sổ. Ông không thể cảm khái như Trần Quang Khải từng cảm khái: “Bến Chương Dương cướp giáo/Cửa Hàm Tử bắt thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước cũ muôn thu”.Cảm xúc của Trần Ích Tắc không thể là cảm khái của cháu ruột của ông là Trần Nhân Tông: “Xã tắc hai phen bon ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Hoặc ông làm sao sánh được anh ông là Trần Thánh Tông, ung dung tự tại của một người chiến thắng, nối nghiệp cha ông: “Trăng vô sự soi người vô sự/Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu/Bốn biển đã quang trần đã lặng/Chuyến đi này thắng chuyến đi xưa”.

    Kết cục buồn của An Nam Quốc Vương “giấy” Trần Ích Tắc là những ngày già ở Thiện Lạc đường ở Ngạc Châu, Hồ Quảng đẳng xứ. Có khả năng các đồng liêu của ông đã quên ông, không muốn nói là xem nhẹ ông, kẻ mãi quốc cầu vinh ở Bắc quốc. Bằng chứng môn đệ ông là Lê Tắc không chép một câu đối hay bài thơ nào của một vị nào thời Nguyên viếng ông khi ông tổ chức lễ mừng thọ hay khi ông qua đời. Trong khi đó, dù xa ngàn dặm, Lê Tắc vẫn sưu tầm những bài thơ của vua quan triều Trần, có cả thơ Trần Anh Tông, thuộc hàng cháu nội của Trần Ích Tắc. Có chăng là bài thơ viếng ông của môn đệ Lê Tắc “Vãn An Nam Quốc Vương”:

    “Ngày nào khách tọa nghe đàm đạo.
    Nay trước linh sàng đốt nến thờ.
    Nhìn họa dung xưa hồn phảng phất,
    Đọc thơ cáo cũ lụy chan hòa.
    Nấm mồ Nam quốc hầu xanh cỏ,
    Lối cũ Tây môn vẫn trắng hoa.
    Bao ná chiêu hồn ca khúc Việt,
    Tro tiền gió thổi, cỏ cây mờ.”

    Những ngày cuối đời của Trần Ích Tắc, cùng với người thân tín duy nhất là Lê Tắc ông đã nhắc nhiều về những thân thuộc đồng chí hướng “hàng giặc” như Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng, Trần Kiện. Trần Tú Viên khi hàng giặc và bị binh tướng nhà Trần đuổi đánh, gia đình thiệt mạng 8 người, viết thoại điếu thảm thiết “Ba đời chịu tám tang, đau thương nghìn thuở/ Một mình ngoài muôn dặm, cô quạnh trăm năm”. Có khả năng Trần Ích Tắc, Lê Tắc đau đớn nhất và nhớ thương nhất là Chương Hiến Thượng hầu, từng hàng giặc và theo giặc chạy sang Nguyên, không may bị quân nhà Trần giết chết ở ải Chi Lăng. “Nấm mồ Nam quốc hầu xanh cỏ/Lối cũ Tây môn vẫn trắng hoa” là nổi đau da diết của Trần Ích Tắc về những người thân cùng “chí hướng”, chung cảnh ngộ của ông vào những năm tháng cuối đời.

    Cuối đông Canh Dần.


    Quang Minh



    http://danlambaovn.blogspot.com/2011...-tac.html#more
    Last edited by Lotus; 02-24-2013 at 12:29 PM. Reason: bổ sung

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Ngày xưa thì đánh tầu....ngày nay lại yêu tầu......

  4. #4
    Lotus
    Guest
    Nỏ Thần của người Việt






    Những ai từng biết đến sự tích Nỏ Thần An Dương Vương thì đều hiểu rằng: Đó là hình tượng ẩn dụ về tính đoàn kết và lòng yêu nước của người Việt, điều kiện tiên quyết để tạo nên sức mạnh vô địch chống mọi kẻ thù xâm lược. Và điều đó đã được người xưa hình tượng hóa bằng biểu tượng Nỏ Thần bất hủ. Mất đi sự đoàn kết và lòng yêu nước là mất đi sức mạnh của một dân tộc, cũng như mất đi Nỏ Thần quý báu đó vậy.


    Chuyện kể rằng: Sau khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thần Kim Quy trao cho ông một chiếc móng của mình để làm lẫy nỏ mà giữ thành. Chiếc Nỏ Thần được tướng quân Cao Lỗ chế tạo thành công, với cái lẫy được làm từ móng chân của thần Kim Quy. Nỏ Thần có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên và bách phát bách trúng. Chiếc nỏ lớn và rất cứng, phải là người lực sĩ mới giương nổi. An Dương Vương quý chiếc nỏ thần vô cùng, lúc nào cũng để gần bên cạnh.


    Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân xâm lược Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần nên quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi bèn xin giảng hòa, mặt khác cho con là Trọng Thủy sang cầu thân nhưng thực chất là tìm cách để lấy trộm lẫy của nỏ thần. An Dương Vương không hề nghi ngờ gì cả, vả lại ông tin tưởng vào nỏ thần nên lơ là mất cảnh giác. Trọng Thủy sau khi lấy trộm được chiếc lẫy của nỏ thần bèn xin phép An Dương Vương để về nước thăm cha.


    Biết được bí mật của nỏ thần, lại có được chiếc lẫy trong tay nên Triệu Đà cả mừng và lập tức mang quân xâm chiếm Âu Lạc. Hay tin quân giặc đang đến gần nhưng An Dương Vương vẫn chủ quan vì có nỏ thần. Đến khi quân giặc tiến đến sát chân thành ông mới lệnh cho quân lính mang nỏ thần ra để giết giặc. Nhưng nỏ thần đã bị mất lẫy, vì vậy mà không có được sức mạnh như xưa. Quân Triệu Đà reo hò xông vào phá thành, trước sức mạnh như vũ bão của quân địch, An Dương Vương đành phải bỏ thành và mang theo con gái là Mỵ Châu chạy trốn.


    Câu chuyện mất nước của Thục Phán An Dương Vương là một bài học đắt giá, vì vậy mà mọi thế hệ người Việt đều luôn đề cao cảnh giác trước bọn giặc phương Bắc đầy mưu mô quỷ quyệt.


    Ngày nay, có một bọn hậu duệ lại không cần biết đến kinh nghiệm đó của cha ông, chúng quên đi bài học đau đớn mà tiền nhân đã truyền dạy. Vì vậy mà đất nước Việt Nam ngày nay đang sắp bị mất một cách toàn diện trước bọn giặc Bắc phương. Sở dĩ có điều đó là vì bọn hậu duệ này đi tôn thờ một chứ chủ nghĩa Cộng sản hoang tưởng nào đó mà đành nhẫn tâm bán rẻ đất nước quê hương, cũng như người dân cho kẻ thù. Bọn bán nước này đã không đợi kẻ địch tìm cách phá hoại nỏ thần mà tự chúng phá đi cái lẫy thần của người Việt. Đó là việc chúng đàn áp và bắt bớ những người yêu nước dám đứng lên chống quân xâm lược. Một mặt chúng lừa dối và ngu dân để họ không còn quan tâm gì đến vận mệnh đất nước. Người dân vì thế mà mất đi lòng tự hào dân tộc, quên đi cội nguồn và lịch sử của ông cha. Vì vậy mới có câu chuyện sau:


    “Trong giờ dạy Sử, cô giáo đang giảng bài. Chợt nhìn thấy một cậu học sinh ở bàn cuối đang gối đầu lên bàn ngủ ngon lành, cô liền gọi cậu ta dậy và hỏi:

    - Em cho cô biết ai đã lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương?

    Cậu học trò chưa tỉnh hẳn, gãi đầu gãi tai rồi ấp úng:

    - Thưa cô, em... em không lấy ạ!

    Nghe thấy vậy, cô giáo giận đỏ mặt, liền gọi lớp trưởng đứng dậy trả lời câu hỏi. Lớp trưởng trả lời:

    - Thưa... thưa cô, cũng không phải là em lấy ạ. Cô cứ cho lục soát cặp thì rõ ạ!...

    Vừa lúc này thì thì trống điểm giờ ra chơi. Cô giáo giận dữ xách cặp đi ra khỏi lớp, đến Văn phòng nhà trường thì gặp thầy chủ tịch Công đoàn. Cô liền phân ưu với thầy:

    - Học trò bây giờ không chịu học sử gì cả. Tôi hỏi ai đã lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương mà không em nào biết, thật là tức quá đi thôi!

    Thầy chủ tịch Công đoàn liền lên tiếng trấn an:

    - Đằng nào thì cũng mất rồi, cô tức giận làm gì cho mệt. Hỏi chúng nó giá chiếc nỏ đó bao nhiêu tôi sẽ bỏ tiền Công đoàn ra mà đền, thế là xong chuyện.”


    Thưa quý vị, nước Việt ngày nay như thế thì thử hỏi làm sao mà không mất nước? Bên trong thì cái lẫy nỏ thần của người Việt đã bị đảng Cộng sản bẻ gãy. Bên ngoài thì giặc phương Bắc đang xâm chiếm biển đảo. Mối an nguy của đất nước đang hiện hữu từng phút từng giây.


    Ôi! Nỏ Thần của người Việt đang ở nơi đâu?



    Minh Văn



    http://danlambaovn.blogspot.com/2012...viet.html#more

  5. #5
    Lotus
    Guest
    Ðọc Bình Ngô Ðại Cáo




    Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - ... Cả nước cùng học lại, cùng hiểu nghĩa bài Bình Ngô Ðại Cáo thì 90 triệu trái tim cùng đập theo một nhịp. Ðến nước sông Hồng cũng phải sôi lên đỏ rực, nước Cửu Long cũng phải cuồn cuộn dâng trào. Ước mong quý vị nhà giáo đồng nghiệp của tôi sẽ để ý tới đề nghị này. Ước mong ngày Giỗ Vua Lê năm nay cả nước sẽ cùng đập trống, gõ mõ, đọc Bình Ngô Ðại Cáo theo nhịp của trái tim mình. Sẽ cùng nhau đọc: “Nền vạn thế xây nên chăn-chắn - Thẹn nghìn thu rửa sạch làu-làu!” Rồi quyết tâm cùng nhau làm sao đừng để cho con cháu bị mắc một mối nhục ngàn thu!...

    *

    Gần đây tôi trở lại cái thói quen hay lẩm nhẩm bài Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi. Ðem đạo nghĩa để thắng hung tàn - Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Ðọc xong bỗng thấy cái xương sống lưng mình đứng thẳng hơn, y như có người kéo cho đầu mình bắt phải ngẩng lên vậy. Hồi còn trẻ tôi dậy học trò môn lịch sử, đã có lúc hành hạ các em nhỏ bằng bài văn này. Khi học đến đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi đố các học sinh, ai học thuộc lòng bài Ðọc Bình Ngô Ðại Cáo sẽ được 20 điểm. Không hiểu sao hồi xưa các thầy cô ở nước ta hà tiện, với môn sử, địa điểm tối đa thường chỉ cho tới 15, 16. Cho nên nghe nói 20/20 nhiều em học trò cũng hăng hái chấp nhận lời thách đố của thầy giáo.

    Tôi không ngờ, có rất nhiều học sinh hồi đó, những năm 1960 ở Sài Gòn, đã học thuộc lòng bài Ðọc Bình Ngô Ðại Cáo, bản dịch rất văn chương chép trong Việt Nam Sử Lược. Tới ngày trả bài, nhiều em xin lên đọc, phải cho các em đọc theo lối tiếp sức. Một em đọc nửa chừng, ông thầy ra hiệu cho một em khác đọc tiếp, rồi trở lại người cũ hay đổi sang người mới, em nào cũng phải sẵn sàng đọc tiếp, tức là phải thuộc lòng cả bài Ðọc Bình Ngô Ðại Cáo. Khi chấm dứt, “Bá cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết” thì cả lớp vỗ tay; thầy lẫn trò đều nghẹn ngào. Bởi vì khi cùng nhau đọc và nghe bài đại cáo này, lòng yêu nước thế nào cũng dâng lên, bồi hồi nhớ các tổ tông đời trước!

    Một nửa thế kỷ đã qua, bây giờ tôi chắc nhiều học sinh cũ của tôi vẫn còn nhớ bài Ðọc Bình Ngô Ðại Cáo, dưới ngòi bút dịch nhuần nhã cao sang của Bùi Kỷ. Nhiều người sau này đã dịch cách khác, có thể đúng, sát nghĩa hơn; nhưng không thể coi là những áng văn chương như bản dịch Bùi Kỷ. Tôi hy vọng các em vẫn còn có thời giờ lâu lâu đọc lại, thưởng thức những lời văn trác tuyệt đó. Chính tôi có những lúc thấy mình đang lẩm nhẩm, “Giang san từ đây mở mặt - Xã tắc từ đây vững nền.” Chợt thấy mình đang đọc, xong rồi lòng ngẩn ngơ.

    Cho nên, tôi nảy ra một ý kiến muốn đề nghị với các thầy, các cô giáo, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác. Tại sao chúng ta không tổ chức một ngày giỗ Lê Lợi bằng một buổi đọc Bình Ngô Ðại Cáo? Tháng Tám Âm lịch sắp tới có hai ngày giỗ ai cũng nhớ: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Hồi nhỏ, có lần tôi đã được dự lễ ở ngay tại Ðền Vua Lê bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bây giờ đúng là lúc nên cho các bạn trẻ ở nước ta đọc lại Nguyễn Trãi, nhớ lại công ơn Lê Thái Tổ. Nhân ngày giỗ vua Lê, học sinh tiểu học, trung học tất cả các làng, các tỉnh, khắp nước Việt Nam hẹn nhau một giờ cùng tụng đọc bài Bình Ngô Ðại Cáo. Các em không cần học thuộc lòng, cứ cầm bản văn đọc dõng dạc trang nghiêm cũng quý lắm rồi. Chắc tổ chức ở trong trường thì không ai gọi là biểu tình. Không cần phải xin phép xin tắc gì cả. Ở nước ngoài thì càng dễ tổ chức hơn nữa. Ðọc trong chùa, trong nhà thờ càng thêm nghiêm trang.

    Nhiều người sẽ phản đối, vì sợ các em học sinh không hiểu hết được cả bài Bình Ngô Ðại Cáo. Chuyện đó tự nhiên; nhưng không hiểu thì phải học cho hiểu. Bố mẹ, thầy cô phải học trước cho rõ nghĩa từng câu, rồi giảng lại cho các em hiểu. Không nên lười, không nên ngại khó. Cái công mình học cho hiểu nghĩa bài Bình Ngô Ðại Cáo không khó nhọc bằng công các cụ Lê Lợi, Nguyễn Trãi đời xưa đánh giặc Minh suốt 10 năm đâu!

    Có người còn than phiền là bài văn này, ngay cả bản dịch ra tiếng Việt của Bùi Kỷ, cũng có nhiều chữ Hán quá. Như vậy có gì mâu thuẫn không? Một bản văn nêu cao ý chí cương cường của dân Ðại Việt chống lại cuộc xâm lăng và âm mưu Hán hóa của vua chúa bên Tàu, không lẽ mình lại cứ sử dụng đầy chữ Hán như thế? “Nhật nguyệt hối rồi lại minh - Càn khôn bĩ rồi lại thái!” Sao không nói ra tiếng Việt ròng cho chúng cháu nhờ!

    Xin nhắc: Những chữ đó đều thuộc vào tiếng Việt từ lâu rồi. Ông anh tôi tên là Nhật, cô em tên là Nguyệt, bộ tưởng họ người Trung Quốc hay sao? Nói đến “Càn Khôn” mà e ngại là mình ăn phải đũa người Trung Hoa, thế thì không nghe bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương nói, “Miệng túi càn khôn thắt lại rồi;” nghe mà cười khúc khích với nhau hay sao? Nếu không chịu học thì làm sao biết mà cười? Những chữ đó, chúng không có quốc tịch. Ở bên Trung Quốc nó là chữ Tàu; qua biển sang Nhật nó thành tiếng Nhật; sang đến nước ta nó là tiếng Hán Việt. Ai nuôi nó thì nó thành đứa con ngoan ngoãn cho mình sai bảo. Còn ai từ chối nó thì nó đi mất luôn. Thế khi mình đi biểu tình, hô to, “Ðả đảo Trung Quốc xâm lược” thì mình đang nói tiếng gì đây? Cả sáu chữ được hô lên đều là gốc Hán, là con nuôi cả! Tổ tiên chúng ta đã gom chúng lại, nuôi nấng chắt chiu được mấy chục ngàn tiếng mới, gọi là tiếng Hán Việt, truyền lại cho con cháu xài trong cả ngàn năm. Bây giờ tính đem đổ xuống sông xuống biển hết hay sao?

    Có người lớn cái đầu, 40, 50 tuổi mà vẫn cứ e ngại, bảo rằng mình rất khâm phục con người Nguyễn Công Trứ, nhưng không thể đọc thơ ông được. Vì trong đó toàn chữ Hán. Ðọc lên tưởng như mình hóa thành người Trung Hoa!

    Người nói câu đó rõ ràng là thời còn ít tuổi đã mất cơ hội học đến nơi đến chốn. Cho nên khi lớn lên, không muốn học, sợ khó. Mà đó chỉ là học có mấy chục chữ Hán Việt trong một bài thơ, mà đã sợ khó rồi. Bèn tự trừng phạt, không cho mình đọc thơ Nguyễn Công Trứ nữa. Mà thực sự, có ai bắt chúng ta phải học chữ Hán đâu. Chỉ cần nghe đọc lên thì hiểu cái tiếng gốc chữ Hán ý nghĩa thế nào thôi. Người Trung Hoa viết thế nào, không cần biết. Hãy tưởng tượng một học sinh người Nhật phải học chữ Hán thế nào thì thấy việc học thơ cổ của mình dễ ợt. Nước Nhật chưa bị người Trung Hoa đô hộ ngày nào, nhưng trong ngôn ngữ họ bắt cóc đem chữ Hán về nuôi và dùng, đông đúc cũng bằng một nửa số chữ thông dụng.

    Một người Nhật biết chữ có nghĩa là phải biết vài ngàn chữ Hán. Nhìn chữ người Hoa viết thế nào phải đọc lên được, hiểu được nghĩa. Mệt nhất là phải biết cách viết chữ đó, viết đúng thứ tự, có 10 nét thì nét nào viết trước, nét nào viết sau. Ở nước Nhật 99% dân biết chữ. Một học sinh qua bậc tiểu học phải biết mấy trăm chữ, học hết trung học phải biết mấy ngàn chữ, tất cả được quy định trong chương trình giáo dục. Nếu không học thì lớn lên cầm tờ báo không đọc được!

    Nghĩ đến công khó nhọc của các học sinh Nhật thì phải thấy mình học thêm một chút để hiểu bài Bình Ngô Ðại Cáo là việc dễ như không. Cả nước cùng học lại, cùng hiểu nghĩa bài Bình Ngô Ðại Cáo thì 90 triệu trái tim cùng đập theo một nhịp. Ðến nước sông Hồng cũng phải sôi lên đỏ rực, nước Cửu Long cũng phải cuồn cuộn dâng trào.

    Ước mong quý vị nhà giáo đồng nghiệp của tôi sẽ để ý tới đề nghị này. Ước mong ngày Giỗ Vua Lê năm nay cả nước sẽ cùng đập trống, gõ mõ, đọc Bình Ngô Ðại Cáo theo nhịp của trái tim mình. Sẽ cùng nhau đọc: “Nền vạn thế xây nên chăn-chắn - Thẹn nghìn thu rửa sạch làu-làu!” Rồi quyết tâm cùng nhau làm sao đừng để cho con cháu bị mắc một mối nhục ngàn thu!


    Ngô Nhân Dụng

    http://www.shcd.de/tn_danchu/1209/do...Dai%20cao.html

    *

    Bình Ngô Ðại Cáo


    Nguyễn Trãi - (bản dịch của cụ Ưu Thiên Bùi Kỷ)

    Bài bố cáo với quốc dân về việc vua Lê Thái Tổ Lê Lợi đã bình định xong giặc nhà Minh bên Tàu, viết bằng chữ Hán, do đại thần Nguyễn Trãi làm ra. Trong bài này Nguyễn Trãi đã dùng tài văn chương ca tụng công nghiệp khai sáng của vua Lê. Lời lẽ trong bài Bình Ngô Ðại Cáo rất hùng hồn, sắc bén, nêu cao hùng khí của người xưa và tinh thần bất khuất của dân ộc ta. Ðọc bài này, hậu thế lấy làm hãnh diện trước cảnh vinh quang của đất nước và lấy làm hứng khởi.

    Tượng mảng:

    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
    Quân điếu phạt chỉ vi`khử bạo .
    Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu,
    Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác.
    Từ Ðinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập,
    Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.
    Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
    Song hào kiệt đời nào cũng có.

    Vậy nên:

    Lưu Cung sợ uy mất vía,
    Triệu Tiết nghe tiếng giật mình.
    Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Ðô,
    Sông Bạch Ðằng bắt sống Ô Mã.
    Xét xem cổ tích đã có minh trưng.

    Vừa rồi:

    Vì họ Hồ chính sự phiền hà để trong nước nhân dân oán hận.
    Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược,
    Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

    Chước dối đủ muôn nghìn khóe,
    Ác chứa ngót hai mươi năm.
    Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn,
    Nặng khoa liễm vét không sơn trạch:
    Nào lên rừng đào mỏ,
    Nào xuống bể mò châu,
    Nào hố bẫy hươu đen,
    Nào lưới lò chim sả.

    Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay? quan quã điên liên.
    Kẽ há miệng đứa nhe răng máu mỡ bẩy no nê chưa chán.
    Nay xây nhà mai đắp đất chân tay nào phục dịch cho vừa.
    Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề sanh cửi.
    Ðộc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi.
    Lẽ nào trời đất tra cho
    Ai bảo thân nhân nhịn được.

    Ta đây:

    Núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình.
    Ngắm non sông căm nỗi thế thù,
    Thề sống chết cùng quân nghịch tặc.
    Ðau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa,
    Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

    Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tính;
    Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phê đắn đo càng kỹ.
    Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
    Chỉ băn khoăn một nỗi đổ hồi.
    Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
    Chính là lúc quân thù đang mạnh.

    Lại ngặt vì:

    Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
    Nhân tài như lá mùa thu.
    Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đầu,
    Nơi duy ác hiếm người bàn bạc.
    Ðôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông mấy thủa đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả.
    Thế mà trông người , người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương
    Thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chứng nịch.
    Phần thì giận hung đồ ngang dọc,
    Phần thì lo quốc bộ khó khăn.
    Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
    Khi Khôi Huyện quân không một đội.
    Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng bắt trải qua bách chiếc thiên ma,
    Cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử.
    Múa đầu gậy ngọn cờ phất phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ.
    Mở tiệc quân, chén rượu ngọt ngào khắp tướng sĩ, một lòng phụ tử.
    Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi,
    Quân giặc nhiều ta ít mà ta được luôn.

    Dọn hay:

    Ðem đại nghĩa để thắng để thắng hung tàn
    Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
    Trận Bồ Ðằng sấm vang sét dậy,
    Miền Trà Lân trúc phá tro baỵ
    Sĩ khí đã hăng ,
    Quân thanh càng mạnh.
    Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan,
    Phương Chính, Lý An tìm đường trốn tránh.

    Ðánh Tây Kinh phá tan thế giặc,
    Lấy Ðông Ðô thu lại cõi xưạ
    Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông,
    Bến Tuy Ðộng xác đầy ngoài nội.
    Trần Hiệp đã thiệt mạng,
    Lý Lương phải phơi thây.
    Vương Thông hết cấp lo lường,
    Mã Anh khôn đường cứu đỡ.

    Nó đã trí cùng lực kiệt bó tay không biết tính sao,
    Ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất.
    Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu lẽ tới lui,
    Ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương gây mầm tội nghiệp.

    Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người,
    Tham công một thời, chẳng bỏ bày trò dơ duốc.
    Ðến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên đức, nhàm võ không thôi ;
    Lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đêm dầu chữa cháy.

    Năm Ðinh Mùi tháng chín,
    Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang
    Mộc Thạch tự Vân Nam kéo đến.

    Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân,
    Ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo.
    Mười tám Liễu Thăng thua ở Chi Lăng,
    Hai mươi Liễu Thăng chết ở Mã Yến.
    Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong,
    Hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn.
    Lưỡi dao ta đang sắc,
    Ngọn dáo giặc phải lùi.
    Lại thêm quên bốn mặt vi thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc.
    Sĩ tốt ra oai tì hổ
    Thần thứ đủ mặt trảo nha.
    Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
    Voi uống nước, nước sông phải cạn.
    Ðánh một trận sạch thông kình ngạc,
    Ðánh hai trận tan nát chim muông.
    Cơn gió to trút sạch lá khô,
    Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.
    Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi,
    Hoàng Phúc tự trói để ra hàng.
    Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường,
    Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
    Gớm ghê thay ! Sắc phong vân cũng đổi,
    Ảm đảm thay ! Sáng nhựt nguyệt phải mờ.
    Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật;
    Quân Mộc Thạnh tan chưng Cầu Trạm, chạy để thoát thân.
    Suối máu Lãnh Câu nước sông rền rỉ,
    Thành xương Ðan Xá, cỏ nội đầm đìa.
    Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy;
    Các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu.
    Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội;
    Thế lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.

    Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực.
    Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi.
    Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục,
    Ta toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.

    Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có.
    Giang sơn từ đây mở mặt
    Xã tắc từ nay vững nền.
    Nhật nguyệt hối mà lại minh,
    Càn khôn bỉ mà lại thái.
    Nếu vạn thế xây nền chăn chắn,
    Hẹn nghìn thu rửa sạch làu làu.
    Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy.

    Than ôi!

    Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định,
    Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh.
    Bá cáo xa gần, ngõ cùng nghe biết.


    http://danlambaovn.blogspot.com/2012...-cao.html#more

  6. #6
    Lotus
    Guest
    Đêm ngồi ta nhớ…




    Đêm khuya ngồi nhớ bể dâu
    Nhớ người mài kiếm trên đầu trăng treo
    Nửa đêm truyền hịch quân reo
    Tên reo đầu ngựa, chân leo xác thù.

    Đêm khuya ngồi nhớ bể dâu
    Nhớ người khuất bóng đằng sau mây buồn
    Ngàn năm chưa hết căm hờn
    Đâu đây tiếng vọng “Lam Sơn” gọi về… (*)

    Đêm khuya nhớ cả buồn xưa
    Thương ngà ngọc vỡ mà chua xót thầm
    Xé đi trang sử ngàn năm
    Thắp vì sao mới âm thầm cho ai?

    Người say chén rượu Mao Đài
    Người lau nước mắt lăn dài đêm đêm
    Mặt trời sẽ xóa màn đêm
    Hoa kia vẫn nở bên thềm nắng mai.




    Minh Sơn Lê

    http://danlambaovn.blogspot.com/2012...-nho.html#more

  7. #7
    Lotus
    Guest
    Trả lại hào khí Diên Hồng




    Lịch sử Việt Nam là lịch sử thăng trầm của một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây.

    Những khoảng khắc hòa bình hầu như ngắn ngủi. Sau 1975 niềm vui độc lập và thống nhất, với biết bao máu và nước mắt vô tội đổ xuống, đã không kéo dài bao lâu. Đất nước triền miên rơi vào khủng hoảng, hết khủng hoảng kinh tế, đến khủng hoảng đạo lý và bây giờ khủng hoảng niềm tin. Điều đó suy cho cùng có nguyên nhân nội tại từ chính sự nhu nhược của mỗi con người chúng ta.

    Bốn ngàn năm lịch sử đã kết nối từng cá nhân thành một dân tộc, hun đúc nên khát vọng Đại Việt, đưa chúng ta đi hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự chủ và thống nhất giang sơn về một mối. Thành tựu ấy có được là do sự quật khởi của hào khí Diên Hồng qua các thời đại.

    Tiếc thay khi chuẩn bị bước vào nền thái bình thịnh trị, sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi! Kẻ thì bỏ nước ra đi, trốn tránh. Người thì ở lại nhẫn nhục, muộn phiền. Bọn cơ hội thừa dịp thi thố sự đồi bại, biến giang sơn chung thành món mồi riêng tư béo bở.

    Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.

    Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.

    Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.

    Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.

    Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?

    Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc.

    Toàn văn bài viết này đã đăng trên báo Pháp Luật TP. HCM ngày 5-3-2006.


    Lê Công Định

    http://danlambaovn.blogspot.com/2012...hong.html#more

  8. #8
    Lotus
    Guest
    Kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa - Mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789)




    Võ Đại Tôn (Danlambao)

    Hôm nay
    Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa
    Lừng danh Lịch Sử.
    Chúng tôi, đàn con lưu vong viễn xứ
    Xin cúi đầu lạy tạ Cha Ông.
    Những bậc Anh Hùng bảo vệ núi sông
    Qua chiến tích nghìn thu dũng liệt.
    Đuổi xâm lăng, rạng ngời trang Sử Việt
    Nét vàng son Tự Chủ giống Rồng Tiên.
    Bành tượng uy nghi tỏa khí hùng thiêng
    Quân thần tốc băng sông vượt suối.
    Hẹn về Thăng Long xô thành bạt núi
    Dựng cao cờ trên đỉnh trời Xuân.
    Vì Tổ Quốc đâu quản ngại gian truân
    Đem xương máu lót đường hoa Đại Nghĩa.
    Tiếng voi đi, ngựa hí, rền vang trận địa
    Lộng tinh kỳ Đại Đế gió bừng say.
    Bắc Bình Vương uy dũng dáo vèo mây
    Vung thần kiếm oai linh ngời tinh đẩu.
    Đánh cho tan loài Bắc phương thảo khấu
    Diệt cho tàn quân cướp nước xâm lăng.
    Đại Việt ta, nền tự chủ vĩnh hằng
    Không cúi nhục, giữ sơn hà xã tắc.
    Một trận tiến công, quân thù xanh mặt
    Trống Ngọc Hồi thay pháo Tết mừng Xuân.
    Hai trận tiến công, Quân-Tướng hợp quần
    Như vũ bão, đạp phăng thành Khương Thượng.
    Sầm-Nghi-Đống bơ vơ dưới trướng
    Đành sát thân, quân vỡ mật tan hàng.
    Núi Loa Sơn thây giặc máu nồng loang
    Hồn chưa thoát nỗi kinh hoàng khiếp vía.
    Gò Đống Đa, nơi quân thù tuyệt địa
    Thành mồ chôn, tan vỡ mộng Thanh triều.
    Hai mươi vạn hùng binh với tướng ngạo quân kiêu
    Trong phút chốc phải tan đàn rã đám.
    Trời Bắc phương mây mù ảm đạm
    Quân xâm lăng cởi giáp quy hàng.
    Lũ đuôi sam quỳ lạy kêu van,
    Tôn-Sĩ-Nghị trốn chui về biên giới.
    Thành Thăng Long tinh kỳ phất phới
    Triệu lòng dân mở hội hoa đăng.
    Một mùa Xuân Chiến Thắng vĩnh hằng
    Trang sử mới trời phương Nam định vị.
    Đến muôn đời, nét vàng son cao quý
    Dành riêng Người Áo Vải đất Tây Sơn.

    *

    Ngày hôm nay
    Cả non sông đang dậy sóng căm hờn
    Mộng xâm lăng từ Bắc phương tái diễn.
    Bản Giốc, Nam Quan, Hoàng Sa đảo biển
    Rừng Tây Nguyên thành sứ quận chư hầu.
    Cộng Sản Việt Nam xin dâng hiến cúi đầu
    Quên sử cũ, vì đảng riêng toàn trị.
    Chúng tôi đây, nguyện bền gan vững chí
    Dù tha phương xin vẹn giữ Tâm thành.
    Cúi lạy Tiền Nhân từng lẫm liệt uy danh
    Xin dẫn bước cho Toàn Dân quyết thắng.
    Xuân Dân Tộc trời phương Nam rạng nắng
    Hoa Tự Do nở đẹp bước quân hành.
    Cờ Quang Trung lồng lộng giữa trời xanh
    Gương Tự Chủ một thời đang chỉ hướng.
    Quê Hương cội nguồn một ngày mai hưng vượng
    Đàn con về chung máu giữ non sông,
    Dựng lại Mùa Xuân Chiến Thắng giữa Thăng Long !



    Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)




    http://danlambaovn.blogspot.com/2013...t-ky.html#more

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 246
    Last Post: 12-28-2016, 08:24 AM
  2. Thành phố hồng cuối hạ
    By đoa hong tim in forum Truyện
    Replies: 28
    Last Post: 11-22-2015, 05:22 AM
  3. Ngọt ngào cuối phố
    By Lâm Viên in forum Gia Chánh
    Replies: 21
    Last Post: 11-22-2011, 06:50 AM
  4. Những Giọt Long Lanh
    By Ngọc-Hạnh in forum Truyện
    Replies: 0
    Last Post: 10-22-2011, 04:08 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:00 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh