Register
Page 1 of 46 12311 ... LastLast
Results 1 to 10 of 452
  1. #1
    Biệt Thự ngocdam66's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Los Angeles, California, United States
    Posts
    23,992

    Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

    Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
    Không thể sống chung với độc quyền
    Cái “Tết Tây” vừa qua, cái “Tết Ta” đang tới. Khung cảnh những đường phố lớn ở VN thật nhộn nhịp với đèn hoa tưng bừng, với những “Hội Hoa Xuân”, với những đại siêu thị đại hạ giá, hàng đoàn người lũ lượt, chen chúc nhau chờ mua hàng xịn, hàng rẻ. Từ cổng chợ đến các hàng quán vỉa hè cũng bày bán đủ mặt hàng tết, xanh đỏ, hoa hòe hoa sói trông thật vui mắt. Nhìn cái khung cảnh “thanh bình hoan lạc” ấy, ai cũng cho rằng người VN đang hưởng một mùa xuân no đủ, hạnh phúc và chúng ta cũng mong như thế.
    Nhưng thật ra đó chỉ là cái bề ngoài. Nếu đọc tin ở các tờ báo trong nước thì hầu như tất cái xanh đỏ ấy toàn là “nhiệm độc nặng”, ăn vào sinh bệnh và có thể “ra đi” ngay. Mời bạn đọc qua mấy hàng tin sẽ thấy ngay sự “rùng rợn” như thế nào.
    "Đậm đặc" phụ gia độc trong thực phẩm
    Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nhâm Thìn, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết có đến hơn 61% cơ sở vi phạm. Đây là các cơ sở sản xuất các loại mặt hàng mứt, lạp xưởng, hạt dưa, rau câu.
    Trong đó, 9 trong 21 mẫu thực phẩm được thanh tra kiểm nghiệm có các phụ gia, hóa chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Cụ thể: 4 mẫu mứt có chứa chất tẩy trắng công nghiệp; 4 mẫu chả có chứa hàn the và 1 mẫu rau câu chứa đường hóa học.
    Rồi đến thực phẩm còn nhiễm độc nặng hơn như “phụ gia + mỡ thối = lạp xưởng”
    Theo thông tin từ Cảnh sát môi trường TP.HCM, từ đầu tháng 12.2011 đến nay, lực lượng này đã tập trung kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Tết.
    100% cơ sở được kiểm tra đều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩn
    "Rùng rợn" nhất là "công nghệ" sản xuất lạp xưởng theo công thức: phụ gia + mỡ thối = lạp xưởng. Kiểm nghiệm ATVSTP các tỉnh phía nam của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.Sài Gòn, cho kết quả: Hơn 58,6% các mẫu thịt và sản phẩm từ thịt được kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu ATVSTP.
    Trong đó, tại TP.Sài Gòn, gần 89% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm có chứa vi khuẩn E.coli (loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy) và tụ cầu vàng S.aureus (gây nhiễm khuẩn); 83,3% mẫu chà bông có chứa vi khuẩn E.coli, đường hóa học cyclamate.
    Tại Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre: 100% các mẫu thịt heo được kiểm nghiệm đều phát hiện vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng S.aureus.
    Một số thực phẩm chế biến phục vụ cho Tết tại TP Sài Gòn: 80% mẫu lạp xưởng sử dụng phẩm màu vượt mức cho phép, nhiễm độc chì và các chỉ tiêu vi sinh khác; 76,67% mẫu xúc xích thanh trùng, jambon có vi khuẩn E.coli, S.aureus, chì; 20/21 (95,24%) mẫu chả lụa chứa hàn the, chì và một số phụ gia vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ Y tế…
    Gần 61% sản phẩm bia, rượu được kiểm nghiệm có hàm lượng aldehyde, mentanol, ethanol, độ a-xít vượt quá quy định.
    Hơn 91% mẫu rau được kiểm nghiệm bị phát hiện có chất tẩy trắng, vi khuẩn E.coli, natri benzoate…
    Đó mới chỉ là sơ lược những báo động đỏ, còn nhiều những hàng tin như vậy về đủ mọi loại thực phẩm có chứa đủ lọai chất độc mà người ta có thể mua được dễ dàng ở các cửa hàng bán hóa chất tại các chợ. Chỉ cần lướt qua mấy hàng tin này, dân Sài Gòn… hết muốn ăn Tết. Ăn Tết là ăn chất độc, chưa biết vào bệnh viện hay ra nghĩa địa lúc nào!
    Vài hàng để bạn đọc thông cảm với dân Sài Gòn, nhưng chuyện đáng nói nhất là chuyện tăng giá điện với những lo ngại của người dân.
    Tăng giá điện, cú “đánh úp” lên đầu dân
    Không thể hiều nổi tại sao, đùng một cái, ngày 20-12 vừa qua, ông “nhà đèn” đột ngột tăng giá điện lên 5%. Trong khi chính phủ vẫn “kiên quyết kiềm chế lạm phát” và “bình ổn giá cả thị trường”, cú tăng giá điện tất nhiên sẽ gây không ít khó khăn cho quyết tâm của chính phủ VN. Một đằng nói “kiềm chế”, một anh “phá bĩnh” cứ tăng giá. Thế thì làm sao cầm cương được con ngựa bất kham đúng vào thời kỳ “nhạy cảm” nhất trong năm. Sao không thể để sau Tết, các mặt hàng có thể sẽ xuống giá, lúc đó hãy nói chuyện tăng giá điện. Các ông điện lực sợ cái gì mà vội vàng tăng giá đúng vào lúc người dân không ngờ nhất?
    Như thế, đúng nghĩa đó là “cú đánh úp” ngoạn mục nhất. Người dân trắng mắt ra nhìn. Ngay lập tức, ngày hôm sau các mặt hàng từ lòng chợ đến đường phố có lý do chính đáng để tăng giá vô tội vạ. “Bác không thấy giá điện tăng đó sao, hàng chúng tôi cũng phải tăng chứ không lỗ vốn à”. Và cứ thế cú đánh úp này, theo đúng sách vở “du kích chiến” mang lại chiến thắng vẻ vang cho các “ông ta nhà đèn”. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức giữa người dân và ông độc quyền. Dân có muốn phản kháng, có muốn nêu ý kiến cũng chẳng được. Ý kiến thì được cái gì và với ai đây?
    Trước những lo ngại và bất bình của người dân, chỉ trong 2 ngày, chiều 22-12 đã có hơn 2.700 câu hỏi gửi đến một tờ báo điện tử “phỏng vấn” những quan chức có trách nhiệm. Có 4 ông thuộc Tổng Cty Điện Lực trả lời trực tuyến, đó là các ông Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN - Đinh Quang Tri, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Nguyễn Tiến Thỏa, và Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Đinh Thế Phúc. Không thấy ông nào của Bộ Công Thương hay của VP Chính Phủ. Những câu hỏi khá gay gắt. Xem ra câu trả lời vẫn chỉ là những “bài ca” cũ như báo chí VN đã giúp phần phổ biến từ trước như sự “lỗ lã của ngành điện” và mức tăng “không đáng kể”, lẽ ra phải tăng 11% kia đấy, và “không gây ảnh hưởng cho những gia đình nghèo…”.
    Những câu trả lời thiếu thuyết phục và làm lộ lý do gấp rút tăng giá điện
    Hãy cứ lấy thí dụ như người dân nghèo sẽ “thắt lưng, buộc cái bụng đói”, chỉ sử dụng điện trong phạm vi không phải trả thêm xu nào, nhưng điện tác động lên giá cả, con cá lá rau đều tăng giá, nguồn nước tưới cũng phải dùng điện vậy người dân nghèo có chịu ảnh hưởng không? Tất nhiên ai cũng “lãnh cái búa” cả, các ông điện lực không thể không biết đến vấn đề hết sức giản dị này. Vây mà trả lời “không ảnh hưởng” thì làm sao người dân “tâm phục, khẩu phục” được!
    Câu hỏi của chị Trần Thị Thanh Thúy ở An Giang làm lộ lý do tăng giá điện gấp rút vào ngày 20-12-2011. Chị Thanh Thủy hỏi:
    - Giá điện tăng không quá 5% thì không cần phải báo cáo, vậy liệu 3 tháng sau giá điện có tăng lên nữa không?
    - Ông Đinh Quang Tri trả lời: “Tôi biết bạn rất quan tâm nhưng tại thời điểm này, chưa thể khẳng định được có tăng giá hay không sau 3 tháng nữa. Điều đó phụ thuộc vào sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản (giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát) và điều kiện của kinh tế xã hội tại thời điểm đó. Từ giờ đến hết năm, sẽ không có đợt tăng giá điện nữa. Vì theo Quyết định 24 và Thông tư 31 thì mỗi đợt tăng giá điện cách nhau tối thiểu 3 tháng”.
    Câu trả lời cho chúng ta niềm “vui to lớn” là từ nay đến cuối năm, tức là đến cuối năm 2011, chỉ còn 8 ngày nữa sẽ không tăng giá điện. Nhưng đến năm 2012 thì khác, nó còn “tùy thuộc” vào các vấn đề phức tạp và mơ hồ như ông Tri vừa trả lời. Nó hàm chứa một ý nghĩa rất… sâu sắc rằng có thể giá điện sẽ tăng, cứ 3 tháng một lần. Sang đến năm 2012, còn những 4 cái 3 tháng nữa đấy bà con ơi! Vì thế tăng giá điện vào dịp cuối năm 2011, là thượng sách!
    Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện Lực VN cho biết, do mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ chỉ cho phép tăng ở mức thấp nhất là 5%. Với mức tăng này, EVN chỉ thu thêm được khoảng 6.000 tỷ đồng, theo ông Tri, đây là một con số rất khiêm tốn và chưa thể bù được khoản lỗ 10.000 tỷ đồng. Vậy là dân còn mệt dài dài.
    Cơ chế thị trường và nạn độc quyền không thể sống chung
    Không thể phủ nhận quyết tâm và khó khăn của chính phủ VN trong công cuộc “kiềm chế lạm phát” và “ bình ổn giá cả thị trường” trong thời gian vừa qua. Thậm chí đôi khi phải dùng đến những biện pháp hành chính khá cứng rắn như biện pháp đối với lãi suất ngân hàng… Và người dân nào cũng mong mỏi cho những mục tiêu đó thành công. Bởi đó là cuộc sống thiết thực của hơn 80 triệu dân. Quyết tâm và những biện pháp đã và đang áp dụng đã ít nhiều mang lại kết quả đáng khích lệ. Thị trường không xáo trộn quá nhiều như người ta lo sợ, ngân hàng nhỏ không vỡ nợ bởi được “bao bọc” bởi các ngân hàng lớn. Tuy cũng có vài nơi, người dân có vài chục tỷ gửi ngân hàng, đến lúc rút tiền ra, ngân hàng không đủ vốn phải xin khất, nhưng rồi cũng giải quyết được trong một thời hạn ngắn. Bởi các “ông lớn” ngân hàng thừa biết rằng nếu để một ngân hàng “bể” thì mình cũng “bể” theo một sớm một chiều thôi. Đây là vấn đề thuộc phạm vi tài chánh, chúng ta sẽ bàn đến vào một kỳ khác.
    Trở lại chuyện giá điện tăng và trước mắt là sẽ tăng theo “cơ chế thị trường”. Như thế có nghĩa là người cung cấp là bên bán điện, người dân là người tiêu dùng, cái cán cân ấy phải cân bằng với lợi ích của cả đôi bên. Chính phủ không tham dự vào sự “mua bán” này, có nghĩa thực tế là chính phủ không thể cứ bù lỗ cho ngành điện mãi được. Đây cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, nếu là cơ chế thị trường thì phải có cạnh tranh, nếu để một anh độc quyền thì không còn là cơ chế thị trường nữa. Anh độc quyền sẽ “bóp chết” anh tiêu dùng. Vậy câu hỏi đặt ra là bao giờ ngành điện mới có cạnh tranh? Nếu người tiêu dùng không đồng thuận với dịch vụ cung cấp thì kiếm đâu ra chỗ thay thế?
    Nhớ lại khi ngành viễn thông còn độc quyền, muốn gắn cái điện thoại phải chạy chọt cửa trước cửa sau, mất cả chục triệu đồng mới có được cái a lô. Đến khi thế độc quyền bị phá, các hãng Vinaphone, Mobiphone rồi Viettel, S Phone… ra đời, khách hàng lại là thượng đế, tha hồ lựa chọn với giá rẻ, đến ngay anh phu đổ rác cũng có cái a lô bên mình.
    Nhưng ngành điện thì khác. Công cuộc đầu tư vào ngành này không giản dị như viễn thông. Nó sẽ mất một thời gian dài với số vốn khổng lồ. Người dân vẫn chưa thấy hy vọng nào trong một ngày gần đây cái thế độc quyền của ngành điện sẽ bị phá vỡ. Họ sẵn sàng chấp nhận sự công bằng trong kinh doanh và trả tiền điện một cách trung thực. Nhưng là bao giờ? Vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời. Trong thời gian đó thì cơ chế thị trường vẫn phải sống chung với nạn độc quyền.
    Hai doanh nghiệp lớn nhất VN còn độc quyền
    Hiện nay ở VN có hai doanh nghiệp lớn nhất, giữ vai trò chi phối trong 2 mặt hàng thiết yếu với cả nền kinh tế và mỗi người dân là điện và xăng dầu đã khiến dư luận nhiều phen bất bình. Một tờ báo đã viết:
    “Ông “nhà đèn” tăng giá trong khi vẫn còn dư địa để chưa tăng hoặc tăng ít hơn như Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra trong kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của EVN (Tổng công ty Điện Lực) năm 2010. EVN than lỗ để tăng giá điện trong khi vẫn trả lương cao với mức lương bình quân lên tới 13,7 triệu đồng 1 tháng 1 người cho quan chức, nhân viên tại công ty mẹ.
    Không tăng giá như EVN nhưng kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh của Petrolimex (Tổng Công ty Xăng Dầu VN) công bố cùng ngày 19-12 cũng khiến dư luận thấy khó hiểu về cung cách kinh doanh của doanh nghiệp này cùng 3 doanh nghiệp lớn kinh doanh xăng dầu khác. Cũng từng than lỗ để “cự nự” với Bộ Tài chính về việc buộc phải giảm giá xăng 500 đồng/lít xăng ngày 26-8 vừa qua song Petrolimex vẫn phóng tay trả thù lao cho đại lý cao hơn quy định của Nhà nước.
    Và cho dù “hào phóng” bất thường như vậy thì doanh nghiệp này vẫn lãi lớn, tới cả trăm tỉ đồng trong thời gian chưa đầy 2 tháng (từ ngày 1-7 đến ngày 26-8), chứ không hề lỗ như từng than…
    Vậy thì chờ gì nữa mà không phá cái thế độc quyền này để nền kinh tế và người dân cùng được nhờ”.
    Lúc này người dân chỉ còn biết răm rắp tuân theo sự lên giá xuống giá của các ông độc quyền. Làm thế nào hơn? Không có cái alô vẫn sống được, chứ không xăng không điện làm sao mà sống? Tôi xin kể lại một câu chuyện khóc dở mếu mếu dở, thật 100/100 đã từng xảy ra.
    Cú dằn mặt của ông nhà đèn Kiến An
    Bà Trần Thị Sinh Duyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần “May Hai” ở Hải Phòng, cho biết việc cắt điện đã ám ảnh bà đến nỗi hàng ngày, cứ mở mắt ra đã phải lo bị cắt điện. Lịch cắt điện bắt đầu dày đặc từ đầu tháng 7 với tần suất 2 ngày cắt một lần, thời gian cắt điện kéo dài cả ngày. Hậu quả là đơn hàng bị vỡ liên tục vì lịch giao hàng được thực hiện mỗi tuần một lần.
    Ngày 17-7-2008, bà Duyên cử nhân viên đến Điện lực Kiến An (Hải Phòng) đề nghị được thông báo trước về lịch cắt điện để tổ chức sản xuất cho phù hợp thì bị từ chối, với lý do cắt điện bất khả kháng, không thể thông báo trước. Khi đặt vấn đề mềm mỏng hơn là sau mỗi lần cắt điện bất ngờ (ở đây còn thích xài chữ nghĩa gọi là đột xuất), xin sở Điện lực Kiến An xác nhận bằng văn bản về thời gian cắt điện để doanh nghiệp làm căn cứ đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác. Không ngờ “ông điện” nổi giận. Một nhân viên nói luôn “Muốn được thông báo sẽ thông báo. Hôm nay cũng là ngày cắt điện đấy”. Nói rồi, “ông điện” lập tức cho người xuống cúp cầu dao nguồn điện Cty May Hai của bà Duyên.
    Cho biết thế nào là lễ phép với quan nhà đèn
    Thế là nhà may tối om, công nhân ngồi chơi xơi nước, ăn lương theo sản phẩm thì đói là cái chắc. Chủ nhà may méo mặt, lại tính đến chuyện đền bù cho đối tác vì chậm giao hàng, chưa biết số tiền sẽ lên đến bao nhiêu chỉ vì sự “ra oai” của ông nhà đèn. Có thể “diễn dịch” nôm na ra rằng: “Cắt đấy, làm gì nào! Cho biết thế nào là lễ phép với quan nhà đèn”.
    Công nhân nhìn ra toàn khu vực của nhà may này không nhà nào bị cắt điện, điện sinh hoạt của khu vực dân cư gần đó vẫn không bị cắt thì không có lý do gì để cắt điện sản xuất. Lý do duy nhất chỉ là sự bực mình của ông nhà đèn, dám hạch hỏi “quan nha” về việc công, quan muốn cắt lúc nào thì cắt, chứ việc gì phải trình báo với ai?”. Anh công nhân than thở: “Đúng là… mó dế ngựa”.

    Từ câu chuyện này và từ năm 2008 đến nay, bạn đọc thử hình dung ra nếu cứ sống chung với độc quyền thì cơ chế thị trường sẽ mang lại tác dụng gì?
    Văn Quang – 7-1-2012










    Hình 1: Hình: Nhân viên thú y H.Bình Chánh (TP. Sài Gòn) bắt quả tang lò giết mổ "chui" sử dụng nguồn heo bệnh.







    Hinh 2: Mỡ thối được ngâm phụ gia để tẩy rửa, khử mùi bị phát hiện tại cơ sở Bảo Trân.

  2. #2
    Biệt Thự ngocdam66's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Los Angeles, California, United States
    Posts
    23,992

    Văn Quang – Viết từ Sài Gòn Việt Nam sau 3 ngày Tết

    Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
    Việt Nam sau 3 ngày Tết
    Tôi viết bài này vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn. Một cái Tết nữa vừa qua đi trong cuộc đời, tùy theo tuổi tác, có thể cho là “cuộc đời ngắn ngủi” đối với những ông già trên 60-70 tuổi, cuộc đời sẽ còn “dài lê thê” đối với các bạn trẻ mới bước chân vào đời. Nhưng dù ngắn hay dài, chúng ta cũng phải bước qua những cái Tết và những mùa xuân. Tết có thể vui ở nơi này, buồn ở nơi khác. Song dù sao cũng là một cột mốc đánh dấu từng bước chân ta đã đi qua. Cột mốc ấy trước hết là số tuổi chúng ta mang theo cứ lớn dần lên và mang theo vô vàn điều đã học được, đã cho đi. Có hạnh phúc và có khổ đau. Những điều đó làm nên cuộc sống của mỗi người. Mỗi lần Tết đến, chịu khó nhìn lại 365 ngày, ta đã làm được gì, điều nên làm và điều nên tránh, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm để đi vững vàng đi tới trong những ngày tháng tiếp theo. Tôi hy vọng bạn đọc đã vừa trải qua những ngày Tết như thế ngoài những niềm vui “theo thông lệ, theo truyền thống” với những lời chúc và những bình hoa.
    Tết tiết kiệm nhất trong những năm vừa qua
    Ở Việt Nam, Tết năm nay cũng có đầy đủ những con đường hoa, những hội hoa xuân và những cuộc vui ngoài đường phố. Nhưng thực sự người dân đón Tết, vui xuân với tâm trạng như thế nào? Là một người dân, sống trong chung cư, một tầng lớp chưa thể gọi là trung lưu và cũng không hẳn là nghèo mạt rệp, tôi nhận định theo ý kiến của đa số người dân quanh khu vực này. Có thể nói năm nay là một cái Tết tiết kiệm nhất so với những năm trước đây. Đấy là kể từ “thời mở cửa” chứ không so sánh với những năm “thời bao cấp” cái gì cũng phải xếp hàng, mua theo tem phiếu từng ký gạo. Hãy nhớ lại câu “ca dao” rùng rợn này: “Một yêu anh có may ô. Hai yêu anh có cá khô ăn dần”. Dân VN, nhất là dân Sài Gòn, sợ cái thời ấy lắm rồi, xin đừng nhắc lại.
    Trước hết, muốn nói đến đời sống của người dân, vấn đề đầu tiên phải kể đến là giá cả. Hầu như ai cũng biết rằng giá mọi mặt hàng sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết đều tăng.
    Bác Bảy Bù Lon đã than thở trên báo: “Giá cả lên, chẳng có gì là lạ hết. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, dân tình có khóc kêu trời cũng từng đó chuyện và cũng chẳng có gì lạ. Cái lạ là ở chỗ nghe có QUỸ BÌNH ỔN GIÁ mà không biết ở đâu?”.
    Còn bác Công Lý nhận định: “Thói xấu của những người bán hàng trong những ngày tết và sau tết là lên giá. Lên rồi là khỏi xuống luôn. Chính những tật xấu này giá cả mỗi năm mỗi tăng, làm cho đời sống trở nên khó khăn hơn. Họ không ý thức được rằng việc làm nhất thời có lợi cho bản thân mà quên cả cộng đồng xã hội. Thật đáng trách và cần xử lý triệt để, bỏ đi vấn nạn này cho xã hội và nền kinh tế cả nước. Đây là những lúc rất cần đến lực lượng quản lý thị trường, mà xem ra lúc cần thì chẳng thấy ai làm việc”.
    Thế nên mọi gia đình từ tầng lớp trung lưu trở xuống đều tự thắt lưng buộc bụng, trong “ngân sách” chi tiêu của từng gia đình đã tự động rút bớt đôi ba khoản chi có vẻ “xa xỉ phẩm”. Năm trước mua 3 bó hoa thì năm nay bớt 2 hoặc ít ra là một bó hoa đắt tiền nhất. Năm trước mua 1 cân thịt, ba cân cá thì năm nay bớt xuống còn một nửa thôi. Vì thế các chợ hoa từ chợ hoa lớn như các công viên 23-9, Mạc Đĩnh Chi đến chợ hoa nhỏ lề đường đều ế ẩm dài dài. Cho đến ngày cuối năm, trên một số lề đường, những chậu hoa bày la liệt, đại hạ giá, có khi chỉ còn bằng 1/10 giá hai ngày trước.
    Cảnh tàn chợ hoa đông hơn những năm trước
    Năm nay số người chờ đến ngày “tàn chợ” cuối cùng mới đi mua hoa đông gấp đôi gấp ba những năm trước. Bà con xúm đông xúm đỏ quanh các chậu hoa còn tươi nguyên, mới hôm trước giá vài trăm ngàn, hôm nay xuống giá còn chừng năm bảy chục cho đến trăm ngàn là cùng. Vậy mà những người mua vẫm “dìm giá”, nhất định chỉ trả phân nửa thôi, bởi dân Sài Gòn nắm được yếu huyệt của các chủ vựa từ “lục tỉnh” lên, phải bán tống bán tháo lo về quê ăn Tết cho kịp đêm giao thừa. Giá cả cứ xuống dần theo buổi hoàng hôn ngày ba mươi (năm nay thiếu 1 ngày nên 29 đã là 30 tết). Một số người hí hởn mua được chậu hoa đẹp và rẻ chẳng kém gì ông tư sản mua từ 2 ngày trước. Có một số người lại tiết kiệm hơn, chỉ mua vài cành hoa lẻ có giá từ mười ngàn đến vài chục ngàn đồng. Đấy mới là “tầng lớp rách thứ hai”.
    Còn một tầng lớp rách nữa hoặc “tiết kiệm theo lối ăn không” thì đợi đến khi việc mua bán đã xong, các chủ vựa, thu xếp đồ đạc ra về, bỏ lại những chậu hoa ế, những cành hoa còn tươi nhưng không chịu bán giá thấp, liền xúm lại nhặt nhạnh hết mang về nhà, có khi còn rộng rãi, chia cho bà con trong xóm.
    Nhưng năm nay thì khác, tôi đã tận mắt chứng kiến, trên đường Lý Thái Tổ, các ông chủ vựa hoa, dẵm nát bét hết các cành hoa ế đó, không cho dân “mót hoa cuối mùa” mang về nữa. Có người cho là các ông chủ vựa nhẫn tâm không biết thương người nghèo.
    Anh nghèo xiết anh rách đề phòng “hậu hoạ”
    Nhưng khi tôi mang sự bất bình ấy hỏi một bà chủ vựa thì bà này giải thích: “Bác đừng kết tội chúng tôi là tàn nhẫn vội. Nếu chúng tôi cứ để mấy ông bà này mót hoa thì sang năm sau, số người mót hoa sẽ đông gấp đôi, gấp ba, làm sao chúng tôi bán được nữa. Chi bằng dẫm nát hết, chẳng anh nào mang về được cành nào để sang năm sau khỏi mót. Chúng tôi cũng vất vả cả năm, tốn bao nhiêu mồ hôi công sức chứ hoa có tự nhiên mọc lên đâu. Mấy anh mót hoa còn đứng ngoài bàn ngang, chỗ này đắt, chỗ kia rẻ hơn, hoa này chỉ mang về nhà là héo, không nên mua, làm khách hàng ngần ngại, có khi chúng tôi không bán được dù đã tính giá vốn. Năm nay có nhà lỗ trắng máu chứ chưa có lời. Chúng tôi không muốn nhưng buộc phài làm thế, đề phòng “hậu hoạ” năm sau đấy bác ơi”.
    Bà chủ vựa hoa nói rất có lý, tôi đành im lặng. Nhưng xét cho cùng thì anh nghèo lại “xiết” anh rách chứ người có tiền đâu có thèm biết đến những cảnh oái oăm này. Không biết năm sau những anh “tiết kiện theo kiểu ăn không” còn có đất hoạt động nữa không.
    Giá cả không theo giá “bình ổn thị trường”
    Trở về các chợ, cụ thể như chợ Bàn Cờ, giá cả cũng “nhảy nhót” theo điệu nhạc mừng xuân. Không thể tính “bình quân” giá lên bao nhiêu phần trăm. Mặt hàng này hiếm, giá đội lên gấp đôi, mặt hàng kia nhiều giá lên vài chục phần trăm. Nhưng tất nhiên là không có mặt hàng nào xuống giá hết. Từ khi giá điện tăng, giá thực phẩm tăng và hàng Tết tát nước theo mưa, giá tăng vùn vụt. Ngay cả những đống hàng quần áo, giày mũ bày bán “son” vỉa hè cũng tăng. Chiếc áo sơ mi trước bán hai chục thì bây giờ là 25 ngàn. Đôi giày ba chục đôn lên bốn chục. Cứ thế hàng nào cũng lên giá. Đắt khách nhất ở những cửa hàng này là những công nhân về quê ăn Tết, mua quà về cho bà con họ hàng, mua đại rồi còn bắt xe về tuốt miền Trung. Xe đò thì khỏi nói, giá tăng gấp đôi cũng chẳng có mà đi. Xe lửa cũng vậy, nằm nào cũng “cháy vé”. Máy bay chỉ dành cho dân “tư sản”, giá của hãng Hàng Không VN cũng tăng chóng mặt. Nhưng rồi thị trường cũng tự “điều tiết” theo nhu cầu khách hàng. Không có chuyện “bình ổn giá” ở đây. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một chiếc xe của một siêu thị hay một cơ quan nào đó chạy về đầu xóm bán hàng giá bình ổn cho dân, song sự thật là chẳng mấy người mua được. Việc làm tốt nhưng chỉ như muối bỏ biển mà thôi.
    Nhìn vào mức chi tiêu, giá cả thị trường trong ba ngày Tết vừa qua, có thể nhận định dân Viêt Nam từ lớp trung lưu trở xuống, ngày một nghèo đi bởi suốt 5 năm liền lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, tất nhiên “ngân quỹ gia đình” phải hao hụt, đời sống ngày càng khó khăn thêm. Việc tiết kiệm chi tiêu, bớt đi một vài món hàng được gọi là xa xỉ như chưng nhiều hoa cảnh, ăn uống bớt lãng phí, bớt đi lại thăm viếng, bớt biếu xén… Nhưng có những việc vẫn không thể bớt được như mâm cơm cúng ông bà, đốt chút vàng mã cho người dưới âm tiêu Tết, quây quần con cháu cuối năm hoặc đầu năm… Và người VN nào cũng tỏ ra vui vẻ tươi cười trong ba ngày Tết. Đôi khi “Vui thì vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó, mặn mà với ai…”.
    Trên đây, tôi không tính đến thành phần nằm trên giai cấp trung lưu. Bởi đó là những con người khá đặc biệt. Họ làm gì mà nhiều tiến thế? Câu hỏi không thể trả lời. Có lương thiện hay không, chẳng thể biết. Chỉ biết rằng ở VN còn vô số những vị “đại gia”, họ sống khác với mọi tầng lớp trong xã hội. Có khi bất chấp dư luận, chơi được là cứ chơi, khoe được là cứ khoe, kể cả các bà, các cô khoe cả mấy cái hột soàn to như hạt mít trên cái thân hình “núi của” ra cho thiên hạ thèm. Thôi thì hay để họ sống trong cái thế giời riêng của họ, được bao bọc rất kỹ. Ta quay về với thế giới của ta.
    Í ới gọi nhau ba ngày Tết
    Một số gia đình có nhiều bạn bè, con cháu ở nước ngoài thường “gặp nhau” qua điện thoại. Năm nay giá cước điện thoại ở Mỹ gọi đường dài khá rẻ, nhưng ở VN còn rẻ hơn nhiều. Nếu bạn gọi qua ĐT bàn hay di động, giá còn khá đắt, nhưng nếu bạn gọi bằng thẻ ĐT qua dịch vụ, và gọi qua computer sẽ rẻ hơn rất nhiều. Thí dụ bạn mua thẻ của Dịch Vụ BC ở Sài Gòn, chỉ cần 100 ngàn VN (bằng gần 5 USD) bạn có thể nói chuyện qua Mỹ 400 phút – tức là khoảng hơn 6 tiếng. Gọi qua Pháp đắt hơn song cũng chẳng đáng là bao. Đường điện thoại này rất tốt, bạn có cảm tưởng như đang nói chuyện với một người ở Sài Gòn. Vì thế năm nay người từ nước ngoài gọi về cũng nhiều, người ở VN gọi đi cũng tăng gấp nhiều lần so với những năm trước và alô thoải mái không “xót xa” về thời gian tâm sự đường dài nữa. Vì thế, đường ĐT kẹt liên tục vào đêm 30 và sáng mùng một. Nhiều người bạn tôi không thể gọi được vào những giờ phút “quan trọng” này. Tôi gọi đi ít bị kẹt hơn, nhưng vào những ngày này, các ông bạn tôi ở nước ngoài lại hay vắng nhà nên chỉ để được lời nhắn lại rồi “xù” luôn cho đến sau Tết mới gọi lại. Nhiều hôm, bạn bè, con cháu gọi chúc Tết lu bù, đôi khi nói cả giờ vẫn chưa hết chuyện. Bỏ cái điện thoại ra là nằm thở dốc.
    Ở vào cái tuổi tôi, cứ mỗi năm tính sổ, lại vài ông “ra đi”. Trong năm 2011 đã ra đi vài ông, sắp đến ngày Tết năm nay, ông Hồng Dương bỗng lăn quay ra, bị xuất huyết não đang nằm ở BV Los Angeles. Một ông bạn khác ở San Jose, có khối u trong phổi, không muốn tiếp xúc với ai. Chẳng biết bệnh tình đi về đâu. Trong năm 2012 này còn những gì xảy ra nữa? Dieu seul le sait!
    Nhờ vào mấy cái đài truyền hình và vài tờ báo trên mạng internet, trong nước cũng như ở nước ngoài, chúng tôi thường ngắm bà con mình ở Cali, ở Virginia, ở Úc, ở Canada… qua những “Phiên chợ Tết Việt” ở nước ngoài. Cũng có đủ “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Các bạn ở nước ngoài cũng có thể ngắm nhìn quê hương mình qua ống kính truyền hình. Tuy rằng không đầy đủ lắm, nhưng cũng nhìn thấy hình ảnh nét truyền thống quê hương. Thế cũng là đủ.
    Với hơn 9 tỉ đô la từ nước ngoài chuyển về VN trong năm nay, chúng ta biết rằng, trong số đó phần lớn là của thân nhân ở nước ngoài gửi về cho người còn ở VN. Quả là một con số đáng kể góp phần làm cho nền kinh tế VN vững vàng hơn. Không một doanh nghiệp hay một cơ quan nào làm ra được số tiền lớn như vậy. Chúng ta phải làm gì để ghi nhớ những tấm lòng này? Không biết câu hỏi này đã có ai đặt ra chưa?
    Đến thời kỳ của những sòng bài giữa phố.
    Theo phong tục cổ truyền “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè…” nên ngày Tết mọi nhà thường vui xuân bằng cách đánh bài tại gia. Hồi tôi còn nhỏ thì thường chơi tam cúc, đánh lú. Sau này văn minh hơn, có nhà gồm cả bố mẹ, anh chị em mở bàn mạt chược hoặc tổ tôm, chắn cạ. Nhưng bây giờ ở Saigon ngoài các sòng bài tại gia còn có các sòng bài trên phố. Cũng gọi là vui xuân, nhưng có sòng ăn thua khá lớn mà hầu hết là người lao động chân tay như mấy bác xe ôm, thợ hồ, thợ ống cống, thợ điện… Đôi chỗ, các bà, các cô và trẻ em cũng tham dự vào trò vui xuân đỏ đen này.
    Bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết, các sòng bài ở khắp các đường phố, khắp VN bắt đầu nhộn nhịp. Đến nay, 4 tết thì càng nhộn nhịp hơn. Các sòng bài công khai mọc lên khắp nơi. Hầu như “khu phố văn hóa” nào cũng có vài sòng bài, từ quán cà phê đến vỉa hè, từ trong nhà ra ngoài ngã ba, ngã tư, chỗ nào tương đối rộng rãi là có sòng bài. Đủ các loại từ xì dách, bài cào, đến cá ngựa, bàu cua tôm cá. Chỗ thì đánh sòng phẳng, chỗ đánh bịp.
    Theo một chủ sóc bầu cua, do nắm được tâm lý của các anh cảnh sát và mấy cơ quan chức năng, ngày đầu năm mới thường “phe lờ” cho người dân vui xuân. Hoặc nếu có bị bắt thì cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, dẹp sòng nên cứ “vô tư” làm ăn ngày Tết. Những người có máu cờ bạc chỉ cần qua vài ván, chủ sòng sẽ đoán được và đưa “con mồi” vào tròng. Ban đầu thì chủ sòng sẽ thả cho ăn rồi sẽ “lột” sạch lại cho đến khi con bạc cháy túi.
    Không ít khách qua đường thấy đám đông tụ tập, lại sẵn có máu đỏ đen nên tấp vào “vui xuân” vài ván. Khi “hăng máu” thì số tiền ăn thua với nhà cái lên đến gần chục triệu đồng. Một anh thanh niên than thở: “Lúc đầu tôi cũng tính chơi vài phút xem năm nay có hên hay không, ai ngờ khi chơi không dứt ra được. Đến lúc nghỉ thì thua mất gần 6 triệu đồng. Thế là hết Tết!”.
    Những cuộc vui xuân này sẽ kèo dài cho tới bao giờ bị dẹp ráo riết sẽ lại chuyển vào một khu nhà nào đó rồi thành sòng bài chuyên nghiệp cho đến khi bị tóm.
    Kỳ vọng gì vào năm 2012?
    Vừa khép lại năm Tân Mão với những khó khăn chồng chất, người dân cảm thấy “oải” vì đời sống ngày một khó khăn, chỉ nhìn thấy đi xuống, chưa có đường đi lên rõ rệt. Chúng ta đều biết, sau 5 năm lạm phát cao liên tục, sau 5 năm phải chống chọi với giá cả tăng nhanh, với chất lượng sống suy giảm, làm suy giảm cả niềm tin của người dân. Những nghịch lý, bất công, an ninh xã hội chưa có dấu hiệu được cải thiện gây lo lắng trong dân chúng. Bước vào năm 2012, với những dấu hiệu như giá điện sẽ còn tăng theo cơ chế thị trường, thuế giao thông có thể sẽ trở thành gánh nặng cho mọi người, bệnh viện khó có thể ngày một ngày hai chấn chỉnh, những khuất tất về nhà đất, lãi suất kỳ vọng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, bệnh tham nhũng hoành hành từ dưới lên trên chưa có hy vọng diệt trừ và người chống tham nhũng chưa được bảo vệ đúng mức… Tất cả những căn bệnh kinh niên đó sẽ làm đời sống của người dân khốn khổ hơn. Chính phủ biết rất rõ mối nguy hại căn bản này. Vậy việc còn lại, cũng là điều người dân nóng lòng chờ đợi là biện pháp xử nghiêm, triệt để, đúng người, đúng tội để VN có một bộ mặt mới. Một tờ báo đã viết:
    “Hầu hết mọi người đều có tâm lý lo ngại những ngày nghỉ tết kéo dài sẽ tạo cơ hội “chìm xuồng”, “đánh bùn sang ao”, thậm chí là “đi đêm” chạy tội... cho những người, những ngành đang có tì vết. Người dân nóng lòng mong muốn các cơ quan chức năng “nhập cuộc nhanh” ngay sau tết.”
    Chúng ta hãy chờ xem những ngày tháng trước mặt, hy vọng của người dân sẽ đi về đâu. Liệu lạm phát có thể trở về dưới 1 con số và người dân cùng các doanh nghiệp có thể tin vào lãi suất ngân hàng vực dậy nền kinh tế không? Xem ra điều đó rất khó khăn. Chúng ta sẽ bàn đến từng vần đề này trong một kỳ khác.
    Văn Quang 26-1-1-2012


    Hình 1: Mua hoa vào ngày tàn chợ giá “bèo”.
    Hình 2: Dù nghèo cũng cố mua vài bông hoa về chưng Tết.
    Hình 3: Một nhóm thanh niên đánh bạc tại một quán cà phê
    Hình 4: Tem phiếu thời bao cấp
    Hình 5: Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp, dân Sài Gòn sợ lắm rồi!









    6 Attached files| 501KB



    View SlideshowDownload All

  3. #3
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,601
    Bác Bảy Bù Lon đã than thở trên báo: “Giá cả lên, chẳng có gì là lạ hết. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, dân tình có khóc kêu trời cũng từng đó chuyện và cũng chẳng có gì lạ. Cái lạ là ở chỗ nghe có QUỸ BÌNH ỔN GIÁ mà không biết ở đâu?”.
    Còn bác Công Lý nhận định: “Thói xấu của những người bán hàng trong những ngày tết và sau tết là lên giá. Lên rồi là khỏi xuống luôn. Chính những tật xấu này giá cả mỗi năm mỗi tăng, làm cho đời sống trở nên khó khăn hơn. Họ không ý thức được rằng việc làm nhất thời có lợi cho bản thân mà quên cả cộng đồng xã hội. Thật đáng trách và cần xử lý triệt để, bỏ đi vấn nạn này cho xã hội và nền kinh tế cả nước. Đây là những lúc rất cần đến lực lượng quản lý thị trường, mà xem ra lúc cần thì chẳng thấy ai làm việc”.
    Ai cũng đẻ xoành xoạch thì chả trách hàng hoá phải lên giá thôi. Cơ chế nó chỉ có sức cung cấp cho một số người giới hạn, nhu cầu thì cứ nhảy vọt. Còn thêm vài trăm nghìn Việt kiều nhân dịp Tết cũng ôm đô la mò về ăn ké với người trong nước - đó mới là cái tác hại của giới Việt kiều: bơm tiền về để làm giàu cho các thương vụ của Việt cộng đồng thời giành mất phần của người nghèo. Người ta khổ vì ham vui.

  4. #4
    Biệt Thự Vịnh Nghi's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    3,557
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Còn thêm vài trăm nghìn Việt kiều nhân dịp Tết cũng ôm đô la mò về ăn ké với người trong nước - đó mới là cái tác hại của giới Việt kiều: bơm tiền về để làm giàu cho các thương vụ của Việt cộng đồng thời giành mất phần của người nghèo. Người ta khổ vì ham vui.
    Không biết ở những nơi khác thì sao, chớ ở Cali, vài tuần lễ trước Tết, các chương trình TV của tất cả các đài VN, hầu như chỉ nói đến Tết, với những hình ảnh về phong tục tập quán, truyền thống Tết VN ở....quê nhà. Họ chiếu từ sáng đến tối, cả ngày cuối tuần, giờ "cao điểm" hoặc không "cao điểm," bất kể! Chắc anh Ốc cũng nghĩ ra được "nguyên do" nào, và nguồn tài chánh từ đâu, để các đài tin tức ở đây có thể phát hành liên tục về "quê nhà" như vậy. Đó là lý do mà ngày càng nhiều người khăn gói về quê ăn Tết! Vì vậy, sự phàn nàn của anh, xem ra chỉ như giọt nước đổ biển thôi hà! (cười) Dạ nhưng có nói thì vẫn còn hơn không. Ai nghe được thì tốt, hén....(lại cười)

    Thêm 1 điều...khó hiểu nữa, là ngay cả những đài của người Việt tự do, lâu nay mang tiếng chống cộng triệt để lắm, thì cũng 'chạy y bản' như những đài "lạ" kia, thay vì họ cần nên nói đến những cái Tết mà người Việt tha hương vẫn tổ chức rầm rộ hàng năm trong dịp Tết; không khí đón Tết qua những chương trình chợ Tết, chuẩn bị Tết ở đây, cũng háo hức nào có kém chi. Tiếc là điều đó lại rất hiếm được nói đến trong những chương trình Tết của các đài VN ở hải ngoại.

  5. #5
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    .... Còn thêm vài trăm nghìn Việt kiều nhân dịp Tết cũng ôm đô la mò về ăn ké với người trong nước - đó mới là cái tác hại của giới Việt kiều: bơm tiền về để làm giàu cho các thương vụ của Việt cộng đồng thời giành mất phần của người nghèo. Người ta khổ vì ham vui.

    Tôi lại mong cho giá cả tại Việt Nam lên thật cao như ở Nhật, Việt Kiều hết mong mò về xài tiền "cho sướng" và cũng chẳng còn bị mang tiếng "bơm tiền" và "ham vui".

    Thế cho nó lành. Amen.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  6. #6
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    "...Xe đò thì khỏi nói, giá tăng gấp đôi cũng chẳng có mà đi..."

    Cụ Văn Quang này là người ở nước ngoài thì phải.

    Dịp Tết ai cũng đua nhau về quê, xe đò tuyền chở người về quê rồi chạy xe không về thành phố chở tiếp, nếu không tính giá gấp đôi thì chuyến xe chạy không trở về thành phố ấy, ai đổ xăng, dầu và trả tiền lơ tài ?
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  7. #7
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Ông này "chân chính" nên không biết "xe dù, bến cóc".
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  8. #8
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,601
    Quote Originally Posted by gun_ho View Post
    Tôi lại mong cho giá cả tại Việt Nam lên thật cao như ở Nhật, Việt Kiều hết mong mò về xài tiền "cho sướng" và cũng chẳng còn bị mang tiếng "bơm tiền" và "ham vui".

    Thế cho nó lành. Amen.
    Thú thực với anh là giá cả tại Việt nam từ lâu đã quá cao đối với em - không chỉ là số tiền phải trả tại chỗ mà còn phải tính những cái giá khác phải giả về sau, cho sức khoẻ, cho quyền tự do, cho công bằng, và nền dân chủ, vân vân.

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by gun_ho View Post
    Cụ Văn Quang này là người ở nước ngoài thì phải.
    Cụ Văn Quang hồi trước là nhà văn khá nổi tiếng chuyên viết về lính tráng ( nhưng tôi không thích đọc ) Cách đây vài tháng tôi có gặp tác giả Bên Dòng Sông Trẹm ở Thủ Thiêm thì được biết cụ Văn Quang không muốn đi nước ngoài !

  10. #10
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Thú thực với anh là giá cả tại Việt nam từ lâu đã quá cao đối với em - không chỉ là số tiền phải trả tại chỗ mà còn phải tính những cái giá khác phải giả về sau, cho sức khoẻ, cho quyền tự do, cho công bằng, và nền dân chủ, vân vân.
    Tôi không ngờ là anh lại nghĩ sâu xa và có tâm có lòng đến thế.

    Vì đời thì toàn là anh Gióp, anh Rômni tuyền lo cho bản thân, cho gia đình trước chứ chẳng lo cho đất nước, huống chi đất nước ấy nay chỉ là cái mảnh đất nhỏ nằm xa nửa vòng trái đất và đã cũ đã xa vời chẳng còn dính líu đến ta nữa.
    Cái cây mà ta nay không còn ăn trái mà cứ to mồm là ta đang cố rào, cố quan tâm thì tôi rất lấy làm nghi ngờ anh ạ.

    Còn chuyện VK đem tiền về nước xài vì giá rẻ thì chuyện đấy ai cũng biết từ lâu. Hên thì được bo nhiều và đối đãi hậu hỉ, xui thì gặp bà Quỳnh, đã keo lại còn bị chửi là xấu xí.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:34 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh