Register
Page 97 of 278 FirstFirst ... 47879596979899107147197 ... LastLast
Results 961 to 970 of 2780
  1. #961
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301
    Đèo Ngang Tức Cảnh
    Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
    Cỏ cây chen đá lá chen hoa
    Lom khom dưới núi tiều vài chú
    Lác đác bên sông rợ mấy nhà
    Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
    Dừng chân đứng lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta
    Bà Huyện Thanh Quan
    Họa vần
    Đêm Thu Tức Cảnh
    Le lói đầu song ánh nguyệt tà
    Hiên ngoài cội sứ ngát hương hoa
    Quê người vẫn nặng bao tình nước
    Đất khách còn đau lắm nỗi nhà
    Gác vắng bâng khuâng đời thất quốc
    Canh tàn khắc khoải kiếp vong gia
    Đêm thu tiếng gió buồn hiu hắt
    Đối bóng bên đèn chỉ một ta
    Thứ Lang
    September 22, 2021

  2. #962
    Đèo Ngang Tức Cảnh
    Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
    Cỏ cây chen đá lá chen hoa
    Lom khom dưới núi tiều vài chú
    Lác đác bên sông rợ mấy nhà
    Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
    Dừng chân đứng lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta
    Bà Huyện Thanh Quan
    Họa vần
    Thiền Môn Tức Cảnh
    Phật tự triền non nhạt nắng tà
    Sân chùa Tiểu tưới nước vườn hoa
    Xa xa mé suối kinh vài xóm
    Thấp thoáng ven truông thượng mấy nhà
    Mõ sớm ngùi thương người tuẫn quốc
    Chuông chiều chạnh nhớ kẻ tan gia
    Quê hương vọng hướng trời xa thẳm
    Nợ nước chưa tròn tủi phận ta
    Chú Tiểu
    September 22, 2021

  3. #963
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301

    QUA ĐÈO NGANG - VẦN THƠ ĐƯỜNG LUẬT TUYỆT TÁC CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN


    Hôm qua, một người bạn hỏi tôi: ”Tại sao khi nhắc đến Bà Huyện Thanh Quan, người ta chỉ nhắc bài thơ Qua Đèo Ngang?”

    Uhm…, Lâu quá không đọc lại tôi quên mất rồi. Nhớ mang máng thì bài ”Qua đèo Ngang” được giới thiệu trong văn học của Việt Nam trước 1975… Và sau biên cố quốc nạn Việt cộng xâm chiếm miền Nam, cũng chưa từng có người nào hỏi tôi câu này… Chữ thầy trả lại cho thầy hết trơn rồi… mặc dầu sau 1975 trong bộ giáo duc Việt cộng không bao giờ cho học những gì có tính cách hoài cổ (nhớ chế độ cũ), không có lợi và không có tuyên truyền cho chế độ khát máu Việt cộng…

    Cũng may, ba tôi bị công sản bắt đi tù, nhưng ba để lại môt kho sách trên nóc nhà (trong nhà tắm)… thế là có dịp cho thằng con “đốt giai đoạn” thời gian bằng cach đọc “ngấu nghiến” sau khi khám phá được “tàng kinh các”… Trong và trên 300 cuốn sách và truyện, vô tình tôi đã “nuốt” đươc “bộ kinh” nói về nhân vật “độc cô cầu bại” về thơ Đường luật của dân tộc Việt Nam…

    Nhân hôm nay có người đặt câu hỏi về nhân vật này, tôi lục lại “kho” tâm thức, moi ra và sẵn có người bạn, luôn tiện chia xẻ với quý độc giả và quý bạn …

    Vâng, đây bài thơ QUA ĐÈO NGANG

    Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
    Cỏ cây chen đá , lá chen hoa
    Lom khom dưới núi tiều vài chú
    Lác đác bên sông rợ mấy nhà
    Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
    Dừng chân đứng lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta

    Bà Huyện Thanh Quan là một nữ sĩ kiệt xuất của dòng thơ Nôm, thi tài lỗi lạc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX. Thơ của bà để lại được chính thức công nhận là 6 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật, đó là: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu.
    Chúng đều là những bài thơ tả cảnh đẹp như những bức tranh thủy mặc chấm phá, nhưng không chỉ có vậy, đây lại là những bài thơ mượn cảnh để gởi gắm tâm tình…Thơ của bà để lại không nhiều nhưng đã in đậm dấu ấn trong văn học sử, và tạo lòng ngưỡng mộ vô bờ nơi những khách yêu thơ.

    Được gọi là Bà Huyện Thanh Quan, vì cô Hinh lấy chồng người làng Nguyệt Hùng, tên gọi Lưu Ôn, đậu cử nhân đời vua Minh Mạng. Lúc đầu ông được bổ làm tri huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình), rồi vì can án nên bị cách chức, sau lại được làm Bát Phẩm Thi Lại Bộ Hình, sau cùng được thăng lên chức Viên Ngoại Lang. Phần bà, nhờ nổi tiếng là “hay chữ “, nên được vua Minh Mạng vời vào cung và phong cho chức Cung trung giáo tập, để dạy các cung nữ học… Trên đường vào Phú Xuân qua đèo Ngang…bà Huyện đã “tức cảnh sinh tình” và bài thơ ra đời.
    Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1, thuộc dãy Hoành Sơn đoạn chạy ngang ra biển Đông. Đèo dài 6 km, cao khoảng 250 m (750 ft). Phần đất phía Bắc thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh. Phần đất phía Nam là thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảnh Bình.

    Trên Đèo Ngang nhìn ra xa chỉ có núi đá và biển đông. Quảng Bình ở dưới thấp hơn Đèo Ngang. Có người cho rằng bà Huyện làm bài thơ trong chuyến đi từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh vì bà “Bước tới ” chứ không có “Bước xuống ” đèo Ngang.

    ”Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
    Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

    Lần đầu nữ sĩ “bước tới đèo Ngang”, đứng dưới chân con đèo “đệ nhất hùng quan” này, địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình, vào thời điểm “bóng xế tà”, lúc mặt trời đã nằm ngang sườn núi, ánh mặt trời đã “tà”, đã nghiêng, đã chênh chếch. Trời sắp tối. Âm “tà” cũng gợi buồn thấm thía. Câu 2, tả cảnh sắc: cỏ cây, lá, hoa… đá. Hai vế tiểu đối, điệp ngữ “chen”, vần lưng: “đá” – “lá”, vần chân: “tà” – “hoa”, thơ giàu âm điệu, réo rắt như một tiếng lòng, biểu lộ sự ngạc nhiên và xúc động về cảnh sắc hoang vắng nơi Đèo Ngang 200 năm về trước

    “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.

    Cỏ cây, hoa lá phải “chen” với đá mới tồn tại được.Hoa rừng chỉ là hoa dại, hoa sim, hoa mua và cỏ dại. Cảnh vật hoang sơ, hoang dại đến nao lòng. Nữ sĩ xử dụng phép đối và đảo ngữ làm cho câu văn ngắn gọn, mạnh mẽ; nhưng lại thật trong sáng, nhẹ nhàng .
    Thể thơ Đường luật có một bố cục chặt chẽ, với số chữ và số câu hạn chế, lại thêm những quy luật niêm và đối phức tạp.Với chữ Hán đã khó, dùng chữ Nôm lại còn khó hơn. Thật hay nhưng thật khó, thế mà điều đó có được nơi thơ của Bà Huyện Thanh Quan.

    Lom khom dưới núi tiều vài chú
    Lác đác bên sông rợ mấy nhà

    Ta có thể thấy điểm nhìn đã thay đổi: Từ trên cao nhìn xuống dưới và nhìn ra xa xa.

    Chữ “tiều” vừa để diễn tả một nghề nghiệp (đốn củi), vừa để diễn tả một người (tiều phu), nhưng chỉ có “tiều vài chú”. Hoạt động là “lom khom” vất vả đang gánh củi xuống núi. Một nét vẽ ước lệ trong thơ cổ.

    Xét về nghề nghiệp của thời bà Huyện thì có thể kể đến Ngư, Tiều, Canh, Mục. Chữ Ngư và Canh không đối luật bằng trắc với chữ Tiều. Như vậy chỉ còn nghề Mục. Nhưng ở sát bên sông có ai đi chăn nuôi, làm mục đồng. Xét cho cùng ở sát bờ sông chỉ có nghề chài lưới thích hợp nhất. Nữ sĩ rất tinh tế trong cảm nhận!
    lác đác là mấy nóc nhà rợ bên sông của người miền núi (người Chàm), thưa thớt.

    Sở dĩ nữ sĩ gọi “rợ mấy nhà” để gieo vần mà thôi: “tà” , “hoa” ,
    “nhà”. Từ láy ” lom khom, ” lác đác” càng nhấn mạnh cảnh hoang vắng, heo hút, buồn hoang sơ nơi con đèo xa xôi lúc bóng xế tà. Những ý và lời đã được bà dùng thật chính xác để diễn tả, gieo vào lòng người một sự trầm lắng sâu sa …Nhất là về ý, ” ý tại ngôn ngoại”: dùng chữ diễn ý, sao cho ngắn gọn, đầy đủ; nhưng cũng “ý bất thành văn “: lại vẫn như có điều gì đó để gợi thêm tưởng tượng và tâm tình, như “trời chiều bảng lảng ” làm cho người đọc có ấn tượng: không thiếu, không dư. Có thể nói rằng những câu thơ của bà thật đẹp và khó có một chữ thừa:

    “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

    Âm thanh tiếng chim rừng: chim gia gia (chim đa đa)***, chim quốc quốc (chim Đỗ Quyên )*** gọi bầy lúc hoàng hôn. Điệp âm “con quốc quốc” và “cái gia gia” tạo nên âm hưởng du dương của khúc nhạc rừng, của khúc nhạc lòng người lữ khách. (sẽ có dịp chúng ta mổ xẻ điển tích chim quốc quốc và chim đa đa trong mọt dịp khác nhé)

    Ta thấy nữ sĩ lấy cái động (tiếng chim rừng) để làm nổi bật cái tĩnh, cái vắng lặng im lìm trên đèo Ngang trong khoảnh khắc hoàng hôn, đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh trong thi pháp cổ rất tài tình.

    Nghe tiếng chim rừng mà “nhớ nước đau lòng”, mà “thương nhà mỏi miệng’. Có nỗi buồn thấm thía vào tận sâu cõi lòng, toả rộng trong không gian từ con đèo tới miền quê thân yêu của nữ sĩ.
    Tại sao bà Huyện sống trong khung cảnh thanh bình, lại “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc “, “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia “? Qua hai câu này, chắc không phải bà Huyện đang diễn tả tâm trạng đất nước của mình mà có lẽ lúc đi qua Đèo Ngang, bà Huyện nghe được tiếng kêu của chim quốc và chim đa đa nên nhớ lại tích xưa. Chữ “quốc’ dùng trong câu thơ thứ năm là để đối với chữ “nước” . Chữ “gia” dùng trong câu thơ thứ sáu là để đối với chữ “nhà”.

    Hay Nữ sĩ – Nhớ nước đau lòng đây là những cuộc chiến nồi da xáo thịt của hai nhà Trịnh-Nguyễn, phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài, gây biết bao cảnh thê lương tang tóc cho người dân lành vô tội hơn cả trăm năm !
    Nhớ nước đau lòng đây, cũng là nhớ nước do Nhà Tây Sơn cai quản nói chung, và vùng đất nước của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nói riêng, có một thời gian ngắn ngủi yên bình, nay đã mất.?!
    Xin nhớ là Nguyễn Nhạc đã phân chia ranh giới từ Đèo Hải Vân (Thừa Thiên) ra Bắc thuộc về Bắc Bình Vương cai quản, mà Đèo Ngang lại nằm trong địa phận đó. Cho nên, khi Bà Huyện Thanh Quan đến Đèo Ngang, hướng mắt nhìn về phương Nam có di tích Sông Gianh phía xa xa… mà tức cảnh sinh tình “nhớ nước đau lòng” chăng….

    Theo một số taì liệu xưa, nhiều phần truyền miệng hơn phân tích theo “khoa học” thì ĐIỂN TÍCH CHIM QUỐC QUỐC: Chim cuốc, hay chim quốc quốc còn có tên là Đỗ Quyên hay Đỗ Vũ. Chim có mỏ dài và cong. Lưng chim màu xám, bụng trắng có một vệt đen. Thường sống trong bụi rậm. Mùa hè chim kêu rỉ rả ngày đêm. Có người cho rằng chim cuốc kêu nguyên đêm, sáng ra khan cổ, máu chảy ra khỏi miệng rồi chết.
    Chuyện kể vua Đỗ Vũ nước Thục, yêu bà Biết Linh, vợ của một ông tướng dưới quyền. Vì thế bị ông tướng cướp mất ngôi vua. Đỗ Vũ phải trốn vào rừng, thương tiếc một sự nghiệp của thời vàng son, chết hoá thành con chim Đỗ Quyên. Bởi thế mới “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc “. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du hỏi “Ấy hồn Thục đế hay là Đỗ Quyên” là tích này đây. Vì chim cuốc kêu vào mùa hè nên có thể bà Huyện viết bài thơ này vào mùa hè ở Đèo Ngang.
    Làm người, ai cũng nhớ đến sinh quán, quê hương; nhất là người giàu tình cảm như nữ sĩ Thanh Quan, có lẽ bà không làm sao quên được Thăng Long, đất ngàn năm văn vật. Đã biến đâu rồi những cung son điện ngọc, mà chỉ còn trơ lại những cột gãy tường xiêu, sân rêu mái đổ. Làm bà phải cất tiếng than:

    Tạo Hoá gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

    Ở đây, cũng cần minh định rõ ràng là Bà Huyện Thanh Quan, cũng như những cựu thần nhà Lê, đã chẳng tiếc gì cái ngai vàng mục nát với chính sự đổ nát của thời Lê mạt Trịnh suy, chả quý gì một vua Lê chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”, hay một Chúa Trịnh Khải chỉ biết bắt nạt vua Lê mà lại khiếp nhược trước kiêu binh Tam Phủ. Thái độ nữ sĩ không có tính cách chính trị, chỉ là tâm tình. Trước cảnh hoang tàn của đất Bắc thời nhà Nguyễn, bà đau lòng nhớ tiếc một quá khứ xa xưa, một quá khứ có lẽ chính bà cũng không tường tận lắm và cũng chưa thọ hưởng ân huệ gì, nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình, của quê hương mình, cho nên tình cảm dễ tô màu khả ái.

    Lại nói lữ khách là một phụ nữ nên nỗi “nhớ nước”,” “nhớ nhà” cũng là nỗi nhớ chồng con, nhớ làng Nghi Tàm thân thuộc không thể nào kể xiết!

    Bà đã đi từ bi kịch cá nhân của mình tới cái nhìn về sự biến thiên đổi dời của thiên nhiên và xã hội, sự đổi dời mà con người không cách chi ngăn giữ, mà chỉ còn lại nơi những tâm hồn nhạy cảm sự tiếc nuối xót xa, xót xa về một quá khứ với những kỷ niệm riêng tư, hạnh phúc gia đình. Nhìn chung, thì để dẫn đến một tâm trạng có rất nhiều nguyên nhân, hà tất chỉ là nỗi lòng người đó !
    Đọc thơ của bà, chúng ta thấy có một cái gì thật đoan trang, tao nhã, nhưng thấp thoáng một nỗi buồn. Một tâm tình nhạy cảm trước thiên nhiên bao la.

    “Dừng chân đứng lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta”

    Bốn chữ “dừng chân đứng lại” thể hiện một nỗi niềm xúc động đến bồn chồn. Một cái nhìn mênh mang: “Trời non nước”; nhìn xa, nhìn gần, nhìn cao, nhìn sâu, nhìn tứ phía… rồi nữ sĩ thấy vô cùng buồn đau, như tan nát cả tâm hồn, chỉ còn lại “một mảnh tình riêng”. Lấy cái bao la, mênh mông, vô hạn của vũ trụ, của “trời non nước” tương phản với cái nhỏ bé của “một mảnh tình riêng”. Nữ sĩ đã hòa mình với thiên nhiên phải có một sự hoà hợp tuyệt đối giữa tâm hồn và ngoại cảnh, giữa tình cảm và lý trí, mới viết được như thế.

    Chỉ còn lại “mình” đối diện với mình “ta với ta” trên đèo Ngang trong buổi chiều tà; không còn là sự gởi gắm, miêu tả, bộc bạch nữa, mà là tác giả “tạc tượng ” nỗi cô đơn của mình vào đất trời, vũ trụ. Một hình tượng độc đáo: kiên vững, đầy nghị lực, dường như không muốn làm phiền lòng, bận tâm người khác, mà chỉ âm thầm chịu đựng một mình. Có phải là vì những ngày xa chồng, xa nhà khi nhận chức Cung trung giáo tập ở kinh thành Huế đã tạo trong bà nỗi buồn cô độc? Hay là vì chồng bà sớm qua đời nên bà thấy lẻ loi và luôn nhớ lại một dĩ vãng không bao giờ trở lại?

    Ngay cả cảnh vật, tuy thật gần gũi để bà gởi gắm tâm tình, nhưng vẫn không chia xẻ được sự cô quạnh của bà “cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường”
    Bà đã dùng những thi điệu thật uyển chuyển, nên thơ dù tả cảnh và theo thể thơ Đường luật, nhưng vẫn không bị gò bó. Trong thơ như có nhạc, và nhạc đó làm nao lòng người. Như chứa đầy tâm sự mà không tìm được người san sẻ. Một tâm trạng cô đơn, cô độc:

    “Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ
    Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn ”

    Khác hẳn với Nguyễn Khuyến, ngay khi cô đơn như sư cụ chùa Đọi thì còn có khói mây:

    “Sư cụ nằm chung với khói mây”

    Hoặc Tản Đà thì vẫn còn có mặt trăng:
    “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
    Trần thế em nay chán nửa rồi ”

    Hay như Hồ xuân Hương, lúc buồn còn có “non” và “nước” :
    “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
    Trơ cái hồng nhan với nước non”

    Còn Bà Huyện Thanh Quan thì một tâm trạng như cô đơn tuyệt đối, thể hiện rõ nét
    “Một mảnh tình riêng ta với ta ”

    Bà ôm một mối tơ tình, mà chỉ có một mình Bà biết một mình Bà hay mà thôi !

    "Qua Đèo Ngang” là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật tuyệt bút. Thế giới thiên nhiên kỳ thú của Đèo Ngang dần hiện qua dòng thơ với cảnh sắc hữu tình thấm đượm nỗi buồn man mác. Giọng thơ du dương, réo rắt. Phức đối và đảo ngữ có giá trị thẩm mỹ trong nét vẽ tạo hình đầy khám phá. Cảm hứng thiên nhiên trữ tình chan hoà với tình yêu quê hương đất nước đậm đà qua một hồn thơ trang nhã. Bài thơ “Qua Đèo Ngang” là tiếng nói của nữ sĩ, mượn cảnh nói… tình, cũng là khúc tâm tình của muôn triệu người, nó là bài thơ một thời và mãi mãi – bài thơ non nước.
    Thể thơ Đường Luật của Việt Nam trước kia thường mắc phải hai tật: nếu nghiêng về chữ Hán thì nặng nề, cổ kính, có lúc tối nghĩa vì những điển cố, nghĩa chữ; nếu nghiêng về chữ Nôm thì quê kệch, chất phác, đôi khi trúc trắc, khó hiểu vì những tiếng không phổ thông. May mắn thay, tới đầu thời nhà Nguyễn, chúng ta có hai nữ sĩ kiệt xuất là Hồ xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, nên hai tật đó đã được vượt qua. Nói như cố giáo sư Phạm Thế Ngũ “Thơ Hồ xuân Hương thiên về Nôm mà bóng bảy, duyên dáng, thơ Bà Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Hồ xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện trong một hình thức bác học. Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại cùng với tinh túy của bài Đường thi trong một ngôn ngữ Hán Việt đã hoàn toàn Việt hoá “.

    Để nói riêng về Bà Huyện Thanh Quan, cố giáo sư đã không tiếc lời khen ngợi, và có lẽ chúng ta cũng đồng ý với ông rằng: ”Thơ Đường luật trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được nữ sĩ Thanh Quan“.



    Last edited by Thứ Lang; 09-22-2021 at 09:39 PM.

  4. #964
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    6,020
    Quote Originally Posted by Thứ Lang View Post
    Ui da… chọi đá vô trán đau quá nè…. Chắc phải đổi chiến lược, cười cầu tài “dỗ ngọt” để được cho ăn món hiếm “đặc sản miền tây” kho quẹt… hihi… kho bên Úc mà ở đây nghe bay mùi thơm bát ngát!
    Kho quẹt có đọt lang luộc hông vậy?
    Đáng đời Thứ Lang, bể trán chưa ?

    Hồi sau 75 TLinh tới nhà bạn, ba bạn ấy đi "cải tạo" , thấy nhà bạn ăn cơm với kho quẹt, , canh chua cá cơm mẽ và một tô nước cơm chắt. Giống râu tôm nấu với ruột bầu, thấy họ ăn ngon lành.
    Thật TLinh không biết làm món kho quẹt đâu, ở VN nhà cũng chưa ăn tới món này .
    ở đây ai mà làm trong nhà mùi nước mắm bốc hơi tiêu nhà luôn. Muốn đãi TLang'món hiếm" hơi khó đó đa.
    TLinh ăn trong nhà hàng cơm cháy ăn kho quẹt có tóp mỡ dòn, vô nhà hàng ăn cho gọn.

    Rau lang chưa mọc lại, đọt su luộc được không?


    Quote Originally Posted by Thứ Lang View Post

    Họa vần
    Đêm Thu Tức Cảnh
    Le lói đầu song ánh nguyệt tà
    Hiên ngoài cội sứ ngát hương hoa
    Quê người vẫn nặng bao tình nước
    Đất khách còn đau lắm nỗi nhà
    Gác vắng bâng khuâng đời thất quốc
    Canh tàn khắc khoải kiếp vong gia
    Đêm thu tiếng gió buồn hiu hắt
    Đối bóng bên đèn chỉ một ta
    Thứ Lang
    September 22, 2021
    Hoạ Hoán/ đổi vận

    Thuyền Nhân
    Chiều xưa lầm lũi bước vong gia
    Tách bến ra khơi lúc nguyệt tà
    Bóng phượng sân trường hiu hắt gió
    Cây còng cửa lớp tả tơi hoa
    Hai đường cách trở chim lìa tổ
    Một buổi chia ly kẻ mất nhà
    Sóng cả thuyền con trong bão tố
    Giòng đời lưu lạc chỉ mình ta
    Thùy Linh
    23 September 2021

  5. #965
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301
    Thuyền Nhân
    Chiều xưa lầm lũi bước vong gia
    Tách bến ra khơi lúc nguyệt tà
    Bóng phượng sân trường hiu hắt gió
    Cây còng cửa lớp tả tơi hoa
    Hai đường cách trở chim lìa tổ
    Một buổi chia ly kẻ mất nhà
    Sóng cả thuyền con trong bão tố
    Giòng đời lưu lạc chỉ mình ta
    Thùy Linh
    23 September 2021
    Xào bài (hoán vận) từ bài gốc, hơi bị khó họa
    Họa vần
    Thuyền Nhân
    Đã biết bao người phải tán gia
    Vì quân cộng sản quá gian tà
    Vâng lời quốc tể nguồn Xô Viết
    Nhận lệnh quan thầy gốc Chệt Hoa
    Cải tạo công thương đành nát cửa
    Đày kinh tế mới phải tan nhà
    Lên đường vượt biển tìm sinh lộ
    Lịch sử đau buồn đất nước ta
    Thứ Lang
    23 September 2021



  6. #966
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301
    Đáng đời Thứ Lang, bể trán chưa?

    Rau lang chưa mọc lại, đọt su luộc được không?
    Bể trán rồi nè, đau quá hà… hu hu hu…
    Thùy Linh bôi dầu gió xanh, băng lại dùm đi, để lâu nhiễm trùng làm độc đó…

    Chưa biết ăn đọt su luộc, mùi vị ra sao, có ngon hông?

  7. #967
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301
    Hồi sau 75 TLinh tới nhà bạn, ba bạn ấy đi "cải tạo", thấy nhà bạn ăn cơm với kho quẹt, canh chua cá cơm mẽ và một tô nước cơm chắt. Giống râu tôm nấu với ruột bầu, thấy họ ăn ngon lành.
    Thật TLinh không biết làm món kho quẹt đâu, ở VN nhà cũng chưa ăn tới món này.
    ở đây ai mà làm trong nhà mùi nước mắm bốc hơi tiêu nhà luôn. Muốn đãi TLang'món hiếm" hơi khó đó đa.
    TLinh ăn trong nhà hàng cơm cháy ăn kho quẹt có tóp mỡ dòn, vô nhà hàng ăn cho gọn
    .
    Ủa, có canh mà sao còn có nước cơm chắt nữa? Nếu không có canh thì kho quẹt ăn với nước cơm chắt là đúng sách vở.
    Kho quẹt cũng không khó, hôm nào Thùy Lynh làm thử đi, đem ra sau vườn cho xa nhà… vật liệu kho quẹt đơn giản: nước mắm ngon (nước mắm nhĩ) đường bột ngọt tiêu, nước mỡ thắng và tóp mỡ dòn trộn đều đốt lửa nhỏ kho cho sệt (kẹo) lại như thắng nước màu dừa, tiếp tục để lửa riu riu cho đến khi sắp khét bốc mùi thơm, lấy đũa quẹt thử thấy sắp dính đáy nồi là được. Nhớ dùng nồi bằng đất nung (đồ gốm) mới ngon, dùng nồi kim loại dở lắm. Ăn với cháo trắng cũng ngon và dễ tiêu, hoặc cơm chan với nước cơm chắt, gạo đầu mùa nước cơm mới có nhựa.
    Ăn kho quẹt sẽ chắc da chắc thịt khỏi tập lắc vòng. Ngày xưa, sản phụ ăn cá kho khô quẹt không đó (để được săn chắc da bụng).

  8. #968
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    6,020
    Quote Originally Posted by Thứ Lang View Post
    [FONT=times new roman]Bể trán rồi nè, đau quá hà… hu hu hu…
    Thùy Linh bôi dầu gió xanh, băng lại dùm đi, để lâu nhiễm trùng làm độc đó…

    /FONT]

    Chưa biết ăn đọt su luộc, mùi vị ra sao, có ngon hông?
    Đọt su su ngon, "hàng hiếm" phải ai trồng mới có ăn, theo TLinh thì ngon hơn rau lang, mơi hái ăn hôm qua .

    Thứ Lang bị bể trán mới nhớ đời ..., băng lại mà chi, chọi vô hai gò má cho bầm tím sưng chỗ đó nữa coai cho đều [


    Quote Originally Posted by Thứ Lang View Post
    Ủa, có canh mà sao còn có nước cơm chắt nữa? Nếu không có canh thì kho quẹt ăn với nước cơm chắt là đúng sách vở.
    Kho quẹt cũng không khó, hôm nào Thùy Lynh làm thử đi, đem ra sau vườn cho xa nhà… vật liệu kho quẹt đơn giản: nước mắm ngon (nước mắm nhĩ) đường bột ngọt tiêu, nước mỡ thắng và tóp mỡ dòn trộn đều đốt lửa nhỏ kho cho sệt (kẹo) lại như thắng nước màu dừa, tiếp tục để lửa riu riu cho đến khi sắp khét bốc mùi thơm, lấy đũa quẹt thử thấy sắp dính đáy nồi là được. Nhớ dùng nồi bằng đất nung (đồ gốm) mới ngon, dùng nồi kim loại dở lắm. Ăn với cháo trắng cũng ngon và dễ tiêu, hoặc cơm chan với nước cơm chắt, gạo đầu mùa nước cơm mới có nhựa.
    Ăn kho quẹt sẽ chắc da chắc thịt khỏi tập lắc vòng. Ngày xưa, sản phụ ăn cá kho khô quẹt không đó (để được săn chắc da bụng).
    TLinh nghĩ nhà đó chắt nước cơm do thói quen chắt nước để ghế cơm ít bị khét, thời đó nấu bằng củi hay dầu. Nhà dì TLinh cũng hay chắt nước cơm.

    Món kho quẹt của Thứ Lang sao khó vậy ? Nồi đất có, TLinh không dùng bột ngọt, cũng hong ăn mỡ heo thì làm sao ? vậy không cần mỡ nha .
    Ăn cháo trắng thì có hột gà muối, với đôi khi TLinh thích cái chi mặn thì quậy trứng, nuớc mắm, tiêu kho khô thật khô .

    Uả ..., Thứ Lang từng nuôi sản phụ, rành vậy ta ơi ...

    TLinh mới đi khám sức khoẻ tổng quát tốt mà có vài chuyện phải bớt ...cholesterol level phải xuống một chút .
    Đi đo xương thì bị mòn xương lưng tại thiếu vitamin D, ra nắng phơi cũng không hấp thụ được, nên đang chờ chụp X-ray bác sĩ mới cho uống thuốc làm dầy xương .

    Last edited by Thùy Linh; 09-24-2021 at 10:40 AM.

  9. #969
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301
    Ủa .... Thứ Lang từng nuôi sản phụ, rành vậy ta ơi...
    Thì nghe mấy bà già xưa nói chuyện với nhau đó mà…
    Mà nói nhỏ nghe nè… Thùy Linh có muốn “nuôi” như vậy hông?… hihihi… thui dzọt lẹ...

  10. #970
    Nhà Ngói Thứ Lang's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,301

    Thấy bài viết sau đây trên Net có liên quan tới kho quẹtcholesterol nên mang về đây đọc chơi cho vui cửa vui nhà…

    NGÀY CÀNG NHIỀU BỆNH HIỂM NGHÈO VÌ TỪ BỎ MỠ HEO

    Cả dân tộc đã bị bọn buôn dầu thực vật lừa. Càng ăn dầu thực vật thì càng lắm bệnh, do nhiệt độ sôi của nó thấp, nên nhiều mầm bệnh, và do những biến đổi hóa học tệ hại. Thành phần chính của hầu hết dầu thực vật là chất béo không bão hòa đa (trong khi mỡ heo rất giàu chất béo bão hòa). Dầu thực vật có độ ổn định kém và rất dễ bị oxy hóa, và nó sẽ giải phóng vô số chất có hại khi đun nóng trong thời gian dài.
    Hợp tác với bọn buôn dầu ăn là các bác tuyên truyền và đe dọa dân chúng về đủ các loại bệnh "cực nguy hiểm" liên quan đến mỡ máu, mỡ gan, men gan, béo phì, tim mạch, v.v... mà thực chất, đều chủ yếu do dầu thực vật gây ra.
    NÊN BIẾT:
    - Từ hồi bé mình đã đọc sách của đại danh y của dân tộc này, ngài Tuệ Tĩnh, thì thấy tất cả các bài thuốc quan trọng của ông đều có thêm miếng mỡ heo. Mong các chư vị tìm đọc.
    - Người Trung Hoa đã dùng mỡ heo để làm sạch các mạch máu, trừ tam tiêu, thấp khí và trị bệnh lá lách, dạ dày. Trong "Bản thảo cương mục" Lý Thời Trân có viết mỡ heo là một loại thuốc bổ rất tốt, không gây nóng trong người, có tác dụng thanh lọc cơ thể. Cuốn "Trửu hậu bàng" thì nói rằng mỡ heo có thể trị viêm gan. Dược Vương, Tôn Tư Mạc cho rằng mỡ heo có thể giúp làm lưu thông khí huyết, tan máu cục và chữa trị mất trí nhớ.
    - Các cụ dạy: "Đẹp thì vàng sơn,ngon thì mật mỡ". Mỡ heo là linh hồn của món ăn, dù là món gì thì chỉ cần một thìa cũng đủ để tạo món ăn màu sắc đẹp, vị thơm ngon, khiến cho các món ăn trở nên tuyệt vời hơn. Mỡ heo khi chế biến có mùi rất thơm, nguồn gốc chính của mùi thơm này là một lượng nhỏ của một loại protein đặc biệt, sản phẩm phân hủy của glyceride.
    - Tóp mỡ mà biết cách chế biến còn ngon hơn mọi sơn hào hải vị. Có ai còn nhớ không: tóp mỡ chao mắm, tóp mỡ xào dưa, tóp mỡ nấu canh rau bồ ngót, tóp mỡ rim mắm tỏi, tóp mỡ kho cá, tóp mỡ sốt cà chua ăn rau sống, tóp mỡ (và tôm nõn khô) làm kho quẹt, tóp mỡ ngào mè đen (món này cực đỉnh)...
    - Năm nay, BBC xếp hạng mỡ heo là một trong 10 loại thực phẩm bổ dưỡng nhất (xem comment). Họ cho rằng mỡ heo có axit béo bão hòa nhưng giàu vitamin B và các khoáng chất tốt cho sức khỏe hơn thịt cừu và mỡ bò.
    - Báo Daily Mail của Anh cũng viết rằng mỡ heo tốt hơn bơ. Vì nó giàu vitamin D, nó có thể thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể. Trên thực tế, mỡ heo là một trong những nguồn vitamin D dồi dào nhất, nhiều hơn 50% so với bơ. Và vitamin D có thể giúp cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi và hô hấp, tăng cường chức năng cơ bắp và giúp cơ thể phòng chống nhiễm trùng. Đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo bão hòa như mỡ heo có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 178
    Last Post: 03-29-2024, 02:29 PM
  2. Vũ Hoa Viên: Phút Giao Cảm
    By conmuanho in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 37
    Last Post: 03-08-2024, 08:34 AM
  3. Tây Úc Xinh Đẹp - Thùy Linh
    By Thùy Linh in forum Du Lịch
    Replies: 159
    Last Post: 01-13-2022, 05:33 AM
  4. Vũ Thi Viên: Trường Tương Tư
    By conmuanho in forum Thơ
    Replies: 133
    Last Post: 04-29-2018, 03:46 PM
  5. Cho Lòng Bay Xa - Thùy Linh
    By Thùy Linh in forum Không Gian Riêng
    Replies: 26
    Last Post: 06-21-2013, 08:42 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:45 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh