Register
Results 1 to 10 of 186

Thread: Kiếm Đạo

Hybrid View

  1. #1
    Quote Originally Posted by sôngthương View Post
    Nước chảy về đâu

    (Nguyễn Ngọc Tư)

    Và nước thì đâu thèm quan tâm mình chảy về đâu…
    Dù có quan tâm hay không, nước cũng luôn luôn chảy về nơi thấp nhất .


    .

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Quote Originally Posted by thuyền nhân View Post
    Dù có quan tâm hay không, nước cũng luôn luôn chảy về nơi thấp nhất .


    .
    Dạ đúng là vậy đó anh . Nhưng không phải luôn như vậy ...

    ...Dẫu rằng sông cạn đá mòn
    Còn non còn nước hãy còn thề xưa
    Non xanh đã biết hay chưa?
    Nước đi ra bể lại mưa về nguồn…


    (trích: Thề non nước - Tản Đà)

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Những Quả Nho ... Dữ Dội!

    Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quan năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.

    Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy khinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

    Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?

    Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chĩa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?

    Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vường, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

    Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.

    Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.

    Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.

    Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận.

    Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người. Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao? cho đủ sống! Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn nạn như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.

    Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

    Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

    Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi. Tết năm đó, chỉ duy nhất tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mĩ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mĩ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh. Trời ơi! Dòn! Mọng! Ngọt! Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái. Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàng toàn mộng mị, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc. Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng. Vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại ... cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây? Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc nấc nghẹn lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc.

    Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận.

    Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế thệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

    Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"!

    Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?

    (Nancy Hanh Vy Nguyen)

    https://www.facebook.com/notes/nancy...5325822248343/

    Ps : tác giả chắc đã đọc John Steinbeck

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Những ngày bình thường .

    Mùa mưa ẩm thấp lại đến. Những cơn mưa đêm lướt qua, vừa lạnh lẽo vừa ồ ạt. Bằng cái màu trắng của mình, chúng đã biến đổi cả một khoảng trời trong giấc ngủ tôi

    Tôi hay sang nhà chú Hùng, chui vào cái ụ rơm như một con chim chui vào cái tổ. Tôi cũng hay tưởng tượng mình sẽ mọc cánh, những cái cánh dài vừa vặn với thân thể của tôi. Một buổi chiều đầy gió tôi bay về phía cuối bầu trời. Nơi đó có những đám mây mang gương mặt của bé Thương.

    Vào ngày nắng, tôi xếp đôi cánh vào cái sọt nhỏ để dưới gầm gường của mình. Hàng đêm đôi cánh vẫn cứ mọc dài và ngúc ngoắc.

    Trong những giấc mơ lơ đãng, tôi cũng có một đôi cánh khác. Ðó là những đôi cánh vải mềm và trong suốt đưa tôi đi. Nhưng tôi cũng biết trong những giấc mơ, tôi có bay cao xa cũng không ra khỏi khu vườn. Tôi đã hiểu thế nào là một khu vườn rồi. Tôi cần đi đến một nơi khác khu vườn tôi đã có. Tại sao không chứ? Mẹ tôi nói, khi một đứa trẻ lớn lên, chúng cần biết nhiều điều bên ngoài khu vườn. Mẹ đã hé cho tôi thấy một khu vườn không bao giờ đủ cho một đứa trẻ.

    Tôi đã âm thầm vùi bốn củ khoai vào tro nóng mỗi đêm. Tôi sẽ làm công việc đó liên tục hàng ngày. Một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đến, khi cảm thấy đủ sức rời khỏi khu vườn, tôi sẽ có bốn củ khoai nóng mà đem theo.Nhưng mùa mưa cứ dai dẳng và âm ỉ khiến sự chờ đợi của tôi mòn mỏi dần và tôi quên nó. Một ngày nọ bỗng nhớ đến, ôi thôi, củ khoai đã thành tro rồi còn đâu. Tôi cười xòa rồi quên cái ý định ra đi. Thành thật mà nói, với bốn củ khoai đó, tôi chỉ có thể xa mẹ đúng một ngày. Một củ cho điểm tâm, ba củ còn lại dành cho sáng, trưa và chiều. Tôi chưa bao giờ có thể xa mẹ hơn thế nữa. Tôi đành giấu kín chuyện này, xem nó như là một bí mật của đời tôi.

    Từ ngày không được làm bố, chú Hùng ít ghé nhà tôi. Mẹ tôi nói, chú muốn lao vào công việc để quên bé Thương. Tờ mờ sáng, chú đã vác cuốc ra đồng cho đến tối mịt mới trở về. Cô Hồng đã đi làm lại. Cô có vẻ hơiốm, chiếc áo dài màu xanh trông rộng hẳn. Khuôn mặt gầy gầy, âu lo. Tôihay sang thăm cô vào mỗi buổi chiều, phụ cô làm một cái gì đó. Cô đã đan xong chiếc nón cho tôi như đã hứa. Những hôm mưa, tôi đem ra đội vàngồi thu lu nhìn ra khu vườn trong hơi ấm từ chiếc nón phả ra. Tôi thấy ấm lòng hẳn. Tôi hay nghĩ ngợi nếu có bé Thương, chắc cô Hồng sẽ đan cho nó nhiều cái như vậy, những chiếc nón thật đẹp. Nếu là con gái sẽ thêm nhiều cái tua, những tua xanh đỏ như tôi vẫn thường thấy người ta bán ngoài chợ.

    Một ngày lạ, vườn tôi bỗng xuất hiện loài hoa mới, cánh vàng nhụy trắng. Tôi âm thầm chờ đợi nó lớn lên, âm thầm nâng niu như một đứa trẻ. Những bông hoa lạ luôn gây cho tôi cảm giác ai đó đã ghé khu vườn lúc tôi đang ngủ. Họ ngồi chờ mãi không được, đành gieo mầm hoa xuống đất rồi bỏ đi mà không kịp gởi gấm hãy chăm sóc giùm tôi, hãy tưới nước ngày ba lần.

    Bố tôi vẫn nói phần thưởng cho người làm vườn là hoa quả.

    Cuối mùa mưa, cây hoa đó nảy ra nhiều nhánh và hạt của nó đã mọc ra nhiều cây con. Tôi đã hái tặng cô Hồng đóa hoa đẹp nhất, vào một ngày đẹp nhất. Cô trìu mến nhìn tôi. Ngay cả đêm về, co mình trong chăn, tôi cũng không thể nào quên được ánh mắt ấy. Ðó là cái nhìn của một người mẹ dành cho con. Tôi đã ngủ suốt đêm ngon giấc chỉ vì cái nhìn đó.

    Sáng ra, cảm giác là lạ choáng váng cả phòng. Một bàn tay ai đó đang nắm cái chân tôi, giọng nói quen quen:

    - Ai đang "nướng" trong cái mền vậy cà!

    Tôi hét lớn:

    - Chú Hùng!

    Chú cười sằng sặc dưới cái chân tôi.

    - Tại sao chú không báo trước cho cháu biết chú sẽ sang đây? Cháu sẽ thức nguyên đêm chờ chú.

    - Ðể làm gì vậy cà! Ai mướn vậy cà! - Chú cười khùng khục.

    Lâu lắm rồi tôi quên luôn cái cảm giác ôm cổ chú, cái cần cổ của người anh hùng, to lớn, vững chãi.

    Tôi nói:

    - Lâu rồi, cháu chưa được ôm cái cổ của chú. Chú cũng không chịu ăn cái chân của cháu nữa.

    Mẹ tôi nói khi chú Hùng sang đây tức là chú đã nguôi ngoai chuyện bé Thương.

    (Nguyễn Ngọc Thuần - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

    http://webtruyen.com/vua-nham-mat-vu...ng_538835.html

  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Mắc cạn

    Gần trưa trời mưa dữ dội, thằng Sáu chạy xộc vào nhà gọi Nhẫn gấp gáp bảo qua bên suối mà dắt trâu về, nước lũ đang lên cao.

    Lúc ấy Nhẫn đang lúi húi trong bếp chuẩn bị đồ mồi rủ mấy người bạn trong đội thợ nề đến nhậu. Mưa gió, đâu có xây trét được gì, nhậu là sướng nhất. Trên thượng nguồn có hồ thủy lợi chứa nước, lúc nào mưa to liên tục người ta chả xả đập. Độ hơn giờ đồng hồ là nước rút, suối lại cạn dòng thôi, có gì đâu phải quan trọng hóa. Mà nước dâng càng hay. Thương, vợ Nhẫn sẽ ngồi bên đó trông bầy trâu chờ nước rút, khỏi phải về sớm cằn nhằn cảnh chồng nhậu nhẹt.

    Cái bộ dạng Sáu vẫn đứng ở cửa vẻ chần chừ như giục Nhẫn phải đi ngay. Nhẫn phát ghét, bảo việc nhà tao kệ tao lo được, mày thương thì đi mà dắt nó về. Sáu vùng vằng bỏ đi ra cổng. Mưa vẫn to và nước ngoài suối lên cao, đứng trong nhà Nhẫn có thấy được một vệt trắng xóa quét ngang làng.

    Chập tối lũ rút hết, chỗ suối trước mặt nhà Nhẫn nước cạn lợt bình thường như mọi khi, có thể lội qua về được. Thương đã đưa ba con trâu về chuồng, móc dây cẩn thận. Nhẫn thức dậy sau cơn say, mặt vẫn còn hồng miệng phả mùi men, hỏi Thương sao nước rút từ hồi chiều mà đến giờ mới về tới nhà.

    Thương mặt buồn, mắt hơi đỏ như vừa khóc xong, bảo có người làng mình chết đuối.

    - Ai?
    - Anh Sáu xóm trên.

    Nhẫn định nói thằng Sáu lúc chiều vừa qua đây, nhưng chợt khựng lại. Biết đâu vì lời nói thách của Nhẫn mà thằng Sáu bơi qua nước lũ rồi dính xui xẻo. Dễ thiệt lắm, Nhẫn chơi với thằng Sáu từ thời còn mặc quần xà lỏn nên rõ cái tính dứt khoát của Sáu. Cái thằng có bàn tay thừa một ngón nên gọi thành tên Sáu. Cái thằng mồ côi cha mẹ ấy chẳng chuyện gì nó sợ. “Bơi giỏi nhất làng mà chết đuối dễ rứa bây”. Nhẫn chỉ buột miệng được mỗi câu này. Không biết là đang thương tiếc hay dè bỉu.

    Đưa tang Sáu một đoàn người dài, đứng đếm thì biết cả làng không sót một ai. Đám tang ở quê là dịp để người ta kể về một người đang nằm trong quan tài. Câu chuyện cuộc đời Sáu được người đi đưa tang rủ rỉ. Trai chưa vợ mà chết cũng tội quá. Hay, có khi lại đỡ tội hơn vì thằng Sáu mồ côi, lại chưa vợ con, coi như nó chết thì chỉ mình nó thiệt thân.

    Và đúng là trong cái đoàn đưa tang chỉ có mấy bộ áo quần chế, mấy cái khăn tang xô của chú thím ruột cùng mấy đứa em họ.
    Những thằng đàn ông đi trong đám tang thỉnh thoảng đưa mắt nhìn vợ xem có thái độ gì không. Có thương tiếc Sáu, có nhỏ nước mắt không. Vì Sáu cần mẫn tốt bụng nên con gái trong làng rất thích. Chỉ mỗi tội Sáu rụt rè, không chịu lấy vợ, bảo để làm thợ mộc kiếm tiền giúp chú thím nuôi mấy đứa em ăn học xong xuôi đã, coi như đáp đền công chú thím. Từ hồi cha mẹ Sáu mất, chú thím đưa Sáu về nuôi, lớn lên cho đi học nghề.

    Tốt quá, giỏi quá nhiều khi người ta cũng ghét. Nhất là khi những thằng cùng tuổi đã lấy vợ đẻ con mà Sáu vẫn là trai đơn thân. Biết đâu có đứa vợ đêm nằm với chồng vẫn mơ đến vòm ngực vạm vỡ của thằng thợ mộc, hay tưởng tượng bàn tay sáu ngón chắc ôm mình chặt hơn chẳng hạn.

    Thương có khóc trong đám tang này, lúc hạ quan tài xuống huyệt. Nhẫn thấy nóng ran trong người suýt nữa chạy qua kéo vợ về. Nhưng người ta đang ào ào khóc như mưa, Nhẫn không khóc được thì cũng gắng đứng yên cúi mặt cho phải nhẽ.

    Tối về Sáu hỏi Thương sao khóc. Thương bảo thì bạn bè cùng quê mất, cũng buồn chứ. Nhẫn nghĩ chẳng may nếu mình chết, Thương có khóc cỡ đó không nhỉ? Làm sao biết được, vì lúc đó Nhẫn đã vào quan tài. Cũng như Sáu giờ đã nằm dưới lớp đất phủ cỏ, đâu có làm ăn gì được nữa mà Nhẫn phải tỵ hiềm căn ke.

    Nhẫn hỏi Thương có biết lý do tại sao thằng Sáu chết nước không? Thương lắc đầu. Cả làng không ai biết. Chỉ đoán mò chắc nó lội chơi đâu đó nên trượt chân. Hoặc nó tiếc mấy khúc gỗ trôi từ rừng về nên lao ra kiếm chác. Hoặc nó chán đời, sầu đời, đàn ông không vợ hay mắc suy tư kiểu đó lắm.

    Nhẫn cũng có lý do riêng để suy xét. Xem ra lý do này đích xác hơn cả. Nhẫn yên tâm và kiên quyết không nói với ai. Vì nếu hở ra có khi người ta trách tại Nhẫn thách thức Sáu. Thương không biết càng hay, để khỏi bận tâm áy náy.
    Từ sau cái hôm buồn thảm đó, mưa vẫn không dứt, cứ rề rà hôm này qua hôm khác. Đám thợ nề của Nhẫn coi như thất nghiệp trong mùa mưa gió, lại tụ tập lúc chỗ này lúc chỗ kia uống rượu quên trời đất. Say lên có thằng cười bảo vậy hóa ra hay, từ lúc thằng Sáu chết con vợ tao hết đường so bì.

    Nhẫn thường loáng choáng về nhà lúc trời tối. Ngó cảnh Thương rải cỏ cho trâu ăn mà tức anh ách. Nghĩ, hẳn không thể vì mấy con trâu mà có người đánh đổi mạng sống. Chỉ có thể là… vì người chăn trâu thôi. Những nhan sắc tầm thường đôi khi cũng có giá trị nhất định.
    Rồi Nhẫn lao vào đánh Thương mấy cái bạt tai, quạt mấy cú đá. Thương đứng yên chịu trận. Có thể vì một kẻ say không đủ sức làm đau người khác. Hay một người đang đau trong lòng không còn cảm giác ở bên ngoài.

    Một trưa nắng to sau những ngày mưa dầm dề, Nhẫn đi sửa mấy thứ đồ nghề để đi làm trở lại. Qua chỗ suối cạn, nhẫn muốn cởi áo xuống vọc nước chút. Chỗ này mọi khi nhậu về Nhẫn thường xuống tắm rồi lên nằm trên tảng đá phơi nắng cho đến khan. Cũng nhờ tảng đá này hôm bữa xác Sáu mắc lại chứ không mất tiêu rồi.

    Nhẫn nhìn chằm chằm và nghĩ chỗ này đã có người chết nước. Không phải, thế này mới đúng: Chỗ này đã có người chết cạn.
    Nghĩ đến đấy chợt thấy lạnh người. Nhẫn mặc lại áo, không tắm nữa, về kẻo Thương chờ cơm tội nghiệp.

    (Hoàng công Danh )

    http://tuvientuongvan.com.vn/van-hoc...-can-p553.html

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Níu một bờ tâm

    Buổi chiều sư thầy đi làm lễ an vị tượng Phật cho nhà một đạo hữu trong vùng về, vừa bước vào thềm hiên đã ngửi thấy có mùi thơm là lạ. Lòng thầy trỗi lên một chút thắc mắc, chẳng lẽ có ai đến viếng Phật mà xức nước dầu hoa thơm đến vậy? Thầy đi vòng về phía sau thất, thấy mấy bộ áo quần được giặt giũ, treo phơi phía sau hiên nắng. Chợt như đã nhận ra điều gì đó, thầy ậm ừ rồi đi vào phòng.


    Lát sau điệu Sanh chạy vào. Gặp thầy, điệu hỏi:
    - Thầy có thấy mùi thơm không?
    - Có, thơm lắm con.
    - Dạ. Hồi nãy cô bán vải tới đây, gom mấy bộ áo quần của thầy và con đem đi giặt. Giặt xong cô cho thêm nước xả vào nên thơm vậy đó. Mùi này thích thật, thầy nhỉ?
    - Ừ. Nhưng con mặc áo quần thơm như vậy không sợ người ta đến ôm riết hay sao?
    Nói xong thầy mỉm cười, điệu Sanh cũng bật cười theo.

    *
    Tối hôm đó thầy ngồi soạn pháp, mấy bộ áo quần lúc chiều phơi khô tuy đã xếp cất trong ngăn tủ nhưng mùi hương vẫn tỏa ra ngập căn phòng. Cái thứ hóa chất thời hiện đại ghê gớm thật. Ngày trước ông bà mình dùng quả bồ hòn giặt áo, sau có bánh xà bông của Liên Xô đã là mừng. Thế mà nay giặt xà phòng thơm, còn thêm nước xả vải sực nức. Càng ngày cái hương bám trên áo quần càng phong phú, có nghĩa cái sự tu hành của thầy cũng gặp phải nhiều mê hoặc quyến rũ.

    Từ trước tới nay, việc giặt giũ thầy tự lo tất. Kể cả khi có điệu Sanh vào chùa thì thầy cũng giặt thêm đồ áo quần của điệu ấy. Thầy định bụng thêm một thời gian nữa sẽ cho điệu Sanh tự tắm rửa, giặt giũ. Tập cho điệu ấy thói quen tự lập. Thế mà hôm nay chị bán vải lại đến giặt giúp. Công ơn ấy thầy mang. Nhưng làm thế phiền phức lắm. Có khi lại khiến cho điệu Sanh lười biếng ỉ lại thì công sức tu tập cải nghiệp hóa bằng không.

    Dạo này trong vùng có nhiều việc cần đến thỉnh thầy. Vì thế sư thầy trở nên bận rộn hơn với công tác bên ngoài chùa. Nhà thì cầu siêu độ linh, nhà lại an vị tượng Phật. Xem ra công lao hoằng hóa của thầy đã có nhiều thiện duyên tốt đẹp và trổ những mầm pháp nhiệm mầu. Nhưng đôi lúc ham đối ngoại mà quên mất phần đối nội. Cứ lo việc độ sinh mà quên sửa mình thì chưa phải đắc tu. Có khi bộ áo quần thay ra chưa kịp giặt, thầy đã phải xách tay nải đi cho kịp giờ hẹn với người ta. Chị bán vải biết rõ chuyện bận rộn của sư thầy, nên cũng muốn cáng đáng giúp thầy một tay, ít nhất là những công việc thuộc về nữ công.

    Hôm nay chị lại đến, sư thầy không có ở chùa, chỉ mình điệu Sanh chơi ở ngoài sân. Chị hỏi chú Sanh mặc áo cô giặt có được không? Sanh nói thơm lắm cô. Chị cười, vui. Vậy để cô giặt tiếp nghe. Nói xong chị đi vào trong thất, lấy bộ áo quần sư thầy treo bên vách. Điệu Sanh nhanh nhảu ôm thêm phần áo quần của mình, vo cuộn trước bụng. Đây nữa cô.

    Sanh ra giếng theo chị. Điệu quay trục gỗ, kéo gầu nước từ giếng lên. Cái trục quay này thầy mới làm từ hồi có Sanh vào chùa cho điệu ấy tập kéo nước. Lần đầu điệu Sanh kéo không quen, chiếc gầu chao đảo nên khi lên tới miệng giếng chỉ còn được phân nửa. Kéo lần thứ hai thì dây gầu đứt. Thầy phải dùng cái sào khều lên. Vừa nối dây thầy vừa dạy cho điệu. Kéo như con vừa mất sức, lại hao nước. Muốn kéo gầu phải từ từ, điềm đạm, bình tĩnh. Quay đều trục để gầu nước không chao đảo. Nếu bất ngờ giật mạnh thì dây gầu căng quá mức sẽ bị đứt. Tu cũng thế, phải canh giữ tâm mình như giữ nước trong gầu. Nếu vồn vã bộc trực thì cái tâm rời bỏ ta ngay. Phải lần theo từng nấc gầu lên như lần tìm tâm ta. Tối hôm đó thầy lại dạy tiếp cho điệu Sanh về mười bức tranh thiền trong Mục ngưu đồ. Thầy dừng lại ở bức thứ hai, có tên “Kiến tích”, tức thấy dấu. Khi đứa trẻ chăn trâu để con trâu đi lạc thì phải lần theo từng dấu chân trâu mà tìm. Đó chính là sự minh họa cho việc tìm lại tâm ta khi bị lung lạc. Bây giờ thì Sanh đang kéo nước lên cho chị giặt áo, kéo đều đặn như niệm kinh.
    Sanh ngồi bên, vốc lấy một ít bọt xà phòng rồi đưa lên thổi cho bong bóng bay. Nắng chiều soi qua quả bóng nhỏ ánh lên màu sắc khiến điệu thích thú mà cười reo lên. Chị ngồi giặt áo, trông thấy sự hồn nhiên dễ thương của điệu cũng vui lây, nhưng đỏ hoe con mắt.

    Sư thầy đã về, nghe tiếng cười ran sau thất biết chắc điệu Sanh đang ở đó. Thầy thong thả bước lui giếng. Chị bán vải đang dở tay vò áo, ngẩng lên chào thầy. A Di Đà Phật, thầy lượng thứ, con đang bận tay chút. Thầy cũng chào chị, rồi nói:
    - Chị đến hồi nào, sao không ngồi chơi, bầy ra giặt giũ làm chi cho cực.
    Chị cười nhẹ:
    - Con cũng vừa đến. Có gì đâu thầy. Nghe chú Sanh nói mấy bữa nay thầy bận. Con thì buổi chiều thư thả, lên đây coi đỡ đần được thầy chút nào cho thầy an tâm đi làm Phật sự.
    - Phiền chị quá. Dạo này cũng có bận chút ít thôi chị.

    Nói xong thầy vào trong tịnh thất, cất tay nải. Mùi thơm nước xả vải hôm trước vẫn còn phảng phất quanh đây. Ngoài giếng thêm tiếng cười nghịch của điệu Sanh pha với tiếng cười vui của chị. Thầy cảm thấy rộn lên trong lòng một chút xốn xang. Nắng lọt qua khe cửa. Hương thơm và tiếng người. âËm áp sum vui hay quấy động cửa thiền đây? Thầy cũng khó nghĩ quá. Thà chén cơm thìa canh cúng dường, thì thầy hoan hỉ nhận. Ngày xưa đức Phật tu hành cũng dựa vào sự bố thí của chúng sanh đó thôi. Đằng này chị đến giặt giũ, việc ấy chạm vào hơi sâu cuộc sống cá nhân của thầy trò. Mà thầy vẫn mạnh khỏe, có bận việc đôi chút nhưng chưa đến nỗi không thể tách ra nửa giờ đồng hồ để vo vải.

    Sư thầy lấy tờ văn sớ cầu an ra, định đề nội dung vào, chuẩn bị để tối nay đi làm lễ nhà một đạo hữu trong vùng. Tờ sớ cầu an giấy vàng, chữ ở trong đã có in sẵn Hán tự và phiên âm Hán -Việt. Thầy chỉ việc điền thêm nội dung tên gia chủ, ngày tháng, lễ vật… Thầy lật tờ sớ, cầm bút lên, rồi bất chợt tay thầy mềm lụn không thể thảo chữ được. Tâm có an đâu mà bảo viết sớ cầu an cho đặng.

    Xếp tờ sớ lại, thầy đi kiếm nước pha trà rồi bê ra đầu hiên. Chị đang xả vải sau giếng. Mùi nước xả thơm phức len tới tận chỗ thầy đang ngồi. Thầy ngắm ao sen bên vườn. Tháng bảy sen nở muốt mát, bung cánh trắng, hương sen thoảng nhè nhẹ. Thầy thích cái mùi hương ấy, nhẹ như không. Bây giờ thì cái mùi nước xả lất át hết làm cho thầy có cảm giác sợ.

    Chị gái đã phơi áo quần xong, đi khẽ về phía thầy, kéo ghế ngồi. Thầy rót trà.
    - Chiều nay nắng nhẹ, gió phây phẩy, mát thầy nhỉ?
    - Ừ. Nhưng gió làm mùi hương tỏa đi ngát quá.

    Thầy đáp. Miệng mỉm cười. Câu nói hóm hỉnh nửa như khen, nửa lại nhắc khéo.
    - Chú Sanh thì thích mùi này lắm. Còn thầy, không biết sao.
    - Cũng thơm đấy chị ạ. Nhưng… Tôi thấy ngại. Trong bát quan trai mà đức Phật dạy hàng tăng chúng đệ tử, có một giới tịnh là không nên nằm giường cao nệm đẹp và xa hoa.
    - Cái mùi hương thì có gì đâu mà xa hoa hả thầy? – Chị thắc mắc.
    - Là tại vì những thứ như vầy, ăn ngon mặc đẹp, nó khiến người tu hành dễ lún vào si mê, kích thích lòng tham sân, xao nhãng việc tu tập.

    Chị thoáng buồn, có cảm giác như việc làm của mình bị thừa ra. Tại chị mới tới chùa một thời gian ngắn, vừa để an tịnh tâm mình, đôi khi nghe thầy mạn đàm chuyện đạo chứ chị chưa học luật. Không biết rõ những giới nghiêm của nhà chùa âu cũng là chuyện thường tình.

    Sư thầy nhận ra ngay cái sự rầu tức thời của chị. Đàn bà họ thế, dễ chạnh lòng lắm. Nhất là những người không chồng không con như chị, họ càng dễ tủi thân. Thầy pha một chuyện đùa cho vui.
    - Tôi nói cái này nghe mà cười. Biết là chị bán vải, nhưng vẫn kể. Ví thử người ta mải mê trang trí làm đẹp cho bản thân thì có thời giờ đâu nữa để học hỏi, sửa mình, đúng không. Và lúc đó chắc chị bận rộn bán cả ngày, cũng không tới chùa được đâu nhỉ.
    Hai người cùng cười. Chị đã thấy vui. Cái chỗ hay của sư thầy là ở đó. Mỗi khi có sự buồn phiền mà có thầy an ủi là buồn chóng tan. Thầy đọc được tâm lý của người ta và có cách để chia sẻ với họ trong mọi tình huống. Chị thích lên chùa gặp thầy, thích sự nhẹ nhàng, trìu mến mà không kém phần dí dỏm trong từng lần pha chuyện.
    - Dạ, con nghe. Thế lần sau con không dùng nước xả nữa.

    Còn lần sau nữa sao. Ái chà chà, rắc rối quá. Tưởng nói xa nói gần cái chuyện nước xả để chị hiểu ra rằng thầy tự lo được. Ai ngờ chị ấy chẳng chịu hiểu cho. Thầy nhớ có lần hồi thầy đang là thanh niên ở làng, thầy không cho ai giặt áo quần của mình cả. Một hôm mẹ thầy giặt cho thầy, bà không biết cứ dùng cả hai tay mà xát cho sạch khiến cái áo nhăn nheo hết. Thầy phải nhúng áo vào nước giũ một hồi lâu mới đỡ nhăn. Bà mẹ thấy thế thì trách, tôi biết anh rồi đấy, đang tuổi đi gò đi ghẹo sợ mặc nhăn nhúm con gái nó không ưa chứ gì. Nói cho anh biết nhé, nó đã phải lòng thì anh có ở truồng nó cũng theo. Thầy bật cười, vui vui. Mới đó mà hơn ba chục năm. Bà cụ thân sinh đã về bên kia, mà thầy còn nhớ cái sự ngúng nguẩy của bà khi bị đứa con tỏ vẻ không cần giặt áo giúp. Và bây giờ đây, thầy cũng không dám nói thẳng, sợ làm tổn thương đến chị.

    *
    Chiều hôm sau, nghỉ trưa xong là thầy gom áo quần ra giếng. Điệu Sanh cũng tỉnh giấc, dậy theo.
    - Sao hôm nay thầy giặt sớm thế?
    - À, tranh thủ trời nắng, giặt phơi cho chóng khô. Chiều lỡ có mưa.

    Điệu Sanh không hỏi nữa, đi theo thầy ra giếng quay nước.
    Thầy vo vải nhanh hơn mọi khi. Vội vội vàng vàng như sợ ai tranh mất việc. Điệu Sanh mới ngủ dậy, hơi uể oải, kéo chậm dây gầu khiến thầy phải nhắc.
    - Nhanh con. Áo rút khô hết xà bông rồi đây này.
    Điệu Sanh bất ngờ quay mạnh tay trục, dây đứt, chiếc gầu choảng xuống giếng kêu lên một tiếng rõ to.
    - Con không cẩn thận. Lại phải mất công thầy nối dây rồi - Sanh nói
    Nhưng thầy nhỏ nhẹ:
    - Tại ta quên giữ tâm đó thôi. Lấy chiếc sào quấy tìm thôi con.

    (Trích “Cõng nhau trong một cõi người” - Hoàng Công Danh)

  7. #7
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    ĐƯỜNG VỀ NHÀ

    Mười tám tuổi, tôi khoác ba lô, giã từ mẹ về thành phố học đại học. Sau tất cả những dặn dò chi li cẩn thận, lúc tiễn tôi ở cuối con đê đầu làng mẹ bỗng dưng bảo tôi: "Đường về nhà là con đuờng xa nhất, con giai ạ! Mai sau con có đi khắp chân trời góc biển thì cũng chẳng có con đường nào xa hơn đường về nhà mình đâu."
    ***
    Tôi cười và không hiểu tại sao mẹ lại nói như thế với tôi. Trong lòng tôi chẳng bao giờ tin, đường về nhà lại là đường xa nhất. Từ Hà Nội về nhà tôi chưa đến 50 km. Mẹ sai rồi!

    Những năm đầu tôi năng về nhà thăm cha mẹ người thân, và cũng để ngấm ngầm nói về mẹ, đường về nhà là đường gần nhất đấy.
    Nhưng những lần về đó cứ thưa dần, thưa dần như những điều may mắn tốt đẹp hay hạnh phúc của đời một con người.

    Tôi ra trường, ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như một con ngựa dũng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cát bụi phồn hoa.

    Đi qua quá nửa đời người, dấu chân phiêu lãng in mòn khắp nơi, năm châu bốn biển, tôi mới chợt nhận ra rằng, đường về nhà là con đường xa nhất. Mẹ hoàn toàn có lý!

    Khi ấy tôi mới giật mình nhớ lại và suy nghĩ. Quê hương tôi bao người trùng trùng lớp lớp đã ra đi mà có thấy ai trở lại bao giờ. Không phải bởi quê hương tôi nghèo khó hay đời sống tinh thần từ túng như bao làng quê khác. Họ chỉ quay đầu khi mắt nhắm tay buông, thân xác hòa tan trong lòng đất mẹ.

    Có hàng trăm ngàn vạn lý do chính đáng và không chính đáng để bước chân người ra đi không thể quay trở về được nữa, dù trong trái tim vẫn đau đáu một hình bóng quê nhà. Dù đường về quê chỉ là những con số toán học chẳng có nghĩa lý gì!
    Ngay cả với tôi bây giờ, khi gối mỏi chân chồn, tan nát từng ước mơ, vẫn không thể (không muốn thì đúng hơn) trở về mái nhà xưa được nữa.

    Bởi đường về nhà là con đường xa nhất trong những chuỗi hành trình vô tận miên man của một đời người ngắn ngủi mà lắm gian nan!

    Kao Nguyên


    (http://moingay1cuonsach.com.vn)

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:59 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh