Register
Page 6 of 15 FirstFirst ... 45678 ... LastLast
Results 51 to 60 of 143

Thread: Coi chùa

  1. #51
    .

    thương em thơ chưa lớn,
    đã loay hoay học thiền ...
    ăn, ngủ, chơi, la, hét,
    vui cuộc đời thần tiên ...


    ngẫu nhĩ giờ ngẫu nhiên,
    duyên nằm trong vô thức
    trân trọng sự sống này
    hơi thở nở hoa sen



    .
    Last edited by thuyền nhân; 01-13-2019 at 07:26 PM.

  2. #52
    Quote Originally Posted by Triển View Post

    "Nhứt niệm vô minh"

    Trên oanh tạc nét không có lấy một trang chùa nào để coi mà hiểu được. Không thể coi chùa để học chùa. "Nhứt niệm vô minh" là gì có ai giảng chùa cho mình đọc chùa để hiểu chùa không?

    Theo mình nghĩ khi có niệm thứ nhất thì có niệm thứ 2, có niệm thứ 2 thì có niệm thứ 3, có niệm thứ 3 thì có niệm thứ n. Quán sát kỹ sẽ thấy tâm mình là chuổi các vọng niệm, niệm này vừa diệt thì niệm khác sanh, cứ thế liên tục mà nhà Phật gọi là tâm viên ý mã. Tất cả khời đẩu từ niệm một, dẫn mình trôi lăn trong vòng sinh tử. Cội nguồn là vô minh. Niết bàn (hữu dư) có ngay trong hiện tại, không cần đợi sau khi chết, khi không còn niệm sanh diệt nữa (chơn tâm).

    “Ta ngồi đây lặng lẽ
    Nghe từng hơi thở nhẹ
    Niệm khởi biết không theo
    Tỉnh thức tự quay về”


    Tuổi Thơ Chốn Thiền

    Mới bước chân vào chùa gọi là hành điệu, phải học thuộc lòng hai đường công phu, không có ngày nào mà không bị dò bài. Thuộc thì cho ra chơi, không thuộc thì quỳ hương mà học. Ôi là vất vả, nhưng cũng nhờ đầu óc con nít nên mau thuộc, chứ như bây giờ chắc quỳ suốt tháng cũng học không xong.

    Điệu nào ở nhà có học chú Đại bi, thuộc các bài sám rồi thì đỡ cực hơn, chứ vô chùa rồi thì rất nhiều việc, tuy không làm việc nặng nhưng việc lặt vặt thì cứ làm hoài, với lại tuổi nhỏ ham chơi ham ngủ, nên không có nhiều thời giờ học bài, còn phải đi học ở nhà trường nên bài vở nhiều, mệt ơi là mệt!

    Vô chùa còn nhỏ thì được để chóp, tức cạo đầu rồi còn một ít tóc trên mỏ ác gọi là cái vá. Tại sao gọi là cái vá, cứ thắc mắc hoài. Có phải các bậc tiền bối nhìn hình thù mớ tóc như cái vá múc canh nên gọi là cái vá hay không? Dài thì vắt qua lỗ tai, thật là thú vị, ngộ nghĩnh và dễ thương vô cùng. Có điệu tu khi nhỏ để chóp dài quấn quanh đầu, thường được các bậc tôn túc vuốt chóp, chú nguyện cho điệu tu hành đến nơi đến chốn; điệu thật sung sướng vì mỗi lần như vậy các Ngài cho điệu nhiều bánh kẹo. Có chỏm tóc như vậy rất là quý, khoảng 16 tuổi thọ sa di bị cạo sạch tóc tiếc ơi là tiếc. Có điệu cạo tóc thì mừng mà cạo chóp thì phải khóc thút thít, vì từ đây tuổi thơ đã ra đi, thay vào đó phải học thêm nhiều đức hạnh của người xuất gia.

    Có người hiểu không rõ cho rằng, hành điệu là hành hạ những người còn nhỏ tuổi, vì điệu thì còn nhỏ. Thực ra hành điệu ở đây có ý nghĩa rất cao quý, là tập cho người nhỏ tuổi thực hành đúng theo phép tắc nội quy của thiền môn, vì đó là thềm thang vững chắc để bước lên Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni… Bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi của người xuất gia. Nếu không có oai nghi tế hạnh thì lấy đâu làm nền tảng để trang nghiêm thân mình, làm chỗ quy kính cho hàng phật tử. Bậc Thầy Tổ dạy rằng người xuất gia: đi như tượng vương, đứng như tường vách, nằm như sư tử, ngồi như chuông úp. Hành giả tu tập thật hành cho trọn vẹn suốt cả một đời tu chưa chắc đã hoàn hảo, nếu không nỗ lực gia tâm luyện tập không gián đoạn.

    Học kinh không phải dễ, vì chữ này lộn với chữ kia, câu này nhảy qua câu khác như chú Đại bi “Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da…” hoặc thần chú Lăng Nghiêm đệ thứ ba thì lộn hoài học không xong, thật là khó như “Tỳ đà dạ xà sân đà dạ ni, kê ra dạ di…” tới 15 lần Tỳ đà dạ xà sân đà dạ di kê ra đa di, học mà không thuộc thì tụng lui tụng tới không ra khỏi, cho nên tụng kinh thân tâm phải chánh niệm và ý phải trụ vào một chỗ, còn thân ngồi đó mà tâm đi rong thì kết quả không tốt. Tuy vậy nhiều điệu có duyên lành sâu dày với Phật pháp hàng ngày đi công phu theo đại chúng không học kinh cũng thuộc làu.

    Thuộc kinh rồi được học bốn quyển Luật Tiểu trong đó có Tỳ ni, Sa Di, Oai nghi, Cảnh sách. Vị luật sư khởi lập Luật Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu này chính là Hòa thượng Kiến Nguyệt, hiệu Độc Thể, tự Hoằng Giới ở núi Bảo Hoa đời nhà Thanh. Nương theo tâm từ bi của Đức Phật và muốn sách tấn hàng hậu học, nên Ngài lược rút ở phẩm Tịnh Hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm, cũng như trong Mật Bộ và trong các Kinh Luận khác. Ngài làm thành 45 bài kệ, 38 câu chú để kẻ sơ cơ làm phép tắc cho thân tâm, khắp bốn oai nghi, trong suốt ngày đêm đều lấy đó làm thềm bậc tiến tu đạo nghiệp, là cửa ngõ để thành Phật tác Tổ.

    Cổ Đức dạy: “Người nào khi mới làm điệu chịu khó học Luật Tỳ Ni và 24 oai nghi, thì thân tướng đoan nghiêm ngôn từ chậm rãi, nhu hòa thuần tịnh. Đây là căn bản cho tiến trình thành Phật tác Tổ. Còn người nào khi mới bước chân vào chùa lo chạy theo danh lợi… không ứng dụng pháp hành Tỳ Ni hàng ngày, đa phần hay tạo việc ác cho tha nhân, ít có tâm tùy hỷ cho người khác.”

    Từ sáng tới tối, tâm ta như khỉ nhỏ, như ngựa chạy rông đồng nội… ít khi nào dừng một chỗ. Do đó Tổ mới lập pháp hành Tỳ Ni để thúc liễm ba nghiệp không cho tạo các ác pháp. Pháp hành Tỳ Ni này có năng lực rất lớn, phàm nghĩ gì, hành động gì điều có phép tắc khuôn mẫu Tỳ Ni ràng buộc. Chẳng hạn sáng sớm thức dậy thì đọc kệ Tảo giác “Thùy miên thỉ ngộ, đương nguyện chúng sanh, nhất thiết trí giác, châu cố thập phương,” nghĩa là: Ngũ nghỉ mới thức, nên nguyện chúng sanh, tất cả trí giác, nhìn khắp mười phương. Nghe tiếng chuông thầm đọc Minh chung “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn, văn trần thanh tịnh chứng viên thông, nhất thế chúng sanh thành chánh giác”. Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới, thiết vi u ám cùng nghe được, căn cảnh thanh tịnh chứng viên thông, hết thảy chúng sanh thành chánh giác. Văn chung thầm đọc “Văn chung thanh, phiền não khinh, trí tuệ trưởng, bồ đề sanh, ly địa ngục, xuất hoả khanh, nguyện thành Phật, độ chúng sanh. Án già ra đế da tóa ha.” Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ, trí tuệ lớn, bồ đề sanh, thoát địa ngục, vượt hầm lửa, nguyện thành Phật, độ chúng sanh…

    Mỗi bài chú đều mang một ý nghĩa thúc liễm sáu căn, thanh tịnh ba nghiệp, phát sanh lòng từ hộ mạng chúng sinh. Không những sống tốt với người nhân gian mà còn trải lòng từ bi đến vạn loại chúng sanh đang chìm đắm trong đêm dài vô minh, nguyện nhờ ánh sáng Phật pháp soi rọi, cứu thoát họ trầm luân trong địa ngục A tỳ nhiều đau khổ.

    Tỳ Ni đã thông thuộc kế đến là học luật Sa Di, tức học mười giới, mà làm tiểu Ni thì phải học hai phần luật là Sa di và Sa di ni mới cho thọ Sa di ni, ban đầu học cũng vấp tới vấp lui, vì nó hơi giống nhau nhưng rồi cũng quen. Hành điệu các chùa ở miền trung rất là khó, không thuộc bốn quyển Luật Tiểu thì không cho thọ giới, mà không cho thọ giới thì không bao giờ được đắp y, chỉ mặc áo năm thân mà thôi, nên tất cả các điệu phải tâm phục khẩu phục mà học. Nhớ lại hồi còn điệu thật là tức cười, thấy quý sư cô đắp y mình không có y nên mấy điệu lén ở trong phòng lấy mền quấn tưởng tượng đang đắp y, nhờ lòng mong ước tha thiết được như vậy mà tồn tại đến ngày nay.

    Thứ đến là học Oai nghi, cũng phải học hai loại của Tăng và Ni. Sa di có 24 oai nghi, Sa di ni có 22 oai nghi, lại phải để tâm nhiều mới không bị lộn. Bên tăng oai nghi đầu tiên: Kỉnh Đại Sa môn đệ nhất (thứ 1, Kỉnh đại sa môn), Sự Sư đệ nhị (thứ 2, Thờ Thầy), Tùy Sư xuất hành đệ tam (thứ 3, theo Thầy đi ra)… Sa di ni oai nghi đầu tiên: Kính Tam bảo đệ nhất (thứ 1, Kính Tam bảo), Kỉnh đại sa môn đệ nhị (thứ 2, kỉnh Đại sa môn), Sự Sư đệ tam (thứ 3, Thờ Thầy). Cổ đức dạy rằng Oai khả kính, Nghi khả sợ, là chỉ cho người xuất gia có đầy đủ oai nghi khiến người khác trông thấy liền phát tâm lành kính thuận, cung kính chứ không phải sợ theo nghĩa thế gian, thấy người có chức quyền, có thế lực mình phải khiếp sợ bởi quyền lực của họ, bị phục tùng, bị ép buộc nhưng không hề có sự kính nể, trân trọng.

    Nhớ lại hồi còn nhỏ, mỗi lần đi ngang qua Sư bà, đi thật oai nghi, tế hạnh nhưng đều bị Sư bà gọi lại và dạy “Con phải đi nhẹ nhàng, không nên khua dép có tiếng...” Mình thầm nghĩ đi ngang Sư bà con đi rất nhẹ mà, nhưng ai ngờ càng nghĩ đi nhẹ thì tiếng động càng mạnh. Để cho biết rằng không phải chỉ học trên lý thuyết mà phải thực hành trong từng hơi thở, trong từng bước chân mới có đủ chánh niệm để trang nghiêm thân tướng.

    Người nào có nhân duyên tốt nhiều đời khi phát tâm xuất gia, tâm hồn như tờ giấy trắng tinh anh, nếu gặp thầy hay bạn tốt răn dạy hướng dẫn đi trên con đường thánh thiện thì đó là một phước báu vô biên. Còn có vị tuy cũng xuất gia nhưng không được ở trong đại chúng, ở những tịnh thất riêng lẻ là một mất mát lớn. Bởi chúng ta “Nhiễm tâm dị xí, tịnh đức nan thành,” nếu không ở gần những vị tôn túc hướng dẫn gọt rửa cho từng giây từng phút thì nghiệp chướng trần lao từ vô lượng kiếp chúng ta khó mà loại bỏ. Ở trong đại chúng một hành động không hợp với oai nghi, một lời nói không hòa nhã liền được các sư bà sư chị răn dạy liền. Người xuất gia nào thường được gần gũi chư vị tôn túc, được làm thị giả quý Ngài, đó là một diễm phúc lớn cho đời mình, tại sao như vậy? Gần gũi để học hỏi những oai nghi từ thân khẩu ý, tuy các ngài không dạy nhiều, không nói nhiều nhưng hành động thanh tịnh của ba nghiệp được lưu xuất nơi các Ngài, từ những công việc lặt vặt như quét chùa, tưới cây, ăn cơm, nói chuyện... học suốt đời cũng không hết. Lại được học hỏi những kinh nghiệm tu tập, kinh nghiệm hoằng pháp mà suốt một đời các Ngài đã dấn thân cho đạo pháp cho nhân loại, trên hành trình tiến về bảo sở. Có vị dạy bằng lời nói bằng hành động nhưng có vị chỉ nhìn thôi mình cũng đã hiểu ý, gọi là ý giáo. Chỉ chừng ấy thôi nếu ai gia tâm học hỏi sẽ có rất nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống tu tập. Không cần tốn nhiều thì giờ học hỏi nhiều lý thuyết trên sách vở, trên băng từ, mà học bằng hành động sống, con người sống có phải là thực tiễn và hạnh phúc hay không?

    Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu…” nghĩa là Luận người xuất gia bước đi trên con đường cao rộng, tâm hình khác người thế tục, nối tiếp dòng thánh, điều phục ma quân, đền đáp bốn ân, cứu giúp ba cõi. Đọc đến đây cũng làm cho người sơ cơ lo sợ, vì quá cao siêu, mình là con nít không hiểu chư Tổ muốn nói gì. Nói thật các bạn nghe hồi đó học để trả bài chứ thật không hiểu chi hết, học thì chữ nho lại âm Hán Việt. Bắt đầu bài văn Quy Sơn cảnh sách là: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy, bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cọng thành. Tuy nãi tứ đại phò trì, thường tương vi bội…” Học cho thuộc đâu phải đơn giản mà còn hiểu ý nữa, nhờ học nghĩa mới hiểu được đôi chút, nhưng cũng chỉ hiểu trên văn từ còn ý thì lờ mờ như người đi đêm.

    Song tiền nhân có nói: “Vô minh là áng mây mù, khêu đèn trí tuệ phải nhờ sách kinh.” Lâu ngày chầy tháng ở chốn già lam, ăn cơm nhà Phật, được học kinh, luật, luận được Sư bà các sư chị răn dạy nên tâm thần sáng ra, hiểu được bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia là “Trưởng tử của Như Lai, phước điền của chúng sanh, bậc trung tôn của đại chúng.” Bổn phận thật bao la, thật huyền diệu, gánh nặng cả hai vai, trên đền ân chư Phật, chư tổ, phụ mẫu, đàn na tín thí; dưới cứu khổ muôn loài. Nhìn lại bản thân mình chưa làm được gì thật đáng xấu hổ! Cho nên trong cuộc sống đời thường nguyện cố gắng làm những gì hợp với khả năng của mình, dù một việc rất nhỏ, để không cô phụ chí nguyện xuất gia, mong đền đáp phần nào tứ trọng ân mà một đời mình đã thọ nhận.

    Ai có một thời hành điệu, có tuổi thơ ở chốn thiền, đó là hạnh phúc cho đời mình, tuy hơi cực khổ vì phải thức khuya dậy sớm, ngủ không đủ giấc, ăn uống thì thiếu thốn, mặc thì vải thô nâu sồng, nhưng đó là nền tảng cơ bản cho mình tiến tu đạo nghiệp. Nếu không có những lần quỳ hương, không sám hối trước đại chúng, không bị cử tội trong nửa tháng phát lộ, không bị ăn đòn khi ham ngủ, trốn tụng kinh, không có ăn vụng… thì cũng giảm đi ý nghĩa hành điệu.

    Các bạn nào đang hành điệu xin hãy tận hưởng những giây phút hạnh phúc thần tiên đó, vì một khi trưởng thành khó tìm lại được buổi đầu sơ phát tâm. Chúc các điệu luôn vui tươi, an lành trong chốn thiền môn. Hai chữ “hành điệu” nghe thật dễ thương đến lạ lùng! Tuổi thơ chốn thiền chỉ còn trong ký ức nhưng đáng trân trọng biết bao.

    Thích Nữ Giới Định
    Last edited by chieclavotinh; 02-16-2019 at 08:47 PM.

  3. #53
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Theo mình nghĩ khi có niệm thứ nhất thì có niệm thứ 2, có niệm thứ 2 thì có niệm thứ 3, có niệm thứ 3 thì có niệm thứ n. Quán sát kỹ sẽ thấy tâm mình là chuổi các vọng niệm, niệm này vừa diệt thì niệm khác sanh, cứ thế liên tục mà nhà Phật gọi là tâm viên ý mã. Tất cả khời đẩu từ niệm một, dẫn mình trôi lăn trong vòng sinh tử.
    Chiếc Lá Vô Tình cho tui hỏi thêm rằng vọng niệm được định nghĩa ra sao? Thế nào gọi là vọng niệm? Nghĩ điều gì sai quấy gọi là vọng niệm (vọng tưởng) chăng? Nhưng vì sao hể suy nghĩ thì chắc chắn 100% phải là vọng niệm? Không thể là chánh niệm sao? Đó là lý do vì sao tui hỏi chữ "Nhứt". Ngày đẹp trời tui ngủ dậy, người khoan khoái, ý nghĩ đầu tiên trong ngày là mình khỏe. Ý niệm này có gì sai? Sao gọi là vọng niệm được?

    Việc các ý tưởng sanh ra thay đổi biến chuyển trong từng sát-na (đơn vị nhỏ hơn giây trong giáo lý Phật giáo) thì ai cũng biết rồi, cho nên mới có vụ ngồi tập thiền chánh niệm, cốt để "định", ráng nghĩ về một thứ chớ không chợt "nghĩ về hai nơi", ba nơi .... nhiều nơi như nhạc sĩ Trầm tử Thiêng. hihihi (sorry, đùa cho bớt căng thẳng thôi).



    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Cội nguồn là vô minh. Niết bàn (hữu dư) có ngay trong hiện tại, không cần đợi sau khi chết, khi không còn niệm sanh diệt nữa (chơn tâm).
    Vô minh là gì? Có người định nghĩa vô minh là phiền não. Có người định nghĩa vô minh chỉ là bất tri, bất giác, nôm na là "không biết". "Không biết" có nhiều người viết là cảnh giới cao nhất của thiền định. Các trang mạng viết cội nguồn là "vô thỉ vô minh" (còn gọi là vô thủy vô minh).
    Last edited by Triển; 02-18-2019 at 06:31 PM.

  4. #54
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Vô minh là gì? Có người định nghĩa vô minh là phiền não. Có người định nghĩa vô minh chỉ là bất tri, bất giác, nôm na là "không biết". "Không biết" có nhiều người viết là cảnh giới cao nhất của thiền định. Các trang mạng viết cội nguồn là "vô thỉ vô minh" (còn gọi là vô thủy vô minh).
    Theo mình, bác thấy định nghĩa nào hợp (thấy đúng nhất vào lúc này) bác theo. Khi nào bác đi xa hơn, bác thấy mọi định nghĩa có thể đúng hết, tuỳ vào hoàn cảnh, trường hợp, level người nghe. Theo mình, vô minh là không sáng. Không sáng không có nghĩa là tối, mà là ánh sáng lờ mờ, đưa đến nhận thức sai lầm. Như thí dụ trong kinh: một người đi ngoài đường, nếu trời tối đen thì không thấy gì hết. Những nếu trời sáng mờ mờ thì nhìn sợi dây thừng dười đất tưởng là con rắn. Đó là nhận thức sai lầm vì thiếu ánh sáng. Người vô minh không phải là người không biết. Họ có thể là người biết nhiều, bằng cấp cao, nhưng đó là cái biết lầm lạc, như đời vô thường mà coi là thường, cái ngã không thật mà coi là thật. Mình coi vô minh là si. Trong tham, sân, si, si đứng đầu. Vì nó mà hai cái kia có (nhưng vì si khó thấy hơn hai cái kia, không biểu lộ ra bên ngoài, nên khi sửa mình, mính nhìn vào tham, sân trước).

    Chiếc Lá Vô Tình cho tui hỏi thêm rằng vọng niệm được định nghĩa ra sao? Thế nào gọi là vọng niệm? Nghĩ điều gì sai quấy gọi là vọng niệm (vọng tưởng) chăng? Nhưng vì sao hể suy nghĩ thì chắc chắn 100% phải là vọng niệm? Không thể là chánh niệm sao? Đó là lý do vì sao tui hỏi chữ "Nhứt". Ngày đẹp trời tui ngủ dậy, người khoan khoái, ý nghĩ đầu tiên trong ngày là mình khỏe. Ý niệm này có gì sai? Sao gọi là vọng niệm được?
    Bác kiếm cuốn The Power Of Now đọc. Mình nghĩ các câu hỏi của bác đã được tác giả trả lời trong đó. Chỉ một thời gian rất nhỏ trong ngày là mình thực sự tỉnh thức, biết mình đang nghĩ gì, để tâm mình vào việc mình đang làm, còn lại là aimless thinking, wandering mind, vọng tâm. Cuốn sách phần lớn là vấn đáp. Trong 3, 4 trang đầu, Eckhart Tolle kể lại kinh nghiệm state of mind của ông khi “tâm vượn thôi nhảy nhót” (thực ra có nhiều level, nhưng với người sơ cơ như mình thì không cần để ý lúc này).

    “Một nguyền nguồn linh tường trong lặng.
    Hai nguyền tạng thức dứt lăng xăng.
    Ba nguyền khối nghi đều tan nát.
    Bốn nguyền trăng định mãi tròn đầy.
    Năm nguyền pháp trần không khởi diệt.
    Sáu nguyền lưới ái lìa buộc ràng.
    Bảy nguyền suy nghĩ hành Thập Địa.
    Tám nguyền nghe suốt bỏ tam thiên.
    Chín nguyền tâm vượn thôi nhảy nhót.
    Mười nguyền ý ngựa dứt cương yên.”

  5. #55
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Theo mình, bác thấy định nghĩa nào hợp (thấy đúng nhất vào lúc này) bác theo. Khi nào bác đi xa hơn, bác thấy mọi định nghĩa có thể đúng hết, tuỳ vào hoàn cảnh, trường hợp, level người nghe. Theo mình, vô minh là không sáng. Không sáng không có nghĩa là tối, mà là ánh sáng lờ mờ, đưa đến nhận thức sai lầm. Như thí dụ trong kinh: một người đi ngoài đường, nếu trời tối đen thì không thấy gì hết. Những nếu trời sáng mờ mờ thì nhìn sợi dây thừng dười đất tưởng là con rắn. Đó là nhận thức sai lầm vì thiếu ánh sáng. Người vô minh không phải là người không biết. Họ có thể là người biết nhiều, bằng cấp cao, nhưng đó là cái biết lầm lạc, như đời vô thường mà coi là thường, cái ngã không thật mà coi là thật. Mình coi vô minh là si. Trong tham, sân, si, si đứng đầu. Vì nó mà hai cái kia có (nhưng vì si khó thấy hơn hai cái kia, không biểu lộ ra bên ngoài, nên khi sửa mình, mính nhìn vào tham, sân trước).

    Bác kiếm cuốn The Power Of Now đọc. Mình nghĩ các câu hỏi của bác đã được tác giả trả lời trong đó. Chỉ một thời gian rất nhỏ trong ngày là mình thực sự tỉnh thức, biết mình đang nghĩ gì, để tâm mình vào việc mình đang làm, còn lại là aimless thinking, wandering mind, vọng tâm. Cuốn sách phần lớn là vấn đáp. Trong 3, 4 trang đầu, Eckhart Tolle kể lại kinh nghiệm state of mind của ông khi “tâm vượn thôi nhảy nhót” (thực ra có nhiều level, nhưng với người sơ cơ như mình thì không cần để ý lúc này).

    “Một nguyền nguồn linh tường trong lặng.
    Hai nguyền tạng thức dứt lăng xăng.
    Ba nguyền khối nghi đều tan nát.
    Bốn nguyền trăng định mãi tròn đầy.
    Năm nguyền pháp trần không khởi diệt.
    Sáu nguyền lưới ái lìa buộc ràng.
    Bảy nguyền suy nghĩ hành Thập Địa.
    Tám nguyền nghe suốt bỏ tam thiên.
    Chín nguyền tâm vượn thôi nhảy nhót.
    Mười nguyền ý ngựa dứt cương yên.”
    Phật dạy rằng phàm con người ai cũng có Phật tánh. Tuy nhiên người ta đi tìm cái không thật gán lên cho mình nên gọi là vô minh. Vì vậy gọi là nhứt niệm vô minh.

    Đa số con người ta tưởng là mình sáng qua cái tối. Thật ra không nghĩ gì là đã sáng rồi, càng suy nghĩ là càng tối. Vọng niệm tức là như vậy. Cho nên hiện nay người ta tập thiền nhiều để bỏ dần thói vọng niệm trở về chánh niệm cho thân tâm an lạc, không bị stress. Nhứt niệm vô minh là như vậy = Càng nghĩ là càng tối hù.

    Tui thích để post này cho người tối hóa sáng, người sáng lờ mờ không bị u tối dần. Chính là vén cái vô minh lên để thấy chơn Phật tánh vậy.

  6. #56
    “Mạc đạo Tây phương viễn
    Tây phương tại mục tiền
    Thủy lưu quy đại hải
    Nguyệt lạc bất ly thiên”

    Một chuyến Bắc du mầu nhiệm (kỳ 1)
    PHÚC QUỲNH

    Một trận bão tuyết đầu xuân, một buổi tụng kinh hộ niệm cho người sắp qua đời, một vụ mất chó gây huyên náo cảnh chùa, và một vầng cầu vồng tuyệt đẹp - vừa đậm sắc vừa nguyên vẹn - xuất hiện kỳ ảo ngay bên vách núi phía trái của con đường. Đó là vài trong nhiều biến cố đã xảy ra trong chuyến đi xa trong tháng Tư vừa qua của vợ chồng chúng tôi. Chuyến du hành dài hơn 4,500 dặm đã đưa chúng tôi đến một nơi xa nhất mà vợ chồng từng thực hiện trên đường bộ từ phố Bolsa ở Little Saigon lên phương Bắc, đến tận miền Trung Tây Canada, vòng qua tiểu bang Montana trên đường trở về California. Cuộc lái xe ngàn dặm này được sắp đặt khá bất chợt, chỉ mấy ngày trước lúc khởi hành, và chúng tôi suýt bỏ cuộc nửa đường khi đến gần biên giới của xứ Gia Nã Đại. Tất cả nhọc nhằn cũng như hoan lạc đều xuất phát từ mấy ngôi chùa.

    Vài năm gần đây, thay vì được nghỉ hè trong mùa hạ, chúng tôi đã có những ngày nghỉ vacation trong các mùa còn lại trong năm tùy theo công việc vốn không mấy ổn định của tôi. Cũng may, hồi ba đứa con của chúng tôi còn nhỏ, tôi giữ được một job khá lâu ở một đài phát thanh, nên vợ chồng được nghỉ hè đúng dịp các con đang nghỉ học. Mỗi mùa hè vợ chồng con cái cùng nhau đi thăm các thắng cảnh, địa danh, cắm trại khắp các tiểu bang ở miền Tây. Thế rồi ngày các con đủ khôn lớn và muốn rời xa cha mẹ, vợ chồng tôi cũng bôn ba theo công việc nay đây mai đó ở chốn Bolsa này.

    Cũng từ khi không còn được nghỉ đúng vào mùa hè, chúng tôi quyết định thay đổi mục tiêu cho những chuyến đi xa. Thay vì thăm ngắm các thắng cảnh thiên nhiên rất phong phú, hùng vĩ và bát ngát đến tuyệt vời ở miền Tây nước Mỹ này, chúng tôi tìm đến mấy ngôi chùa trong những ngày được rời khỏi khu phố xôn xao, nhốn nháo thường nhật để có được dăm phút giây yên tịnh cho tâm hồn.

    Chuyến đi thăm các chùa xa đầu tiên của chúng tôi được thực hiện vào mùa thu năm 2011. Hồi đó tôi nhận được một việc làm ở đài truyền hình vào mùa thu năm trước nên đúng một năm sau mới được nghỉ phép. Chuyến đi chùa ấy đã mang tới nhiều kinh nghiệm tâm linh đầy thú vị mà cho đến hôm nay tôi chỉ mới viết xuống được có nửa chặng đường, bởi quá bận với việc sở cũng như việc nhà là chăm sóc cho người thân. Nếu in thành sách thì chắc hẳn những mẩu chuyện trong chuyến đi chùa xa đầu tiên sẽ dày hơn hai trăm trang chứ không ít. Hy vọng tôi sẽ viết xong cuộc đi chùa đó trong năm nay để tặng bạn, trước khi trí nhớ đang mỗi lúc một sa sút của tôi không còn truy ra một chút kỷ niệm nào ở các ngôi chùa đang dần chìm theo quá khứ.

    Biết mình không có nhiều thời giờ để viết chuyện riêng, trước khi phải trở lại với công việc ở tòa soạn của một nhật báo, nơi tôi được nhận việc vào đầu tháng Ba và dịp nghỉ hè được sắp xếp trong mùa xuân, nên hôm nay tôi cố gắng ghi chép lại những gì vừa mới xảy đến trong chuyến đi chùa xa lần thứ tư này – chuyến thứ nhì đã diễn ra vào mùa thu năm 2012, đưa chúng tôi đến các chùa ở Arizona, New Mexico, Colorado và Bắc California; năm 2013 tôi bị đổi việc nên không được nghỉ… mát một ngày nào; năm 2014 ở sở mới, vì được nghỉ có một tuần, nên chúng tôi chỉ có thể đi Arizona rồi trở về viếng vài ngôi chùa ở Quận Cam trong tháng Ba.

    Năm nay tôi nài nỉ xin thêm một tuần nghỉ để được rời công việc trọn hai tuần, và như thế mới có đủ thời gian để lái xe đi xa hơn ngoài vùng Nam California. Trong chuyến đi năm 2015 này, chúng tôi muốn thăm lại vài địa điểm mà vợ chồng từng viếng trong cuộc hành hương đầu tiên năm 2011, cộng thêm một ngôi chùa rất xa, tuốt tận bên Canada, đúng hơn là ở thành phố Edmonton, một nơi cách xa phố Bolsa của chúng tôi đến ngót 2,000 dặm.

    Tại sao lại phải lái xe đi quá xa như vậy? Tôi không thật sự biết rõ động lực nào thúc đẩy mình phải vượt rừng băng núi để đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Có lẽ tiềm ẩn đâu đó trong vô thức, chúng tôi là loài thú rừng thích sống gần thiên nhiên, muốn được tự do chạy nhảy ở núi cao rừng thẳm hơn là bon chen giữa bao ràng buộc của đời sống vật chất với những quy ước chặt chẽ của loài người. Mà cũng có thể vì áp lực của đời sống thành thị quá nặng nề, khiến chúng tôi thấy cần phải vượt thoát ra ngoài để được hít thở chút khí trời khoáng đãng cho dù chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Từng đêm đi làm về, tôi không sao tránh được từng cơn đau đầu đôi khi kéo dài suốt trong giấc ngủ cho đến tận sáng hôm sau.

    Chúng tôi chọn Edmonton vì biết nơi xa xôi vạn dặm ở miền băng giá này có một ngôi chùa Việt Nam với một vị tăng trẻ đang nổi tiếng. Chúng tôi cần một địa điểm để định hướng cho chuyến đi mới nhất. Vị thầy và ngôi chùa đã cho chúng tôi hai lý do chính đáng để lên đường. Có đến được nơi đó hay không lại là một chuyện khác.

    Sau mấy ngày phải sắp xếp mọi thứ, từ chuyện sửa xe châm dầu nhớt, bàn giao công việc đưa đón người em bị bệnh cần lọc máu mỗi hai ngày, chuẩn bị bài vở ở tòa soạn, cho đến chích ngừa và đóng lệ phí hằng năm cho con chó cưng, chúng tôi lên đường vào sáng sớm thứ Hai, 6 tháng Tư. Tuy thức dậy từ 4 giờ sáng, hai vợ chồng loay hoay một hồi đến gần 7 giờ mới chất hết mấy túi lớn đựng quần áo đồ dùng cùng thực phẩm, kể cả gạo và mì gói, cho vợ chồng cũng như cho con chó Kiwi (đồ khô lẫn đồ hộp), thêm bốn, năm chiếc áo ấm phụ trội cho mỗi đứa (vì nghe nói ở Tây Bắc nước Mỹ và bên Canada còn lạnh ở mức đông đá vào ban đêm). Còn đèo bồng thêm vài thứ nữa như túi đựng bản đồ, máy định vị GPS, sổ thông hành (cho hai chúng tôi), giấy chứng nhận chích ngừa (cho con Kiwi), nồi nấu cơm, thùng đựng nước đá, đèn pin, và hai chiếc áo tràng (phòng hờ có dịp được dự lễ ở một ngôi chùa nào đó).

    Kỳ 2: Lên đường đến Oregon và Washington

    Cuối cùng chiếc Honda CRV màu xanh biển cũng lăn bánh trong chuyến du hành thăm chùa lần thứ tư của nó với chúng tôi. Như mọi lần, lúc rời thành phố Westminster trên xa lộ 22 nhập vào xa lộ 405 đông đúc xe cộ là lúc chúng tôi vừa lo mà cũng vừa hân hoan nhất. Lo vì không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao? mình có quên mang theo món đồ nào cần thiết hay không? chuyện gì sẽ xảy ra cho người thân ở nhà? và đồng thời chúng tôi hân hoan vì biết sắp được tạm cắt đứt một số dây nhợ buộc ràng để được buông trôi, thong dong thả lỏng như một quả bong bóng nhẹ tâng bay bổng theo gió trong vài ngày.

    Sau gần hai tiếng đồng hồ đua chen cùng những dòng xe náo nhiệt vào một buổi sáng đầu tuần giữa giờ đi làm ở thành phố đông dân hàng thứ nhì của nước Mỹ, đám cái bang chúng tôi – hai vợ chồng chưa già nhưng cũng sắp đến sáu-mươi tuổi, con Kiwi trên sáu-mươi tính theo tuổi chó, và chiếc CRV đã chạy được gần 100,000 dặm - mới vượt qua đèo Tejon Pass rời Los Angeles, để bắt đầu tiến vào một vùng thung lũng mở rộng bát ngát, nơi mà mỗi bận đi qua, dù đã không biết bao nhiêu lần rồi, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy sảng khoái như vừa dứt bỏ những ràng buộc chuyện cơm áo ở lại sau lưng.

    Vì cuộc hành trình này khá dài, chúng tôi quyết định phải lái qua hết chiều dọc của California trước khi dừng chân nghỉ đêm ở Oregon trong ngày đầu tiên. Như thế xe phải chạy ít nhất 12 tiếng đồng hồ xuyên tiểu bang từ Nam ra Bắc dài hơn 700 dặm, băng qua thung lũng San Joaquin ở miền Trung, lên núi xuống đồi giữa những khu rừng thông ở miền Bắc. Trời có lúc mưa lúc nắng, càng xa lên hướng Bắc, không khí càng mát rượi, dễ chịu hơn. Những cánh đồng khô cháy dọc theo xa lộ 5 cũng gợi nhắc cho chúng tôi biết một trận hạn hán lớn lịch sử đang đè nặng trên khắp California. Mưa, cho dù chỉ lất phất, cũng mang đến chút xíu hy vọng cứu gỡ cho cơn đại nạn này.

    Sau những chặng dừng chân để đổ xăng, ăn uống, cũng như giải quyết nhu cầu cơ thể (của chúng tôi lẫn của con Kiwi), chúng tôi đến một Motel 6 ở thị xã Medford thuộc miền cực Nam của Oregon lúc gần 9 giờ tối.

    Chúng tôi phải chọn Motel 6 vì theo chỗ chúng tôi biết, chỉ có lữ quán hạng thấp này tự nhận có lập trường thân thiện với chó (pet friendly). Bởi thế, dọc theo lộ trình, chúng tôi phải tính trước những nơi có Motel 6 để ghé qua đêm. Nhiều năm trước, một lần bị kinh nghiệm phải lái xe đi lòng vòng suốt cả đêm tại một thành phố nọ để tìm motel nhận chó, đã khiến chúng tôi phải đến với Motel 6, không có sự lựa chọn nào khác. Thật sự thì hệ thống khách sạn này có giá cả vừa túi tiền mà cũng đủ tiện nghi, sạch sẽ cho lữ khách chỉ cần nghỉ qua đêm như đám dân nghèo mà ham đi chơi chúng tôi.

    Đêm thứ nhất xa nhà, chúng tôi cắm nồi điện nấu cơm trắng ăn với món đậu hũ xào ớt chuông, cà rốt mang từ nhà theo. Với chuyến đi này chúng tôi không còn lo ngại chuyện tìm món ăn chay như trong hành trình thăm chùa xa đầu tiên năm 2011 mà tôi đang viết dở dang trong bút ký Một Chuyến Đi Chùa. Tìm thức ăn chay trong cuộc hành hương đầu tiên ấy từng là một vấn đề làm chúng tôi lo lắng bởi vợ chồng vừa mới ăn chay trường chỉ được vài tháng, chưa có kinh nghiệm tìm món chay bên ngoài những ngôi chợ Việt ở phố Bolsa. Trong Một Chuyến Đi Chùa (mà hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ viết xong để cống hiến bạn đọc), chúng tôi đã may mắn khám phá những cách giải quyết chuyện ăn chay không mấy khó khăn.

    Qua hôm sau, thứ Ba 7 tháng Tư, chúng tôi dậy sớm để lên đường trực chỉ hướng Bắc trên xa lộ 5. Mưa rơi trong hầu hết thời gian chiếc CRV lăn bánh ở Oregon. Quả đúng như danh hiệu, khắp phía Tây của tiểu bang này đều đẫm ướt dưới những đợt mưa liên tục trong ngày, phong cảnh chung quanh hai bên lộ, từ núi rừng cho đến đồng ruộng đều mượt mà với một màu xanh mướt của lá non đang đâm chồi trong tiết đầu xuân. Mưa thưa dần khi chúng tôi vào tiểu bang Washington.

    Chiều tối hôm đó, chúng tôi nghỉ ở một Motel 6 gần một ngôi chùa mà chúng tôi định sẽ ghé thăm, thuộc vùng Lynnwood nằm về phía Bắc của thành phố Seattle. Như vậy, trong ngày thứ nhì của chuyến hành hương, chúng tôi vượt qua hết chiều dài của tiểu bang Oregon và gần hết của Washington, đâu đó chừng 470 dặm.

    Ngẫm lại, bây giờ mà lái xe được xa như vậy quả là điều kỳ diệu vì tôi hiện không còn sung sức như mấy chục năm về trước, vào cái thuở mà chuyện phóng xe từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ trong vài ngày là chuyện nhỏ, chạy hăng tiết suốt ngày và hầu như suốt đêm, chỉ ngủ trong xe chừng vài tiếng xong lái tiếp mà vẫn thấy ngon cơm. Bây giờ lái xe được vài tiếng là tôi bắt đầu buồn ngủ, nghe tê buốt ở cẳng chân đạp ga và cả hai bên mông.

    Rất may, chúng tôi tìm ra một giải pháp để giảm bớt cơn buồn ngủ và sự chán nản trên chặng đường dài: nghe băng giảng pháp. Ở nhà, vợ chồng đi làm khác giờ, rất khó có dịp ngồi nghe bài giảng chung. Ngồi chung xe suốt nhiều giờ lại là dịp tốt cho hai đứa cùng nghe giảng pháp, khi nào cần bàn luận (hoặc tranh cãi) với nhau thì chỉ việc bấm cho ngưng máy, nhờ vậy mà đầu óc được kích thích, bớt buồn ngủ.

    Trong những lần đi trước đây, chúng tôi từng nghe pháp thoại của quý thầy Thanh Từ, Phước Tịnh, Minh Đạt, Trí Siêu, cùng nhiều giảng sư khác hoặc của quí ni sư như Như Thủy, Trí Hải, lần này chúng tôi chọn một dĩa dài cả chục giờ của sư bà Hải Triều Âm, một bậc thầy tuy đã khuất bóng nhưng lời chỉ dạy ôn tồn, vừa minh bạch rõ ràng, vừa sâu sắc trí tuệ, và nhất là đầy quyết liệt dõng mãnh, đã là nguồn sách tấn vô cùng quý giá cho những kẻ mới biết đạo như chúng tôi. Dĩa với tựa đề Quy Nguyên Trực Chỉ này đã giúp chúng tôi học đạo trong gần 10 ngày của chuyến đi.

    Kỳ 3: Một ngày viếng chùa ở Seattle

    Đêm thứ nhì của chuyến hành hương, chúng tôi tự thưởng mình bằng một tiệc pizza mua ở nhà hàng Pizza Hut gần lữ quán. Món Veggie Lovers của Pizza Hut (tạm dịch kiểu học trò của tôi là món người yêu rau) là một món chay ngon tuyệt, thơm phức quyến rũ như một pizza mặn với đầy đủ hương vị của ớt chuông, cà chua, trái olive, cheese, sốt cà trải đều trên mặt bánh nướng béo dòn mà hoàn toàn không có một chút thịt. Về phần Kiwi, con chó cưng của chúng tôi (cưng đến nỗi, trên xe, Kiwi được dành nguyên hàng ghế ngay sau lưng chúng tôi với khăn trải đặc biệt để khỏi làm dơ ghế) luôn trung thành với thực đơn cố hữu của nó, ngoắc đuôi sung sướng khi vừa trông thấy chủ bắt đầu chế biến món ăn cho nó bằng cách pha trộn đồ hộp sệt với thức ăn khô.

    Sáng ngày thứ ba của chuyến đi, thứ Tư ngày 8 tháng Tư, nàng nhà tôi bị ho và bị đau nhức trở lại ở nơi cánh tay từng bị trặc gân từ mấy tháng trước. Chỗ đau cứ dai dẳng, khi nặng khi nhẹ, nhưng nàng không chịu đi bác sĩ vì cho rằng “trặc gân như vầy không bác sĩ nào có thể chữa hết tức thì.” Còn tôi thì bị nhức đầu, đau hai bả vai, có lẽ vì nằm giường lạ, ngồi lái xe quá lâu chăng?

    Ở Lynnwood, chúng tôi tìm đến Địa Tạng Viên Quang Tự, một ngôi chùa lớn của người Việt (hỏi ra mới biết là gốc Hoa) mà chúng tôi đã từng ghé thăm vào mùa thu năm 2011. (Một lần nữa, phải xin lỗi bạn đọc rằng bạn phải chờ cho đến khi tôi viết xong Một Chuyến Đi Chùa thì sẽ biết nhiều hơn về Địa Tạng Viên, còn bây giờ thì tôi chỉ có thể kể về những gì xảy ra vào một buổi sáng mùa xuân năm 2015 ở ngôi chùa này.)

    Cũng như lần trước, chúng tôi đến chùa khoảng gần 10 giờ sáng và thấy chưa mở cổng. Trong bãi đậu xe khá rộng nằm sâu phía trong, chúng tôi trông thấy năm sáu chiếc xe với ít nhất là ba bốn xe mini van loại dài nhưng không một bóng người. Gọi tìm các số điện thoại mà chúng tôi có thì cuối cùng nghe được một giọng nam có lẽ là một vị tăng. Thầy nói khoảng 11 giờ rưỡi thì các chú mới về. (Ngôi tự viện này có nhiều người trẻ đi tu, ban ngày các sa di này đều đi học hoặc đi làm để gom tiền tạo dựng cảnh chùa.)

    Nghe vậy, chúng tôi bèn tiêu thì giờ bằng cách ghé một tiệm Target ở gần đó để tìm mua nón len, chuẩn bị chống khí lạnh ở Canada trong mấy ngày tới. Nơi bãi đậu xe của thương xá, trong khi vợ chồng chúng tôi mặc hai, ba lớp áo như người tị nạn Việt Nam mới qua Mỹ, dân Seattle đã mặc áo mỏng đón xuân. Trong cửa hàng Target thì bán toàn đồ bikini, áo tắm cho mùa hè. May sao ở máng treo áo quần đại hạ giá (bán tống tháo cho hết) còn sót mấy món mùa đông. Vợ chồng mừng húm lựa được hai nón len tốt, màu nâu, loại che được cả hai tai, mà giá chỉ có mấy đồng. Nón len loại này tìm không ra ở xứ nóng Nam California.

    Trở lại Địa Tạng Viên, thấy cổng vẫn chưa mở, chúng tôi đậu xe vào một lối đi bên cạnh cổng dẫn lên ngọn đồi rậm rạp cây rừng rồi xách máy ảnh ra để chụp hình. Mùa xuân Bắc Mỹ đang ùa về với những cành đào nở rộ đua sắc trắng, hồng trên các thân cây to lớn được trồng cạnh hàng rào gỗ của sân chùa bên mấy khóm tre xanh thẫm cũng cao to không kém. Chùa Địa Tạng có được một địa thế rất lạ. Chùa không xa khu thị tứ, thế mà chỉ cần quẹo vào ngã rẽ, đường về chùa bỗng quanh co khuất nẻo như dẫn vào một nơi xa xôi hoang vắng nào đó.

    Chụp ảnh xong, chúng tôi trở lại xe, vừa ngắm những cánh hoa đào màu phấn tiên rơi rơi từng đợt trong gió sớm vừa mở băng nghe tiếp những lời giảng của sư bà Hải Triều Âm. “Chị em chúng mình phải quét sạch, quét thật sạch lục căn, lục trần, đừng để cho vọng tâm chi phối thì tâm mới được an định, mà tâm có định thì mới có tuệ.” Chúng tôi nghe thầy lặp đi lặp lại nhiều lần lời dạy này để nhắn nhủ các sa di ni còn trẻ, đáng tuổi con cháu của thầy, tại một ngôi chùa nào đó ở Việt Nam. Nghe vậy cũng thấy hơi hổ thẹn, vì thầy mới nói “quét sạch” mà mình thì lại đi ôm một mớ hình ảnh thấy đẹp để cất giữ trong tâm, cho dù đó là cảnh chùa. Tu coi bộ khó ghê, nhưng cũng sẽ cố gắng quét sạch như lời dậy của sư bà.

    Đến gần 12 giờ trưa thì vài chú sa di về chùa, mở khóa, lái xe vào và để cổng mở rộng luôn cho khách thập phương. Chúng tôi cũng lái vào và xuống xe lễ Phật trong khi các chú đi khuất vào phía sau chùa. Đang lạy Phật, đứng ngắm nghía vài pho tượng Bồ Tát, chúng tôi chợt thấy một chú tiểu trẻ xuất hiện. Không ai bảo ai, vợ chồng chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Gần bốn năm về trước, chú cũng chợt xuất hiện như vậy và rồi nhờ một cơ duyên đưa đẩy (tôi đã kể trong Một Chuyến Đi Chùa nhưng chưa đăng vì chuyện viết chưa xong), chính chú đã hướng dẫn chúng tôi bước vào một chánh điện vô cùng nguy nga tráng lệ với nhiều tôn tượng đầy hào quang rực rỡ dát vàng. Chính những lời thuyết minh vô tư của chú tour guide Minh Tiến lần đi đó đã mở ra nhiều cánh cửa kỳ thú để chúng tôi vừa chiêm bái các đấng cao siêu vừa ngưỡng mộ tinh thần phục vụ đạo pháp của chư tăng trong chùa, để rồi khiến chúng tôi quyết định trở lại nơi đây thêm một lần nữa trên đường Bắc du.

    Từng được biết thêm là chùa chỉ mở cửa chánh điện cũng như các điện thờ khác vào những buổi lễ đặc biệt có đông đảo tín đồ, năm đó chúng tôi cảm thấy thật may mắn khi chú tình nguyện tìm chìa khóa để đưa hai người khách phương xa vào tận Pháp Hoa Bửu Điện được xây ở lưng đồi và giải thích khá nhiều về kinh Pháp Hoa, một cuốn kinh lớn của Phật Giáo Đại Thừa mà chúng tôi gần như mù tịt vào lúc đó (trừ một chi tiết khá phổ thông là kinh cầu an Phổ Môn nằm trong bộ kinh lớn này).

    Lần trở lại mùa xuân năm nay, chúng tôi thấy chú chững chạc, tròn trĩnh hơn và hầu như hoàn toàn không nhớ ra chúng tôi. Đó cũng là một bài học về tính vô thường của vạn pháp dành cho hai vợ chồng. Không biết nói gì hơn và cũng không định xin vào chánh điện thêm một lần nữa, tôi bèn hỏi thăm chú về thầy viện chủ vì sực nhớ lần trước chú bảo thượng tọa viện chủ đã đi Đài Loan. Lần này chúng tôi cũng không có cơ hội diện kiến vì người lại đi Đài Loan.

    Chúng tôi chào chú và tiếp tục thăm chùa.

    Kỳ 4: Địa Tạng Viên "giàu" và chùa Vạn Hạnh "nghèo"

    Vợ chồng lần theo bậc tam cấp bằng gỗ, kính cẩn chắp tay xá các ngôi tượng được an vị trong những điện thờ có ba mặt bằng kính trong, thiết kế rải rác trên đường lên đỉnh đồi chen lẫn giữa các chòm cây khóm lá um tùm. Với địa thế nở hậu, sân chùa dường như càng lên cao càng mở rộng, biến thành một sân tráng nhựa mênh mông với hàng mấy chục pho tượng to lớn đặt dọc theo hình chữ L của hàng rào ngăn chùa với khu đất cạnh bên. Chúng tôi có ý tìm ngắm các pho tượng mới vì ngày trước chú Minh Tiến có cho biết tôn tượng Phật A Di Đà đang được thực hiện ở Việt Nam, (lúc ấy) tuy chưa hoàn chỉnh mà đã có nhiều thầy khác trông thấy và khen ngợi muốn đặt theo.

    Đúng như chúng tôi chờ đợi, tượng Phật A Di Đà cao to ngang bằng với tượng U Minh Giáo Chủ đã có mặt ở vườn Địa Tạng. Không những thế, sân chùa còn có thêm hàng mười mấy bức tượng khác trong vòng chỉ mới mấy năm.

    Ngày trước chúng tôi thấy hai hàng dài đủ loại tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và Phật A Di Đà với các danh hiệu khác nhau ở hai bên một bức tượng đồ sộ của ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hôm nay, như vừa kể chùa có thêm một tượng Phật A Di Đà lớn và vài vị Phật khác, cộng với một hàng tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương (cũng với nhiều danh hiệu khác nhau) và vườn Tứ Động Tâm. Đặc biệt là phía trước cửa vào chánh điện, ở bên phải có thêm tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng giữa hai tượng Thủy Địa Tạng Bồ Tát với các tượng hài nhi quây quần dưới chân.

    Với bao nhiêu công sức bỏ ra để xây cất một cảnh chùa vừa bề thế, nguy nga vừa đầy những chi tiết tỉ mỉ với đủ sắc màu phong phú, chúng tôi nghĩ có lẽ tôn chỉ của quý chư tăng kiến lập Địa Tạng Viên Quang Tự là tạo dựng một nơi để khách thập phương vừa chiêm bái tượng đài vừa cầu nguyện ơn trên gia hộ để từ đó tăng trưởng tín tâm lẫn đạo tâm, theo tinh thần tín ngưỡng của người Trung Hoa. Chúng tôi tuy không đến với chùa với mục đích ấy nhưng cũng vui vui khi ngắm các công trình xây dựng pha trộn Việt Hoa này.

    Ngắm xong toàn bộ cảnh chùa, chúng tôi lẳng lặng dời gót vì thấy những tu sĩ và cư sĩ có mặt trong chùa đang tập trung chú ý để di dời một hòn non bộ khá lớn bằng một dụng cụ cơ giới hiện đại. Nếu không từng tiếp xúc qua, chúng tôi có thể lầm các tăng sĩ này là khách tục (như lần trước) vì không thầy nào mặc áo nâu sòng cả. Hơn thế nữa, tất cả đều mặc quần jeans hoặc quần jogging, chân mang ủng đi mưa hoặc giày tennis như những người thường. Ở cả hai lần, chi tiết ngộ nghĩnh ấy đã là một trong những điểm đặc trưng của ngôi chùa vùng Lynnwood, dưới mắt chúng tôi.

    Rời Địa Tạng Viên, chúng tôi đậu xe ăn trưa dưới một tàn cây râm mát trong khu chợ Target gần chùa, xong lái xe xuôi Nam hướng về trung tâm Seattle để đến chùa Vạn Hạnh, một nơi mà chúng tôi cũng từng ghé thăm trong chuyến hành hương gần bốn năm trước. Hai ngôi chùa khác nhau một trời một vực trên nhiều khía cạnh. Nếu Địa Tạng Viên thuộc hạng chùa giàu với quá nhiều tôn tượng trên một khu đất rộng nằm dựa lưng đồi với rừng cây rậm rạp chung quanh, thì Vạn Hạnh thuộc dạng chùa nghèo, lại luộm thuộm nằm lọt giữa một khu gia cư lao động.

    Nếu ở Địa Tạng Viên chúng tôi gặp chư tăng và cư sĩ toàn là phái nam thì ở Vạn Hạnh, cả người tu cũng như khách thập phương đều thuộc phái nữ. Nếu Địa Tạng Viên cửa đóng then cài, tổ chức quy củ đâu ra đó, chỉ mở cổng theo giờ giấc nhất định, thì Vạn Hạnh luôn mở rộng tự nhiên, từ cổng chính cho đến tận cửa vào bên trong chùa. Thế nhưng, ở cả hai chùa chúng tôi đều tìm thấy một điểm giống nhau. Đó là nơi của những kẻ xuất gia một dạ chí thành với Phật pháp cùng tâm nguyện mang ánh đạo từ bi soi đến chúng sanh.

    Đến Vạn Hạnh, chúng tôi từ từ lái xe vào sâu trong sân chùa, nơi đang dựng lên ngôi chánh điện mới với một nhóm thợ, một Việt hai Mỹ, đang bận tay cưa gỗ đóng đinh. Ngoài hai khách thập phương khác, một già một trẻ ý chừng là hai mẹ con, vừa ghé chùa trước chúng tôi năm mười phút, chúng tôi không gặp ai cả. Hai vị khách, có lẽ là Phật tử quen, đẩy cửa bước vào bên hông ngôi nhà được cải biến thành chùa sau khi lễ lạy Phật Bà Quan Âm bên ngoài. Họ vào hẳn gian bếp, múc cơm ra ăn và bảo chúng tôi ngồi chơi chờ một lát, ni sư viện chủ đang trên đường về.

    Quả thật, chẳng bao lâu chúng tôi thấy một chiếc xe quẹo vào sân chùa với ni sư Giác Hương cầm lái và vài ni khác cùng mấy Phật tử ngồi đầy trong xe. Cả nhóm xuống xe vui vẻ bước vào chùa trong lúc mấy con chó cũng từ xe phóng xuống, chạy loăng quăng nhốn nháo như trẻ nhỏ mới đi xa về.

    Gặp lại sư bà, chúng tôi chưa kịp chào hỏi thì sư bà tất tả bước vào chùa vừa đi vừa phân trần một câu gì đó mà chúng tôi không hiểu. Tới chừng nghe tôi thưa là từ California đến ghé thăm chùa, ni cô Tâm Phước đi theo sau sư bà mới thủng thỉnh thưa với sư phụ, tay chỉ về hướng tôi, “Thầy lộn rồi, vị này không phải là ông thầy châm cứu.”

    Hiểu ra, sư bà bèn nhắc ni Phước mở khóa chánh điện cho chúng tôi vào lễ Phật và đợi sư bà một chút. Chúng tôi bèn vào lễ Phật và thấy nơi thờ phượng Tam Bảo vẫn không khác xưa, nhỏ nhưng trang nghiêm, thanh tịnh. Sau đó, vợ chồng được sư bà tiếp chuyện ở ngay bên ngoài cửa chánh điện, nơi đồ đạc đang được tái phối trí dồn đống ngổn ngang, phần do thiếu bàn tay sắp đặt phần do ảnh hưởng từ vụ đang xây cất chùa mới.

    Gặp lại sau gần bốn năm, chúng tôi thấy vị ni sư ngoài bảy mươi tuổi này có phần già yếu đi tuy vẫn giữ nguyên vẻ nhanh nhẹn, tự nhiên với bộ áo măng tô dày, y như lần trước với hai con chó nhỏ quẩn quanh. Nghe chúng tôi hỏi thăm về mấy con chó để gợi sư bà nhớ lại chuyện cũ, sư bà chưa kịp nhớ ra hai vợ chồng mà bỗng sực nhớ còn thiếu bóng dáng một con chó nữa. Thế là câu chuyện bị cắt ngang, sư bà đứng dậy đi tới đi lui, luôn miệng gọi tên “Jackie! Jackie!” với vẻ lo âu. Không thấy con Jackie chạy lại, sư bà bèn rời chúng tôi để đi tìm nó và hỏi tất cả những người cùng ngồi trên xe cùng về chùa xem có chắc con Jackie không bị quên ở chợ Wal Mart hay không.

    Tuy được mọi người trả lời là chắc chắn con Jackie đã về đến chùa và có lẽ đang “chạy về thăm má nó,” sư bà vẫn không an tâm chút nào. Bốn năm trước, sư bà cũng từng bồng bế, mắng yêu hai con chó nhỏ trong lúc vừa ho hen vừa kể chuyện đời tu của mình với cặp vợ chồng phương xa là chúng tôi. Hai con chó đó đã qua đời, và giờ đây, tình cảm của sư bà dành cho mấy con chó hiện tại vẫn không hề suy giảm so với hai con chó trước.

    Kỳ 5: Quá khứ không truy tìm, lời Phật dạy

    Tìm quanh khắp xó xỉnh trong chùa không thấy bóng dáng con Jackie, sư bà Giác Hương bương bả ra đường để tiếp tục kiếm nó. Thấy vậy, tôi cũng đi theo để phụ tìm con chó mà tôi thật sự chưa biết mặt mũi ra sao. Sư bà vừa rảo bước vừa khản cổ gọi tên con chó nhỏ thân yêu, tiếng kêu thất thanh vang vang cả một góc phố mà vẫn không thấy con Jackie chạy tới.

    Buồn bã, sư bà trở về chùa, kiếm xâu chìa khóa rồi lái xe ra đi, có lẽ đến “nhà má nó” để tìm, bỏ lại chúng tôi nhìn nhau không hiểu đầu đuôi chi cả. Hỏi thăm một vị Phật tử trong chùa, chúng tôi mới được biết sơ sơ rằng Jackie là một con chó của một gia đình cách chùa chừng hai khu phố, khoảng vài trăm thước. Không hiểu do một sự tình cờ nào, Jackie lang thang đến chùa rồi không muốn trở về nhà nữa. Chủ nó bắt về, nó vẫn tìm cách chạy đến chùa và ở luôn với sư bà như “muốn tu” giống như hai con chó kia.

    Trong lúc ni sư viện chủ bận tìm chó, vợ tôi tranh thủ thời gian gặp ni cô Tâm Phước để mua thức ăn chay, vừa ủng hộ chùa vừa dự trữ dành ăn dọc đường, “trước mua… no, sau làm việc nghĩa.” Còn tôi thì trở ra chỗ buộc dây con Kiwi để trấn an nó vì không hiểu sao từ lúc sư bà cuống lên tìm con Jackie, thì con Kiwi nhà tôi bỗng sủa vang rân nhắm mấy người thợ mộc làm việc ở gần đó khiến sân chùa càng thêm náo loạn.

    Một hồi sau, sư bà về, vẫn tay không, vẫn tiếp tục luôn miệng gọi tên Jackie, lo cho nó bị người ta bắt mất. Tôi chưa biết phải lựa lời an ủi như thế nào, thế rồi giữa lúc sư bà thất vọng ra mặt, con chó bỗng xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Sư bà ôm chầm con chó trong sự vui mừng, vừa rầy la vừa kể tội của nó với chúng tôi.

    Con Jackie, thuộc loại chó Terrier lai cỡ nhỏ, với bộ lông trắng muốt và đôi mắt tròn đen bóng ngời như ngọc, dường như biết lỗi mình, ngoan ngoãn cúi đầu chịu tội. Qua lời kể của sư bà, chúng tôi được biết thêm, Jackie là chó của một gia đình người Mỹ đen sống ở gần đó. Vì nó cứ muốn đến chùa và ở lại “tu” luôn, sư bà đã phải trả chủ nó một món tiền để được họ ưng thuận. Từ đó Jackie vui vẻ sống với sư bà, nhưng năm bảy hôm lại chạy về nhà “thăm má nó” một lát rồi lại quay về chùa.

    Sư bà kể thêm rằng có lần nó rủ theo “thằng mập,” tức con chó lông nâu vàng cùng được nuôi trong chùa, chạy về thăm nhà. Được rủ rê, “thằng mập” cũng phóng theo nhưng chỉ đứng trước nhà chứ không vào bên trong “thăm má nó” như con Jackie. Kể ra mấy con chó này khá thông minh. Con Kiwi nhà tôi mà buông dây cho chạy rông là không tìm được đường về. Tôi từng phải lái xe đi vòng quanh khu phố để tìm Kiwi và rồi bắt gặp nó đã chạy quá xa nhà với ánh mắt đầy sợ hãi. Ngồi tâm sự với con chó ôm trong lòng, sư bà nói rằng người sợ những kẻ nghiện ngập bắt Jackie để bán kiếm tiền vì loại chó này có thể bán được cả mấy trăm bạc.

    Sau khi đã an tâm về con chó cưng, ni sư kể chuyện xây ngôi chánh điện cho chúng tôi nghe, vui vẻ cho biết mọi việc đang tiến triển tốt đẹp, tiệc gây quỹ vừa qua cũng khá thành công. Nghe vậy, chúng tôi rất mừng cho chùa vì biết chùa rất nghèo. Trong thư thông báo Phật sự như cầu an, cầu siêu… mà chúng tôi vẫn nhận được thường xuyên, vị viện chủ chùa Vạn Hạnh từng kể rõ là việc xây cất chánh điện mới đang tiến hành ở giai đoạn dựng sườn, nếu không có tiền lợp mái thì đành phải đình lại, trùm ny lông rồi… đợi chừng nào có tiền mới làm tiếp.

    Của ít lòng nhiều, chúng tôi thường cố gắng gởi tịnh tài đóng góp và cầu nguyện cho hoài bão của sư bà sớm được thành tựu. Lần này đến thăm, chúng tôi vui mừng khi tận mắt thấy dự án đã được khởi công mặc dù chưa ai biết lúc nào sẽ xong vì theo lời ni cô Tâm Phước cho biết, nhà chùa có tiền tới đâu thì xây tới đó. Ni cô Tâm Phước, theo lời sư bà, tuy trẻ và thị lực bị yếu do bẩm sinh, rất giỏi giang trong mọi chuyện, từ việc làm lụng, điều hành trị sự cho đến việc tiền nong. Vì vậy sư bà rất yên lòng khi giao hết cho ni Phước lo liệu, riêng phần sư bà chỉ chuyên lo dìu dắt tinh thần Phật tử mà thôi.

    Vì cần rời Seattle đúng theo giờ giấc dự trù, chúng tôi xin phép ni sư để lên đường, không quên cúng dường Tam Bảo và mang theo những món đặc sản của chùa như chả lụa, chả hấp, mắm sắc, bánh ú và bánh bao mà chúng tôi vừa mua. Nhờ mấy món chay này mà chúng tôi có đủ lương thực ăn dọc đường cho đến ngày về lại California.

    Lái xe ra khỏi Seattle một đoạn khá xa, tôi mới nhớ ra mình còn quên một việc. Số là khi biết chúng tôi sắp lên đường hành hương, mẹ tôi gửi theo ba lố dầu cù là hiệu Aurora và căn dặn nhớ mang đến chùa tặng các thầy lớn tuổi, để các thầy “lúc nào cũng có lọ dầu cất trong túi áo, khi cần lấy ra dùng rất tiện.” Lúc ở chùa Địa Tạng thì tôi có nhớ vụ dầu này nhưng chẳng lẽ lại mang ra tặng các tăng sĩ tuổi chưa tới ba mươi. Vị lớn tuổi nhất có mặt lúc đó là thầy Quả Tín có lẽ cũng chưa đến tuổi cần lọ dầu bỏ túi như mẹ dặn. Ở chùa Vạn Hạnh, sư bà Giác Hương, người vốn hay ho hen cảm cúm, thật là đúng đối tượng để tặng dầu, thế mà chúng tôi lại quên bẵng, có lẽ cũng vì vụ mất chó của sư bà.

    Đến chùa Vạn Hạnh lần nhứ nhì cũng giúp cũng tôi nhận ra một bài học như đã thấy ở Địa Tạng Viên trước đó. Cả sư bà Giác Hương lẫn ni Tâm Phước đều không nhớ từng gặp và trò chuyện với chúng tôi suốt cả buổi trưa gần bốn năm trước. Vợ chồng từng chụp hình chung với họ, sau đó gửi tặng mấy tấm hình này để rồi từ cầu nối đó, mỗi mùa lễ tết đều nhận được thư thông báo cầu an, cầu siêu cùng các Phật sự khác của chùa và đó cũng là nguyên do mà chúng tôi muốn quay lại viếng thăm.

    Nhờ sự lãng quên của họ mà chúng tôi nhận ra mình là kẻ phàm phu, vẫn còn níu kéo quá khứ, chưa thấm nhuần được lời dạy của Đức Phật trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả mà tôi vẫn tụng mỗi ngày:

    Quá khứ không truy tìm/ Tương lai không ước vọng/ Quá khứ đã đoạn tận/ Tương lai lại chưa đến/ Chỉ có pháp hiện tại/ Tuệ quán chính ở đây/ Không động, không rung chuyển/ Biết vậy, nên tu tập… (do cố Hòa Thượng Thích Minh Châu viết lời Việt).

    Người của hôm qua đã thuộc về hôm qua, không phải là người của hôm nay, mặc dù hình tướng, phong cách vẫn không khác là mấy. Sống ngày hôm nay mà lại đi tìm người của hôm qua thì cũng như chạy bắt chiếc bóng của chính mình, thấy đó nhưng không bao giờ bắt được nó. Một bài học quí giá. Vài hôm sau, chúng tôi lại được dịp nghe nhắc nhở bài học này qua lời đọc của một sa di trẻ trong một không gian ấm cúng, huyền diệu ở tuốt miền Bắc Canada.

    Kỳ 6: Trực chỉ hướng tới biên giới Canada

    Để lại quá khứ ở chùa Vạn Hạnh, cùng với tiếng kêu “Jackie! Jackie!” vang vang trên một góc phố, chúng tôi lên đường rời Seattle lúc 4 giờ chiều, với hy vọng vượt qua gần 300 dặm để đến Spokane trước nửa đêm. Đoạn xa lộ 90 băng qua vùng núi Snoqualmie ở phía Đông Seattle đã cho chúng tôi những giây phút ngắm cảnh tuyệt vời.

    Nàng nhà tôi đưa ra nhận xét những rừng thông trùng trùng điệp điệp ở đây, tuy cũng là thông nhưng có khác với rừng thông ở Oregon và California. Chúng thẳng tắp, cao vút, hùng dũng như những vị hộ pháp. Màu xanh đậm của loại thông tùng bách này chen lẫn với màu vàng chanh hoặc xanh phớt của nụ non lá mới từ những loại cây đổi màu như cây phong, cây sồi, làm thành một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp.

    Mưa phùn bay lất phất trên đường đèo Snoqualmie. Khi xe chạy sát một vách núi, chúng tôi bỗng thấy xuất hiện một phần của một cầu vồng giữa rừng thông. Xe càng đến gần khu rừng xanh thẫm, cầu vồng càng hiện rõ với đầy đủ mầu sắc từ đỏ ở vòng ngoài, vàng cam ở giữa đến xanh tím ở vòng trong, và rồi trọn vẹn một cầu vồng uốn cong theo hình nửa vòng tròn hiện ra ngay trước mắt. Dẫu biết rằng mặt trời ở phương Tây đằng sau lưng đang rọi ánh sáng qua bầu không gian mưa phùn để tạo thành vầng cầu vồng ở trước mắt, vợ chồng chúng tôi vẫn cảm nhận một luồng điển lực nào đó vừa chạy vào người khiến cả hai cùng rùng mình, nhìn nhau không nói nhưng đều biết hiện tượng trước mắt là một lời nhắc nhở, khích tấn cho chúng tôi trên đường tu.

    Sau nhiều giờ quanh co nơi miền núi mỗi lúc một vắng xe, chúng tôi tiến vào vùng bình nguyên phẳng lì, chia cắt thành những cánh đồng bao la lan tới tận chân trời dưới nắng chiều không một bóng người, cô tịch như ở một hành tinh xa thẳm ngoài vũ trụ. Chúng tôi đến Spokane lúc 9 giờ tối, tìm được một Motel 6 ở ngoại ô.

    Đêm hôm ấy nàng nhà tôi ho nhiều hơn, đã vậy còn bị nhức đầu, chóng mặt vì say sóng. Có lẽ nàng đã nhuốm bệnh. Còn tôi vẫn đau ở bả vai, tai ù cũng bởi say sóng. Xem lại bản đồ, thấy đường từ Spokane đến Edmonton xa 650 dặm, lái xe gần 12 tiếng đồng hồ, chúng tôi cảm thấy ngao ngán. Với tình trạng sức khỏe không mấy khả quan như lúc khởi hành, mà đường còn xa phải đi sâu hơn lên miền Bắc lạnh lẽo, chưa kể phải lái thêm mấy ngàn dặm trên đường từ đó trở về nhà, vợ tôi buông một câu chung cho cả hai đứa, “Chắc mình phải xét lại, đường còn xa quá. Liệu có đủ sức để đi thêm không?”

    Đêm hôm đó tôi ngủ không yên, một phần vì con Kiwi bị chộn rộn mỗi khi có chó lạ đi ngoài hành lang lữ quán, một phần vì tôi chưa biết nên đi tiếp để rồi cả hai vợ chồng sẽ lâm bệnh nặng, hay quay về bỏ cuộc dù chỉ còn cách biên giới hơn 100 dặm đường. Ban đầu, tôi có nhiều lý do để quay về, vì thấy rằng ý định qua Canada phần lớn là do tôi đặt ra và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ. Về đến nhà mà cả hai đứa đều lăn ra bệnh thì phiền quá, mang mặt mũi phờ phạc đến sở làm sau hai tuần nghỉ vacation thì còn gì quê cho bằng. Nhưng càng nghĩ thêm, tôi càng có lý do để tiến tới. Sáng hôm sau tôi bàn với vợ, “Mình đã lái xe tới tận đây rồi, chỉ còn một ngày đường nữa là tới Edmonton, mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn sàng, kể cả sổ passport. Nếu quay về thì khó có cơ hội lần thứ nhì.”

    Đúng vậy, ở tuổi không còn là trung niên, và trong hoàn cảnh không còn rộng rãi về thời gian cũng như tài chánh, tôi không nghĩ một ngày nào đó chúng tôi sẽ còn dịp lái xe đến tận nơi đây.

    Vợ tôi cười đồng ý. Nàng không nói nhưng ngửi mùi dầu nóng sực nức bay đầy trong xe, tôi biết vợ đang yếu sức, mà tôi đã chưa chắc khá hơn. Tôi cũng không nói nhưng thầm biết có một sự che chở nào đó, nếu tôi tiếp tục với ước nguyện thiện lành, chân mỹ.

    Ở trạm biên giới vào Canada

    Rời Spokane vào sáng sớm thứ Năm, 9 tháng Tư, chúng tôi lái xe qua thành phố Coeur DAlene ở tiểu bang Idaho, xong theo bang lộ 95 chạy lên hướng Bắc nhắm tới biên giới Gia Nã Đại. Bang lộ này chạy dọc theo núi, băng qua các thị trấn, những hồ nước xanh biếc, làng mạc thôn dã trên miền cao nguyên. Ở các tỉnh lẻ đèo heo hút gió này, tôi tìm thấy những phong cảnh mà tôi luôn mơ ước được sống trong yên tịnh.

    Tại thị trấn Bonners Ferry nằm cạnh bờ sông Kootenai (hay Kootenay), chúng tôi dừng xe tại một Visitor Center cho con Kiwi được xả xú bắp sau nhiều giờ nằm mọp ngủ trên sàn xe. Xa xa bên kia sông, chúng tôi có thể thấy những ngọn núi còn phủ tuyết trắng. Dù xuân đã đến, nơi đây vẫn lạnh buốt đối với những kẻ vốn quen với khí hậu xứ ấm. Nghĩ tới bên kia biên giới Canada còn lạnh hơn đây rất nhiều, tôi thấy hơi ớn nhưng cũng vững tâm khi nhớ đến chiếc nón len che tai mua ở Seattle cùng với mấy bộ áo lạnh chất sau xe.

    Tại cửa biên giới Eastport sáng thứ Năm, chỉ có lác đác vài chiếc xe ở một trạm gác đang được mở. Tôi chuẩn bị hai sổ thông hành, thêm giấy phép nuôi chó do thành phố Westminster cấp. Nhờ xem trước về điều kiện nhập cảnh Canada, tôi mới biết mình phải có giấy chứng minh nhân dân cho con Kiwi bằng giấy chích ngừa bệnh dại của nó. Cũng hên, một tuần trước tôi có dắt Kiwi đi chích ngừa theo hạn kỳ mỗi ba năm một lần theo điều kiện của Westminster trước khi được cấp giấy phép hằng năm, nên nó là công dân bốn chân hợp lệ.

    Chàng lính biên phòng Canada là một thanh niên khoảng ba mươi tuổi khá điển trai với đôi mắt xanh blue, mặt vuông chữ điền, miệng tuy cười nhưng rất nghiêm. Có lẽ anh được chọn cho công việc này như là một biểu tượng đẹp của người Canada. Khi xem sổ thông hành, anh ta hỏi chúng tôi, “Ông bà tính đi đâu ở Canada?”

    “Đến Edmonton,” tôi trả lời.
    “Đến đó để làm gì?”
    “Thăm một ngôi chùa.”
    “Vậy à? Tôi không biết ở đó lại có chùa.”
    “Ở Edmonton có ít nhất hai ngôi chùa,” tôi đáp.
    “Mà sao ông bà lại thăm chùa ở đó? Không lẽ lái xe mấy ngàn dặm chỉ để thăm một ngôi chùa?”
    “Chúng tôi đi hành hương, đã ghé chùa ở Seattle, nay đi tiếp qua Canada và mai mốt lại đến chùa ở Montana.”
    “À, thì ra vậy. Thế mới hợp lý chứ.”

    Thế rồi anh ta hỏi thêm vài câu, mắt không ngừng dò xét phản ứng của cặp vợ chồng Á Đông nhỏ con ngồi trong xe. Cuối cùng anh hỏi một câu theo thủ tục hành chánh, “Ông bà có mang vũ khí, súng ống, dao găm gì trong xe không?”

    “Không. Chúng tôi không có vũ khí gì hết.”

    “Ừ, mà cũng phải thôi,” anh ta vừa nhoẻn miệng cười, vừa trao lại giấy tờ tận tay tôi, và nói, “Không lẽ ông bà lại mang súng ống đến thăm chùa. Hì hì.”

    Nụ cười thân thiện của anh ta trong một buổi sáng đẹp trời như đã niềm nở đón chào chúng tôi vào miền đất Gia Nã Đại. Người ở đây nói tiếng Anh cũng y chang như người Mỹ, nên việc giao tiếp khi mua xăng, hỏi đường không có gì trở ngại. Riêng tấm bảng đầu tiên mà tôi thấy sau cửa biên giới vài trăm thước là bảng chỉ mức giới hạn tốc độ với số Kilometre theo hệ thống Metric, lại khác hẳn tốc độ số Miles ở bên Mỹ. Thế nên tôi phải tập thay đổi và phải sau vài giờ lái xe tôi mới bắt đầu quen với tốc độ ở đây, 70 km là chừng 40 miles, 80 km là 50 miles, 100 km là 60 miles, và 110 km là 70 miles. Kể ra chính sự khác lạ ấy lại tô điểm cho chuyến đi thêm vẻ xuất ngoại, một cuộc xuất ngoại dễ dàng và thú vị nhất mà bạn có thể thực hiện ở nước Mỹ này, với một chút cảm giác phiêu lưu thôi, chứ không đến nỗi phải phập phồng lo sợ những bất trắc (như khi bạn lái xe qua xứ láng giềng Mễ quốc ở phương Nam).

    Kỳ 7: Băng qua núi tuyết đến Red Deer

    Nơi đầu tiên chúng tôi ghé chân trên đất Canada là một Visitor Center ở thị xã Cranbrook, và cũng là Phòng Thương Mại của thị xã. Nơi đây chúng tôi được một phụ nữ thanh lịch lớn tuổi ân cần trao bản đồ và chỉ các con đường dẫn đến Edmonton, qua Calgary hoặc qua các quốc lộ khác. Thật ra, trước khi đi tôi đã nghiên cứu các lộ trình dẫn đến Edmonton nhưng sự hiểu biết chỉ thuần túy trên lý thuyết (đúng hơn là trên bản đồ) mà thôi, nên tôi muốn tham vấn một người tại địa phương để nắm vững về thiên thời, địa lợi hơn. Theo lời cố vấn của bà Đầm này, từ ngã ba Cranbrook, chúng tôi nên dùng bang lộ 93 chạy lên hướng Bắc theo chiều dọc của dãy núi Kootenay Rockies và sau đó chuyển qua xa lộ xuyên quốc gia, tức xa lộ 1, hướng tới Calgary.

    Bang lộ giữa núi rừng này rất thưa thớt xe cộ, càng hiếm có cư dân. Thỉnh thoảng mới có một trạm nghỉ thuộc loại dã chiến, chỉ có một phòng vệ sinh nhỏ cho chung cả nam và nữ. Tuy nhà cầu không phải loại giựt nước nhưng được giữ rất sạch sẽ. Đa số các trạm nghỉ này nằm lẫn giữa rừng cây, với một vài chiếc xe du lịch đậu lại hoặc có khi không có xe nào. Chúng trông giống như một vùng đất cắm trại hơn là một Rest Area với nhiều xe cộ và nhất là đầy xe vận tải mà người ta thường gặp ở các xa lộ lớn bên Mỹ.

    Tại một nơi nghỉ trên dãy núi Rockies, chúng tôi ăn trưa giữa rừng thông cạnh một hồ nước trong vắt in bóng những ngọn núi tuyết. Lúc ấy nàng nhà tôi không màng chú ý đến phong cảnh nữa vì bị lừ đừ, sốt nhẹ và đau nhức khắp mình mẩy như đang bị cúm, khiến tôi áy náy và lo rằng vợ sẽ ngã bệnh khi tới Edmonton. Nàng uống thuốc chống đau, chống sốt, thiếp đi một chút rồi tỉnh dậy, say sưa ngắm cảnh núi tuyết hùng vĩ trên suốt chặng đường xuyên qua công viên quốc gia Kootenay. Tuy vượt núi, bang lộ này không ngoằn ngoèo khắc nghiệt mà khá rộng thoáng với chập chùng núi tuyết ẩn hiện sau mấy dãy rừng thông lúc rậm lúc thưa và lác đác đây đó là những dạt tuyết dầy hãy còn tồn đọng trên mặt đất. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy thẳng về hướng Bắc, chúng tôi đến xa lộ xuyên quốc gia Canada số 1 nhắm về Calgary ở phía Đông.

    Vì đã tháng Tư và ngày càng dài hơn sau một mùa đông, bầu trời hãy còn nắng nhạt khi chúng tôi lái xe qua vùng ngoại thành phía Tây Calgary dù lúc đó đã gần 7 giờ chiều. Từ xa lộ, chúng tôi trông thấy những khối nhà mới xây ở sườn đồi thấp xa xa mà tưởng như đó là những chiếc hộp sắt đen xỉn hoặc xám xịt được xếp chồng lên nhau trên một bãi đất hoang phế nào đó. Không một sắc xanh của cây cối, cũng không một màu đỏ ấm hay nâu hiền của mái nhà hoặc màu kem, màu sáng của những bờ tường. Chúng tôi không hiểu sao họ lại dùng màu sơn buồn bã như vậy giữa một vùng bình nguyên thiếu cây xanh và chắc hẳn toàn một màu trắng xóa giữa mùa tuyết phủ. Sao không dùng những màu ấm áp hơn để mùa đông bớt buốt giá?

    Hướng lên phía Bắc trên quốc lộ số 2, chúng tôi nhắm tới thị xã Red Deer giữa vùng trời bắt đầu nhá nhem. Người ở đây lái xe xem có vẻ náo nhiệt như thể vui mừng với một mùa xuân đang ló dạng và tuyết đã tan. Riêng chúng tôi thì thấy sao lạnh quá. Nhờ nghĩ đến mái chùa mà mình sẽ ghé thăm ngày hôm sau mà lòng chúng tôi được sưởi ấm trên con đường thưa dần bóng xe và cây cối hai bên toàn là những xương cây trơ trụi.

    Rẽ vào Red Deer (thị xã Nai Đỏ hay Xích Lộc?) từ đường số 2, chúng tôi bị một phen đi lạc vì sự chỉ đường kỳ cục của máy GPS. Đây là chuyến đi đầu tiên chúng tôi dùng GPS. Trong nhiều năm, mỗi lần đi xa, tôi có thói quen xem bản đồ kỹ lưỡng trước khi đến một địa điểm nào đó tại Mỹ. Chuyến này dùng thêm máy định vị, chúng tôi mấy lần bị nó chỉ quẹo vào các con đường tắt rất vắng vẻ, khó đi. Sau 9 giờ đêm hôm đó, GPS hướng dẫn chúng tôi rẽ xuống một exit để vào Red Deer. Vừa rẽ xong, nó thốt lên một câu nghe rất thiền nhưng không hợp lý, “You are here.” Bạn đã tới nơi, nó báo cho chúng tôi biết vậy, nhưng nhìn quanh không thấy một motel nào hết, chỉ có một đại lý bán xe hơi trong khu phố tối om. Chạy thêm chừng một dặm, chỉ thấy mấy khu gia cư, trong khi máy vẫn nói inh ỏi, “You are here! You are here!” Nếu không tu thì chắc tôi đã văng tục mắng cái máy một trận, thật đúng hiện đại đôi khi thành hại điện.

    Thế là tôi phải tìm một nơi đậu xe, lục số điện thoại của Motel 6 để hỏi đường. Bên Canada này có rất ít Motel 6, thành thử lúc còn ở Spokane chúng tôi đã tìm rất kỹ những địa điểm có Motel 6 trên đường tới Edmonton. Mặc dù Red Deer chỉ còn cách Edmonton không đầy hai tiếng lái xe, chúng tôi gọi trước Motel 6 ở Red Deer để giữ chỗ vì e rằng một Motel 6 duy nhất ở Edmonton cũng không gần chùa là bao nhiêu, mà thời gian lái xe đã gần 12 tiếng, rất mỏi mệt, không thể lái lâu hơn nữa giữa trời tối đen và lạnh giá thế này.

    Nhờ cô tiếp viên của Motel 6 chỉ đường, chúng tôi đi ngược lại con đường đã rẽ vào và rồi thấy ngay một Motel 6 cao ba tầng nằm cạnh khách sạn Days Inn. Sau mấy ngày ở Canada, chúng tôi nhận thấy Motel 6 ở tỉnh bang Alberta này thuộc hạng sang, ít nhất cũng hạng trung cấp, không thấp như hầu hết Motel 6 ở bên Mỹ. Giá cũng mắc hơn, đương nhiên, nhưng có chỗ ngủ sạch sẽ, tiện nghi qua đêm cho người nuôi chó như chúng tôi thì cũng đáng đồng tiền. Đêm hôm đó chúng tôi cũng bắc nồi cơm ăn với mấy món mua ở chùa Vạn Hạnh. Lái xe giữa trời lạnh cũng có cái tốt là giữ thức ăn được lâu không bị hư.

    Sau một đêm được ngủ trong phòng yên tịnh, tôi dậy sớm trước 6 giờ, rồi không hiểu sao, lại hứng lên và mặc bộ đồ jogging để chạy bộ với con Kiwi mặc dù nhiệt độ nằm dưới mức đông đá. Ở Westminster tôi có thói quen chạy với con chó mỗi buổi sáng lúc 5 giờ. Nói là chạy bộ cho oai chứ thật sự chúng tôi chạy rất chậm, nhanh hơn người đi bộ chút xíu thôi. Sau mấy ngày lái xe liên tục nên có lẽ tôi thấy nhớ thói quen mỗi buổi sáng.

    Kỳ 8: Đến chùa Trúc Lâm, Edmonton

    Trước khi rời Red Deer sáng thứ Sáu, ngày 10 tháng Tư, chúng tôi tìm nơi đổ xăng và nhân tiện rửa xe. Như một người cần ăn mặc chỉnh tề trước khi lễ Phật, chúng tôi không muốn vác chiếc xe bẩn đến sân chùa Trúc Lâm ở Edmonton mặc dù có lý do chính đáng. Kể từ khi đến Calgary chiều hôm trước, chúng tôi thấy phần lớn xe ở nơi đây dính đầy bụi đất, kiếng sau chỉ đủ sạch để thấy đường theo diện tích của cánh quạt wiper. Có lẽ vì đường còn nhiều bùn đất sau khi tuyết tan, và vì thường có gió thổi đất bay mù trời mà chúng tôi được chứng kiến trong hai ngày ở Edmonton.

    Nhờ chạy loanh quanh ở Red Deer, chúng tôi thấy giữa thị xã thưa dân này lại có một tiệm ăn Việt Nam mang tên Tháp Bà. Chắc chủ tiệm là dân Nha Trang, cùng quê với tôi.

    Lái vào Edmonton, vì đang có nạn sửa đường diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố, một lần nữa chúng tôi lại bị máy GPS dẫn dắt chạy lòng vòng ở downtown một hồi tưởng chừng như bị lạc hướng giữa những con đường chật hẹp, đông người. Theo máy chỉ dẫn quẹo tới quẹo lui một hồi xe chúng tôi rẽ vô một ngõ hẻm dẫn vào phía sau của chùa Trúc Lâm ở đường số 97. Lần này nghe GPS kêu “You are here” rất chính xác, ngay tại bãi đậu của chùa. Chưa kịp khen máy làm việc tốt khi đang lái xe chầm chậm vào bãi đậu, chúng tôi thấy một vị tăng mặt mũi phúc hậu, tươi tỉnh vừa bước ra từ một chiếc xe minivan bám đầy bụi đất. Cả hai vợ chồng không hẹn mà cùng reo lên, “Thầy Pháp Hòa.”

    Lần đầu chúng tôi nghe đến danh tiếng của vị thầy trẻ tuổi này là vào năm 2011. Lúc đó chúng tôi đến thăm một chị bạn đạo thường đi chùa Phật Tổ ở Long Beach, cũng là dân Biên Hòa cùng quê với vợ tôi. Chị sống với con trai thuộc dạng có vấn đề về tâm lý. Tôi thấy chị ấy cũng có vấn đề chút chút, nói quá nhiều hầu như không ngưng cho dù để thở. Tại bàn ăn nơi bếp, chị bắt chúng tôi phải ăn trong khi chị lại không ngồi với khách mà cứ vừa nói vừa đi tới đi lui làm chuyện lặt vặt gì đó trong bếp. Thấy cạnh máy truyền hình trong bếp có nhiều dĩa giảng pháp, tôi chỉ hỏi cho có chuyện rằng mấy dĩa đó là dĩa gì vậy. Thế là chị lấy ngay một DVD của thầy Pháp Hòa và nói chúng tôi “phải nghe cái ông thầy này nè; ổng trẻ, đẹp trai mà giảng pháp dui lắm, biết hát cải lương nữa đó em.” Nhờ chị mà chúng tôi mới làm quen với thầy Pháp Hòa.

    Tôi không nhớ thầy giảng về đề tài gì trong dĩa ấy, chỉ biết là thầy có kiến thức về đạo khá cao, khéo nói chuyện và biết dẫn dắt thính chúng. Nghe giọng nói đặc âm trơn tru miền Nam của thầy, ban đầu tôi tưởng thầy ở Việt Nam được mời qua Mỹ giảng. Hỏi ra mới biết thầy lớn lên ở Canada, đi tu từ lúc mới mười mấy tuổi. Không hiểu sao thầy nói tiếng Việt rành quá, còn biết ca hát nữa chứ.

    Trong mấy năm sau, tôi ít có dịp nghe thầy Pháp Hòa ban pháp qua băng dĩa nhưng biết nhiều nữ đạo hữu rất ái mộ vị đại đức chỉ mới trên dưới 40 tuổi này. Chỉ thấy thầy giảng có một lần qua băng, ngay đàn ông (thứ thiệt) như tôi đây mà còn mê hảo tướng cùng cách ăn nói rất có duyên của thầy thì huống gì mấy bà, mấy cô, vốn theo dõi thầy hết băng này tới dĩa khác. Ngay cả cậu em vợ tôi ở tại Việt Nam cũng khoái thầy, tôi ngạc nhiên biết được điều này khi nghe nàng nhà tôi kể lại sau chuyến về quê thăm gia đình.

    Tháng Sáu năm ngoái, thầy có hướng dẫn một buổi tọa thiền ở thiền đường Mây Từ tại Quận Cam, gần nhà tôi. Vì bận đi làm nên tôi không thể dự, nhưng nàng nhà tôi và một cô bạn đã rủ nhau đến xem thầy tận mắt dù hôm đó là sáng thứ Hai. Về nhà, vợ kể tôi nghe rằng thầy Pháp Hòa dễ thương lắm. Sau buổi hướng dẫn ngồi thiền và giảng pháp ngắn gọn, thầy được các Phật tử mời chụp hình chung với đạo tràng. Dưới mắt vợ tôi, thầy “hiền như cục bột” vì thính chúng muốn thầy đứng đâu để chụp hình thầy cũng hoan hỉ chiều theo, cho dù họ hết đòi thầy xích qua bên này nhích lại bên kia. Tôi cũng nghe nói buổi giảng của thầy ở chùa Huệ Quang tại Quận Cam đã chật cứng thính chúng trong chánh điện. Nhiều người phải ngồi tràn lan ra cả ngoài sân. Một số vị, bởi chỉ được nghe mà không thấy mặt mũi thầy ra sao nên đã hậm hực ra về.

    Biết vậy, vợ chồng tôi nhận ra mình rất may mắn được gặp vị danh tăng này khi mà chúng tôi chỉ đột ngột đến thăm chùa chứ không hẹn trước gì hết. Vừa lái xe vào sân chùa lại gặp ngay khuôn mặt (quen thuộc) ấy đang nhìn về hướng mình, mỉm cười với ánh mắt đón chào, thật còn niềm vui nào bằng. Rời xe, chúng tôi vội vã bước tới chào thầy vì thấy thầy có ý chờ chúng tôi. Thầy hỏi dè dặt, “Chắc cô chú cũng ở vùng nầy?” Chúng tôi khiêm tốn đáp, “Dạ, từ Cali đến.” Tuy nghe vậy, thầy cũng vẫn giữ vẻ thản nhiên với sự niềm nở sẵn có, “Vậy mời cô chú vào chánh điện lễ Phật.” Thế là chúng tôi đi theo thầy cùng một thầy trẻ khác và vài ba người nữa bước vào cánh cửa sắt bên hông chùa.

    Nghĩ lại mới thấy, đúng như nhà Phật dạy, cái gì cũng có cơ duyên, không hẳn chỉ tình cờ mà xảy ra. Như đã kể, ban đầu tôi biết đại đức Pháp Hòa sống tại Canada nhưng tôi lại tưởng là ở Toronto hay đâu đó thuộc miền Đông, không nghĩ thầy ở tuốt tận thành phố băng giá Edmonton thuộc miền Tây. Mãi tới đầu năm nay, nhân đọc mấy bản tin địa phương viết về một án mạng hãi hùng xảy ra cho một gia đình Việt Nam tại Edmonton, tôi được biết lễ cầu siêu trong vụ ấy được tổ chức ở một ngôi chùa trong vùng mang tên Trúc Lâm. Khi xem hình và đọc chú thích, tôi mới nhận ra thầy Pháp Hòa chính là vị tăng trụ trì ngôi chùa này.

    Có lẽ từ bản tin liên quan tới nghề nghiệp của mình mà từ đó tôi khởi lên ý niệm tìm đến Edmonton nếu được dịp nghỉ phép. Nhớ lại lời giảng của sư bà Hải Triều Âm nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên hành trình đến đây, tôi thấy hơi hổ thẹn vì chưa “quét sạch hết lục căn, lục trần,” chưa biết cách ngăn chận một ý niệm khởi lên rồi bị nó dắt đi vào vòng luân hồi sanh tử từ đời này sang đời khác. Nhưng dẫu sao khởi lên một ý niệm tốt chắc cũng đỡ hơn một ý niệm xấu, tôi mong vậy.

    Sau khi bước vào cửa, thầy Pháp Hòa nhắc chúng tôi cởi giầy và mời lên bậc thang để vô chánh điện lễ Phật. Giữa một chánh điện rất sáng, trần cao điểm vài cây đèn chùm sang trọng trang nhã với nhiều khung cửa sổ có những tấm rèm sậm màu vắt lên mềm mại, đủ rộng để chứa độ ba trăm người, chúng tôi chiêm ngưỡng một nơi thờ phượng vô cùng độc đáo, khác hẳn nhiều ngôi chùa mà chúng tôi đã viếng qua, từ các tôn tượng cho đến cách bài trí.

    Kỳ 9: Thầy Pháp Hòa và những huynh đệ theo chân Đức Phật

    Ngay giữa điện là tượng Phật Thích Ca tham thiền màu trắng với mắt khép, nét môi sóng mũi rất đẹp, thanh tịnh và sáng lạn. Sau lưng ngài cũng là bờ tường trắng với các phù điêu màu nâu nhạt, chạm hình một đám mây nhìn kỹ chính là các chư thiên đang bay la đà trên những con nai dịu hiền và đây đó là rừng cây sala rải rác. Với những ngọn đèn nhỏ khuất, chiếu rọi từ trần hoặc từ dưới bục thờ, nơi thờ phượng mang nét đẹp thanh nhã, đơn giản nhẹ nhàng mà không thiếu phần trang nghiêm tạo cho người chiêm ngưỡng có được một cảm giác an tĩnh đầy đạo vị.

    Trong chánh điện rộng, chúng tôi thấy chỉ có một bức tượng đức Bổn Sư lớn, một tượng Phật Bà nhỏ ngay dưới tòa sen ở trên bàn thờ và một tượng Quán Âm – với ba thân ba mặt đứng đâu lưng – bằng gỗ nâu đỏ được đặt ở góc trái của gian phòng mà thôi. Khi được thầy tiếp chuyện, chúng tôi càng biết rõ hơn: trang trọng nhưng đơn giản chính là chủ trương của bổn tự. Hèn chi ngoài vài bình hoa và các món không thể thiếu như hương đăng trà quả, người ta không thấy phông cảnh đủ màu sau lưng Phật, không bánh mứt cùng các món pháp khí dày đặc trên ban thờ, cũng không phướn lọng tràng phan treo đây đó, càng không hào quang chớp tắt chạy quanh đầu tượng.

    Thầy cũng giải đáp thắc mắc của chúng tôi về mục “tượng ở đây lạ.” Đó là vì tượng đức Bổn Sư, tượng Tổ Khương Tăng Hội thờ ở tổ đường đều là những tác phẩm điêu khắc của một đạo hữu tên Bảo sống ở Calgary. Con người tài hoa và có lòng với đạo Pháp này cũng tạc hầu hết các pho tượng ở thiền viện Tây Thiên, một cơ sở đang được xây cất ở Westlock và cũng thuộc về chùa Trúc Lâm.

    Không chỉ là một người có tài thuyết pháp, thầy Pháp Hòa còn là một vị tăng có nhiều đức tính của một người quản trị giỏi. Thầy biết cách gần gũi với quần chúng, rành tâm lý và rất quan tâm đến người khác. Chúng tôi nhận thấy điều đó trong gần hai ngày sinh hoạt quanh quẩn chùa Trúc Lâm. Ngay những phút đầu tiên được thầy mời vào chánh điện lễ Phật, được đưa cho nhang để cắm, được đứng cạnh thầy để chụp hình, chúng tôi đã rất cảm động khi nghe thầy gián tiếp biểu lộ sự quan tâm qua câu nói, “Từ Cali lái xe tới đây mà sao không điện thoại báo trước?”

    Biết có thêm bốn người khách cũng là Phật tử ở xa tới (từ Calgary và từ Toronto), chụp hình với từng người theo lời thỉnh cầu xong thầy mời tất cả vào tổ đường đằng sau chánh điện và cũng là phòng tiếp khách của nhà chùa để chờ thầy. Thầy nhanh nhẹn đi giải quyết công việc ở dưới tầng bếp rồi trở lên với đám khách chúng tôi, bảo một Phật tử mang trà nóng lên để đãi khách. Nhìn cách thầy rót trà ra từng ly mời khách, tôi thích thú nhận ra rằng tuy còn trẻ và lớn lên ở Âu Mỹ, thầy có cách hành xử và phong thái y chang các vị tăng lớn tuổi mà chúng tôi đã gặp.

    Mở đầu câu chuyện, nàng nhà tôi, người thường theo dõi các bài giảng của đại đức Pháp Hòa, nêu thắc mắc là cứ theo như lịch làm việc mỗi ngày thầy kể trong băng, làm sao thầy có đủ thời giờ để nào là giảng pháp, nào là tụng kinh, thăm viếng đạo hữu, hộ niệm cầu an cầu siêu, an ủi người đau khổ, vân vân. Câu trả lời của thầy thật bất ngờ và thật tội nghiệp, “Pháp Hòa luôn luôn thiếu ngủ” (thầy luôn luôn xưng tên với chúng tôi y như lúc thầy giảng pháp).

    Theo lời thầy, ngoài các thời khóa tu tập không thể thiếu của một tăng sĩ, công việc của thầy còn là điều hành ngôi chùa này và thiền viện Tây Thiên (hiện đang trên đà xây cất). Đó là chưa kể đến việc nghiên cứu chuẩn bị cho các bài pháp thoại tại các nơi thầy được thỉnh giảng mà lịch trình đã được “booked” đầy cho đến năm 2017. Chúng tôi may mắn đến đúng lúc thầy còn có mặt ở đây chứ nếu trễ vài ngày là không gặp được đâu vì thầy sẽ phải bay tới Dallas, Texas để hướng dẫn một khóa tu học 10 ngày.

    Thầy cũng cho biết, bận bao nhiêu thì bận, thầy không thể không đáp ứng lời tha thiết mời thỉnh cầu an hay cầu siêu của đồng bào Phật tử trong vùng. Vì vậy rất thường xuyên thầy đã phải thình lình bàn giao việc tụng niệm ở chùa, hoãn lại các công việc dự trù, để rời đi lập tức và đến với từng gia đình, từng Phật tử đang cần mình. Bởi thế, muốn chu toàn tất cả công việc mà thầy nói là “đều không ngoài Phật sự” này, thầy đã ngủ rất ít, thậm chí có hôm thầy chỉ ngủ được chừng hai tiếng đồng hồ.

    Đó là thầy chưa nhắc tới chuyện thầy phải giáo dưỡng cho các sa di cùng các chú tiểu đang tu ở chùa - những người trẻ đã xuất gia vào tuổi mười hai, mười ba, như thầy từng xuất gia với hòa thượng viện chủ Thích Thiện Tâm năm lên 14 tuổi cách đây gần hai thập niên. Trong thời gian chúng tôi có mặt ở chùa, hòa thượng đã phải bay qua Toronto để giúp xây dựng một viện dưỡng lão cho các cụ già Việt Nam ở đó theo mô hình mà sư ông đã thực hiện thành công ở Edmonton này.

    Một đệ tử của thầy Pháp Hòa ở Trúc Lâm kể với chúng tôi, “Thật sự thì rất nhiều Phật tử nghe bài giảng của Thầy và rất là thần tượng Sư Phụ, nhưng Sư Phụ cũng như một người bình thường. Ngoài việc thực tập của vị tu sĩ, Thầy còn gánh vác một ngôi già lam, mà việc quản chúng không phải dễ, có khi chiều tối, Thầy phải vô bếp làm lunch bánh mì cho các chú còn đi học.”

    Trông thấy các chú sa di trẻ to con, cao ráo như Tây (danh từ mà người Việt mình ở đây gọi người Canada) mặc dù ăn chay trường, lại nói giỏi tiếng Việt, biết tụng kinh tiếng Việt mặc dù sanh đẻ ở Canada, chúng tôi rất thán phục công sức của thầy Pháp Hòa cũng như sư ông viện chủ Thiện Tâm. Ở một nơi xa tuốt trên cao của Bắc bán cầu, lại không có đông người Việt như ở các tiểu bang tại Hoa Kỳ, vậy mà các tăng sĩ trẻ thuộc thế hệ di dân thứ hai ấy đã được đào tạo chu đáo vô cùng.

    Tôi được biết một phần của sự đào tạo ấy qua một trường hợp của một em trai mà mai kia – hy vọng em sẽ tu hành tinh tấn – mà tôi sẽ gọi là thầy. Đó là trường hợp của chú sa di tên Michael Nguyễn.

    Ngày đến thăm chùa, chúng tôi không gặp Michael. Lúc đứng trong phòng ăn bên dưới chánh điện, tôi rảo mắt xem các thông tin niêm yết trên mấy bức tường. Thấy một tấm bích chương nhỏ cỡ tờ giấy bình thường có hình tăng sĩ trong áo cà sa, tôi bước lại gần để xem cho rõ hơn. Chưa hiểu rõ tấm bích chương viết bằng tiếng Anh nói gì về một phim tài liệu, tôi nghe tiếng thầy Pháp Hòa ở sau lưng.

    “Phim đó được thâu ngay tại đây,” thầy nói, tay chỉ về hướng tấm bích chương. Vừa giải thích thêm, thầy vừa cầm một video nằm ở gần đó và trao cho tôi. “Cô chú cầm về xem. Khoảng hai năm trước có một bà giáo sư đến đây dự buổi thiền, rồi bà làm phim này.”

    Hỏi thêm, tôi được thầy cho biết nữ giáo sư người Canada đã dành hai năm để thực hiện một phim tài liệu nói về đời tu của một chú sa di gốc Việt. Phim Brothers in the Buddha (tạm dịch Huynh Đệ Theo Chân Đức Phật) cho thấy chú điệu tên Michael Nguyễn như một biểu tượng của một nền văn hóa tôn giáo xa xưa nay được hòa nhập vào thời đại mới, tạo nên màu sắc đa chủng cho nền văn hóa Canada thời hiện đại.

    Khi viết lại buổi gặp gỡ ở chùa Trúc Lâm, tôi tìm được một bài viết ngắn giới thiệu phim tài liệu của bà giáo sư Beth Wishart MacKenzie của nữ ký gia Jodie Sinnema đăng trên nhật báo The Edmonton Journal ngày 4 tháng 12, 2014. Xin chuyển ngữ bài báo mang tựa đề Edmonton filmmaker explores diversity in Brothers in the Buddha như sau:

    Nhà làm phim ở Edmonton tìm hiểu sự đa dạng trong phim Brothers in the Buddha

    Trong thời gian dạy môn tôn giáo thế giới tại đại học University of Alberta ở thành phố Edmonton, bà Beth Wishart MacKenzie viếng thăm một ngôi chùa trong vùng và rồi quyết định thực hiện một phim tài liệu về một thiếu niên đang tu học để trở thành một sa di. Bà muốn dùng phim này để trình bày cho người dân sống ở Edmonton được biết về sự đa dạng ngay trong cộng đồng của họ.

    Phim Brothers in the Buddha, tạm dịch Huynh Đệ Theo Chân Đức Phật, đã được thâu và hoàn tất ngay tại địa phương này. Phim đi theo Michael Nguyễn khi cậu được 17 tuổi, ghi lại hình ảnh trong cuộc sống thường ngày của Michael từ những buổi tọa thiền vào sáng sớm ở Chùa Trúc Lâm nằm ở góc đường 97 và 113, đến các lớp học và những buổi chơi bóng rổ tại trường McNally High School ở Forest Heights.

    Phim tài liệu của bà Wishart MacKenzie muốn tìm hiểu bằng cách nào mà Michael Nguyễn đã biết mình muốn đi tu và khoác áo cà sa từ khi mới có năm tuổi, và rồi di chuyển từ Toronto đến Edmonton khi được 10 tuổi để tu tập với Thầy Thích Pháp Hòa.

    “Michael đã tự chọn con đường đi tu. Điều đó làm cho tôi say mê, muốn biết nhiều hơn,” bà Wishart MacKenzie nói. Michael Nguyễn là con duy nhất của bà Trần Hương và ông Nguyễn Dy. Họ là thuyền nhân thoát khỏi chế độ Cộng Sản tại Việt Nam vào năm 1981 và bắt đầu một cuộc sống mới tại Canada. Cặp vợ chồng này đã trải qua một thời gian khó khăn khi phải chia tay con trai của họ, biết rằng con sẽ sống đời tu hành và không bao giờ lập gia đình. Phim giải thích rằng các tu sĩ có bổn phận phải chăm sóc hết thảy mọi người, không ưu tiên dành cho gia đình.

    “Phim trình bày cho người xem được thấy phương pháp tu hành của Phật giáo trong lúc đạo này thành hình tại Canada,” bà Wishart MacKenzie cho biết. Bà từng nhận thấy các sinh viên trong lớp của bà đã khao khát muốn được biết thêm thông tin về các tôn giáo khác trên thế giới.

    “Hệ thống học đường công cộng của chúng ta không khuyến khích giáo dục về tôn giáo, thế nên nhiều em tốt nghiệp trung học và ra đời mà không hề biết gì về những truyền thống thu hút những người sống xuyên qua mấy thế kỷ. Các em không biết chứ không phải họ dốt. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu những truyền thống tôn giáo để biết những động lực đang vận hành trong thế giới hiện tại, trong lịch sử và chính trị của chúng ta. Thế nên phim này có thể cuối cùng được dùng như một phương tiện cho các nhà giáo dục sử dụng để giới thiệu truyền thống Phật giáo qua một trường hợp rất cá nhân.”

    Bà Wishart MacKenzie cho biết bà mong rằng mình sẽ thực hiện được một loạt phim tài liệu về các tôn giáo khác nhau.

    “Cả thế giới đang ở ngay đây,” bà Wishart MacKenzie nói. Vị giáo sư này đã làm việc cho hội phim ảnh Film and Video Arts Society Alberta. “Chúng ta không cần phải đến Ấn Độ hoặc Trung Hoa hoặc bất cứ nơi nào để quan sát phương pháp thực hành của các truyền thống tâm linh.”

    Trước đây bà từng thực hiện Gently Whispering the Circle Back vào năm 2011 (một phim tài liệu nói về các nhóm chữa bệnh bằng phương pháp tập thể -healing circle – ngồi quanh một vòng tròn và chia sẻ, cầu nguyện với nhau, làm sao các nhóm này đối trị những tổn thương xảy ra trong trường học ở chung quanh) và phim Unforgotten vào năm 2009 (chuyện một ông cowboy sống gần St. Paul chế tạo những chiếc xe kéo Red River)

    Một buổi vấn đáp về phim Brothers in the Buddha sẽ được tổ chức sau buổi chiếu phim vào ngày thứ Bảy, với sự tham dự của bà Wishart MacKenzie, Michael Nguyễn (người sẽ rời đây để qua Pháp sau Giáng Sinh để tiếp tục tu học để trở thành một tăng sĩ Phật Giáo), Thầy Pháp Hòa (trụ trì Chùa Trúc Lâm) và một số tăng sĩ khác sống trong vùng.”

    Xem xong phim tài liệu, vợ chồng chúng tôi nhớ đến thời gian được gặp các người tu trẻ ở chùa Trúc Lâm. Những cảm giác thanh thản, an lành, phấn khởi bỗng đến với tôi, và rồi tôi cũng hiểu những kỷ niệm tưởng còn gần mà thật sự đã lùi xa trong quá khứ. Lòng hoài niệm khiến tôi viết một thư email ngắn gởi cho Hạnh Tịnh, một chị đạo hữu nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi. Hạnh Tịnh rất sốt sắng, lo cho chúng tôi từ lúc mới gặp ở bếp cho đến giờ phút chia tay. Người bạn đạo đó là mối dây liên lạc của chúng tôi với chùa Trúc Lâm. Hạnh Tịnh đã hồi âm và kèm theo mấy tấm ảnh của các “huynh đệ theo chân Đức Phật” ở Trúc Lâm.

    Xem từng tấm hình của các thầy Trung Định, chú Trung Chánh, chú Trung Thiện, chú Trung Tín, chú Trung Kiến, chú Trung Niệm, cô Trung Huệ, và thầy Trung Lý, tôi nhận thấy công lao của thầy Pháp Hòa chắc chắn không nhỏ trong việc đào tạo lớp tăng sĩ trẻ, những vị thầy của một thế hệ mới của đạo Phật tại hải ngoại.

    Kỳ 10: Thăm thiền viện Tây Thiên ở Westlock

    Qua buổi trò chuyện ngắn, thầy trụ trì chùa Trúc Lâm đã có ngay chương trình hành động để cung ứng cho Phật tử từ phương xa tới. Thầy mời chúng tôi, nếu không bận mục gì khác ở Edmonton thì ở lại dùng cơm trưa rồi sau đó cùng đi thăm thiền viện Tây Thiên và viện dưỡng lão Tuổi Hạc với thầy. Được lời như mở tấm lòng, chúng tôi vui vẻ cùng đi xuống phòng sinh hoạt ở tầng hầm bên dưới chánh điện để dùng cơm. Nơi đây, ngoài một sảnh đường rộng dùng làm phòng ăn, còn có căn bếp cũng khá rộng rãi, dãy phòng vệ sinh, các phòng riêng của các tăng ni, thư viện, và các phòng chứa Phật cụ, vật dụng linh tinh.

    Ở nhà bếp là nơi chúng tôi gặp các vị đạo hữu cột trụ của chùa. Hai bác Trúc Thiện và Diệu Tâm khoảng chín-mươi tuổi được thầy hóm hỉnh giới thiệu là hai vị Phật tử thường trụ của chùa, lúc nào cũng available vì luôn có mặt ở đó, loay hoay nấu nướng, nhặt rau, rửa chén, trong khi các chú thì đi học, thầy trụ trì phải ra ngoài tiếp khách, đi hộ niệm, vân vân. Chúng tôi cũng làm quen với chị Hạnh Tịnh, một đạo hữu nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi, và chú Nhung, tuổi đâu đó khoảng bảy mươi. Hạnh Tịnh quán xuyến mọi việc ở chùa giúp thầy và chú Nhung cũng là một cánh tay trợ lực cho thầy rất sốt sắng.

    Trong bữa ăn trưa, chúng tôi được hướng dẫn vào bếp, bưng tô và tự lấy cơm cùng thức ăn vừa đủ dùng rồi mang ra ngồi ở dãy bàn ngoài, nơi đã để sẵn mỗi người một chén canh nhỏ. Thầy trụ trì được dọn sẵn một mâm ở đầu bàn cùng một chú sa di trẻ. Một ni cô trẻ mà chúng tôi ban nãy đã thấy phụ trách việc lau quét tổ đường cùng chánh điện cũng tự bưng tô ngồi vào bàn, bên cạnh chú sa di. Thầy chờ mọi người ngồi xong và đọc một bài khấn ngắn trước khi dùng cơm.

    Bữa ăn thanh tịnh nhẹ nhàng và ngon miệng vô cùng đối với chúng tôi, dầu sau này chúng tôi được biết đó là đồ ăn dư từ khóa tu học mùa xuân đã diễn ra khoảng một tuần trước đó. Chúng tôi được biết điều này nhờ lời nói đùa của thầy Pháp Hòa trong lúc giảng pháp vào tối hôm sau, cho biết cả tuần nay chùa đã phải ăn thực phẩm leftover mãi cho đến ngày hôm đó mới là ngày cuối cùng.

    Ăn xong mọi người còn được nhà bếp đãi bánh kem ổ rất ngon, cũng là leftover từ phần bánh mừng sinh nhật sư ông Thiện Tâm. Một không khí thân thiện, ấm áp đầy tình gia đình lan tỏa trong chùa khiến chúng tôi có cảm tưởng phải chăng vì khí hậu nơi đây lạnh lẽo nên con người dễ lại gần nhau như một bài văn cải lương mà chúng tôi đã đọc khi xưa, “Canada đất lạnh tình nồng”?

    Chương trình đi thăm Tây Thiên được hoãn lại một chút vì có hai vị Phật tử xuất hiện trong đó có một cô từ Toronto mới bay qua tới. Thế là thầy lại mời hai vị dùng bữa và đề nghị nếu muốn đi Tây Thiên thì cứ tháp tùng sau khi ăn xong. Trong khi chờ đợi hai vị này, chúng tôi ngắm tủ kính bày các mặt hàng Phật cụ cùng tượng Phật của chùa và thỉnh một vài món như tượng Phật đen cho bàn thờ ở nhà, xâu chuỗi cho nàng nhà tôi và một tượng Phật Bà mang về làm quà cho mẹ. Nhờ vậy tôi chợt nhớ ra ba lố dầu cần biếu theo lời căn dặn của mẹ mà chúng tôi đã quên bẵng khi ở chùa Vạn Hạnh, Seattle như đã kể trước đây.

    Chùa của thầy Pháp Hòa không có lão tăng cần xoa dầu nóng vì thầy viện chủ đã đi vắng, nhưng thấy thầy Pháp Hòa rất cởi mở, vợ tôi xúi tôi cứ mang gói dầu ra và trình bày sự thật cho thầy biết. May quá, thầy hoan hỉ nhận ba lố dầu nóng và nói là sẽ biếu các bác lớn tuổi ở đây. Mặc dù món quà không đáng giá là bao, cách nhận ân cần của thầy làm chúng tôi cảm động, biết mình đã thực hiện được lời hứa với mẹ qua một người có tấm lòng, biết trân quý món quà đơn sơ từ xa xôi gửi tới. Cảm động hơn nữa là trong khi chúng tôi ra xe vừa thăm con Kiwi vừa để chuẩn bị lái theo, chú Nhung đã cầm đến ba cái ly cao loại giữ nóng có in dấu hiệu kỷ niệm 25 năm thành lập tu viện Trúc Lâm để tặng chúng tôi. Nàng nhà tôi đón lấy, vừa cám ơn vừa hỏi chú sao tới ba cái lận, chú đủng đỉnh trả lời, “Một cái để tặng bà cụ.”

    Thế là khoảng sau 2 giờ trưa, phái đoàn thăm Tây Thiên rời chùa trên ba chiếc xe. Dẫn đầu là xe Lexus trắng loại SUV của chú Nhung, chở theo thầy và hai vị nữ khách đến sau. Tiếp theo là xe của chúng tôi và sau cùng là chiếc minivan Toyota của một anh bạn trẻ sống ở Calgary đưa thân nhân từ Toronto qua thăm chùa.

    Trên đường lái đến tu viện Tây Thiên, chúng tôi được biết dân mình và dân Tây ở Canada lái xe như thế nào. Họ luôn chạy vượt quá tốc độ cho phép. Chú Nhung chạy ào ào, anh bạn trẻ lái sau xe tôi sau một hồi cũng nóng mặt, vượt qua mặt bọn chúng tôi để bám theo chú Nhung vì tôi lái đúng theo tốc độ ghi trên bảng, 100 km tức khoảng 60 dặm một giờ, chậm so với hầu hết các xe chạy ở chung quanh. Tôi thấy đa số người Canada ở vùng này khá to lớn, mạnh bạo, có lẽ vì cần phải có thể lực như vậy để đối phó với khí hậu khắc nghiệt. Họ lái xe nhanh đã đành, mà dân Việt mình nhỏ con hơn cũng lái nhanh không kém. Cũng nhờ có chút kinh nghiệm lái xe, và cũng có thể nhờ được chư thiên phù hộ, mặc dù nhiều lần bị các xe khác chen vào giữa, tôi vẫn nhìn xa và biết chú Nhung quẹo hướng nào để mà phóng theo.

    Vừa lái xe, nhớ đến các Phật tử không được thấy mặt thầy Pháp Hòa ở Quận Cam, một lần nữa, tôi thấy mình may phước vô cùng. Không chỉ đến chùa được gặp thầy, còn được thầy mời ăn trưa xong còn được thầy dắt đi dã ngoại đến tu viện và viện dưỡng lão. Sung sướng thì thôi. Trên xe vợ tôi hào hứng hối tôi chạy theo nhanh nhanh lên, nàng dường như đã quên hết mọi mỏi mệt. Nghe tôi hỏi thăm, nàng bảo lạ quá, mọi thứ đau nhức mấy ngày trước đó như tan biến không hiểu từ lúc nào nữa.

    Từ đường lớn, chúng tôi theo xe chú Nhung, quẹo vào một đường đất chưa tráng nhựa với tấm bảng nhỏ đề tên thiền viện ở đầu đường. Thiền Viện Tây Thiên (tức Westlock Meditation Center) được xây trên một cánh đồng rộng 16 mẫu, từng là một trại nuôi bò nằm ở Westlock, một thị trấn cách thành phố Edmonton gần 60 dặm về hướng Bắc, tức là càng gần Bắc Cực hơn so với các tự viện của người Việt Nam mà tôi từng nghe biết.

    Như một vị chủ nhà hiếu khách, thầy Pháp Hòa đưa chúng tôi đến lễ Phật và lễ Quán Thế Âm Bồ Tát đứng giữa trời bao la. Thầy chu đáo đốt lên một bó nhang và đưa cho từng người khách để họ được dịp dâng hương. Ai muốn chụp hình, thầy cũng vui vẻ nhận lời đứng chung cho đến khi cảm thấy bổn phận đã đầy đủ, thầy rời khu tượng đài, bước đến thăm viếng một kiến trúc đang được mấy người thợ Tây ráo riết xây dựng gần đó. Giữa thời khắc bình yên của một ngày trời đẹp và một khung cảnh đầy tôn nghiêm thoát tục, theo đợt gió nhẹ đầu xuân, tà áo nâu của người tu sĩ trẻ phất phơ bay khỏi lớp áo khoác dầy như vượt ra khỏi cõi đời lắm phiền não thường tình.

    Chúng tôi tha hồ chiêm ngưỡng các thánh tượng, từ tượng Phật Thích Ca màu trắng an vị trong một mái che với bốn cột ở bốn góc theo kiểu tháp đài Phật Ngọc từng được triển lãm ở nhiều chùa trong mấy năm trước, cho đến tượng Quán Thế Âm cao to sừng sững giữa trời. Vừa nhìn thấy tượng đài bằng đồng ấy, chúng tôi liên tưởng ngay tới pho tượng Quán Thế Âm bằng gỗ, cao cỡ thân người mà chúng tôi từng gặp ở chùa Trúc Lâm. Thầy Pháp Hòa cho biết đây là Quán Âm Tam Diện. Với ba thân đứng dựa lưng và ba khuôn mặt hướng ra ba phía, mẫu hình Phật Bà độc đáo hiếm có này biểu hiện cho tinh thần Bi, Trí, Dũng của nhà Phật.

    Từng thấy ngài trong chánh điện chùa Trúc Lâm, nay lại được chiêm ngưỡng ngài to lớn uy nghi giữa trời với nét mặt vừa nghiêm nghị vừa từ bi, đầu hơi cúi nghiêng xuống như thể đang lắng nghe tiếng kêu gọi cầu cứu của chúng sanh ở khắp vũ trụ, tôi có cảm tưởng như thế lúc ngẩng lên cao để ngắm kỹ những chi tiết tinh xảo được đúc theo mô hình mà thầy Pháp Hòa đã phác họa. Giữa tượng đài Quán Thế Âm và tượng Phật là khoảng sân xi măng rất rộng, với dọc hai bên là mười hai pho tượng Quán Thế Âm nhỏ hơn - tương ứng với mười hai đại nguyện của ngài - và bốn tượng Thiên Vương Hộ Pháp ở bốn góc.

    Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn bước vào ngôi thiền đường hiện thời với sức chứa khoảng trên hai trăm người. Cũng như ở Trúc Lâm, nơi thờ phượng này rất đơn sơ nhưng không kém trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngồi cầm đóa sen trên tay và tượng Bồ Tát Quán Âm nhỏ nhắn xinh đẹp đứng trước mặt. Trong ngôi nhà thiền đường mà chúng tôi nghe nói xưa kia là một chuồng bò, từ chánh điện xuống nhà bếp phải băng qua dãy hành lang mà hai bên có các phòng nghỉ dành cho chư tăng ni. Phòng nấu ăn ở thiền đường Tây Thiên cũng rộng rãi, sạch sẽ, ngăn nắp như ở phòng bếp tại chùa Trúc Lâm.

    Trong lúc thầy và mấy người khách trò chuyện dưới bếp, tôi trở lại thiền đường để có vài phút yên tĩnh riêng tư, nhìn ngắm Phật trong phòng được rọi chiếu với ánh sáng thiên nhiên từ bên ngoài của một buổi trưa không một áng mây trên bầu trời xanh biếc. Một ngày nắng ấm tuyệt vời ở xứ lạnh Canada này. Từ trong thiền đường nhìn ra cửa sổ, tôi thấy ở xa có một hồ nước khá lớn với tượng Phật Bà màu trắng bên cạnh bờ hồ phía dưới đồi.

    Vì mùa đông mới dứt, cây cỏ chưa được xanh tươi, nhưng tôi cũng đoán nơi đây chắc chắn đẹp lắm vào giữa mùa xuân và mùa hạ. Sau chúng tôi được chú Nhung bảo mùa hè ở đây vui lắm, khóa tu mùa hè vừa rồi đông đến cả ngàn người (!), phải dựng lều bạt ngoài sân để cho mọi người có nơi nghỉ ngơi, tụ tập. Chú nói thêm, vào mùa hè thì cây cỏ xanh tươi, dưới hồ thì đầy sen nở đẹp lắm chứ bây giờ chưa có gì đẹp hết, mặt hồ còn đóng băng. Có lẽ chú Nhung nói đúng, vào thời khắc chớm xuân này, ngoài mấy cây thông vốn vạn niên thanh, cây cối trong khu thiền viện hãy còn trơ xương chưa có được mầm xanh nào sau một mùa đông rét buốt.

    Nhưng đây là lúc thuận tiện nhất để xây cất, tôi thấy như vậy từ downtown của Edmonton cho đến vùng ngoại ô này. Ngay ở Westlock đây, mấy người thợ đang bận rộn xây cất một ngôi thiền đường mà tôi đoán có thể chứa cả bốn, năm trăm người. Chú Nhung nói rằng quý thầy còn có hoài bão xây thêm một số kiến trúc khác trên mảnh đất rộng lớn kia. Nhìn khu đất rộng mênh mông, ngay từ lúc mới đặt chân xuống Tây Thiên, tôi đã vụt miệng nói rằng tu viện này quả là vĩ đại, mai sau biết đâu chừng còn có thể lớn hơn cả thiền viện Chân Nguyên mà tôi biết ở Nam California.

    Kỳ 11: Một bác hồi sinh nhờ biết niệm Phật

    Rời Tây Thiên, một lần nữa tôi phải lái xe lèo lách trên các con đường lạ để không bị lạc đường, khi chạy theo hai chiếc xe chạy quá tốc độ ở phía trước. Một xe chở thầy Pháp Hòa và một xe chở các Phật tử từ Calgary. Thầy đã ân cần mời những người khách chúng tôi đến thăm viện dưỡng lão Tuổi Hạc, một công trình vô cùng quý báu của Hòa Thượng Thích Thiện Tâm. Ngày chúng tôi đến Edmonton, 10 tháng Tư, 2015, sư ông đã bay sang Toronto để cố vấn một nhóm Phật tử xây dựng một viện dưỡng lão tương tự dành cho các cụ Việt Nam ở đó. Tuổi Hạc là viện dưỡng lão duy nhất hiện có dành cho các cụ Việt Nam ở Bắc Mỹ.

    Tôi nghe nói luật ở Canada dễ hơn ở Hoa Kỳ, nên đất nước này đã có một viện dưỡng lão do người Việt thành lập và sắp có thêm một viện thứ hai, trong khi các cộng đồng người Việt ở California, Texas, và Virginia chưa thể làm được chuyện này mặc dù dân số và thế lực trội hơn rất nhiều. Điều đó có thể đúng, mà cũng có thể do tâm huyết của sư ông Thiện Tâm. Chúng tôi đoán sư ông là mẫu người hoạt động, nuôi nhiều hoài bão to tát, có viễn tượng cao rộng, có mắt mỹ thuật, và đệ tử của sư ông – thầy Pháp Hòa – là người có khả năng để thực hiện những viễn tượng đó.

    Theo lời thầy Pháp Hòa kể lúc ngồi ở tổ đường sáng thứ Sáu hôm đó, thầy nói, “Tánh Pháp Hòa là ở đâu cứ ở yên đó, cũng không tầm sư học đạo ở đâu xa xôi hết.”

    Cha mẹ thầy vượt biên rồi cư trú tại Edmonton thì thầy cũng tới tu với sư ông ở đây và chỉ biết có chùa này (Trúc Lâm) mà thôi. Có lẽ sư ông viện chủ và thầy trụ trì đã có cơ duyên với nhau từ bao kiếp trước rồi chăng?

    Tới thăm viện dưỡng lão Tuổi Hạc (tiếng Anh là Golden Age Manor) nằm ở ngoại ô Edmonton, chúng tôi phải công nhận đây là một thành tích đáng tự hào của cộng đồng người Việt nói chung và của những đệ tử của sư ông Thiện Tâm nói riêng. Đơn vị cư trú này được thiết kế và xây dựng dựa theo một tiêu chuẩn thật cao về tiện nghi, an toàn, thoải mái, chu đáo về vật chất lẫn tinh thần, và nhất là rất tuyệt vời về tâm linh.

    Thầy Pháp Hòa chịu khó hướng dẫn và trình bày từng chút một cho chúng tôi biết những nỗ lực phục vụ của viện dành cho các cụ cư dân, chẳng hạn như bữa ăn của các cụ không những chỉ hợp khẩu vị mà còn phải theo đúng chế độ kiêng cữ của từng người được ghi rõ tại bàn ăn cũng như trong bếp. Biết có phái đoàn đến thăm, và nhất là thấy hình bóng thầy Pháp Hòa, các cụ các bác ở đây vui mừng như thể được con cháu đến thăm hỏi. Thầy đã nói chuyện, hỏi han từng người mà thầy gặp, trong hành lang cũng như trong phòng riêng của các cụ.

    Thầy dẫn chúng tôi xem phòng ăn nơi tầng trệt, phòng tụng kinh ở tầng ba là tầng cao nhất, phòng sinh hoạt dành cho các cụ. Các nhân viên ở đây - hầu hết là người Việt Nam - cũng vui vẻ chào thầy.

    Từ khung kiếng tại phòng sinh hoạt, chúng tôi thấy một ông lão đi bộ chầm chậm ở ngoài sân, dáng vẻ khỏe mạnh mặc dù hơi nhỏ thó. Thầy nói cụ đó đã trên chín-mươi tuổi mà còn rất khỏe mạnh có lẽ nhờ lúc nào cũng niệm Phật. Đã vài lần, chứ không phải một lần, cụ nằm hấp hối trên giường mà ai cũng nghĩ là sắp ra đi vĩnh viễn, nhưng sau cụ lại tỉnh dậy và tiếp tục niệm Phật như không có bệnh tật gì hết.

    Một bác hồi sinh nhờ biết niệm Phật

    Sau buổi hướng dẫn ở Tuổi Hạc, thầy Pháp Hòa chia tay mọi người và hẹn gặp chúng tôi trong buổi hành thiền đêm đó, tức tối thứ Sáu hằng tuần - buổi dành cho người Tây Phương - và ngày huân tu Tịnh Độ hôm sau. Chúng tôi nấn ná ở lại nơi đậu xe, để thả con Kiwi ra bãi cỏ cho nó chạy chơi giãn cân giãn cốt. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi gặp cụ Dương Thành Kiên, ông cụ mà thầy nói là đã hấp hối mấy lần nhưng rồi sống lại, nhờ biết niệm Phật.

    Thấy cụ đang đi bộ, tôi bước theo và xin được trò chuyện. Lúc đó nàng nhà tôi đang bận chơi với con chó, không biết tôi xách máy chụp hình đi gặp ông cụ. Vị bô lão 92 tuổi cho biết cụ không chỉ niệm Phật mà còn niệm Chú Đại Bi. Mỗi lần đi được 28 bước thì cụ niệm xong một bài Chú Đại Bi.

    Cụ Kiên kể rằng cụ bắt đầu tu niệm Phật từ thập niên 1950, tức là hơn nửa thế kỷ trước. Thời đó cụ sống với vợ và bốn con ở khu Bàn Cờ, ngày ngày lái xe gắn máy đi làm ở một xưởng ve chai. Gần nhà cụ có một ngôi chùa của một hòa thượng người Trung Hoa. Thấy cụ lao động cực khổ, một bữa kia hòa thượng khuyên cụ nên đi tu. Cụ về bàn với vợ, cuối cùng cụ được vợ cho đi tu mỗi tuần một ngày ở ngôi chùa gần nhà, và cụ cũng ăn chay trường từ đó. Cụ nói rằng ban đầu các đồng nghiệp ở xưởng sợ cụ bị yếu sức vì ăn chay, nhưng rồi thấy cụ làm việc vẫn khỏe như mọi người nên không còn cản ngăn gì nữa.

    Trước khi vợ tôi dắt con chó đến chào, cụ bỗng hạ giọng và nói nhỏ với tôi rằng tôi nên tu niệm Phật, ăn chay thì mới may ra giảm được lòng ham muốn sắc dục mà hầu như ông nào cũng bị vướng vào. Cụ nói chuyện ham mê đó làm khổ mình lắm, suốt đời bị phiền toái và đời đời bị trôi lăn theo vòng sanh tử luân hồi, khó thoát ra ngoài. Nhờ tu mà cụ đã chuyển hướng, nay thanh thản sống mỗi ngày trong an lạc.

    Tôi đang bước vào tuổi cao niên, khi mà các bộ phận, dụng cụ trên cơ thể đang bắt đầu xuống cấp trầm trọng, nên chuyện giảm ham mê đó chắc cũng không mấy khó, miễn là tâm thay đổi thì mọi thứ cũng thay theo. Có điều tôi từng nghe giảng về cách thức giảm mê đắm sắc dục bằng phương pháp quán thân bất tịnh (đại khái là xét cho kỹ thì thân xác nào dù có xinh đẹp cách mấy thì cũng chỉ toàn là mấy thứ dơ bẩn, nhưng mà mình không chịu nhìn nhận sự thật là như vậy), chứ chưa nghe ai nói về phương pháp niệm Phật.

    Khi vợ tôi đến, cụ Kiên kể thêm về chuyện cụ tị nạn ở đây hơn ba-mươi năm, từng biết thầy Pháp Hòa lúc thầy còn là một cậu bé. Vừa kể cụ vừa đưa bàn tay ra trước để cho thấy lúc ấy thầy mới cao đến vai của cụ. Cụ cười và nói rằng, “Bây giờ mình phải xưng con với thầy. Mà thầy ấy không chỉ là một vị tăng thôi đâu, thầy là một vị bồ tát đó. Ai ở đây cũng biết như vậy.”

    Tuy chỉ mới được gần thầy chưa đầy nửa ngày, tôi cũng thấy điều đó ở nơi thầy Pháp Hòa. Cách cư xử của thầy với mọi người, và những thành quả mà thầy đã tạo dựng cho cơ đồ Phật giáo ở đây quả khó đâu sánh bằng.

    Khi đứng chụp hình chung với tôi, cụ Kiên khen hai vợ chồng đẹp đôi và khuyên cả hai nên đi tu càng sớm càng tốt, đừng đợi tới tuổi già mới đến chùa tìm Phật. Nói xong, cụ bắt tay tôi và chào tạm biệt hai vợ chồng từ phương xa, chúc chúng tôi lái xe về California được bình an. Nhìn theo ông lão vừa đi vừa niệm Phật trong nắng chiều ấm áp, tôi ước mong mình cũng sẽ được an lạc ở tuổi hạc như cụ.

    Kỳ 12: Đi hộ niệm với thầy Pháp Hòa

    Đêm hôm đó chúng tôi không thể trở lại chùa để dự khóa thiền, vì bận chuyện tìm Motel 6 và rồi quá mệt mỏi khi đến lữ quán ở vùng Stony Plain thuộc phía Tây của thành phố Edmonton. Trưa hôm sau, ngày thứ Bảy, nhân lúc ngồi chung xe với thầy Pháp Hòa khi đi hộ niệm, chúng tôi nghe thầy nói rằng tối qua các bác ở nhà bếp có món bánh canh để dành cho hai vợ chồng mà không thấy đến. Nghe vậy tôi thấy thương các bác vô cùng, và cả thầy nữa. Trúc Lâm đây không chỉ là một ngôi chùa với các tượng Phật, mà còn là một mái ấm gia đình với quý thầy, các chú và các Phật tử cùng xúm xít lại, gầy công xây dựng để bảo tồn Phật pháp và mang an vui đến cho mọi người.

    Nhờ ở lại thêm ngày thứ Bảy, tôi được tu tập theo pháp môn niệm Phật và còn được theo thầy đi hộ niệm cho một gia đình sống trong vùng. Ở Quận Cam, tôi phải đi làm ngày thứ Bảy nên chưa có dịp theo vợ đi thọ bát ở chùa vào mỗi thứ Bảy đầu tháng và cũng chưa từng đi hộ niệm cho ai. Nhân chuyến đi bất ngờ này, tôi đến chùa đúng lúc để được dự lớp huân tu niệm Phật dù chỉ có một ngày.

    Trong buổi niệm hồng danh Nam mô A Di Đà Phật dài hơn một tiếng đồng hồ chứ không ít, càng niệm theo giọng trầm bổng của quý thầy với ba đoạn trong mỗi điệp khúc, tôi càng cảm thấy nhiếp tâm theo lời niệm, cứ nương theo đó mà dần dần ngưng các vọng tưởng mông lung, như lời giảng dạy của sư bà Hải Triều Âm mà tôi đã nghe trên quãng đường lái xe đến Trúc Lâm.

    Buổi huân tu bắt đầu từ 9 giờ sáng với phần tụng kinh rồi sau đó niệm Phật, đi kinh hành vòng quanh chánh điện cho đến giờ thọ trai giữa trưa. Thầy thông báo với đại chúng là thọ trai xong quý thầy sẽ thu xếp đi hộ niệm cho một người bệnh trong thời gian Phật tử nghỉ trưa và sau đó sẽ quay về chùa để tiếp tục hướng dẫn lớp huân tu. Vì vậy, sau giờ ăn trưa, khi nghe thầy hỏi có ai muốn đi theo thì thầy chở đi, chúng tôi tình nguyện đi theo liền. Nhờ vậy mà tôi mới thấy sự hòa nhập của thầy Pháp Hòa với thường dân, hay nói đúng hơn là đám phàm phu chúng tôi.

    Thầy lái một chiếc Honda minivan đời cũ, kiếng trước bị nhiều lằn nứt, chở theo bảy phụ nữ từ trẻ đến… hết còn trẻ. Nhờ là người nam duy nhất trong nhóm theo thầy đi hộ niệm, tôi được ngồi ở ghế trước canh thầy, chứng kiến tài lái xe theo GPS có lúc bị lạc đường và khiếu ăn nói khôi hài của thầy Pháp Hòa với các Phật tử trong suốt chuyến đi. Thầy vui tính, nói vừa đủ để không khí được thoải mái. Nghe ba bác lớn tuổi (có vòng bụng hơi to) than phiền về việc không tìm ra chỗ cắm dây “xít-beo,” thầy nói “thôi khỏi beo cọp” chi cho mệt. Một cô trẻ sợ bị cảnh sát phạt, nhưng thầy không nói gì thêm, mặc cho các bác bụng to muốn “beo” hay không “beo” thì tùy ý. Có lúc các bác nói chuyện ồn như cái chợ ở phía sau, thầy cũng không nói gì, chỉ lo lái xe và trả lời những câu hỏi của tôi, như một ông tài xế chở du khách đi thăm cảnh.

    Sau mấy phút đi lạc trong một khu gia cư, đến trước một ngôi nhà trong khu nhà mới bậc trung, mọi người đều im lặng bước ra xe theo thầy vào nhà. Chúng tôi mặc áo tràng chuẩn bị tụng kinh. Trong ngôi nhà hai tầng đã có khoảng hai chục người từ lớn tuổi đến các em bé. Họ giữ im lặng, quan sát ban hộ niệm với nét mặt vừa hiếu kỳ và cũng vừa âu lo như biết đây là giây phút quan trọng cho một thân nhân sắp mất của họ.

    Chúng tôi được biết đại gia đình này là người Lào gốc Việt. Người mẹ của gia chủ là một Phật tử thuần thành từng sốt sắng làm nhiều Phật sự từ trước đến giờ. Bác bị ung thư máu, được khám phá và trị liệu trong tháng qua nhưng nay đã bị “bác sĩ chê.” Bác sẽ được đưa về nhà vào ngày thứ Hai để chờ giây phút cuối, sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trong tuần lễ tiếp theo ấy. Nhưng vì vào thời gian đó thầy Pháp Hòa sẽ phải rời Edmonton để có mặt ở Dallas và Austin, cho nên thầy quyết định đến hộ niệm sớm theo thỉnh nguyện của gia đình, còn những bữa sau sẽ có các vị tăng trẻ trong chùa đến tụng kinh thay thầy.

    Trong gần một tiếng, chúng tôi tụng kinh cầu an theo thầy. Nhờ từng thỉnh thoảng đến chùa ở Quận Cam, tôi không mấy xa lạ với phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa được dùng làm kinh cầu an. Nghe tiếng tụng vang lên đều đặn trong nhà, tạo ra không khí ấm cúng chia sẻ với các thân nhân ngồi nghe ở chung quanh, tôi cảm thấy vui trong lòng vì biết mình có đóng góp cho sự an lạc của tha nhân. Dù không biết mặt mũi của bác gái ra sao, tôi đã cầu nguyện cho bác được ra đi yên bình trong sự yêu thương của mọi người.

    Có lẽ là kẻ từ phương xa cần phải chứng tỏ khả năng với dân địa phương, lại là người nam duy nhất trong nhóm mặc áo tràng màu lam, trưa hôm ấy tôi tụng kinh nghe rất khí thế, vợ kể vậy sau khi chúng tôi trở lại chùa. Không hiểu sao, tôi bẩm sinh có tiếng nói yếu ớt, khó nghe, nói chuyện chừng năm phút là thấy mệt, hết hơi, vậy mà cũng với giọng yếu đó, tôi có thể tụng kinh theo quý thầy cả tiếng đồng hồ mà không bị mất giọng.

    Trên đường lái xe trở lại Trúc Lâm trên đường số 97, thầy hỏi vợ chồng chúng tôi có “tham quan” đâu chưa ở Edmonton. Nghe nói hai vợ chồng (và con chó) đã qua Canada và trực chỉ đến chùa mà thôi, không đi đâu hết từ lúc mới đến đây, thầy trố mắt như không tin, rồi vừa cười vừa khuyên chúng tôi nên “ngưng tu” ở chùa để còn có thời giờ viếng cảnh ở Edmonton. Nghe vậy, các bác ở phía sau nhao nhao nhắc đến một vài địa danh mà chúng tôi nên ghé trước khi về lại California. Nói chung các bác, và cả thầy, đều khuyên chúng tôi hãy đến West Edmonton Mall, nơi được xem là một trong các kỳ quan của thế giới, là thương xá lớn nhất ở Bắc Mỹ Châu.

    Không chỉ có hàng trăm cửa tiệm, đại thương xá này còn có các khu giải trí, rạp hát, vườn chơi như ở Disneyland mà chúng tôi biết ở Quận Cam, thêm những quán ăn và công viên nước. Ở miền gần như cực lạnh này, tìm đến một nơi giải trí, mua sắm ở bên trong một vòm nhà là điều lý thú vô cùng. Nhưng đối với chúng tôi, hai kẻ từng ghé thăm nhiều thắng cảnh với các con thời trước, giờ đây chỗ nào có đông người là nơi chúng tôi muốn tránh né. Tuy nhiên, trước lời khuyên “ngưng tu” rất ân cần của thầy và của các đạo hữu, chúng tôi đành nghe theo.

    Thế là nơi sân chùa Trúc Lâm, chúng tôi tạm từ giã thầy và các đạo hữu để cùng với con chó Kiwi xuống núi. Cũng nhờ mấy tiếng đồng hồ rời chùa mà chúng tôi có dịp lái xe qua khu thương mại Việt Nam nằm lẫn trong Phố Tàu, cũng trên đường số 97 không xa mái chùa Trúc Lâm bao nhiêu. Rồi từ đó chúng tôi nhờ GPS chỉ đường đến các địa danh khác và West Edmonton Mall.

    Trong lúc chạy qua downtown, chúng tôi đã phải dừng xe lại khi bị gió xoáy thổi tung bụi đất mịt mù che mất tầm nhìn như trong một cơn bão cát. Đó là lần thứ nhì tôi chứng kiến cảnh gió thổi tung đất cát bay khắp nơi từ lúc đến Edmonton. Người ở đây hình như đã quen với hiện tượng thời tiết này, họ chỉ kéo áo lạnh lên che mặt rồi đi tiếp trên vỉa hè. Có lẽ cũng vì hiện tượng đó mà tôi thấy hầu hết xe hơi ở đây đều bị bụi đất bám đầy, nhất là ở phía sau xe, như thể cả mấy tháng trời xe chưa được rửa.

    Đến West Edmonton Mall, tìm không ra chỗ đậu xe, chúng tôi có lý do để không vào khu vui chơi này và rồi tìm những nơi khác để chụp vài tấm hình lưu niệm. Gần trường Đại Học Alberta, chúng tôi nhờ một anh sinh viên bấm giùm vài tấm ảnh với cảnh các tòa nhà của Edmonton ở phía sau lưng. Chiều hôm ấy trời rét lạnh khoảng 40 độ F, tức là đâu đó khoảng 4, 5 độ C, chúng tôi có lý do chính đáng để đội nón len che tai, quấn thêm khăn che cổ. Vậy mà anh sinh viên Tây lại mặc áo cụt tay, phong phanh như dân ở Nam California. Hỏi mấy bạn đạo ở đây rằng sao họ không thấy lạnh thì ai cũng cười, nói trời đang vào xuân, ấm thấy mồ, lạnh đâu mà lạnh, mặc dù chúng tôi thì thấy rét muốn chết, cây cối còn trơ trụi chưa nẩy mầm chi hết.

    Kỳ 13: Anh Đại Hàn lễ Phật ở chùa Trúc Lâm

    Trở lại chùa Trúc Lâm lúc khóa tu học vừa tạm ngưng chiều thứ Bảy, chúng tôi được ăn bữa tối với quý thầy và bạn đạo. Nói chuyện với chị Hạnh Tịnh thì mới biết trong thời gian chúng tôi rời chùa thầy Pháp Hòa còn đi hộ niệm cho một gia đình khác. Đó là một Phật tử đã yếu sức từ lâu, chiều nay đột ngột hấp hối nên người nhà vội vã mời thầy.

    Thế là dù đang bận với khóa tu, thầy đã bàn giao cho các thầy trẻ tiếp tục hướng dẫn đại chúng và thu xếp công việc để rời chùa. Vừa ra đến xe thì người nhà lại báo cho thầy biết là vị ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Tuy vậy thầy vẫn lái xe đến đó ngay để hộ niệm cho người vừa qua đời. Quả thầy đã dành cả ngày để sống cho tha nhân, đúng như lời dạy của nhà Phật: Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật.

    Ăn chiều xong, khoảng gần 6 giờ rưỡi, hai vợ chồng chúng tôi lo lên chánh điện để chuẩn bị ngồi thiền trong khi mọi người còn nói chuyện vang rân nơi phòng ăn ở tầng dưới và thầy Pháp Hòa đang tiếp khách tại tổ đường đằng sau điện. Nơi thờ phượng lúc đó chưa có ai ngoài hai Phật tử đang thành kính lạy Phật liên tục.

    Một trong hai Phật tử là một người đàn ông Á Đông vừa bước vào tuổi trung niên, với dáng dấp thon ốm, tóc buộc củ tỏi đằng sau ót. Anh đứng lên quì xuống lạy như thế không biết bao nhiêu lần. Lúc ngồi thiền, tôi giật mình mở mắt khi chợt nghe anh niệm lớn hai chữ nghe giống “Oh dear” theo tiếng Anh (có lẽ chữ Om với một chữ nào đó) khi đang lễ lạy trước tượng Quán Thế Âm Tam Diện hàng chục bận, rồi sau đó anh đi thiền hành chầm chậm quanh điện.

    Tối hôm ấy, với khoảng hai hay ba chục Phật tử hiện diện (chỉ bằng một phần ba buổi sáng), buổi tọa thiền mới bắt đầu bằng phần xướng tụng của một sa di trẻ. Chú cất giọng trầm trầm tụng niệm một bài kinh ngắn khai thị nào đó mà chúng tôi không quen rồi sau đó mọi người nhắm mắt tham thiền. Cuối buổi, một sa di khác lên đọc phần sám văn bằng quốc ngữ với đề tài nhắc nhở chúng sanh hãy sám hối vì mọi người đã quên rằng vạn pháp là vô thường.

    Nghe lời sám văn này, tôi cảm nhận được một điều huyền diệu như có sự nhắc nhở của chư thiên trong chuyến đi. Mấy bữa trước đó, khi rời chùa Vạn Hạnh, Seattle để hướng tới chùa Trúc Lâm, lời Kinh Nhất Dạ Hiền Giả từng đến với chúng tôi, nay ý kinh ấy lại được mặc khải một lần nữa lúc một sa di trẻ, sau khi cùng đại chúng ngồi thiền, đã bước lên đại diện tăng đoàn, trang trọng đọc một đoạn sám văn nói về tính cách vô thường cho mọi người cùng chiêm nghiệm và tu tập.

    Phần cuối của ngày huân tu là giờ pháp đàm của thầy Pháp Hòa. Cho tới lúc đó, nghe thầy Pháp Hòa nói, chúng tôi mới biết người đàn ông trung niên thành tâm lễ lạy khi nãy là người Đại Hàn. Theo lời thầy, thỉnh thoảng anh ấy lặng lẽ đến chùa và lên chánh điện lễ Phật suốt mấy tiếng đồng hồ mà không biết mệt. Đêm hôm đó, mặc dù không biết tiếng Việt, anh cũng ở lại nghe thầy giảng với sự trợ giúp của một thầy mặc dù trẻ nhưng hiểu đủ tiếng Việt để dịch sang Anh ngữ cho anh. Tìm hiểu sau này, tôi được biết thầy trẻ là thầy Trí Định.

    Buổi giảng của thầy Pháp Hòa bắt đầu từ 8 giờ 30 đến 10 giờ đêm. Một lần nữa, chúng tôi cảm thấy mình may mắn, được ngồi trong ngôi chùa ấm cúng cùng thầy và nghe thầy giảng trực tiếp, không phải qua YouTube hoặc băng dĩa nào hết. Đây là buổi giảng thứ mười mấy về một cuốn kinh mà chúng tôi không nhớ tựa nổi vì chưa bao giờ nghe qua.

    Mỗi lần nghe thầy dẫn chứng những câu chuyện vui vui để giảng rõ ý nghĩa trong kinh, tôi lại thầm biết ơn chư Phật, chư thiên đã đưa một tài năng bẩm sinh đến với đạo Phật. Nếu không đi tu, thầy Pháp Hòa có dư khả năng để trở thành một danh hài nổi tiếng. Thầy biết dùng ánh mắt, bàn tay, cử chỉ phối hợp với lời nói và sự nhanh trí để tạo tiếng cười trong đại chúng. Nếu là một danh hài, thầy có thể trở thành một người giàu có như một số nghệ sĩ hiện nay. Nhưng, và cái nhưng rất quí giá cho đạo, thầy đã chọn con đường đi tu. Tài năng hiếm có của thầy đã giúp cho nhiều người chứ không chỉ cho một cá nhân tạo được tư lương trong kiếp sống của họ, mang niềm vui của đạo đến với mọi người, giúp họ bước vào con đường thoát khổ, tiếp tay sư ông tạo dựng được một ngôi chùa rất đáng hãnh diện cho cộng đồng người Việt ở Edmonton, và mai đây thiền viện Tây Thiên cũng sẽ là niềm hãnh diện chung cho Phật giáo Việt Nam ở thời đại mới.

    Sau buổi giảng đêm thứ Bảy hôm ấy, thầy chúc vợ chồng chúng tôi được thượng lộ bình an và không quên nhắc chị Hạnh Tịnh tiếp tế đồ ăn cho kẻ lên đường. Bác Trúc Thiện và chị Hạnh Tịnh gói ghém cho tụi tôi một túi đựng trái cây, bánh bò và hai hộp pate chay từ Romania mà Hạnh Tịnh nói là chỉ có ở chùa Trúc Lâm. Hạnh Tịnh cũng nhờ chúng tôi chở về California một thùng dĩa DVD của thầy để giúp ban tổ chức phổ biến nhân dịp thầy sẽ đến Nam California giảng pháp trong tháng Bảy năm nay. Chị Loan, một Phật tử quen thuộc trong đạo tràng, khi biết chúng tôi có chở theo một con chó đang ở trong xe chờ chủ giữa trời đêm lạnh giá, chị nhất quyết muốn ra xe để thăm nó. Chị xúc động khi nghe kể con Kiwi đã đi với chúng tôi đến không biết bao nhiêu chùa, ở đâu nó cũng ngoan, chỉ biết nằm trong xe đợi chủ, không quấy rầy ai.

    Chúng tôi rời chùa Trúc Lâm và thành phố Edmonton trong tâm trạng luyến tiếc vì biết rằng khó có cơ hội được trở lại đây lần thứ hai, nhưng cũng vui mừng với thành quả không ngờ của chuyến đi bất chợt vượt qua biên giới Gia Nã Đại này.

    Lái xe về hướng nam nửa đêm hôm đó, tôi phải hết sức phấn đấu trước cơn buồn ngủ trong suốt hai tiếng đồng hồ để vượt qua hơn 100 dặm đường từ Edmonton tới Motel 6 ở thị xã Red Deer. Có những lúc tôi bắt được mình đã thiếp đi trước khi bừng tỉnh trong cơn hoảng hốt vì biết mình vừa trải qua mấy tích tắc cực kỳ nguy hiểm, cho cả hai vợ chồng và con Kiwi đang ngủ ngon ở sau lưng. Đâu đó sau nửa đêm, có lẽ chúng tôi là những lữ khách cuối cùng đến làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn mà chúng tôi có gọi trước.

    Qua ngày Chủ Nhật, chúng tôi dậy trễ khi trời đã sáng choang nhưng cũng rời khách sạn gần 10 giờ sáng, vì biết rằng chúng tôi phải trở về bên đất Mỹ trước nửa khuya Chủ Nhật để có thể nghỉ đêm ở một Motel 6 khác tại Kalispell, Montana. Trước khi rời Motel 6 Red Deer, chúng tôi được một cô tiếp viên người Tây tặng hai chai nước lọc Canada kèm theo một nụ cười chúc thượng lộ bình an. Chúng tôi từng ghé qua rất nhiều khách sạn từ ngày đến Mỹ, mà có lẽ ở Motel 6 Red Deer ở bên xứ Canada này lại là nơi để lại những kỷ niệm thân tình nhất.

    Ở một tiệm Safeway cũng ở thị xã Red Deer, chúng tôi mua hai ổ bánh mì Pháp khổ to như bánh mì Ý, để trét hết hai hộp pate mang theo ăn dọc đường và ăn ở lữ quán đêm đó. Đêm hôm trước rời chùa Trúc Lâm, có người từng nói coi chừng hai hộp pate sẽ bị tịch thu ở cửa khẩu biên giới như từng xảy ra cho các Phật tử khác ở bên Vancouver, nên chúng tôi đề phòng trường hợp đó xảy ra bằng cách giấu hết pate vào bụng cho xong chuyện. Xem ra bánh mì, và vài món ở đây, có giá rẻ hơn so với bên California. Một ổ bánh mì Pháp to gấp ba lần ổ baguette ở phố Bolsa mà giá bán tính ra chỉ khoảng $1 đô bên Mỹ. Chỉ có xăng là mắc như ở California, không hiểu sao, dù Edmonton là xứ của dầu hỏa.

    Kỳ 14: Sơn dương Alberta, nai rừng Montana

    Trên rặng núi tuyết ở phía Nam Alberta, chiếc xe ì ạch chạy ngược gió trên đường đèo ngoằn ngoèo Crowsnest Pass. Hỏi một phụ nữ gốc Hàn đứng bán ở tiệm xăng Petro Canada thì mới biết nơi đây hầu như quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có gió thổi lạnh buốt như thế. Cũng trên đường đèo mang tên Tổ Quạ này, chúng tôi chứng kiến một đàn sơn dương với cặp sừng cong cong tròn trĩnh đứng gặm cỏ ven xa lộ 93 (và xa lộ 3).

    Tôi đã thắng xe lại khi thấy một con sơn dương chạy lưng tưng ra giữa đường, thản nhiên đứng ngó xe chạy. Bên này xa lộ có năm, sáu con dê rừng mang bộ lông màu trắng nâu, bên kia cũng chừng ấy con đang ăn cỏ như không biết sợ loài người. Từ từ, đằng sau tôi có thêm gần một chục chiếc xe ngưng chạy. Chiều ngược hướng cũng có nhiều xe tạm dừng. Trong giây lát, đám người chúng tôi với đám sơn dương cùng chia sẻ một khoảng khắc vừa ngẫu nhiên mà cũng vừa như có tiền định. Làm sao biết được cả hai chưa từng gặp nhau trong quá khứ dưới những thể dạng khác?

    Từ đường Crowsnest Highway rẽ xuống quốc lộ 93 ở tỉnh bang British Columbia, chúng tôi hướng về biên giới Hoa Kỳ trong nắng chiều Chủ Nhật. Trên suốt chặng đường dài hơn 30 dặm còn lại ở xứ Canada, chiếc Honda CRV của chúng tôi là chiếc xe duy nhất xuôi về hướng Nam. Thỉnh thoảng mới có xe vận tải chạy ngược chiều, còn cùng chiều thì không một chiếc nào. Tôi nghe nói cửa khẩu vào Montana thường thưa khách, ở bên Vancouver vào tiểu bang Washington mới đông đúc hơn. Nhờ vậy mà chúng tôi được hưởng một buổi chiều hoàng hôn ở miền thôn dã trong yên tịnh.

    Mấy món quà ở biên giới Montana

    Ở hai bên của con đường chạy giữa vùng cao nguyên từ thị trấn Grasmere đến biên giới có một số nông trại nuôi bò nằm rải rác giữa những cánh rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp từng đàn nai xuất hiện đứng gặm cỏ trong các trại. Có lẽ chúng đã nhảy qua hàng rào và vào ăn cỏ non dành cho mấy đàn bò. Tuyệt nhiên không thấy một bóng người mặc dù có những mái nhà nằm trong các nông trại.

    Người Canada cuối cùng mà chúng tôi được gặp trước khi rời xứ xở này là một ông trạc tuổi tôi, cao lớn hơn, đầu đội nón cao-bồi, để râu quai nón, bụng to. Ông ta là chủ nhân của một tiệm bán hàng miễn thuế (duty free shop), chỉ cách trạm biên giới vài trăm thước. Chúng tôi đoán ông là người da đỏ vì mái tóc đen bạc, nét mặt không giống người Tây Phương.

    Chúng tôi ghé tiệm vì chợt nhớ ra rằng mình bận lo đi xuất ngoại tu học mà quên mua quà cho các bạn thân quen. Quán bán hàng miễn thuế này là dịp cuối cùng cho chúng tôi tìm mấy món quà sản xuất ở Canada. Vừa bước vào tiệm, chúng tôi chạm mặt ngay ông đội nón cao-bồi đang nhìn chằm chằm với đôi mắt đen tròn, hơi dữ. Phần lớn hàng bán trong tiệm là rượu và thuốc lá, áo T-shirt, những thứ mà chúng tôi không thể mua tặng người quen. May quá, tiệm có vài kệ bán bánh kẹo chế biến từ maple syrup, một đặc sản của Canada, nhựa cây phong ngọt như đường và có lẽ giống như kẹo mạch nha mà tôi từng biết hồi còn nhỏ ở Nha Trang. Có người còn gọi cây maple là cây thích thay vì cây phong.

    Lúc đó là gần 7 giờ chiều, giờ đóng cửa tiệm. Chúng tôi vơ gần hết gần hai chục cây kẹo hình lá maple chưng trên kệ, thêm hai hộp bánh cookie với nhân đường maple syrup. Lúc tính tiền, thấy ông chủ tiệm cười tủm tỉm như muốn nói chuyện, chúng tôi hỏi có phải ông sống ở tiệm này. Ông trả lời rằng ông sống trong vùng, gần đây thôi, và rồi trước khi được hỏi thêm, ông kể một tràng tóm lược chuyện đời ông cho chúng tôi nghe.

    Người chủ tiệm ở biên giới này nói rằng ông từng đến hầu hết các tiểu bang ở Mỹ thời còn trẻ. Ngày ấy ông là một tay cao-bồi chuyên cưỡi bò, cưỡi ngựa chứng trong các cuộc thi rodeo. Ông từng ghé qua California mấy lần, mang nhiều thẹo trên người. Thế rồi ông kể đoạn chót với giọng vừa tiếc nuối, vừa trách móc, rằng sự nghiệp rodeo của ông đã kết thúc từ ngày vợ ông sanh một bé gái. Đẻ con xong, bà để con lại cho chồng và rồi bỏ đi mất. Từ đó ông nuôi cô bé cho đến ngày khôn lớn. Chúng tôi lắng nghe và chia sẻ mẩu chuyện của ông trong lúc thanh toán tiền nong, không biết nói gì hơn. Ông nhắc chúng tôi nhớ trưng ra biên lai cho cảnh sát biên phòng ở trạm biên giới, để khỏi bị hỏi lôi thôi, rắc rối. Chúng tôi cám ơn lời nhắc của ông và rồi chào giã từ người Canada cuối cùng, trước khi lấy sổ thông hành ra để sẵn ở ghế trước để trình các nhân viên kiểm tra.

    Khác với chàng thanh niên đẹp trai đón chúng tôi ở trạm vào Canada bên Idado mấy hôm trước, người đón chúng tôi ở trạm Roosville vào Montana là một ông Mỹ trung niên, thưa tóc, mắt lăm lăm nhìn hai vợ chồng như một thám tử của sở cảnh sát đang điều tra tội phạm. Tôi biết ông chỉ làm công việc của mình, để dò tìm những tín hiệu bất thường hầu bảo vệ an ninh cho đất nước của ông và của chúng tôi. Trong vài chục thước trước khi đến trạm, chiếc CRV chạy qua hàng loạt máy chụp hình và máy chiếu đèn trông rất nghiêm trọng. Tôi đoán các máy này chụp hình bảng số xe, chụp người ngồi bên trong, dò tìm người hoặc hàng lậu giấu ở dưới gầm hoặc lẫn lộn trong mớ hành lý đằng sau xe.

    Trong lúc xem passport và nhìn vào màn ảnh computer ở bên trong, ông cảnh sát biên phòng hỏi chúng tôi sống ở đâu. Westminster, tôi nói, tay trao thêm cho ông giấy phép nuôi con chó Kiwi để chứng minh thêm về nơi trú ngụ của mình. Ông hỏi chúng tôi có mang trái cây citrus nào trong xe không, như chanh, cam, bưởi chẳng hạn. Chúng tôi nhìn nhau xong lắc đầu, nói chỉ có mấy trái táo mà các bác ở chùa đã cho hai vợ chồng. Vào buổi trưa trước đó, chúng tôi đã ăn hết hai trái cam cất trong thùng nước đá ở ghế trước, vì biết loại trái cây này thường bị cấm mang vào California. Ở biên giới vào Mỹ thì không biết sao.

    Đến đêm hôm đó, khi nghỉ ở Motel 6 tại Kalispell, chúng tôi khám phá còn hai trái cam cất trong thùng nước đá ở phía sau. Té ra bịch trái cây chùa cho còn mấy trái cam này mà chúng tôi không biết. May sao ông nhân viên kiểm tra biên giới không nghi ngờ gì chúng tôi, vẫy tay cho chúng tôi vào Montana mà không thắc mắc gì hơn. Tôi cũng mừng vì xe không bị lục soát, vì thùng đựng cả trăm dĩa giảng pháp của thầy Pháp Hòa có thể bị hạch hỏi như lời Hạnh Tịnh dặn dò đêm thứ Bảy trước khi chúng tôi rời chùa Trúc Lâm.

    Được vẫy tay cho vào Mỹ, nhưng tôi còn chần chừ và hỏi ông lính biên phòng rằng chúng tôi có được dùng phòng vệ sinh mà tôi thấy có bảng chỉ ở phía trước hay không. Ông gật đầu và còn chỉ đường cho chúng tôi đậu xe sao cho thuận việc giải quyết vấn đề sinh lý đang đến lúc nghiêm trọng, căng thẳng của tôi.

    Từ trạm biên giới, một lần nữa chúng tôi được ngắm phong cảnh hoàng hôn trên các cánh đồng thôn dã ở Bắc Montana. Trước khi đến Kalispell nghỉ qua đêm, chúng tôi lại bị máy GPS chỉ đường tắt đi vòng vèo vào các con đường nhỏ đôi khi rất gập ghềnh lồi lõm, thay vì tiếp tục chạy trên quốc lộ 93. Nhưng cũng nhờ đi đường nhỏ mà chúng tôi được băng qua các làng quê, nơi mà có lúc chúng tôi phải dừng xe cho nai rừng nhảy băng qua đường.

    Nhiều đàn nai đã chạy nhởn nhơ trên các bãi cỏ, trong nông trại dọc hai bên lề. Có lúc chúng ngang nhiên nhảy qua hàng rào và đứng chắn ngang giữa lối đi, cho tôi được dịp dừng xe để nhìn ngắm, bấm mấy tấm ảnh. Cũng nhờ mấy đàn nai mà con chó nhà tôi thức dậy ở ghế sau, đứng nhìn ra cửa sổ và sủa bâng quơ mấy tiếng. Chúng tôi từng lái xe qua Montana vài lần, và có lẽ lần này nhờ mấy con nai mà có được những kỷ niệm êm đềm nhất, chưa kể những gì xảy đến ngày hôm sau.

    Kỳ 15: Vườn Ngàn Phật ở Montana

    Sáng thứ Hai, 13 tháng Tư, 2015, rời thị xã Kalispell yên tịnh, chúng tôi chạy xe trên hơn 60 dặm đường uốn khúc dọc theo bờ hồ Flathead Lake. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp với những đỉnh núi còn đội tuyết trắng ở bên kia bờ hồ. Thế nhưng chúng tôi không thể dừng xe để ngắm cảnh, ăn uống picnic như từng làm khi còn các con đi chơi với bố mẹ, vì chặng dừng đêm kế tiếp còn rất xa, ở tận cuối tiểu bang Idaho. Tuy tính vậy, cuối cùng chúng tôi cũng ghé vào Polson, một thị xã du lịch nằm ở điểm cuối về phía Nam của hồ nước lớn nhất của Montana. Với đầu óc mơ mộng của một kẻ mang nghiệp viết văn, một lần nữa tôi lại ao ước được sống ở một nơi hẻo lánh như ở Montana này, để có nhiều thời giờ hơn cho việc đọc sách và viết văn, thay vì chạy đua với người đời ở nơi phố thị.

    Rời Polson, chúng tôi hướng tới Garden of Thousand Buddhas, tạm dịch là Thiên Phật Thảo Viên (Vườn Ngàn Phật), ở gần thị xã Arlee trên đường tới thành phố Missoula. Gần bốn năm trước, chúng tôi từng ghé nơi đây và không gặp một ai. Hôm nay trở lại thì thấy dự án tạo dựng thảo viên này đã hầu như hoàn tất, và được nói chuyện với một người. Cả hai lần tuy khác mùa nhưng đều có gió rét lạnh thổi bần bật trong suốt buổi trưa. Vườn nằm dựa lưng một sườn đồi trong thung lũng Jocko thuộc hai bộ tộc người da đỏ Salish và Kootenai, chung quanh xa xa là những rặng núi hùng vĩ thuộc dãy núi Rockies chạy dài từ Gia Nã Đại đến hết nước Mỹ. Vào mùa thu năm 2011, trong chuyến du hành viếng chùa đầu tiên mà tôi chưa viết xong như đã nói ở đầu bài viết này, chúng tôi từng lái xe từ Seattle qua Spokane, tiếp tục đến Arlee để được diện kiến mặt mũi của Thiên Phật Thảo Viên.

    Số là năm đó, cũng do nhân duyên làm việc với tin tức, tôi tình cờ thoáng thấy một đoạn viết ngắn nhắc đến Garden of Thousand Buddhas của thầy Tây Tạng Gochen Tulku Sang-ngag Rinpoche và được các người Mỹ trợ giúp xây cất. Cho đến ngày đó, tôi không hề biết đạo Phật đã đến Montana. Trước khi khởi hành chuyến thăm chùa đầu tiên, chúng tôi tìm các ngôi chùa Việt Nam ở các tiểu bang để ghé thăm. Kiếm chùa như thế ở California, Oregon và Washington (kể cả Spokane nơi có một tịnh xá thiếu thầy) thì không mấy khó khăn. Riêng Montana và Idaho thì tôi phải lục lọi nhiều lắm mới biết ở Boise, Idaho có một ngôi chùa Việt Nam (chùa Linh Thứu). Riêng Montana thì chịu thua, thế nên tôi chọn Garden of Thousand Buddhas thay cho một ngôi chùa để ghé thăm trong chuyến hành hương đầu tiên.

    Nếu không có sẵn địa chỉ, kẻ hành hương khó tìm ra Thiên Phật Thảo Viên vì hầu như không có một tài liệu nào dành cho du khách đến Montana nói về khu vườn tâm linh Tây Tạng này. Lái xe trên quốc lộ 93 băng qua Arlee thì người ta cũng không thể thấy Vườn Ngàn Phật vì không có bảng chỉ đường hoặc bất cứ một tấm bảng hướng dẫn nào đưa tới vườn. Từ đường 93 rẽ vào một đường nhỏ dẫn vô vườn chỉ xa chừng nửa dặm, nhưng phải đi tới tận nơi thì người ta mới thấy vườn hiện ra chứ không thể thấy từ quốc lộ. Chung quanh thảo viên là những nông trại, và tôi đoán chính thảo viên cũng từng là một nông trại được nhóm Ewam mua lại để xây dựng một kiến trúc mà họ nói là dành cho hòa bình của mọi người thuộc các tôn giáo khác nhau.

    So với lần trước, toàn cảnh thảo viên không thay đổi gì nhiều, không thấy có thêm một kiến trúc nào khác ngoài những gì đã có sẵn như ngôi nhà gỗ nâu cũ kỹ cuối vườn, nhà kho chứa nông cụ nông cơ, gift shop đơn sơ và quan trọng nhất: một mái đình vuông vắn khá lớn với bốn cột tròn nâu chống đỡ nơi bốn góc và chính giữa là một bức tượng uy nghi ngồi trên một cái đài cao cỡ gấp đôi chiều cao con người. Thời gian cùng thời tiết khắc nghiệt có làm hư hoại một phần nơi cánh tay của tượng nhưng giá trị tinh thần của tượng vẫn còn nguyên vẹn.

    Thật vậy, bức tượng nửa màu đồng nâu nửa màu kim nhũ có nét mặt cùng ánh mắt trong sáng thanh thoát tuyệt vời ấy càng chiêm ngưỡng càng thấy đẹp, một nét đẹp mà bất cứ ai dù khó tính đến đâu cũng phải công nhận. Ngày đến đầu tiên mấy năm trước, chúng tôi không rõ đây là tượng của đấng tôn quý nào, chỉ biết chắc chắn đây không phải là Phật Thích Ca vì ở mặt sau của tượng là hình bảo tháp với hình đức Bổn Sư được chạm nổi ở giữa. Lúc ấy trên bãi cỏ chung quanh khu tháp chúng tôi đã thấy dựng các bức tường trắng thấp cỡ hông người nhưng chưa rõ là hình gì và trên cánh đồng cỏ mênh mông bên ngoài có nhiều pho tượng Phật màu trắng còn ngồi trong các cũi gỗ nhỏ.

    Đi dần sâu vào vườn, chúng tôi từ từ nhận ra những thay đổi. Đó là mấy cây cột treo những tấm phướn nhiều màu bay phần phật trong gió, vài chục cây thông non mới trồng, và trên nền cỏ xanh tươi, những đóa daffodil nở vàng đây đó dọc hai bên lối đi trải sỏi. Lần này thì chúng tôi mới nhận ra rằng tháp đài được thiết kế như trục của bánh xe chánh pháp nếu nhìn từ trên cao xuống, với tám nan xe là tám bức tường thấp nay đã được đặt hàng trăm tượng Phật nho nhỏ ngồi đâu lưng lại, và niền xe hình tròn chung quanh thì được sắp đầy những bảo tháp xinh xắn có tượng Phật bé xíu ở trung tâm. Phía dưới từng tượng Phật và bảo tháp có chừa chỗ để khắc tên các thí chủ phát tâm cúng dường và hàng chữ bằng tiếng Anh mang ý nghĩa hồi hướng cho lợi lạc của mọi chúng sanh. Trên bãi cỏ chung quanh đài, giữa tám hướng của mỗi nan xe, chúng tôi thấy dựng một tấm bia đá màu đen khắc bài Bát Nhã Tâm Kinh bằng tám thứ tiếng mà chúng tôi chỉ nhận ra được một số là Pháp, Anh, Tây Ban Nha, tiếng thổ dân Da Đỏ địa phương, và Trung Hoa. Trong ba bia đá còn lại chắc thế nào cũng có một bia khắc tiếng Tây Tạng.

    Sau khu tháp đài có một ao nước với mấy khóm lau lắt lay trong gió và bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm phảng phất nét Tây Phương. Gần đó là một khối đá lớn màu cam nâu, cao hơn người, mỗi mặt được khắc chữ đen bằng một hoặc hai ngôn ngữ mà trong đó có nguyên một mặt đá được khắc tiếng Việt Nam theo lối thư pháp rất tài tình. Nét bút độc đáo vừa đẹp vừa mạnh ấy ghi lại lời Phật dạy như sau:

    Không làm mọi điều ác
    Thành tựu các hạnh lành
    Tâm ý giữ trong sạch
    Chính lời chư Phật dạy.

    Trong lần ghé thăm năm 2011, chúng tôi không thể vào căn nhà bán quà lưu niệm vì nhà khóa cửa. Lần này cửa mở. Bước vào trong không thấy ai, chúng tôi đứng ngắm các món quà thủ công, tượng, thiệp, hình, những túi nhỏ đựng hoa khô tím lavender trồng ngay tại vườn. Rồi chúng tôi nghe loáng thoáng có tiếng nói chuyện điện thoại ở phòng trong và chừng mười phút sau thì anh Mỹ gốc Tây Tạng mới biết có khách ở ngoài, vội lật đật chạy ra cười và xin lỗi.

    Khác với ấn tượng người Tây Tạng với thân người to dày mà chúng tôi từng biết, anh chàng này ốm, cũng nhỏ con như tôi, trông giống người Nhật với làn da trắng, đeo mắt kiếng, có râu quai hàm, răng trắng đều. Anh nói chuyện vui vẻ, giải thích về tấm hình sơn mài chụp vị Phật nơi tượng đài mà chúng tôi chọn mua. Nhờ vậy, chúng tôi mới biết tượng Phật ấy chính là ngài Yum Chenmo, tức là Người Mẹ Vĩ Đại theo tiếng Tây Tạng, mẹ của trí huệ hay còn được gọi là Phật Bát Nhã. Vậy ngài Yum Chenmo này cũng có thể là Phật Mẫu Chuẩn Đề, mẹ của tất cả chư Phật mà tôi từng nghe nói tới. Hèn gì mà ngài đội mão vương miện, đeo trang sức và có nét mặt đẹp dịu hiền thanh tú trên một thân hình phi phái tính, phi tuổi tác. Trong lần thăm lúc trước, tôi đã chụp hình Phật này và dùng làm màn screen trên máy laptop, thế nên mỗi ngày tôi đều gặp ngài nhưng không biết ngài là ai mãi cho đến hôm nay.

    Anh người Tây Tạng mời chúng tôi đến dự một đại hội thường niên được tổ chức ở đây vào cuối tháng Tám mùa hạ, mùa đẹp nhất của vườn. Đây là dịp quy tụ hàng ngàn người từ phương xa đến học thiền, tìm hiểu Mật Tông với các thầy Tây Tạng và Mỹ, hoặc chỉ đến để chia sẻ sự an lạc, bình yên trong niềm tin vào lời Phật dạy.

    Thay vì rời Thiên Phật Thảo Viên để lên đường về phương Nam cho kịp giờ nghỉ trước nửa đêm, chúng tôi nấn ná ở lại thêm tại bãi đậu được trải sỏi nơi lối ra vào, ngồi trong xe ăn trưa để tránh gió lạnh, và tiếp tục ngắm hàng ngàn vị Phật ở trước mắt. Một buổi ăn trưa thật yên bình, với bánh mì và món pate từ chùa Trúc Lâm, và lời Phật dạy từ ngàn xưa được truyền lại qua lời giảng của sư bà Hải Triều Âm. Trong không gian, những tấm phướn Tây Tạng vẫn tiếp tục quất phần phật theo gió lớn thổi từ trên núi xuống thung lũng, như gợi nhắc sự hiện hữu của những đấng vô hình luôn ngự chung quanh chúng tôi.

    Kỳ 16: Bão tuyết ở Nevada

    Rời thị xã Arlee trưa thứ Hai, 13 tháng Tư, 2015, chúng tôi lái xe hơn 500 dặm từ Montana vượt qua gần hết Idaho để đến Twin Falls. Đoạn đường từ xa lộ 90 qua 15 xong rẽ sang 84 không có những phong cảnh ngoạn mục, nhiều lúc thẳng tắp và đáng chán như đoạn xa lộ 5 ở miền thung lũng giữa Los Angeles và Stockton.

    Ở một trạm nghỉ Rest Area tại Idaho, tôi thấy một chiếc xe mang bảng số California lần đầu tiên sau nhiều ngày rời tiểu bang này. Cặp vợ chồng Mỹ trẻ tuổi trong chiếc pickup đã nói chuyện với một tài xế lái xe vận tải ở bãi đậu, và qua những lời đối thoại của họ, tôi được biết một trận giông tố lớn sắp di chuyển qua Bắc California hướng vào Nevada, đúng vào đoạn đường mà chúng tôi sắp đi ngày hôm sau. Lúc ấy tôi không mấy quan tâm đến chuyện thời tiết. Từ khi rời Quận Cam, tôi hầu như không theo dõi tin tức, không nghe radio, không xem tivi trong lữ quán, cũng không xem email (vì vài lữ quán tính thêm tiền Wi-fi).

    Chúng tôi đến Motel 6 ở Twin Falls lúc gần 10 giờ đêm. Ở giờ đó vào đêm thứ Hai mà con đường chính của thị xã này vẫn nhộn nhịp xe cộ, y như trong một ngày cuối tuần, có lẽ vì nơi đây là giao điểm của những xe vận tải chở hàng, của khách du hành trái mùa như chúng tôi.

    Chúng tôi dậy sớm sáng thứ Ba. Trước khi rời khách sạn, vợ tôi đi lấy cà phê, nói chuyện với một bà cụ còn mặc áo ngủ ở phòng tiếp tân và nghe bà cụ bày tỏ sự lo âu về một cơn giông đang trên đường đến Twin Falls. Rời thị xã này lúc 7 giờ sáng, chúng tôi vẫn thấy bầu trời quang đãng, bò gặm cỏ và nai chạy ở ven rừng dọc theo quốc lộ 93 từ Idaho đến Nevada.

    Đến xa lộ xuyên bang 80 chạy hướng Đông-Tây ở Bắc Nevada, tôi mới bắt đầu hơi lo khi thấy bầu trời trước mắt bỗng tối đen với những đám mây đang tiến về hướng Đông. Gần đến thị trấn Carlin, nỗi lo lắng của chúng tôi trở thành sự thật khi bão tuyết rơi ào ạt khắp trời. Mặc dù tuyết tan khi rơi xuống mặt đường, tôi ngại đường sẽ đóng băng hoặc ngập tuyết nếu xe tiếp tục lao vào cơn giông bão trước mặt.

    Buổi sáng hôm đó đường vắng xe, chỉ có những chiếc vận tải lớn phóng ào ào qua mặt chúng tôi, như không sợ trơn trượt trên tuyết. Vì chiếc CRV của chúng tôi không có bánh xe chống tuyết, và trong xe cũng không có dây xích bọc bánh như lời cảnh giác ghi trên mấy tấm bảng đặt trên xa lộ chạy qua miền núi, tôi quyết định rẽ xuống thị trấn Carlin để chờ xem cơn bão sẽ đi tới đâu.

    Ghé vào một cửa tiệm hiệu Family Dollar, chúng tôi mua nước trái cây và nước lọc, sẵn dịp hỏi thăm tin thời tiết. Một anh giao hàng cho tiệm nói rằng anh nghe đài radio cho biết có tới mấy đợt mưa và bão tuyết kéo đến trong suốt ngày hôm đó qua sáng hôm sau. Nghe vậy tôi thấy chột dạ. Nơi đây là miền núi vắng vẻ, tìm đâu ra nơi nghỉ qua đêm nếu xa lộ 80 bị đóng.

    Trong lúc người tài xế của đời mình đang bận quan tâm về chuyện lái xe xuyên qua bão tuyết, vợ tôi xem có vẻ hân hoan khi đứng trong tiệm nhìn ra ngoài đường thấy tuyết rơi nhiều hơn và bắt đầu dính vào xe. Thì ra từ ngày qua Mỹ đến giờ, gần 35 năm chứ không ít, nàng nhà tôi chưa bao giờ thấy tuyết rơi. Chúng tôi từng chơi tuyết trên núi Big Bear với các con ở Nam California, nhưng nàng chưa thật sự thấy tuyết rơi. Tôi đã sống qua đời tị nạn ở Pennsylvania hơn mười năm, sợ tuyết muốn chết nên mới tìm về Nam California.

    Đứng một hồi nói chuyện xã giao với cô bán hàng, cuối cùng chúng tôi cũng ra xe và quyết định đi tiếp với hy vọng tìm được khách sạn nghỉ qua đêm để tránh bão trên đường đến Reno. Ra xe, tôi bấm vài tấm ảnh lưu niệm vợ với tuyết, lòng vui khi thấy nàng cười trong lúc đưa tay hứng bắt những bông tuyết. Quả là những giây phút mầu nhiệm. Chúng tôi đã đến miền Canada lạnh thấu xương mà không thấy tuyết rơi, giờ về đến Nevada, một tiểu bang sa mạc nổi tiếng của Mỹ, thì lại thấy tuyết bay đầy trời, không mầu nhiệm sao được. Nói thì nói vậy, song tôi vẫn run hết biết khi lái trở lại xa lộ 80 hướng ngay vào những đám mây đen kín ở phương Tây phía trước.

    Từ Carlin đến Winnemucca, xe của chúng tôi chạy dưới mưa đá nhiều hơn là mưa tuyết. Vậy cũng bớt lo. Những viên đá nhỏ bằng hạt gạo rớt lộp độp trên nóc xe. Thỉnh thoảng thấy xe của chính quyền chạy qua mặt mà không có dấu hiệu báo động cho lữ khách, tôi cũng yên tâm. Ghé vào Winnemucca để đổ xăng, tôi hỏi một nhân viên của tiệm và được biết Reno hoàn toàn nắng ráo, Truckee ở Bắc California cũng thế dù có gió lạnh chút chút. Nghe vậy tôi mừng quá. Như thế chúng tôi có thể vượt qua dãy núi Sierra để vào Bắc California và nghỉ đêm ở đó, thay vì ở Nevada và bị mất thêm một ngày ở motel trước khi về Nam California.

    Đến vùng núi phía Đông Bắc Sacramento khoảng 5 giờ chiều, thay vì ghé một khách sạn ở Auburn như đã định, thấy trời còn sáng, chúng tôi quyết định lần đường đến một thiền viện mà tôi từng thấy địa chỉ ghi trên một cuốn sách tình cờ thỉnh được từ chùa Hương Tích ở Santa Ana.

    Dù biết máy GPS làm việc rất “máy móc,” chuyên chỉ dẫn tài xế đi vào mấy con đường tắt, tuy ngắn hơn nhưng lắm khi vòng vèo rất lộn xộn, thay vì đi đường lớn dễ hơn, chúng tôi cũng quyết định cho nó tìm đường giúp chúng tôi đến thiền viện Diệu Nhân ở thị xã Rescue. Ban đầu tôi tưởng thiền viện này nằm ở nơi hẻo lánh, trên một vùng đèo heo hút gió nơi vừa có đất rẻ lại vừa vắng vẻ yên tịnh, thuận lợi cho việc tu hành. Theo GPS đi gần cả tiếng đồng hồ, đến Rescue City thì mới biết đây là một vùng đồi với giá nhà từ bậc trung trở lên. Thiền viện Diệu Nhân nằm trên đồi nhìn xuống phong cảnh thơ mộng ở bên dưới. Nơi đây, tuy không lớn bằng, nhưng cũng gợi cho chúng tôi nghĩ đến một nơi tu học khác cũng thuộc các đệ tử của hòa thượng Thanh Từ, là thiền viện Đại Đăng ở Bonsall, Nam California.

    Vì thiền viện mang tên của một ni sư Việt Nam (nổi tiếng vào thế kỷ thứ 12 đời vua Lý Nhân Tông), chúng tôi đoán nơi đây chỉ dành cho chư ni mà thôi. Để con chó ngồi trong xe như mọi lần tới viếng chùa, hai vợ chồng đi loanh quanh thưởng lãm khung cảnh hoa cỏ xinh tươi của thiền viện, nơi mà mỗi góc vườn, mỗi lối đi đều có bàn tay chăm sóc chu đáo.

    Trước cửa một gian nhà ở phía sau, chúng tôi nhìn qua khung kiếng và thấy khoảng năm hoặc sáu vị ni ngồi chung quanh một cái bàn. Họ đang thảo luận về một chuyện gì đó với nét mặt nghiêm trọng. Tôi vẫy tay vài lần, hy vọng có người thấy và bước ra để chúng tôi thăm hỏi. Chờ một lát không thấy ni nào mở cửa, chúng tôi quyết định vào gian thiền đường ở phía trước để lễ Phật, cúng dường, xong êm ái rút lui hầu tránh quấy rầy những người tu hành ở một nơi xem có vẻ thoát tục này.

    Tuy biết rằng cơ duyên gặp gỡ chưa tới, chúng tôi cũng lấy làm tiếc vì lên đến nơi rồi mà không có dịp diện kiến sư bà Thuần Bạch. Chúng tôi nghe tên sư bà lần đầu tiên khi đọc được cuốn sách giảng về Bát Nhã Tâm Kinh của hòa thượng Thanh Từ do thiền viện Diệu Nhân ấn hành. Lúc theo dõi thời khóa biểu tu học trên những tờ giấy được dán nơi cửa vào thiền đường, chúng tôi nhận thấy ngẫu nhiên mà hai đứa tôi trong chuyến đi này cũng đi đúng theo phương pháp tu học của nhóm chư ni ở đây. Đó là ngồi nghe rồi thảo luận, học hỏi từ các băng giảng pháp mà các vị cao tăng thạc đức ban cho tăng chúng đồ đệ, như một hình thức tu học hàm thụ nhưng với một kỷ luật rất nghiêm minh.

    Kinh nghiệm từ những chuyến hành hương xa của chúng tôi cho thấy, khi người ta tạm cắt đứt mọi mối dây ràng buộc về không gian cũng như về quan hệ nhân sự, như lúc ngồi lái xe qua một vùng quạnh hiu vắng vẻ, và lắng nghe giáo lý, người ta cũng có thể coi như mình xuất gia đoản kỳ rồi. Nói một cách khác, lúc đó cái xe cũng có thể trở thành ngôi chùa của mình, tại sao không?

    Kỳ 17 và hết: Ngôi chùa của chính mình

    Đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ ở Motel 6 lần chót ở Rancho Cordova thuộc vùng ngoại ô Sacramento trước khi lái xe chạy thẳng về Westminster vào sáng hôm sau. Đã qua thời trẻ trung mạnh mẽ, không còn sức chịu đựng dẻo dai như trước, chúng tôi thấy nhớ giường nhà vô cùng sau nhiều ngày rong ruổi ở nơi xa lạ. Nghĩ đến chuyện đặt tấm lưng lên chiếc giường quen thuộc là thấy hạnh phúc biết bao. Về đến nhà vào một buổi chiều nắng ấm trời trong, tôi vừa vui mừng vì đường về an toàn, vừa nhớ những nơi đã ghé qua trong mười ngày đi xa.

    Sau một chuyến đi thoát tục, chúng tôi trở lại với những chuyện eo sèo đời thường. Mở email ra xem thì thấy một lô vấn đề cần được giải quyết, chuyện sở cũng như chuyện riêng. Biết tôi đã về, mẹ nhắc tôi lo giùm mấy việc liên quan đến giấy tờ, sửa xe, chăm sóc người em bị bệnh. Việc nhà cũng cả khối, cao như núi Tu Di. Việc sở cũng chán lắm, nhưng không đi làm thì ai sẽ nuôi thân này? Phật đã bảo có cái thân là có cái khổ. Ôi, toàn những chuyện nhức đầu.

    Cũng như mấy lần trước, về nhà đã được vài ngày mà dư âm của chuyến đi vẫn còn vang vọng trong lòng chúng tôi. Từng khung cảnh, từng sự việc, từng khuôn mặt, từng kỷ niệm, từng lời nói, kể cả giọng nói trong dĩa thu âm của một người cách xa ngàn dặm và nay không còn nữa là sư bà Hải Triều Âm, tất cả đều là tư lương quý giá cho hành trình chuyển hóa tâm thức của chúng tôi. Vợ chồng cũng nghiệm ra một điều: ở đâu mình cũng có thể tu được nếu biết tỉnh thức và tự thay đổi chính mình. Và nơi nào mình cũng có thể tìm ra một vị thầy cần thiết cho bước tu kế tiếp.

    Nói cụ thể hơn, từ căn nhà của chúng tôi đi bộ không đầy mười phút là tới một ngôi tịnh xá nho nhỏ. Không phải chính tại nơi này chúng tôi đã gặp được một vị cao tăng đầy khiêm nhượng và tình cờ học được nơi ngài nhiều điều tuyệt diệu hay sao?

    Hằng đêm khuya, vợ chồng chúng tôi đều đi bộ, ghé chùa lễ Phật Bà lộ thiên và đức Địa Tạng Bồ Tát ở tịnh xá ấy, xong vòng về nhà qua ngã công viên. Tuy mỗi đêm đều ghé chùa thế nhưng chúng tôi rất ít khi tham dự những khóa lễ chính thức ở đó. Vậy mà mỗi lần gặp sư ông trụ trì khi người tình cờ bước ra sân, sư ông không hề thắc mắc gì, chỉ ôn tồn bảo, “Ra đằng sau lễ Phật đi con” - nếu đêm hôm ấy chùa còn mở cổng sau.

    Trước ngày đi hành hương, nghe tin sư ông bị bệnh nặng phải nằm nhà thương cả mấy tuần, chúng tôi bèn tìm cách vào thăm. Vì thường ngày quen gặp sư ông trong bộ y áo màu vàng, chúng tôi suýt không nhận ra người khi mới bước vào phòng bệnh. Vị thầy vốn nhỏ thó này càng gầy yếu ốm o hơn trong chiếc áo của bệnh viện và chiếc áo jacket lùm xùm phủ ngoài. Tuy được biết sư ông đã qua cơn nguy kịch nhưng chúng tôi thấy thần sắc người còn tiều tụy lắm.

    Với hai ni cô thân tín đang ở bên cạnh để săn sóc, sư ông chỉ ghế cho chúng tôi ngồi bên cạnh rồi nói ngay, “Thầy không dè thầy có thể chết sớm như vậy, sớm quá! Thầy chưa làm được chuyện gì hết, thôi để kiếp sau thầy tu tiếp.”

    Với một người cả đời tu hành, có được rất nhiều đệ tử và được sự yêu thương của biết bao Phật tử gần xa, câu nói ấy mới khiêm cung nhũn nhặn làm sao! “Thầy chưa làm được chuyện gì hết.” Thầy thốt ra một cách bình thường, tự nhiên - tự nhiên như một lần kia khi thầy nói, “Ừ, cái số của thầy nó là như vậy,” lúc trả lời câu nói đùa của nàng nhà tôi, “Sao ở tịnh xá con thấy thầy hay đứng tưới cây, rồi tới tổ đình đây con cũng gặp thầy tưới cây?”

    Tuy chưa bao giờ hỏi tên hỏi tuổi chúng tôi dù gặp mặt nhiều lần, hôm ở bệnh viện sư ông đã ân cần bảo chúng tôi ở lại để nghe sư ông nói, khi chúng tôi định xin phép ra về vì sợ sư ông mệt và cũng vì thấy có khá đông người lần lượt vào thăm.

    Theo lời sư ông, vì giữ truyền thống phục vụ miễn phí, phụng sự cho chúng sanh, tịnh xá không được dồi dào về tài chánh nên điều lo ngại nhất của sư ông là sau khi sư ông mất rồi các thầy cô trẻ hậu bối sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyện vọng tha thiết nhất của vị thầy ốm yếu trên tám mươi tuổi này là sống thêm được vài tháng để thành tựu việc dựng tôn tượng Phật Bà Quán Âm tại một tịnh xá khác đang được xây dựng dở dang mà thầy gọi là tổ đình. Tịnh xá hiện nay thật ra là một ngôi nhà thuê lại từ một người chủ gốc Việt.

    Như hiểu được một câu hỏi đang khởi lên trong đầu tôi về tình trạng tài chánh của chùa, sư ông bỗng nói một câu trả lời tuy hướng vào khoảng không trước mặt nhưng lại như một lời khuyên ngủ nhắm vào hai vợ chồng ngồi ở bên cạnh, “Thầy không muốn tổ chức gây quỹ, văn nghệ chi hết. Mình đi tu mà. Nếu muốn làm thương mại thì đừng đi tu.”

    Không chờ đợi, từ một cuộc thăm bệnh ở nhà thương Fountain Valley vợ chồng chúng tôi bỗng hưởng được một bài pháp đặc biệt, gần như thân giáo, vô cùng giá trị của một bậc chân tu mà trước giờ chúng tôi vẫn cảm mến. (Không hiểu sao cả hai đứa tôi như tìm được ở thầy một sự an lạc bàng bạc khó tả mỗi khi tới gần.) Chiều tối hôm đó, sư ông không hề bảo chúng tôi phải tu như thế nào, nhưng chính những lời tâm sự của sư ông về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, đã là nguồn lực có công năng xách tấn đầy hiệu nghiệm đối với chúng tôi.

    Nhớ lại sư ông sau một chuyến đi xa, chúng tôi đến thăm tổ đình vào một buổi chiều trước khi hết hạn nghỉ phép, để cúng dường cũng như để mong cho ước nguyện của thầy được thành tựu. Sau một vòng đi chùa xa tuốt tận bên Canada rồi về lại chùa gần nhà, chúng tôi nghiệm ra một điều: mỗi ngôi chùa, với mỗi nơi mỗi nét, nơi nào cũng có thể trở thành chỗ tạo thuận duyên cho mình tu tập, nhưng nơi tu thuận tiện nhất mà cũng là nơi khó nhất lại chính là ngôi nhà của mình.

    Cạo đầu hay không, khoác áo cà sa hay mặc áo thường, chúng tôi vẫn có thể tu từng ngày, từng giờ, từng phút, vì ngôi nhà này chính là nơi mà giặc phiền não đến quậy phá mạnh nhất, và cũng chính nơi đây chúng sẽ bị dẹp tan trong chiến thắng vinh quang nhất cho kẻ tu nào biết dùng lòng từ bi và trí huệ, biết đem thân mạng và cuộc đời còn lại để dâng hiến cho đạo, như lời truyền đạt lẳng lặng bằng thân giáo của một vị chân tu bình dị ở gần nhà.

    Đó là những điều mà vợ chồng chúng tôi đã nhận ra sau chuyến đi mầu nhiệm này. (pq)

  7. #57
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    nghe chùa ....


  8. #58
    “Một nguyền nguồn linh tường trong lặng
    Hai nguyền tạng thức dứt lăng xăng”

    Dharma Talk on One Mind
    Thiền sư Bassui (1327)

    “Nếu muốn tự giải thoát khỏi những nỗi thống khổ trong Lục Đạo Luân Hồi thì quý vị phải biết con đường trực ngộ thành Phật. Con đường này chẳng có gì khác hơn là nhận ra được Tâm của quý vị.

    Vậy thì, Tâm này là gì?

    Tâm này chính là bản chất chân thật tự nhiên vô hình của tất cả các loài sinh vật có tình cảm, nó vốn sẵn sàng, vốn hiện hữu ngay cả trước khi cha mẹ của quý vị được sinh ra, do đó, dĩ nhiên là nó đã có sẵn trước khi bản thân quý vị được sinh ra, nó vốn đã sẵn có đó, không thay đổi và không sinh diệt. Cho nên người ta còn gọi nó là “Bộ mặt trước khi cha mẹ được sinh ra”.

    Bản chất của Tâm này hoàn toàn thanh tịnh. Không phải vì chúng ta ra đời mà Tâm này mới được sinh ra và khi chúng ta chết đi thì Tâm này cũng không bị hoại diệt. Tâm này không có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, không có mầu sắc của tốt hoặc xấu. Không thể so sánh Tâm này với bất cứ cái gì, cho nên được gọi là Tâm Bản Nhiên, Giác Tánh, Phật Tánh. Vô số lượng ý niệm đã khởi lên từ Tâm Bản Nhiên này như sóng nổi trên biển cả hoặc như hình ảnh phản chiếu trong gương vậy.

    Nếu muốn nhận ra được Tâm này thì trước nhất quý vị phải nhìn vào ngọn nguồn mà từ đó các ý niệm khởi lên và trôi chảy. Dù khi ngủ hoặc làm việc, đi đứng hoặc nằm ngồi, phải tự tra vấn tận đáy lòng sâu thẳm: “Tâm của tôi là cái gì?” và thiết tha muốn có lời giải đáp. Đó gọi là “thực tập”, “hành trì”, “khát khao chân lý” hoặc “mong cầu giác ngộ”.

    Cái gọi là tọa thiền thì cũng không có gì hơn là nhìn vào Tâm mình. Quán chiếu chính Tâm mình một cách tận lực còn tốt hơn là hằng ngày đọc nhiều vô số lượng kinh chú trong vô số lượng năm. Những loại cố gắng hình thức đó cũng tạo ra được một số phước báu, nhưng khi hưởng hết phước thì lại vẫn phải chịu sự đau khổ của Tam Ác Đạo. Bởi vì việc tìm tòi Tâm mình cuối cùng sẽ đưa tới giác ngộ cho nên cách hành trì này là điều kiện tiên quyết để trở thành Phật.

    Dù đã từng phạm các tội Thập Ác hoặc Ngũ Nghịch, quý vị vẫn có thể chuyển hóa tâm thức và giác ngộ thành Phật ngay tức khắc. Nhưng đừng có phạm tội rồi mong đợi được cứu thoát nhờ sự giác ngộ bởi vì không có sự giác ngộ, hoặc Phật hay Tổ nào, có thể cứu kẻ tự lừa dối bản thân để lao mình xuống Ác Đạo.

    Hãy tưởng tượng cảnh một đứa trẻ nằm ngủ cạnh cha mẹ, trong giấc mơ thấy bị đánh đập, hoặc bị bệnh nặng đau đớn. Cha mẹ nó không thể giúp dù nó đau khổ tới đâu, vì không ai có thể xen vào giấc mơ của người khác được. Nhưng nếu đứa trẻ thức dậy thì nó sẽ hết đau khổ ngay lập tức một cách tự động. Thì cũng như vậy, người nào nhận ra được Tâm mình chính là Phật thì ngay lập tức sẽ tự giải thoát khỏi mọi nỗi thống khổ của cảnh bị trôi lăn không ngừng trong dòng sông sinh tử. Nếu đức Phật có thể ngăn chặn được thì quý vị có nghĩ rằng Ngài lại để cho ngay cả đến một chúng sinh phải rơi vào địa ngục chăng? Nếu không Giác Ngộ, không ai có thể thấu triệt được những điều ấy.

    Ngay lúc này, cái gì là chủ thể ngắm nhìn mầu sắc bằng mắt, nghe tiếng động bằng tai, giơ tay, nhấc chân. Chúng ta biết đó là những chức năng tâm ý thức của chính mình, nhưng không ai biết đích xác chúng đã được thực hiện như thế nào. Có thể khẳng định rằng không có thực thể nào đằng sau những hoạt động này, thế nhưng rõ ràng là chúng được thực hiện một cách tự phát đột khởi. Hoặc có thể khẳng định rằng quả thật đã có những hoạt dụng của thực thể nào đó, nhưng là thực thể vô hình.

    Nếu coi như đây là một vấn đề khó hiểu, mọi suy luận để tìm câu trả lời đều ngưng bặt, ta sẽ hoang mang, không còn biết phải làm gì. Trong tình trạng thuận lợi này, nỗi niềm thống thiết mong lời giải đáp của ta càng lúc càng sâu sắc hơn một cách không mệt mỏi, lên đến cực độ.

    Khi nỗi thắc mắc thâm nhập tới tận đáy lòng, sẽ xảy ra đột biến nơi tâm thức, hiển lộ chính Tâm này là Phật, là pháp giới Tánh Không.

    Trong mộng, quý vị có thể quên đường về nhà. Quý vị nhờ ai đó chỉ lối hoặc cầu xin Trời Phật, nhưng cũng vẫn không về nhà được. Nhưng ngay khi tỉnh ngủ, ra khỏi giấc mơ, quý vị sẽ thấy mình đang nằm trên giường của chính mình và nhận chân được rằng chỉ có một con đường độc nhất để trở về là tự mình thức dậy, ra khỏi giấc mơ. Điều này gọi là “Trở về bản thể” hoặc “Tái sinh nơi an tịnh”. Đây là loại tỉnh thức nội tâm chỉ cần thực tập là người ta có thể đạt được. Hầu như tất cả những người hâm mộ tọa thiền và gắng sức trong hành trì thì dù là cư sĩ hay tu sĩ cũng đều có thể đạt được tới trình độ này. Nhưng dù chỉ tới trình độ này thôi, cũng không đạt được nếu không tọa thiền.

    Dầu vậy, bạn sẽ mắc một sai lầm quan trọng nếu như mới tới đây mà bạn đã tưởng rằng mình Triệt Ngộ, không còn điều hoài nghi về bản chất của thực thể. Như thế thì bạn cũng giống như một kẻ tìm được mỏ đồng đã vội bỏ ước vọng tìm ra mỏ vàng.

    Đến giai đoạn tỉnh giác này, hãy tự tra vấn sôi nổi hơn nữa với câu:

    “Thân tôi như bóng ma, như bọt nổi trên dòng nước. Tâm tôi tự nhìn vào chính nó thì rõ ràng là vô hình, chỉ như khoảng không gian trống rỗng, vậy thì từ nơi đâu trong đây nhận ra được âm thanh? Ai đang nghe?”

    Cứ tự hỏi như thế bằng tất cả sự tha thiết, không hề buông lơi lòng nhiệt thành thì cái đầu óc lý sự sẽ kiệt quệ, dần dần chỉ còn lại nỗi thắc mắc mênh mông về câu hỏi không có giải đáp. Cuối cùng, ý thức về thân của bạn sẽ mất luôn. Những khái niệm và tư tưởng từ bao lâu nay chất chứa trong tâm bạn sẽ biến mất sau khi sự tra vấn tiến đến mức cùng cực, như là tất cả những giọt nước biến mất khỏi cái bình vỡ đáy, ngay đó hiển lộ tình trạng Triệt Ngộ như hoa bất thình lình nở bung trên cành cây héo tàn.

    Tới đây là quý vị đã đạt được sự giải thoát chân thật. Tuy nhiên, đến giai đoạn này là lúc mà quý vị phải liên tục xả bỏ những gì đã nhận thức, dẹp luôn khái niệm về nhận thức, dẹp luôn chủ thể nhận thức, nghĩa là quyết tâm thấu suốt tận đáy, Tự Tánh sẽ hiển lộ ngày càng bừng sáng hơn và trong suốt, trong khi những vọng niệm u mê tan biến như viên ngọc được chà bóng sáng choang, cuối cùng sẽ chiếu rực rỡ khắp cả vũ trụ.

    Quý vị đừng nghi ngờ! Nếu trong đời hiện tại mà niềm khao khát giác ngộ của quý vị chưa đủ mạnh để đưa đến được trạng thái này, thì chắc chắn quý vị sẽ dễ dàng Tự Ngộ trong kiếp tới, với điều kiện là quý vị giữ được sự tra vấn miên mật cho tới khi lâm chung, y như là một việc đang làm dở dang hôm nay thì ngày mai sẽ dễ dàng hoàn tất.

    Khi tọa thiền, nếu có niệm tưởng khởi lên, đừng coi thường cũng đừng trân trọng, chỉ tìm tâm mình, đó là ngọn nguồn của tất cả những tư tưởng và ý niệm. Phải hiểu rằng tất cả những gì xuất hiện trong ý thức hoặc trước mắt đều là ảo giác, không phải là thực thể bền vững. Vì thế không nên sợ hãi hoặc say mê những loại hiện tượng này. Nếu quý vị giữ được tâm mình trống rỗng như khoảng không gian, không bị ô nhiễm vì ngoại cảnh thì không ma quỷ nào có thể làm phiền, ngay cả trong giờ phút lâm chung.

    Trong lúc tọa thiền, quý vị đừng giữ lại gì trong tâm, kể cả những lời khuyên này. Quý vị phải quyết liệt chỉ làm một việc là hỏi “Tâm này là gì?” hoặc “Cái gì đang nghe những âm thanh này?”

    Khi Ngộ được Tâm này, quý vị sẽ biết chính nó là cội nguồn của chư Phật và của tất cả hữu tình chúng sinh. Bồ tát Quán Thế Âm có tên gọi như thế vì ngài đã chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông, thông suốt nguồn gốc âm thanh của tất cả thế gian.

    Làm việc hoặc nghỉ ngơi, luôn cố gắng nhận ra ai đang nghe. Dù câu hỏi đã gần như chìm vào vô thức, quý vị cũng không thể tìm ra ai đang nghe và tất cả mọi cố gắng của quý vị sẽ chỉ là hư ảo. Ấy thế mà vẫn nghe thấy âm thanh, cho nên lại càng tự hỏi thâm sâu thêm nữa. Cuối cùng thì tất cả mọi dấu vết của tự thức đều tan biến và quý vị sẽ cảm thấy như bầu trời trong vắt không một sợi mây. Quý vị sẽ không còn thấy có cái “Tôi” đồng thời cũng không tìm ra được người đang nghe. Tâm này như khoảng không gian nhưng cũng không có một vết tích nào để có thể được gọi là trống rỗng.

    Trạng thái này thường bị nhận lầm là Giác Ngộ. Nhưng hãy tiếp tục tự hỏi một cách kịch liệt hơn nữa “Bây giờ ai đang nghe?” Cứ tiếp tục như thế, thắc mắc càng lúc càng thống thiết hơn, chẳng còn để ý tới gì khác, thì ngay cả đến cái cảm giác trống rỗng cũng sẽ biến mất và quý vị sẽ không còn nhận thức về bất cứ điều gì, chỉ còn lại khoảng không gian đen tối mênh mông. Đừng ngưng tại đây, cứ tiếp tục tự hỏi bằng tất cả sức bình sinh “Ai đang nghe đây?”. Chỉ khi quý vị đã đẩy thắc mắc đến chỗ hoàn toàn kiệt quệ thì câu hỏi sẽ bùng vỡ, bạn sẽ cảm thấy như một người trở về từ cõi chết. Đó là Chân Ngộ. Bạn sẽ nhìn thấy tận mặt tất cả chư Phật trong pháp giới và tất cả chư Tổ từ thời quá khứ tới nay.

    Đến đây, hãy tự trắc nghiệm bằng công án:

    Một vị tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là ý của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma từ Tây Trúc sang Trung Hoa?”

    Triệu Châu trả lời: “Cây bách trước sân”.

    Nếu với công án này mà quý vị còn có một chút xíu thắc mắc, dù là nhỏ nhiệm, thì quý vị vẫn còn cần phải tiếp tục câu hỏi

    “Ai đang nghe đây?”

    Không giác ngộ ngay trong đời này thì quý vị còn chờ đến bao giờ? Chết mất rồi sẽ khó tránh phải chịu khổ lâu dài trong Tam Ác Đạo. Cái gì ngăn trở quý vị giác ngộ giải thoát. Không có gì ngăn trở ngoại trừ khát vọng nửa chừng của chính quý vị đối với chân lý.

    Hãy suy tư và dành tất cả sức bình sinh vào điều này.

  9. #59
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post

    Dharma Talk on One Mind
    Thiền sư Bassui (1327)

    * dịch giả: Vy Khanh
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #60
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Nhưng hãy tiếp tục tự hỏi một cách kịch liệt hơn nữa
    Cực kỳ quyết liệt.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Vào chùa Việt
    By Dân in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 1
    Last Post: 11-20-2013, 05:50 AM
  2. Học chùa
    By Triển in forum Giáo Dục
    Replies: 2
    Last Post: 06-29-2013, 10:11 PM
  3. Các Ni sư tự xây chùa Ni Viên Thông Tự ở Houston, Texas
    By Mây Hồng in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-07-2012, 10:29 AM
  4. Lên chùa cúng sao
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 69
    Last Post: 03-16-2012, 10:46 AM
  5. Con sãi ở chùa lại quét lá đa
    By Triển in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 2
    Last Post: 11-15-2011, 10:25 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:09 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh