PDA

View Full Version : Quê hương



Triển
09-09-2012, 01:21 AM
Những người Đức mới

Anna Reimann

http://cdn1.spiegel.de/images/image-393990-panoV9free-vhxy.jpg
tác giả Phạm, Bota, Topçu: "Chúng tôi cảm thấy mình không phải là phần tử của xã hội"



Họ đã thành công hội nhập vào xã hội Đức nhưng vẫn còn tìm kiếm một nơi chốn gọi là quê hương. Ba nữ ký giả Alice Bota, Phạm Khuê và Özlem Topçu phác họa trong quyển sách mang tự đề "Những người Đức mới như Chúng tôi" [1] một bức chân dung thế hệ của họ kèm theo sự phân tích thẳng thừng xã hội Đức.



Bá Linh - Họ cảm thấy "được sống quá tốt ở đất nước này". Họ cảm thấy "Chúng tôi còn 'Đức' hơn chúng tôi nghĩ. Nhưng điều đó có gì nghiêm trọng vậy?" Không phải tất cả quá tốt sao? Không phải như thế. Alice Bota, Phạm Khuê và Özlem Topçu đã thừa hưởng tất cả những thứ mà người ta thường gọi là "hoàn cảnh người nhập cư" [2], và hiện đang là ký giả cho tờ báo "Zeit" mà họ diễn tả là "Đức nhất trên đất nước Cộng hòa".

Mặc dù như vậy họ vẫn phải bám chặt lấy nơi đây làm gốc rể, phải mơ ước chốn này trở thành quê hương. Mặc dù họ đã hội nhập thành công vào xã hội Đức và có thể được xem như là tấm gương sáng, họ vẫn không đủ tự tin khi phác họa chân dung của mình: "Chúng tôi cảm giác rằng mình không phải là phần tử của xã hội". Họ viết, "thỉnh thoảng thấy mình như những kẻ góp nhặt để sống cuộc sống Đức của mình".

Ba nữ ký giả đã viết thành sách kể về cuộc sống của họ ở nước Đức. "Những người Đức mới như Chúng tôi" không đại diện cho loại văn chương tự sự ủy mị tìm kiếm một quê hương, mà là một quyển sách nghiêm trang đứng đắn, không có văn phong tường thuật tự thán về "cuộc sống Đức", điều mà họ vẫn chưa được phép cảm nhận.


Hi vọng khi viếng thăm quê hương của cha mẹ họ

Ở Đức vẫn có chuyện thù hằn chống đối những người di dân. Các nữ tác giả đặt câu hỏi rằng sự từ chối khác biệt này sẽ đi về đâu ở những thập niên tới? Họ viết, "trên căn bản, cảm giác của chúng tôi so với cảm giác của những kẻ không chấp nhận sự hiện diện của chúng tôi ở đây không khác biệt gì bao nhiêu. Những người này cũng chỉ tranh đấu cho cái nơi mà họ cảm nhận thuộc về họ, là quê hương của họ mà thôi. Như vây thì những cảm giác những kẻ đó sẽ bị tổn hại gì, nếu chúng tôi, những người Đức mới, được có hơn một ít quê hương? Căm tức sẽ tăng dần ở đôi bên hay là sẽ dịu đi bởi vì ai cũng nhận thấy rằng những thay đổi này cũng không quá lớn và tất cả chúng ta hãy tập làm quen với điều này thôi? "

Câu chuyện của Alice Bota bắt đầu bằng cơn sốt ở Đức. Khi cha mẹ cho cô biết sau khi đặt chân lên Đức quốc một tuần, rằng gia đình họ sẽ không bao giờ trở về Ba Lan nữa. Cú sốc này khiến cô bé Alice lúc bấy giờ tám tuổi ngả bệnh. Bota kể lại cha mẹ cô đã thay đổi tọa độ hướng về Đức như thế nào. Cãi lộn cũng bằng tiếng Đức, dẫu nặng nề âm hưởng thổ ngữ Ba Lan còn xử dụng mạo từ thì sai tuốt luốt. Bota kể lại những chuyện khi còn là bé gái thích đọc những truyện tranh về ngựa, chẳng muốn làm quen với các đứa bé gái người Ba Lan khác, sau này lúc học đại học xin cha mẹ hãy nói tiếng Ba Lan với cô, vì cô đã quên gần hết. Bota kể lại cảm giác gần gũi khi sống trong một ký túc xá nhiều sinh viên Ba Lan, vì không ai đặt câu hỏi về gốc gác của mình cả.

Phạm Khuê thuật lại điều mà cô đến hôm nay vẫn thấy phiền, nếu người khác hỏi cô về gốc rể của mình, dù cô là người Bá Linh thực thụ: "Tại sao những người khác nói chuyện với tôi cứ xem tôi như cái cây vậy? Sinh quán của tôi và gia đình của tôi đâu phải là một vấn đề trầm trọng gì? Tôi chỉ không thích nói ra với những người mà bình thường tôi cũng không tâm sự chuyện cá nhân với họ". Cô Phạm kể chuyện có cha mẹ nghiêm khắc, cho học vũ Ba Lê, cho học Trung hồ cầm [3], kể về chuyện gia đình là nơi cô nương tựa mà cũng là nơi có nhiều áp lực.

Cô Özlem Topçu kể lại chuyện lần đầu vào ngày lễ hội hóa trang bị cha cô biến thành hề, vì mẹ cô phải bận đi làm việc theo ca. Lúc đến mẫu giáo mới thấy mình chẳng giống tụi Đức gì cả, mấy đứa trẻ này ăn vận trông vui mắt quá, còn mình thì ôi thôi, mong được tan biến vào không khí luôn cho rồi. Topçu kể lại những chuyện như không có mối liên hệ nào giữa những thế giới này, thế giới học đường ban sáng, thế giới ở nhà ban trưa. Cô kể lại chuyện cố gắng bắt kịp tất cả, trở thành "học trò ưu tú của thế chiến thứ hai" [4], và "cố gắng biến lịch sử nước Đức thành lịch sử của mình, chỉ có điều là không có ông nội trong lực lượng vệ quốc thôi". [5]


"Chúng tôi cứ nghĩ rằng những người cha mẹ Đức mạnh mẽ hơn cha mẹ mình"

Khi về thăm quê hương cha mẹ mình ở Việt Nam, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, các nữ tác giả luôn hi vọng rằng, có thể sẽ bất giác có được cảm giác quê nhà. Họ kể lại họ đã cảm nhận được "hạnh phúc", cảm nhận được sự "ấm áp", cảm nhận được sự tiếp đón như "khách quý", nhưng rồi sau cùng họ cũng mừng rỡ, là tốt nhất được bay về Đức trở lại, vì chỗ kia là quê hương của cha mẹ họ và họ không bao giờ yêu mến đất nước đó như cha mẹ mình được.

Họ kể lại phản ứng của cha mẹ mình, lúc còn bé thường phải hướng dẫn cha mẹ đâu mới là nhược điểm, đâu mới là lợi thế của mình. Những chuyện này cũng được kể trong quyển sách như "họ xử dụng quyền làm cha mẹ trấn áp ngay, khi chúng tôi mới chính là người thường xuyên hướng dẫn họ ở Đức ra sao chứ không phải ngược lại" và "Chúng tôi có cảm giác cha mẹ người Đức mạnh mẽ hơn cha mẹ mình".

Những mẩu chuyện của các nữ tác giả quyển sách và cha mẹ của họ cũng là một phần lịch sử Đức quốc, một phần lịch sử vẫn còn quá mù mờ kể từ ngày người thợ khách đầu tiên đặt chân lên nước Đức cách đây gần sáu mươi năm, bởi vì hậu nhân của họ ít khi ngồi lại vị trí có thể làm nổi bật họ. Với quyển sách "Những người Đức mới như Chúng tôi" các nữ ký giả trẻ Bota, Phạm và Topçu đã thành công phác họa được bức chân dung thế hệ của họ, một thế hệ son trẻ di dân có trình độ kiến thức, hội nhập mạnh mẽ và cũng có nhiều nhu cầu ở Đức quốc. "Cha mẹ chúng tôi di dân đến đây, còn chúng tôi thì sinh trưởng ở đây, cho nên chúng tôi cảm nhận đất nước này thuộc về chúng tôi hơn cha mẹ mình. Chúng tôi đòi hỏi nhiều và cũng chờ đợi nhiều hơn".

Song song đó, quyển sách cũng minh họa được rõ ràng tuy là đau lòng, về chuyện tất cả chúng ta đã mất rất nhiều thứ, nếu chúng ta cứ không chịu hiểu nhau. Mẹ của Topçu chưa bao giờ được đồng nghiệp hỏi cảm giác ra sao khi rời bỏ chốn quê nhà mà thường hỏi bao giờ muốn trở về cố quốc, ngay cả trong ngày mẹ cô làm việc lần cuối cùng. Ngược lại chúng ta không cần phải hỏi mãi những người như cô Topçus, cô Bota và cô Phạm ngày nay rằng, họ xuất thân từ đâu nữa. Họ xuất thân từ Bá Linh, Hamburg, Flensburg, Munich hay là Dortmund đó.

Chúng ta có thể hỏi họ những chuyện hoàn toàn khác, họ chắc chắn đã phải suy nghĩ lại rất nhiều chuyện trong đời. "Những người Đức mới như Chúng tôi" đã cho thấy rằng "bản sắc lẫn lộn" [6] (các nữ ký giả gọi như thế giữa hai quốc gia trong sách của họ) không chỉ thỉnh thoảng dày vò họ, mà cuộc sống cũng phản ảnh tâm trạng khác, cần được cư xử tốt hơn, cần được đối đãi nhiều khía cạnh tử tế hơn.


Chú thích:

[1] "Những người Đức mới như Chúng tôi" = "Wir die neuen Deutschen"
(ảnh bìa quyển sách)
https://www.morebooks.de/assets/product_images/9783498006/big/2913062/wir-neuen-deutschen.jpg

[2] hoàn cảnh người nhập cư = migration background
[3] Trung hồ cầm = Cello
[4] học trò ưu tú của thế chiến thứ hai = World War II Nerd
[5] ông nội trong lực lượng vệ quốc = Wehrmacht Grandpa
[6] bản sắc lẫn lộn = hybrid personal identity


Tác giả:

*- Phạm Khuê sinh năm 1982 ở Bá Linh. Học trường London School of Economics sau đó làm việc cho tờ "Guardian". Cô Phạm cũng học trường chuyên nghiệp báo chí Henri-Nannen-Schule ở Hamburg. Từ năm năm 2010 cô là ký giả chuyên viết về chính trị cho tờ "Zeit".

http://cdn3.spiegel.de/images/image-393992-hpcpleftcolumn-ypyk.jpg



*- Alica Bota sinh năm 1979 ở Krapkowice thuộc Ba Lan, đến Đức với cha mẹ lúc tám tuổi. Sau khi có tú tài, Bota học đại học môn Khoa Học Chính Trị và Văn Chương Đức Thời Đại Mới. Sau đại học, cô học nghề làm ký giả tại trường báo chí ở Munich và làm ký giả chuyên viết về đề tài chính trị cho báo "Zeit". Năm 2009 cô nhân được giải thưởng ký giả trẻ Axel-Springer-Preis

http://cdn1.spiegel.de/images/image-393994-hpcpleftcolumn-jjrp.jpg


*- Özlem Topçu sinh năm 1977 ở Flensburg. Cô học đại học ngành Khoa Học Hồi Giáo, Khoa Học Chính Trị và Khoa Học Truyền Thông. Topçu tốt nghiệp trường báo chí Axel-Springer. Từ năm 2009 cô làm ký giả chuyên viết về chính trị cho tờ "Zeit". Cô từng nhận được giải Theodor-Wolff-Preis

http://cdn2.spiegel.de/images/image-393989-hpcpleftcolumn-cisy.jpg




(* dịch lại từ: Die neuen Deutschen (http://www.spiegel.de/politik/deutschland/wir-neuen-deutschen-journalistinnen-schreiben-buch-zu-integration-a-851311.html) )